Và Thế Là Chúng Ta Tiêu - Chương 07
Việc để làm
và nơi để đến
Cái đêm trước ca mổ chị chẳng có bữa tối xã giao nào phải đến dự, không có buổi lễ trao giải thưởng nào, không có những buổi họp mặt kết giao. Chị bất chợt nảy ra một kế hoạch ở ghế sau chiếc taxi khi chị bước lên yêu cầu người lái xe đi đường Inner Drive. Chị hình dung ra chiếc ghế sofa của mình, hai con mèo, gọi món gì đó ngon lành về nhà, và một chai rượu vang mà chị vẫn để dành. Họ yêu cầu ta không được ăn bất kỳ thứ gì trong vòng mười hai tiếng đồng hồ trước đó, nhưng nói thật nhé, như thế quá là vô lý, đúng không - cơ hội cuối cùng cho ta được có một bữa ăn bình thường trong biết bao lâu chứ?
Chị không mang theo công việc nào về, không phải đêm nay, vì công việc sẽ không phải là cách thích hợp để trải qua buổi tối. Tuy vậy bất kỳ khi nào không có công việc, ngay cả trong thời gian đi một cuốc taxi, chị cũng bắt đầu cảm thấy bồn chồn. Cũng may đó là một cuốc xe ngắn. Chị trả tiền cho lái xe và bước ra trước một tòa nhà lừng lững. Chị sống trong căn hộ tầng trên cùng trông ra mép nước uốn lượn như bờ hồ Michigan.
Người gác cửa đứng ở vị trí của mình trong sảnh chính; họ chào nhau và chị bước về phía thang máy. Bên trong căn hộ, chị trút bỏ một bên giày cao gót trong khi treo chìa khóa của mình lên mắc. Chị trượt bỏ nốt chiếc còn lại, và với hai chiếc giày trong một tay, bước dọc hành lang tới nơi bộ pyjama của chị đang đợi. Luồn người vào bộ pyjama - thế này mới đúng chứ. Đây là một nơi dễ chịu để nương náu, chị tự nhủ với mình, ở ngay đây trong căn hộ này, và luồn người vào bộ quần áo ở nhà màu hồng như đồ bệnh viện cùng chiếc áo khoác mỏng kéo khóa - đó là việc đúng đắn để làm.
Ở bàn bếp chị tự rót cho mình một ly rượu vang. Chị hồi tưởng lại ngày hôm đó, chị không đừng được. Chris Yop đổ gục xuống khi chị thông báo cái tin đó. Nếu Martin mà ở đây, chị sẽ kể cho anh nghe, một người đàn ông trưởng thành mà còn đi khóc chứ! Liệu anh có làm thế không? Tất nhiên anh sẽ không đời nào khóc rồi! Để em nói cho anh nghe điều này, em nghĩ em đã trở nên miễn nhiễm với những cảm xúc dây dưa này. Việc anh ta khóc ấy à? Em chẳng thèm bận tâm tí nào luôn. Anh muốn biết lúc nào thì em mới cảm thấy gì đó à? Đó là với người nói với em rằng, Lynn, làm việc cho chị thật là tuyệt vời, và tôi hiểu chẳng qua là chị bắt buộc phải làm thế này thôi - đó mới là người em thấy thương. Những người đó làm em dằn vặt đến chết. Còn một người đàn ông trưởng thành mà khóc ấy à? Ồ, không. Và anh nghe chuyện này nhé! Một tiếng sau, anh ta vẫn còn thò mặt ra đi họp. Em bước vào, anh ta đang ngồi sẵn trong phòng làm việc của em. Em vừa mới sa thải anh ta xong, vậy mà giờ anh ta đang ngồi trong phòng làm việc của em. Em bảo anh ta, Chris, anh phải rời khỏi đây. Chúa biết là em không thể nào chịu đựng nổi họ cứ nấn ná quanh đó!
Chờ chút - chị vừa mới nói phần cuối cùng to thành tiếng thì phải? Một mối nguy hiểm của việc sống một mình. Một trong hai con mèo đang ngước lên nhìn chị từ dưới sàn nhà. Hay là đó chỉ là một cái nhìn đòi ăn nhỉ? Chị tự nhắc nhở mình - Martin thực ra đâu có ở đây đâu, Lynn. “Nhưng mày thì có, đúng không, Friday,” chị nói, cúi xuống gại gại lên bộ lông đen bóng của con mèo. Con mèo cong lưng lên và đòi thêm nữa. “Đúng rồi, mày ở đây,” chị nói, “và tao cũng thế, và ai thèm anh ta chứ?” Chị ngồi thẳng dậy và nhấp một ngụm rượu vang khác. Hãy nhìn tất cả những chiếc ghế này mà xem! Tổng cộng có đến bốn chiếc ghế quanh bàn bếp! Tại sao mình lại cần đến bốn chiếc ghế nhỉ? Điều quan trọng là chị đừng có phàn nàn về bất kỳ điều gì, giờ đây khi chị đã ở nhà. Chị đã ở nhà, ở nhà hẳn luôn. Đừng suy nghĩ gì nữa, đừng suy nghĩ gì nữa, đừng suy nghĩ gì nữa.
Chị tự hỏi lúc này Martin đang ở đâu. Anh có ở chỗ làm không? Bây giờ là mấy giờ nhỉ? Sáu giờ bốn mươi lăm, tất nhiên là anh đang ở chỗ làm. Đừng suy nghĩ gì nữa. Anh sẽ ở chỗ làm suốt nhiều tiếng đồng hồ cho mà xem. Thôi đi. Ấy thế mà hôm nay Lynn Mason lại nghỉ việc sớm. Hai hồ sơ dự thầu mới quan trọng, có vai trò tuyệt đối không thể thiếu cho tương lai của công ty, và những chiến lược cho cả hai hồ sơ này vẫn cần được vạch ra với bộ phận khách hàng, nhưng Lynn đã rời văn phòng vào một giờ hợp lý, để về nhà với những con mèo của mình, để trải qua buổi tối trước ca phẫu thuật theo một cách thật thư giãn, nghỉ ngơi bằng cách xem ti vi một chút, lên giường sớm và đánh một giấc ngon lành cả đêm luôn. Điều gì còn có thể tốt hơn, hấp dẫn hơn thế chứ? Đừng nghĩ về Martin nữa. Và giả sử chị có bị cám dỗ đi nữa, hãy nhớ mà xem - đó là Martin ở chỗ làm. Chỉ là một người đàn ông ngồi bên bàn làm việc, gắt gỏng và bẩn thỉu với những thứ mùi hôi hám cả ngày, bận bịu với vấn đề pháp lý tẻ ngắt nào đó. Thử hình dung sự có mặt của anh ở đây ngay lúc này sẽ chán ặc như thế nào. Làm sao chị lại có thể mong muốn điều đó, với tất cả những gì chị có ở ngay đây - đồ ăn Tàu đang trên đường đến, và ngần ấy những chiếc ghế để mà lựa chọn.
Người gác cửa gọi lên từ dưới sảnh. Đồ ăn của chị đã được đưa đến. Ơn Chúa, cho anh ta lên. Nếu anh ta dễ thương, chị sẽ quyến rũ anh ta. Không đùa đâu. Việc đó coi như xong, coi như quyết rồi. Tưởng chị có thời gian mà chơi trò mèo vờn chuột đêm nay chắc? Không, chỉ cần anh ta dễ thương đôi chút thôi, chị sẽ ngã vào lòng anh ta ngay trong hành lang. Chậc, không phải là trong hành lang. Tại sao anh không vào bên trong nhỉ? Anh làm ơn đóng cửa lại hộ tôi được không? Những anh chàng đưa hàng kiểu gì chẳng mơ về chuyện này. Có lẽ là chọn một bộ pyjama khác chăng? Bộ đồ ở nhà màu hồng và cái áo khoác kéo khóa này - trông không được người-tình-của-đêm cho lắm. Chị cần một chiếc áo choàng mặc trong nhà, bên trong không mặc gì hết. Bởi vì tất cả nghe cứ như một lời nói đùa cho đến khi bạn hiểu rằng phải có ai đó là người cuối cùng giữ ngực chị trong miệng của anh ta - đêm nay - và chị thực sự không muốn đó là Martin.
Nhưng anh ta đến rồi đi. Chàng thanh niên người châu Á, trông cũng duyên, nhưng chị mất hết can đảm. Chị mang thức ăn lại ghế sofa. Cảm giác thoải mái ban đầu được ngồi trên ghế sofa - đúng thế, đây là nơi đúng đắn để ở, ngay tại đây, và bật ti vi lên là điều đúng đắn để làm. Chị vừa ăn tối và uống rượu vang vừa xem một tập phim The Simpsons, và nửa tiếng đồng hồ sau niềm tin tưởng của chị vẫn gần như nguyên vẹn.
Đến ly rượu vang thứ ba, chị tự nhắc lại với mình: Đây là một nơi đúng đắn để ở, ngay tại đây, và việc này là điều đúng đắn để... không biết Martin đang làm gì nhỉ? Anh ấy đang làm việc. Lynn, mày biết điều đó rồi còn gì. Anh ấy sẽ còn ở đó nhiều tiếng đồng hồ nữa. Hãy nghĩ đến người khác đi. Tự hỏi... tự hỏi không biết ở rạp đang chiếu những phim gì nhỉ. Khi có thời gian, chị thích đi xem phim. Mặc dù bao giờ cũng sẽ tốt hơn nếu đi xem phim với một ai đó. Một mình, luôn có khoảng mười phút khó xử đó giữa lúc ta đến và lúc họ giảm bớt ánh sáng để chiếu phần giới thiệu khi mà dù biết là vô lý ta vẫn tin rằng tất cả mọi người trong rạp đều đang chằm chằm nhìn ta vì ta là một phụ nữ đi xem phim một mình. Có lẽ cũng là điều hay khi mà chị đang ở đây trên chiếc ghế sofa này, thay vì bồn chồn chờ đợi một bộ phim nào đó bắt đầu. Đây là nơi đúng đắn để ở. Trừ phi giải pháp thay thế là một bộ phim chiếu rạp cùng với Martin.
Ti vi cũng chẳng có gì hay ho. Chị tắt nó đi, đứng dậy, thực hiện quá trình di chuyển lạnh chân từ thảm sang nền gạch - nhưng trong bếp có gì cho một người đang muốn được xả láng nhỉ? Không ăn trong mười hai tiếng đồng hồ cái con khỉ. Đây có thể là nó đây. Xem nào - món kem gì đó đã đóng tuyết. Trong tủ chạn có gì nhỉ? Một phần ba túi kẹo dẻo. Thề có mạng sống của chính mình là chị không thể nhớ nổi đã mua những thứ này. Chị chẳng hề khoái bất kỳ thứ gì trong số này - mặc dù vậy khi chị chuyển sự chú ý của mình sang việc dọn dẹp cái tủ quần áo trong phòng ngủ, chị vẫn mang theo hộp kem đi cùng. Đúng là cứng cong cả thìa. Điều gì thôi thúc chị làm việc đó, đi dọn dẹp ấy? Chị chọc thìa vào hộp kem sau mỗi đống hổ lốn được chị lôi ra từ trong tủ và tống sang phòng dọn dẹp. Kể cũng sẽ tốt, chị tự nhủ, khi có một cái tủ quần áo gọn ghẽ tinh tươm trong quá trình hồi phục của mình.
Mười lăm phút sau chị không còn muốn dọn dẹp tủ quần áo nữa. Vào đêm nay trong tất cả các đêm, dọn dẹp tủ quần áo là sao? Chẳng lẽ chị chỉ có trí tưởng tượng kém cỏi đến thế, đó là tất cả những gì chị có thể nghĩ ra sao? Hãy thử hình dung nếu một đêm trong cả đời người được nhìn nhận giống như một nhà khoa học có thể nhìn nhận nó, hoặc giống như một dạng sinh vật nào đó nghiên cứu các giống loài của chúng ta, và kể từ cái đêm đó trở đi, giá trị của toàn bộ cuộc sống này được hình thành nên. Chẹp, chị không muốn cuộc đời mình được đánh giá bởi những chương trình ti vi chị đã xem hoặc cái tủ đồ mà chị đã dọn dẹp. Hơn nữa, cái thứ kem chết tiệt đó cần có một cái cuốc chim. Từ bỏ tất thảy mọi thứ, chị quay vào bếp và uống nốt chai rượu vang.
Martin bốn mươi lăm tuổi và chưa bao giờ kết hôn. Cha mẹ anh ly dị khi anh còn nhỏ và anh không bao giờ tha thứ cho khế ước hôn nhân vì bất kỳ nguồn an ủi giả tạo nào của nó. Anh cứ lải nhải nói mãi về điều đó, cho đến khi cuối cùng chị bảo anh, “Được rồi, em đã hiểu đến cả tám trăm lần lần thứ nhất rồi, anh không phải là mẫu người hợp với hôn nhân.” Mặc dù vậy, anh cần ai đó để đi cùng tới đảo Maui. Hãng luật của anh có một lô sang trọng tại sân bóng chày Wrigley, chẳng có nhà hàng nào trong thành phố mà anh không thể chi trả - anh sẽ không đời nào ngồi vào những nơi đó một mình. Anh cần bầu bạn, anh cần sex. Nhưng có lẽ nói như vậy chẳng khác nào vẽ một bức chân dung quá phiến diện về Martin. Anh hoàn toàn có thể chỉ hẹn hò với những phụ nữ trẻ hơn, đặc biệt là những cô gái, những trợ lý pháp lý và thư ký không có não trong đầu, mê mẩn vì cái tư cách thành viên quản trị của anh, tiền bạc của anh, vồng ngực vạm vỡ dưới những chiếc áo sơ mi được hồ cứng. Thay vào đó anh ở bên chị, một người trạc tuổi anh, người có những thành tựu chuyên môn mà anh tôn trọng. Và tháng Tám vừa rồi, anh dành một tuần ở Florida, trọn vẹn cả một tuần liền ở Cocoa Beach, đưa người cha già cả của chị đi đây đó. Ăn lúc năm giờ ba mươi, nói thật to để ông có thể nghe được - thôi thì đủ cả. Anh không hề kêu ca gì cả. Điều đó cũng đáng kể còn gì - hy sinh cả kỳ nghỉ của mình, gặp gỡ gia đình chị? Và thỉnh thoảng, anh lại xuất hiện với những bông hoa, anh lại vụt hiện ra từ phía sau và hôn lên cổ chị, và chừng đó cũng đủ để bỏ qua cho ngày sinh nhật mà anh quên mất, hoặc những buổi hẹn hò anh phải cancer[28] vì công việc.
Cancel. Từ chị muốn nói đến là cancel chứ.
Nhưng điều vẫn thường xuyên xảy ra là anh sẽ gọi vào phút cuối cùng có thể. “Đi lấy lời khai... thẩm phán dời ngày mở phiên tòa lên sớm hơn... cuộc họp quan trọng.” Bất kể là gì thì nó cũng khiến chị còn lại một mình, đối mặt với khẩu súng hai nòng dài là thứ Bảy và Chủ nhật trong khi đáng lẽ ra phải là ba chai Merlot trên đảo Mackinaw và những tấm chăn ấm sực hơi người. “Ôi, chết tiệt, Martin, đừng lại như thế nữa chứ.” “Này, anh xin lỗi mà,” anh lại mơn trớn. “Nhưng đây là công việc, Lynn. Đây là điều anh phải làm.” “Vâng, nhưng anh biết sao không? Quỷ tha ma bắt anh đi, vì chuyện này đã được lên kế hoạch rồi. Chúng ta đã lên kế hoạch cho chuyện này, anh và em - và sao chứ, bây giờ em sẽ gọi cho Sherry à? Em sẽ gọi cho Diane và nói, Martin lại cho tớ leo cây rồi, đồ khốn nạn, muốn thuê đĩa phim về xem không?” “Chẳng lẽ không hề quan trọng,” anh hỏi, “chẳng lẽ không hề đáng kể rằng anh rất tiếc sao?” Phần rất tiếc phải là chị biết thừa rằng Sherry, với hai đứa con sinh đôi mười tuổi, không hơi đâu bỏ công việc đấy mà nghe thêm một câu chuyện khác về Martin, và phần rất tiếc là chỉ nghe thôi cũng thấy đáng sợ rồi, đi thuê một đĩa phim về xem với cô nàng Diane béo ị, ủ dột đó. Đôi lúc chị gần như ước giá như Martin đã có vợ và chị đang tòm tem với chồng của một người đàn bà khác nên tất cả mọi chuyện sẽ trở nên đơn giản hơn nhiều - sẽ dễ dàng đối phó với một câu nói rập khuôn hơn là những nỗi ám ảnh quá thể đáng của Martin. Anh không chỉ không phải là mẫu người hợp với hôn nhân. Anh còn lập lờ đến bệnh hoạn. “Em không thể cứ thế này,” chị nói. Và luôn là im lặng ở đầu dây bên kia. “Không thể cứ thế nào cơ?” “Thế này,” chị nói. Và thế là xong, họ lại giải tán.
Rồi sẽ lại đến một đêm - này, không khác gì đêm nay - khi đã đủ thời gian trôi qua để những chi tiết cụ thể về cuộc đối thoại cuối cùng của họ đã trở nên mơ hồ, khi Lynn phát hiện ra rằng trong những ngày xen giữa đó cơn tức giận của chị đối với Martin đã chuyển dần sang niềm thông cảm, để rồi trào dâng, trong đêm đó, thành nỗi ân hận vì chị đã phản ứng như thế nào khi anh hủy bỏ kế hoạch của họ. Giữa hai chúng ta luôn có một nỗi thấu hiểu, ý nghĩ bắt đầu như thế, rằng công việc quan trọng như thế nào, và khi chúng ta ở bên nhau đó luôn là điều chúng ta nói đến - nỗi chán chường này của mình, vụ án ly kỳ kia của anh, chúng ta đang thành công và thất bại rồi làm việc vất vả như thế nào. Chị thường hồi tưởng lại và tự nhủ mình mới ích kỷ làm sao, và cũng hơi trẻ con nữa - để rồi chị sẽ gọi điện. Hoặc một vài ngày sẽ trôi qua và anh sẽ gọi. “Em nói đúng, anh làm hỏng bét mọi chuyện, chúng ta đã lên kế hoạch chuyện đó,” anh nói. “Chúng ta có thể làm điều đó vào cuối tuần này được không?” Thật dễ chịu biết bao khi lại được thọc tay vào ngực anh, thật tuyệt vời biết bao khi lại được vấp vào giày của anh trên đường vào nhà tắm.
Nhưng không phải là đêm nay - không có chuyện gọi cho anh đêm nay. Không phải là sau cuộc nói chuyện cuối cùng của họ. Chẳng có cách gì để dịch chuyển tí trạng thái cảm xúc nào trong đó. Cái tình trạng gương-vỡ-lại-lành đã đông cứng lại như một con voi răng mấu trong băng, và người quản tượng cưỡi bên trên, với ngọn giáo và những cơn giục giã hoang dại, anh ta là năm tháng của họ bên nhau, bị dừng lại mãi mãi với cái miệng há hốc, tiếng hú hét và gào rú cuối cùng cũng trở nên câm lặng.
Gượm đã - đột nhiên tất cả giống như trong một bộ phim khoa học viễn tưởng: bằng cách nào mà chị lại ở đây? Chỉ mới trước đó một giây, chị còn ngồi trên ghế sofa với lũ mèo, ăn đồ ăn Tàu. Có cái ti vi, cùng mớ kem còn lại. Thoắt nhiên chị đã thay quần áo và đang ngồi ở một chỗ đông người, ngắm nhìn và được ngắm nhìn. Một quán rượu ốp gỗ được chiếu sáng rất trang nhã mới mở cửa trong vùng. Chị cảm thấy như mình đang được trưng bày vì là người duy nhất ngồi ở quầy bar. Đám đông ở phía sau. Chị cứ tự lặp đi lặp lại câu gì ấy nhỉ? Đây là nơi đúng đắn để đến, một mình tại quầy bar này, và cái việc mình đang làm, uống đến, bao nhiêu, bốn à? ly rượu vang thứ tư hay thứ năm gì đó trong buổi tối, thật là một việc khôn ngoan và sáng suốt để làm. Ở đây thì điều đó nghe không còn được thuyết phục như lúc ở nhà nữa. Chị thậm chí còn không nghĩ ra nổi câu chuyện phiếm nào với tay đứng quầy, người có vẻ như đang dính chặt với những gì có trong ví của anh ta. Ái chà chà, đừng để tôi làm anh lãng trí. Không cần một câu chuyện gẫu vu vơ, cái mà người ta từng gọi là tình người. Chắc chắn rồi, cứ tiếp tục săm soi những tờ hóa đơn ATM của anh đi. Chị sẽ tự bằng lòng với việc gặm nhấm lại nó từ đầu: cái sự thật rằng nhất định có một nơi nào đó - chị tuyệt đối chắc chắn về điều đó - một nơi đúng là nơi đúng đắn để đến đêm nay, và một điều đúng là điều đúng đắn để làm. Liệu nó có phải là ngồi trong phòng làm việc của Martin, dưới những ánh đèn huỳnh quang quen thuộc đó, giữa tất cả những thùng hồ sơ ngột ngạt ấy, nhìn Martin đọc những tài liệu tải về từ trang Westlaw, chỉ là để được có Martin bên cạnh mình? Không, quỷ tha ma bắt nó đi, không - đúng là trò vớ vẩn. Có điều gì đó khác, điều gì đó của Lynn Mason, điều thuộc về chị và chỉ riêng mình chị thôi mà không hề phụ thuộc vào sự tồn tại của Martin Grant. Nhưng là cái gì mới được? Điều duy nhất chị có thể nói chắc chắn, có lẽ không phải là ở đây. Thật lạ lùng là một ly rượu vang có thể hết veo nhanh đến thế khi bạn là người duy nhất ở quầy bar. Thưa quý ông quý bà, bây giờ tôi sẽ nói lời tạm biệt, ngày mai các vị sẽ không nhìn thấy tôi nữa. “Ly nữa nhé?” người đứng quầy hỏi. “Thanh toán thôi,” chị nói.
Một hôm chị nói với anh - họ đã lại làm lành - “Này, anh lại đây nhé, và sờ thử cái này cho em được không?” Chị đang ở trong buồng tắm. Đó là một ngày làm việc, một trong những dịp hiếm hoi Martin ngủ lại trong tuần. Anh bước tới cửa buồng tắm. “Này, anh đi bây giờ đây,” anh nói. “Phải về nhà để tắm.” Anh đang đứng ngay phía sau lớp kính mờ mờ. “Anh không nghe thấy em vừa nói gì à?” chị hỏi anh. “Gì cơ?” anh nói. “Em bảo anh sờ thử cái này cho em.” Anh không nhúc nhích. “Cái gì vậy? Anh sẽ bị ướt mất.” Và ngay lập tức, chị chợt nảy ra ý nghĩ. Một mối ngờ vực thì đúng hơn. Đó là khi anh nói, “Anh sẽ bị ướt mất” - nói như thế thì thuộc cái thể loại gì nữa không biết? Thì xắn cái ống tay áo chết tiệt của anh lên, đồ ngớ ngẩn! Nó khiến cho chị tin chắc rằng anh đã nghe thấy chị nói gì, nghe tất tật những gì chị nói quá rõ là khác. Không thể không nhận ra được, khi một phụ nữ đang ở dưới vòi hoa sen và nói, lại đây và sờ thử cái này, trong đó kiểu gì cũng có một giọng điệu len lỏi vào. Không phải là hoảng sợ, chưa đến mức đó. Lo lắng, và chị đang tìm cách trút bỏ một chút lo âu. Chị đang tìm ai đó để nói, anh chẳng sờ thấy gì cả. Nhưng Martin, Martin rất nhanh. Martin sẽ ngay lập tức hiểu được những hàm ý của một đề nghị kiểu như lại đây sờ thử cái này, và anh sẽ đánh hơi được cả cái giọng điệu trong đó nữa - và khi đã biết cái giọng điệu đó ẩn chứa điều gì, tất cả những gì nó có thể dẫn đến và tất cả những gì nó có thể yêu cầu từ anh, anh bước đến cửa buồng tắm với ý đồ riêng của mình. Phải về qua nhà, phải tắm qua một cái. Có đúng như vậy không, hay đó chỉ là tính đa nghi của chị? “Cái gì vậy, Lynn?” anh nói. “Em muốn anh sờ thử cái gì cơ?” “Không có gì,” chị nói. “Không, là cái gì vậy?” anh nói, giờ đây là với vẻ sốt ruột nhằm làm cho chị tin rằng anh đang rất tha thiết được biết, thực sự mong muốn cơ hội này. “Không có gì đâu, đừng bận tâm, ra khỏi đây đi,” chị nói. Anh mở toang cửa buồng tắm, làm chị giật mình. Chị đóng sầm nó lại. “Ra khỏi đây đi! Về nhà mà tắm.” Anh đã cầm sẵn chìa khóa của mình trên tay. Chúng kêu xủng xoảng khi anh quay chúng quanh ngón tay của mình. “Được rồi,” anh nói - và anh chỉ phản ứng đến mức đó. Chị ghét nỗi thất vọng mà chị cảm thấy khi, với vòi nước đã tắt, chị nghe thấy tiếng cửa trước đóng sầm lại.
Anh dành cả tháng sau đó ở California cho một vụ án. Anh có gửi lời nhắn nhưng chị không đáp lại, và sau đó thì anh thôi gọi điện. Phải mãi đến hai tuần sau khi anh trở về họ mới gặp nhau lần nữa, và lẽ ra họ đã sa lầy vào một trận cãi vã thậm chí cả trước khi đặt chân vào trong nhà hàng - về những cuộc gọi được để lại nhưng không được trả lời, về sự im lặng cả tháng qua, sự xúc phạm của hai tuần sau đó. Nhưng được ngồi đối diện với anh như cũ là điều chị muốn. Chị thấy nhớ được trò chuyện cùng anh. Lạy Chúa - chẳng lẽ chị không nhận thấy là nhiều đến chừng nào sao? Bao giờ cũng là chủ đề đó - lũ thẩm phán cáu bẳn và bọn công tố viên bất tài cùng những vấn đề pháp lý mà chị cần phải được giải thích mới hiểu được. Nhưng cái cách mà anh nói chuyện, những kiểu cách của anh, những kiểu cách nam tính không thể nào bắt chước được của anh - chị thấy nhớ chúng. Và cả anh cũng nhớ cảm giác có chị ở bên, có vẻ như thế. Anh lắng nghe chị nói về những khó khăn mà công ty đang phải đối mặt và cảm giác tồi tệ khi phải cho mọi người nghỉ việc. Lúc sau trong đêm đó họ quay trở về chỗ chị và cảm giác được có anh bên trong chị thậm chí còn tuyệt vời hơn là có anh ngồi đối diện chị qua bàn. Chị phải dừng lại một chút để nhắc anh không được chạm vào đó, vào bên ngực trái, tập trung sự chú ý của anh vào bên ngực phải chứ đừng có động vào ngực bên kia, và cũng dễ hiểu là anh đoán được rằng đây không phải là lúc để hỏi, “Sao lại thế?” và thế là anh không nói gì.
Nhưng trong bữa sáng hôm sau, tại một quán gần nhà nơi họ ngồi trong khoảnh sân bên một chiếc bàn sắt uốn dưới ánh nắng mới của mùa xuân, anh làm chị ngạc nhiên. “Anh đang đoán ra như hai với hai là bốn vậy,” anh nói, “không thì nói là năm cũng được, nhưng anh nghĩ là anh có thể hỏi. Em đang cảm thấy như thế nào, về mặt sức khỏe?” “Tại sao anh lại hỏi em thế?” chị nói. “Bởi vì lần gần đây nhất hai đứa mình ở bên nhau em đã yêu cầu anh sờ thử cho em cái gì đó. Và lần này em lại bảo anh không được sờ cái gì đó. Liệu có phải nó chỉ là vấn đề hằng tháng... là chuyện không đúng thời điểm chăng? Hay có điều gì đó khác đang xảy ra?”
Martin, người chỉ quan tâm đến việc nói chuyện về luật pháp. Và khi không phải là luật pháp thì là nhạc jazz - lịch sử của nhạc jazz, cách thưởng thức nhạc jazz như thế nào, cái bản thu âm đặc biệt đã thay đổi nhạc jazz mãi mãi. “Tất cả mọi người sẽ không đồng tình với anh, nhưng đó chính là ca khúc ‘St. Louis Blues’ của Louis Armstrong. Trước đó chưa bao giờ có bất kỳ thứ gì như thế cả.” Đến giờ thì chị đã thuộc lòng câu đó. Ôi, Chúa ơi - chẳng lẽ chị đã hiểu lầm anh? Chẳng lẽ quyết định của chị không trả lời những cú điện thoại của anh khi anh đến California là căn cứ vào suy đoán rằng khi anh bước tới cửa buồng tắm, anh đã tự nhủ, Thò tay vào là mình tiêu đời. Chỉ hai phút kiểm tra phi tình dục với cái thứ mà anh đã dồn hết sự chú ý của mình vào trong những giờ giấc thuận tiện và thế là anh sẽ phải dính vào nó cả mấy tháng liền, có thể cả mấy năm cũng nên. Anh sẽ phải dính vào việc gặp gỡ bác sĩ rồi học những từ chuyên môn lại còn phải lái xe đưa chị đi đi về về và giữ đầu chị mỗi khi chị nôn ọe. Nếu như anh không có khả năng cam kết với mối quan hệ đòi hỏi sự chở che, tình yêu, sự bao bọc, thì liệu anh có thể thiết tha đối với một cam kết như thế? Nhưng liệu có thể nào quả thực chỉ đơn giản là anh không hề nghe thấy chị thật? “Em có một khối u ở ngực,” chị nói. “Em phát hiện ra một khối u.” Anh nhướng mày lên. “Một khối u,” anh nói, và nhìn xuống, bỗng nhiên lại nghịch nghịch một cái hộp kem rỗng. “Khối... khối u là thế nào?” Khối u là thế nào? Anh đã không ngờ đến câu trả lời đó, đúng không, cho dù đó là một câu trả lời hiển nhiên - không phải ở đây, không phải trong bữa sáng dưới ánh mặt trời. “Tại sao anh không quên nó đi nhỉ?” chị nói. “Không, ý anh là, tất nhiên anh biết một khối u là thế nào chứ,” anh nói. “Nhưng em đã làm gì với nó rồi? Đó mới là điều anh định hỏi. Các bác sĩ nói sao?” “Em không sao cả,” chị nói. “Họ nói vậy sao?” “Martin,” chị nói, “em không sao.” “Thế em có định nói cho anh biết không vậy?” “Em nói với anh đêm qua rồi còn gì?” chị nói. Ngoắt một cái anh biến thành tay thầy cãi. “Không, đêm qua em đâu có nói với anh. Đêm qua em bảo anh không được sờ. Em đâu có nói với anh là em tìm thấy một khối u.” “Tại sao anh không thôi lo lắng về nó đi nhỉ, Martin - vì em nghĩ anh sẽ không muốn lo lắng về nó thay vì phải lo lắng về nó.” “Anh là người khơi ra chuyện này, đúng không? Chẳng phải anh là người khơi nó ra còn gì?” Hừm, chị nghĩ bụng - chẳng lẽ là anh sao? Người đàn ông này là ai, kẻ mà chị đã lên giường cùng đúng là suốt cả năm vừa rồi, và anh ta sẽ phản ứng như thế nào khi bị dồn lưng vào chân tường? Hãy cùng tìm ra nào. “Được rồi,” chị nói, “đến gặp bác sĩ với em.” Anh quay lại với việc nghịch nghịch hộp kem. Phải một hồi lâu anh không hề ngước nhìn lên. “Vậy là em chưa đi gặp bác sĩ nào à?” “Em vừa mới bảo anh đi cùng em đấy thôi,” chị nói. “Nên hiển nhiên là em chưa đi rồi.” “Tại sao lại chưa?” anh hỏi. “Vì em cần có người đi cùng với mình,” chị nói. Anh hướng sự chú ý của mình quay trở lại cái hộp kem. “Chắc chắn rồi,” anh nói mà không hề ngước nhìn chị. “Anh sẽ đi cùng em. Tất nhiên.” Chị mỉm cười với anh. Anh ngước lên. “Gì vậy?” anh nói. “Em không sao mà,” chị nói.
Dù sao thì cũng tốt hơn lúc trước, bởi vì đây là một nơi tốt để đến, dù sao cũng không phải là một nơi quá tệ, và cái việc mà chị đang làm có thể hơi tẻ ngắt một chút, nhưng chắc chắn là cũng còn tốt hơn nốc đến say rũ ra ở một quán rượu. Chị đỗ xe trong ga ra dưới tầng hầm và đi lên bằng thang máy rồi khẽ khàng bước vào bầu không khí sáng trưng đầy dễ chịu. Nhà, rồi đến quán rượu, và giờ đây, nửa tiếng đồng hồ trước giờ đóng cửa, một cửa hàng bách hóa tổng hợp - khả năng tưởng tượng của mình không được phong phú cho lắm, chị kết luận. Chị cầu Chúa để chị có thể nghĩ đến điều mà chị biết là đúng. Nó có lẽ không phải là mua sắm, nhưng như chị tự nhủ với mình trên đường tới đây, mua sắm không phải là màn nghỉ tệ. Và chị sẽ xem qua tất cả những đôi giày chứ? Chị lang thang qua những giá bày hàng. Giày đế bằng, giày cao gót, giày thể thao, xăng đan - anh biết đấy (nghĩ lại về tất cả những đôi giày mà chị lôi ra từ tủ của mình khi mà thiên niên vạn đại trước đó việc dọn dẹp nghe có vẻ như là một ý tưởng hay ho), tôi không thực sự cần thêm giày làm gì nữa. Chị không thực sự cần thêm bất kỳ thứ gì. Nhưng chị hãy cứ ngắm nhìn tất cả công sức khó nhọc mà những người tử tế này đã đổ vào để làm cho chị cảm thấy rằng không thể có điều gì là không ổn khi có cơ man nào là giày để mà mua sắm! Chị thậm chí còn chưa vào đến khu vực chính của cửa hàng, vậy mà chưa gì cảm giác đã thật tuyệt vời và dễ chịu.
Vậy mà tất cả bỗng trở nên xám xịt chỉ vì thiếu đi một điều mà chị muốn: chắc khó có khả năng chị tìm thấy Martin ở đây trong cửa hàng giày dép phụ nữ? Ở bất kỳ cửa hàng nào của Nordstrom hay ở bất kỳ nơi nào vào cái giờ này trong buổi tối. Chín rưỡi - ngay lúc này Martin đang bước dọc hành lang về phía phòng làm việc của một cộng sự. Chẳng lẽ chị lại đang thực sự khát khao được là một phần của việc đó? Chẳng lẽ chị sẵn sàng đánh đổi những không gian sáng choang và rộng rãi đầy ắp những mẫu giày dép, thời trang, rồi nước hoa và phụ kiện tốt nhất thế giới này - và bất kể có là gì đi nữa, luôn có thẻ MasterCard - chỉ để được ở cùng Martin giữa một hành lang những bức tường trống trơn và thảm trải sàn xấu xí trong lúc anh bước đến phòng làm việc của một cộng sự để bàn bạc một vụ làm ăn vớ vẩn nào đó sao? Thôi nào, hãy tỉnh táo đi. Martin là như thế, đó là con người của Martin - anh vẫn đang đứng ở cửa phòng một thằng cha hấp hơi nào đó nói chuyện về việc soạn thảo tài liệu và những giấy tờ bí mật. Mua sắm đi, vì Chúa! Hãy mua thứ gì đó! Hãy biến đêm nay thành một đêm đáng nhớ bằng cách thức rẻ mạt đến tột cùng của shopping. Điều chị đang ấp ủ trong đầu là thứ gì đó thật xa xỉ, thứ gì đó đắt khủng khiếp. Ta diện nó một lần rồi cất đi vĩnh viễn. Không, không phải cái đó, không phải là một chiếc váy cưới. Chị không muốn cưới Martin, dù mọi người có tin hay không. Chị chỉ muốn đi theo anh quanh những hành lang văn phòng của anh, bước vào phòng lưu trữ cùng với anh để lấy mấy cái thẻ hồ sơ nào đó, hay cái gì cũng được. Điều đó khác xa việc trao lời thề nguyện. Chị phát điên lên vì Martin ngay lúc này không phải vì không có được Martin mãi mãi; mà là vì không có được anh đêm nay.
Chị đi qua người đàn ông bên cây đàn piano. Anh ta đang chơi gì ấy nhỉ? Không sao gọi được tên. Chị lượn lờ quanh những quầy nước hoa và mỹ phẩm, né tránh những nhân viên mặc áo choàng thí nghiệm chỉ muốn hết xịt rồi tô vẽ cho chị trông sao cho đẹp nhất. Chỉ xem thôi, cảm ơn. Đó là điều chị vẫn đang làm, trong suốt suýt soát hai mươi năm gì đó, liên quan đến đàn ông. Chị không hề bận tâm khi nhận ra mình vẫn chưa kết hôn, mọi chuyện đã diễn ra như thế, và chị không sốt sắng kết hôn chỉ để kết hôn. Chỉ có những kẻ theo thói thường cổ hủ và trì độn nhất, khi nhìn chị từ bên ngoài, mới đi ngờ vực hoặc thương hại chị vì đã bốn mươi ba tuổi mà vẫn chưa kết hôn. Liệu họ có thương hại nếu chị là đàn ông không? Họ sẽ ghen tị với người đàn ông đó. Chị bước lên cầu thang cuốn. Điều đó không có nghĩa là khi thấy những người bạn của mình kết hôn, chị không có lúc cảm thấy, không phải là đố kỵ, mà chỉ là chút ghen tị, mặc dù không phải là ghen tị với người bạn vì đã kết hôn mà đúng hơn là ghen tị với sự quả quyết mà cả cô dâu và chú rể dường như cùng chia sẻ rằng, ừm, điều họ đang làm là đúng đắn. Cái đó ở đâu ra nhỉ? Đã có thời gian chị nghĩ rằng chị và Douglas sẽ kết hôn, và khi mà thay vào đó mọi chuyện đi theo hướng ngược lại, bởi vì, rốt cuộc, Douglas không phải điều chị muốn, một buổi sáng chị thức dậy và nghĩ bụng, chẳng khác gì việc bỗng dưng nhận ra mình đang ở trong một quán rượu, “Oa, mình đã ba mươi tám tuổi rồi! Ai thèm lừa mình nữa đây?” Và trong giây lát bản thân chị cũng suy nghĩ theo lối thông thường, hình dung sẽ là một thiệt thòi lớn đến nhường nào nếu như chị không bao giờ lấy chồng, và nếu như chị có lấy chồng thì khi đó chị sẽ bao nhiêu tuổi nhỉ - không trẻ hơn bốn mươi đâu, nếu chị có gặp may mắn - và thế nghĩa là có thể đã quá muộn để có con, đó cũng có thể là một thiệt thòi lớn nữa. Nhưng hãy để mọi người biết - chị đang ở tầng mấy rồi nhỉ? - hãy để mọi người biết tại khu Trang phục Nữ, lúc chín giờ ba mươi lăm phút tối - có lẽ lúc này bữa tối đang được đưa đến văn phòng của anh - vào cái đêm trước khi chị được bố trí một ca đại phẫu và ở cái tuổi bốn mươi ba, rằng tình trạng hôn nhân của chị chưa bao giờ, vì bất kỳ lý do gì đi nữa - bởi vì chị “bị bại não”, bởi vì chị “lạnh lùng”, bởi vì chị “tham vọng” - nó chưa bao giờ là trung tâm trong đời chị. Giá như chỉ cần chị dành lấy một phần mười công sức để tìm người đàn ông thích hợp giống như chị đã dành công sức xây dựng cái công ty mà chị đã thiết lập cùng những thành viên quản trị khác, thì có lẽ chị đã đang sống ở Oak Park ngay lúc này rồi, đang cho những chiếc đĩa của bữa tối vào máy rửa bát đĩa. Con đã làm xong bài tập chưa? Mai em có nên cho xe vào trong không nhỉ? Với đôi chút dè dặt, với chút hoài nghi vừa phải, chị có thể nói rằng chính nơi này là một nơi tốt hơn để có mặt, tại Nordstrom, và cái việc mà chị đang làm còn tốt hơn nhiều so với việc chất bát đĩa vào máy rửa tại Oak Park. Và với những kẻ nghĩ rằng, Ôi mụ kia, ôi bà chị, ôi em gái, cô không biết mình đang bỏ lỡ những gì đâu, đơn giản là chúng ta chọn con đường khác nhau thôi, mình và bọn họ. Mình đã chọn cho mình một cuộc sống tốt. Mình biết phải làm gì với cuộc đời mình. Mình chỉ không biết phải làm gì với đêm nay.
Chị dừng lại ở gian bán đồ lót. Nếu như nó đang xâm lấn, mà theo họ nghĩ thì là có, và nếu có cả một số yếu tố khác hiện hữu, chị đồng ý tiến hành phẫu thuật cắt ngực, về cơ bản thì họ đặt vấn đề với chị như thế này: nếu mổ vào đó mà chúng tôi thấy thế này và chúng tôi thấy thế kia, chúng tôi không nghĩ chị sẽ có nhiều lựa chọn. Và nếu như chị sắp trải qua một ca phẫu thuật cắt ngực, chị cần bắt đầu nghĩ đến việc làm lại ngực. Họ sẽ cố cứu hết khả năng có thể, và họ đã yêu cầu ngày mai chị đến với một chiếc áo nịt ngực ưa thích, mà họ sẽ dùng để ướm xem đường rạch mổ sẽ ở chỗ nào. Họ sẽ cắt ngay phía trong viền áo nịt ngực để cho tay bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ có thể làm công việc của mình sau khi chị đã hoàn thành sáu tháng điều trị hóa chất và chiếu xạ, trong trường hợp cần thiết, mà nhiều khả năng là sẽ cần. Chẳng có gì khác ngoài tin xấu cho chị, và rồi vẫn tiếp tục là tin xấu. Vì vậy hãy tới đây, họ bảo chị, với một chiếc nịt ngực đặc biệt, và ghi nhớ lời dặn dò đó, chị hướng về phía gian Trang phục Kín đáo. Có vô số lựa chọn dành cho chị - bó sát, độn, trong suốt, cotton, đính kim cương giả, trang trí họa tiết, in hình da báo, mượt mà, màu hồng nóng bỏng. Đây là điều làm cho đất nước này trở nên vĩ đại, không phải thế sao? Và nó cũng chính là điều làm cho cuộc sống của chị trong nghề quảng cáo trở nên khả dĩ, sự thừa mứa này tạo cơ hội để tiếp thị một món hàng cụ thể sao cho nó đứng nổi bật như là sản phẩm hàng đầu trên thị trường. Chị sẽ biết chính xác phải làm gì với một trong những nhãn hàng này, nếu họ đủ may mắn để giành được khách hàng đó. Nhưng tiếp thị một loại cho nhu cầu cụ thể của chị đêm nay ư? Chọn ra một cái áo nịt ngực giữa cả đống nịt ngực này sẽ quyết định nơi họ thực hiện vết rạch, một cái áo mà, bằng cách này hay cách khác, khi tất cả chuyện này đã qua đi, sẽ làm cho chị cảm thấy sexy trở lại - cho dù chị thừa nhận rằng ở đây khó mà có chiếc áo nịt ngực nào có thể thỏa mãn một yêu cầu như vậy. Chị lấy một chiếc ra khỏi giá. Có thể là chiếc này cũng nên. Hay là một chiếc khác - có thể lắm chứ. Chỉ lát sau chị đã có mười chiếc áo nịt ngực trên tay, chị có mười hai, rồi mười lăm chiếc. Chị mang chúng tới phòng thử và, bất chấp cơn đau vì sự chà xát, chị thử vài chiếc trong số đó lên người. Chị tự ngắm mình trong gương. Ý tưởng là trông sexy trở lại. Và chính xác thì cho ai chứ? Bản thân mày, tất nhiên rồi. Ừ, ừm, tất cả những cái đó nghe thì đúng là đầy tự trọng và mạnh mẽ một cách tuyệt vời như bất kỳ người phụ nữ tử tế nào trong thời buổi này, nhưng hãy đối mặt với những thực tế ở đây mà nói rằng khi một người phụ nữ - không, khi một người đang nghĩ đến chuyện cảm thấy sexy, nó luôn đi kèm với ý nghĩ về một ai đó khác trong đầu. Một người ở sâu trong tiềm thức và nói rằng, “Anh không thể tin nổi là trông em sexy đến nhường nào khi mặc cái đó.” Và chính xác thì ai là người đó đối với chị cơ chứ? Thật không may là thời điểm hiện tại lại trớ trêu đến nỗi đó không thể là bất kỳ ai khác ngoài người-mà-ta-biết-mẹ-nó-là-ai-rồi, và đó không phải là một lựa chọn. Sexy với ý nghĩ về Martin trong đầu đã không còn là một lựa chọn nữa. Vậy còn sexy sau Martin thì sao? Đến chỗ này mới gọi là phức tạp đây, bởi vì trước hết chị sẽ còn những vết khâu. Những vết này sẽ liền sẹo nhanh chóng, và trong vòng sáu tháng, trong khi các liệu pháp điều trị hậu phẫu đang phát huy tác dụng, chị sẽ dùng đồ giả. Sau đó đến lượt bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ thực hiện khâu tái tạo ngực theo các giai đoạn - ai mà biết khâu đó sẽ kéo dài bao lâu. Vậy thì chị đang tìm kiếm cái gì ở đây? Một năm, một năm rưỡi? Chị làm sao có thể cảm thấy sexy trong khoảng thời gian đó? Ai sẽ đi nhìn vào những vết sẹo của chị, vào cái đồ giả của chị, và nói, “Anh không thể tin nổi trông em sexy đến nhường nào khi mặc cái đó.” Thế đấy, chẳng có người đàn ông nào khác sau Martin, trong một khoảng thời gian rất, rất dài, và trước khi kịp ghìm lại, chị đã gào ầm lên. Chị đang ở trong căn phòng thử bé tí với cả nghìn chiếc áo nịt ngực và gào rú to hết sức có thể. Tiếng gào nghe như AAAAAAAAAAAAAA!!! Khi ngừng lại chị cảm thấy mạch máu của mình đang bơm trào lên đúng cái phần đó của ngực chị, nơi cứ chạm nhẹ vào là đau nhức nhối, và một cảm giác rát khản trong cổ họng. Đầu chị chếnh choáng khủng khiếp vì rượu và tiếng hét. Chị ngồi phịch xuống ghế. Những nhân viên bán hàng chạy xô tới. “TRONG ĐÓ CÓ CHUYỆN GÌ VẬY? CHỊ CÓ CẦN BẢO VỆ KHÔNG?” Chị sẽ không khóc. Không. Chị đứng vụt dậy và bắt đầu chìa những chiếc áo nịt ngực qua cánh cửa. “Tôi không muốn những cái này!” chị nói. “Hãy mang chúng đi!” Ban đầu chị đưa ra mấy cái một lúc, sau đó chị bốc chúng lên và hất tất cả ra ngoài. “Tôi không muốn bất kỳ cái nào trong số này! Tôi chỉ muốn ra khỏi đây!” Thật là một nơi ngu ngốc để đến, cái căn phòng thay đồ này, và mặc thử những chiếc áo nịt ngực, cố gắng trông thật sexy, thật là một điều lố bịch để làm.
Sau khi biết chuyện, anh gửi cho chị những lời nhắn dài qua hộp thư thoại ở chỗ làm. Ai mà biết được anh có ý định gì khi làm thế. Lần nào chị cũng nhấc điện thoại lên nghe sau khoảng ba mươi giây từ khi anh để lại lời nhắn, và tiếp tục cuộc trò chuyện với giọng nói được ghi lại của anh. “Điều anh không hiểu,” anh nói trong một lời nhắn trước đó, “là tại sao một người thông minh, biết thế nào là phải trái, lại có thể chờ đợi, mặc dù đã biết là có chuyện không ổn, cảm thấy có bệnh, vậy mà vẫn không chịu đi khám bác sĩ. Anh không hiểu điều đó, anh không hiểu sao cách hành xử như vậy lại đến từ một người khôn ngoan.” “Đó là vì,” chị nói vào điện thoại, trong khi lời nhắn của anh vẫn đang bật tiếp, “những người khôn ngoan không phải lúc nào cũng được dẫn dắt bởi sự khôn ngoan của họ. Nhiều khi, Martin ạ, có cái được gọi là nỗi sợ hãi còn mạnh mẽ hơn một chút.” Anh sẽ biết sự thật cơ bản đó về tâm lý con người, chị tự nhủ, nếu như anh làm trong ngành marketing, nhưng với tư cách là một luật sư, anh tin rằng cái quyết định hợp lý nhất, hoặc ít nhất là khôn ngoan nhất, sẽ luôn chiến thắng nếu nó quyết định chính sự sống còn của bản thân người đó. “Đúng, lẽ ra anh phải thể hiện sự quan tâm sớm hơn,” anh nói trong một lời nhắn sau đó. “Khi đó anh đang vùi đầu vào công việc, anh đã không chú ý. Nhưng giờ thì,” anh nói, “giờ thì khi mà anh đã biết, anh không thể vô tâm thêm được nữa, Lynn, anh không thể nào xem như không biết chuyện, và giờ đây khi anh biết và không thể thờ ơ, anh cảm thấy... em biết đấy... một nghĩa vụ nhất định...” “Nghĩa vụ à?” chị nói to thành tiếng. “... lo cho em, Lynn, và sức khỏe của em…” “Ôi, Martin, hãy yên nào, trái tim loạn nhịp của tôi.” “... nên anh không thể nào - ừm, chính xác thì điều em muốn anh làm là gì nhỉ?” anh hỏi. “Cứ quên nó đi sao? Liệu đó có phải là một trong những điều mà, em biết đấy - chúng ta cùng nhau làm việc này việc kia, nhưng đây là một trong những điều chúng ta không hề đả động đến, nó là chủ đề cấm kỵ, khi mà nói thực lòng, Lynn, em có thể đang rất, rất - hừm, ừ, anh sẽ quay lại với em sau một phút nữa nhé, được không?” anh nói với ai đó chắc hẳn vừa xuất hiện ở cửa phòng mình. Quay lại với lời nhắn, anh tiếp tục, “... là em nên, ừm...” Anh đã để lạc mất dòng suy nghĩ của mình. “Nghe này, vấn đề chính là, em phải đi khám bác sĩ,” anh nói. “Được chứ? Nghe này, anh phải đi đây. Lẽ ra anh phải nói tất cả những điều này trực tiếp với em nhưng em không chịu nhấc cái điện thoại khốn kiếp của em lên. Xin hãy gọi lại cho anh.”
Trong một trong những tin nhắn cuối cùng anh nói, “Có điều này anh đã suy nghĩ mãi và băn khoăn, mà anh rất tò mò: liệu anh có phải người duy nhất biết chuyện không? Em đã kể cho bố em, hay bất kỳ ai trong số bạn bè của em chưa? Bởi vì nếu em chưa nói, và anh là người duy nhất, em có thể thấy là có thể anh sẽ cảm thấy mình gánh một trách nhiệm lớn đến nhường nào. Thực ra thậm chí em có thể thấy em hơi thiếu công bằng một chút trong chuyện này...” “Ồ?” chị nói. “Mình rất tò mò xem chuyện này sẽ đi đến đâu.” “... bởi vì giờ anh biết chuyện rồi,” anh tiếp tục, “và em thì không chịu nghe theo lời khuyên của anh là đi gặp bác sĩ, và điều đó khiến cho anh phải lo lắng về em…” “Ôi, Martin tội nghiệp!” “... nhưng không có gì để trông cậy xua đi nỗi lo lắng đó. Như thế là không công bằng, Lynn...” Nếu thế thì lẽ ra anh phải bỏ hai cái bàn tay khốn nạn đó ra khỏi người tôi! Chị thầm nghĩ. Lẽ ra anh đừng có chui lên giường tôi và cố cắn núm ngực tôi chứ! “... anh không kêu ca về điều đó, anh không muốn em nghĩ là anh đang kêu ca. Anh chỉ đang cố chứng minh cho quan điểm của mình trong chuyện này, đó là em nên đi gặp bác sĩ. Nếu như em không muốn làm điều đó cho bản thân mình, quỷ tha ma bắt, Lynn, hãy làm vì anh.”
Cuối cùng anh cũng thuyết phục được chị, hay đơn giản là chị đầu hàng - sau thời gian một tuần thì kể cũng khó mà xác định rạch ròi là liệu có phải chị đồng ý vì chị đã tìm thấy chút sức lực còn lại, hay bởi vì chị đã mệt mỏi đến tuyệt vọng và anh đã làm chị kiệt sức bằng những tin nhắn thoại của mình. Anh sẽ đi cùng với chị, đó là điều kiện. Ngồi trong xe trên đường đến buổi hẹn khám, chị cố gắng diễn đạt thành lời nỗi sợ hãi của mình về các bác sĩ, bệnh viện, thủ tục - nhưng không đâu vào đâu cả. “Em trải qua rất nhiều thời gian tại các bệnh viện khi mẹ em sắp chết,” chị nói. “Hồi đó em còn rất nhỏ. Có lẽ đó là lúc chuyện này bắt đầu.”
“Bà mất vì bệnh gì?”
“Cho anh đoán đấy,” chị nói.
Chỉ có im lặng. Sau đó anh nói chung chung về những tiến bộ phi thường mà người ta đã đạt được trong y học những năm vừa qua, với cùng vẻ lạc quan đặc trưng của tất cả mọi cuộc trò chuyện thuộc loại đó, và chị không khỏi nghĩ rằng anh mới thật là ngờ nghệch khi nghĩ rằng chị sẽ hồ hởi đáp lại khi mà từ trước đến giờ chị vẫn luôn miễn nhiễm với kiểu hy vọng như vậy. Công nghệ sẽ không bao giờ phát triển vượt qua nỗi sợ hãi nguyên thủy đó. Nó sẽ không bao giờ chế áp được bản năng con người.
Anh đỗ xe trong bãi đỗ của bệnh viện và suốt cả nửa tiếng đồng hồ cố dỗ dành chị ra khỏi xe. Chị muốn có anh ở trong phòng trong thời gian kiểm tra, như thế có được không? Anh nói không có vấn đề gì. Chị không muốn anh rời khỏi bên mình, anh có hiểu điều đó không? Anh nói anh đã hiểu điều đó ngay từ lần đầu tiên chị đề nghị, và cả lần thứ hai, rồi lần thứ ba. “Tại sao em cứ chùng chình thế này?” anh hỏi. Từ khi nào mà Martin lại trở nên... tận tụy thế nhỉ? Chẳng lẽ chị đã hiểu lầm anh ngay từ đầu? Hay đây chính là điều cần thiết để sự tận tụy đó bám rễ, chị cần bị đày xuống địa ngục rồi quay về? Vì chị đang ở dưới địa ngục, trong chiếc xe đó tại bãi đỗ xe của bệnh viện, và chưa có một bàn tay lanh lẽo nào được đặt lên người chị. Sau ba hay bốn lần cố gắng diễn giải nỗi sợ hãi của mình trên đường tới đây, cuối cùng chị đã bỏ cuộc, nhưng giờ thì chị bảo anh, “Em nghĩ là cuối cùng em có thể giải thích chuyện này,” chị nói. “Đầu đuôi mọi chuyện là thế này. Và mới thật đơn giản làm sao, Martin, em không thể tin nổi là lúc trước em lại không nghĩ ra chứ.” “Hừm,” anh nói, “vậy em nói cho anh biết đi.” “Thực sự em không thể nào vào tòa nhà đó được,” chị nói. “Em không thể ra khỏi chiếc xe này và đi vào tòa nhà đó. Anh thấy tòa nhà đó không? Em không thể. Em sẽ không vào.” Im lặng. Sau đó anh nói, “Hừm, anh thấy nghe như nỗi sợ hãi.” Nhưng anh nói anh vẫn không sao hiểu nổi. “Chính xác thì là sợ cái gì vậy?” anh nói. “Sợ cái chết à? Không, em chẳng bảo với anh là không phải còn gì. Em không sợ chết. Liệu có phải là vì họ có thể nói với em rằng có điều gì đó không ổn không? Em biết là có điều gì đó không ổn mà. Cũng không phải là lý do đó. Tóm lại là vì cái gì? Phần lớn mọi người, Lynn, họ cảm thấy có điều gì đó không ổn, họ sẽ sợ hãi. Điều đó là tự nhiên thôi. Nhưng bước tiếp theo là chữa trị nó. Họ rất tha thiết chữa trị nó. Em,” anh nói, “em thì hoàn toàn làm ngược lại. Em biết có điều đó không ổn điều đó không làm em sợ. Em bỏ mặc hàng tuần liền cho nó trở nên nghiêm trọng hơn! Ý nghĩ về việc chữa trị nó đúng không? Đó là điều làm em sợ. Anh nói đúng không? Chẳng phải chuyện với em là như thế sao?” Đó là lý do tại sao anh trở thành thành viên ban quản trị của hãng luật, chị thầm nghĩ. Khả năng phân tích sâu sắc, kỹ năng lập luận nhạy bén. “Vâng,” chị nói. “Em chưa bao giờ nghĩ mọi chuyện tồi tệ đến mức nào cho đến khi anh diễn giải ra như vậy, nhưng vâng, đúng là thế đấy.” Im lặng. “Anh có nghĩ là có một từ cho điều đó không?” chị hỏi. “Anh có thể nghĩ ra một số lựa chọn từ đấy,” anh nói. Một khoảnh khắc khinh khỉnh. Sau đó anh đăm đăm nhìn qua kính chắn gió, nghĩ ngợi. “Nghe này,” anh nói, và quay sang chị. “Anh sẽ quay lại ngay. Em cứ ở yên đây, được chứ?” “Anh đi đâu vậy?” chị hỏi. “Anh bảo anh sẽ không bỏ em lại mà.” “Chỉ sau khi chúng ta đã vào bên trong,” anh nói. “Chúng ta vẫn ở trong bãi đỗ xe mà.” Anh chìa tay ra cầm lấy tay chị. “Hãy tin anh,” anh nói. Thế là chị để anh đi và anh đi vào bên trong tòa nhà. Mười phút sau anh lại quay ra và nói với chị rằng buổi hẹn khám của chị đã được bố trí lại. Cơn sóng nhẹ nhõm đổ ập vào chị nhanh chóng rút trở lại vào đáy đại dương của sự tuyệt vọng khi anh nói nó chỉ được bố trí lùi lại vào một giờ muộn hơn cùng ngày. “Mấy giờ?” chị hỏi. “Đừng lo lắng về việc mấy giờ,” anh nói. “Hãy đeo cái này vào.” “Cái gì vậy?” “Trông nó giống cái gì nào?” anh hỏi. “Nó là một chiếc khăn tay.” “Nhưng em phải ‘đeo cái này vào’ như thế nào đây?” Anh khởi động xe và cài số lùi. “Giống như em là tù nhân của cướp biển,” anh nói, “và em vừa được ra lệnh bước trên tấm ván.”
Chị nắm tay anh bước vào tòa nhà đầu tiên. Họ đi một cái thang máy khiến tai chị thấy lùng bùng. Chị cảm thấy thật lố bịch vì thang máy đông cứng người và chị đang làm trò quái gì trong chiếc khăn bịt mắt này chứ? Đến một lúc chị nghe thấy Martin nói, “Đừng có nhìn chòng chọc nữa.” “Em không nhìn mà,” chị nói. “Làm sao em nhìn được?” “Anh không nói với em,” anh nói. Sau tưởng chừng như mãi mãi thang máy dừng lại và mọi người đi ra. Anh nắm tay chị dắt đi. Khi anh giữ chị dừng lại anh cởi khăn bịt mắt ra và ngay lập tức chị nhận ra mình đang ở đâu: trên tầng ngắm cảnh của tòa nhà John Hancock, nhìn xuống thành phố. Chị ngỡ ngàng và sung sướng. “Anh đang âm mưu gì vậy, Martin?” chị vừa hỏi vừa nghiêng mắt liếc nhìn anh. Anh nhún vai với vẻ vô tội và khoát tay về phía khung cảnh. “Anh đang cho em ngắm thành phố,” anh nói. Kia là tòa Sears Tower trước mặt họ và hồ Michigan ở bên tay trái, còn phía bên phải là những khu ngoại ô sang trọng và kiểu cách. Họ chỉ ra nơi mình làm việc rồi nơi mình sống và gọi tên những tòa nhà mà họ biết. Họ nhét tiền vào ống ngắm và ngắm nhìn sân Wrigley. Họ phóng hết tầm mắt về phía Tây vậy mà vẫn không thể nào quan sát hết được cái thành phố rộng mênh mông. Khi đã ngắm xong, Martin lại đeo khăn bịt mắt vào cho chị. Họ theo thang máy đi xuống, bước trở ra xe, và lại trèo vào trong. Họ lái xe đi. Anh lại đỗ xe và nắm tay chị dắt đi. Lần này họ bước lên mấy bậc thềm và chị biết là không có bậc thềm nào ở lối vào một bệnh viện, như vậy có nghĩa là họ đang phải ở một nơi nào đó khác, và khi anh giữ cửa mở cho chị và dẫn chị vào trong, chị không hề nhìn thấy gì nhưng chị vẫn có thể ngửi được, và chị biết ngay lập tức là họ đang ở đâu. Chị nghe thấy một người đàn ông nói, “Hai ạ?” “Hai,” Martin trả lời, anh bắt chị bước một mạch đến tận bàn của họ mà vẫn bịt nguyên mắt. “Được rồi, bỏ nó ra đi,” anh nói. “Em biết mà!” chị thốt lên. “Em đã biết ngay là chúng ta đang ở đâu!” Họ phải chờ đến hai mươi phút cho một chiếc pizza đế dày ở một góc khuất dưới ánh sáng mờ mờ của nhà hàng Gino’s East, nơi những tấm ván màu đen trên đầu làm cho họ có cảm giác như thể họ đang ăn ngay dưới khoang chính của một chiếc tàu cướp biển ọp ẹp già nua. Những tấm ván này đã bị vẽ vời nguệch ngoạc không thương tiếc và dán những tờ đô la lên. Khi họ lại bước ra ánh sáng chói lòa của ban ngày, anh buộc chiếc khăn bịt mắt chị lại như cũ. Lần này chị tự hỏi liệu vận may của mình đã chấm dứt chưa.
Nhưng họ lái xe đi một đoạn mà chị nghĩ là quá ngắn để có thể là quãng đường quay trở lại bệnh viện và khi anh lại cởi chiếc khăn bịt mắt ra, chị nói, “Lẽ ra em phải biết rồi chứ.” Họ đang ở siêu thị đĩa nhạc Jazz bên Đông Illinois. “Phải rồi,” anh nói, giọng đầy cái vẻ giễu cợt mà chị phải lòng, “một người hâm mộ cuồng nhiệt như em xứng đáng được nuông chiều trong một ngày như hôm nay.” “Xin anh,” chị nói, “thẻ tín dụng của em đây, hãy mua những gì anh muốn - cứ tà tà mà chọn nhé.” Anh dành gần hai mươi phút lục những cái thùng bụi bặm để tìm mấy bản thu âm ít tên tuổi. “Nhanh thế,” chị nói, khi anh đã tìm xong. Và rồi lại quay trở lại với khăn bịt mắt và chiếc xe, đỗ xe và nắm tay dắt đi. Lại là những bậc cầu thang, và không phải chỉ là sáu hay bảy bậc - mà là ba dải cầu thang dài, gần như đủ để khiến chị đứt cả hơi. Chị không thể tin được điều anh đang làm, nắm tay dắt tay chị đi, nghĩ ra cái kế hoạch này thật chẳng giống anh tí nào, hoặc ít ra cũng chẳng hề giống với kết luận mà chị đã rút ra từ rất lâu rồi về người đàn ông đang sống và hít thở kia - một Martin không có những phút giây ngẫu hứng và bốc đồng, người lúc nào cũng rút ra những chân lý rắn như đinh, hoặc chọn cách lảng tránh hoàn toàn vấn đề. Điều mà ngày hôm nay đã chứng tỏ hơn bất kỳ điều gì khác, chị nghĩ, là sự quy chụp vội vàng của chị, và tính cứng nhắc của những quy chụp từng được tạo ra. Lúc này họ đã vào bên trong - nơi này có một bầu không khí thoáng đãng, vang vọng, nghe ầm ì những giọng nói khe khẽ, và tiếng bước chân trên những bậc thang cẩm thạch mà chị có thể nghe rõ từng tiếng một. Anh tháo tấm khăn che mắt ra và họ dành một giờ cho việc nhẩn nha diễu qua tất cả những điểm nhấn chính của Viện Mỹ thuật. “Em tưởng anh không phải là người hâm mộ nghệ thuật, Martin,” chị nói. “Anh không phải là fan của bất kỳ thứ mỹ thuật vớ vẩn nào,” anh trả lời, “nhưng ở cấp độ này, có những thứ mà anh thích thú.” “Thật vậy sao?” “Chắc chắn rồi,” anh nói. “Vậy anh hãy chỉ ra cho em,” chị nói với vẻ ngờ vực, “khi chúng ta gặp nó nhé?” “Như bức này ở đây chẳng hạn,” anh nói. “Bức này à?” “Ừ, đây là một tác phẩm xuất sắc,” anh nói. “Có muốn tranh luận không?” Họ đang đứng trước bức tranh khổng lồ Chiều Chủ nhật trên đảo La Grand Jatte của Georges Seurat. “Không,” chị nói. Chị không muốn tranh luận.
Đến lúc họ đi khỏi đó thì đã là ba giờ chiều và giờ thì chị biết, khi bước ra khỏi xe, đi cùng với anh, rằng cuối cùng thì vận may của chị cũng chấm hết. “Đừng cởi nó ra,” anh nói. “Martin,” chị nói và giọng chị run rẩy. Họ đang băng qua một bãi đỗ xe không thể lẫn vào đâu được ngoài một bãi đỗ xe của bệnh viện. “Lynn,” anh nói, “đừng cởi nó ra.” Hai bàn tay chị bắt đầu run rẩy giống như khi ngồi trên xe lúc trước. “Cứ tiếp tục bước đi, anh nói. Và chị cố gượng đi được vì chị có thể tự đánh lừa mình: có thể không phải, có thể không phải... Nhưng chẳng có bậc thang nào cả, rồi khi anh mở cửa và làn không khí hơi ấm hơn một chút từ bên trong phả vào chị còn ánh sáng hắt xuống từ phía trên chiếc khăn bịt mắt trở nên sáng hơn, chói mắt hơn, chị biết chắc chắn một cách tuyệt đối họ đang ở đâu và chị chết khiếp. “Cứ tiếp tục bước đi,” anh nói. Anh giữ chị dừng lại rồi bảo chị ngồi xuống, đã thế chiếc ghế phía dưới chị lại bằng nhựa cứng ngắc như ghế trong phòng chờ ở bệnh viện, và chị chết khiếp. “Anh sẽ luôn ở bên em,” anh nói. “Anh chỉ đi ra cách khoảng ba mét trong khoảng vài giây thôi để nói chuyện với một người, sau đó anh sẽ quay lại.” Anh quay lại. “Anh ở ngay đây,” anh nói. Họ ngồi đó một lúc lâu. Sau một lát, anh nói, “Bây giờ tại sao em không bỏ khăn bịt mắt ra nhỉ.” “Không đời nào,” chị nói. “Hãy tin anh,” anh nói. “Cởi nó ra đi.” “Em thực sự không muốn mà,” chị nói. “Đi nào,” anh nói, “em làm được mà.” Chị làm như lời anh bảo, mắt hấp háy một chút khi chị nhìn quanh. Những nhân viên đứng sau lớp kính. Có những chữ số điện tử trên tường. “Là DMV[29]?” chị nói. “Anh là đồ chết giẫm!” Chị quật chiếc khăn bịt mắt lia lịa vào người anh. “Em thấy chưa!” anh thốt lên. “Em làm được phần khó khăn đó mà!” Chị thở phào nhẹ nhõm. “Nhưng giờ em chỉ cần buông xuôi là xong,” anh nói. “Em sẽ không bao giờ biết khi chúng ta thực sự ở đó.”
Đây có lẽ không phải nơi đúng đắn để đến, thực ra có lẽ là nơi sai lầm. Thực tế, nếu nói sai lầm có thể được xác định trên bản đồ - “Bạn đang ở đây” - thì có lẽ nó chính là nơi này. Còn cái việc chị có thể làm, đi vào tòa nhà nhờ người bảo vệ ca đêm gọi điện lên thông báo cho anh biết anh có vị khách nào đã chờ mình suốt ở dưới sảnh ư? Không phải là việc đúng đắn để làm. Nhưng đến lúc này chị đã lái xe lòng vòng hết cả nửa bình xăng và lạ chưa kìa cuối cùng chị lại ở đây. Con phố nơi đặt văn phòng luật của anh nằm cách một khối nhà về phía Đông đại lộ Michigan. Đoạn Mag Mile[30] vắng hoe như mọi khi vào giờ này trong đêm. Chị đã đỗ xe sai luật, nhưng chiếc xe duy nhất phóng vọt qua trong hai mươi phút vừa rồi là một chiếc taxi đã tắt đèn. Đang về nhà, có lẽ thế. Đó là lựa chọn khôn ngoan, taxi ạ - ngày mai là ngày quan trọng, hãy về nhà đi cho bộ xương mệt mỏi của mày được nghỉ ngơi. Tại sao chị lại không thể có sự khôn ngoan của một tay lái taxi nhỉ? Lynn Mason trong chiếc Saab của mình bên ngoài tòa nhà đặt văn phòng của Martin Grant đang cảm thấy giống với tuổi mười bốn hơn là tuổi bốn mươi ba, rối bời vì những cảm xúc mãnh liệt “Đợi đợi đợi đợi đợi đợi đợi đợi đợi đợi đợi đợi đợi đợi đợi đợi đã!” chị vừa thốt lên thành tiếng, vừa đập thình thịch lên vô lăng, và ghì chặt lấy nó, vừa lắc mạnh. Không thể có chuyện chị lại đang ở nơi chị đang ở lúc này! Làm thế nào mà buổi tối, bắt đầu từ trên đỉnh núi với đồ ăn Tàu xem ti vi, lại đổ ầm ầm như một trận lở đất cứt đái xuống vực sâu thăm thẳm ở chốn này? Chẳng lẽ chị lại thực sự muốn lên đó chỉ để được ở trong một văn phòng? Chẳng có gì là bí ẩn, chẳng có gì là hấp dẫn, chẳng có gì là phần thưởng, chẳng có gì là bất ngờ trong những hành lang vắng hoe của một văn phòng lúc mười giờ tối - chị biết từ chính kinh nghiệm của bản thân mình. Trải qua đêm cuối cùng của chị trong một văn phòng, đúng là điên rồ. Nhưng vấn đề là, trong cái văn phòng ở trên? Ở đó có Martin. Ở đó có Martin. Và sự thật bao trùm là, việc anh ở đâu không quan trọng, cho dù anh đang chết chìm dưới đáy đại dương hay bị thiêu trong lò lửa - đó là nơi mà người tình của anh muốn có mặt. Nên chẳng quan trọng gì việc nếu anh có là một người đàn ông chưa tắm rửa, cáu bẩn, nhũn nhùn, làm việc quá sức, mắt giật giật, đầu óc mụ mị dưới ánh đèn như luyện ngục đó, đang đi lại giữa những gian sảnh hoang vu cùng những chiếc điện thoại câm lặng và tác phẩm nghệ thuật dở tệ. Chị muốn ở trên đó. Làm sao chị có thể làm khác được ngoài việc chợt nhận ra mình đang đỗ xe ở đây, bất chấp những gì chị đã tự nhủ với mình trước đó - rằng sẽ không có chuyện gọi cho Martin đêm nay, không nói chuyện với Martin? Sự kiên định ngu ngốc là ông ba bị của những kẻ đầu óc thiển cận[31], và vào giờ này, chị đã ném tất cả sự kiên định bay theo gió.
Ấy thế mà vẫn có điều gì đó ngăn chị đi vào trong. Chị ngồi trên xe đến cả hai mươi phút mà vẫn không nhúc nhích. Nếu ta là người bảo vệ trực đêm, và nếu ta đang chăm chú lắng nghe, sau một lúc qua lớp kính ta thậm chí còn nghe thấy tiếng chiếc xe khởi động lại. Chị thu hút sự chú ý của ta vì chị cứ thế ngồi đó đã hai mươi phút rồi. Sau đó ta nhìn thấy chị đập rầm rầm vô lăng, trông chị như một người điên! Ta phải tự hỏi, Chị ta đang làm gì thế nhỉ? Và rồi cứ thế bỏ đi nữa chứ! Vọt đi rất nhanh, gần như một cú đốt lốp vậy. Ngồi trên xe suốt hai mươi phút, để rồi lại bỏ đi là sao chứ? Băn khoăn không hiểu toàn bộ chuyện này là thế nào.
Là vì sáng mắt ra chứ còn sao giăng gì nữa, chị vừa nghĩ, vừa lái xe vọt đi. Và đây là lý do tại sao: Martin đã nói rõ với chị các điều khoản gồm những gì, và chị không thể chấp nhận những điều khoản đó. Đơn giản là như vậy. Anh đã làm tất cả những điều tuyệt vời đó - anh đưa chị lên nóc tòa nhà Hancock, tới quán Gino, tới Viện Mỹ thuật, và rồi khi thời khắc đó đến anh đưa chị quay trở lại bệnh viện, và chị biết họ đã đến nơi nhưng vì những lời vờ vịt của anh khiến chị vẫn có thể nghĩ nhưng biết đâu đây là một văn phòng DMV khác, đó là tất cả những gì chị cần, điều đó và chiếc khăn bịt mắt, để theo anh đi vào và ngồi bên cạnh anh đương đầu với việc phải ở trong cái địa ngục chị đang ở lúc này. Và anh đã không rời bỏ chị. Và khi bác sĩ nói, về cơ bản, mọi chuyện rất tệ, bằng cách sử dụng những từ như “xâm lấn”, “ác tính”, “tốt hơn cho cơ hội hồi phục”, Martin là người, bởi vì chị quá choáng váng, đưa ra những câu hỏi. Anh đã rất tốt với chị, chị có lý do để đỗ xe bên ngoài tòa nhà của anh. Nhưng anh cũng đã làm một chuyện bất ngờ kinh khủng, kinh khủng, một chuyện thực sự choáng váng, bộc lộ bản chất thật của anh - một chuyện thành thật đến kinh khủng.
Buổi khám bác sĩ là vào một ngày thứ Sáu, và sau vết thương mà nó gây ra, đêm hôm đó buông xuống trong nỗi hoảng sợ sâu thẳm, và đúng là một món quà của Chúa khi có Martin bên cạnh trên giường của chị. Thứ Bảy chị thức dậy và thấy nỗi hoảng sợ được thay thế bằng nhu cầu thiêu đốt về cả nghìn điều cần phải biết. Tất cả những câu hỏi mà lẽ ra chị phải hỏi vị bác sĩ, giá như ngày hôm trước chị có đủ sức để hỏi, ùa vào chị cùng một lúc. Martin phải nhắc lại cho chị rất nhiều trong số những gì mà bác sĩ đã nói. Anh hầu như phải đưa chị quay trở lại toàn bộ buổi chẩn đoán, những lựa chọn khả dĩ và những hậu quả phát sinh từ chúng. Nhưng sự am hiểu chuyên môn của anh cũng chỉ có giới hạn, thế là đến nửa buổi, anh ra ngoài ăn sáng rồi ghé vào một hiệu sách gần nhà, nơi anh chọn lấy một cuốn sách có nội dung dẫn dắt một bệnh nhân ung thư vú từng bước từng bước một từ khi phát hiện và chẩn đoán suốt một mạch đến khi hồi phục. Anh quay về cùng với nó và cùng nhau họ ăn rồi họ đọc và họ tranh cãi, và rồi họ rút ra những kết luận: mục đích là làm bất kỳ điều gì mang đến cho chị cơ hội tốt nhất để hồi phục hoàn toàn. Sẽ không thể nào làm thế mà không có hậu quả.
“Anh nghĩ là em nên phẫu thuật cắt bỏ ngực,” chị nói.
“Không, anh nghĩ là em phải đợi đến khi các bác sĩ mổ vào đến đó,” anh nói, “và hãy để họ quyết định việc đó, nhưng đúng vậy, anh nghĩ em nên cho phép họ từ trước, để nếu họ nghĩ họ nên làm như vậy, họ cứ thế làm thôi.”
“Và em sẽ còn ra làm sao nếu không còn ngực của mình,” chị nói, “giống như vốn có?”
“Em... anh không biết,” anh nói. “Em không thể cho con bú trong một thời gian.”
Chắc chắn anh đã nhận ra điều đó trên mặt chị. Không cho con bú sao? Chẳng lẽ anh không biết rằng viễn cảnh có con đang mỗi ngày lại càng trở nên mờ mịt hơn, và chẳng lẽ anh lại vô tâm đến nỗi anh không thấy trước được rằng chị sẽ phiền lòng vì câu đó? Không phải là chị phiền lòng - chị chẳng bận tâm gì đến điều đó - nhưng có cần phải được nhắc như thế không? Anh có bị làm sao không vậy?
“Không, đó là một lời nói đùa tệ hại,” anh vội vàng nói. “Đó là một lời nói đùa kinh khủng. Anh xin lỗi vì đã nói như thế. Anh chỉ cố tỏ ra hài hước một chút.”
“Em nghĩ anh nên suy nghĩ cho nghiêm túc vào thì hơn,” chị nói.
Điều chị đã muốn anh nói, tất nhiên, là, Em sẽ ra làm sao khi không có ngực ấy à? Anh không biết. Anh không bận tâm đến điều đó. Nhưng lúc ấy họ không nói đến chuyện của cả hai người. Họ chỉ nói về chị mà thôi, đưa chị đến một nơi mà chị có thể chấp nhận những hoàn cảnh khó khăn này, để chị có thể đưa ra những quyết định đúng đắn. Dù sao đi nữa đến cuối đêm thứ Bảy, họ đã đến được đó, đại loại như vậy. Chị bỏ qua câu nói đùa vô duyên. Chị cảm ơn anh nhiều lần. Anh về nhà. Chị muốn như vậy. Hai ngày vừa rồi quả thực là mệt mỏi.
Phải đến tận Chủ nhật - tức ba ngày trước ca mổ - họ mới có cơ hội nói về hai người. Anh qua chỗ chị sớm rồi cứ đứng trong chiếc áo choàng mùa xuân của mình và không chịu ngồi xuống. Chị từ trong bếp đi ra và nói, “Tại sao anh lại đứng thế?” “Anh đang nghĩ về một chuyện,” anh nói, “và anh nghĩ em nên biết đó là chuyện gì.” Nghe thế chị biết ngay là có chuyện không hay rồi. Trong tất cả những điều chị phải lo lắng liên quan đến bệnh tình của mình, chị đã không quên rằng một người đàn ông bận rộn, một người nghiện công việc, một người độc thân cố chấp có lẽ sẽ không mặn mà gì với việc đóng vai bảo mẫu cho cô bạn gái một thời. Anh đã làm tròn bổn phận của mình trong hai ngày vừa qua như một người đàn ông tử tế - thực sự là một ông vua - nhưng sớm muộn thì điều đó cũng phải xảy ra, một chuyện như thế này: Anh chúc em những điều may mắn nhất, Lynn, nhưng anh không sẵn sàng cho chuyện này. Anh rất hy vọng em sẽ gọi cho anh khi tất cả chuyện này đã qua. “Ít nhất thì anh cũng cởi áo khoác ra đã chứ?” chị hỏi. “Tất nhiên rồi,” anh nói. Khi việc đó đã xong xuôi, chị chìa cho anh tách cà phê của anh. “Chúng ta hãy ra chỗ ghế sofa nói chuyện nhé,” chị nói.
Và tại đó anh đã giãi bày tất cả với chị: anh là của chị. Hoàn toàn. Bất kể điều gì chị cần từ anh, chị đều có. Anh sẵn sàng nghỉ việc nhiều ngày. Anh sẽ ở bên chị trong mọi buổi khám. Anh sẽ cùng chị trải qua toàn bộ chuyện này. “Từ đầu đến cuối,” anh nói. “Nếu em muốn Sherry hoặc Diane hay bất kỳ ai hơn cũng không sao. Anh chỉ muốn bày tỏ thiện chí của mình thôi.” “Cảm ơn anh, Martin,” chị nói. Chị lại choáng váng lần nữa, không nói nên lời - thật quá ngỡ ngàng. “Em xúc động lắm,” chị nói. “Rồi anh sẽ phải tự hỏi là anh đang làm gì thế này,” anh nói, “nhưng anh sẵn lòng thử - dù có thế nào đi nữa.” “Em vui lòng mà,” chị nói. “Thực sự là em rất xúc động.” “Nhưng có một điều mà anh phải nói rõ,” anh nói. “Đó là một điều kiện, anh nghĩ là như vậy. Và anh biết chọn thời điểm này là không đúng lúc một cách khủng khiếp, nhưng anh không thể... em biết đấy, anh đã theo dõi em, hai ngày vừa rồi, Lynn. Em làm anh ngạc nhiên - nhất là hôm qua. Hôm qua, cứ như thể em bừng tỉnh dậy. Em muốn biết tất cả mọi điều. Và em đương đầu với những... những thực tế khó khăn chết tiệt này. Anh thực sự rất ấn tượng. Và điều đó khiến anh suy nghĩ đêm qua, khi anh về nhà, khiến anh nghĩ rằng em có thể đối phó với bất kỳ điều gì. Bất kỳ điều gì.”
“Tại sao anh không nói cho em biết điều anh phải nói với em là gì đi,” chị nói.
Anh đặt cà phê của mình xuống bàn và nắm lấy tay chị. “Đó là một chuyện mà đến giờ anh đã suy nghĩ nhiều rồi. Từ trước tất cả… chuyện này,” anh nói. “Và thời điểm thật quá tệ, nhưng giờ không phải là lúc để không thành thật. Không phải bây giờ. Và vì thế anh sẽ nói thẳng - đến giờ anh đã suy nghĩ nhiều rồi rằng em và anh không hợp nhau. Xét về lâu dài, ý anh là thế. Và anh rất ghét phải trải qua chuyện này với em mà lúc nào em cũng nghĩ rằng... ừm, anh không biết nữa - rằng anh đang làm như thế vì anh muốn gắn bó lâu dài. Anh muốn gắn bó lâu dài để làm cho em khỏe hơn, nhưng không phải vì...”
“Vâng, em hiểu rồi, em biết rồi!” chị thốt lên, cắt ngang lời anh. “Anh không phải là mẫu người hợp với hôn nhân, em hiểu rồi!”
“Không, không chỉ có như vậy,” anh nói. “Mà là chuyện, em và anh... anh sẽ nói thực lòng vậy. Anh hoàn toàn toàn tâm toàn ý cùng em trải qua chuyện này. Nhưng như một người bạn,” anh nói. “Chỉ là như một người bạn thôi.”
Chà, chẳng phải là to chuyện sao? Martin Grant đúng là thành thật. Anh là một người đàn ông thành thật. Tất nhiên là anh phải tống cho chị một cú đạp nhanh như chớp vào bụng trước khi chị kịp nhận ra. Anh phải đánh cho chị hộc hơi chỉ để chứng tỏ cho chị thấy là anh thành thật đến nhường nào. Quan tâm đến chị, chăm sóc chị - anh sẽ gánh vác việc đó. Ung thư vú, phần đó không có vấn đề gì. Rốt cuộc thì chỉ có tổng thể bản thân chị mới không phải là điều anh muốn. Chị bảo với anh là chị không thể làm được theo cách đó, lợi dụng anh theo cách đó nếu anh... nhưng anh cố gắng phản đối bằng cách nói rằng... nhưng chị nói em xin lỗi, chỉ là em không thể... và anh nói em sẽ suy nghĩ về điều đó chứ... và chị nói không. Anh ra về ngay sau đó. Chị trải qua cả buổi chiều Chủ nhật buồn bã một mình.
Và bây giờ, có lẽ chị có thể thả lỏng chân ga một chút. Lái xe với tốc độ chín mươi dặm một giờ dọc Lake Shore Drive - đó là hành động tự sát, một điều lắm lúc cũng là một giấc mơ giải thoát. Người ta không sửa chữa những ổ gà ở tận mạn này về phía Nam. Khoảng cách giữa những cột đèn đường đang hoạt động cũng dài hơn, khi bầu trời đen ngòm trùm xuống mui xe để mở, che mờ chị đi - cho đến khi, đầu tiên là nắp ca pô, đến bảng đồng hồ, rồi đến tay chị trên vô lăng, chị lại được chiếu sáng bừng lên trở lại. Chị đang lảng tránh gương mặt của mình trong gương và tất cả những cảm giác tủi thân sướt mướt đều hằn rõ trên đó. Quỷ tha ma bắt nó đi. Và đối với những kẻ trong các người nghĩ rằng Lynn Mason ngoài bị ung thư còn mắc phải căn bệnh mà các chương trình tọa đàm truyền hình gọi là Thiếu Giai, nếu các người nghĩ rằng đó là lý do tại sao chị đỗ xe bên ngoài tòa nhà văn phòng của Martin, thì các người chẳng hiểu gì về những hoàn cảnh đặc biệt của đêm thứ Ba này, những thôi thúc đang trỗi dậy khiến cho chị tuyệt vọng và thèm khát theo một cách hoàn toàn không giống chị chút nào. Chị chưa bao giờ - hoặc không mấy khi - mắc bệnh Thiếu Giai. Tự lập vẫn luôn là điều răn đầu tiên và cuối cùng của chị. Và không phải là bởi vì chị thuộc về thế hệ những cô gái được dạy phải vứt bỏ sự phụ thuộc mà mẹ và bà mình phải chịu đựng. Không phải là chị sợ đánh mất mình vì một người đàn ông. Mà chị sợ đánh mất mình cho một con người, một con người nữa. Đây không phải là chuyện chính trị, quyết tâm bướng bỉnh trong việc không chịu sự sai khiến của bất kỳ ai, thành đạt, được làm chủ, được kiếm tiền và ném chúng đi, được văng tục bất kỳ lúc mả mẹ nào mà chị thích, được ăn sung mặc sướng, được chén người chị muốn chén và sa thải những kẻ cần bị sa thải ngay cả khi họ có òa khóc nức nở đi nữa. Nó là chuyện cá nhân. Chị không quan tâm đến việc thắng chiếc xe của mình vào bất kỳ ai[32], vì chị biết chân lý, hạnh phúc, thành công, tất cả những gì sâu sắc và thiêng liêng, đều đã có mặt trên xe cùng với chị. Chỉ là đêm nay chị không thể tiếp cận được bất kỳ điều gì trong số đó và muốn có một ai đó ở cùng chị trên ghế kế bên.
Bởi vì nỗi sợ cái chết, anh bạn ạ, nó có một cách uy hiếp những niềm tin chắc chắn của ta và làm cho ta cảm thấy cô đơn. Thần Chết có một cách hủy hoại những kế hoạch của ta và làm ta quay cuồng choáng váng trong một đêm lẽ ra là đêm làm việc. Thực sự đấy, Lynn, tốt nhất là chậm lại, chị tự nói với mình. Nếu không phải vì cuộc sống của mày, ít nhất cũng vì giá của một chiếc vé. Chị nhìn đồng hồ trên bảng điều khiển: nửa đêm. Chị yêu chiếc Saab. Điều gì sẽ xảy ra với chiếc Saab nếu chị, quả thực, phải chết? Câu hỏi hay hơn: chính xác thì chị đang định đi đâu khi ở trong chiếc Saab lúc nửa đêm với tốc độ chín mươi dặm một giờ dọc Lake Shore Drive? Hừm, đó có lẽ không phải là nơi lý tưởng để đến, cái câu lạc bộ mà chị biết ở mạn Bờ Nam - cái câu lạc bộ mà Martin đã giới thiệu chị đến, nơi họ đã từng có một khoảng thời gian bên nhau, được gọi là Velvet Lounge. Và cái điều chị có ý định làm, thưởng thức màn biểu diễn lúc nửa đêm - không phải là điều chị định làm vì tình yêu thực sự đối với jazz, chị phải thừa nhận điều đó. Chị đang tới đó vì Martin, để nhớ Martin, để tiếc thương Martin. Chị đang tới đó vì nỗi niềm luyến tiếc quá khứ. Nên chẳng phải quả là phù hợp đến hoàn hảo khi mà Velvet Lounge lại đóng cửa đúng vào các thứ Ba sao? Chị ngồi trên xe bên ngoài quán bar, nghe bản “St. Louis Blues” trên một chiếc đĩa CD Martin bỏ lại. Got the St. Louis Blues! Blue as I can be! Man’s got a heart like a rock cast in the sea! Phù hợp thay, đó là một bài hát rất ngắn. Những kỷ vật dai dẳng ngu ngốc này - một quán bar, một bài hát - vẫn còn lẵng nhẵng ở lại sau khi người tình đã ném trái tim của anh ta xuống biển, chúng vừa mang lại nỗi khuây khỏa vừa là nỗi đau đớn. Chị bị hút vào chúng vì viễn cảnh hứa hẹn tái sinh, nhưng trải nghiệm chủ đạo lại là nỗi đau đớn thêm nhói buốt.
Bây giờ đã quá nửa đêm. Chị ở cách xa anh hàng dặm. Nhà. Từ mà chị muốn là nhà. Chị không tin mình sẽ có đủ sức mạnh để tự giao nộp mình cho các bác sĩ vào ngày mai nếu không có anh. Trong một khoảnh khắc tỉnh táo, chị tự hỏi mình, có lẽ nào chị thực sự yêu Martin, yêu Martin, hay là vì trái tim tan vỡ của chị đang ngộ nhận? Liệu chị có còn cảm xúc đó đối với anh nếu không vì chị đang phải nhập viện ngày mai, nếu không vì anh đã sắp xếp buổi khám đầu tiên của chị với bác sĩ một cách nâng niu đến thế, nếu không vì anh là người đàn ông cuối cùng biết cơ thể chị một cách tỏ tường trước khi nó sắp bị biến đổi thê thảm? Và rồi câu trả lời đến với chị: tất cả những trái tim tan vỡ đều ngộ nhận. Tất cả mọi kẻ ngốc thất tình đều là nạn nhân của việc chọn sai thời điểm, những ý định tử tế, và việc ra quyết định kém cỏi của một kẻ khác. Chị buộc phải thừa nhận điều đó - đúng, chị đã yêu Martin, và chị nhận ra điều đó vào thời điểm tồi tệ nhất có thể, sau khi anh làm tan vỡ trái tim chị. Bất thình lình đi ngược lại toàn bộ niềm tin chắc chắn mà chị đã đinh ninh khi lái xe lao vọt đi rằng văn phòng của Martin là nơi tồi tệ nhất để đến, và liên lạc với Martin là điều tồi tệ nhất chị có thể làm, chị đi tìm một bốt điện thoại trả tiền. Chị có mang theo điện thoại di động, nhưng nếu gọi bằng di động chị sẽ không còn khả năng cúp máy vào phút cuối mà không bị chức năng báo số cho anh biết ai là người đang gọi đến.
Chị gọi từ máy điện thoại trả tiền của một cây xăng đã đóng cửa. Chẳng có gì là vô lý khi hy vọng sẽ gọi được cho anh tại bàn làm việc. Thực ra, mặc dù bây giờ đã muộn rồi, trong đầu chị thậm chí không hề mảy may có ý nghĩ rằng anh có thể ở đâu đó khác. Hồi chuông quen thuộc, tiếng hộp thư thoại quen thuộc - nói bây giờ hoặc vĩnh viễn giữ nguyên cái lòng tự trọng của mày. Chị cúp máy. Lựa chọn khôn ngoan. Chị gọi lại. “Martin, em đang ở số máy này, đó là...” Chị đọc số cho anh. “Anh có thể gọi lại cho em khi anh quay về bàn của mình không, làm ơn? Chuyện khẩn lắm.” Chị chăm chú nhìn quanh trong lúc chờ đợi. Có một bóng điện tối om om màu cam gắn phía trên những cột bơm xăng trông thật dị thường trong quầng sáng vàng vọt kiểu Halloween, rọi sáng, mặc dù đó không phải là từ chính xác - truyền sức sống cho những cột bơm, những vệt dầu loang rồi vết tróc lở và cả những thùng rác đầy phè thành thứ gì đó vừa xấu xí vừa đe dọa một cách mơ hồ, và khi một người đàn ông đẩy chiếc xe mua hàng của anh ta lạch cạch đi trên vỉa hè trong bóng tối, âm thanh đó khiến chị chột dạ, và chị nhìn quanh. Tuyệt thật, giờ thì chị đang sợ bị tấn công, và sợ cả những tên yêu râu xanh rồi những kẻ giết người và tất cả những gã đàn ông rình rập vào lúc đêm hôm khuya khoắt như thế này. Lại nói về trận lở đất cứt đái. Tại cái cây xăng chết tiệt này giữa lúc giờ giấc của ma quỷ, bà con ạ, chị đã chính thức bị chôn vùi trong đó. Tất cả những gì chị cần lúc này là trời bắt đầu mưa, là động cơ không chịu khởi động, là một chiếc xe cửa kính đen ngòm dừng lại ở một khoảng cách khó chịu, và một trận dịch châu chấu. Chẳng phải điều đó sẽ khiến cho đêm nay trở nên trọn vẹn sao? Cách đó khoảng một sân bóng, đường cao tốc lờ mờ hiện ra. Chị nghe thấy tiếng vù vù mơ hồ của những chiếc xe đang lao vụt qua. Không biết mới được hai phút, hay bốn tiếng đồng hồ, kể từ lúc chị gọi nhỉ? Chị thử lại. “Martin,” chị nói. “Em cần nói chuyện, làm ơn gọi lại cho em.” “Martin,” chị nói, trong lần thử thứ ba của mình. “Anh đang ở nhà à?”
Anh đang ở nhà thật, đang ngủ. “Mấy giờ rồi?” anh hỏi, sau hồi chuông thứ sáu. Ôi không - anh đã ở nhà được bao lâu rồi? Tại sao anh lại ở nhà? Làm sao anh lại có thể ở nhà? Giờ đây trong khoảng thời gian trước câu trả lời của chị, cả buổi tối cần được xem xét lại. Chị đã hình dung ra anh trong khung cảnh quen thuộc - lại rót đầy tách cà phê của mình rồi rút ra một tập hồ sơ, nuốt mấy viên aspirin và chỉnh lại quần trước khi ngồi xuống. Chị cảm thấy an ủi khi biết anh ở đâu, cho dù chị không ở bên cạnh anh. Tuy nhiên, khi phát hiện ra anh đang ở nhà và làm anh thức giấc, chị mới nhận ra chị chẳng hề biết gì về nơi anh có thể đã ở và anh đã làm gì, và điều đó quả thực là rất, rất không dễ chịu chút nào. Chị nghĩ đến điều tồi tệ nhất - đi uống nước với ai đó mới, chuyện trò vui vẻ, khởi đầu của điều mà anh thực sự muốn. Chị đã mất anh. “Anh đang làm gì ở nhà vậy?” chị hỏi. “Anh đang làm gì ấy à?” anh hỏi. “Thì anh đang ngủ mà.” “Anh từ chỗ làm về lúc nào?” chị hỏi. “Anh không biết,” anh nói. “Bảy giờ thì phải?” Bảy giờ? Chị không thốt nên thành tiếng nhưng bên trong chị là một tiếng gào to như lúc ở trong phòng thay quần áo. Bảy giờ? Chị đã hình dung ra anh suốt năm tiếng đồng hồ ở một nơi mà chị cứ nghĩ là chị biết và giờ hóa ra chị chẳng biết gì hết. Điều chị cần khủng khiếp lúc này là một lời giải thích tuần tự về tất cả những gì anh đã làm tối nay. Nhưng chị không thể đòi hỏi điều đó. Tốt hơn hết là đi thẳng vào vấn đề trước mắt trước khi chị buột ra câu không ra thể thống gì. Quá muộn: “Anh làm gì ở nhà từ lúc bảy giờ?” chị hỏi. “Ý em là, chẳng phải điều đó không hề giống anh sao, đi về nhà lúc bảy giờ ấy?” “Anh thấy mệt,” anh giải thích. “Anh muốn về nhà.” “Vậy là anh về nhà lúc bảy giờ?” “Đúng thế, Lynn,” anh nói. “Anh về nhà lúc bảy giờ. Anh gọi đồ ăn, anh xem ti vi - có chuyện gì vậy?” Vậy là không có gì khác thường, chị nghĩ. Không gặp gỡ. Không hẹn hò. Anh đang thành thật với chị, đến giờ thì chị biết điều đó - cuối cùng, hãy nói cho anh ấy biết tại sao mày gọi điện đi.
“Em đã đổi ý,” chị nói. “Em cần anh đi cùng với em. Em không biết lúc đó em đã nghĩ gì nữa. Em sẽ không thể làm được điều đó nếu không có anh.”
Im lặng ở đầu dây phía anh. “Nhưng anh tưởng...” anh bắt đầu. “Được rồi,” anh đổi ý, sau một giây. “Anh sẽ đi cùng với em.”
“Anh không phải lo lắng đâu,” chị nói. “Em hiểu các điều kiện mà. Em chấp nhận hoàn toàn các điều kiện.”
“Được rồi, nhưng... điều gì đã thay đổi vậy? Bởi vì mới hôm Chủ nhật em còn nói...”
“Em thấy sợ,” chị nói một cách giản dị. Anh không trả lời. “Chỉ là vì em thấy sợ.”
“Được rồi,” anh nói. “Em muốn anh đến đón em lúc mấy giờ?”
Quay trở lại Lake Shore Drive, chị bình tĩnh như một con bồ câu trong lồng. Không âm nhạc, chỉ có tiếng gió hút vào từ trên mui xe và tiếng rung trung thành của chiếc Saab. Bên tay phải chị là mặt hồ lặng lẽ. Chị nhớ cái lần chiếc xe giở chứng. Chị lái xe mà giống như có người đang bị buộc bên dưới gầm xe đập chan chát vào nó bằng một chiếc mỏ lết. Nó cứ giật xóc khùng khục và lảo đảo, kiểu chuyển động quái đản đó cùng những tiếng lạch cạch làm chị lo lắng, cứ như thể chị là sự nối dài ý thức của cỗ máy mà chị yêu quý. Chị mang nó đi sửa và ba ngày sau khi chị nhận lại nó, tất cả đã quay trở lại - tiếng vo vo quen thuộc của động cơ, tiếng lốp xe lướt êm như ru trên đường phố. Lúc này chị cảm thấy như thế: vững vàng, yên lặng, trơn tru, hồi phục. Không còn chạy lảo đảo, lắc lư như một viên bi trong trò pinball. Suốt ngần ấy tiếng đồng hồ đã ở lại phía sau chị, và chỉ đến lúc này chị mới nhận ra nó: lúc mười hai giờ bốn mươi tám phút sáng được bảo bọc trong chiếc Saab và đang đi về phía Bắc với tốc độ hợp lý, chị biết chính xác đó là đâu, cái nơi đúng đắn đã lảng tránh chị suốt, và lẽ ra chị nên làm gì trong suốt thời gian đó. Một loạt những biến cố của buổi tối đã làm chị mụ mị, che khuất đi điểm đến đúng đắn của chị, và chỉ trong vòng mười lăm phút chị đã tới nơi. Chị đi vào trong tòa nhà và chào người đàn ông trông coi nó vào buổi tối. Anh ta biết tên chị. “Thật ngạc nhiên khi thấy chị ở đây lúc khuya khoắt như thế này!” anh ta nói, và nghe những lời đó chị biết ngay rằng sai lầm lớn nhất của mình là đã rời khỏi đây lúc đầu. Đó là việc trèo lên chiếc taxi đó và đi về nhà. Chị đi thang máy lên tầng sáu mươi và bước đến phòng làm việc của mình. Liệu đã có ai ngoài chị nhận ra tầm quan trọng sống còn đối với tương lai của công ty trong hai hồ sơ dự thầu mới chưa nhỉ? Đã thế lại còn chưa vạch ra chiến lược cho chúng nữa chứ! Họ còn hai tuần nữa là phải trình bày rồi. Thật điên mới nghĩ là chị còn có lúc nào rảnh rỗi. Chị ngồi xuống bàn làm việc của mình. Đây là một nơi dễ chịu để đến, ngay tại đây, suy nghĩ, Có những việc gì phải làm nhỉ? Mình phải làm việc gì đầu tiên? Thật bất ngờ là chị cảm thấy tràn trề sinh lực đến thế, sau suốt mấy tháng vừa rồi ngày nào cũng mệt nhoài. Chẳng khác gì thức dậy sau một đêm nghỉ ngơi thật dài, giờ chị đã sẵn sàng để khởi động buổi sáng. Chị với tay về phía con chuột, phá vỡ trình bảo vệ màn hình. Đồng hồ cho thấy bây giờ mới hơn một giờ. Chỉ là một buổi sáng rất sớm, thế thôi. Chị làm việc đến sáu giờ.
Chị thấy kiệt sức. Chị đứng lên khỏi ghế và bước đến cửa sổ. Đúng lúc này mặt trời đang mọc, cả thành phố đang lấm chấm bừng tỉnh trở lại, lần lượt từng điểm tối tăm chuyển thành ánh sáng, làm sáng bừng những tòa nhà rồi đến đường phố và những con đường cao tốc xa xa. Kiểu lấm chấm này làm chị nhớ đến bức tranh Seurat khổng lồ trong Viện Mỹ thuật, bức mà Martin thích. Không phải là Chicago, với vẻ quyến rũ thô cứng cùng những bề mặt xám xịt của nó - trên thực tế thì vẫn còn đang im lìm vào giờ này - có chút gì giống với buổi picnic nhộn nhịp đầy màu sắc của Seurat. Nhưng ngắm nhìn bầu trời mở ra từ cửa sổ phòng mình, cảnh tượng thật huy hoàng, nhất là sau tất cả những công việc mà chị vừa hoàn thành, và một sự hiển linh nhỏ chợt ùa tới. Tất cả chúng ta đều nhầm to hết. Giờ làm việc bình thường phải là từ chín giờ tối đến năm giờ sáng, để cho chúng ta được mặt trời chào đón khi hoàn thành công việc. Tất cả những gì tuyệt vọng và chán chường đêm hôm trước đã bốc hơi, và tất cả những gì người ta vẫn nói về quyền năng biến hóa của ánh sáng ban ngày đã trở thành hiện thực đối với chị. Chị đã mạnh mẽ trở lại, đứng vững vàng trở lại. Chị đã làm mọi việc tốt nhất như những gì chị có thể tưởng tượng được, và cho dù trí tưởng tượng của chị có nghèo nàn, cho dù nó thiếu hụt một cách căn bản dẫn đến hậu quả mặc nhiên là phải làm việc vất vả hơn, làm việc nhiều hơn, cuộc đời chị vỡ mộng theo giấc mơ Mỹ - dù thế nào đi chăng nữa, chẳng phải đó vẫn là quá trình mưu cầu hạnh phúc đó sao? Quá trình mưu cầu hạnh phúc của chị. Và không ai, kể cả Martin, không một ai, có thể lấy điều đó khỏi chị. Nó chỉ có thể bị lấy đi bởi cái chết. Và bởi vì những cơ hội làm ăn mới này, chị e rằng cái chết cũng sẽ phải chờ.
Chị nhấc điện thoại lên. Chị chỉ muốn cho anh biết rằng đêm qua chị hơi điên rồ một chút - ai biết được tại sao. Nhưng cùng với ánh sáng ban mai, lý trí của chị đã quay trở lại, và rốt cuộc chị không cần anh đưa chị tới bệnh viện nữa.
“Em đang nói cái gì vậy?” anh nói. “Anh đang sắp sửa ra khỏi nhà để đi đón em.”
“Thôi,” chị nói. “Chuyện đó không cần thiết.”
“Lynn,” anh nói, “anh đến đón em đây.”
“Martin, em đang ở chỗ làm rồi. Em chỉ cách bệnh viện có một khối nhà. Em không cần được đón nữa đâu.”
“Lynn, tại sao em lại làm như thế này chứ?”
Chị hứa sẽ gọi khi chị ra khỏi ca phẫu thuật. Anh phản đối, nhưng chị nhất quyết khăng khăng. Chị cúp máy và loạng choạng đi tới chiếc ghế sofa bọc da trắng. Trên ghế bừa bộn những mẫu sản phẩm của khách hàng trước đây - những chai dầu động cơ, hộp bóng đèn - và những chồng hồ sơ đầy ắp tài liệu. Chuyển tất cả những thứ đó xuống sàn nhà chị nằm xuống và, ngay trước khi ngủ thiếp đi, quyết định rằng khi chị tỉnh dậy, việc đầu tiên chị sẽ làm ngày mai - ngày hôm nay - là dọn dẹp cái văn phòng đáng xấu hổ này, và tạo sự khởi đầu mới cho mọi việc.