Phía sau bóng tối - 05.
Bống:
Một mình ngồi ở trạm xe buýt, tôi bắt đầu ngày mới với tâm trạng nặng nề. Trời hôm nay rất đẹp. Nắng ấm áp, trời trong xanh, những ngọn gió mát lành và không khí cũng chẳng xô bồ hay tấp nập. Một ngày như thế xứng đáng được tán dương nhưng ngực tôi lại trống rỗng, hay đúng hơn nó bị đè nặng bởi một cảm xúc không thể nói thành lời.
Xe dừng lại trước mặt tôi như mọi lần nhưng cảm giác bước lên dường như nặng nề hơn. Có lẽ do tuyến đường dài hơn, mà cũng có lẽ do tôi không thích đến tận trạm cuối.
Ngồi vào chiếc ghế đơn quen thuộc, tôi đáp lại nụ cười của cô phụ xe rồi bắt đầu nhìn ra ngoài. Trời còn sớm. Nắng chỉ vừa đáp xuống mặt đường và giọt sương vẫn còn đọng trên những chiếc lá nhưng mọi người đã thức giấc. Tiếng rộn ràng của cuộc sống đã bắt đầu ngân lên, nhẹ nhàng như bài hát đang được bật.
Một ngày quá đẹp để đi đến nghĩa trang.
Ừ! Tôi đang đến nghĩa trang để gặp người chị kì lạ của mình. Một người chị tôi không bao giờ hiểu nổi.
Chênh nhau năm tuổi nghĩa là chúng tôi chẳng học chung một cấp nào. Tôi vào cấp một, chị đã học cấp hai. Khi tôi còn lông bông ở tuổi dậy thì chị đã thành thiếu nữ. Suốt tuổi thơ đằng đẵng, tôi luôn sống dưới cái bóng của chị. Mọi người thường không biết tôi là ai, chỉ nhận ra là em gái chị.
Chị trong mắt tôi và những người xung quanh là một cô gái hoàn hảo. Chị xinh đẹp, ngoan hiền, học giỏi và chưa bao giờ có điều tiếng. Chị với tôi là hai thái cực khác hẳn nhưng bằng cách nào đó, có lẽ do sự bao dung chị dành cho tôi mà chúng tôi luôn thân thiết. Chị là người duy nhất trong nhà chấp nhận sự khác biệt của tôi. Mẹ luôn đón đầu bằng những lời mắng nhiếc, ba lúc nào cũng cầm roi ngay cổng, chỉ có chị luôn mỉm cười mỗi khi tôi trở về.
Có đôi khi tôi nghĩ rằng chỉ có chị là nhà thôi.
Tôi nhớ năm chị mười tám, chị đậu trường nào đó nhưng ba muốn chị đi kinh tế. Chị nghe lời, nhập học được một năm thì bỏ. Tôi nhớ rõ cơn giận của ba khi ấy và cả những lời khó nghe của mẹ. Chị chỉ đứng đó, lặng lẽ khóc mà không nói gì.
Đến bây giờ tôi vẫn luôn tự hỏi: sao khi đó không đến hỏi chị vì sao? Tôi luôn tự hào vì mình khác mọi người nhưng tại sao khi đó tôi lại hùa theo họ? Tại sao tôi nghĩ rằng chị đã sai?
Mọi người đồn đoán rất nhiều về chị. Họ bảo chị yêu đương, thất tình nên bỏ học. Có kẻ còn ác đến nỗi nói rằng chị mang thai nên mới nghỉ. Tôi biết chị không như thế nhưng lại chẳng hỏi chị đến một lời. Chỉ vì một đứa bạn hỏi tôi chị mày bỏ học phải không, tôi đã không nói chuyện với chị nữa.
Xe buýt chuyển rẽ khỏi đường lớn, đi về phía ngoại ô. Đường sá đã chẳng còn đông đúc. Tiếng còi xe, tiếng rao hàng đã lùi lại phía sau, nhường chỗ cho tiếng nhạc lãng mạn vẫn phát qua radio hàng giờ. Hai bên đường đã chẳng còn nhà cửa mà thay bằng những hàng cây cao chót vót phủ đầy lá vàng.
Vẻ lung linh của những tia nắng lọt qua tàng cây khiến tôi nghĩ đến chị. Cũng lấp lánh như thế, xinh đẹp như thế, và… xa vời như thế.
Chẳng rõ từ bao giờ, người chị rực rỡ của tôi bỗng biến thành lặng lẽ. Chị tồn tại trong nhà như một cái bóng đầy u uất và buồn rầu. Chẳng nhớ nổi bao nhiêu lần chị gục ngã trước lời nói của ba mẹ, khóc tức tưởi giữa bữa ăn. Để rồi sự mềm yếu ấy theo thời gian trở thành chai lỳ. Chị chẳng khóc nữa. Mà cũng chẳng cười.
Chị ít nói, ít cười, ít xuất hiện. Chúng tôi quen dần với những bữa cơm thiếu chị, còn coi là hiển nhiên. Chẳng nhớ nổi bao nhiêu lần tôi thấy chị lặng lẽ ở hành lang tầng hai, chỗ tranh sáng tranh tối chẳng rõ mặt người. Có lần đi chơi về trễ, tôi thấy chị ngồi ở sân thượng lộng gió, cả bầu trời tối đen đè nặng lên vai.
Tôi cứ nghĩ chị sẽ như thế mãi cho đến một ngày, tôi nghe tin chị tự sát.
Từ trường ào đến bệnh viện, tôi nghe mẹ nói rằng: chị đã được cứu, ba đang trông, chúng tôi phải về nhà lấy đồ dùng vào viện. Cổng nhà chưa kịp mở, mẹ lại nhận được tin: chị qua đời.
Tôi chẳng hiểu chuyện gì, chỉ biết đứng như trời trồng mặc mẹ gào khóc. Tôi không tin điều mình vừa nghe. Chẳng có lý nào chị lại chết. Chị còn chưa qua nổi tuổi 23.
Tang lễ của chị tôi không được tham dự, cũng không được thấy chị lần cuối. Họ bảo để chị không mang được tôi đi. Chẳng bao giờ tôi tin điều ấy nhưng họ nhốt chặt tôi trong phòng, ngày đưa chị đi mới mở cửa.
Suốt tang lễ của chị, tôi chẳng thể nào chợp mắt. Dù tôi chẳng tin chị chết đâu nhưng nước mắt lại rơi mãi không ngừng. Tiếng cười bên ngoài cổng kéo tôi đến cửa sổ. Đêm đã khuya, người tới thắp nhang đã vãn, chỉ còn vài người ở lại trông đám. Họ đánh bài, tiếng cười nói sát phạt như kim đâm vào lòng tôi nhức nhối. Anh họ tôi cũng ngồi ở đó, chính anh ta bảo rằng chị tôi thất tình mới bỏ học. Tôi chẳng tưởng tượng nổi trong đầu anh ta còn đang bịa đặt chuyện gì về chị.
Tôi chẳng nghĩ nhiều, lập tức cầm cái bình sứ trên bàn ném thẳng xuống dưới. Tiếng xôn xao bên ngoài càng khiến cổ họng tôi nghẹn đắng. Gục đầu xuống giường, tôi nghĩ về chị, người đã dịu dàng che chở tôi lớn lên để rồi bị chính tôi đẩy đi khi vấp ngã.
Tôi ghét mình tại sao không hiểu ra sớm hơn? Những tiếng xì xào kia chẳng giúp ích gì cho chúng tôi cả. Tại sao tôi lại vì chúng mà đẩy chị ra xa, để rồi bây giờ chẳng níu kéo được nữa.
Ngày họ đưa chị đi, tôi được thả. Tôi vào phòng chị lục lọi. Tôi muốn biết tại sao chị lại làm thế? Tự sát những hai lần. Người chị hiền lành của tôi tại sao lại quyết tuyệt đến mức người khác khó chịu thế này?
Tìm thấy nhật ký của chị trong một góc tủ, tôi chẳng nhớ rõ điều mình cảm thấy, chỉ biết tim như nghẹt lại, phổi nổ tung còn hơi thở thì đã tắt. Tôi chưa từng biết chị đau đớn đến thế. Chị cô độc trong ngôi nhà này. Chị bơ vơ giữa những người thân thiết.
Chị luôn sống vì mọi người và chọn cái chết vì chính mình.
Xe buýt dừng ở trạm, tôi vội vàng đi xuống. Tôi sợ họ thấy tôi khóc. Mặc dù nước mắt rơi vì chị chẳng có gì đáng xấu hổ nhưng chẳng phải đần lắm sao? Khi không lại khóc trước mặt những người lạ? Họ còn chẳng biết tôi khóc vì điều gì, họ chỉ nghĩ tôi điên thôi.
Nghĩa trang luôn đìu hiu như thế. Rộng lớn, bao la hơn với những nấm mồ. Chị không được chôn gần gia đình, họ bảo như thế là không tốt. Tôi lại chẳng biết để chị lẻ loi giữa những người xa lạ này có gì tốt nhưng ít nhất chị đã được ra ngoài, được nhìn thế giới ngoài kia theo cái cách mà chị muốn.
Chẳng bất ngờ khi có người đến trước tôi. Chị Linh đứng trước mộ chị với một bó cúc vàng. Chắc chị ấy quên mất rồi, chị tôi không thích cúc.
- Em chào chị ạ.
Chị Linh gật đầu, lau vội nước mắt:
- Bống đến rồi à? Chị có nấu chè cho chị em mà để quên trên bàn mất rồi.
Tôi quỳ xuống trước mộ, thay chị tôi phủi đi những chiếc lá vàng:
- Không sao. Em có mang.
Chị tôi trong tấm bia cười rất tươi. Gương mặt trẻ trung và ánh mắt sáng ngời. Tôi nhớ trang giấy đầy máu tìm thấy trong kẹt tủ. Nó đầy chữ của chị. Những nét viết tròn trịa đầy cứng cỏi bị máu nhuộm thành màu đen xì. Tôi không hiểu nó nghĩa là gì, cũng như chẳng hiểu chị nghĩ gì.
- Chị Phương không tới hả chị?
Tiếng sụt sùi phía sau trả lời:
- Nó có thai, không đi xa được.
Tôi gật gù. Nghĩa trang cũng không phải nơi bà bầu được đến.
- Nghe nói chị sắp đi nước ngoài?
- Ừ! Học chuyên tu.
- Chúc mừng chị.
Chị ấy bụm miệng khóc, chẳng nói thêm tiếng nào.
Tôi nhìn người con gái vẫn cười vô tư trước mặt, không nén nổi tiếng thở dài.
Tôi đoán là cả đời này tôi cũng không thể hiểu chị.