Ông Bạn Đẹp - Chương 14
6
* * *
Nhà thờ căng vải đăng ten, và ở cổng chính có một phù hiệu lớn quàng một vành hoa để báo cho khách qua đường biết người ta chôn cất một nhà quý phái.
Nghi lễ vừa xong, ai nấy thong thả diễu qua trước quan tài và trước anh cháu của Bá tước De Vaudrec, anh ta bắt tay và cúi chào đáp lễ mọi người.
Khi hai vợ chồng Georges Du Roy đã ra ngoài, họ đi bên nhau để về nhà. Cả hai mải miết suy tư, chẳng nói năng gì.
Cuối cùng, Georges thốt lên như nói với chính mình:
– Lạ thật đấy!
Madeleine hỏi:
– Về chuyện gì hả anh?
– Về nỗi Vaudrec đã không để lại gì cho chúng ta cả!
Nàng bỗng đỏ bừng lên, như thể có tấm mạng màu hồng đột nhiên căng trên làn da trắng muốt kéo dần dần từ ngực lên đến mặt, và nàng nói:
– Tại sao bá tước có thể để lại một cái gì cho chúng ta? Chẳng có lý do gì cả!
Rồi sau khi im lặng một lát, nàng nói tiếp:
– Có thể có chúc thư ở văn phòng ông công chứng. Nào chúng ta đã biết gì đâu.
Y nghĩ ngợi rồi nói:
– Ừ, có thể là như vậy, bởi vì xét cho cùng, đó là ông bạn thân thiết nhất của chúng ta, của cả hai vợ chồng ta. Ông ấy mỗi tuần hai lần đến nhà ta ăn tối, ông ấy đến bất cứ lúc nào. Ở nhà chúng ta mà ông cứ như ở nhà mình, hoàn toàn như ở nhà mình. Ông ta yêu em như cha yêu con, và ông không gia đình, không con cái, không anh trên em dưới, chỉ có mỗi một thằng cháu, một thằng cháu họ xa. Ừ, chắc hẳn có chúc thư ở đấy. Anh sẽ chẳng nghĩ đến điều gì to tát, mà chỉ là một vật kỷ niệm, để chứng tỏ rằng ông ấy đã nghĩ đến chúng ta, đã yêu mến chúng ta, đã thừa nhận tình cảm của chúng ta đối với ông. Ông ấy phải có biểu hiện tình bè bạn đối với chúng ta chứ!
Nàng nói với vẻ tư lự và dửng dưng:
– Có thể là có chúc thư, thực vậy.
Khi hai vợ chồng về đến nhà, gia nhân đưa cho Madeleine một phong thư. Nàng mở ra, rồi đưa cho chồng:
Văn phòng luật sư Lamaneur
Công chứng viên
17 phố Vosges
THƯA BÀ
Tôi hân hạnh mời bà vui lòng tới văn phòng tôi, từ hai giờ đến bốn giờ, thứ Ba, thứ Tư hoặc thứ Năm, về việc có liên quan tới bà.
Xin bà nhận ở đây, v.v..
LAMANEUR
Đến lượt Georges đỏ mặt lên:
– Chắc là chuyện đó. Buồn cười một nỗi là ông ta lại mời em chứ không mời anh là người chủ gia đình hợp pháp.
Mới đầu nàng không đáp, rồi sau khi ngẫm nghĩ giây lát, nàng nói:
– Anh có đồng ý chốc nữa chúng ta tới đó không?
– Có, anh đồng ý.
Hai vợ chồng ăn trưa xong là lên đường ngay.
Khi họ vào văn phòng luật sư Lamaneur, viên thư ký ngồi gần nhất hối hả ra mặt đứng phắt ngay dậy và đưa họ vào trong phòng của chủ.
Viên công chứng là một người đàn ông nhỏ bé, tròn xoay, chỗ nào cũng tròn xoay. Cái đầu của ông có dáng dấp một quả cầu găm trên một quả cầu khác, đứng bằng hai cẳng chân bé đến nỗi, ngắn đến nỗi trông cũng gần giống như hai quả cầu.
Ông chào, trỏ hai cái ghế rồi quay về phía Madeleine và nói:
– Thưa bà, tôi mời bà tới để thông báo cho bà biết về di chúc của Bá tước De Vaudrec có liên quan đến bà.
Georges lẩm bẩm, không kìm được:
– Mình đã biết mà.
Viên công chứng nói thêm:
– Bây giờ tôi truyền đạt lại cho bà cái văn bản ấy, cũng ngắn thôi.
Ông cầm một tờ giấy trong cặp hồ sơ trước mặt và đọc:
“Tôi là Paul‐Émile‐Cyprien‐Gontran, tức Bá tước De Vaudrec, cơ thể và tinh thần khỏe mạnh, xin trình bày ở đây những lời trăng trối của tôi.
“Cái chết có thể cướp tôi đi bất cứ lúc nào, để đề phòng trường hợp ấy, tôi viết sẵn tờ chúc thư ký gửi tại văn phòng luật sư Lamaneur.
“Vì không có những người thừa kế trực tiếp, tôi di tặng lại toàn bộ tài sản của tôi gồm sáu trăm ngàn frăng tiền mặt và khoảng năm trăm ngàn frăng bất động sản cho bà Claire‐Madeleine Du Roy mà không đòi hỏi bất cứ trách nhiệm hay điều kiện gì. Tôi xin bà vui lòng nhận cho món quà tặng này của một người bạn quá cố, như là bằng chứng của tấm lòng quý mến chân thành, sâu sắc và kính cẩn.”
Viên công chứng nói thêm:
– Chỉ có thế. Văn bản này đề tháng Tám vừa rồi thay cho một tài liệu cùng tính chất như vậy, làm cách đây hai năm, đề tên bà Claire‐Madeleine Forestier. Tôi có bản chúc thư đầu tiên ấy để trong trường hợp gia đình không chịu, có thể chứng tỏ là ý nguyện của Bá tước De Vaudrec không hề thay đổi.
Madeleine, tái nhợt, cúi gằm mặt xuống. Georges bồn chồn vê mãi chòm ria mép giữa hai đầu ngón tay. Sau một thoáng im lặng, viên công chứng lại nói:
– Thưa ông, tất nhiên bà nhà không thể nhận di sản ấy nếu không được sự ưng thuận của ông.
Du Roy đứng dậy và xẵng giọng:
– Tôi đòi hỏi phải có thời gian để suy nghĩ đã.
Viên công chứng mỉm cười, gật đầu và nhã nhặn nói:
– Thưa ông, tôi hiểu nỗi băn khoăn khiến ông do dự. Tôi phải nói thêm là anh cháu của ông De Vaudrec, ngay sáng nay khi biết được những ý nguyện cuối cùng của chú mình, đã bày tỏ ý kiến sẵn sàng tôn trọng các ý nguyện ấy nếu được một khoản tiền một trăm ngàn frăng. Theo ý tôi, chúc thư thì không thể kiện cáo được, nhưng xảy ra một vụ kiện thì cũng gây dư luận ồn ào, có lẽ ông nên tránh là hơn. Thiên hạ thường có những nhận định ác ý. Dù thế nào thì liệu ông có thể cho tôi biết lời đáp của ông về tất cả mọi điểm trước ngày thứ Bảy được không?
Georges gật đầu:
– Thưa ông, được. ‐ Rồi y chào một cách trịnh trọng, dẫn bà vợ vẫn câm như hến ra về với vẻ khó chịu đến nỗi viên công chứng không mỉm cười nữa.
Khi hai vợ chồng về tới nhà, Du Roy đóng sầm cửa lại và quẳng mũ lên giường:
– Em đã là nhân tình của Vaudrec phải không? Madeleine bỏ mạng che mặt ra, quay phắt lại:
– Em ấy à? Ô hay!
– Phải, em. Chẳng ai lại để toàn bộ gia sản cho một người đàn bà, nếu không phải là…
Nàng run lên bần bật và không tháo nổi mấy cái ghim gài tấm mạng trong suốt ra.
Suy nghĩ một lát, nàng ấp úng bằng một giọng bồi hồi:
– Này… này… anh điên rồi… anh… anh… Chính anh… lúc nãy…anh đã chẳng hy vọng… ông ấy để lại cho anh chút gì đấy ư?
Georges vẫn đứng ngay bên cạnh nàng, theo dõi mọi xúc động của nàng, như vị quan tòa tìm cách chộp lấy những sơ suất nhỏ nhất của bị can. Y nói nhấn mạnh từng tiếng:
– Phải… ông ta có thể để lại cho tôi cái gì đấy, cho tôi… cho tôi, chồng em…cho tôi, bạn ông ta… em hiểu không… nhưng chẳng phải là cho em… cho em, cô bạn của ông ta… cho em, vợ của tôi… Có sự phân biệt chủ yếu, căn bản, về phương diện các phép tắc… và về phương diện dư luận quần chúng.
Đến lượt Madeleine nhìn chằm chằm vào đôi mắt trong suốt của y, một cách sâu sắc và đặc biệt, như để đọc ở đấy một điều gì, như để phát hiện ở đấy cái kẻ xa lạ mà người ta không bao giờ hiểu thấu và hầu như chỉ có thể thấy lờ mờ trong những giây phút thoáng qua, trong những lúc vô tình, sơ suất, lơ đãng, giống như các cánh cửa hé mở cho thấy những điều bí ẩn bên trong tâm hồn. Và nàng nói rành mạch, chậm rãi:
– Song em cho rằng nếu… cho rằng ít ra người ta cũng thấy lạ lùng chẳng kém nếu ông ta lại để cái di sản quan trọng chừng ấy… cho anh.
Y hỏi đột ngột:
– Sao vậy?
Nàng bảo:
– Bởi vì… ‐ Nàng ngập ngừng, rồi lại nói. ‐ Bởi vì anh là chồng em… bởi vì tóm lại anh mới biết ông ta gần đây… bởi vì em là bạn của ông ta từ lâu lắm… em… bởi vì bản chúc thư đầu tiên của ông làm từ hồi Forestier còn sống cũng đã di tặng lại cho em rồi.
Georges liền bước từng bước dài. Y tuyên bố:
– Em không được nhận cái đó!
Nàng trả lời hờ hững:
– Được lắm! Vậy cần gì phải mất công đợi đến thứ Bảy; chúng ta có thể báo ngay lập tức cho ông Lamaneur.
Y dừng lại trước mặt nàng; và hai vợ chồng lại lần nữa nhìn vào mắt nhau một lúc lâu, cố đi vào cõi lòng bí hiểm sâu thẳm của nhau, cố thăm dò đến ngóc ngách tư tưởng của nhau. Họ cố nhìn thấu lương tâm trần trụi của nhau bằng cách căn vặn gắt gao mà không thốt ra lời; cuộc vật lộn thầm kín giữa hai con người sống bên nhau mà vẫn không hiểu nhau, ngờ vực nhau, dò xét nhau, rình mò nhau nhưng chẳng biết rõ ruột gan nhau thế nào.
Và bỗng y hạ giọng nói thẳng vào mặt nàng:
– Này, hãy thú thật em là nhân tình của Vaudrec đi.
Nàng nhún vai:
– Anh ngớ ngẩn lắm… Vaudrec có nhiều cảm tình với em, nhiều lắm… nhưng chỉ thế thôi… không bao giờ.
Y giậm chân:
– Em nói dối. Không thể như thế được.
Nàng bình thản trả lời:
– Thế mà đúng là như vậy đấy.
Y lại bước đi, rồi dừng lại nữa:
– Vậy hãy lý giải cho anh rõ tại sao ông ta để toàn bộ tài sản lại cho em, cho em…
Nàng lý giải với vẻ thờ ơ, uể oải:
– Đơn giản lắm. Như anh nói chiều nay, ông ấy chỉ có chúng ta là chỗ bạn bè, hay đúng hơn chỉ có em, vì ông biết em từ ngày em còn con nít. Mẹ em là nữ tùy tùng cho các cụ thân sinh ra ông. Ông đến đây luôn, và vì không có ai là người thừa kế đương nhiên, nên ông đã nghĩ đến em. Cũng có thể ông ít nhiều có cảm tình với em. Nhưng thử hỏi có phụ nữ nào lại chẳng bao giờ được yêu như vậy? Chắc là cái tình cảm ngấm ngầm, thầm kín ấy đã khiến ngòi bút của ông ghi tên em khi ông nghĩ đến chuyện trối trăng, chứ sao? Thứ Hai nào ông cũng mang hoa tặng em. Anh có lấy thế làm ngạc nhiên chút nào đâu, còn anh thì ông không hề tặng hoa cho anh, phải không? Hôm nay ông ấy đem tài sản tặng cho em cũng với lý do ấy và bởi lẽ ông không có ai để tặng cả. Trái lại, nếu ông ta đem tài sản tặng cho anh mới là điều hết sức lạ lùng. Tại sao ư? Thử hỏi anh là gì đối với ông ta?
Nàng nói hết sức tự nhiên và bình thản nên Georges đâm ra do dự.
Y lại nói:
– Dù sao chúng ta cũng không thể nhận của thừa kế này trong những hoàn cảnh ấy. Hệ quả sẽ tai hại vô cùng. Thiên hạ sẽ tin là có chuyện, thiên hạ sẽ quang quác lên và sẽ cười anh. Các bạn đồng nghiệp đã sẵn ghen ghét và đả kích anh từ lâu.
Anh phải lo cho danh dự và chăm sóc thanh danh của anh hơn bất cứ ai. Anh không thể đồng ý cho phép vợ anh nhận của di sản như vậy từ một người đàn ông mà dư luận đã xì xào là nhân tình của em. Forestier có lẽ dung thứ được chuyện đó, nhưng anh thì không.
Nàng dịu dàng nói:
– Thôi được! Chúng ta sẽ không nhận, anh ạ, chẳng qua chỉ là bớt đi một triệu trong túi chúng ta mà thôi.
Y vẫn đi đi lại lại và ngẫm nghĩ thành lời, nói với vợ mà không hướng về phía vợ:
– Hừ! Đúng thế… một triệu… tiếc quá. Khi làm di chúc, ông ta không hiểu là đã phạm sai lầm thiếu tế nhị, quên phép lịch sự như thế nào. Ông ta không thấy là sẽ đặt anh vào tình thế trái khoáy, lố bịch ra sao… Tất cả đều là vấn đề sắc thái trong cuộc đời… Giá như ông ta để cho anh một nửa thì đâu sẽ vào đấy hết.
Y ngồi xuống, hai chân vắt vào nhau và lại vê vê những ngọn ria mép, như y vẫn thường làm thế vào những giờ phút buồn phiền, lo lắng hoặc băn khoăn tư lự.
Madeleine cầm lấy tấm thảm nàng thỉnh thoảng vẫn đem ra thêu và vừa chọn len vừa nói:
– Em, em chỉ việc im lặng. Suy nghĩ thế nào là ở anh.
Y mãi không trả lời, rồi ngập ngừng nói:
– Thiên hạ sẽ không bao giờ hiểu được tại sao Vaudrec lại chọn em là người thừa kế duy nhất, cũng như tại sao anh lại chấp nhận điều đó. Nhận cái tài sản đó theo cách ấy, thì có khác nào thú nhận… thú nhận rằng em có quan hệ bất chính và anh là kẻ nuông chiều bỉ ổi… Em có biết chúng ta mà nhận thì người ta sẽ hiểu ra sao không? Cần phải tìm ra một mánh lới, một cách khéo léo để che đậy sự việc đi. Chẳng hạn cần phải để cho mọi người hiểu rằng ông ta đã phân chia cái tài sản ấy cho hai vợ chồng chúng ta mỗi người một nửa.
Nàng hỏi:
– Em chẳng hiểu giải quyết cách ấy ra làm sao, bởi vì di chúc là rõ ràng dứt khoát.
Y đáp:
– Ồ! Đơn giản lắm. Em rất có thể để lại cho anh một nửa gia sản theo kiểu những người còn sống tặng cho nhau. Chúng ta không có con cái nên điều đó có thể được lắm. Bằng cách ấy ta sẽ bịt miệng được dư luận ác ý.
Nàng hơi sốt ruột, cãi lại:
– Em cũng chẳng hiểu làm thế nào để bịt miệng dư luận ác ý được, bởi vì văn bản rành rành ra đấy, có chữ ký của Vaudrec.
Y bực tức nói:
– Chúng ta có cần đem phô ra và dán nó lên tường đâu? Rốt cục, em ngốc nghếch lắm. Chúng ta sẽ nói là Bá tước De Vaudrec để lại gia tài cho chúng ta mỗi người một nửa… Thế thôi mà… Với lại, em không thể nhận cái di sản ấy nếu không được phép của anh. Anh cho phép em đấy, chỉ với điều kiện chúng ta chia nhau để anh khỏi làm trò cười cho thiên hạ.
Một lần nữa nàng nhìn xoáy vào mắt y:
– Anh muốn làm gì thì làm. Em sẵn sàng nghe theo.
Y liền đứng lên và lại bước đi. Y xem ra còn do dự, và giờ đây tránh con mắt xuyên thấu của vợ. Y bảo:
– Không… dứt khoát là không nên… có lẽ tốt hơn hết là khước từ hẳn… như thế xứng đáng hơn… đúng mực hơn… vẻ vang hơn. Song, theo cách ấy, chẳng ai còn dị nghị, tuyệt đối chẳng ai còn dị nghị được nữa. Những kẻ thận trọng nhất cũng đành chịu thua mà thôi.
Y dừng lại trước mặt Madeleine:
– Thôi được, em yêu, nếu em muốn, anh sẽ một mình quay lại nhà luật sư Lamaneur bây giờ để hỏi ý kiến ông và giải thích cho ông rõ sự việc. Anh sẽ nói với ông về sự đắn đo của anh và anh sẽ nói thêm là chúng ta có ý định làm theo cách phân chia cho phải phép, để thiên hạ không thể xì xào gì được cả. Khi anh đã nhận nửa gia tài ấy, thì rõ ràng chẳng ai có quyền cười cợt nữa. Có khác nào nói to lên rằng: “Vợ tôi nhận bởi vì tôi nhận, tôi, tôi là chồng nàng, tôi là người xét xem nàng có thể xử sự ra sao để khỏi liên lụy”. Nếu không, chắc sẽ gây tai tiếng.
Madeleine chỉ nói:
– Anh muốn làm gì thì làm.
Y bắt đầu nói liến thoắng:
– Đúng thế, dàn xếp theo cách chia đôi như vậy thật sáng như ban ngày. Chúng ta thừa kế gia tài của một người bạn, ông ta không muốn có sự khác nhau giữa hai chúng ta, ông ta không muốn ra vẻ bảo rằng: “Tôi quý người này hơn người kia sau khi tôi đã qua đời cũng như khi còn sống”. Đã đành là ông ta yêu người vợ hơn, nhưng khi để lại gia tài đều nhau cho hai vợ chồng, ông muốn bày tỏ dứt khoát rằng sự ưu ái ấy hoàn toàn thuần khiết. Và em phải biết rằng nếu ông ta nghĩ đến điều đó thì chắc đã giải quyết như vậy. Ông đã không suy nghĩ, ông đã không lường trước các hậu quả. Như lúc nãy em đã nói rất đúng, tuần nào ông cũng mang hoa đến để tặng em, kỷ niệm cuối cùng của ông là muốn để lại cho em, mà ông không biết rằng…
Nàng thoáng vẻ bực bội, ngắt lời y:
– Đồng ý đấy! Em hiểu rồi. Anh không phải cần giải thích dài dòng như thế. Hãy đi ngay đến nhà ông công chứng đi.
Y đỏ mặt, ấp úng:
– Em nói phải, anh đi đây.
Y cầm lấy mũ, và lúc sắp sửa ra đi, y nói thêm:
– Anh sẽ cố dàn xếp chuyện mắc mớ về người cháu với năm chục ngàn frăng, được không?
Nàng trả lời kiêu kỳ:
– Không. Nó đòi một trăm ngàn frăng thì cho nó. Và nếu anh muốn thì cứ trích vào phần của em.
Y bỗng xấu hổ và nói:
– Ồ! Không, chúng ta sẽ cùng chịu. Mỗi người bỏ ra năm chục ngàn frăng, chúng ta vẫn còn tròn một triệu.
Rồi y nói thêm:
– Tạm biệt, em Made bé nhỏ của anh.
Và y đi giải thích cho ông công chứng cách thu xếp ấy, y bảo là do vợ y nghĩ ra.
Hôm sau hai người ký vào văn bản, Madeleine Du Roy để lại cho chồng năm trăm ngàn frăng theo thể thức giao tặng giữa những người còn sống. Rồi khi ở văn phòng luật sư đi ra, vì đẹp trời, Georges đề nghị đi bộ xuôi xuống tận các đại lộ. Y tỏ ra tử tế, hết lòng chăm sóc, quan tâm, âu yếm vợ. Y vui cười, hoàn toàn sung sướng, trong lúc nàng đăm chiêu và có phần nào nghiêm khắc.
Hôm ấy là một ngày thu khá lạnh. Công chúng có vẻ vội vã và bước đi hối hả. Du Roy dẫn vợ đến trước cửa hiệu bày bán chiếc đồng hồ bấm giờ mà y đã bao lần nhìn thấy và vẫn hằng ao ước.
– Em muốn anh tặng em một món đồ nữ trang không? ‐ Y bảo.
Nàng dửng dưng đáp:
– Tùy anh.
Họ vào trong hiệu. Y hỏi:
– Em thích gì nào, kiềng, xuyến hay hoa tai?
Nhìn thấy những món đồ trang sức bằng vàng và các viên ngọc quý, thái độ cố tình lạnh nhạt của nàng bay biến đâu cả, và mắt nàng sáng lên nhìn hau háu vào những tủ kính đầy các đồ châu báu.
Và bỗng lòng nàng rộn lên niềm ước muốn:
– Một chiếc xuyến xinh đẹp chưa kìa!
Đó là chiếc xuyến kiểu dây chuyền hình dáng kỳ lạ, mỗi mắt xích nạm một viên ngọc khác nhau.
Georges Du Roy hỏi:
– Chiếc xuyến kia giá bao nhiêu? Ông chủ hiệu kim hoàn đáp:
– Thưa ông, ba ngàn frăng.
– Nếu ông đồng ý với giá hai ngàn rưỡi thì xong ngay. Ông chủ hiệu do dự rồi đáp:
– Thưa ông, không được đâu ạ.
Du Roy lại nói:
– Này, thêm cái đồng hồ bấm giờ kia với ngàn rưỡi frăng, cộng là bốn ngàn, tôi sẽ trả tiền mặt. Được chưa nào? Nếu ông không đồng ý thì tôi đi chỗ khác.
Ông chủ hiệu lúng túng, đành phải chấp nhận:
– Thôi được! Thưa ông.
Anh chàng nhà báo nói địa chỉ xong rồi thêm:
– Ông chạm cho vào chiếc đồng hồ bấm giờ mấy chữ đầu tên của tôi G.R.C. bằng chữ lồng ở dưới một vành hoa nam tước.
Madeleine ngạc nhiên, bật cười. Và khi ở trong hiệu đi ra, nàng vịn vào cánh tay y có phần nào âu yếm. Nàng thấy chồng thật khôn khéo và cừ khôi. Giờ đây, y đã có niên kim, tất phải có tước vị, đúng quá đi rồi.
Người bán hàng chào họ:
– Ông cứ tin ở tôi, đến thứ Năm là xong, thưa ngài nam tước.
Hai vợ chồng đi qua trước rạp Vaudeville. Hôm ấy diễn vở mới.
– Nếu em muốn, ‐ y nói, ‐ tối nay chúng ta sẽ đi xem kịch, ta cố kiếm cho được ghế lô.
Họ tìm được một lô và mua vé luôn. Y nói thêm:
– Ta đi ăn hiệu nhé?
– Ồ! Em rất tán thành.
Y sung sướng như một ông hoàng và nghĩ xem hai vợ chồng còn có gì để tiêu xài nữa không.
– Hay chúng ta đến rủ chị De Marelle tối nay cùng đi? Nghe nói chồng chị đang ở đây. Anh rất muốn được bắt tay ông ta.
Hai vợ chồng đến nhà nàng. Georges hơi ngại cuộc gặp gỡ đầu tiên với nhân tình, nên thấy sự có mặt của vợ cũng tiện để khỏi phải giải thích lôi thôi.
Nhưng Clotilde có vẻ chẳng nhớ gì cả và thậm chí còn giục chồng nhận lời mời.
Bữa ăn vui vẻ và buổi tối thật thú vị.
Georges và Madeleine về khuya. Đèn khí đốt đã tắt. Để soi các bậc cầu thang, anh chàng nhà báo thỉnh thoảng lại xiết một que diêm.
Lên đến chỗ mặt bằng ở tầng gác thứ nhất, ngọn lửa bất thần lóe lên khi xiết diêm làm nổi rõ trong gương khuôn mặt của hai người sáng bừng giữa bóng tối của cầu thang.
Họ có vẻ như những bóng ma hiện ra và sắp biến đi trong đêm tối.
Du Roy giơ bàn tay lên để soi cho tỏ hình bóng của họ, y cười đắc thắng và nói:
– Các nhà triệu phú đang đi qua kia kìa!