Và Thế Là Chúng Ta Tiêu - Chương 03
Những buổi sáng - Thách thức của Benny - Joe Pope là ai? - Carl Garbedlan - Sự gián đoạn đầu tiên - Karen Woo nhảy vào - Đưa anh về nhà - Sự gián đoạn thứ hai - Búp bê Joe Pope - Một câu chuyện hay hơn câu chuyện này - Benny tải lên mạng - Của thừa kế Brizz để lại cho Benny - Lướt qua Brizz - Quà của Tom cho Carl - Lời thú tội của Carl - Cơn “giận dữ” của Tom - Chúa ở chỗ làm - Chàng Lở Miệng - Chữ viết trên tường
Quãng thời gian tuyệt vời nhất bao giờ cũng là đầu giờ sáng.
Những buổi sáng nhẩn nha bắt đầu với vẻ tĩnh lặng trong các hành lang, những bóng điện chưa bật sáng hết công suất, và không khí bận rộn còn bị kìm nén. Nó cũng là quãng thời gian tồi tệ nhất, do cảm giác phấp phỏng về sự chấm dứt của tất cả những điều này.
Chúng tôi thích tụ tập trong phòng của Benny. Anh ta quay lại với một cốc đầy và nói, “Thế là hôm qua...”
Chúng tôi không sao nhìn anh ta mà nín được cười. “Gì vậy?” anh ta hỏi. Chúng tôi nói anh ta có gì đó - “Ở đâu?” Nó nằm trên mép anh ta. Anh ta vội tìm kiếm. Nó ở phía bên kia. Chúng tôi cầu Chúa là anh ta sớm tìm ra nó. Cuối cùng anh ta chùi nó xuống và nhìn kỹ. “Pho mát kem ấy mà,” anh ta nói. Có bánh vòng à? “Ở trong bếp,” anh ta trả lời. Câu chuyện của Benny sẽ phải chờ những người trong chúng tôi muốn ăn bánh vòng. Những người quan tâm tới câu chuyện của anh ta hơn thì vẫn bám lại. “Được rồi, thế là hôm qua,” anh ta kể tiếp. “Tớ muốn thử xem liệu tớ có qua được trọn vẹn một ngày mà không động đến chuột hoặc bàn phím không.” Anh ta thả người xuống ghế với vẻ khoái trá một cách gượng nhẹ, thận trọng không để sánh cốc cà phê. “Cả ngày liền không động đến con chuột và bàn phím - không thể, đúng không? Ý tớ là, mỗi ngày chúng ta sử dụng những thứ này bao nhiêu lần? Nếu các cậu cũng giống tớ, đang phải lắp ghép một mẩu quảng cáo, có lẽ các cậu phải nhắp chuột rồi gõ bàn phím đến cả mười nghìn lần mỗi ngày. Hai mươi nghìn. Thậm chí tớ cũng chẳng biết nữa, tớ không bao giờ đếm cả. Vấn đề là rất nhiều lần. Đến mức các cậu bắt đầu nghĩ rằng cuộc đời mình cũng đang từ từ nhắp dần đi. Thế là hôm qua tớ quyết định, giả sử tớ có thể cứ thế cả ngày thì sao nhỉ? Tớ phải làm gì? Tớ phải nhắp và mở, nhắp và kéo, nhắp và tô màu, nhắp và căn lề, nhắp và chỉnh lại kích thước, nhắp và tô đậm...”
Anh ta cứ thế thao thao kể lể, sử dụng những ngón tay chuối mắn của mình để liệt kê.
“Rồi lại còn những phím chức năng trên bàn phím nữa chứ, đúng không? Control-x, control-c, control-v, control-f...”
Chúng tôi bảo anh ta nói nhanh cho xong đi. Chúng tôi thích lãng phí thời gian, nhưng gần như không có gì khó chịu hơn là phải lãng phí khoảng thời gian lãng phí của chúng tôi vào một việc không đáng phải lãng phí thời gian.
“Thế thì hãy nghe xem tớ đã làm như thế nào nhé,” Benny nói, bộ mặt phì phị của anh ta nở nụ cười gian trá.
“Cả ngày anh không làm gì hết,” Marcia nói.
“Không đúng,” Benny phản đối, đột nhiên anh ta trở nên trịnh trọng một cách khác thường. “Tớ có việc phải nộp cho Joe mà, tớ cũng có những deadline chứ. Hôm qua tớ đã phải dùng đến chuột và bàn phím. Vậy thì hãy nghe xem tớ đã làm như thế nào nhé.”
Thế là Benny kể cho chúng tôi nghe câu chuyện anh ta đã qua được cả ngày mà không phải nhắp chuột bằng cách dạy Roland cách sử dụng Photoshop. Roland không nghĩ rằng bác ta cũng có thể học được Photoshop, thậm chí bác ta còn chưa bao giờ học đại học. Nhưng Benny bảo bác ta rằng nói như thế thật là điên rồ. Chỉ cần có người hướng dẫn đúng đắn, sẽ không mất quá hai tiếng đồng hồ. Roland làm ở bộ phận bảo vệ. Bác ta đứng gác ở bàn bảo vệ phía trước trong sảnh tầng trệt, hoặc không thì bác ta lại đi lòng vòng quanh tòa nhà trong chiếc áo vest xanh hải quân loại may đồng loạt cho nhân viên bảo vệ. Cả ngày dài bác ta ngồi ở vị trí cô độc của mình dưới sảnh hoặc bác ta đi đi lại lại quanh tòa nhà trên đôi chân nhức mỏi của mình. Được ngồi trong một văn phòng cùng với Benny có mà sướng quá. Điều kiện duy nhất mà bác ta đưa ra với Benny là nếu bác ta bị Mike Boroshansky, trưởng bộ phận bảo vệ, gọi qua chiếc bộ đàm Motorola, có lẽ bác ta sẽ phải đi. Thời buổi này ai mà biết được an ninh thế nào chứ.
“Vậy thì điều tôi muốn biết,” Benny đã bảo với bác ta, “là bác nghĩ bức ảnh nào trong số này trông thích hợp nhất cho mẫu quảng cáo này?” Roland nhìn vào màn hình của Benny và nói, “Tôi không biết. Bức này à?” và Benny nói, “Thôi nào, Roland, ông bạn - bác có đến hơn nghìn bức ảnh để lựa chọn cơ mà, và bác mới chỉ xem qua có sáu bức. Kéo xuống, ông bạn! Nhắp qua.” Và thế là cuối cùng Roland ngồi lọc qua số ảnh tương đương với khoảng một tiếng đồng hồ nhắp chuột trong khi Benny ngồi vểnh râu bên cạnh không phải sờ gì đến con chuột. Đó là cả một nỗi sướng rơn đối với Roland - có người để bầu bạn và một chỗ ngồi êm ái. “Không, không phải bức đó,” Benny liên tục nói. “Bác không có nhiều thiên bẩm nghệ thuật cho lắm, Roland, không định xúc phạm đâu.” “Ê, Benny,” Roland nói như thanh minh, “tôi đâu có đến trường để học cái này hay bất kỳ thứ gì khác, nếu cậu không phiền nhớ hộ cho.” Thế nhưng bác ta vẫn tiếp tục kích sang trang tiếp theo, và lại kéo xuống, rồi kích sang trang tiếp theo và kéo xuống. Cứ khi nào Roland lướt qua một bức ảnh mà Benny thích, Benny lại ghi số thứ tự của bức ảnh ra một mảnh giấy. Khi anh ta đã có đủ số ảnh, anh ta đá đít Roland ra khỏi văn phòng của mình và gọi cho bộ phận lễ tân của nhà cung cấp dịch vụ ảnh để họ gửi qua cho anh ta lựa chọn. Đó là lúc anh ta đi ăn trưa. Và rồi, khi anh ta quay trở về từ quán ăn Potbelly, đó là lúc bắt đầu lắp ráp mẩu quảng cáo lại với nhau, anh ta nhấc điện thoại lên gọi xuống bộ phận bảo vệ đề nghị cho gặp Roland.
Khi Roland quay trở lại văn phòng của Benny, bác ta sung sướng không để đâu cho hết khi được quay lại và cho đôi chân của mình nghỉ ngơi một lúc. “Cậu có biết mỗi ngày tôi đi bộ vòng quanh tòa nhà này bao nhiêu dặm không?” bác ta hỏi Benny. “Bao nhiêu?” Benny nói. “Tôi không biết,” bác ta nói. “Tôi không bao giờ đếm cả.” “Bác nên dùng một cái máy đếm bước,” Benny nói. Hai tiếng đồng hồ sau họ đã hoàn thành phác thảo của một mẩu quảng cáo mà Joe Pope yêu cầu ngay từ buổi sáng. Đến sáng mai thì cái trò trì hoãn nhắp chuột của Benny cũng kết thúc rồi và khi đó anh ta có thể hoàn thành nốt những công đoạn cuối cùng cho mẩu quảng cáo. Anh ta đã làm như thế đấy. Cả một ngày liền không một cái nhắp chuột nào đối với Benny. Chỉ có điều anh ta đã phá hỏng nó lúc năm giờ kém mười lăm khi tự cho phép mình kiểm tra tỉ số của trò bóng chày ảo trên mạng.
“Các anh biết không,” Amber Ludwig nói, “tôi thấy câu chuyện này chẳng có gì là hay ho cả. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Tom Mota quay lại đây và một trong những nhân viên bảo vệ của chúng ta lại đang ở trong phòng làm việc của anh dựng quảng cáo?” cô ta hỏi. “Tôi dám chắc là điều đó khiến tôi cảm thấy thực sự an toàn, Benny.”
“Ôi, Amber,” Benny nói. “Tom Mota không quay lại đây đâu.”
Bất thình lình Joe Pope hiện ra trên ngưỡng cửa phòng Benny. “Xin chào,” anh ta nói.
“Ối!” Amber ré lên theo bản năng, ôm chặt lấy cái bụng bầu của cô ta. Bụng cô ta chưa hề lộ gì cả, lẽ ra chúng tôi cũng đã chẳng biết gì về chuyện đó, nhưng chúng tôi vẫn biết vì chúng tôi cái gì cũng biết. “Ôi, Joe,” cô ta gào lên. “Anh làm tôi sợ chết khiếp!”
“Xin lỗi,” Joe nói. Anh ta đứng trên ngưỡng cửa với ống quần bên phải vẫn còn xắn lên vì sợ dính dầu mỡ. Ngày nào Joe cũng đạp xe đạp đi làm trừ những hôm thời tiết khắc nghiệt nhất. Hầu hết các buổi sáng anh ta bước lên thang máy như một người đưa thư với cái mũ bảo hiểm phát quang bóng lộn, quần xắn móng lợn và chiếc ba lô. Anh ta dắt xe tới phòng làm việc của mình và dựng nó vào tường. Saú đó anh ta khóa bánh trước vào với khung xe. Bên trong văn phòng mà anh ta còn làm thế, khóa xe đạp của mình lại, như thể vây tứ bề xung quanh anh ta toàn là dân đầu trộm đuôi cướp vậy. Cái xe đạp đó là đồ cá nhân duy nhất trong văn phòng của Joe Pope. Anh ta chẳng có áp phích, bưu ảnh, đồ trang trí lặt vặt, quả cầu tuyết, đồ lưu niệm, ảnh lồng khung, tác phẩm nghệ thuật nhái, vật kỷ niệm nào hết, cũng không có những cuốn sách hài hước trên giá và chẳng có gì để xếp bày bừa trên bàn làm việc. Anh ta đã ở cái phòng đó ba năm nay, vậy mà trông nó vẫn như chỗ tạm bợ. Ngày nào chúng tôi cũng phải thắc mắc - mà cái thằng cha Joe Pope này là thế quái nào nhỉ? Cũng chẳng phải là chúng tôi có gì không ưa anh ta. Có chăng chỉ là anh ta có lẽ hơi thấp hơn khoảng vài phân so với lẽ ra phải thế. Anh ta nghe thứ âm nhạc quái đản. Chúng tôi không biết anh ta làm gì vào các cuối tuần. Loại người gì mà lại ló mặt đến hôm thứ Hai và chẳng thèm quan tâm đến việc chia sẻ những gì đã diễn ra trong suốt hai ngày cuối tuần khi cuộc sống thực sự của con người ta diễn ra chứ? Những ngày cuối tuần của anh ta là bóng tối bí ẩn dài dằng dặc. Rất có khả năng anh ta dành những ngày nghỉ trong văn phòng, ấp ủ kế hoạch vĩ đại của mình. Những ngày thứ Hai chúng tôi đến nơi trong tâm trạng tươi phơi phới và không nghi ngờ gì, vậy mà kiểu gì anh ta cũng đã ở có mặt ở đó, sẵn sàng tung ra cái gì đó đối với chúng tôi. Có thể anh ta còn không bao giờ về nhà. Tất nhiên là anh ta không bao giờ cầm cốc cà phê lượn lờ tán phét với chúng tôi vào một buổi sáng thứ Hai. Chúng tôi không phán xét anh ta về điều đó, chỉ cần anh ta đừng có phán xét thói quen của chúng tôi trong việc từ từ bắt nhịp vào một tuần làm việc mới.
Mỗi khi anh ta có lượn qua thì cũng chỉ là để nói những câu như “Xin lỗi vì làm gián đoạn, Benny, nhưng hôm qua anh đã ráp xong cái quảng cáo đó cho tôi chưa vậy?”
“Có ngay đây, Joe,” Benny vênh váo, nháy mắt tinh quái về phía chúng tôi khi anh ta chuyển lại tác phẩm của Roland.
Sự có mặt bất ngờ của Joe là nhân tố giải tán, chúng tôi nhấc mông lên quay trở lại bàn làm việc, nặng nề và ngán ngẩm. Buổi sáng đã chính thức bắt đầu với chúng tôi.
Tại sao nó lại kinh hoàng đến thế, gần như chết đến nơi, một buổi sáng trong hàng trăm buổi, khi ta về phòng làm việc của mình và trơ trọi bước qua ngưỡng cửa? Tại sao nỗi khiếp sợ lại nghẹt thở đến thế? Hầu hết các ngày, không vấn đề gì. Công việc phải làm. Một cái bánh nướng. Những đám mây dông bên ngoài cửa sổ, đầy vẻ đe dọa, hùng vĩ. Nhưng trong một trăm buổi sáng ấy có một buổi thật không thể nào thở nổi. Cà phê của chúng tôi có vị như thuốc độc. Hình ảnh những chiếc ghế quen thuộc ám ảnh chúng tôi. Thứ ánh sáng bất di bất dịch đó khiến con người ta mụ mị.
Chúng tôi đấu tranh với cảm giác suy sụp. Chuyện này chuyện kia trong cuộc sống của chúng tôi chẳng ra đâu vào đâu, và trong suốt một khoảng thời gian dài chúng tôi vật lộn để vượt qua nó. Chúng tôi ngồi bệt xuống tắm dưới vòi hoa sen và không thể ra khỏi giường vào những ngày cuối tuần. Cuối cùng chúng tôi tham khảo ý kiến của bộ phận nhân sự về những chi tiết của việc đi gặp một chuyên gia, và đơn thuốc được kê đặc biệt. Marcia Dwyer dùng Prozac. Jim Jackers dùng Zoloft và mấy thứ nữa. Hàng tá người khác dùng thuốc suốt cả ngày, chúng tôi kỳ công gọi tên các loại thuốc, thôi thì có cơ man nào là thuốc, đủ các loại màu sắc và kích cỡ. Janine Gorjanc dùng một loại cocktail tả pí lù nhiều đơn thuốc cùng một lúc, trong đó có cả lithium. Sau cái chết của Jessica, Janine và chồng chị, Frank, đã ly hôn. Chúng tôi hiểu rằng ly hôn là một hậu quả phổ biến sau cái chết của một đứa con. Không có gì là cay nghiệt giữa họ, chỉ là đường ai người nấy đi. Giờ thì họ sống cô đơn với những ký ức của mình. Những bức ảnh chụp Frank cùng với Jessica vẫn còn được treo trong phòng làm việc của Janine, và, thực lòng mà nói, nhìn thấy những bức ảnh của anh ta cũng khiến người ta xúc động gần như chẳng kém gì bức ảnh của cô bé xấu số. Chụp Frank với Jessica ngồi trên đầu gối, chụp Frank đeo tạp dề và găng tay lót nồi trong một dịp nghỉ lễ nào đó - người đàn ông đó cũng đã rời khỏi thế giới này giống như Jessica. Những mớ tóc mai xoăn tít không còn nữa, cặp kính đen dày cộp không còn nữa và anh ta cũng chẳng còn vợ con gì hết. Cứ dành hai phút trong phòng của Janine ngắm nhìn những bức ảnh này và suy ngẫm về số phận của những con người hạnh phúc trong đó mà xem, hẳn bạn cũng sẽ phải với tay cầm lấy một trong những loại thuốc được kê đơn vứt lăn lóc khắp phòng.
Ấy vậy mà bất chấp cảm giác sầu muộn, chưa có ai từng bỏ việc. Khi có ai đó bỏ việc, chúng tôi không thể nào tin nổi. “Tớ sẽ trở thành một huấn luyện viên bơi bè trên sông Colorado,” họ nói. “Tớ sẽ đi lưu diễn quanh các thành phố đại học cùng với ban nhạc của mình.” Chúng tôi sững sờ không nói được câu nào. Cứ như thể họ sống trên một hành tinh khác. Họ lấy cái gan ấy ở đâu ra nhỉ? Họ sẽ làm gì để thanh toán tiền mua xe trả góp? Chúng tôi tụ tập bù khú một chầu vào cái ngày cuối cùng của họ và cố gắng che giấu nỗi ghen tị trong khi tự nhủ rằng chúng tôi vẫn có tự do và sự xa xỉ để mua sắm vô tội vạ. Lần nào cũng thế Tom sẽ say khướt và rỉa rói người sắp ra đi bằng những lời nâng cốc chúc mừng không phù hợp chút nào. Lần nào cũng thế Marcia sẽ tìm thấy những ban nhạc tóc xù[13] của cô ta ở máy nghe nhạc trả tiền và đày đọa chúng tôi bằng những bản ballad ngọt lịm của họ trong khi hồi tưởng lại những ngày thanh bình ở trường trung học George Washington. Lần nào cũng thế Janine sẽ lặng lẽ nhấm nháp ly nước nam việt quất của mình, trông thật đau khổ và hiền từ, còn Jim Jackers thì buông ra những câu chuyện tiếu lâm nhạt thếch, vô duyên, trong khi Joe vẫn ở văn phòng, làm việc. “ ‘Mọi con tàu đều là một vật thể lãng mạn’,” Tom ba hoa, “ ‘chỉ trừ con tàu đang chở chúng ta’.” Để hạ màn, bao giờ anh ta cũng đứng lên và nâng cốc. “Vậy thì xin chúc các cậu may mắn,” anh ta chúc, và nốc nốt chỗ martini của mình, “và quỷ tha ma bắt các cậu vì đã ra đi, đồ khốn kiếp.”
Chúng tôi có những hành lang rộng thênh thang. Một số hành lang có văn phòng chạy dọc cả hai bên, trong khi những hành lang khác có văn phòng ở một bên và bên còn lại là những ngăn chia ô. Ngăn của Jim Jackers độc đáo ở chỗ nó được bố trí lọt thỏm trong góc. Vì ở vị trí đó nên anh ta có thể chiêm ngưỡng một quang cảnh tuyệt vời và chúng tôi thắc mắc liệu anh ta có xứng đáng với nó không nữa. Để tới đó bạn phải bước qua những vết mực in lấm lem trên thảm ở tầng sáu mươi. Anh ta chia sẻ không gian đó với một người khác, một người phụ nữ tên là Tanya gì gì đó làm việc ở nhóm của một thành viên quản trị khác. Một bức vách có thể kéo vào được chia tách họ, làm bằng kính mờ dày, loại vẫn dùng cho cửa sổ phòng tắm. Đằng sau bức vách, một người đi đi lại lại, thì đối với người kia, trông như đang kì cọ và lăn nách, trong khi thực ra họ chỉ đang sắp xếp hồ sơ hoặc nhập dữ liệu.
Chúng tôi đang ở trong vài tuần đầu tiên của giai đoạn giảm biên chế khi Benny kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về việc Carl Garbedian tạm biệt vợ anh ta. Chúng tôi túm tụm lại ở ngăn của Jim vì một lý do trời ơi đất hỡi nào đó - bằng cách nào và tại sao một số người trong chúng tôi chợt nhận ra mình đang tụ tập tại cùng một nơi ở cùng một thời điểm đúng là điều bí ẩn. Những câu chuyện của Benny vốn được kể thường xuyên hơn trong những ngày trước giai đoạn suy thoái, khi chúng tôi cảm thấy phơi phới và an toàn. Chúng tôi ít bận tâm hơn đến việc bị bắt gặp tụ tập. Khi cơn suy thoái ập tới, khối lượng công việc của chúng tôi biến mất, và mặc dù có nhiều thời gian hơn bao giờ hết để nghe những câu chuyện của Benny, chúng tôi lại cảnh giác hơn với việc bị bắt quả tang tụ tập, đó là một dấu hiệu cho thấy khối lượng công việc của chúng tôi đã biến mất và việc giảm biên chế là cần thiết. Chúng tôi ở trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan - phải làm gì với những câu chuyện của Benny đây? Chúng tôi thỏa hiệp bằng cách vẫn tiếp tục nghe, nhưng không còn háo hức tận hưởng chúng nữa vì quá lo lắng có người đi qua và bắt gặp chúng tôi. Chúng tôi chỉ còn nghe bằng một tai, và một mắt lúc nào liếc ra sau lưng, phòng trường hợp cần vọt lẹ về bàn của mình và bắt đầu màn kịch rằng công việc vẫn ngập đầu như trước kia, bởi vì chỉ có như thế chúng tôi mới không bị cho nghỉ việc.
Carl Garbedian khoảng ngoài ba mươi tuổi. Anh ta có cái bụng tương đương với bụng bầu ở giai đoạn ba tháng thứ hai. Anh ta mặc loại quần jean không tên tuổi bó quá sát, và đi giày thể thao loại bình dân, điều đó, đối với chúng tôi, cho thấy anh ta đã buông xuôi đến mức độ nào. Một sáng nọ vợ anh ta thả anh ta ở góc đường nhưng anh ta nhất định không chịu rời khỏi xe. Benny cũng đã tận mắt chứng kiến hầu hết cảnh này rồi, nhưng những gì không được trực tiếp thấy thì sau đó anh ta lại moi từ Carl, khi anh ta khích bác để gã kia nói ra trong giờ ăn trưa. Gần như tất cả mọi người đều chia sẻ những suy nghĩ của họ với Benny bởi vì mọi người đều yêu quý Benny, đó là lý do tại sao một số người trong chúng tôi ghét cay ghét đắng anh ta.
Ngay trước khi bước ra khỏi xe, đúng lúc lẽ ra cô ta phải hôn tạm biệt Carl, thì điện thoại di động của Marilynn lại đổ chuông. Cô ta là một bác sĩ chuyên khoa ung thư và luôn cảm thấy có trách nhiệm trả lời điện thoại phòng trường hợp có cấp cứu. “A lô?” cô nói. “Cứ nói đi, Susan, tôi nghe cô nói rõ lắm.”
Ngay lập tức Carl cảm thấy khó chịu. Benny kể với chúng tôi rằng Carl ghét cái kiểu lúc nào vợ anh ta cũng trấn an mọi người rằng cô ta có thể nghe họ nói rõ lắm. Anh ta căm ghét cái kiểu cô ta nhét ngón tay vào tai đối diện, để nút một cách hiệu quả tất cả những tiếng ồn khác. Và anh ta căm ghét việc những trách nhiệm khác của vợ lúc nào cũng được ưu tiên hơn mình. Họ đang sắp sửa chào tạm biệt, vì Chúa. Chẳng lẽ lại không phải chuyện lớn, chẳng lẽ lại không quan trọng, nụ hôn tạm biệt của họ ấy? Điều anh ta thực sự căm ghét, mà anh ta không bao giờ thú nhận với vợ mình, là anh ta cảm thấy mình là người kém cỏi hơn trong hai người vì không có trách nhiệm nào có thể so sánh với những trách nhiệm của vợ mình, thứ mà anh ta có thể dùng để ưu tiên hơn cô ta. Cô ta được mọi người gọi đến về chuyện những bệnh nhân sắp chết. Hãy đối mặt với sự thật đi, chẳng đời nào một trong chúng tôi lại đi gọi cho Carl với một câu hỏi có tính cấp bách sống còn. Bất kỳ câu hỏi nào chúng tôi có thể có cho Carl đều có thể chờ cho đến khi chúng tôi đụng phải anh ta ở hành lang ngày hôm sau. Điều đó khiến Carl cảm thấy rằng công việc của vợ anh ta có ý nghĩa hơn công việc của chính anh ta; và, xuất phát từ lối suy nghĩ quái gở của Carl lúc đó, rằng như thế cô ta trở nên có ý nghĩa hơn. Những ý nghĩa của Carl thật tăm tối, trời ạ. Điều đó không giúp mang lại một cuộc hôn nhân dễ dàng. Giá kể chỉ cần bạn nghe thấy những đoạn nói chuyện rời rạc qua điện thoại mà thỉnh thoảng chúng tôi vẫn nghe lỏm được khi đi ngang qua phòng của Carl.
Benny kể với chúng tôi rằng khi Marilynn nghe điện thoại di động, Carl đã tính đến việc bước ra khỏi xe và đùng đùng bỏ đi, nhưng thay vào đó anh ta vẫn ngồi lại và đăm đăm nhìn ra ngoài cửa sổ. Anh ta thoáng thấy bóng dáng người ăn xin bên ngoài tòa nhà của chúng tôi. Ông ta luôn ở đó, cái thằng cha ấy, ngồi gần một trong những cánh cửa xoay, nhấc lên lắc lắc một cái cốc nhựa Dunkin Donuts khi chúng tôi đi vào, trong khi chân ông ta vẫn duỗi thẳng ra và bắt chéo lại ở chỗ mắt cá. Bóng dáng ông ta, chỉ riêng bóng dáng ông ta thôi - mà chỉ năm năm trước có lẽ đã khiến Carl mủi lòng dốc hết cả túi tìm tiền lẻ - là một công cụ tra tấn dai dẳng giờ đây trút xuống với nỗi thống khổ cùng cực toàn bộ gánh nặng ký ức của không biết bao nhiêu ngày tháng lên vai của Carl. Chúng đã vơi nhẹ đi đêm hôm trước, trong khoảng một hai tiếng đồng hồ. Nhưng giờ đây, thậm chí trước cả khi vào trong tòa nhà - có Chúa chứng giám, thậm chí trước cả khi anh ta có cơ hội vừa chạy vừa rú ầm lên khỏi một màn buôn chuyện khác của Karen Woo, hoặc nhìn thấy ánh nắng bám vắt vẻo trên trán Chris Yop - chúng đã quay trở lại, tất cả những ngày tháng dồn nén nỗi chất chứa của Carl, cùng với gánh nặng đến gãy sụm lưng của thêm một ngày khác.
Hãy làm gì đó đi! anh ta chực muốn gào lên với tay ăn mày. Anh ta đang sắp sửa hạ kính cửa xe xuống và làm như thế. Anh ta thấy bị xúc phạm trước việc gã đàn ông kia cứ ngồi ở đó mà chờ tiền của anh ta. Những tay ăn mày khác đều xác định vị thế cho chính mình. Họ có thương hiệu riêng. “Cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam bị AIDS”. “Bà mẹ thất nghiệp nuôi ba con nhỏ”. “Đang cố quay trở về Cleveland”. Thằng cha này chẳng có gì - không có những dòng chữ trên một tấm bìa các tông, thậm chí một con chó hoặc cái trống lúc lắc nhỏ cũng không nốt. Vì lý do nào đó điều này khiến Carl nổi điên. Đúng thế, từng có thời gian anh ta hẳn đã dốc sạch để cho đi bất kể trong túi có bao nhiêu; giờ thì anh ta sẵn sàng cho thằng cha kia nửa khoản dành dụm cả đời của mình, nếu như chỉ cần hắn chọn một tòa nhà khác!
Benny nhìn thấy vợ chồng nhà Garbedian đỗ xe ì ra ở góc đường nên đã từ phía sau đi lên đập vào cửa xe phía Carl. Carl cáu kỉnh xua anh ta đi chỗ khác. Benny đoán là hai vợ chồng đang cãi nhau nên anh ta để cho họ được yên. Nhưng Benny vẫn là Benny, anh ta lượn lờ quanh cửa trước nơi anh ta không dễ bị phát hiện, nhờ được che khuất bởi một thùng thư của bưu điện. Từ chỗ này anh ta có thể quan sát rất rõ chiếc xe.
Bên trong Marilynn vẫn đang nói chuyện điện thoại. Cô ta đang bàn bạc một vấn đề nghề nghiệp quan trọng bằng thứ ngôn ngữ mà Carl ghen tị. Anh ta quyết định mình cũng gọi điện thoại. Anh ta lấy điện thoại di động ra khỏi túi quần jean, ấn phím gọi tắt, và đưa điện thoại lên tai. Vợ anh ta nói vào điện thoại của mình, “Cậu chờ một phút được không, Susan? Tớ đang có cuộc gọi khác.” Cô ta nhìn xuống màn hình và rồi ngoảnh sang nhìn Carl, người đang nhìn thẳng ra ngoài cửa sổ.
“Anh đang làm gì vậy?” cô ta hỏi chồng.
Anh ta quay sang vợ. “Thì đang gọi điện,” anh ta trả lời.
“Tại sao anh lại gọi cho em, Carl?” Marilynn hỏi với vẻ ngỡ ngàng và cảnh giác.
Dạo gần đây những buổi sáng đã trở nên thật khó chịu với vợ chồng nhà Garbedian, nhiều khi còn phản phúc. “Chờ một giây nhé,” Carl nói với Marilynn, rồi giơ một ngón tay lên không khí. “Anh chỉ đang để lại một tin nhắn thoại thôi. Chào em, Marilynn, là anh, Carl đây. Anh đang gọi cho em về việc” - anh ta giơ tay lên xem đồng hồ, một cử chỉ đầy trang trọng - “bây giờ là khoảng tám rưỡi rồi,” anh ta nói. “Và anh biết là em rất bận, em yêu, nhưng nếu em có thể làm ơn gọi cho anh, anh chỉ muốn... hỏi thăm tình hình thế nào. Nói chuyện linh tinh. Em có số của anh rồi, nhưng phòng trường hợp em chưa có, bây giờ anh sẽ đọc lại cho em, là...”
Marilynn lại đưa điện thoại lên tai và nói, “Susan, tớ sẽ gọi lại cho cậu sau nhé.”
“Thế thôi, tạm biệt em yêu,” Carl nói.
Cả hai cùng ấn phím ngắt trên điện thoại di động của mình. Đến một lúc, đèn báo tin nhắn mới trên điện thoại của Marilynn bắt đầu nhấp nháy.
Joe Pope thò cái đầu của anh ta vào ô làm việc của Jim Jackers đúng lúc Benny đang đến kể đến đoạn hấp dẫn. Một số vách ngăn ô làm việc của chúng tôi được làm bằng ván ghép rời bọc vải rẻ tiền màu cam hoặc màu be và mỏng mảnh đến nỗi chỉ cần luồng gió hút trong nhà cũng đủ khiến chúng rung rinh. Những vách ngăn khác, như của Jim, được mua ngay trước thời kỳ suy thoái và có thể chịu được cả gió của những trận siêu bão. Câu chuyện của Benny dừng lại đột ngột. Vài người trong chúng tôi rời khỏi ngăn của Jim ngay lập tức, trong khi những người còn lại bồn chồn liếc nhìn Joe. Joe hỏi Jim là liệu những bản ma két mà anh ta đang làm có sẵn sàng để trình lên lúc năm giờ chiều không.
Joe có khuynh hướng hay ngắt lời người khác. Đôi khi điều đó lại tốt. Chúng tôi có thể quá sa đà vào một trong những câu chuyện của Benny trong khi thời gian cứ thế vùn vụt trôi và rồi ai đó quan trọng hơn Joe có thể xuất hiện và nhìn thấy chúng tôi mà như thế thì còn tệ hơn nhiều. Chúng tôi có thích anh ta hồi đầu, hồi mới đầu thôi. Rồi một hôm Karen Woo nói, “Tôi không ưa Joe Pope,” và cô ta cho chúng tôi biết những lý do của mình. Cô ta cứ thế tuôn liền một tràng dài, trong suýt soát cả nửa tiếng đồng hồ, một bản cáo trạng sôi sục, cho đến khi cuối cùng chúng tôi phải viện cớ để có thể quay trở lại làm việc. Sau đó thì không ai còn chút mảy may nghi ngờ gì về chuyện Karen Woo cảm thấy như thế nào về Joe Pope, và không ít người đồng ý rằng cô ta kêu ca thế cũng là chính đáng - rằng nếu như tình hình quả thực như lời Karen, thì Joe hoàn toàn không phải là một người dễ mến. Bây giờ thì khó mà nói được là lời kêu ca dạo đó thực sự là như thế nào. Để xem nào, đây rồi… cố nhớ thử xem... không, không ăn thua rồi. Phải đến nửa thời gian chúng tôi không thể nhớ nổi chuyện xảy ra trước đó ba tiếng đồng hồ. Trí nhớ của chúng tôi ở chỗ đó cũng chẳng khác gì trí nhớ của cá vàng. Những con cá vàng tối nào cũng thực hiện một hành trình trong cái túi ni lông nhỏ đựng nước và rồi đến sáng được đưa trở lại chiếc bình của chúng. Điều chúng tôi nhớ được là Karen không chịu cho qua câu chuyện, hết ngày này sang ngày khác trong cả tuần liền, và khi tuần đó kết thúc, chúng tôi đều có một ý nghĩ rõ ràng hơn về Joe so với những gì chúng tôi cảm nhận về anh ta trong ba hay bốn tháng đầu tiên.
Jim Jackers ngẩng lên khỏi máy tính. “Được rồi, Joe, sẽ xong ngay,” anh ta trả lời. “Tôi đang chỉnh sửa nốt những khâu cuối cùng đây.”
Câu nói của Jim là cái cớ để Joe lượn đi, nhưng thay vào đó anh ta cứ lởn vởn bên vách ngăn ô. Đó là khoảng thời gian giữa lần thăng chức thứ nhất và thứ hai của anh ta. “Cảm ơn, Jim,” anh ta nói. Anh ta nhìn chúng tôi. Chúng tôi đứng yên tại chỗ. Chúng tôi không muốn bị Joe Pope hăm he bắt quay trở lại bàn làm việc đúng lúc Benny đang kể đến phần giữa của một câu chuyện hấp dẫn. “Mọi người thế nào?” Joe hỏi. Chúng tôi nhìn nhau. Chúng tôi nhún vai. Khá tốt, chúng tôi bảo anh ta. “Tốt,” anh ta nói. Cuối cùng anh ta bỏ đi và chúng tôi nhướng mày nhìn nhau.
“Đúng là trò khoe khoang quyền lực phát tởm,” Karen Woo nói.
Chúng tôi bảo Jim là anh ta phải đi nếu như anh ta là người thu hút sự chú ý của Joe Pope. Nếu như anh ta là lý do khiến Joe lởn vởn về phía chúng tôi, Jim phải đi.
“Nhưng đây là ô của tôi cơ mà,” Jim nói.
“Có thể anh ta chỉ đang cố gắng tỏ ra thân thiện,” Genevieve Latko-Devine gợi ý. Genevieve có mái tóc vàng, đôi mắt xanh, và một vẻ quyến rũ kiêu kỳ, cao giá. Ngay cả cánh phụ nữ cũng phải thừa nhận sắc đẹp vượt trội của cô. Một năm nọ nhân dịp Giáng sinh, cô được tặng một món quà nghịch ngợm là một hàm răng giả xiên xẹo, mà cô được hướng dẫn là mang vào quanh năm như một nỗ lực nhằm hạ mình xuống ngang với chúng tôi. Nhưng khi cô đeo bộ hàm vào, chúng tôi phát hiện ra - ấy là nói cánh đàn ông trong chúng tôi - một khát khao có răng sâu mà chúng tôi không bao giờ biết là mình có. Chúng tôi bảo Benny tiếp tục câu chuyện của anh ta.
Anh ta bắt đầu lại ở chỗ anh ta đã bỏ dở. Carl và vợ ngồi trong im lặng lúc lâu sau khi đã lần lượt tắt điện thoại di động của mình. Cuối cùng Marilynn, với vẻ kiên quyết dịu dàng nhưng dứt khoát, quay sang anh ta nói, “Anh cần được giúp đỡ, Carl.”
Lắc đầu rất cương quyết, Carl trả lời, “Anh không cần giúp đỡ gì hết.”
“Anh cần được chăm sóc y tế,” vợ anh ta nói, “và anh sẽ không chịu thừa nhận điều đó, và anh đang làm tổn thương cuộc hôn nhân của chúng ta vì chuyện này.”
“Anh không bị trầm cảm,” Carl nói.
“Anh là một ca bệnh trầm cảm điển hình như trong sách giáo khoa,” Marilynn khăng khăng, “và anh rất cần được chữa trị...”
“Làm sao em biết?” anh ta hỏi, cắt ngang lời vợ. Cuối cùng anh ta đã quay sang trừng trừng nhìn vợ với vẻ mặt cô đơn và oán hận. “Em đâu phải là bác sĩ tâm thần, Marilynn, đúng không? Em không thể biết mọi khía cạnh của ngành y được - đúng không, lẽ nào em có thể?”
“Những bệnh nhân ung thư, Carl,” cô ta nói, vẻ cáu giận dâng lên trong giọng nói, “không phải là những người hạnh phúc nhất, dù anh có tin hay không. Em kê đơn thuốc chống trầm cảm cho rất, rất nhiều bệnh nhân của mình. Khi nhìn thấy người bị trầm cảm là em nhận ra ngay, em biết rõ các triệu chứng, em biết những tổn thương mà căn bệnh đó gây ra cho các gia đình, cho...”
Anh ta để mặc cho Marilynn nói. Đúng lúc đó, băng qua phố trên đường chị đi làm, là Janine Gorjanc.
Đối với Carl thì Janine mang hình ảnh một bà mẹ điển hình. Không đẹp cũng không xấu. Mũm mĩm nhưng không béo. Gương mặt phì phị nhưng với một vẻ kháu khỉnh ẩn giấu đâu đó có thể khiến người ta muốn đưa chị đến buổi khiêu vũ ở trường trung học phát điên lên được. Một đứa trẻ, Carl nghĩ, không phải là kết quả duy nhất của việc sinh nở. Một người mẹ cũng được sinh ra. Bạn nhìn thấy họ mỗi ngày - những người phụ nữ không có gì đặc biệt với một ngấn phình lên ngay phía trên bụng dưới, hơi có hai cằm một chút. Luôn là tuổi bốn mươi. Mẹ của ai đó, bạn thầm nghĩ. Có một đứa trẻ ở đâu đó đã biến người phụ nữ này thành một bà mẹ, và vì đứa con chị đã thay đổi vẻ bề ngoài để đảm nhiệm tốt hơn vai trò của mình. Vì ngồi trên xe tách biệt hẳn với chị, anh ta có thể nhìn mà không bị thôi thúc phải quay người và bỏ trốn, và đó là lần đầu tiên anh ta nhìn thấy chị trong suốt mấy tháng nay, có khi là mấy năm cũng nên. “Carl?” Marilynn đang nói. “Carl?”
“Marilynn,” anh ta nói. “Em có nhìn thấy người phụ nữ kia không? Người phụ nữ ở đằng kia, mặc cái áo nhàu nhĩ ấy. Trông chị ấy giống một người mẹ, đúng không?” Marilynn nhìn theo ánh mắt của anh ta. “Đó là Janine Gorjanc,” anh ta nói. “Đó là người phụ nữ mà anh đã kể với em,” anh ta nói. “Con gái chị ấy bị giết. Em nhớ chứ? Cô bé bị bắt cóc. Anh đã kể cho em chuyện cô bé. Anh tới dự đám tang ấy?”
“Em nhớ,” cô ta nói.
“Chị ấy hôi rình,” anh ta nói.
“Chị ấy hôi rình?”
“Chị ấy bốc ra thứ mùi gì đó, anh không biết là mùi gì. Không phải ngày nào cũng thế. Nhưng có những ngày anh nghĩ chị ấy cứ để buông xuôi như thế. Chị ấy không tắm rửa hay gì hết.” Anh ta nhìn chị vào tòa nhà. Marilynn đang nhìn chồng, không nhìn Janine. Cô ta đang lắng nghe, cố gắng hiểu. “Marilynn,” anh ta nói, “anh ghét người phụ nữ đó vì cái mùi của chị ấy.”
“Anh đã bao giờ thử nói chuyện với chị ấy về chuyện đó chưa?” cô ta hỏi.
“Nhưng anh thậm chí còn căm ghét bản thân mình hơn,” anh ta vừa nói tiếp, vừa cởi cúc áo khoác của mình, “vì đã ghét chị ấy. Thậm chí em có thể hình dung nổi những gì chị ấy đã trải qua không?”
“Carl,” Marilynn nói, “anh đang làm gì vậy?”
“Vụ bắt cóc,” anh ta vẫn tiếp tục như không nghe thấy gì, “rồi đến quãng thời gian chờ đợi, quãng thời gian chờ đợi khủng khiếp.”
“Anh đang làm gì vậy?” cô ta kêu lên.
“Rồi tìm thấy cái xác. Thử hình dung đến cảnh tìm thấy cái xác, Marilynn.”
Đến lúc này anh ta đã cởi trần đến ngang thắt lưng. Anh ta đã cởi áo khoác và lột chiếc áo phông qua đầu. “Hôm nay anh không muốn đi làm,” anh ta tuyên bố, và quay sang nhìn vợ mình. Anh ta đang thở hổn hển với cái bụng phơi ra, một cái bụng phồng to nhợt nhạt rậm rì lông lá. Khi Benny kể lại toàn bộ chuyện này cho chúng tôi, anh ta nói về sau Carl đã tâm sự là anh ta chỉ mong Lynn Mason đi qua ngay lúc ấy và nhìn thấy cái cảnh không hay ho đó và sẽ cho anh ta đi tàu suốt kiểu Tây Ban Nha vì lý do mỹ học. “Mặc quần áo của anh vào!” Marilynn gào lên.
“Anh không muốn là người căm ghét Janine Gorjanc,” anh ta nói. “Nếu anh đi vào trong anh sẽ là người đó vì anh sẽ ngửi thấy mùi của chị ấy. Anh không muốn phải ngửi mùi của chị ấy. Nếu anh ngửi thấy chị ấy anh sẽ căm ghét chị ấy và anh không muốn là người như thế. Em phải đưa anh về nhà.”
“Anh hoàn toàn mất trí rồi phải không?” cô ta vừa hỏi vừa nhìn anh ta giật phắt đôi giày thể thao, cởi khóa quần jean và kéo tụt nó xuống mắt cá chân.
Anh ta ngồi thẳng lên trên ghế trước, không mặc gì hết ngoài chiếc quần lót. “Anh mệt mỏi lắm rồi,” anh ta nói, và quay sang vợ. “Vấn đề là thế đấy, Marilynn. Anh thực sự rất mệt mỏi. Nếu em bắt anh vào trong kia, anh sẽ đi vào trong như thế này đấy.”
“Cái đó,” cô ta gầm lên, “không…” Cô ta lắc đầu và bật cười. “Cái đó không dọa được em đâu, Carl.”
“Anh mệt mỏi lắm rồi,” anh ta nhắc lại.
“Carl, mặc quần áo vào,” cô ta nói, “rồi vào trong kia, và đến chiều nay, kiểu gì em cũng sắp xếp cho anh hẹn khám với một bác sĩ tâm thần rất giỏi.”
“Anh sẽ không mặc quần áo trừ phi em chịu đưa anh về nhà,” anh ta nói.
“Carl,” cô ta gào lên, “mười phút nữa em phải có mặt trong phòng mổ! Em không thể đưa anh về nhà được!”
“Đừng có bắt anh phải ra ngoài,” anh ta nói. “Xin em đừng có bắt anh phải ra ngoài, Marilynn.”
“À, Jim, chỉ một chuyện này nữa thôi...”
Chúng tôi ngẩng lên và thấy Joe Pope đúng lúc anh ta đang thò đầu qua vách ngăn ô của Jim Jackers lần thứ hai. Benny câm bặt còn Jim quay ngoắt đi và Amber Ludwig thì giật bắn mình sợ hãi trong khi Marcia Dwyer tranh thủ dịp cầm lon Coca cho người ăn kiêng của mình lên và chuồn thẳng, còn một vài người trong chúng tôi nấn ná ở lại nghe thấy Joe thông báo với Jim rằng anh ta vừa mới từ văn phòng của Lynn Mason quay ra. Họ đã bàn bạc về những bản ma két phải xong cuối ngày hôm đó, và họ đã nảy ra một số ý tưởng về việc thay đổi cái này và thay đổi cái kia, và khi nghe đến đó, từng người một chúng tôi đứng lên và lỉnh đi vì chúng tôi biết những thay đổi của Joe Pope có nghĩa là gì - thêm việc. Bao giờ cũng là thêm việc để làm với thằng cha này. Người cuối cùng trong chúng tôi nghe thấy Joe nói, “Tôi xin lỗi đã cắt ngang, Jim - bây giờ có tiện không vậy?” và Jim trả lời, “Chắc chắn rồi, chắc chắn rồi, Joe, tiện chứ. Xin mời vào và ngồi đi.”
Đến cuối ngày hôm đó tin tức lan đi như cháy rừng. Joe Pope đã nhận được quyết định thăng chức lần thứ hai.
Anh ta là Roger Highnote mới của chúng tôi. Anh ta có cái gu thời trang độc nhất vô nhị không hoàn toàn phù hợp với xu hướng mùa và chúng tôi băn khoăn không hiểu anh ta kiếm ở đâu ra. Anh ta đang đọc những tạp chí gì nhỉ? Đến năm sau thì tất cả chúng tôi đều mặc đồ bò mài tương tự, nhưng đến lúc ấy thì còn quan trọng gì nữa. Suốt cả năm trời anh ta trông như một tên dở người. “Trông được không?” chúng tôi nói với Genevieve. “Joe Pope ấy à?” Không, anh ta thực sự quá lùn mất hai phân. Anh ta biến cuộc sống của chúng tôi thành địa ngục trần gian. Và anh ta khiến chúng tôi cực kỳ khó xử. Nhưng phải giải thích thế nào bây giờ? Vì đó không phải là cảm giác khó xử chúng tôi cảm thấy với Jim Jackers. Ở hành lang Jim chào tất cả mọi người với câu nói, “Khỏe không, bồ?” một câu mà anh ta to gan dám mang ra hỏi cả Lynn Mason khi đi qua chị. Đó là kiểu hành vi gượng gạo. Có lần tất cả chúng tôi tới một bữa tiệc, và Jim mang theo hộp rượu vang của anh ta. Anh ta cũng công khai gọi ruột của mình là “Ngài R”. “Xin lỗi,” anh ta thường nói, trước khi đi vào nhà vệ sinh. “Nhưng ngài R lại đang gây chuyện rồi.”
Jim khiến chúng tôi phải nhăn mặt vì khó xử, nhưng chúng tôi nhăn mặt vì chính anh ta. Sự khó xử từ Joe Pope lại tạo ra một kiểu nhăn mặt hoàn toàn khác rất khó gọi tên. “ ‘Anh ta không chỉ là sự khó xử ở chính bản thân mình,’ nhà thơ nửa mùa của chúng tôi Hank Neary tuyên bố, ‘mà còn là nguyên nhân sự khó xử ở những người khác’.” Và giống như tất cả những lần khác, chúng tôi hoàn toàn không thể hiểu nổi Hank đang nói cái gì nữa. Trừ phi anh ta định nói rằng sự có mặt của Joe Pope làm chúng tôi cảm thấy khó xử. Đúng là như vậy. Joe không cảm thấy nghĩa vụ phải mở miệng gì cả. Anh ta chào hỏi và được chào hỏi như một con người bình thường, nhưng ngoài đó ra thì anh ta im lặng một cách trâng tráo và khắc kỷ. Ngay cả trong một cuộc họp hay thảo luận chung từ xa, thằng cha này vẫn để những khoảng im lặng kéo dài lấp kín căn phòng trong lúc anh ta nghĩ về những gì anh ta muốn nói, mà không hề đằng hắng hay ậm ừ một cách hồi hộp nhằm mục đích lấp đầy sự im lặng ngột ngạt đang đè nặng lên tất cả chúng tôi. Có lẽ điều đó có thể được gọi là sự điềm tĩnh, nhưng nó khiến những người còn lại trong chúng tôi cảm thấy không thoải mái, đến nỗi mà Hank, quyết tâm nói cho ra ngô ra khoai, đã quay lại với câu trích dẫn thứ hai lấy ra từ nguồn mạch vô tận sự uyên bác vô tích sự của anh ta - “ ‘Anh ta gợi lên cảm giác không thoải mái. Chính là điều đó! Cảm giác không thoải mái! Không phải là sự nghi kỵ rõ ràng - chỉ là cảm giác không thoải mái - chỉ thế thôi’.” - và khi câu trích dẫn đó được chúng tôi chuyền tay nhau từ người này sang người khác qua email, chúng tôi chúc mừng Hank vì cuối cùng cũng nói được điều gì đó có thể hiểu được. Cảm giác không thoải mái. Chính xác là như thế.
Anh ta có cái kiểu đột kích bạn một cách bất thình lình. Chuyện này xảy ra rất nhiều ở chỗ đặt máy in. Một lần, Tom Mota đang đứng ở một chỗ máy in thì Joe len lén lại gần gã và nói, “Xin chào.” Đúng lúc ấy, Tom có thứ gì đó khó nói trôi ra từ trong máy in màu. Đại loại đó là thứ không hoàn toàn liên quan đến công việc. Chuyện này xảy ra trước khi chính sách quy định in ấn được ban hành như một phần của các biện pháp thắt lưng buộc bụng, điều này cũng ngăn cản Hank Neary photocopy những cuốn sách thư viện vào buổi sáng và đọc các trang giấy photo bằng máy Xerox suốt cả ngày bên bàn làm việc. Rõ ràng mười mươi công việc của Joe là thứ gì đó chính thức, và nó lại xếp hàng ngay sau bản in của Tom. Đen đủi thay cho Tom. Thế là Tom bảo anh ta, “Anh định cứ chờ thế này à? Anh định cứ chờ đến khi bản in của anh ra à?” Phản ứng của Joe là cứ thế lặng thinh như không có gì. Thế là Tom nói huỵch toẹt. “Tôi đang chờ một thứ được in ra,” gã nói, “và nói thực lòng với anh, Joe, tôi không thích anh nhìn thấy nó. Trong đó có tí vú vê, và tôi biết anh nói chuyện với ai,” gã nói. “Mà tại sao bao giờ anh cũng cảm thấy phải chạy vội chạy vàng tới máy in trong khi bản in của anh xếp hàng sau tất cả các bản in khác vậy?” gã tiếp tục. “Tại sao anh cứ phải hăm hở thế? Anh biết thừa là phải mất một lúc những bản in này mới thò ra nếu tất cả được sắp hàng in lần lượt, đúng không?”
Ai mà biết được Joe phản ứng như thế nào với câu đó. Anh ta đứng trên Tom nhiều bậc trong hệ thống tôn ti trật tự nhưng có lẽ anh ta chịu đựng gã này một cách im lặng hơn, kiên nhẫn chờ bản in của mình trôi ra. Có thể anh ta có tìm cách liếc xem Tom đang in ra cái gì, như lời Tom khẳng định, hoặc có thể anh ta vẫn nghiêm trang nhìn thẳng về phía trước và nghĩ bụng, “Cứ như là mình thèm quan tâm đến việc thằng cha này đang in cái chết tiệt gì không bằng.” Bất kể thế nào anh ta cũng thật bí hiểm.
Đó là từ dành cho anh ta - bí hiểm. Sự bí hiểm của anh ta tạo ra cảm giác không thoải mái bao trùm. Tại sao anh ta phải là một kẻ bí ẩn tẻ ngắt như thế làm gì nhỉ? Chẳng có gì trên những bức tường của anh ta, chẳng có gì trong văn phòng của anh ta ngoài một chiếc xe đạp. Thứ mà anh ta khóa. Sáng nào chúng tôi cũng nghe thấy nó kêu đánh tách và cố không lấy thế làm tự ái. Quan điểm của chúng tôi về Joe, anh ta còn quá trẻ để được bí hiểm. Nếu như anh ba mươi tuổi, anh có những mối quan tâm. Anh can dự với cả thế giới. Tại sao thằng cha này lúc nào cũng ở bàn làm việc, vây xung quanh là những bức tường trống trơn? “Chúng tôi phải cho anh xem cái này, đây là búp bê Joe Pope của chúng tôi.” Đó có lẽ là cách chúng tôi sẽ giải thích về Joe Pope với một người mới. Nói thế không có nghĩa là chúng tôi sẽ lại thuê người mới nữa. Nhưng giả sử có như vậy, có lẽ chúng tôi sẽ nói, “Chúng tôi giữ nó trong phòng làm việc của Karen Woo. Cô ta ghét Joe Pope. Đến mà xem. Còn bây giờ nhìn nhé, nó sắp biểu diễn một trò bắt chước hoàn hảo. Nhìn nhé. Anh có thấy không?” “Nhưng nó chỉ ngồi yên ở đó mà?” tay nhân viên mới sẽ thốt lên. “Chính xác!” chúng tôi sẽ ồ lên. “Joe lúc nào cũng ngồi ở bàn làm việc của nó. Giờ hãy xem nó gập đầu gối xuống và kéo ghế vào! Hãy nhìn Joe Pope ngắt lời chúng tôi qua vách ngăn ô làm việc! Hãy giật dây và nghe Joe Pope không nói gì hết! Đó là búp bê Joe Pope Hành động - Bí hiểm mới toanh do Hasbro chế tạo!”
Chúng tôi có một khách hàng đồ chơi, một khách hàng ô tô, một hãng vận tải đường dài và một chuỗi cửa hàng thú nuôi. Chúng tôi quảng cáo qua ti vi, báo chí, thư chào hàng trực tiếp, và Internet. Chúng tôi có bộ phận từ-doanh nghiệp-tới-doanh nghiệp. Chúng tôi bù khú quá nhiều vào các cuối tuần. Chúng tôi có vận may to lớn và những khiếm khuyết về tính cách đặc trưng cho mọi thế hệ chưa bao giờ trải qua chiến tranh. Giá kể mà chúng tôi đang hồi phục từ những hậu quả của một chiến dịch tầm cỡ, có lẽ chúng tôi đã biết trân trọng vị trí mình đang có. Thậm chí có khi còn háo hức. Nhưng kỳ thực thì chỉ có chúng tôi và những cuộc tranh giành nhằm tiến thêm một nấc trên bậc thang danh vọng. Nó là cái trò đếm ô lót trần trong văn phòng của mọi người để xác định xem ai có số ô lót trần cao hơn. Sean Smith có tham gia Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất nhưng điều đó hầu như chẳng gây được ấn tượng gì với chúng tôi bởi vì tất cả những gì anh ta làm là lái một chiếc xe tăng quanh một đụn cát hoàn toàn vắng bóng đến tang thương các máy bay địch và chỉ khi bị bắt buộc, tất cả những gì anh ta có thể hồi tưởng chỉ vẻn vẹn có thế. Frank Brizzolera có thể đã chứng kiến Chiến tranh Thế giới thứ hai, nhưng lão đã chết trước khi chúng tôi kịp hỏi lão. Chúng tôi có một tay cựu chiến binh thời Chiến tranh Việt Nam nhưng ông ta chẳng bao giờ nói về những trải nghiệm của mình và bỏ việc sau một năm. Có thể ông đã được trực tiếp trải qua trò chiến tranh rừng rậm mù mịt mà chúng tôi đã được học đến hồi ở trường, có âm thanh của những trận hỗn chiến trong đầu mình, và khi ông ta nhìn ra ngoài cửa sổ phòng mình ngắm màn diễu hành hoành tráng với những lá cờ tung bay trên cây cầu bắc ngang sông Chicago, ông ta đã nghĩ về những sự hy sinh cụ thể, những người có tên tuổi đã chết, và nói to những cái tên đó lên thành tiếng, và lòng cảm thấy biết ơn cái sự giản dị mà xa xỉ của việc được quay trở lại một chiếc ghế trong một tòa nhà thật an toàn. Cứ hình dung những câu chuyện mà có thể ông ta đã kể xem! Giữa những ngôi làng đang rừng rực cháy trong đêm đen kịt - ánh lửa loang loáng trên các lòng sông - những chiếc trực thăng hạ xuống cánh đồng lúa. Chúng tôi luôn tìm kiếm những câu chuyện hay ho hơn về những cuộc đời thú vị hơn diễn ra ở bất kỳ đâu chỉ trừ trong những trang catalogue văn phòng phẩm Office Depot. Nhưng ông ta không bao giờ nói về những trải nghiệm của mình, và hai tháng sau khi ông ta nghỉ việc, không ai còn nhớ nổi tên ông ta.
Một câu chuyện hay ho hơn chuyện của chúng tôi có thể là câu chuyện về hai đối thủ trong công việc, một nam, một nữ, tìm thấy tình yêu đích thực thông qua sự cạnh tranh ở chỗ làm, được viết ra chính bởi Don Blattner của chúng tôi. Blattner cứ gọi là cực Hollywood dù anh ta ở Schaumburg, Illinois. Anh ta còn có một kịch bản khác về một copywriter bất mãn và yếm thế phải chịu đựng sự nhạt nhẽo trong khung cảnh văn phòng trong khi mơ về việc trở thành một nhà viết kịch bản nổi tiếng, mà anh ta quả quyết không phải là tự truyện. Lúc nào anh ta cũng nói về những nhà đầu tư tiềm năng và nhất định không cho chúng tôi đọc bất kỳ kịch bản của anh ta trừ phi chúng tôi ký những thỏa thuận giữ bí mật, cứ như thể chúng tôi đã lén lút tự nhét mình vào những cuộc đời bị dồn vào chân tường này nhằm mục đích đánh cắp các kịch bản của Blattner tuồn cho Hollywood. Giống Jim, anh ta khiến chúng tôi phải nhăn mặt, đặc biệt là trong những lần anh ta gọi Robert De Niro là “Bobby”. Anh ta xem bảng đánh giá phòng vé cuối tuần rất kỹ càng. Nếu như một bộ phim không được như ngành công nghiệp phim ảnh kỳ vọng, sáng thứ Hai Blattner sẽ đến phòng làm việc của ta mang theo tờ Variety và nói, “Mấy cậu nhóc ở Miramax sẽ thất vọng kinh khủng vì chuyện này cho mà xem.” Thật đúng là trò nhảm nhí, ấy thế mà chúng tôi vẫn cảm thấy có gì đó mất mát vào cái ngày anh ta tuyên bố rằng anh ta sẽ bỏ cuộc. “Tớ phải đối mặt với nó thôi,” anh ta tuyên bố với giọng nhẫn nhục và ủ dột. “Mấy khóa hội thảo cũng chẳng ăn thua gì, mấy cuốn cẩm nang cũng chẳng ăn thua gì, và chẳng có ai ngó ngàng gì đến bất kỳ thứ linh tinh nào của tớ cả.” Chúng tôi rút lại tất cả những lời nhạo báng của mình và vật nài anh ta tiếp tục, nhưng anh ta vẫn khăng khăng kiên quyết trung thành với kết luận sáng mắt của mình, rằng anh ta sẽ không bao giờ là ai khác khác ngoài một copywriter. Phải mất nhiều tháng sau một trong chúng tôi mới trải nghiệm cảm giác nhẹ nhõm khi lại làm anh ta giật nẩy mình ở bàn làm việc khi anh ta lén lút tìm cách thoát ra khỏi phần mềm viết kịch bản của mình. Hy vọng lại trỗi dậy như một loài cây lưu niên.
Chắc hẳn phải có một câu chuyện hay ho hơn câu chuyện này, đó là lý do tại sao nhiều người trong chúng tôi mất ngần ấy thời gian chìm đắm trong những thế giới nhỏ bé của riêng mình. Don Blattner không phải là người duy nhất. Hank Neary, tay writer da đen của chúng tôi, người vẫn mặc chiếc áo vest nhung tăm màu nâu hết ngày này sang ngày khác, đến nỗi hoặc là anh ta không bao giờ giặt chiếc áo, hoặc là có cả một tủ đầy những chiếc áo giống hệt nhau, cũng đang bận bịu với một cuốn tiểu thuyết thất bại. Anh ta miêu tả nó là “nhỏ và giận dữ”. Chúng tôi băn khoăn làm quái gì có ai lại đi mua thứ nhỏ và giận dữ? Chúng tôi hỏi anh ta xem cuốn tiểu thuyết viết về cái gì. “Công việc,” anh ta trả lời. Một cuốn sách nhỏ, giận dữ về công việc. Giờ thì chắc chắn có một cuốn best-seller rồi nhé. Có thứ hay ho mà đọc trên bãi biển. Chúng tôi góp ý những chủ đề thay thế liên quan đến các lĩnh vực quan trọng đối với chúng tôi. “Nhưng chúng không khiến tôi quan tâm,” anh ta nói. “Việc chúng ta dành phần lớn đời mình cho công việc, điều đó mới khiến tôi quan tâm.” Đúng là cao cả nhỉ, chúng tôi bảo anh ta. Chẳng thà ngày nào trong tuần cũng ấn cho chúng tôi một kịch bản của Don Blattner còn hơn.
Dan Wisdom đã nhận được sự khích lệ ở trường đại học từ Miles Buford, tay họa sĩ đã tuyên bố rằng trong sự nghiệp giảng dạy hai mươi năm của mình chưa bao giờ thấy ai có tài năng như Dan. Sau đó Dan tốt nghiệp và đi làm, ngồi sau một chiếc máy tính Mac thao tác các điểm ảnh cho một khách hàng chuyên về sản phẩm thay thế đường và tự hỏi hay là lời tán tụng của giáo sư Buford chẳng qua cũng chỉ là một ý đồ để được lên giường. Mặc dù vậy, Dan tiếp tục vẽ, vào ban đêm và vào cuối tuần, và nếu như những bức chân dung anh ta vẽ có hơi kệch cỡm, dù sao chúng tôi vẫn có thể nhận thấy một góc nhìn độc đáo và một phong cách ổn định. Có thể thành công sẽ đến với anh ta. Anh ta bảo không. Anh ta nói kiểu chân dung trừu tượng đã chết rồi. Nhưng chúng tôi thích những gì anh ta có thể làm với cá.
Hãy giải thoát chúng tôi! Bạn có thể thực sự nghe thấy lời khẩn cầu đó từ sâu thẳm linh hồn chúng tôi, bởi vì không một ai trong chúng tôi muốn kết thúc cuộc đời như Brizz Già.
Trong số những người đầu tiên bị cho nghỉ việc, Brizz đi tàu suốt kiểu Tây Ban Nha dọc hành lang theo một cách vô tiền khoáng hậu. Điệp khúc giảm biên chế không bao giờ kết thúc, và để gọi lên cảm nhận về điều đó, kết cục của Brizz Già diễn ra tròn một năm trước khi Tom lên thớt. Brizz Già đối mặt với chuyện này khá khẩm hơn Tom nhiều. Lão ghé qua tất cả các phòng làm việc để nói lời chia tay. Bình thường thì mọi người vội vàng phi nhanh ra để trốn khỏi ánh mắt của chúng tôi. Brizz nói lão không muốn đi mà chưa nói lời tạm biệt. Đúng là trong lửa đạn vẫn sáng ngời phẩm cách. Lão không hề lấy làm phiền khi chúng tôi biết rằng họ không trân trọng lão như họ trân trọng chúng tôi. Bởi vì về cơ bản đó là những gì họ nói khi họ cho bạn đi tàu suốt kiểu Tây Ban Nha dọc hành lang. Lão không hề lấy làm phiền nói chuyện với chúng tôi ngay cả sau khi họ nói điều đó với lão bằng cơ man nào là lời lẽ. Hoặc có thể thậm chí lão còn không nghĩ về nó theo kiểu ấy. Có thể lão chẳng thể hiểu nổi những gì chúng tôi nói về giá trị. “Chuyện này chẳng liên quan gì,” có thể lão sẽ nói, “đến việc ai giá trị hơn ai. Đó là điều các cậu nghĩ ư? Các bạn ơi, hãy nhận lấy lời này từ một lão già đã làm trong cái nghề này lâu lắm rồi. Quá trình này chẳng liên quan gì đến việc nhổ bỏ những kẻ tồi tệ nhất trong chúng ta sao cho chỉ còn lại toàn những người tài năng và được việc. Thôi nào, đừng có tự lừa phỉnh mình như thế chứ. Ha ha, đừng có ngốc nghếch thế. Ha ha, đừng có ngây thơ thế!” Chúng tôi có thể nghe thấy những lá phổi sắp chết của lão đang cười nhạo chúng tôi. Việc lão đến chào chia tay chúng tôi, thật bình tĩnh, thật tự chủ - kể cũng hơi ớn. Chỉ vài phút sau khi đi tàu suốt kiểu Tây Ban Nha dọc hành lang mà lão vẫn đủ đàng hoàng đi khích lệ chúng tôi đừng lo lắng cho lão nghĩa là thế nào? Lão đến tận phòng làm việc của từng người, lão ghé qua các ô làm việc và cánh lễ tân. Thậm chí chúng tôi còn thấy lão nói chuyện với một trong những nhân viên của tòa nhà. Họ chẳng mấy khi mở miệng nói bất kỳ chuyện gì với bất kỳ ai, cánh nhân viên tòa nhà ấy. Chỉ đứng trên thang của họ chuyển lên chuyển xuống đồ vật cho nhau, rì rầm trò chuyện. Chẳng lúc nào có dịp gọi là để tìm hiểu họ. Ấy vậy mà Brizz Già đang đứng ở thang máy nói chuyện với một tay nhân viên tòa nhà nào đó suốt cả nửa tiếng đồng hồ trong khi vẫn ôm cái hộp đựng đồ cá nhân của lão. Một người nói, còn người kia gật đầu. Rồi họ cười phá lên. Ai mà biết bạn cười chuyện gì với một tay nhân viên tòa nhà. Vậy mà Brizz tìm ra nó - điều thú vị để chia sẻ, thậm chí trong cái ngày mà lão bị hót đi. Lão đệ đơn xin trợ cấp thất nghiệp ngay lập tức. Một vài tháng sau, lão vẫn chưa tìm được việc. Lão làm vài công việc tự do. Sau đó chúng tôi không nghe ngóng được tin tức gì của lão. Rồi tiếp theo chúng tôi được tin lão đang ở trong bệnh viện. Không có bảo hiểm. Lão yếu đi rất nhanh. Thật không may, chúng tôi đúng là không sai khi nói lão chỉ có sáu tháng nữa, ấy là cùng lắm. Chúng tôi đến thăm lão - có vẻ như ngoài hoa của chúng tôi ra thì lão chẳng có của ai nữa. Chúng tôi muốn hỏi lão, Này, Brizz, ông bạn, người thân của ông đâu? Thay vào đó, chúng tôi dấm dúi thuốc lá cho lão, vốn bị cấm tiệt khi con người ta được điều trị ở ngay đúng khoa ung thư. Chúng tôi đặt một trong những chiếc gạt tàn giấu khói ngay trên ngực lão, và nó giấu khói tốt thật, thế là Brizz bắn liền ba điếu trước khi lão già nằm bên cạnh kêu ca và chúng tôi bị y tá quở trách. Khi lão qua đời, thật khó có thể tin là lão đã ra đi. Không chỉ là đi tàu suốt kiểu Tây Ban Nha. Đi hẳn.
Benny đi một vòng để thu tiền. Chúng tôi không thể nào tin nổi. Benny không định kiếm lợi từ chuyện này đấy chứ hả?
“Lão ở trong danh sách của tôi mà,” anh ta nói một cách ngây thơ.
Tất cả chúng tôi đều gào lên, Benny! Thôi đi!
“Thôi đi cái gì?” anh ta kêu. “Lão đứng đầu trong danh sách của tôi cơ mà! Luật là thế rồi.”
Anh ta không sai. Đó là luật của Danh sách Theo dõi Nhân vật Nổi tiếng Sắp chết. Tất cả chúng tôi đều trả cho anh ta mười đô la.
Tại đám tang của Brizz chúng tôi phát hiện ra là rốt cuộc hóa ra lão cũng có người thân, một tay em trai toát ra ánh hào quang của câu lạc bộ thể hình. Chúng tôi gọi ông ta là Bizarro[14] Brizz vì ông ta có làn da khỏe mạnh nhuận sắc. Có lẽ cả đời ông ta chưa từng hút điếu thuốc nào. Giống như thể Brizz phương phi hồng hào đã trút bỏ một cái mặt nạ khủng khiếp. Chúng tôi bày tỏ với ông ta lời chia buồn của mình. Sau khi chuẩn bị tinh thần dưới hàng ghế một hồi, vài người chúng tôi liều xông lên phía trước. Brizz trong quan tài trông khỏe mạnh hơn là Brizz ở bàn làm việc của lão. Sau đó, tại lễ viếng, chúng tôi cố hồi tưởng lại những ký ức về lão. Chúng tôi nhớ một chuyện, cái lần chúng tôi đứng cùng lão tại ga ra để xe chở mấy tay Tây-Bồ cổ thắt nơ bướm đánh xe của chúng tôi lên. Chúng tôi có những khoản boa một đô la gấp lại trong lòng bàn tay. Lạy Chúa, trời rét cắt da cắt thịt. Chúng tôi tránh được luồng gió thổi dưới ánh đèn sáng của ga ra, nhưng Chicago vào tháng Hai, xin phép các bạn để tưởng nhớ về Brizz, còn lạnh hơn vú một mụ phù thủy để trong tủ đá. Lão vẫn gọi tủ lạnh là cái tủ đá. Có lần lão ngồi ở bàn làm việc kể cho chúng tôi nghe chuyện hồi còn bé đi chuyển đá. “Tôi già đến thế rồi cơ đấy,” lão tâm sự với chúng tôi trong một dịp hiếm hoi, “Tôi nhớ cả chuyện đi chuyển đá.” “Hồi đấy ông gọi Australia là ‘xứ Tasmania’ à?” Benny hỏi. “Không già đến thế đâu,” Brizz nói. Đúng lúc đó, Joe Pope bước tới ngưỡng cửa phòng Brizz hỏi xem lão đã làm xong những cái tiêu đề đó chưa. Đó là những gì chúng tôi nói với Brizz Già trong lúc đứng chờ xe trong cái tháng Hai rét mướt cuối cùng của lão trên cương vị là một người trong chúng tôi, những khía cạnh nhất định trong tính cách của Joe Pope. Chúng tôi không sao thuyết phục được Brizz Già, dù chúng tôi có cố gắng đến mấy. Xe của lão là chiếc đầu tiên được đưa lên. Đó là một chiếc Peugeot màu xám, chiếc xe sành điệu một thời, nhưng giờ thì hoen gỉ khắp xung quanh và lồi lõm khắp các chỗ trên dưới. Nhưng ghê hơn cả là phía bên trong kia. Đồ linh tinh - rác rưởi - thứ vứt đi tích cóp lại - còn biết gọi là gì bây giờ? - chất đầy cửa kính phía sau đến tận nóc. Chủ yếu là giấy, nhưng chúng tôi còn nhận ra một chiếc mũ mùa đông bết chặt vào cửa kính, một cái ủ bia, một gói tất nịt da chân chưa mở - những thứ như vậy. Dọc theo gờ của khung cửa xe chúng tôi nhận thấy rải rác những đồng xu và những ngôi nhà bằng nhựa màu xanh từ trò cờ tỉ phú. “Brizz,” Benny nói. “Tất cả những thứ phụ kiện này đều là của đại lý à?” “Thế trước đây các cậu chưa bao giờ thấy chiếc xe của tôi à?” Brizz hỏi với giọng đầy tự hào. “Nó là cái thứ này sao?” Larry Novotny hỏi. “Một chiếc xe?” Anh ta hạ thấp gối xuống và chỉnh lại chiếc mũ lưỡi trai Cubs trên mái tóc đang thưa dần của mình trong khi nhòm qua những cửa kính vào đống rác chất bên trong. Ghế ngồi cho khách phía trên cũng chẳng khá hơn là mấy so với phía sau, nhưng có một cái hốc xinh xắn được khoét cho người lái phía sau vô lăng. Chúng tôi bất giác tự hỏi - ai mà lại có một chiếc xe như thế chứ? Chẳng lẽ lão thực sự là một trong những người đó? Tay nhân viên bãi đỗ xe bước ra bàn giao lại chiếc xe cho Brizz, nhưng Brizz không bao giờ boa. Thêm một điều nữa về Brizz: lão thường ở lại trong phòng ăn sandwich kẹp xúc xích hun khói, nhưng mỗi khi lão ra ngoài ăn trưa cùng chúng tôi, chúng tôi lại phải bù vào phần tiền boa của lão để không làm em nhân viên phục vụ nổi tam bành, điều đó khiến chúng tôi thấy ghét lão trong giây lát. “Tôi có lời khuyên[15] này cho các cậu đây,” lão trả lời, khi có người hỏi lão là tại sao lão lại ti tiện thế. “Đừng bao giờ nhận những đồng xu gỗ[16].”
Chúng tôi nghe câu đó hết lần này đến lần khác - “Đừng bao giờ nhận những đồng xu gỗ” - cho đến khi chúng tôi chỉ muốn lấy cái vồ nện vào đầu lão. Ngoại trừ chiếc xe gây bất ngờ vì chẳng khác nào xe của kẻ vô gia cư cùng cuộc trò chuyện nửa tiếng đồng hồ với tay nhân viên tòa nhà cái ngày lão bị đi đứt, Brizz Già quá ư là dễ đoán. Lão đến cơ quan, lão đọc soát lỗi bằng cặp kính hồi những năm 1950, lão đi ra lúc mười giờ mười lăm cho giờ nghỉ giải lao hút thuốc đầu tiên trong ngày. Chúa lòng lành, chúng tôi vẫn có thể nhìn thấy lão đứng rít thuốc lá trong giá lạnh mùa đông bên ngoài tòa nhà, không mặc gì hết ngoài một chiếc áo gi lê len tả tơi, cằm phì phị như của một con chó săn. Lão quay vào, người khét lẹt như năm mươi cái đầu lọc trong một chiếc gạt tàn. Lão lôi những chiếc sandwich kẹp xúc xích hun khói của mình ra lúc mười hai giờ mười lăm và chiêu trôi chúng bằng một phích cà phê đen lão tự pha ở nhà vì lão bảo rằng cái đồ ngoài hành lang quá sành điệu cho khẩu vị của mình.
Một ngày không lâu sau khi Brizz qua đời, Benny bắt đầu gọi chúng tôi vào phòng anh ta. Văn phòng của Benny có đủ thứ đồ sành điệu trong đó. Một chiếc máy bán kẹo gôm, những chiếc xe điều khiển từ xa. Anh ta còn dựa cả một bộ xương giải phẫu vào sát tường ngay bên trong ngưỡng cửa, sao cho nó chằm chằm nhìn anh ta đang ngồi ở bàn. Ai cũng phải hỏi anh ta kiếm bộ xương ở đâu ra. Câu trả lời của anh ta bao giờ cũng là “Của thằng cha đã chết nào đó”. Anh ta lấy băng dính buộc một khẩu súng Buck Rogers vào tay bộ xương và chụp lên cái hộp sọ nhẵn thín một chiếc mũ cao bồi.
Benny đang tải một bản quảng cáo hoàn chỉnh lên máy chủ thì Jim đi qua. “Jim, vào trong này. Tớ có tin cho cậu đây.”
Jim bước vào phòng làm việc của Benny và ngồi xuống.
“Tớ đang tải lên,” Benny nói.
“Đó là tin của cậu đấy à?”
“Brizz cho cả tên tớ vào danh sách thừa kế trong di chúc của lão. Blattner! Vào trong này, tớ có tin cho các cậu đây.”
Blattner bước vào và ngồi xuống bên cạnh Jim đối diện với Benny từ phía bên kia bàn làm việc.
“Nghe nhé,” Benny nói. “Brizz cho cả tên tớ vào danh sách thừa kế trong di chúc của lão.”
“Hết sảy,” Blattner nói. “Chuyện này thật buồn cười vì...”
“Marcia!”
Marcia đi qua và rồi xuất hiện trở lại. Cô ta bước vào trong ngưỡng cửa và đứng cạnh Buck, bộ xương chàng cao bồi không gian. “Brizz cho tên Benny vào danh sách thừa kế trong di chúc của lão,” Jim vừa nói vừa ngoái cổ ra để có thể nhìn thấy Marcia. Cô ta bước hẳn vào trong và ngồi xuống chiếc ghế đẩu.
“Chuyện này thật buồn cười vì nó nghe giống hệt như kịch bản mà tớ đang viết,” Blattner nói.
“Genevieve!” Benny nói.
Genevieve dừng lại ở ngưỡng cửa.
“Genevieve,” Blattner nói, “còn nhớ kịch bản mà tôi đã kể cho cô không? Nó đã xảy ra với Benny trong cuộc đời thực.”
“Kịch bản nào?” Genevieve hỏi.
“Cứ nghe đã,” Benny nói. Trong khi máy tính của anh ta đang tải, anh ta kể cho chúng tôi nghe về việc nhận được thư của một tay luật sư bên Bờ Nam.
Genevieve chợt đổi ý. “Tôi xin lỗi, Benny. Tôi không thể nghe lúc này được,” cô ta nói, và sột soạt mấy bản sửa lại trong tay mình. “Tôi phải mang mấy cái này xuống cho Joe.” Cô ta rời khỏi ngưỡng cửa.
Hank xuất hiện. “Có chuyện gì thế?” anh ta hỏi, và chỉnh lại cặp kính đen to sù sụ của mình.
“Brizz cho tên Benny vào danh sách thừa kế trong di chúc của lão,” Marcia nói.
“Và Blattner ăn cắp ý tưởng đó cho một kịch bản,” Jim nói.
“Không,” Blattner nói. “Không, không phải như thế...”
“Cứ chờ đến khi tớ kể cho các cậu nghe lão để lại gì cho tớ đã,” Benny nói.
“Mà tại sao lão lại để cho cậu thứ gì chứ?” Karen Woo hỏi, cô nàng vừa mới bước vào cùng với Hank. “Cậu đã kiếm lời từ cái chết của lão cơ mà.”
“Karen,” Benny nói, đến cả lần thứ một nghìn rồi. “Đây là quy định của trò Danh sách Theo dõi Nhân vật Nổi tiếng sắp chết. Tớ biết làm thế nào được?”
Benny tới một văn phòng luật ở mặt tiền đại lộ Cicero để nghe đọc di chúc. Em trai của Brizz là người khác duy nhất có mặt. Benny và Bizzaro Brizz nhận ra nhau từ lần gặp ở đám tang. Sau những cái bắt tay và mời mọc cà phê, tay luật sư kéo ghế ngồi sau chiếc bàn to đùng bằng gỗ anh đào của ông ta. “Di chúc của Frank,” tay luật sư vừa nói vừa cầm một chiếc phong bì lên. Ông ta lấy bức thư ra và nhìn xuống qua cặp mục kỉnh. Sau đó ông ta ngẩng lên giải thích rằng người qua đời đã viết mấy lời mở đầu.
Cuộc đời đã rất ưu ái đối với lão, bức thư giải thích. Lão đã được sinh ra trong gia đình có cha mẹ yêu thương, và lớn lên lão có được sự bầu bạn tuyệt vời của người em trai, người mà lão yêu quý, cho dù họ đã xa cách dần khi đến tuổi trưởng thành. Lão cũng đã yêu thương vợ mình, người mang lại cho lão mười bảy năm hạnh phúc. Điều lão yêu nhất ở cuộc đời này, Brizz viết, chính là được sống nó từng ngày - tờ Chicago Sun-Times đến trước hiên nhà lão vào buổi sáng, một tách cà phê đen nóng bỏng và một điếu thuốc lá ngon lành, và được ở một mình trong căn nhà ấm áp của lão vào mùa đông.
“Brizz có kết hôn à?” Marcia hỏi.
“Chẳng lẽ đó là ý nghĩa của cuộc sống sao?” Hank hỏi. “Cà phê, một tờ báo, và một điếu thuốc?”
“Và một ngôi nhà ấm áp giữa mùa đông,” Blattner nói. “Một ngôi nhà ấm áp giữa mùa đông - Chúa ơi, đúng là một nhan đề hấp dẫn. Benny, quẳng cho tớ cây bút.”
“Cứ nghe đã,” Benny nói. “Chuyện còn hay nữa cơ.”
Tay luật sư bắt đầu. “ ‘Tôi, Francis Brizzolera, một công dân của Chicago, bang Illinois, trong trạng thái minh mẫn về tinh thần và trí nhớ’…” Tay luật sư thầm đọc lướt nhanh qua. “ ‘Cho em trai tôi, Philip Brizzolera, tôi để lại những tài sản sau: toàn bộ số cổ phần tài chính của tôi sau khi tôi qua đời - bao gồm các loại cổ phiếu, trái phiếu, quỹ chung, tiết kiệm và tài khoản séc, cùng tất cả những gì có trong két ký gửi an toàn của tôi. Tôi cũng để lại cho em trai Phil của tôi chiếc xe’…”
“Cho các cậu biết nhé,” Benny nói với chúng tôi, “tớ nhẹ cả người khi nghe thấy là Brizz không để lại cho tớ chiếc xe của lão cùng tất cả những thứ rác rưởi trong đó.”
“ ‘… và ngôi nhà của tôi’,” tay luật sư nói tiếp, “ ‘cùng với tất cả đồ đạc bên trong, trừ thứ mà tôi để lại cho Benjamin Shassburger’.”
Máy tính của Benny phát ra một âm thanh báo hiệu việc tải lên máy chủ của anh ta đã hoàn tất. Có lẽ đã đến lúc chúng tôi quay trở lại với công việc. Tại thời điểm đó chúng tôi đã bước vào tháng thứ sáu của thời kỳ giảm biên chế, mà vẫn chưa thấy kết thúc đâu cả.
“ ‘Cho Benny Shassburger’,” tay luật sư nói, “ ‘tôi để lại chiếc cột tô tem của mình’.”
Benny nói anh ta đã nhoài hẳn cả người về phía trước trên ghế. Anh ta ghé một tai về phía tay luật sư. “Tôi xin lỗi,” anh ta nói. “Cái gì của ông ấy cơ?”
Tay luật sư lại nhìn xuống tờ di chúc qua cặp mục kỉnh của mình. “Ở đây viết là cây cột tô tem,” ông ta nói.
Trong sân sau nhà Brizz, ngôi nhà dành cho người độc thân ở Bờ Nam mà Phil phải nhận cả chìa khóa cũng như lời chỉ đường từ tay luật sư, đứng sừng sững một cây cột tô tem khổng lồ, cao phải đến bảy mét rưỡi. Hai người đàn ông bước vòng quanh cây cột trong im lặng. Đủ thể loại đầu được khắc trổ lên đó - đầu đại bàng, đầu ma quái, đầu của các sinh vật nửa nọ nửa kia. Một số cái đầu có tai nhọn hoắt, một số có những cái mõm dài ngoằng. Cây cột được chạm trổ rất cầu kỳ và được sơn bằng những vô số màu sặc sỡ. Nó được đóng xuống đất chắc chắn đến nỗi khi Benny lay thử - xét cho cùng thì bây giờ nó là của anh ta - anh ta không hề cảm thấy suy suyển tí gì. Benny kể với chúng tôi rằng hồi còn nhỏ, anh ta và bố mình từng giam Hội Hướng dẫn người da đỏ của Hội Thanh niên Cơ Đốc, mà anh ta miêu tả là sự thay thế của người Do Thái cho Hội Hướng đạo sinh. Tên anh ta khi đó là Sao Băng; còn tên bố anh ta là Sao Sáng. Hồi đó anh ta là một người sưu tập nhiệt thành tất cả những thứ gì liên quan đến người da đỏ, kể cả những cây cột tô tem rẻ tiền, chạm trổ sơ sài, những thứ mà theo thời gian, đã không còn sức hấp dẫn nữa. Nhưng cây cột mà anh ta vừa thừa kế, với nước vỏ bóng loáng đỏ rực và những gam màu nâm sậm, chứa đựng một sức mạnh ma thuật và chân thực khiến anh ta phải sững sờ. Bởi kích thước và những hình chạm trổ cầu kỳ của nó, nhưng cũng còn bởi nó đang đứng sừng sững trong sân sau ở một khu dân cư gốc Ireland giữa những đường dây điện thoại chằng chịt, ghế ngồi hóng mát và giá cho chim ăn, thậm chí cả một tấm bạt nhún trong khoảnh sân bên kia đường. Mấy cô bé con đã nhảy lên nhảy xuống, nhảy lên nhảy xuống trong khi cây cột tô tem của Brizz đứng trơ trơ và sừng sững. Những người đàn ông mặc áo ba lỗ trắng đã đẩy máy cắt cỏ đi tới đi lui, đi tới đi lui, trong khi cái thứ đồ vật câm lặng và cổ xưa ấy vẫn nhất quyết không chịu biến khỏi khóe mắt của họ. Có thể thấp thoáng nhìn thấy nó giữa những ngôi nhà khi lái xe dọc trên phố. Những cậu bé có lẽ đã phải dừng lại để ngây người ngắm nó từ xe đạp của mình. Dân hàng xóm đã phải kéo lũ chó đang sủa lồng lộn của họ đi nơi khác. Và trong suốt thời gian đó, người đàn ông bên trong nhà, ấm áp bên bàn bếp đọc báo với một điếu thuốc lá đang cháy trong một chiếc gạt tàn gần đó, hài lòng với việc biết rằng ở sân sau ông ta đã đóng sâu xuống đất thứ di vật, biểu tượng, minh chứng cho... cái gì của ông ta nhỉ?
“Brizz làm gì với một cây cột tô tem chứ?” Marcia hỏi.
“Với lại như thế này cũng chẳng có tí gì là giống với kịch bản của tớ cả,” Don Blattner thông báo với cả phòng.
“Tiếp đi nào, Benny,” Jim nói. Anh ta gác đôi chân bé như chân một geisha trong đôi giày Nike mới bóng lộn lên bàn của Benny. “Một cây cột tô tem ấy à?”
“Nó đứng đó trước mặt tớ,” Benny nói, bất thình lình đứng phắt dậy và phác cử chỉ như thể đứng trước một khung cảnh lạ kỳ, một mặt trăng tròn vành vạnh hoặc một người ngoài hành tinh. “Và không thể có cách nào mà từ chối nó. Thế là tớ hỏi Phil, tớ bảo, ‘Ông có biết là anh trai ông là một người thích người da đỏ không?’ ‘Tôi chưa bao giờ biết điều đó cả,’ Phil nói. ‘Nếu vậy thì hay là gia đình ông có chút huyết thống da đỏ?’ tôi hỏi ông ta. Ông ta đứng chống nạnh, như thế này này,” Benny nói và làm mẫu, “và ông ta cứ chằm chằm ngước nhìn cây cột tô tem như thế này, cứ thế này nhìn nó chằm chằm, và không hề quay lại nhìn tớ, ông ta cứ chậm rãi lắc đầu, như thế này, và nói, ‘Brizzolera. Chúng tôi là người Italia một trăm phần trăm’.”
Benny theo Bizarro Brizz vào trong nhà. Quầy bếp la liệt đủ các loại bát đĩa và đồ đựng thức ăn khác, cứ như đồ trưng bày tại một cửa hàng bán đồ cũ. Nhiều đồ dao nĩa hơn những gì một người độc thân có thể dùng trong sáu tháng xếp thành một đống sạch sẽ bên trên một chiếc khăn lau bát đĩa. Brizz có hai máy nướng bánh mì xếp quay lưng vào nhau, bên cạnh một chiếc lò nướng. Tường bếp đã ngả màu vàng vì khói thuốc lá và vải sơn lót sàn nhà đã xoăn sờn hết cả mép. Điều đáng ngạc nhiên là, giữa cảnh ngổn ngang bừa bộn như một ga ra đặc trưng cho không chỉ căn phòng họ đang đứng mà cho tất cả những căn phòng khác, Brizz lại chỉ có đúng một chiếc ghế bên bàn bếp.
Benny nhìn Phil mở những ngăn kéo đầy các thứ dụng cụ, găng tay lót nồi, nắp vung. “Chúng tôi còn hơn là xa cách dần,” Phil giải thích, “hoặc bất kỳ cách diễn giải nào của anh ấy. Tôi vẫn gọi cho anh ấy hai tháng một lần, anh biết đấy, nhưng nếu không có cái đó, thì tôi chắc chắn rằng chúng tôi hoàn toàn chẳng nói chuyện gì với nhau cả. Không phải hằn học gì đâu, chẳng qua là vì... anh ấy. Con người anh ấy nó thế.”
“Lạ lùng nhỉ,” Benny nói, “bởi vì ông ấy thực sự là một trong những người dễ chịu nhất để làm việc cùng.”
“Ồ, anh ấy là một người tử tế, anh trai tôi ấy, cái đó thì tôi không tranh cãi chút nào. Nhưng chắc chắn là anh ấy tách biệt. Này, kể tôi nghe về điều đó đi,” Phil nói. “Làm việc với Frank thế nào?”
Benny ngẫm nghĩ một lúc về câu hỏi: làm việc cùng Brizz như thế nào nhỉ? “Thì như tôi đã nói, lúc nào ông ấy cũng hết sức dễ chịu,” Benny nói. “Ông ấy không phải là một trong những người mà ông làm việc cùng lúc nào cũng đặt điều bịa chuyện, ông biết chứ?”
Như thế, anh ta nghĩ bụng, thật là một câu trả lời không thỏa đáng cho câu hỏi của Phil. Anh ta muốn nghĩ ra một câu chuyện hay ho về Brizz để giúp ông ta có cảm nhận thực sự về người anh quá cố của mình ở chỗ làm, điều gì đó ông ta đã làm khiến chúng tôi phải thốt lên, Đúng thật là Brizz Già tử tế tốt bụng, câu đó sẽ hằn sâu lại và trở thành một phần trong ký ức của Phil. Có điều Benny chẳng nghĩ được gì cả.
“Tôi biết phải nói với ông ta điều gì mới được chứ?” Benny hỏi chúng tôi, một lúc lâu sau khi việc tải lên máy chủ của anh ta hoàn tất, và chúng tôi đều đồng ý câu trả lời là hình ảnh Brizz hút thuốc bên ngoài tòa nhà giữa mùa đông mà không hề mặc gì để giữ ấm ngoài chiếc áo gi lê len. Đó là một câu chuyện mà Brizz sở hữu, nhưng liệu đó có phải là một câu chuyện không? Hoặc chúng tôi có thể kể cho ông ta nghe về lần trò chuyện với tay nhân viên tòa nhà, nhưng cái đó cũng không hẳn là một câu chuyện. Nói thực lòng, điều chúng tôi nhớ nhất về Brizz là sự tham gia của lão, cùng với những người còn lại chúng tôi, vào những nghi thức thế tục của việc hoàn thành deadline - chất nicotine từ Brizz bốc mùi hôi rình trong một cuộc họp qua video lắng nghe sự thay đổi chỉ dẫn của một khách hàng, Brizz ngồi sau bàn làm việc của lão giương cặp mục kỉnh cẩn thận và tỉ mẩn đọc soát lỗi một văn bản trước khi quảng cáo được mang đi in. Khó mà xây dựng được một câu chuyện từ những cái đó. Chúa lòng lành, tại sao không một ai ngăn lão lại? Tại sao chúng tôi không bao giờ, không một ai trong chúng tôi, dừng lại, quay sang, và nói, Cốc, cốc. Xin lỗi đã cắt ngang khi ông đang đọc soát lỗi, Brizz. Tại sao chúng tôi không đi vào, và ngồi xuống. Vâng, ông hút Old Gold, ông có một chiếc xe giẻ rách - nhưng còn gì nữa, Brizz, còn gì nữa? Liệu đóng cửa có giúp được gì không? Cái gì đã hủy hoại ông khi ông còn nhỏ và người phụ nữ nào đã thay đổi cuộc đời ông và có điều gì ông sẽ không bao giờ tha thứ cho bản thân mình? Cái gì, ông già, cái gì? Làm ơn! Chúng tôi bước qua. Brizz không bao giờ ngẩng đầu lên. Đã bao nhiêu lần kết cục là chúng tôi ở nguyên trong văn phòng của mình, làm một việc hầu như giống hệt nhau, chuẩn bị cho một deadline đến rồi đi, trong khi Brizz sống và thở với tất cả những câu trả lời chỉ cách đó ba mươi mét về phía cuối hành lang?
“Hầu như ngày nào ông ấy cũng ăn trưa với hai chiếc bánh sandwich xúc xích,” Benny nói với Phil. “Đó là điều tôi nhớ rõ nhất về anh trai ông.”
Genevieve lại xuất hiện ở cửa sau khi đã nộp bản chỉnh sửa của mình cho Joe.
“Tôi bỏ qua phần nào rồi?” cô ta hỏi.
Một số người trong chúng tôi ngày nào cũng ra ngoài ăn trưa ở một chỗ mới và biến bữa trưa thành cả một sự kiện. Những người khác, như Brizz Già, ở lại cơ quan và ăn cùng một món, hết ngày này sang ngày khác. Có khi là để tiết kiệm tiền. Có khi là để tránh sự đeo bám của những người mà, từ chín giờ sáng đến trưa và từ một giờ đến sáu giờ, chúng tôi phải chịu nộp mình vô điều kiện. Trong một tiếng đồng hồ giữa khoảng thời gian đó, thời gian quay trở lại với chúng tôi, và đôi khi chúng tôi tận dụng triệt để quãng thời gian đó bằng cách đóng cửa phòng lại và ăn một mình.
Carl Garbedian ngày nào cũng đóng cửa phòng ăn một hộp xốp đựng món penne alla vodka[17] từ một nhà hàng Italia cách đó một tòa nhà và không bao giờ ra ngoài ăn trưa với chúng tôi trừ phi đó là một sự kiện tập thể miễn phí. Sự kiện tập thể miễn phí đã trở thành chuyện của quá khứ rồi, nên phải đến mấy tháng đã trôi qua kể từ lần gần đây nhất chúng tôi nhìn thấy Carl luồn người vào bàn ở nhà hàng, mở một quyển menu, và cân nhắc các lựa chọn của mình.
Sáu tháng trước khi bị sa thải, Tom Mota gõ cửa phòng Carl. Chuyện này diễn ra chỉ một vài ngày sau khi Benny kể cho chúng tôi nghe chuyện Carl cởi quần áo trên xe. Tom xin lỗi Carl vì đã làm gián đoạn bữa trưa của anh ta và hỏi liệu anh ta có rảnh một lát không. Carl mời gã vào và Tom kéo ghế ngồi xuống. “Chuyện là tôi vừa nghe Benny kể đôi điều về việc cậu cảm thấy như thế nào thời gian gần đây,” Tom bắt đầu, “và khi nghe chuyện, tôi nhận ra là mình có thể hiểu được, nên tôi mang cho cậu cái này.” Tom chìa cho Carl một quyển sách qua mặt bàn. “Đừng có giận Benny, cậu biết là cậu ta thích buôn chuyện như thế nào còn gì. Còn cái này,” gã nói thêm, và chỉ vào quyển sách, “cái này cũng chẳng có gì. Chẳng qua đó là thứ mà mọi người đều nên có trên giá sách của họ. Cậu có biết gì về tay này không?” gã hỏi.
Chằm chằm nhìn xuống cuốn sách - toàn tập các bài tiểu luận và thơ của Ralph Waldo Emerson - Carl lắc đầu.
“Không còn ai biết nữa,” Tom nói. “Nhưng mọi người đều nên biết. Và tôi biết là nghe có vẻ như một mớ khoe khoang rác rưởi, nhưng đó là thứ rác rưởi mà tôi tin tưởng.”
Carl chăm chú nhìn cuốn sách và rồi ngẩng lên nhìn Tom như thể anh ta cần một lời giải thích về việc sử dụng cái thứ đó như thế nào.
“Và tôi biết chuyện này có thể hơi nực cười một chút, việc tôi mua cho cậu một cuốn sách,” Tom nói tiếp. “Ở đây chúng ta không mua sách cho nhau. Nhưng tôi đã nghe Benny kể chuyện và cậu ta nói dạo gần đây cậu không còn cảm thấy là chính mình, và khi tôi hỏi cậu ta lý do tại sao và cậu ta cố gắng giải thích, tôi nghĩ rằng điều có thể giúp được cậu là đôi lời dìu dắt từ tay này.”
“Cảm ơn cậu, Tom,” Carl nói.
Tom lắc đầu dứt khoát. “Làm ơn đừng có cảm ơn tôi, chỉ là quyển sách có sáu đô la thôi mà. Dám cá là cậu thậm chí còn chẳng đọc nó cho mà xem. Nó sẽ nằm trơ trên giá sách của cậu và họa hoằn lắm mới có lần cậu vô tình nhìn thấy nó và tự nhủ, mà thế quái nào cái thằng khốn kiếp ấy lại mua cho mình cuốn sách này làm gì nhỉ? Tôi biết việc chọn một cuốn sách hú họa là như thế nào chứ,” gã nói, “cứ tin tôi đi, nhưng nghe này... hãy để tôi đọc cho cậu nghe vài câu để biết đâu cậu có thể hiểu rõ hơn về điều tôi định nói. Tôi đọc thử được không?”
“Nếu cậu muốn,” Carl nói. Anh ta chìa quyển sách lại cho gã.
Tom ngập ngừng. “Trừ phi có thể cậu chỉ muốn tôi để cậu được yên với bữa trưa của mình,” gã nói.
Carl cởi bỏ chiếc khăn ăn ra khỏi lòng và lau tay. “Rất vui lòng nếu cậu muốn đọc vài dòng trong đó, Tom,” anh ta nói.
Thế là Tom mở cuốn sách ra. “Có thể nó sẽ giúp được, tôi cũng không biết nữa,” gã nói. Gã hồi hộp lần giở qua những trang sách tìm cái đoạn gã muốn. Có lẽ đó là một khoảnh khắc căng thẳng đối với cả hai gã đàn ông, một trạng thái yên lặng lúng túng và bứt rứt trong lúc Tom chuẩn bị đọc. Cuối cùng, khi tìm được đoạn mình muốn, gã bắt đầu đọc nhưng lại ngay lập tức tự ngắt lời mình. “Và nghe này,” gã lúng búng giải thích, chồm cả người về phía trước trên ghế với vẻ hăm hở vồn vã, “tôi biết có thể hơi lố bịch một chút, cái chuyện tôi ở đây nói chuyện với cậu về việc cậu có thể cải thiện cuộc sống của mình như thế nào với cuốn sách này vì hãy nhìn tôi mà xem, tôi là một kẻ hoàn toàn vứt đi. Năm vừa qua thực sự là... cứ cho rằng tôi đã nhận ra những lỗi lầm về phần mình. Tình cảnh của tôi bây giờ đúng thật là oái oăm. Tôi biết những sai lầm về phần mình, nhưng tôi không sao thoát khỏi cái mớ bòng bong này, đời tôi coi như vứt kể từ khi vợ tôi bỏ đi. Vì vậy, làm ơn thứ lỗi cho cái thói đạo đức giả của việc tôi ngang nhiên ngồi đây rao giảng với cậu, nhưng tôi tìm thấy điều đó khi tôi đọc Emerson, ít nhất thì nó cũng giúp tôi bình tĩnh lại.”
“Tom,” Carl nói, “tôi cảm kích với cử chỉ đó mà.”
Tom khoát tay ngắt lời anh ta. “ ‘Hãy để một con người biết giá trị của bản thân mình’,” gã đọc, “ ‘và đặt mọi thứ dưới chân anh ta.’ ” Tom đọc to thành tiếng cho Carl nghe - sự gượng gạo trong căn phòng đó chắc hẳn là sờ thấy được. “ ‘Đừng để anh ta phải len lén hay trộm cắp, hoặc lén lút ngược xuôi với dáng vẻ của một đứa trẻ trong trại tế bần, một đứa con hoang, hoặc một kẻ buôn gian bán lận, trong cái thế giới tồn tại cho anh ta. Nhưng người đàn ông trên đường phố, không tìm thấy chút giá trị gì ở chính mình...’ Tôi sẽ đọc lướt qua đoạn này một chút nhé,” Tom nói. “Được rồi, đến phần đó rồi đây. ‘Câu chuyện ngụ ngôn nổi tiếng về kẻ nát rượu đó’,” gã tiếp tục, “ ‘người được tìm thấy trong tình cảnh say bí tỉ trên đường phố, được đưa đến nhà vị công tước, tắm rửa thay quần áo rồi đặt nằm trên giường của công tước, và, khi tỉnh dậy, được đối xử với tất cả những nghi lễ xun xoe dành cho công tước, và được quả quyết rằng ông ta đã bị điên, sở dĩ câu chuyện đó nổi tiếng là vì nó tượng trưng một cách rất xác đáng cho tình cảnh của con người, sống trên đời như một kiểu nát rượu, nhưng thỉnh thoảng có khi thức tỉnh, vận dụng lý trí, để rồi nhận ra mình là một ông hoàng thực thụ’.” Tom kết thúc câu trích dẫn của mình tại đó và gập sách lại.
“Chậc,” gã nói. “Dù sao tôi cũng nghĩ rằng ông ấy có rất nhiều điều tốt đẹp để nói. ‘Nhận ra mình là một ông hoàng thực thụ.’ Ở đây thì khó mà có thể ghi nhớ được điều đó, cậu biết chứ? Nhưng ông ấy cố nhắc nhở chúng ta, Carl ạ, cả cậu và tôi - thực ra là tất cả mọi người - nhưng sâu xa dưới tất cả những điều đó, nếu chúng ta vận dụng lý trí của mình, chúng ta đều là những ông hoàng. Tôi biết tôi đã cả giận mất khôn trong hầu hết những lúc tất cả những gì tôi muốn làm là nổ súng vào lũ khốn đó. Cậu biết đấy, vấn đề với việc đọc thằng cha này,” gã tiếp tục, “cũng chính là vấn đề cậu gặp phải khi đọc Walt Whitman. Mà cậu có đọc ông ta không vậy? Hai thằng cha chết giẫm ấy chắc không trụ nổi ở cái chỗ này quá hai phút. Không hiểu sao họ lại không phải nếm trải đời sống văn phòng. Hồi đó là một thời kỳ khác. Và họ là những thiên tài. Nhưng khi đọc họ tôi bắt đầu tự hỏi tại sao tôi lại phải ở đây. Nói thực lòng với cậu, nó hầu như khiến cho việc đi vào đây còn khó khăn hơn.” Tom đưa trả quyển sách lại qua mặt bàn. Gã nói thêm với một nụ cười khẩy hằn học, dằn dỗi, “Đúng là một lời tán thưởng nhiệt liệt nhỉ? Dù sao tôi cũng để cậu quay lại với bữa trưa của mình ngay đây.”
Khi Tom đã gần ra đến cửa, Carl gọi với theo gã. “Tôi có thể kể riêng với cậu chuyện này không, Tom?” anh ta hỏi. Carl ra hiệu chọ Tom quay lại ghế.
Tom ngồi xuống, và Carl nhìn gã hồi lâu trước khi lên tiếng. Đầu tuần đó, anh ta thú nhận, anh ta đã bí mật lẻn vào phòng của Janine Gorjanc sau khi tất cả mọi người đã về nhà sau giờ làm và lấy một lọ thuốc chống trầm cảm từ ngăn kéo bàn của chị. Kể từ lần đó, anh ta kể với Tom, anh ta đã dùng mỗi ngày một viên.
“Như thế liệu có khôn ngoan không?” Tom hỏi.
“Có lẽ là không,” Carl nói. “Nhưng tôi không muốn cô ấy biết tôi bị trầm cảm.”
“Cậu không muốn Janine biết là cậu bị trầm cảm?”
“Không, không phải Janine. Vợ tôi cơ. Marilynn. Tôi không muốn Marilynn biết tôi bị trầm cảm.”
“Ồ,” Tom nói. “Sao lại thế?”
“Bởi vì cô ấy nghĩ tôi bị trầm cảm.”
“Ồ,” Tom nói. “Vậy là cậu không bị trầm cảm?”
“Không, tôi bị trầm cảm. Chỉ là vì tôi không muốn cô ấy biết rằng tôi bị trầm cảm. Cô ấy biết tôi bị trầm cảm. Tôi chỉ không muốn cô ấy biết là cô ấy đúng khi nói tôi bị trầm cảm. Lúc nào cô ấy cũng đúng, anh biết đấy.”
“Vậy ra đây là vấn đề thể diện,” Tom nói.
Carl nhún vai. “Tôi nghĩ thế. Nếu như anh muốn diễn giải theo cách đó.”
Tom cựa quậy trên ghế. “Hừm, cậu biết đấy, Carl, tôi hiểu điều đó, anh bạn ạ. Tôi có thể hiểu điều đó cực kỳ rõ, sau vài năm kết hôn với một phụ nữ lúc nào cũng đúng mới khốn kiếp chứ. Nhưng bạn ạ, nếu anh đang uống một loại thuốc không được kê đơn cho mình thì...”
“Ừ, tôi biết chứ,” Carl nói, cắt ngang lời gã. “Tôi biết tất cả những điều đó, tin tôi đi. Tôi kết hôn với một bác sĩ cơ mà.”
“Đúng rồi,” Tom nói. “Nên tôi nghĩ điều tôi sắp hỏi là, tại sao lại ăn trộm thuốc? Sao không để ai đó kê thứ gì đó thích hợp cho cậu?”
“Bởi vì tôi không muốn phải gặp một bác sĩ,” Carl nói. “Tôi ghét bác sĩ.”
“Vợ cậu là bác sĩ còn gì,” Tom nói.
“Thì thế mới thành chuyện,” Carl nói. “Cộng với việc nếu tôi làm thế, có thể chuyện sẽ đến tai cô ấy, và rồi cô ấy sẽ biết là cô ấy đúng về việc tôi bị trầm cảm. Sẽ dễ dàng hơn khi vào phòng Janine lấy của chị ấy. Chị ấy có cả triệu thứ trong đó,” anh ta nói.
Anh ta thò tay vào ngăn kéo bàn lôi ra một lọ thuốc kê đơn rồi chìa nó cho Tom.
“Cậu có biết tí gì về thứ trong này không?” Tom vừa hỏi vừa lắc nhẹ cái lọ và đọc nhãn. Đó là lượng thuốc dùng trong ba tháng. “Ba trăm miligam,” gã nói. “Nghe có vẻ nhiều.”
“Tôi chỉ làm đúng theo hướng dẫn sử dụng ghi trên nhãn,” Carl nói.
Tom hỏi anh ta là anh ta có nhận thấy thay đổi gì trong tâm trạng của mình không.
“Mới được có một tuần mà,” Carl trả lời. “Có thể vẫn còn quá sớm.”
Có tiếng gõ cửa. Trong im lặng Tom trả lọ thuốc của Janine lại cho Carl và Carl cất chiếc lọ vào ngăn bàn của mình. Khi Carl gọi với ra, Joe Pope xuất hiện.
“Xin lỗi đã làm gián đoạn bữa trưa của anh, Carl,” anh ta nói.
“Không sao đâu.”
“Thực ra tôi ở đây để tìm Tom,” Joe nói.
Tom quay người lại trên ghế và trao cho Joe một cái liếc xéo.
“Tôi đang băn khoăn liệu anh có phiền tham gia một cuộc họp triển khai công việc cùng chúng tôi chiều nay không,” Joe ướm hỏi gã.
“Chắc chắn rồi,” Tom nói. “Mấy giờ?”
“Ba giờ ba mươi, văn phòng của Lynn nhé?”
“Xong ngay.”
Khi chuyện đó lan truyền đi - Chắc chắn rồi, mấy giờ? Xong ngay - chúng tôi không hiểu nổi ra làm sao nữa. Tất cả những gì Tom vẫn nói là, “Tôi còn biết nói gì bây giờ - không à? Quỷ tha ma bắt anh đi, Joe, làm sao tôi lại không đi họp hả? Tôi còn có con phải nuôi đấy, anh bạn. Muốn tin hay không cũng mặc, tôi cần công việc này.”
Chúng tôi không nghi ngờ điều đó. Chẳng qua là chúng tôi nhớ một lần ở trong Phòng Michigan Tom Mota đã cư xử kém nhã nhặn hơn nhiều đối với Joe Pope. Tất cả các phòng họp của chúng tôi đều được đặt tên theo những con phố chạy dọc theo Magnificent Mile, và khung cảnh nhìn từ phố Michigan quả thực là mê hồn. Toàn bộ thành phố trải ra trước mắt chúng tôi, lớp lớp những tòa nhà cao thấp, dày mỏng, một ma trận khổng lồ biến thể kiến trúc cắt ngang dọc bởi những đường phố loang loáng ánh đèn taxi và những con hẻm tối tăm cùng dòng sông Chicago uốn lượn, và mỗi bề mặt từ khung cửa sổ bóng loáng đến bức tường gạch cũ kỹ đều sáng rực rỡ dưới ánh mặt trời tháng Tám. Sự trớ trêu của khung cảnh nhìn từ Phòng Michigan là ở chỗ nó làm chúng tôi phát rồ lên với khát khao được ở ngoài kia, được rảo bước trên những vỉa hè của thành phố, ngước lên ngắm nhìn những tòa nhà, hòa lẫn vào biển người và tận hưởng ánh mặt trời, nhưng khoảng thời gian duy nhất chúng tôi từng cảm thấy sự thôi thúc đó là khi chúng tôi mắc kẹt ở cửa sổ Phòng Michigan. Còn không thì buổi tối chúng tôi về nhà và tất cả những gì chúng tôi có thể nghĩ đến là vòng ra xa cái lũ khách du lịch chết tiệt này và đi thẳng một mạch về nhà.
Vào cái ngày mà Tom và Joe nói chuyện phải quấy, khoảng một tháng gì đó trước khi Tom tặng quà cho Carl, rõ ràng là chuyện về những gì được nói ở chỗ này chỗ kia lúc này lúc khác đã đến tai Joe - tại một bữa trưa, trước cuộc họp. Phỏng đoán vu vơ ấy mà, bạn biết đấy. Đôi khi đó là chất liệu cho một cuộc tranh luận trung thực khi tất cả mọi người đều chọn phe, nhưng phần lớn thì giống với một trò đùa hơn. Đó là điều chúng tôi đã làm, chúng tôi nói chuyện. Chúng tôi không làm bất kỳ điều gì mà người Hy Lạp không làm quanh những đống lửa trại bập bùng, nhập nhoạng của họ. Và có vẻ như cả Joe Pope cũng vậy, vì đúng lúc chúng tôi đang đóng nắp bút của mình, toàn bộ ghi chép đã xong xuôi và toàn bộ câu hỏi đã trả lời, và lúc này thì chỉ còn cách nhà vệ sinh, điện thoại hay quầy cà phê - tóm lại là bất kỳ thứ gì réo gọi hăng hái nhất - nửa phút nữa thôi, thì Joe, người khi đó đã bắt đầu điều hành những cuộc họp triển khai công việc của riêng mình, nói với chúng tôi, “À, còn điều cuối cùng này nữa.” Anh ta ngập ngừng. “Xin lỗi, chỉ cần cho tôi thêm một phút nữa thôi.” Chúng tôi lại ngồi yên vị. “Tôi cảm thấy cần lưu ý với mọi người điều này,” anh ta nói. “Nghe này, tôi hiểu nhu cầu cần nói chuyện. Phần lớn thời gian, chuyện đó cũng là điều tốt thôi. Chúng ta nói chuyện, chúng ta cười đùa. Việc đó khiến cho thời gian trôi nhanh hơn. Nhưng tôi không chắc là chúng ta luôn ý thức được một số điều mà chúng ta nói. Có thể chúng ta nói nhưng không có ý gì, điều này điều kia rồi chuyện này chuyện nọ có thể cũng chỉ là câu đùa, nhưng từ người nọ sang người kia, và đôi khi, người này người khác nghe thấy và không được hài lòng cho lắm. Không phải tất cả mọi người. Một số người chỉ cười cho qua chuyện. Nghe này, đơn cử như tôi biết tôi bị đưa ra bàn tán. Với tôi thì chẳng có gì to tát. Tôi không lấy thế làm tự ái. Nhưng người khác, họ nghe thấy nhiều chuyện, nó khiến họ ít nhiều bị tổn thương. Các bạn không thể trách họ được. Họ cảm thấy khó chịu, hoặc bị tổn thương, hoặc bối rối. Tôi muốn chúng ta hạn chế những chuyện như thế này ở mức tối thiểu. Tôi không nói là không được nói chuyện. Tôi chỉ nói là, hãy giảm volume xuống một chút, hãy bảo đảm là những gì các bạn đang nói không làm tổn thương bất kỳ ai. Được chứ?”
Có một khoảng im lặng kéo dài không thể nào chịu nổi khi anh ta nhìn một lượt quanh tất cả chúng tôi phòng khi chúng tôi có câu gì cần hỏi. “Được rồi, bài diễn văn ngắn gọn của tôi chỉ có thế thôi,” anh ta kết luận. “Cảm ơn vì đã chiều tôi.” Cuối cùng chúng tôi cũng được giải thoát. Chúng tôi lại bắt đầu đứng lên. Chúng tôi không hề biết là Joe lại mang trong mình tinh thần của một nhà cải cách. Chúng tôi có những cảm xúc lẫn lộn về các nhà cải cách. Vài người trong chúng tôi cho rằng như thế thật cao cả, và rất có thể sẽ chẳng thay đổi được gì. Những người khác thì tỏ thái độ hằn học rõ ràng. Anh ta là thằng cha chết tiệt nào chứ - kiểu phản ứng như thế đấy.
“Anh biết đấy, Joe,” Tom Mota nói, đúng lúc chúng tôi bắt đầu lục tục kéo ra. “Thực sự thì bị đồng tính chẳng có gì là sai trái cả.”
Joe vểnh một bên tai về phía gã, nhưng vẫn nhìn thẳng vào mắt gã một cách dứt khoát. “Bị sao cơ?” anh ta hỏi.
“Hank Neary bị đồng tính,” Tom nói tiếp, lảng tránh câu hỏi trực tiếp. Khi đó Hank đang đẩy ghế của anh ta vào. Anh ta có vẻ giật mình vì trở thành chủ đề của cuộc trò chuyện. “Đúng không, Hank? Và cậu ta chẳng có vấn đề gì với chuyện đó cả.”
“Tom,” Joe nói. “Chắc chắn anh chẳng nghe thấy bất kỳ điều gì tôi vừa nói cả.”
“Không, tôi nghe thấy anh nói rồi, Joe. Tôi nghe thấy anh rất to và rõ.”
Mọi người đã ra ngoài cửa được nửa đường bỗng dừng cả lại.
“Thế thì có lẽ anh không hiểu rồi,” Joe cố gắng giải thích. “Vấn đề là có chuyện nói đúng, Tom ạ, và có chuyện nói sai, và chuyện ai bị đồng tính hay ai không bị đồng tính, đó là chuyện nói sai rồi, hiểu chứ? Kiểu nói chuyện như vậy có thể bị coi là vu khống đấy.”
“Vu khống ấy à?” Tom nói. “Ái chà chà, vu khống cơ đấy - Joe, đó đúng là một từ đắt giá, vu khống. Chúng ta có cần viện đến luật sư không đây? Tôi có luật sư, Joe. Tôi có nhiều luật sư khốn kiếp đến nỗi chẳng khó khăn mẹ gì mà không huy động họ bắt tay vào vụ này.”
“Tom,” Joe nói. “Cơn giận dữ của anh.”
“Anh bảo gì cơ?” Tom nói.
“Cơn giận dữ của anh,” Joe nhắc lại.
“Như thế nghĩa là thế chó nào?” Tom nói. “ ‘Cơn giận dữ của anh’? Đó là cái anh vừa nói đấy à, ‘Cơn giận dữ của anh’?” Joe không trả lời. “Như thế nghĩa là thế chó nào, ‘Cơn giận dữ của anh’?” Joe rời khỏi phòng. “Có ai hiểu ý hắn là thế chó nào khi nói ‘Cơn giận dữ của anh’ không?” Tom hỏi.
Chúng tôi biết “Cơn giận dữ của anh” có nghĩa là gì bởi vì chúng tôi cũng thường xuyên phải chịu đựng cơn giận dữ đó. Chúng tôi chịu đựng đủ các loại ốm đau - điều kiện tim mạch, máy cơ mặt vì hồi hộp, sụm lưng. Chúng tôi có đủ các thể loại đau đầu chết tiệt. Chúng tôi bị ảnh hưởng bởi những thay đổi về điều kiện thời tiết, bởi tâm trạng thất thường và cảm giác non nớt rơi rớt từ thời trung học. Chúng tôi vô cùng lo lắng về việc ai sẽ là người kế tiếp, và các thành viên quản trị đang điều hành theo những tiêu chí sa thải như thế nào. Billy Reiser đi làm với một cái chân gãy. Thoạt đầu mọi người đều háo hức. Chuyện xảy ra như thế nào? Chúng tôi túm tụm ở văn phòng của anh ta ngay khi tin đồn lan ra như thể được dẫn dắt bởi một tiếng nói hoặc một tần số cao tần. Buôn chuyện giống như bệnh cúm: nếu nó bắt đầu với một người, rất nhanh chóng nó sẽ lây nhiễm cho tất cả. Nhưng khác với cúm, chúng tôi không thể nào chịu nổi việc bị loại ra nếu như có chuyện gì đó đang xảy ra. Chúng tôi muốn Billy kể cho chúng tôi nghe chuyện xảy ra như thế nào. “Bóng mềm,” anh ta giải thích. Thế thôi sao? “Trượt lỗi,” anh ta kể. Chúng tôi không khỏi cảm thấy chưng hửng. Chúng tôi nói với Billy là chúng tôi hy vọng anh ta sớm khỏe lại rồi quay trở về bàn làm việc của mình. Một lý do như vậy thật không đáng để phải đứng lên. Thế rồi phải đến mười hay mười hai tháng sau đó, Bill vẫn tiếp tục tập tễnh đi khắp nơi trên hai chiếc nạng, và thề có Chúa là ta có thể nghe thấy thằng cha này đang đến từ cách xa cả sáu dặm. Lạy Chúa, cuối cùng chúng tôi cũng phải nói, cậu vẫn chưa thoát được những thứ này à? “Biến chứng,” anh ta nói. Anh ta trải qua một loạt phẫu thuật. Dính dáng đến cả những chiếc đinh bằng kim loại. Các bác sĩ nói có thể anh ta sẽ phải đi cà nhắc suốt đời, nên anh ta đang xem xét đệ đơn kiện. Chúng tôi cảm thấy thương hại thay cho anh ta, nhưng đồng thời, việc Billy khổ sở lê người qua hành lang, những khớp nạng rít ken két như một con tàu săn cá voi thế kỷ mười chín - nghe qua thì tưởng chừng như không bõ bèn gì, nhưng hết ngày này sang ngày khác, nó bắt đầu khiến người ta điên tiết. Chúng tôi hiểu “Cơn giận dữ của anh” bất kỳ lúc nào Billy đi qua, cơn giận dữ vô lý và hẹp hòi làm cho một số người trong chúng tôi phải gọi anh ta, lúc này hay lúc khác, bằng tất cả những cái tên xúc phạm dành cho một người khuyết tật trong sách vở - những cái tên hèn hạ và nhẫn tâm như “thằng què”, “thằng thọt” và “thằng chấm phẩy” - trong khi tự chế ra cả những biệt danh khác nữa. “Họ của thằng cha đó là Reiser[18],” Larry Novotny nói, “ấy thế mà thậm chí hắn còn không thể nâng người dậy trên đôi chân của mình.” Amber chẹp chẹp miệng về phía anh ta vì xấu hổ và với những người còn lại trong chúng tôi vì sự nghèo nàn của trò chơi chữ nhưng từ đó trở đi chúng tôi không bao giờ gọi Billy bằng tên của anh ta nữa. Bao giờ cũng là Reiser. Tất nhiên chúng tôi cũng giữ ý tứ không để Reiser phong thanh biết được nỗi khó chịu của chúng tôi đối với anh ta, hầu hết các ngày thì là như thế. Hầu hết các ngày chúng tôi để những thói xấu của con người phát tiết hết ra khỏi mình, như Chúa Jesus đã răn dạy. “Hãy để kẻ nào không có tội ném viên đá đầu tiên,” vì trong chúng tôi có một đội ngũ hùng hậu những tín đồ. Chúng tôi có một nhóm nghiên cứu Kinh Thánh. Họ gặp gỡ ăn trưa thứ Năm hằng tuần tại căng tin. Một đám tạp nham các thành viên ban quản trị chung cư, dân Bờ Nam, dân mắc chứng chán ăn đang hồi phục, cánh xây dựng, lễ tân. Đó là một đám đông hết tan lại hợp, bản thân nó cũng là sự cười nhạo đức tin. Lời Chúa là nguồn gốc gắn kết tất cả chúng tôi lại với nhau. Chúng tôi vạ vật hết vào lại ra khỏi đó, cố gắng tìm hiểu Lời Chúa để áp dụng vào cuộc sống riêng tư cũng như bối cảnh công việc, nhưng hầu hết chúng tôi đơn giản là tránh xa nó. Họ có nhiều quyền năng hơn, chúng tôi thích nói thế. Chúng ta đang bỏ sót điều gì nhỉ? đêm về chúng tôi tự hỏi. Thật nhàm chán làm sao khi cứ nghe họ lải nhải về Chúa, tầm trưa thứ Năm hằng tuần chúng tôi lại nghĩ bụng. Chúng tôi không thể không hỏi, đây có thực sự là nơi thích hợp với Chúa không? Hình ảnh một tá những cuốn Kinh Thánh mở ra trên một chiếc bàn căng tin và những cái đầu quen thuộc giờ đây cúi xuống trong trạng thái biến đổi dữ dội khỏi những hình dung thâm căn cố đế lâu nay của chúng tôi về con người họ khiến chúng tôi ít nhiều thấy sốc, cứ như thể buộc chúng tôi phải đối mặt với khả năng rằng chúng tôi chẳng biết gì hết, tuyệt đối không biết tí gì về đời sống nội tâm của bất kỳ ai ở đây. Nhưng điều đó nhanh chóng qua đi. Phạm vi của chúng tôi là không giới hạn, tầm với của chúng tôi là toàn năng, kiến thức của chúng tôi là toàn diện. Quỷ tha ma bắt, nhiều lúc cảm giác như thể chúng tôi là Chúa. Nói thế thì có báng bổ quá không nhỉ? Cái gì chúng tôi cũng biết, chúng tôi có những quyền lực khủng khiếp, chúng tôi sẽ không bao giờ chết. Có gì đáng ngạc nhiên khi hầu hết chúng tôi không tham gia vào việc nghiên cứu Kinh Thánh?
“Tớ đếch thèm quan tâm liệu thằng cha đó có phải dân đồng tính hay không,” Tom Mota nói, khoảng một tuần gì đó sau trận đối đầu giữa gã với Joe Pope ở Phòng Michigan. “Tớ chỉ muốn biết ý hắn là thế chó nào khi nói ‘Cơn giận dữ của anh’.” Có một khoảng trống giữa hai khu ngăn ô đủ chỗ kê vài ba chiếc bàn tròn và mấy chiếc ghế, vài buổi sáng chúng tôi túm tụm ở đó quanh một hộp Krispy Kremes hoặc một túi bánh vòng mà ai đó, hứng khởi trước viễn cảnh về một ngày tươi sáng, đã mua và mang đến chia sẻ với những người còn lại. Tinh thần yêu thương chiếu rọi khắp vượt trên mọi nghịch cảnh. Chúng tôi đang tận hưởng bữa sáng của mình, nhấm nháp những tách cà phê đầu tiên của buổi sáng, thì Joe Pope đi qua mang theo bản quảng cáo nào đó vừa mới giật ra khỏi máy in và hỏi ai mang túi bánh đến. “Cho tôi một chiếc được không?” anh ta hỏi. Genevieve Latko-Devine nói tất nhiên anh ta có thể lấy một chiếc và anh ta cảm ơn cô ta, rồi chúng tôi chắc mẩm sau đó anh ta sẽ đi tiếp nhưng anh ta cứ nấn ná ở lại để phết chút kem pho mát và rồi còn ngồi xuống với chúng tôi, cảm ơn Genevieve lần nữa. Tất cả đều có vẻ hoàn toàn tự nhiên, như là chuyện hằng ngày vậy, chẳng có gì khác thường hết. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn cảm thấy nó, ở ngay đây - sự có mặt bất thình lình của Joe. Thế là bái bai không khí thoải mái.
Mọi chuyện trở nên vô cùng lặng lẽ, cho đến khi cuối cùng chính Joe lên tiếng phá vỡ sự im lặng. “Nhân tiện,” anh ta nói. “Mọi người làm cái vụ lở miệng đến đâu rồi?”
Chúng tôi đang trong quá trình chuẩn bị một series quảng cáo truyền hình cho một trong những khách hàng chuyên sản xuất thuốc giảm đau dành cho chứng sưng và lở miệng. Chúng tôi tiếp nhận câu hỏi của Joe khá là chậm chạp, không ai trả lời ngay lập tức. Thậm chí một hai người còn liếc mắt nhìn nhau. Chuyện này xảy ra không lâu sau lần thăng chức thứ hai của anh ta. Vẫn ổn, cơ bản là thế, chúng tôi nói, cũng hòm hòm. Và sau đó có lẽ chúng tôi đã gật đầu, bạn biết đấy, những cái gật đầu chiếu lệ chẳng có gì là dứt khoát. Vấn đề là, câu hỏi của anh ta - “Mọi người làm cái vụ lở miệng đến đâu rồi?” - không hề có vẻ gì là một câu hỏi đơn giản muốn một câu trả lời đơn giản. Quá sớm sau khi anh ta được thăng chức, dường như đó là sự khẳng định quyền lực mới của anh ta một cách vô cùng tinh vi và đáo để. Chúng tôi không nghĩ đó là sự quan tâm thực sự hoặc tò mò về việc chúng tôi đang tiến triển đến đâu trong vụ quảng cáo thuốc lở miệng mà chẳng qua chỉ là cái cớ để thúc đít chúng tôi.
“Anh biết đấy, Joe,” cuối cùng Karen Woo nói, “bây giờ mới là chín rưỡi sáng, đúng không? Có tin hay không thì tùy, chúng tôi sẽ bắt tay vào vụ lở miệng ngay hôm nay.”
Joe tỏ ra như anh ta vừa bị hiểu lầm hoàn toàn. “Đó không phải là lý do tại sao tôi hỏi chuyện, Karen,” anh ta nói. “Tôi hoàn toàn tin tưởng các bạn sẽ bắt tay vào việc. Tôi hỏi là bởi vì bản thân tôi đang gặp khó khăn trong việc nghĩ ra ý tưởng nào đó.”
Chúng tôi vẫn thấy ngờ vực. Anh ta chẳng mấy khi gặp khó khăn trong việc nghĩ ra bất kỳ cái gì.
“Khó khăn mà tôi đang gặp phải,” anh ta giải thích, “là ở chỗ họ muốn chúng ta phải hài hước và cợt nhả rồi đủ thứ nữa, nhưng đồng thời, họ lại không muốn chúng ta xúc phạm bất kỳ ai đang bị lở miệng. Tôi có cảm giác hai tiêu chuẩn này tự loại trừ lẫn nhau. Ít nhất thì nó cũng làm tôi thấy khó khăn trong việc nghĩ ra một mẩu quảng cáo tạm gọi là đáng giá.”
Đến trưa, chúng tôi biết là cái thằng cha chó đẻ ấy đúng. Thực sự là cực kỳ khó khăn khi tạo ra sự cân bằng giữa việc tỏ ra hài hước về những triệu chứng xấu xí của bệnh lở miệng trong khi vẫn tránh không xúc phạm bất kỳ ai đang xem, những người có thể phải chịu đựng những triệu chứng xấu xí của bệnh lở miệng. Đó là một trong những nghịch lý bất khả thi, lố lăng mà chỉ có một hội nghị bàn tròn những chuyên gia marketing sực nức các loại nước hoa cạo râu đối chọi nhau mới nghĩ ra được - ở một miền đất khác, trong một kỷ nguyên khác, những công cụ đó có thể đã phọt ra được những công án[19] yêu thích của triều đại. Chúng tôi phải thừa nhận rằng có lẽ Joe Pope không có ý đồ gì khác khi đưa ra câu hỏi của anh ta sáng hôm đó ngoài việc dò hỏi xem liệu chúng tôi có gặp khó khăn với vụ lở miệng như anh ta không mà thôi, và rằng kết luận vội vã của chúng tôi là hậu quả của việc hiểu sai ý. Tuy vậy, một số người trong chúng tôi vẫn tiếp tục ngờ vực anh ta, và khi những điểm tốt phai nhạt dần đi, xét về tương quan thì có lẽ cán cân không nghiêng về phía anh ta.
Mọi chuyện cũng không khá khẩm gì hơn khi chúng tôi tập trung ở văn phòng bừa bộn của Lynn Mason hai ngày sau đó để trình với chị những ý tưởng của chúng tôi về vụ lở miệng và Joe cùng với Genevieve trình làng Chàng Lở Miệng. Chúng tôi biết ngay rằng Chàng Lở Miệng không chỉ là một trong ba ý tưởng chúng tôi sẽ gửi cho khách hàng, mà nó còn là mẩu quảng cáo mà họ sẽ phát đi, phát lại, phát nữa, phát mãi, cho đến khi bạn và tất cả mọi người khác ở Mỹ trở nên thân thiết với Chàng Lở Miệng. Thằng cha chó chết ấy tóm dính được nó, anh ta và Genevieve, người đóng vai trò chuyên viên mỹ thuật trong cặp đôi, đúng là tóm dính đứ đừ cái thuyết công án vĩ đại của các nhà marketing lở miệng. Cánh cửa mở ra trên hậu cảnh là vùng ngoại ô, và đứng trong ngưỡng cửa sáng rỡ là một đôi uyên ương trẻ trung quyến rũ. “Chào mẹ!” cô gái thốt lên. “Con muốn mẹ gặp người đặc biệt ấy của con.” Chàng Lở Miệng chìa tay ra với Mẹ. Quả tình là anh ta có một vết lở miệng xấu xí, có lẽ hơi phóng đại ở ngay khóe môi trên. “Chào bác ạ, cháu là Chàng Lở Miệng.” “Tất nhiên là cháu rồi!” bà mẹ nói, nắm tay Chàng Lở Miệng. “Vào nhà đi cháu!” cắt chuyển sang cảnh Bếp. Ông bố mặt mũi nghiêm nghị. “Bố,” cô con gái nói. “Con muốn bố gặp Chàng Lở Miệng.” “Chàng Lở Miệng,” ông bố nghiêm nghị nói. “Cháu rất vui cuối cùng cũng được gặp bác,” Chàng Lở Miệng nói, bắt tay ông bố rất chặt, miệng cười ngoác như cái loa với vết lở miệng quá xá của anh ta. Cắt chuyển sang cảnh Phòng Khách. Bà nội nhìn như người mắc bệnh Alzheimer. “Bà ơi!” cô gái vừa nói, vừa lắc mạnh bà cụ già yếu. “Bà ơi!” Bà nội choàng tỉnh, ngồi lên, chằm chằm dòm Chàng Lở Miệng và nói, “Chà, chắc chắn cháu là Chàng Lở Miệng rồi!” “Cháu chào bà ạ,” Chàng Lở Miệng nói. Giọng nói đế vào giải thích những đặc điểm và tác dụng của sản phẩm. Dòng chữ chạy phía dưới: “Đừng để một vết lở miệng can thiệp vào cuộc sống của bạn.” Cắt lần cuối tới Phòng Ăn. Ông bố vẻ mặt nghiêm nghị: “Thêm khoai tây nghiền không, Chàng Lở Miệng?” “Ồ vâng ạ, nhờ bác lấy cho cháu thêm một ít!” Nhòe dần.
Chúng tôi xem qua tất cả các cảnh này lần đầu tiên chỉ là trên những tấm bảng kể chuyện, nhưng tác động trực tiếp thì không thể nào phủ nhận nổi, và chúng tôi biết ngay rằng anh ta đã tóm dính nó rồi, anh ta và Genevieve. Cả gia đình đều chào đón. Họ thích chàng trai. Họ bắt tay với anh ta. Thật vui nhộn, nhưng chủ đề của sự vui nhộn được ẩn vào trong. Chàng Lở Miệng là nhân vật chính. Ngoài ra, anh ta còn có thể ăn khoai tây nghiền. Không ai có thể ăn khoai tây nghiền với một vết lở miệng như vậy, nhưng chàng siêu anh hùng Lở Miệng vẫn làm được. Ấy là còn chưa kể, trong đó không hề đả động gì rằng chúng tôi có thể chữa khỏi vết lở miệng. Đó luôn là khâu khó khăn nhất mà chúng tôi phải thực hiện với vị khách hàng đặc biệt đó. Chúng tôi được phép nói chúng tôi có thể chữa trị vết lở miệng, nhưng chúng tôi bị cấm không được nói rằng chúng tôi có thể chữa khỏi nó. Đoạn quảng cáo của Joe tuyệt nhiên không đả động gì đến chữa trị hay chữa khỏi - anh ta làm được cái việc biến người bị lở miệng thành một người được thông cảm. Khách hàng rất kết quảng cáo đó. Rồi khi họ cho quay với diễn viên phù hợp, anh chàng trông lại còn đáng thông cảm hơn và thể hiện cực kỳ hài hước, và quảng cáo đó được phát lại trên Internet, mang về các loại giải thưởng và đủ mọi thứ.
Cái hôm cho trình làng Chàng Lở Miệng, Joe dắt xe đạp vào phòng làm việc của anh ta như vẫn làm mỗi sáng và nhìn thấy từ Đĩ đực viết trên tường bằng một chiếc bút dạ Sharpie màu đen. Dòng chữ viết xiên lên trên, bằng bàn tay của một người lớn hoặc một đứa trẻ con đang vội vã, không khác với những gì bạn có thể nhìn thấy ở phía sau cánh cửa nhà vệ sinh ở một quán bar. Giờ thì đã có thứ trên tường của anh ta - cũng chẳng lấy gì làm lớn, nhưng dứt khoát là không lẫn vào đâu được. Chúng tôi nghĩ bụng, chắc hẳn rồi, nhiều lúc văn phòng chúng ta đúng là loạn trí, nhưng không một ai mà chúng ta biết lại có thể làm một việc như thế cả. Có thể là có ai đó ấp ủ lòng oán hận đối với Joe ở một góc khuất nào đó trong cuộc sống của anh ta, một đêm lẻn qua bộ phận bảo vệ, tìm thấy phòng làm việc của Joe, và trút lòng mình qua ngòi bút Sharpie. Nhưng cuối cùng, điều đó nghe có vẻ không khả dĩ cho lắm, và chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc kết luận rằng, Joe, trong nỗi khát khao chút chú ý cục bộ, đã tự mình viết lên đó trước khi ra về muộn đêm hôm trước.