Thư Viện Nửa Đêm - Chương 53
Đến giờ Nora đã hiểu ra một điều. Điều mà Hugo chưa giải thích cho cô một cách cặn kẽ và đầy đủ trong căn bếp tại Svalbard. Ta không nhất thiết phải yêu thích mọi khía cạnh trong một cuộc đời thì mới có thể tiếp tục trải nghiệm cuộc đời ấy. Chỉ cần ta không từ bỏ niềm tin rằng đâu đó trên thế gian này có một cuộc đời ta có thể sẽ thích. Tương tự như vậy, thích một cuộc đời không có nghĩa là ta sẽ ở đó mãi. Ta chỉ vĩnh viễn ở lại trong một cuộc đời nếu ta không hình dung được còn cuộc đời nào tốt đẹp hơn thế. Nhưng oái oăm thay, càng kinh qua nhiều cuộc đời người ta càng dễ hình dung ra cuộc đời khác tốt hơn, vì trí tưởng tượng của Nora rộng mở hơn một chút với mỗi cuộc đời mới mà cô trải nghiệm.
Vậy là dần dà, dưới sự hướng dẫn của bà Elm, Nora lấy xuống rất nhiều sách từ trên kệ, nhờ thế cô được nếm trải vô số cuộc đời khác nhau nhằm tìm cuộc đời đích thực dành cho mình. Cô hiểu ra rằng sửa chữa những hối tiếc chính là một cách hiện thực hóa những điều ước của cô. Dù sao, gần như vũ trụ chứa mọi cuộc đời cô có thể sống.
Ở cuộc đời nọ, cô trải qua quãng thời gian khá cô độc ở Parts, dạy tiếng Anh tại một trường đại học ở Montparnasse, đạp xe bên bờ sông Seine, ngồi trong công viên đọc thật nhiều sách. Ở cuộc đời khác, cô là giáo viên dạy yoga có khả năng xoay cổ linh hoạt không thua gì cú.
Ở cuộc đời nọ, cô tiếp tục bơi lội nhưng không có tham vọng dự Olympic. Cô bơi chỉ vì sở thích. Trong cuộc đời đó cô làm nhân viên cứu hộ ở khu resort bên bờ biển tại Sitges gần Barcelona, thông thạo cả tiếng Catalunya lẫn tiếng Tây Ban Nha, có người bạn thân vui tính tên là Gabriela - người dạy cô lướt sóng và sống chung với cô trong căn hộ nằm cách bãi biển chỉ năm phút đi đường.
Có một cuộc đời trong đó Nora tiếp tục sự nghiệp sáng tác tiểu thuyết mà cô thỉnh thoảng vẫn cân nhắc hồi còn học đại học và giờ đã trở thành nhà văn có sách xuất bản. Cuốn tiểu thuyết Hình hài của tiếc nuối cô viết được đánh giá rất cao và lọt vào danh sách đề cử của một giải thưởng văn học có tiếng. Ở cuộc đời này cô đã đến câu lạc bộ tư Soho “tưởng không nhàm mà nhàm không tưởng” chỉ dành riêng cho hội viên, dùng bữa trưa cùng với hai nhà sản xuất thân thiện, dễ gần của hãng phim Magic Lantern Productions, họ ngỏ ý muốn mua bản quyền chuyển thể cuốn sách thành phim. Cuối cùng cô hóc luôn miếng bánh mì dẹt đang ăn và làm đổ rượu vang đỏ vào quần một nhà sản xuất, khiến mọi chuyện rối tinh hết cả lên.
Ở cuộc đời nọ, cô có cậu con trai tuổi mới lớn tên là Henry mà cô không có cơ hội nói chuyện đàng hoàng vì cậu ta chỉ toàn sập cửa vào mặt cô.
Ở cuộc đời nọ, cô là nghệ sĩ piano thính phòng hiện đang đi tour tại khu vực Scandinavia, tối nào cũng biểu diễn trước đám đông khán giả ái mộ (và biến về Thư viện Nửa Đêm khi có màn trình diễn thảm họa bản Concerto số 2 dành cho piano của Chopin tại gian Finlandia ở Helsinki).
Ở cuộc đời nọ, cô không ăn bất cứ món gì ngoài bánh mì nướng.
Ở cuộc đời nọ, cô đi học tại Oxford và trở thành giảng viên khoa Triết của trường đại học St Catherine, sống một mình trong căn nhà có kiến trúc thời vua George ở khu thượng lưu giữa không gian tĩnh lặng, êm đềm.
Ở cuộc đời nọ, Nora là con người đa sầu đa cảm. Cô cảm nhận mọi thứ một cách trực diện và sâu sắc. Mọi niềm vui, mọi nỗi buồn. Một khoảnh khắc đều có thể mang đến cho cô cả khoái cảm cuồng nhiệt lẫn đau khổ tột cùng, hai thái cực ấy đi liền với nhau chẳng khác nào con lắc không ngừng đưa qua đưa lại. Một cuộc dạo chơi rất đỗi bình thường bên ngoài kia cũng có thể gieo vào lòng cô nỗi sầu thăm thẳm chỉ vì mặt trời đã lùi về sau một đám mây. Nhưng ngược lại, khi gặp một chú chó tỏ ra biết ơn vì được cô chú ý, cô có thể hân hoan mãnh liệt đến nỗi như tan chảy ngay tại chỗ vì sung sướng. Ở cuộc đời đó, cô giữ một tập thơ Emily Dickinson làm sách gối đầu giường, có một danh sách phát nhạc gọi là “Những cơn hưng phấn tuyệt đỉnh” và một danh sách khác là “Chất keo hàn gắn khi tôi vụn vỡ”.
Ở cuộc đời nọ, cô là vlogger du lịch với 1.750.000 người đăng ký theo dõi kênh YouTube và cũng có khoảng chừng ấy người theo dõi trên Instagram, video được xem nhiều nhất là video có cảnh cô ngã nhào khỏi gondola ở Venezia. Ngoài ra cô cũng làm một video về Roma với tên gọi “Liệu pháp Roma”.
Ở cuộc đời nọ, cô làm mẹ đơn thân nuôi đứa con bé bỏng gần như chẳng bao giờ chịu ngủ.
Ở cuộc đời nọ, cô phụ trách mục tin tức giải trí cho một tờ báo lá cải và viết bài về những cuộc tình của Ryan Bailey.
Ở cuộc đời nọ, cô là biên tập viên hình ảnh của tạp chí National Geographic.
Ở cuộc đời nọ, cô là kiến trúc sư sinh thái thành đạt với lối sống cân bằng lượng cacbon trong căn nhà gỗ một tầng tự thiết kế có thể thu hoạch nước mưa và vận hành bằng năng lượng mặt trời.
Ở cuộc đời nọ, cô là nhân viên cứu trợ ở Botswana.
Ở cuộc đời nọ, cô làm nghề trông nom và chăm sóc mèo.
Ở cuộc đời nọ, cô là tình nguyện viên trung tâm bảo trợ người vô gia cư.
Ở cuộc đời nọ, cô ngủ nhờ trên sofa nhà người bạn duy nhất.
Ở cuộc đời nọ, cô dạy nhạc ở Montréal.
Ở cuộc đời nọ, cô dành cả ngày để cãi nhau với những kẻ lạ hoắc trên Twitter và rất hay kết thúc bài đăng với câu “Sống tử tế hơn đi” dù trong thâm tâm cũng nhận ra cô đang thúc giục chính mình làm theo lời khuyên đó.
Ở cuộc đời nọ, cô chẳng có tài khoản mạng xã hội nào cả.
Ở cuộc đời nọ, cô không bao giờ biết đến rượu bia.
Ở cuộc đời nọ, cô là nhà vô địch cờ vua và hiện đang ở Ukraina để tham gia đấu giải.
Ở cuộc đời nọ, cô đã kết hôn với một nhân vật thứ cấp trong vương thất và ghét cay ghét đắng.
Ở cuộc đời nọ, cô không đăng gì lên Facebook và Instagram ngoài những câu danh ngôn của Rumi và Lão Tử.
Ở cuộc đời nọ, cô mới cưới ông chồng thứ ba nhưng chưa gì đã thấy chán.
Ở cuộc đời nọ, cô là vận động viên cử tạ ăn chay trường.
Ở cuộc đời nọ, cô đi du lịch khắp Nam Mỹ và gặp động đất ở Chile.
Ở cuộc đời nọ, cô có một người bạn tên là Becky lúc nào cũng kêu “Ôi giời ơi!” khi gặp chuyện vui.
Ở cuộc đời nọ, cô gặp lại Hugo khi lặn ngoài khơi đảo Corsica, hai người trao đổi về cơ học lượng tử và uống rượu ở quán bar bên bờ biển cho tới khi Hugo rút lui khỏi cuộc đời đó trong lúc thao thao bất tuyệt, báo hại Nora phải tiếp chuyện một Hugo ngơ ngác cố nặn óc để nhớ lại xem tên cô là gì.
Ở dăm cuộc đời, Nora thu hút sự chú ý của đông đảo mọi người. Ở dăm cuộc đời khác, chẳng ai chú ý đến cô. Ở dăm cuộc đời, cô sống trong cảnh giàu sang. Ở dăm cuộc đời, cô lại nghèo rớt. Ở dăm cuộc đời, cô rất khỏe mạnh. Ở dăm cuộc đời, cô chỉ leo cầu thang thôi mà cũng thở không ra hơi. Ở dăm cuộc đời cô có người yêu, ở vài cuộc đời cô lại chẳng yêu ai, và ở nhiều cuộc đời khác cô vẫn đang trong giai đoạn tìm hiểu. Ở dăm cuộc đời cô đã làm mẹ, nhưng phần lớn thì chưa.
Cô từng vào vai ngôi sao nhạc rock, vận động viên Olympic, giáo viên dạy nhạc, giáo viên tiểu học, giáo sư, giám đốc điều hành, trợ lý, đầu bếp, nhà băng hà học, nhà khí hậu học, diễn viên nhào lộn, người trồng cây, giám đốc kiểm toán, thợ cắt tóc, người dắt chó đi dạo, nhân viên văn phòng, nhà phát triển phần mềm, lễ tân, người dọn phòng khách sạn, chính trị gia, luật sư, kẻ trà trộn vào cửa hàng để thó đồ, người đứng đầu tổ chức từ thiện bảo vệ đại dương, nhân viên cửa hàng (một lần nữa), nhân viên chạy bàn, giám sát viên trực tiếp, thợ thổi thủy tinh và vô vàn công việc khác. Cô chịu đựng những quãng đường như hành xác khi đi làm bằng ô tô, xe buýt, xe lửa, phà, xe đạp, đi bộ. Cô nhận hàng trăm, hàng ngàn, hàng vạn email. Cô bị một ông sếp năm mươi ba tuổi mắc bệnh hôi miệng sờ chân dưới gầm bàn rồi phải nhận tin nhắn có ảnh chụp thằng nhỏ của ông ta. Cô bị đồng nghiệp đặt điều, được đồng nghiệp yêu mến và (chủ yếu là) bị đồng nghiệp hoàn toàn ngó lơ. Ở nhiều cuộc đời cô không đi làm, ở một số cuộc đời cô muốn đi làm nhưng chẳng tìm được việc. Trong một số cuộc đời cô mạnh dạn phá vỡ rào cản, nhưng trong vài cuộc đời khác cô chỉ hì hục lau chùi chúng. Cô có trình độ học vấn khi thì cao kịch trần, lúc lại thấp chạm đáy. Cô có những giấc ngủ ngon và cả tệ hại. Trong một số cuộc đời cô phải dùng thuốc chống trầm cảm, nhưng trong nhiều cuộc đời khác cô thậm chí không cần uống ibuprofen để trị đau đầu. Ở một số cuộc đời, cô khỏe mạnh bình thường nhưng lại mắc bệnh tưởng, trong những cuộc đời khác cô đã ốm nặng còn mắc thêm bệnh tưởng, nhưng trong phần lớn những cuộc đời của mình, cô hoàn toàn không bị bệnh tưởng. Có một cuộc đời cô mắc chứng mệt mỏi kinh niên, một cuộc đời cô bị ung thư, một cuộc đời cô bị thoát vị đĩa đệm và gãy xương sườn do tai nạn xe hơi.
Nói một cách ngắn gọn, cô đã sống qua vô vàn cuộc đời.
Trong những cuộc đời đó, cô đã cười, đã khóc, đã bình tĩnh, đã kinh hoảng và đi qua muôn vàn trạng thái cảm xúc khác nữa.
Giữa những cuộc đời đó, cô luôn gặp bà Elm trong thư viện.
Mới đầu, dường như càng trải nghiệm nhiều cuộc đời thì cô càng ít gặp khó khăn trong quá trình chuyển tiếp. Không có bất cứ dấu hiệu gì cho thấy thư viện đang đứng trước bờ vực sụp đổ, vụn vỡ hoặc có nguy cơ biến mất hoàn toàn. Đèn thậm chí không nhấp nháy trong suốt thời gian chuyển dịch. Dường như cô đã đạt tới ngưỡng chấp nhận cuộc đời, rằng cho dù có điều gì đó tồi tệ xảy đến đi nữa, cuộc đời chắc chắn không chỉ toàn những trải nghiệm tồi tệ. Cô hiểu ra cô tìm đến cái chết không phải vì đau khổ, mà vì cô đã tự thuyết phục bản thân rằng không có cách nào để thoát khỏi sự đau khổ ấy.
Cô nghĩ đó có lẽ là cơ sở của bệnh trầm cảm và cũng là sự khác biệt giữa sợ hãi và tuyệt vọng. Sợ hãi là khi bạn vô tình lạc vào một căn hầm và lo rằng cửa sẽ đóng sập. Tuyệt vọng là khi tin rằng cánh cửa ấy đã đóng lại và khóa kín sau lưng bạn.
Nhưng với mỗi cuộc đời, cô lại thấy cánh cửa ẩn dụ đó mở rộng hơn một chút, khi cô dần biết vận dụng trí tưởng tượng của mình nhuần nhuyễn hơn. Có đôi lúc cô bước vào một cuộc đời và chưa đầy một phút sau đã rời đi, trong khi với những cuộc đời khác, cô có thể ở lại nhiều ngày hoặc nhiều tuần. Dường như càng trải nghiệm nhiều cuộc đời, cô càng khó cảm thấy gắn bó với bất cứ nơi đâu.
Rắc rối bây giờ là ở chỗ, Nora dần dần không còn nhận biết được mình là ai nữa. Giống như lời thì thầm được truyền từ tai người này sang tai người khác, ngay đến tên mình mà cô cũng bắt đầu có cảm giác chỉ như một âm thanh vô nghĩa, chẳng nói lên điều gì.
“Tình hình này không ổn,” cô bảo Hugo trong lần gần nhất hai người nói chuyện với nhau một cách đàng hoàng, chính tại quán bar bên bờ biển Corsica. “Tôi không thấy vui nữa. Tôi không giống anh. Tôi cần một nơi dừng chân. Nhưng chẳng có nơi nào đủ vững chãi.”
“Sự thú vị nằm ở những cú nhảy, mon amie[21E].”
“Nhưng nhỡ nằm ở lúc tiếp đất thì sao?”
Và đó là lúc anh ta quay lại cửa hàng băng video chẳng khác gì luyện ngục của mình.
“Xin lỗi,” bản sao của anh ta nói và nhấp một ngụm rượu trong lúc mặt trời từ từ lặn xuống sau lưng, “tôi quên mất cô là ai rồi.”
“Không sao đâu,” cô đáp. “Tôi cũng thế.”
Nói xong, cô cũng tan biến như vầng dương vừa khuất dưới đường chân trời.