Thế Giới Cong - Chương 09
9. Sống sót và phát triển trong kỷ nguyên bất ổn ngày nay
Ngày nay thế giới tài chính là khu vực vô cùng nguy hiểm; vì thế những nhà lãnh đạo của chúng ta cần phải tỉnh táo hơn bao giờ hết. Những người chỉ huy cần có kế hoạch hành động hiệu quả để giảm sự bất cân bằng toàn cầu đang ngày càng gia tăng. Họ cần phải thảo luận sâu sắc hơn về cơn ác mộng liên quan tới các chương trình trợ cấp của Chính phủ, đang sắp có khả năng xảy ra. Họ cần một chiến lược quốc tế quy mô rộng lớn để đối mặt với những lực lượng tài chính và sản xuất của Trung Quốc luôn gieo rắc tai họa mỗi nơi chúng đi đến; và cần hiểu thấu đáo hơn mối quan hệ tiền tệ. Họ cần đề ra các phương pháp để hiểu rõ hơn những mâu thuẫn và căng thẳng cố hữu giữa yêu cầu phải giải quyết ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đồng thời vẫn phải duy trì hệ thống thương mại toàn cầu. Họ cần đề xuất một cách tiếp cận đáng tin cậy để đánh giá những cơ hội và rủi ro của các khoản đầu tư của các quỹ đầu tư quốc gia (sovereign wealth funds). Và họ cần dừng ngay việc đe dọa giảm mức thanh khoản tài chính trên thế giới, cũng như việc làm cho đồng đô la sụp đổ bằng những chính sách bảo hộ hay tạo ra cuộc chiến giữa các tầng lớp trong lòng nước Mỹ.
Nhưng có một vấn đề khác quan trọng hơn tất thảy. Những nhà lãnh đạo của chúng ta cần phải đổi mới cơ cấu tài chính hiện đang tồn tại nhiều sai lầm vô cùng nguy hiểm, kể cả hệ thống được sử dụng để đánh giá và phân bổ tín dụng. Cuốn sách này đã mở đầu bằng việc mô tả những bất ổn tài chính trong cuộc Đại khủng hoảng Tín dụng 2007 - 2008. Vì thế sẽ là hợp lý khi kết thúc cuốn sách bằng cuộc thảo luận về những hậu quả lâu dài của cuộc khủng hoảng đó. Vào năm 2007, khi các khoản cho vay dưới chuẩn bị đổ vỡ, cơ cấu hệ thống tài chính đã biến một vấn đề không mấy khó khăn trở thành một cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Những thất bại tài chính sau đó đã làm suy giảm nghiêm trọng lực lượng chính trị ủng hộ toàn cầu hóa và đe dọa cuộc sống của hàng triệu hộ gia đình thuộc tầng lớp thu nhập thấp và trung lưu trên toàn cầu. Thực tế, các thị trường tài chính cuối cùng đã ổn định trở lại nhưng những vấn đề cơ bản vẫn tồn tại tiềm tàng và có nguy cơ tái xuất hiện bất cứ lúc nào.
Dưới đây, tôi sẽ kể một câu chuyện trên thị trường cho vay dưới chuẩn với một vài nhân vật chính. Sau khi cuộc khủng hoảng lan rộng vào tháng 8 năm 2007, báo chí đổ lỗi cho các cơ quan quản lý ngân hàng (regulators) không đủ năng lực và các tổ chức “chị em” của họ - những tổ chức đánh giá tín dụng luôn kém cỏi trong việc đánh giá đúng tình hình. Rất nhiều nhà phân tích phố Wall cũng đổ lỗi cho chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang, cho rằng trước đây Cục Dự trữ Liên bang đã duy trì mức lãi suất ngắn hạn quá thấp trong thời gian quá dài và sau đó, sau khi cuộc khủng hoảng xảy ra, Cục Dự trữ Liên bang lại phản ứng quá chậm trước những khó khăn của thị trường. Tất cả những nhận định này chứng tỏ một vấn đề khác - mọi người không nhận ra những cá nhân phải chịu trách nhiệm lớn nhất trong cuộc khủng hoảng - chính là những nhà quản lý ngân hàng và chủ ngân hàng đầu tư. Do lòng tham nên họ đã vẽ ra một kế hoạch trau chuốt, hợp pháp nhưng vô cùng mạo hiểm nhằm che đậy những rủi ro gần như phá hủy nền kinh tế thế giới.
Nếu toàn cầu hóa tài chính thất bại, chính các tổ chức tài chính lớn và các cơ quan quản lý chúng sẽ phải chịu phần lớn trách nhiệm. Một sự thật đáng sợ là những hành động của họ sẽ khiến hệ thống tài chính quốc tế bị ảnh hưởng một cách nguy hiểm.
Theo lẽ thông thường, nguyên nhân duy nhất của cuộc khủng hoảng dưới chuẩn là do sự bùng nổ các bong bong nhà đất trên toàn thế giới. Điều này có thể giải thích như sau: bức tường Berlin sụp đổ đã khiến quá trình toàn cầu hóa trở nên mạnh mẽ hơn, thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Nền kinh tế phát triển khiến sự cạnh tranh trong lĩnh vực dịch vụ và sản xuất trên toàn cầu quyết liệt hơn. Điều này làm giảm mức lương thực tế trên toàn cầu, khiến kỳ vọng lạm phát giảm và chính vì vậy mức lãi suất dài hạn cũng sụt giảm theo. Do lãi suất thế chấp ở mức thuận lợi chưa từng có trong lịch sử, các gia đình ở rất nhiều nước công nghiệp hóa đã ráo riết mua nhà, tạo nên một bong bóng nhà đất trên diện rộng. Khi bong bóng này phình lên, các nhân viên tín dụng cung cấp các khoản vay thế chấp dưới chuẩn cho các gia đình không đáp ứng được bất kỳ điều kiện cho vay nào, rơi vào tình trạng khó khăn tài chính vô cùng nghiêm trọng khi lãi suất dài hạn (và theo đó là lãi suất thế chấp) sau đó trở lại với những mức cao hơn, thậm chí cao nhất trong lịch sử.
Nghe có vẻ là một lời giải thích hợp lý cho cuộc khủng hoảng thế chấp dưới chuẩn, nhưng phân tích này chưa hoàn toàn đầy đủ. Nếu bong bóng nhà đất tại Hoa Kỳ với mức thế chấp dưới chuẩn ban đầu mới chỉ lên tới 200 tỉ đô la bùng nổ, trong điều kiện bình thường, hệ thống tài chính toàn cầu hoàn toàn có thể hấp thụ bong bóng này vào nền kinh tế toàn cầu vài trăm nghìn tỉ đô la. Các thị trường tài chính có thể bất ổn trong một vài tháng nhưng mọi việc sẽ trở lại bình thường nhanh chóng. Rõ ràng những vấn đề khác nữa cũng đang xảy ra, những vấn đề đóng vai trò quan trọng hơn tới sự toàn vẹn của hệ thống tài chính. Vấn đề khác ở đây chính là hệ thống kép (dual system) đáng ngờ mà các ngân hàng và các ngân hàng đầu tư đã thiết lập nhằm che giấu khả năng dễ bị ảnh hưởng bởi rất nhiều rủi ro thị trường, bao gồm cả rủi ro thế chấp.
Chính vì thế những gì tôi trình bày tiếp theo đây sẽ là về lòng tham, sự giả dối và ngu ngốc. Đây là câu chuyện về cuộc Đại Khủng hoảng tín dụng năm 2007-2008 mà những nhà quản lý ngân hàng hẳn sẽ không muốn các bạn biết, chính là kết quả của những thất bại điều tiết khiến mọi chuyện đã diễn ra.
Câu chuyện bắt đầu vào năm 1998 sau sự sụp đổ của quỹ đầu cơ phòng vệ Quản lý Vốn Dài hạn (Long Term Capital Management, viết tắt là LTCM). Các ngân hàng toàn cầu đã phản ứng một cách rùm beng bằng việc thắt chặt kiểm soát tín dụng với các quỹ đầu cơ phòng vệ (quỹ đầu cơ phòng vệ sử dụng đòn bẩy tài chính ở mức cao trong việc đầu tư trên thị trường, thường sử dụng các khoản cho vay của ngân hàng). Tuy nhiên điều đáng ngạc nhiên là đồng thời các ngân hàng cũng nới lỏng nhiều hơn các chuẩn mực khi đầu tư của chính họ, bằng việc hạ thấp các tiêu chuẩn quản lý rủi ro đã được xác định. Vì thế không có gì đáng ngạc nhiên khi các rủi ro ngân hàng tăng vọt. Nhằm cạnh tranh với các quỹ đầu cơ phòng vệ và các ngân hàng đầu tư, các ngân hàng thực hiện những biện pháp ngày càng rủi ro hơn để tìm kiếm khoản lợi nhuận cao hơn.
Hệ thống tài chính có những biện pháp nhằm kiểm soát rủi ro ngân hàng. Ví dụ như các chuẩn Basel về an toàn vốn ngân hàng quốc tế buộc các ngân hàng phải bỏ thêm tài sản làm khoản ký quỹ không được đem ra đầu tư nếu muốn tăng các khoản đầu tư mạo hiểm của mình. Các chuẩn Basel giống như một hợp đồng bảo hiểm nhằm bảo vệ sự toàn vẹn của hệ thống ngân hàng toàn cầu, bao gồm các khoản tiền gửi tiết kiệm ngân hàng, các quỹ thị trường tiền tệ và các công cụ tài chính khác mà mỗi công dân bình thường sử dụng. Tuy nhiên, các chuẩn quốc tế buộc các ngân hàng phải đối mặt với một lựa chọn không hấp dẫn: hoặc là chấp nhận rủi ro cao hơn và lợi nhuận lớn hơn nhưng phải dự trữ mức vốn không đầu tư (noninvested capital) nhiều hơn phòng trường hợp xảy ra những vấn đề không mong muốn, hoặc là chấp nhận rủi ro thấp hơn và lợi nhuận ít hơn nhưng có nhiều vốn đầu tư hơn vào thị trường. Các ngân hàng không chấp nhận lựa chọn nào, và kết quả đã vô cùng thảm khốc.
Để thoát khỏi tình thế tiến thoái lưỡng nan mà chuẩn Basel đặt ra, các ngân hàng (cùng với các ngân hàng đầu tư) đã hình thành một loại thị trường kép. Hầu hết mọi tổ chức tài chính lớn đều lập ra các công cụ tài chính độc lập, ngoài bảng cân đối tài khoản nhằm che giấu rủi ro. Citigroup là một ví dụ. Thế giới bên ngoài, kể cả các cơ quan quản lý ngành ngân hàng và các tổ chức đánh giá tín dụng chỉ chú ý tới các rủi ro nhìn thấy được và trên bảng cân đối kế toán của các ngân hàng và tổ chức tín dụng nổi tiếng. Những gì thế giới không nhìn thấy chính là các công cụ tài chính độc lập và ít được biết đến hơn (thường được gọi là các đường dẫn -conduits, hay công cụ đầu tư kết cấu - structured investment vehicles) mà Citigroup hình thành tách biệt với ngân hàng mẹ.
Rõ ràng những khoản nợ đáng sợ của các công cụ đầu tư độc lập không được liệt kê trong sổ sách kế toán của các ngân hàng mẹ. Tuy nhiên điều đáng ngạc nhiên với họ là trong con mắt của những nhà kinh doanh trên thị trường toàn cầu, các công cụ ngoại bảng và các tổ chức này cùng thuộc về một thực thể. Những nhà ngân hàng chưa bao giờ lường trước điều này sẽ xảy ra, và kết quả sau những nỗ lực che giấu rủi ro là việc tạo nên một quả bom hẹn giờ.
Nhưng tại sao một ngân hàng lại thành lập một công cụ tách rời không do ngân hàng mẹ sở hữu hoặc kiểm soát, cũng như không đề cập ngân hàng mẹ trong bảng cân đối kế toán là người thụ hưởng chính? Câu trả lời có thể ngắn gọn trong một từ: lòng tham. Các ngân hàng và các ngân hàng đầu tư tạo ra thị trường riêng biệt của chính mình - một loại bãi rác tự động, hợp pháp với khoản lợi nhuận khổng lồ.
Hệ thống hoạt động như sau. Thông thường một ngân hàng sẽ cho một người vay tiền mua nhà và sau đó giữ ngôi nhà làm vật thế chấp trong thời hạn cho vay. Trong thời hạn cho vay, ngân hàng chịu trách nhiệm về các rủi ro của vật thế chấp. Tuy nhiên trong nền kinh tế vốn toàn cầu hóa mới, các ngân hàng đã sử dụng một hệ thống giải quyết rủi ro khác. Một ngân hàng thu gom tất cả các khoản vay vào một “gói” chung, và sau đó chia khoản thu được thành các phần nhỏ tách biệt, được gọi là dòng thu nhập lãi suất (interest income streams). Hay nói cách khác, như tôi đã trình bày trên đây, ngân hàng chứng khoán hóa các khoản cho vay, bán các dòng thu nhập riêng lẻ đã được tái đóng gói (bây giờ gọi là chứng khoán được đảm bảo bằng thế chấp[87]) cho thị trường toàn cầu. Các ngân hàng cũng khuyến khích các công cụ độc lập, ngoài bảng của họ mua các chứng khoán được đảm bảo bằng thế chấp này, một vài chứng khoán chứa các thế chấp được đánh giá là dưới chuẩn. Các tổ chức tài chính lớn thu được một khoản phí khổng lồ khi bán các chứng khoán được đảm bảo bằng thế chấp mới được đóng gói này cho các công cụ đầu tư độc lập của chính họ.
Nhưng vấn đề sau đó lại trở nên phức tạp hơn. Các công cụ độc lập ngoài bảng, sử dụng các chứng khoán được đảm bảo bằng thế chấp mới mua này làm khoản ký quỹ, tham gia vào thị trường tín dụng toàn cầu và mượn tiền thông qua hình thức phát hành thương phiếu (commercial papers). Thương phiếu thường được coi là hình thức đầu tư vốn cho vay (chứng khoán nợ) có mức độ an toàn cao và được sử dụng rộng rãi như một trong những xương sống an toàn của các quỹ thị trường tiền tệ.
Khi bong bóng nhà đất toàn cầu bùng nổ vào năm 2007, các thị trường toàn cầu đột nhiên trở nên mất lòng tin vào thị trường thương phiếu. Điều này khiến nhiều công cụ ngoài bảng rơi vào rắc rối tài chính lớn. Không lâu sau các ngân hàng mẹ và chính các ngân hàng đầu tư cũng gặp nhiều vấn đề nghiêm trọng bởi vì một lần nữa các nhà kinh doanh toàn cầu không phân biệt giữa các ngân hàng mẹ và các công cụ độc lập. Chứng khoán tài chính sụp đổ. Tín dụng toàn cầu đóng băng khi các doanh nghiệp đột nhiên thấy khó khăn trong việc tìm nguồn tài trợ. Các nền kinh tế thế giới công nghiệp vào đầu năm 2008 bắt đầu suy giảm dần, dẫn đầu là nền kinh tế Hoa Kỳ.
Những gì các ngân hàng đã làm là áp dụng một mô hình kinh doanh mới và nguy hiểm, theo đó nói thẳng là họ không còn trách nhiệm gì nữa. Sử dụng các công cụ tài chính chứng khoán hóa mới mẻ này, các ngân hàng không còn phải đối mặt với những rủi ro một khi họ đã bán các gói thế chấp được cổ phần hóa cho các công cụ ngoài bảng. Còn với tư cách là người cho vay, các ngân hàng không còn bất kỳ liên hệ nào với người vay tiền, nói cách khác họ không cần bận tâm liệu những người vay tiền có trả lại khoản vay trước đó hay không. Thay vì tham gia vào việc quản lý rủi ro, vốn là vai trò truyền thống của các ngân hàng, những chủ ngân hàng mới tham gia vào quá trình gieo rắc rủi ro, nghĩ rằng họ đã phát hiện ra một loại “rủi ro an toàn” (riskless risk) với lợi ích gia tăng là các khoản lợi nhuận khổng lồ.
Khi hành động nguy hiểm này lan rộng, các cơ quan quản lý ngân hàng và các tổ chức đánh giá tín dụng thấy mình trở thành những kẻ ngốc nghếch vô cùng. Khi các tổ chức như Moody’s[88] và Standard and Poor’s thường xuyên kiểm tra các ngân hàng, họ rất ngạc nhiên với những điều kiện tài chính hoàn hảo trong sổ sách kế toán của các ngân hàng mẹ, nhưng họ không hề nghĩ tới mối liên hệ với các công cụ ngoài bảng, mà trong nhiều trường hợp chứa đầy những khoản thế chấp dưới chuẩn. Vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn khi các tổ chức xếp hạng tín dụng đánh giá thương phiếu được phát hành bởi các công cụ ngoài bảng là siêu an toàn. Có suy nghĩ như vậy là vì các khoản nợ đã được chứng khoán hóa (và chính vì vậy được đa dạng hóa) và liên kết chặt chẽ với bất động sản nên sẽ không thể nào thất bại. Họ nghĩ rằng giá nhà đất sẽ không bao giờ giảm - hay ít ra không bao giờ đồng loạt sụt giảm trên cả nước.
Xét về mặt tài chính, các ngân hàng nghĩ họ đã nhập Niết bàn. Vài quý trước khi cuộc khủng hoảng dưới chuẩn bùng nổ vào tháng 8 năm 2007, một số ngân hàng lớn đạt mức lợi nhuận trên vốn cổ phần trên 30%, một mức thành công tài chính bất bình thường trong lĩnh vực ngân hàng. Trong giai đoạn đó, những nhà quản lý tiền tốt nhất trên thế giới cũng đạt một nửa mức lợi nhuận đó. Tại sao các cơ quan quản lý và các tổ chức xếp hạng tín dụng (rating agency) không bao giờ hỏi làm cách nào mà những chủ ngân hàng có thể thành công như vậy nếu không phải là có thủ đoạn (có thể là những thế chấp dưới chuẩn ngoài bảng, sử dụng đòn bẩy tài chính quá mức). Thật vô lý.
Trò chơi tài chính mới này tương tự như hệ thống đánh giá các trường cao đẳng và đại học tại Hoa Kỳ. Hàng năm học sinh ở các trường cấp 3 sẽ xem xét các bảng đánh giá, đầu tiên là sơ lược qua điểm số trung bình Bài kiểm tra Năng lực học đường[89] của các sinh viên đại học và so sánh giữa các trường. Điều này nghe có vẻ là một việc làm cẩn trọng trừ một điều là rất nhiều tổ chức học đường này không phản ánh toàn bộ bức tranh điểm số bài kiểm tra của trường. Rất nhiều trường dễ dàng bỏ qua điểm số của một vài nhóm nhất định - vận động viên, nhóm thiểu số hoặc những sinh viên đặc biệt khó khăn. Điều này sẽ tạo nên một bức tranh đẹp hơn, nhưng thường gây sai lệch về kết quả kiểm tra của trường. Mục đích có vẻ đáng làm - để nói cho những sinh viên thuộc tầng lớp trung lưu, da trắng và những sinh viên trung bình rằng nếu muốn được nhận vào trường thì phải đạt mức (SAT) nào. Tuy nhiên, bức tranh không trung thực, nếu không muốn nói không công bằng với những tổ chức tuân thủ quy định liệt kê điểm số kiểm tra chính xác và đầy đủ.
Từ điểm này trở đi, câu chuyện dưới chuẩn khá quen thuộc. Do mạng lưới liên kết trên hệ thống toàn cầu, khi người dân ở Ohio không thể thanh toán một khoản vay thế chấp dưới chuẩn, đột nhiên một ngân hàng ở Đức cũng bị sụt giảm theo. Ngân hàng Đức này chẳng hề có văn phòng hay chi nhánh tại Mỹ, ngoại trừ việc họ phải chịu gánh nặng từ số thương phiếu Mỹ mà họ đã mua, vốn được xếp hạng cao nhưng hóa ra lại trở nên có vấn đề.
Giống như các đồng sự tại Mỹ, các quan chức điều tiết ở châu Âu hầu như không ý thức được rằng các ngân hàng của họ bị ảnh hưởng lớn bởi các công cụ ngoài bảng tách biệt, chứa đầy những chất thải tài chính độc hại. Đột nhiên các quỹ tương hỗ thị trường tiền tệ trên toàn thế giới gặp rủi ro bởi vì chúng đều liên quan tới các khoản vay được chứng khoán hóa của Mỹ. Khoản tiền mà những người dân bình thường nghĩ là siêu an toàn (ultrasafe), nay đột nhiên không đáng tin cậy. Thế là cuộc đại khủng hoảng tín dụng bùng nổ.
Điều vô cùng đáng sợ trong cuộc khủng hoảng liên quan tới thế chấp dưới chuẩn là mặc dù các ngân hàng trung ương đã nỗ lực ngăn chặn tình hình này nhưng thị trường tín dụng của các nước công nghiệp vẫn tiếp tục suy giảm. Giống như một bệnh nhân hen suyễn nặng, khi luồng khí vào phổi tiếp tục giảm, thì ở đây nền kinh tế ban đầu là khó thở rồi dần dần bắt đầu ngạt thở, chỉ trông chờ vào việc thở oxy mà thôi.
Như có thể dự đoán, cộng đồng chính sách quốc tế cuống cuồng tìm các biện pháp để giải quyết nhanh chóng tình trạng này. Vào đầu năm 2008, Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua một gói kích thích thuế nhằm đối phó với các triệu chứng của nền kinh tế vĩ mô trong tình hình bất ổn thế chấp dưới chuẩn. Một số chính trị gia đề xuất “đóng băng” lãi suất thế chấp trong năm năm. Rất nhiều ngân hàng trung ương của các nước công nghiệp tiếp tục giảm mạnh lãi suất ngắn hạn, mà Cục Dự trữ Liên bang là tổ chức đi đầu. Có thể dự đoán được rằng các chính trị gia Washington đã nỗ lực giải quyết những vấn đề trước mắt là hàng triệu người Mỹ có nguy cơ mất nhà và cần sự trợ giúp của chính phủ. Họ lẽ ra cũng nên chú tâm thực tế rằng toàn bộ hệ thống tài chính đang gặp rủi ro hơn bao giờ hết từ những năm 1930.
Chính vì thế, mặc dù Quốc hội rất lo lắng nhưng cuộc khủng hoảng vẫn tiếp tục, nền kinh tế khó thở trở nên nóng bừng rồi sau đó lạnh toát vì thiếu oxy. Điều rõ ràng là các phương pháp điều trị mang tính chất tiền tệ và tài khóa không thể giải quyết những vấn đề mà về bản chất mang tính cơ bản hơn nhiều. Bản chất của cuộc Đại khủng hoảng Tín dụng 2007-2008 không gì hơn là một cuộc khủng hoảng lòng tin vào cơ cấu tài chính. Điều đáng bàn là một thời gian dài trước khi bong bóng nhà đất nổ tung và khủng hoảng dưới chuẩn xuất hiện đã âm ỉ một vấn đề gì đó. Đó chính là sự mất lòng tin vào thị trường của các chứng khoán được đảm bảo bằng tài sản[90] ngày càng tăng rồi lan rộng trên toàn thế giới. Chiến lược gia tài chính toàn cầu, ông Harald Malmgren đã gọi những chứng khoán này bằng một cái tên khôn khéo “tài sản lòng tin”[91], trong đó bao gồm chứng khoán được đảm bảo bằng thế chấp, hợp đồng hoán đổi vi ước tín dụng[92] (một loại hợp đồng bảo hiểm các khoản vay thế chấp), và một loạt các sản phẩm tín dụng phái sinh. Những tài sản này như một động mạch chính trong mạch máu phân bổ tín dụng của nền kinh tế toàn cầu. Cuộc khủng hoảng dưới chuẩn khiến động mạch chính tắc nghẽn do sự thiếu lòng tin và tin tưởng.
Trong chương 2, tôi đã mô tả chứng khoán hóa là một việc tuy không hay ho gì, nhưng không thể tránh khỏi nhằm đánh giá rủi ro và phân bổ nguồn vốn doanh nghiệp. Đó là một quá trình tài chính phức tạp đến đau đầu vừa tạo nên lại vừa đe dọa nền kinh tế toàn cầu đang phát triển của chúng ta. Sau khi cuộc khủng hoảng dưới chuẩn bùng nổ, các thị trường tín dụng suy yếu ngoài mọi sự tưởng tượng, do các chứng khoán được đảm bảo bằng tài sản trải qua một cuộc đình công không thể tránh khỏi của người mua. Các nhà kinh doanh trên thị trường toàn cầu không còn thoải mái khi nắm giữ các công cụ nợ, giá trị của các công cụ này không thể được xác định ngoại trừ bởi các tổ chức xếp hạng tín dụng. Những tổ chức này đã chẳng mấy thành công trong việc đánh giá, và họ thường chỉ dựa vào các mô hình toán học, chứ không xác định trực tiếp khả năng trả nợ của tài sản. Cuộc khủng hoảng lòng tin này ngay lập tức tạo nên những hệ quả nghiêm trọng về triển vọng tín dụng của nền kinh tế toàn cầu. Một trong những khí quản chính cung cấp oxy tài chính cho nền kinh tế bị tắc nghẽn hoàn toàn.
Malmgren miêu tả tình huống một cách chi tiết hơn: “Trong thập kỷ qua, rất nhiều người đã mua các loại chứng khoán được đảm bảo bằng tài sản, bao gồm các quỹ hưu trí công và tư nhân, các nhà quản lý tài chính chính quyền địa phương, các công ty bảo hiểm, các ngân hàng nước ngoài và các nhà quản lý tài sản, các quỹ tín thác và thậm chí cả các quỹ đầu tư phòng vệ… Tuy nhiên cách hiện có duy nhất để đo lường rủi ro và giá trị các chứng khoán này là những đánh giá của các tổ chức xếp hạng tín dụng. Rất nhiều người, đặc biệt là các quỹ hưu trí mua các loại chứng khoán này do bị ảnh hưởng bởi những yêu cầu kiểm soát đòi hỏi phải tuân thủ các tiêu chuẩn mà tổ chức xếp hạng đưa ra. Một đầu tàu vốn đã chạy chậm lại bị hỏng nặng vào mùa xuân năm 2007 khi đột nhiên (tổ chức xếp hạng tín dụng) liên tục đưa ra những đánh giá thấp làm sụt giảm giá trị ban đầu, khiến những người nắm giữ (chứng khoán được bảo đảm bằng tài sản) chỉ còn cầm trong tay các tài sản không có tính thanh khoản”.
Chiếc đầu tàu hỏng hóc ngày càng trầm trọng hơn khi chính những nhà lãnh đạo các tổ chức tài chính lớn trở nên hoảng sợ. Chưa bao giờ họ nghĩ rằng do thiếu lòng tin mà toàn bộ thị trường chứng khoán được đảm bảo bằng tài sản, một trong những động mạch chính của hệ thống tín dụng toàn cầu có thể mất hoàn toàn khả năng thanh khoản. Tuy nhiên vấn đề thiếu lòng tin vào các công cụ tài chính phức tạp này đang lan rộng ra toàn thế giới. Và đó là lỗi của các tổ chức tài chính vì đã không đánh giá đầy đủ mức rủi ro mà họ phải đối mặt.
Trong giai đoạn này, các quan chức Cục Dự trữ Liên bang bổ sung vào gói cứu trợ thậm chí nhiều “liều thuốc giảm đau” hơn dưới hình thức cắt giảm mạnh mẽ trước tiên lãi suất ngắn hạn. Lo sợ sẽ lặp lại những gì Ngân hàng trung ương Nhật Bản đã làm vào đầu những năm 1990 khi bắt đầu “thập kỷ mất mát”, chủ tịch Bernanke giảm lãi suất mạnh và nhanh chưa từng thấy trong lịch sử. Trong khi chính sách tiền tệ có thể ổn định thị trường tài chính tổng thể hơn nhằm giúp kéo dài thời gian, nhưng cắt giảm lãi suất không thể khiến các nhà đầu tư tin tưởng vào các công cụ đầu tư tài chính khi mà người cho vay không có liên hệ gì với người đi vay. Cũng không thể nhanh chóng phục hồi lòng tin vào hệ thống khi gánh nặng rủi ro tài chính đã được chuyển sang các công cụ ngoài bảng bí ẩn.
Vào giữa năm 2008, các quan chức Cục Dự trữ Liên bang trở nên lo sợ. Các biện pháp như giảm mạnh lãi suất ngắn hạn và các loại lãi suất khác, rót vốn trực tiếp vào ngân hàng tỏ ra không nhiều hiệu quả. Tồi tệ hơn nữa là tổ chức đầu tư Bear Stearns đang lao đao trên bờ vực phá sản. Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang kết luận rằng một ngân hàng đầu tư lớn sụp đổ vào thời điểm này có nguy cơ phá hủy toàn bộ hệ thống tài chính toàn cầu và khiến các thị trường chứng khoán trượt dốc, rồi không lâu sau là nền kinh tế toàn cầu. Nền kinh tế Hoa Kỳ đã gần như suy thoái. Nhưng ngay lúc đó, một điều gì đó đã xảy ra với sức ảnh hưởng mà có thể phải mất nhiều năm để hiểu được những hệ quả của nó. Ngày 16 tháng Ba, trước ngày lễ thánh Patrick vào cuối tuần, Cục Dự trữ Liên bang đã đưa ngân hàng đầu tư Bear Stearns và các định chế tài chính phi ngân hàng tiềm năng khác vào trong lưới an toàn chính phủ, một hành động mà cho tới thời điểm đó là công cụ khẩn cấp chỉ áp dụng riêng với các ngân hàng chịu sự quản lý của Cục Dự trữ Liên bang. Đặc biệt Cục Dự trữ Liên bang cho phép Bear Stearns tiếp cận cửa sổ chiết khấu (Discount Window) của Cục Dự trữ Liên bang, một công cụ được hình thành trong Cuộc Đại suy thoái (thập niên 1930) nhằm cho phép các ngân hàng tiếp cận với các khoản cho vay khẩn cấp, bất chấp giá trị của khoản bảo đảm. Cục Dự trữ Liên bang, cùng với sự hỗ trợ của bộ Tài chính, buộc Bear Stearns phải bán lại cho J.P.Morgan Chase; đồng thời Fed đồng ý hỗ trợ tổ chức đầu tư phố Wall đang gặp khó khăn này vay tiền đổi lại 29 tỉ đô la chứng khoán không đáng tin cậy.
Tôi xin được giải thích quyết định này một cách rõ ràng như sau: Cục Dự trữ Liên bang xuất hiện và đưa ra một bảo đảm của chính phủ với mục đích bảo hiểm cho toàn bộ hệ thống tài chính, không chỉ riêng các ngân hàng, đồng thời Cục Dự trữ Liên bang hoặc một số cơ quan điều tiết khác nhận lãnh một vai trò quan trọng hơn nhiều trên thị trường tài chính. Do sự nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng hiện thời, bao gồm cả nguy cơ tiềm tàng toàn bộ hệ thống tài chính có thể sụp đổ, Cục Dữ trữ Liên bang có thể không còn sự lựa chọn nào khác. Nhưng về lâu dài, liệu sự đảm bảo bao trùm của chính phủ sẽ làm tăng thêm hay hạn chế việc cho vay trong nền kinh tế là câu hỏi cần thời gian mới biết được đáp án. Trong một hệ thống được chính phủ đảm bảo, một số lực lượng điều tiết cần bảo vệ lợi ích chung. Tuy nhiên cộng đồng điều tiết, kể cả Cục Dự trữ Liên bang, khó có thể tạo nên những thành công xuất sắc trong việc đo lường rủi ro và nắm bắt dòng thanh khoản. Liệu một tổ chức điều tiết Hoa Kỳ mới, có quy mô siêu lớn cho dù nằm ở bất kỳ đâu, có thể hoạt động tốt hơn không? Những thiên tài trên thị trường tài chính đã liên tục thể hiện khả năng đáng ngạc nhiên trong việc tìm ra các cách thức hợp pháp nhằm lẩn tránh những giới hạn điều tiết. Tôi ngờ rằng rất nhiều quỹ đầu cơ phòng vệ, các quỹ đầu tư vốn cổ phần tư nhân và các tổ chức tài chính khác linh động hơn cũng sẽ dễ dàng chuyển sang thị trường nước ngoài khi xuất hiện một thể chế quy định mới của Hoa Kỳ quy định rằng Cục Dự trữ Liên bang hoặc các quan chức điều tiết của chính phủ khác có thể là một phần trong quá trình đưa ra quyết định mới, phức tạp hơn.
Greg Ip, phóng viên tờ Wall Street Journal cho rằng: “Mọi người yêu cầu Cục Dự trữ Liên bang làm một việc mà khó ai có thể làm được: xác định và tránh một cuộc khủng hoảng có thể xảy ra”. Martin Feldstein tại Harvard bổ sung rằng: “Giám sát các sản phẩm phái sinh rất phức tạp của các ngân hàng và các tổ chức khác của hệ thống tài chính sẽ là một thách thức kỹ thuật khổng lồ. Chính các tổ chức (tài chính) - trả lương rất cao và gặp rủi ro với chính sự sống còn của họ - cũng không thể thực hiện được. Liệu Cục Dự trữ Liên bang có thể làm được hay không?”.
Sự thật là, tất cả các nhà quản lý chính phủ đã tỏ ra thiếu tỉnh táo trong khi thế chấp dưới chuẩn sụp đổ, tuy nhiên trách nhiệm không hoàn toàn của riêng họ. Những quan chức chính phủ có thiện chí không thể nào so đọ được với những nhà kinh doanh tinh quái và “sáng tạo” trên thị trường, cùng những luật sư của họ, những người luôn mau chóng tìm kiếm những cách lách luật hợp pháp ngay khi có bất kỳ yêu cầu điều tiết nào được đặt ra. Hiện tại một nhân viên cấp cao của Ủy ban Chứng khoán và Sàn Giao dịch (SEC) kiếm được từ 143.000 đô la tới 216.000 đô la mỗi năm. Trong khi đó, thậm chí những người đưa ra quyết định điều hành cấp thấp tại Goldman Sachs, lương hàng năm cũng lên tới hàng triệu đô la. Vào năm 2006, lương nhân viên trung bình của Goldman vào khoảng 622.000 đô la, chỉ một số trợ lý hành chính và thư ký nhận mức lương ít hơn vào khoảng 200.000 đô la.
Tuy nhiên, hiện tại điều nguy hiểm là xu hướng của những nhà điều tiết, một khi đã có những hành động thiếu trách nhiệm thì để cố gắng sửa sai lại thường dẫn đến việc đưa ra những điều chỉnh quá mức. Mà với các thị trường tài chính, việc điều chỉnh quá mức có thể gây tổn hại nghiêm trọng tới thanh khoản. Đối với Hoa Kỳ, gánh nặng của việc điều chỉnh quá mức có thể làm suy yếu hơn nữa vai trò là trung tâm tài chính toàn cầu của New York. Những sai lầm điều tiết có thể khiến môi trường tín dụng vốn đã xấu ngày càng thêm suy sụp. Một phản ứng quá mức cũng có thể làm giảm hơn nữa giá trị đồng đô la, vì các nhà đầu tư linh động có thể chọn đầu tư vào các thị trường ít bị điều tiết hơn.
Ngành dịch vụ tài chính tại Hoa Kỳ khiến cả thế giới phải ghen tị, một trong số ít ngành mà Hoa Kỳ có ưu thế vượt trội so với các nước khác. Thực tế, cộng đồng tài chính nước ngoài không muốn gì hơn là thấy lĩnh vực tài chính Hoa Kỳ sụp đổ, các ràng buộc điều tiết khiến họ trở nên bị động và mất đi sự sắc bén của mình. Nhưng đó chính xác là những gì lĩnh vực dịch vụ tài chính Hoa Kỳ có nguy cơ gặp phải nếu không thực hiện những đổi mới chính xác và nhạy cảm cần thiết để trở nên minh bạch hơn và quản lý rủi ro tốt hơn, tránh đe dọa hệ thống tài chính nói chung, vốn là lực lượng tạo thêm của cải cho xã hội. Tuy nhiên các ngân hàng và các ngân hàng đầu tư trên thực tế đã có những hành động bất cẩn trong một hệ thống cần những đổi mới vô cùng cẩn thận. Rõ ràng là cần có một nền móng cho việc chuẩn hóa việc định giá các loại tài sản được chứng khoán hóa. Cũng cần có các cơ chế mới minh bạch hơn và hiểu thấu đáo hơn bản chất rủi ro của thị trường đầu cơ vay nợ quá mức (sử dụng đòn bẩy tài chính). Và còn phải triệt tiêu, cấm ngặt các công cụ độc lập ngoài bảng.
Một số người theo trào lưu thị trường tự do chính thống (free market fundamentalist) đã phản ứng trước sự sụp đổ dưới chuẩn với một đề xuất có tính phản xạ rằng: tỉnh táo xem xét lại khuôn khổ điều tiết tài chính có thể sẽ đe dọa nới lỏng toàn bộ hệ thống tài chính. Tuy nhiên, thậm chí một số người ủng hộ toàn cầu hóa mạnh mẽ nhất, bao gồm các học giả như Jagdish Bhagwati và Frederic Mishkin ngay từ đầu đã cảnh báo rằng cần tiếp cận các thị trường vốn toàn cầu bất ổn và đôi khi khủng khiếp của chúng ta một cách vô cùng cẩn thận. Điều quan trọng cần nhớ rằng mặc dù không phải tất cả các ngân hàng đầu tư đều giống nhau, nhưng theoWall Street Journal, hai tháng trước khi Bear Stearns sụp đổ, tỷ lệ nợ trên vốn của Morgan Stanley ở mức 32,6 với 1, gần cao bằng tỷ lệ của Bear Stearns ở mức 32,8 với 1. Merrill Lynch và Lehman Brothers cũng sử dụng tỷ lệ nợ trên vốn tương ứng.
Cũng quyết liệt tương tự là những người thuộc phe cánh tả, những người tin rằng cuộc Đại Khủng hoảng Tín dụng 2007-2008 đã trải thảm đỏ mời chính quyền tiếp quản hệ thống tài chính. Những người này dường như không biết đến thực tế rằng cuộc khủng hoảng này phần lớn nguyên nhân là do chính phủ đã bị các nhà chiến lược thị trường tài chính lọc lõi và các luật sư của họ lừa dối. Sụp đổ dưới chuẩn đã chứng tỏ sự yếu kém vốn có của chính phủ là không thể nắm bắt các thị trường luôn tiến hóa.
Hơn nữa một thực tại không may là không có biện pháp nào có thể giải quyết nhanh chóng những khó khăn của hệ thống tín dụng toàn cầu này. Đó là lý do tại sao thế giới trở thành một khu vực nguy hiểm với đầy những bất ổn kinh tế. Đã phải mất hơn một thế kỷ để tạo lòng tin với các “tài sản lòng tin” ngày nay. Đáng buồn là gây dựng lại lòng tin với các công cụ tài chính phức tạp này, thậm chí sau những đổi mới quan trọng sẽ cần phải có thời gian. Rõ ràng các ngân hàng và các ngân hàng đầu tư trên thế giới cần phát triển một khuôn khổ mới để hiểu hơn về chứng khoán được bảo đảm bằng tài sản, khiến chúng minh bạch hơn và để các nhà kinh doanh trên thị trường toàn cầu dễ đánh giá hơn. Nhưng để lòng tin và sau đó là khả năng thanh khoản quay trở lại các thị trường quan trọng này, không thể chỉ cần một vài điều chỉnh nhanh chóng. Và nền kinh tế cũng không thể phát triển nếu lòng tin vào các phương tiện phân bổ vốn mới này không được phục hồi.
Các bộ tài chính trên toàn thế giới đang đe dọa sẽ hạn chế sử dụng các sản phẩm phức tạp này, kể cả những sản phẩm liên quan tới chứng khoán hóa, cho tới thời điểm thị trường tín dụng toàn cầu có khả năng đổ vỡ hơn nữa. Trong khi đó SEC và Cục Điều tra Liên bang (FBI) đã thực hiện điều tra liệu có gian dối gì trong việc hình thành và phát hành các chứng khoán được thế chấp đảm bảo không. Tổng Chưởng lý New York cũng đã thực hiện điều tra riêng của mình xem liệu các tổ chức phát hành trái phiếu được đảm bảo bằng thế chấp có thực hiện bất kỳ gian lận chứng khoán nào không.
Tin tốt lành là càng điều tra kỹ hơn về ngành tài chính sẽ càng khiến thị trường tài chính nói chung minh bạch hơn. Còn tin xấu là điều tra sai phạm trên thị trường tài chính sẽ giống như đổ thêm dầu vào lửa. Nền kinh tế toàn cầu có thể thảm hại hơn nếu các nhà lãnh đạo trên thị trường tài chính tìm mọi biện pháp để lẩn tránh các án dân sự và khởi tố tội phạm vào thời điểm họ nên tập trung toàn bộ trí lực vào việc tái đánh giá các danh mục tài sản và giúp các điều kiện thị trường trở về trạng thái lành mạnh hơn. Các nhà hoạch định chính sách rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan đặc biệt khó khăn. Lĩnh vực dịch vụ tài chính Hoa Kỳ vượt trội hơn thế giới bởi phong cách kinh doanh liều lĩnh, luôn khiến rủi ro tăng thêm và phản ứng trước những diễn biến của thị trường với hàng loạt những quyết định nhanh đến không ngờ. Đây là hệ thống mà trong những thập kỷ gần đây đã đóng góp cho quá trình phục hưng doanh nghiệp của Hoa Kỳ, một thời kỳ kinh tế sôi động và phát triển, ngày nay chỉ còn là hình ảnh mờ nhạt do sự yếu kém kinh tế và khủng hoảng lòng tin. Tuy nhiên, bản chất của hệ thống tài chính tương tự này đã đe dọa tới sự ổn định kinh tế của hàng triệu người sở hữu nhà có thu nhập thấp và trung bình. Nguy hiểm sẽ xuất hiện nếu các chính trị gia ủng hộ cuộc chiến giai cấp ngày nay phản ứng kịch liệt với chính hệ thống tài chính mà không đề cập tới các hệ quả tiêu cực liên quan tới khả năng tạo công ăn việc làm và cơ hội kinh tế nếu lĩnh vực tài chính thiếu vốn đầu tư của Hoa Kỳ âm thầm tàn lụi.
Thực tế là những màn trình diễn đáng sợ về sụt giảm tín dụng toàn cầu có thể sẽ vẫn tiếp tục trong nhiều năm nữa dưới hình thức này hay hình thức khác. IMF ước tính thế giới phải đối mặt với vấn đề tín dụng lên tới hơn nghìn tỉ đô la. Và con số đó được tính dựa trên các vấn đề mà hiện nay chúng ta đã biết. Rõ ràng là trong những năm tới khi lượng đầu cơ vay nợ giảm, vốn ngân hàng dự trữ nhiều hơn và có những giới hạn mới khác sau khủng hoảng cho vay dưới chuẩn, lợi nhuận của toàn ngành dịch vụ tài chính sẽ trượt dốc. Một điều quan trọng chưa biết là liệu tình hình này có khiến tín dụng toàn cầu bị thu hẹp không. Từ trước tới nay, giới hạn tín dụng thường xuyên biến một đợt suy thoái kinh tế thành vấn đề khủng khiếp nhiều hơn thế. Điểm then chốt của vấn đề là: sau cuộc khủng hoảng dưới chuẩn, các ngân hàng thắt chặt tín dụng và giảm mạnh cho vay, không chỉ với khách hàng mà còn giữa các ngân hàng với nhau (dẫn tới việc tăng cao của lãi suất cho vay liên ngân hàng - LIBOR). Trong quá trình đó, lãi suất thị trường tách khỏi lãi suất ngắn hạn của các ngân hàng trung ương. Hay nói cách khác, Cục Dự trữ Liên bang và các ngân hàng trung ương khác cắt giảm lãi suất ngắn hạn nhưng lãi suất LIBOR tăng, khiến tín dụng đầu tư vào nền kinh tế bị thu hẹp.
Tất cả những dẫn chứng đều nhằm khẳng định các mô hình kinh doanh cũ cần được cải thiện. Trong những năm tới, các tổ chức tài chính của các nước công nghiệp không có lựa chọn nào khác ngoài việc cắt giảm kinh doanh và giảm đầu cơ vay nợ. Các hoạt động ngân hàng sẽ thay đổi. Các tổ chức có tiền gửi tiết kiệm và dự trữ thương mại, có những khách hàng trung thành sẽ thu nhiều lợi nhuận. Những nhà quản lý tiền sẽ tìm kiếm lợi nhuận vốn đầu tư ở mức thấp hơn nhưng đáng tin cậy hơn. Tuy nhiên, có một điều quan trọng còn chưa rõ là việc liệu có những hệ quả tiêu cực tiềm tàng đến kinh tế vĩ mô của việc thay đổi mô thức thế giới tài chính này hay không.
Theo Wall Street Journal, lợi nhuận từ năm 1996 tới năm 2006 của các công ty tài chính tăng trung bình 13,8% một năm, so với 8,5% mức lợi nhuận các công ty phi tài chính, vì lĩnh vực dịch vụ tài chính ở Hoa Kỳ có thể hưởng những lợi ích từ sự tăng trưởng toàn cầu mạnh mẽ. Vào năm 2003, dịch vụ tài chính đạt tới đỉnh điểm, chiếm gần 30% lợi nhuận thị trường chứng khoán Hoa Kỳ, vào khoảng 40% lợi nhuận doanh nghiệp Hoa Kỳ. Thực tế, con số này một phần chứng tỏ việc sử dụng quá mức nguồn vốn đầu cơ vay nợ, nhưng thậm chí sau những sụt giảm giá trị tài chính tầm cỡ vào năm 2007, các dịch vụ tài chính vẫn chiếm 20% lợi nhuận thị trường. Đó là một phần lớn của nền kinh tế Hoa Kỳ.
Chính vì thế liệu các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ có sẵn sàng trước những ảnh hưởng tiêu cực đáng kể đối với nền kinh tế vĩ mô khi lĩnh vực dịch vụ tài chính bị sụp đổ không? Trong cuốn sách tựa đề Quá trình toàn cầu hóa mạnh mẽ tiếp theo (The Next Great Globalization), nhà kinh tế học Frederick Mishkin có viết rằng hệ thống tài chính của một nước là chìa khóa tạo nên sự thịnh vượng cho nước đó. Ngành tài chính càng phát triển và được vốn hóa càng toàn diện thì sự thịnh vượng chung càng mạnh mẽ hơn. Một lý do cơ bản khiến thế giới cong là về lâu dài chỉ có một khả năng rất mong manh rằng hệ thống tài chính có thể được điều chỉnh hiệu quả mà không làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn vốn đầu tư vào các sáng kiến làm ăn. Như Daniel Yergin, tác giả đoạt giải thưởng Pulitzer gần đây nói rằng: “Kỷ nguyên toàn cầu hóa dễ dàng đã chấm dứt. Sức mạnh của các quốc gia đang tự tái khẳng định”.
Tôi e rằng về lâu dài, hậu quả của cuộc khủng hoảng dưới chuẩn sẽ là một hệ thống tài chính toàn cầu bị chia đôi. Một mặt, sẽ có những nền kinh tế tăng trưởng khá chậm ở Hoa Kỳ, châu Âu và Nhật Bản, với các hệ thống tài chính được điều chỉnh mạnh mẽ và chính vì thế các phương tiện cấp vốn cho rủi ro và tăng trưởng doanh nghiệp sẽ hạn chế hơn. Mặt khác, sẽ có các nền kinh tế tăng trưởng nhanh, tiền tiết kiệm dư thừa, bao gồm Trung Quốc và Ấn Độ. Những nền kinh tế này sẽ sử dụng các quỹ đầu tư phòng vệ toàn cầu “ở nước ngoài”, các công ty vốn cổ phần tư nhân, và các công cụ đầu tư khác mà về mặt chính trị ngày càng bị coi thường ở các nước phương Tây để giúp thúc đẩy việc mở rộng hơn bao giờ hết và kiểm soát toàn bộ các khu vực còn lại của nền kinh tế thế giới. Kết quả là, quyền lực hiện tại trong lĩnh vực sản xuất đang chuyển từ các nước công nghiệp phương Tây sang các nước thuộc khu vực vành đai Thái Bình Dương. Sự chuyển đổi này có thể sẽ sớm xuất hiện thêm sự chuyển đổi vai trò, trong đó các nền kinh tế châu Á sẽ thống trị về tài chính vượt trội so với các nền kinh tế phương Tây, sớm hơn nhiều so với những gì chúng ta nghĩ.
Sự thống trị ngày càng lớn này có thể lớn hơn nữa do việc giải quyết vấn đề thay đổi khí hậu ở các nền kinh tế Thái Bình Dương sẽ ít ngặt nghèo hơn so với các nền kinh tế phương Tây. Tuy nhiên, một bối cảnh hợp lý tương tự là trong năm năm tới có thể sẽ xuất hiện một sự suy thoái kinh tế toàn cầu do những giới hạn tín dụng và giảm đầu cơ vay nợ tài chính. Trong bối cảnh này, mọi người đều sẽ bị ảnh hưởng.
Đó là lý do tại sao tình hình thị trường tín dụng vô cùng quan trọng không thể giao phó được cho các nhà quản lý điều tiết, những người có thể sẽ không đánh giá thích đáng những ảnh hưởng tiêu cực của thị trường và nền kinh tế vĩ mô mà sự can thiệp không nhạy bén của chính phủ gây ra. Rõ ràng trong một vài năm tới người ta cần một đội ngũ những “bác sĩ phẫu thuật thần kinh” giải phẫu các chính sách tài chính, từ khu vực công đến tư nhân, và sự hỗ trợ chính trị từ các nhà lãnh đạo quyền lực và kinh nghiệm trong Quốc hội. Vâng, đúng là chúng ta có một số nhà lãnh đạo quốc hội có kinh nghiệm ở cả hai phía[93]. Tuy nhiên, trong môi trường phân cực chính trị ngày nay liệu họ có cảm thấy thoải mái khi cùng hợp tác để đạt đến các giải pháp có trách nhiệm hay không lại là một vấn đề khác.
Để giải quyết các vấn đề này, Quốc hội cho dù với bất kỳ giá nào cần phải tránh một “kịch bản Sarbanes-Oxley II” - một biện pháp giải quyết với những ý định tốt nhưng phản tác dụng và nguy cơ gây ra những hậu quả khủng khiếp khôn lường. Nếu Sarbanes-Oxley II nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng dưới chuẩn thì nó sẽ giống như điều luật đổi mới thị trường tài chính Sarbanes-Oxley I ban đầu, hậu quả là lĩnh vực ngân hàng Hoa Kỳ sẽ bị cô lập hoàn toàn khỏi xu hướng phát triển chung của thế giới. Các công ty của Mỹ trong tương lai sẽ buộc phải phụ thuộc rất nhiều vào các ngân hàng châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc để cấp vốn tài chính. Khi đó, ngành tài chính Hoa Kỳ sẽ đi theo vết xe của ngành sản xuất xe hơi trước đây.
Sau cuộc khủng hoảng dưới chuẩn, khi mọi người hỏi tôi về tương lai toàn cầu hóa tài chính (vâng, tôi là một người ở Washington nên thường xuyên được hỏi những câu như vậy trong các bữa tiệc), câu trả lời của tôi luôn khiến mọi người ngạc nhiên. Tôi luôn nói rằng: “Hỏi Schumer xem”. Schumer mà tôi muốn nói đến chính là thượng nghị sĩ của đảng Dân chủ ở New York, Charles Schumer. Ông là một thượng nghị sĩ, ông không phải là nhà lãnh đạo cấp cao nhất trên Đồi Capitol. Thậm chí ông không phải là chủ tịch của một ủy ban nào. Nhưng Schumer là một nhà lãnh đạo Quốc hội đi đầu trong việc giám sát hiệu quả các phương pháp điều trị điều tiết để không ảnh hưởng tới tính mạng của bệnh nhân.
Ông là một trong số những đảng viên Dân chủ ủng hộ các chính sách kinh tế thị trường tự do (quỹ đầu cơ phòng vệ) của Washington. Họ là những người theo chính sách tự do khá trẻ, thông minh và giành được quyền lực một phần nhờ sự phát triển vượt bậc của toàn cầu hóa tài chính. Ngày nay, họ kiếm được nhiều từ những đóng góp cho cuộc vận động quỹ đầu cơ phòng vệ và vốn cổ phần tư nhân như các đảng viên Cộng hòa, thậm chí còn có phần nhiều hơn. Họ đã trải qua những năm 1970 khủng khiếp, nhưng trưởng thành trong một phần tư thế kỷ thịnh vượng nhất trong lịch sử. Họ cũng hiểu ra từ lịch sử rằng giai đoạn cuối cùng của các thị trường toàn cầu hóa sẽ chấm dứt với một sự đảo chiều lớn.
Tôi cho rằng Schumer là nhà lãnh đạo quan trọng trong hệ thống chính trị của Mỹ. Hơn rất nhiều những người khác, ông hiểu những gì đang tồn tại nguy hiểm trong hệ thống tài chính. Ông đủ thông minh và đủ lý lẽ thuyết phục để đối phó với những kẻ can thiệp đáng khinh, để ngăn cản những kẻ đó biến các khó khăn tài chính hiện thời thành cơn ác mộng trầm trọng hơn sự tưởng tượng của bất kỳ ai. Hoặc ông cũng có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới quá trình toàn cầu hóa tài chính khi thế giới tiếp tục xem xét việc đổi mới hệ thống.
Tôi nghĩ một lý do khiến thượng nghĩ sĩ đóng vai trò quan trọng bởi ông đã là một phần trong sự khởi đầu toàn cầu hóa theo khía cạnh nào đó. Lần đầu tiên tôi gặp Schumer vào năm 1988 khi quyền lực tài chính Nhật Bản đang ở đỉnh điểm. Ông bạn Utsumi ở Bộ Tài chính của tôi, nhà lãnh đạo bí mật của Tokyo mà tôi đã đề cập tới trong chương 5 đã có một ý tưởng. Các quan chức có xu hướng quốc tế trong bộ Tài chính đang mạnh mẽ theo đuổi mô hình tự do hóa thị trường tài chính của các nước công nghiệp khác. Vấn đề của họ là các quan chức thiên về nội địa không chấp nhận, và các tổ chức tài chính cũng thế. Ngài Utsumi nói bộ Tài chính sẽ không phản đối một vài nghị sĩ có tầm ảnh hưởng của Hoa Kỳ tới Nhật Bản để làm người phân cực. Mục đích ý tưởng là để phá vỡ bế tắc chính sách qua việc thảo luận về tự do hóa tài chính. Nhưng bộ Tài chính nên chính thức mời ai?
Richard Medley, khi đó là một trợ lý kinh doanh và tôi đã đề cử hai nhân vật: thượng nghị sĩ Cộng hòa Jake Garn bang Utah, và Schumer Đảng Dân chủ. Hai người này hoàn toàn khác biệt nhau. Garn là một thành viên giáo phái Mormon trầm lặng, trung tuổi, bảo thủ. Schumer là một người Do Thái trẻ tuổi, nóng nảy, tự do. Chúng tôi đã mắc phải một sai lầm: hai nhân vật này cuối cùng có thái độ xem thường lẫn nhau. Đó là lý do tại sao Utsumi hỏi chúng tôi có thể cùng hai nhà lập pháp này tới Nhật Bản không và đây cũng là điều ông mong muốn. Chúng tôi đồng ý, đưa theo các bà vợ để cùng đi với phu nhân của hai nhà lập pháp.
Ngay từ thời điểm chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình, một điều chắc chắn rằng: Schumer sẽ là một người bạn đồng hành hài hước. Hiện giờ với vai trò là thượng nghị sĩ, ông được cho là người đã lãnh đạo các thành viên đảng Dân chủ trong quá trình tiếp quản Thượng nghị viện Mỹ năm 2006. Còn vào khi đó (1988) Schumer chỉ là một nghị sĩ trẻ có vóc dáng cao, gầy, mái tóc đen vuốt ngược sau trán với vẻ thông minh sắc sảo. Là một thành viên Hạ viện, ông muốn tạo sự khác biệt. Điều đó đồng nghĩa với việc phục vụ nhiều lợi ích phố Wall để giúp hỗ trợ tài chính trong nghề nghiệp chính trị của ông.
Tôi không ngạc nhiên khi sự nghiệp của Schumer phát triển nhanh chóng. Khi cuộc họp đầu tiên với các ngân hàng và các công ty chứng khoán Nhật Bản kết thúc, điều rõ ràng là về phía Hoa Kỳ, Schumer sẽ chịu trách nhiệm chính. Điều khiến tôi ngạc nhiên là ông cảm nhận rất tinh tường những gì đang diễn ra trên thị trường tài chính. Schumer liên tục tổ chức những cuộc họp thảo luận về vấn đề toàn cầu hóa tài chính một thời gian dài trước khi từ toàn cầu hóa xuất hiện. Ông không mấy quan tâm tới chủ trương bảo hộ ngành công nghiệp kinh doanh trong nước lỗi thời, không mấy phát triển, một chủ trương mà đảng Dân chủ đánh giá rất cao.
Tới hôm nay tôi vẫn nhớ những lời tuyên bố của Schumer, bởi vì khi đó quan điểm của ông nghe có vẻ giống như ngài Jack Kemp, người ủng hộ thị trường tự do bảo thủ: “Nếu mở cửa hệ thống tài chính Nhật Bản thì cả Nhật Bản và các tổ chức tài chính Mỹ sẽ thu được nhiều lợi ích hơn bởi vì miếng bánh tài chính toàn cầu sẽ lớn hơn rất nhiều”. Schumer tiếp tục mô tả một cách rất chính xác rằng một thế giới hội nhập tài chính năng động mới đang tới. Thế giới mới này sẽ đưa nền kinh tế toàn cầu lên những nấc thang thịnh vượng mới.
Có một giây phút gây sửng sốt trong chuyến đi đó. Một buổi tối, Schumer gặp toàn bộ các chuyên gia tài chính lỗi lạc của Nhật Bản trong một buổi tiệc cocktail được tổ chức nhằm chào mừng chúng tôi. Các thành viên tham dự bao gồm những người đứng đầu các tổ chức tài chính và tất cả các quan chức cấp cao của chính phủ vào thời điểm Nhật Bản đang trên đỉnh điểm của quyền lực tài chính. Schumer tuyên bố rằng ông rất vui đến thăm Nhật Bản, hy vọng rằng hệ thống sẽ mở rộng cửa hơn nữa cho các tổ chức tài chính nước ngoài (kể cả việc giành nhiều vị trí hơn cho các tổ chức nước ngoài trên sàn giao dịch chứng khoán Nhật Bản), và sau đó ông mời mọi người cùng chạm ly. Giơ cao chiếc cốc trước các cử tọa quyền lực của Nhật Bản, ông đã tự hào gọi Hoa Kỳ “là người anh cả” và cho Nhật Bản là “chú em nhỏ”.
Sự so sánh này ngay lập tức khiến các quan chức Nhật Bản cảm thấy bị xem thường. Họ đã nhanh chóng phản ứng lại một cách rất tế nhị: họ yêu cầu những bà vợ chúng tôi, khi đó đang đứng giữa tâm điểm buổi chào đón nghe các bài phát biểu, đi ra bên cạnh, về phía cuối căn phòng. Cuối cùng các bà vợ phải đứng gần lối đi vào phòng vệ sinh, một khu vực được cho là “thích hợp hơn”.
Một phút sau đó, Setsuya Tabuchi, được mọi người biết đến với cái tên “Tabuchi Già” vị chủ tịch quyền uy của công ty chứng khoán Nomura, khi đó là tổ chức chứng khoán lớn nhất trên thế giới và là khách hàng của tôi, vỗ nhẹ lên vai tôi. Ông nở một cười một cách bí ẩn trên khuôn mặt nhăn nheo, rám nắng. Là một người đàn ông gần 70, trông rất phong độ so với tuổi của ông, con người đã trải qua và sống sót sau hàng nghìn cuộc chiến, Tabuchi luôn mặc một bộ com-lê cài chéo. Ông cầm điếu thuốc đang hút dở như cầm một quả ngư lôi trên đầu ba ngón tay, giống như John P. Sears thời Reagan.
Không cần phiên dịch, Tabuchi nói một cách chậm rãi bằng tiếng Anh: “Cụm từ “chú em nhỏ” mà ngài Nghị sĩ nói là ý tưởng của ông, đúng không? Nếu ông xúc phạm các quan chức ở đây, ông sẽ khiến mọi thứ mềm ra. Khôn khéo đấy! Mọi người đều nổi giận nhưng họ vẫn bắt đầu đàm phán”. Thực ra mà nói thì tôi không hiểu Nomura đang nói gì, và chắc chắn Schumer cũng vậy. Những gì xảy ra tôi chỉ có thể hiểu đơn giản là một hành vi thiếu tế nhị do khác biệt về văn hóa - nhưng điều này đã có hiệu quả.
Khá nhanh chóng, một giới hạn nào đó, hệ thống Nhật Bản bắt đầu mở cửa cho các công ty đầu tư nước ngoài. Có nhiều chỗ hơn trên sàn giao dịch chứng khoán. Cả “ông anh” và “chú em nhỏ” đều phát triển vượt bậc. (Quá trình không hoàn toàn thuận lợi vì Ngân hàng trung ương Nhật Bản giảm mức lãi suất. Điều này sẽ giảm nguy cơ đồng yên tăng giá mạnh bởi tự do hóa sẽ khiến nguồn vốn vào tăng lên, nhưng đồng thời nhanh chóng gây nên một bong bóng giá tài sản nguy hiểm sau đó. Áp lực lớn từ quốc tế, trong đó có Bộ Tài chính Hoa Kỳ buộc Nhật Bản tiếp tục chính sách này đã không hiệu quả”.
Charles Schumer đã đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các thị trường tài chính toàn cầu tự do hóa trong chuyến đi tới Nhật Bản lần đó. Tương lai toàn cầu hóa giờ đây phụ thuộc vào thiện ý của ông và các chính trị gia, các quan chức có tư tưởng toàn cầu khác trong việc hỗ trợ về mặt chính trị cho các biện pháp kiểm soát trách nhiệm nhằm phục hồi lòng tin trong hệ thống.
Tuy nhiên, đối với các thành viên đảng Dân chủ ủng hộ quỹ đầu cơ phòng vệ thuộc giới tinh hoa ở Washington, tiến lên và bảo vệ hệ thống tài chính không phải là việc dễ dàng. Một lý do là bởi vì quan điểm tách biệt ngày càng tăng ở Hoa Kỳ, mọi người ngày càng bất mãn với những sản phẩm nước ngoài. Nhưng một lý do khác là bởi vì mặc dù đã có nhiều nỗ lực đổi mới nhưng cơ cấu tài chính đang tiến triển có thể sẽ vẫn không đủ khả năng giải quyết các sản phẩm phức tạp của thị trường tài chính toàn cầu hóa thế kỷ XXI. Kết quả là đã xảy ra một số lần khiến những bất ổn tài chính trên thị trường toàn cầu ở trong trạng thái rơi tự do, đáng sợ đến mức ai cũng muốn chạy trốn và núp dưới chân giường. Toàn cầu hóa tài chính có thể là một công cụ rất hiệu quả trong việc phân bổ vốn doanh nghiệp và tạo của cải, nhưng đó là hệ thống chứa đầy những bất ổn vô cùng, đến mức tới nay chưa ai có được những kiến thức chính thống hay thậm chí không chính thống về quy tắc của nó. Trong thời kỳ nền kinh tế suy thoái, điều khó khăn là một chính trị gia không muốn phải lừa mị những kẻ hung ác.
Hơn nữa, những nhà giám sát quốc hội có thể rụt rè vì một lý do khác: rất khó biết chính xác cần làm gì với các ngân hàng. Mặc dù các quan chức ngân hàng tham lam đã rất vô trách nhiệm và khiến nền kinh tế toàn cầu rơi vào tình thế nguy hiểm trầm trọng, nhưng thế giới cần các ngân hàng. Nếu các ngân hàng thất bại, hệ thống tài chính và kinh tế thế giới cũng không tránh khỏi tai họa đó. Nếu phá hủy phương tiện cung cấp khả năng thanh khoản cho lĩnh vực chấp nhận rủi ro có tính sáng tạo của chúng ta thì toàn bộ nền kinh tế sẽ phải chịu hậu quả.
Đọc bất kỳ tài liệu nào về lịch sử các cuộc suy thoái kinh tế ta sẽ thấy sự thất bại của các ngân hàng là vấn đề trọng tâm trong cuộc thảo luận. Đó là lý do tại sao trong tình hình bất ổn tài chính toàn cầu, các nhà quản lý ngân hàng trung ương luôn có mối quan tâm trước mắt là: khả năng đồng loạt rút tiền mặt khỏi hệ thống ngân hàng (hoặc tiền mặt bị chuyển khỏi các công cụ đầu tư thông thường của một nền kinh tế thành công sang các chứng khoán chính phủ ngắn hạn). Khi sự rút tiền hàng loạt do lo sợ diễn ra thì sự tồn tại của hệ thống ngân hàng có thể bị đe dọa do các ngân hàng không đủ khả năng trả nợ. Vì thế việc giải quyết một thách thức khó khăn và quan trọng như vậy có thể vượt quá tầm của ngay cả những nghị sĩ giỏi nhất trong Quốc hội.
Trong nền kinh tế toàn cầu mới, kiểm soát những bất ổn của ngân hàng trở nên khó khăn vô cùng vì tốc độ đồng nghĩa với tai họa. Ngày nay tiền có thể di chuyển chỉ trong chớp mắt. Cách đây 20 năm, để chuyển tiền người ta phải nhấc điện thoại và gọi người môi giới hay một nhân viên ngân hàng; còn ngày nay, mọi việc được thực hiện chỉ với một cú click chuột trên máy tính. Chính vì thế, nếu mọi người lo sợ và ngay lập tức đồng loạt quyết định nhấn nút rút tiền gửi khỏi các ngân hàng, khoản nợ các ngân hàng có thể chịu đựng sẽ trở nên quá lớn và quá nhanh, đến mức không thể kiểm soát được.
Vào tháng Ba năm 2008, khi ngân hàng đầu tư Bear Stearns trên bờ vực sụp đổ và Cục Dự trữ Liên bang đưa tổ chức này vào trong lưới an toàn ngân hàng, thế giới tài chính rơi vào vùng nước xoáy không ngờ. Các nhà quản lý ngân hàng trung ương phải rất thận trọng, bởi lưới an toàn chính phủ rộng lớn và phóng khoáng cũng có thể là một vật chướng ngại cho tiến trình hoạt động của hệ thống tài chính. Một sự đảm bảo của chính phủ cho tất cả các khoản đầu tư vào các tổ chức tài chính nghe có vẻ an toàn, nhưng thực tế không như thế. Đó là bởi vì, như chúng ta thấy trong cuộc khủng hoảng cho vay dưới chuẩn, các tổ chức trở nên bất cẩn và liều lĩnh một khi họ đã chuyển rủi ro sang cho người khác. Điều này làm tiềm ẩn khả năng gia tăng không ngừng hàng loạt các bong bóng tài chính, khiến nền kinh tế bị tàn phá nghiêm trọng. Hoặc các yêu cầu điều tiết khắt khe có thể dẫn tới kết quả ngược lại: mức cho vay sụt giảm trầm trọng. Nếu sự đảm bảo của chính phủ là một phương thuốc bách bệnh, thì một tổ chức như Fannie Mae, vốn được hưởng sự đảm bảo ngầm của chính phủ trong nhiều năm sẽ vẫn phát triển mạnh trong cuộc khủng hoảng tín dụng 2007-2008. Trái lại, tổ chức đó và các tổ chức tương tự trở thành tâm điểm của vấn đề.
Trong nền kinh tế toàn cầu mới này, các nhà hoạch định chính sách nhất thiết phải cùng tham gia xem xét về lâu dài bản chất của lưới an toàn tài chính toàn cầu và những rủi ro nói chung. Với vai trò là nguyên chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang New York, Gerald Corrigan đã từng nói rằng: “Bạn không thể bảo vệ cho cả vũ trụ”. Bạn không thể loại bỏ tất cả các vấn đề rủi ro. William Seidman, một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực điều tiết thị trường tài chính Hoa Kỳ thì lại có suy nghĩ khác: “Lưới an toàn nên chịu sự kiểm soát của những thiên tài với những ý nghĩ tốt đẹp, những người phủ nhận hoàn toàn ý tưởng chính phủ can thiệp vào thị trường tài chính”.
Chúng ta đang sống trong thời kỳ mà các nhà hoạch định chính sách cần nắm bắt cơ hội nếu chúng ta muốn cứu nền kinh tế toàn cầu. Trong những năm tới, thế giới chính sách - bao gồm các nhà quản lý ngân hàng trung ương, bộ Tài chính và các quan chức tài chính, các nhà điều tiết quan trọng của chính phủ, các cố vấn cấp cao, những người nghiên cứu hướng dẫn dư luận, và những thành viên lãnh đạo chính trị có trách nhiệm cần đổi mới cơ cấu tài chính thế giới, theo hướng “Goldilock” không quá rụt rè mà cũng không quá quyết liệt. Rủi ro không thể cao hơn nữa. Rốt cuộc, nếu các nhà điều tiết của các nước công nghiệp lớn, bao gồm các ngân hàng trung ương thấy khó khăn trong việc xác định những gì đang diễn ra trong cuộc khủng hoảng cho vay dưới chuẩn thì làm sao chúng ta lại đảm bảo rằng các tổ chức tương tự có thể giải quyết các hệ quả tài chính của một cuộc tấn công khủng bố? Thế còn một cuộc tấn công nhằm vào chính hệ thống tài chính thì sẽ thế nào? Rõ ràng thế giới chính sách cần tham gia vào việc hoạch định rủi ro quốc tế hiệu quả hơn - và cần phải nhanh chóng.
Thế giới chính sách cũng cần một học thuyết tài chính “suy nghĩ lớn”, hoặc ít nhất là các kiến thức không chính thống để lường trước các cuộc khủng hoảng tài chính nói chung. Học thuyết này, chính thống hay không chính thống, cần tính đến sự hợp tác với khu vực tư nhân với mục tiêu minh bạch hơn. Các nhà hoạch định chính sách cần đi đến một chính sách đổi mới toàn cầu chính xác đến từng chi tiết nhỏ để tránh đe dọa hệ thống tài chính nói chung, vốn là nguồn lực tạo ra của cải cho thế giới. Đây là một nhiệm vụ yêu cầu trí tưởng tượng phong phú, tương tự như những nhà kinh tế vĩ đại xuất hiện trong năm 1944 vào cuối cuộc thế chiến II. Các nhân vật này đã đưa ra một cơ cấu tài chính - kinh tế sau đó đã tạo nên 60 năm hòa bình và thịnh vượng. Ngày nay, các nhà hoạch định chính sách cần thực hiện cách suy nghĩ mạnh dạn tương tự, để truyền đạt cho cộng đồng biết rằng một chính sách tài chính để phục hồi trật tự đang được tiến hành.
Làm việc với các thị trường tư nhân, các nhà lãnh đạo chính sách phải đưa ra một số biện pháp thông tin nhanh chóng và chính xác hơn cho các tổ chức tài chính về những rủi ro thị trường mà họ gặp phải dưới hình thức các công cụ tài chính đầu tư vốn vay nợ cao và rất phức tạp. Khi các sản phẩm tài chính bị “đóng gói” lại trong quá trình chứng khoán hóa, cần phải tìm cách để vượt qua các giới hạn thuế và pháp lý bằng cách phân rã tạm thời các tài sản đã được chứng khoán hóa để loại bỏ bất kỳ chất thải tài chính độc hại nào được phát hiện. Cũng cần có môt nền tảng mới để tạo điều kiện tiêu chuẩn hóa tốt hơn việc đánh giá các sản phẩm tài chính được chứng khoán hóa.
Bên cạnh đó, các nhà hoạch định chính sách cần tìm cách cải thiện hoạt động của các tổ chức đánh giá và xếp hạng tín dụng quốc tế. Một đề xuất là kết hợp thu nhập tài chính của các tổ chức này với kết quả công việc của họ. Theo hệ thống hiện thời, ngoại trừ việc bị mất uy tín và bản sắc, các tổ chức xếp hạng tín dụng không phải trả bất kỳ một cái giá nào cho những hành động sai lầm. Hơn nữa, họ cũng không được thăng tiến khi thành công và chính xác trong việc đánh giá. Một số thành viên Quốc hội đề xuất chính phủ tiếp quản các tổ chức này. Ngay cả những người hiểu biết rất ít ỏi về các thị trường toàn cầu cũng có thể thấy rằng điều này hoàn toàn bất hợp lý vì các quan chức chính phủ còn tệ hơn các chuyên gia của các tổ chức xếp hạng và đánh giá tư nhân, hoàn toàn không thể theo kịp sự phức tạp và tinh vi của những nhân vật tinh quái trên thị trường tài chính ngày nay.
Cộng đồng chính sách cũng phải giải quyết vấn đề của các ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước trong nền kinh tế toàn cầu - cho dù ở Đức, Trung Quốc, Pháp hay Ý - vẫn là một bộ phận dễ bị tổn thương trong hệ thống toàn cầu. Ví dụ như cuộc khủng hoảng dưới chuẩn 2007-2008 tại Đức, các ngân hàng và thành phố cấp trung đã cho thấy “hoạt động ngân hàng chính trị” ở mức tồi tệ nhất. Hệ thống cố che giấu những khó khăn dưới chuẩn của mình cho tới khi mọi việc đã quá muộn. Khi các tổ chức này sụp đổ, họ bị tiếp quản bởi các ngân hàng độc lập lớn hơn. Hệ thống tài chính quốc tế cần đưa hệ thống ngân hàng này lên tới mức độ mà chuyên gia ngân hàng toàn cầu Charles Dallara gọi là “có chân đế dựa vào thị trường vững chắc hơn”. Chắc chắn rằng các ngân hàng dựa vào thị trường có những vấn đề của chính họ. Họ đã làm một số điều khá ngốc nghếch. Nhưng họ không tồn tại dưới sự quản lý trực tiếp của các chính trị gia trong chính phủ như các ngân hàng. Năm 1990, Nhật Bản không phục hồi được nền kinh tế chính là vì các ngân hàng, dưới sự ảnh hưởng của các nhà hoạch định chính sách trong chính phủ và các chuyên gia chính trị thuộc tầng lớp tinh hoa, đã chậm chạp trong việc loại bỏ một khối lượng lớn các khoản nợ xấu trong bảng cân đối tài khoản của họ. So với các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc hiện nay thì các ngân hàng Nhật Bản chỉ là những diễn viên không chuyên trong việc che giấu các khoản cho vay xấu mà thôi.
Nói một cách tổng quan hơn, các nhà lãnh đạo chính sách ngày nay cần hiểu rằng thậm chí nếu tất cả các đổi mới tài chính cần thiết được thực hiện, nếu tính minh bạch tài chính tốt hơn và nếu lòng tin vào cơ cấu tài chính trở lại thì nền kinh tế thế giới vẫn có thể bị nguy hiểm. Tất nhiên cũng sẽ có những nguy cơ khủng bố, thời tiết, biến đổi khí hậu và sự gia tăng những hoảng loạn về tài chính mặc dù đã có nhiều nỗ lực đổi mới tài chính. Nhưng đe dọa nghiêm trọng nhất đối với trật tự kinh tế thế giới là toàn cầu hóa không sống sót nổi, và thế giới quay trở lại thời kỳ bất ổn kinh tế dài hạn tương tự như những năm 1970, hay còn tồi tệ hơn thế.
Một số nhà lý luận cho rằng toàn cầu hóa, đặc biệt là toàn cầu hóa tài chính và một vài thập kỷ gần đây nhất với mức của cải khổng lồ được tạo ra dường như đã được hưởng lợi từ hai sự kiện mà có thể sẽ không bao giờ tái diễn: đầu tiên là 60 năm không hề có các mâu thuẫn chính trị trên toàn thế giới, và thứ hai là sự sụp đổ hoàn toàn của mô hình kinh tế theo cơ chế chỉ huy, mệnh lệnh. Sự sụp đổ này đã tạo ra sự bùng nổ độc nhất vô nhị của năng lượng sáng tạo bị dồn nén. Chính vì thế thành công của toàn cầu hóa trong nhiều thập kỷ qua có thể sẽ không tái diễn.
Điều ngạc nhiên là một số nhà lãnh đạo dư luận chính thống đang bắt đầu nghi ngờ về cơ sở của toàn cầu hóa. Ví dụ như Rawi Abdelal và Adam Segal viết trong tạp chí Foreign Affairs rằng “các chính trị gia và các cử tri của họ tại Mỹ, châu Âu và Trung Quốc đang ngày càng lo lắng về việc để vốn, hàng hóa và nhân lực di chuyển tự do qua biên giới. Và năng lượng - sản phẩm được toàn cầu hóa mạnh mẽ nhất - một lần nữa là đối tượng của chủ nghĩa bảo vệ tài nguyên quốc gia quyết liệt”. Một lần nữa tôi xin nhắc lại rằng những bất đồng về các vấn đề biến đổi khí hậu trong tương lai giữa châu Á và phương Tây có thể đe dọa hủy hoại nghiêm trọng hệ thống giao dịch toàn cầu.
Trong những năm gần đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) có phần ít quan tâm hơn tới việc khuyến khích các nền kinh tế đang phát triển tự do hóa hệ thống tài chính, cho phép các nguồn vốn đầu tư nước ngoài di chuyển tự do qua biên giới. Lý do là vì hệ thống tài chính ở rất nhiều nước đang phát triển ít hoặc không minh bạch và dường như không có sự điều chỉnh thích hợp. Chính vì thế, vốn đầu tư nước ngoài dễ bị tổn hại. Khi nhận thấy những dấu hiệu bất ổn đầu tiên, nguồn vốn tháo chạy, bỏ lại các tổ chức như IMF với những công việc chẳng được ai cảm ơn, đó là cố gắng ngăn cản cuộc khủng hoảng sau đó không lan tràn sang hệ thống tài chính toàn cầu rộng lớn hơn.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) có trụ sở tại Paris với sự tham gia của các nhà kinh tế chính phủ trên toàn thế giới cũng đã rút lại sự hỗ trợ đối với mô hình toàn cầu hóa trước đó. Hai tổ chức xếp hạng quốc tế hàng đầu, Moody’s và Standard and Poor’s, thực tế đã cảnh báo các nền kinh tế đang phát triển về nguy cơ tự do hóa thị trường vốn quá nhanh.
Nếu tất cả các tổ chức quốc tế này không hỗ trợ toàn cầu hóa tài chính nữa thì ai sẽ hỗ trợ? Tôi tin câu trả lời duy nhất sẽ là một nhóm các nhà lãnh đạo chính sách mạnh bạo, nhìn xa trông rộng từ cả lĩnh vực công, tư nhân và bao gồm các ngân hàng trung ương và các thành viên lãnh đạo chính trị có trách nhiệm. Họ là những người sẽ tiến lên và giải thích về những hậu quả tiêu cực khôn lường nếu mô hình toàn cầu hóa tự do thương mại và vốn doanh nghiệp tự do hóa sụp đổ.
Trong khi đó, các dấu hiệu chứng tỏ toàn cầu hóa có nguy cơ sụp đổ hiện diện ở mọi nơi. Ví dụ như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hoạt động ngày càng kém hiệu quả. Hoa Kỳ và châu Âu tiếp tục lối hành xử đạo đức giả trong việc bảo hộ nông nghiệp và các ngành khác, trong khi vòng đàm phán thương mại quốc tế Doha bị bế tắc. Tất nhiên điều này không có nghĩa là thương mại toàn cầu sẽ thất bại; nhưng nó sẽ khiến thế giới ngày càng mất lòng tin vào thương mại tự do toàn cầu, một dấu hiệu không tốt cho tương lai toàn cầu hóa.
Trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp, Trung Quốc hiện đang xem xét lại tất cả các yêu cầu mua lại và sáp nhập (M&A) từ nước ngoài, làm gia tăng đáng kể số tài sản được cho là không thể đụng tới vì các lý do “an ninh kinh tế” hay “ngành công nghiệp chủ chốt” hoặc các thương hiệu nổi tiếng. Hành động đó không khác gì những việc Hoa Kỳ đã làm để chống lại sự mua lại Unocal của một doanh nghiệp nước ngoài, hay chống lại những nỗ lực của hãng Dubai Ports World nhằm tiếp quản việc kiểm soát một số cảng của Hoa Kỳ. Thông điệp của những hành động này với thế giới: nguồn vốn di chuyển tự do có thể sẽ không kéo dài mãi mãi.
Nguy cơ chủ nghĩa bảo hộ nền công nghiệp trong nước, sự yếu kém của nền kinh tế vĩ mô và sự bất cân bằng kinh tế gia tăng làm thị trường bất ổn hơn đã khiến một số người tin rằng thế giới đang trên đỉnh điểm một đợt suy thoái kinh tế lớn, có thể là sụp đổ. Tôi có một ông bạn tên Tadashi Nakamae, được cho là một trong những nhà chiến lược toàn cầu độc lập xuất sắc của Nhật Bản. Nakamae đưa ra một viễn cảnh về “Sự phá sản của Trung Quốc”. Ông cho rằng thế giới đã trong xu hướng dư thừa năng suất dài hạn (đã sản xuất quá nhiều hàng hóa), ban đầu là trong lĩnh vực sản xuất, nhưng sau đó sẽ là lĩnh vực dịch vụ. Nakamae dự đoán sự xuất hiện một “Cuộc cách mạng chống Reagan” mới, theo đó các chính phủ, đặc biệt là các chính phủ ở châu Á sẽ cố gắng kiểm soát nền kinh tế của họ nhiều hơn.
Nakamae tin rằng khi các nền kinh tế thị trường mới nổi (hầu hết ở châu Á) tiếp tục xu hướng tăng thêm năng suất (sản xuất hàng loạt quá mức không phải do nhu cầu thị trường mà do mệnh lệnh hành chính) thì nền kinh tế toàn cầu sẽ chịu ảnh hưởng do thiếu các nguồn tài nguyên thiên nhiên trầm trọng hơn (như đồng, thiếc, quặng sắt, dầu v.v…). Bên cạnh vấn đề dư thừa năng suất, lạm phát giá các tài nguyên thiên nhiên, mặc dù có một số giai đoạn giá cả giảm nhưng rồi sẽ vẫn tiếp tục leo thang. Điều này sẽ gây ra sự sụt giảm đáng kể trong khả năng sinh lời của ngành công nghiệp sản xuất.
Do ngành sản xuất bị thu hẹp, các thị trường mới nổi, như đã đề cập trước đây sẽ cố gắng phát triển lĩnh vực dịch vụ trong nền kinh tế. Đây là những gì Hoa Kỳ và Anh đã thực hiện vào những năm 1980 và 1990. Nhật Bản sẽ tham gia mạnh mẽ vào lĩnh vực dịch vụ. Do Ấn Độ đã có mặt ở đó, hệ quả của việc thừa nguồn cung trong lĩnh vực này sẽ khiến chủ nghĩa bảo hộ các ngành nội địa xuất hiện đồng thời ở cả hai lĩnh vực sản xuất và dịch vụ.
Với Nakamae, viễn cảnh có khả năng xảy ra nhất là: trong khi các nền kinh tế châu Á rơi vào tình trạng bảo hộ ngành công nghiệp trong nước do nhà nước khởi xướng, châu Âu sẽ trong tình trạng hỗn loạn và Trung Quốc thực sự “phá sản”. Lý do là mức dư thừa năng suất của Trung Quốc là lớn nhất. Kết quả này sẽ khiến Hoa Kỳ và các quốc gia công nghiệp khác phải đau đầu trong việc giải quyết lượng tồn kho khổng lồ mặt hàng cơ bản và các hàng hóa thành phẩm mà Trung Quốc đổ dồn sang các thị trường thế giới trong bối cảnh như vậy.
Trong khi đó, Hoa Kỳ cũng sẽ phải tìm các thị trường tiêu thụ mới trong nước. Nhà ở và ô tô, hai lĩnh vực lớn trong lịch sử nền kinh tế Hoa Kỳ gần đây đã suy yếu nghiêm trọng. Theo viễn cảnh của Nakamae, Hoa Kỳ (và châu Âu) sẽ sử dụng các đầu tư môi trường làm nguồn cầu mới. Các chỉ tiêu tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường sẽ được quan tâm một phần là do các mục đích môi trường nhưng đồng thời là biện pháp để loại bỏ các sản phẩm châu Á khỏi thị trường Hoa Kỳ và châu Âu. Đây sẽ là mô hình bảo hộ các ngành công nghiệp trong nước thực tế, hoặc thuế phi thuế quan (nontariff tariff).
Nakamae nói rằng: “Toàn bộ bối cảnh này đồng nghĩa với việc các nền kinh tế châu Á cần xây dựng thị trường tiêu thụ trong nước cho chính mình. Đó là một công việc rất khó khăn. Nhật Bản đã cố gắng làm điều đó (đẩy mạnh lượng khách hàng) trong ba thập kỷ nhưng vẫn chưa đạt được thành công”. Kết quả sẽ là các nền kinh tế châu Á thực hiện bảo hộ nền công nghiệp trong nước chống lại các hàng hóa và dịch vụ của Hoa Kỳ và châu Âu.
Bối cảnh toàn cầu thảm khốc mà Nakamae đề cập không phải không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, tôi đề cập đến để chứng tỏ rằng ngày càng nhiều các chiến lược gia toàn cầu với rất nhiều thành tích dự báo thành công đang lo lắng khả năng thương mại và tài chính toàn cầu sụp đổ là có thực.
Trong khi hiện tượng dư thừa năng suất ngày càng trầm trọng và gây ra những ảnh hưởng tiêu cực về lương, như những năm 1930, có thể xảy ra, có những viễn cảnh khác ít thảm khốc hơn. Một kết quả tươi sáng hơn có thể xảy ra, và khả năng này sẽ cao hơn nhiều nếu vốn toàn cầu tiếp tục được di chuyển tự do trên toàn thế giới. Các nền kinh tế thị trường tự do và hiện đại qua thời gian có thể trở nên rất linh động để vượt qua khó khăn. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Alan Greenspan trong nhiều năm đã xác nhận trước Quốc hội Mỹ về sự linh động cực lớn của nền kinh tế Hoa Kỳ. Thập kỷ tới sẽ là bài kiểm tra xem liệu giả thuyết của Greenspan có đúng hay không - tức là liệu hệ thống tài chính Hoa Kỳ có thể tự đổi mới để tiếp tục đạt thành công hay không.
Hơn nữa, không phải mọi tin đều là tin xấu. Các nhà quản lý ngân hàng trung ương ngày nay tỏ ra khôn ngoan hơn, khi cố gắng hiểu bản chất của tín dụng chứng khoán hóa. Một điều gần như hiển nhiên là Cục Dự trữ Liên bang sẽ quan tâm hơn tới các vấn đề mở rộng tín dụng trong khi thực hiện các chính sách tiền tệ trong tương lai, điều này sẽ làm giảm mức độ trầm trọng của các đợt bất ổn tài chính. Hơn nữa, không có bất kỳ thành viên có óc xét đoán nào trên thị trường mà tôi biết còn hoài nghi về sự cần thiết của tính minh bạch hơn, mặc dù vẫn có những khác biệt ý kiến về những vấn đề cụ thể, ví dụ như các khoản cho vay dưới chuẩn nên được tiết lộ ra thị trường với mức độ cập nhật ra sao? Các tổ chức tài chính Hoa Kỳ đã công khai bảng cân đối tài khoản đáng sợ của họ nhanh hơn nhiều so với rất nhiều tổ chức của châu Âu. Những tổ chức của châu Âu muốn kéo dài thời gian với hy vọng rằng giá các tài sản dưới chuẩn đó có thể sẽ trở lại mức cao hơn.
Tuy nhiên, không ai phủ nhận rằng các rủi ro sắp tới của nền kinh tế toàn cầu sẽ lớn hơn cả những yếu kém hiện tại của nền kinh tế. Sẽ có những thời kỳ đầy bất ổn, với thị trường và nền kinh tế đôi khi hồi phục rồi sau đó nhanh chóng sụt giảm. Một thực tế đáng buồn là cảm giác nghi ngờ các thị trường vốn tự do hóa và tự do thương mại sẽ có thể khiến hệ thống tài chính và kinh tế không ổn định trong nhiều năm tới. Các hoạt động chính trị bất ổn sinh ra các thị trường bất ổn và các yếu tố kinh tế cơ bản nhiều trắc trở.
Trong suốt giai đoạn 1914-1945, khi mà đợt toàn cầu hóa vĩ đại lần trước sụp đổ thì thương mại xuyên biên giới và dòng vốn sụt giảm mạnh do một nguyên nhân - khủng hoảng ý tưởng. Những tham vọng đế quốc và quan điểm bảo hộ mậu dịch trong nước trở thành những động lực chính trong một hệ thống ngày càng trọng thương. Các nhà hoạch định chính sách thiện chí không còn nghĩ tới ý tưởng thương mại và tài chính toàn cầu hóa, cái tạo nên khối lượng của cải khổng lồ trước đó. Mọi người tranh giành tài sản và các nguồn lực quốc gia, căng thẳng từ đó càng lớn hơn nữa do bất đồng dân tộc. Chỉ riêng trong giai đoạn từ năm 1929 năm 1932, kim ngạch thương mại giữa các nước sụt giảm gần 70% khi sự ngờ vực quốc tế tăng cao.
Sau đó sự mất lòng tin tài chính xuất hiện khi các nước siết chặt quản lý tiền tệ để điều chỉnh lượng vốn được cho phép qua biên giới. Giá hàng hóa toàn cầu sụt giảm. Do sụt giảm giá, các công ty không kiếm được lợi nhuận. Chính vì thế, họ không thể thanh toán các khoản nợ ngân hàng. Rất nhiều ngân hàng thất bại, tín dụng sụt giảm hơn nữa khiến các doanh nghiệp càng ngộp thở hơn và càng nhiều ngân hàng thất bại hơn. Tất nhiên giai đoạn này được gọi là cuộc Đại Suy thoái.
Điều ngạc nhiên là trong một thập kỷ rưỡi trước khi cuộc Đại Suy thoái xảy ra, hầu như các nhà lãnh đạo chẳng làm gì để bảo vệ và tăng cường hệ thống toàn cầu hóa, một hệ thống đã tạo nên một thời kỳ công nghiệp hóa và thịnh vượng đầy ấn tượng trước đó. Thay vào đó, những người đáng lẽ phải đóng vai trò lãnh đạo thì lại bị động. Nước Anh, vốn bị thế giới ghen ghét vì sở hữu quyền lực hùng mạnh như Hoa Kỳ ngày nay, lại thiếu tự tin để đấu tranh vì hệ thống. Người Anh, vẫn là những người có quyền lực nhất trên thế giới trong thời kỳ hậu Thế Chiến I thì tự nhận thấy mình mất hết năng lượng tri thức. Các vấn đề vượt khỏi tầm kiểm soát là một ví dụ rõ ràng nhất về thất bại trong lãnh đạo toàn cầu. Là nền kinh tế có tầm ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới, Anh lại không nắm được bắt thời khắc quan trọng.
Liên quan tới khả năng yếu kém trong việc truyền đạt thông tin và việc không thể xác định vai trò mà một người cần phải làm, hãy để tôi trình bày một cách chi tiết những trải nghiệm khóc dở, mếu dở đã xảy ra khi lần đầu tiên tôi thực hiện công việc tư vấn thị trường của mình. Tôi biết rằng câu chuyện này có thể được kể không đúng chỗ, thậm chí không phù hợp. Ban đầu, nghe có vẻ lố bịch khi tôi so sánh vấn đề của ngày đầu tôi đi làm với tình thế khó khăn của toàn nước Mỹ. Tuy nhiên, khi tôi nghĩ về quá trình hình thành thế giới chính sách ngày nay thì điều này khiến tôi nghĩ ngay tới câu chuyện kỳ lạ về bữa tiệc tối châu Âu và cách cư xử cục mịch của vị chủ tiệc.
Vẫn còn lạ lẫm với hình thức đi giao dịch kinh doanh ở nước ngoài vào năm 1989, tôi tham dự một cuộc họp với một cố vấn tài chính chiến lược quan trọng người Ý. Chúng tôi thảo luận về nền kinh tế châu Âu và đồng đô la. Nhân vật đó, một người nổi tiếng trong số những người có quyền đưa ra quyết định của Ý đã mời tôi tham dự một bữa tiệc nhỏ tại nhà riêng của ông vào buổi tối hôm ấy sau khi kết thúc buổi thảo luận. Tôi rất vui và đồng ý mà không biết rằng thật kỳ lạ, buổi tối đó sẽ đem lại một điển hình sống động về tầm quan trọng trong cả việc hiểu rõ vai trò của một người và truyền đạt hiệu quả trong vai trò đó.
Bữa tiệc “nhỏ” cuối cùng lại có hàng chục người dự. Chúng tôi uống cocktail dưới một hành lang nằm trên sườn đồi, một địa điểm kỳ diệu với góc quan sát 300 độ đón ánh nắng vàng ấm áp khi mặt trời đang khuất dần trên thành phố Vĩnh hằng (eternal city, tức thủ đô Rome của nước Ý - ND). Điều duy nhất tuyệt vời hơn thế đó chính là ánh sáng lấp lánh từ những ánh đèn thành phố xung quanh sau khi mặt trời đã lặn khuất. Ngay trước khi tham dự bữa tối, chủ nhà giới thiệu tôi với vợ ông, người cũng mới bước vào khu hành lang. Tôi gọi bà là Maria - một phụ nữ với mái tóc đen, đẹp lạ thường nếu không xét tới một chi tiết là bà ta khá to béo. Maria mỉm cười, và điều đó khiến mọi người nhanh chóng hiểu rằng bà không nói tiếng Anh.
Chủ nhà đã sắp xếp bữa tối quanh một chiếc bàn hình chữ nhật dài trong một phòng ăn rộng nhưng không nhiều đồ trang trí. Maria ngồi ở một đầu bàn và ông chồng bà ở đầu bên kia. Những người không nói được tiếng Anh ngồi ở gần Maria, những người nói tiếng Anh ngồi ở gần đầu bên chủ nhà.
Rượu được rót ra. Món mì sợi đang tỏa hương vị được mang đến, tiếp theo là một con cá hồi trắng hiếm có. Bữa tiệc diễn ra trong không khí nhẹ nhàng, thư thái. Sau đó trò chơi bắt đầu. Ông chủ nhà đứng dậy, giơ cốc rượu lên cao và đề nghị ăn mừng vì người Mỹ cuối cùng đã trở thành người đi đầu trong các vấn đề ngoại hối. Tất cả những người khác cùng chúc mừng và rượu được rót thêm ra.
Sau đó, chủ nhà làm một việc rất bất thường. Ông lại đứng lên, tuyên bố rằng bữa tiệc sẽ kém phần thú vị nếu ông không chúc mừng người đồng chủ trì bữa tiệc với ông hôm đó, phu nhân xinh đẹp của ông. Mọi người chú ý. Tất cả chúng tôi đều cười vui vẻ. Maria nhìn chúng tôi, những người nói tiếng Anh ở tận cuối bàn đằng kia. Nghe nhắc tên mình, bà cười rạng rỡ.
Vị chủ tiệc của chúng tôi, chồng bà tiếp tục: “Và nào chúng ta cùng chúc mừng Maria, bông hoa xinh đẹp nhất trong sa mạc”. Maria cười rạng rỡ hơn khi nghe thấy tên bà, nhưng vị khách ngồi bên cạnh tôi, một vị quản lý ngân hàng đầu tư người Ý thầm thì: “Ôi trời, lại đến màn này rồi đây” cứ như là ông đã được chứng kiến cảnh này và biết những gì sẽ diễn ra. “Vì Maria” (bà lại cười tươi hơn), vị chủ tiệc lại yêu cầu mọi người nâng cốc: “vợ tôi, viên ngọc quý hiếm. Vì Maria… CON LỢN!”.
Ngay lúc đó, tôi cảm thấy lạnh toát xương sống. Có phải tôi nghe nhầm? Tôi tự hỏi. Tôi có thể chắc chắn tôi không lầm bởi vì một nửa số khách - những người ở phía cuối bàn của Maria - vẫn đang cười, trong khi số còn lại chúng tôi cúi đầu nhìn chằm chằm vào đĩa thức ăn tráng miệng tỏ vẻ không vui.
Vị chủ tiệc của chúng tôi nhắc lại: “Tôi xin được nhắc lại một lần nữa, con chim nhỏ bé, đáng yêu của tôi, Maria… CON LỢN!” nụ cười của bà Maria rạng ngời thêm khi nghe đến tên mình. Nụ cười của bà hiện lên rạng ngời ấn tượng, nhưng đột nhiên bà cũng tỏ ra lúng túng. Rõ ràng đó là do những người ở cuối bàn cùng tôi đang cúi mặt xuống thấp hơn nữa.
Vị chủ tiệc đang định nhắc lại lần thứ ba thì vị khách thuộc lĩnh vực ngân hàng đầu tư cạnh tôi đột nhiên đứng dậy. Ông nói và nhìn đồng hồ “Rất tiếc, hết giờ rồi. Tôi có một cuộc họp sớm. Bữa tiệc thật tuyệt vời. Rất vui. Một bữa tối rất tuyệt, rất tuyệt”. Những người khác cũng đứng dậy. Không lâu sau tôi cũng cảm ơn vị chủ tiệc và Maria và quay trở về khách sạn, tự nghĩ rõ ràng những người này rất kỳ lạ.
Tôi kết thúc bằng câu chuyện kỳ lạ và khá xúc phạm này, không phải để nói rằng tư tưởng của người châu Âu có thể được phản ánh qua bức biếm họa về tính hèn hạ cá nhân như thế. Tôi nhấn mạnh tới câu chuyện của bà Maria bởi vì trong suy nghĩ của tôi bà chính là Hoa Kỳ - hay ít nhất bà là những gì Hoa Kỳ có thể trở thành nếu các nhà hoạch định chính sách không thận trọng. Bà Maria là Hoa Kỳ - chồng chất nợ nần, thiếu lòng tin và mê mải với chính mình - và điều quan trọng hơn, không thể trình bày những thông điệp của mình với thế giới.
Ngày nay Hoa Kỳ là một quốc gia phân cực về chính trị và ngày càng bị ảnh hưởng nặng nề bởi những suy nghĩ về sự chênh lệch giữa các tầng lớp và sự thiếu khả năng lãnh đạo kinh tế thế giới. Mong mỏi được là người lãnh đạo về kinh tế và tài chính, thế giới (giống như ông chồng đáng khinh bỉ của bà Maria) đã trở thành một nơi cay độc, thậm chí là nguy hiểm, sẵn sàng cho những tai họa lớn. Các thị trường bất ổn cảm nhận thấy rằng các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ đang rút lui. Không ai đưa ra một bức tranh tươi sáng. Bất ổn được duy trì bởi bất ổn khi Hoa Kỳ ngồi đó, trong bữa tiệc các quốc gia toàn cầu, không hề hay biết, với nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt.
Điều đáng buồn là tình hình lẽ ra đã có thể khác. Các nhà lãnh đạo chính sách và chính trị Hoa Kỳ, trong những thời khắc hiếm hoi khi họ giải quyết các vấn đề liên quan đến nền kinh tế quốc tế, lại tỏ ra sợ hãi, và điều này cần phải chấm dứt. Trái lại, họ cần nhận thức đầy đủ một sự thực rằng chỉ có Hoa Kỳ mới có khả năng tập trung vai trò lãnh đạo và lòng can đảm để bảo vệ hệ thống thương mại tự do và hệ thống quốc tế trong đó nguồn vốn di chuyển một cách linh động.
Đây chính là thời khắc quan trọng mà các đảng viên đảng Dân chủ ủng hộ các chính sách kinh tế thị trường tự do, những người đã nhận được hỗ trợ tài chính để vận động tranh cử và nắm giữ những cương vị ngày nay cần tiến lên và bảo vệ một hệ thống đã tạo nên những thành công vĩ đại như thế. Thông điệp của họ là: toàn cầu hóa là một nghịch lý lớn - một hệ thống chứa đầy sai lầm gây nên sự dịch chuyển tài chính với quy mô lớn và đáng sợ, nhưng đồng thời là con ngỗng đẻ trứng vàng. Và kết quả đã rõ ràng: chỉ có kẻ ngốc nghếch thực sự mới muốn quay trở lại thời kỳ lạm phát cao, mức thất nghiệp lớn và tài sản sụt giảm trước kia. Có lẽ Marc Leland, cựu quan chức bộ Tài chính Hoa Kỳ đã có một nhận xét thích hợp nhất khi ông nói rằng: “Toàn cầu hóa giống như hai thể chế mà chúng ta đã biết là dân chủ và hôn nhân. Cả hai thứ này đôi lúc đều có những vấn đề này nọ, nhưng những lựa chọn khác không hấp dẫn chút nào”.
Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ cần nhắc nhở thế giới về giai đoạn tiền toàn cầu hóa (preglobalization) mà tình trạng thất nghiệp và lạm phát leo thang cùng với những vòng quay tài chính bất ổn dữ dội. Với vai trò lãnh đạo hiệu quả, các nhà lãnh đạo chính trị cần chỉ ra rằng hệ thống chính trị hiện nay, về mặt lịch sử có khả năng tự phục hồi đáng kinh ngạc nếu được chỉ dẫn và có thời gian. Ví dụ như trong giai đoạn bất ổn tài chính vào cuối những năm 1980 đầu những năm 1990, một giai đoạn khủng hoảng cho vay và tiết kiệm, những nhà bình luận đã đưa ra những viễn cảnh kinh tế cực kỳ bi quan, cũng giống như hiện nay vậy. Chúng ta có thể quên song thị trường khi đó cũng trải qua một cuộc khủng hoảng lòng tin. Tuy nhiên, sau khi thực hiện những đổi mới thích hợp, hệ thống tài chính đã tự phục hồi. Hệ thống đã tự bù lại những khoản tổn thất (với sự trợ giúp của một tổ chức mới được gọi là Resolution Trust Corporation, đã giúp hỗ trợ thanh toán). Một số trên thị trường mua được các tài sản giá hời, số khác đầu tư không đúng chỗ phải chịu tổn thất. Nhưng hệ thống tài chính và kinh tế được hỗ trợ bởi một kế hoạch chính sách không chỉ tồn tại qua cuộc khủng hoảng tiết kiệm và cho vay mà còn tiếp tục phát triển mạnh trong nhiều thập kỷ.
Chính vì thế các nhà hoạch định chính sách cần làm rõ rằng trong những năm tới, chúng ta có thể đưa hệ thống tài chính toàn cầu tới mức minh bạch và tin cậy hơn - và nhờ thế sẽ là một tương lai hiệu quả hơn. Nhưng lãnh đạo mới là vấn đề quan trọng. Các chiến lược gia chính sách tài chính đầy sáng tạo, hãy từ bỏ chủ nghĩa đảng phái đáng sợ ngày nay và tập trung vào bức tranh lớn, cần tiến lên và hợp tác chặt chẽ với khu vực tư nhân. Đây là một thời khắc quan trọng trong lịch sử, và họ cần phải nắm bắt lấy.
Thành công không đến dễ dàng. Sử gia Paul Kennedy trong cuốn sách Sự thăng trầm của các cường quốc (The Rise and Fall of the Great Powers) cho rằng các nhà hoạch định chính sách ngày nay đang đi theo mô hình đưa ra quyết định mà sẽ tạo ra “lợi ích ngắn hạn nhưng bất lợi dài hạn”. Ngày nay không có lợi ích ngắn hạn nào có thể so sánh với mối nguy hiểm nếu không đưa ra những giải pháp lâu dài trước những thách thức của sự bất ổn tài khóa ngày càng tăng, những cơn ác mộng về thiếu hụt do trợ cấp của chính phủ gây ra, sự phát triển khó lường của Trung Quốc, cuộc chiến giai cấp và sự thiếu lòng tin vào cơ cấu tài chính của chúng ta. Đây là thời điểm chúng ta cần suy nghĩ lớn và nghiêm túc về dài hạn. Tuy nhiên, đáng buồn là câu hỏi vẫn còn đó: liệu những nhà chiến lược chính sách ưu tú ngoài kia có đang lắng nghe không? Có chính trị gia nào nghĩ nhiều hơn ngoài mục quảng cáo 30 giây trên truyền hình của mình không? Có bất kỳ nhà lãnh đạo thị trường tài chính nào nhìn xa hơn trong quý tới không? Có ai nhận ra rằng hệ thống tài chính thế giới đang gặp nguy hiểm không?
Ngày nay, không giống như trước kia, một đội ngũ các nhà lãnh đạo chính sách can đảm cần tiến lên trước, cùng với một chương trình nghị sự hiệu quả để tránh khỏi thảm họa. Nếu được dẫn đường tốt, chúng ta có thể tiếp tục xây dựng nền kinh tế thịnh vượng ấn tượng như 25 năm qua. Không được lãnh đạo tốt, chúng ta có nguy cơ phải đối mặt với một kỷ nguyên bất ổn kinh tế mới. Có thể sẽ không có một cuộc Đại Suy thoái thứ hai, nhưng nghĩ rằng điều đó có thể xảy ra cũng không hề là một suy nghĩ ngớ ngẩn. Thế giới đang bị “cong” một cách đầy nguy hiểm.