Và Thế Là Chúng Ta Tiêu - Chương 01
Và Thế Là Chúng Ta Tiêu
Các người đâu biết
trong tim tôi có gì
Chúng tôi là những kẻ ương ngạnh và nhận lương quá hậu hĩnh. Những buổi sáng của chúng tôi chẳng có gì là hứa hẹn. Ít nhất thì đám hút thuốc trong bọn cũng còn có cái mà trông đợi lúc mười giờ mười lăm. Hầu hết chúng tôi đều quý mến hầu hết mọi người, vài kẻ ghét những cá nhân cụ thể, chỉ có một hai người là yêu quý mọi người và mọi vật. Những kẻ mà ai cũng yêu đó đều nhất loạt bị rỉa rói. Chúng tôi khoái những chiếc bánh vòng miễn phí vào buổi sáng. Chỉ có điều họa hoằn lắm chúng mới xuất hiện. Những khoản phúc lợi của chúng tôi hoành tráng cả về mức độ toàn diện và mức độ quan tâm. Đôi lúc chúng tôi cũng băn khoăn không hiểu mình có xứng đáng với điều đó không nữa. Chúng tôi nghĩ có lẽ tốt hơn mình nên sang Ấn Độ, hoặc quay lại trường mẫu giáo. Làm việc gì đó với những người tàn tật hoặc chuyển sang làm việc chân tay. Nhưng chưa từng có ai hành động thật theo những cơn bốc đồng này, bất chấp những cơn vật vã hằng ngày, thậm chí là hằng giờ, của họ. Thay vào đó chúng tôi gặp nhau trong phòng họp để thảo luận công việc trong ngày.
Theo lệ thường công việc cứ thế đến và chúng tôi hoàn thành chúng một cách nhanh chóng và chuyên nghiệp. Thỉnh thoảng cũng có trục trặc. Lỗi in ấn, rồi nhầm lẫn số má chẳng hạn. Chúng tôi làm trong ngành quảng cáo nên các chi tiết rất quan trọng. Nếu chữ số thứ ba sau dấu gạch nối thứ hai trong số tổng đài miễn phí của một khách hàng lại là số sáu thay vì số tám, và cứ thế được mang đi in, rồi xuất hiện trên tạp chí Time, những người đọc mẩu quảng cáo làm sao có thể gọi đặt hàng ngay và luôn được. Dù cho họ có thể vào trang web đi nữa, chúng tôi vẫn phải chịu toàn bộ chi phí quảng cáo. Thế này đã đủ khiến các bạn phát ngán chưa? Ngày nào nó cũng làm chúng tôi phát ngán. Nỗi ngán ngẩm của chúng tôi là một nỗi ngán ngẩm tập thể, liên hồi kỳ trận, và nó sẽ không bao giờ chết vì chúng tôi sẽ không bao giờ chết.
Lynn Mason sắp chết. Chị là một trong những thành viên quản trị của công ty. Sắp chết ư? Cũng không chắc lắm. Chị mới ngoài bốn mươi. Ung thư vú. Không ai có thể xác định chính xác làm thế nào mà mọi người đều biết sự thật này. Mà liệu có phải sự thật không nhỉ? Một số người gọi đó là tin đồn. Nhưng thực ra chẳng có cái gì là tin đồn cả. Chỉ có sự thật, và ngoài ra là những gì không được nhắc đến trong các cuộc tán gẫu. Ung thư vú là căn bệnh có thể kiểm soát được nếu phát hiện từ giai đoạn đầu nhưng có lẽ Lynn đã chần chừ quá lâu. Thông tin về Lynn làm mọi người lại nghĩ đến Frank Brizzolera. Chúng tôi nhớ mình đã nhìn Frank mà nghĩ đến việc lão chỉ còn cùng lắm là sáu tháng nữa. Brizz Già, chúng tôi gọi lão như vậy. Lão hút thuốc như ống bễ. Lão đứng bên ngoài tòa nhà trong thời tiết khắc nghiệt nhất, rít Old Gold mà chẳng mặc gì hết ngoài một cái áo gi lê len. Lúc đó và chỉ lúc đó thôi, nhìn lão mới thật ngang tàng. Lão quay vào trong, chất nicotine đi trước khi lão bước dọc hành lang và còn phảng phất trong không khí rất lâu sau khi lão đã vào phòng mình. Lão bắt đầu ho, và từ phòng làm việc của mình, chúng tôi nghe thấy tiếng những trầm tích hóa thạch đang tích tụ trong phổi lão. Một số kẻ năm nào cũng cho lão vào Danh sách Theo dõi Nhân vật Nổi tiếng sắp chết vì kiểu ho đó, mặc dù lão cũng chẳng phải là nhân vật đình đám gì. Lão cũng biết điều đó, lão biết mình trong danh sách chờ chết, và một số kẻ cá cược sẽ được hưởng lợi từ cái chết của lão. Lão biết vì lão là một người trong chúng tôi, mà chúng tôi thì chuyện gì cũng biết.
Chúng tôi không biết ai ăn cắp đồ ở bàn làm việc của người khác. Bao giờ cũng là những thứ lặt vặt - bưu thiếp, ảnh lồng khung. Chúng tôi có nghi ngờ nhưng không có bằng chứng. Chúng tôi tin rằng có lẽ những thứ ăn cắp được chẳng thấm vào đâu so với cảm giác kích thích - nỗi khoái trá gây nghiện của kẻ ăn cắp, hoặc có thể đó là tiếng kêu cứu bệnh hoạn. Hank Neary, một trong số những writer[1] người da đen hiếm hoi của công ty, hỏi, “Thôi nào, giời ơi... có ai lại muốn lấy kem đánh răng du lịch của tôi hả giời?”
Chúng tôi không biết kẻ nào chịu trách nhiệm về việc giấu miếng sushi đằng sau giá sách của Joe Pope. Một hai ngày đầu Joe hoàn toàn chẳng biết gì về miếng sushi. Sau đó anh ta bắt đầu len lén hít hai nách, và giơ lòng bàn tay lên miệng để kiểm tra hơi thở hắt lại. Đến cuối tuần thì anh ta chắc chắn rằng không phải là do mình. Chúng tôi cũng ngửi thấy. Dai dẳng, nồng nặc trong lỗ mũi, nó bắt đầu trở nên tồi tệ hơn cả một con vật đang chết thối. Những thứ trong dạ dày Joe trào ngược lên mỗi lần anh ta vào văn phòng của mình. Đến tuần tiếp theo thì cái mùi đó đã trở nên kinh khủng đến nỗi cánh nhân viên tòa nhà cũng bị lôi vào, săn lùng khắp văn phòng để tìm bằng được thứ hóa ra một miếng sushi mặt trời - cá ngừ, cá hồi trắng cá hồi đỏ và cải Brussels. Mike Boroshansky, trưởng bộ phận bảo vệ, liên tục kéo cà vạt lên bịt mũi, cứ như thể anh ta là một tay cảnh sát thực thụ đang ở hiện trường một vụ án.
Chúng tôi cảm ơn nhau. Chuyện đó là thông lệ sau mỗi lần trao đổi. Những lời cảm ơn của chúng tôi chẳng bao giờ có ý xảo trá hay châm biếm. Chúng tôi nói cảm ơn vì đã giải quyết chuyện này thật chóng vánh, vì đã chịu nhọc công vào đó. Chúng tôi họp và khi cuộc họp kết thúc, chúng tôi nói lời cảm ơn với những người tổ chức cuộc họp vì đã tổ chức cuộc họp. Rất hiếm khi chúng tôi nói điều gì đó tiêu cực hay xúc phạm về những cuộc họp. Chúng tôi biết rằng hầu như tất cả các cuộc họp về cơ bản đều vô tích sự và thực ra cứ ba bốn cuộc họp thì lại có một cuộc hoàn toàn chẳng có kết quả hay mục đích gì, nhưng rất nhiều cuộc họp lại bộc lộ ra một điều cần thiết và thế là chúng tôi tham gia các cuộc họp và sau đó chúng tôi cảm ơn nhau.
Karen Woo lúc nào cũng có điều gì đó mới mẻ để kể cho chúng tôi và chúng tôi ghét cay ghét đắng cô ta vì điều đó. Cô ta cứ bắt đầu nói là mắt chúng tôi lại đờ ra. Có lẽ nào lại đúng, như thỉnh thoảng chúng tôi vẫn lo sợ trên đường về nhà, rằng chúng tôi là những cá nhân vô cảm và chai sạn, không có khả năng thông cảm, và đầy ác ý với người khác chẳng vì lý do gì mà chỉ vì họ quá gần gũi và quen thuộc? Lắm lúc chúng tôi chợt ngộ ra rằng công việc, cái nhịp từ chín giờ sáng đến năm giờ chiều hằng ngày, đang xô đẩy chúng tôi xa rời bản ngã tốt đẹp của mình. Chúng tôi có nên bỏ việc không nhỉ? Liệu cách đó có giải quyết được vấn đề không? Hay đây là những tính cách bẩm sinh, bắt chúng tôi phải chung thân với sự xấu xa và ti tiện về tâm hồn? Hy vọng là không phải thế.
Marcia Dwyer trở nên nổi tiếng vì gửi một bức email cho Genevieve Latko-Devine. Marcia thường viết cho Genevieve sau những cuộc họp. “Thực sự là khó chịu khi làm việc với những kẻ khó chịu,” có lần cô ta viết. Đến đây cô ta kết thúc bức thư và chờ phản hồi của Genevieve. Bình thường khi cô ta nhận được email của Genevieve, thay vì viết lại, như thế sẽ mất quá nhiều thời gian - Marcia là chuyên viên mỹ thuật, không phải là một writer - cô ta sẽ bước thẳng sang phòng của Genevieve, đóng cửa lại và hai người phụ nữ bắt đầu thủ thỉ. Điều duy nhất khả dĩ chịu đựng nổi trong cái chuyện khó chịu dính dáng đến kẻ khó chịu kia chính là ý nghĩ kể tất cả ra với Genevieve, người sẽ thấu hiểu hơn bất kỳ ai khác. Marcia cũng có thể gọi cho mẹ cô ta, mẹ cô ta chắc chắn sẽ lắng nghe. Cô ta cũng có thể gọi cho một trong bốn người anh em trai của mình, bất cứ ai trong số mấy tay đầu gấu khu Nam ấy cũng sẽ thích mê tơi nếu được tẩn cho kẻ khó chịu kia một trận. Nhưng họ sẽ không thể nào hiểu nổi. Có thể họ sẽ thông cảm, nhưng thông cảm với thấu hiểu là hai chuyện khác nhau. Genevieve hầu như không cần phải gật đầu để Marcia biết rằng cô đang hiểu rõ chuyện. Chẳng phải tất cả chúng ta đều hiểu cái nhu cầu thiết yếu là được ai đó thấu hiểu? Nhưng bức email mà Marcia nhận được không phải là từ Genevieve. Mà là từ Jim Jackers. “Cô đang nói về tôi đấy à?” anh ta viết. Amber Ludwig viết, “Tôi không phải là Genevieve.” Benny Shassburger viết, “Có vẻ như cô nhầm rồi.” Tom Mota viết, “Ha!” Marcia tối tăm mặt mũi. Cô ta nhận được sáu mươi lăm bức email trong vòng có hai phút. Một tay ở bộ phận Nhân sự nhắc nhở cô ta không được gửi email cá nhân. Jim viết lần thứ hai. “Cô làm ơn nói cho tôi biết - đó có phải là tôi không, Marcia? Tôi có phải là kẻ khó chịu mà cô đang nói đến không vậy?”
Marcia chỉ muốn ăn tim Jim vì có những buổi sáng anh ta lê xác đến thang máy và chào chúng tôi bằng câu nói, “Thế nào, mấy bạn nhọ của tôi?” Anh ta nói một cách châm biếm cố tỏ ra hài hước, nhưng đơn giản anh ta không phải là loại người biết cách chọc cười. Nó chỉ khiến chúng tôi rùng mình, nhất là Marcia, nhất là nếu Hank có mặt.
Trong những ngày ấy cũng không hiếm cảnh một người đẩy một người khác nhanh đến chóng mặt dọc hành lang trên một chiếc ghế xoay. Ngoài chơi đùa, chúng tôi dành phần lớn thời gian của mình trong những khoảng tạm nghỉ yên lặng kéo dài khi chúng tôi cắm đầu ở bàn riêng, làm một việc nào đó được giao, đắm chìm vào nó - cho đến khi Benny, buồn chán, bước sang đứng ở ngưỡng cửa. “Cậu đang làm gì vậy?” anh ta hỏi.
Đó có thể là bất kỳ ai trong chúng tôi. “Làm việc” là câu trả lời thông thường.
Thế là Benny lại tần ngần gõ gõ chiếc nhẫn tốt nghiệp mặt ngọc Topaz của anh ta lên khung cửa và lượn đi chỗ khác.
Chúng tôi mới căm ghét những cốc cà phê của mình làm sao chứ! Rồi còn cả tấm lót chuột máy tính, đồng hồ để bàn, lịch làm việc hằng ngày, những thứ trong ngăn kéo bàn. Thậm chí cả những bức ảnh người thân dán vào màn hình máy tính để cổ vũ và ủng hộ tinh thần cũng biến thành những thứ giả tạo gọi nhớ về quãng thời gian phụng sự. Nhưng khi chúng tôi có một phòng làm việc mới, một phòng làm việc rộng hơn, và chúng tôi mang theo mọi thứ vào văn phòng mới, chúng tôi lại thấy yêu quý tất cả biết bao, rồi lại hăng hái nghĩ xem nên xếp đặt đồ ở chỗ nào, và đến cuối ngày chúng tôi hài lòng khi thấy những món đồ cũ của mình trông mới tuyệt vời làm sao trong cái không gian mới mẻ, quan trọng và khá khẩm hơn này. Ngay lúc đó thì trong đầu chúng tôi tuyệt nhiên không có mảy may nghi ngờ gì về việc tất cả những quyết định chúng tôi đã đưa ra đều đúng đắn, trong khi hầu hết những ngày khác chúng tôi lúc nào cũng trăn trở. Bất kể nơi nào bạn nhìn, trong hành lang hay phòng tắm, quầy cà phê và căng tin, ngoài sảnh và chỗ in ấn, là thấy chúng tôi ở đó trong tâm trạng trăn trở.
Hình như cả cái nơi chết tiệt này chỉ có đúng một cái máy gọt bút chì chạy điện.
Chúng tôi không có nhiều kiên nhẫn dành cho những kẻ yếm thế. Tất cả mọi người đều là kẻ yếm thế lúc này lúc nọ, nhưng than khóc về vận may khó tin của chúng tôi cũng đâu có được ích lợi gì. Ở quy mô quốc gia mọi việc tiến triển theo hướng rất khá khẩm đối với chúng tôi và tiền bạc thật dễ kiếm. Những chiếc xe được chào bán để sử dụng cho gia đình, những chiếc xe chỉ vừa vặn nhét vào đường để xe trước nhà, có một vẻ hấp dẫn oai phong lẫm liệt, một lời hứa hẹn rằng, một khi đã ở trên xe, không mối nguy hiểm nào có thể xảy ra với con cái của chúng tôi. Rồi là IPO[2] cái này và IPO cái kia. Mọi người ai cũng biết một chủ ngân hàng. Và mới thật tuyệt vời làm sao, một chuyến đạp xe quanh khu bảo tồn rừng vào một ngày Chủ nhật trong tháng Năm trên những chiếc xe đạp leo núi, với chai nước và mũ bảo hiểm. Tội phạm đang ở mức thấp nhất từ trước đến nay và chúng tôi được nghe kể về trường hợp những người từng phải nhận trợ cấp xã hội giờ nắm giữ những công việc ổn định. Các sản phẩm chăm sóc tóc mới được tung ra thị trường mỗi ngày và xếp thành từng hàng ngay ngắn trên kệ kính của cánh stylist, chúng tôi cứ hau háu nhìn chúng trong gương mỗi khi chúng tôi nói chuyện phiếm, ai nấy đều chắc mẩm, trên kia có một thứ dành cho mình. Mặc dù vậy, một số người trong chúng tôi vẫn gặp khó khăn trong việc tìm bạn trai. Một số người trong chúng tôi gặp khó khăn trong việc ngủ với vợ mình.
Có những hôm chúng tôi tụ tập trong bếp ở tầng sáu mươi để ăn trưa. Chỉ có chỗ cho tám người ở bàn ăn. Nếu tất cả chỗ ngồi đều có người, Jim Jackers sẽ phải ăn món bánh sandwich của mình ở bồn rửa và cố hóng hớt vào từ phía đó. Thật may cho chúng tôi, ở chỗ đó anh ta có thể đưa hộ chúng tôi cái thìa hay lọ muối trong trường hợp chúng tôi cần đến.
“Thực sự là khó chịu,” Tom Mota nói với cả bàn, “khi làm việc với những kẻ khó chịu.”
“Quỷ tha ma bắt anh đi, Tom,” Marcia bật lại.
Những kẻ săn đầu người bám riết lấy chúng tôi. Họ tấn công chúng tôi dồn dập bằng những lời hứa hẹn về chức danh hấp dẫn hơn cùng những khoản tăng lương. Vài người trong chúng tôi ra đi nhưng hầu hết chúng tôi ở lại. Chúng tôi thích những triển vọng ở chỗ hiện tại và chẳng muốn phải gặp gỡ những người mới làm gì cho phiền phức. Bản thân chúng tôi cũng đã phải mất một thời gian mới hòa nhập và cảm thấy thoải mái được. Ngày đầu tiên đi làm, những cái tên vừa chui vào tai này đã lọt sang tai kia. Mới phút trước ta còn đang được giới thiệu với một gã có quả đầu đỏ rực và nước da trắng nhợt lấm tấm tàn nhang, thế rồi trước khi kịp nhận ra ta đã chuyển tiếp sang người khác rồi sau đó lại là người khác nữa. Một vài tuần trôi qua, dần dần ta bắt đầu gắn cái tên vào với khuôn mặt, và đến một ngày kia, cứ thế tách một cái, chúng gắn chặt vào nhau mãi mãi; tên của gã tóc đỏ hăm hở là Jim Jackers. Không còn chuyện nhầm anh ta với “Benny Shassburger”, tên của gã này bạn thường nhìn thấy trên các bức email và tài liệu phân phát nhưng vẫn chưa biết anh ta là gã Do Thái nhũn nhặn, hơi đậm người với những lọn tóc xoăn như cái mở nút chai và hơi tí là cười. Nhiều người quá thể! Đủ các loại cơ thể, màu tóc và tuyên ngôn thời trang.
Kiểu tóc của Marcia Dwyer mắc kẹt lại trong những năm 1980. Cô ta nghe cái loại nhạc đến là kinh khủng, những ban nhạc mà chúng tôi đã thôi nghe từ hồi lớp mười một. Một số người thậm chí còn chưa bao giờ nghe cái loại nhạc mà cô ta vẫn nghe, họ không thể tưởng tượng nổi cô ta có thể thích thú với kiểu tiếng ồn như vậy. Những người khác lại chẳng hề thích âm nhạc tí nào, một số thích các chương trình trò chuyện trên đài phát thanh, và có một đội quân đông đảo luôn chỉnh radio theo các đài phát thanh chuyên phát những bài hát cũ. Ban đêm sau khi mọi người đã về nhà, sau khi tất cả chúng tôi đã ngủ thiếp đi và cả thành phố tắt đèn, những giai điệu cũ vẫn tiếp tục cất lên trong văn phòng vắng tanh. Cứ thử hình dung mà xem - chỉ là một vệt sáng hình bình hành lọt qua khung cửa. Một giai điệu sôi động của ban nhạc Drifters vang lên lúc hai, ba giờ sáng, trong khi ở đâu đó đang diễn ra những vụ giết người, mua bán ma túy, những vụ hành hung không thể diễn tả bằng lời. Tội phạm có giảm, nhưng vẫn chưa thể coi là nó đã lỗi thời. Buổi sáng, các DJ yêu thích của chúng tôi quay trở lại, giới thiệu những bài hát cũ yêu thích của chúng tôi. Hầu hết chúng tôi đều ăn lớp kem vụn phía trên trước rồi mới ăn hết phần còn lại của chiếc bánh kem xốp. Đó cũng chính là những bài hát rồi sẽ được chơi trong suốt mùa đông hạt nhân[3].
Chúng tôi có những ký ức sâu đậm và sống động về những giờ tẻ nhạt, lê thê vô cùng tận. Rồi một ngày sẽ qua đi trong sự hài hòa hoàn hảo với những dự án của chúng tôi, những người thân trong gia đình chúng tôi, rồi cả những đồng nghiệp của chúng tôi nữa, và chúng tôi không thể tin nổi là mình đang được trả lương vì chuyện này. Chúng tôi quyết định uống rượu vang trong bữa tối để ăn mừng. Một số người trong chúng tôi đặc biệt thích một nhà hàng trong khi những người khác lại tản ra khắp thành phố, ăn thử và đánh giá. Xét ở mặt đó, chúng tôi giống như cáo và nhím[4]. Đối với Karen Woo, điều quan trọng sống còn là cô ta phải là người đầu tiên được biết về một nhà hàng mới. Nếu ai đó nhắc đến một nhà hàng mới mà Karen chưa biết, bạn có thể đánh cược đến đồng đô la cuối cùng của mình rằng Karen sẽ đến đó ngay trong tối hôm ấy, ăn thử và đánh giá, và buổi sáng hôm sau khi đến chỗ làm, cô ta kể cho chúng tôi (những người chưa biết về việc có người khác đã biết về nhà hàng mới) về nhà hàng mới mà cô ta vừa tới, nó tuyệt vời làm sao, và tại sao tất cả chúng tôi phải đến đó mới được. Những người trong chúng tôi làm theo lời gợi ý của Karen cũng đưa ra lời khuyên giống hệt đối với những người trong chúng tôi không được nghe lời khuyên của Karen, và chẳng mấy chốc tất cả chúng tôi đều chạm trán nhau ở nhà hàng mới. Đến lúc ấy thì đừng có hòng nhìn thấy Karen ở đó nữa.
Vào đầu thời kỳ của những khoản ngân sách cân bằng và sự tăng trưởng ngoạn mục của chỉ số chứng khoán NASDAQ chúng tôi được phát những chiếc áo phông chất cotton hảo hạng với logo của công ty thêu trên ngực trái. Chiếc áo phông được dành cho một sự kiện tập thể nào đó và tất cả mọi người đều mặc nó vì niềm tự hào đối với công ty. Sau khi kết thúc sự kiện đó, họa hoằn lắm mới lại thấy có người mặc áo chiếc áo đó - không phải vì chúng tôi đã đánh mất niềm tự hào đối với công ty, mà bởi vì kể ra cũng hơi xấu hổ nếu bị bắt gặp mặc một thứ mà ai cũng biết là bạn được cho không. Xét cho cùng, danh mục quảng cáo của chúng tôi đầy lời chào mời từ những công ty niêm yết trên sàn NASDAQ và nếu như trước kia cha mẹ chúng tôi chỉ đủ khả năng mua quần áo cho chúng tôi ở Sears, thì giờ đây chúng tôi có thể mua sắm ở Brooks Brothers và không việc gì phải cần đến áo phông miễn phí. Chúng tôi mang chúng cho tổ chức từ thiện Goodwill hoặc chúng nằm vạ vật trong ngăn tủ hoặc chúng tôi mặc chúng vào mỗi khi cắt cỏ. Vài năm sau, Tom Mota khai quật chiếc áo phông niềm-tự-hào-công-ty ra từ cái thùng quần áo nào đó dưới gầm giường của gã. Nhiều khả năng gã tìm thấy nó khi những tài sản của gia đình Mota đang được phân chia theo lệnh thẩm phán. Gã mặc chiếc áo đi làm. Gã đã mặc chiếc áo phông cùng với tất cả chúng tôi vào cái ngày mặc áo phông ấy, nhưng cuộc đời gã đã thay đổi chóng mặt kể từ đó và chúng tôi nghĩ đó là dấu hiệu cho thấy tâm trí gã đang ở tận đẩu tận đâu khi gã không lấy làm phiền bị nhìn thấy trong một chiếc áo phông mà hầu hết chúng tôi dùng để rửa xe. Đó thực sự là một chất cotton cực kỳ tiện dụng. Và rồi sang ngày hôm sau Tom Mota vẫn mặc chiếc áo đó. Chúng tôi băn khoăn không biết gã ngủ ở đâu. Đến ngày thứ ba, chúng tôi thấy lo ngại về chuyện tắm rửa của gã. Khi Tom trải qua cả một tuần liền vẫn mặc chiếc áo phông đó, chúng tôi chắc mẩm thế nào nó cũng bốc mùi. Nhưng chắc hẳn gã vẫn giặt áo, và chúng tôi tưởng tượng ra gã cởi trần trùng trục ở hiệu giặt là Laundromat nhìn chiếc áo phông duy nhất của mình trong máy sấy, vì vợ gã không cho phép gã quay về nhà ở Naperville.
Đến khi hết tháng, cuối cùng chúng tôi cũng phát hiện ra rằng chuyện này chẳng có liên quan gì đến vụ ly hôn của Tom. Ba mươi ngày liên tiếp mặc chiếc áo phông của công ty - đó là sự khởi đầu cho chiến dịch biểu tình của Tom.
“Cậu có định thay ra không vậy?” Benny hỏi.
“Tớ thích cái áo này. Tớ muốn được chôn cùng với nó.”
“Vậy ít nhất cậu cũng lấy cái áo của tớ được không, để cậu có thể thay đổi?”
“Tớ rất sẵn lòng,” Tom nói.
Thế là Benny cho Tom chiếc áo của anh ta, nhưng Tom không dùng nó để thay đổi. Thay vào đó gã mặc chiếc áo của Benny trùm bên ngoài áo của mình. Hai cái áo phông, chiếc này trùm lên chiếc kia. Gã sán đến những người còn lại gạ gẫm xin nốt áo của chúng tôi. Jim Jackers luôn vồ lấy bất kỳ cơ hội nào để lấy lòng người khác, và chẳng mấy chốc Tom đã nghênh ngang đi khắp nơi trong ba chiếc áo phông.
“Lynn Mason bắt đầu đặt câu hỏi rồi đấy,” Benny nói.
“Niềm tự hào công ty,” Tom nói.
“Nhưng ba cái cùng một lúc?”
“Cậu không biết trong tim tôi có gì đâu,” Tom nói, và đấm bình bịch nắm tay lên logo của công ty ba lần. “Niềm tự hào công ty.”
Có những ngày áo màu xanh lục ở ngoài cùng, có hôm là màu đỏ, có ngày màu xanh lam. Về sau chúng tôi phát hiện ra rằng gã chính là kẻ chịu trách nhiệm về việc gắn miếng sushi mặt trời lên đằng sau giá sách của Joe. Gã cũng chịu trách nhiệm về nhiều chuyện, kể cả việc thay đổi các kênh radio của mọi người, tạo những screensaver khiêu dâm, và để lại con giống của mình trên sàn phòng vệ sinh nam ở tầng sáu mươi và sáu mốt. Chúng tôi biết gã phải chịu trách nhiệm vì ngay sau khi gã bị sa thải, các kênh radio không bị ai quấy rầy và những người lao công không còn khiếu nại với ban quản lý nữa.
Đó là thời kỳ của đồ phát miễn phí và những thứ lưu niệm lặt vặt. Thế giới đầy ứ tiền bạc từ Internet và chúng tôi cũng có phần chia hậu hĩnh từ đó. Quan điểm của chúng tôi là thiết kế logo cũng quan trọng chẳng kém gì chất lượng sản phẩm và hệ thống phân phối. “Bá cháy” là từ mà chúng tôi thường dùng để tả những thiết kế logo của mình. “Giẻ rách” là từ chúng tôi thường dùng để tả thiết kế logo của những công ty khác - trừ phi đó là một thiết kế thực sự ấn tượng, trong trường hợp đó chúng tôi phủ phục người trước nó, cũng giống như người Maya cổ đại quỳ trước những vị thần của họ.
Chúng tôi cũng đinh ninh là tất cả sẽ không bao giờ kết thúc.