Ông Bạn Đẹp - Chương 13
5
* * *
Mùa thu đã tới. Vợ chồng Du Roy đã ở tại Paris suốt cả vụ hè, điều khiển một chiến dịch mạnh mẽ trong tờ Đời sống Pháp ủng hộ nội các mới trong kỳ nghỉ ngắn ngủi của các nghị sĩ.
Tuy mới vào những ngày đầu tháng Mười, Nghị viện đã sắp họp lại, vì vụ Marôc đang trở nên đáng lo ngại.
Thực ra chẳng ai tin vào một cuộc hành quân viễn chinh sang Tanger, tuy rằng vào ngày Nghị viện nghỉ làm việc, một nghị sĩ cánh hữu là Bá tước De Lambert‐Sarrazin, trong một bài diễn văn hóm hỉnh được ngay cả các nghị sĩ thuộc phái Trung tâm vỗ tay tán thưởng, đã làm như ngài phó vương danh tiếng Ấn Độ xưa kia, đem chòm ria mép của mình ra đánh cuộc với chòm râu má của vị đứng đầu Chính phủ là nội các mới rất có thể bắt chước nội các cũ và phái một đạo quân sang Tanger cho sóng đôi với đạo quân bên Tuynizi, vì thích sự đối xứng, như người ta bày hai cái lọ trên lò sưởi. Bá tước còn nói thêm:
“Mảnh đất châu Phi quả thực là một cái lò sưởi đối với nước Pháp, thưa các ngài, cái lò sưởi thiêu củi gỗ tốt nhất của chúng ta, cái lò sưởi rất thông gió mà người ta nhóm lửa bằng giấy của nhà Ngân hàng”.
“Các ngài đã có cái ngông của người nghệ sĩ trang hoàng ở góc bên trái một đồ mỹ nghệ Tuynizi tốn kém nhiều tiền, rồi các ngài sẽ thấy ông Marrot sắp muốn bắt chước vị cầm đầu nội các cũ và trang hoàng ở góc bên phải một đồ mỹ nghệ Marôc.”
Bài diễn văn ấy, trở thành nổi tiếng, đã cung cấp đề tài cho Du Roy viết một chục bài báo về thuộc địa Angiêri, cả loạt bài bị đứt đoạn từ những ngày đầu làm báo, và y đã ủng hộ nhiệt liệt ý định cử một đạo quân viễn chinh, tuy y tin rằng chuyện đó sẽ chẳng xảy ra. Y đã cho rung lên tiếng đàn ái quốc và tấn công tới tấp nước Tây Ban Nha bằng cả kho luận chứng khinh bỉ người ta dùng để chống lại các dân tộc mà lợi ích đối lập với lợi ích của họ.
Tờ Đời sống Pháp chiếm được tầm quan trọng lớn lao nhờ sự gắn bó ai cũng biết với Chính quyền. Nó đưa những tin tức chính trị trước cả các tờ báo đứng đắn nhất và nêu lên một cách xa xôi ý đồ của các vị bộ trưởng bạn bè của nó; và tất cả các báo chí ở Paris cũng như ở tỉnh lẻ đều lấy tin ở tờ Đời sống Pháp. Người ta dẫn tin của nó, người ta sợ nó, người ta bắt đầu kính nể nó. Đấy không còn là cơ quan ngôn luận ám muội của một nhóm người mưu đồ chính trị, mà là cơ quan ngôn luận đường đường chính chính của nội các. Laroche‐Mathieu là linh hồn của tờ báo và Du Roy là người phát ngôn. Lão Walter, ngài nghị sĩ thầm lặng và tay chủ báo xảo quyệt, biết cách ẩn mình đi, lo toan trong bóng tối một vụ to lớn về những mỏ đồng ở Marôc như lời thiên hạ nói.
Phòng khách của Madeleine trở thành trung tâm có thế lực, nơi nhiều thành viên của nội các tụ tập hàng tuần. Vị chủ tịch hội đồng Chính phủ thậm chí đã ăn tối hai lần ở nhà nàng; những bà vợ của các nhà chính khách xưa kia ngần ngại không muốn vào cửa nhà nàng thì bây giờ vênh vang được là bạn của nàng và đến thăm nàng nhiều hơn là được nàng đến thăm.
Vị Bộ trưởng Ngoại giao ngự trị hầu như là chủ trong nhà. Ông đến vào bất cứ giờ nào, mang theo các bức điện, các chỉ dẫn, thông báo, và đọc cho anh chồng hoặc cho chị vợ chép, chẳng khác nào họ là các thư ký của ông.
Sau khi bộ trưởng đi rồi, còn lại một mình trước mặt vợ, y nổi khùng với giọng dọa nạt và những lời bóng gió nham hiểm về phong cách của gã hãnh tiến tầm thường kia.
Nhưng nàng nhún vai khinh khỉnh nói:
– Anh, thì anh hãy cứ làm được như ông ta đi. Hãy trở thành bộ trưởng, khi ấy anh sẽ có thể lên mặt. Còn từ nay tới đó thì im đi.
Y vừa vê vê chòm ria mép vừa liếc nhìn vợ:
– Thiên hạ không biết đến khả năng của anh, ‐ y nói, ‐ có lẽ mai kia người ta sẽ rõ.
Nàng trả lời một cách triết lý:
– Ai sống thì rồi sẽ thấy.
Buổi sáng hôm các Nghị viện khai diễn trở lại, nàng thiếu phụ vẫn còn đang nằm trên giường, dặn dò chồng chi ly từng tí khi y đang mặc quần áo để đến ăn trưa tại nhà Laroche‐Mathieu, và nhận chỉ thị của ông trước lúc khai mạc, để viết một bài báo chính trị đăng vào tờ Đời sống Pháp ngày hôm sau, bài báo đó phải là một thứ công bố bán chính thức những dự án thực sự của nội các.
Madeleine bảo:
– Nhất là đừng quên hỏi ông ấy xem tướng Belloncle có được phái sang Oran như đã bàn bạc không. Điều đó có ý nghĩa to lớn lắm đấy.
Georges cáu kỉnh đáp:
– Thì tôi cũng biết như em là tôi phải làm gì. Thôi hãy để cho tôi yên đừng có lải nhải nữa.
Nàng bình thản nói tiếp:
– Anh yêu quý, anh vẫn cứ quên một nửa những công việc em ủy thác cho anh đến gặp bộ trưởng.
Y làu bàu:
– Lão bộ trưởng của em, rút cục, làm tôi bực mình lắm!
Đó là một lão ngốc.
Nàng bình tĩnh nói:
– Ông ấy là bộ trưởng của em có gì hơn là bộ trưởng của anh đâu. Ông ấy có ích cho anh hơn là cho em.
Y nghiêng mặt về phía vợ và cười khẩy:
– Xin lỗi, ông ta có tán tỉnh tôi đâu.
Nàng chậm rãi nói:
– Mà cũng chẳng tán tỉnh em, nhưng ông ta giúp chúng ta giàu sang.
Y lặng im, rồi một lúc sau nói tiếp:
– Nếu phải lựa chọn trong số những kẻ tôn thờ em, anh thấy cái lão già bất tài Vaudrec là còn hơn cả. Lão ấy bây giờ trở thành gì rồi? Đã tám hôm nay anh chưa thấy mặt lão.
Nàng không xúc động, đối đáp lại:
– Ông ấy không được khỏe, ông viết thư cho em bảo rằng thậm chí phải nằm liệt giường vì bệnh thống phong. Anh nên đến hỏi thăm ông mới phải. Anh biết là ông mến anh lắm và chắc sẽ vui thích được anh đến thăm.
Georges đáp:
– Phải đấy, anh sẽ đến ngay.
Y đã ăn mặc chải chuốt xong, và đội mũ lên đầu, y tìm xem còn lơ là điểm gì chăng. Không thấy gì sơ suất, y lại gần giường hôn lên trán vợ.
– Tạm biệt, em yêu, sớm nhất cũng phải bảy giờ tối anh mới về nhà.
Và y ra đi. Ông Laroche‐Mathieu đợi y, vì hôm ấy ông ăn trưa vào lúc mười giờ, hội đồng Chính phủ sẽ họp vào giữa trưa, trước lúc Nghị viện khai diễn trở lại.
Khi họ vừa ngồi vào bàn ăn, chỉ có hai người cùng với viên thư ký riêng của bộ trưởng, vì bà Laroche‐Mathieu không muốn thay đổi giờ ăn. Du Roy liền nói về bài báo của mình, phác ra đường hướng, tra cứu những ghi chú viết nguệch ngoạc trên các tấm danh thiếp; rồi khi đã trình bày xong, y nói:
– Thưa ông bộ trưởng, ông thấy có gì phải sửa đổi không ạ?
– Rất ít, anh bạn thân mến. Có lẽ anh hơi khẳng định quá trong vụ việc Marôc. Anh hãy nói về cuộc viễn chinh như thể nó phải xảy ra, nhưng lại để cho người ta hiểu là nó sẽ không xảy ra và anh chẳng tin một chút nào cả. Anh hãy làm sao cho mọi người đọc thấy giữa các hàng chữ là chúng ta sẽ không chúi đầu vào cuộc phiêu lưu ấy.
– Đúng lắm! Tôi đã hiểu, và tôi sẽ làm sao để mọi người hiểu rõ ý tôi. Nhà tôi bảo tôi hỏi ông xem tướng Belloncle có được phái đến Oran không. Như ngài vừa nói thì tôi kết luận là không.
Nhà chính khách đáp:
– Không.
Rồi họ trò chuyện về kỳ họp sắp khai mạc. Laroche‐Mathieu bắt đầu nói dông dài, sửa soạn tác dụng của những câu chữ ông sắp tung ra giữa các bạn đồng sự sau đó mấy tiếng đồng hồ. Ông vung bàn tay phải, giơ lên trời khi thì cái dĩa, khi thì con dao, khi thì miếng bánh và chẳng nhìn ai cả, hướng về Quốc hội vô hình, xổ ra lời hùng biện êm như ru giống các chàng trai khéo tán. Chòm ria mép rất nhỏ cuốn lại để vểnh trên môi hai mũi nhọn giống như đuôi con bọ cạp, và mái tóc chải sáp bóng nhẫy, rẽ ngôi chính giữa, với hai món tóc cuộn tròn hai bên thái dương như dân tỉnh lẻ làm dáng. Ông hơi đẫy đà, hơi phì phị, tuy còn trẻ; cái bụng làm căng chiếc áo gi lê. Viên thư ký riêng ăn uống thong dong, chắc đã quen với trò thao thao bất tuyệt của ông rồi; nhưng Du Roy trong lòng đau nhói vì ghen tức với thành công, nghĩ ngợi: “Cứ ba hoa đi, đồ bất tài! Bọn chính khách này thật là một lũ ngu si!”.
Và so sánh tài cán của mình với cái ba hoa của vị bộ trưởng kia, y nghĩ bụng: “Mẹ kiếp, nếu ta mà có được một trăm ngàn frăng chẵn thôi để ứng cử vào chức nghị sĩ vùng quê Rouen tươi đẹp của ta, để phỉnh phờ những người dân Normandie trung hậu, láu lỉnh và vụng về đần độn của ta, ta sẽ trở thành một chính khách ra trò so với những kẻ bê tha không biết lo xa kia”.
Ông Laroche‐Mathieu cứ thao thao mãi cho đến tận lúc uống cà phê, rồi thấy rằng đã muộn, ông liền bấm chuông gọi đánh xe ngựa bốn bánh của ông ra, và chìa tay cho anh chàng nhà báo:
– Hiểu rõ rồi chứ, ông bạn?
– Rõ lắm ạ, thưa bộ trưởng, ông cứ tin ở tôi.
Và Du Roy lững thững đi đến tòa báo để bắt tay vào viết bài, vì y chẳng có việc gì làm cho đến tận bốn giờ chiều. Đến bốn giờ y phải có mặt ở phố Constantinople để gặp nàng De Marelle, nàng vẫn tới đó đều đặn mỗi tuần hai lần vào thứ Hai và thứ Sáu.
Nhưng khi bước vào tòa soạn, người ta đưa cho y một bức điện dán kín: đó là bức điện của bà Walter, viết:
“Tôi có chuyện nhất thiết phải nói với mình ngay hôm nay. Nghiêm trọng, nghiêm trọng lắm! Mình đợi tôi lúc hai giờ, ở phố Constantinople. Tôi có thể giúp mình nhiều.
“Tình nhân của mình cho đến trọn đời.”
“VIRGINIE”
Y rủa:
– Trời đánh thánh vật! Dai như đỉa.
Và cảm thấy bực bội ghê gớm, y ra về ngay, vì tức giận quá không làm việc được.
Từ sáu tuần lễ nay, y cố cắt đứt với bà ta mà chẳng làm sao cho bà bớt say mê gắn bó đi được. Sau lần sa ngã, bà đã trào lên trong lòng niềm hối hận ghê gớm, và trong ba lần hẹn hò liên tiếp, bà đã té tát trách móc, nguyền rủa tình nhân. Ngán ngẩm với những cảnh ấy, lại đã chán người đàn bà đứng tuổi và bi lụy này, nên y lảng tránh, hy vọng rằng cuộc dan díu cứ thế là chấm dứt. Nhưng bà lại cuống cuồng bám riết lấy y, bà lao vào mối tình này như người ta đeo đá vào cổ mà lao xuống sông. Y lại nhượng bộ, vì yếu đuối, vì chiều lòng, vì nể nang; và bà ta đã giam giữ y trong mối đam mê cuồng nhiệt và nhọc nhằn, đã hành hạ y bằng tình âu yếm của bà.
Ngày nào bà cũng muốn gặp y, bà đánh điện gọi y luôn xoành xoạch, hẹn gặp chớp nhoáng ở đầu phố, trong cửa hàng hay ngoài công viên.
Những lúc đó, bà ta nhắc đi nhắc lại với y, quanh quẩn chỉ vài câu, là bà yêu y tha thiết, bà tôn thờ y, rồi bà chia tay với y và thề thốt là “được gặp y bà sung sướng biết chừng nào”.
Bà tỏ ra khác hẳn, không như y đã từng mơ tưởng về bà, bà cố quyến rũ y bằng những trò điệu đàng yêu đương trẻ con rất lố lăng ở lứa tuổi của bà. Vốn là người trước kia hết sức đứng đắn, với tấm lòng trinh bạch, dửng dưng với mọi xúc cảm, chẳng biết gì đến nhục dục, ở người đàn bà đức hạnh với độ tuổi bốn mươi phẳng lặng giống mùa thu xám xịt sau một mùa hè lạnh lẽo ấy, chuyện đó xảy đến bất thần như một thứ mùa xuân tàn tạ đầy các bông hoa nho nhỏ cằn cỗi và các chồi non thui chột, sự bột phát kỳ lạ của thứ tình yêu thiếu nữ, tình yêu muộn mằn, sôi nổi và hồn nhiên, với những cái hăm hở bất ngờ, những tiếng rú khe khẽ của tuổi mười sáu, những trò mơn trớn phát ngượng, những vẻ yêu kiều chưa trẻ trung mà đã già nua. Bà viết cho y chục bức thư trong một ngày, những bức thư điên rồ một cách ngớ ngẩn, với một văn phong kỳ cục, thi vị mà buồn cười, kiểu cách như văn phong của những người Ấn Độ, đầy ắp các tên thú tên chim.
Hễ chỉ có hai người với nhau là bà ta ôm hôn y với những cử chỉ nũng nịu, vô duyên của các cô bé to xác, những cái bĩu môi hơi lố bịch, những trò nhảy nhót làm cho bộ ngực quá nặng nề rướn lên hạ xuống dưới lần vải của chiếc áo chẽn.
Y ớn nhất là nghe bà ta xưng hô: “Con chuột của tôi”, “Con chó của tôi”, “Con mèo của tôi”, “Món nữ trang xinh xinh của tôi”, “Con chim xanh của tôi”, “Kho báu của tôi”, và nhìn bà mỗi lần trao thân cho y lại làm bộ bẽn lẽn như trẻ con, làm bộ lo lo sợ sợ mà bà cho thế là dễ thương, làm bộ õng a õng ẹo như cô học trò nội trú hư hỏng.
Bà hỏi: “Cái miệng này của ai?”, và khi thấy y chưa trả lời ngay, bà nói: “Là của tôi”; bà nhấn mạnh đến mức làm cho y phải tái người đi vì bực dọc.
Theo y, lẽ ra bà nên hiểu rằng trong tình yêu phải cực kỳ tế nhị, khéo léo, khôn ngoan, chính xác và khi hiến thân cho y, một người phụ nữ đứng tuổi, làm mẹ trong gia đình, lại thuộc giới thượng lưu như bà, phải hiến thân một cách trịnh trọng, sôi nổi, nhưng là cái sôi nổi âm ỉ nghiêm trang, có thể khóc, nhưng là với những giọt nước mắt của Didon, chứ không phải với những giọt nước mắt của Juliette.
Bà nói mãi với y:
– Tôi yêu mình thiết tha, chú bé của tôi ơi! Mình có yêu tôi tha thiết như thế không, cậu bé của tôi?
Nghe bà nói “chú bé của tôi”, “cậu bé của tôi” mà y chỉ muốn gọi lại là “bà già của tôi”.
Bà bảo y:
– Tôi thật là điên rồ đã chịu khuất phục mình. Nhưng tôi không tiếc đâu. Yêu đương thú vị biết bao!
Tất cả những lời đó trong cái miệng kia, Georges thấy như chọc tức y. Bà thì thầm: “Yêu đương thú vị biết bao” chẳng khác nào một cô gái ngây thơ thì thầm trên sâu khấu.
Y còn lộn ruột vì sự vuốt ve vụng về của bà. Cái hôn của chàng thanh niên đẹp trai này đã làm cho bà nóng bừng bừng cả người và bỗng chốc trở nên dâm dục, bà ôm ghì lấy y nồng nhiệt, vụng về và loay hoay mãi khiến Du Roy phì cười và nghĩ đến những cụ già đang tập đọc.
Khi bà đã ôm ghì y đến chặt cứng cả người, vừa hừng hực nhìn y bằng con mắt sâu thẳm, dễ sợ của một số phụ nữ nhan sắc tàn phai, bừng lên trong mối tình chết, khi cái miệng câm lặng và run rẩy của bà ta có lẽ đã cắn vào y, trong lúc da thịt nần nẫn, nóng hổi, mệt phờ nhưng không biết chán của bà đè nghiến lấy y, bà uốn éo như một cô bé và ỏn ẻn làm duyên:
– Tôi yêu mình biết bao, chú bé của tôi. Tôi yêu mình biết bao. Mình yêu cô vợ bé bỏng của mình đi!
Lúc đó, y điên tiết muốn chửi rủa, muốn vơ lấy mũ và bỏ đi, đóng sầm cửa lại.
Trong thời gian đầu, họ thường xuyên gặp gỡ nhau ở phố Constantinople, nhưng vì Du Roy sợ chạm trán với nàng De Marelle nên bây giờ y viện hàng ngàn lý do để khước từ những cuộc hò hẹn ấy.
Thế là hầu như ngày nào y cũng phải đến nhà bà, hoặc ăn trưa, hoặc ăn tối. Bà siết lấy bàn tay y dưới gầm bàn, bà chìa môi cho y hôn sau cánh cửa. Nhưng y lại chỉ thích chơi với Suzanne và rất thú với những trò nhộn của cô. Trong cái cơ thể mũm mĩm như búp bê của cô, là một trí tuệ nhanh nhẹn và láu lỉnh, bất ngờ và xảo trá, nó luôn luôn diễu qua diễu lại như trò múa rối ở hội chợ. Cô chế nhạo tất cả mọi người bằng những lời thích đáng hết sức cay độc. Georges kích thích cái hăng say của cô, đẩy cô đến chỗ mỉa mai châm biếm, và hai người thật là tâm đầu ý hợp.
Cô cứ gọi y luôn:
– Này, Ông Bạn Đẹp! Lại đây, Ông Bạn Đẹp!
Thế là y liền bỏ ngay bà mẹ để chạy đến với cô bé, cô thì thầm một điều tai quái nào đó vào tai y và hai người cười như nắc nẻ.
Song, từ chỗ phát ngán với tình yêu của bà mẹ, y đi đến chỗ chán ghét bà ghê gớm. Y không thể nào nhìn thấy bà, nghe bà nói, nghĩ về bà mà không nổi giận. Y liền thôi không đến nhà bà, không trả lời thư của bà và không nhượng bộ trước những lời mời mọc của bà.
Cuối cùng bà hiểu ra là y không yêu bà nữa và đau khổ kinh khủng. Nhưng bà bám riết, bà rình rập, theo dõi, đợi chờ y trong một chiếc xe ngựa buông mành, ở cửa tòa báo, ở cửa nhà y, tại những phố xá mà bà hy vọng y sẽ đi qua.
Y muốn hành hạ bà, chửi bới bà, đánh đập bà, nói toạc ra với bà: “Chà, tôi ngán lắm rồi, bà làm rầy rà tôi quá!”. Nhưng y vẫn còn ít nhiều nể nang, vì tờ Đời sống Pháp; và y cố gắng bằng thái độ lạnh lùng, bằng cách xử sự tàn nhẫn nhưng bề ngoài ra vẻ kính nể, và thậm chí cả bằng những lời nói xẵng, để làm cho bà hiểu rằng chuyện đó cần phải chấm dứt đi thôi.
Bà đặc biệt lì lợm, tìm hết mánh khóe này đến mánh khóe khác để lôi kéo y đến phố Constantinople, và y luôn luôn lo sợ một hôm nào đó hai người đàn bà sẽ chạm trán nhau ở cửa.
Trái lại, tình quyến luyến của y với nàng De Marelle lại tăng lên trong mùa hè. Y gọi nàng là “cục cưng” của y, và rõ ràng là y thích nàng. Bản chất hai người có những khía cạnh tương tự; cả hai đều thuộc cái nòi phiêu lưu của những kẻ lang thang trong cuộc đời, những kẻ lang thang trong xã hội ăn chơi, tất nhiên rất giống với những kẻ nay đây mai đó trên các con đường cái.
Hai người trải qua một mùa hè yêu đương lý thú, một mùa hè sinh viên chơi bời trác táng, lẻn đi ăn trưa hoặc ăn tối với nhau ở Argenteuil, ở Bougival, ở Maisons, ở Poissy, ngồi hàng giờ trên thuyền hái hoa dọc bờ sông. Nàng mê những món cá rán sông Seine, món cá hấp, món cá sốt vang, những giàn cây hình vòm của các tiệm rượu và tiếng la hét của bọn chèo xuồng. Y thích đi chơi cùng với nàng vào một ngày trong trẻo, ở tầng trên của một đoàn tàu ngoại ô, và vừa nói chuyện tếu vừa băng qua vùng nông thôn của Paris đó đây mọc lên các nhà nghỉ mát bình dị bằng gỗ xấu kinh người của bọn giàu sang.
Đến lúc phải quay về ăn tối tại nhà bà Walter, y căm ghét cái bà nhân tình già dai như đỉa đói khi nhớ lại nàng nhân tình trẻ trung vừa chia tay, và nàng đã ngắt hoa bẻ lá hết tất cả những ham muốn, khát khao của y trong bãi cỏ ở ven sông.
Cuối cùng, khi y tưởng chừng gần như được giải thoát khỏi bà chủ báo mà y đã cho biết quyết định cắt đứt một cách rõ ràng, hầu như tàn nhẫn, thì lại nhận được ở tòa báo bức điện gọi y đến phố Constantinople lúc hai giờ.
Y vừa đi vừa đọc lại bức điện: “Tôi có chuyện nhất thiết phải nói với mình ngay hôm nay. Nghiêm trọng, nghiêm trọng lắm. Mình đợi tôi lúc hai giờ ở phố Constantinople. Tôi có thể giúp mình nhiều. Tình nhân của mình cho đến trọn đời. VIRGINIE”.
Y nghĩ: “Cái con cú già ấy còn muốn gì ở ta nữa đây? Ta đánh cuộc là mụ chẳng có gì để nói với ta cả. Mụ lại sắp nhắc lại là yêu ta tha thiết. Tuy nhiên, phải xem sao! Mụ nói đến chuyện rất nghiêm trọng và sự giúp đỡ lớn lao, điều đó có thể đúng. Và Clotilde tới lúc bốn giờ. Ta phải tống mụ đi trước, chậm nhất là vào lúc ba giờ. Mẹ kiếp! Miễn sao họ đừng chạm trán nhau là được rồi. Đàn bà thật là giống nanh ác!”.
Và y nghĩ quả thực chỉ có vợ y là chẳng quấy rầy y bao giờ. Nàng sống phần nàng, và có vẻ yêu y lắm, vào những giờ dành riêng cho yêu đương, bởi vì nàng không chấp nhận người ta xáo trộn trật tự bất di bất dịch những việc làm thường ngày của đời sống.
Y lê bước chậm chạp về phía căn nhà hò hẹn, bực bội trong lòng với bà chủ báo:
– Được rồi! Ta sẽ tiếp mụ ra trò nếu mụ không có chuyện gì nói với ta. Tiếng Pháp tục tĩu của Cambronne sẽ là kinh viện bên tiếng Pháp của ta. Trước hết ta sẽ tuyên bố là sẽ không thèm bén mảng đến nhà bà ta nữa.
Và y vào nhà để đợi bà Walter.
Chỉ giây lát sau là bà tới, và vừa nhìn thấy y, bà đã nói:
– A! Mình đã nhận được điện của tôi! May quá! Y cau mặt lại:
– Tất nhiên, tôi thấy nó ở tòa báo, lúc định tới Nghị viện.
Mình còn cần gì ở tôi nữa?
Bà vén mạng che mặt lên để hôn y, và tiến lại gần với vẻ sợ sệt và phục tùng của con chó hay bị ăn đòn.
– Mình độc ác với tôi quá… Mình nặng lời với tôi quá… Tôi đã làm gì mình đâu? Mình không hình dung được tôi đau khổ vì mình như thế nào!
Y làu bàu:
– Sắp sửa lại bắt đầu đấy chứ?
Bà đứng sát bên y, chờ đợi một nụ cười, một cử chỉ để nhào vào trong cánh tay y.
Bà nói:
– Không nên chiếm đoạt tôi để đối xử với tôi như vậy, lẽ ra cần phải để mặc tôi đứng đắn và sung sướng như trước kia. Mình có còn nhớ mình nói gì với tôi ở nhà thờ, và đã bức bách tôi vào trong ngôi nhà này thế nào không? Mà bây giờ mình ăn nói với tôi như vậy! Mình tiếp đón tôi như vậy! Trời ơi! Trời ơi! Mình làm tôi khổ tâm quá!
Y giậm chân và nói giận dữ:
– Ơ hay! Chà! Đủ rồi đấy. Tôi không thể gặp mình lấy một phút nào mà chẳng phải nghe cái điệu lải nhải này. Cứ như là tôi chiếm đoạt mình năm mười hai tuổi và lúc đó mình ngây thơ chẳng biết gì. Không, mình ơi, chúng ta hãy rành mạch với nhau, không hề có chuyện quyến rũ gái vị thành niên. Mình đã hiến thân cho tôi, ở vào tuổi đã có đầy đủ lý trí. Tôi cảm tạ mình, tôi biết ơn mình vô cùng về chuyện đó, nhưng tôi đâu có buộc phải bám lấy váy mình cho đến chết. Mình có một ông chồng và tôi có một bà vợ. Cả hai chúng ta có ai được tự do đâu. Chúng ta đã nô giỡn với nhau, không ai hay, chẳng ai biết, thế thôi!
Bà bảo:
– Ôi! Mình tàn nhẫn quá! Mình thô bạo, mình đê tiện quá! Không! Tôi lúc đó chẳng còn là một thiếu nữ, nhưng tôi chưa bao giờ yêu ai, chưa bao giờ sa ngã…
Y ngắt lời:
– Mình đã lặp lại điều đó với tôi đến hai chục lần, tôi biết. Nhưng mình đã có hai đứa con… có phải là tôi phá trinh mình đâu.
Bà lùi lại:
– Chà! Georges, thật quá lắm!…
Và bà đưa hai bàn tay lên ôm lấy ngực, bắt đầu uất lên, với những tiếng nức nở ứ ở cổ họng.
Khi nhìn thấy nước mắt bà sắp trào ra, y liền cầm lấy mũ trên góc lò sưởi:
– Ồ! Mình sắp khóc! Vậy xin chào nhé! Ra mình bảo tôi đến đây để diễn cái trò này.
Bà tiến lên một bước để chắn đường, rồi rút vội chiếc khăn tay trong túi ra chùi quẹt đôi mắt. Giọng bà đanh lại với sự nỗ lực của ý chí và run run đau đớn, làm cho lời nói bị đứt quãng:
– Không… tôi đến đây để… để báo cho mình một tin… một tin chính trị… để cho mình phương tiện kiếm được năm chục ngàn frăng… thậm chí hơn… nếu mình muốn…
Y dịu ngay lại, hỏi:
– Thế nào! Mình muốn nói cái gì?
– Tôi tình cờ nghe lỏm được, tối hôm qua, vài lời của chồng tôi và của Laroche. Vả chăng họ cũng chẳng giấu giếm gì nhiều trước mặt tôi. Nhưng Walter căn dặn ông bộ trưởng là đừng cho mình biết điều bí mật, bởi vì mình sẽ phanh phui ra tất.
Du Roy đã đặt lại mũ của y lên chiếc ghế tựa. Y hết sức chăm chú chờ đợi:
– Vậy có chuyện gì thế?
– Họ sắp chiếm Marôc.
– Làm gì có chuyện. Tôi đã ăn trưa với Laroche, ông ta gần như đọc cho tôi biết những ý định của nội các.
– Không, mình ạ, họ lừa mình đấy, bởi vì họ sợ người ta biết rõ mưu mô của họ.
– Mình ngồi xuống đã nào, ‐ Georges bảo.
Và chính y cũng ngồi xuống một chiếc ghế bành. Bà liền lôi ra một chiếc ghế nhỏ dùng để kê chân và ngồi xổm lên trên, giữa hai chân của chàng thanh niên. Bà nói tiếp bằng giọng nũng nịu:
– Tôi cứ luôn luôn nghĩ đến mình, bây giờ tôi chú ý đến tất cả những gì người ta thì thầm xung quanh tôi.
Và bà bắt đầu thong thả giải thích cho y rõ ít lâu nay bà đoán thấy người ta đang chuẩn bị một cái gì đó mà không cho y hay, người ta vừa sử dụng y vừa ngại không muốn cho y cộng tác.
Bà bảo:
– Mình biết không, khi người ta yêu thì trở nên ranh mãnh.
Thế là, hôm trước, bà ta đã dò ra được. Đó là một vụ việc lớn, một vụ việc rất lớn được chuẩn bị ngấm ngầm. Bây giờ bà mỉm cười, sung sướng vì tài ba của mình; bà hăng say, nói năng như vợ một nhà tài chính quen thuộc với những diễn biến của thị trường chứng khoán, những cơn sốt lên giá xuống giá, trong hai tiếng đồng hồ đầu cơ làm sạt nghiệp hàng ngàn dân tiểu tư sản, dân cho vay lãi nhỏ, họ đặt tiền tiết kiệm của họ để lấy lãi vào những cổ phần có sự bảo đảm của tên tuổi các nhân vật được quý mến, được kính trọng, các chính khách hoặc các chủ ngân hàng.
Bà nhắc lại:
– Ôi! Những việc họ làm quá quắt lắm cơ! Quá quắt lắm cơ! Thế mà chính Walter đã điều khiển tất cả, và ông ta thạo lắm. Thật sự là hạng nhất đấy!
Y nghe những lời mào đầu đó mà sốt lòng sốt ruột.
– Nào, mình nói mau lên.
– Đầu đuôi là thế này: Cuộc viễn chinh Tanger đã được quyết định giữa họ với nhau ngay từ ngày Laroche nắm Bộ Ngoại giao; và dần dần họ đã mua lại hết các công trái Marôc khi đó đã sụt xuống còn sáu mươi tư hoặc sáu mươi lăm frăng. Họ đã mua lại được một cách hết sức khéo léo, qua sự trung gian của các tay chân ám muội chẳng làm cho ai ngờ vực. Thậm chí họ đánh lừa được cả các nhân viên ngân hàng Rothschild. Số này ngạc nhiên thấy cứ toàn hỏi mua công trái Marôc. Họ đã trả lời bằng cách nêu tên những kẻ trung gian, tất cả đều có tật, tất cả đều túng kiết. Điều đó đã làm cho nhà ngân hàng lớn yên tâm. Và thế là bây giờ họ sắp tiến hành cuộc viễn chinh, và khi quân đội vừa có mặt ở đấy là Nhà nước Pháp sẽ tuyên bố bảo đảm thanh toán nợ nần. Các ông bạn của chúng ta sẽ kiếm được năm chục hoặc sáu chục triệu. Mình hiểu vụ việc chứ? Mình cũng hiểu tại sao họ sợ tất cả mọi người, tại sao họ chỉ lo chuyện này hở ra.
Bà đã dựa đầu lên áo gi lê của chàng thanh niên, và hai cánh tay tì lên hai chân y, bà áp người, dán người vào y, bà cảm thấy y đã quan tâm tới bà, và bà sẵn sàng làm mọi chuyện, phạm mọi điều để được y vuốt ve, mỉm cười.
Y hỏi:
– Mình tin chắc chứ?
Bà không ngần ngại đáp:
– Ồ! Tôi tin chắc lắm!
Y phát biểu:
– Thế thì thật là quá lắm! Còn như gã Laroche mất dạy kia, tôi sẽ cho biết tay. Ồ! Thằng cha đểu giả! Hắn hãy liệu hồn!… Hắn hãy liệu hồn!… Cái thân xác bộ trưởng của hắn sẽ còn lại trong những ngón tay tôi!
Rồi y ngẫm nghĩ và lẩm bẩm:
– Song có lẽ cần phải lợi dụng chuyện này.
– Mình vẫn còn có thể mua công trái được, ‐ bà nói. ‐ Giá chỉ mới là bảy mươi hai frăng thôi mà.
Y lại nói:
– Ừ, nhưng tôi không có sẵn tiền.
Bà ngước mắt lên nhìn y, cặp mắt như van xin cầu khẩn:
– Tôi đã nghĩ đến chuyện đó, con mèo của tôi ạ, và nếu mình dễ thương, dễ thương, nếu mình yêu tôi lấy một tí, tôi sẽ cho mình vay.
Y trả lời đốp chát, gần như xẵng:
– Về khoản đó thì không đời nào!
Bà nói van vỉ:
– Mình ạ, có một điều mình làm được mà không phải vay tiền. Tôi, tôi muốn bỏ ra mười ngàn frăng mua công trái ấy để lập một quỹ riêng nho nhỏ. Thế này nhé! Tôi sẽ mua lên hai chục ngàn! Mình tham gia vào đấy một nửa. Mình hiểu rõ là tôi sẽ không hoàn lại khoản tiền đó cho Walter đâu. Vậy là trước mắt không phải chi gì hết. Nếu việc thành công, mình kiếm được bảy chục ngàn frăng. Nếu không thành công, mình nợ tôi mười ngàn frăng thôi, muốn trả lúc nào cũng được.
Y lại nói:
– Không, tôi chẳng ưa những trò mưu mô đó.
Bà liền lập luận và thuyết phục y, bà chứng tỏ cho y thấy rằng trong thực tế y đã nhận vay mười ngàn frăng trên lời nói, do đó y cũng phiêu lưu, còn bà thì có ứng trước gì cho y đâu, vì tiền mua là do Ngân hàng Walter bỏ ra.
Ngoài ra bà còn chứng minh cho y thấy rằng chính y là người đã điều khiển toàn bộ cái chiến dịch chính trị trong tờ Đời sống Pháp, nhờ đó mới có được vụ việc này, nên không lợi dụng thì thật là ngây thơ.
Y vẫn còn do dự. Bà thêm:
– Mình cũng nên nghĩ rằng thực ra chính là Walter ứng trước cho mình khoản mười ngàn frăng ấy và những công việc mình giúp cho ông ta còn đáng giá hơn thế cơ.
– Thôi được! Tôi tham gia một nửa với mình. Nếu chúng ta thất bại, tôi sẽ hoàn lại cho mình mười ngàn frăng.
Bà hài lòng vô cùng nên đứng ngay dậy, hai bàn tay ôm lấy đầu y và hôn lấy hôn để.
Mới đầu, y không cưỡng lại, song thấy bà cứ dấn mãi lên, ôm ghì lấy y, hăm hở vuốt ve lấy được, y nghĩ rằng cô nàng kia sắp tới đến nơi rồi, và nếu y mềm yếu, y sẽ mất thời gian và sẽ dốc hết vào cánh tay mụ tình nhân già cái nồng nàn lẽ ra nên dành cho cô trẻ thì hơn.
Y liền nhè nhẹ đẩy bà ra:
– Kìa, mình đừng làm thế! ‐ Y nói.
Bà nhìn y bằng đôi mắt buồn rười rượi:
– Ơ hay, Georges. Tôi ôm hôn mình cũng không được nữa.
Y đáp:
– Không, hôm nay thì không, tôi hơi nhức đầu và điều đó làm tôi hơi mệt.
Bà liền ngoan ngoãn ngồi xuống lại giữa hai chân y. Bà hỏi:
– Ngày mai mình lại đằng nhà ăn tối được không? Mình sẽ làm cho tôi vui lòng biết chừng nào.
Y ngần ngại rồi chẳng dám từ chối:
– Tất nhiên, được lắm chứ!
– Cám ơn mình thân yêu.
Bà thong thả cọ má, đều đều, mơn trớn, lên ngực chàng thanh niên, và một sợi tóc đen dài của bà vương vào áo gi lê.
Bà nhìn thấy và đầu óc thoáng nảy ra một ý nghĩ điên rồ, một trong những ý nghĩ mê tín thường khi là toàn bộ lý trí của phụ nữ. Bà liền ren rén quấn sợi tóc ấy quanh một chiếc khuy áo. Rồi bà quấn một sợi tóc khác vào chiếc khuy áo bên cạnh, và một sợi nữa vào chiếc khuy áo tiếp theo. Cứ mỗi chiếc khuy áo bà lại quấn một sợi tóc.
Lát nữa đứng dậy y sẽ giật đứt các sợi tóc ấy. Y sẽ làm bà đau nhói, hạnh phúc biết bao! Và y sẽ mang theo bên mình một cái gì đó của bà mà không biết, y sẽ mang theo bên mình một món tóc nho nhỏ của bà mà y chưa từng đòi hỏi. Đó là mối dây bà dùng để trói buộc y, mối dây bí mật, vô hình! Một cái bùa ngải bà để lại trên người y. Dù không muốn, ngày mai y sẽ nghĩ đến bà, y sẽ mơ tưởng đến bà, y sẽ yêu bà hơn một chút.
Thình lình y nói:
– Bây giờ tôi phải đi, vì người ta đợi tôi ở Nghị viện vào cuối buổi họp. Hôm nay tôi không thể vắng mặt được.
Bà thở dài:
– Ôi! Đã chia tay vội thế! ‐ Rồi đành cam chịu. ‐ Mình cứ đi, mình yêu quý, nhưng mai mình sẽ đến ăn tối.
Và bà lùi phắt ra. Đầu bà đau nhói một cái như bị kim châm. Tim bà đập thình thịch; bà hài lòng đã được đau đớn một chút vì y.
– Tạm biệt, ‐ bà nói.
Y ôm bà trong tay với nụ cười thông cảm, và lạnh lùng hôn lên đôi mắt của bà.
Nhưng rạo rực cả người vì sự đụng chạm ấy, bà thì thầm thêm một lần nữa:
– Vội vã thế ư? ‐ Và bà ngoái con mắt van nài về phía căn buồng để ngỏ cửa.
Y đẩy bà ra và nói bằng một giọng hối hả:
– Tôi phải phóng đi đây, tôi đến chậm mất.
Bà liền chìa môi ra và y hầu như chỉ hôn lướt qua một tí. Rồi đưa cho bà cái dù bỏ quên, y nói tiếp:
– Thôi, thôi, mau lên, đã hơn ba giờ rồi.
Bà ra trước y; bà nhắc lại:
– Mai, bảy giờ. Y đáp:
– Mai, bảy giờ.
Họ chia tay nhau. Bà rẽ sang phải, còn y sang trái.
Du Roy đi ngược lên đến tận đại lộ ngoại vi. Rồi y lại lững thững đi xuôi dọc theo đại lộ Malesherbes. Khi đi ngang qua một cửa hiệu bánh ngọt, y nhìn thấy những trái hạt dẻ ướp lạnh trong một chiếc cốc pha lê, và y nghĩ: “Mình sẽ đem nửa cân về cho Clotilde”. Y mua một gói trái cây tẩm đường mà nàng thích mê tơi đó. Đến bốn giờ, y trở về đợi người tình trẻ.
Nàng đến hơi muộn vì chồng nàng về nhà tám ngày. Nàng hỏi:
– Mai anh đến ăn tối được không? Ông ấy sẽ rất mừng được gặp anh.
– Không, anh phải ăn tối ở nhà ông chủ báo. Bọn anh đang bù đầu vì một lô các mưu mô chính trị và tài chính.
Nàng đã bỏ mũ ra từ nãy. Bây giờ nàng cởi cái áo chẽn bó quá sát lấy người.
Y trỏ cái gói trên lò sưởi:
– Anh mang về cho em hạt dẻ ướp lạnh kia kìa!
Nàng vỗ tay:
– Hay quá! Anh thật là dễ thương.
Nàng cầm lấy gói hạt dẻ, ăn một quả, và thốt lên:
– Ngon ơi là ngon. Có lẽ em sẽ ăn không sót lại quả nào đâu. Rồi nàng vừa vui vẻ lẳng lơ nhìn Georges vừa nói thêm:
– Thế ra anh chiều chuộng mọi thói hư tật xấu của em ư?
Nàng ăn hạt dẻ nhẩn nha và cứ luôn luôn đưa mắt nhìn vào trong gói như để xem có còn không.
Nàng nói:
– Này, anh ngồi vào ghế bành đi, em sẽ ngồi xổm giữa hai chân anh để nhấm nháp mứt hạt dẻ. Em thích thế lắm cơ.
Y mỉm cười, ngồi xuống và kẹp nàng vào giữa hai đùi của mình như với bà Walter lúc nãy.
Nàng ngẩng đầu lên để trò chuyện với y, và vừa nhồm nhoàm vừa nói:
– Anh biết không, anh yêu của em, em đã mơ thấy anh, em đã mơ thấy đôi ta cưỡi trên lưng một con lạc đà, đi du lịch rất xa. Nó có hai bướu, mỗi đứa chúng ta ngồi cưỡi trên một cái bướu, và đôi ta băng qua sa mạc. Đôi ta mang theo bánh mì kẹp nhân bọc trong tờ giấy, rượu vang đựng trong cái chai và ăn uống với nhau trên lưng lạc đà. Nhưng em thấy chán vì đôi ta không thể làm gì khác nữa, đôi ta xa nhau quá, và em muốn xuống.
Y đáp:
– Cả anh cũng muốn xuống.
Y cười thích thú với câu chuyện, y giục cho nàng nói ra những điều huyên thuyên, ngốc nghếch, kể lể những trò trẻ con, những chuyện ngớ ngẩn âu yếm mà các cặp tình nhân vẫn nói với nhau. Những chuyện vớ vẩn ấy nếu bà Walter nói ra chắc làm cho y bực bội, nhưng từ miệng nàng De Marelle thốt lên sao mà y thấy dễ thương. Clotilde cũng gọi y: “Anh yêu của em, cậu bé của em, con mèo của em”. Những từ ngữ đó y thấy sao mà dịu dàng, âu yếm. Vẫn những từ ngữ ấy bà Walter nói ra lúc nãy thì nghe tức anh ách và phát ớn. Bởi vì vẫn những lời tình tứ yêu đương ấy thôi, nhưng chúng mang hương vị của đôi môi từ đó phát ra.
Nhưng y vừa vui với các trò nhộn nhạo ấy vừa nghĩ tới bảy chục ngàn frăng sắp sửa kiếm được, và thình lình y lấy ngón tay gõ nhẹ hai cái lên đầu người tình khiến nàng đang huyên thuyên bỗng im bặt:
– Này, con mèo của anh ơi. Anh có việc nhờ em về nói với chồng em đây. Em nói hộ với ông ta rằng anh dặn ông ngày mai mua lấy một chục ngàn frăng công trái Marôc hiện giá là bảy mươi hai; và anh hứa với ông ta trong vòng ba tháng sẽ kiếm được từ sáu chục đến tám chục ngàn frăng. Em căn dặn ông ta phải tuyệt đối im hơi lặng tiếng. Em nói hộ với ông ta là cuộc viễn chinh Tanger đã được quyết định rồi và Chính phủ Pháp sẽ bảo đảm thanh toán công nợ Marôc. Nhưng em đừng nói hở cho ai đấy. Điều anh thổ lộ với em là một bí mật quốc gia.
Nàng nghiêm trang lắng nghe. Nàng nói:
– Em cám ơn anh. Em sẽ báo cho chồng em ngay tối nay. Anh có thể tin ở ông ấy, ông ấy sẽ không nói năng gì cả. Đó là một con người đáng tin cậy. Chẳng có nguy hiểm gì đâu.
Nàng đã ăn hết chỗ hạt dẻ. Nàng vò cái gói giấy trong tay và ném vào lò sưởi, rồi nói:
– Chúng ta đi nằm đi. ‐ Và vẫn ngồi nguyên như thế, nàng bắt đầu cởi khuy áo gi lê của Georges ra.
Bỗng nàng dừng ngay lại, lấy hai ngón tay rút một sợi tóc dài vướng vào khuyết áo và phá lên cười:
– Ơ này! Anh mang theo một sợi tóc của Madeleine. Quả là một đức ông chồng chung thủy!
Rồi nghiêm nghị trở lại, nàng xem xét rất lâu trong lòng bàn tay sợi tóc hầu như không trông thấy nàng vừa bắt được và lẩm bẩm:
– Không phải tóc của Madeleine, nó màu nâu.
Y mỉm cười:
– Có lẽ tóc của chị hầu phòng đấy.
Nhưng nàng chăm chú kiểm tra áo gi lê như nhà thám tử và lôi ra một sợi tóc thứ hai quấn quanh chiếc khuy áo; rồi nàng lại thấy một sợi thứ ba nữa; thế là tái nhợt đi, người hơi run rẩy:
– Ô! Anh đã ngủ với con mụ đàn bà nó quấn tóc vào tất cả các khuy áo của anh.
Y ngạc nhiên, ấp a ấp úng:
– Không mà! Em điên rồi…
Chợt y nhớ lại, hiểu ra, mới đầu lúng túng, rồi vừa chối vừa ngượng nghịu, trong thâm tâm không hề bực mình về nỗi bị nàng nghi ngờ có số đào hoa. Nàng tìm nữa và lại thấy thêm các sợi tóc khác, nàng lôi tuột ngay ra rồi vứt xuống thảm.
Với bản năng ranh mãnh của phụ nữ, nàng đã đoán được, và điên tiết, nổi khùng, muốn phát khóc lên, nàng ấp úng:
– Cô ả này, ả yêu anh… và ả muốn anh mang theo một cái gì đấy của ả! Ôi! Anh thật là bội bạc…
Rồi nàng kêu lên, kêu ré lên một tiếng vui mừng phấn khích:
– Ồ!… Ồ!… Té ra là một mụ già… một sợi tóc bạc đây này… A! Bây giờ anh vớ lấy các mụ già… Các mụ trả tiền cho anh chứ… thế nào… các mụ trả tiền cho anh chứ?… A! Anh bây giờ bám lấy các mụ già… Vậy anh không cần đến tôi nữa… hãy giữ lấy mụ ta…
Nàng đứng dậy, chạy lại vớ lấy chiếc áo chẽn vứt trên ghế tựa, thoăn thoắt mặc vào.
Y xấu hổ, muốn giữ nàng lại, ấp úng:
– Đừng… em… Clo… em vớ vẩn lắm… Anh chẳng hiểu ra thế nào… em ơi… hãy ở lại… ở lại… em ơi.
Nàng nhắc lại:
– Hãy giữ lấy mụ già của anh… hãy giữ lấy mụ… hãy nhờ người làm cho anh một cái nhẫn bằng những sợi tóc của mụ… bằng những sợi tóc bạc của mụ… anh có đủ để làm đấy…
Nàng vùng vằng và nhanh nhẹn mặc quần áo, đội mũ, che mạng; y muốn nắm lấy nàng liền bị nàng dang thẳng cánh tay vả cho một cái vào mặt. Trong lúc y đang choáng váng, nàng mở cửa và bỏ chạy.
Khi chỉ còn lại một mình, y điên cuồng tức tối cái mụ già Walter. Được rồi! Con mụ ấy rồi sẽ biết tay y.
Y vã nước lên bên má đỏ ửng. Rồi đến lượt y cũng bỏ đi, vừa đi vừa nghĩ cách trả thù. Lần nay, y sẽ không tha thứ đâu. Ồ! Không đâu!
Y đi xuôi xuống đến tận đại lộ và la cà dừng lại trước cửa hiệu kim hoàn để ngắm nghía một chiếc đồng hồ bấm giờ y ao ước từ lâu có giá một ngàn tám trăm frăng.
Đột nhiên, y vui mừng nghĩ, như mở cờ trong lòng: “Ta mà kiếm được bảy chục ngàn frăng, ta sẽ có thể mua được chiếc đồng hồ kia”. Và y mơ tưởng tới những việc sẽ làm với bảy mươi ngàn frăng đó.
Trước hết, y sẽ được cử làm nghị sĩ. Và rồi y sẽ mua chiếc đồng hồ bấm giờ, và rồi y sẽ chơi chứng khoán, và rồi nữa…, và rồi nữa…
Y không muốn về tòa báo mà thích được trò chuyện với Madeleine hơn trước khi gặp lại Walter và viết bài báo; thế là y liền đi theo đường về nhà.
Y tới phố Drouot thì đứng sững ngay lại; y đã quên chưa đến hỏi thăm Bá tước De Vaudrec, ông ta ở phố Chaussée‐ dʹAntin. Y liền đi ngược trở lại, vẫn vừa đi vừa la cà, mơ tới đủ thứ chuyện linh tinh, tới những thứ êm đềm, tới các điều tốt đẹp, tới cảnh giàu sang sắp đến và tới cả tên Laroche bất lương với mụ chủ báo già đáng ghét. Y chẳng băn khoăn gì về nỗi tức giận của Clotilde, vì biết nàng tha thứ nhanh chóng lắm.
Khi y hỏi người gác cổng nhà Bá tước De Vaudrec:
– Ông De Vaudrec sức khỏe ra sao? Tôi nghe nói mấy hôm nay ông hơi khó ở.
Người gác cổng đáp:
– Thưa ông, ngài bá tước mệt nặng lắm. Có lẽ chẳng qua được đêm nay, bệnh thống phong đã biến chứng vào tim.
Du Roy hốt hoảng đến nỗi không biết phải làm gì nữa. Vaudrec đang hấp hối! Những ý nghĩ lộn xộn tràn qua đầu óc y, nhiều vô kể, bối rối vô cùng, khiến y chẳng dám thú nhận với chính mình.
Y ấp úng:
– Cám ơn… tôi sẽ trở lại… ‐ mà chẳng hiểu mình nói gì. Rồi y nhảy lên một chiếc xe ngựa và bảo đưa y về nhà.
Vợ y đã về. Y xộc vào buồng, thở không ra hơi, báo tin ngay tức khắc cho vợ.
– Em không biết ư? Vaudrec đang hấp hối!
Nàng đang ngồi đọc một lá thư. Nàng ngước mắt lên và nhắc đi nhắc lại ba lần liên tiếp:
– Hả? Anh bảo sao?… Anh bảo sao?… Anh bảo sao?…
– Anh bảo em là Vaudrec đang hấp hối vì bệnh thống phong cấp tính biến chứng vào tim. ‐ Rồi y nói thêm. ‐ Em định làm gì bây giờ?
Nàng đứng bật dậy, tái nhợt, đôi má giần giật, rồi hai tay ôm mặt khóc lóc thảm thiết. Nàng cứ đứng như thế, lòng đau như cắt, người rung lên vì những tiếng thổn thức.
Nhưng bỗng nàng nén cơn đau, chùi nước mắt:
– Em… em tới đấy đây… đừng bận tâm gì về em… em không biết đến mấy giờ sẽ về… đừng đợi em…
Y đáp:
– Được. Em cứ đi.
Hai vợ chồng bắt tay nhau, và nàng ra đi vội vã đến nỗi quên mang găng tay.
Sau khi ăn tối một mình xong, Georges bắt đầu viết bài báo. Y viết hoàn toàn đúng như ý định của ông bộ trưởng là để cho độc giả hiểu rằng sẽ không có cuộc viễn chinh sang Marôc. Rồi y mang đến tòa báo, trò chuyện một lát với lão chủ báo rồi lại phì phèo điếu thuốc đi ra, lòng vui lâng lâng mà chẳng hiểu vì sao.
Vợ y chưa về. Y đi nằm và ngủ luôn.
Madeleine về nhà vào khoảng nửa đêm. Georges bị thức dậy đột ngột, ngồi thu lu trong giường.
Y hỏi:
– Thế nào?
Y chưa bao giờ thấy vợ nhợt nhạt và xúc động đến thế. Nàng nói:
– Bá tước mất rồi.
– Ủa! Thế… ông ta không nói gì với em ư?
– Không nói gì. Khi em đến, bá tước đã hôn mê.
Georges trầm ngâm. Y định hỏi nhiều câu mà không dám.
– Em đi ngủ đi, ‐ y bảo.
Nàng cởi quần áo rất nhanh, rồi luồn vào nằm bên y. Y lại nói:
– Ông ta có họ hàng bên giường lúc lâm chung không?
– Chỉ có một thằng cháu…
– Ủa! Ông ta có hay gặp thằng cháu ấy không?
– Không bao giờ. Đã mười năm hai bác cháu không gặp nhau.
– Ông ta có họ hàng nào khác không?
– Không… Em nghĩ là không.
– Vậy… thằng cháu ấy sẽ được thừa kế?
– Em không rõ.
– Vaudrec! Ông ta giàu lắm à?
– Vâng, giàu lắm.
– Em biết ông ta có chừng bao nhiêu không?
– Không, không biết đích xác. Có thể một hoặc hai triệu.
Y không nói gì thêm nữa. Nàng thổi tắt ngọn nến. Và hai vợ chồng nằm duỗi dài bên nhau, trong đêm tối, im lặng, không ngủ, nghĩ ngợi.
Y không buồn ngủ nữa. Bây giờ y thấy khoản tiền bảy chục ngàn frăng bà Walter hứa với y sao mà ít ỏi. Bỗng y có cảm giác là Madeleine khóc. Y hỏi xem có đúng không:
– Em ngủ chưa?
– Chưa.
Giọng nói của nàng xúc động và run run. Y lại nói:
– Chiều nay anh quên nói với em là lão bộ trưởng của em đã làm cho chúng ta bị lầm to.
– Sao cơ?
Và y kể cho vợ nghe đầu đuôi cuộc mưu mô phối hợp giữa Laroche và Walter với tất cả các chi tiết.
Khi y kể xong, nàng hỏi:
– Sao anh biết chuyện này?
Y đáp:
– Em cho phép anh không nói điều đó ra với em. Em có những cách lấy tin của em mà anh không tọc mạch. Anh cũng có những cách riêng và muốn giữ kín. Dù thế nào đi nữa, anh bảo đảm những tin tức anh cung cấp là chính xác.
Nàng liền nói:
– Phải, có thể lắm… Em vẫn ngờ rằng họ mưu tính chuyện gì mà không có chúng ta.
Nhưng Georges vẫn chưa ngủ được, sán lại gần vợ và dịu dàng hôn lên tai nàng. Nàng đẩy phắt y ra:
– Em van anh, hãy để cho em yên, được không? Em chẳng thấy có hứng đùa bỡn lúc này.
Y đành cam chịu, quay mặt vào tường, nhắm mắt lại, rồi cuối cùng ngủ thiếp đi.