Thư Viện Nửa Đêm - Chương 20
Người thủ thư có cặp mắt sắc sảo đã quay lại bên bàn cờ vua, hầu như không buồn ngẩng lên khi Nora trở về.
“Chà, chuyện vừa rồi thật kinh khủng.”
Bà Elm mỉm cười với vẻ châm biếm. “Nó đã cho cháu thấy, phải không nào?”
“Cho cháu thấy gì ạ?”
“Thấy rằng cháu có thể quyết định những lựa chọn chứ không quyết định được kết quả. Nhưng ta vẫn giữ nguyên ý kiến ban đầu. Cháu đã lựa chọn thông minh. Chỉ tiếc là kết quả lại không như mong đợi.”
Nora chăm chú quan sát gương mặt bà Elm. Bà ấy đang thích thú với điều này ư?
“Vì sao cháu vẫn ở lại đó ạ?” Nora hỏi. “Sao cháu không về Anh sau khi cô ấy chết?”
Bà Elm nhún vai. “Cháu bế tắc. Cháu đau buồn. Cháu trầm cảm. Cháu hiểu trầm cảm là như thế nào mà.”
Nora hiểu. Cô nghĩ đến một nghiên cứu cô từng đọc được ở đâu đó về những con cá. Cá thực ra có nhiều điểm giống con người hơn chúng ta vẫn nghĩ.
Cá cũng bị trầm cảm. Các nhà nghiên cứu đã làm thí nghiệm với cá ngựa vằn. Họ sử dụng một cái bể và dùng bút đánh dấu kẻ một đường nằm ngang ở thành bể, chia cái bể ra làm đôi. Những con cá bị trầm cảm chỉ quanh quẩn ở phía dưới đường kẻ. Nhưng sau khi cho chính những con cá ấy dùng Prozac, chúng đã nổi lên trên, tới gần mặt nước và bơi tung tăng như thể không có gì xảy ra.
Cá bị trầm cảm khi chúng thiếu đi những kích thích từ bên ngoài. Thiếu mọi thứ. Khi chúng chỉ vật vờ tồn tại, trôi nổi trong một cái bể trông chẳng giống bất cứ thứ gì trên đời.
Có lẽ với cô, sau khi Izzy ra đi Australia chính là cái bể cá trống rỗng. Có lẽ cô chỉ đơn giản là không có động lực để bơi lên trên đường kẻ. Và có lẽ ngay cả Prozac, hay Auoxetin, cũng không đủ để vực cô dậy. Vậy là cô cứ ở mãi trong căn hộ đó, cùng với Jojo, chẳng có ý định đi đâu hết cho tới khi bị buộc phải rời khỏi đất nước ấy.
Có lẽ ngay cả tự tử cũng là việc phải vận động quá nhiều. Có lẽ ở một số cuộc đời, người ta chỉ sống vật vờ, không trông chờ bất cứ điều gì, không buồn cố gắng tìm cách thay đổi. Có lẽ phần lớn cuộc đời đều thế cả.
“Phải,” Nora nói, lần này nói to thành lời. “Có thể cháu bế tắc. Có thể ở cuộc đời nào cháu cũng thấy bế tắc. Ý cháu là, có thể con người cháu vốn dĩ đã thế rồi. Là sao biển thì sống kiểu gì đi nữa cũng vẫn là sao biển thôi. Chẳng có cuộc đời nào mà sao biển làm giáo sư hay kỹ sư hàng không vũ trụ. Chắc chẳng có cuộc đời nào cháu không cảm thấy bế tắc.”
“Ừm, ta nghĩ cháu đã nhầm.”
“Được thôi. Vậy thì cháu muốn sống thử một cuộc đời không bế tắc. Đó sẽ là cuộc đời thế nào ạ?”
“Phải là cháu nói cho ta biết mới đúng chứ?”
Bà Elm đưa quân hậu tới ăn một quân tốt, sau đó xoay bàn cờ lại. “E rằng ta chỉ là một thủ thư mà thôi.”
“Thủ thư biết nhiều thứ lắm. Thủ thư dẫn mọi người đến với những cuốn sách dành cho họ. Những thế giới dành cho họ. Thủ thư tìm được những nơi tốt đẹp nhất. Họ giống như công cụ tìm kiếm được thổi hồn vào vậy.”
“Chính xác. Nhưng đồng thời cháu cũng phải biết mình thích gì. Biết phải gõ gì vào ô tìm kiếm ảo. Và đôi khi cháu phải thử một vài thứ khác trước khi ngộ ra được điều trên.”
“Cháu chẳng còn sức mà thử. Chắc cháu không làm nổi đâu.”
“Muốn học hỏi chỉ có cách là phải sống.”
“Vâng. Điều đó bà nói mãi rồi.”
Nora thở dài. Thật thú vị khi biết rằng cô có thể làm thế trong thư viện này. Rằng cô vẫn cảm thấy được là chính mình. Rằng mọi thứ vẫn như bình thường. Bởi lẽ nơi này hoàn toàn chẳng bình thường chút nào. Thể xác cô không ở đây. Điều đó là không thể. Ấy vậy mà cảm giác hầu như là thật, vì theo một khía cạnh nào đó thì cô đang hiện hữu ở đây. Đang đứng trên sàn nhà, như thể trọng lực vẫn tồn tại.
“Thôi được,” cô nói. “Vậy thì cháu muốn sống thử cuộc đời khi cháu có được thành công.”
Bà Elm chắt lưỡi tỏ vẻ không hài lòng. “Đối với một người đọc nhiều sách như cháu, cách dùng từ như vậy là quá chung chung đấy.”
“Xin lỗi bà.”
“Thành công. Theo cháu, thành công nghĩa là gì? Tiền sao?”
“Không ạ. Ừm, cũng có thể. Nhưng đấy không phải yếu tố quyết định.”
“Vậy thì thành công là gì?”
Nora chịu, không biết thành công là gì. Đã từ lâu cô luôn cảm thấy mình thất bại.
Bà Elm mỉm cười kiên nhẫn. “Cháu có muốn tham khảo Cuốn sách về những nuối tiếc lần nữa không? Có muốn ngẫm lại những quyết định sai lầm đã đẩy cháu rời xa bất cứ thứ gì cháu coi là thành công không?”
Nora lắc đầu nguầy nguậy chẳng khác gì chú chó đang giũ nước trên lông. Cô không muốn phải đối diện với bản danh sách dài dằng dặc những lỗi lầm và bước đi sai thêm một lần nào nữa. Cô trầm cảm đủ lắm rồi. Vả lại, cô hiểu rõ những hối tiếc của mình. Chúng chẳng bao giờ biến mất. Chúng không giống những nốt muỗi đốt. Chúng khiến người ta ngứa mãi không thôi.
“Không đúng,” bà Elm nói như đọc được ý nghĩ của cô. “Cháu không còn hối tiếc chuyện chăm sóc mèo. Và cháu cũng không còn hối tiếc vì đã không đến Australia với Izzy.”
Nora gật đầu. Bà ấy nói có lý.
Cô nhớ lại lúc bơi trong bể bơi ở bãi biển Bronte. Cảm giác ấy mới tuyệt diệu làm sao, vừa thân quen lại vừa lạ lẫm.
“Ngay từ nhỏ cháu đã được gia đình khuyến khích học bơi,” bà Elm nói.
“Vâng.”
“Bố cháu luôn sẵn lòng đưa cháu đi tập.”
“Đó là một trong số ít những điều mang lại niềm vui cho bố cháu,” Nora trầm ngâm.
Cô đã coi bơi lội là cách để làm đẹp lòng bố, cô yêu thích cảm giác tĩnh lặng khi ở dưới nước bởi điều đó hoàn toàn trái ngược với những tiếng cãi cọ giữa bố mẹ cô.
“Vì sao cháu lại bỏ bơi?” bà Elm hỏi.
“Khi cháu bắt đầu giành chiến thắng trong những cuộc thi bơi, mọi người bắt đầu nhìn vào cháu, mà cháu thì không muốn bị ai nhìn. Đâu phải chỉ bị nhìn không thôi, mà là bị nhìn thấy trong bộ đồ bơi ở đúng cái tuổi bị ám ảnh về cơ thể. Có người nói vai cháu như vai con trai. Điều đó đúng là rất ngu ngốc, nhưng xung quanh lại có quá nhiều điều ngu ngốc như thế, và ở tuổi ấy người ta cảm nhận được hết. Hồi mới lớn, cháu sẵn lòng làm người vô hình. Mọi người gọi cháu là ‘Cô Cá’. Nhưng đấy không phải lời khen. Tính cháu vốn nhút nhát. Đó là một trong những lý do cháu thích đến thư viện hơn là sân chơi. Việc có được khoảng không gian ấy nghe thì có vẻ nhỏ nhặt nhưng thực sự rất hữu ích.”
“Đừng bao giờ đánh giá thấp tầm quan trọng của những thứ nhỏ bé,” bà Elm nói. “Cháu phải luôn ghi nhớ điều đó.”
Nora nghĩ lại những ngày tháng ấy. Suốt thời niên thiếu, bản tính nhút nhát cộng với sự tồn tại hữu hình quả là sự kết hợp đầy rắc rối, nhưng cô chưa bao giờ bị bắt nạt, có lẽ là vì mọi người đều biết anh trai cô. Joe tuy không phải típ con trai cứng rắn cho lắm nhưng luôn được coi là khá chất chơi và nổi tiếng đủ để giúp đứa em máu mủ ruột rà không phải chịu đựng những trò bạo ngược trên sân trường.
Cô giành chiến thắng trong các giải khu vực và sau đó là giải quốc gia, nhưng đến năm mười lăm tuổi, tất cả bắt đầu vượt quá sức chịu đựng của cô. Ngày nào cũng bơi, hết vòng này đến vòng khác.
“Cháu buộc phải từ bỏ.”
Bà Elm gật đầu. “Và thế là sợi dây gắn kết cháu tạo được với bố mình bắt đầu bị bào mòn, thậm chí gần như đứt hẳn.”
“Đại loại thế.”
Cô mường tượng lại khuôn mặt của bố lúc ngồi trong ô tô bên ngoài Trung tâm thể thao Bedford vào buổi sáng Chủ nhật mưa phùn rả rích, khi cô nói với bố rằng từ nay về sau cô không muốn thi bơi nữa. Vẻ mặt vừa thất vọng vừa vô cùng bực tức.
“Nhưng con có thể gặt hái thành công trong cuộc đời,” bố đã nói như vậy. Phải. Giờ cô nhớ ra rồi. “Con sẽ chẳng bao giờ trở thành ngôi sao nhạc pop, nhưng cơ hội này là thật. Nó ở ngay trước mắt con kìa. Nếu tiếp tục tập luyện, sau này con sẽ có cơ hội tham dự Olympic. Bố tin là thế.”
Cô đã rất giận khi nghe những lời ấy của bố. Cứ như thể con đường đến với cuộc đời hạnh phúc là vô cùng mong manh và chính là con đường bố đã vạch sẵn cho rồi. Cứ như thể những dự định của cô cho cuộc đời của chính mình mặc nhiên đều là sai lầm hết. Nhưng ở tuổi mười lăm, cô chưa nhận thức được đầy đủ sự đáng sợ của cảm giác tiếc nuối và nỗi đau lòng của bố khi gần như đã hiện thực hóa được giấc mơ ông hằng ấp ủ.
Bố của Nora thực sự là một người khó chiều.
Không những vậy mà còn vô cùng khắt khe với mọi việc Nora làm, mọi thứ Nora muốn, mọi điều Nora tin, trừ phi liên quan đến bơi lội, và hơn nữa, cô có cảm giác chỉ cần hiện diện ở bất cứ nơi đâu có bố thôi cũng chẳng khác gì phạm phải một tội lỗi vô hình. Từ sau khi bị chấn thương dây chằng phá tan sự nghiệp bóng bầu dục, bố luôn khư khư giữ lấy niềm tin rằng cả vũ trụ này đều hợp sức chống lại mình. Và Nora, ít ra là cô cảm thấy thế, trong mắt bố cũng là một phần của kế hoạch mà cái vũ trụ ấy bày ra. Kể từ giây phút ở bãi xe ngày hôm ấy, cô thấy mình thực sự chỉ như một phần nối dài của nỗi đau đớn nơi đầu gối bên trái của bố. Một vết thương mang hình hài con người.
Nhưng cũng có thể bố đã biết chuyện gì sẽ xảy ra trong tương lai. Có thể bố nhìn thấy trước được cái cách nỗi hối tiếc này lại dẫn đến hối tiếc khác, để rồi cuối cùng ngoài tiếc ra cô chẳng còn gì cả. Một cuốn sách toàn những hối tiếc.
“Được rồi, bà Elm. Cháu muốn biết chuyện gì xảy ra trong cuộc đời khi cháu làm theo ý muốn của bố cháu. Khi cháu cố gắng hết sức để tập luyện. Khi cháu không bao giờ ca thán về chuyện bắt đầu lúc năm giờ sáng và kết thúc lúc chín giờ tối. Khi cháu ngày nào cũng bơi và không mảy may nghĩ đến việc từ bỏ. Khi cháu không bị phân tâm bởi âm nhạc hoặc việc viết những cuốn tiểu thuyết mãi dở dang. Khi cháu hy sinh mọi thứ cho bơi sải. Khi cháu không đầu hàng. Khi cháu tuân thủ mọi điều để có cơ hội tham dự Olympic. Hãy đưa cháu đến nơi cháu đang ở lúc này, trong cuộc đời đó.”
Trong giây lát, Nora có cảm giác nãy giờ bà Elm không hề để ý đến bài phát biểu nho nhỏ của mình thì phải, vì bà chỉ cau mày nhìn bàn cờ, cố tìm cách vượt qua chính mình.
“Trong cờ vua, ta thích quân xe,” bà nói. “Nó là quân cờ cháu luôn nghĩ mình không cần chú ý. Nó ngay thẳng. Người chơi thường để mắt canh chừng hậu, mã, tượng, bởi chúng lắt léo khó lường. Nhưng thường thì xe mới chính là quân cờ khiến cháu tổn thất. Sự ngay thẳng không phải lúc nào cũng giống như vẻ bề ngoài.”
Nora nhận thấy bà Elm hình như không chỉ đang nói tới cờ vua. Nhưng những dãy kệ đã lại chuyển động. Vun vút như những đoàn tàu.
“Cuộc đời cháu muốn tới,” bà Elm giảng giải, “nằm ở vị trí xa hơn một chút so với giấc mơ mở quán rượu và chuyến phiêu lưu đến Australia. Hai cuộc đời đó ở gần hơn. Còn cuộc đời này liên quan đến rất nhiều lựa chọn khác nhau, ngược về quá khứ xa xôi hơn. Cuốn sách vì thế cũng nằm xa hơn một chút, cháu hiểu chứ?”
“Cháu hiểu.”
“Thư viện đều phải được sắp xếp theo một hệ thống nào đó.”
Những dãy kệ di chuyển chậm dần. “A, đây rồi.”
Lần này bà Elm không đứng dậy. Bà chỉ cần giơ tay trái lên là cuốn sách tự động bay tới chỗ bà.
“Sao bà làm được thế ạ?”
“Ta không biết. Nào, cuộc đời cháu muốn đã ở đây. Bắt đầu thôi.”
Nora cầm lấy cuốn sách. Nhẹ tênh, mới mẻ, màu xanh vỏ chanh. Cô mở trang đầu tiên. Lần này cô nhận thấy mình hoàn toàn không có bất cứ cảm giác gì.