Và Thế Là Chúng Ta Tiêu - Chương 02

Bước Vào Thế Kỷ Mới

Giảm biên chế - Giờ cuối cùng của Tom - Bi kịch của Janine Gorjanc - Suy thoái - Những biện pháp quyết liệt - Tranh cãi về Tom - Những bức ảnh sởn gai ốc - Câu chuyện về chiếc ghế của Tom Mota - Đi tàu suốt kiểu Tây Ban Nha - Sanderson - Hai bức email - Câu chuyện về chiếc ghế của Tom Mota, phần II - Quảng cáo gây quỹ từ thiện - Acid lastive - Lynn Mason

Quá trình giảm biên chế bắt đầu ụp xuống chúng tôi. Chuyện này đã được đồn đại mấy tháng nay, nhưng giờ thì chính thức rồi. Nếu may mắn, anh có thể đâm đơn kiện. Nếu anh là người da đen, có tuổi, phụ nữ, người Công giáo, người Do Thái, đồng tính, béo phì, hoặc tàn tật, ít nhất anh cũng có cơ sở. Ở lúc này hay lúc khác tất cả chúng tôi đều được lấy lời khai. Chúng tôi lên kế hoạch cung cấp lời khai cho vụ kiện của Tom - chúng tôi không hề nghi ngờ việc sẽ có một vụ kiện. Mặc dù gã chẳng có cơ sở gì cả, trừ phi việc là một tên khốn kiếp mới được bổ sung vào danh sách. Và không chỉ có chúng tôi mới nói thế. Vợ cũ của thằng cha này cũng căm ghét gã. Lệnh ngăn trở. Gã không được phép gặp hai đứa con nhỏ của mình nếu không có giám sát. Cô ta chuyển đến Phoenix chỉ để thoát khỏi gã. Chúng tôi không bao giờ gọi gã là một tên khốn kiếp mà lại không đạt được sự đồng thuận rất cao. Amber Ludwig phản đối cách gọi này vì cô ta bắt đầu phản đối những lời tục tĩu kể từ khi có bầu, nhưng thực sự thì cũng chẳng còn từ nào khác, và sự phản đối của cô ta thực ra cũng chỉ mang tính gọi là.

Khi Tom biết là mình sắp bị tống khứ, gã muốn ném chiếc máy tính của mình vào cửa sổ phòng làm việc. Benny Shassburger đang ở trong đó cùng với gã. Benny cũng chẳng phải bạn bè thân thiết gì của Tom cho cam nhưng anh ta là người vẫn thỉnh thoảng đi ăn trưa với Tom rồi báo cáo lại cho những người còn lại chúng tôi. Tin tức lan truyền rất nhanh là Tom đã bị cho nghỉ việc và lẽ tự nhiên Benny là người đến đó. Anh ta kể là Tom đang lồng lộn trong phòng làm việc của mình như một gã vừa bị tống vào tù. Anh ta kể là anh ta có thể hình dung trông Tom như thế nào vào cái đêm gã tới ngôi nhà ở Naperville với cây gậy nhôm và phải gọi cả cảnh sát để khống chế gã. Trước đó chúng tôi chưa bao giờ nghe câu chuyện này. Thế là ngay lập tức chúng tôi phải bắt Benny ngừng kể câu chuyện về giờ phút cuối cùng của Tom để kể chuyện chiếc gậy nhôm trước đã. Benny kinh ngạc khi thấy chúng tôi chưa được nghe chuyện đó; anh ta quả quyết là chúng tôi đã nghe rồi. Không, chúng tôi chưa bao giờ nghe cả. “Lượn ra khỏi đây đi,” anh ta nói. “Các cậu nghe chuyện này rồi còn gì.” Không, chúng tôi chưa nghe thật mà. Những cuộc đối thoại kiểu này bao giờ cũng diễn như vậy. Thế là Benny kể chuyện về Tom và cây gậy sau đó anh ta kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về giờ phút cuối cùng của Tom. Cả hai đều là những câu chuyện hấp dẫn và kết hợp lại với nhau chúng giết được tròn một tiếng đồng hồ. Một số người thích giết một tiếng đồng hồ giờ làm việc của công ty còn những người khác thì cảm thấy lương tâm cắn rứt sau đó. Nhưng bất kể cảm xúc cá nhân của anh về chuyện này như thế nào, anh vẫn phải giải trình về tiếng đồng hồ đó, và thế là anh tính nó vào hóa đơn cho một khách hàng. Đến cuối năm tài khóa, khách hàng của chúng tôi đã trả cho chúng tôi một khoản tiền đáng kể cho việc ngồi lê đôi mách, những chi phí mà họ chuyển tiếp sang cho các bạn, người tiêu dùng. Đó là chi phí kinh doanh, nhưng một số người trong chúng tôi sợ rằng đó là dấu hiệu cho thấy dấu chấm hết đang đến gần, cũng giống như sự trụy lạc diễn ra trước khi Đế chế La Mã sụp đổ. Liên quan đến cơ man nào là tiền, và một số trong đó nhỏ giọt xuống chỗ chúng tôi, một khoản nhỏ cho phép chúng tôi sống trong số một phần trăm những kẻ giàu có nhất thế giới. Đó là những ngày vui bất tận, cho đến khi quá trình giảm biên chế bắt đầu.

Tom muốn ném cái máy tính của mình vào cửa sổ, nhưng chỉ khi gã có thể bảo đảm rằng nó sẽ làm vỡ kính và hạ cánh xuống đường phố bên dưới. Gã đang lúi húi dưới gầm bàn rút dây dợ. “Sáu mươi tầng đấy, Tom,” Benny nói. Và Tom đồng ý rằng đó sẽ là một ý tồi nếu gã không thể phá vỡ kính. Nếu kính không vỡ người ta sẽ nói rằng Tom Mota thậm chí còn đếch biết phá phách thế nào cho đúng kiểu - gã không muốn chúng được hả hê như thế, lũ khốn nạn. Chúng tôi là lũ khốn nạn mà gã đang nói đến, một phần nào đó. “Nhưng tớ không nghĩ nó sẽ làm vỡ được kính,” Benny nói. Tom ngừng loay hoay với với chiếc máy tính của mình. “Nhưng tớ phải làm gì đó mới được,” gã vừa nói vừa ngồi thụp xuống.

Chúng tôi thiếu cái kiểu quẫn bách đó. Tòa nhà của chúng tôi nằm trên đường Michigan Mile, ở trung tâm Chicago, trên một góc phố cách hồ Michigan vài khối nhà. Nó mang hơi hướng của phong cách art deco và hai cánh cửa xoay sơn mạ. Chúng tôi nặng nề lê bước lên bậc thềm về phía cánh cửa xoay, e sợ những gì đang chờ đợi bên trong. Lúc đầu, chúng tôi bị cho nghỉ với số lượng lớn. Sau đó, quá trình này được tiến hành một cách chọn lọc hơn, từng người từng người một, mà họ thấy là thích hợp. Chúng tôi sợ kết cục của mình là Lower Wacker Drive[5]. Thất nghiệp, chúng tôi sẽ không được trả lương; không được trả lương chúng tôi sẽ bị tống khứ khỏi nhà mình; bị tống khứ, kết cục của chúng tôi sẽ là ở trên phố Lower Wacker Drive, chung chỗ với những chiếc xe mua hàng và dần sẽ có đôi bàn chân nứt nẻ, đen đúa. Thay vì nguệch ngoạc thêm cụm “Cấp cao” vào chức vụ hiện thời của mình, chúng tôi sẽ lục lọi các con hẻm tìm đầu mẩu thuốc còn rít được. Kể ra thì cũng vui khi hình dung cơn khốn quẫn sau rốt của mình. Nhưng cũng thật tuyệt vọng. Chúng tôi thực lòng không thể nào tin nổi mình sẽ bị bấm còi từ những chiếc Lexus của các đồng nghiệp cũ khi họ lái xe qua Lower Wacker trên đường về nhà ở vùng ngoại ô. Chúng tôi không nghĩ mình sẽ buộc phải vẫy chào họ từ những chiếc thùng phuy đốt lửa của mình. Nhưng việc chúng tôi có thể sẽ phải điền tờ khai thất nghiệp qua mạng Internet cũng không phải là không thể xảy ra. Việc chúng tôi có thể phải vật lộn để trả tiền thuê nhà hoặc tiền vay thế chấp là một viễn cảnh có thật và đáng sợ.

Nhưng dù sao chúng tôi vẫn đang sống, chúng tôi phải ghi nhớ điều đó. Mặt trời vẫn rọi vào khi chúng tôi ngồi ở bàn làm việc của mình. Có những ngày đúng là chỉ vừa đủ để nhìn ra ngoài những đám mây và nóc của các tòa nhà. Chúng tôi vì thế mà phấn chấn hơn, trong giây lát. Nó khiến chúng tôi “hạnh phúc”. Thậm chí chúng tôi còn có thể trở nên tốt bụng khác thường. Ví dụ như cái lần chúng tôi tuồn thuốc lá Old Gold vào phòng bệnh của Frank Brizzolera. Hoặc khi chúng tôi dự đám tang cô con gái nhỏ của Janine Gorjanc, được tìm thấy đã chết ngạt trong một bãi đỗ xe bỏ không. Thật khó mà tin nổi một chuyện như vậy có thể xảy ra với một người chúng tôi quen biết. Nếu anh chưa từng chứng kiến một người mẹ ở đám tang cô con gái bị sát hại thì cũng coi như anh chưa từng thấy một người than khóc. Cô bé mới có chín tuổi đầu. Một đêm cô bé bị bắt đi qua khung cửa sổ để ngỏ. Chuyện này được nhắc đầy trên các báo. Mới đầu chỉ là mất tích. Sau đó người ta tìm thấy thi thể cô bé. Chứng kiến Janine ở đám tang, xung quanh là những bức ảnh của cô bé Jessica, gia đình cố đỡ chị đứng dậy - thậm chí cả Tom Mota cũng tan nát cõi lòng. Sau đó lúc chúng tôi đang ở ngoài nhà tang lễ, trong bãi đỗ xe buồn rầu nói chuyện với nhau, thì Tom bắt đầu đập phá chiếc Miata đời 1994 của mình. Chẳng bao lâu sau tất cả mọi người đều chú ý đến gã. Gã đấm nắm tay vào cửa kính và buông ra những tiếng hét “Mẹ kiếp!”khủng khiếp. Gã đạp vào cánh cửa và lốp xe. Cuối cùng gã đổ sụp xuống cạnh thùng xe, người rung lên nức nở. Đó không phải là hành vi gì quá đáng trong hoàn cảnh như vậy, nhưng chúng tôi hơi ngạc nhiên khi thấy Tom có vẻ là người bị tác động mạnh nhất. Gã nằm vật ra trên bãi đỗ xe của nhà tang lễ trong bộ vest và cà vạt, nức nở như một đứa trẻ. Một vài người bước tới an ủi gã. Chúng tôi cho rằng thái độ của gã như vậy phần nào cũng liên quan đến chuyện vợ cũ của gã đưa các con tới Phoenix. Có một điều chúng tôi biết chắc - bất chấp tất cả những sự đoan chắc của chúng tôi, khó mà đoán được một người nào đó đang nghĩ gì tại một thời điểm nhất định.

Chúng tôi tin rằng những đợt suy thoái đã trở thành lạc hậu bởi công nghệ tinh vi của nền kinh tế mới. Chúng tôi tưởng mình đã miễn nhiễm khỏi những thứ như đóng cửa nhà máy ở Iowa và Nebraska, nơi những người Mỹ vùng sâu vùng xa vật lộn với nơi ăn chốn ở và nợ thẻ tín dụng. Chúng tôi xem những người lao động chân tay đó được phỏng vấn trên ti vi. Do độ dài của đoạn băng, không thể nào không cảm thấy sự buồn bã và lo lắng mà chắc hẳn họ cảm thấy cho bản thân mình và gia đình. Nhưng chúng tôi nhanh chóng chuyển tiếp sang chương trình thời tiết và thể thao rồi đến khi chúng tôi lại nghĩ đến họ, thì đó đã là một nhà máy khác ở một thành phố khác, và chính quyền bang đang cung cấp các chương trình chuyển đổi việc làm cho công nhân, các dịch vụ điều chỉnh và tái đào tạo, rồi lại còn các hội thảo kỹ năng nữa chứ. Họ sẽ ổn cả thôi, ơn Chúa là chúng tôi không phải lo lắng về một điều bất hạnh như vậy. Chúng tôi là những công dân của thế giới văn phòng, được hậu thuẫn bởi bằng cấp hoành tráng và được lót bằng lớp mỡ của doanh nghiệp. Chúng tôi đứng trên những lực lượng thị trường đỏng đảnh do sản xuất thừa và quản lý kém lượng hàng tồn kho.

Chúng tôi đã không tính đến rằng trong một giai đoạn suy thoái, chúng tôi chính là lượng hàng tồn kho bị quản lý kém, và chúng tôi sắp bị tống khứ như một đống bảng vi mạch nhập khẩu thừa thãi. Trên đường lái xe về nhà chúng tôi băn khoăn không hiểu ai là người tiếp theo. Scott McMichael là người tiếp theo. Vợ anh ta vừa mới sinh con. Sharon Turner là người tiếp theo. Vợ chồng cô ta vừa mới mua nhà. Những cái tên - chỉ là những cái tên đối với bất kỳ ai khác, nhưng đối với chúng tôi thì đó là những cá nhân gợi cho chúng tôi niềm thông cảm sâu sắc nhất. Những người cho đồ của mình vào hộp, bắt vài bàn tay, và bỏ đi không một lời kêu ca. Họ chẳng có lựa chọn gì trong chuyện này, và họ có một kiểu buông xuôi lặng lẽ trước số phận hẩm hiu của mình. Khi họ rời đi, chúng tôi cảm tưởng đó hầu như là một sự hy sinh. Họ ra đi, để chúng tôi có thể ở lại. Và chúng tôi ở lại, mặc dù trái tim chúng tôi đi ra cùng với họ. Sau đó đến Tom Mota, kẻ muốn ném máy tính của mình vào cửa sổ.

Gã để râu dê và lực lưỡng như một con chó bun, chắc nịch, chân tay ngắn ngủn và cái cổ nần nẫn thịt. Gã không thuộc về nơi chúng tôi đang ở. Nói như thế không hẳn là hạ mình gì mà chủ yếu để cố diễn tả một sự thật mang tính xây dựng. Chắc hẳn gã sẽ hạnh phúc hơn nếu ở nơi nào khác - đốn cây trong rừng, hoặc quăng lưới cho một ngư trường ở Alaska. Thay vào đó, gã mặc đồ kaki, ngồi trên sofa góc uống cà phê sữa, thảo luận cách tốt nhất để làm cho nhãn hiệu tã giấy của khách hàng của chúng tôi đồng nghĩa với “thấm tốt hơn”. Ấy là nói cái hồi chúng tôi vẫn còn khách hàng sản xuất tã giấy. Sau khi quyết định không ném chiếc máy tính của mình vào cửa sổ, Tom lưu luyến những quyển tạp chí của gã. Gã nói với Benny, “Benny, anh bạn, cậu phải lấy đống tạp chí của tớ ở chỗ Jim về. Thằng chó ấy giữ chúng hai tháng rồi. Tớ sẽ không rời khỏi đây mà không có chúng - nhưng tớ không thể đi ra ngoài kia. Tớ không muốn phải nhìn thấy bất kỳ ai.” Khi Benny kể cho chúng tôi nghe điều đó, chúng tôi cảm thấy thương hại cho Tom. Tất nhiên Tom chẳng đời nào muốn như thế. Gã sẽ nhổ thẳng sự thương hại đó vào mặt chúng tôi. Chẳng ai muốn lòng thương hại cả. Họ chỉ muốn biến thẳng ra khỏi đây, cho khuất mắt, để làm dịu bớt nỗi đau của sự chế giễu, và sau đó họ chỉ muốn quên đi toàn bộ trải nghiệm khốn nạn này. Họ không thể làm cái việc đi ra sảnh lấy lại những cuốn tạp chí. Mười phút sau Benny quay lại phòng làm việc của Tom với những quyển tạp chí Car and Driver, Rolling Stone, Guns and Ammo cũ rích. Tom đang ngồi trên sàn phòng làm việc, lên dây đồng hồ. Benny nói, “Tom.” Tom không trả lời. “Tom?” Benny nói. Tom vẫn mải miết lên dây đồng hồ. Sau đó gã đứng lên, mở một ngăn kéo bàn, và lôi ra một trong những cái áo phông công ty mà gã vẫn mặc nhiều ngày liền. Cái màu xanh lam (áo của Benny) và cái màu xanh lục (của Jim) cũng ở trong ngăn kéo bàn. Tom cởi áo sơ mi của mình ra và mặc chiếc áo phông màu đỏ vào. “Chúng nghĩ tớ là một thằng hề,” gã nói với Benny. Benny trả lời, “Không. Không ai nghĩ cậu là thằng hề cả, Tom. Họ túm được bi của cậu rồi, anh bạn - mọi người đều biết điều đó.” “Đưa cho tớ cái kéo kia,” Tom nói. Benny kể là anh ta ngoái lại sau lưng thì thấy một chiếc kéo trên giá sách của Tom. Benny nói với chúng tôi là anh ta không hề muốn đưa kéo cho Tom. “Chúng nghĩ tớ là một thằng hề,” Tom lặp lại khi anh ta bước tới giá sách tự chộp lấy chiếc kéo rồi bắt đầu cắt vào đầu gối ống quần là thẳng li. “Cậu đang làm gì vậy, Tom?” Benny vừa hỏi vừa cười khùng khục lo lắng. Anh ta vẫn còn đang cầm mấy cuốn tạp chí cũ của Tom. Anh ta đứng nhìn Tom lia kéo một vòng cho đến khi ống quần rơi xuống mắt cá chân gã. Sau đó gã bắt tay vào cắt một bên ống tay chiếc áo phông, ở phía đối diện với ống quần đã bị cắt ngắn. “Tom,” Benny nói. Chẳng mấy chốc đã trông thấy cánh tay rám nắng của Tom hở ra đến tận vai. Một hình xăm dây thép gai quấn quanh bắp tay anh ta. “Tom, nghiêm túc đấy - cậu đang làm gì vậy?”

“Cậu làm ơn hộ tớ một việc được không,” Tom hỏi, “cắt một lỗ ở sau lưng áo cho tớ?”

“Tom, tại sao cậu lại làm thế này?”

Thỉnh thoảng phải dùng đến những biện pháp quyết liệt. Có những lần có người phải mang một gói bưu phẩm lên xe lái một mạch tới chi nhánh của hãng chuyển phát nhanh FedEx ở Palatine nơi có thời gian chuyển hàng nhanh nhất trong toàn bang chỉ để bảo đảm hàng được chuyển đến nơi qua một đêm. Một mẫu quảng cáo mới phải trình bày với khách hàng vào thứ Hai có nghĩa là một tuần liền phải làm việc đến một giờ sáng và tranh thủ ngủ vài tiếng đồng hồ trên những chiếc sofa vạ vật vào Chủ nhật. Nó được gọi là trường hợp chuông báo cháy, và một khi nó xảy ra bạn phải bỏ tất cả lại một bên. Không còn chuyện đến phòng thể dục nữa. Vé xem hát cũng bị hủy. Bạn không được gặp ai hết, từ đứa con năm tuổi, nhà tư vấn hôn nhân, nhà tài trợ, thậm chí đến cả con chó của bạn cũng không nốt. Chúng tôi sợ chuông báo cháy. Đồng thời tất cả chúng tôi đều cùng tham gia vào đó, và sự biến đổi của nhóm có thể khiến chúng tôi sửng sốt, sau năm ngày đổ mồ hôi sôi nước mắt. Ăn đồ mua về, cười nói quanh một ngăn làm việc, cùng dồn tâm trí giải quyết việc nào đó khó nhằn - năm sáu ngày liền như thế và không cách nào miễn dịch nổi trước sự thân thiết đó. Những người chúng tôi làm việc cùng, với tất cả những khiếm khuyết hạn chế cố tật của họ - chúng tôi phải thú nhận với chính mình, hóa ra cũng không đến nỗi quá tệ. Mà cái đó ở đâu ra nhỉ? Do đâu mà nảy nòi ra sự thân thiết này? “ ‘Tình yêu ngập tràn lòng ta dành cho người anh em của mình’,” Hank Neary nói, trích dẫn này nọ. Lúc nào anh ta cũng trích dẫn này nọ và chúng tôi ghét cái thói đó, trừ phi chúng tôi đang ở trong giai đoạn có chuông báo cháy, trong trường hợp ấy chúng tôi yêu quý anh ta như một người anh em. Thứ tình yêu đó sẽ tiêu tan trong vòng một tuần. Nhưng trong thời gian đó, công việc là một nguồn suối, một nguồn ánh sáng chân chính, nuôi dưỡng một cộng đồng chan chứa yêu thương.

Rồi suy thoái ập đến và thế là chẳng còn chuông báo cháy nào nữa cả. Không còn cảnh hộc tốc chạy đến Palatine, không còn những đêm làm việc đến một giờ sáng, không còn tình yêu ngập tràn lòng ta dành cho người anh em của mình.

Benny đi xuống thang máy cùng với Tom. Với bộ quần áo cắt tả tơi, trông Tom như kẻ bị đánh dạt vào bờ sau một vụ đắm tàu, nát bươm và bấu víu vào đúng một tấm ván. Giày tất của gã đã được cởi ra, để trong phòng làm việc cùng những quyển tạp chí bị bỏ lại, mấy bức ảnh chân dung chụp ở studio Kmart của các con gã, và đống vải vứt đi từ quần áo gã.

“Cậu định làm gì vậy?” Benny hỏi.

“Cậu nghĩ tớ định làm gì?” Tom hỏi một cách cường điệu, đúng lúc họ vừa xuống đến tiền sảnh. “Tớ định đi tìm một công việc mới.”

“Không,” Benny nói. “Ý tớ là ngay bây giờ ấy. Cậu định làm gì ngay bây giờ?”

Họ ra khỏi thang máy. Tom đã dốc hết bút máy và bút chì ra khỏi một chiếc ca gã vẫn để trên bàn và giờ thì chiếc ca rỗng không đó là vật sở hữu duy nhất của gã. Tom dừng lại ở gờ cửa chờ thang máy bằng đá cẩm thạch và chăm chú nhìn những thang máy khác đi xuống. “Cậu có bao giờ đọc Ralph Waldo Emerson không?” Tom hỏi Benny. Benny không biết phải đứng ở chỗ nào. Anh ta kể với chúng tôi là anh ta không biết tại sao họ lại dừng ở chỗ gờ cửa chờ thang máy. “Cậu đang định làm gì vậy, Tom?” “Hãy nghe những gì Emerson nói,” Tom nói. Tom bắt đầu trích dẫn. “ ‘Bất chấp tất cả thói khôn lỏi của chúng ta, bất chấp sự nô lệ vào thói quen đến mức hủy hoại tâm hồn chúng ta, không thể nghi ngờ một điều rằng tất cả mọi người đều có những ý nghĩ cao cả’. Cậu đã nghe thấy chưa, Benny? Cậu đã nghe thấy chưa, hay cậu cần tớ đọc lại cho cậu nghe?” “Tớ nghe thấy rồi,” Benny trả lời. “Chúng chưa bao giờ biết tớ,” Tom vừa nói vừa lắc đầu và giơ tay chỉ vào lũ khốn kiếp đó. “Chúng chưa bao giờ biết.”

Thang máy đầu tiên đến, và những người đi ăn trưa từ hãng luật bước ra. Tom giơ chiếc ca rỗng của gã ra trước mặt họ. “Xin hãy cứu giúp kẻ thất nghiệp được không ạ?” gã vừa hỏi vừa lắc lắc chiếc ca. “Ôi, xin hãy giúp đỡ kẻ không nghề nghiệp này được không?”

“Tom,” Benny nói.

“Benny, có cút đi không thì bảo? Hãy giúp tôi với, anh bạn, xin anh làm ơn? Tôi vừa mới mất việc hôm nay.”

Và đó là giờ phút cuối cùng của Tom.

Chúng tôi nghe chuyện này từ Benny ngay sau khi anh ta kể cho chúng tôi nghe câu chuyện Tom vác một cây gậy nhôm đến ngôi nhà ở Naperville như thế nào khi gã biết là bọn trẻ đang ở nhà bà ngoại, và tất cả những gì về mặt pháp lý được cho là “của Tom” trong phán quyết ly hôn, tất cả những gì “của Tom” và có thể bị đập nát tan tành bằng một cây gậy nhôm, đều phải lãnh đủ cú đập của Tom cho tới khi cảnh sát đến để khống chế gã.

Amber Ludwig, người có thân hình chắc lẳn, núc ních của một con hải cẩu, với hai bàn tay rất nhỏ và cặp mắt đen sát gần nhau, nói rằng cô ta sợ Tom sẽ quay trở lại và xả súng như người ta vẫn nghe thấy trên các bản tin. “Không, nghiêm túc đấy,” cô ta nói. “Tôi nghĩ hắn chưa chịu để yên đâu. Mà tôi không nghĩ hắn có lúc nào chịu để yên.”

Amber chưa lộ bụng bầu nhưng tất cả mọi người đều đã biết. Cô ta đang cân nhắc bỏ cái thai nhưng, trước sự thất vọng vô cùng của Larry Novotny, có vẻ như đang nghiêng về phía chống lại ý định đó. Larry sẽ phải quyết định làm gì với vợ mình, người cũng vừa mới sinh con trước đó chưa lâu. Chúng tôi cảm thấy thương cho Larry, suốt mùa xuân năm đó anh ta cứ ngồi nhai cái lưỡi trai cong queo, bẩn thỉu trên chiếc mũ bóng chày đội Cubs, nhưng chúng tôi nghĩ rõ ràng là lẽ ra anh ta phải giữ súng của mình trong quần mới phải. Chúng tôi cũng cảm thấy thương cho Amber, nhung như tất cả mọi người đều biết, muốn nhảy tango thì cũng phải có hai người. Chúng tôi chỉ hy vọng là họ không làm điều đó trên bàn làm việc của chúng tôi.

Chúng tôi hỏi Amber là cô ta có thực sự, thực sự nghĩ rằng Tom có thể gây ra một vụ tắm máu không.

“Có chứ,” cô ta nói. “Với hắn thì chẳng có gì là không thể cả. Hắn là một thằng điên.”

Chúng tôi cố thuyết phục cô ta rằng những chuyện như vậy chỉ xảy ra tại các nhà máy và kho hàng, và như thế thì chỉ có ở mạn Bờ Nam thôi. Một cuộc tranh luận nổ ra. Liệu Tom có thể làm thật không? Hay gã chỉ là một thằng hề? Cái trò ở đám tang con gái Janine là thế nào nhỉ, khi mà gã cứ khóc mãi không thôi, ngay cả sau khi chúng tôi đã đến quán bar? Chẳng phải đó là bằng chứng cho thấy thằng cha đó cũng có trái tim sao?

“Được rồi,” Amber nói, “được rồi, nhưng các anh gọi cái trò đứng trên lỗ thông hơi khoe mông với những người đi bơi từ cửa sổ phòng hắn là gì? Thế gọi là gì nào?” cô ta hỏi.

Cô ta đang nói đến cái bể bơi trên sân thượng khách sạn Holiday Inn mà phòng làm việc của Tom trông xuống, và cái kiểu Tom vẫn đứng sát vào mặt kính mà áp cả mông vào. Trêu đùa! Chúng tôi kêu ầm lên. Cho vui thôi mà! Thế sao gọi là điên được. Amber hoàn toàn bị áp đảo. Chúng tôi biết Tom. Chúng tôi biết Alan Glew, Linda Blanton, Paul Saunier. Chúng tôi biết Neil Hotchkiss cùng với Cora Lee Brower và Harold Oak. Không có ai trong số họ là người có thể quay lại đây với một cơn ác mộng trong ba lô. Họ đã bị cho nghỉ việc. Họ đã gói ghém đồ của mình. Họ chia tay chúng tôi mãi mãi, không bao giờ quay lại.

Tất cả mọi người đều ngạc nhiên khi Janine quay lại. Tất nhiên ai cũng hiểu là chị có thể quay lại bất kỳ lúc nào chị muốn. Chúng tôi chỉ không nghĩ, xét theo tất cả những gì chị đã phải trải qua, là chị quay trở lại đây, tiếp tục công việc hằng ngày trước kia - làm sao việc đó có thể giúp làm vơi bớt nỗi đau đớn của chị? Nhưng có thể đó chính là những gì chị cần, công việc gì đó để khuây khỏa tâm trí chị. Trông chị như già đi, nhất là trong đôi mắt. Những chiếc áo của chị thật nhàu nhĩ. Mái tóc màu nâu mỏng quẹt và xơ xác trong khi trước kia ngày nào chị cũng chải chuốt kỹ càng, và có những ngày chị hôi rình. Ngày đầu tiên chị quay lại làm việc, chị cảm ơn chúng tôi vì những tờ rơi. Lynn Mason đã nảy ra sáng kiến in tờ rơi khi chúng tôi biết tin cô bé bị mất tích. Genevieve Latko-Devine, vốn được coi là người tốt bụng và tử tế nhất trong chúng tôi, đã lái xe đến tận Bắc Aurora, nơi gia đình Gorjanc sống, để lấy một bức ảnh của Jessica. Cô ta quay trở lại văn phòng với một bức chân dung chụp hồi lớp bốn. Chúng tôi scan bức ảnh, tải nó lên máy chủ, và bắt đầu thực hiện bản quảng cáo.

Genevieve ngồi ở máy tính tiến hành công việc. Jessica là một cô bé bình thường với mái tóc màu sáng và nước da nhợt nhạt cùng nụ cười không may lại méo xẹo. Chúng tôi bảo Genevieve rằng cứ thế này sẽ chẳng ai chú ý đến Jessica cả.

“Vậy các cậu muốn tôi phải làm gì bây giờ?” cô ta hỏi.

“Chúng ta hãy sửa sang lại một chút,” Joe Pope nói. “Cho ảnh cô bé vào Photoshop.”

Chúng tôi làm việc bằng những chiếc máy tính Mac. Một số trong chúng tôi có những chiếc Mac mới, một số có máy tính xách tay cấu hình cao, và một số linh hồn bất hạnh phải đạp điên cuồng dưới gầm bàn để giữ cho tia lửa điện chạy qua những mẫu máy tính đã tuyệt chủng của mình. Chúng tôi tạo những lớp ma két trong QuarkXPress[6]; tất cả những điều chỉnh hình ảnh đều được chúng tôi làm bằng Photoshop. Genevieve cho bức ảnh cô bé vào Photoshop và bắt đầu chỉnh sửa mái tóc cùng những vết tàn nhang của cô bé. Chúng tôi xem thử và mọi người đều nhất trí rằng cô bé vẫn sẽ bị bỏ qua.

“Thử làm chỗ này tối hơn một chút xem,” Joe vừa nói vừa lấy ngón tay khoanh một vòng quanh khuôn mặt cô bé. “Chúa ơi, màn hình của cô bẩn quá,” anh ta nói thêm. Anh ta lấy ra một tờ khăn giấy từ hộp của cô ta và lau bụi. Anh ta ngắm nghía lại. “Giờ thì trông cô bé còn nhợt nhạt hơn cả lúc trước.”

Genevieve thử một vài thủ thuật khác. Chúng tôi nhìn cô bé. Joe lắc đầu. “Bây giờ trông cô bé như bị cháy nắng,” anh ta nói. “Cho trở lại như cũ một chút.”

“Tôi nghĩ chúng ta đang quên mất mục đích quan trọng nhất ở đây,” Genevieve nói.

Nhưng chúng tôi sợ là nếu trông cô bé nhợt nhạt quá, mọi người sẽ không thèm để mắt đến tờ rơi.

Genevieve không hề thiếu những lời gợi ý mới. “Cho đậm chữ ‘MẤT TÍCH’ lên một chút,” Jim Jackers nói.

“Và cho nổi thêm dòng chữ thưởng 10.000 đô la,” Tom gợi ý. “Tớ không biết bằng cách nào, chỉ là... sử dụng một phông chữ khác chẳng hạn.”

“Và cậu có một số vấn đề về giãn cách,” Benny đứng bên cạnh nhắc nhở.

Tất cả chúng tôi đều muốn giúp. Genevieve vật lộn với bức ảnh thêm một tiếng đồng hồ nữa, thêm chỗ này bớt chỗ kia, cho đến khi ai đó đề xuất cô ta sửa cho nụ cười của cô bé trông đỡ méo xẹo hơn. Như thế trông Jessica sẽ xinh xắn hơn.

“Được rồi,” cô ta kết luận, “đến đây chúng ta chính thức xong việc nhé.”

Chiều hôm đó chúng tôi lôi ra hết bản in màu này đến bản in màu khác và chia chúng trong phòng phát hành. Mấy người trong chúng tôi lái xe ra Bắc Aurora và dành cả buổi tối đi dán chúng - ở thư viện công cộng, trung tâm của Hội Thanh niên Cơ Đốc giáo YMCA, lối vào những cửa hàng tạp phẩm, trong các quán cà phê Starbucks và rạp chiếu phim và cả trong những cửa hàng đồ chơi Toys “R” Us, và trên tất cả các bốt điện thoại quanh vùng. Ba ngày sau người ta tìm thấy cô bé trong giấy bọc ni lông tại một bãi đất bỏ không.

Chúng tôi treo đồ trang trí và chuẩn bị bánh cho ngày trở lại của Janine. Ngày hôm sau Joe Pope tìm thấy chị đang khóc trước gương trong phòng vệ sinh nam. Chị đã rối trí và đi vào nhầm cửa. Họa hoằn lắm mới biết tin tức gì đó từ Joe Pope, vì anh ta không nói chuyện với nhiều người, nên lẽ ra chúng tôi đã không biết là anh ta tìm thấy Janine trong phòng vệ sinh nam. Nhưng anh ta đã nói chuyện với Genevieve Latko-Devine, và Genevieve nói chuyện với Marica Dwyer, và Marcia nói chuyện với Benny Shassburger, và Benny Shassburger nói chuyện với Jim và Amber, hai người này lại nói chuyện với Larry và Dan Wisdom và Karen Woo, mà Karen thì chưa bao giờ gặp ai cô ta lại chưa nói chuyện. Không sớm thì muộn tất cả mọi người sẽ biết tất cả mọi chuyện, đó là lý do tại sao chúng tôi lại biết là Janine vẫn chưa vượt qua được nỗi đau mất mát của chị, hoàn toàn không một chút nào, vì chị đã rối trí mà đi nhầm vào phòng vệ sinh nam. Chúng tôi hình dung ra chị bên bồn rửa, tì vào thành đá cẩm thạch để đứng vững, đầu gục xuống và đôi mắt mệt mỏi nhỏ những giọt nước nặng trĩu, hoàn toàn không nhận ra những bồn tiểu nam trong gương. Sau khi quay lại, chị hầu như không bao giờ mở lời trong bữa trưa.

Chúng tôi nói về chuyện Janine đi nhầm vào phòng vệ sinh nam. Không một ai nghĩ là nên giữ kín chuyện này, nhưng chúng tôi cẩn thận không chế giễu sự kiện đó hoặc biến nó thành một trò đùa. Có vài kẻ làm thế, nhưng không nhiều. Đó rõ ràng là một bi kịch. Chúng tôi biết chuyện, nhưng làm thế nào chúng tôi lại có thể biết một chút nào về nó nhỉ? Một số người thảo luận chuyện này để phá vỡ lề thói cũ, nhưng hầu hết chúng tôi sử dụng thông tin đó để giải thích tại sao chị lại yên lặng trong giờ ăn trưa. Sau đó chúng tôi không đả động đến chuyện toilet nam nữa. Tức là cho đến khi Janine bắt đầu mang ảnh của Jessica vào văn phòng đặt lên kệ tủ và giá sách rồi treo lên tường. Những bức ảnh chen chúc nhau, chen vai thích cánh tìm chỗ. Một trăm bức ảnh cô con gái xấu số của chị trong vẻn vẹn gần bảy mét vuông văn phòng. Ba bức trên mặt tường đối diện với chị là những thứ thê lương nhất chúng tôi từng nhìn thấy. Lại còn làm người ta phải sởn gai ốc thực sự. Đến mức mà chúng tôi cố gắng tránh vào văn phòng của chị. Mỗi khi bắt buộc phải vào, vì công chuyện cấp bách nào đó, chúng tôi không biết phải để ánh mắt vào đâu nữa.

Một buổi chiều thứ Ba trong tháng Năm, Lynn Mason sắp xếp một buổi họp triển khai công việc. Chúng tôi tụ tập trong phòng chị để tham gia cuộc họp. Những cuộc họp triển khai công việc khiến chúng tôi sung sướng vì chúng có nghĩa là chúng tôi có việc để làm. Chúng tôi làm ở bộ phận sáng tạo xây dựng những mẩu quảng cáo và chúng tôi coi công việc quảng cáo của mình là sáng tạo, nhưng nó không sáng tạo bằng một nửa cái việc chúng tôi bỏ công làm dày dặn bảng chấm công của mình mỗi buổi sáng thứ Hai kể từ khi quá trình cắt giảm biên chế bắt đầu. Một cuộc họp triển khai công việc có nghĩa là chúng tôi sẽ có công việc thực sự khiến cho bảng chấm công tuần sau đó trông sẽ đỡ đáng sợ hơn. Nhưng một số người không thích những cuộc họp triển khai công việc khi chúng được bố trí vào lúc mười hai giờ mười lăm. “Đó là lúc hầu hết chúng ta đi ăn trưa, phải không nào?” Karen Woo nói. Bữa trưa đối với Karen là cả một thánh lễ. “Tại sao không bố trí họp vào lúc mười một giờ mười lăm?” cô ta hỏi. “Hoặc thậm chí là một giờ?” Hầu hết những người còn lại trong chúng tôi thì chỉ nghĩ, chẳng sao cả, chỉ cần ăn trưa muộn một tiếng đồng hồ thôi mà. “Nhưng mà tớ đói,” Karen nói. Có vẻ cô ta không có nhiều cảm thông cho lắm với việc Lynn Mason vừa phát hiện ra là chị bị ung thư và có thể có những suy nghĩ khác cô ta. Vả lại, Lynn có thể bố trí lịch họp vào bất kỳ lúc nào chị muốn - chị là bà chủ cơ mà. “Tất nhiên chị ấy có thể xếp lịch họp lúc nào tùy ý,” Karen nói. “Nhưng chị ấy có nên làm thế không? Đó mới là câu hỏi. Chị ấy có nên không?” Nhiều người trong chúng tôi nghĩ Karen nên tự thấy mình may mắn khi còn chưa mất việc.

Trong khi chờ đợi Lynn đến, chúng tôi giết thời gian bằng việc nghe Chris Yop kể chuyện chiếc ghế của Tom Mota. Chúng tôi thích giết thời gian và đã hoàn thiện nhiều cách để làm việc đó. Chúng tôi lê la khắp các hành lang mang theo giấy tờ làm ra vẻ đang bận bịu công việc gì đó trong khi thực ra chúng tôi đang đi tìm kẹo miễn phí. Chúng tôi đi rót thêm cà phê vào cốc ở các tầng không phải của mình. Hank Neary là một con mọt sách. Anh ta đến sớm trong chiếc áo khoác nhung tăm màu nâu với một cuốn sách mượn của thư viện, copy hết các trang trên chiếc máy Xerox, rồi ngồi ở bàn làm việc của mình đọc cái mà những người đi qua cứ tưởng là giấy tờ công việc đoan trang. Cứ hai ba ngày là anh ta lại giải quyết xong một cuốn tiểu thuyết hai trăm trang. Billy Reiser, làm việc ở một nhóm khác và đi lại hơi tập tễnh, thì là một fan nhiệt thành của đội bóng chày Cubs. Cậu ta có một người bạn chuyên lắp đặt chảo vệ tinh. Họ bí mật lên mái nhà, lắp đặt một chảo vệ tinh điều khiển từ xa ở một nơi khuất nẻo, rồi bố trí sao cho tín hiệu dội ngược từ tòa nhà bên cạnh vào phòng làm việc của Billy. Sau đó bạn của Billy bố trí một chiếc ti vi dưới bàn làm việc của cậu ta, nghiêng theo một góc nhất định để nếu như Billy ngồi lùi ghế lại phía sau một chút là cậu ta có thể nhìn xuống xem được hình. Khi tất cả đã xong xuôi, cậu ta có đến hai trăm kênh và có thể theo dõi đội Cubs ngay cả ở những trận đấu sân khách. Chúng tôi tụ tập ở đó với số lượng hạn chế khi Sammy Sosa đang chạy về chốt nhà để ghi điểm. Vấn đề là Billy lo sợ có người sẽ phát hiện ra vụ chảo vệ tinh, nên cứ mỗi lần Sammy cố cú ăn điểm và chúng tôi hò hét như điên là chúng tôi lại bị đá đít ra ngoài.

Tom Mota đã bị cho nghỉ vào cái tuần trước khi Chris Yop kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về chiếc ghế của gã. Yop kể anh ta đang dọn dẹp bàn làm việc của mình thì ngẩng đầu lên và nhìn thấy người quản lý văn phòng đứng ở ngưỡng cửa. Mụ quản lý văn phòng của chúng tôi toát ra mùi cây phỉ và sợi thảm, có một cái mụn ruồi to đùng trên má trái, và không bao giờ mở miệng chào bất kỳ ai. Nghe đồn là, giống như bọn kiến, lưng mụ có thể chịu nổi gánh nặng gấp mấy lần trọng lượng cơ thể. Mụ đứng ở cửa phòng Yop, hai cánh tay khoanh lại, dựa vào khung cửa và chằm chằm nhòm giá sách của Yop. Mụ hỏi đó có phải là giá sách của Tom Mota không. “Thế là tôi bảo mụ ta,” Yop kể với chúng tôi, “ ‘Của Tom Mota? Gì cơ, cái này ấy à?’ ‘Cái giá sách ấy,’ mụ nói. ‘Có phải giá sách của Tom không?’ ‘Giá sách ấy à? Không,’ tôi nói, ‘đây không phải là giá sách của Tom. Đây là giá sách của tôi.’ ‘Hừm, có người lấy giá sách của Tom ra khỏi văn phòng của anh ta,’ mụ ta bảo tôi, ‘và tôi phải lấy lại nó.’ Ở thời điểm đó Tom vừa bị hót đi, bao nhiêu nhỉ, một ngày phải không? Chuyện xảy ra thứ Ba tuần trước - ý tôi là cái xác thậm chí còn chưa lạnh, thế mà mụ ta lại đứng ở ngay ngưỡng cửa và buộc tội tôi ăn cắp? Thế là tôi nhắc lại với mụ ta, tôi nói, ‘Đây không phải giá sách của anh ta, đây là giá sách của tôi.’ Nhưng đến lúc này thì mụ đã bước vào phòng tôi, đúng vậy đấy, phăm phăm vào. Mụ ta bước vào phòng tôi và bảo, ‘Đây có phải là ghế của anh ta không? Có phải anh đang ngồi trên ghế của Tom không?’ Mụ ta chỉ vào nó, đúng thế đấy. Mụ ta nghĩ đó là ghế của anh ta. Đó là ghế của tôi cơ mà. Còn kia là giá sách của anh ta, cái đấy thì chắc chắn rồi. Tôi mang nó ra khỏi phòng làm việc của anh ta khi anh ta bị hốt đi rồi khiêng về phòng mình. Nhưng chắc như đinh đóng cột đó không phải là ghế của anh ta. Đó là ghế của tôi cơ mà! Thế là tôi bảo, ‘Đây á? Đây là ghế của tôi. Cái ghế này là của tôi.’ Và mụ ta bảo, mụ ta bước thẳng vào phòng và đứng rất sát vào tôi, mụ ta bảo, mụ ta chỉ đứng cách tôi có hơn gang tay, có thể là ba gang tay, mụ ta vừa bảo, vừa chỉ vào ghế của tôi, ‘Anh có phiền không nếu tôi kiểm tra qua số series?’ Nào, có ai biết về chuyện đó không?” anh ta hỏi chúng tôi. “Ai đã biết về cái vụ số series này nào?” Không một ai trong chúng tôi từng nghe nói gì về số series cả. “Đúng, số series,” Yop nói tiếp. “Họ gắn số series vào đằng sau tất cả mọi thứ. Bằng cách đó họ có thể theo dõi mọi thứ, ai có cái gì và nó đang ở phòng nào. Các cậu có biết chuyện này không?”

Chúng tôi để anh ta tiếp tục huyên thuyên vụ số series vì cơn phẫn nộ của anh ta là đặc thù của thời điểm đó. Chris là một người dễ bị kích động, và càng nói thì cả khuôn mặt anh ta hình như càng run bắn lên. Hai bàn tay đầy sinh động của anh ta hơi run rẩy một chút, như thể đang vật lộn với một cơn say chất caffeine. Anh ta đã khuyến khích chúng tôi gọi anh ta là Yop vì nó khiến anh ta cảm thấy trẻ trung hơn, sành điệu hơn và dễ được chấp nhận hơn. Anh ta nuôi dài mái tóc đang ngả màu muối tiêu của mình, nên nó quăn lên ở gần tai, nhưng tuổi tác đã làm nó thưa đi trên đỉnh đầu. Anh ta kết hôn với một người phụ nữ tên là Terry và vào cuối tuần anh ta chơi những bản nhạc rock dở ẹc cho một ban nhạc chuyên hát lại những bài của thập niên 1970. Lúc nào anh ta cũng hỏi mọi người là dạo này họ đang nghe gì. Chúng tôi thấy anh ta nửa đáng quý, nửa đáng thương khi đi qua phòng anh ta và nghe thấy album nhạc rap mới toanh nào đó vọng ra từ máy nghe đĩa của anh ta, khi mọi người đều biết thứ anh ta thực sự muốn nghe là Blood on the Tracks. Chúng tôi nghe câu chuyện anh ta kể về chiếc ghế của Tom Mota từ nhiều vị trí khác nhau trong văn phòng bừa bộn của Lynn. Chị có một chiếc bàn mặt kính cùng một chiếc ghế sofa bọc da trắng, và chúng tôi còn ngả ngớn cả ở ngưỡng cửa và dựa vào tường, giết thời gian trong khi chờ đợi chị. Karen Woo liên tục nhìn đồng hồ và thở dài vì Lynn đang đến muộn trong cuộc họp của chính chị.

“Tôi mới bảo chứ, ‘Số series à?’ ” Yop nói tiếp. “Và mụ ta bảo, mụ ta đang đứng ngay đằng sau tôi, đúng thế đấy, mụ ta bảo, ‘Nhìn thử xem.’ Thế là tôi ra khỏi ghế của mình, tôi nhìn thử - số series! Ngay đằng sau ghế của tôi! ‘Những cái này ở đâu ra?’ tôi hỏi mụ ta. Mụ không trả lời tôi. Thay vào đó mụ nói, ‘Cho tôi mượn một cái bút được không?’ Mụ ta muốn mượn bút để ghi lại số series! Tôi nghĩ, cái kiểu tổ chức phát xít gì thế này - ‘Này này!’ tôi nói. ‘Đây là ghế của tôi mà.’ Nhưng mụ ta không thèm đếm xỉa gì đến tôi cả - mụ ta còn đang ghi lại số series cơ! Sau đó mụ ta bước lại chỗ giá sắt và mụ ta bắt đầu ghi lại cả số series ở đó nữa rồi mụ ta bảo, ‘Còn cái giá sắt này thì sao?’ Lúc này tôi đang ở tình thế há miệng mắc quai, vì tôi đã nói dối về vụ cái giá sắt, hẳn rồi, nhưng tôi đang nói thật về chiếc ghế. Tôi quan tâm đến cái giá sắt làm đếch gì. Cứ lấy cái giá sắt đi. Chỉ cần để lại cái ghế cho tôi.”

Chúng tôi nhắc Yop chắc anh ta định nói là giá sách.

“Thế tôi vừa nói là gì?” anh ta hỏi chúng tôi.

Chúng tôi bảo là anh ta cứ nói thành giá sắt.

“Giá sắt à?”

Đúng rồi - ban đầu thì là giá sách, nhưng sau đó anh ta bắt đầu nói thành giá sắt.

“Nghe này, đừng có để ý đến tôi nữa được không,” anh ta nói. “Tôi vẫn thế mà, vẫn toàn nói nhịu chứ có gì đâu. Vấn đề chính là, cứ lấy cái giá sách đi. Chỉ cần để lại cho tôi cái ghế. Nó là ghế của tôi mà. ‘Nhưng có phải giá sách của anh không?’ mụ ta hỏi tôi. Đó là một câu hỏi thuộc phạm trù đạo đức với con mụ này, nó là của ai. Thế là tôi bảo, ‘Đúng, nó là của tôi, nhưng cô cứ lấy đi, không sao cả. Tôi không muốn nó nữa.’ Tôi không muốn nó nữa à? Có ai không muốn cái giá sách đó cơ chứ? Nhưng tôi không muốn mất chiếc ghế của mình - chiếc ghế hợp pháp của mình, thế là tôi bảo, ‘Cứ tự nhiên, cứ lấy đi’.”

Chúng tôi không muốn lại ngắt lời anh ta, nhưng chúng tôi cảm thấy cần thiết phải nhắc cho anh ta nhớ rằng nhiệm vụ của mụ ta, trên cương vị người quản lý văn phòng, là phải theo dõi đồ đạc trong văn phòng và những việc đại loại.

Yop phớt lờ chúng tôi. “Mà mụ ta có cái gì ở trên cổ tay vậy?” anh ta hỏi.

Yop đang hỏi về hình xăm của người quản lý văn phòng. Đó là hình xăm một con bọ cạp với cái đuôi quấn xung quanh cổ tay.

“Mà tại sao một người phụ nữ lại làm thế với chính mình cơ chứ?” anh ta hỏi. “Và tại sao chúng ta lại thuê một người phụ nữ đi làm thế với chính mình?”

Đó là một câu hỏi rất hay. Chúng tôi cứ tưởng anh ta biết câu chuyện đùa rồi.

“Câu chuyện đùa nào?” anh ta hỏi.

Con bọ cạp ở đó để bảo vệ ngón tay đeo nhẫn của mụ ta.

“Để tôi nói cho các cậu biết điều này,” anh ta nói. “Đúng là buồn cười thật, nhưng cái ngón tay đeo nhẫn đó không cần được bảo vệ gì hết. Nhưng được rồi, gì cũng được - mụ ta cũng chỉ làm công việc của mình. Sao chúng ta lại đi thuê một người xăm bọ cạp trên cổ tay nhỉ, đúng là một điều vượt quá khả năng hiểu biết của tôi, nhưng được rồi, mụ ta chỉ đang làm công việc của mình. Nhưng đó là chiếc ghế chính đáng của tôi. Nó là ghế của tôi. Mụ ta lấy ghế của tôi, đó đâu phải là chức trách của mụ ta. Thế là mụ ta bảo tôi, mụ ta bảo, ‘Tại sao anh lại bảo tôi cứ việc lấy cái giá sắt của anh nếu, như lời anh nói, nó thực sự là giá sắt của anh? Tôi không muốn nó nếu như nó là của anh,’ mụ ta nói, ‘tôi chỉ muốn lấy nếu nó là của Tom. Tất cả đồ của Tom đều biến mất và công việc của tôi là lấy lại chúng.’ Thế là tôi bảo, cố tỏ ra hoàn toàn ngây thơ và không biết gì hết, tôi bảo, ‘Họ đã lấy những gì vậy?’ Và mụ ta bảo, ‘Hừm, để xem nào. Bàn của anh ta,’ mụ ta nói. ‘Rồi ghế, giá sắt, và…’ ”

Chúng tôi xin lỗi vì lại ngắt lời, nhưng anh lại như thế nữa.

“Chuyện gì vậy?” anh ta hỏi.

Thì nói giá sắt.

Yop giơ hai tay lên trời. Anh ta đang mặc một chiếc áo sơ mi chim cò nhàu nhĩ - lông trên cánh tay anh ta đang ngả màu muối tiêu. “Các người làm ơn nghe tôi nói được không?” anh ta gào lên. “Các người có làm ơn lặng yên nghe những gì tôi đang cố nói được không? Tôi đang cố gắng nói với các người một điều thực sự quan trọng ở đây. Họ biết tất cả mọi thứ! Họ biết tất cả những gì chúng ta đã lấy! Nên tôi còn lựa chọn nào nữa chứ? ‘Cô có thể lấy cái giá sắt, được không nào?’ tôi bảo mụ ta. Chỉ cần không lấy cái ghế của tôi là được rồi. ‘Nhưng đó có phải là giá sách của Tom không?’ mụ ta hỏi tôi. Đó mới là điều quan trọng đối với mụ ta. Mụ ta muốn biết, ‘Có phải anh lấy cái giá sắt này ở phòng của Tom không?’ Và đúng lúc đó tôi mới chợt vỡ lẽ. Tôi sắp bị hót đi chỉ vì tôi lấy cái giá sắt của Tom.”

Giá sách! Chúng tôi gào lên.

“Được rồi!” anh ta gào lên đáp lại. “Và chỉ vì một chuyện vặt vãnh như thế mà tôi sắp bị hót đi đấy! Nghe này, tôi có một ngôi nhà mua bằng vay thế chấp. Tôi có một người vợ. Tôi là một kẻ làm công ăn lương khốn kiếp. Tôi bị hót đi muộn đến thế này trong sự nghiệp của mình, đó là cái mà nó dành cho tôi đấy. Đây là trò chơi của bọn thanh niên. Tôi thì quá tuổi rồi. Ai sẽ thuê tôi nếu tôi bị hót đi chứ? Tôi thấy không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải thành thật, thế là tôi bảo mụ ta, ‘Được rồi, nghe này. Cái giá sắt này, đúng không? Tôi sẽ mang nó trở lại phòng Tom. Tôi hứa đấy. Tôi xin lỗi.’ Và mụ ta bảo, ‘Nhưng anh vẫn chưa trả lời câu hỏi của tôi. Có phải là của anh ta không? Có phải anh đã lấy nó không?’ Vậy là các cậu biết đến lúc này thì tôi nghĩ gì rồi đấy. Tôi đã cố gắng ít nhiều tỏ ra trung thực với mụ ta. Nhưng vẫn không ăn thua gì. Mụ ta chẳng qua cũng chỉ là một kẻ quan liêu. Thế là tôi bảo thế này, tôi mới bảo chứ, ‘Tất cả những gì tôi biết là, nó đã ở đây khi tôi đi ăn trưa về.’ Và mụ ta bảo, mụ ta nhìn đồng hồ, rồi mụ ta bảo, ‘Bây giờ mới là mười giờ mười lăm.’ Và tôi bảo, ‘Sao cơ?’ ‘Mười giờ mười lăm phút sáng,’ mụ ta bảo. ‘Anh đi ăn trưa lúc, mấy giờ nhỉ? Chín rưỡi à?’ Sau đó mụ ta chỉ vào cái giá sắt và mụ ta bảo, ‘Và tôi đoán tất cả những quyển sách này cũng chỉ vừa mới xuất hiện khi anh đi ăn trưa về, đúng không? Bữa trưa lúc chín rưỡi của anh ấy?’ Và tôi không nói gì hết, thế là mụ ta bảo, ‘Vậy còn cái ghế xinh xẻo anh đang ngồi trên thì sao? Nó cũng đột nhiên ở đâu đó hiện ra à?’ Và tôi không nói gì cả, thế là mụ ta bảo, ‘Tôi sẽ quay lại sau khi tôi có cơ hội kiểm tra lại số x của anh. Tôi gợi ý rằng nếu đây là giá sắt của Tom thì anh phải trả nó lại trong phòng của anh ta ngay lập tức. Và tương tự như vậy với bất cứ thứ gì thuộc về Tom.’ Và đó là lúc tôi bảo mụ ta, ‘Ê này, khoan cái đã, thưa quý cô. Ý cô là sao, thuộc về Tom? Không có gì thuộc về Tom hết. Tom chỉ làm việc ở đây thôi. Không có gì từng thuộc về Tom cả. Không có gì thuộc về bất kỳ ai ở đây cả, bởi vì họ có thể lấy nó khỏi các bạn như thế đấy.” Yop búng ngón tay đánh tách một cái. “Nghe con mụ đó trả lời như thế nào nhé,” anh ta nói. “ ‘Ừ, xin lỗi, thì không,’ mụ ta nói. ‘Tôi e là tất cả những thứ này thuộc về tôi’.”

Yop chìa tay ra như van vỉ, mắt anh ta trợn tròn. Anh ta chờ đợi chúng tôi cũng phẫn nộ trước việc mụ quản lý văn phòng dám nói một câu như vậy, nhưng sự thật thì, nó hoàn toàn không làm chúng tôi ngạc nhiên chút nào. Xét ở góc độ nào đó, đúng là mọi thứ thuộc về mụ ta thật. Mụ ta sẽ không bị cho nghỉ việc. Ai mà không cần một người quản lý văn phòng.

“Ôi, tôi uất không để đâu cho hết,” anh ta nói. “Không có gì khiến tôi điên tiết hơn việc những kẻ đầu óc nhỏ nhen quanh đây lại có nhiều quyền lực đến thế, để rồi chúng cứ nắm lấy nó, nắm lấy nó cho đến khi chúng HOÀN TOÀN kiểm soát chúng ta. Và giờ thì mụ ta sẽ kiểm tra số series và phát hiện ra là tôi lấy cái ghế cũ của Ernie Kessler.”

Khoan đã nào. Đó không phải ghế của anh ta sao?

“Từ khi ông ta nghỉ hưu,” Yop nói, với giọng bình tĩnh hơn. “Năm ngoái.”

Chúng tôi không thể tin nổi hóa ra đó không phải là ghế của anh ta.

“Bây giờ thì là của tôi. Nó từng là ghế của Ernie. Từ khi ông ta nghỉ hưu.”

Chúng tôi cảm thấy bị lừa dối. Anh ta đã tạo cho chúng tôi ấn tượng rằng ít nhất thì đó cũng là ghế của anh ta.

“Nó là ghế của tôi mà,” anh ta nói. “Ông ta đẩy nó xuống cho tôi. Chính Ernie làm thế. Tôi hỏi xin ông ta cái ghế và ông ta đẩy nó xuống cho tôi, rồi ông ta đẩy cái ghế của tôi đi và đặt nó vào phòng mình. Khi ông ta nghỉ hưu. Chúng tôi chỉ đổi ghế thôi mà. Chúng tôi đâu có biết gì về cái vụ số series. Giờ khi đã biết về những số series rồi, tôi mới nghĩ, Kết cục cho mình là thế này đây. Con mụ quản lý văn phòng này, mụ ta sắp tâu với Lynn là tôi lấy cái giá sắt của Tom - và cả việc tôi lấy ghế của Ernie Kessler nữa, mặc dù chính ông ta đã mang nó cho tôi. Nên tôi làm gì có lựa chọn nào nữa? Nếu tôi muốn giữ công việc của mình, tôi phải giả vờ đó là ghế của Tom và đẩy nó xuống phòng anh ta! Đó không phải ghế của anh ta - người nào đó đã lấy ghế của Tom rồi - nhưng tuần trước, đó chính xác là những gì tôi đã làm. Tôi đẩy ghế của Ernie Kessler xuống phòng Tom Mota sau khi tất cả mọi người đã về nhà. Tôi phải giả vờ đó là ghế của tôi, và suốt cả tuần nay tôi vẫn tiếp tục giả vờ trong khi tôi phải ngồi trên cái ghế khác, cái ghế bé tí dở tệ này, chỉ như thế tôi mới có thể tránh bị hót đi. Đó từng là cái ghế hợp pháp của tôi,” anh ta nói, hai nắm tay khổ sở run rẩy trước mặt.

Chúng tôi không trách việc anh ta lấy làm khổ sở đến thế. Chiếc ghế của anh ta đúng là một chiếc ghế tuyệt vời - có thể điều chỉnh được, với bề mặt ghế êm ái, chỉ hơi nhún một chút khi ngồi xuống.

Những biện pháp thắt lưng buộc bụng bắt đầu ở sảnh, những lọ hoa và bát kẹo. Benny thích hít hà những bông hoa. “Tớ nhớ những bông hoa đẹp đẽ,” anh ta nói. Sau đó chúng tôi nhận được một thông báo nội bộ lấy đi những ngày nghỉ hè của chúng tôi. “Tớ còn nhớ những ngày nghỉ hè hơn cả mấy bông hoa,” anh ta nhận xét. Trong một cuộc họp toàn thể công ty vào tháng sau đó, họ thông báo ngừng tuyển người mới. Ngay tiếp sau đó là thông báo không ai được thưởng hết. “Tớ có thể đếch thèm quan tâm đến việc nghỉ hè,” anh ta nói, “nhưng cả khoản tiền thưởng của tớ sao?” Cuối cùng, quá trình giảm biên chế bắt đầu. “Hoa, nghỉ hè, tiền thưởng - với tớ không có cũng không sao,” Benny nói. “Chỉ cần giữ nguyên công việc cho tớ là được.”

Ban đầu chúng tôi gọi việc đó theo những cách các bạn vẫn biết - bị đuổi việc, bị cho nghỉ. Sau đó chúng tôi trở nên sáng tạo. Chúng tôi nói anh ta bị xơi búa rìu, cô ta bị sa thải, tất cả họ đã bị hót đi. Mới đây, một kiểu gọi mới đã xuất hiện và thực sự rất được kết dùng. “Đi tàu suốt kiểu Tây Ban Nha dọc hành lang.” Ai đó đã lấy câu này ra từ một bài hát của Tom Waits, nhưng nó là một cách nói rất, rất cổ, theo như chúng tôi tìm hiểu từ cuốn Từ điển Từ và Ngữ Morris của mình. “Vào thời cướp biển hoành hành ở vùng Spanish Main[7],” Morris viết, “một trò ưa thích của bọn cướp biển là thòng dây vào cổ các tù binh và bắt họ bước với đầu ngón chân chỉ vừa chạm đến sàn tàu.” Nghe có vẻ giống với chúng tôi. Trong bài hát, Tom Waits hát về việc bước đến án tử hình, và cả điều đó nghe cũng giống nữa. Chúng tôi chứng kiến kẻ bị điểm tên bước dọc hành lang trải thảm với mụ quản lý văn phòng dẫn đường, và rồi anh ta hoặc cô ta sẽ biến mất sau cánh cửa phòng Lynn Mason, và vài phút sau chúng tôi thấy những bóng đèn tối mờ đi vì sụt điện và nghe thấy tiếng điện nổ xèo xèo và mùi thịt nấu len lỏi vào khắp những căn phòng đóng kín như bưng.

Chúng tôi cắm mặt vào bàn làm việc của mình và nhìn những chiếc máy bay hạ cánh xuống sân bay O’Hare. Chúng tôi trùm headphone vào tai. Chúng tôi ngả đầu ra sau và nhắm nghiền mắt lại. Tất cả chúng tôi đều có cùng một ý nghĩ: ơn Chúa không phải là mình.

Jim gõ vào khung cửa phòng Benny. “Dạo này cậu có trông thấy Sanderson không, Benny?”

“Ai cơ?”

“Sanderson. Will Sanderson.”

Benny vẫn không biết là Jim đang nói đến ai.

“Thôi nào, Benny. Sanderson. Để ria mép ấy.”

“Ồ, đúng rồi,” Benny nói. “Bill Sanderson chứ gì? Tớ cứ tưởng cậu ta tên là Bill.”

“Cậu ta tên là Will,” Jim nói.

“Tớ không hề thấy thằng cha đó ở quanh đây phải đến... mấy tuần rồi.”

“Mấy tuần? Cậu không nghĩ là...”

Cả hai đều im lặng.

“Sanderson,” Benny nói. “Ôi trời đất ơi,” anh ta nói. “Họ xử lý Will Sanderson rồi.”

Một trò đùa để xả stress khi quá trình giảm biên chế bắt đầu là vào phòng làm việc của ai đó và gửi một bức email từ máy tính của họ tới toàn bộ công ty. Bức thư có thể chỉ nói một điều gì đó giản dị như, “Tên tôi là Shaw-NEE! Bạn bị bắt quả tang nhé, Ha! Tôi dấm đài tôi dấm đài tôi dấm đài.” Sáng hôm sau mọi người đến văn phòng đọc câu đó và phản ứng rất khác nhau.

Jim Jackers đọc nó và ngay lập tức gửi đi một bức email có nội dung, “Rõ ràng là ai đó đã vào văn phòng tôi tối qua và viết một bức email mạo danh tôi rồi gửi cho tất cả mọi người. Tôi xin lỗi vì bất kỳ sự bất tiện hay xúc phạm nào, mặc dù đó không phải lỗi của tôi, và tôi sẽ rất cảm kích nếu nhận được từ người làm việc này một lời xin lỗi công khai. Đến giờ tôi đã đọc bức email đó năm lần mà vẫn không thể hiểu nổi nó viết gì.”

Chúng tôi biết ai là thủ phạm. Chẳng bao giờ có lời xin lỗi nào hết. Jim biết ai là thủ phạm vì anh ta là một trong chúng tôi, và Jim đối chất với Tom Mota về chuyện này. Chuyện xảy ra vài tháng trước khi Tom đi tàu suốt kiểu Tây Ban Nha. Các bạn nghĩ Tom đã làm gì? Tom kể với Benny về màn đối đầu trong giờ ăn trưa, rằng cơn phẫn nộ của Jim đúng là chẳng ra làm sao, và Tom đã thách Smalls đánh mình như thế nào. “Smalls[8]” là biệt danh mà Tom dành cho Jim, mặc dù hai người cao như nhau. “Thử xem nào, Smalls, đồ oắt con khốn kiếp, làm ơn đánh tao đi,” Tom kể với Benny là gã đã nói với Jim như thế, và toàn bộ chuyện này đúng thật là lố bịch. Khi đó chúng tôi mới đang ở tháng thứ ba của giai đoạn giảm biên chế. Từ đó Jim không bao giờ ra khỏi phòng mà không đóng chương trình email của mình.

Những bức email của Tom không phải lúc nào cũng là những lời khiêu khích như trò hề - thỉnh thoảng chúng cũng có nội dung nghiêm chỉnh và được gửi từ chính máy tính của gã. Chúng tôi thấy thích thú với giọng điệu chân thành của gã và cách gã nói về giá trị vô bờ bến của con người. Những dòng tâm tình dài lê thê đầy cảm động này, mang cảm xúc xung đột dữ dội với cung cách đời thực của Tom, kệch cỡm đến nực cười, điên loạn về giọng điệu và nội dung, và bao giờ cũng là những trò giải lao được chào đón cho một ngày lẽ ra thật tẻ nhạt. Gã được tán tụng vì sự tục tĩu của những bức thư và vì đã viết chúng bằng thời gian của công ty, bởi vì gã có gan để không chỉ gửi chúng cho tất cả chúng tôi, bao gồm cả Lynn Mason, mà còn cho cả các thành viên quản trị khác nữa - bao giờ cũng sắp xếp danh sách gửi theo thứ tự chức vụ, một quy tắc bất thành văn. Hắn còn đồng gửi cả cho những người bên bộ phận khách hàng, phụ trách mua dịch vụ truyền thông, dịch vụ dự án, nhân sự, và bộ phận hành chính bảo đảm, rồi cả người nhân viên phục vụ quầy cà phê. “Đêm qua tôi trải qua một đêm tồi tệ,” bức email cuối cùng của gã theo giọng điệu này bắt đầu như vậy. Còn dòng chủ đề thì viết, “Tôi tống khứ các người và những đôi giày chơi golf của các người tới Lower Wacker Drive.” “Những cây cà chua trong vườn nhà tôi không đậu quả,” gã tiếp. “Có lẽ là vì tôi chỉ có cuối tuần để làm vườn, hoặc có thể vì khu vườn liên tục bị càn quét qua bởi những thằng Tây-Bồ khốn kiếp làm nhiệm vụ chăm chút quanh khu chung cư tôi sống kể từ khi nhà nước bắt tôi phải bán ngôi nhà của mình ở Naperville và Barbara đưa lũ trẻ đến Phoenix sống với phi công Bob. Mà tôi có một khu vườn thực sự không? Câu trả lời là một từ không to đùng béo ị, vì con mụ đàn bà khốn nạn ở văn phòng bất động sản không chịu nghe lời phải quấy. Mụ ta cứ nhất định khăng khăng rằng đây là một tài sản cho thuê, không phải vườn sau nhà anh. Những luống hoa, đó là tất cả những gì chúng tôi muốn, mụ nói. Thế là lũ Tây-Bồ khốn kiếp đi ra chăm chút những bông cúc vạn thọ dọc các luống. Nhưng các người có hiểu không, tôi đang nói đến những quả cà chua đỏ tươi chín mọng, mũm mĩm, ngon lành mà tôi muốn được trồng bằng chính hai bàn tay của mình thông qua sự bí ẩn phì nhiêu và hào phóng của thiên nhiên! Giấc mơ đó chấm dứt khi Barb bắt đầu ngủ với phi công Bob và chúng tôi từ bỏ ngôi nhà ở Naperville. Mà với lại, tôi có muốn một khu vườn không? CÓ. Thực ra thì tôi muốn một trang trại kia. Nhưng ở thời điểm hiện tại tôi e rằng tất cả những gì tôi có là căn hộ 4H ở Bell Harbor Manor[9], vốn đếch phải là bến cảng hay trang viên gì hết mà cũng CHẲNG CÓ LẤY MỘT QUẢ CHUÔNG NÀO. Ai trong lũ phù thủy khôn ngoan các người đã nghĩ ra cái tên ‘Bell Harbor Manor’? Cầu cho cái lưỡi trí trá của các người bị rút ra khỏi lớp lót đỏ dẻo quẹo của chúng và phơi khô trên cọc nhọn dưới cái nắng hoang dại của một vùng đất ăn thịt người. Ha! Tôi sẽ bị gọi vào văn phòng vì câu đó nhưng mặc xác, bởi vì điều tôi đang muốn nói ở đây là TÔI KHÔNG CHẮC CÓ AI TRONG CHÚNG TA biết rằng chúng ta đã tự đẩy mình xa bao nhiêu khỏi không chỉ thiên nhiên mà còn cả những điều kiện tự nhiên của cuộc sống vốn từng phổ biến suốt bao thế kỷ và đã đẩy con người đến những giới hạn cùng cực của khả năng tự nhiên của họ chỉ để tìm cái ăn, cái mặc và chu cấp những thứ khác cho gia đình mình, mỗi buổi tối lại đưa họ vào một giấc ngủ ngọt ngào, mệt lử, thư thái và không mộng mị hoàn toàn xứng đáng như thể chúng ta sẽ không bao giờ biết gì nữa. Và giờ thì lại có Phoenix, có cả máy bay để đưa các người tới đó, và phi công Bob kẻ có thể chăm chút MỌI THỨ, mặc dù có lẽ hắn thậm chí còn không biết tự cắt cỏ nhà mình. Nhưng đừng có quên, Bob ạ, và tất cả những thằng Bob chúng mày ngoài kia, rằng ‘Lao động chân tay là cách nghiên cứu thế giới bên ngoài.’ Tôi tin điều đó là đúng. Còn bây giờ, câu hỏi mà có lẽ tất cả các người đang tự hỏi mình là, nếu thế thì hắn ta đang làm cái gì vậy, Tom Mota ấy? Tại sao Tom lại đang phung phí ngày tháng của hắn trong một văn phòng trải thảm cố gắng che giấu vết ố cà phê trên quần kaki? Hắn thì tốt đẹp hơn phi công Bob ở chỗ nào? Đáng tiếc là tôi không hề cho rằng tôi tốt đẹp gì hơn. Tôi cũng không đang nghiên cứu thế giới bên ngoài. Những gì tôi đang làm là cố gắng kiếm một đồng cho một khách hàng để kiếm một hào cho chúng ta để rồi tôi có thể kiếm được một xu cho mình và chỉ còn lấy một trinh sót lại sau khi Barbara nhận những gì tòa án yêu cầu. Vì lý do đó tôi yêu công việc của mình và không bao giờ muốn mất nó, nên tôi hy vọng không có ai đọc những dòng này lại thấy tôi lắm điều hoặc vô ơn. Tôi chỉ đang cố gợi ý rằng một khi chúng ta đã rơi vào mối hàn vô cùng đen đủi, méo mó và khốn nạn này của nền văn minh, chúng ta cũng đừng để mất những phẩm chất cao quý của con người cùng cái nửa vĩ đại hon trong tính cách của anh ta, thứ được tạo nên không phải bởi những khẩu hiệu kinh doanh hoặc thu nhập ròng, mà bởi tình yêu, chủ nghĩa anh hùng, sự nhân nhượng, niềm hưng phấn, cái thiện và chân lý. Đúng là một đống phân ngựa đầy ú, các người sẽ nói thế. Và xin cứ việc. Xin cứ tự nhiên cho tôi một phát vào đầu. Chúc yên ổn, Tom.”

Không lâu sau khi nhấn nút gửi, Tom bị sa thải, và nếu như không phải vì sự gián đoạn lặt vặt, hẳn chúng tôi đã nghiêng về hướng nghĩ rằng chuyện gã bị cho nghỉ không phải là một trường hợp khác trong cả loạt giảm biên chế, mà là bị đuổi việc thẳng cổ. Nhưng sự thật là có lẽ trước đó Tom đã ở trong danh sách chờ xử lý. Những bức email của gã chỉ thúc đẩy mọi chuyện diễn ra nhanh hơn, kiểu như bệnh viêm phổi có thể kết liễu một bệnh nhân ung thư.

Vẫn chưa thấy Lynn Mason xuất hiện cho cuộc họp lúc mười hai giờ mười lăm cái ngày thứ Ba hôm đó trong tháng Năm, thế là Chris Yop tiếp tục kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về chiếc ghế của Tom Mota. Đúng buổi sáng hôm đó anh ta ngẩng đầu lên khi đang dở tay dọn dẹp bàn của mình thì thấy mụ quản lý văn phòng lại một lần nữa đứng ở ngưỡng cửa, hai tay khoanh lại. “Thế là mụ ta bảo tôi,” anh ta nói với chúng tôi, “ ‘tôi thấy là anh đã để giá sắt của Tom lại chỗ cũ.’ Nên tôi tỏ ra hoàn toàn ngơ ngác, tôi bảo, ‘Tôi xin lỗi, tôi không biết cô đang nói chuyện gì nữa,’ và tôi quay lại với việc dọn dẹp bàn mình, nhưng mụ ta vẫn chưa đi, thế là tôi lại ngẩng và mụ ta bảo, ‘Và tôi thấy là anh cũng không còn giữ chiếc ghế của anh ta nữa.’ Thế là tôi bảo, ‘Tôi sẽ lấy làm cảm kích nếu cô không quấy rối tôi thêm nữa. Có những quy định chống lại cái trò đó trong sổ tay nhân viên đấy.’ Và mụ ta bảo, ‘Anh nghĩ tôi đang quấy rối anh à?’ Và tôi bảo, ‘Đúng thế. Và tôi không lấy làm cảm kích đâu.’ Thế là mụ ta bảo, ‘Hừm, có lẽ chúng ta nên báo cáo chuyện này lên với Lynn.’ Và tôi bảo, ‘Tôi rất sẵn lòng,’ và mụ ta bảo, ‘Ngay bây giờ anh đang làm gì?’ và tôi bảo, ‘Hừm, không giống như một số người, tôi đang cố hoàn thành một số công việc đây. Có những người thực sự tạo ra lợi nhuận ở đây, đồ to tay[10] ạ.’ Lẽ ra tôi không nên nói thế - tôi chỉ đang, các cậu biết đấy, chỉ ra sự khác biệt giữa một người quản lý văn phòng và một copywriter như tôi người tạo ra lợi nhuận. Thế là mụ ta vặc lại tôi, ‘Ồ, chắc chắn rồi, tôi hiểu là anh quan trọng đến khó tin như thế nào chứ, rằng tất cả mọi thứ sẽ sụp đổ khắp xung quanh chúng tôi nếu thiếu anh, nếu anh không phiền, anh làm ơn đi theo tôi được không?’ Và tôi bảo, ‘Theo cô? Theo cô đi đâu?’ Và mụ ta bảo, ‘Lynn muốn nói vài câu.’ ‘Cái gì cơ, bây giờ à?’ tôi nói. Và mụ ta bảo, ‘Nếu anh có thể dứt đi một lúc.’ Và tôi nói, ‘Chị ấy muốn gặp tôi ngay bây giờ à?’ Mụ ta không nói thêm một lời nào - chỉ ra hiệu cho tôi đi theo. Thế là tôi rời khỏi ghế, cái thứ cứt đái ấy - ý tôi là mông tôi như thể đang ngồi trên thuốc gây tê Novocain trên cái thứ đó - và chúng tôi cùng đi xuống văn phòng của Lynn. Ý tôi là tôi có lựa chọn gì chứ? Nếu như mụ ta bảo với tôi rằng Lynn muốn gặp tôi, tôi làm gì có lựa chọn nào?”

Chúng tôi hỏi Yop là chuyện này xảy ra bao lâu rồi.

“Có lẽ là một tiếng trước,” anh ta nói. “Thế là chúng tôi xuống đó. Tôi sẽ không nói dối các cậu đâu. Tim tôi đập loạn lên. Tôi bốn mươi tám tuổi rồi. Đây là trò chơi của bọn thanh niên. Ai sẽ còn thuê tôi nếu tôi bị hót đi chứ? Tôi không biết Photoshop. Được rồi, có một số ngày tôi còn không hiểu cả Outlook. Các cậu biết tôi và cái vụ email rồi đấy. Tôi mà bị hót đi, ai sẽ trả cho tôi những gì tôi xứng đáng được hưởng? Tôi là một lão già. Tôi được trả quá nhiều. Nhưng tôi phải đi xuống đó. Mụ quản lý văn phòng vào trước. Tôi đi theo mụ ta vào trong và đóng cửa lại. ‘Được rồi.’ Lynn nói. Mà các cậu biết chị ấy có cái kiểu chồm người về phía trước trên bàn rồi nhìn ta như kiểu chuẩn bị khoét sọ ta ra bằng đôi mắt laser của mình đúng không? Chị bảo, ‘Được rồi, có chuyện gì thế?’ Mụ quản lý văn phòng cứ thế tằng tằng xổ một tràng - đầu tiên là chuyện tôi ăn cắp cái giá sắt của Tom.

‘Bằng chứng đâu?’ Ý tôi là mụ ta đâu có để cho tôi nói. ‘Hử? Bằng chứng đâu?’ tôi hỏi. Mụ ta không trả lời. Sau đó mụ ta nói với Lynn là tôi đã quấy rối mụ ta. Tôi mà lại đi quấy rối mụ ta! Tôi không tin nổi vào tai mình nữa. Nhưng điều mà mụ ta không hề đả động đến một chút nào, không một lời nào - mụ ta không hề nói một lời nào về cái ghế cả. Toàn bộ chuyện này là cái ghế! Đó là lý do chúng tôi có mặt ở đây! Tôi chỉ cố bảo vệ cái ghế của mình thôi mà. Thế là tôi bảo, ‘Thế còn cái ghế thì sao?’ Và mụ ta bảo, các cậu có biết mụ ta bảo gì không? Mụ ta bảo, ‘Cái ghế nào?’ Ý gì vậy, cái ghế nào nghĩa là sao? Thế là tôi bảo, ‘Thôi đi, còn cái ghế nào nữa. Cái ghế đó còn gì. Cái ghế của tôi.’ Và mụ ta bảo, ‘Tôi không hiểu anh ta đang nói về cái gì nữa, tự nhiên lại có chuyện cái ghế này.’ Mụ ta nói với Lynn thế đấy! Mụ ta cãi bay chuyện là từng có một cái ghế! Thế là tôi bảo, lúc đó tôi điên tiết quá rồi, tôi bảo, ‘THÔI ĐI, CÒN CÁI GHẾ NÀO NỮA! Cô biết là cái ghế nào mà, mẹ kiếp!’ Và thế là im lặng bao trùm, rồi mụ ta bảo, ‘Tôi xin lỗi, Lynn. Tôi không hiểu anh ta đang nói về chuyện gì nữa.’ Và tôi bảo, ‘CÔ BIẾT THỪA LÀ CÁI GHẾ NÀO MÀ! Cô ta biết là cái ghế nào mà, Lynn! Cô ta cố lấy đi chiếc ghế của tôi. Chiếc ghế hợp pháp của tôi.’ Thế là im lặng lại bao trùm, và rồi Lynn nói, ‘Kathy…’ Kathy - có ai trong các cậu biết tên con mẹ đó là Kathy không? Chị bảo, ‘Kathy, cô có thể cho Chris và tôi một phút được không?’ Thế là ‘Kathy’ nói tất nhiên rồi, và Lynn nói, ‘Cô làm ơn đóng cửa lại được không, Kathy?’ và ‘Kathy’ nói, ‘Chắc chắn rồi,’ và chúng tôi nghe thấy tiếng cửa đóng lại, và tim tôi đập loạn lên, các cậu biết đấy, và Lynn nói, ‘Chris, tôi rất tiếc, nhưng chúng tôi sẽ phải cho anh nghỉ việc’.”

Yop ngừng kể chuyện. Anh ta nặng nề lắc cái đầu ủ rũ của mình. Im lặng bao trùm. “Tôi không thốt nổi lên lời,” một lát sau anh ta nói tiếp. Giọng anh ta đã chùng hẳn xuống. “Tôi hỏi chị là chuyện đó có liên quan gì đến chiếc ghế của Ernie Kessler không. Chị bảo không. Chị bảo nó chẳng liên quan gì đến chiếc ghế của Ernie cả. ‘Bởi vì tôi đâu cần chiếc ghế của Ernie,’ tôi bảo chị ấy. ‘Thực lòng mà nói - tôi đã ngồi trên một trong những chiếc ghế nhựa rẻ tiền suốt cả tuần vừa rồi mà vẫn ổn cả. Đó là một chiếc ghế rất ổn.’ Vậy mà chị bảo, ‘Chuyện này chẳng liên quan gì đến chiếc ghế của Ernie cả.’ Tôi không thể nào tin nổi. Tôi không thể tin những gì chị đang nói với tôi. Thế là tôi mới bảo, ‘Có phải vì những sai sót không? Bởi vì tôi đang sửa chữa dần,’ tôi nói với chị. ‘Đầu óc tôi thỉnh thoảng như vậy đấy,’ tôi bảo chị, ‘nhưng tôi đang sửa chữa dần mà. Với lại hầu hết sai sót đều được sửa lại khi chúng ta cho soát chính tả. Tôi biết đó không phải là điều lý tưởng đối với một copywriter, tôi rất cảm kích vì sự kiên nhẫn của chị,’ tôi bảo chị. ‘Nhưng tôi đang làm ngày một tốt hơn.’ Và chị bảo, ‘Không phải là những sai sót, Chris.’ ‘Nếu vậy thì là chuyện gì?’ tôi hỏi. ‘Không phải lý do cá nhân đâu,’ chị bảo tôi. ‘Chỉ là vì công việc thôi.’ ‘Là vì tôi kiếm quá nhiều tiền à? Đúng vậy không?’ Và chị bảo, ‘Không, không hẳn thế.’ ‘Có thể tôi giảm bớt lương được không?’ tôi hỏi. Tôi đang cầu xin chị, Tôi có thể chấp nhận cắt lương và ở lại được không?’ ‘Cũng không hẳn là chuyện tiền lương, Chris,’ chị bảo. Nếu vậy thì vì cái chết tiệt gì chứ? ‘Nào, nghe này,’ chị bảo. ‘Chúng tôi sẽ trả cho anh một tháng trợ cấp nghỉ việc, còn COBRA[11] sẽ bảo đảm bảo hiểm y tế cho anh đến hết năm. Thực sự không có gì là do cá nhân cả,’ chị bảo. Chị cứ khăng khăng nói thế - chẳng có gì là do cá nhân, Chris - nên tôi càng đoán đó chắc chắn phải là chuyện gì đó liên quan đến cá nhân. ‘Nếu vậy thì là vì chuyện gì, Lynn?’ tôi hỏi chị. Và có thể giọng tôi hơi gay gắt một chút. ‘Nếu không phải là vấn đề cá nhân, thì đó là chuyện gì?’ ‘Chris, làm ơn nào,’ chị nói. Bởi vì lúc này tôi đã bắt đầu suy sụp...”

Chúng tôi hỏi anh ta nói vậy có nghĩa là gì.

“Tôi bắt đầu khóc,” anh ta nói. “Không phải chỉ là chuyện việc làm,” anh ta nói thêm. “Mà là toàn bộ cảm giác làm cái thằng tôi. Già cỗi. Nghĩ đến Terry. Không con cái. Và giờ thì không có cả việc làm.” Vợ chồng anh ta đã cố tìm cách thụ thai trong nhiều năm, và đến lúc họ bỏ cuộc, họ lại bị các cơ quan chức năng đánh giá là đã quá già để nhận con nuôi. “Tôi đang nghĩ đến việc về nhà với Terry và bảo cô ấy rằng tôi đã bị hót đi. Tôi đâu có muốn khóc,” anh ta nói, “có Chúa biết đấy, tôi chỉ mất tự chủ. Tôi như người mất hồn, và tôi không còn nghĩ được gì trong một phút. Đơn giản là tôi không thể kiểm soát được. Thế là, các cậu biết đấy, tôi phải bỏ đi. Tôi chưa bao giờ khóc trước mặt người khác như thế cả. Tôi không thể nấn ná ở lại được. ‘Thôi nào, Chris,’ chị bảo với tôi. ‘Quay lại nào. Anh sẽ ổn cả thôi,’ chị nói. ‘Anh là một copywriter giỏi mà.’ Đó là điều chị nói với tôi khi tôi đang bị hót đi. Từ lúc đó đến giờ tôi chưa nói gì với chị.”

Chúng tôi không thể trách anh ta đã suy sụp, nhưng đúng thật là chỉ có Yop, Yop thoạt nhìn có vẻ rắn mặt, mới đi từ bỏ chiếc ghế mà anh ta đã khó nhọc để có được như vậy nếu như điều đó có thể cứu được cái mạng của anh ta, và nếu như cách đó không ăn thua, đúng thật là chỉ có Yop mới đi van nài xin giảm lương, và nếu như cả điều đó cũng không cứu được công việc của anh, Chris Yop sẽ là người trong chúng tôi bị suy sụp. Tom Mota muốn ném một chiếc máy tính qua cửa sổ. Chris Yop thì ném mình xuống dưới chân Lynn.

Ngay trước khi Lynn xuất hiện, muộn mười lăm phút so với lịch họp triển khai công việc của chị, chúng tôi hỏi Yop là anh ta vẫn còn làm gì ở đây.

“Tôi không biết,” anh ta nói. “Tôi không thể về nhà, chưa thể được. Như thế này thật không công bằng.”

Nhưng thực sự thì anh có nên ở đây không? chúng tôi hỏi anh ta. Trong phòng của Lynn ư?

“Hừm, Lynn và tôi,” anh ta nói, “chúng tôi không có cơ hội nói cho xong câu chuyện của mình. Tôi suy sụp. Tôi bỏ đi. Các cậu có cho là tôi nên rời khỏi đây, khi chúng tôi không có cơ hội nói nốt câu chuyện của mình không?”

Không ai trả lời - có nghĩa là, chẹp, có đấy, Yop. Có lẽ anh nên rời khỏi đây.

“Tôi không biết nữa,” anh ta nói, nhớn nhác nhìn quanh. “Cuộc họp này đã ở trên lịch của tôi lâu lắm rồi.”

Tất cả màn trò chuyện lắng dần đi khi cuối cùng Lynn cũng đến. Khi đến lúc phải bắt tay vào công việc, chúng tôi bắt tay vào công việc. Chúng tôi không vẩn vơ lăng nhăng trong những cuộc họp triển khai công việc. Chúng tôi vẩn vơ lăng nhăng trước họp và thỉnh thoảng chúng tôi vẩn vơ lăng nhăng sau họp, nhưng trong khi họp thì, họa hoằn có thể có vài lời bông phèng, nhưng ngoài đó ra thì chúng tôi nghiêm trang như đi lễ nhà thờ. Bất kỳ ai trong chúng tôi cũng có thể bị cho nghỉ bất kỳ lúc nào, và sự thật đó lúc nào cũng hiện hữu trong tâm trí chúng tôi.

Lynn Mason đáng sợ, đồng bóng, khó gần, sành điệu, và chuyên nghiệp không thể chê vào đâu được. Chị không phải là một phụ nữ to lớn - thực ra chị có phần hơi nhỏ nhắn - nhưng mỗi khi chúng tôi về nhà và nghĩ tới chị vào ban đêm, chị hiện lên cứ lù lù. Khi chị ở trong tâm trạng bực dọc, chị không thích tán gẫu. Chị diện như một người mẫu của Bloomingdale và ăn uống như một nhà sư. Vào cái ngày của cuộc họp lúc mười hai giờ mười lăm phút đó chị mặc một chiếc váy công sở màu xanh ô liu và áo sơ mi giản dị màu ngà. Nhưng điều khiến ta thực sự ngưỡng mộ ở chị lại là đôi giày. Với tư cách là những kẻ hâm mộ thiết kế điên cuồng, chúng tôi - nhất là cánh phụ nữ trong chúng tôi - ngồi mà trầm trồ trước vẻ độc đáo trang nhã của đôi giày, màu sắc tinh tế, vẻ thanh tú mềm mại, ngây người trước chúng giống như những người khác ngây người trước một chiếc tay vịn trên chiếc ghế bành của Charles Eames, hay cái cánh đen bóng của một chiếc máy bay chiến đấu phản lực của Lầu Năm Góc. Mỗi đôi - và chắc chắn chị phải có đến năm mươi đôi như thế - đều xứng đáng có chiếc giá trưng bày bằng thủy tinh hữu cơ Plexiglas ở Bảo tàng Mỹ thuật Đương đại, bên cạnh cái của bằng nhựa trong politen và đám biển hiệu nê ông. Chúng tôi chưa bao giờ nhìn thấy thứ gì đẹp như những đôi giày này. Khi cuối cùng cũng có kẻ đủ táo gan để hỏi chị xem chúng là hiệu gì, thì cũng chẳng ai nhận ra thương hiệu của chúng, khiến chúng tôi đành phải kết luận rằng chúng được làm bởi những nhà thiết kế thủ công Italia, vốn nhất định không chịu xuất khẩu sản phẩm của mình, nhưng chúng lại được những người bạn của Lynn chọn lựa cho chị trong những chuyến công cán quốc tế của họ, bởi vì mọi người đều biết là Lynn không bao giờ đi nghỉ.

Khi chị bước vào, làm gián đoạn câu chuyện Chris Yop đang kể dở, chị cầm theo những tài liệu triển khai công việc vừa mới lấy từ máy photocopy ra; mùi mực in thoang thoảng phía sau chị. Không nói một lời nào chị đặt những bản copy lên bàn làm việc của mình và bắt đầu sắp xếp chúng, nhấm ướt đầu ngón tay và lần giở rồi dập ghim những trang giấy lại với nhau và chìa cả tập cho Joe, người ngồi ngay sát bên phải chị. “Dập ghim ở chỗ máy photocopy bị hỏng rồi,” chị giải thích. Joe chuyển tài liệu qua bên phải của mình, nó vòng vèo qua chỗ Karen Woo, người ngồi xa nhất từ chỗ anh ta. Lynn ghim thêm một vài phút, rồi dừng tay để tháo đôi giày cao gót da của mình ra. “Sao tôi cứ có cảm giác như mình vừa bước vào một đám ma thế này?” chị hỏi, cuối cùng cũng đảo mắt quanh chúng tôi. Không ai nói lời nào. “Hy vọng không phải là đám ma bất kỳ ai mà tôi biết,” chị nói thêm. Chị quay lại với việc sắp xếp và dập ghim.

Thông tin của chúng tôi đến từ những nguồn đáng tin cậy nhưng nó chỉ là những chi tiết tối thiểu nhất. Ca phẫu thuật của chị được bố trí vào ngày hôm sau. Khối u đã xâm lấn vào thành ngực của chị. Chị sẽ trải qua một ca phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ một bên ngực. Chúng tôi có những câu hỏi cho chị - chị có sợ không? Chị có thích các bác sĩ của mình không? Cơ hội hồi phục hoàn toàn của chị là bao nhiêu? Nhưng chị chưa hề nói một lời nào về chuyện này với bất kỳ ai trong chúng tôi và chúng tôi hoàn toàn không biết trong đầu chị đang nghĩ gì lúc này. Lẽ ra chúng tôi đã có thể băn khoăn tại sao chị vẫn đi làm hôm trước ca mổ. Chị cần xác định rõ những ưu tiên của mình, chúng tôi nghĩ bụng. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, chẳng có ai trong chúng tôi từng xác định rõ những ưu tiên của mình. Mỗi người chúng tôi đều ấp ủ ảo tưởng rằng toàn bộ công ty sẽ rơi tõm xuống địa ngục nếu không có những đóng góp hằng ngày của mỗi cá nhân. Nên cái ý nghĩ quái đản về những ưu tiên rạch ròi này, cái giấc mơ không bao giờ thành hiện thực này là thế nào? Vả lại, chị còn nên làm gì được nữa ngoài việc tiếp tục chứ? Chúng tôi phải nghĩ rằng bằng cách đi làm vào cái ngày trước ca mổ, chị đang nhất định từ chối để bóng ma của thần Chết làm mình sao nhãng khỏi nhịp điệu thông thường của cuộc sống, thứ hoàn toàn có thể là nguồn an ủi và vũ khí hiệu nghiệm dành cho một người bị chẩn đoán ung thư vú. Chị hoàn toàn đúng khi đi làm vào cái ngày trước ca mổ. Trừ phi lẽ ra chị nên ở nhà gọi đồ về và chơi với lũ mèo của mình trên ghế sofa. Chúng tôi thực sự chẳng có quyền gì mà nói vào cả.

Hoàn toàn không đả động chút nào về sự có mặt của Chris Yop trong số chúng tôi, những tài liệu triển khai công việc được chuyền tay cho mọi người. Mỗi người đều cầm lấy một bản; Chris Yop cũng lấy một bản. Chẳng lẽ anh ta thực sự có ý định ngồi hết cả buổi họp triển khai công việc mặc dù anh ta không còn là nhân viên nữa? Lynn cởi áo khoác ra vắt lên lưng ghế, ngồi xuống, và nói, “Được rồi. Bắt đầu cử hành tang lễ nào.” Chị bắt đầu đọc tài liệu triển khai công việc. Khi chúng tôi lật trang, Yop lật trang. Thật khó để tập trung vào bất kỳ điều gì khác. Lynn ngồi kia, đọc tài liệu triển khai công việc, và Yop thì ngồi kia cũng đọc tài liệu triển khai công việc, và người này thì vừa mới sa thải người kia, vậy mà cả hai vẫn ngồi đó, tiếp tục như thể hoàn toàn chưa có chuyện gì xảy ra cả? Hay là chị không để ý thấy anh ta? Hay là chị còn bận tâm đến những chuyện khác trong đầu?

Dự án của chúng tôi hóa ra là làm không công. Công ty đã đóng góp công sức cho một sự kiện gây quỹ chống ung thư vú nổi tiếng được tài trợ bởi Liên minh Chống Ung thư Vú. Nhiệm vụ của chúng tôi, Lynn giải thích, bằng cách đọc tài liệu triển khai công việc, là nâng cao nhận thức về sự kiện và khuếch trương hoạt động quyên góp trên cả nước. Chúng tôi sẽ làm như vậy bằng cách quảng cáo trên các tạp chí phát hành khắp toàn quốc và phía sau những hộp ngũ cốc.

Chúng tôi không khỏi băn khoăn, lẽ nào đây chỉ là sự trùng hợp kỳ lạ? Chúng tôi tưởng có thể cuối cùng chị cũng nói gì đó với chúng tôi về kết quả chẩn đoán của chị. Chúng tôi chăm chú nhìn chị, nhưng chị không hề dao động chút nào khỏi việc đều đều đọc tập tài liệu. Chị không hề có biểu hiện nào cho thấy rằng dự án này có chút gì đó khác với bất kỳ dự án nào khác. Chúng tôi đưa mắt nhìn nhau. Rồi chúng tôi lại cắm mặt vào tập tài liệu. Khi đã đọc xong, chị giải thích thêm một số vấn đề, và sau đó chị hỏi xem chúng tôi có câu hỏi nào không. Chúng tôi bảo chị rằng đó có vẻ là một dự án tuyệt vời, và chúng tôi dò hỏi làm thế nào mà chúng tôi lại tham gia vào đó. “À, tôi biết tay chủ tịch ủy ban,” chị trả lời. “Tôi đã nói không trong suốt hai năm qua và tôi không còn đủ sức để nói không thêm nữa.” Chị nhún vai. Liếc thấy thứ gì đó qua khóe mắt, chị quay người lại nhặt sợi xơ vải ra khỏi vai áo của mình. “Còn câu hỏi nào khác không?” Không ai nói gì. “Tốt rồi,” chị nói. “Tang lễ đã xong.” Nghe đến đó, tất cả chúng tôi đều đứng lên rời khỏi phòng chị. Yop đã ra gần đến hàng lang thì chị gọi anh ta quay trở lại. “Chris,” chị nói, “tôi nói chuyện với anh một lát được không? Joe,” chị nói thêm, “khi nào ra thì đóng cửa lại nhé?” Yop quay lại, ủ rũ và miễn cưỡng. Lynn đứng lên để kéo mành cửa. Yop bước quay vào trong, cánh cửa đóng lại, và đó là hình ảnh cuối cùng chúng tôi nhìn thấy ở họ.

Chúng tôi tản về phòng và ô của mình, để rồi ngay lập tức lại rời khỏi chúng tập trung thành từng nhóm nhỏ, nơi các ngưỡng cửa và góc in ấn tài liệu, để thảo luận cái dự án không công quái đản mà chúng tôi vừa nhận được. Trong lúc triển khai công việc chị đã yêu cầu chúng tôi hình dung một người thân bị chẩn đoán mắc bệnh - một người vợ, một người mẹ - như thế chúng tôi có thể thực sự đồng cảm với những người bị bệnh ung thư và thiết kế một thông điệp hiệu quả hơn. Chậc, chính chị bị bệnh đấy thôi. Nếu ai đó có thể giúp chúng tôi hiểu và trở nên đồng cảm hơn với người bệnh vì một thông điệp hiệu quả hơn, còn ai có thể tốt hơn chị chứ? Vậy mà vẫn không hé răng lời nào. Mọi người đều biết chị là một người kín đáo. Còn chúng tôi thì khét tiếng ngồi lê đôi mách. Chúng tôi không hy vọng chị cứ thế đi ra thông báo rằng chị bị ung thư. Nhưng chị cũng là một chuyên gia quảng cáo tận tụy, và xét theo khía cạnh đó, có lẽ cũng thật lạ lùng, bất kể cái tính kín đáo của chị, khi mà chị không chịu uốn mình một chút để giúp chúng tôi hiểu rõ hơn nỗi kinh hoàng của việc bị chẩn đoán mắc bệnh, hay đơn cử như cảnh khổ sở của quá trình điều trị, nếu như hiểu rõ những cái đó có thể giúp mang đến một sản phẩm quảng cáo tốt hơn. Chúng tôi không biết liệu mình có nên tin rằng chị chỉ tình cờ biết tay chủ tịch ủy ban nào đó người đã vật nài chị cho đến khi chị đồng ý đóng góp thời gian của chúng tôi.

Chị có sự nhạy bén trong kinh doanh mà chúng tôi chưa từng thấy ở bất kỳ ai. Năm 1997 chị cãi nhau với Roger Highnote. Anh ta bỏ đi, và cuộc sống của chúng tôi cải thiện không để đâu cho hết. Chị là kẻ thù của những mẫu số chung thấp nhất. Quy tắc cốt yếu của quảng cáo từ trước đến giờ luôn là, hãy nghĩ ra thông điệp đơn giản đến nỗi kể cả một học sinh lớp tám cũng có thể hiểu được. Sư phụ của Lynn Mason, Mara Wells huyền thoại, lại tôn Bernbach làm thầy, và Bernbach từng nói một câu nổi tiếng, “Đúng là tại Mỹ tồn tại một tư duy mười hai tuổi. Đứa trẻ sáu tuổi nào cũng có nó.” Giống như Wells và Bernbach, Lynn tôn trọng trí thông minh Mỹ, và rất nhiều điều tốt đẹp đã từ đó mà ra: chiến dịch lạc đà biết nói, những mẩu quảng cáo Chàng Lở Miệng trên truyền hình. Chắc chắn rồi, chị là kẻ khiến tất cả mọi người phải đi tàu suốt kiểu Tây Ban Nha dọc hành lang, nhưng chị chưa hề khiến bất kỳ ai trong chúng tôi đi tàu suốt kiểu Tây Ban Nha dọc hành lang cả - đó là sự khác biệt quan trọng.

Lynn Mason cũng kỹ tính kinh khủng. Một lần Karen Woo và Jim Jackers đang thiết kế lại bao bì cho một hộp bánh quy được sản xuất bởi một tập đoàn lớn, những người về sau làm chúng tôi tan nát cõi lòng khi họ bỏ chúng tôi để chuyển sang một công ty khác. Chiếc hộp thuộc loại tiêu chuẩn, chi chít hình ảnh những chiếc bánh quy và những dòng chữ nhỏ bắt mắt như “Ngon tuyệt!” và “Ngào sữa!” với phông chữ uốn lượn sặc sỡ. Đây là những chi tiết bất di bất dịch; chúng đã trở thành Kinh Thánh trong cuốn sổ bìa đỏ dày cộp về những nguyên tắc xây dựng thương hiệu của khách hàng. Vì vậy công việc của Karen và Jim khá đơn giản - họ chỉ được yêu cầu tìm cách nào đó làm nổi bật giá trị dinh dưỡng của loại bánh quy. Trong một thế giới ngày càng ý thức về vấn đề sức khỏe và cảnh giác về cân nặng, tất cả các hộp bánh bích quy đều đòi hỏi phải như vậy. Thế là Karen viết vài dòng cho một trong những ô chữ trên hộp nêu bật tầm quan trọng của các acid folic và niacin. Sau đó cô ta đi xuống ô làm việc của Jim và đứng cạnh máy tính của anh ta trong lúc hướng dẫn cho anh ta viết, bằng một phông chữ nho nhỏ gần phía dưới cùng mặt trước của chiếc hộp, 0 g acid lastive. Jim thực hiện đúng như chỉ dẫn.

“Acid lastive là gì vậy?” anh ta hỏi.

“Không phải thứ mà anh muốn có trong cơ thể mình đâu,” Karen trả lời.

Họ mang chiếc hộp xuống chỗ Lynn để chị xem lại những chi tiết đã thay đổi. Thực tế thì tất cả vẫn giữ nguyên hệt như cũ chỉ trừ có cái ô chữ ở phía bên sườn hộp nói về những ích lợi của niacin và acid folic, và Lynn hài lòng với điều đó cho đến khi chị chuyển đến phần có ghi - đến đây chị ngừng đọc thầm mà bắt đầu đọc to thành tiếng - “ ‘Và những chiếc bánh quy ngon tuyệt của chúng tôi không chứa một gam nào chất acid lastive, khiến chúng trở thành sự lựa chọn khôn ngoan về mặt sức khỏe cho bữa ăn phụ cực kỳ ngon lành của bạn.’ Acid lastive là cái gì vậy?” chị gặng hỏi.

“Tôi nghĩ đại loại nó là, chị biết đấy,” Karen nói, “một thứ không có lợi cho sức khỏe.”

“Nhưng nó là cái gì?”

“Chỉ cần nghe kinh khủng là được, bất kể nó là cái gì đi nữa,” Jim nói.

“Có lẽ nó không phải là một chất mà chị muốn có trong cơ thể mình,” Karen nói, “chỉ cần đọc lên đã cảm thấy thế rồi. Acid lastive[12]. Nghe cứ như kiểu nó sẽ ở lại với chúng ta lâu hơn cả chất formaldehyde.”

Trong khi đó Lynn đã kiểm tra lại xong một lượt tập tài liệu triển khai công việc do bộ phận thông tin sản phẩm cung cấp. “Tôi không thấy có gì liên quan đến ‘acid lastive’ trong đây cả,” chị nói, mắt chằm chằm nhìn Karen.

“Không, tôi tự nghĩ ra đấy chứ,” Karen nói.

Khuôn mặt Lynn, già đi theo cái tuổi ngoài bốn mươi của chị nhưng hầu như không làm thay đổi nhiều vẻ đẹp lạnh lùng xa cách, được thiết kế theo kiểu kiến trúc dành riêng cho những lời thú nhận quá thể đáng như vậy. Cặp xương gò má cao giữ cho đôi mắt của chị được vững vàng không bị kéo xệch xuống bởi một cái nhíu mày sững sờ, đôi mắt gần như không một vết rạn chân chim của chị không bao giờ chịu đầu hàng trước một ánh mắt khó chịu nào, và cái miệng của chị, được bọc ở cả hai bên bởi một dấu ngoặc đơn duy nhất tạo thành một khóe cười hằn xuống rất tinh tế, vẫn ở nguyên vị trí cân đối khi đối mặt với những sự thật lẽ ra đã khiến những dân làm nghề khác phải nhăn mặt kinh tởm hoặc không thì cũng tuôn cho một tràng lên lớp rát mặt. Chị chỉ đơn giản chằm chằm nhìn Karen qua bàn và nghiêm giọng hỏi, “Cô tự nghĩ ra nó?”

“Dạ, không phải là phần về việc không chứa gam nào.”

“Karen,” chị nói - và về sau Jim kể cho chúng tôi nghe rằng biểu hiện khó chịu duy nhất mà chị cho phép mình để lộ ra là kéo ghế lại sát bàn hơn và đặt hai ngón tay lên thái dương trái.

“Tôi chỉ cố suy nghĩ vượt ra ngoài khuôn khổ một chút,” Karen giải thích.

“Tôi… tôi, tôi không biết...” Jim lúng búng.

Lynn tạm thời chuyển sự chú ý của mình để quay sang anh ta. “Jim, anh làm ơn để chúng tôi lại với nhau một phút được không?”

Những chuyện đại loại như thế cho chúng tôi thấy sau nhiều năm Lynn đã hình thành một nguyên tắc đạo đức đóng vai trò định hướng cho chị trong việc làm nghề quảng cáo như thế nào, nguyên tắc mà chị tuân thủ một cách vô cùng nghiêm túc. Chúng tôi tôn trọng chị vì điều này và muốn đáp ứng những tiêu chuẩn cao đó. Cứ mỗi khi chúng tôi làm điều gì đó khinh suất hoặc kém cỏi, hoặc khi chúng tôi không hoàn thành công việc ở mức độ mà chúng tôi đã kỳ vọng với một dự án nào đó, chúng tôi lại, theo những cách riêng của mỗi người, cố ngầm thể hiện với chị rằng chúng tôi cũng thất vọng không kém về chính bản thân mình như chị đồng thời bóng gió rằng chúng tôi đang tiến hành mọi nỗ lực để cải thiện. Có lẽ vì không bắt được tín hiệu của những lời xin lỗi kín đáo này - vì không muốn quảng cáo những khuyết điểm của mình, chúng tôi hiếm khi thẳng thắn thừa nhận chúng - nên thường thì chị chẳng bao giờ phản hồi gì, còn khi nào có, thì những thông cáo của chị rất ngắn gọn, lửng lơ và mập mờ. Có thể chị sẽ gửi cho chúng tôi một lời nhắn với nội dung, “Quên chuyện đó đi,” hoặc gửi một bức email ngắn ngủi, “Đừng lo lắng nhiều đến thế - Lynn.” Chúng tôi mất nhiều giờ đồng hồ để giải mã những thông điệp đơn giản này. Chúng tôi vào phòng làm việc của nhau, bắt người kia phải tạm dừng những gì họ đang làm dở, và cưỡng bách họ gia nhập trò lao động chính trị khổ sai không bao giờ chấm dứt là hóa giải những phản hồi cụt lủn không thể nào chịu nổi của chị trước những lời cầu xin được làm cho vững dạ của chúng tôi. “Đừng lo lắng nhiều đến thế?” chúng tôi hỏi nhau. “Tại sao không phải là đừng lo lắng làm gì?” Chúng tôi muốn hỏi trực tiếp chị nhưng không ai dám, trừ có Jim Jackers, người mà sự đòi hỏi vô độ đối với lời khẳng định rằng anh ta không phải là một kẻ đầu đất không còn hy vọng cải tạo đã khiến anh ta đến phòng làm việc của Lynn với sự thường xuyên của những cuộc hẹn trị liệu tâm thần. Chị lấy thời gian ở đâu ra, và tại sao chị lại dễ tính với Jim đến thế, là những điều bí ẩn chẳng kém gì những email thâm nho của chị, và lời gợi ý lố bịch của ai đó, rằng có khi chị cũng sẽ cởi mở như vậy với bất kỳ ai trong những người còn lại nếu chúng tôi có đủ gan gõ cửa phòng chị, bị gạt phắt đi như thể đúng là chẳng biết cái quái gì cả.

Vậy là chị sẽ không nói gì với chúng tôi về kết quả chẩn đoán của chị. Chúng tôi thấy vừa khó chịu và bực bội lại vừa hơi bối rối. Chúng tôi muốn chị cởi mở, dù chỉ là trong mười phút thôi. Chúng tôi ở đây để làm gì nếu không phải, đôi khi, là vì chuyện đó? Chỉ là vì công việc thôi à? Chúng tôi hy vọng không phải thế. Ấy vậy mà chúng tôi vẫn không biết gì hơn. Thậm chí là vì một quảng cáo thuyết phục hơn cũng không nốt. Chúng tôi vẫn chưa nhận được lời chính thức nào về việc chị sẽ vắng mặt ở văn phòng trong thời gian hồi phục sau phẫu thuật. Theo thông báo chính thức, chị sẽ đi làm cả tuần, và khi đến hạn, chúng tôi được yêu cầu báo cáo với chị những ý tưởng quảng cáo cho cái mà chị lòe bịp chúng tôi là một buổi gây quỹ mệt-cả-người mà chị miễn cưỡng phải nhận lời làm vì bị vật nài nhiều quá.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3