Ông Bạn Đẹp - Chương 09
PHẦN THỨ HAI
1
* * *
GEORGES DUROY đã tìm lại được tất cả những thói quen cũ của y.
Bây giờ, ở trong căn hộ tầng trệt nhỏ bé tại phố Constantinople, y sống đúng mực, như người đang chuẩn bị một cuộc đời mới. Các quan hệ của y với nàng De Marelle thậm chí đã có dáng dấp quan hệ vợ chồng, dường như y đang tập luyện trước cho sự kiện sắp tới; và tình nhân của y nhiều khi cũng phải lấy làm lạ về cái bình lặng quy củ trong quan hệ giữa hai người, nên đã cười cười nói: “Anh còn quá lo toan việc nhà hơn cả ông chồng của em nữa; nếu thế thì đã chẳng cần phải thay đổi làm gì”.
Nàng Forestier chưa trở về. Nàng còn kề cà lưu lại ở Cannes. Y nhận được một lá thư của nàng, báo tin sẽ chỉ về vào giữa tháng Tư, không có một lời nào bóng gió đến buổi chia tay của họ. Y chờ đợi. Giờ đây y đã nhất quyết tìm mọi cách để cưới nàng, nếu nàng ra chiều do dự. Nhưng y tin vào số đào hoa của y, tin vào cái sức mạnh quyến rũ y cảm thấy tiềm tàng trong y, cái sức mạnh mơ hồ và không sao cưỡng lại được đối với bất cứ phụ nữ nào.
Một bức thư ngắn báo cho y biết giờ quyết định sắp điểm:
“Tôi ở Paris. Anh hãy đến thăm tôi.”
“MADELEINE FORESTIER”
Chỉ có thế. Y nhận được ở chuyến thư chín giờ sáng. Y tới nhà nàng lúc ba giờ chiều cùng ngày. Nàng giơ cả hai bàn tay ra đón y, miệng nở nụ cười xinh đẹp dễ thương; và hai người nhìn nhau trong vài giây, sâu tận trong đáy mắt.
Rồi nàng khe khẽ nói:
– Anh thật là tử tế đã đến nơi ấy trong những hoàn cảnh kinh khủng như thế.
Y đáp:
– Chị ra lệnh gì mà tôi chẳng làm.
Và họ ngồi xuống. Nàng hỏi thăm tin tức hai vợ chồng lão Walter, tất cả các bạn đồng nghiệp và tòa báo. Nàng luôn nghĩ đến nó, đến tòa báo.
– Tôi thấy thiếu nó quá, thiếu lắm! ‐ Nàng nói. ‐ Tôi đã trở thành nhà báo trong máu thịt. Biết làm sao được, tôi yêu cái nghề đó mà.
Rồi nàng lặng im. Y tưởng chừng hiểu rõ, y tưởng chừng tìm thấy trong nụ cười của nàng, trong giọng điệu của nàng, cả trong những lời nói của nàng một cái gì như mời mọc; và mặc dù đã hứa không được vội vàng hấp tấp, y vẫn ấp úng:
– Mà này!… Tại sao… tại sao chị lại không tiếp tục nó… cái nghề ấy… dưới… dưới cái tên Duroy?
Nàng bất thình lình trở lại nghiêm trang, và đặt bàn tay lên cánh tay y, nàng nói:
– Ta đừng nhắc đến chuyện đó vội!
Nhưng y đoán là nàng đã nhận lời, nên quỳ sụp xuống và vừa say đắm hôn hai bàn tay nàng, vừa lắp bắp nhắc đi nhắc lại:
– Cám ơn, cám ơn, sao mà tôi yêu em đến thế!
Nàng đứng dậy. Y cũng đứng lên theo và nhận thấy là nàng hết sức nhợt nhạt. Y liền hiểu ra rằng nàng yêu mến y, có lẽ đã từ lâu; và vì đang đứng đối diện với nhau, y liền ôm ghì nàng, rồi hôn lên trán, một cái hôn dài vừa âu yếm vừa đứng đắn.
Khi nàng tuột trên ngực y để gỡ mình ra được, nàng lại nói tiếp bằng giọng nghiêm trang:
– Nghe đây, anh bạn ạ, tôi chưa hề quyết định gì cả đâu. Tuy nhiên rất có thể là tôi đồng ý. Nhưng anh phải hứa với tôi là sẽ tuyệt đối giữ bí mật cho tới khi nào tôi cho phép anh.
Y thề thốt và ra về, lòng vui như mở hội.
Từ đó trở đi, y rất thận trọng mỗi khi đến thăm nàng, và không năn nỉ nàng phải ưng thuận rõ ràng hơn nữa, bởi vì nàng có một cách nói tới tương lai, cách nói “sau này”, cách vạch ra những dự định trong đó cuộc sống của hai người quyện lấy nhau, cái cách ấy không ngừng khẳng định, còn rõ hơn, và tế nhị hơn là nhận lời dứt khoát.
Duroy làm việc cật lực, chi tiêu dè sẻn, cố tiết kiệm ít tiền để đến lúc cưới chẳng đến nỗi không có đồng xu dính túi, và trước kia y hoang phí bao nhiêu thì bây giờ y keo kiệt bấy nhiêu.
Mùa hè trôi qua, rồi mùa thu, mà chẳng ai ngờ vực điều gì, và họ ít gặp nhau, và gặp nhau một cách tự nhiên nhất trên đời.
Một tối kia, Madeleine nhìn thẳng vào tận đáy mắt y và bảo:
– Anh chưa báo cho chị De Marelle biết về dự định của chúng ta chứ?
– Chưa, em ạ. Đã hứa với em là giữ bí mật, nên tôi chẳng hé răng cho bất cứ ai ở trên đời này cả.
– Thôi được, có lẽ đã đến lúc báo cho chị ấy biết. Tôi nhận báo cho ông bà Walter. Sẽ tiến hành xong trong tuần này, được không?
Y đỏ mặt lên:
– Được, ngay từ ngày mai.
Nàng từ từ quay mặt đi chỗ khác, như để khỏi nhìn thấy sự bối rối của y và lại nói:
– Nếu anh đồng ý chúng ta sẽ có thể cưới nhau vào đầu tháng Năm. Như thế rất thích hợp.
– Anh vui lòng nghe theo hết.
– Tôi rất thích chọn ngày mùng Mười tháng Năm, đó là một ngày thứ Bảy, vì hôm ấy là ngày sinh nhật của tôi.
– Được, ngày mùng Mười tháng Năm.
– Cha mẹ anh ở gần Rouen phải không? Ít ra anh đã nói với tôi như thế.
– Phải, gần Rouen, ở Canteleu.
– Các cụ làm gì?
– Các cụ là… các cụ là những người hưởng thực lợi nhỏ.
– Chà! Tôi ao ước được biết các cụ vô cùng. Y lưỡng lự, hết sức lúng túng:
– Nhưng… là vì, các cụ là…
Rồi y quyết định xử sự như người có nghị lực hẳn hoi:
– Em ạ, các cụ là dân quê, là chủ quán làm ăn quần quật đầu tắt mặt tối để cho tôi ăn học. Tôi, tôi không xấu hổ vì các cụ đâu, nhưng tính chất… mộc mạc… quê mùa… của các cụ có thể làm cho em khó chịu.
Nàng mỉm cười tươi như hoa, khuôn mặt rạng rỡ vẻ dịu hiền tử tế.
– Không. Tôi sẽ rất quý mến các cụ. Chúng ta sẽ đi thăm các cụ. Tôi muốn thế. Tôi sẽ nói lại điều đó với anh. Tôi đây cũng là con nhà nghèo hèn… nhưng bố mẹ tôi đã mất cả rồi. Tôi chẳng còn ai thân thiết trên đời… ‐ nàng giơ bàn tay ra cho y và nói thêm, ‐ ngoài anh ra.
Và y cảm thấy mềm lòng, xốn xang, bị quyến rũ, như chưa từng bao giờ y lại thế trước bất cứ người đàn bà nào.
– Tôi đã nghĩ đến điều này, ‐ nàng nói, ‐ nhưng kho khó giải thích thế nào ấy.
Y hỏi:
– Điều gì vậy?
– Thôi được, thế này anh ạ, tôi cũng như mọi người đàn bà khác, tôi có… những mặt yếu của tôi, những cái nhỏ nhen của tôi, tôi thích những cái hoa hòe hoa sói. Giá được mang một cái tên quý phái tôi thấy cũng thu thú. Liệu anh… anh… có thể trở thành quý phái lên một chút trong dịp chúng ta cưới nhau hay không?
Đến lượt nàng đỏ mặt, dường như đã đề nghị với y một điều khiếm nhã.
Y trả lời chất phác:
– Tôi vẫn thường nghĩ tới điều đó nhưng xem ra chẳng dễ dàng gì.
– Tại sao vậy?
Y bật cười:
– Bởi vì tôi sợ trở thành trò cười cho thiên hạ.
Nàng nhún vai:
– Không đâu mà, không một tí nào. Thiên hạ làm thế cả mà có ai cười đâu. Anh hãy tách cái tên anh ra làm đôi: “Du Roy”. Thế được lắm chứ!
Y trả lời ngay lập tức như người hiểu biết vấn đề:
– Không, như thế không ổn. Cách thức ấy đơn giản quá, thông thường quá, quen thuộc quá! Tôi cũng đã tính chuyện thoạt đầu lấy tên quê tôi làm bút danh văn chương, rồi dần dần kèm nó vào tên của tôi, rồi sau đó mới tách cái tên làm đôi như em đề nghị.
Nàng hỏi:
– Quê anh là Canteleu ư?
– Phải.
Nhưng nàng ngập ngừng:
– Không. Tôi không ưa cái vần cuối của nó. Này, liệu chúng ta có thể thay đổi tí chút cái từ Canteleu ấy không?
Nàng cầm lấy cây bút trên bàn, vừa viết nguệch ngoạc những cái tên, vừa ngắm nghía dáng dấp của chúng. Bỗng nàng reo lên:
– Đây, đây, đây này!
Và nàng giơ ra cho y mảnh giấy trên có hàng chữ: “Duroy de Cantel phu nhân”.
Y nghĩ ngợi vài giây, rồi phát biểu một cách trang trọng:
– Được, hay đấy!
Nàng khoái trá vô cùng và nhắc đi nhắc lại:
– Duroy de Cantel, Duroy de Cantel, Duroy de Cantel phu nhân. Thật là tuyệt, tuyệt!
Nàng nói thêm với vẻ quả quyết:
– Rồi anh xem nó sẽ được mọi người dễ dàng chấp nhận. Nhưng phải biết nắm lấy thời cơ. Bởi vì nếu để muộn thì lỡ hết. Ngay từ ngày mai anh hãy ký các bài bình luận thời sự của anh là D. de Cantel, còn các bài tin vặt thì chỉ ký là Duroy mà thôi. Cứ như thế nó sẽ xuất hiện trên báo ngày này qua ngày khác và sẽ chẳng ai ngạc nhiên khi thấy anh dùng một bí danh. Vào dịp đám cưới của chúng ta, chúng ta có thể thay đổi thêm chút nữa bằng cách nói với bạn bè là trước đây do vị trí của anh, anh đã khiêm tốn từ bỏ chữ du, hoặc thậm chí chẳng cần nói gì hết. Cha anh tên là gì?
– Alexandre.
Nàng lẩm nhẩm hai, ba lần liên tiếp: “Alexandre, Alexandre”, và lắng nghe âm vang của từng vần, rồi nàng viết lên một tờ giấy trắng tinh:
“Ông Alexandre Du Roy de Cantel và phu nhân hân hạnh báo tin lễ thành hôn của con trai là anh Georges Du Roy de Cantel với chị Madeleine Forestier”.
Nàng lùi ra xa một chút để nhìn chữ mình viết, lấy làm vui thích lắm và tuyên bố:
– Với một chút phương pháp cỏn con, người ta sẽ muốn gì được nấy.
Khi y ra đến ngoài phố, với quyết tâm từ nay lấy tên là Du Roy, thậm chí Du Roy de Cantel, y cảm thấy mình vừa trở nên quan trọng. Y bước đi hiên ngang hơn, đầu ngẩng cao hơn, ria mép vểnh lên hơn, như dáng điệu phải có của một trang quý phái. Y cảm thấy hí hửng muốn kể với khách qua đường:
– Tôi tên là Du Roy de Cantel.
Nhưng vừa về đến nhà, y lại day dứt về nàng De Marelle và viết thư luôn cho nàng để xin hẹn gặp vào hôm sau.
“Sẽ gay go đấy”, y nghĩ. “Mình sắp được một trận bão táp ra trò.”
Rồi y lại quyết định tỉnh bơ trước những chuyện khó chịu của cuộc đời, đúng với bản tính của y, và bắt tay viết một bài báo bông lơn về việc nên đặt ra những khoản thuế mới để bảo đảm cân bằng ngân sách.
Trong bài báo đó, y đề nghị dấu hiệu quý tộc “de” phải nộp một trăm frăng hàng năm, còn các tước hiệu, từ nam tước đến hoàng thân phải nộp từ năm trăm đến một ngàn frăng. Và y ký: D. de Cantel.
Hôm sau y nhận được bức điện của tình nhân báo cho biết là nàng sẽ tới vào lúc một giờ.
Y đợi nàng, có phần nóng lòng sốt ruột, vả chăng y quyết định sẽ làm gấp, sẽ nói toạc ra hết ngay từ phút đầu, rồi sau nỗi choáng váng đầu tiên, sẽ khôn khéo lập luận để chứng tỏ cho nàng hiểu rằng y không thể sống độc thân mãi mãi được, và vì ông De Marelle vẫn cứ sống dai dẳng nên y đành phải nghĩ đến một người đàn bà khác ngoài nàng ra để cưới làm vợ chính thức.
Tuy nhiên, y cảm thấy xúc động. Khi nghe tiếng chuông reo, tim y đập rộn ràng.
Nàng lao vào hai cánh tay y:
– Chào Ông Bạn Đẹp.
Rồi thấy y ôm có phần hờ hững, nàng nhìn y chăm chăm và hỏi:
– Anh làm sao thế?
– Em ngồi xuống! ‐ Y bảo. ‐ Chúng ta nói chuyện nghiêm chỉnh với nhau.
Nàng ngồi xuống, mũ vẫn đội trên đầu, chỉ vén cái mạng che mặt lên phía trên trán, rồi nàng chờ đợi.
Y đã cụp mắt xuống; y chuẩn bị vào đề. Y bắt đầu nói chậm rãi:
– Em thân yêu, em thấy anh hết sức bối rối, hết sức buồn bã và hết sức lúng túng về điều mà anh phải thú nhận với em đây. Anh yêu em lắm lắm, anh yêu em thật sự tận đáy lòng, vì vậy anh khổ tâm về nỗi lo sợ làm em đau khổ, còn hơn là về chính cái tin mà anh sắp cho em biết đây.
Nàng tái người đi, cảm thấy run rẩy, và ấp úng:
– Có chuyện gì thế? Anh nói mau lên!
Y nói bằng giọng buồn buồn nhưng kiên quyết, với vẻ làm ra ủ rũ như khi người ta báo những tin bất hạnh đáng mừng:
– Chẳng qua là anh lấy vợ.
Nàng thở dài thườn thượt, cái thở dài của đàn bà sắp ngất, cái thở dài đau đớn từ đáy lồng ngực thốt ra, và nàng như nghẹt thở, hổn hà hổn hển, nói chẳng được.
Thấy nàng không nói năng gì, y lại tiếp:
– Em không hình dung được anh đã đau khổ như thế nào trước khi đi tới quyết định này đâu. Nhưng anh là kẻ địa vị chẳng có mà tiền bạc cũng không. Anh trơ trọi một thân, lọt thỏm giữa Paris. Anh cần có một người nào đó bên anh, chủ yếu để khuyên bảo, an ủi và nâng đỡ anh. Đấy là một người đàn bà chung lưng góp sức mà anh tìm kiếm bấy lâu và đã thấy!
Y dứt lời, hy vọng nàng sẽ đáp lại, nghĩ rằng nàng sẽ nổi trận lôi đình, nặng lời nguyền rủa.
Nàng áp một bàn tay lên trái tim như để nén nó lại, và vẫn thở giật cục từng cơn khó nhọc làm cho ngực ưỡn lên và đầu khật khưỡng.
Y nắm lấy bàn tay kia vẫn còn đặt trên tay ghế, nhưng nàng giật phắt ngay ra. Rồi nàng lẩm bẩm như bị rơi vào trạng thái ngây độn:
– Ôi! Lạy Chúa!
Y quỳ xuống trước mặt; song không dám chạm vào người nàng, thấy mình bị xúc động trước sự im lặng ấy còn hơn là nếu nàng nổi khùng:
– Clo, em Clo thân yêu của anh, em hãy hiểu cho tình cảnh của anh, em hãy hiểu cho con người của anh. Ôi! Giá có thể cưới được em làm vợ thì anh sung sướng biết chừng nào! Nhưng em đã có chồng. Anh biết làm thế nào được? Suy nghĩ mà xem, đấy, em suy nghĩ mà xem! Anh cần phải có vai vế ở ngoài đời, và anh không làm được điều đó chừng nào chưa yên bề gia thất. Giá mà em biết!… Đã bao ngày anh muốn giết chồng em.
Y nói dịu dàng, trầm trầm, quyến rũ, nghe như tiếng nhạc rót vào tai.
Y thấy hai giọt lệ từ từ lớn dần lên trong đôi mắt đờ đẫn của tình nhân rồi lăn xuống hai má trong khi hai giọt lệ khác đã hình thành nơi mí mắt.
Y thì thầm:
– Ôi! Đừng khóc, Clo, em đừng khóc, anh van em. Em làm anh đau xé ruột xé gan.
Lúc đó nàng liền cố gắng, cố gắng ghê gớm để tỏ ra xứng đáng và kiêu hãnh; và nàng hỏi bằng một giọng run run của các phụ nữ khi sắp òa lên nức nở:
– Ai thế?
Y ngập ngừng giây lát, rồi hiểu rằng cần phải nói ra:
– Madeleine Forestier.
Nàng De Marelle rùng cả người, rồi lặng đi không nói gì, mải miết nghĩ ngợi đến nỗi dường như quên phắt là y đang quỳ dưới chân.
Và hai giọt lệ trong suốt không ngừng hình thành nơi mí mắt, lăn xuống rồi lại hình thành.
Nàng đứng lên. Duroy đoán là nàng sắp bỏ đi không nói với y một lời, chẳng trách móc cũng chẳng tha thứ; và y thấy bị xúc phạm, bị sỉ nhục tận đáy lòng. Y muốn níu nàng lại nên vòng hai tay giữ lấy chiếc áo dài, ôm ghì qua lần vải đôi chân tròn trĩnh của nàng mà y cảm thấy chúng đang cứng đờ ra để cưỡng lại.
Y năn nỉ:
– Anh van em, đừng bỏ đi như thế!
Nàng liền nhìn y, từ trên cao nhìn xuống, nàng nhìn y với con mắt ươn ướt, tuyệt vọng, dễ thương vô cùng và ảo não vô cùng, biểu lộ tất cả nỗi đau của tấm lòng người phụ nữ, và nàng ấp úng:
– Em không… em không biết nói gì… em không… em không biết làm gì… Anh… anh có lý… anh… anh… đã lựa chọn đúng thứ cần cho anh…
Nàng giật lùi lại để gỡ mình ra, rồi bỏ đi, và y cũng chẳng cố giữ nàng lâu hơn nữa.
Khi còn lại một mình, y đứng dậy, choáng váng như bị giáng một cú mạnh lên đầu; rồi y quyết định và lẩm bẩm:
– Dào ôi, cần quái gì! Thế là xong… chẳng rắc rối. Thế mà lại hay. ‐ Và cất được một gánh nặng ghê gớm, y bỗng cảm thấy mình tự do, được giải thoát, chẳng còn vướng víu gì để bước vào cuộc đời mới, y liền dang thẳng cánh đấm liên hồi vào tường như điên như dại, chẳng khác nào y đánh nhau với Định Mệnh.
Khi nàng Forestier hỏi y:
– Anh đã báo cho chị De Marelle biết rồi chứ?
Y bình thản trả lời:
– Rồi…
Nàng xoi mói y bằng con mắt trong trẻo của nàng:
– Thế tin này không làm chị ấy xúc động ư?
– Không, không hề. Trái lại, chị ấy cho như thế là rất phải.
Chẳng mấy chốc ai nấy đều biết tin. Có những người ngạc nhiên, có những người đã dự đoán từ trước, lại có những người cười cười tỏ vẻ tin đó chẳng làm cho họ sửng sốt tí nào.
Chàng thanh niên bây giờ ký tên D. de Cantel cho các bài bình luận thời sự, Duroy cho các bài tin vặt và Du Roy cho các bài báo chính trị mà y bắt đầu thỉnh thoảng cho đăng, một nửa thời gian ở tại nhà vợ chưa cưới, nàng đối xử với y thân mật như tình anh em, song cũng có xen lẫn âu yếm thật sự, nhưng che đậy, một thứ ham muốn được giấu giếm như giấu giếm sự yếu đuối. Nàng quyết định đám cưới sẽ được tiến hành hết sức bí mật, chỉ những người làm chứng là có mặt mà thôi, và ngay tối hôm đó hai vợ chồng sẽ đi Rouen. Ngày hôm sau họ sẽ tới ôm hôn cha mẹ già của anh chàng nhà báo và lưu lại đấy vài ngày bên cạnh các cụ.
Duroy cố hết sức để làm cho nàng từ bỏ dự định ấy nhưng không ăn thua, nên cuối cùng y đành nghe theo.
Ngày mùng Mười tháng Năm đã đến, đôi vợ chồng mới thấy chẳng cần thiết phải làm lễ ở nhà thờ, vì họ có mời ai đâu, nên sau khi nhoáng nhoàng ra tòa đốc lý, họ về nhà để gói ghém hành lý rồi ra ga Saint‐Lazare đi chuyến tàu sáu giờ chiều đưa họ về Normandie.
Họ chẳng nói với nhau được mấy lời cho tới khi chỉ còn lại hai vợ chồng trong toa. Khi cảm thấy tàu đã chuyển bánh, họ nhìn nhau và bật cười để che giấu một chút ngượng nghịu mà cả hai đều không muốn để lộ ra.
Đoàn tàu từ từ đi ngang qua ga Batignolles dài dằng dặc, rồi vượt cánh đồng sần sùi từ chỗ các công sự ra tới sông Seine.
Hai vợ chồng Duroy thỉnh thoảng nói vài lời vu vơ, rồi quay nhìn ra cửa toa.
Khi qua cầu Asnières, cả hai đều hân hoan nhìn thấy dòng sông nườm nượp tàu thuyền với các dân chài và những người chèo xuồng. Vầng mặt trời gay gắt tháng Năm rọi ánh nắng xiên khoai xuống các thuyền bè và xuống dòng sông lặng lẽ dường như bất động, không dòng chảy, không xoáy nước, im lìm dưới cái nóng và ánh sáng của buổi ngày tàn. Một chiếc thuyền buồm ở giữa sông đã giương cả hai hình tam giác lớn bằng vải trắng ở hai bên mạn thuyền để đón lấy từng ngọn gió hiu hiu nhỏ nhất, trông chẳng khác nào con chim khổng lồ sắp sửa tung bay.
Duroy nói:
– Tôi rất mê vùng phụ cận Paris, tôi có những kỷ niệm về cá rán, đó là những kỷ niệm đẹp nhất trong cuộc sống của tôi.
Nàng đáp:
– Và những cái xuồng nữa kìa! Lướt đi trên mặt nước vào lúc mặt trời lặn mới dễ thương làm sao!
Rồi họ nín lặng như không dám tiếp tục thổ lộ tâm tình về quãng đời đã qua, và có lẽ đang thưởng thức chất thơ của bao niềm luyến tiếc, nên chẳng nói năng gì nữa.
Duroy ngồi trước mặt vợ, cầm lấy bàn tay nàng và từ từ hôn:
– Khi nào trở về, ‐ y nói, ‐ thỉnh thoảng chúng ta sẽ đi ăn tối ở Chatou.
Nàng nói: “Chúng ta sẽ có bao nhiêu việc phải làm!” bằng một giọng như muốn nói: “Phải hy sinh cái thú vị cho cái hữu ích”.
Y vẫn nắm bàn tay nàng, băn khoăn không biết phải chuyển tiếp như thế nào để đi đến chỗ vuốt ve. Có lẽ y đã chẳng bối rối đến thế nếu trước mặt y là một thiếu nữ chẳng biết gì; nhưng cái trí tuệ lanh lợi và giảo quyệt mà y cảm thấy ở Madeleine làm cho thái độ của y trở nên lúng túng. Y sợ nàng cho y là ngớ ngẩn, quá rụt rè hoặc quá hung tợn, quá chậm chạp hoặc quá hấp tấp.
Y vừa nắm vừa khẽ bóp bóp cái bàn tay nhưng không thấy được đáp lại. Y bảo:
– Tôi cảm thấy rất nhộn em lại là vợ tôi. Nàng tỏ vẻ ngạc nhiên:
– Sao thế?
– Tôi không biết. Tôi cảm thấy nhồn nhộn thế nào ấy. Tôi muốn ôm hôn em, và tôi ngạc nhiên thấy mình lại có cái quyền đó.
Nàng lặng lẽ giơ má ra và y hôn như hôn má một cô em gái.
Y lại nói:
– Lần đầu tiên tôi gặp em, ở bữa ăn tối tôi được anh Forestier mời dự ấy mà, tôi đã nghĩ: “Chà, giá mình tìm được một người phụ nữ như thế kia”. Hừ! Thế là xong. Tôi đã có được rồi.
Nàng thì thầm:
– Anh tử tế quá!
Và nàng nhìn thẳng vào y một cách ý tứ, với con mắt luôn luôn tươi cười.
Y nghĩ: “Mình lạnh lùng quá! Mình thật là ngớ ngẩn. Lẽ ra mình phải tiến nhanh hơn thế này”. Và y hỏi:
– Thế em quen biết Forestier ra sao?
Nàng đáp với vẻ hóm hỉnh khiêu khích:
– Chúng ta đi Rouen để nói chuyện về anh ấy ư?
Y đỏ mặt:
– Tôi ngốc nghếch thật. Em làm tôi rụt rè lắm cơ!
Nàng thích thú:
– Tôi ấy à? Vô lý! Vì lý do gì?
Y ngồi sát bên cạnh nàng. Nàng kêu lên:
– Ơ kìa! Con hươu!
Đoàn tàu đi qua rừng Saint‐Germain, và nàng đã nhìn thấy một con hoẵng hốt hoảng nhảy vọt qua một lối đi.
Duroy cúi xuống trong lúc nàng đang nhìn ra ngoài cửa toa, và hôn một cái hôn dài, cái hôn nhân tình nhân ngãi lên mái tóc nơi cổ nàng.
Nàng vẫn ngồi yên trong chốc lát, rồi ngẩng đầu lên:
– Thôi đi, anh cù tôi buồn!
Nhưng y không chịu thôi, mà vẫn nhẹ nhàng vuốt ve kích thích mãi bằng hàng ria mép loăn xoăn lướt trên làn da trắng muốt.
Nàng lắc mạnh:
– Thôi đi anh!
Y đã luồn bàn tay phải đỡ lấy đầu nàng và xoay về phía y. Rồi y lao vào miệng nàng như con chim cắt vồ mồi.
Nàng giãy giụa, đẩy y ra và cố gỡ mình.
Nàng gỡ ra được và nhắc lại:
– Thôi đi mà!
Y không nghe nữa mà ghì chặt lấy nàng, run rẩy hôn lấy hôn để, và cố vật nàng xuống đệm.
Nàng cố hết sức vùng ra được và đứng phắt ngay lên:
– Ơ hay! Anh Georges, thôi đi chứ! Chúng ta có phải là trẻ con nữa đâu, chúng ta có thể đợi được cho đến Rouen chứ!
Y ngồi thừ ra, mặt đỏ tía tai, và như bị dội nước lạnh bởi mấy lời có tình có lý kia; rồi lấy lại được phần nào bình tĩnh:
– Thôi được, tôi sẽ đợi, ‐ y vui vẻ nói, ‐ nhưng tôi chẳng còn hơi sức đâu mà nói lấy mươi lời cho đến khi tới nơi. Và em nên biết là chúng ta qua cả vùng Poissy đấy.
– Thì tôi sẽ nói, ‐ nàng bảo.
Nàng ren rén ngồi lại xuống bên cạnh y.
Và nàng nói chi tiết rõ ràng những việc hai người sẽ làm khi trở về. Họ cần giữ lại căn hộ nàng ở với người chồng trước và Duroy cũng thừa hưởng chức vụ với lương lậu của Forestier ở tờ Đời sống Pháp.
Ngoài ra, trước khi lấy nhau, nàng đã thu xếp mọi khoản tài chính của gia đình đâu vào đấy như một con người kinh doanh.
Họ sẽ liên kết với nhau dưới chế độ phân biệt tài sản, và mọi trường hợp có thể xảy ra như qua đời, ly dị, sinh một hoặc nhiều con đều được dự kiến. Chàng thanh niên góp vào bốn ngàn frăng theo như y nói, nhưng trong số tiền ấy có một ngàn rưỡi là đi vay. Phần còn lại là do y tiết kiệm trong năm để dự phòng lấy vợ. Thiếu phụ góp vào bốn chục ngàn frăng mà nàng bảo là của Forestier để lại.
Nàng lại nói về chồng và nêu gương chồng:
– Đó là một chàng trai rất căn cơ, rất nề nếp, rất hay lam hay làm. Anh ấy có thể đã làm nên cơ nghiệp trong một thời gian ngắn.
Duroy không để tai nghe nữa vì còn mải bận tâm đến những ý tưởng khác.
Thỉnh thoảng nàng ngừng lại để theo đuổi một ý nghĩ riêng tư, rồi lại tiếp:
– Trong vòng ba hoặc bốn năm nữa, anh rất có thể kiếm được hàng năm ba, bốn chục ngàn frăng. Đó là số tiền Charles có được nếu anh ấy còn sống.
Georges bắt đầu thấy bài lên lớp quá dài nên đáp:
– Hình như chúng ta đi Rouen không phải là để nói về anh ấy.
Nàng khẽ vả cho y một cái vào má:
– Đúng thế, tôi sai. ‐ Nàng cười.
Y vờ để nghiêm chỉnh hai bàn tay trên đùi, như những em bé ngoan.
– Trông anh ngồi có vẻ ngớ ngẩn lắm! ‐ Nàng bảo.
Y cãi:
– Lúc nãy em vừa nhắc nhở tôi phải như thế này, và tôi sẽ cứ thế này mãi.
Nàng hỏi:
– Tại sao?
– Bởi vì em là người chỉ huy gia đình và cũng chỉ huy cả cá nhân tôi. Điều đó có liên quan đến em, thực vậy, với tư cách một góa phụ!
Nàng ngạc nhiên:
– Ý anh muốn nói thực ra là thế nào?
– Muốn nói rằng em có kinh nghiệm làm tiêu tan được sự dốt nát của tôi, và có một thực tiễn hôn nhân làm cho dày dạn lên cái ngây thơ của chàng trai chưa vợ như tôi, thế đấy, nè!
Nàng kêu lên:
– Thật là quá quắt!
Y đáp:
– Như vậy đó. Tôi, tôi không hiểu biết đàn bà ‐ nè ‐ còn em, em hiểu biết đàn ông, bởi vì em góa chồng ‐ nè ‐ em sắp lên lớp cho tôi… tối nay ‐ nè ‐ và thậm chí em có thể bắt đầu ngay bây giờ, nếu em muốn ‐ nè!
Nàng khoái chí reo lên:
– Ồ! Giá như anh tin cậy ở tôi về chuyện đó!…
Y nói như cậu học trò ấp úng đọc bài:
– Có chứ ‐ nè ‐ tôi tin cậy chứ. Thậm chí tôi tin cậy là em sẽ giảng dạy kỹ lưỡng cho tôi… trong hai chục bài học… mười bài cho những khái niệm cơ sở… tập đọc và ngữ pháp… mười bài cho việc hoàn thiện và tu từ… Tôi, tôi chẳng biết mô tê gì hết ‐ nè ‐ nè.
Nàng vô cùng thích thú, reo lên:
– Anh ngốc lắm!
Y lại nói:
– Vì em bắt đầu xưng hô anh anh em em với anh nên anh sẽ noi theo tấm gương ấy ngay, và anh sẽ bảo em, em yêu của anh, là cứ mỗi giây phút qua đi, anh lại yêu em tha thiết hơn, và anh thấy Rouen sao mà xa vời vợi!
Lúc này y nói với ngữ điệu diễn viên và diện mạo vui nhộn làm cho người thiếu phụ vốn quen với những cung cách và các lời nhả nhớt của giới văn sĩ phóng đãng lấy làm lý thú.
Nàng liếc nhìn y, thấy y thật đẹp trai, cảm thấy cái thèm được nhai rau ráu một quả trên cây, nhưng lại do dự vì lập luận khuyên răn đợi cơm xong hãy ăn tráng miệng.
Nàng hơi đỏ mặt vì những tư tưởng quấy nhiễu đó, liền nói:
– Này cậu học trò nhỏ ơi, hãy tin ở kinh nghiệm, kinh nghiệm lớn của tôi. Những chiếc hôn trên toa tàu chẳng có giá trị gì đâu. Chúng chuyển xuống dạ dày đấy!
Rồi nàng vừa đỏ mặt thêm vừa thì thầm:
– Đừng bao giờ nên cắt lúa non!
Y cười ngượng nghịu, hưng phấn vì cảm thấy những ẩn ý trườn vào trong cái miệng xinh đẹp kia; và y làm dấu thánh giá, đôi môi lầm rầm như cầu nguyện rồi nói:
– Tôi vừa đặt mình dưới sự bảo trợ của thánh Antoine, chúa tể của các nữ thần Cám dỗ. Bây giờ tôi như bằng đồng.
Màn đêm từ từ buông xuống, với bóng tối trong suốt như một tấm the mỏng phủ lên đồng quê bao la trải ra ở bên phải. Con tàu đi dọc sông Seine, và đôi trai gái ngắm nhìn những ráng hồng ngả sang màu tía và màu đỏ rực lúc mặt trời lặn in bóng xuống dòng sông uốn lượn như dải khăn rộng bằng kim loại nhẵn bóng ở bên cạnh đường sắt. Những ánh sáng đó tắt dần, tắt dần, trở nên sẫm hơn, tối sẫm lại một cách buồn bã. Và đồng quê chìm trong bóng đen, với cái ớn lạnh thê thảm, ớn lạnh chết chóc mà nỗi buồn hoàng hôn quét ngang thế gian.
Nỗi u buồn đó của chiều hôm tràn vào qua cửa toa để mở, thấm vào lòng đôi vợ chồng vừa mới vui vẻ là thế mà bây giờ trở nên im lìm.
Họ nhích lại gần nhau để ngắm nhìn quang cảnh ngày tàn, cảnh hấp hối của một ngày tháng Năm trời quang mây tạnh.
Đến Mantes, người ta thắp một cây đèn dầu nhỏ tỏa ánh sáng vàng vọt và rung rinh lên lớp dạ xám bọc các ghế đệm.
Duroy quàng tay ngang lưng vợ và ghì sát vào y. Cái thèm muốn dữ dội lúc nãy của y trở thành tình âu yếm, một nỗi âu yếm uể oải, chỉ cần lờ đờ vuốt ve mơn trớn như người ta vuốt ve khi dỗ dành con trẻ.
Y thì thầm rất khẽ:
– Anh yêu em lắm, em Made bé nhỏ của anh.
Giọng nói dịu dàng ấy làm cho thiếu phụ xúc động, một thoáng rùng mình râm ran khắp da thịt, và nàng cúi xuống cho y hôn, vì y đang áp má vào chỗ cặp vú âm ấm của nàng.
Một cái hôn rất dài, lặng lẽ và say sưa, rồi bật lên ôm ghì lấy nhau như điên như dại, một cuộc vật lộn ngắn ngủi thở dốc, một cuộc giao hoan mãnh liệt và vụng về. Rồi họ nằm yên trong cánh tay nhau, cả hai đều hơi thất vọng, mệt bã và vẫn còn thắm thiết, cho đến khi còi tàu rít lên báo hiệu sắp vào ga.
Nàng lấy các đầu ngón tay vỗ vỗ những món tóc rối ở hai bên thái dương và nói:
– Ngốc nghếch quá! Chúng ta thật là trẻ con.
Nhưng y hôn bàn tay nàng liến thoắng như điên, hết bàn tay nọ sang bàn tay kia và đáp:
– Anh yêu em tha thiết, em Made bé nhỏ của anh.
Từ đó đến Rouen, hai người hầu như ngồi yên không nhúc nhích, má kề má, mắt nhìn vào trong bóng đêm ngoài cửa xe, thỉnh thoảng vụt qua loang loáng ánh đèn các nhà; và họ mơ màng, hài lòng được ngồi sát bên nhau chờ cho đến lúc được ôm ghì lấy nhau thắm thiết hơn và thoải mái hơn, nỗi chờ đợi ấy mỗi phút một thêm da diết.
Họ vào một khách sạn có các cửa sổ nhìn ra bến sông, và lên giường nằm sau khi đã ăn uống hết sức qua loa. Hôm sau, chị hầu phòng đến đánh thức họ dậy khi đồng hồ vừa điểm tám giờ.
Hai người uống xong tách trà đặt trên chiếc bàn để đèn đêm thì Duroy nhìn vợ, rồi bỗng ôm chầm lấy nàng với niềm vui hăm hở như người sung sướng bắt được của và lắp bắp:
– Em Made bé nhỏ của anh, anh cảm thấy yêu em lắm… lắm…
Nàng nở nụ cười tin cậy, hài lòng, đáp lại những cái hôn của y và thì thầm:
– Có lẽ… em cũng thế!
Nhưng y chợt băn khoăn đến chuyện về thăm cha mẹ. Y đã nhiều lần rào đón, thuyết lý, chuẩn bị tinh thần trước cho vợ. Y thấy cần phải nói nữa:
– Em nên biết các cụ là những nông dân, nông dân quê mùa chứ không phải là nông dân trong ca kịch đâu.
Nàng cười:
– Nhưng em biết chứ, anh đã nói cho em khá rõ rồi. Nào anh dậy đi, để em cũng dậy.
Y nhảy ra khỏi giường và xỏ chân vào đôi tất ngắn:
– Về nhà, chúng ta sẽ rất khổ, rất khổ đấy! Trong buồng của anh chỉ có một cái giường cũ kỹ đệm rơm. Ở Canteleu, người ta không biết đến giường lò xo.
Nàng có vẻ khoái trá:
– Càng hay. Thật là thú vị sẽ được ngủ không yên giấc… bên cạnh… bên cạnh anh và được tiếng gà gáy đánh thức dậy.
Nàng bận chiếc áo choàng mặc ở nhà, một chiếc áo choàng rộng thùng thình bằng nỉ trắng mà Duroy nhận ra ngay. Nhìn thấy thế, y khó chịu. Tại sao? Y biết là vợ y có đến cả tá quần áo mặc ở nhà. Nàng lại không thể bỏ đám quần áo ấy đi để sắm những bộ mới hay sao? Bất kỳ thế nào, y vẫn muốn quần áo mặc ở nhà của nàng, quần áo ngủ của nàng, quần áo yêu đương của nàng không phải là thứ nàng đã dùng với anh chồng kia. Y có cảm tưởng lớp vải mềm mại và ấm áp vẫn còn lưu giữ hơi hướng của Forestier.
Và y vừa đi về phía cửa sổ vừa châm một điếu thuốc lá.
Y xốn xang trong lòng khi nhìn thấy cảng, nhìn thấy dòng sông rộng nườm nượp những con tàu có cột buồm nhẹ nhàng, những con tàu chạy bằng hơi nước cục mịch được các máy quay ầm ầm bốc dỡ hàng lên bờ, tuy rằng y biết điều đó từ lâu. Và y kêu lên:
– Chà chà, đẹp quá!
Madeleine chạy tới víu hai bàn tay lên một bên vai của chồng, gục vào người y, hân hoan, xúc động. Nàng lắp bắp:
– Ôi! Hay quá! Hay quá! Em đâu biết là có nhiều tàu thuyền đến thế!
Một tiếng đồng hồ sau họ rời khách sạn, vì phải về ăn trưa tại nhà cha mẹ, các cụ đã được báo từ mấy hôm trước. Một chiếc xe ngựa không có mui và hoen gỉ chở họ ầm ầm như tiếng xoong chảo va vào nhau. Họ đi dọc theo một đại lộ dài khá xấu xí, rồi băng qua đồng cỏ có dòng sông nhỏ chảy qua, rồi bắt đầu leo lên dốc.
Madeleine mỏi mệt thiu thiu ngủ dưới sự vuốt ve thấm thía của vầng mặt trời sưởi ấm cho nàng một cách thú vị tận trong cùng chiếc xe cũ kỹ, dường như nàng đang nằm trong làn ánh sáng ấm áp với gió nội hương đồng.
Chồng nàng đánh thức nàng dậy:
– Trông kìa, ‐ y bảo.
Họ dừng lại ở lưng chừng dốc, tại một địa điểm ngắm phong cảnh nổi tiếng mà du khách nào cũng được dẫn tới thăm.
Đứng đây bao quát được cả vùng thung lũng bao la, vừa dài vừa rộng, có dòng sông bạc chảy suốt từ đầu nọ tới đầu kia với nhiều khúc quanh co uốn lượn. Người ta nhìn thấy nó từ nơi xa kia đổ về, lốm đốm rất nhiều hòn đảo nhỏ và vạch một vòng cung trước khi chảy qua Rouen. Rồi thành phố hiện ra bên bờ phải, hơi bị chìm trong làn sương mù sớm mai, với ánh nắng chói lọi trên các mái nhà, trên cả ngàn những gác chuông nhẹ nhõm, nhọn hoắt hoặc béo lùn, mảnh khảnh và trau chuốt như các đồ nữ trang khổng lồ, với những tháp chuông lớn, tháp chuông nhỏ, và cơ man nào là đỉnh nhọn của các nhà thờ, cao vượt lên là cái chóp tháp nhọn hoắt của nhà thờ lớn, cái chỏm nhọn bằng đồng kỳ dị, xấu xí, lạ lùng và quá cỡ, cái chỏm nhọn có lẽ cao nhất trên thế gian này.
Nhưng trước mặt, phía bên kia sông vươn lên cao những ống khói nhà máy của vùng ngoại ô bát ngát Saint‐Sever, những ống khói tròn tròn, thon thon và phình ra ở trên ngọn.
Những ống khói ấy còn đông đảo hơn cả các gác chuông anh em của chúng, vươn cao những cột dài bằng gạch ra đến tận đồng quê xa xôi và phả lên nền trời xanh hơi thở đen sì những than là than.
Và cái ống khói cao nhất trong bọn, cao ngang với kim tự tháp Chéops, đỉnh cao thứ hai do bàn tay con người làm ra, hầu như sánh ngang với chóp tháp kiêu hãnh của nhà thờ lớn, cái bơm lửa đồ sộ ấy có vẻ là vị nữ hoàng của đám dân cư lao động, tỏa khói ở các nhà máy, còn bà láng giềng là nữ hoàng của đám tháp nhọn hoắt ở các đền đài thiêng liêng.
Xa xa, một cánh rừng thông trải ra phía sau cái thành phố thợ thuyền; và dòng sông Seine, sau khi len lỏi giữa hai thành phố, vẫn chảy tiếp, dọc theo một sườn đồi lớn nhấp nhô, trên cao là rừng cây, và rải rác phô ra những xương cốt bằng đá trắng, rồi mất hút ở chân trời sau khi đã vạch thành một vòng cung rộng. Người ta nhìn thấy những con tàu xuôi ngược trên sông, được kéo bởi các thuyền chạy bằng hơi nước to như những tàu du lịch và nhả khói đen dày đặc. Những hòn đảo nhấp nhô trên mặt nước, xếp thành dãy liền nhau hoặc cách xa nhau, giống như một chuỗi hạt xanh rờn, hạt to hạt nhỏ không đều nhau.
Bác xà ích đợi cho hành khách ngắm chán mắt. Do kinh nghiệm bác biết được khoảng thời gian cần thiết để thưởng thức của tất cả các hạng du khách.
Nhưng khi bác tiếp tục lên đường, Duroy chợt nhận thấy cách vài trăm mét có hai cụ già đang đi tới, và y vừa nhảy ra khỏi xe vừa hét to:
– Các cụ kia kìa! Anh nhận ra rồi!
Đó là hai người dân quê, cụ ông và cụ bà, đang bước cao bước thấp đi tới, lúc la lúc lắc và thỉnh thoảng lại hích vai vào nhau. Cụ ông thì thấp bé, mập mạp, mặt đỏ gay và hơi phệ bụng, người rắn rỏi tuy tuổi đã cao; cụ bà thì cao lớn, gầy gò, lưng còng, ủ rũ, đúng là loại phụ nữ đồng áng vất vả, làm lụng quần quật từ nhỏ và chẳng bao giờ cười, trong lúc các đức ông chồng uống rượu cười đùa với khách hàng.
Madeleine cũng đã xuống xe và nhìn hai con người nghèo khổ đi tới với nỗi buồn buồn, nao nao trong lòng mà nàng không hề dự kiến. Các cụ không nhận ra quý ông lịch sự kia là con trai và có lẽ chẳng bao giờ đoán rằng con dâu của các cụ lại là quý bà sang trọng mặc áo dài màu nhạt ấy.
Các cụ chẳng nói chẳng rằng hối hả đi đón đứa con bấy lâu mong đợi mà không nhìn những con người tỉnh thành có xe ngựa theo sau.
Các cụ đi vượt qua. Georges cười, kêu lên:
– Chào bố Duroy.
Cả hai cụ đứng sững ngay lại, mới đầu sửng sốt, rồi ngây ra vì ngạc nhiên. Cụ bà định thần lại đầu tiên và vẫn đứng yên tại chỗ, lắp ba lắp bắp:
– Thế ra là con, con đấy ư?
Chàng thanh niên đáp:
– Vâng, con đây mà, mẹ Duroy! ‐ Và y bước tới hôn một cái rất kêu lên hai má mẹ. Rồi y cọ hai thái dương của mình vào hai thái dương của bố, cụ đã bỏ mũ cát két ra, chiếc mũ cát két theo mốt ở Rouen, bằng lụa đen, cao lênh khênh, giống như mũ của các lái bò.
Rồi Georges thưa:
– Đây là nhà con.
Và hai cụ nhà quê nhìn Madeleine. Các cụ nhìn nàng như nhìn một con người kỳ dị, với vẻ lo ngại gật gù tán thưởng ở người bố, và pha chút ghen ghét ngấm ngầm ở người mẹ.
Cụ ông vốn tính tình vui vẻ, cái vui ngà ngà say, đánh bạo hỏi với vẻ ranh mãnh ở khóe mắt:
– Tau có thể ôm hôn chị ấy được chứ?
Anh con trai trả lời:
– Được chứ ạ.
Và Madeleine ngượng nghịu giơ hai má ra, cụ hôn đánh chụt một cái rồi đưa mu bàn tay lên chùi môi.
Đến lượt cụ bà hôn cô con dâu một cách dè dặt ác cảm. Không, đây không phải là cô con dâu trong mộng ước của cụ, một cô nông dân cao lớn và tươi tắn, đỏ như trái táo và béo quay như một con ngựa giống. Còn cái bà này thì có vẻ là một con đĩ rạc với đồ trang sức lòe loẹt và nước hoa nước hoét. Bởi vì đối với cụ bà thì mọi thứ nước hoa đều là nước hoa nước hoét cả.
Và mọi người lại bước đi theo sau chiếc xe ngựa chở hành lý của đôi vợ chồng mới cưới.
Cụ ông nắm lấy cánh tay con trai, níu y đi lùi lại phía sau và hí hửng hỏi:
– Thế nào, làm ăn tốt không?
– Vâng, rất tốt.
– Thế là đủ, hay lắm! Mà vợ mày có khá giả không?
Georges đáp:
– Bốn chục ngàn frăng..
Ông bố rít lên một tiếng nhè nhẹ tỏ ý thán phục và chỉ có thể lẩm bẩm: “Mẹ kiếp!” vì số tiền làm cho cụ xúc động ghê gớm. Rồi cụ nói thêm với vẻ tin chắc thật lòng: “Chà chà, một người đàn bà đẹp đấy chứ!”, bởi vì cụ thấy nàng hợp với sở thích của mình. Và xưa nay cụ cũng được tiếng là người sành sỏi.
Madeleine và bà mẹ đi bên cạnh nhau, không nói năng gì. Hai người đàn ông theo kịp họ.
Họ về tới làng, một thôn làng bé nhỏ ở hai bên đường cái, mỗi bên mươi nóc nhà, có cái xây gạch, lợp đá đen theo kiểu nhà ở thị trấn, có cái tường vách mái tranh theo kiểu nhà ở trang trại. Quán cà phê “Phong cảnh hữu tình” của cụ Duroy là ngôi nhà tồi tàn gồm một tầng trệt và một tầng nóc ở ngay đầu làng phía bên trái. Một cành thông treo ở cửa theo mốt xưa để nói lên rằng ai khát xin mời vào.
Bàn ăn bày trong gian dùng làm quán rượu là hai cái bàn kê sát vào nhau phủ bằng hai chiếc khăn ăn. Một bà láng giềng sang giúp đỡ cơm nước cung kính cúi chào khi thấy xuất hiện một phụ nữ cực kỳ sang trọng, nhưng lúc nhận ra Georges, bà reo lên:
– Lạy Chúa tôi, cậu đấy ư, cậu bé?
Y vui vẻ đáp:
– Vâng, cháu đây, bác Brulin!
Và y cũng lập tức ôm hôn bà như đã ôm hôn cha mẹ.
Rồi y quay về phía vợ:
– Em về buồng của chúng ta đi, ‐ y bảo, ‐ để bỏ mũ ra.
Y đưa nàng qua cái cửa bên phải vào trong một căn phòng lạnh lẽo, lát gạch vuông, tường quét vôi trắng toát, với cái giường căng rèm vải bông. Một cây thánh giá phía trên bình nước thánh và hai tranh tô màu vẽ Paul với Virginie dưới gốc cây cọ xanh lam và Napoléon đệ Nhất trên lưng con ngựa vàng là những vật trang trí duy nhất cho cái nơi ở sạch sẽ và buồn tẻ này.
Khi chỉ còn lại có hai người với nhau, y ôm hôn Madeleine:
– Chào em Made. Anh rất hài lòng được về thăm các cụ. Lúc đang ở Paris, mình không nghĩ đến, nhưng khi gặp lại, thấy cũng vui vui.
Bỗng ông bố vừa đập thình thình vào vách ngăn vừa hét:
– Này, này, xúp chín rồi!
Thế là phải ngồi vào bàn ăn.
Đó là bữa ăn trưa của dân quê kéo dài lê thê với các món chẳng khớp với nhau gì cả, sau món đùi cừu là món dồi lợn, sau món dồi lợn đến món trứng tráng. Cụ ông Duroy được rượu táo và vài cốc rượu vang làm cho phấn chấn hẳn lên, tuôn ra những lời đùa cợt hảo hạng, những lời đùa cợt cụ vẫn để dành cho các dịp lễ lớn, những truyện phóng túng, tục tĩu kể với chỗ bạn bè thân như cụ khẳng định. Georges biết hết tất cả các truyện đó rồi, song vẫn cười thích thú, y ngây ngất với không khí quê hương, nao nao vì tình yêu bẩm sinh đối với xóm làng, đối với những chốn quen thuộc trong thời thơ ấu, nao nao vì tất cả những cảm giác, tất cả những kỷ niệm tìm lại được, nao nao vì thấy lại tất cả những điều xa xưa, những cái không đâu, một vết dao vạch trên cửa, một chiếc ghế khập khiễng gợi nhớ một việc con con, những mùi nồng nồng của đất, mùi nhựa thông và cây cối từ khu rừng bên cạnh đưa tới ngào ngạt, mùi nhà ở, mùi rãnh nước, mùi phân chuồng.
Cụ bà Duroy chẳng nói chẳng rằng, vẫn buồn rười rượi và nghiêm khắc đưa mắt theo dõi con dâu với nỗi hằn học nhói lên trong lòng, nỗi hằn học của một bà già lao động, bà già quê, ngón tay sần sùi, tứ chi méo mó vì các công việc nặng nhọc, ghê tởm người đàn bà tỉnh thành kia như ghê tởm một cô ả bị nguyền rủa, bị ruồng bỏ, một kẻ ô trọc chỉ biết đến lười nhác và tội lỗi. Cụ bà đứng dậy luôn để đi bưng các đĩa thức ăn, để rót thứ nước uống màu vàng và chua loét từ trong bình đựng nước ra các cốc hoặc rót rượu táo màu đỏ hoe, sủi bọt và có vị ngọt từ trong các chai nút bắn ra như nút chai nước chanh có ga.
Madeleine không ăn mấy, chẳng nói mấy, chỉ ngồi thừ ra với nụ cười thông thường bất động trên môi, nhưng là nụ cười ủ ê, bất đắc dĩ. Nàng thất vọng não nề. Sao vậy? Nàng đã muốn về đây. Chẳng phải nàng không biết là về nhà những người dân quê, những người dân quê nghèo khổ. Vậy nàng vốn là người không hay mơ mộng, nàng đã mơ tưởng họ ra sao?
Nàng có biết điều đó không? Phụ nữ nào mà chẳng hay mơ ước những cái mới lạ! Nàng đã thấy họ nên thơ hơn khi nhìn từ xa chăng? Không, nhưng có lẽ là văn vẻ hơn, cao thượng hơn, trìu mến hơn, nổi bật hơn. Tuy nhiên nàng không hề ao ước họ đặc biệt hơn như các dân quê trong tiểu thuyết. Vậy do đâu mà họ làm cho nàng thấy chướng tai gai mắt qua hàng ngàn những cái vụn vặt, vô hình, hàng ngàn những điều thô lỗ không sao hiểu nổi, qua bản chất quê mùa của họ, qua những lời họ nói ra, qua các cử chỉ và tính tình vui nhộn của họ?
Nàng nhớ lại bà mẹ mình mà nàng chưa bao giờ nói với ai, một cô giáo bị quyến rũ, được nuôi nấng ở Saint‐Denis rồi chết vì nghèo khổ và buồn phiền khi Madeleine mới mười hai tuổi. Một người lạ đã nuôi dạy cô bé. Cha nàng chăng? Ông ta là ai thế? Nàng không biết được đích xác, tuy lờ mờ có những mối hoài nghi.
Bữa ăn mãi chưa xong. Lúc này có các khách giải khát vào quán, bắt cả hai tay cụ ông Duroy, reo lên khi thấy ông con trai, và ranh mãnh nháy mắt khi liếc nhìn người thiếu phụ, như muốn bảo: “Mẹ kiếp! Vợ ông Georges Duroy, trông khớ đấy chứ nhỉ!”.
Một số khác ít thân thiết hơn thì ngồi xuống trước những cái bàn bằng gỗ và gọi: “Một lít!… Một vại!… Hai rượu trắng!… Một rượu Raspail!”. Và họ chơi cờ đôminô, đập chan chát những quân cờ vuông nho nhỏ bằng xương màu trắng hoặc màu đen.
Cụ bà Duroy thì vẫn cứ đi đi lại lại, phục vụ các khách hàng với vẻ thảm hại của cụ, thu tiền, vén góc tạp dề xanh lên lau bàn.
Khói từ những chiếc tẩu bằng đất và các điếu xì gà giá một xu ngập ngụa trong phòng. Madeleine ho và hỏi:
– Chúng ta ra ngoài được không? Em không chịu nổi nữa.
Bữa ăn đã xong đâu. Cụ ông Duroy không bằng lòng. Nàng liền đứng dậy ra ngồi trên chiếc ghế tựa, trước cửa ra vào, ngay trên đường cái, đợi cho bố chồng và chồng uống xong cà phê và rượu.
Georges ra với nàng ngay:
– Em có muốn lao xuống đến tận sông Seine không? ‐ Y hỏi.
Nàng vui vẻ nhận lời:
– Có, có chứ. Nào!
Hai người xuống núi, thuê một con thuyền ở Croisset, và suốt buổi chiều còn lại họ đi dọc theo một hòn đảo, dưới bóng những cây liễu, cả hai đều ngủ gà ngủ gật, trong tiết xuân dìu dịu, và được ru bởi làn sóng vỗ nhè nhẹ.
Rồi họ trở về khi màn đêm buông xuống.
Bữa ăn tối dưới ánh nến còn nặng nề đối với Madeleine hơn là bữa ăn trưa. Cụ ông Duroy đã ngà ngà say nên không nói gì nữa. Còn cụ bà thì vẫn giữ bộ mặt cau có.
Ánh sáng yếu ớt hắt lên những bức tường xám bóng các cái đầu của mọi người, với những cái mũi to tướng, các cử chỉ bao la. Thỉnh thoảng lại thấy một bàn tay khổng lồ giơ chiếc dĩa to như cái đinh ba lên miệng và miệng há hoác ra như mõm quái vật khi có người nào đấy quay nghiêng mặt về phía ngọn lửa vàng run rẩy.
Bữa ăn vừa xong là Madeleine kéo chồng ra ngoài để khỏi phải ngồi lại trong căn phòng tối tăm lúc nào cũng phảng phất mùi hăng hắc của các tẩu thuốc cũ và các đồ uống vương vãi.
Khi họ đã ra ngoài, y bảo:
– Em chán rồi ư?
Nàng định cãi. Y ngăn lại:
– Đừng. Anh đã thấy rõ. Nếu em muốn, chúng ta sẽ ra đi ngày mai.
Nàng thì thầm:
– Vâng. Em muốn.
Hai người thong thả bước đi. Đó là một đêm ấm áp, bóng tối dịu dàng và sâu thẳm như chứa đầy những tiếng động nhè nhẹ, những tiếng sột soạt, những hơi thở. Họ đi vào một lối hẹp, dưới những cây cao, giữa hai khu rừng chặt tối đen như mực.
Nàng hỏi:
– Chúng ta ở đâu thế này?
Y đáp:
– Trong rừng.
– Rừng có rộng không?
– Rất rộng, một trong những cánh rừng rộng nhất của nước Pháp đấy!
Một mùi đất, mùi cây cối, mùi rêu, mùi hương man mác và lâu đời của những khu rừng rậm rạp, tạo nên bởi chất nhựa của các chồi non và cỏ mục trong các lùm cây, dường như đang đọng trong lối đi này. Ngẩng đầu lên, Madeleine nhìn thấy những vì sao thấp thoáng giữa các ngọn cây cao, và tuy không có một ngọn gió nhẹ nào lay động lá cành, nhưng nàng vẫn lờ mờ cảm thấy quanh mình cái phập phồng của biển lá.
Một cái rùng mình đặc biệt râm ran trong tâm hồn và trên da nàng; một nỗi lo âu không rõ rệt làm cho tim nàng như thắt lại. Sao thế nhỉ? Nàng không hiểu. Nhưng nàng có cảm tưởng mình đang bị nguy ngập, chìm đắm, bị bao hiểm họa bủa vây, bị tất cả mọi người bỏ rơi, trơ trọi, trơ trọi trên đời, dưới cái vòm sống động đang run rẩy trên cao kia.
Nàng nói:
– Em hơi sợ. Em muốn quay về.
– Thôi được, chúng ta quay về.
– Và… chúng ta sẽ lên đường đi Paris ngày mai chứ?
– Ừ, ngày mai.
– Sáng mai?
– Sáng mai, nếu em muốn.
Họ về nhà. Hai cụ đã đi nằm. Nàng ngủ chập chờn, luôn luôn bị thức giấc vì những tiếng động mới lạ đối với nàng ở thôn quê, tiếng cú kêu, tiếng ủn ỉn của con lợn nhốt trong chuồng áp bên tường, tiếng gà gáy vang vang ngay từ nửa đêm.
Nàng trở dậy và chuẩn bị sẵn sàng để ra đi vào lúc mới rạng đông.
Khi Georges báo cho cha mẹ biết là sắp ra đi, cả hai cụ đều ngẩn người, sau đó hiểu được do đâu mà có ý định này.
Cụ ông chỉ hỏi:
– Tau sẽ gặp lại mày hỉ, ngay chứ hỉ?
– Vâng. Trong mùa hè này.
– Thế thì càng hay.
Cụ bà làu bàu:
– Mẹ chúc cho con khỏi phải hối tiếc về việc con đã làm.
Y biếu bố mẹ hai trăm frăng để các cụ bớt phiền lòng; chiếc xe ngựa do một chú bé đi gọi xuất hiện vào lúc khoảng mười một giờ, và đôi vợ chồng mới cưới ôm hôn hai cụ già nhà quê rồi ra đi.
Khi đang xuống con đường dốc, Duroy phá lên cười:
– Đấy, ‐ anh nói, ‐ anh đã báo trước cho em mà. Lẽ ra anh chẳng nên cho em biết cha mẹ anh là ông bà Du Roy de Cantel làm gì.
Nàng cũng bật cười và cãi:
– Giờ thì em rất lấy làm vui sướng. Đó là những con người trung hậu mà em bắt đầu yêu mến lắm lắm. Em sẽ gửi cho các cụ những quà bánh ở Paris.
Rồi nàng nói:
– Du Roy de Cantel… Rồi anh xem, chẳng ai lấy làm lạ về những thiếp báo hỷ của chúng ta đâu. Chúng ta sẽ kể là đã sống tám ngày trong trang trại của cha mẹ anh.
Và nhích lại gần y, nàng hôn lướt lên ngọn ria mép của chồng:
– Chào anh Geo!
Y trả lời:
– Chào em Made! ‐ Và luồn một bàn tay vòng sau lưng nàng.
Ở xa xa, tận đáy thung lũng, dòng sông lớn chảy dài như một dải bạc dưới ánh nắng sớm mai, tất cả những ống khói nhà máy phả lên bầu trời các đám mây khói than, và tất cả những gác chuông nhọn hoắt vươn cao trên thành phố cổ.