Ông Bạn Đẹp - Chương 15
7
* * *
Cuộc chinh phục Marôc đã hoàn thành được hai tháng. Nước Pháp làm chủ Tanger, là chiếm lĩnh toàn bộ bờ biển châu Phi từ Địa Trung Hải đến tận quản hạt Tripoli, và đã đảm bảo thanh toán nợ cho xứ sở mới bị thôn tính.
Người ta bảo hai vị bộ trưởng kiếm được trong vụ này khoảng hai chục triệu, và hầu như công khai nhắc đến tên Laroche‐Mathieu.
Còn Walter thì ở Paris chẳng ai là không biết lão đã chơi một cú đôi và thu được từ ba chục đến bốn chục triệu về khoản công trái và từ tám đến mười triệu về các mỏ đồng mỏ sắt cũng như về các vùng đất đai bao la mua với giá rẻ mạt trước cuộc chinh phục và bán lại cho các công ty khai thác thuộc địa sau ngày quân Pháp chiếm đóng.
Chỉ có mấy ngày, lão đã trở thành một trong các vị chúa tể của thế giới, một trong các nhà tài chính quyền lực vô biên, mạnh hơn vua chúa và làm cho mọi cái đầu phải cúi xuống, mọi cái miệng phải ấp a ấp úng và làm bật ra hết tất cả những gì là đê mạt, hèn nhát và đố kỵ từ đáy lòng con người.
Lão không còn là lão Do Thái Walter, chủ của một nhà ngân hàng ám muội, giám đốc của một tờ báo khả nghi, nghị sĩ bị ngờ là có những mánh khóe gian giảo. Lão là ngài Walter, ngài Do Thái giàu có.
Lão muốn phô điều đó ra.
Biết sự túng quẫn của Hoàng thân Carlsbourg, chủ nhân của một trong những dinh thự đẹp nhất ở phố Faubourg‐Saint‐ Honoré có vườn cây trông ra Champs‐Élysées, lão đề nghị hoàng thân bán cho lão bất động sản đó, dứt điểm trong hai mươi bốn giờ, với toàn bộ đồ đạc, không thay đổi vị trí một cái ghế nào. Lão trả ba triệu. Hoàng thân chấp nhận, vì món tiền hấp dẫn quá.
Hôm sau, Walter đến ở nhà mới.
Lúc đó lão nảy ra một ý nghĩ khác, một ý nghĩ thật sự của kẻ chinh phục muốn chiếm lĩnh Paris, một ý nghĩ theo kiểu Bonaparte.
Dạo ấy cả thành phố sắp được xem một bức danh họa của họa sĩ người Hungary là Karl Marcowitch, được trưng bày tại nhà một người sành hội họa là Jacques Lenoble, đó là bức tranh vẽ Chúa Cơ Đốc đi trên sóng.
Các nhà phê bình hội họa hào hứng tuyên bố bức tranh ấy là kiệt tác tuyệt vời nhất của thế kỷ.
Walter mua bức tranh với giá năm trăm ngàn frăng và lấy đi luôn làm cho công chúng đang háo hức chờ đợi bị chưng hửng và buộc toàn thể Paris phải nói về lão để mà ghen tức, trách móc hoặc tán thưởng.
Rồi lão cho công bố trên các báo chí là sẽ mời tất cả những người có tiếng tăm trong xã hội Paris đến nhà lão một buổi tối nào đó để ngắm tuyệt tác của một bậc thầy nước ngoài, để không ai có thể nói được rằng lão đã độc chiếm một tác phẩm nghệ thuật.
Nhà lão sẽ rộng mở. Ai muốn tới thì tới. Chỉ cần xuất trình giấy mời ở cửa.
Giấy viết thế này: “Ông Bà Walter hân hạnh mời ngài đến chơi nhà ngày Ba mươi tháng Chạp, từ chín giờ tối đến nửa đêm, để ngắm tranh Jésus đi trên sóng soi sáng bằng ánh điện”.
Rồi ở phần tái bút, bằng chữ nhỏ li ti, ta có thể đọc: “Sẽ có khiêu vũ sau lúc nửa đêm”.
Vậy là ai muốn ở lại thì ở lại, và trong số những người đó, hai vợ chồng Walter tuyển lựa chỗ quen biết cho hôm sau.
Còn những người khác thì xem tranh, thăm dinh thự và hai vợ chồng chủ nhân với vẻ chăm chú cho phải phép, hoặc khinh khỉnh hoặc hờ hững, rồi ai nấy ra về như đã tới. Và lão Walter biết là sau này họ sẽ trở lại như họ đã đến nhà những người anh em Do Thái đã trở nên giàu có như lão.
Trước hết, tất cả những kẻ có tiếng mà không có miếng được nêu tên trên các báo chí phải tới nhà lão; và họ tới nhà để nhìn mặt người đã kiếm được năm chục triệu trong sáu tuần lễ và cũng tới nhà để thấy và để đếm những kẻ tới đây; và họ còn tới nhà vì lão đã có nhã ý và khéo léo mời họ đến ngắm một bức tranh Cơ Đốc giáo tại nhà lão, con cháu của xứ Israel.
Dường như lão muốn bảo họ: “Các ngài thấy đấy, tôi đã mua kiệt tác tôn giáo Jésus đi trên sóng của Marcowitch với giá năm trăm ngàn frăng. Và kiệt tác ấy mãi mãi ở lại tại nhà tôi, dưới mắt tôi, nhà ông Do Thái Walter”.
Trong giới quý tộc, trong giới của các công tước phu nhân và của các cha cá ngựa, người ta đã bàn tán nhiều về lời mời ấy, lời mời kể ra cũng chẳng ràng buộc gì. Người ta tới đấy như tới nhà ông Petit xem tranh thuốc nước. Vợ chồng Walter có trong tay một kiệt tác; và một buổi tối mở rộng cửa để mọi người có thể tới ngắm tranh. Chỉ có thế thôi.
Báo Đời sống Pháp từ nửa tháng nay sáng nào cũng đưa một tin vặt về buổi tối ngày Ba mươi tháng Chạp ấy và cố khêu gợi sự tò mò của công chúng.
Du Roy nổi khùng lên về sự thắng lợi của lão chủ báo.
Y đã tưởng là mình giàu với năm trăm ngàn frăng bóp nặn được của vợ, và giờ đây y thấy mình nghèo, nghèo kiết mồng tơi khi so sánh cái tài sản tồi tàn của y với trận mưa bạc triệu xung quanh mà y chẳng làm sao nhặt được đồng nào.
Nỗi ghen tức của y mỗi ngày một tăng thêm. Y giận tất cả mọi người, giận hai vợ chồng Walter mà y đã không tới nhà thăm nữa, giận vợ bị Laroche lừa dối nên đã can y đừng mua công trái Marôc, và nhất là y giận tay bộ trưởng đã lừa y, đã sử dụng y, và đã ăn tối mỗi tuần hai lần ở nhà y. Georges làm thư ký cho ông ta, làm tay chân của ông ta, là cái quản bút của ông ta, và lúc ông ta đọc cho y viết, y cảm thấy điên tiết muốn bóp cổ thằng cha đỏm dáng hí hửng ta đây ấy. Với tư cách là bộ trưởng, thành công của Laroche chưa thấm vào đâu, và để giữ cho cái ghế của mình, ông ta không để hở ra cho ai đoán biết mình là kẻ lắm vàng nhiều bạc. Nhưng Du Roy cảm thấy được số vàng bạc ấy trong lời nói kênh kiệu hơn của viên luật sư hãnh tiến, trong cử chỉ ngạo mạn hơn, trong những sự khẳng định táo bạo hơn và trong thái độ hoàn toàn tự tin của ông ta.
Bây giờ Laroche ngự trị trong nhà Du Roy, chiếm chỗ và chiếm những ngày của Bá tước De Vaudrec, nói năng với gia nhân đầy tớ như một ông chủ thứ hai.
Georges nghiến răng nghiến lợi chịu đựng ông ta, như con chó muốn cắn mà không dám cắn. Nhưng y thường khắc nghiệt và tàn nhẫn với Madeleine, còn nàng chỉ nhún vai coi y như đứa trẻ vụng dại. Tuy nhiên, nàng ngạc nhiên thấy y lúc nào cũng cau có và nàng cứ nhắc luôn:
– Em chẳng hiểu anh ra sao nữa. Anh lúc nào cũng than phiền. Thế mà địa vị của anh thì tuyệt vời.
Y quay đi và không trả lời gì cả.
Mới đầu y tuyên bố là sẽ không tới dự buổi liên hoan của lão chủ báo và không muốn đặt chân tới nhà tên Do Thái bẩn thỉu ấy nữa.
Hai tháng nay, ngày nào bà Walter cũng viết thư cho y, năn nỉ y tới nhà, hay hẹn hò nơi nào cũng được, bà nói là để trao lại bảy chục ngàn frăng đã kiếm được cho y.
Y không trả lời và quẳng những bức thư tuyệt vọng ấy vào lửa. Chẳng phải là y khước từ nhận phần lời lãi của y, mà là y muốn làm cho bà ta hốt hoảng, muốn tỏ ra khinh miệt bà, muốn giày xéo bà dưới chân. Bà quá giàu mà! Y muốn lên mặt ta đây.
Đúng ngày trưng bày bức tranh, khi Madeleine vạch cho y thấy không muốn đến dự là sai lầm to, y đáp:
– Để mặc tôi. Tôi ở lại nhà.
Rồi bỗng nhiên sau khi ăn tối xong, y nói:
– Dẫu sao chịu đựng cực hình ấy vẫn là hơn. Em sửa soạn mau lên.
Nàng biết trước là sẽ như thế.
– Chỉ một khắc đồng hồ là em chuẩn bị xong, ‐ nàng nói.
Y vừa mặc quần áo vừa làu bàu, và ngay khi ngồi trong xe ngựa rồi, y vẫn còn bực bội.
Cái sân chính của dinh thự Carlsbourg được chiếu sáng rực rỡ bằng bốn bóng điện trông giống như bốn vầng trăng xanh xanh ở bốn góc. Một tấm thảm lộng lẫy từ trên thềm cao trải xuống các bậc và ở bậc nào cũng có một người mặc hiệu phục đứng thẳng đơ như tượng.
Du Roy lẩm bẩm:
– Lòe thiên hạ mới ghê chưa. ‐ Y nhún vai, lòng se lại vì ghen tức.
Vợ y bảo:
– Anh im đi và hãy làm được như thế.
Hai vợ chồng vào nhà và trao những bộ áo khoác nặng nề cho các gia nhân đón tiếp.
Nhiều phụ nữ cùng đi với các đức ông chồng cũng đang cởi những bộ áo lông ở đấy. Có tiếng xì xào:
– Tuyệt quá! Tuyệt quá nhỉ!
Tiền sảnh rộng thênh thang căng những bức thảm treo tường thể hiện cuộc dan díu giữa thần Chiến tranh và thần Vệ nữ. Bên phải và bên trái là hai nhánh của một cầu thang đồ sộ vươn lên gặp lại nhau trên tầng lầu thứ nhất. Tay vịn là một kỳ quan bằng sắt rèn, lớp mạ vàng cũ đã xỉn hắt ánh lờ mờ dọc các bậc thang bằng đá cẩm thạch màu đỏ.
Ở lối vào phòng khách, một cô bé mặc áo hồng và một cô bé mặc áo lam đứng tặng hoa cho các bà. Trông thật hay hay.
Trong các phòng khách đã có đông người.
Phần đông các phụ nữ đều mặc thường phục để tỏ rõ là họ tới đây cũng như đi đến mọi cuộc triển lãm riêng khác. Những ai định ở lại khiêu vũ thì đôi vai và hai cánh tay để trần.
Bà Walter, đang được các bà bạn xúm xít xung quanh, đứng ở trong phòng thứ hai và chào đáp lễ khách khứa. Nhiều người không biết bà, nên đi qua đi lại như trong viện bảo tàng, chẳng cần biết những chủ nhân của tòa nhà là ai.
Khi nhìn thấy Du Roy, bà tái người đi và định đến với y. Nhưng bà sững lại và chờ đợi. Y chào bà trịnh trọng, trong khi Madeleine vồn vã chúc mừng. Georges liền để vợ đứng lại với bà chủ báo; còn y thì biến vào giữa đám đông để nghe ngóng những lời ác ý chắc chắn thế nào chẳng có.
Năm phòng khách nối tiếp nhau, căng toàn vải quý, những hàng thêu của Italia hoặc các tấm thảm phương Đông sắc thái và phong cách khác nhau, và trên tường là tranh của các nhà danh họa thời trước. Đặc biệt người ta dừng lại để ngắm một căn phòng nhỏ kiểu Louis XVI, loại phòng khách của phụ nữ căng toàn lụa thêu hoa màu hồng trên nền lam nhạt. Các bàn ghế thấp, bằng gỗ mạ vàng, phủ cùng một loại vải như vải treo tường, trông hết sức thanh tao.
Georges nhận ra các nhân vật danh tiếng, Công tước phu nhân De Ferracine, Bá tước và Bá tước phu nhân De Ravenel, Đại tướng Hoàng thân DʹAndremont, Hầu tước phu nhân Des Dunes xinh đẹp tuyệt vời, rồi đến tất cả các nam thanh nữ tú thường thấy có mặt trong các buổi trình diễn đầu tiên.
Có người nắm lấy cánh tay y, và một giọng trẻ trung, một giọng hân hoan thì thầm bên tai y:
– Kìa! Ông Bạn Đẹp tai ác, gặp ông đây rồi. Tại sao không thấy mặt ông đâu nữa?
Đó là Suzanne Walter, cô đang nhìn y với đôi mắt men sứ long lanh dưới mái tóc vàng hoe như mây cuốn.
Y rất sung sướng được gặp lại cô và mạnh dạn bắt tay cô. Rồi y xin lỗi:
– Tôi không đến được. Hai tháng nay tôi bận bù đầu, chẳng đi được tới đâu.
Cô nói tiếp với vẻ nghiêm nghị:
– Thế là không tốt, rất không tốt, rất không tốt. Ông làm cho bọn em rất khổ tâm, bởi vì mẹ và em quý mến ông lắm. Ông không đến chơi, em buồn chết đi được. Ông thấy đấy, em nói thẳng thừng ra với ông để ông không được phép mất hút đi như vậy nữa. Ông đưa tay đây cho em vịn, em sẽ đích thân đưa ông đi xem Jésus đi trên sóng, ở mãi trong cùng, phía sau nhà kính trồng cây. Ba em đã treo tranh ở đấy để mọi người buộc phải đi qua khắp nơi. Ba em dương dương khoe mẽ với tòa dinh thự này kể cũng lạ.
Hai người lặng lẽ lách qua đám đông. Ai nấy quay lại nhìn anh chàng đẹp trai và cô bé xinh đẹp ấy.
Một họa sĩ quen biết thốt lên:
– Kìa! Đẹp đôi chưa kìa! Trông cũng thích mắt có kém gì đâu.
Georges nghĩ: “Nếu ta quả thật là giỏi giang thì đã lấy cô bé này rồi. Kể ra cũng được lắm chứ. Sao ta lại không nghĩ đến nhỉ? Sao ta lại đi lấy cô nàng kia? Thật là điên! Bao giờ người ta cũng hành động vội vã, chẳng nghiền ngẫm kỹ”.
Và nỗi khát khao, nỗi khát khao chua chát nhỏ từng giọt vào tâm hồn y như chất mật đắng hủy hoại mọi niềm vui của y, làm cho cuộc sống của y trở nên ghê tởm.
Suzanne nói:
– Ông ơi, ông đến chơi luôn nhé, Ông Bạn Đẹp, bây giờ ba em giàu như thế, chúng ta sẽ tha hồ mà vui nhộn. Chúng ta sẽ chơi đùa như những kẻ dở hơi.
Y vẫn theo đuổi ý nghĩ của mình và đáp:
– Ồ! Bây giờ cô sắp sửa lấy chồng. Cô sẽ lấy một ông hoàng đẹp trai nào đó, hơi sa sút, và chúng ta sẽ chẳng còn mấy khi gặp nhau nữa.
Cô thốt lên một cách thực thà:
– Ồ! Chưa, em chưa đâu, em muốn lấy một người nào đó vừa ý em, rất vừa ý em, hoàn toàn vừa ý em. Em đủ giàu cho cả đôi.
Y mỉm một nụ cười mỉa mai, kiêu kỳ và bắt đầu nói cho cô biết tên những kẻ đi ngang qua, những kẻ dòng dõi quý phái hẳn hoi, họ đã bán các tước hiệu hoen gỉ của họ cho con gái các nhà tài phiệt như cô, và giờ đây dù sống gần vợ hay xa vợ, thì họ vẫn tự do, trâng tráo, ai cũng biết tiếng và kính trọng.
Y kết luận:
– Tôi đoán rằng chỉ chưa đến sáu tháng là cô đã mắc vào cái mồi đó rồi. Cô sẽ là hầu tước phu nhân, quận công phu nhân, hoặc hoàng thân phu nhân và cô sẽ nhìn tôi hết sức khinh bỉ, thưa cô.
Cô nổi giận, lấy chiếc quạt đập vào cánh tay y, thề thốt là cô sẽ chỉ lấy chồng theo trái tim mình mà thôi.
Y cười khẩy:
– Để rồi xem, cô quá giàu mà. Cô bảo y:
– Nhưng cả ông, ông cũng đã được hưởng gia tài còn gì
Y thốt lên một tiếng “Ô!” thương hại:
– Nào ta hãy nói đến chuyện đó. Xấp xỉ hai chục ngàn livrơ niên lợi. Vào thời buổi này thì có nhiều nhặn gì.
– Nhưng cả vợ ông cũng được hưởng gia tài nữa.
– Phải. Một triệu cho cả hai chúng tôi. Bốn chục ngàn lợi tức. Với số tiền đó thậm chí chúng tôi không sắm nổi cả xe riêng nữa.
Hai người vào tới phòng khách cuối cùng và trước mặt họ là cái nhà kính trồng cây, một khu vườn mùa đông rộng rãi đầy những cây to của các xứ nóng che chở cho các khóm hoa hiếm có. Khi vào dưới lùm cây xanh sẫm, ánh sáng trườn qua như trận mưa bạc, người ta hít thở thấy mùi đất ẩm ấm áp và làn gió ngát hương thơm. Đó là một cảm giác lạ lùng dịu dàng, không lành mạnh và thú vị, có tính chất giả tạo, bải hoải và uể oải. Mọi người đi trên những tấm thảm giống hệt như rêu, giữa hai khóm cây nhỏ dày đặc. Bỗng Du Roy nhìn thấy ở phía bên trái, dưới vòm cây cọ lớn, là một bể cạn rộng bằng đá cẩm thạch trắng, rộng đến mức người ta tắm trong đó được, và trên thành bể có bốn con thiên nga lớn bằng sứ vùng Delft hé mỏ ra phun nước.
Đáy bể cạn rải một lớp bột vàng và trong bể có mấy con cá vàng kếch xù đang bơi, loại quái vật kỳ dị Trung Hoa với mắt lồi, vảy viền xanh, loại cá vua cá quan tung tăng lững lờ trên cái nền vàng ấy làm ta nhớ đến những đồ thêu lạ lùng bên xứ sở xa xôi kia.
Chàng nhà báo dừng lại, tim đập rộn ràng. Y nghĩ bụng: “Đây là, đây là cảnh xa hoa. Đây là những tòa nhà nơi ta cần phải sống. Khối người khác đã đạt tới rồi. Tại sao ta lại không đạt tới”. Y nghĩ cách, không nghĩ ra ngay, và tức tối về sự bất lực của mình.
Cô bạn của y hơi tư lự, không nói năng gì nữa. Y liếc nhìn cô và lại nghĩ thêm: “Cứ lấy quách cái con rối bằng da bằng thịt này là xong”.
Nhưng Suzanne bỗng như thức tỉnh:
– Coi chừng! ‐ Cô bảo.
Cô đẩy Georges đi qua một nhóm chắn đường họ và bất thình lình kéo y rẽ ngoặt về phía bên phải.
Ở giữa một lùm cây đặc biệt vươn lên trên không những chiếc lá run rẩy xòe ra như bàn tay với các ngón tay mảnh mai, họ nhìn thấy một người đứng im phăng phắc trên sóng biển.
Ấn tượng thật là mạnh mẽ. Bức tranh bốn bề lấp trong đám lá xanh di dộng, giống như một hố đen trên cái cảnh xa xa kỳ ảo và xúc động.
Phải xem kỹ mới hiểu được. Khung của tranh cắt ngang chính giữa thuyền, nơi có các thánh tông đồ chỉ được soi lờ mờ bằng những tia sáng xiên xiên của chiếc đèn lồng, và một trong số các thánh tông đồ ngồi trên mạn thuyền rọi toàn bộ ánh sáng vào Chúa Jésus đang đi tới.
Chúa Cơ Đốc đưa một bàn chân lên sóng và người ta thấy sóng lõm xuống, khuất phục, phẳng ra, ve vuốt dưới bàn chân thần thánh đang giẫm sóng. Tất cả đều tối đen xung quanh Đức Chúa. Chỉ có các vì sao lấp lánh trên trời.
Khuôn mặt của các thánh tông đồ có vẻ nhớn nhác ngạc nhiên trong ánh sáng lờ mờ của chiếc đèn lồng nơi tay vị thánh cầm soi Đức Chúa.
Đó quả là tác phẩm đầy mãnh liệt và bất ngờ của một bậc danh họa, nằm trong số những tác phẩm khiến ta phải suy nghĩ lao lung và mơ mộng nhiều năm ròng.
Các khách xem tranh thoạt đầu im lìm, rồi bỏ đi, tư lự, và chỉ sau đó mới phát biểu về giá trị của bức tranh.
Du Roy ngắm tranh một hồi lâu rồi nói:
– Sắm được những đồ mỹ nghệ kia thích thật đấy.
Nhưng vì bị mọi người chen lấn xô đẩy để xem tranh, nên y bỏ đi chỗ khác, cánh tay vẫn giữ và hơi ép chặt lấy bàn tay nhỏ nhắn của Suzanne.
Cô hỏi y:
– Ông có muốn uống một ly sâm banh không? Ra quầy giải khát đi. Chúng ta sẽ gặp ba em ở đấy.
Và hai người thong thả đi trở ra qua các phòng khách, người đến xem nhộn nhịp mỗi lúc một đông, ai cũng ăn mặc lịch sự như đi xem hội.
Bỗng Georges tưởng như nghe có tiếng ai nói:
– Laroche và bà Du Roy đấy mà. ‐ Những lời ấy lướt qua tai y như tiếng xào xạc xa xa trong gió. Chúng từ đâu vọng tới nhỉ?
Y nhìn tứ phía và trông thấy vợ khoác tay vị bộ trưởng đi ngang qua thật. Họ mỉm cười với nhau, mắt nhìn trong mắt và thì thầm trò chuyện thân tình.
Y tưởng chừng nghe thấy thiên hạ xì xào khi nhìn cặp ấy, và y cảm thấy sôi máu lên muốn nhảy bổ tới nện cho hai đứa chết đi.
Nàng làm cho y trở thành lố bịch, y nghĩ đến Forestier. Có lẽ thiên hạ nói: “Cái anh chàng Du Roy bị cắm sừng”. Cô nàng là ai? Một con bé mới nổi, có phần khôn khéo đấy, nhưng thật ra chẳng tài cán gì. Người ta đến nhà y, bởi vì người ta thấy sợ y, bởi vì người ta cảm thấy y mạnh, nhưng chắc chắn người ta cũng ăn nói lung tung về cái gia đình nhà báo bé nhỏ này. Y chắc sẽ chẳng bao giờ tiến xa được với người đàn bà làm cho nhà của y luôn luôn bị ngờ vực kia, nàng luôn luôn làm hại thanh danh của mình, và thái độ của nàng để lộ nàng là người mánh khóe. Bây giờ nàng làm vướng chân y. Chà! Giá mà y đoán ra, giá mà y biết được! Chắc y đã chơi một cú trên tài, cao tay hơn! Y chắc đã thắng được một keo tuyệt vời biết bao với cô bé Suzanne là tiền đặt cuộc! Sao mà y lại mù lòa đến nỗi chẳng hiểu ra điều ấy nhỉ?
Hai người tới phòng ăn, một căn phòng rộng thênh thang có cột bằng đá cẩm thạch và tường căng thảm Gobelins cổ.
Walter nhìn thấy tay nhà báo và lão chạy tới nắm lấy hai bàn tay y. Lão mừng vui ngây ngất:
– Anh đã xem tất cả chưa? Thế nào, Suzanne, con đã đưa ông ấy đi xem khắp cả chưa? Đông quá, phải không, Ông Bạn Đẹp? Anh thấy Hoàng thân De Guerche chưa? Ngài vừa tới uống một cốc rượu Punch.
Rồi lão lao về phía Thượng nghị sĩ Rissolin đang kéo theo bà vợ choáng váng và trang sức như một gian hàng chợ phiên.
Có người chào Suzanne, đó là một anh chàng cao lớn, mảnh dẻ, râu má vàng hoe, đầu hơi hói, với vẻ hào hoa phong nhã mà ở đâu người ta cũng nhận ra được. Georges nghe nói tên: Hầu tước De Cazolles, và y bỗng ghen với anh chàng đó.
Cô ta biết hắn từ bao giờ? Chắc là từ ngày giàu có? Y đoán hắn là một kẻ ngấp nghé cầu hôn.
Có người nắm lấy cánh tay y. Đó là Norbert de Varenne. Nhà thơ già hờ hững, mệt mỏi đi tha thẩn với mái tóc bóng nhẫy và bộ quần áo cũ kỹ.
– Người ta gọi thế này là vui chơi đấy, ‐ ông nói. ‐ Lát nữa người ta sẽ nhảy múa, rồi người ta sẽ ngủ nghê, và các cô bé sẽ hài lòng. Uống sâm banh đi, ngon lắm đấy.
Ông cho rót đầy một cốc và chào Du Roy tay cũng đã cầm một cốc khác:
– Tôi uống mừng sự phục thù của tinh thần đối với tiền nghìn bạc triệu.
Rồi ông dịu dàng nói thêm:
– Chẳng phải tôi khó chịu vì tiền bạc của người khác cũng chẳng phải tôi ghét bỏ họ. Mà tôi phản kháng theo nguyên tắc.
Georges chẳng nghe ông nói nữa. Y tìm Suzanne vừa biến đi với Hầu tước De Cazolles, và y bất thình lình bỏ mặc Norbert de Varenne để đuổi theo cô gái.
Y bị cản bước bởi một đám người ồn ào đông nghịt kéo đến giải khát. Vừa lách qua được thì y chạm trán với vợ chồng De Marelle.
Y vẫn gặp bà vợ luôn, nhưng ông chồng thì đã lâu không gặp, ông ta nắm lấy hai bàn tay y:
– Tôi rất cám ơn anh, anh ạ, về lời khuyên anh nhắn Clotilde bảo tôi. Tôi đã kiếm được ngót trăm ngàn frăng về khoản công trái Marôc. Có được số tiền ấy chính là nhờ ơn anh. Có thể nói anh là một người bạn quý.
Cánh đàn ông quay đầu lại để nhìn người thiếu phụ tóc nâu duyên dáng và xinh đẹp. Du Roy đáp:
– Để đánh đổi sự giúp đỡ ấy, thưa ông, xin ông để bà đi với tôi, hay đúng hơn là để tôi đưa tay cho bà khoác. Cần phải luôn luôn tách những cặp vợ chồng ra.
Ông De Marelle nghiêng mình:
– Chí lý. Nếu tôi bị lạc hai người, sau một giờ nữa chúng ta sẽ gặp lại nhau ở đây.
– Đúng thế.
Đôi nam nữ thanh niên đi sâu vào đám đông, ông chồng lảo đảo theo sau. Clotilde nhắc đi nhắc lại:
– Hai vợ chồng Walter thật là số đỏ. Dầu sao thì đấy cũng là biết cách làm ăn.
Georges đáp:
– Chà! Những kẻ mạnh bao giờ cũng thành công, chẳng bằng cách này thì bằng cách khác.
Nàng lại nói:
– Thế là hai cô con gái mỗi cô sẽ có từ hai chục đến ba chục triệu. Chưa kể Suzanne còn xinh đẹp nữa.
Y chẳng nói gì. Y bực mình thấy ý nghĩ của y bật ra từ miệng người khác.
Nàng chưa xem Jésus đi trên sóng. Y liền đề nghị đưa nàng tới xem. Họ lấy việc nói xấu người khác, chế giễu những bộ mặt không quen biết làm vui. Saint‐Potin đi ngang gần đấy, trên ve áo đeo rất nhiều huân chương khiến họ thích thú vô cùng. Một vị nguyên là sứ thần đi phía sau cũng chẳng mang nhiều huân chương bằng.
Du Roy nói:
– Xã hội lộn xộn quá đi mất!
Boisrenard bắt tay y, ông ta cũng trang trí ở khuyết áo một huy hiệu màu lục và vàng có từ hôm đấu súng.
Tử tước phu nhân De Percemur, to béo và diêm dúa, chuyện trò với một vị quận công trong phòng khách nhỏ kiểu Louis XVI.
Georges thì thầm:
– Một cuộc tình tự.
Bỗng khi đi ngang qua nhà kính trồng cây, y lại nhìn thấy vợ ngồi kề bên Laroche‐Mathieu, cả hai hầu như khuất sau một khóm cây. Họ như muốn nói: “Chúng tôi hẹn hò nhau ở đây, hẹn hò công khai. Bởi vì chúng tôi bất chấp dư luận”.
Nàng De Marelle thừa nhận là bức tranh Jésus của Karl Marcowitch hết sức lạ lùng; và hai người quay trở lại. Họ đã lạc mất ông chồng.
Y hỏi:
– Còn Laurine, cháu vẫn giận anh ư?
– Vâng, vẫn giận. Nó từ chối không muốn gặp anh và bỏ đi khi nghe nói về anh.
Y không trả lời gì cả.
Mối ác cảm bất thần của cô bé làm cho y buồn phiền và lòng nặng trĩu.
Suzanne bắt gặp hai người ở chỗ cửa ngoặt, reo lên:
– A! Các người đây rồi! Này, Ông Bạn Đẹp, ông ở lại một mình nhé. Em đoạt lấy nàng Clotilde xinh đẹp để đưa đi xem phòng của em.
Thế là hai người phụ nữ bỏ đi, chân bước vội vã, trườn qua mọi người, khéo sử dụng động tác luồn lách như con rắn trong đám đông.
Hầu như ngay lúc đó có tiếng gọi khe khẽ:
– Georges!
Đó là bà Walter. Bà thì thầm nói tiếp.
– Ôi! Sao anh tàn nhẫn ghê gớm đến thế! Anh làm tôi đau khổ chẳng ích lợi gì. Tôi đã sai Suzette kéo người phụ nữ đi cùng với anh ra chỗ khác để có thể nói với anh đôi lời. Thế này nhé, tôi cần… cần phải nói với anh tối nay… nếu không… nếu không… anh chẳng biết tôi sẽ làm gì đâu. Hãy vào trong nhà kính trồng cây. Anh sẽ thấy một cái cửa phía bên trái, và hãy đi ra vườn. Cứ con đường phía trước mặt mà đi. Ở cuối con đường anh sẽ thấy một giàn cây hình vòm. Mười phút nữa hãy đợi tôi ở đấy. Nếu anh không nghe tôi xin thề là sẽ làm toáng lên, ngay lập tức, tại đây!
Y trả lời kiêu kỳ:
– Thôi được. Mười phút nữa tôi sẽ có mặt tại nơi bà bảo.
Và họ chia tay nhau. Nhưng suýt nữa thì Jacques Rival làm cho y đến muộn. Ông nắm lấy cánh tay y và sôi nổi kể cho y nghe một lô những chuyện con cà con kê. Chắc ông vừa ở quầy giải khát đi tới. Cuối cùng, may gặp nàng De Marelle khi đi từ cửa nọ sang cửa kia, y liền chuyển ông cho nàng tiếp chuyện và lỉnh đi. Y còn phải đề phòng để khỏi bị vợ và Laroche nhìn thấy. Y lẩn được vì vợ y cùng với Laroche có vẻ đang chuyện trò hết sức sôi nổi, và thế là y ra ngoài vườn.
Không khí lạnh quấn lấy người y như thể y đang tắm nước đá. Y nghĩ: “Mẹ kiếp, mình đến bị cảm mất thôi”, và y lấy khăn tay quấn mạnh cổ như thắt ca vát. Rồi y lững thững đi dọc con đường, không nhìn rõ mọi vật lắm vì vừa từ các phòng khách sáng rực bước ra.
Y thấy bên phải và bên trái có những cây nhỏ, không một chiếc lá, chỉ có các nhành con run rẩy. Ánh sáng nhợt nhạt từ các cửa sổ dinh thự hắt ra, lách qua đám cành nhánh. Y thấy có cái gì trăng trắng ở giữa đường, ngay trước mặt, và bà Walter hai cánh tay trần, đôi vai trần, giọng run run ấp úng:
– A! Mình đấy ư? Ra mình muốn giết tôi sao? Y bình thản đáp:
– Tôi van mình, đừng làm to chuyện, được không, nếu không tôi bỏ đi ngay tức khắc.
Bà đã níu lấy cổ y, và môi gần sát bên môi, bà nói:
– Nào tôi đã làm gì mình? Mình xử sự với tôi như một kẻ khốn nạn! Tôi đã làm gì mình?
Y cố đẩy bà ra:
– Lần cuối cùng tôi gặp mình, mình đã lấy tóc quấn vào tất cả các khuy áo của tôi, và chuyện đó suýt nữa làm cho vợ chồng tôi tan vỡ.
Bà ngẩn người ra rồi lắc đầu:
– Ồ! Vợ của mình đâu có để tâm. Chắc lại một cô nhân tình nhân ngãi nào của mình gây chuyện mè nheo chứ gì.
– Tôi làm gì có nhân tình nhân ngãi.
– Thôi im đi! Thế tại sao mình chẳng buồn đến thăm tôi nữa? Tại sao mình cũng khước từ không đến ăn tối với tôi, tuy mỗi tuần chỉ có một lần? Tôi đau đớn nát ruột nát gan; tôi yêu mình đến mức không có một ý nghĩ nào mà chẳng phải là ý nghĩ về mình, không thể nhìn bất cứ cái gì mà chẳng thấy mình hiện ra trước mắt, không dám thốt ra một lời nào mà chẳng lo nhắc đến tên mình! Mình, mình đâu có hiểu được điều đó. Tôi có cảm tưởng bị móng vuốt vồ xé, bị tống vào trong một cái bao, miệng bao thít chặt, chẳng biết ra sao. Ký ức về mình luôn luôn hiện diện làm cho ngực tôi thắt lại, làm đau xé một cái gì trong đó, phía sau vú, đánh què chân tôi, không để cho tôi đủ sức lê bước đi nữa. Và tôi như con vật, suốt ngày ngồi trên ghế mơ tưởng đến mình.
Y nhìn bà hết sức ngạc nhiên. Bà không còn là đứa trẻ lớn xác to đầu đùa nghịch y biết trước đây, mà là một người phụ nữ si mê, tuyệt vọng, cả gan làm bất cứ chuyện gì.
Tuy nhiên, một dự định lờ mờ nảy ra trong óc, y đáp:
– Mình ơi, tình yêu đâu phải là vĩnh cửu. Người ta đến với nhau và người ta xa lìa nhau. Nhưng khi nó kéo dài như giữa chúng ta thì nó trở thành gánh nặng khủng khiếp. Tôi không muốn nó nữa. Sự thật là thế. Tuy nhiên, nếu mình biết điều, tiếp đón tôi và cư xử với tôi như tình bè bạn, thì tôi sẽ trở lại như trước kia. Mình cảm thấy có làm được như thế không?
Bà đặt hai cánh tay trần lên bộ đồ đen của Georges và nói:
– Tôi có thể làm mọi chuyện để được nhìn thấy mình.
– Vậy thế là thỏa thuận, ‐ y nói, ‐ chúng ta là bạn của nhau, không hơn.
Bà ấp úng:
– Thỏa thuận như thế. ‐ Rồi chìa môi về phía y. ‐ Thêm một nụ hôn nữa… nụ hôn cuối cùng.
Y nhẹ nhàng từ chối.
– Không. Cần phải giữ điều thỏa thuận của chúng ta chứ.
Bà quay đi chùi hai giọt nước mắt, rồi lôi trong ngực áo ra một gói giấy buộc lụa hồng đưa cho Du Roy:
– Mình cầm lấy. Phần lãi của mình trong vụ Marôc đây. Tôi rất hài lòng đã kiếm được cho mình khoản này. Cầm lấy, mình cầm lấy đi…
Y muốn từ chối:
– Không, tôi sẽ không nhận số tiền ấy đâu!
Bà liền nổi cáu:
– A! Bây giờ mình không được xử sự với tôi như thế! Số tiền này là của mình, chỉ là của mình mà thôi. Nếu mình không cầm, tôi sẽ đem quẳng xuống cống. Mình đừng xử sự với tôi như thế chứ, Georges?
Y nhận cái gói nhỏ và bỏ vào túi.
– Phải vào nhà thôi, ‐ y nói, ‐ mình đến bị sưng phổi mất.
Bà nói:
– Tôi mà chết đi được thì càng hay!
Bà nâng một bàn tay y lên, hôn say sưa, điên cuồng, tuyệt vọng, rồi bỏ chạy vào nhà.
Y cũng lặng lẽ trở vào, vừa đi vừa nghĩ ngợi. Rồi y vào trong nhà kính, mặt vênh lên, môi tủm tỉm.
Vợ y và Laroche không còn đấy nữa. Khách vãn đi nhiều. Rõ ràng là người ta không ở lại dự khiêu vũ. Y nhìn thấy Suzanne khoác tay cô chị. Cả hai đến gặp y để đề nghị cùng nhảy điệu Quadrille đầu tiên với Bá tước De Latour‐Yvelin.
Y ngạc nhiên:
– Lại còn ai nữa thế?
Suzanne ranh mãnh đáp:
– Một ông bạn mới của chị em đấy.
Rose đỏ mặt lên và nói:
– Mày ác lắm, Suzette, ông ấy cũng là bạn mày chứ có kém gì.
Suzanne mỉm cười:
– Em nghĩ thế.
Rose tức giận quay ngoắt bỏ đi.
Du Roy thân mật nắm lấy khuỷu tay cô gái còn đứng bên y và nói bằng một giọng ngọt như mía lùi:
– Này, cô em ơi, cô em coi tôi là bạn thật ư?
– Thưa vâng, Ông Bạn Đẹp.
– Cô em tin ở tôi chứ?
– Hoàn toàn.
– Cô em nhớ điều tôi vừa nói với cô em chứ?
– Về vấn đề gì ạ?
– Về vấn đề hôn nhân của cô em, hay đúng hơn là về người đàn ông mà cô em sẽ lấy làm chồng.
– Vâng.
– Hay lắm! Cô em có đồng ý hứa với tôi một điều không?
– Có, những điều gì cơ ạ?
– Là sẽ hỏi ý kiến tôi khi có người đặt vấn đề với cô em và chẳng nhận lời ai nếu không có ý kiến của tôi.
– Vâng, em đồng ý.
– Và đây là điều bí mật giữa hai chúng ta với nhau. Đừng hở ra một lời nào với ba và với mẹ nhé.
– Không một lời nào.
– Thề chứ?
– Thề.
Rival tới, vẻ bận rộn:
– Cô ơi, ba cô tìm cô để khiêu vũ. Cô nói:
– Nào, Ông Bạn Đẹp.
Nhưng y từ chối, quyết định ra về ngay lập tức, vì muốn được rảnh rang một mình để suy nghĩ. Có quá nhiều điều mới mẻ vừa ập vào trong đầu óc y, và y liền tìm vợ. Sau một hồi, y thấy nàng đang uống sôcôla ở quầy ăn uống với hai ông lạ mặt. Nàng giới thiệu chồng với họ nhưng không cho y biết hai người ấy là ai.
Một lát sau, y hỏi:
– Ta về thôi chứ?
– Anh muốn về lúc nào cũng được.
Nàng khoác tay chồng và hai vợ chồng lại đi ngang qua các phòng khách đã vãn người.
Nàng hỏi:
– Bà chủ báo đâu? Em muốn chào bà.
– Vô ích. Bà sẽ cố nài chúng ta ở lại khiêu vũ mà anh thì ngán rồi.
– Đúng thế, anh có lý.
Dọc đường đi, hai vợ chồng lặng lẽ. Nhưng vừa về đến nhà, thậm chí chưa bỏ mạng che mặt ra, Madeleine đã tươi cười bảo chồng:
– Anh biết không, em có chuyện bất ngờ cho anh đây.
Y làu bàu cáu kỉnh:
– Chuyện gì vậy?
– Đoán xem nào?
– Anh chịu thôi.
– Này! Ngày kia là mùng Một Tết đấy.
– Ừ.
– Đó là lúc người ta tặng quà mừng cho nhau.
– Ừ.
– Đây là quà mừng cho anh, Laroche vừa chuyển cho em lúc nãy.
Nàng đưa cho chồng một hộp nhỏ màu đen giống như hộp đồ nữ trang.
Y hờ hững mở ra và thấy tấm huân chương Bắc đẩu bội tinh.
Y hơi tái đi, rồi mỉm cười và tuyên bố:
– Giá được mười triệu thì hơn. Cái này có tốn kém cho ông ta bao nhiêu đâu.
Nàng cứ tưởng chồng sẽ mừng rơn, nên bực mình về sự lạnh nhạt đó.
– Anh kỳ lạ thật đấy. Bây giờ chẳng có gì làm cho anh hài lòng được cả.
Y bình thản đáp:
– Ông ta chỉ làm cái việc trả nợ. Và vẫn còn nợ nhiều nữa.
Nàng ngạc nhiên về giọng điệu của y và lại nói:
– Song, ở vào tuổi của anh, cái đó cũng hay đấy chứ.
Y nói:
– Tất cả đều là tương đối. Hôm nay, anh có thể đã được nhiều hơn.
Y cầm lấy cái hộp, mở toang ra đặt trên lò sưởi, ngắm nghía trong chốc lát ngôi sao óng ánh đặt nằm bên trong. Rồi y đóng hộp lại, và nhún vai lên giường nằm.
Tờ Công báo ngày mùng Một tháng Giêng quả thật đưa tin ông Prosper‐Georges Du Roy, nhà báo, được thưởng Bắc đẩu bội tinh, vì có những cống hiến đặc biệt. Tên được viết tách ra làm hai, đó là điều làm cho Georges vui thích còn hơn là chính tấm huân chương.
Một tiếng đồng hồ sau khi đọc cái tin đã trở thành công khai ấy, y nhận được mấy chữ của bà chủ báo khẩn khoản mời cả hai vợ chồng y ngày hôm đó đến ăn tối để mừng sự kiện này. Y do dự mấy phút, rồi quẳng mẩu giấy lời lẽ nhập nhằng ấy vào lửa, và bảo Madeleine:
– Tối nay chúng ta đến ăn tại nhà ông bà Walter.
Nàng ngạc nhiên:
– Ơ kìa! Em cứ tưởng là anh không muốn đặt chân tới đó nữa?
Y chỉ đáp:
– Anh đã thay đổi ý kiến.
Khi hai vợ chồng tới nơi, chỉ có một mình bà chủ báo trong phòng khách nhỏ Louis XVI, được dùng làm chỗ tiếp khách thân tình. Bà mặc đồ đen lại rắc phấn lên tóc nên trông rất duyên dáng. Trông xa, bà có vẻ già, trông gần, có vẻ trẻ, và khi nhìn kỹ thì mắt cứ như bị hút vào cái bẫy xinh đẹp.
– Bà để tang ư? ‐ Madeleine hỏi.
Bà trả lời buồn bã:
– Phải mà không phải. Họ hàng tôi chẳng có ai qua đời cả. Nhưng tôi đã đến cái tuổi để tang cho cuộc đời mình. Hôm nay tôi để tang mở đầu. Sau đó tôi sẽ để tang trong lòng.
Du Roy nghĩ: “Liệu quyết định ấy có giữ được mãi không?”.
Bữa ăn hơi buồn tẻ. Chỉ một mình Suzanne là huyên thuyên mãi không thôi. Rose có vẻ ưu tư. Mọi người chúc mừng mãi anh chàng nhà báo.
Buổi tối, ai nấy đi la cà trò chuyện qua các phòng khách và nhà kính trồng cây. Vì Du Roy đi phía sau, cùng với bà chủ báo, bà nắm lấy cánh tay y:
– Này, ‐ bà thì thầm, ‐ …Tôi sẽ không bao giờ nói gì với anh nữa đâu… Nhưng anh hãy đến thăm tôi. Anh thấy đấy tôi không còn mình mình tôi tôi với anh nữa. Tôi không sống nổi nếu không có anh, không sống nổi. Đó là một cực hình không sao tưởng tượng được. Tôi cảm thấy anh, tôi lưu giữ anh trong mắt tôi, trong tim tôi và trong da thịt tôi suốt ngày suốt đêm. Chẳng khác nào anh đã cho tôi uống thuốc độc nó gặm mòn gan ruột bên trong. Tôi không chịu đựng được. Không. Tôi không chịu đựng được. Tôi rất muốn chỉ là một bà già đối với anh. Tôi đã để tóc bạc cho anh thấy, nhưng anh hãy đến đây, thỉnh thoảng đến đây, như bè bạn nhé.
Bà đã nắm lấy bàn tay y và siết chặt; bóp nghiến, cắm móng tay vào da thịt.
Y bình thản đáp:
– Đồng ý. Nói đi nói lại chuyện này cũng vô ích thôi. Bà thấy không, hôm nay nhận được thư bà, tôi đã tới ngay tức khắc.
Lão Walter, đi phía trước với hai cô con gái và Madeleine, đứng đợi Du Roy gần bức Jésus đi trên sóng.
– Anh có hình dung được không, ‐ lão vừa cười vừa nói, ‐ hôm qua tôi đã thấy bà nhà tôi quỳ trước bức tranh này như quỳ trong nhà nguyện vậy. Bà ấy lễ bái ở đây, tôi buồn cười quá!
Bà Walter đáp lại bằng giọng quả quyết, rung lên niềm hứng khởi thầm kín:
– Chính Chúa Cơ Đốc đây sẽ cứu vớt linh hồn tôi. Cứ mỗi lần nhìn Người là Người lại cho tôi can đảm và sức mạnh.
Và dừng lại ngay trước Đức Chúa đứng trên mặt biển, bà nói:
– Người đẹp đẽ biết bao! Bọn họ vừa sợ Người vừa yêu mến Người biết bao! Cứ nhìn cái đầu của Người, đôi mắt của Người mà xem, vừa giản dị lại vừa siêu nhiên biết bao!
Suzanne thốt lên:
– Mà Người giống ông quá, Ông Bạn Đẹp ạ. Em xin quả quyết là Người giống ông lắm. Nếu ông có thêm chòm râu má, hoặc Người cạo râu má đi thì cả hai giống nhau như đúc. Ồ! Thật giống lạ giống lùng!
Bà muốn y đứng bên cạnh bức tranh; và quả vậy, mọi người đều thừa nhận là hai khuôn mặt giống hệt nhau!
Ai nấy đều ngạc nhiên. Lão Walter xem là chuyện lạ. Madeleine mỉm cười nhận xét rằng Jésus có vẻ rắn rỏi hơn.
Bà Walter đứng ngây ra nhìn trân trân bộ mặt của tình nhân bên cạnh bộ mặt của Chúa Cơ Đốc, và bà trắng nhợt ra như mái tóc bạc của bà.