Ông Bạn Đẹp - Chương 10

2

* * *

Vợ chồng Du Roy về tới Paris đã được hai hôm và anh chàng nhà báo đã lại bắt tay vào công việc cũ trong khi chờ đợi thôi phụ trách mục Tin vặt để chiếm lĩnh hẳn các chức trách của Forestier và hoàn toàn chuyên tâm vào chính trị.

Tối hôm ấy, lòng vui như mở cờ, y bước lên nhà mình, vốn là nơi ở của người chồng trước, để ăn tối, với nỗi ham muốn nhen nhóm lát nữa được ôm hôn người vợ mà y mê say nhan sắc và bị nàng chế ngự ngấm ngầm không sao cưỡng lại được. Khi đi qua chỗ một cô nàng bán hoa ở cuối phố Notre‐Dame‐de‐Lorette, y nảy ra ý định mua một bó hoa tặng Madeleine và chọn một bó lớn hoa hồng mới chúm chím, thơm ngát.

Cứ lên mỗi tầng chiếc cầu thang mới của y, y lại soi mình một cách thỏa mãn trong tấm gương, nó luôn làm cho y nhớ lại lần đầu tiên đến nhà nàng.

Y bấm chuông, vì quên mang theo chìa khóa, và ra mở cửa vẫn là người đầy tớ y đã giữ lại theo lời khuyên của vợ.

Georges hỏi:

– Bà về rồi chứ?

– Thưa ông, vâng ạ.

Nhưng khi đi ngang qua phòng ăn, y hết sức ngạc nhiên khi nhìn thấy ba bộ đồ ăn; và lúc rèm cửa phòng khách được vén lên, y thấy Madeleine đang cắm vào cái lọ trên lò sưởi một bó hoa hồng giống hệt bó hồng của y. Y phật ý, bất bình, dường như người ta đã đánh cắp ý nghĩ của y, sự ân cần chăm chút của y và tất cả niềm vui thích y đang chờ đợi.

Y bước vào và hỏi:

– Em đã mời ai phải không?

Nàng đáp, không quay mặt lại và vẫn tiếp tục cắm hoa:

– Phải và không phải. Đó là ông bạn cũ của em, Bá tước De Vaudrec, có thói quen thứ Hai nào cũng tới ăn tối ở đây, và hôm nay ông ấy đến như thường lệ.

Georges lẩm bẩm:

– À! Tốt lắm!

Y đứng sau lưng nàng, bó hoa cầm trong tay, chỉ muốn giấu nó đi, vứt nó đi. Tuy thế y nói:

– Này, anh mang hoa hồng về cho em đây!

Nàng quay phắt lại, tươi cười thốt lên:

– A! Anh thật là đáng yêu khi đã nghĩ đến chuyện đó!

Và nàng dang tay, chìa môi ra với cái vui mừng hăm hở rất thực tình nên y cảm thấy được an ủi.

Nàng đỡ lấy hoa, đưa lên mũi ngửi và nhanh nhẹn như trẻ con khoái chí, đem cắm vào cái lọ còn để không đối diện với cái lọ kia. Rồi nàng vừa ngắm nhìn vừa nói:

– Em hài lòng lắm! Thế là lò sưởi của em bây giờ không trơ trụi nữa rồi!

Và hầu như ngay tức khắc nàng nói thêm, với vẻ tin chắc:

– Anh biết đấy, ông Vaudrec rất dễ thương. Anh sẽ thân thiết với ông ấy ngay cho mà xem.

Một tiếng chuông reo báo tin bá tước tới. Ông bước vào bình thản, rất thoải mái, như ở nhà mình. Sau khi đã lịch sự hôn các ngón tay của thiếu phụ, ông quay về phía người chồng, thân ái bắt tay và hỏi:

– Khỏe không, anh Du Roy thân mến?

Ông không còn cái vẻ cứng nhắc, trịnh trọng hồi xưa, mà xem ra dễ thương, chứng tỏ là tình thế đã thay đổi. Anh chàng nhà báo ngạc nhiên, phải cố tỏ ra nhã nhặn để đáp lại những cử chỉ cầu thân ấy. Năm phút sau, có lẽ người ta ngỡ là họ đã quen biết, quý mến nhau từ mươi năm nay.

Lúc đó Madeleine mặt mày rạng rỡ bảo họ:

– Em để hai người ngồi trò chuyện với nhau. Em phải liếc mắt vào trong bếp một cái mới được.

Rồi nàng chạy vụt ra và hai người đàn ông nhìn với theo.

Khi trở lại, nàng thấy hai người đang trò chuyện về sân khấu, về một vở kịch mới, và họ hoàn toàn nhất trí với nhau đến nỗi trong mắt họ cũng vụt ánh lên vẻ thân tình khi họ phát hiện thấy sao mà họ ý hợp tâm đầu với nhau đến thế.

Bữa ăn tối thật dễ thương, ấm cúng và thân mật. Bá tước ở lại chơi rất khuya vì ông cảm thấy dễ chịu trong căn nhà này, trong cái gia đình mới xinh xắn này.

Khi ông ra về, Madeleine bảo chồng:

– Có phải ông ấy hoàn hảo không? Ông ấy càng được quen biết càng được quý mến. Đấy là một người bạn tốt, đáng tin cậy, tận tụy, trung thành. Chà! Nếu không có ông ấy…

Nàng không nói hết ý và Georges đáp:

– Phải, anh thấy ông ta rất dễ thương. Anh tin là bọn anh rất hợp tính hợp nết.

Nhưng nàng tiếp lời ngay:

– Anh không biết chứ, tối nay chúng mình phải làm việc trước khi đi ngủ. Em không có thì giờ cho anh biết chuyện đó trước bữa ăn, vì vừa lúc ấy thì Vaudrec tới. Chiều nay em vừa nhận được những tin tức nghiêm trọng, tin tức về Marôc. Nghị sĩ Laroche‐Mathieu, Bộ trưởng tương lai, cho em biết đấy! Chúng mình cần phải viết một bài báo lớn, một bài báo gây chấn động. Em đã nắm được các sự kiện và các con số. Chúng mình sẽ bắt tay vào việc ngay lập tức. Nào, anh hãy cầm lấy đèn!

Du Roy cầm lấy cây đèn và hai người sang phòng làm việc.

Vẫn những quyển sách như xưa xếp thành hàng trong tủ sách, trên nóc tủ bây giờ bày ba cái lọ Forestier mua ở vịnh Juan hôm trước ngày anh qua đời. Dưới gầm bàn, cái bao ủ chân của kẻ quá cố chờ đợi đôi bàn chân của Du Roy, y vừa ngồi xuống là cầm ngay lấy chiếc quản bút bằng ngà có đầu hơi bị dập nát do bị răng của Forestier nhấm nhấm.

Madeleine tựa vào lò sưởi, châm một điếu thuốc lá, rồi kể lại các tin tức, sau đó trình bày ý kiến của mình và đề cương bài báo nàng mường tượng trong đầu.

Y vừa chăm chú lắng nghe vừa nguệch ngoạc ghi chép, và khi nàng trình bày xong, y đưa những ý kiến bác bỏ, nêu lại vấn đề, mở rộng nó ra, và đến lượt y triển khai không phải đề cương bài báo mà là đề cương một chiến dịch chống lại nội các hiện thời. Cuộc đả kích đó sẽ là bước đầu. Vợ y đã thôi hút thuốc, vì nàng chợt thấy vấn đề thật lý thú, vì nàng nhìn xa trông rộng trong lúc theo dõi tư tưởng của Georges.

Chốc chốc nàng lại lẩm bẩm:

– Đúng… đúng… Tốt lắm… Tuyệt đấy… Cừ thật…

Và khi y trình bày xong, đến lượt nàng nói:

– Bây giờ chúng ta viết thôi!

Nhưng y luôn gặp khó khăn trong phần mở đầu, và y chật vật tìm các từ ngữ. Nàng liền rón rén đến cúi xuống bên vai y thầm thì nhắc từng câu từng câu vào tai y.

Thỉnh thoảng nàng do dự và hỏi:

– Có phải anh định nói thế không?

Y đáp:

– Phải, hoàn toàn đúng như thế.

Nàng dùng những lời chua cay, độc địa của phụ nữ để đả vào vị đứng đầu nội các, và nàng pha trộn những lời chế giễu bộ mặt của ông ta với các lời chế giễu chính sách của ông một cách ngộ nghĩnh làm cho người ta phì cười đồng thời cũng có sức thuyết phục nhờ tài quan sát đúng đắn.

Đôi khi Du Roy thêm thắt một vài dòng để làm cho tính chất đả kích sâu sắc và quyết liệt hơn. Vả lại y thạo ngón hiểu ngầm nham hiểm học được khi mài giũa các tin vặt, nên gặp trường hợp có sự việc nào Madeleine cho là chắc chắn, nhưng y cảm thấy đáng ngờ hoặc tác hại, y lại biết cách nói lấp lửng khiến mọi người đoán ra và tin là có thật còn hơn là chính y khẳng định sự việc đó.

Khi bài báo viết xong, Georges ngâm nga đọc to lên một lượt. Cả hai đều nhất trí đánh giá là tuyệt diệu và ngạc nhiên, say đắm mỉm cười với nhau như thể họ vừa phát hiện ra nhau. Họ nhìn vào tận đáy mắt nhau, nao nao cảm phục và âu yếm, rồi ôm hôn nhau hăm hở với tình yêu đắm đuối lan truyền từ tinh thần sang thể xác của họ.

Du Roy lại cầm lấy đèn:

– Bây giờ đi ngủ thôi, ‐ y nói với ánh mắt long lanh.

Nàng đáp:

– Vậy ông đi trước đi, ông chủ của em, bởi vì ông soi đường cơ mà.

Y đi trước, nàng theo sau về phòng ngủ, và nàng lấy ngón tay cù vào cổ y, khoảng giữa cổ áo và tóc, để thúc cho y đi nhanh hơn, vì y có máu buồn.

Bài báo xuất hiện ký tên Georges Du Roy de Cantel và có tiếng vang lớn. Nó gây xúc động ở Nghị viện. Lão Walter khen ngợi tác giả và giao cho y phụ trách phần biên tập chính trị của tờ Đời sống Pháp. Mục Tin vặt giao về cho Boisrenard.

Lúc đó trong tờ báo bắt đầu có một chiến dịch khôn khéo và mãnh liệt chống lại nội các đang điều khiển các công việc. Sự đả kích, luôn luôn khéo léo và căn cứ vào nhiều sự kiện, khi thì mỉa mai, khi thì nghiêm trang, có lúc bông đùa, có lúc gay gắt, đánh trúng và đánh liên tục khiến ai nấy đều ngạc nhiên. Các báo khác luôn luôn trích dẫn tờ Đời sống Pháp, trích nguyên vẹn từng đoạn, và các nhà cầm quyền bàn bạc xem có cách nào cho Sở Cảnh sát khóa mõm kẻ thù chưa ai biết tiếng và hết sức hăm hở kia không.

Du Roy trở thành nổi tiếng trong các nhóm chính trị. Y cảm thấy ảnh hưởng của mình lớn lên qua những cái siết tay rất chặt và cách ngả mũ chào cung kính của mọi người. Ngoài ra, vợ y làm cho y sững sờ, thán phục về đầu óc khôn khéo, thu thập tin tức tài tình và sự quen biết rộng của nàng.

Khi về nhà, y thường xuyên thấy ở trong phòng khách một thượng nghị sĩ, một nghị sĩ, một quan tòa hay một vị tướng, họ xử sự với Madeleine như với bạn bè cũ, thân mật mà nghiêm trang. Nàng đã quen biết tất cả bọn người ấy ở đâu? “Trong thế gian”, nàng nói. Nhưng làm sao mà nàng lại được họ tin cậy và quyến luyến như thế? Y không tài nào hiểu nổi.

“Cô ta sẽ là một nhà ngoại giao đáng gờm chưa biết chừng”, y nghĩ.

Nàng thường về muộn vào những giờ ăn, thở không ra hơi, đỏ dừ run rẩy, và chưa kịp bỏ mạng che mặt ra đã nói:

– Hôm nay em có chuyện hay lắm nhé. Anh hãy tưởng tượng mà xem lão Bộ trưởng Tư pháp vừa bổ nhiệm hai vị quan tòa là người đã tham gia vào các tiểu ban hỗn hợp. Chúng mình sẽ chỉnh cho lão một trận nhớ đời.

Và họ chỉnh cho ông bộ trưởng một trận, và lại chỉnh cho ông một trận nữa ngày hôm sau và thêm một trận thứ ba ngày hôm sau nữa. Nghị sĩ Laroche‐Mathieu ăn tối ở phố Fontaine vào các ngày thứ Ba, sau Bá tước De Vaudrec ăn tối vào đầu tuần, siết chặt tay cả hai vợ chồng, biểu lộ nỗi vui mừng khôn tả. Ông cứ nhắc đi nhắc lại mãi:

– Chà chà, chiến dịch thật ghê gớm! Nhỡ bọn ta không đạt được kết quả sau vụ này thì sao?

Bởi vì ông hy vọng đạt kết quả chiếm được cái ghế Bộ trưởng Ngoại giao nhắm nhe đã từ lâu.

Đó là một trong số những chính khách “thò lò nhiều mặt”, chẳng có niềm tin nào, chẳng có phương tiện lớn lao nào, chẳng táo bạo và không có những hiểu biết nghiêm chỉnh, một loại trạng sư tỉnh lẻ, danh nhân hàng huyện, giữ thế cân bằng của một tay láu lỉnh giữa tất cả các phe phái cực đoan, một loại Jésuite theo Đảng Cộng hòa, một loại nấm tự do, bản chất không rõ rệt như đã nảy sinh hàng trăm, trên đống phân nổi tiếng của phổ thông đầu phiếu.

Nhờ tài xảo quyệt hàng xã mà ông được xem là cự phách trong số các bạn đồng nghiệp, trong số tất cả những kẻ đui què mẻ sứt được tôn lên ghế nghị sĩ. Ông khá chải chuốt, đủ đứng đắn, đủ thân mật, đủ nhã nhặn để thành công. Ông đã thu được những thắng lợi trong cái giới viên chức cao cấp pha tạp, hỗn độn và chẳng lấy gì làm trong sạch lúc bấy giờ.

Chỗ nào người ta cũng nói về ông: “Laroche sẽ là bộ trưởng?” và cả ông cũng tin chắc hơn tất cả mọi người rằng Laroche sẽ là bộ trưởng.

Ông là một trong những người góp cổ phần chính cho tờ báo của lão Walter, bạn đồng sự và là người hùn vốn với ông trong nhiều vụ kinh doanh.

Du Roy ủng hộ ông với lòng tin cậy và những niềm hy vọng lờ mờ cho sau này. Vả chăng, y chỉ tiếp tục sự nghiệp mà Forestier bắt đầu trước kia, Laroche‐Mathieu đã hứa đến ngày thắng lợi sẽ trao huân chương cho Forestier. Tấm huân chương ấy sẽ được đặt lên ngực ông chồng mới của Madeleine, thế thôi. Tóm lại, có gì thay đổi đâu.

Người ta cảm thấy hết sức rõ rệt là chẳng có gì thay đổi đến nỗi các bạn đồng nghiệp của Du Roy đùa dai y mãi khiến y bắt đầu bực mình.

Mọi người cứ gọi y là Forestier.

Y vừa ló mặt ở tòa báo là đã có người réo:

– Thế nào, Forestier?

Y vờ như không nghe thấy và lục tìm trong hộp thư của mình. Tay đó lại réo to hơn:

– Này, Forestier! ‐ Có vài tiếng cười rúc rích lan ra.

Du Roy đang đi tới văn phòng giám đốc, thì người vừa gọi ngăn y lại.

– Ồ! Xin lỗi, chính là tớ muốn nói với cậu đấy. Ngớ ngẩn thật. Tớ cứ lẫn cậu với anh chàng Charles tội nghiệp. Nguyên do là vì những bài báo của cậu giống như đúc với các bài báo của anh chàng kia. Mọi người đều lầm tuốt!

Du Roy không trả lời, nhưng tức điên lên; và lòng y trỗi dậy một nỗi căm giận đối với người đã khuất.

Khi thấy ai nấy đều ngạc nhiên về phong cách và cảm hứng giống hệt nhau giữa các bài bình luận thời sự của biên tập viên chính trị mới và của biên tập viên cũ, chính lão Walter đã tuyên bố: “Phải, đúng là Forestier, nhưng là Forestier chín chắn hơn, dũng mãnh hơn, rắn rỏi hơn”.

Một lần khác, Du Roy tình cờ mở tủ đựng binbôkê, y thấy các binbôkê của Forestier có dải nhiễu đen quấn ở chỗ tay cầm, còn binbôkê của y, bộ binbôkê y dùng khi tập luyện dưới sự hướng dẫn của Saint‐Potin thì được trang trí một dải lụa hồng. Tất cả đều được xếp trên cùng một ngăn theo thứ tự cao thấp. Và một tấm phiếu, giống như tấm phiếu ở các viện bảo tàng, ghi dòng chữ: “Bộ sưu tập cũ Forestier và Cty, Forestier‐ Du Roy, người kế tục, được cấp bằng S.G.D.G.Những thứ không mòn được, có thể sử dụng trong mọi hoàn cảnh, kể cả lúc đi đường”.

Y bình tĩnh đóng tủ lại, và nói khá to để mọi người nghe thấy:

– Chỗ nào cũng có những đứa ngu xuẩn và lũ đố kỵ.

Nhưng y bị thương tổn đến lòng kiêu hãnh, thương tổn đến thói hư danh, cái thói hư danh và lòng kiêu hãnh hay sợ bóng sợ vía ở người cầm bút khiến cho tay phóng viên hay nhà thơ thiên tài cũng thế, hơi một tí là động lòng.

Cái tiếng “Forestier” làm đau nhói tai y; y sợ nghe thấy nó và nghe thấy thì cảm thấy đỏ dừ cả mặt.

Cái tên ấy đối với y là lời chế giễu cay độc, còn tệ hơn lời chế giễu, gần như là một điều lăng nhục. Hắn bảo y: “Vợ cậu viết cho cậu như cô ta đã viết hộ anh chồng trước. Cậu chẳng là cái thá gì cả nếu không có cô ta”.

Y hoàn toàn công nhận Forestier chẳng là cái thá gì cả nếu không có Madeleine; nhưng còn y, hừ!

Y về đến nhà rồi mà vẫn còn bị ám ảnh mãi. Giờ đây toàn bộ ngôi nhà làm cho y nhớ tới kẻ quá cố, toàn bộ đồ đạc, đồ mỹ nghệ, tất cả những gì y đụng chạm vào. Trong thời gian đầu y có để tâm mấy đến điều này đâu; nhưng trò đùa dai của các bạn đồng nghiệp làm cho tâm hồn y như bị một vết thương nay nhiễm độc vì một lô những chuyện tầm phào trước kia y không để ý.

Y chẳng còn có thể cầm lấy một đồ vật nào mà không lập tức tưởng chừng nhìn thấy bàn tay của Charles đặt lên trên. Y chỉ nhìn và chỉ sử dụng các đồ vật y đã dùng ngày trước, các đồ vật y đã mua sắm, yêu mến, chiếm hữu. Và thậm chí Georges bắt đầu tức tối khi nghĩ tới những mối quan hệ xưa kia của bạn y và của vợ y.

Đôi khi y lấy làm lạ về sự nổi loạn ấy của lòng mình, không sao hiểu được và tự hỏi: “Thế quái nào ấy nhỉ? Mình không ghen tuông với các ông bạn của Madeleine. Mình chẳng bao giờ băn khoăn về việc nàng làm. Nàng muốn về, muốn đi lúc nào tùy ý, thế mà cứ nhớ đến cái tên súc sinh Charles là mình lại muốn phát điên lên!”.

Y thầm nghĩ thêm: “Suy cho cùng đó chỉ là một cái tên đần độn; chắc hẳn ta bực mình là vì thế. Ta tức giận vì Madeleine lại có thể lấy một thằng ngốc đến thế!”.

Và y cứ lặp đi lặp lại hoài: “Sao mà người đàn bà kia có lúc đã vớ phải đồ súc sinh như vậy?”.

Và mối hằn thù của y ngày một tăng lên bởi hàng ngàn chi tiết vô nghĩa đâm vào y như những mũi kim, bởi cứ nhớ mãi nhớ hoài đến Forestier qua mỗi lời nói của Madeleine, mỗi lời nói của tên đầy tớ hay của chị hầu phòng.

Một tối kia, vốn ưa thích của ngọt, Du Roy hỏi:

– Tại sao chúng ta không có những món ăn ngọt tráng miệng? Em chẳng bao giờ dọn món ấy cả.

Thiếu phụ trả lời vui vẻ:

– Đúng thế, em không nghĩ đến. Chẳng là vì Charles chúa ghét của ngọt…

Y ngắt lời vợ bằng một cử chỉ bứt rứt không kiềm chế nổi:

– Hừ! Em nên biết rằng Charles bắt đầu làm cho anh bực mình rồi đấy! Lúc nào cũng Charles thế này, Charles thế nọ; Charles ưa cái này, Charles thích cái kia. Charles đã ngoẻo rồi, hãy để cho anh ta yên!

Madeleine sững sờ nhìn chồng, chẳng hiểu vì sao y lại thình lình nổi giận. Nhưng vốn là người tinh tế nên nàng đoán được phần nào tâm trạng của chồng, bị lòng ghen tuông gặm nhấm dần dần sau khi Forestier đã qua đời, và tất cả những gì nhắc nhở đến anh đều làm cho máu ghen lớn mãi lên trong từng giây từng phút.

Nàng xem chuyện đó là trẻ con, nhưng nàng thấy thu thú và không trả lời gì cả.

Còn y thì bực tức ra mặt. Thế mà tối hôm đó, sau khi ăn xong, hai vợ chồng lại viết một bài báo cho ngày hôm sau, y ngọ nguậy không yên trong cái bao ủ chân. Mãi không lật được cái bao lên, y đá phắt nó đi và cười cười hỏi:

– Thế Charles vẫn luôn luôn lạnh cẳng à?

Nàng cũng cười cười đáp:

– Ồ! Lúc sinh thời anh ấy cứ nơm nớp lo cảm cúm; anh ấy yếu phổi mà.

Du Roy lại tàn nhẫn nói:

– Thì ông ta đã chứng tỏ điều đó đấy thôi. ‐ Rồi y tươi cười nói thêm. ‐ Thật là may mắn cho anh.

Và y hôn tay vợ.

Nhưng lúc đi nằm, vẫn còn bị ám ảnh bởi ý nghĩ ban nãy, y lại hỏi:

– Charles có đội mũ bông trùm đầu để tránh gió lùa vào hai tai không?

Nàng đùa trả lời:

– Không, chỉ có một cái khăn vuông thắt mỏ quạ ở trán.

Georges nhún vai và nói với vẻ khinh khỉnh ta đây:

– Rõ là một anh chàng ngớ ngẩn!

Từ đó Charles trở thành một đề tài trò chuyện liên tục đối với y. Y nói về Charles bất kể lúc nào, và không gọi bằng tên gì khác ngoài “anh chàng Charles tội nghiệp” với vẻ vô cùng thương hại.

Và khi từ tòa báo trở về, nơi đã bị các bạn đồng nghiệp hai, ba lần gọi là Forestier, y trả thù bằng cách hằn học chế giễu người quá cố tận đáy mồ. Y nhắc lại những khuyết tật, những cái lố lăng, nhỏ nhen của anh, thích thú liệt kê chúng ra, khai triển thêm bằng cách khuếch đại lên, như thể y muốn đập tan ảnh hưởng của một kẻ tình địch dễ sợ trong trái tim của vợ mình…

Y nhắc lại:

– Thế nào, Made, em có nhớ cái ngày anh chàng Forestier khờ khạo muốn chứng tỏ cho chúng ta thấy rằng những kẻ to xác thì khỏe hơn những người gầy gò không?

Rồi y muốn biết về một lô những chi tiết riêng tư, thầm kín của người quá cố mà thiếu phụ ngượng ngập không chịu nói ra. Nhưng y khăng khăng cố ép:

– Nào nào, kể cho anh nghe đi. Chắc lúc ấy anh chàng thộn lắm phải không?

Nàng mấp máy môi thì thầm:

– Thôi hãy để cho anh ấy được an nghỉ.

Y lại nói:

– Không, nói đi em! Đúng là cái thằng cha ấy vào giường lóng ngóng lắm chứ gì!

Và lần nào y cũng kết thúc bằng câu: “Rõ là đồ súc sinh!”. Một buổi tối vào cuối tháng Sáu, y đang hút thuốc lá ở cửa sổ thì tiết trời nóng nực làm cho y muốn đi dạo chơi.

Y hỏi:

– Em Made ơi, em muốn đi dạo đến ven Rừng không?

– Muốn, muốn lắm chứ!

Hai vợ chồng liền thuê một chiếc xe ngựa bỏ mui, đến Champs‐Élysées rồi đến đại lộ Rừng Boulogne. Đấy là một đêm lặng gió, một trong những đêm oi bức, không khí hầm hập của Paris tràn vào trong phổi như hơi bếp lò. Xe ngựa nườm nượp như nước chảy nối đuôi nhau cái nọ sau cái kia chở hàng đoàn lũ lượt các cặp tình nhân dưới bóng cây.

Georges và Madeleine mải mê ngắm nhìn các đôi trai gái ôm nhau trong xe, chị mặc áo dài màu sáng, anh thì mặc màu sẫm. Đó là cả một dòng sông nhân tình nhân ngãi mênh mông chảy về phía Rừng dưới bầu trời đầy sao và nóng bỏng. Người ta chẳng nghe thấy tiếng động gì khác ngoài tiếng bánh xe lăn rì rì trên mặt đất. Họ cứ từng đôi, từng đôi một trong mỗi xe đi ngang qua, ngả người trên ghế đệm, chẳng nói năng gì, áp sát bên nhau, đắm chìm trong mộng tưởng yêu đương, run rẩy đợi chờ lát nữa đây sẽ được ôm ghì lấy nhau. Bóng tối oi ả dường như chứa đầy những nụ hôn. Một cảm giác âu yếm vật vờ, thú tính rậm rật làm cho bầu không khí nặng nề thêm, ngột ngạt thêm. Tất cả bọn người kia, từng đôi, từng đôi một, cùng ngây ngất vì một ý nghĩ như nhau, một nỗi khát khao như nhau, khiến cho bầu không khí xung quanh như lên cơn sốt. Tất cả các cỗ xe chất đầy yêu đương, với những âu yếm vuốt ve như bay rập rờn bên trên, hắt ra trên đường đi một thứ hơi thở dâm dục, ngan ngát, khêu gợi.

Georges và Madeleine cảm thấy chính mình cũng bị lây nhiễm thứ tình cảm yêu đương ấy. Hai người từ từ nắm lấy tay nhau, không nói năng gì, hơi bị ngột ngạt vì bầu không khí nặng nề và cảm giác xốn xang đang xâm chiếm cõi lòng.

Khi đi quá các thành lũy đến chỗ rẽ ngoặt, họ ôm hôn nhau, và nàng ấp a ấp úng vì hơi ngượng:

– Chúng mình trẻ con chẳng khác nào như dạo đi Rouen.

Dòng xe cuồn cuộn khi tới lối vào rừng thì chia tách ra. Trên con đường Các Ao Hồ mà hai vợ chồng y đang đi, các xe ngựa chạy cách nhau thưa hơn một chút, nhưng bóng tối dày đặc của cây cối, không khí dễ thở hơn nhờ có lá cây, và hơi ẩm của những lạch nước nghe thấy chảy róc rách bên dưới các cành, một thứ mát mẻ của không gian bát ngát trong đêm tối đầy sao, tất cả đem lại cho những nụ hôn của các cặp trai gái đang lăn bánh một vẻ quyến rũ thấm thía hơn và bóng tối huyền bí hơn.

Georges vừa thì thầm: “Ôi! Em Made yêu quý của anh”, vừa ghì sát nàng vào người y.

Nàng bảo:

– Anh nhớ cánh rừng ở quê anh chứ, sao nó ảm đạm thế nhỉ. Em có cảm tưởng nó lúc nhúc những con vật kinh khủng và chẳng biết tới đâu là tận cùng. Còn như ở đây, thú vị biết bao. Người ta cảm thấy những cái vuốt ve trong gió, và em biết rõ phía bên kia rừng là Sèvres.

Y đáp:

– Trong rừng quê anh, chẳng có gì khác ngoài hươu, cáo, hoẵng, lợn lòi và rải rác đây đó ngôi nhà của nhân viên lâm nghiệp.

Cái tiếng đó, cái tên người quá cố từ miệng y thốt ra làm cho y sửng sốt, như có ai đó hét gọi y từ trong lùm cây xa, và y bỗng im bặt, vì trong lòng lại trỗi dậy cảm giác khó chịu kỳ lạ và dai dẳng, cái bực bội ghen tuông, gặm nhấm, không cưỡng lại được nó làm cho cuộc đời y ít lâu nay trở nên u ám.

Một phút sau, y hỏi:

– Trước kia em có thỉnh thoảng tới đây ban tối như thế này cùng với Charles không?

Nàng đáp:

– Có chứ, đến luôn.

Thế là bất thình lình y bồn chồn, tim như thắt lại, muốn quay ngay về nhà. Nhưng hình ảnh của Forestier đã trở lại tâm trí y, choán lấy y, bóp nghẹt y. Y không thể nghĩ tới cái gì khác ngoài anh, nói về cái gì khác ngoài anh.

Y hỏi dấm dẳn:

– Thế nào, Made?

– Anh bảo sao?

– Em có cắm sừng cho hắn không, cái anh chàng Charles tội nghiệp ấy?

Nàng khinh khỉnh đáp:

– Anh trở nên ngớ ngẩn với điệu đàn nhai đi nhai lại rồi đó!

Nhưng y vẫn không thôi:

– Nào, em Made, em hãy thật thà, hãy thú nhận điều đó đi chứ? Em đã cắm sừng cho hắn phải không? Hãy thú nhận là em đã cắm sừng cho hắn đi!

Nàng không nói gì, bực mình vì mấy tiếng đó như bất cứ phụ nữ nào khác. Y vẫn dai như đỉa:

– Chết tiệt, nếu trên đời thằng cha nào có đầu óc thì chính là hắn. Ồ! Đúng thế! Ồ! Đúng thế! Vì vậy mà anh thích thú muốn biết Forestier có bị cắm sừng không. Chà! Bộ mặt ngớ ngẩn mới đẹp làm sao!

Y cảm thấy nàng mỉm cười có lẽ vì nhớ tới điều gì đó, nên lại ép:

– Nào, em nói đi. Có làm sao đâu! Trái lại, em thú nhận với anh là đã lừa dối hắn, em thú nhận điều đó với anh, thì nhộn lắm.

Thực vậy, anh chàng Charles ghê tởm, cái tên đã ngoẻo bị y ghét cay ghét đắng, y rùng mình hy vọng, mong muốn là hắn đã bị cắm sừng nhục nhã. Thế nhưng… thế nhưng còn một xúc cảm khác, lờ mờ hơn, thôi thúc y muốn biết cho bằng được.

Y nhắc lại:

– Made, em Made của anh, nói đi, anh van em! Anh chàng ấy đáng kiếp lắm! Nếu em đã không làm cho hắn mọc sừng thì dở ơi là dở. Nào, Made, thú nhận đi em.

Lúc này chắc là nàng thấy sự nằn nì đó thú vị quá, vì nàng cười rúc rích.

Y ghé miệng sát bên tai vợ:

– Nào… nào… thú nhận cái đó đi em. Nàng né vội người ra và nói bốp chát:

– Nhưng anh ngớ ngẩn lắm! Ai lại đi trả lời những câu hỏi như vậy?

Nàng nói thế bằng giọng đặc biệt đến nỗi anh chồng rùng mình ớn lạnh khắp cơ thể, và sững sờ, hốt hoảng, hơi thở dồn dập, như vừa bị một cơn chấn động tinh thần.

Chiếc xe ngựa bây giờ đang đi dọc theo hồ, nơi bầu trời hình như đã rắc xuống đầy các vì sao. Một đôi thiên nga lờ mờ bơi rất chậm chạp, hầu như không nhìn thấy được trong bóng tối.

Georges hét bảo người đánh xe: “Ta quay về thôi!”, và chiếc xe quay trở lại, chạy ngược chiều với các xe khác đang đi lững thững với những chiếc đèn to tướng sáng chói như các con mắt trong đêm tối của Rừng.

Nàng nói thế một cách mới lạnh lùng làm sao! Du Roy băn khoăn: “Đấy có phải là một sự thú nhận hay không?”. Và bây giờ y tức điên lên vì hầu như biết được chắc chắn là nàng đã lừa dối người chồng cũ. Y muốn đánh đập nàng, muốn bóp cổ nàng, muốn rứt tóc nàng.

Ôi! Giá như nàng đã trả lời: “Anh yêu của em, nếu phải lừa dối hắn ta, thì chắc là em đã lừa dối hắn với anh”, thì nhất định y đã ôm hôn, ghì chặt, yêu nàng tha thiết!

Y ngồi lặng đi, hai tay khoanh lại, đôi mắt nhìn trời, đầu óc quá rối bời không còn nghĩ gì được nữa. Y chỉ cảm thấy trong lòng dậy lên mối hằn thù và bừng lên niềm giận dữ vẫn ấp ủ trong trái tim của mọi gã đàn ông trước những ham muốn thay đổi bất thường của phụ nữ. Lần đầu tiên y cảm thấy nỗi dằn vặt mơ hồ của anh chồng có điều ngờ vực! Thế là cuối cùng y ghen, ghen hộ người chết, ghen cho Forestier! Ghen một cách kỳ lạ, ghen khổ ghen sở, và bỗng nhiên lồng vào đó là cái căm ghét đối với Madeleine. Vì nàng đã lừa dối người khác, làm sao y có thể tin ở nàng được đây?

Rồi dần dần, đầu óc y như bình tĩnh lại, y cố nén đau đớn và nghĩ: “Đàn bà nào cũng là gái điếm cả, cần sử dụng họ mà đừng cho họ chút gì của ta”.

Nỗi cay đắng trong lòng dâng lên môi y thành những lời khinh bỉ và chán ghét. Song y không để cho chúng tuôn ra. Y nhắc đi nhắc lại mãi: “Thế giới là của những kẻ mạnh. Ta cần phải mạnh. Ta cần phải vượt lên tất cả”.

Chiếc xe phóng nhanh hơn. Nó lại về ngang qua các thành lũy. Du Roy nhìn thấy trước mặt một ánh sáng đo đỏ trên nền trời, giống như ánh lò rèn khổng lồ; và y nghe thấy tiếng ầm ì hỗn độn, bao la, liên tiếp, tạo bởi vô vàn những tiếng động khác nhau, một tiếng ì ầm đùng đục, gần mà xa, cái phập phồng mơ hồ, to lớn của sự sống, cái hổn hển của Paris đang thở trong đêm hè này như một gã khổng lồ mệt mỏi rã rời.

Georges nghĩ: “Mình băn khoăn lo lắng thật là ngớ ngẩn. Ai lo phận nấy. Thắng lợi thuộc về những ai táo bạo. Tất cả chỉ đều là ích kỷ. Ích kỷ vì tham vọng và tiền tài thì hơn là ích kỷ vì phụ nữ và tình yêu”.

Khải hoàn môn Ngôi Sao hiện ra, đứng sừng sững ở lối vào thành phố trên đôi chân quái dị, chẳng khác nào gã khổng lồ kỳ hình dị tướng đang chuẩn bị cất bước để đi xuôi xuống đại lộ rộng rãi mở ra trước mặt gã.

Georges và Madeleine lại hòa vào trong dòng xe cộ đang đưa những cặp trai gái muôn thuở lặng lẽ ôm nhau trở về nhà, về cái giường xiết bao thèm muốn. Hình như toàn nhân loại đang lướt đi bên cạnh họ, ai cũng ngây ngất vì vui mừng, thích thú và hạnh phúc.

Thiếu phụ linh cảm thấy phần nào những gì diễn ra trong tâm tư chồng nên dịu dàng hỏi:

– Anh nghĩ cái gì thế, hả anh? Đã nửa tiếng đồng hồ anh chẳng nói một lời nào cả.

Y cười khẩy đáp:

– Anh nghĩ đến tất cả lũ ngốc nghếch đang ôm hôn nhau kia và nghĩ bụng là thực ra trong cuộc sống người ta còn có cái khác để làm.

Nàng nói:

– Đúng thế… nhưng đôi khi cũng tốt đấy chứ.

– Tốt đấy… tốt đấy… khi người ta chẳng có được cái gì tốt hơn!

Georges vẫn nghĩ miên man, lột bỏ lớp quần áo thơ mộng của cuộc đời với vẻ hầm hầm độc ác: “Ta thật là ngớ ngẩn nếu cứ tự kiềm chế, chịu thiếu thốn đủ mọi điều, bối rối, dằn vặt, băn khoăn như ít lâu nay”. Hình ảnh Forestier đi ngang qua tâm trí y mà không hề gây ra nỗi bực tức nào. Y có cảm tưởng hai người vừa giải hòa với nhau và lại trở thành bạn của nhau. Y muốn hét lên: “Chào cậu!”.

Madeleine khó chịu về sự yên lặng đó nên hỏi:

– Trước khi về nhà, chúng ta vào hiệu Tortoni làm cốc kem đi.

Y liếc nhìn vợ. Khuôn mặt trông nghiêng với mái tóc vàng hung của nàng hiện ra dưới ánh sáng chói lọi của một dãy đèn khí đốt trước cửa một tiệm cà phê có ca hát.

Y nghĩ: “Nàng xinh đẹp thật. Hừ! Càng hay. Vỏ quýt dày có móng tay nhọn, cô em ơi. Nhưng tôi mà còn day dứt vì cô em thì lúc đó trời sẽ nắng toát mồ hôi ở trên Bắc Cực”. Rồi y đáp:

– Nhất định rồi, em yêu quý!

Và để vợ khỏi đoán ra điều gì, y ôm hôn nàng.

Thiếu phụ cảm thấy đôi môi chồng giá lạnh như băng.

Song y vẫn mỉm cười với nụ cười thường lệ và giơ tay đỡ nàng xuống xe trước các bậc thềm của tiệm cà phê.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3