Ông Bạn Đẹp - Chương 12
4
* * *
Quảng trường Trinité hầu như vắng vẻ dưới ánh nắng tháng Bảy chói chang. Cái nóng hầm hập đè nặng lên Paris, dường như bầu không khí trên cao nặng nề, cháy bỏng, ập xuống thành phố, bầu không khí dày đặc, nóng rát hít vào đau cả ngực.
Những đài phun nước trước cửa nhà thờ hoạt động uể oải. Dường như chúng cũng mệt mỏi, lừ đừ, và nước trong bể cạn với những chiếc lá và những mẩu giấy nổi bập bềnh có vẻ như hơi xanh xanh và đậm đặc.
Một con chó nhảy qua thành bể xây bằng đá vào tắm trong làn nước khả nghi đó. Vài ba người ngồi trên những chiếc ghế dài trong mảnh vườn nhỏ hình tròn bao quanh cửa chính, nhìn con vật một cách thèm thuồng.
Du Roy lấy đồng hồ ra xem. Mới ba giờ. Y đến sớm ba mươi phút.
Y cười khi nghĩ đến chốn hẹn hò này. “Các nhà thờ dùng được cho bà ta vào mọi việc”, y nghĩ bụng. “Chúng an ủi bà đã phải làm vợ một lão Do Thái, chúng đem lại cho bà thái độ phản kháng trong giới chính trị, dáng dấp nghiêm chỉnh trong giới phong lưu và nơi nương náu cho những cuộc hẹn hò. Sử dụng tôn giáo như một cái dù là như thế đấy. Nếu đẹp trời nó được dùng làm gậy; nếu trời nắng nó dùng để che nắng; nếu trời mưa nó dùng để che mưa; nếu chẳng đi đâu thì bỏ ở ngoài tiền sảnh. Và có đến hàng trăm bà như thế, họ cóc cần đến Đức Chúa lòng lành, nhưng họ không muốn người ta nói xấu đến Chúa, và nếu gặp dịp thì họ nhờ Chúa làm người mối lái. Nếu có ai đề nghị họ vào một khách sạn đầy đủ tiện nghi, họ xem là điều nhục nhã, còn diễn trò yêu đương dưới chân bàn thờ đối với họ dường như là chuyện đương nhiên.”
Y thong thả đi dọc bể cạn; rồi y xem giờ lần nữa ở chiếc đồng hồ trên gác chuông, nhanh hơn hai phút so với đồng hồ của y. Nó chỉ ba giờ năm phút.
Y nghĩ rằng vào bên trong có thể hơn là ở ngoài: thế là y vào.
Y cảm thấy mát mẻ như đi vào trong hang; y hít thở khoan khoái rồi đi một vòng ở gian giữa để tìm hiểu cho rõ nơi này.
Có tiếng chân bước đều đặn khác, thỉnh thoảng dừng lại, rồi tiếp tục đi, ở tận cuối tòa nhà cao rộng, đáp lại tiếng chân bước của y vang vang dưới mái vòm cao. Y tò mò muốn biết kẻ dạo chơi đó là ai. Y đi tìm. Đấy là một ông to béo hói đầu, vừa đi vừa nghếch nhìn lên, mũ chắp sau lưng.
Từng quãng từng quãng, một bà già quỳ gối, ôm mặt, cầu nguyện.
Một cảm giác cô đơn, vắng vẻ, thư thái choán lấy tâm trí y. Ánh sáng lọc qua lớp kính ghép màu trở nêu dìu dịu.
Du Roy thấy ở trong này “thật là tuyệt”. Y quay ra gần cửa và lại nhìn đồng hồ của y. Mới có ba giờ mười lăm. Y ngồi xuống ở lối cửa giữa và tiếc là không được hút thuốc lá. Vẫn nghe thấy ở tận cuối nhà thờ, gần điện chính, tiếng chân bước chậm chạp của ông to béo.
Có người vào. Georges quay phắt ngay lại. Đó là một người đàn bà bình dân, mặc váy len, một người đàn bà nghèo khổ, quỳ ngay xuống chiếc ghế tựa đầu tiên, và không nhúc nhích, những ngón tay đan vào nhau, ngước mắt nhìn lên trời, tâm hồn bay theo lời cầu nguyện.
Du Roy quan tâm nhìn chị, băn khoăn không biết nỗi buồn phiền nào, nỗi đau đớn nào, nỗi tuyệt vọng nào có thể giày vò trái tim quèn đó. Chị túng thiếu đủ đường; điều đó thì rõ; có lẽ chị còn có một ông chồng thượng cẳng chân hạ cẳng tay hoặc một đứa con đang hấp hối cũng nên.
Y lẩm nhẩm trong lòng: “Những con người tội nghiệp. Còn có những kẻ đau khổ mà”. Lòng y trào lên niềm căm tức với thiên nhiên tàn nhẫn. Rồi y suy nghĩ rằng những kẻ khốn khổ kia ít ra cũng tin là người ta quan tâm đến họ ở trên trời cao, và lý lịch của họ đã được ghi trong sổ thiên tào với cán cân bên có bên nợ. “Trên trời cao… Ở đâu thế nhỉ?”
Khung cảnh yên lặng của nhà thờ khiến y triền miên mơ mộng, và y mấp máy đôi môi, đánh giá tạo vật:
– Tất cả sao mà ngớ ngẩn!
Có tiếng áo dài sột soạt làm y rùng mình. Chính là bà ta.
Y đứng dậy, nhanh nhẹn bước tới. Bà không giơ tay cho y bắt và thì thầm nói:
– Tôi chỉ có ít thời gian. Tôi phải về ngay, anh hãy quỳ xuống bên cạnh tôi để người ta khỏi để ý đến chúng mình.
Và bà tiến vào gian giữa, tìm một chỗ thích hợp và chắc chắn, như người phụ nữ thông thuộc nhà thờ. Mặt bà che tấm mạng dày và bà bước đi nhè nhẹ hầu như không nghe thấy tiếng.
Khi đến gần chính điện, bà quay lại và lẩm nhẩm bằng cái giọng luôn luôn bí hiểm người ta vẫn sử dụng trong các nhà thờ:
– Các gian bên tốt hơn. Ở đây dễ thấy quá!
Bà cúi lạy cái Khám của bàn thờ chính, lạy thêm một cái nhè nhẹ nữa, xong rẽ sang phải, quay ngược vài bước ra lối cửa, rồi đi đến quyết định, vớ lấy một cái ghế cầu kinh và quỳ xuống.
Georges quỳ xuống chiếc ghế cầu kinh bên cạnh, và vừa yên chỗ, trong tư thế cầu nguyện, y nói:
– Cám ơn, cám ơn. Tôi yêu bà say đắm. Tôi muốn nói đi nói lại điều đó với bà, kể cho bà nghe tôi đã bắt đầu yêu bà ra sao, tôi đã bị quyến rũ ngay từ lần đầu gặp bà như thế nào… Bà có cho phép tôi một hôm nào đấy được giãi bày ruột gan, thổ lộ với bà tất cả những điều đó không?
Bà lắng nghe y với thái độ trầm tư mặc tưởng, như thể bà chẳng nghe thấy gì hết. Bà trả lời qua các kẽ ngón tay:
– Tôi thật là điên đã để cho anh nói với tôi như vậy, thật là điên đã tới đây, thật là điên đã hành động như tôi đang hành động, để cho anh tưởng rằng cuộc… cuộc… cuộc dan díu này còn tiếp diễn. Anh hãy quên chuyện này đi, cần phải thế, và đừng bao giờ nói lại với tôi nữa.
Bà chờ đợi. Y tìm một câu trả lời, những từ quyết định, say đắm, nhưng không sao kết hợp được cử chỉ với lời nói, nên cứ đờ ra chẳng hành động gì.
Y nói:
– Tôi không trông mong gì hết… tôi chẳng hy vọng gì cả. Tôi yêu bà. Dù bà làm gì đi nữa, tôi cũng sẽ nhắc đi nhắc lại điều đó, nhắc đi nhắc lại hoài để bà rồi phải hiểu ra. Tôi muốn làm cho tình âu yếm của tôi thấm vào bà, muốn rót nó vào tâm hồn bà, hết từ này sang từ khác, giờ này sang giờ khác, ngày này sang ngày khác để cuối cùng nó ngấm vào như một thứ rượu ngọt nhỏ xuống từng giọt, làm cho bà dịu đi, làm cho bà mềm ra và buộc bà sau này phải trả lời tôi: “Tôi cũng thế, tôi yêu anh”.
Y cảm thấy vai bà rung lên kề sát vai y và ngực bà phập phồng; rồi bà ấp úng, rất nhanh:
– Tôi cũng thế, tôi yêu anh.
Y giật bắn người lên như bị một cú giáng mạnh xuống đầu, và y thở dài:
– Ôi! Lạy Chúa!…
Bà lại hổn hển nói:
– Tôi phải thổ lộ điều đó ra với anh hay sao? Tôi cảm thấy có tội và đáng khinh… tôi… có hai con gái… nhưng tôi không thể nào… tôi không thể nào… tôi đâu có ngờ… tôi có bao giờ nghĩ đến… tôi không thể làm khác… làm khác được. Anh ạ… anh ạ… tôi chưa bao giờ yêu ai… ngoài anh đâu… tôi xin thề như thế. Và tôi yêu anh từ một năm nay, âm thầm, thầm kín trong lòng tôi. Ôi! Tôi đã đau khổ, thế đấy, và đã chống chọi, tôi không thể chịu được nữa, tôi yêu anh…
Bà khóc, những ngón tay đan vào nhau che lấy mặt, và toàn thân run rẩy, rung lên xúc động mãnh liệt.
Georges thì thầm:
– Bà đưa bàn tay đây cho tôi, để tôi sờ, để tôi bóp…
Bà từ từ buông bàn tay che mặt. Y thấy má bà ướt đẫm và một giọt nước mắt nữa đang sắp sửa từ bờ mi lăn xuống.
Y nắm lấy bàn tay ấy và siết chặt:
– Ôi! Tôi muốn uống những giọt nước mắt của bà biết bao.
Bà nói bằng một giọng khe khẽ và gãy khúc giống như tiếng rền rĩ:
– Anh đừng cưỡng ép tôi… tôi chết mất!
Y muốn phì cười. Làm sao y có thể cưỡng ép bà ở nơi này được. Y đặt bàn tay y đang nắm lên trái tim mình và hỏi:
– Bà có thấy nó đập thình thịch không? ‐ Bởi vì y chẳng còn nghĩ ra được câu nào say đắm nữa.
Nhưng tiếng bước chân đều đều của người đi dạo nghe mỗi lúc một gần. Ông ta đã đi khắp lượt các ban thờ, và lại vòng xuống gian bên phải ít ra là lần thứ hai. Khi bà Walter nghe tiếng ông đến sát bên chiếc cột trụ che khuất bà, bà liền giật những ngón tay đang bị Georges siết chặt ra và lại giơ lên che mặt.
Và cả hai lại quỳ im phăng phắc như đang cùng nhau hướng những lời cầu khẩn nhiệt thành lên trời cao. Ông to béo đi qua ngay bên cạnh, đưa mắt dửng dưng nhìn họ, rồi đi xa dần về phía cuối nhà thờ, mũ vẫn chắp sau lưng.
Nhưng Du Roy muốn có một nơi hẹn hò khác ngoài nhà thờ Trinité nên hỏi:
– Mai tôi sẽ gặp bà ở đâu?
Bà không đáp. Bà như vô tri vô giác, biến thành bức tượng Cầu Nguyện.
Y lại nói:
– Ngày mai tôi gặp bà ở công viên Monceau được không?
Bà lại buông tay che mặt ra và quay về phía y bộ mặt nhợt nhạt, co rúm vì đau đớn kinh khủng và nói bằng một giọng đứt khúc:
– Để tôi ở đây… để tôi ở đây… bây giờ… anh đi đi… anh đi đi… năm phút thôi… gần anh, tôi khổ sở quá… tôi muốn cầu nguyện… tôi không thể nào… anh đi đi… hãy để tôi cầu nguyện… một mình… năm phút… tôi không thể nào… hãy để tôi van xin Thượng đế tha thứ cho tôi… cứu vớt tôi… anh hãy để tôi… năm phút…
Bà có bộ mặt hoảng hốt quá, đau đớn quá khiến y đứng ngay dậy chẳng nói năng gì, rồi sau một chút ngập ngừng, y hỏi:
– Lát nữa tôi sẽ quay lại?
Bà gật đầu muốn nói: “Phải, lát nữa”. Và y đi ngược lên chỗ chính điện.
Bà liền cố gắng cầu nguyện. Bà cố hết sức bình sinh cầu khẩn Thượng đế đoái hoài, và toàn thân rung lên, tâm thần hoảng loạn, bà ngước lên trời, kêu: “Xin rủ lòng thương con!”.
Bà cuống cuồng nhắm nghiền mắt lại để khỏi nhìn thấy kẻ vừa bỏ đi! Bà xua đuổi y ra khỏi ý nghĩ của bà, bà vật lộn chống lại y, nhưng chẳng thấy thánh thần xuất hiện trong nỗi trông chờ của cõi lòng tuyệt vọng, đầu óc bà cứ mãi lởn vởn hàng ria mép loăn xoăn của chàng thanh niên.
Đã một năm nay, hết ngày này qua ngày khác, hết tối này sang tối khác, bà chống chọi như vậy với nỗi ám ảnh ngày càng tăng, với cái hình bóng ám ảnh các giấc mơ của bà, nó ám ảnh da thịt bà và quấy rối bà đêm đêm. Bà cảm thấy mình như một con vật bị sa lưới, trói chân trói tay, ném vào lòng con đực kia, kẻ đã đánh bại, chinh phục được bà chỉ bằng cái ria mép và bằng cái màu mắt.
Và giờ đây, trong tòa nhà thờ này, kề bên Đức Chúa, bà cảm thấy yếu đuối hơn, bơ vơ hơn, nguy ngập hơn là ở nhà bà. Bà không thể cầu nguyện được nữa, bà chỉ có thể nghĩ đến y. Y mới ra xa, bà đã đau lòng rồi. Tuy nhiên, bà chống chọi điên cuồng tuyệt vọng, bà tự vệ, bà kêu cứu với tất cả sức lực của tâm hồn. Bà thà chết còn hơn là sa ngã như vậy, vì bà chưa từng sa ngã. Bà lầm rầm những lời cuống cuồng cầu khẩn; nhưng tai lại lắng nghe tiếng chân bước nhỏ dần của Georges nơi các vòm cuốn xa xa.
Bà hiểu rằng thế là hết, chống chọi cũng vô ích! Song, bà không chịu nhượng bộ; và bà cảm thấy một trong những cơn căng thẳng thần kinh thường làm cho phụ nữ ngã vật xuống đất, phập phồng, gào rú, quằn quại. Toàn thân run lên bần bật, bà cảm thấy rõ mình sắp rú lên, ngã lăn xuống khe các hàng ghế đến nơi.
Có ai đang rảo bước đến gần. Bà quay đầu lại. Đó là một vị linh mục. Bà liền đứng dậy, chắp hai tay giơ ra chạy tới, và ấp úng:
– Ôi! Cứu con với! Cứu con với!
Linh mục sửng sốt dừng lại:
– Thưa bà, bà muốn gì ạ!
– Con muốn cha cứu con. Cha hãy thương lấy con. Nếu cha không đến giúp đỡ thì con nguy mất.
Linh mục nhìn bà, chẳng biết có phải bà phát điên hay không. Cha lại hỏi:
– Tôi có thể làm gì để giúp bà?
Cha là một người còn trẻ, cao lớn, hơi đẫy đà, đôi má phính xệ xuống, và hơi đen đen vì chòm râu cạo nhẵn, một vị cha xứ tỉnh thành ở khu phố sang trọng quen nghe các phụ nữ giàu có xưng tội.
– Xin cha nghe con xưng tội, ‐ bà nói, ‐ và khuyên răn con, trợ lực cho con, bảo con phải làm gì!
Cha đáp:
– Tôi nghe xưng tội hàng tuần vào ngày thứ Bảy, từ ba giờ đến sáu giờ.
Bà túm lấy cánh tay cha, níu chặt và nhắc đi nhắc lại:
– Không! Không! Không! Ngay bây giờ! Ngay bây giờ! Cần phải thế! Hắn ở đằng kia! Trong nhà thờ này! Hắn đang đợi con.
Linh mục hỏi:
– Ai đang đợi bà?
– Một người đàn ông… hắn sắp làm hại con… hắn sắp chiếm đoạt con, nếu cha không cứu con… Con không thể trốn tránh hắn được nữa… Con quá yếu đuối… quá yếu đuối… yếu đuối… yếu đuối lắm!
Bà quỳ sụp xuống và nức nở:
– Ôi! Xin hãy thương lấy con, thưa cha! Hãy cứu vớt con, nhân danh Chúa, hãy cứu vớt con!
Bà túm lấy áo chùng thâm để linh mục không chạy thoát được; còn linh mục thì lo lắng nhìn khắp xung quanh xem có con mắt ác ý hay sùng đạo nào nhìn thấy người đàn bà này đang quỳ sụp dưới chân mình hay không.
Cuối cùng, linh mục hiểu rằng mình không sao thoát ra được:
– Bà đứng dậy đi, ‐ cha nói, ‐ tôi tiện có mang theo chìa khóa phòng xưng tội đây.
Và cha lục túi áo lôi ra chùm chìa khóa, chọn lấy một chiếc, rồi rảo bước về phía những căn phòng nhỏ bằng gỗ, loại hộp đựng rác rưởi của tâm hồn, nơi các tín đồ trút bỏ tội lỗi của họ.
Linh mục bước vào một cái cửa ở giữa rồi đóng lại ngay, còn bà Walter lao vào trong cái ngăn kề bên, ấp úng với lòng thành kính, với cái hăm hở say sưa chứa chan hy vọng:
– Xin ban phước lành cho con, thưa cha, bởi vì con đã phạm tội.
… . .
Du Roy vòng quanh nơi chính điện rồi đi xuôi xuống gian bên trái. Y đến quãng giữa thì gặp ông to béo hói đầu vẫn đang đi lững thững, y băn khoăn:
– Chẳng biết cái lão kia định làm gì ở đây?
Ông đi dạo chơi cũng bước chầm chậm lại và nhìn Georges với vẻ rõ ràng là muốn nói với y. Khi đến gần sát, ông chào và hỏi rất lễ phép:
– Thưa ông, xin lỗi đã quấy rầy ông, nhưng ông có thể cho tôi biết tòa nhà thờ này được xây dựng từ thời nào không?
Du Roy trả lời:
– Thực tình, tôi không biết rõ lắm, tôi nghĩ là đã hai mươi hoặc hai mươi nhăm năm. Vả lại, tôi mới vào đây lần đầu.
– Tôi cũng thế. Tôi chưa bao giờ tới thăm.
Anh chàng nhà báo bỗng tò mò muốn biết, liền nói:
– Tôi thấy hình như ông tham quan nhà thờ kỹ lưỡng lắm. Ông nghiên cứu nó rất chi tiết.
Ông kia đành trả lời:
– Tôi không tham quan nhà thờ, thưa ông, tôi đợi vợ tôi, đã hẹn gặp tôi ở đây, nhưng cô ấy đến muộn quá!
Rồi ông lặng im, và sau vài giây, nói:
– Ở ngoài kia nóng như thiêu ấy!
Du Roy nhìn kỹ ông, thấy ông ta dễ thương, và bỗng tưởng tượng ông giống Forestier.
– Ông quê ở tỉnh nhỏ à? ‐ Y nói.
– Vâng, tôi quê ở Rennes. Thế còn ông, thưa ông, ông vào trong nhà thờ này vì tò mò ư?
– Không. Tôi đợi một người đàn bà.
Và anh nhà báo chào ông rồi bỏ đi, với nụ cười trên môi.
Đến gần cửa lớn, y lại thấy người đàn bà nghèo khổ vẫn đang quỳ và cầu nguyện. Y nghĩ: “Mẹ kiếp! Chị ta cầu khấn dai thế!”. Y chẳng còn cảm động nữa, y không thương hại chị ta nữa.
Y đi qua, và từ từ ngược lên gian bên phải để gặp lại bà Walter.
Y đưa mắt nhìn từ xa chỗ bà quỳ lúc nãy, và ngạc nhiên không thấy bà đâu. Y tưởng mình nhầm hàng cột nên đi đến tận chiếc trụ cột cuối cùng rồi quay trở lại. Thế là bà ta bỏ đi rồi! Y sửng sốt và tức tối. Rồi y cho là bà đang đi tìm y, nên y đi vòng lại một lượt trong nhà thờ. Không thấy bà đâu, y quay về ngồi trên chiếc ghế tựa bà dùng lúc nãy, hy vọng bà sẽ tới đó tìm y. Và y đợi.
Ngay sau đó, có tiếng người nói lầm rầm làm cho y chú ý. Y chẳng nhìn thấy ai trong cái góc nhà thờ này cả. Vậy tiếng thì thầm ấy từ đâu tới? Y đứng dậy để tìm, và nhìn thấy các cửa của phòng xưng tội ở gần đó. Một mẩu áo dài thò ra qua cửa và lòng thòng trên nền đá lát. Y bước lại gần để quan sát người phụ nữ. Y nhận ra bà. Bà ta đang xưng tội!…
Y cảm thấy niềm khát khao mãnh liệt muốn túm lấy hai vai lôi bà ra khỏi cái hộp đó. Rồi y nghĩ: “Chà! Hôm nay là lượt của linh mục, ngày mai sẽ đến lượt ta”. Và y lặng lẽ ngồi ngay trước các cửa ghi‐sê xưng tội, đợi giờ phút của mình và cười khẩy về cuộc dan díu.
Y đợi lâu lắm. Cuối cùng bà Walter đứng lên, quay lại, nhìn thấy y và bước tới. Mặt bà lạnh lùng và nghiêm khắc.
– Anh ạ, ‐ bà nói, ‐ tôi xin anh đừng đi cùng với tôi, đừng theo tôi, đừng đến nhà tôi một mình nữa. Anh sẽ không được tiếp đón đâu. Tạm biệt!
Và bà bỏ đi, với dáng điệu chững chạc.
Y để mặc cho bà đi vì nguyên tắc của y là không bao giờ thúc ép các sự kiện. Rồi vừa lúc vị linh mục hơi bối rối đến lượt mình từ phòng nghe xưng tội đi ra, y tiến thẳng về phía cha, nhìn trừng trừng và nói đốp vào mặt cha:
– Nếu ông mà không mặc váy, thì ông đã được xơi hai cái tát vào cái mõm xấu xí của ông rồi!
Nói xong, y quay ngoắt đi và vừa huýt sáo vừa ra khỏi nhà thờ.
Ông to béo đứng trước cửa, mũ đội trên đầu, hai tay chắp sau lưng, chờ đợi đã mệt, đưa mắt nhìn khắp quảng trường rộng và tất cả các đường phố dẫn tới quảng trường.
Khi Du Roy đi ngang gần ông, hai người chào nhau.
Chàng nhà báo rảnh rang bèn đến tòa báo Đời sống Pháp. Mới đến cửa, nhìn bộ mặt bận rộn của các tay chạy giấy, y biết là đã xảy ra những chuyện bất thường, và vào phắt trong phòng giám đốc.
Lão chủ báo Walter đang đứng, thần kinh căng thẳng, đọc cho người khác chép một bài báo với từng câu ngắt quãng, xong mỗi đoạn lại giao nhiệm vụ cho các phóng viên đứng vây quanh, dặn dò Boisrenard và bóc các thư từ.
Khi Du Roy vào, lão chủ báo reo lên vui mừng:
– A! May quá! Ông Bạn Đẹp kia rồi! Lão sững ngay lại, hơi ngượng và nói:
– Xin lỗi đã gọi anh như thế, tôi đang có lắm chuyện bối rối quá. Hơn nữa, tôi thấy vợ tôi và các con gái tôi suốt ngày cứ gọi anh là “Ông Bạn Đẹp” nên tôi cũng thành ra quen mồm. Anh không giận tôi chứ?
Georges cười:
– Không chút nào ạ. Cái biệt danh ấy chẳng có gì làm tôi bực mình.
Lão Walter lại nói:
– Tốt lắm, đã thế tôi cũng gọi anh là Ông Bạn Đẹp như tất cả mọi người. Này! Vừa có những sự kiện lớn; nội các đã đổ với ba trăm mười phiếu chống trên một trăm lẻ hai phiếu thuận. Những kỳ nghỉ của chúng ta hoãn lại, hoãn lại nữa cho đến vô tận, và hôm nay đã là Hai mươi tám tháng Bảy rồi. Tây Ban Nha nổi khùng lên vì Marôc, do đó mà Durand de lʹAine cùng với phe cánh của y bị hất cẳng. Chúng ta đã bị ngập đến tận cổ. Ông Marrot được chỉ định thành lập nội các mới. Ông ta chọn tướng Boutin dʹAcre giữ Bộ Quốc phòng và ông bạn Laroche‐Mathieu của chúng ta giữ Bộ Ngoại giao. Bản thân ông ta đứng đầu Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Chúng ta sắp trở thành tờ báo bán chính thức. Tôi định viết bài xã luận, đơn giản chỉ là lời tuyên bố về nguyên tắc, vạch ra đường hướng cho các bộ trưởng.
Lão ta mỉm cười nói tiếp:
– Đường hướng mà họ định đi theo, tất nhiên. Nhưng có lẽ tôi cần một cái gì lý thú về vấn đề Marôc, một tin thời sự, một bài ký sự giật gân, gây ấn tượng, đại để như thế. Anh, anh hãy kiếm cho tôi cái đó.
Du Roy ngẫm nghĩ giây lát rồi đáp:
– Tôi xin nhận. Tôi viết một bài nghiên cứu về tình hình chính trị trên toàn bộ các thuộc địa của chúng ta ở châu Phi, với Tuynizi bên trái, Angiêri ở giữa, Marôc bên phải, lịch sử các chủng tộc sống trên mảnh đất bao la đó và câu chuyện thám hiểm vùng biên giới Marôc đến tận ốc đảo lớn Figuig, nơi chưa một người châu Âu nào đặt chân tới và nó là nguyên nhân của cuộc xung đột hiện nay. Ông thấy thế có được không ạ?
Lão Walter reo lên:
– Hay lắm! Và nhan đề là gì?
– Từ Tunis đến Tanger.
– Tuyệt diệu.
Và Du Roy đi lục trong bộ sưu tập tờ Đời sống Pháp để tìm lại bài báo đầu tiên của y: “Hồi ký của một anh lính bên châu Phi”, để mà thay nhan đề, tô điểm lại, sửa đổi chút ít, thế là thành một bài báo đáp ứng tuyệt vời từ đầu đến cuối vì trong đó nói đến chính sách thuộc địa, nói đến cư dân Angiêri và một cuộc thám hiểm ở tỉnh Oran.
Trong bốn mươi nhăm phút là xong công việc, bài cũ được sửa lại, vá víu, hiệu chỉnh thành một bài mang hương vị thời sự với những lời ca ngợi nội các mới.
Lão giám đốc đọc xong bài báo, tuyên bố:
– Thật là hoàn hảo… hoàn hảo… hoàn hảo. Anh là một con người quý giá. Xin hết lời ngợi khen.
Và Du Roy về nhà ăn tối, khoái trá về một ngày tốt đẹp của mình, mặc dù chuyện thất bại ở nhà thờ Trinité, vì y cảm thấy rõ là chắc ăn rồi.
Vợ y bồn chồn lo lắng đợi y. Nàng reo lên khi thấy chồng:
– Anh biết tin Laroche là Bộ trưởng Ngoại giao rồi chứ?
– Biết, anh còn vừa viết xong một bài báo về Angiêri liên quan đến đề tài ấy.
– Bài gì thế?
– Em biết đấy, bài báo đầu tiên chúng ta viết chung với nhau: “Hồi ký của một anh lính bên châu Phi”, dọn dẹp, sửa sang lại cho phù hợp với hoàn cảnh hiện nay.
Nàng mỉm cười:
– À, phải rồi, thích hợp lắm đấy!
Rồi sau khi ngẫm nghĩ một lát:
– Em nghĩ đến cái phần tiếp theo lẽ ra phải viết từ dạo ấy nhưng anh đã… bỏ dở. Bây giờ chúng ta có thể bắt tay viết tiếp. Sẽ ra được một loạt bài hợp thời đấy.
Y vừa ngồi xuống trước món canh vừa đáp:
– Đúng thế. Bây giờ cái anh chàng bị cắm sừng Forestier đã ngoẻo rồi thì chẳng có gì cản trở nữa.
Nàng bị động chạm liền xẵng giọng đập lại ngay:
– Trò đùa ấy không đúng chỗ tí nào cả và em xin anh chấm dứt đi. Nó kéo dài quá lâu rồi!
Y toan trả miếng một cách mỉa mai thì người nhà mang vào cho y bức điện chỉ có một câu này và không ký tên: “Tôi đã thiếu tỉnh táo. Hãy tha thứ cho tôi và ngày mai, bốn giờ, đến công viên Monceau”.
Y hiểu và lòng bỗng vui chan chứa, vừa nhét mẩu giấy xanh vào túi vừa bảo vợ:
– Anh sẽ không đùa như thế nữa, em yêu. Thật là ngớ ngẩn. Anh xin thừa nhận.
Và y bắt đầu ăn.
Y vừa ăn vừa nhắc đi nhắc lại mấy từ đó: “Tôi đã thiếu tỉnh táo, hãy tha thứ cho tôi và ngày mai, bốn giờ, đến công viên Monceau”. Vậy là bà ta đã chịu thua. Điều đó có nghĩa là: “Tôi xin đầu hàng, tôi thuộc về anh, ở đâu, lúc nào, tùy ý anh”.
Y bật cười. Madeleine hỏi:
– Anh có chuyện gì thế?
– Chuyện vặt. Anh nghĩ đến ông linh mục anh gặp lúc nãy, mặt mũi trông khôi ngô tệ.
Hôm sau, Du Roy đến nơi hò hẹn sát giờ. Trên tất cả các ghế dài trong công viên đều đã ngồi kín những tay trưởng giả bơ phờ vì nóng nực và những chị vú em uể oải như đang mơ màng trong lúc bọn trẻ con bò lăn trên các lối đi đầy cát.
Y thấy bà Walter trong một di tích hoang phế nhỏ thời cổ đại có con suối chảy qua. Y thấy bà đi vòng cái nền hẹp có hàng cột trụ nhỏ bao quanh, vẻ lo lắng, khổ sở.
Y vừa dứt lời chào, bà nói ngay:
– Trong vườn này đông người quá!
Y chớp ngay lấy cơ hội:
– Đúng, đúng thế; bà có muốn đi nơi khác không?
– Nhưng đi đâu?
– Bất cứ đâu, trong một chiếc xe ngựa, chẳng hạn. Bà sẽ buông mành bên phía bà xuống, và thế là chẳng sợ ai thấy.
– Phải đấy, như thế còn hơn, chứ ở đây, sợ đến chết đi được.
– Thế này nhé, năm phút nữa bà sẽ tìm gặp lại tôi ở cái cổng trông ra đại lộ ngoại vi. Tôi sẽ tới đấy với một chiếc xe ngựa.
Y chạy vụt đi. Bà vừa gặp lại y và che cẩn thận cửa kính bên phía mình xong là hỏi ngay:
– Anh bảo xà ích đưa chúng ta đi đâu?
Georges trả lời:
– Bà khỏi phải bận tâm. Hắn ta đã biết rồi.
Y đã bảo cho bác xà ích địa chỉ căn hộ của y ở phố Constantinople.
Bà lại nói:
– Anh không hình dung được tôi đau khổ vì anh như thế nào, tôi bị day dứt, bị dằn vặt như thế nào đâu. Hôm qua tôi đã tàn nhẫn, trong nhà thờ, nhưng lúc đó tôi chỉ muốn trốn tránh anh bằng bất cứ giá nào. Tôi rất sợ ở lại một mình với anh. Anh đã tha thứ cho tôi chưa?
Y siết chặt hai bàn tay bà:
– Rồi, rồi. Tôi yêu bà thiết tha như thế thì có gì mà lại không tha thứ cho bà được?
Bà nhìn y với vẻ van nài:
– Này, anh phải hứa là tôn trọng tôi đấy… là đừng có… là đừng có… nếu không tôi chẳng thể gặp lại anh nữa đâu.
Mới đầu y không trả lời gì cả; dưới hàng ria mép của y là một nụ cười làm cho đàn bà phải xao xuyến. Cuối cùng y thầm thì:
– Tôi là nô lệ của bà.
Bà liền bắt đầu kể cho y nghe bà đã cảm thấy yêu y khi nghe tin y sắp cưới Madeleine Forestier. Bà đưa ra những chi tiết, những chi tiết lặt vặt về ngày tháng và về các nỗi lòng thầm kín.
Bỗng bà im bặt. Xe vừa dừng lại. Du Roy mở cửa xe.
– Đây là đâu thế này? ‐ Bà hỏi.
Y đáp:
– Bà xuống đi và vào trong nhà này. Ở đấy chúng ta được yên tĩnh hơn.
– Nhưng là đâu thế này?
– Là nhà tôi. Đây là căn hộ độc thân của tôi… tôi giữ lại ít ngày… để chúng ta có chỗ mà gặp nhau.
Bà bám chặt lấy thành xe vì khiếp sợ khi nghĩ tới cuộc giáp mặt ấy và ấp úng:
– Không, không, tôi không muốn thế đâu! Tôi không muốn thế đâu!
Y tuyên bố bằng một giọng kiên quyết:
– Tôi xin thề là sẽ tôn trọng bà. Vào đi. Bà thấy mọi người đang nhìn chúng ta kia kìa, họ sắp xúm lại quanh chúng ta bây giờ. Mau lên… mau lên… xuống đi!
Và y nhắc lại:
– Tôi xin thề là sẽ tôn trọng bà.
Một ông bán rượu đứng trước cửa nhìn họ với vẻ tò mò. Bà khiếp đảm quá vội chạy bổ vào nhà.
Bà định lên cầu thang. Y nắm cánh tay bà giữ lại:
– Đây cơ mà, ở tầng trệt.
Và y đẩy bà vào trong phòng.
Vừa đóng cửa lại xong, y liền vồ lấy bà như một con mồi. Bà giãy giụa, chống cự, lắp bắp:
– Ô hay!… Ô hay! Lạy Chúa!…
Y hôn bà như điên như dại lên cổ, lên mắt, lên môi, bà không sao tránh được những cái vuốt ve cuồng nhiệt của y; và vừa đẩy y ra, bà vừa lẩn tránh cái miệng của y, vừa đáp lại những cái hôn của y, mặc dù không muốn.
Bỗng bà thôi không giãy giụa nữa và đành cam tâm chịu thua, bà để mặc cho y lột quần áo của mình ra. Y lột từng thứ một, khéo léo và nhanh chóng, tất cả các bộ phận trong trang phục của bà, bằng những ngón tay thoăn thoắt như của chị hầu phòng.
Bà giật lấy chiếc áo chẽn từ tay y để đưa lên che mặt và người trắng nõn, đứng giữa đống quần áo vứt bừa bộn dưới chân.
Y để lại đôi giày có cổ và bế bà ta lên giường. Lúc đó, bà thì thầm vào tai y bằng một giọng đứt quãng: “Tôi thề với anh… tôi thề với anh… là tôi chưa bao giờ có nhân tình”, chẳng khác nào một thiếu nữ nói: “Em thề với anh là em vẫn còn trinh”.
Và y nghĩ: “Ủa! Điều đó thì có can hệ gì đến ta đâu”.