Ông Bạn Đẹp - Chương 17
9
* * *
Ba tháng trôi qua. Vụ ly dị của Du Roy vừa được công bố. Vợ y đã lấy lại tên của Forestier, và vì gia đình Walter đến ngày Mười lăm tháng Bảy sẽ đi Trouville, nên họ quyết định cùng nhau về nông thôn chơi một ngày trước khi chia tay.
Họ chọn ngày thứ Năm, và lên đường từ chín giờ sáng trong một chiếc xe lớn bốn bánh sáu chỗ ngồi chạy đường dài, thắng bốn con ngựa trạm.
Mọi người đến ăn trưa ở di cung của vua Henri IV tại Saint‐Germain. Ông Bạn Đẹp đã yêu cầu chỉ một mình y là khách đàn ông trong cuộc du ngoạn, vì y không thể nào chịu đựng được sự hiện diện và bộ mặt của Hầu tước De Cazolles. Nhưng đến phút cuối cùng, người ta quyết định đi ngang đón Bá tước De Latour‐Yvelin vừa ngủ dậy. Người ta đã báo cho ông ta từ tối hôm trước.
Chiếc xe bon bon nước kiệu ngược đại lộ Champs‐Élysées rồi băng qua Rừng Boulogne.
Tiết trời ngày hè thật tuyệt, không nóng lắm. Những cánh én vạch trên nền trời xanh các đường cong lớn mà ta tưởng chừng vẫn còn nhìn thấy khi én đã bay qua.
Ba người phụ nữ ngồi ở cuối xe, bà mẹ giữa hai cô con gái; còn ba người đàn ông thì ngồi ngược chiều xe chạy, Walter ngồi giữa, hai khách hai bên.
Xe qua sông Seine, vòng quanh Đồi Valérien, rồi tới thị trấn Bougival, để sau đó men theo sông đến tận Pecq.
Bá tước De Latour‐Yvelin là người hơi đứng tuổi, có chòm râu má dài phất phơ, chỉ một làn gió thoảng cũng làm cho ngọn râu rung rinh, khiến Du Roy nói: “Gió vờn râu ông ta mới đẹp làm sao”, ông ngắm Rose âu yếm. Họ đính hôn với nhau đã một tháng nay.
Georges tái nhợt luôn luôn nhìn Suzanne cũng tái nhợt. Hai cặp mắt gặp nhau, có vẻ như bàn tính với nhau, hiểu nhau, trao đổi thầm kín với nhau một ý nghĩ, rồi lảng nhau ra. Bà Walter thì bình thản, sung sướng.
Bữa ăn kéo dài rất lâu. Trước khi trở về Paris, Georges đề nghị đi dạo một vòng ngoài sân.
Mới đầu mọi người dừng lại để ngắm quang cảnh. Ai nấy đứng dọc bờ tường và mê ly trước cảnh đất trời mênh mông. Sông Seine, dưới chân một quả đồi dài, chảy về phía Maisons‐Laffitte, như một con rắn khổng lồ nằm trên thảm cỏ xanh. Bên phải, trên đỉnh dốc, máng dẫn nước Marly in lên nền trời dáng dấp trông nghiêng như con sâu róm khổng lồ chân vừa to vừa dài, và phía bên dưới, khu Marly biến mất trong một lùm cây rậm.
Trên cánh đồng bao la trước mặt, rải rác có các thôn xóm. Những hồ nước của khu an dưỡng Vésinet hiện lên thành các vệt rõ nét và sạch sẽ giữa vạt cây xanh còm cõi của khu rừng nhỏ. Bên trái, tít xa xa là chiếc tháp chuông nhọn của nhà thờ Sartrouville vươn lên trên không trung.
Lão Walter nói:
– Không thể tìm thấy ở nơi nào trên thế giới một toàn cảnh bao la như thế này. Ở Thụy Sĩ cũng chẳng có chốn nào sánh được.
Rồi mọi người nhẩn nha bước đi để dạo chơi và thưởng thức ít nhiều cái quang cảnh ấy.
Georges và Suzanne đi chậm lại phía sau. Khi đã cách xa mọi người mấy bước, y cố hạ giọng thì thầm bảo cô:
– Suzanne ơi, tôi yêu cô em tha thiết. Tôi yêu cô em đến mê mẩn tâm thần.
Cô thì thầm:
– Em cũng thế. Ông Bạn Đẹp ạ! Y lại nói:
– Nếu không lấy được cô em làm vợ, tôi sẽ bỏ Paris với đất nước này mà đi.
Cô đáp:
– Ông thử đề đạt với ba em xem sao. Có thể ba em ưng thuận đấy.
Y thoáng có một cử chỉ sốt ruột:
– Không, chẳng ăn thua gì đâu, tôi nhắc lại như vậy đến lần thứ mười với cô em. Người ta sẽ cấm cửa không cho tôi vào nhà cô em; người ta sẽ tống cổ tôi ra khỏi tòa báo; và chúng ta thậm chí sẽ không gặp nhau được nữa. Nếu cầu hôn theo đúng phép tắc thì tôi tin chắc là sẽ đi đến kết quả hay ho ấy. Người ta đã hứa gả cô em cho Hầu tước De Cazolles. Người ta hy vọng cuối cùng cô em sẽ trả lời “Đồng ý”. Và người ta chờ đợi.
Cô hỏi:
– Vậy phải làm gì bây giờ?
Y ngập ngừng, liếc nhìn cô:
– Cô em có yêu tôi đến mức phạm phải một điều rồ dại không?
Cô trả lời dứt khoát:
– Có.
– Một điều hết sức rồ dại?
– Có.
– Điều rồ dại nhất trong các điều rồ dại?
– Có.
– Cô em liệu có đủ can đảm để bất chấp cả cha và mẹ cô em không?
– Có.
– Có thật không?
– Có.
– Được rồi! Có một cách, một cách duy nhất! Cần phải tiến hành từ phía cô em, chứ không phải từ phía tôi. Cô em là một đứa trẻ được nuông chiều, người ta để cho cô em nói bất cứ điều gì, người ta sẽ không ngạc nhiên lắm nếu cô em có thêm một điều táo tợn. Thế này nhé. Tối nay, khi về nhà, trước hết cô em tìm gặp mẹ, chỉ một mình mẹ mà thôi. Cô em thú thật với mẹ là cô em muốn lấy tôi. Mẹ sẽ xúc động ghê gớm và nổi giận ghê gớm…
Suzanne ngắt lời y:
– Ồ! Mẹ thế nào cũng đồng ý.
Y nói luôn:
– Không đâu. Cô em không biết rõ mẹ cô em đâu. Mẹ cô em còn tức tối và giận dữ hơn cha cô em nữa kia. Cô em sẽ thấy bà từ chối cho mà xem. Nhưng cô em cứ kiên quyết, cô em đừng nao núng; cô em sẽ nhắc đi nhắc lại là muốn lấy tôi, chỉ lấy tôi mà thôi. Cô em, có làm như thế không?
– Em sẽ làm như thế.
– Và gặp mẹ xong, cô em sẽ nói vẫn những điều ấy với cha, bằng một giọng nghiêm túc và cương quyết.
– Vâng, vâng. Rồi sao nữa?
– Rồi thì, sự việc trở nên nghiêm trọng đấy. Nếu cô em nhất quyết, hoàn toàn nhất quyết, hoàn toàn, hoàn toàn nhất quyết làm vợ tôi, cô em thân yêu ơi, Suzanne bé nhỏ thân yêu của tôi ơi… Tôi sẽ… tôi sẽ bắt cóc cô em!
Cô vui thích đến rùng mình và suýt nữa thì vỗ tay:
– Chao ôi! Hạnh phúc quá! Ông sẽ bắt cóc em ư? Bao giờ ông sẽ bắt cóc em.
Tất cả cái thi vị xa xưa của những vụ bắt cóc ban đêm, những cỗ xe ngựa trạm, những nhà trọ, tất cả những cuộc phiêu lưu lý thú đọc được trong sách nhất tề vụt qua trong óc cô như một giấc mộng mê hồn sẵn sàng trở thành hiện thực. Cô nhắc lại:
– Bao giờ ông sẽ bắt cóc em?
Y trả lời rất khẽ:
– Ngay… tối nay… đêm nay.
Cô run cả người, hỏi:
– Và chúng ta sẽ đi đâu?
– Cái đó là điều bí mật của tôi. Cô em hãy suy nghĩ về việc mình phải làm. Nên biết rằng sau khi bỏ trốn, cô em sẽ chỉ có thể là vợ tôi mà thôi! Đấy là cách duy nhất, nhưng nó rất… nó rất nguy hiểm… cho cô em.
Cô tuyên bố:
– Em quyết định rồi… em sẽ gặp lại ông ở đâu?
– Cô em sẽ có thể ra khỏi dinh thự một mình chứ?
– Vâng. Em biết cách mở cái cửa nhỏ.
– Được rồi! Khi người gác cổng đã ngủ, vào khoảng nửa đêm, cô em hãy đến với tôi ở quảng trường La Concorde. Cô em sẽ tìm thấy tôi trong một chiếc xe ngựa đỗ trước cửa Bộ Hải quân.
– Em sẽ đi.
– Thật chứ?
– Thật.
Y nắm lấy bàn tay cô và siết chặt:
– Ôi! Tôi yêu cô em quá! Cô em tốt bụng và dũng cảm quá! Thế cô em không muốn lấy ông De Cazolles chứ?
– Ồ! Không.
– Cha cô em tức tối lắm khi cô em từ chối phải không?
– Em tin là thế, ba em muốn cho em vào lại nhà tu.
– Cô em thấy đấy, nhất định là phải kiên quyết.
– Em sẽ kiên quyết.
Cô nhìn chân trời bao la, đầu óc chỉ toàn nghĩ về chuyện bắt cóc. Cô sẽ đi xa hơn cái nơi kia… với chàng!… Cô sẽ bị bắt cóc!… Cô tự hào về chuyện đó! Cô chẳng nghĩ ngợi gì mấy đến thanh danh của cô, đến điều ô nhục có thể xảy đến với cô. Thậm chí cô có biết đến nó không? Cô có ngờ đến nó không?
Bà Walter quay lại, gọi to:
– Kìa, lại đây, con của mẹ. Con làm gì với Ông Bạn Đẹp đấy? Họ lại nhập bọn với mọi người. Ai nấy trò chuyện về những cuộc tắm biển sắp tới.
Rồi họ trở về qua Chatou để khỏi phải đi lại đường cũ. Georges không nói năng gì nữa. Y nghĩ ngợi: Vậy là, nếu cô bé này có lấy một chút táo bạo thôi, là y sẽ thành công! Ba tháng nay, y đã bủa vây cô trong tấm lưới săn sóc ân cần không sao cưỡng lại được. Y quyến rũ cô, lôi cuốn cô, chinh phục cô. Y làm cho cô yêu mến y như y biết cách làm cho phụ nữ yêu mến. Y đã ngắt hái tâm hồn nhẹ dạ non nớt của cô chẳng vất vả gì.
Trước hết, y đã đạt được kết quả là cô từ chối ông De Cazolles. Y lại vừa dụ được cô bỏ trốn cùng với y. Bởi vì không còn cách nào khác.
Y thừa hiểu bà Walter không bao giờ ưng thuận gả con gái cho y. Bà vẫn còn yêu y, bà chắc sẽ yêu y mãi mãi, mãnh liệt vô cùng. Y kiềm chế bà lại bằng thái độ lạnh lùng có tính toán của y, nhưng y cảm thấy bà bị cái tình yêu tha thiết bất lực và tai hại làm cho nát ruột nát gan. Chắc y chẳng bao giờ có thể làm cho bà xiêu lòng. Chắc bà chẳng bao giờ chấp nhận cho y lấy Suzanne.
Nhưng một khi đã chiếm giữ được cô bé ở nơi xa, y sẽ có đủ quyền lực để giải quyết với ông bố.
Y mải nghĩ tất cả các chuyện đó, nên trả lời nhát gừng những điều người ta nói với y mà y cũng chẳng để tai nghe mấy. Y như bừng tỉnh khi vào đến Paris.
Suzanne cũng mơ mộng; và tiếng nhạc leng keng của bốn chú ngựa vang vang trong đầu cô, khiến cô nhìn thấy những con đường cái quan dài vô tận dưới ánh trăng vĩnh hằng, những cánh rừng tối tăm băng qua, những quán trọ bên lề đường, và các mã phu hối hả thắng ngựa khác vào xe, vì tất cả mọi người ai cũng đoán là họ đang bị truy đuổi.
Khi chiếc xe ngựa bốn bánh về đến sân lâu đài, người ta muốn giữ Georges ở lại ăn tối. Y từ chối và về nhà.
Sau khi ăn uống qua loa, y thu xếp các giấy tờ như sắp đi xa. Y đốt các thư từ liên lụy, cất giấu một số bức thư khác, viết vài lá thư cho bạn bè.
Chốc chốc y lại nhìn chiếc đồng hồ quả lắc và nghĩ: “Ở đằng ấy chắc là gay gắt lắm!”. Và y lo lắng khắc khoải trong lòng. Nhỡ y thất bại thì sao? Nhưng y lo sợ nỗi gì cơ chứ? Y vẫn luôn luôn xoay xở được kia mà! Tuy nhiên, tối nay y chơi một canh bạc lớn!
Y lại ra đi vào khoảng mười một giờ, lang thang một lúc, rồi thuê chiếc xe ngựa và cho đỗ ở quảng trường La Concorde, dọc theo dãy vòm cuốn của Bộ Hải quân.
Thỉnh thoảng y xiết một que diêm để xem giờ ở chiếc đồng hồ của y. Khi thấy gần đến nửa đêm, lòng y như lửa đốt. Y cứ luôn thò đầu ra ngoài cửa xe để nhìn.
Chiếc đồng hồ xa xa điểm mười hai tiếng, rồi một chiếc khác gần hơn, rồi hai chiếc nữa cùng nhau, rồi cuối cùng là một chiếc ở rất xa. Khi chiếc ấy điểm giờ xong, y nghĩ: “Thế là xong. Hỏng rồi. Cô ả sẽ không tới”.
Tuy nhiên, y quyết định ở lại đấy cho đến sáng bạch. Đã thế, cần phải kiên trì.
Y còn nghe thấy đồng hồ điểm một khắc, rồi nửa giờ, rồi ba khắc; và tất cả các đồng hồ theo nhau điểm một giờ như chúng đã báo nửa đêm. Y không đợi nữa, mà ở lại đấy vắt óc suy nghĩ đoán xem chuyện gì đã có thể xảy ra. Bỗng có đầu một phụ nữ thò vào cửa xe và hỏi:
– Ông đấy ư, Ông Bạn Đẹp?
Y giật mình đánh thót và tức thở:
– Cô em đấy ư, Suzanne?
– Vâng, em đây.
Y muốn xoay quả đấm mở cửa xe thật nhanh mà vẫn thấy chậm, và lắp bắp:
– A!… Em đấy à… em đấy à… vào đi.
Cô lên xe và ngã vào người y. Y hét bảo xà ích:
– Đi đi! ‐ Và chiếc xe ngựa lên đường.
Cô hổn hển, không nói năng gì.
Y hỏi:
– Này! Chuyện xảy ra làm sao?
Cô thì thầm, hầu như chẳng còn hơi sức:
– Ôi! Khủng khiếp lắm, nhất là ở trong phòng mẹ em. Y lo lắng và run rẩy:
– Mẹ ư? Bà bảo sao? Kể cho tôi nghe đi.
– Ôi! Kinh khủng lắm. Em vào phòng mẹ và nói ra một mạch mấy lời em đã chuẩn bị thuộc lòng. Thế là mẹ tái người đi, rồi mẹ kêu lên: “Không đời nào! Không đời nào!”. Còn em thì khóc, em giận dỗi, em thề là sẽ chỉ lấy ông mà thôi. Em cứ tưởng mẹ đánh em đến nơi. Mẹ như điên như cuồng; mẹ tuyên bố là em ngay từ mai sẽ bị tống vào nhà tu. Em chưa bao giờ thấy mẹ như vậy, chưa bao giờ! Lúc đó, ba em tới, nghe thấy và tuôn ra hết mọi lời mắng mỏ. Ba không tức bằng mẹ, nhưng ba tuyên bố ông chẳng phải là đám tương xứng với em.
Ba mẹ em làm cho em cũng nổi nóng nên em hét lên còn to hơn. Và ba đuổi em ra với một vẻ xúc động không hợp với ba chút nào. Điều đó làm cho em quyết định trốn đến đây với ông. Em đã đến đây, chúng ta đi đâu bây giờ?
Y đã nhẹ nhàng vòng tay ôm lấy cô; và y để hết tâm trí lắng nghe cô, tim y đập rộn ràng, lòng trào dâng mối hằn thù đối với bọn người kia. Nhưng y nắm giữ được con gái của họ đây rồi. Bây giờ họ sẽ biết tay.
Y đáp:
– Đi xe lửa thì quá muộn mất rồi; chiếc xe ngựa này sẽ chở chúng ta đến Sèvres, ta sẽ ngủ đêm ở đó. Và mai ta sẽ đi La Roche‐Guyon. Đấy là một ngôi làng xinh đẹp, bên bờ sông Seine, giữa Mantes và Bonnières.
Cô nói:
– Nhưng em không có quần áo. Em chẳng có gì hết. Y mỉm cười với vẻ vô tư lự:
– Xì! Đến đấy chúng ta sẽ thu xếp.
Chiếc xe ngựa lăn bánh qua các phố. Georges nắm lấy bàn tay của cô gái và hôn một cách từ tốn, trân trọng. Y chẳng biết chuyện trò gì với cô, vì không quen lối tán tỉnh suông. Nhưng bỗng y cảm thấy hình như cô khóc.
Y khiếp sợ hỏi:
– Có chuyện gì thế, cô em bé bỏng của tôi? Cô đáp bằng giọng đẫm nước mắt:
– Mẹ tội nghiệp của em giờ này chắc không ngủ được, nếu mẹ biết là em bỏ đi.
Thực vậy, mẹ cô không ngủ được.
Suzanne vừa ra khỏi buồng, bà Walter còn lại đối diện với chồng.
Bà hốt hoảng, rũ rượi, hỏi:
– Trời ơi! Thế này nghĩa là thế nào?
Walter tức điên lên, thét:
– Nghĩa là cái thằng cha mánh khóe đó đã quyến rũ con bé. Chính hắn đã làm cho con bé từ chối Cazolles. Hắn thấy món hồi môn béo bở quá mà!
Lão hầm hầm đi ngang đi dọc khắp phòng và lại nói:
– Chính bà, bà cũng không ngừng lôi kéo hắn, bà phỉnh nịnh hắn, bà chiều chuộng hắn, bà mơn trớn vuốt ve hắn thế nào cũng chưa vừa. Cứ Ông Bạn Đẹp thế nọ, Ông Bạn Đẹp thế kia, suốt từ sáng đến tối. Thế là bây giờ bà phải trả giá.
Bà tái mét, lẩm bẩm:
– Tôi ấy à?… Tôi lôi kéo hắn? Lão thét vào mặt vợ:
– Phải ạ, chính bà! Bọn các bà mê hắn tuốt, Marelle, Suzanne, và những người khác. Bà tưởng tôi không thấy bà chẳng chịu nổi lấy hai ngày nếu không kéo hắn đến đây ư?
Bà đứng phắt dậy, bi thảm:
– Tôi không cho phép ông ăn nói với tôi như thế. Ông quên rằng tôi có được nuôi dạy trong một tiệm hàng như ông đâu.
Mới đầu lão sửng sốt đứng ngây như tượng, rồi hầm hầm buông mấy tiếng “Khốn kiếp!”, và lão đi ra đóng sầm cửa lại.
Khi chỉ còn lại một mình, bà theo bản năng bước ngay tới soi gương, như để xem mình có gì thay đổi không, vì bà thấy chuyện xảy ra sao mà vô lý, quái gở. Suzanne phải lòng Ông Bạn Đẹp! Và Ông Bạn Đẹp muốn lấy Suzanne! Không! Bà nhầm rồi, làm gì có chuyện đó. Con bé thấy thinh thích anh chàng đẹp trai kia, một điều hết sức tự nhiên, nó mong được lấy chàng làm chồng; nó hành động bộp chộp! Nhưng còn chàng? Chàng không thể là tòng phạm trong vụ này! Bà nghĩ mông lung, bối rối như người ta bối rối trước các tai biến lớn. Không, Ông Bạn Đẹp chắc không biết tí gì về cái ngông cuồng của Suzanne.
Bà nghĩ ngợi rất lâu về các khả năng tráo trở hoặc vô tội của tay đàn ông kia. Nếu y sắp đặt cái cú này thì thật là một tên khốn nạn! Và sự thể sẽ ra sao? Bà thấy trước bao nhiêu nguy hiểm và khổ ải!
Nếu y không biết gì thì mọi việc còn có thể dàn xếp được. Gia đình sẽ cùng với Suzanne đi chơi xa trong sáu tháng, và thế là xong. Nhưng như thế thì bà, bà làm sao gặp lại y được? Vì bà vẫn yêu y. Cái tình yêu thiết tha ấy ăn sâu vào bà như kiểu những mũi tên không nhổ ra được nữa.
Sống mà chẳng có y thì không thể được. Cũng như chết mà thôi.
Bà lan man nghĩ tới bao nỗi lo âu và băn khoăn ấy. Bà chớm thấy đau nhói trong đầu; các ý nghĩ của bà trở nên nặng nề, rối loạn, làm cho bà nhức nhối. Bà căng óc ra để tìm hiểu, và bực bội vì chẳng hiểu ra sao. Bà nhìn chiếc đồng hồ quả lắc, đã hơn một giờ. Bà nghĩ bụng: “Ta không muốn cứ ngồi như thế này, đến phát điên lên mất. Ta phải biết rõ. Ta sang đánh thức Suzanne dậy để hỏi nó xem sao”.
Bà liền sang buồng con gái, tay cầm một ngọn nến, chân không đi giày để khỏi gây tiếng động. Bà mở cửa hết sức nhẹ nhàng, bước vào, nhìn lên giường. Giường vẫn phẳng phiu. Mới đầu bà không hiểu gì, và ngỡ là cô bé còn đang tranh luận với bố. Nhưng lập tức bà thoáng nảy ra mối nghi ngờ khủng khiếp và chạy sang buồng chồng. Bà nhảy xổ vào, người tái mét và thở không ra hơi. Ông chồng đang nằm và còn đọc sách.
Lão hốt hoảng hỏi:
– Ơ hay! Sao? Có chuyện gì thế? Bà ấp úng:
– Ông có thấy con Suzanne không?
– Tôi ấy à? Không. Sao cơ?
– Nó… nó… bỏ đi rồi. Nó không có ở trong buồng.
Lão nhảy phắt ra khỏi giường, xỏ chân vào đôi dép đi trong nhà, và áo chẳng kịp cài khuy, quần không kịp mặc, đến lượt lão chạy bổ sang phòng con gái.
Mới nhìn thoáng qua căn phòng, lão chẳng còn hồ nghi gì nữa. Con gái lão đã bỏ trốn rồi.
Lão ngồi phịch xuống một chiếc ghế bành và đặt cây đèn xuống đất ngay trước mặt.
Bà vợ cũng đã vào đến nơi. Bà nói líu cả lưỡi:
– Thế nào?
Lão không còn sức để trả lời nữa; lão không còn giận dữ nữa; lão rên rỉ:
– Thế là xong. Hắn nắm được con bé rồi. Chúng ta thất bại rồi.
Bà không hiểu.
– Thế nào cơ, thất bại à?
– Chứ còn gì nữa! Giờ thì hắn phải lấy con bé.
Bà gầm lên như thú gầm:
– Hắn ấy à? Không đời nào! Ông điên rồi hay sao?
Lão trả lời buồn bã:
– Rống lên mà làm gì. Hắn đã bắt cóc con bé rồi. Hắn đã làm nhục nó rồi. Tốt hơn hết là gả nó cho hắn thôi. Nếu khéo xử sự, sẽ chẳng ai hay biết chuyện này.
Bà bị xúc động dữ dội, nhắc lại:
– Không đời nào! Không đời nào hắn lấy được Suzanne! Không đời nào tôi lại ưng thuận.
Lão Walter ủ rũ nói:
– Nhưng hắn có con bé trong tay. Hắn sẽ giữ rịt lấy con bé và giấu biến nó đi chừng nào chúng ta không chịu nhân nhượng. Vậy, để tránh tai tiếng, cần phải nhân nhượng ngay tức khắc.
Bà vợ đau đớn xé ruột xé gan mà không thổ lộ ra được nên cứ nhắc đi nhắc lại:
– Không! Không! Không đời nào tôi lại ưng thuận!
Sốt ruột quá, lão lại nói:
– Nhưng có bàn cãi gì được nữa đâu. Cần phải thế thôi. Chà! Thằng cha đểu cáng, hắn chơi cho chúng ta một vố mới cay chứ… Dẫu sao phải nói là hắn mạnh đấy. Chúng ta rất có thể kiếm được một đám địa vị cao hơn nhiều, nhưng còn trí tuệ và tương lai thì không hơn được. Hắn là một con người có tương lai. Hắn sẽ là nghị sĩ và bộ trưởng.
Bà Walter một mực khăng khăng tuyên bố:
– Không đời nào tôi lại để cho hắn lấy Suzanne… Ông biết chưa… không đời nào!
Cuối cùng lão đâm bực mình, và vốn là người thực tế, lão lại chuyển sang bênh vực Ông Bạn Đẹp.
– Thôi, bà im đi cho… Tôi nhắc lại với bà là cần phải thế… dứt khoát cần phải thế. Mà ai biết đâu đấy? Có lẽ chúng ta sẽ không lấy làm tiếc đâu. Với những con người thuộc cỡ như vậy, ai mà biết được điều gì có thể xảy đến. Bà đã thấy hắn hạ bệ cái tay Laroche‐Mathieu khờ khạo chỉ bằng ba bài báo như thế nào, và hắn đã làm chuyện đó một cách đường hoàng ra sao, đó là điều cực kỳ khó khăn trong tình thế hắn ở cương vị người chồng. Đấy rồi bà xem. Dù sao thì chúng ta cũng bị kẹt rồi. Chúng ta không thể thoát ra được nữa đâu.
Bà muốn gào lên, lăn lộn dưới đất, bứt tóc bứt tai. Bà thốt lên một lần nữa bằng giọng phẫn nộ:
– Hắn sẽ không lấy được con bé… Tôi… không… tán… thành! Lão Walter đứng dậy, cầm lấy cây đèn, lại nói:
– Này, bà ngốc nghếch như tất cả các phụ nữ. Các bà bao giờ cũng chỉ hành động theo dục vọng. Các bà không biết ứng biến theo hoàn cảnh… các bà ngốc nghếch lắm! Tôi, tôi bảo bà là hắn sẽ lấy con bé… Cần phải thế.
Rồi kéo lê đôi dép đi trong nhà, lão ra. Cái bóng ma hài hước mặc áo ngủ ấy đi ngang qua dãy hành lang rộng của tòa dinh thự bát ngát đang ngủ im lìm, và lặng lẽ về buồng mình.
Bà Walter lòng đau như cắt vẫn đứng trơ trơ. Vả chăng bà cũng chưa hiểu rõ lắm. Bà chỉ khổ tâm mà thôi. Rồi bà cảm thấy không thể cứ đứng sững như vậy cho đến sáng. Bà thấy có nhu cầu mãnh liệt phải chạy, phải trốn, phải bỏ đi, phải tìm sự giúp đỡ, phải được cứu giúp.
Bà tìm người nào bà có thể cầu cứu được. Tìm ai! Bà không biết! Một linh mục chăng? Phải rồi, một vị linh mục! Bà sẽ sụp xuống dưới chân ông, bà sẽ thú thật hết với ông, bà sẽ xưng ra với ông lỗi lầm và niềm tuyệt vọng của bà. Chắc ông sẽ hiểu là cái gã khốn nạn kia không thể lấy Suzanne và ông sẽ ngăn cản.
Bà cần gặp một vị linh mục ngay tức khắc! Nhưng biết tìm ông ở đâu bây giờ? Biết đi đâu bây giờ? Tuy nhiên bà không thể đứng ì ra thế này mãi.
Vừa lúc đó, hình ảnh ngời ngời của Chúa Jésus đi trên sóng lướt qua trước mắt bà như một ảo ảnh. Bà nhìn thấy Người như bà đã thấy khi xem tranh. Bà liền gọi. Đức Chúa bảo bà: “Con hãy đến với ta. Con hãy đến quỳ dưới chân ta. Ta sẽ an ủi con và sẽ gợi ý cho con phải làm gì”.
Bà cầm lấy cây nến, ra khỏi phòng, xuống dưới nhà để đi tới nhà kính. Chúa Jésus ở đầu tận cùng, trong một phòng nhỏ có cửa kính để hơi đất ẩm khỏi làm hỏng tranh.
Thành thử nó giống như một nhà nguyện trong khu rừng toàn những loài cây kỳ dị.
Khi bà Walter bước vào trong mảnh vườn mùa đông mà trước đây bà chỉ nhìn thấy trong ánh sáng rực rỡ, bà rợn người vì bóng tối âm u. Những cái cây cục mịch của các xứ nóng phả ra hơi thở nặng nề làm cho bầu không khí u uất. Và vì các cửa không mở ra nữa nên không khí của khu rừng kỳ lạ ấy, bị giam hãm dưới cái mái vòm bằng kính, đi vào trong lồng ngực một cách vất vả, vừa choáng váng, vừa ngây ngất, vừa làm cho thích thú, vừa làm cho khó chịu, đem lại cho da thịt cảm giác hỗn độn vừa rần rật khoái trá, vừa như tê liệt đi.
Người đàn bà khốn khổ từ từ bước đi, hồi hộp vì bóng tối, dưới ánh sáng của cây nến chập chờn, đây đó hiện ra những cái cây kỳ quặc có dáng dấp như quái vật, như hình người, như các hình thù dị dạng.
Bỗng bà nhìn thấy Chúa Cơ Đốc. Bà mở chiếc cửa ngăn cách bà với Người và quỳ sụp xuống.
Mới đầu bà cầu nguyện rối rít, ấp úng những lời nhiệt thành, những câu khấn khứa say sưa và tuyệt vọng. Rồi khi lời kêu gọi nồng nhiệt đã dịu xuống, bà ngước mắt nhìn lên Người, và bỗng cảm thấy kinh hoàng. Dưới ánh sáng run rẩy của ngọn nến duy nhất soi sáng lờ mờ từ dưới soi lên, Người giống Ông Bạn Đẹp đến nỗi đấy không còn là Đức Chúa nữa, mà là tình nhân của bà đang nhìn bà. Đó là đôi mắt của y, vầng trán của y, vẻ mặt của y, dáng dấp lạnh lùng và kiêu kỳ của y!
Bà lẩm bẩm: “Jésus! ‐ Jésus! ‐ Jésus!”. Và cái từ “Georges” lại cứ đến trên môi. Bỗng bà nghĩ có lẽ chính vào giờ này Georges đang ăn nằm với con gái bà. Hắn đang ở một mình với con bé, ở nơi nào đấy, trong một căn buồng. Hắn! Hắn! Với Suzanne!
Bà lặp đi lặp lại: “Jésus!… Jésus!”. Nhưng bà nghĩ đến chúng… đến con gái bà và tình nhân của nó! Chúng ở một mình với nhau, trong căn buồng… và là ban đêm. Bà nhìn thấy chúng. Bà nhìn thấy chúng rõ rệt đến nỗi chúng nhỏm dậy trước mặt bà, ở vào chỗ bức tranh. Chúng mỉm cười với nhau. Chúng ôm hôn nhau. Căn buồng tối om, chiếc giường he hé. Bà chồm lên để xông về phía chúng, để túm tóc kéo con gái bà ra khỏi vòng tay ôm ghì kia. Bà sắp nắm lấy cổ họng nó, bóp nghẹt nó, đứa con gái mà bà ghét cay ghét đắng, đứa con gái hiến thân cho cái thằng đàn ông kia. Bà sờ tay vào cô… hai bàn tay bà chạm vào tranh. Bà đụng phải hai bàn chân Chúa Cơ Đốc.
Bà thét lên một tiếng và ngã vật ra. Cây nến đổ xuống, tắt ngấm.
Sau đó ra sao? Bà mơ rất lâu đến những điều lạ lùng, dễ sợ. Georges và Suzanne vẫn lướt qua trước mắt bà, quấn quýt với Chúa Jésus, người ban phước cho tình yêu kinh khủng của chúng.
Bà lờ mờ cảm thấy mình không phải đang ở trong phòng. Bà muốn đứng lên, chạy trốn, nhưng không thể được. Bà tê dại, đờ đẫn cả chân tay, chỉ có tư tưởng là còn thức tỉnh, tuy cũng lơ mơ, bị giày vò bởi những hình ảnh khủng khiếp hư ảo, huyễn hoặc, bị chìm đắm trong cơn mộng mị độc hại, cơn mộng mị kỳ lạ, đôi khi gây chết người xâm nhập vào đầu óc người ta do ăn phải những thứ cây gây ngủ ở các xứ nóng có hình thù quái dị và mùi hương hăng hắc.
Đến sáng, người ta tìm thấy bà Walter nằm thẳng cẳng không hay biết gì, gần như ngạt thở, trước bức Jésus đi trên sóng. Bà ốm đến nỗi người ta lo ngại bà không qua khỏi được. Chỉ đến hôm sau bà mới hoàn toàn hồi tỉnh. Lúc đó bà khóc òa lên.
Việc Suzanne biến mất được giải thích cho gia nhân đầy tớ là cô được gửi đột ngột vào tu viện. Và lão Walter trả lời một bức thư dài của Du Roy, đồng ý gả con gái cho y.
Ông Bạn Đẹp đã quẳng bức thư ấy vào bưu điện lúc rời Paris, vì y đã viết sẵn từ trước vào tối hôm ra đi. Trong thư y dùng lời lẽ kính cẩn nói rằng y yêu cô bé từ lâu, rằng hai người chưa bao giờ hứa hẹn gì với nhau, nhưng thấy cô đến với y, hoàn toàn thoải mái, để nói: “Em sẽ là vợ ông”, y cho rằng mình có quyền giữ cô lại, kể cả giấu cô đi, cho tới khi nào y được cha mẹ cô trả lời, và đối với y thì ý nguyện hợp thức cho phép của các bậc làm cha mẹ có giá trị kém hơn là ý nguyện cô vợ chưa cưới của y.
Y yêu cầu lão Walter trả lời bằng thư lưu tại bưu điện, một người bạn của y sẽ chuyển thư ấy đến tay y.
Khi đã đạt được điều mong muốn rồi, y dẫn Suzanne trở lại Paris và trả cô về với cha mẹ, còn y thì tạm lánh mặt một thời gian.
Hai người đã sống với nhau sáu ngày bên bờ sông Seine, ở La Roche‐Guyon.
Chưa bao giờ cô gái thích thú như thế. Cô đóng vai thôn nữ. Vì y giới thiệu cô là em gái mình, nên hai người sống với nhau thân mật, thoải mái và trong trắng, một thứ tình anh em đằm thắm. Y cho rằng tôn trọng cô là khôn khéo. Ngay hôm sau ngày hai người tới nơi, cô mua sắm quần áo dân quê, và cô đi câu cá, đầu đội chiếc mũ rơm to tướng có gài những đóa hoa đồng nội. Cô thấy vùng quê này thật tuyệt. Ở đấy có một cái tháp cổ và một tòa lâu đài cổ treo nhiều bức thảm tuyệt vời.
Georges mặc chiếc áo varơi may sẵn mua tại một hiệu trong vùng, đưa Suzanne đi chơi, hoặc đi bộ dọc hai bờ sông, hoặc đi thuyền. Họ ôm hôn nhau luôn, cả hai đều run rẩy, cô thì thơ ngây, còn y thì hầu như không sao cưỡng nổi. Nhưng y biết kìm lại; và khi y bảo cô: “Ngày mai chúng ta sẽ trở về Paris, ba đồng ý gả cô em cho tôi rồi”, cô hồn nhiên nói: “Rồi ư? Được làm vợ ông thích quá nhỉ!”.