Thư Viện Nửa Đêm - Chương 19
Cô thở hổn hển. Những cảm giác đột ngột ùa đến. Thanh âm huyên náo và nước. Cô há miệng và bị sặc. Vị nước mặn chát, cay xè.
Cô loay hoay tìm cách chạm chân xuống đáy, nhưng ở đây sâu quá, vậy là cô vội vã chuyển sang bơi ếch.
Một bể bơi, nhưng là bể bơi nước mặn. Ở ngoài trời, kế bên là biển lớn. Dường như nó được khoét vào trong lòng khối đá nhô ra ở bờ biển. Cô có thể trông thấy đại dương ngay gần đó. Bầu trời chan hòa ánh nắng. Nước khá lạnh, nhưng với cái nóng trên kia thì sự lạnh lẽo ấy lại đem tới cảm giác thật sảng khoái.
Ngày xưa cô từng là nữ vận động viên bơi lội mười bốn tuổi xuất sắc nhất Bedfordshire.
Cô giành chiến thắng ở hai nội dung thuộc lứa tuổi của mình ở Giải Bơi lội thiếu niên toàn quốc. Bơi sải 200 mét. Bơi sải 400 mét. Ngày nào bố cũng lái xe đưa cô đến bể bơi thị trấn. Có hôm cô tập cả trước giờ lên lớp lẫn sau khi tan học. Nhưng sau đó, trong lúc anh trai cô cháy hết mình cùng cây đàn ghi ta và Nirvana, niềm đam mê dành cho bơi lội của Nora dần chuyển hướng sang âm nhạc, và cô mày mò tự học chơi không chỉ những bản nhạc của Chopin mà cả các ca khúc kinh điển như “Let it be” và “Rainy days and Mondays”. Cô cũng bắt đầu tập tành viết nhạc từ hồi Mê Cung hãy còn chưa manh nha thành hình trong tâm trí anh trai cô.
Nhưng không phải hồi đó cô đã chán bơi, mà chỉ vì áp lực xung quanh nó thôi.
Cô bơi tới bên thành bể. Dừng lại và đưa mắt nhìn quanh. Cô có thể trông thấy bãi biển nằm thấp hơn tầm mắt phía đằng xa, cong cong hình bán nguyệt ôm lấy những con sóng vỗ bờ. Đi sâu hơn vào đất liền là thảm cỏ. Một khu công viên với những hàng cọ và người dắt chó đi dạo đó đây.
Xa hơn nữa là những ngôi nhà và khu căn hộ thấp tầng, xe cộ qua lại trên đường. Cô từng trông thấy vịnh Byron qua ảnh, nhưng nó không giống thế này. Nơi đây, dù là đâu đi nữa, có vẻ nhiều công trình hơn một chút, vẫn là chốn dành cho dân lướt sóng, nhưng cũng mang dáng dấp thị thành.
Hướng sự chú ý về lại bể bơi, cô chợt nhận thấy một người đàn ông vừa chỉnh kính bơi vừa nhoẻn cười với mình. Cô có quen anh ta không nhỉ? Có đón nhận nụ cười này trong cuộc đời cô đang sống không? Chẳng biết phải làm gì, cô đành nở nụ cười mím chi lịch sự để đáp lễ. Cảm giác cứ như thể cô là một vị khách du lịch đang cầm trong tay thứ ngoại tệ xa lạ, chẳng rõ nên “boa” bao nhiêu thì vừa.
Đúng lúc đó, một bà cụ đội mũ cười với Nora trong lúc khỏa nước bơi về phía cô.
“Chúc buổi sáng tốt lành, Nora,” bà cụ nói, vẫn không ngừng tay chèo.
Lời chào này cho thấy có vẻ Nora thường xuyên lui tới đây.
“Chúc bà buổi sáng tốt lành,” cô đáp.
Cô dõi mắt nhìn ra biển để khỏi phải tham gia vào màn tán gẫu gượng gạo. Một nhóm người lướt sóng buổi sáng trông chỉ như những cái chấm li ti trên tấm ván đang bơi ra ngoài xa để đón những con sóng lớn xanh thẳm màu ngọc bích.
Đây quả là khởi đầu hứa hẹn cho cuộc sống của cô ở Australia. Cô chăm chú nhìn đồng hồ đeo tay. Là chiếc Casio có màu cam chóe, trông thật rẻ tiền. Cô hy vọng cái đồng hồ mang sắc màu hạnh phúc là dấu hiệu cho thấy một cuộc đời cũng đong đầy hạnh phúc. Lúc này mới hơn chín giờ sáng. Cạnh chiếc đồng hồ là một vòng dây đeo tay bằng nhựa có gắn một cái chìa khóa.
Vậy ra, ở đây cô có thói quen đi bơi hằng sáng. Tại một bể bơi ngoài trời nằm bên bờ biển. Không biết có phải cô đi một mình hay không. Cô lướt mắt nhìn quanh bể, hy vọng phát hiện được dấu hiệu nào đó của Izzy, nhưng lại chẳng thấy gì.
Cô bơi thêm một lúc nữa.
Ngày trước, điều cô yêu thích ở môn bơi chính là cảm giác biến mất. Khi ở dưới nước, cô có được sự tập trung tuyệt đối đến nỗi không còn nghĩ đến bất cứ điều gì. Mọi nỗi âu lo xoay quanh chuyện học hành hay chuyện gia đình đều tan biến. Mấu chốt của nghệ thuật bơi lội - cô đoán cũng giống như mọi nghệ thuật khác - nằm ở sự tuyệt đối ấy. Bạn càng tập trung vào việc mình làm bao nhiêu thì sẽ càng ít chú tâm đến những thứ khác bấy nhiêu. Như thể bạn không còn là mình nữa mà đã trở thành chính điều bạn đang làm.
Nhưng thật khó mà tập trung cho được khi Nora cảm thấy đôi cánh tay và lồng ngực nhói đau. Cô đoán mình bơi đã lâu, có lẽ đến lúc lên bờ rồi. Cô chợt thấy một tấm biển. Bể bơi bãi biển Bronte. Cô nhớ mang máng Dan từng kể cho cô nghe về nơi này, anh từng đến Australia trong năm trải nghiệm, và cái tên bãi biển Bronte đã khắc sâu trong tâm trí cô bởi cái tên này thật dễ nhớ. Jane Eyre trên ván lướt sóng.
Nhưng ở đây, mối nghi hoặc của cô đã được xác thực.
Bãi biển Bronte ở Sydney. Nhưng nó chắc chắn không thuộc vùng vịnh Byron.
Vậy thì lý do chỉ có thể là một trong hai điều sau đây. Hoặc ở cuộc đời này Izzy không sống tại vịnh Byron. Hoặc Nora không sống cùng Izzy.
Cô nhận thấy ánh nắng đã nhuộm nước da cô thành một màu caramen nhạt.
Vấn đề bây giờ tất nhiên là cô không biết quần áo của mình để ở đâu. Nhưng rồi cô nhớ ra chiếc vòng nhựa đeo tay đi kèm chìa khóa.
57. Tủ đồ của cô là tủ số 57. Cô đi tìm phòng thay đồ, mở ngăn tủ vuông vắn thấp bè và nhận ra rằng trong cuộc đời này, sở thích của cô về quần áo cũng như đồng hồ đều màu mè hơn. Cô thấy một chiếc áo phông in hình quả dứa. Rất nhiều dứa. Ngoài ra còn có quần soóc denim màu tím hồng. Và một đôi giày lười kẻ ca rô.
Mình là gì đây? cô băn khoăn. Người dẫn chương trình truyền hình dành cho thiếu nhi chắc?
Kem chống nắng. Son dưỡng có màu hoa râm bụt. Ngoài ra không còn đồ trang điểm nào nữa.
Lúc tròng chiếc áo qua đầu, cô nhận thấy một bên cẳng tay có mấy dấu vết để lại. Những vết sẹo mảnh. Trong giây phút ngắn ngủi, cô thầm hỏi phải chăng là do cô tự gây ra cho chính mình. Ngay dưới bả vai có một hình xăm. Phượng hoàng và ngọn lửa. Trông phát gớm. Ở cuộc đời này, cô rõ là chẳng có mắt thẩm mỹ. Nhưng mắt thẩm mỹ thì liên quan gì đến việc người ta có hạnh phúc hay không chứ?
Cô mặc đồ vào và rút từ trong túi quần soóc ra một chiếc điện thoại di động. Loại cũ hơn so với cái máy cô dùng ở cuộc đời “kết hôn và làm bà chủ quán rượu”. May thay, chỉ cần quét vân tay ngón cái là có thể mở khóa rồi.
Cô rời khỏi phòng thay đồ và sải bước trên con đường bên bờ biển. Hôm nay thật ấm áp. Có thể khi vầng dương tự tin tỏa nắng vào tháng Tư thì như vậy cuộc sống cũng thêm phần tươi đẹp. Mọi thứ ở đây dường như sống động hơn, nhiều màu sắc hơn, giàu sức sống hơn so với ở nước Anh.
Cô trông thấy một con vẹt, là vẹt ngũ sắc, đang đậu trên một băng ghế, được mấy du khách tíu tít chụp ảnh. Một cua rơ có dáng vẻ dân lướt ván đi ngang qua chỗ cô, tay cầm ly sinh tố cam, mỉm cười nói “Chào nhé”.
Nơi này chắc chắn không phải là Bedford.
Nora chợt nhận thấy một điều đang xảy ra trên khuôn mặt mình. Cô đang - có thể nào như thế chăng? - mỉm cười. Lẽ dĩ nhiên không phải chỉ vì có người đang trông đợi điều đó ở cô.
Thế rồi cô nhác thấy mấy chữ graffiti trên một bức tường thấp, viết rằng THẾ GIỚI ĐANG CHÌM TRONG BIỂN LỬA, cạnh đó là dòng MỘT TRÁI ĐẤT = MỘT CƠ HỘI, vậy là nụ cười nhạt dần trên môi cô. Rốt cuộc thì một cuộc đời khác không đồng nghĩa với một hành tinh khác.
Cô chẳng biết mình sống ở đâu, làm nghề gì, hay phải đi đâu sau khi hết giờ bơi, nhưng chính điều đó lại mang tới một cảm giác thật tự do. Tồn tại mà không cần kỳ vọng gì cả, dù là kỳ vọng của chính mình. Vừa đi cô vừa gõ tên mình vào Google kèm theo từ “Sydney” để xem có thu được thông tin nào không.
Chưa kịp ngó qua những kết quả trả về thì cô ngước lên và nhận thấy một người đàn ông đang tiến về phía cô, miệng mỉm cười. Anh ta có dáng người thấp, nước da rám nắng, đôi mắt hiền từ và mái tóc dài thưa thớt buộc túm lên thành chiếc đuôi ngựa buông lơi, mặc áo sơ mi cài cúc lệch.
“Chào Nora.”
“Chào,” cô đáp, cố không để lộ sự bối rối trong giọng nói.
“Hôm nay mấy giờ bắt đầu?”
Hỏi thế thì cô biết trả lời thế nào? “Ơ. Ừm. Khỉ thật. Tôi quên khuấy đi mất.”
Anh ta bật cười, tiếng cười khẽ biểu hiện sự quen thuộc, như thể đãng trí là một phần của con người cô vậy.
“Tôi thấy bảng phân công có ghi. Hình như là mười một giờ.”
“Mười một giờ sáng á?”
Mắt Hiền lại cười. “Cô vừa hút cái gì đó? Cho xin tí đi.”
“Ha. Không có gì,” cô nói giọng cứng nhắc. “Tôi có hút gì đâu. Chỉ bỏ bữa sáng thôi mà.”
“Ừm, chìu nay gặp nhau nhé…”
“Ừ. Ở… đó. Là chỗ nào ấy nhỉ?”
Anh ta nhíu mày cười và tiếp tục đi. Có thể cô làm việc trên một du thuyền chở khách ngắm cá voi khởi hành từ Sydney. Có thể Izzy cũng vậy.
Nora không biết cô (hoặc cô và Izzy) sống ở đâu, tra Google cũng chẳng tìm được gì, nhưng rời khỏi bãi biển có vẻ là hướng đi đúng đắn. Có thể nhà cô chỉ đâu đó quanh đây thôi. Có thể cô đã đi bộ tới bể bơi. Có thể một trong mấy cái xe đạp bị khóa bên ngoài quán cà phê cạnh bể bơi là xe của cô. Cô lục trong cái ví cầm tay bé tẹo và sờ túi quần để tìm chìa khóa, nhưng chỉ thấy mỗi khóa nhà. Không có chìa khóa xe hơi hay xe đạp. Chứng tỏ cô đi bộ hoặc bắt xe buýt. Trên chìa khóa nhà chẳng có thông tin gì cả, vậy là cô ngồi xuống một băng ghế dưới cái nắng chang chang đang giội thẳng vào gáy, mở di động ra xem tin nhắn.
Trong đó có tên của những người cô không quen biết.
Amy. Rodhri. Bella. Lucy P. Kemala. Luke. Lucy M.
Họ là ai vậy nhỉ?
Lại còn một số liên lạc chỉ đề đúng “Chỗ làm”, chẳng chứa thông tin hữu ích nào. Hơn nữa, cũng chỉ có một tin nhắn gần đây do “Chỗ làm” gửi, với nội dung như sau:
Đg ở đâu?
Có một cái tên cô nhận ra.
Dan.
Tim cô chùng xuống khi cô mở tin nhắn mới nhất của anh.
Chào Nor! Hy vọng cuộc sống của em ở xứ chuột túi vẫn tốt đẹp. Có thể em sẽ thấy điều anh sắp thổ lộ rất sến súa hoặc đáng sợ, nhưng dù sao anh vẫn muốn nói. Đêm hôm trước anh nằm mơ thấy quán rượu của anh và em. Giấc mơ thật đẹp. Chúng mình đã hạnh phúc biết chừng nào! Nhưng thôi, bỏ qua chuyện kỳ quặc ấy đi, cái chính anh muốn nói là: đoán xem tháng Năm tới anh sẽ đi đâu? AUSTRALIA. Lần đầu tiên sau hơn chục năm. Đi vì công việc. Anh sẽ làm việc cho Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại. Giá mà được gặp nhau thì tốt, dẫu chỉ là đi uống cà phê nếu em rảnh. D x
Điều này lạ lùng đến mức cô suýt nữa phá lên cười. Nhưng tiếng cười lại biến thành tiếng ho. (Giờ ngẫm lại mới thấy xem ra cô không hợp với cuộc đời này cho lắm.) Không biết trên thế giới có bao nhiêu người như Dan, ôm ấp mộng tưởng về những thứ nếu có được rồi thì sẽ lại sinh lòng ghét bỏ. Và bao nhiêu trong số đó đang lôi kéo người khác vào thứ ảo tưởng về hạnh phúc do họ tự vẽ ra?
Có vẻ như Instagram là mạng xã hội duy nhất cô tham gia ở đây, và trên đó cô dường như cũng chỉ đăng những bức ảnh kèm thơ.
Cô dành ra ít phút để đọc một bài:
LỬA
Mọi thứ trong cô
Phần đổi thay
Phần thương tổn
Bởi tiếng cười chê từ chúng bạn
Hay lời dạy bảo của bề trên
Đã không còn.
Tình bạn xưa đớn đau là thế
Cũng chết rồi.
Những vụn vỡ như mạt gỗ trên sàn
Cô lượm lấy.
Rồi đem chúng nhóm lên.
Thành ngọn lửa.
Rực cháy.
Soi sáng đến thiên thu.
Ý tứ có vẻ u ám, nhưng dù sao cũng chỉ là một bài thơ. Khi cuộn màn hình xem đống email, cô thấy một bức thư gửi cho Charlotte - tay sáo trong ban nhạc chuyên biểu diễn ở những vũ hội truyền thống, có khiếu hài hước khá trần trụi và là người bạn duy nhất của Nora ở Lý Thuyết Dây trước khi chuyển về Scotland.
Chào Charl!
Hy vọng bà vẫn khỏe.
Thật vui khi buổi tiệc sinh nhật diễn ra suôn sẻ. Tôi xin lỗi vì không thể về dự. Ở Sydney đầy nắng này mọi chuyện vẫn ổn cả. Cuối cùng cũng chuyển đến nơi ở mới. Ngay gần bãi biển Bronte (đẹp tuyệt). Khu này rất nhiều quán cà phê và có những nét hấp dẫn riêng. Tôi tìm được công việc mới rồi.
Sáng nào tôi cũng đi bơi ở bể bơi nước mặn, xong đến chiều tối lại làm một ly vang Australia dưới nắng. Đời thật mỹ mãn!
Địa chỉ:
2/29 phố Darling
Bronte
NSW 2024
AUSTRALIA
Nora
X
Có điều gì đó thật giả tạo ở đây. Cái giọng điệu vênh váo mơ hồ, xa cách, chẳng khác gì đang biên thư cho bà cô lâu ngày không gặp. Lại còn Khu này rất nhiều quán cà phê và có những nét hấp dẫn riêng nữa chứ, cứ như đang viết nhận xét trên TripAdvisor không bằng. Trước đây, cô đâu có nói chuyện với Charlotte, hay bất cứ ai đi nữa, theo kiểu đó.
Trong thư không thấy nhắc gì đến Izzy. Cuối cùng cũng chuyển đến nơi ở mới. Là bọn tôi chuyển hay tôi chuyển? Charlotte có biết Izzy. Sao lại không nhắc đến Izzy nhỉ?
Chẳng bao lâu nữa cô sẽ có câu trả lời. Quả vậy, hai mươi phút sau cô đã đứng trên hành lang bên ngoài căn hộ của mình, chằm chằm nhìn bốn túi rác cần đem vứt. Phòng khách trông khá chật chội và bức bối. Sofa thì cũ mèm. Nơi này hơi bốc mùi ẩm mốc.
Trên tường treo tấm poster của trò chơi video Angel, ở bàn uống nước có thuốc lá điện tử dán hình lá cần sa. Một người phụ nữ đang dán mắt vào màn hình, nhè đầu lũ zombie mà bắn.
Cô ta có mái tóc ngắn màu xanh dương và trong một khoảnh khắc, Nora cứ tưởng đó là Izzy.
“Xin chào,” cô nói.
Người phụ nữ quay lại. Không phải Izzy. Cô ta có cặp mắt ngái ngủ, vẻ mặt lờ đờ, như thể đã phần nào nhiễm phải căn bệnh từ lũ zombie đang bị bắn. Chắc cô ta cũng là người tử tế thôi, nhưng trong đời Nora chưa bao giờ gặp người này. Cô ta mỉm cười.
“Chào. Bài thơ mới thế nào rồi?”
“À. Ờ. Cũng ổn phết. Cảm ơn cậu.”
Nora đi quanh căn hộ trong trạng thái mơ mơ màng màng. Cô mở ngẫu nhiên một cánh cửa và nhận ra đó là phòng tắm. Cô không cần đi toilet mà cần chút thời gian để suy nghĩ. Vậy là cô đóng cửa, rửa tay rồi đăm chiêu nhìn dòng nước trôi xuống lỗ thoát ngược chiều kim đồng hồ.
Cô liếc về phía khu tắm đứng. Tấm rèm màu vàng xỉn trông lem luốc, bẩn thỉu, hơi giống kiểu nhà trọ sinh viên. Đó chính là thứ mà nơi này khiến cô liên tưởng tới. Một nhà trọ sinh viên. Dù đã ba mươi lăm tuổi nhưng ở cuộc đời này cô vẫn sống không khác gì sinh viên. Cô trông thấy hộp thuốc chống trầm cảm - fluoxetin - đặt cạnh bồn rửa nên cầm lên. Phía trên nhãn có đề mấy chữ “Thuốc kê đơn cho N. Seed”. Cô nhìn xuống cánh tay và lại thấy những vết sẹo. Cảm giác thật kỳ quặc khi phải tìm manh mối trên chính cơ thể mình để giải đáp cho một bí ẩn.
Trên sàn cạnh cái thùng rác có một cuốn tạp chí National Geographic. Chính là cuốn in hình lỗ đen trên trang bìa mà chỉ mới hôm qua thôi cô đã đọc, trong một cuộc đời khác, ở mãi tận bên kia địa cầu. Cô linh cảm nó là của cô, bởi lẽ cô vốn yêu thích tạp chí này và thỉnh thoảng vẫn mua khi nổi hứng, ngay cả dạo gần đây, vì phiên bản điện tử không bao giờ thể hiện được hết vẻ đẹp của những tấm ảnh.
Cô nhớ lại năm mười một tuổi, cô đã ngắm nghía những bức ảnh chụp Svalbard - quần đảo thuộc Na Uy nằm trên Bắc Băng Dương - trong cuốn tạp chí của bố. Nơi ấy trông mới bao la, hẻo lánh và hùng vĩ làm sao, cô băn khoăn không hiểu cảm giác sẽ thế nào khi được sống ở đó giống như những nhà thám hiểm kiêm khoa học gia được nhắc đến trong bài viết, dành cả mùa hè để nghiên cứu một đề tài địa chất. Cô đã cắt ảnh ra và ghim lên tấm bảng ghi chú trong phòng ngủ. Từ đó trở đi, trong nhiều năm, cô luôn phấn đấu học thật giỏi hai môn khoa học và địa lý với hy vọng sau này có cơ hội tiếp bước các nhà khoa học đó, được dành những mùa hè để khám phá những dãy núi và vịnh hẹp đóng băng trong lúc bầy chim hải âu cổ rụt chao lượn trên đầu.
Nhưng sau khi bố cô mất và sau khi đọc Bên kia Thiện Ác của Nietzsche, cô đi đến kết luận rằng: a) Triết học có vẻ là bộ môn duy nhất tương hợp với những chiêm nghiệm sâu sắc bất ngờ trong nội tâm của cô, và b) dù sao cô cũng muốn trở thành ngôi sao nhạc rock hơn là nhà khoa học.
Rời khỏi phòng tắm, cô quay lại với người bạn cùng nhà bí ẩn.
Cô ngồi xuống sofa, kiên nhẫn đợi một lúc, tranh thủ quan sát.
Nhân vật trong game của người phụ nữ ăn một phát đạn vào đầu.
“Cút đi, đồ zombie khốn kiếp,” cô ta hướng về phía màn hình, vui vẻ gằn giọng.
Cô ta cầm lấy thuốc lá điện tử trên bàn. Nora tự hỏi làm thế nào cô lại quen biết người này. Cô đoán họ là bạn cùng nhà.
“Tớ đã suy nghĩ về điều cậu nói.”
“Tớ nói gì cơ?” Nora hỏi.
“Chuyện trông mèo. Cậu muốn chăm sóc con mèo đó, đúng không?”
“Ồ, phải. Đúng vậy. Tớ nhớ rồi.”
“Ý định quá sai lầm, bồ tèo ạ.”
“Thế á?”
“Bọn mèo ấy à.”
“Chúng làm sao?”
“Chúng nhiễm ký sinh trùng. Gọi là toxoplas gì gì đó.”
Điều này Nora biết. Cô biết từ hồi thiếu niên, khi đi làm để lấy kinh nghiệm ở Trung tâm cứu trợ động vật Bedford. “Nhiễm toxoplas.”
“Chính nó! Là thế này, tớ có nghe một podcast, ờ… trong đó họ đưa ra giả thuyết một nhóm tỉ phú toàn cầu đã gieo rắc ký sinh trùng này vào lũ mèo để từ đó tiến tới thôn tính thế giới bằng cách khiến loài người ngày càng ngu đi. Cậu cứ thử nghĩ mà xem. Lũ mèo có mặt ở khắp nơi. Hôm nọ tớ nói chuyện này với Jared, hắn bảo, ‘Bà hút cái gì đấy hả, Jojo?’ Tớ trả lời là, ‘Thứ ông ném cho chứ cái gì.’ Xong hắn nói, ‘Ờ, tôi biết.’ Sau đó hắn kể cho tớ nghe về lũ châu chấu.”
“Châu chấu?”
“Ừ. Cậu biết chuyện lũ châu chấu không?” Jojo hỏi.
“Chuyện gì?”
“Bọn chúng thi nhau tự tử. Có một loại giun ký sinh lớn lên trong cơ thể chúng để trở thành sinh vật thủy sinh trưởng thành và trong quá trình phát triển, lũ giun sẽ chiếm quyền kiểm soát chức năng não bộ của vật chủ, khiến bọn châu chấu nghĩ rằng ‘Ồ, mình thích nước’ và thế là chúng đâm đầu xuống nước mà chết. Chuyện này vẫn xảy ra suốt. Cậu Google mà xem. Tìm cụm ‘châu chấu tự tử’ ấy. Nhưng tóm lại, điều tớ muốn nói ở đây là: tầng lớp tinh hoa đang âm thầm giết chúng ta bằng cách lợi dụng lũ mèo, thế nên cậu đừng lại gần cái giống ấy thì hơn.”
Nora không sao ngăn được ý nghĩ cuộc đời này khác biệt biết mấy so với phiên bản cô vẫn hằng mơ tưởng. Trong hình dung của cô, Izzy và cô sẽ ở trên một con thuyền gần vịnh Byron, trầm trồ trước cảnh tượng hoành tráng của những con cá voi lưng gù, vậy mà ngoài đời cô lại ở đây, trong một căn hộ chật chội đầy mùi cần sa ở Sydney, cùng một tín đồ thuyết âm mưu thậm chí không cho cô lại gần một con mèo.
“Chuyện gì đã xảy ra với Izzy vậy?”
Nora chợt phát hiện mình vừa nói to câu hỏi ấy thành lời.
Jojo ngơ ngác. “Izzy? Izzy bạn cậu ngày trước á?”
“Ừ.”
“Cái người bị chết ấy à?”
Câu nói thốt ra quá nhanh khiến Nora không kịp nhận thức.
“Ờm, gì cơ?”
“Cô bạn bị tai nạn ô tô ấy?”
“Sao cơ?”
Jojo tỏ ra bối rối, những làn khói mỏng lơ lửng trước mặt. “Cậu không sao chứ, Nora?” Cô ta chìa cây thuốc lá điện tử về phía cô. “Làm một hơi không?”
“Thôi, tớ không sao, cảm ơn cậu.”
Jojo cười khúc khích. “Hôm nay chê cơ đấy.”
Nora vớ lấy điện thoại. Lên mạng. Gõ tên “Isabel Hirsh” vào ô tìm kiếm. Sau đó nhấp vào mục “Tin tức”.
Đây rồi. Một hàng tít. Phía trên bức ảnh chụp Izzy với khuôn mặt rám nắng đang mỉm cười.
MỘT PHỤ NỮ NGƯỜI ANH THIỆT MẠNG TRONG VỤ VA CHẠM TẠI NSW
Một phụ nữ 33 tuổi đã thiệt mạng và ba người khác phải nhập viện trong vụ va chạm xảy ra ở phía Nam thành phố Coffs Harbour vào tối qua, khi chiếc Toyota Corolla do người này điều khiển đã đâm vào một xe con chạy ngược chiều trên xa lộ Thái Bình Dương.
Nữ tài xế được xác định là Isabel Hirsh, quốc tịch Anh, đã chết tại hiện trường vụ tai nạn vào khoảng gần 9 giờ tối. Trong chiếc Toyota không còn người nào khác.
Nora Seed (bạn cùng nhà với nạn nhân) cho biết Isabel lái xe từ Sydney về vịnh Byron để dự tiệc sinh nhật của Nora. Isabel mới bắt đầu làm việc cho công ty tổ chức tour ngắm cá voi trên vịnh Byron.
“Tôi vô cùng đau lòng,” Nora nói. “Chúng tôi mới tới Australia vào tháng trước, Izzy dự định ở lại đây càng lâu càng tốt. Izzy có một sức sống mãnh liệt đến nỗi tôi không hình dung nổi thế giới sẽ ra sao khi không có cô ấy. Cô ấy rất hào hứng với công việc mới. Chuyện này thực sự quá bi thảm, quá khó tin.”
Những hành khách trên chiếc xe chạy ngược chiều đều bị thương, riêng tài xế Chris Dale đã được đưa tới bệnh viện tại Baringa bằng trực thăng.
Cảnh sát New South Wales kêu gọi những người đã chứng kiến vụ tai nạn hãy cung cấp thông tin để hỗ trợ cơ quan chức năng trong quá trình điều tra vụ việc.
“Lạy Chúa tôi,” cô khẽ thì thầm một mình, cảm giác như sắp ngất. “Ôi, Izzy ơi.”
Cô biết Izzy không chết trong tất cả các phiên bản khác của cuộc đời cô. Hay thậm chí là phần lớn trong số đó. Nhưng ở cuộc đời này, điều đó là thật, nỗi đau đớn trong cô này cũng là thật. Nỗi đau quen thuộc và đáng sợ, xen lẫn cảm giác tội lỗi.
Cô còn chưa kịp nhận thức một cách trọn vẹn bất cứ điều gì thì chiếc di động bỗng đổ chuông. Trên màn hình là “Chỗ làm”.
Một giọng đàn ông. Lè nhè, uể oải. “Cô đang ở đâu vậy?”
“Gì cơ?”
“Lẽ ra cô phải có mặt ở đây từ nửa tiếng trước rồi chứ.”
“Ở đâu cơ?”
“Bến phà. Cô phụ trách bán vé. Tôi không gọi nhầm số đấy chứ? Cô là Nora Seed phải không?”
“Tôi là một trong số đó,” Nora thở dài và từ từ tan biến.