Ông Bạn Đẹp - Chương 16

8

* * *

Trong thời gian còn lại của mùa đông, hai vợ chồng Du Roy đến chơi nhà Walter luôn. Georges cũng hay đến đấy ăn tối một mình, vì Madeleine kêu mệt thích ở nhà hơn.

Y chấp nhận lấy thứ Sáu làm ngày cố định, và bà chủ báo chẳng bao giờ mời ai khác vào tối hôm đó; nó được dành cho Ông Bạn Đẹp và chỉ cho Ông Bạn Đẹp mà thôi. Sau khi ăn xong, người ta chơi bài, người ta cho cá vàng ăn, sinh hoạt vui chơi như trong gia đình. Nhiều lần sau cánh cửa, sau lùm cây trong nhà kính, ở một chỗ tôi tối, bà Walter đã ôm choàng lấy chàng thanh niên, ra sức ghì y vào ngực mình và thỏ thẻ bên tai y: “Tôi yêu mình!… Tôi yêu mình!… Tôi yêu mình đến chết đi được!”. Nhưng lần nào y cũng đẩy bà ra một cách lạnh lùng và trả lời xẵng: “Nếu bà còn tái diễn, tôi sẽ không tới đây nữa đâu”.

Vào khoảng cuối tháng Ba, người ta bỗng nói đến đám cưới của hai chị em. Theo thiên hạ đồn đại thì Rose sẽ lấy Bá tước De Latour‐Yvelin, còn Suzanne lấy Hầu tước De Cazolles. Hai người đàn ông đó đã trở thành những kẻ thân thuộc trong gia đình, những kẻ thân thuộc được hưởng các đặc quyền đặc lợi rõ rệt.

Georges và Suzanne thân thiết với nhau như anh em, rất thoải mái, ba hoa trò chuyện hàng mấy giờ liền, chế giễu tất cả mọi người và có vẻ mến nhau lắm.

Họ chẳng bao giờ nhắc lại chuyện hôn nhân có khả năng xảy ra của cô thiếu nữ, mà cũng chẳng nhắc đến những anh chàng ngấp nghé cầu hôn nữa.

Một hôm, lão chủ báo kéo Du Roy đến ăn trưa, sau khi ăn xong, bà Walter bận giao dịch với người bán hàng. Và Georges bảo Suzanne:

– Ta đem bánh cho cá vàng ăn đi.

Mỗi người liền cầm một mẩu ruột bánh trên bàn và đi tới nhà kính.

Xung quanh bể cạn bằng đá cẩm thạch, những chiếc gối đệm đã được bày sẵn ngay dưới đất để mọi người có thể quỳ xuống ngắm cá bơi lội được gần hơn. Đôi nam nữ thanh niên liền quỳ xuống những chiếc gối đệm bên cạnh nhau, người cúi xuống nước, và bắt đầu dùng ngón tay vê bánh ném vào trong bể. Vừa nhìn thấy là cá kéo đến ngay, đập vây, vẫy đuôi, đảo đi đảo lại những cặp mắt lồi to tướng, lượn tròn, lặn xuống để đớp viên mồi đang chìm, rồi lại ngoi lên ngay để đòi mồi khác.

Chúng có những cái mõm ngoác ra đớp nước trông rất nhộn, thoắt tới thoắt lui, dáng dấp lạ lùng của loài quái vật nho nhỏ; và chúng nổi lên đỏ rực trên nền cát vàng dưới đáy, lướt đi như những ngọn lửa dưới làn nước trong vắt, và hễ dừng lại là phô ra các đường chỉ màu lam viền xung quanh vảy.

Georges và Suzanne nhìn những bộ mặt của chính họ lộn ngược dưới nước và mỉm cười với hình bóng của mình.

Đột nhiên y nói khe khẽ:

– Suzanne này, cứ giấu giấu giếm giếm với tôi là không tốt đâu.

Cô hỏi:

– Cái gì cơ, Ông Bạn Đẹp?

– Cô em không nhớ là đã hứa gì với tôi ư, ở chính nơi đây, tối hôm liên hoan?

– Không.

– Là sẽ hỏi ý kiến tôi khi có người đặt vấn đề với cô em.

– Thì sao?

– Thì đã có người đặt vấn đề với cô em rồi.

– Ai thế?

– Cô em biết thừa đi.

– Không. Em thề với ông.

– Có chứ, cô em có biết. Cái gã hầu tước cao lớn hợm hĩnh De Cazolles ấy mà.

– Trước hết, ông ấy không hợm hĩnh đâu.

– Có thể! Nhưng hắn ngốc nghếch; sạt nghiệp vì cờ bạc và phờ phạc vì trác táng ăn chơi. Thật là một đám hay ho đối với cô em, cô em xinh đẹp là thế, trẻ trung là thế và thông minh là thế.

Cô mỉm cười nói:

– Ông hằn học gì với ông ấy thế?

– Tôi ấy à? Chẳng hằn học gì cả.

– Có chứ. Ông ấy chẳng phải hoàn toàn như ông nói đâu.

– Thôi đi. Đó là một gã ngốc và lắm mánh khóe. Cô hơi quay đi, thôi không nhìn xuống nước nữa:

– Này, ông có chuyện gì vậy?

Y thốt lên như thể bị rút ruột rút gan lôi ra điều bí mật:

– Tôi có… tôi có… tôi có chuyện là ghen với hắn. Cô hơi ngạc nhiên một chút:

– Ông?

– Phải, tôi!

– Này. Sao lại thế?

– Bởi vì tôi phải lòng cô em, và cô em biết thừa đi, cô em độc ác ơi!

Cô liền nói với y bằng giọng nghiêm khắc:

– Ông điên rồi, Ông Bạn Đẹp ạ!

Y lại nói:

– Tôi biết là tôi điên. Chẳng lẽ tôi, một người đàn ông có vợ, lại thú nhận điều đó với một thiếu nữ như cô em ư? Tôi còn hơn cả điên nữa cơ, tôi có tội, hầu như khốn nạn. Tôi chẳng có lấy một chút hy vọng nào, và cứ nghĩ như thế là tôi điên đầu. Và khi nghe nói cô em sắp lấy chồng, có những lúc tôi nổi khùng lên chỉ muốn đâm muốn chém. Suzanne, nên tha thứ điều đó cho tôi!

Y thôi không nói nữa. Tất cả lũ cá không còn được ném bánh cho ăn, liền đứng im phăng phắc, hầu như thành hàng thành lối, chẳng khác nào bọn lính Anh, và hếch mắt nhìn những khuôn mặt cúi xuống của hai con người chẳng còn quan tâm đến chúng nữa kia.

Cô gái nói, nửa như buồn, nửa như vui:

– Đáng tiếc là ông có vợ rồi. Ông muốn sao? Chẳng làm thế nào được nữa. Thế là hết!

Y quay phắt ngay lại về phía cô và nói kề sát mặt:

– Nếu tôi tự do, cô em có lấy tôi không?

Cô đáp với giọng điệu thành thật:

– Có, Ông Bạn Đẹp ạ, em sẽ lấy ông, vì em mến ông hơn mọi người khác rất nhiều.

Y đứng dậy và ấp a ấp úng:

– Cám ơn…, cám ơn…, tôi van cô em, đừng nhận lời ai cả!

Hãy đợi thêm chút nữa. Tôi van cô em! Cô em có hứa với tôi điều đó không?

Cô hơi bối rối, chẳng hiểu y muốn gì và nói:

– Em xin hứa với ông như thế.

Du Roy quẳng xuống nước miếng bánh mì to còn cầm trong tay, và bỏ chạy đi như phát cuồng, chẳng chào tạm biệt.

Tất cả lũ cá ngấu nghiến lao vào miếng ruột bánh mì nổi lềnh bềnh vì chưa được viên thành từng viên, và ngoác những cái mõm phàm ăn ra cắn xé. Chúng lôi miếng ruột bánh sang đầu bể đằng kia, và ngọ nguậy bên dưới, lúc này tạo thành một cụm di động, trông giống như đóa hoa tươi, linh hoạt và quay tròn, rơi chúi đầu xuống nước.

Suzanne sửng sốt, băn khoăn, đứng dậy và lặng lẽ vào nhà. Anh chàng nhà báo đã đi rồi.

Y về nhà, bình thản như không, và thấy Madeleine đang viết thư, y liền hỏi:

– Thứ Sáu này em có ăn tối tại nhà ông bà Walter không? Anh thì sẽ đi đấy.

Nàng ngập ngừng:

– Không. Em thấy người hơi mệt. Em muốn ở nhà hơn. Y đáp:

– Em muốn thế nào cũng được. Chẳng ai ép cả.

Rồi y lại cầm mũ và đi ra luôn.

Từ lâu y vẫn rình mò, để ý, theo dõi vợ, biết mọi cung cách của vợ. Giờ phút y vẫn chờ đợi đã đến rồi. Y chẳng lầm về cái giọng nàng trả lời: “Em muốn ở nhà hơn”.

Trong mấy ngày tiếp theo đó, y hết sức dễ thương đối với vợ. Thậm chí thời gian gần đây y rất vui vẻ, khác với thường ngày. Nàng bảo y:

– Anh trở lại tử tế rồi đấy!

Đến thứ Sáu, y mặc quần áo từ sớm để đi mua mấy thứ trước khi tới nhà ông chủ báo, theo như y nói.

Rồi y ra đi vào lúc sáu giờ sau khi đã ôm hôn vợ, và tới quảng trường Notre‐Dame‐de‐Lorette kiếm một chiếc xe ngựa.

Y bảo người đánh xe:

– Bác dừng xe lại trước cửa số nhà 17, phố Fontaine, và dừng lại đấy cho đến khi nào tôi bảo đi mới đi. Sau đó bác đưa tôi đến tiệm ăn Coq‐Faisan, phố Lafayette.

Chiếc xe lăn bánh theo nhịp nước kiệu của con ngựa chạy rề rà và Du Roy hạ các bức mành mành xuống. Khi đã ở trước cửa nhà, y nhìn vào cửa không rời mắt ra nữa. Sau mười phút chờ đợi, y thấy Madeleine bước ra và đi ngược về phía các đại lộ ngoại vi.

Khi nàng vượt lên đã xa, y liền thò đầu ra ngoài cửa xe và kêu:

– Đi đi!

Chiếc xe lại lăn bánh và đưa y đến trước tiệm Coq‐Faisan, một tiệm ăn bình dị quen biết trong khu phố, Georges vào trong cái phòng chung, và ăn nhẩn nha, thỉnh thoảng lại giở đồng hồ ra xem. Đến bảy rưỡi, sau khi đã uống một tách cà phê, hai ly sâm banh hảo hạng và thong thả hút một điếu xì gà thơm, y đi ra, gọi một chiếc xe khác chưa có khách đang đi ngang qua và bảo chở đến phố La Rochefoucauld.

Y bảo xe dừng lại trước một ngôi nhà, và lên thẳng lầu ba, không hỏi người gác cổng, và khi chị đầy tớ ra mở cửa, y hỏi:

– Ông Guilbert de Lorme có nhà phải không?

– Thưa ông, vâng ạ.

Y được dẫn vào phòng khách, chờ đợi chốc lát. Rồi một người đàn ông bước vào, cao lớn, đeo huân chương, dáng vẻ nhà binh và mái tóc hoa râm tuy người còn trẻ.

Du Roy chào rồi nói:

– Như tôi dự kiến, thưa ông ủy viên cảnh sát, vợ tôi đang ăn tối với nhân tình trong căn hộ có đồ đạc họ thuê ở phố Martyrs.

Viên cảnh sát nghiêng mình:

– Thưa ông, tôi sẵn sàng phục vụ.

Georges lại nói:

– Ông có quyền hành động đến chín giờ phải không? Quá giới hạn ấy, ông không thể xông vào nhà riêng để xác nhận trường hợp ngoại tình.

– Không, thưa ông, bảy giờ về mùa đông, chín giờ kể từ ngày Ba mươi mốt tháng Ba trở đi. Hôm nay là mùng Năm tháng Tư, nên chúng ta có thể hành động đến chín giờ.

– Vậy thì, thưa ông ủy viên cảnh sát, tôi có sẵn một cái xe dưới kia, chúng ta có thể đem các nhân viên đi cùng với ông, rồi chúng ta sẽ đợi chốc lát ở trước cửa. Càng đến muộn, chúng ta càng có nhiều khả năng bắt được quả tang chúng đang phạm tội.

– Thưa ông, tùy ý ông.

Ủy viên cảnh sát đi ra, rồi trở lại, trên người mặc chiếc áo khoác che cái thắt lưng ba màu. Ông né sang một bên lấy lối cho Du Roy đi. Nhưng anh chàng nhà báo đầu óc mải nghĩ ngợi nên không chịu đi ra trước, và nhắc đi nhắc lại: “Đi sau ông… đi sau ông”.

Viên cẩm nói:

– Ông đi trước đi, thưa ông, đây là nhà tôi mà. Du Roy liền vừa chào vừa ra khỏi cửa.

Mới đầu họ đến Sở Cảnh sát tìm ba viên cảnh sát mặc thường phục đang đợi, vì Georges đã báo trước cho họ từ sớm là tối hôm đó sẽ có vụ đi bắt gian. Một viên cảnh sát trèo lên ngồi bên cạnh bác xà ích. Còn hai viên cảnh sát kia chui vào trong xe, và xe đến phố Martyrs.

Du Roy bảo:

– Tôi có sơ đồ nhà ở đây. Ở trên gác hai. Trước hết, chúng ta sẽ thấy một tiền sảnh nhỏ, rồi đến buồng ngủ. Ba phòng, vào phòng nọ phải qua phòng kia. Chẳng thể dễ dàng trốn qua lối nào được. Cách đây một quãng có bác thợ khóa. Bác ta sẵn sàng tuân theo sự trưng dụng của ông.

Khi mấy người đến trước ngôi nhà được chỉ định, mới có tám giờ mười lăm, và họ lặng lẽ đợi hơn hai mươi phút nữa. Và khi Georges thấy đồng hồ sắp chỉ chín giờ kém mười lăm, y liền nói:

– Bây giờ chúng ta lên.

Và họ lên thang gác, phớt lờ người gác cổng, vả chăng bác ta cũng không để ý. Một viên cảnh sát ở lại ngoài phố để giám sát lối ra.

Bốn người dừng lại ở gác hai, và Du Roy mới đầu áp tai vào cửa rồi ghé mắt nhìn qua lỗ khóa. Y không nghe thấy gì mà cũng chẳng nhìn thấy gì. Y kéo chuông.

Ông ủy viên cảnh sát bảo các tay cảnh sát:

– Các anh đứng lại đây, sẵn sàng gọi đến là có ngay.

Và họ đợi. Vài ba phút sau, Georges lại kéo núm dây chuông nhiều lần liên tiếp. Họ thoáng nghe có tiếng động ở tận trong cùng căn hộ; rồi có tiếng bước chân rón rén đến gần. Có ai tới dò xét. Anh chàng nhà báo liền co ngón tay gõ mạnh vào lớp cửa gỗ.

Một giọng nói, giọng phụ nữ đã bị cố làm cho lạc đi, hỏi:

– Ai đấy?

Viên sĩ quan cảnh sát đáp:

– Mở cửa ra, nhân danh pháp luật.

Giọng nói nhắc lại:

– Ông là ai?

– Ủy viên cảnh sát. Mở cửa ra, không tôi phá cửa.

Giọng đó nói tiếp:

– Ông muốn gì?

Và Du Roy bảo:

– Tôi đây mà. Đừng hòng mà trốn thoát.

Bước chân rón rén, bước chân không đi giày, nghe xa dần, rồi mấy giây sau quay trở lại.

Georges bảo:

– Nếu các người không muốn mở, bọn này sẽ phá cửa. ‐ Y nắm chặt lấy quả đấm cửa bằng đồng và tì vai từ từ đẩy. Nhưng vì không thấy ai trả lời nữa, y liền bất thình lình hích một cái rất dữ dội, rất mãnh liệt đến nỗi ổ khóa cũ kỹ của ngôi nhà cho thuê có đồ đạc bật ra. Những chiếc đinh ốc bị nhổ tung khỏi gỗ, và chàng thanh niên suýt nữa ngã nhào vào nàng Madeleine đang đứng ở tiền sảnh, mặc chiếc áo sơ mi và cái váy trong, tóc xổ tung, đôi cẳng chân để trần, tay cầm cây nến.

Y kêu lên:

– Chính là cô ả, ta tóm được chúng rồi. ‐ Và y xộc vào trong nhà. Viên cảnh sát bỏ mũ ra, đi theo y. Còn người thiếu phụ hốt hoảng đi phía sau, cầm nến soi.

Họ đi ngang qua phòng ăn, bát đĩa chưa dọn dẹp, còn bày ra các thức ăn thừa: những chai sâm banh đã cạn, một liễn đựng gan ngỗng mở vung, một bộ xương gà giò và những mẩu bánh ăn dở. Hai cái đĩa chất đầy những chồng vỏ sò đặt trên tủ bày bát đĩa.

Căn buồng như bị tan hoang vì có cuộc vật lộn. Một chiếc áo dài trùm lên ghế tựa, một chiếc quần cộc đàn ông vắt trên tay ghế bành. Bốn chiếc giày có cổ, hai chiếc lớn, hai chiếc bé nằm vật nghiêng ở dưới chân giường.

Đó là căn buồng của một ngôi nhà cho thuê có trang bị đồ đạc xoàng xĩnh, phảng phất mùi lờm lợm và nhạt nhẽo của các căn phòng khách sạn, cái mùi toát lên từ rèm, thảm, tường, ghế, mùi của tất cả những kẻ đã ngủ một đêm hoặc đã sống sáu tháng trong nơi ở công cộng này, và đã lưu lại đây một chút hơi hướng của họ cộng với cái hơi người đã tích tụ của những kẻ ở trước, lâu dần tạo thành một mùi hôi hám khó phân biệt, dìu dịu mà khó chịu vô cùng, ở chỗ nào cũng thế.

Một đĩa bánh ga tô, một chai rượu ngọt Chartreuse và hai chiếc ly nhỏ còn lưng lửng rượu để bừa bộn trên lò sưởi. Một chiếc mũ đàn ông to tướng chụp lên cái đồng hồ quả lắc bằng đồng.

Ủy viên cảnh sát quay ngoắt lại và nhìn thẳng vào mắt Madeleine:

– Có phải đúng bà là Claire‐Madeleine Du Roy, vợ chính thức của ông Prosper‐Georges Du Roy, nhà báo, hiện có mặt ở đây không?

Nàng nghẹn ngào nói:

– Thưa ông, vâng.

– Bà làm gì ở đây? Nàng không trả lời. Viên cảnh sát lại nói:

– Bà làm gì ở đây? Tôi thấy bà ở bên ngoài nhà bà, gần như không quần không áo, trong một căn hộ cho thuê có đồ đạc. Bà tới đây làm gì?

Ông chờ đợi một lát. Rồi, thấy nàng vẫn im lặng, ông nói tiếp:

– Vì bà không muốn thú nhận, thưa bà, nên tôi buộc lòng phải xác minh.

Trên giường có hình thù một người đang trùm kín trong chăn.

Viên cẩm tiến lại gần và gọi:

– Ông ơi?

Người nằm trong chăn không động đậy. Hắn có vẻ như quay lưng ra ngoài, đầu vùi dưới gối.

Viên sĩ quan sờ vào chỗ xem chừng là cái vai, và nhắc lại:

– Ông ơi, xin ông đừng bắt tôi phải ra tay.

Nhưng cái thân thể trùm kín vẫn đờ ra như đã chết.

Du Roy liền sấn sổ bước tới, túm lấy chăn giật ra, lật gối lên, để lộ bộ mặt xám ngoét của Laroche‐Mathieu. Y cúi xuống và phát run lên vì muốn vồ lấy bóp cổ, nghiến răng rít bảo hắn:

– Ít nhất mi cũng phải có cái dũng cảm như khi làm trò đê tiện của mi chứ.

Viên cẩm hỏi thêm:

– Ông là ai?

Gã nhân tình cuống quýt, không đáp, ông lại nói:

– Tôi là sĩ quan cảnh sát và tôi buộc ông phải cho biết họ tên! Georges nổi khùng điên tiết run lên bần bật, quát:

– Trả lời đi đồ hèn nhát, nếu không thì ta, ta sẽ nói tên mi ra.

Người đàn ông đang nằm liền ấp úng:

– Thưa ông ủy viên cảnh sát, ông không nên để cho hắn ta lăng nhục tôi. Tôi phải giải quyết với ông hay với hắn? Tôi phải trả lời ông hay trả lời hắn?

Ông ta có vẻ như không còn nước bọt trong miệng nữa.

Viên sĩ quan đáp:

– Với tôi, thưa ông, chỉ với tôi mà thôi. Tôi hỏi ông là ai?

Ông ta không nói. Ông ghì chặt chăn vào cổ và đôi mắt hoảng hốt nhớn nha nhớn nhác. Chòm ria mép nho nhỏ vểnh cong của ông có vẻ đen sì trên bộ mặt tái nhợt.

Viên cẩm lại nói:

– Ông không muốn trả lời ư? Vậy tôi buộc lòng phải bắt ông. Dù thế nào, ông cũng dậy đi đã. Tôi sẽ hỏi ông khi ông mặc quần áo xong.

Cái thân thể ngọ nguậy trong giường, và cái đầu lẩm bẩm:

– Nhưng tôi không thể, trước mặt các ông.

Viên cẩm hỏi:

– Tại sao cơ chứ?

Ông ta ấp a ấp úng:

– Tại vì… tại vì… tôi… tôi trần truồng.

Du Roy liền cười khẩy, nhặt một chiếc áo sơ mi rơi dưới đất, quẳng lên giường và quát:

– Nào… dậy đi… Vì mi đã cởi quần áo ra trước mặt vợ ta được, thì cũng có thể mặc quần áo vào trước mặt ta.

Rồi y quay đi và trở lại chỗ lò sưởi.

Madeleine đã lấy lại được bình tĩnh, và thấy rằng mọi chuyện thế là hỏng hết nên nàng sẵn sàng dám làm tất cả. Mắt nàng rực lên như thách thức; và nàng cuộn một mẩu giấy châm mười ngọn nến trên các giá nến nhiều ngọn xấu xí đặt ở các góc lò sưởi như để tiếp khách. Rồi nàng dựa lưng vào đá cẩm thạch, ghếch một bàn chân để trần bên bếp lửa đang tàn lụi, làm cho chiếc váy trong gần tuột bên hông hếch lên phía sau, rồi lấy một điếu thuốc lá trong cái bao bằng giấy hồng, châm lửa hút.

Viên cảnh sát trở lại bên nàng, đợi cho anh chàng tòng phạm đứng dậy.

Nàng hỏi xấc xược:

– Ông thường làm nghề này ư, thưa ông? Ông trịnh trọng đáp:

– Càng ít càng hay, thưa bà.

Nàng mỉm cười nhạo báng:

– Tôi xin mừng cho ông, nghề đó chẳng sạch sẽ gì.

Nàng làm ra vẻ như không nhìn chồng, như không thấy chồng.

Lúc đó, ông trên giường mặc quần áo. Ông ta đã xỏ chân vào quần, đi giày có cổ, và vừa mặc áo gi lê vừa bước lại gần.

Viên sĩ quan cảnh sát quay về phía ông ta:

– Bây giờ, thưa ông, ông có muốn cho tôi biết ông là ai không?

Ông ta không trả lời.

Viên cẩm tuyên bố:

– Tôi buộc lòng phải bắt ông.

Ông ta thình lình thốt lên:

– Đừng có đụng vào tôi. Tôi là bất khả xâm phạm!

Du Roy nhào tới, như để quật cho ông ta ngã xuống, và y làu bàu vào mặt ông:

– Phạm tội rành rành… phạm tội rành rành. Ta có thể cho bắt mi, nếu ta muốn, đúng thế, ta có thể cho bắt mi.

Rồi bằng một giọng run lên:

– Người này tên là Laroche‐Mathieu, Bộ trưởng Ngoại giao. Viên sĩ quan cảnh sát sửng sốt lùi lại, ấp úng:

– Hẳn là, thưa ông, cuối cùng ông có vui lòng cho tôi biết ông là ai không?

Người đó liền quyết định, và nói cứng cỏi:

– Ít ra lần này thằng khốn nạn kia đã không nói dối. Quả thật tôi tên là Laroche‐Mathieu, Bộ trưởng.

Rồi dang cánh tay về phía ngực Georges, nơi có một chấm nhỏ màu đỏ lấp lánh, ông ta nói thêm:

– Và cái thằng vô lại kia đang đeo trên áo tấm huân chương tôi ban cho nó đấy.

Du Roy trở nên tái nhợt. Y giật phắt khỏi khuyết áo cái dải huân chương gắn hình ngọn lửa và quẳng vào lò sưởi:

– Huân chương của bọn đểu cáng như mi gắn cho thì chỉ đáng thế này thôi!

Hai người đứng đối diện sát mặt nhau, hầm hè, nghiến răng nghiến lợi, bàn tay nắm chặt, một người thì gầy, ria mép vểnh lên, một người thì béo, ria mép cong tớn.

Viên sĩ quan cảnh sát vội nhảy vào lấy tay gạt hai người ra:

– Thưa các ngài, sao lại xử sự lỗ mãng như thế được, các ngài quên ư?

Cả hai chẳng nói năng gì và quay gót lại với nhau. Madeleine vẫn đứng im không nhúc nhích, vừa hút thuốc vừa tủm tỉm cười.

Viên sĩ quan cảnh sát lại nói:

– Ông bộ trưởng, tôi đã bắt được quả tang ông với bà Du Roy đây, ông thì đang nằm, còn bà thì gần như trần truồng. Quần áo vứt lung tung khắp phòng, đấy rành rành là tội ngoại tình. Các người không thể chối cãi được. Ông có cần trả lời gì không?

Laroche‐Mathieu lẩm bẩm:

– Tôi chẳng có gì cần nói cả. Cứ làm nhiệm vụ của ông đi.

Viên cẩm hỏi Madeleine:

– Thưa bà, bà có thừa nhận ông đây là nhân tình của bà không?

Nàng hiên ngang tuyên bố:

– Tôi không chối, ông ấy là nhân tình của tôi!

– Thế là đủ.

Rồi viên sĩ quan cảnh sát ghi chép đôi nét về tình trạng và cách bố trí trong nhà. Viên bộ trưởng đã mặc quần áo xong và đang đợi, áo choàng vắt trên cánh tay, còn tay kia cầm mũ, thấy ông ghi chép xong, liền hỏi:

– Ông còn cần đến tôi nữa không, thưa ông? Tôi phải làm gì bây giờ? Tôi có thể rút lui được chứ?

Du Roy quay về phía ông ta và mỉm cười ngạo mạn:

– Sao lại thế? Chúng tôi xong việc rồi. Ông có thể đi ngủ lại, ông ạ. Chúng tôi sắp để hai người ở lại đây một mình.

Và ẩn ngón tay lên cánh tay viên sĩ quan cảnh sát:

– Chúng ta rút lui thôi, thưa ông ủy viên cảnh sát, chúng ta chẳng còn việc gì làm ở nơi này nữa.

Viên cẩm hơi ngạc nhiên, đi theo y; nhưng ra đến cửa buồng, Georges dừng lại để cho ông đi trước. Ông khước từ theo phép xã giao.

Du Roy ép:

– Đi đi chứ, thưa ông.

Viên cẩm nói:

– Tôi xin đi sau.

Anh chàng nhà báo liền cúi chào và bằng giọng lễ phép mỉa mai:

– Bây giờ đến lượt ông, thưa ông ủy viên cảnh sát. Ở đây gần như là ở nhà tôi mà.

Rồi y nhẹ nhàng đóng cửa lại, với vẻ kín đáo.

Một giờ sau, Georges Du Roy vào trong các văn phòng của tờ Đời sống Pháp.

Lão Walter đã có mặt ở đấy rồi, vì lão tiếp tục điều khiển và theo dõi sát sao tờ báo giờ đây đã được khuếch trương mạnh mẽ và tạo thuận lợi nhiều cho các hoạt động ngân hàng ngày càng lớn của lão.

Lão giám đốc ngẩng đầu lên hỏi:

– Kìa, anh đấy ư? Anh có vẻ kỳ cục quá! Tại sao anh không đến nhà tôi ăn tối nữa? Anh từ đâu ra thế?

Chàng thanh niên tin chắc vào hiệu quả của mình, nên tuyên bố, nhấn từng tiếng:

– Tôi vừa hạ bệ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

Lão chủ tưởng y đùa.

– Vừa hạ bệ… Sao cơ?

– Tôi sắp thay đổi nội các. Đầu đuôi là thế! Tống khứ cái xác thối ấy đi chẳng phải là quá sớm đâu!

Lão già sửng sốt tưởng anh nhà báo của mình chếnh choáng hơi men. Lão cằn nhằn nhắc:

– Này, anh nói năng vớ vẩn thế?

– Không hề. Tôi vừa bắt quả tang Laroche‐Mathieu ngoại tình với vợ tôi. Ông ủy viên cảnh sát đã xác nhận điều đó. Bộ trưởng thế là đi đời!

Walter sững sờ, nâng kính lên hẳn trên trán và hỏi:

– Anh không đùa tôi đấy chứ?

– Hoàn toàn không ạ. Tôi còn sắp viết một mẩu tin về vụ này nữa đây.

– Vậy thế anh muốn gì?

– Hạ bệ cái tên bất lương, cái tên khốn nạn, cái tên gian ác với mọi người đó!

Georges đặt mũ lên ghế bành rồi nói thêm:

– Liệu hồn những kẻ nào làm vướng đường ta. Ta chẳng bao giờ tha thứ đâu.

Lão giám đốc vẫn ngập ngừng chưa hiểu. Lão nói:

– Nhưng còn… vợ anh?

– Ngay sáng mai tôi sẽ xin ly dị. Tôi trả cô ta về với gã Forestier đã quá cố.

– Anh muốn ly dị ư?

– Tất nhiên. Tôi đã trở thành lố lăng. Nhưng tôi phải giả ngô giả ngọng để bắt quả tang chúng. Thế là xong. Giờ thì tôi đã làm chủ tình thế.

Lão Walter hết sức ngạc nhiên; lão nhìn Du Roy bằng cặp mắt hốt hoảng và nghĩ: “Ủa. Anh chàng này chơi được đây!”.

Georges lại nói:

– Bây giờ tôi tự do… Tôi có một số vốn liếng. Tôi sẽ ra ứng cử vào dịp bầu lại tháng Mười này, ở quê tôi nơi tôi được rất nhiều người biết đến. Tôi không thể nào có tư thế và làm cho mọi người kính trọng với người đàn bà mà thiên hạ ai cũng thấy là mờ ám kia. Mụ đã coi tôi như một kẻ khờ khạo, mụ đã tán tỉnh và túm bắt lấy tôi. Nhưng từ khi tôi biết được mánh khóe của con mụ tồi tệ ấy, tôi đã giám sát mụ ta.

Y bật cười lên và nói thêm:

– Chính cái anh chàng Forestier tội nghiệp bị cắm sừng… cắm sừng mà không ngờ, vẫn cứ tin cậy và bình tâm. Giờ thế là tôi đã được giải thoát khỏi cái con mụ đĩ thõa mà anh ta để lại cho tôi. Hai tay tôi được cởi trói rồi. Bây giờ tôi sẽ tiến xa.

Y ngồi cưỡi trên một chiếc ghế tựa. Y nhắc lại, dường như đang nghĩ ngợi:

– Tôi sẽ tiến xa.

Lão Walter vẫn nhìn y bằng đôi mắt để trần, vì kính vẫn còn trên trán, và lão nghĩ bụng:

– Đúng thế, hắn sẽ tiến xa, thằng cha láu cá này.

Georges đứng dậy:

– Tôi đi viết mẩu tin vặt đây. Cần phải tiến hành một cách kín đáo. Nhưng ngài biết đấy, nó sẽ khủng khiếp đối với tay bộ trưởng. Hắn là kẻ đã rơi xuống biển rồi. Không thể nào vớt lên được nữa. Tờ Đời sống Pháp chẳng cần gì mà phải nể nang hắn.

Lão già do dự chốc lát rồi đi đến quyết định:

– Anh cứ viết đi, ‐ lão nói, ‐ thây kệ những đứa nào sa xuống các hố bùn ấy.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3