Và Thế Là Chúng Ta Tiêu - Chương 08
Trở Về Và Ra Đi
Khi không thể nào nghĩ ra được - Benny nhìn thấy Carl - Phụt rửa con hẻm - Kiểu tóc của Marcia - Một sự xúc phạm vô ý - Hợp đồng mới - Một đề nghị đối với Genevieve - Quầy căng tin - Lụn bại - Sự khác biệt giữa Joe và những người còn lại chúng tôi - “Lũ người này” - Một người kênh kiệu - Tháp Nước - Tại sao thế không phải là cay nghiệt - Vòi tưới vườn - Joe đưa ra quyết định
Buổi sáng chúng tôi đến cơ quan và treo áo khoác của mình lên sau cánh cửa rồi ngồi xuống bàn làm việc và lướt qua email của tối hôm trước xem có gì hay hay. Chúng tôi nhấm nháp những tách cà phê đầu tiên của mình và xóa thư thoại rồi lại kiểm tra các trang web đã được đánh dấu. Đó đã có thể là một ngày như bất kỳ ngày nào khác, và lẽ ra chúng tôi phải lấy làm biết ơn, thậm chí là hoan hỉ, khi không thấy tuyên bố phá sản nào đang chờ đợi chúng tôi trong hộp thư và không có quyết định toàn công ty nào thông báo về việc tống khứ ra khỏi tòa nhà. Chúng tôi có đủ mọi lý do để tin rằng bộ phận quản lý bảng lương vẫn công nhận sự tồn tại của chúng tôi, rằng Aetna[33] đã được thanh toán và vẫn duy trì sự cam kết đối với sức khỏe của chúng tôi, và không có ai được cấp lệnh tịch thu những chiếc ghế của chúng tôi.
Ấy thế mà tại sao nỗi bực dọc vẫn cứ bao trùm khắp các gian sảnh lớn và phòng làm việc? Điều gì làm cho buổi sáng nay khác với những buổi sáng tương tự?
Chính là những mẫu quảng cáo từ thiện dở dang đã lẩn tránh chúng tôi ngày hôm trước. Chúng tôi được yêu cầu - liệu có thể nào không chứ - sáng tạo ra một quảng cáo làm cho những bệnh nhân ung thư vú phải bật cười, một nhiệm vụ lạ lùng và quái đản. Mục đích là để làm gì chứ? Không thành vấn đề. Công việc của chúng tôi không phải là đi hỏi mục đích là gì. Một khi đó đã là công việc của chúng tôi rồi, thì không có gì được trình bày tới những khách hàng tương lai trong bản giới thiệu năng lực và trên trang web lại có thể thoát khỏi những con mắt mở thao láo của chúng tôi. Mục đích của một tấm biển quảng cáo khác bên ngoài sân bay O’Hare ấy à? Một loạt thư quảng cáo khác trên bàn bếp của các bạn ư? Xin cứ việc đi mà nặn ra một lý lẽ cho việc đẻ thêm những thứ vốn đã quá ư thừa mứa đó. Nếu như chúng tôi mà phải đặt câu hỏi về mục đích, chắc chắn chúng tôi đã rơi vào một cuộc khủng hoảng hiện sinh nhanh chóng dẫn đến việc chúng tôi đặt câu hỏi đối với toàn bộ hệ thống kinh doanh Mỹ. Chúng tôi phải không ngừng tự nhủ mình hãy quên chuyện mục đích đi, chúi cái mũi xuống, và tập trung vào cái nhiệm vụ lổn nhổn và độc nhất vô nhị trong tay. Ung thư vú thì có gì buồn cười nhỉ?
Chúng tôi không có câu trả lời, và điều đó đang làm chúng tôi lo lắng. Jim Jackers, sợ cái trang trống trơn và tìm kiếm phương hướng từ quần chúng nhân dân, không phải là người duy nhất phải chịu đựng nỗi lo âu về việc giao nộp những sản phẩm giẻ rách. Một quảng cáo giẻ rách có thể tạo ra sự khác biệt giữa người mà họ giữ lại và người mà họ cho nghỉ. Không ai có thể nói rằng đó là tiêu chuẩn, nhưng cũng không ai có thể nói là không phải.
Nhưng đâu chỉ có công việc của chúng tôi đang bị đe dọa, phải không? Khi chúng tôi gặp khó khăn trong việc nặn ra một quảng cáo, uy tín của chúng tôi cũng trở nên mong manh. Một phần rất lớn lòng tự trọng của chúng tôi được xây dựng dựa trên niềm tin rằng chúng tôi là những chuyên gia marketing tài giỏi, rằng chúng tôi biết điều gì làm cho thế giới chuyển động - rằng thực ra, chúng tôi bảo cho thế giới biết phải chuyển động như thế nào. Chúng tôi biết điều đó, chúng tôi biết điều đó rõ hơn những người khác, chúng tôi biết điều đó rõ đến nỗi chúng tôi có thể dạy lại cho họ. Sử dụng một loạt các phương tiện truyền thông, chúng tôi có thể chứng tỏ cho người dân Mỹ anh em của mình những nỗi lo lắng, khát vọng, thiếu thốn, và bực bội của họ - và làm thế nào để vuốt ve tất cả họ. Chúng tôi cho bạn biết chỉ trong sáu giây rằng bạn cần một thứ mà bạn không hề biết là bạn thiếu. Chúng tôi làm cho bạn thèm muốn bất kỳ điều gì mà bất kỳ ai sẵn lòng trả tiền cho chúng tôi muốn bạn thèm muốn. Chúng tôi là những tay súng đánh thuê của linh hồn con người. Chúng tôi giật dây người dân khắp cả nước, và có Chúa biết là họ đã đứng lên và nhảy múa theo chúng tôi.
Vậy thì chúng tôi biết phải hiểu thế nào với một trang phác họa trống trơn hoặc một màn hình máy tính trống không? Làm sao chúng tôi có thể tự phỉnh rằng thất bại của mình không phải bản cáo trạng về việc chúng tôi là những kẻ lừa đảo dốt nát và rời rạc mà là một thứ gì đó khác? Chúng tôi trở nên lạc hậu, lỗi mốt. Chúng tôi mù tịt không biết làm cách nào để chạm vào khát vọng cơ bản của con người. Chúng tôi thiếu sự hiểu biết căn bản về cách làm thế nào để tạo động lực cho lũ người mộng du hèn kém. Chúng tôi thậm chí còn không biết chơi thứ nhạc cụ đơn giản đó, được cài sẵn trong vỏ não tập thể của cái đất nước này, thứ tạo ra nỗi sợ hãi - một bản nhạc thô mộc, đơn điệu. Linh hồn của chúng tôi cũng lầm lạc và cần được dẫn dắt chẳng khác gì tất cả những người còn lại. Chúng tôi có là gì ngoài những con chiên như họ? Chúng tôi là họ. Chúng tôi là tất cả chúng ta - ấy thế mà suốt bao lâu nay chúng tôi vẫn tự cho rằng mình đứng cao hơn một chút so với những người khác. Quảng cáo dở dang có thể xô chúng tôi vào những cơn vật vã của nỗi tự ti và hơi hướm của sự tầm thường, và vì những lý do này - chứ không phải viễn cảnh được buôn chuyện và nhu cầu caffeine - chúng tôi nhận ra mình bị lôi ra khỏi phòng làm việc của mỗi cá nhân trong buổi sáng hôm đó để đến bên cạnh những người khác.
“Tôi thật không thể nào tin được,” Benny Shassburger vừa nói vừa rời khỏi phòng làm việc của anh ta ngay khi chúng tôi đã kéo nhau vào. Đây là một trò cũ rích của Benny - bỏ mặc chúng tôi đúng vào cái lúc chúng tôi cần đến anh ta nhất, như thế để chúng tôi biết rằng không bao giờ được xem nhẹ anh ta. Anh ta dừng lại một thoáng tại ngưỡng cửa và quay lại. “Chờ tôi đi lấy cà phê một chút rồi tôi sẽ kể cho các cậu nghe toàn bộ câu chuyện.”
Chúng tôi nói chuyện với nhau đến khi anh ta quay về. “Được rồi,” anh ta nói, và đi vào phòng với một chiếc ca đầy oặp, người phảng phất mùi bã cà phê thiu. Anh ta ngồi và chiếc ghế được bọc cầu kỳ lún xuống vì anh ta nhiều hơn một chút so với khi nó bị lún vì chúng tôi. Anh ta ngồi ngay ngắn tại bàn và nói, “Biết sáng nay tôi nhìn thấy ai đỗ xe ngay bên ngoài tòa nhà nhưng - gì vậy?” Anh ta dừng lại ở giữa câu. Anh ta có gì đó - “Ở đâu?” Nó nằm trên má bên kia của anh ta - chúng tôi cầu Chúa là anh ta tìm được nó nhanh nhanh lên cho. Anh ta quệt cái bộ mặt nhẵn nhụi của mình và nhìn xuống. “Vỏ bánh rán,” anh ta nói.
Có bánh rán à? Câu chuyện của Benny đành phải chờ những người trong chúng tôi muốn ăn bánh rán. Những kẻ đã ăn rồi, hoặc những người đang kiểm soát cân nặng của mình, hoặc Amber Ludwig, người vừa mới bóc một quả chuối màu nâu và đang xơi dở dang, làm cái mùi chín nẫu đặc trưng của nó tỏa ra khắp phòng làm việc của Benny - chúng tôi ngồi yên.
Benny tiếp tục kể cho chúng tôi nghe rằng anh ta đã trông thấy Carl Garbedian ngồi trên xe đỗ ở khu vực dừng đón khách ngay bên ngoài tòa nhà, Marilynn ngồi ở ghế lái bên cạnh anh ta. Có lẽ đâu thế? Theo như chúng tôi hiểu thì Carl và Marilynn đang ly thân cơ mà. “Tất nhiên là họ đang ly thân,” anh ta bực bội nói. “Nhưng các người có để yên cho tôi kể chuyện cho mà nghe...”
Carl ngồi trên ghế hành khách của chiếc xe nhìn ra ngày mới. Kia là tòa nhà của anh ta, ngay phía trên, với tay ăn xin mà anh ta biết quá rõ đang ngồi khoanh chân gần những cánh cửa xoay, trông có vẻ mệt mỏi vào lúc sáng sớm như thế này, vì gã hầu như không còn sức mà ngúc ngoắc cái cốc Dunkin’s Donut của mình trước tất cả những người đi vào. Khi Carl liếc quanh, anh ta nhận ra bà con trong công ty đang cùng tụ về tòa nhà, nhưng không có ai mà anh ta muốn nói chuyện.
Ngay phía bên phải anh ta, một chuyện đáng tò mò đang diễn ra. Hai người đàn ông mặc đồng phục màu nâu đang phụt rửa con hẻm - một con hẻm cụt để bốc xếp hàng giữa tòa nhà của chúng tôi và tòa nhà bên cạnh. Carl chăm chú nhìn họ làm việc. Dòng nước trắng xóa phụt ra từ những chiếc vòi của họ. Họ di chuyển vòi nước phun trên mặt đường trải nhựa. Áp lực của vòi nước nhìn có vẻ mạnh, vì hai người đàn ông cầm chặt lấy những đầu vòi phun đen sì, giống cái loại vẫn nhìn thấy ở một hiệu rửa xe thủ công, bằng cả hai tay. Họ nâng vòi lên xịt rửa cả thùng rác lẫn tường gạch. Họ phụt rửa từng điểm, họ thu gom rác thải lại bằng dòng nước. Nói thẳng toẹt ra là họ đang xối rửa một con hẻm. Một con hẻm! Dọn dẹp nó! Carl bị thôi miên. Những cảnh kiểu này, sáu tháng trước, hẳn kiểu gì cũng làm anh ta phát điên lên, khi nhìn thấy những người đàn ông này, những người Mỹ thế hệ đầu tiên với không nhiều lựa chọn trong chuyện này, dành buổi sáng của họ trong cái hốc tối tăm của một con hẻm bốc xếp hàng - phụt rửa mặt đường và thùng rác - lạy Chúa lòng lành, chẳng lẽ công việc lại vô nghĩa đến thế sao? Chẳng lẽ cuộc sống lại vô nghĩa đến thế? Nó làm anh ta nhớ cái lần một mẫu quảng cáo bị một khách hàng dội nước vào, và cứ thế dội nước, cho đến khi tất cả những gì thú vị trong cái quảng cáo đó trôi sạch. Carl vẫn phải viết nội dung cho nó. Tay phụ trách mỹ thuật vẫn phải đặt bóng đổ ở chỗ phải có bóng đổ và cái logo ở vị trí thích hợp của nó. Đó là công đoạn được gọi là đánh bóng cứt. Hai thằng cha đần độn đáng thương đang phụt rửa con hẻm kia đang làm cái việc giống hệt như thế. Trên thực tế, khắp cả cái nước Mỹ này, người ta tỉnh giấc rồi ra khỏi giường ngày hôm nay tiếp tục cái nỗ lực đánh bóng cứt. Thì hẳn rồi, vì sự tồn tại, nhưng sát sườn hơn cả là vì một cha giám đốc bạo dâm hay một tay khách hàng óc bã đậu nào đó mà óc tưởng tượng bé tí cùng những ý tưởng đần độn đến ngây người của chúng đang gột sạch của thế giới tất cả những hy vọng và lẽ phải. Ấy thế mà cái thằng cha rậm râu điên rồ đang ngồi khoanh chân kia lại hầu như không thèm giơ hai cái bàn tay dơ bẩn của hắn lên để dễ dàng hơn cho ai đó ném cho hắn một đồng hai nhăm xu.
“Ừm, chúng ta phải tìm ra cách nào đó để đưa bà ấy vào,” Marilynn đang nói vào điện thoại di động của cô.
Carl hướng tâm trí của anh ta trở lại những tên ngốc danh giá đang cọ rửa tường gạch. Một điều nữa mà bình thường chắc đã khiến anh ta phát rồ là chỉ trong phút chốc anh ta có thể nghĩ ngay ra lời quảng cáo bán bình xịt rửa cho những cha giám đốc óc bã đậu đó. “Phát tán dung dịch đồng đều bảo đảm tẩy rửa tối đa với thời gian ngắn nhất,” anh ta thầm nghĩ trong đầu khi theo dõi hai gã kia làm việc, “trong khi áp lực mạnh từ góc phun của chúng tôi khiến cho việc tẩy rửa bất kỳ bề mặt nào cũng trở nên dễ ợt!” Khả năng nhanh nhạy của anh ta trong việc sử dụng thứ ngôn ngữ trơn tru và bóng bẩy đó, cái kiểu nói giả tạo đó, trong lúc vợ anh ta đang ngồi ngay bên cạnh nói chuyện với Susan về kết quả chụp tia X vú hoặc những phản ứng thuốc tiêu cực - tất cả lẽ ra đã vượt quá sức chịu đựng.
Ấy thế mà không quá sức lắm trong sáng nay, không quá sức lắm chẳng hiểu tại sao. Ôi chà, anh ta vẫn còn tinh tường và tỉnh táo về những triển vọng tối tăm của ngày hôm nay. Anh ta biết anh ta đã tự xích mình, vì số kiếp đáng nguyền rủa, vào cái nỗ lực ồ ạt, rầm rộ này - để làm việc, để đánh bóng cứt. Vậy mà anh ta đã thay đổi. Vì Marilynn đang ở bên cạnh anh ta nói chuyện điện thoại, thế mà anh ta không hề cảm thấy cần phải gọi cho cô và để lại một lời nhắn. Anh ta không thấy thích cởi quần áo trên xe. Marilynn đã cầm điện thoại di động lên, trong khi đây là một buổi sáng đầy tế nhị - buổi sáng đầu tiên sau cái đêm đầu tiên họ ở cùng nhau trong sáu tuần qua. Lẽ ra cô đã có thể có ý tứ phớt lờ nó cho đến khi anh ta đã ra khỏi xe. Nhưng không, cô đã nghe điện thoại giống hệt như mọi khi, bất chấp đó là một buổi sáng tế nhị - vậy mà khi Carl kiểm tra mình, anh ta không hề cảm thấy bị phớt lờ hoặc bị xem nhẹ, ít nhất thì cũng không đến nỗi quá lồng lộn. Tại sao lại thế nhỉ? Bởi vì Marilynn có một công việc phải làm. Chẳng phải là đơn giản vậy sao? Cũng giống như những người đàn ông kia phải phun rửa một con hẻm, cũng giống như anh ta phải đánh bóng cứt của một mẫu quảng cáo, Marilynn phải cầm điện thoại lên ở những thời điểm bất tiện và bàn bạc những cơ quan thụ cảm estrogen với Susan chết tiệt. Nhận ra điều này, anh ta không còn ngồi trên ghế hành khách mà hờn dỗi và nghĩ ra đủ trò để thu hút sự chú ý của cô vào mình nữa. Đó, theo cách anh ta đánh giá, là tiến bộ rồi. Đó là lời hứa của những viên thuốc nhỏ nhắn màu hồng kia khi dùng đúng liều lượng của chúng. Đó có thể xem như một phép mầu. Và khi Benny chạy tới đập vào cửa xe, hành động đầu tiên theo bản năng của Carl không phải là bực bội xua anh ta đi, mà là mỉm cười nửa miệng và khẽ vẫy tay. Benny vẫn là Benny, anh ta bước tới để theo dõi cặp đôi bất ngờ từ một cái thùng bỏ thư.
“Không,” vợ anh ta nói, “tôi không cảm thấy thoải mái khi đưa anh ta vào chuyện này.”
Đúng lúc đó Carl để ý đến một người phụ nữ đang băng qua phố. Trông cô ta quen quen, cho dù anh ta không thể nào nghĩ ra ngay được đó là ai. Đột nhiên anh ta bỗng nhớ ra. Không thể tin nổi! - cô ta đã biến đổi hoàn toàn. Thành một cảnh mộng. Một mỹ nhân thực sự. Không phải là Genevieve Latko-Devine, nhưng lạy Chúa tôi, ai mà đoán được là một chuyện như vậy lại có thể xảy ra chứ? Đó là Marcia Dwyer, và cô ta đã cắt tóc. Phăng đi cái mớ lòa xòa phủ ngay phía trên trán cô ta như một cơn sóng đen ngòm thô cứng, phăng đi cái bức tường gồm những lọn tóc xoăn bóng loáng buông thõng giữa hai xương vai của cô ta như một tấm mành hạt cườm rẻ tiền. Thế vào chỗ đó lúc này là một mái tóc được cắt đầy trang nhã đâu ra đấy, ngắn ở phía sau, lượn ôm lấy cằm cô ta ở phía trước và tự do tung bay trong gió. Màu của nó không còn là đen bóng như nhựa đường mà nâu hạt dẻ óng mượt. Nhìn cô ta thời trang chẳng khác gì người mẫu trong một quảng cáo dầu gội đầu. Carl bị ngợp trước sự thay đổi đó. “Anh không thể nào… em thử... Marilynn,” anh ta vừa nói, vừa vỗ vỗ vợ, “Marilynn, em thử nhìn mà xem kìa?” Anh ta đang chỉ qua kính chắn gió. “Em có nhìn thấy những gì anh nhìn thấy không?”
Lúc đó Marilynn đang mải chăm chú, nhưng sự phấn khích của Carl quả là khiến người ta phát hoảng. “Susan?” cô nói. “Susan, phiền cô chờ máy một chút được không?”
“Marilynn,” anh ta tiếp tục, “em có thấy cô gái đằng kia, người phụ nữ kia không?” Anh ta đang chỉ thẳng qua kính trước. “Nhìn thẳng về phía kia kìa, người vừa mới bước lên vỉa hè ấy, em có thấy cô ta không?”
“Người cầm cái ví vải bò ấy à?”
“Ừ,” anh ta nói. “Nhưng... hãy bỏ qua cái đó trong một phút, nếu em có thể. Và hãy nhìn cô ta! Nhìn cô ta ấy!”
“Em phải nhìn cái gì đây?” cô hỏi.
“Đó là Marcia!” anh ta thốt lên. “Marcia Dwyer! Marcia cắt tóc rồi!”
“Ồ,” Marilynn nói.
Hai vợ chồng họ nhìn Marcia đi vào tòa nhà. Marilynn nhìn sang chồng mình, chờ anh ta nói thêm điều gì đó. Nhưng anh ta vẫn đang nhìn tòa nhà, mê mải với những ý nghĩ của mình. Marilynn chờ thêm một lúc nữa trước khi tiếp tục câu chuyện của mình với Susan, để phòng còn điều gì đó nữa mà Carl muốn nói.
Với một số thao tác nhằm che đậy thực tế rằng anh ta vừa do thám, Benny đi vòng lại ra chỗ xe của vợ chồng Garbedian. Benny thả người ngồi thụp xuống, còn Carl hạ cửa sổ xe xuống.
“Anh vừa có nhìn thấy Marcia Dwyer không?” Benny hỏi.
“Nhìn cô ta tuyệt thật!” Carl thốt lên.
Benny trông về phía tòa nhà như thể cố vớt vát hình ảnh cuối cùng. “Đúng là nhìn cô ta tuyệt thật,” anh ta đồng tình.
“Giá kể như hồi trước mà phải đặt cược,” Carl nói, “chắc tôi đã quả quyết rằng Marcia Dwyer sẽ mang theo kiểu tóc cũ đó xuống mồ. Tôi sẽ không đời thuở nào nghĩ, trong cả triệu năm cũng không, rằng cô ta sẽ có ngày tỉnh ra và nhận thấy suốt thời gian vừa rồi trông cô ta úi xùi như thế nào.”
Benny ngoảnh lại nhìn Carl, người không thực sự chú ý gì đến anh ta khi nói.
“Chẳng lẽ anh thực sự gọi cô ta là úi xùi sao?”
“Trong cả triệu năm cũng không thể ngờ nổi!” Carl thốt lên, không đếm xỉa gì đến câu hỏi. “Vậy mà cô ta đã làm! Cô ta đã tỉnh giấc, tự ngắm mình, và tự nhủ không, như thế này không được rồi.”
“Cô ta có một khuôn mặt kháu khỉnh, anh có nghĩ thế không?” Benny nói.
“Và ai thèm quan tâm,” Carl nói, “liệu có phải là do một tay stylist nào đó gợi ý không chứ. Cô ta đã đồng ý. Cô ta nói vâng! Cô ta nói chúng ta hãy cùng thay đổi nào. Benny, điều đó thật thôi thúc! Nó thôi thúc tôi mong muốn giảm bớt một ít cân thừa này - ý tôi là, hãy nhìn cái của này xem,” anh ta vừa nói vừa nhìn xuống bụng mình như thể nó là một thứ gì đó độc lập khỏi bản thân mình. Khi anh ta ngước lên, anh ta nhận ra Benny đã đứng dậy và đang bước đi khỏi đó.
Một giây sau, Carl bước ra khỏi xe cố bắt kịp anh ta. “Này, anh bạn, chờ đã!” anh ta gọi với theo. Anh ta hoàn toàn quên bẵng Marilynn. Nụ hôn tạm biệt đã từng có thời quan trọng với anh ta biết bao - không phải vì bản thân nụ hôn đó, tất nhiên, mà là như thước đo độ quan tâm của Marilynn đối với anh ta trong buổi sáng, việc cô có sẵn lòng đặt anh ta lên trước một cuộc điện thoại - chắc hẳn bây giờ không còn quá quan trọng nữa, bởi vì thậm chí không hề nói lấy một câu tạm biệt, anh ta bỏ mặc vợ mình để đuổi theo đồng nghiệp. Marilynn, bất ngờ vì điều này, nghĩ ai-mà-biết-là-chuyện-gì trước sự bỏ đi bất thình lình của Carl. Cô lại bảo Susan chờ máy để nhấn còi. Carl ngoảnh lại, nhận ra là anh ta đã quên khuấy mất vợ mình - cô vừa mới tuột khỏi tâm trí anh ta! - và ở giữa hai người, anh ta bảo Benny chịu khó chờ trong khi anh ta tạm biệt Marilynn thật chóng vánh. Tò mò về điều Carl sắp nói, cũng như chuyện gì có thể xảy ra ở chiếc xe của vợ chồng nhà Garbedian, Benny đặt một chân lên bậc thềm thứ nhất dẫn lên tòa nhà và quay lưng lại để theo dõi. Carl dựa người vào qua cửa sổ bên phía hành khách, vài lời vắn tắt được trao đổi, và rồi cặp đôi chia tay hôn nhau tạm biệt. Khi Carl rời khỏi chiếc xe và bước về phía Benny, anh ta gần như đang phi nước đại, như thể đang nhảy bỏ qua một bậc vì khẩn trương - và đó, Benny nói, đó là điều anh ta chưa bao giờ thấy trước kia.
“Carl mà vội vàng ư?” anh ta nói. “Từ trước đến giờ tôi chưa bao giờ thấy cả.”
Benny dừng câu chuyện tại đó. Nhưng chúng tôi cảm thấy vẫn còn hơn thế trong chuyện này. Thế là vào giờ ăn trưa, khi nhìn thấy cửa phòng Carl để mở lần đầu tiên trong cả thiên niên kỷ, một vài người chúng tôi đi vào. Anh ta đang ngồi ở bàn ăn một chiếc bánh sandwich Subway ít calo và uống trà đá dành cho người ăn kiêng. Đó quả là điều lạ lùng. Chúng tôi yêu cầu anh ta thuật lại diễn biến mọi sự theo lời anh ta.
“Tôi đã hoàn toàn quên mất chuyện anh ta phải lòng Marcia,” anh ta nói với chúng tôi, và ngồi ngả ra sau ghế, “thành ra tôi lại đi gọi ngay cô ta là trông úi xùi. Đúng là ngốc quá. Thế là tôi bảo anh ta, tôi mới bảo, ‘Benny, tôi xin lỗi nếu lúc nãy ở kia tôi có xúc phạm anh.’ Nhưng anh ta nhún vai như không có chuyện gì. ‘Anh đâu có xúc phạm tôi,’ anh ta nói. ‘Anh đã xúc phạm Marcia, tôi nghĩ thế, chứ không phải tôi.’ Thế là tôi bảo, ‘Tôi hoàn toàn quên mất vụ anh phải lòng, anh bạn ạ, tôi xin lỗi.’ Và anh ta bảo, ‘Vụ tôi sao cơ’?”
Chẳng bao lâu sau Benny đã dốc hết tâm can của mình bên hồ, nơi cũng chỉ cách chúng tôi vài khối nhà về phía Đông. Hai người đàn ông trèo qua bờ kè chắn sóng đứng bên mép đường dành cho người chạy bộ dốc đứng thẳng xuống mép nước, nơi Benny thú nhận với Carl về một tình yêu dành cho Marcia mà anh ta gọi là đến tê tái. Nó đang khiến anh ta mất ăn mất ngủ, anh ta nói. Nó đang bắt đầu làm anh ta đau đớn dù chỉ là nhìn thấy cô ở hành lang. Còn khi ngồi đối diện với cô trong một cuộc họp, điều đó thật là tra tấn. Và vô tình gặp cô một mình trong bếp thì mồm miệng anh ta biến đâu mất. “Mà anh biết tôi rồi đấy,” anh ta nói với Carl. “Tôi không bao giờ thiếu cái để nói cả. Nhưng bây giờ, tôi bắt đầu không thích điều đó nữa.” “Vậy anh định làm gì với chuyện đó đây?” Carl hỏi. Benny nói những gì mà anh ta vẫn luôn nói, cũng chính là điều mà anh ta đã nói với tất cả chúng tôi: tình yêu của anh ta dành cho Marcia rất phức tạp vì Marcia không phải là người Do Thái, và điều quan trọng đối với anh ta - vì những lý do mà những kẻ ngoại đạo như chúng tôi không thể nào hiểu nổi - là việc anh ta phải kết hôn với một người Do Thái. Cất giữ một cây cột tô tem với giá ba trăm mười chín đô la mỗi tháng mà lại gọi chúng tôi là lũ ngoại đạo - đúng là chuyện nực cười, chúng tôi nghĩ. Đã vậy tất cả mọi người đều biết rằng đó chỉ là một cái cớ bao biện phòng trường hợp Marcia phát hiện ra vụ phải lòng và không đáp lại anh ta.
Vụ Benny phải lòng chẳng có gì chấn động. Anh ta đã kể cho từng người một trong chúng tôi về điều đó vào lúc này hay lúc khác, và một cách cực kỳ chi tiết. Thậm chí vụ mái tóc của Marcia cũng chẳng chấn động gì. Cuối cùng thì Marcia cũng tự bò ra khỏi cái nguồn gốc Megadeth[34]-và-Marlboro của mình và chập chững bước vào thực tại hợp thời trang của một thế kỷ mới, và vẻ ngoài của cô ta đã được cải thiện nhờ điều đó. Cô ta không còn hồi tưởng lại những ngày vinh quang rít-thuốc-và-trác-táng của thời Trung học George Washington. Mái tóc của cô ta là một sự nhảy vọt về ba cấp độ thu nhập, nó là bước đi tới Paris, nó là sự khai mở của một niêm ấn thứ bảy nào đó trên mạn Bờ Nam[35], và nếu như những lần chạm mặt của Benny với cô ta trong hành lang trước kia đã làm anh ta khổ sở, thì giờ đây anh ta phải gọi là ngập trong thế gian đau đớn.
Carl rời xe mà không có một nụ hôn tạm biệt, cả điều đó cũng thật là thú vị. Carl cố gắng can dự vào thế giới - chuyện đó xảy ra khi nào vậy? Sau khi xoáy thuốc của Janine, tọng quá liều, tự đầu độc mình đến nỗi vào viện, và sau khi được ra viện dưới sự giám sát của một bác sĩ tâm thần, Carl đã đi từ sự oán hận hờn trách sang trạng thái khá thờ ơ. Nhưng từ khi nào mà anh ta chuyển từ trạng thái thờ ơ sang phi nước đại rồi buôn chuyện và đuổi theo Benny? Giá kể như chúng tôi bị buộc phải đặt cược, có lẽ tất cả tiền của chúng tôi đã được đặt vào cái mái tóc bất ngờ kia từ rất lâu trước khi Carl rời xe mà không có một nụ hôn từ Marilynn.
Nhưng đó không phải tin gì chấn động.
Tin chấn động được chuyển đến từ Joe Pope, người đi qua phòng Benny thông báo rằng trong một vài ngày nữa, chúng tôi sẽ bắt đầu công việc liên quan đến hai cơ hội ký hợp đồng mới rất quan trọng. Một công ty nước giải khát sắp sửa tung ra loại nước đóng chai có caffein đầu tiên của họ, và một thương hiệu giày chạy nổi tiếng phải chứng kiến thị phần của họ sụt giảm trong mấy năm qua. Cả hai đều đang tìm kiếm những công ty quảng cáo mới và đã ân cần mời chúng tôi trình bày cho họ nghe những ý tưởng. Bước tiếp theo sẽ là giới thiệu với họ sáng tạo làm họ phải ngất ngây. Joe không cần phải nói cho chúng tôi biết là vụ làm ăn mới này quan trọng đến nhường nào, nhưng dù sao thì anh ta vẫn cứ nói. “Vì vậy chúng ta cần dọn sạch cái dự án từ thiện này ra khỏi đĩa càng sớm càng tốt,” anh ta nói. “Các bạn sẽ trình bày những ý tưởng về điều làm cho một bệnh nhân ung thư vú bật cười ngay từ đầu giờ buổi sáng.”
“Tức là trong buổi sáng ngày mai?” Benny nói. “Tôi cứ tưởng chúng ta vẫn còn đến tuần sau.”
“Các ưu tiên đã thay đổi,” Joe nói. “Bây giờ là sáng ngày mai.”
“Lạy Chúa, Joe,” Larry nói. “Anh nghiêm túc chứ?”
Giống như một tiếng chuông báo cháy vậy, khi mà chúng tôi thậm chí sẽ không được trả công.
“Hôm nay chị ấy có đến không?” Amber Ludwig hỏi. Âm điệu trong giọng nói của cô ta cùng đôi mắt cụp xuống dường như biểu lộ rằng cô ta đang hỏi thăm về ai đó đang cố gắng thoát khỏi một hoàn cảnh nguy kịch.
“Ai có đến không cơ?” Joe trả lời. Anh ta biết ý cô ta muốn nói đến ai. Tất cả chúng tôi đều biết.
“Nghe này,” anh ta vừa nói, vừa đi hẳn vào trong phòng làm việc của Benny. “Có ai có gì trình bày với chị ấy không?”
Bình thường thì hẳn chúng tôi đã coi câu hỏi này, đến từ Joe, như một kiểu lời buộc tội. Nhưng sự thật là không một ai có gì cả, nên giả vờ để làm gì cơ chứ? Chúng tôi đành chỉ giương mắt nhìn anh ta.
“Tôi cũng chẳng có gì hết,” anh ta thú nhận. “Không một thứ quái gì cả, trong khi tôi đã suy nghĩ về nó suốt cả đêm rồi.”
Thật dễ chịu khi được nghe rằng ngay cả anh ta cũng đang phải vật vã. Anh ta tiếp tục trình bày với chúng tôi một số chiến lược khiêm tốn mà anh ta đã nảy ra, những định hướng chung chung mà chúng tôi có thể xem xét, anh ta đúng là tử tế. Nhưng điều đó vẫn không giúp làm dịu đi đòn đánh từ cái tin xấu của anh ta, và cuối cùng nó cũng chẳng đưa chúng tôi tiến gần hơn chút nào đến việc tìm ra điều gì là buồn cười về ung thư vú.
Genevieve đang ngồi ở bàn của mình, đọc cuốn cẩm nang cho người ung thư vú đã xâm chiếm tâm trí của cô từ tối hôm qua sau khi cô đã đọc xong cuốn hồi ký của người sống sót, thì Amber xuất hiện trên cửa phòng cô. Genevieve đặt cuốn sách xuống và vén mái tóc vàng của mình ra sau một bên tai. “Có chuyện gì vậy?” cô hỏi. Amber bước vào và ngồi xuống, nhét một cái chân mập mạp của mình xuống dưới đùi của cái chân còn lại. “Cậu không biết về cú điện thoại của Karen tới bệnh viện hôm qua, đúng không?” Genevieve lắc đầu và nhấp một ngụm cô ca dành cho người ăn kiêng của mình. Cô không ở cùng chúng tôi trong lúc diễn ra cú điện thoại. “Nếu vậy thì để tớ kể cho mà nghe,” Amber nói.
Amber cất lời. Cả hai người phụ nữ quay ra nhìn Larry trên ngưỡng cửa khi anh ta xuất hiện với chiếc mũ lưỡi trai Cubs của mình, chốc chốc lại thảy một viên M&M vào miệng. Amber quay lại với Genevieve và tiếp tục nói trong lúc Larry bước vào trong đứng ngay phía sau cô ta.
“Và nhớ nhắc đến nỗi sợ hãi của chị ấy,” anh ta nói, chen ngang lời. Larry đã bị thuyết phục bởi cú điện thoại của Karen đến bệnh viện rằng rốt cuộc bệnh ung thư của Lynn không phải tin đồn.
Thoạt đầu Amber phớt lờ lời anh ta, nhưng cuối cùng cũng đề cập đến ý anh ta định nói - nỗi ám ảnh của Lynn đối với bệnh viện. Sẽ cực kỳ khó khăn để một người bị chế ngự bởi nỗi sợ hãi bệnh viện có thể tự nguyện nộp mình đến một nơi như vậy.
Benny Shassburger bước tới ngưỡng cửa và hạ giọng thì thào, “Các cậu đang nói chuyện về Lynn à?” Genevieve gật đầu, và Benny, với cái quần kaki sột soạt, bước qua phòng làm việc tới dãy tủ kệ phía sau, nơi anh ta đặt cả một bên bàn tọa lên góc gỗ sắc cạnh. “Đây là điều mà tôi vẫn nói đi nói lại,” anh ta nói. Và anh ta tiếp tục nhắc cô nhớ rằng vụ quảng cáo từ thiện, vốn liên quan đến nhận thức về căn bệnh ung thư vú, đến cùng lúc với việc chị phải vào bệnh viện. “Chẳng lẽ chỉ là trùng hợp thôi sao?” anh ta hỏi.
“Anh ta đang cố nói điều gì vậy?” Genevieve hỏi.
“Rằng chắc chắn chị ấy bị ung thư vú,” Jim Jackers nói, người vẫn đứng nghe từ nãy đến giờ ngoài ngưỡng cửa. “Và rằng chị ấy muốn chúng ta biết về điều đó.”
“Tại sao chị ấy lại muốn chúng ta biết chứ?”
“Tôi không biết,” Jim nói. “Có thể chỉ là vô thức thôi.”
Vừa nhai viên M&M cuối cùng của mình, lúc này Larry Novotny bắt đầu xoa bóp vai của Amber bằng hai bàn tay rảnh rỗi. Genevieve đã quay người lại trên ghế để nói chuyện với Benny dễ dàng hơn, nhưng sự chú ý của cô hướng trở lại Amber khi Amber đột nhiên đứng phắt dậy bước tới chiếc ghế kê gần tường. Larry, hai tay vẫn còn nguyên tư thế mát xa, trơ mắt nhìn cô ta bỏ đi.
Jim đi vào phòng và ngồi xuống chiếc ghế cũ của Amber. Hank Neary bước vào phòng và vừa nhìn quanh vừa ngồi xổm xuống dựa lưng vào tường. Anh ta tì hai khuỷu tay lên đầu gối, kéo chặt hai ống tay chiếc áo vest nhung tăm, rồi chỉnh lại cặp kính của mình. Benny tiếp tục, và Genevieve lại hướng sự chú ý của mình vào anh ta. “Thực ra mà nói,” anh ta vừa nói, vừa nhúc nhắc một ngón tay giữa Hank và mình, “Hank và tôi thậm chí còn không nghĩ là có một buổi gây quỹ nữa cơ.”
“Tất nhiên là phải có một buổi gây quỹ chứ,” Genevieve nói.
Hank giải thích. Rất có thể là có một buổi gây quỹ. Chúng tôi chỉ không nghĩ rằng Lynn đã quyên góp thời gian của chúng tôi vào đó. Chúng tôi không nghĩ là có một tay chủ tịch ủy ban đang lẵng nhẵng bám chị. Thực ra, nghe thì có vẻ điên, chúng tôi nghĩ chẳng có khách hàng nào hết - trừ phi khách hàng đó chính là Lynn Mason.
“Ôi dào, tôi hoàn toàn không hiểu gì cả,” Genevieve nói, và lắc đầu với Hank.
Dan Wisdom xuất hiện, bước một bước vào trong văn phòng để đứng dựa ngay cánh cửa, bàn tay để trên quả đấm cửa. Hank giải thích rằng “khách hàng” đã chuyển hướng khỏi quảng cáo gây quỹ, với mục đích và lời kêu gọi hành động cụ thể, sang một lời tuyên ngôn phục vụ cộng đồng hết sức mơ hồ với mục đích làm cho bệnh nhân ung thư bật cười vì một lý do mập mờ nào đó chẳng hề liên quan gì đến quyên tiền hoặc tìm phương thuốc chữa bệnh.
“Tiếng cười,” Hank nói. “Một thứ mà có lẽ Lynn đang thiếu thốn ngay lúc này.”
“Vậy các anh đang nói rằng,” Genevieve vừa nói vừa mỉm cười giễu cợt với Hank, “chị ấy dựng lên toàn bộ chuyện này chỉ để tìm một tiếng cười thôi sao?”
“Đó chính xác là điều chúng tôi đang nói,” Karen Woo nói, và di chuyển từ ngưỡng cửa vào đứng ngay trước cái giá sách màu bạc rẻ tiền của Genevieve. “Đó là lý do tại sao không ai có thể tìm thấy bất kỳ thông tin gì trên mạng Internet về ‘Liên minh Chống Ung thư Vú’. Cậu phải thừa nhận đi, Genevieve. Đúng là hơi lạ khi không có ai từng nghe về cái được gọi là liên minh này. Ý tôi là, cái kiểu liên minh gì mới được chứ?”
“Tôi không quan tâm,” Genevieve nói. “Chuyện này không hề giống những gì Lynn sẽ làm.”
“Có thể chị làm thế cũng là để giữ cho chúng ta bận rộn nữa,” Dan Wisdom nói. “Đâu phải là chúng ta còn việc khác mà làm đâu.”
“Cậu không nghĩ Lynn lại làm thế đấy chứ?” Amber hỏi cô. “Giữ cho chúng ta bận rộn trong thời kỳ suy thoái, để bảo vệ nhóm của mình?”
“Thế thì tóm lại là thế nào đây? Chị ấy làm thế vì bản thân mình, hay chị ấy làm như vậy vì chúng ta?”
Chúng tôi tranh cãi xem cái nào là câu trả lời khả thi nhất.
“Các người đừng có mà làm phức tạp câu chuyện lên như thế chứ,” Genevieve nói.
Thậm chí cả Carl Garbedian cũng xuất hiện. Đây mới là diễn biến sự kiện lạ lùng đây. Đầu tiên là chạy đuổi theo Benny, và giờ thì là chuyện này. Anh ta đứng cạnh Dan Wisdom ở ngưỡng cửa. “Tớ sẽ nói với các cậu những gì tớ nghĩ,” anh ta nói. Anh ta muốn khẳng định rằng Lynn đã nghĩ ra công việc này vì cuộc sống của Lynn liên quan quá nhiều đến marketing, cách duy nhất để chị chấp nhận tình trạng bệnh của mình là nhìn thấy nó được trình bày dưới dạng một quảng cáo. Trong một thời khắc của sự biến động cá nhân chị phải cầu đến ngôn ngữ quen thuộc của quảng cáo. Chị phải làm sao để tự bán nó cho mình.
Chúng tôi ngay lập tức tự lánh mình ra khỏi cái giả thuyết này. Anh đánh cắp thuốc kê đơn của Janine Gorjanc và suýt toi mạng vì ngộ độc thuốc, vậy mà sau sáu tháng bình phục anh đã trở thành một chuyên gia về các chứng rối loạn tâm thần sao? Không phải đấy chứ. Trò phân tích tâm lý của Carl làm tiêu tan sức thuyết phục của luận điểm mà chúng tôi đang cố chứng minh - mặc dù Genevieve còn chưa hề biết gì về bất kỳ luận điểm nào.
Marcia, với kiểu tóc mới trang nhã, luồn vào giữa Carl và Dan trên ngưỡng cửa. “Có chuyện gì vậy?” cô vừa hỏi vừa nhìn quanh.
Chúng tôi cho cô biết là chúng tôi đang cố thuyết phục Genevieve nói chuyện với Joe.
“Nói chuyện với Joe?” Genevieve trả lời, bất chợt nhận ra rằng không phải chúng tôi ở đó để nói chuyện nhăng cuội. “Tôi sẽ nói với Joe về chuyện gì mới được chứ?”
Mọi người đều biết rằng Lynn và Joe rất thân nhau. Chúng tôi nhìn thấy họ nói chuyện với nhau vào buổi tối trên đường chúng tôi đi ra - cánh cửa hé mở, một người cúi về phía người kia ở đối diện bên bàn. Chị nói với anh ta về những vấn đề liên quan đến khách hàng rồi đủ thứ linh tinh khác còn anh ta bày tỏ với chị những ấn tượng của anh ta về chúng tôi. Chẳng lợi lộc gì cho Joe khi bị nhìn thấy ở trong đó như vậy vì đa số mọi người đều tin rằng anh ta có ảnh hưởng đến việc ai phải đi tàu suốt kiểu Tây Ban Nha và ai thì không. Nhưng lúc này đó không phải vấn đề chính; vấn đề chính là nếu như bất kỳ ai trong chúng tôi mà có chút ảnh hưởng nào với Lynn Mason, đó chính là Joe Pope. Nếu như bất kỳ ai phải đến đối mặt với chị về chuyện mà chúng tôi nghi ngờ, nếu như có ai đó đến giúp được cho chị, đó sẽ phải là Joe.
“Thế thì tôi có liên quan gì đến chuyện đó chứ?” Genevieve hỏi.
Nếu như có ai đó trong chúng tôi có chút ảnh hưởng nào với Joe Pope, đó chính là Genevieve.
“Không,” cô vừa nói, vừa lắc đầu. “Không đâu đấy.” Cô lắc đầu rồi đặt lon cô ca của mình xuống bàn và nói, “Không đời nào. Toàn bộ chuyện này thật lố bịch.”
“Genevieve,” Amber nói. “Biết đâu chị ấy đang sắp chết.”
Không mất nhiều thời gian để cô đổi ý. Sau cú điện thoại của Karen thì bằng chứng đang ở phía chúng tôi, luận điểm trở nên quá sức thuyết phục, và Genevieve thì quá xót thương. Nếu như Lynn đang thực sự bị bệnh, Genevieve không đời nào lại ngồi yên đó mà không làm gì hết. Cô bàn bạc chuyện đó thêm một chút với Marcia; cô quay trở lại với Amber; cô đi vào phòng Benny. Đến mười một giờ sáng hôm đó cô cũng tin chắc như những người còn lại trong chúng tôi rằng những rủi ro của việc không làm gì còn lớn hơn những rủi ro của việc mắc sai lầm, và khi cô đi tìm Joe hai mươi phút sau đó, cô có niềm tin chắc chắn của một người mới cải đạo, thứ sẽ không kéo dài mãi mãi, nhưng tại thời điểm này thì không chấp nhận bất kỳ sự bàn lùi nào hoặc cho phép ngồi mà nói vuốt đuôi. Cô bước lại chỗ anh ta đang ngồi trong căng tin tự phục vụ trên tầng năm mươi chín, nơi anh ta đang nhét tiền xu vào một chiếc máy bán hàng.
Bảy chiếc bàn và ba chiếc máy bán hàng dưới một thứ ánh sáng buồn thảm - đó là căng tin tự phục vụ của chúng tôi. Chúng tôi vẫn gọi nó là phòng giải lao nhưng “phòng giải lao” có thể hàm ý điều gì đó để mong mỏi chờ đợi. Trong những chuyến viếng thăm hiếm hoi đến căng tin, chúng tôi lấy những gì mình cần từ máy bán hàng và sau đó thì cuốn gói thẳng luôn. Ăn tại đó không bao giờ là một lựa chọn vì những bóng điện, những chiếc ghế - u ám chẳng kém gì một phòng chờ ở bệnh viện, chỉ thiếu mấy tờ tạp chí và thiết bị cấp cứu. Không một ai lại đi giải khuây ở căng tin cả. Chốn hoàn hảo để chờ đợi nhóm tự lực của bạn đến - đó là cách miêu tả tử tế nhất mà chúng tôi có thể dành cho nó.
Và thế là những yếu tố ngăn chặn tụ họp bảo đảm cho họ một mức độ riêng tư. Anh ta mở lon cô ca của mình tại một trong những chiếc bàn và cô nói với anh ta những gì cô biết. Anh ta lắng nghe, và khi cô đưa ra lời đề nghị của mình, anh ta từ chối. Họ nói về chuyện đó thêm một hồi nữa và anh ta lại từ chối. Họ đứng lên khỏi bàn và anh ta bỏ chiếc lon rỗng của mình vào thùng rác đúng lúc mấy kẻ trong nhóm Kinh Thánh, mang theo những cuốn sách lật phật viền bóng loáng, bắt đầu lục sục bước vào cho bữa trưa ngày thứ Năm của họ.
Chúng tôi muốn biết từ Genevieve những lý do anh ta từ chối tham gia. “Anh ta nói đó không phải là việc của anh ta,” cô nói với chúng tôi. Nhưng tại sao anh ta lại không muốn giúp chị chứ? Chúng tôi hỏi. Nếu chị đang không khỏe, và hoảng sợ? Cú điện thoại của Karen là bằng chứng hết sức thuyết phục rằng có chuyện gì đó không ổn. Chẳng lẽ anh ta không có tìm sao? Chẳng lẽ anh ta không nhận thấy sự khác biệt giữa việc thọc mũi vào nơi không phải dành cho nó, và đáp lại một lời cầu cứu? “Tôi không nghĩ anh ta nhìn nhận như vậy chút nào cả,” cô trả lời. Hừm, nếu vậy thì anh ta nhìn nhận nó thế nào? “Khác,” cô nói.
Hai mươi phút sau cuộc trò chuyện của họ trong căng tin, người ta thấy anh ta đi vào phòng làm việc của Genevieve. Cô đặt cây bút chì của mình xuống và bỏ kính ra, cặp kính mà cô chỉ dùng khi nhìn vào máy tính. Anh ta đóng cửa. Anh ta bước vào trong và ngồi xuống. Anh ta nhích chiếc ghế về phía trước và đặt tay lên bàn làm việc của cô. Anh ta nhìn cô từ dưới cặp lông mày rậm của mình và nói, “Nghe này, không phải vì đó không phải là việc của tôi. Đúng là không phải, nhưng nếu như tôi biết chắc chắn rằng chị ấy cần giúp đỡ...”
“Thì anh sẽ làm điều đó.”
“Đúng,” anh ta nói. “Tôi sẽ giúp đỡ. Tôi chỉ không thể nói rằng tôi tin được chuyện chị ấy đang bị bệnh. Tôi sẽ thừa nhận,” anh ta nói thêm, “rằng kể cũng lạ lùng khi chị ấy đã nói chị ấy sẽ nghỉ làm cả tuần, và rồi chị ấy lại xuất hiện mà không bao giờ giải thích tại sao. Và chị ấy có vẻ lơ đãng suốt, không nghi ngờ gì về điều đó. Nhưng được rồi, như thế thì sao chứ? Điều đó nghĩa là chị ấy bị ung thư sao? Có thể chị ấy chỉ lo lắng về việc giành được hợp đồng mới.”
Genevieve ngừng cắn móng ngón tay út của mình. “Hoặc có thể chị ấy thực sự bị bệnh.”
“Và cô muốn tôi là người đi vào hỏi chị ấy xem đâu là lý do.”
“Khó có thể nghĩ được bất kỳ ai tốt hơn.”
“Tại sao? Đây, nhân tiện mà nói, cũng không phải là lý do tôi từ chối,” anh ta nói, “nhưng hãy cố nhìn nhận nó từ góc độ của tôi. Tôi là một người đàn ông. Những vấn đề phụ nữ - không phải chuyện mà Lynn và tôi đề cập nhiều đến. Thế mà tôi lại phải đi vào đó nói với chị ấy về một vấn đề riêng tư đến khó tin. Trong khi đó,” anh ta vừa nói vừa làm cử chỉ như thể giới thiệu Genevieve với chính cô, “cô là một người phụ nữ - thích hợp hơn nhiều với chủ đề này. Thế mà cô lại đang yêu cầu tôi phải là người đi làm chuyện đó.”
“Joe, tôi không hề yêu cầu anh phải vào đó một mình,” cô nói. Cô nâng người lên bằng cách sử dụng chỗ để tay trên ghế, khoanh chân lại và ngồi xuống theo kiểu kiết già Ấn Độ. “Tôi sẽ đi cùng anh.”
“Vậy tại sao cô lại còn cần đến tôi vào đó chứ?”
“Tôi cần anh...” cô nói. Cô lại cắn ngón tay trong lúc suy nghĩ rồi nói, “Tôi không cần anh, thực lòng mà nói. Tôi sẽ vào đó một mình, nếu tôi buộc phải thế. Tôi chỉ muốn anh vào đó vì tôi nghĩ anh có thể tạo ra sự khác biệt. Mọi người đều biết quan điểm của Lynn về anh.”
Anh ta tỏ vẻ ngờ vực. “Mọi người nghĩ là họ biết gì về quan điểm của Lynn về tôi?”
“Rằng chị ấy tôn trọng anh,” cô nói. “Rằng anh là một tiếng nói của lý trí. Rằng chị ấy nghe theo những gợi ý của anh và ủy thác cho anh rồi thậm chí còn chiều theo ý anh nữa. Chị ấy không làm như vậy với những người còn lại trong chúng tôi.”
“Tôi nghĩ,” Joe nói, “rằng điều hầu hết bọn họ nhìn thấy là Lynn và tôi nói chuyện, họ nhìn thấy tôi ở trong phòng làm việc của chị ấy vào buổi tối thế là họ tha hồ nghĩ bất kể điều gì họ muốn nghĩ.”
“Ừm,” cô nói, “vậy họ nên nghĩ gì đây? Chẳng phải anh vẫn nói chuyện riêng với chị ấy còn gì?”
“Nhưng về chuyện gì, Genevieve? Đó không phải... chẳng lẽ là chuyện Larry đang tằng tịu với Amber? Cũng không phải là chuyện hôm nay Carl gây ra trò đáng thương nào. Chúng tôi không nói những chuyện cá nhân, chúng tôi bàn bạc công việc. Chúng tôi nói về những cách để giữ cho chỗ này khỏi lụn bại.”
Cô dừng mọi chuyện lại ở đó. Anh ta đã nói không. Không phải là vì không có sự thông cảm, mà là vì những lý do có lẽ là chính đáng của riêng anh ta, và tốt nhất là cứ duy trì bạn bè thay vì thúc ép nhau quá thể. Mà hơn nữa, cô giật mình khi nghe anh ta nói một cách nghiêm trọng biết bao, Chúng tôi đang cố giữ cho nơi này khỏi lụn bại. Một lời thú nhận như vậy tạm thời làm cô sao nhãng khỏi câu hỏi về sức khỏe của Lynn. Khi được lan truyền đi, nó cũng làm chính chúng tôi sao nhãng.
Nhưng điều đầu tiên anh ta làm khi quay về bàn làm việc của mình là gọi điện cho Genevieve.
“Vậy nếu như chuyện này quan trọng với họ đến thế,” anh ta nói, “nếu như họ lo lắng đến thế, tại sao họ lại không đi vào mà nói chuyện với chị ấy? Điều gì ngăn cản họ?”
“Chị ấy là một con người đáng sợ.”
“Vậy thì họ là một lũ hèn nhát.”
“Nói thế thì hơi quá đáng,” cô nói. “Chẳng lẽ anh chưa bao giờ thấy e dè à?”
“Tất nhiên,” anh ta nói. “Nhưng nếu tôi cảm thấy chắc chắn về điều gì đó, tôi sẽ đi vào trong khi hai đầu gối đánh nhịp và cố làm cho xong công việc.”
“Và đó là lý do tại sao anh đang ở vị trí của anh hiện nay,” cô nói, “còn họ đang ở vị trí của họ. Đó là sự khác nhau giữa anh và họ, Joe.”
Anh ta gác máy, không thay đổi gì về quyết định của mình. Trong vòng mười lăm phút sau anh ta lại gõ cửa rồi đóng cửa và ngồi xuống. Thực tế thì ghế của anh ta vẫn còn ấm từ cuộc nói chuyện trước đó của họ. “Vậy là vì Karen Woo gọi một cú điện thoại, Lynn bị ung thư?” anh ta nói. “Cô có biết chúng ta đang nói đến ai ở đây không? Những người này hiểu mọi chuyện rất, rất sai lầm, Genevieve. Cũng chính nhóm người này đã hoàn toàn tin chắc rằng Tom Mota sẽ quay lại đây để bắn tan xác tất cả mọi người.”
“Khoan đã,” cô nói. “Như thế thật không công bằng. Chỉ có một vài người thực sự tin như vậy thôi. Mà cũng có thể là chỉ có mỗi Amber. Hầu hết bọn họ không nghĩ vậy đâu.”
“Nhưng chắc chắn là họ bàn tán suốt về chuyện đó. Rồi lại bàn tán, và bàn tán, bàn tán. Nhưng thôi, quên chuyện đó đi. Một lần, tôi vô tình nghe thấy Jim Jackers nói rằng anh ta tin rằng Hội Tam điểm thống trị thế giới này. Jim Jackers thậm chí còn không biết một hội viên Hội Tam điểm là như thế nào nữa.”
“Jim Jackers chỉ là một trong số nhiều người,” cô nói.
“Một lần tôi nghe Karen Woo giải thích về hiện tượng quang hợp,” anh ta nói. “Chỉ có Chúa mới biết tại sao họ lại bàn về vấn đề quang hợp. Họ bám lấy từng lời của cô ta, như thể cô ta là một chuyên gia của đài PBS vậy. Lời giải thích của cô ta thậm chí còn chẳng liên quan gì đến ánh sáng mặt trời. Những người này sẽ tin vào bất kỳ chuyện gì. Họ sẽ nói bất kỳ chuyện gì.”
“Joe...”
“Genevieve, cô biết cách thức mọi chuyện diễn ra ở đây. Một người nói điều gì đó trong bữa trưa, và điều tiếp theo cô biết là tất cả họ đi vào phòng làm việc của Lynn như một đám đông kìn kịt khiêng chị ấy tới bệnh viện vì một căn bệnh mà có thể chị ấy không bị. Những người này - cô không thể tin vào bất kỳ điều gì họ nói.”
“Tôi hoàn toàn không biết anh lại là một người cay nghiệt như vậy, Joe.”
“Không,” anh ta nói, “đó không phải là cay nghiệt.” Anh ta ngả người ra sau trên ghế. “Hãy tin tôi đi. Chưa đến mức đấy đâu.”
Anh ta bỏ đi, và thực sự thì lẽ ra mọi chuyện đã chấm dứt tại đó. Nhưng trong khi cô ngồi cố gắng tập trung vào công việc của mình, từng mẩu từng mảnh trong câu chuyện của họ không ngừng đay nghiến cô, những lời phản bác mà cô đã quá chậm chạp để xem xét bất chợt ùa đến, những lập luận sắc sảo mà cô đã để vuột qua giờ đây đòi hỏi cô phải lên tiếng cho chúng.
Cô thấy anh ta đang nói chuyện điện thoại. Cô chờ đến khi anh ta gác máy mà không hề kéo ghế ngồi. “Những người này,” cô nói, khi cú điện thoại của anh ta kết thúc. “Anh cứ nói mãi câu đó. Anh nói nó mấy lần liền - ‘những người này’. Tôi muốn biết anh nói vậy là ý gì.”
“Ý cô là sao,” anh ta nói, “tôi nói vậy là ý gì?”
“Khi một người nói ‘những người này’,” cô nói, “anh có nghe được không, Joe? Hơi kẻ cả đúng không? Tôi chỉ đang băn khoăn anh có quan điểm kiểu gì về những người làm việc cho anh.”
Anh ta ngả người ra sau trên ghế và đan hai bàn tay lại sau đầu. “Họ không làm việc cho tôi,” anh ta nói. “Họ làm việc cho Lynn.”
“Ồ, anh biết ý tôi định nói gì,” cô nói.
“Genevieve, tôi không hẳn là sếp của họ. Tôi không phải là Lynn. Nhưng tôi cũng không hẳn là một người trong bọn họ. Tôi kẹt ở đâu đó giữa là một người cùng sở hữu công ty, và là một gã nhân viên trong ô ngăn, và họ biết điều đó, do vậy họ đến tìm tôi vì những điều nhất định nếu như điều đó nằm trong lợi ích của họ, nhưng mặt khác, nếu họ không thích điều gì đó, tôi lại thường là người mà họ đổ lỗi.”
“Và đổi lại,” Genevieve nói, và cô bắt đầu đếm ngón tay, “anh có một chức vụ tốt hơn những người còn lại trong chúng tôi, anh kiếm được nhiều tiền hơn, và anh có sự đảm bảo hơn rất nhiều về công việc.”
Cô vẫn chưa ngồi xuống. Cả hai đều không nói gì. Bạn không nói động đến tiền hoặc sự bảo đảm về công việc trong thời buổi cắt giảm biên chế, không phải với cái giọng mà cô đã dùng, và càng không phải khi đã là bạn bè. Sự im lặng loãng ra thành trạng thái khó xử.
“Cô nói đúng,” cuối cùng anh ta nói. Anh ta để hai bàn tay tuột khỏi đầu xuống chỗ để tay có đệm trên chiếc ghế của mình. “Tôi có những lợi thế mà những người khác không có, và tôi không nên kêu ca về cái giá mà tôi có thể phải trả cho những lợi thế đó. Tôi rất tiếc nếu như tôi có tỏ ra là một vị thánh tử vì đạo hay gì đó.”
“Và lúc nãy tôi không hề có ý cạnh khóe gì cả,” cô nói, cuối cùng thì cũng ngồi xuống, vươn tay ra để chạm vào rìa bàn làm việc của anh ta như thể nó là vật thay thế cho tay anh ta. “Ở đây anh bị đối xử không đúng mực. Tôi không trách anh nếu như anh bực bội. Nhưng anh cứ nói đi nói lại ‘những người này’,” cô nói, “vơ tất cả mọi người vào một rọ, và điều đó có vẻ không công bằng đối với tôi, Joe. Bởi vì một số người trong số họ thực ra là những người tốt.”
“Tôi đồng ý,” anh ta nói.
“Nhưng rồi anh lại vơ đũa cả nắm tất cả họ vào với nhau thành ‘những người này’ những người sẽ ‘nói bất kỳ điều gì’ và ‘tin bất kỳ điều gì’, và như thế khiến cho anh như thể là một người kênh kiệu.”
Đó chính là lời chỉ trích mà chúng tôi trút vào Joe thường xuyên nhất - rằng anh ta bàng quan, rằng anh ta tự tách mình ra, rằng anh ta đặt bản thân mình lên trên. Hơn cả sự phỏng đoán trẻ con về thiên hướng giới tính của anh, hơn cả lời khẳng định cường điệu về sự khó chơi của anh ta, chính cái thói kênh kiệu của anh ta là điều mà chúng tôi nhay đi nhay lại mãi, giống như cái khuôn mẫu kiểu gì cũng có tí sự thật nếu như nó có sức hút đến thế. “Một kẻ kênh kiệu,” anh ta nói, như thể mới nghe từ đó lần đầu tiên.
“Tôi không nói anh là người như thế,” cô nói. “Tôi chỉ đang nói rằng lần này thì tôi đúng là một trong số ‘những người đó’, vì tôi lại nghĩ là họ đúng - tôi nghĩ có chuyện không ổn với chị ấy. Vì vậy khi anh nhét tôi vào cùng một rọ với gã nghĩ rằng Hội Tam điểm thống trị thế giới này - mà tôi không chắc là anh ta thực sự nghĩ thế, tiện đây mà nói. Tôi nghĩ có khi anh ta chỉ tưởng như thế là hài hước. Jim lúc nào cũng khát khao tỏ ra hài hước. Anh ta thèm khát được yêu quý. Nhưng, dù sao đi nữa, anh cũng không thể phủ nhận tất cả chúng tôi chỉ vì Jim Jackers được.”
Anh ta nhìn cô. Anh ta ngọ ngoạy hầu như không thể nhận ra trên ghế của mình. “Một kẻ kênh kiệu,” anh ta nhắc lại - không phải với vẻ phản bác, mà là với giọng tò mò, như thể Genevieve vừa mới giới thiệu anh ta với một từ mới. “Thế nào là một người kênh kiệu?” anh ta hỏi.
Sự ngây thơ của câu hỏi khiến cô bị bất ngờ, như thể một đứa trẻ vừa đặt câu hỏi, và nghĩa vụ của cô là phải giải thích. “À,” cô nói, “tôi không rõ nghĩa trong từ điển, nhưng tôi coi đó là một người nghĩ bản thân mình giỏi giang hơn, hoặc đứng cao hơn, so với người khác - một người xem thường người khác và có thể là trong thâm tâm không hề ưa họ nhiều cho lắm.”
“Nếu thế thì tôi không phải là một người kênh kiệu,” anh ta trả lời ngay. “Tôi rất yêu quý mọi người.”
“Tôi biết là thế - đó là lý do tại sao tôi quý anh,” cô nói. “Và tôi mới là người đang đề nghị anh nói chuyện với chị ấy. Không phải Jim Jackers. Không phải Karen Woo, không phải Amber, hay Marcia. Tôi. Bởi vì tôi tin rằng có chuyện gì đó không ổn và có thể chị ấy đang hoảng sợ và có thể chị ấy cần được giúp đỡ.”
Cô cúi người về phía trước, chờ đợi một câu trả lời. Mắt anh ta nhìn không chớp một chút nào vào mắt cô, đôi mắt xanh biếc đến khó tin, thuyết phục chỉ cần nhờ vào sức mạnh từ vẻ đẹp và sự trong sáng của chúng. Anh ta chỉ nói, “Hãy để tôi suy nghĩ đã.”
Mười phút sau đó anh ta đứng trước cửa phòng cô. “Muốn đi ăn trưa chút không?” anh ta hỏi.
Trời mát mẻ so với một ngày cuối tháng Năm, với làn gió hồ se lạnh. Những khu vườn xinh xắn chạy dọc đại lộ Michigan suốt một mạch tới Tháp Nước. Những bông tulip đỏ và vàng đang bám víu lấy những ngày xuân cuối cùng. Bầu trời tươi sáng nhưng mặt trời đã đứng bóng - mới chỉ hơn một giờ chiều. Họ đi về phía Bắc, đi vào rồi lại ra khỏi những vệt nắng và bóng râm rộng lớn của thành phố được tạo ra bởi các tòa nhà cao tầng và các con phố chạy giữa chúng. Họ dừng lại mua bánh sandwich trên đường. Thỉnh thoảng họ cũng ăn trưa cùng nhau trên những băng ghế trong khoảng sân trước Tháp Nước nơi lũ chim bồ câu mổ mổ trên mặt đất và người đàn ông trong lớp sơn vàng đứng trên một thùng sữa bất động như một pho tượng với hy vọng được cho tiền, và các du khách mua sắm tại những cửa hàng dọc khu Magnificent Mile dừng lại để tra cứu sách hướng dẫn hoặc chụp ảnh. Có vẻ như họ đã ăn tại đó thường xuyên đến nỗi họ không cần hỏi nhau rằng họ sẽ đi đâu, điều đó tiết lộ một sự thân thiết giữa họ phải nói thật là cũng hơi bất ngờ.
Anh ta đã quen với cảnh cánh đàn ông nhìn thấy cô và đờ người nhìn theo khi cô bước qua. Trông cô thật hấp dẫn ngay cả trong chiếc quần jean và một chiếc áo chui đầu màu nâu bằng vải bông giản dị, bước đi với hai bàn tay nhét sâu trong túi quần sau. Thỉnh thoảng cô lại rút một bàn tay ra để chỉnh lại một lọn tóc bị gió thổi rối.
Họ ngồi tại một trong những băng ghế và ăn bánh sandwich. Khi họ đã ăn xong và anh ta đã quay lại từ chỗ thùng rác, anh ta nói, “Tôi đã tra từ kẻ kênh kiệu trong từ điển. Cô có nghĩ tôi là một thằng hâm hay gì đó không?”
“Anh là một copywriter,” cô nói. “Tất cả những copywriter đều hâm.”
“ ‘Giống với một người tin rằng...’ - nói thế nào ấy nhỉ?” anh ta tự hỏi mình.
“Anh đã tra thật à?”
“ ‘… tin rằng mình là một phần của một nhóm người ưu việt hoặc có đặc quyền’... đại loại như thế. ‘Một phần của một nhóm ưu việt hoặc có đặc quyền’ - Tôi biết nói thế là đúng rồi.”
“Anh đã đi tra thật,” cô nói. Cô quay về phía anh ta với hai chân vắt chéo, một tay ép phẳng mái tóc xuống trong khi chống khuỷu tay lên đầu gối. Những lọn vàng óng trên mái tóc cô rung rinh trong gió.
“Hừm, đầu tiên thì cô nói cô nghĩ họ đã biến tôi thành một kẻ cay nghiệt,” anh ta nói. “Nhưng tôi không phải là kẻ cay nghiệt, và tôi có thể chứng minh điều đó. Tôi đã quay lại phòng cô, nhớ chứ? Hai lần. Tôi quay lại để tranh luận chuyện này. Tôi là một người hay hoài nghi - có sự khác biệt rất lớn giữa người hoài nghi với người cay nghiệt. Và sự khác biệt đó,” anh ta nói, “chính là cô. Nếu chỉ có họ nói rằng chị ấy bị ung thư, tôi sẽ là một người cay nghiệt, cô có thể tin chắc điều đó. Nhưng bởi vì cả cô cũng nói như vậy, nên tôi sẵn lòng dành cho nó chút ghi nhận. Nhưng cô phải thừa nhận rằng hầu hết những gì họ nói đều là vớ vẩn, điều mà tôi luôn cố tránh. Và bởi vì tôi lảng tránh, người ta lại nghĩ tôi là kẻ kênh kiệu. Cá nhân tôi chẳng bao giờ thèm tin chút nào vào chuyện đó, nhưng khi cả cô cũng nói thế, tôi buộc phải băn khoăn. Nhưng tôi thấy định nghĩa của cô không xác đáng - rằng một người kênh kiệu là người có lẽ không ưa những người khác. Đó là một kẻ lánh đời,” anh ta nói.
“Vậy là anh đi tra từ đó.”
“Ừ, và tôi sung sướng được báo cáo lại rằng tôi không phải là một kẻ kênh kiệu.”
“Điều đó thực sự đã khiến anh bận lòng.”
“Quả thế,” anh ta nói.
“Chỉ là nói cho rõ,” cô ta nói. “Tôi không bao giờ nói anh là một kẻ kênh kiệu. Chỉ là anh tỏ vẻ ra như vậy.”
“Được rồi, nhưng nghe này. Tôi không phải là một kẻ kênh kiệu như định nghĩa mà tôi vừa nói với cô, Genevieve, định nghĩa theo từ điển, vì tôi không phải là một người trong nhóm. Tôi từ chối là một phần của bất kỳ nhóm nào.”
“Tất cả mọi người đều là một phần của một nhóm nào đó,” cô ta nói.
“Trong ảnh chụp nhóm, có thể. Trong danh bạ. Nhưng không phải là về tinh thần.”
“Nếu thế thì anh thành người gì nào?” cô ta hỏi. “Một người lữ hành cô độc à?”
“Cái đó nghe như một người lang thang ban đêm trên đường cao tốc vậy.”
“Vậy anh không phải người lữ hành cô độc. Anh không phải một người kênh kiệu, anh không phải là kẻ cay nghiệt. Vậy còn lại gì nào, Joe? Anh là một vị thánh.”
“Đúng, một vị thánh,” anh ta nói. “Tôi là một vị thánh. Không, chẳng có từ nào cho nó cả. Được rồi, nghe này,” anh ta nói, vừa ngồi thẳng dậy trên ghế vừa nhìn lảng khỏi cô. “Tôi có một câu chuyện dành cho cô.”
Cô mở nắp cốc đồ uống của mình lấy ra một viên đá. Cô bỏ nó vào trong miệng, đóng chặt cái nắp trở lại, và vừa rùng mình vừa tiếp tục giữ mái tóc của mình khỏi gió.
“Sao cô có thể làm thế được nhỉ?” anh ta hỏi. “Cô không lạnh à?”
Cô đẩy viên đá lạch cạch trong miệng mình. “Kể cho tôi câu chuyện của anh đi.”
Anh ta ngừng lại, nhìn xuống những con chim bồ câu đang mổ gần đó, và những người đang bước qua. Có một triển lãm nghệ thuật bên trong Tháp Nước và từng nhóm hai ba người liên tục đi vào đi ra. “Là tôi bắt đầu giao du với lũ bạn hồi còn trung học,” anh ta bắt đầu. Anh ta đã lại ngoảnh đi chỗ khác và không hề nhìn cô khi anh ta nói. “Tôi nhận ra mình đã làm rất nhiều trò ngu xuẩn. Đua đòi với lũ bạn, cô biết đấy. Tôi hút rất nhiều cỏ với những kẻ là... Lạy Chúa, tất cả bọn họ đều hỏng bét. Cô có biết là tôi học trung học ở Downers Grove không?”
“Tôi tưởng quê anh ở bang Maine,” cô nói.
“Chúng tôi sống ở Maine cho đến khi bố tôi bị cho nghỉ việc. Sau đó chúng tôi chuyển đến đây. Tôi không hề muốn chuyển đi. Có ai muốn chuyển đi khi đang chuẩn bị học trung học đâu cơ chứ? Bắt đầu lại từ đầu với những người mới, thật quá tệ. Hai năm đầu tiên thật tồi tệ. Nhưng đến năm lớp mười một tôi đã có một số người bạn. Toàn lũ hư hỏng con nhà tệ hại. Đó thực sự là một năm tuyệt vời. Chắc chắn là vui hơn nhiều so với năm tôi học lớp mười rồi. Thế là cả năm trôi qua, trường học sắp đến kỳ nghỉ hè, còn tôi và lũ bạn tôi đang sắp sửa đá hộc cứt một thằng vì nó gọi điện tán tỉnh con bé đang cặp kè với một người bạn của chúng tôi. Hết gọi điện rủ con bé đi chơi, lại còn bêu xấu bạn tôi nữa. Nói xấu cả bố mẹ cậu ta nữa, vì những người này...” Anh ta lạc giọng và lắc mạnh đầu. “Người bạn của tụi tôi, bố mẹ cậu ta là dân nát rượu nặng. Tất cả những gì tôi nhớ là tới nhà cậu ta và thấy chó ở khắp mọi nơi, còn những chai whiskey chất đống dọc một bức tường bếp. Cứt chó vung khắp nhà mà chẳng bao giờ có ai dọn. Mà thôi, quay lại chuyện cậu bạn tôi và bố mẹ cậu ta bị nói xấu, và tất nhiên là chúng tôi quyết định rằng thằng oắt con này phải bị đá đít mới xong. Tên nó là Henry. Henry Jenkins. Henry Jenkins ở Bắc Downers Grove. Nó cũng từng là bạn của tụi tôi đâu khoảng một tháng, cho đến khi nó làm ai đó khó chịu và bọn tôi tống khứ nó đi. Henry là một thằng oắt con bé tí, trông cứ như bị còi xương vậy, như kiểu nó không lớn hơn bao nhiêu so với một thằng học sinh lớp tám, mặc dù nó học cùng khóa với tụi tôi. Bất cứ ai cũng có thể đá hộc cứt thằng đó. Bạn tôi không cần sự giúp đỡ của tụi tôi. Nhưng tất cả chúng tôi đều nhất trí rằng vì nó đã nói xấu bố mẹ cậu ta và lại còn cố cướp bạn gái của cậu ta nữa nên chúng tôi cần phải can thiệp vào,”
“Những cậu bé,” cô nói.
“Không, tôi không thể gọi chúng tôi là những cậu bé,” anh ta vừa nói, vừa lắc đầu. “Một số người trong chúng tôi khi ấy đã là những thanh niên trưởng thành lực lưỡng. Không phải là những cậu nhóc. Và tôi còn nhớ mình đã nghĩ, chẳng ai cần bất kỳ ai giúp đá đít Henry. Henry chỉ cần đi qua một cửa hàng giày mà cũng bị bầm giập cả mấy tuần. Vậy là đến ngày dự định ra tay, sau giờ học, tôi cảm thấy bồn chồn kinh khủng, bởi vì tôi thấy lo sợ - chẳng lẽ mình thực sự sắp làm chuyện này? Chúng tôi có tất cả sáu người, đúng, sáu - trong khi chỉ có mình thằng oắt con Henry mắt muỗi. Mà cũng không phải trận chiến của tôi. Tôi biết mình nên tránh xa. Nhưng ngay cả như thế cũng là không đủ - như thế thật là hèn nhát. Điều tôi thực sự cần làm là phản đối. Những người bạn của mình. Sao, tôi bị điên đúng không? Họ là bạn tôi. Cô chỉ có ngần ấy bạn ở trung học thôi. Mà tôi đã phải trải qua một thời gian dài không có mống nào. Cô không được phản đối. Cô làm những gì họ làm. Vì vậy khi tôi bảo chúng rằng đó không phải là trận chiến của tôi...”
“Vậy là anh đã phản đối?”
“Cuối cùng là thế. Tôi bảo tôi sẽ không tham gia, và thậm chí còn đến mức nói rằng đó cũng không phải là trận chiến của họ. Họ nhìn tôi như thể tôi còn khốn kiếp hơn cả Henry, bởi vì ít nhất Henry cũng không phải là một thằng bạn. Tôi là một thằng bạn. Vậy là họ bảo tôi, thế thì về nhà đi, nếu tôi thấy như thế. Về đi, đồ đàn bà, về nhà đi. Nhưng tôi không thể về được. Họ là bạn tôi. Và tôi cũng sợ cho Henry nữa, nên tôi tính sẽ tốt hơn cho cậu ta nếu tôi tham gia vào... tôi không biết thế nào nữa. Nếu mọi chuyện đi quá đà, thì cũng còn có người nhảy vào giúp cậu ta. Vậy cô nghĩ cuối cùng tôi đã làm như thế nào? Cuối cùng thành ra là tôi đứng nhìn trong khi họ đè Henry xuống và lấy những dây vòi tưới vườn - chúng tôi đã lên kế hoạch tất cả chuyện này từ trước, cô biết đấy. Chúng tôi có trí tưởng tượng tuyệt cú mèo. Chúng tôi đã ăn cắp mấy ống dây vòi tưới vườn quanh đó, và lũ bạn tôi trói Henry bằng mớ dây vòi tưới vườn đó thật chặt, dùng như dây thừng ấy. Và khi chân tay cậu ta đã bị trói chặt bằng dây vòi - tin tôi đi, cậu ta không sao nhúc nhích được. Thế rồi chúng nhét vào miệng cậu ta chiếc áo của ai đó để không ai có thể nghe thấy cậu ta hét. Cậu ta giãy giụa trên bãi cỏ ở vườn sau nhà mình, mắt trợn to đùng, cô biết đấy, trong khi cả lũ đều cười. Chúng dựng cậu ta dậy, và rồi bắt đầu đá cậu ta. Đá, và cậu ta lại đổ vật xuống. Chúng lại dựng cậu ta lên rồi - đá. Cậu ta lại ngã, nhưng không có tay để mà tự đỡ mình. Chúng cứ làm thế hết lần này đến lần khác. Dựng cậu ta dậy, rồi lại đá cậu ta, nhìn cậu ta ngã vật xuống. Dựng cậu ta lên, đá cậu ta ngã lộn. Lần nào cậu ta cũng đổ đánh huỵch một cái. Cậu ta khóc kinh khủng. Vậy mà tôi chỉ đứng nhìn. Tôi không thể ngăn chúng lại, nhưng cũng không thể bỏ đi, phòng trường hợp chúng muốn làm chuyện gì đó như ném đá vào đầu cậu ta, điều mà chúng đã bàn cãi một lúc. Nhưng rồi chúng đã không làm như thế. Cuối cùng chúng bỏ mặc cậu ta lại cho bố mẹ cậu ta tìm thấy ở vườn sau - bọn tôi đã bỏ cậu ta lại, ý tôi là thế. Tôi bỏ chạy cùng tất cả những người khác. Và khi cảnh sát đến trước cửa nhà tôi và cho bố mẹ tôi xem những bức ảnh Polaroid chụp các vết bầm tím, tôi không tài nào nói, Ôi, nhưng cháu không hẳn tham gia vào vụ đó, cháu chỉ đứng nhìn thôi, hoặc, thực ra cháu có mặt ở đó chỉ là để bảo vệ Henry. Bởi vì nói thế thì vừa là nói thật cũng vừa là nói dối, và vì sự tham gia của mình tôi bị đưa ra tòa án vị thành niên, thế là tôi phải trải qua năm cuối trung học của mình ở một nơi khốn khổ chết tiệt.”
“Anh chưa bao giờ kể cho tôi nghe chuyện này,” cô nói.
“Tôi chưa bao giờ kể cho bất kỳ ai,” anh ta nói. “Và không phải bởi vì tôi hổ thẹn. Tôi có hổ thẹn, tin tôi đi. Nhưng đó không phải lý do tại sao tôi không bao giờ kể chuyện đó. Nó đã qua rồi, nó đã xong rồi, nó đã là lịch sử. Tôi trải qua một năm trong địa ngục, và sau đó tôi vào đại học. Tôi không bao giờ gia nhập bất kỳ hội nam sinh nào. Tôi không hề muốn dây dưa gì với các loại hội đám. Nhưng tôi sẽ cho cô biết một điều nữa mà tôi không bao giờ làm. Tôi cũng không bao giờ vào các nhóm nhủng lằng nhằng đối trọng của các hội nam sinh. Cái đó cũng chẳng khác gì một dạng câu lạc bộ. Tôi không bao giờ nói xấu những thành viên của các hội nam sinh vì tôi biết thành viên của các hội và tôi thích những người đó, với tư cách những cá nhân riêng lẻ, một số người trong số họ tôi rất quý, và nếu như tôi có lúc nào bị xúi giục nói xấu họ, tôi lại cảm thấy chuyện cũ dội về. Gia nhập câu lạc bộ, mất kiểm soát. Đánh mất lập trường của mình. Tội của tôi là thế đấy, Genevieve. Tin rằng mình tốt hơn cả nhóm. Cho dù xét ở góc độ từng cá nhân riêng lẻ thì không tốt hơn bất kỳ ai. Tệ hơn thế, vì tôi đã đứng đó nhìn Henry bị trói bằng dây vòi tưới và bị đá lộn cổ. Không có từ nào cho tôi. Một người tốt hơn, khôn ngoan hơn, nhân đạo hơn bất kỳ nhóm nào. Từ trái nghĩa với một kẻ kênh kiệu, xét ở góc độ nào đó. Nhưng điều đó không có nghĩa,” anh ta nói thêm, “rằng tôi không tốt và hỏng bét. Và đầy hổ thẹn.”
Thật may là chúng tôi không bao giờ mời Joe Pope tham gia vào đội bóng mềm của công ty. Không thích các loại hội nhóm - hừm, vậy anh ta nghĩ anh ta đang làm gì khi làm việc tại một công ty quảng cáo chứ? Chúng tôi có tin này cho anh ta đây. Anh ta là một kẻ trong chúng tôi cho dù anh ta có thích điều đó hay không. Anh ta đến công ty cùng một thời điểm mỗi buổi sáng, anh ta phải tham dự cũng các cuộc họp đó, anh ta cũng có các deadline giống hệt như những người còn lại chúng tôi. Và đúng thật là một nghề kỳ quặc đối với anh ta, quảng cáo, nơi mà điều cốt lõi nhất là rủ rê được càng nhiều người mua sản phẩm của bạn càng tốt, mặc nhãn của bạn, lái xe của bạn, tham gia nhóm của bạn. Thử hỏi có ai mà không hiểu điều đó.
Chúng tôi lấy làm tự ái, việc anh ta miễn cưỡng lên tiếng đại diện cho chúng tôi. Câu nói đùa cũ của Groucho Marx đã đảo ngược: anh ta sẽ không bao giờ muốn thuộc về một câu lạc bộ có chúng tôi là thành viên. Hừm, nếu như đó không phải sự kiêu ngạo, nếu như đó không phải sự kênh kiệu, chúng tôi không biết là gì nữa? Và cái thái độ đó mang đến điều gì cho anh ta chứ? Có lẽ là một sự tồn tại chán phèo. Anh ta có thể tham dự một buổi biểu diễn hòa nhạc văn minh mặc dù bản thân anh ta không bao giờ gia nhập một nhóm tứ tấu. Anh ta được phép đọc tiểu thuyết chừng nào anh ta không tham gia vào bất kỳ câu lạc bộ sách nào. Anh ta có thể dắt chó đi dạo nhưng chó của anh ta bị cấm vào một công viên chó nơi anh ta có thể buộc phải trộn lẫn với những chủ vật nuôi khác. Anh ta không can dự vào tranh luận chính trị. Chuyện đó sẽ đòi hỏi anh ta phải gia nhập một bên. Tôn giáo cũng không nốt, vì thực ra tôn giáo là gì ngoài một nhóm người tìm kiếm phần chia béo bở hơn những người khác? Cái anh ta có là một cuộc sống vô vị, cô độc, nguyên tắc. Thế chẳng trách không có bất kỳ ai trong chúng tôi từng mời anh ta đi ăn trưa?
Hừm, chúng tôi không thể làm thêm được gì trong chuyện này nữa. Mặc dù chúng tôi không biết Genevieve đang chờ đợi điều gì, vì cô ta đã đồng ý nói chuyện với Lynn mà không có anh ta, nếu cần phải như thế. Thực sự, chúng tôi không có nhiều thời gian. Nhưng khi chúng tôi giục cô ta hành động, cô ta nói cô ta đang chờ đợi. Chúng tôi hỏi cô ta chờ đợi cái gì? “Anh ta vẫn đang cân nhắc chuyện này,” cô ta trả lời. Chúng tôi bảo cô ta bỏ đi. Joe Pope coi như là vứt đi rồi.
Anh ta bước vào và ngồi đối diện với cô qua bàn. “Họ quả là những người có sức thuyết phục,” cuối cùng anh ta nói. “Toàn bộ vấn đề là ở đó, tất nhiên rồi. Họ có thể thuyết phục cô về bất kỳ chuyện gì.”
“Anh đã bị thuyết phục chưa?”
Anh ta phải mất một lúc mới đáp lại. “Từ lúc tôi vào đây hôm qua,” anh ta nói, “và nói với cô, thật là một nhiệm vụ quái gở - cô nhớ chứ? Lúc đó tôi đã ít nhiều bị thuyết phục rồi. Việc họ có sức thuyết phục đến mức nào mới là điều khiến tôi chần chừ. Bị thuyết phục và có sức thuyết phục,” anh ta nói thêm. “Đó là hai việc khác nhau.”
Cô chờ đợi, cảm thấy cán cân đã nghiêng hẳn, không muốn nói thêm bất kỳ điều gì vì sợ chỉ một từ cũng có thể mang ít nhiều sức đối trọng.
“Nhưng nếu vậy thì có thể là chị ấy bị bệnh thực sự,” anh ta nói.
“Vâng.”
“Và nếu thế thì đâu phải tôi làm chuyện này cho họ, đúng không?”
“Không,” cô ta nói.
“Trách nhiệm của tôi không phải là đối với họ.”
“Không phải với họ,” cô ta nói. “Không.”
Anh ta cúi về phía trước, nhắm mắt lại, và giữ hai bàn tay chắp lại với nhau trước trán. Anh ta ở nguyên tư thế đó một lúc lâu trước khi lại ngẩng lên.
“Hừm, nếu vậy thì,” anh ta nói. “Không có lúc nào như lúc này.”