Thư Viện Nửa Đêm - Chương 47

“Cuộc sống luôn đồng nghĩa với hành động,” bà Elm nói trong lúc hai bà cháu nhìn anh trai Nora lao ra mép nước nhưng được các bạn kéo lại. Sau đó chính anh cũng quan sát một cô gái mà Nora đã quên tên từ lâu đang gọi cấp cứu. “Và cháu đã hành động đúng lúc cần kíp. Cháu bơi sang bên kia. Cháu tự bò lên bờ. Cháu ho như rút ruột và bị giảm thân nhiệt nhưng cháu đã bơi qua con sông, quả là một kỳ tích. Cháu đã tìm thấy điều gì đó trong mình.”

“Vâng. Là vi khuẩn. Cháu ốm suốt mấy tuần. Cháu uống phải quá nhiều nước bẩn.”

“Nhưng cháu đã sống. Cháu đã có hy vọng.”

“Vâng, và cứ mỗi ngày cháu lại để mất đi một ít.”

Cô cúi xuống thì thấy cỏ đang rút vào trong sàn đá, rồi cô ngẩng lên và chứng kiến những hình ảnh cuối cùng của dòng sông trước khi nó từ từ biến mất, cây thích trắng cũng tan vào hư không cùng với anh trai cô, các bạn của anh và cả cô thời tuổi trẻ.

Thư viện trông lại như cũ. Nhưng giờ đây, những cuốn sách đã quay về trên kệ, đèn không còn nhấp nháy nữa.

“Cháu đúng là ngu ngốc khi nhảy xuống bơi chỉ vì muốn người khác nể phục. Cháu luôn cho rằng Joe giỏi giang hơn. Cháu muốn anh ấy quý cháu.”

“Tại sao cháu lại cho rằng cậu ta giỏi giang hơn? Vì bố mẹ cháu nghĩ thế ư?”

Sự thẳng thừng của bà Elm khiến Nora nổi cáu. Nhưng có lẽ bà ấy nói cũng có lý. “Cháu luôn phải tuân theo mọi ý muốn của bố mẹ để gây ấn tượng với họ. Dĩ nhiên Joe có những vấn đề của riêng anh ấy. Cháu không thực sự hiểu được những vấn đề đó cho tới khi biết anh ấy là người đồng tính, nhưng người ta nói sự ganh đua giữa anh chị em trong gia đình thực ra không xuất phát từ bản thân bọn trẻ mà từ cách đối xử của bố mẹ, và cháu luôn cảm thấy bố mẹ cháu ủng hộ những mơ ước của anh ấy hơn.”

“Chẳng hạn như âm nhạc?”

“Vâng. Khi anh ấy và Ravi quyết định sẽ trở thành ngôi sao nhạc rock, bố mẹ cháu mua cho Joe một cây ghi ta, rồi piano điện.”

“Mọi chuyện sau đó thế nào?”

“Ghi ta thì ổn. Mua đàn về tập được một tuần thì anh ấy biết chơi ‘Smoke on the water’, nhưng không thích piano và không muốn giữ lại cho chật phòng.”

“Và thế là cháu nhận nó.” Bà Elm nói bằng giọng trần thuật chứ không phải đang hỏi. Bà ấy biết. Tất nhiên rồi.

“Vâng.”

“Cây đàn được chuyển sang phòng cháu, cháu chào đón nó như một người bạn và bắt đầu mày mò học chơi bằng quyết tâm sắt đá. Cháu dùng tiền tiêu vặt để mua sách dạy chơi piano - Mozart trình độ sơ cấp và The Beatles cho đàn piano. Vì cháu thích chơi. Và cũng vì cháu muốn gây ấn tượng với anh trai.”

“Cháu đã bao giờ kể với bà những điều này đâu.”

Một nụ cười tủm tỉm. “Khỏi cần. Ta đã đọc sách.”

“À. Phải. Vâng. Bà lộ tẩy rồi nhé.”

“Có lẽ cháu nên ngừng lo nghĩ về việc làm sao để có được sự công nhận của người khác, Nora ạ,” bà Elm thì thầm để tăng thêm sức nặng và tình cảm. “Cháu không cần phải được ai đó cho phép thì mới…”

“Vâng. Cháu hiểu.”

Và đúng là cô đã hiểu.

Mọi cuộc đời cô nếm trải kể từ khi đặt chân vào thư viện này, đúng ra mà nói, đều là giấc mơ của một ai đó khác. Cuộc đời kết hôn và sống ở quán rượu là giấc mơ của Dan. Chuyến đi đến Australia là giấc mơ của Izzy, nỗi hối tiếc vì đã không tới đó thực ra là cảm giác có lỗi với người bạn thân nhất hơn là buồn cho chính cô. Nora trở thành nhà vô địch bơi lội là giấc mơ của bố cô. Ừ thì đúng là hồi nhỏ cô có hứng thú với Bắc Cực và muốn trở thành nhà băng hà học, nhưng giấc mơ ấy chịu tác động rất lớn từ những lần nói chuyện với chính bà Elm ở thư viện ngày xưa. Còn về phần Mê Cung, đó luôn là giấc mơ của anh trai cô.

Có thể chẳng tồn tại cuộc đời hoàn hảo dành cho cô, nhưng chắc chắn rằng ở đâu đó phải có một cuộc đời đáng sống. Và nếu muốn tìm được cuộc đời thực sự đáng sống, cô nhận ra mình phải quăng mẻ lưới rộng hơn.

Bà Elm nói đúng. Cuộc chơi vẫn chưa kết thúc. Kỳ thủ chớ vội bỏ cuộc nếu vẫn còn quân trên bàn cờ.

Cô thẳng lưng, người vươn cao.

“Cháu cần chú ý hơn đến những cuộc đời nằm ở các hàng kệ trên cùng hoặc dưới cùng. Lâu nay cháu chỉ tìm cách sửa chữa những sai lầm hiển nhiên nhất. Các cuốn sách ở trên cao hoặc dưới thấp là những cuộc đời xa xôi hơn một chút. Những cuộc đời mà ở vũ trụ nào đó cháu vẫn đang sống, nhưng không phải cuộc đời cháu vẫn hằng tưởng tượng hoặc tiếc nuối hoặc nghĩ tới. Chúng là những cuộc đời cháu có thể sống nhưng chưa bao giờ mơ về.”

“Vậy đó là những cuộc đời không hạnh phúc ạ?”

“Một số sẽ là như thế, số khác thì không. Chúng chỉ không phải những cuộc đời hiển nhiên nhất. Chúng đòi hỏi phải tưởng tượng một chút thì mới có thể chạm tới. Nhưng ta tin cháu có thể đến được với chúng…”

“Bà không thể chỉ cho cháu được sao?”

Bà Elm mỉm cười. “Ta có thể đọc cho cháu nghe một bài thơ. Các thủ thư thường mê thơ mà.” Nói rồi bà ngâm nga mấy câu thơ của Robert Frost. “‘Con đường rừng hai ngả chợt rẽ đôi, / Tôi chọn nẻo chân đi chưa mòn lối, / Đời từ đây vĩnh viễn đổi thay rồi...’”

“Thế nếu con đường rừng có nhiều hơn hai ngả thì sao ạ? Nếu có nhiều đường hơn cây? Nếu không bao giờ có hồi kết cho những lựa chọn của chúng ta? Trong trường hợp đó, Robert Frost sẽ làm gì?”

Cô nhớ hồi còn là sinh viên năm nhất đã nghiên cứu về Aristotle. Và cảm thấy hơi chán nản trước quan điểm của ông cho rằng sự xuất chúng không bao giờ là ngẫu nhiên. Nó là kết quả của việc biết “đưa ra lựa chọn sáng suốt trong số nhiều lựa chọn thay thế”. Lúc này đây cô đang được ưu ái trao tặng cơ hội thử trải qua những lựa chọn thay thế ấy. Đây là đường tắt để đến với sự thông tuệ và có lẽ cũng là đường tắt để đến với hạnh phúc. Giờ cô không còn coi nó là một gánh nặng nữa mà là một món quà để trân trọng.

“Hãy nhìn bàn cờ chúng ta vừa sắp xếp lại,” bà Elm dịu dàng nói. “Hãy xem nó mới trật tự, yên ổn và bình lặng làm sao trước khi cuộc chơi bắt đầu. Trông thì rất đẹp. Nhưng lại nhàm chán. Như thể đã chết. Vậy mà ngay khi cháu đi nước đầu tiên, tất cả lập tức thay đổi. Mọi thứ bắt đầu trở nên hỗn loạn. Và sự hỗn loạn đó càng được nhân lên theo từng nước đi của cháu.”

Cô ngồi xuống bên bàn chơi cờ, đối diện với bà Elm. Cô đăm đăm nhìn xuống bàn cờ và đưa quân tốt tiến lên hai ô.

Về phần mình, bà Elm cũng đi một nước y hệt ở phía đối diện.

“Trò này chơi thì dễ,” bà nói với Nora. “Nhưng để thuần thục thì khó. Mỗi nước đi lại mở ra cả một thế giới mới với vô vàn khả năng.”

Nora di chuyển một quân mã. Hai bà cháu duy trì tốc độ chơi này một lúc.

Bà Elm nhận xét. “Khi chưa khai cuộc, những biến thể không tồn tại. Chỉ có một cách sắp xếp bàn cờ. Nhưng sau sáu nước đi đầu tiên, chúng ta có đến chín triệu biến thể. Và sau tám nước, con số tăng lên thành hai trăm tám mươi tám tỉ cách đi khác nhau. Những khả năng cứ thế nhân lên. Số nước đi khả dĩ trong một ván cờ vua còn nhiều hơn cả số nguyên tử tồn tại trong vũ trụ khả kiến. Vì thế mọi thứ trở nên vô cùng rối rắm. Không có cách chơi đúng, chỉ có rất nhiều cách để chọn. Trong cờ vua cũng như trong cuộc sống, khả năng chính là nền tảng của mọi thứ. Mọi hy vọng, mọi giấc mơ, mọi nỗi hối tiếc, mọi khoảnh khắc sống trên đời.”

Cuối cùng, Nora giành chiến thắng. Cô nghi bà Elm cố tình để cho cô thắng, nhưng dù sao cô cũng cảm thấy tâm trạng được cải thiện đôi chút.

“Được rồi,” bà Elm nói. “Giờ có lẽ đã đến lúc tìm sách nhỉ. Ý cháu thế nào?”

Nora đưa mắt nhìn theo những dãy kệ. Phải chi chúng có tên cụ thể hơn. Phải chi có cuốn nào đó đề Cuộc đời hoàn hảo đây.

Lúc đầu, bản năng bảo cô cứ bỏ ngoài tai câu hỏi của bà Elm. Nhưng ở đâu có sách thì ở đó có sự cám dỗ luôn thôi thúc người ta mở ra xem. Và cô nhận thấy điều tương tự cũng đúng với cuộc đời.

Bà Elm nhắc lại một điều đã từng nói.

“Đừng bao giờ đánh giá thấp tầm quan trọng của những thứ nhỏ bé.”

Hóa ra lời khuyên này quả là hữu ích.

“Cháu muốn một cuộc đời bình lặng,” cô nói. “Cuộc đời mà trong đó cháu làm nghề liên quan đến động vật. Trong đó cháu chọn công việc ở trung tâm cứu hộ động vật - nơi cháu từng làm thêm hồi còn đi học - thay vì chọn Lý Thuyết Dây. Vâng. Bà lấy giúp cháu cuộc đời đó đi ạ.”

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3