Ông Bạn Đẹp - Chương 08

8

* * *

Cuộc đấu súng đã làm cho Duroy chuyển sang hàng ngũ những nhà bình luận thời sự hàng đầu của tờ Đời sống Pháp; nhưng vì việc tìm được ý tưởng đối với y là chuyện khó khăn vô cùng, nên y chỉ chuyên tán dông dài về tình trạng phong hóa suy đồi, nhân cách giảm sút, lòng yêu nước bị xói mòn và danh dự nước Pháp bị mắc chứng bệnh thiếu máu (Y đã tìm ra từ “chứng bệnh thiếu máu” và rất lấy làm tự đắc).

Nàng De Marelle vốn là người có tính cách nhạo báng, hoài nghi và táo tợn mà người ta gọi là tính cách Paris, khi nàng chế giễu, châm chọc những bài báo lải nhải của y, y mỉm cười trả lời:

– Úi chà! Cái đó sau này sẽ làm cho anh rạng danh đấy!

Bây giờ y ở phố Constantinople, đồ đạc dọn đến chỉ có chiếc rương đựng quần áo, chiếc bàn chải, xà phòng và dao cạo râu. Mỗi tuần hai, ba lần, người thiếu phụ đến trước khi y ngủ dậy, cởi xong quần áo trong một phút đồng hồ và luồn vào trong chăn, người vẫn còn run lập cập vì cái lạnh ngoài trời.

Duroy, ngược lại, thứ Năm nào cũng đến ăn tối với gia đình nàng và nói chuyện trồng trọt để tán tỉnh ông chồng; và vì chính y cũng thích những chuyện tưới bón, nên đôi khi cả hai chuyện trò say sưa đến nỗi quên đứt mất người phụ nữ đang ngủ gà ngủ gật ở tràng kỷ.

Laurine cũng ngủ, khi thì trong lòng bố, khi thì trong lòng Ông Bạn Đẹp.

Và khi chàng nhà báo ra về, ông De Marelle bao giờ cũng tuyên bố bằng cái giọng đạo mạo như khi ông nói bất cứ chuyện gì: “Anh chàng dễ thương quá! Một con người hiểu rộng biết nhiều”.

Đã gần hết tháng Hai. Bắt đầu thấy phảng phất mùi hoa tím trong các phố phường khi sáng sáng đi ngang qua những chiếc xe kéo của các cô hàng hoa.

Duroy sống trong bầu trời không gợn bóng mây của y. Thế rồi, một đêm kia, khi về nhà y thấy một lá thư luồn qua khe cửa. Y nhìn con tem và thấy chữ “Cannes”. Mở thư ra, y đọc:

“Anh bạn thân mến, anh đã bảo tôi là có thể trông cậy ở anh trong bất cứ chuyện gì, có phải thế không? Thì đây tôi phải nhờ anh giúp cho một việc hết sức gay go, đó là tới đỡ đần tôi, không để cho tôi cô độc một thân vào những giờ phút cuối cùng của anh Charles, anh ấy sắp qua đời. Có lẽ anh ấy không sống được hết tuần này, mặc dù vẫn còn ngồi dậy được, nhưng thầy thuốc đã báo trước cho tôi biết.

“Tôi không còn đủ sức lực và can đảm nữa để ngày đêm nhìn cái cảnh hấp hối này. Và tôi thấy khiếp đảm khi nghĩ tới những giây phút lâm chung đang đến gần. Một việc như thế tôi chỉ có thể nhờ anh mà thôi, vì chồng tôi không còn họ hàng xa gần gì cả. Anh là chỗ bạn bè của anh ấy; anh ấy đã đưa anh vào làm ở tòa báo. Anh đến nhé, tôi van nài anh đấy. Tôi chẳng biết kêu gọi ai nữa.

“Anh cứ tin rằng tôi là người bạn hết lòng vì anh”.

“MADELEINE FORESTIER”

Một cảm giác đặc biệt như làn gió nhẹ thổi vào trong lòng Georges, một cảm giác lâng lâng như không gian rộng mở ra trước mặt y, và y lẩm bẩm: “Nhất định ta sẽ đi. Khổ thân Charles! Đời con người ta ai cũng thế thôi!”.

Y thông báo lá thư của người thiếu phụ cho lão chủ báo biết, và lão làu bàu cho phép y ra đi. Lão nhắc đi nhắc lại:

– Nhưng anh mau mau mà về nhé, chúng tôi rất cần có anh. Ngày hôm sau, Georges Duroy đi Cannes trên chuyến tàu nhanh lúc bảy giờ, sau khi đã gửi điện báo cho vợ chồng De Marelle biết.

Y tới nơi vào khoảng bốn giờ chiều hôm sau.

Một người làm thuê dẫn đường cho y tới biệt thự Nên Thơ, xây ở lưng chừng dốc, trong khu rừng thông có nhiều ngôi nhà màu trắng, chạy dài từ mũi Cannes đến vịnh Juan.

Ngôi nhà vừa bé vừa thấp, xây theo kiểu Italia, nằm ở rìa một con đường chạy ngoằn nghèo đi lên giữa các cây thông, ở mỗi khúc ngoặt lại mở ra những quang cảnh kỳ thú.

Người đầy tớ ra mở cửa và kêu lên:

– Ồ! Thưa ông, bà chủ đang đợi ông đến sốt lòng sốt ruột. Duroy hỏi:

– Ông chủ sức khỏe thế nào?

– Ồ! Thưa ông, yếu lắm. Chẳng kéo dài được lâu nữa đâu. Chàng thanh niên bước vào căn phòng khách căng vải nền hồng hoa xám. Cửa sổ cao và rộng trông xuống thành phố và xuống biển.

Duroy lẩm bẩm: “Mẹ kiếp, nhà nghỉ vùng nông thôn mà thế này thì lịch sự quá! Chẳng biết họ lấy quái quỷ ở đâu ra mà lắm tiền thế?”.

Có tiếng áo dài sột soạt làm y quay đầu lại. Nàng Forestier giơ cả hai bàn tay ra cho y:

– Anh tử tế quá, anh thật là tử tế đã tới đây!

Và bất thình lình nàng ôm chầm lấy y. Rồi hai người nhìn nhau.

Nàng hơi xanh, hơi gầy đi, nhưng vẫn tươi tắn, và có lẽ còn xinh đẹp hơn với vẻ tế nhị hơn của nàng. Nàng thì thầm:

– Khủng khiếp quá, anh thấy không, nhà tôi biết mình không sống được nên hành hạ tôi tàn bạo. Tôi đã báo cho nhà tôi biết là anh đến. Mà hành lý của anh đâu?

Duroy đáp:

– Tôi để ở ga, vì không biết chị khuyên tôi nên ở tại khách sạn nào để được gần chị.

Nàng do dự rồi nói:

– Anh sẽ đến ở trong biệt thự này. Vả chăng phòng của anh đã sẵn sàng đâu vào đấy. Nhà tôi có thể chết bất cứ lúc nào, và nếu chết vào ban đêm thì tôi sẽ cô đơn. Để tôi cho người đi lấy hành lý của anh về.

Y gật đầu:

– Tùy chị.

– Bây giờ chúng ta lên gác, ‐ nàng nói.

Y đi theo nàng. Nàng mở cái cửa ở trên gác một và Duroy thấy một người trông như cái thây ma đang ngồi bên cửa sổ, trên chiếc ghế bành và quấn trong đống chăn, da tái mét dưới ánh mặt trời lặn đỏ rực, và người đó nhìn y. Y hầu như không nhận ra ai nữa; và đoán phỏng đấy là bạn mình.

Trong phòng xông lên mùi hâm hấp, mùi thuốc sắc, mùi ête, mùi nhựa đường, cái mùi khó tả và nồng nặc của những căn nhà có người mắc bệnh ho lao.

Forestier nhấc bàn tay lên một cách mệt nhọc và chậm chạp.

– Cậu đấy, ‐ anh nói, ‐ cậu đến nhìn tôi chết. Tôi cám ơn cậu.

Duroy cố gượng cười:

– Nhìn cậu chết ư? Cảnh ấy thì có hay ho gì, và chẳng khi nào tôi lại chọn cái dịp này để tới thăm Cannes. Tôi đến để chào cậu và nghỉ ngơi ít ngày.

Forestier nói:

– Mời cậu ngồi, ‐ và anh gục đầu xuống như đắm chìm trong suy tư tuyệt vọng.

Anh thở một cách gấp gáp, đứt hơi, và đôi khi có vẻ rên lên hừ hừ như muốn nhắc cho mọi người biết anh ốm yếu lắm.

Thấy chồng chẳng nói năng gì nữa, nàng Forestier đến tựa bên cửa sổ, hất đầu chỉ phía chân trời và nói:

– Anh trông kìa! Đẹp không?

Trước mặt hai người là triền dốc rải rác những biệt thự và thoai thoải xuống tận thành phố nằm theo hình bán nguyệt dọc bãi biển, đầu ở bên phải, về phía con đê chắn sóng, nơi thành phố cổ với các gác chuông cũ kỹ vươn lên cao bao quát cả vùng, và chân ở bên trái, tại mũi Croisette, trông sang các đảo Lérins. Những hòn đảo ấy giống như hai vệt màu xanh lá cây trong làn nước xanh biếc. Từ trên cao nhìn xuống, chúng có vẻ phẳng phiu, chẳng khác nào hai cái lá rất lớn nổi bập bềnh.

Và xa xa, khép lại chân trời ở bên kia bờ vịnh, phía trên con đê chắn sóng và cái gác chuông là một dãy núi dài màu xanh nhạt, những đỉnh núi khi thì tròn, khi thì khoằm, khi thì nhọn vẽ lên nền trời rực rỡ một nét kỳ diệu, lý thú, và tận cùng là một quả núi lớn hình kim tự tháp dầm chân xuống biển khơi.

Nàng Forestier trỏ quả núi:

– Núi Esterel đấy!

Phía sau các đỉnh núi sẫm là không gian đỏ rực, một màu đỏ như máu và nhuốm vàng chói hoa cả mắt.

Duroy mặc dù không muốn cũng phải ngây ngất trước vẻ huy hoàng lúc ngày tàn ấy.

Y không tìm được từ nào khá gợi hình để diễn tả sự kinh ngạc của mình, nên nói:

– Ồ! Tuyệt quá đi thôi!

Forestier ngẩng đầu nhìn vợ bảo:

– Bà cho tôi một chút không khí!

Nàng đáp:

– Coi chừng, muộn rồi, mặt trời đang lặn, anh sẽ bị lạnh thêm, và trong tình trạng sức khỏe của anh, anh biết rằng điều đó chẳng có lợi gì đâu.

Anh hất bàn tay phải một cách bực dọc, yếu ớt như muốn đánh, muốn đấm và nhăn mặt giận dữ làu bàu, cái nhăn mặt của kẻ gần đất xa trời, phô ra đôi môi mỏng dính, đôi má hóp, và tất cả xương to xương nhỏ gồ lên:

– Bà biết cho là tôi ngột thở lắm! Tôi chết sớm hay muộn một ngày thì có can hệ gì đến bà đâu, vì đằng nào tôi cũng chết…

Nàng mở toang cửa sổ ra.

Không khí tràn vào đột nhiên như ve vuốt cả ba người.

Đấy là một làn gió hiu hiu, ấm áp, dịu dàng, làn gió xuân đượm mùi hương của các cây non và những bông hoa thơm ngát mọc ở sườn dốc kia. Người ta phân biệt được vị nồng của nhựa thông và mùi hăng hắc của bạch đàn.

Forestier tợp một hơi ngắn và nôn nao trước làn không khí ấy. Anh bíu chặt mười đầu ngón tay vào hai tay ghế bành và nói bằng một giọng thều thào, tức tối, không ra hơi:

– Bà đóng cửa sổ lại đi! Tôi không sao chịu được. Tôi chết trong một căn hầm còn hơn.

Vợ anh chậm chạp đóng cửa sổ lại, rồi tì trán vào kính, nhìn ra xa.

Duroy ngượng nghịu, muốn trò chuyện với người ốm, muốn làm cho anh yên lòng.

Nhưng y chẳng biết nói gì cho thích hợp để an ủi anh cả.

Y ấp úng:

– Thế cậu không thấy khá hơn từ ngày ra ở đây ư?

Bạn y nhún vai tỏ vẻ bứt rứt khó chịu:

– Cậu trông thì biết.

Và anh lại gục đầu xuống.

Duroy nói tiếp:

– Chà, so với Paris thì ở đây tốt quá đi rồi. Nơi ấy bây giờ còn đang giữa mùa đông. Tuyết rơi, mưa gió, trời tối tăm, mới ba giờ chiều đã phải đốt đèn.

Forestier hỏi:

– Chẳng có gì mới ở tòa báo ư?

– Chẳng có gì mới. Người ta nhận cậu chàng Lacrin ở báo Voltaire sang để thay thế cho cậu; nhưng cậu ta còn non lắm. Đã đến lúc cậu phải trở về thôi!

Người bệnh lẩm bẩm:

– Tôi ấy à? Giờ thì tôi sẽ xuống viết bình luận thời sự dưới ba thước đất.

Ý nghĩ bất di bất dịch ấy như tiếng chuông điểm vào bất cứ chuyện gì, nó trở đi trở lại hoài trong từng suy tư, từng câu nói.

Rồi mọi người im lặng rất lâu, cái im lặng đau đớn và sâu xa. Vẻ gay gắt của cảnh mặt trời lặn dịu dần; các dãy núi chuyển sang màu đen trên nền trời đỏ đang sẫm lại. Bóng tối chạng vạng lúc màn đêm vừa buông xuống còn vương ánh hồng tràn vào trong phòng, như nhuộm các đồ vật, các bức tường, các màn trướng, các xó xỉnh bằng sắc màu pha lẫn vừa đen vừa đỏ tía. Chiếc gương trên lò sưởi soi bóng chân trời, trông giống như một vũng máu.

Nàng Forestier vẫn đứng yên không động đậy, lưng quay vào trong phòng, mặt tì vào cửa kính.

Và Forestier nói bằng giọng đứt khúc, hổn hển, nghe nát ruột nát gan:

– Tôi sẽ còn được trông thấy mặt trời lặn bao nhiêu lần nữa!… Tám… mười… mười lăm hai hay mươi… Có thể là ba mươi, không hơn… Các người có thì giờ… còn tôi, thế là hết…

Và sau khi tôi không còn nữa, mọi sự vẫn như cũ…

Anh lặng đi vài phút rồi lại nói:

– Tất cả những gì tôi nhìn thấy nhắc nhở cho tôi biết rằng vài ngày sau đây tôi sẽ không nhìn thấy nữa… Khủng khiếp quá!… Tôi sẽ không nhìn thấy gì nữa… không nhìn thấy gì nữa những cái hiện đang tồn tại… các đồ vật bé nhỏ nhất mà ta sử dụng… những cái cốc… cái đĩa… những cái giường nơi ta nằm nghỉ thoải mái biết bao… những cỗ xe… Thật là thú vị được tối tối ngồi xe rong chơi… Sao mà tôi ưa thích tất cả những thứ đó đến thế!

Cả mười ngón tay của anh táy máy bồn chồn chẳng khác nào chơi đàn dương cầm trên hai tay ghế. Và mỗi lúc anh lặng im còn đau buồn hơn những điều anh nói ra, vì người ta cảm thấy chắc hẳn anh đang nghĩ tới những gì kinh khủng.

Và Duroy bỗng nhớ đến lời Norbert de Varenne nói với y trước đây vài tuần lễ: “Tôi, bây giờ, tôi nhìn thấy thần chết gần đến nỗi thường khi muốn với tay ra để đẩy nó đi… Tôi phát hiện ra cái chết khắp nơi nơi. Những con vật nhỏ bé bị xéo nát trên đường, những chiếc lá rụng, một sợi bạc trong chòm râu của ông bạn khiến cho lòng tôi đau quặn và thét bảo tôi: Nó đấy!”.

Ngày ấy y không hiểu; bây giờ y đã hiểu khi nhìn Forestier. Và một mối kinh hoàng ghê tởm, chưa hề biết, tràn vào lòng y, dường như y cảm thấy cái chết gớm ghiếc rất gần, ở ngay tầm tay, trên chiếc ghế bành nơi người đàn ông kia đang thở dốc. Y muốn đứng dậy, muốn bỏ đi, muốn chạy trốn, muốn quay về Paris ngay tức khắc! Ôi! Nếu biết trước, y đã chẳng tới đây.

Bóng đêm lúc này lan tỏa trong phòng như một màn tang đến sớm, ập xuống con người sắp chết kia. Chỉ có cái cửa sổ là còn nhìn rõ, in hình người thiếu phụ bất động trong cái khung vuông sang sáng.

Và Forestier bực tức hỏi:

– Ơ kìa! Hôm nay không ai mang đèn đến ư? Thế mà gọi là chăm sóc người bệnh đấy!

Bóng của cái cơ thể in trên các ô cửa kính biến đi, và trong ngôi nhà vang lên tiếng chuông điện.

Ngay sau đó một người đầy tớ bước vào đặt cây đèn trên lò sưởi. Nàng Forestier bảo chồng:

– Anh muốn đi ngủ hay xuống nhà ăn tối? Anh cằn nhằn:

– Tôi xuống nhà.

Và trong lúc chờ bữa ăn, cả ba người còn ngồi lặng im trong gần một tiếng đồng hồ nữa, chỉ thỉnh thoảng mới thốt lên một lời, một lời nào đó, vô tích sự, tầm phào, dường như sẽ có nguy cơ, một mối nguy cơ bí hiểm, nếu để cho cái im lặng kia kéo dài quá lâu, nếu để cho bầu không khí thầm lặng của căn buồng này, căn buồng nơi cái chết đang lảng vảng này bị tù hãm.

Cuối cùng giờ ăn đã đến. Bữa ăn tối đối với Duroy sao mà dài vô tận. Chẳng ai nói năng gì, lầm lì ngồi ăn rồi bóp vụn bánh bằng đầu ngón tay. Và gã đầy tớ hầu bàn đi đi lại lại mà chẳng ai nghe thấy tiếng bàn chân đi đất, vì y có đôi giày cà tàng nhưng tiếng lẹp kẹp làm cho Charles không sao chịu nổi. Chỉ có tiếng tích tắc khô khan của chiếc đồng hồ bằng gỗ với động tác máy móc và đều đều của nó là khuấy động cái không gian yên tĩnh giữa bốn bức tường.

Mọi người vừa ăn xong, Duroy lấy cớ mệt mỏi lui về phòng riêng và đứng tựa cửa sổ nhìn vầng trăng tròn vành vạnh ở giữa bầu trời, như chiếc bóng đèn khổng lồ, rọi ánh sáng khô khan, mờ mờ lên những bức tường trắng của các biệt thự và gieo rắc xuống mặt biển vô vàn ánh sáng di động, dìu dịu trông như vảy đồi mồi. Và y tìm một lý do để bỏ đi cho nhanh, bịa ra các mưu mẹo, các bức điện mà y sắp nhận được, lão Walter gọi y về.

Nhưng hôm sau, khi ngủ dậy, mọi ý định bỏ trốn của y xem ra khó thực hiện hơn. Nàng Forestier chắc không để bị y lừa bịp, và rất có thể vì hèn nhát mà y sẽ để mất mọi cái lợi của lòng tận tụy. Y nghĩ bụng: “Chà, thật là rầy rà; thôi, mặc kệ, trong đời có những lúc rủi ro, nhưng chắc là chẳng kéo dài đâu”.

Trời xanh biếc, cái xanh biếc của miền Nam khiến cho lòng tràn ngập hân hoan; và Duroy xuống đến tận biển, vì nghĩ rằng nếu gặp Forestier lúc này thì còn sớm quá.

Khi y về ăn trưa, gã đầy tớ thưa:

– Ông chủ đã hỏi đến ông hai, ba lần. Xin ông vui lòng lên phòng ông chủ.

Y lên gác. Forestier có vẻ như đang ngủ trong chiếc ghế bành. Vợ anh nằm dài đọc sách trên tràng kỷ.

Người bệnh nhỏm đầu lên. Duroy hỏi:

– Cậu thấy trong người thế nào? Tớ thấy sáng nay cậu có vẻ tươi tỉnh.

Forestier đáp khe khẽ:

– Ừ, có khá hơn, tôi thấy trong người tỉnh táo. Cậu với Madeleine ăn mau mau lên, bởi vì chúng ta sắp đi rong xe một vòng.

Khi chỉ còn lại một mình với Duroy, thiếu phụ bảo y:

– Đấy! Hôm nay nhà tôi tưởng thế là thoát. Từ sáng anh ấy đề ra bao nhiêu dự định. Lát nữa chúng tôi sẽ đến vịnh Juan mua đồ sứ để mang về Paris dùng. Anh ấy cứ nhất định đòi đi ra ngoài cho bằng được, nhưng tôi lo xảy ra sự cố vô cùng. Anh ấy sẽ không thể chịu đựng được xe xóc dọc đường.

Khi chiếc xe ngựa bốn bánh tới nơi, Forestier được đầy tớ xóc nách dò dẫm xuống thang gác từng bậc một. Nhưng vừa nhìn thấy xe là anh muốn người ta hạ mui xuống.

Vợ anh không nghe:

– Anh sẽ bị cảm lạnh đấy! Điên à?

Anh một mực khăng khăng:

– Không, anh sẽ tỉnh táo hơn nhiều. Anh cảm thấy thế mà!

Mới đầu xe đi trong những con đường rợp bóng mát luôn luôn len lỏi giữa hai khu vườn và khiến cho Cannes có dáng dấp như một công viên theo kiểu Anh, rồi xe ra con đường cái đi Antibes, dọc bờ biển.

Forestier giới thiệu vùng này. Trước hết anh trỏ tòa biệt thự của Bá tước De Paris. Rồi anh kể tên nhiều biệt thự khác. Anh vui vẻ, cái vui cố tình, giả tạo và yếu ớt của kẻ biết mình không sống nổi. Anh giơ ngón tay lên vì không đủ sức dang cả cánh tay:

– Này, kia là đảo Sainte‐Marguerite và tòa lâu đài nơi Bazaine vượt ngục. Người ta giao cho bọn mình canh giữ với cái vụ ấy đấy.

Rồi anh nhớ đến những kỷ niệm ở trung đoàn; anh nhắc tên nhiều sĩ quan và từ đó nhớ lại bao nhiêu chuyện. Nhưng bỗng con đường rẽ ngoặt và trước mắt mọi người bày ra toàn cảnh vịnh Juan với xóm làng màu trắng ở tận cuối và đầu kia là mỏm Antibes.

Forestier bỗng vui như trẻ thơ, ấp a ấp úng:

– A hạm đội, ta sắp được nhìn thấy hạm đội!

Thực vậy, ở giữa cái vịnh rộng bát ngát, người ta nhìn thấy khoảng nửa tá chiến hạm lớn trông giống các núi đá có phủ cành cây bên trên. Chúng kỳ quái dị dạng, kềnh càng với các cục bướu, các tháp canh, các chân vịt chìm sâu dưới nước như muốn vươn xuống mọc rễ tận đáy biển.

Không hiểu sao chúng lại có thể di chuyển, cựa quậy, vì chúng có vẻ hết sức nặng nề và bám chặt vào đáy. Một ụ pháo nổi, tròn cao, có hình dạng đài quan sát, trông giống như những cây đèn biển người ta xây trên các bãi đá ngầm.

Một con tàu lớn ba cột buồm đi ngang qua họ để ra khơi, giương hết lên những cánh buồm trắng hân hoan. Trông nó duyên dáng và xinh đẹp bên cạnh những con quái vật chiến tranh, những con quái vật bằng sắt, những con quái vật xấu xí ngồi chồm hỗm trên mặt nước.

Forestier cố nhận ra chúng. Anh đọc tên:

– Tàu “Colbert”, tàu “Suffren”, tàu “Đô đốc Duperré”, tàu “Đáng gờm”, tàu “Tàn phá”.

Rồi anh chữa lại:

– Không, tôi nhầm, con tàu kia mới là tàu “Tàn phá”.

Họ đến trước một gian hàng có biển đề: “Đồ sứ mỹ nghệ của vịnh Juan”, và chiếc xe đi vòng quanh thảm cỏ rồi dừng lại trước cửa.

Forestier muốn mua hai cái bình để bày trên tủ sách. Vì anh không xuống được xe, nên người ta lần lượt đem các mẫu hàng ra. Anh chọn rất lâu, hỏi ý kiến vợ và Duroy:

– Cậu biết đấy, đây là để bày trên cái tủ tận cuối phòng làm việc. Từ chỗ ghế ngồi, tôi luôn luôn nhìn thấy nó trước mặt. Tôi muốn một kiểu bình cổ, một kiểu bình Hy Lạp.

Anh ngắm nghía các mẫu hàng, bảo đem thêm các mẫu khác ra, rồi lại cầm lấy những mẫu đầu tiên. Cuối cùng anh quyết định; và trả tiền xong, anh yêu cầu phải gửi hàng đi ngay lập tức.

– Vài ngày nữa tôi trở về Paris, ‐ anh bảo.

Họ quay trở về, nhưng khi đi dọc theo vịnh, một luồng gió lạnh lách qua nếp uốn của thung lũng bất thần thốc vào họ và người bệnh lên cơn ho.

Mới đầu cũng chẳng sao vì chỉ là một cơn ho nhẹ; nhưng sau cứ tăng mãi lên trở thành ho rũ rượi mãi không dứt, rồi thành nấc, thành rên hừ hừ.

Forestier nghẹt mũi và mỗi lần muốn thở, cơn ho xé họng lại từ đáy phổi kéo lên. Chẳng có cách gì làm cho dịu, cho nguôi đi được. Đành phải khiêng anh từ xe vào phòng, và Duroy khiêng chân, cảm thấy hai bàn chân anh co giật mỗi khi hai lá phổi thắt lại.

Chiếc giường ấm áp cũng không giúp anh dứt được cơn ho kéo dài cho tới nửa đêm; rồi nhờ có thuốc ngủ mà những trận ho co thắt ruột gan cũng phải thôi. Và người bệnh ngồi trên giường cho đến sáng, mắt mở trừng trừng.

Những lời đầu tiên anh thốt lên là để gọi bác thợ cạo, vì sáng nào anh cũng phải cạo mặt. Anh trở dậy để làm công việc rửa mặt cạo râu đó; nhưng lại phải đặt anh nằm xuống ngay vì anh bắt đầu thở dốc, thở gấp gáp, mệt nhọc đến nỗi nàng Forestier đâm hoảng, cho đánh thức Duroy dậy, tuy y mới đi nằm, để nhờ y đi tìm thầy thuốc.

Y mời được bác sĩ Gavaut đến gần như ngay lập tức, bác sĩ cho Forestier uống thuốc nước và khuyên mấy điều; nhưng khi chàng nhà báo tiễn ông về để hỏi ý kiến, thì bác sĩ bảo:

– Đang hấp hối đấy! Ông ấy sẽ chết vào sáng mai. Hãy báo cho người thiếu phụ tội nghiệp biết và cho đi mời một vị linh mục. Tôi chẳng còn việc gì phải làm nữa. Tuy nhiên tôi vẫn xin hết lòng nếu có việc gì cần đến.

Duroy cho mời nàng Forestier:

– Anh ấy sắp qua đời. Bác sĩ khuyên là nên cho đi mời một vị linh mục. Chị muốn làm gì?

Nàng do dự rất lâu rồi nói một cách chậm chạp sau khi đã tính toán hết mọi nhẽ:

– Phải, như thế là hơn… xét về nhiều mặt… Tôi sẽ chuẩn bị tư tưởng cho nhà tôi, bảo với nhà tôi là linh mục muốn đến thăm… Tóm lại, tôi chẳng biết làm sao nữa. Anh, anh làm ơn đi kiếm cho một vị, một vị linh mục, và lựa chọn hộ tôi. Anh kiếm một vị nào đừng nhõng nhẽo chúng tôi quá. Hãy gắng làm sao để vị ấy bằng lòng với việc xưng tội và miễn cho những khoản khác.

Chàng thanh niên dẫn về một giáo sĩ già dễ tính ưng thuận với điều kiện ấy. Khi giáo sĩ vừa vào trong phòng người hấp hối, nàng Forestier liền đi ra và ngồi cùng Duroy ở phòng bên cạnh…

– Việc này làm cho nhà tôi bàng hoàng, ‐ nàng nói. ‐ Khi tôi nhắc đến một vị linh mục, mặt anh ấy lộ vẻ khủng khiếp như… như thể anh ấy cảm… cảm thấy… một hơi thở… anh biết không… Anh ấy hiểu rằng rút cục thế là hết và cần phải đếm từng giờ.

Nàng tái xanh tái xám. Nàng nói tiếp:

– Tôi sẽ chẳng bao giờ quên vẻ mặt của nhà tôi. Chắc chắn lúc đó anh ấy đã nhìn thấy cái chết. Anh ấy đã nhìn thấy nó…

Hai người nghe thấy vị linh mục nói khá to vì ông hơi nghễnh ngãng:

– Không, không, ông không đến nỗi như vậy đâu. Ông ốm nhưng chẳng có gì nguy hiểm cả. Chứng cớ là tôi đến thăm với tư cách là bạn, với tư cách hàng xóm láng giềng.

Họ không nghe rõ Forestier trả lời thế nào. Ông già lại nói:

– Không, tôi không làm lễ ban thánh thể cho ông. Chúng ta sẽ trò chuyện với nhau về vấn đề đó khi nào ông khỏe hẳn. Nhưng nếu ông muốn tranh thủ dịp tôi đến thăm để xưng tội thì còn gì bằng. Tôi đây là một người chăn chiên, tôi nắm lấy mọi cơ hội để dẫn các con chiên của tôi trở về.

Tiếp theo là một sự im lặng dài. Chắc là Forestier nói hổn hển và không ra hơi.

Rồi bỗng vị linh mục nói bằng một giọng khác hẳn, giọng làm lễ trước ban thờ:

– Thượng đế nhân từ vô cùng vô tận, con hãy đọc kinh Confiteor đi. Có lẽ con quên rồi, để cha nhắc. Hãy lặp lại theo cha: “Confiteor Deo omnipotenti…, Beatoe Mariae semper virgini…”.

Thỉnh thoảng cha dừng lại để cho kẻ hấp hối theo kịp. Rồi cha phán:

– Bây giờ con xưng tội đi…

Thiếu phụ và Duroy không động đậy nữa, vì cả hai đều bối rối một cách đặc biệt, xúc động vì lo lắng chờ đợi.

Người ốm thì thầm vài lời gì đó. Vị linh mục nhắc lại:

– Con đã có những thỏa mãn tội lỗi… về loại nào thế con? Thiếu phụ đứng dậy và nói thành thực:

– Chúng ta xuống dưới vườn một chút. Không nên nghe những điều bí mật của anh ấy.

Và hai người đến ngồi trên một chiếc ghế dài ở trước cửa, dưới cây hồng nở hoa và phía sau một bồn cẩm chướng tỏa hương thơm ngào ngạt, dịu ngọt vào không khí trong lành.

Sau vài phút im lặng, Duroy hỏi:

– Còn lâu chị mới trở về Paris phải không?

Nàng đáp:

– Ồ! Không. Mọi việc xong xuôi là tôi trở về ngay.

– Sau khoảng độ mươi ngày?

– Phải, là nhiều nhất. Y lại hỏi:

– Anh ấy chẳng có ai là thân thích ư?

– Chẳng có ai, trừ anh em họ. Cha mẹ nhà tôi đã qua đời từ khi anh ấy còn nhỏ.

Cả hai người nhìn một con bướm đang vỗ cánh mau lẹ chập chờn tìm hút nhụy hoa cẩm chướng từ bông này sang bông khác, và khi đậu xuống hoa rồi, cánh nó vẫn còn tiếp tục vỗ khoan thai. Và cả hai ngồi lặng lẽ rất lâu.

Gã đầy tớ ra, bảo là: “Ông cha xứ đã xong”. Họ cùng nhau lên gác.

Forestier có vẻ hốc hác hơn từ hôm qua.

Vị linh mục cầm lấy bàn tay anh:

– Tạm biệt con, sáng mai cha sẽ trở lại. Và ông ra về.

Khi ông đi khỏi, kẻ hấp hối đang thở hổn hển, cố giơ hai bàn tay về phía vợ và lắp bắp:

– Cứu lấy anh… hãy cứu lấy anh… em yêu quý… anh không muốn chết… anh không muốn chết… Ôi! Hãy cứu lấy tôi… hãy bảo tôi phải làm gì, hãy đi mời thầy thuốc… Bắt tôi uống thứ gì tôi cũng uống… Tôi không muốn… tôi không muốn…

Anh khóc. Những giọt nước mắt lớn chảy từ hai mắt xuống đôi má hốc hác; và hai khóe miệng gầy của anh nhăn nheo như của trẻ con lúc đang phụng phịu.

Lúc đó, đôi bàn tay của anh đã buông thõng xuống, bắt đầu rờ rẫm chậm chạp như nhặt nhạnh cái gì trên khăn trải giường.

Vợ anh cũng khóc và ấp úng:

– Nhưng không, không sao đâu. Đây chỉ là một cơn bệnh, mai anh sẽ đỡ hơn, anh yếu mệt vì chuyến dạo chơi hôm qua đấy mà.

Hơi thở của Forestier còn gấp gáp hơn hơi thở của một con chó vừa chạy xong, gấp gáp đến nỗi người ta không thể đếm được nữa, và yếu đến nỗi hầu như nghe không rõ.

Anh cứ nhắc đi nhắc lại:

– Con không muốn chết!… Ôi! Lạy Chúa… lạy Chúa… lạy Chúa… chuyện gì xảy đến với con thế này? Con sẽ không nhìn… không bao giờ nhìn… thấy gì… nữa hết… Ôi! Lạy Chúa!

Anh nhìn trân trân phía trước mặt một cái gì đó vô hình đối với mọi người khác, một cái gì đó gớm ghiếc mà đôi mắt bất động của anh ánh lên nỗi ghê sợ. Hai bàn tay anh vẫn tiếp tục động tác bắt chuồn chuồn khủng khiếp, rợn người.

Bỗng anh rùng mình một cái bất thình lình, nhìn thấy rõ từ đỉnh đầu xuống đến gót chân, và anh ấp a ấp úng:

– Nghĩa trang… con… lạy Chúa!…

Và không nói gì nữa. Anh bất động, nhớn nhác, hổn hển.

Thời gian trôi qua; chiếc đồng hồ của một nhà dòng bên cạnh điểm giữa trưa. Duroy ra khỏi phòng để đi ăn uống chút ít. Một giờ sau, y quay lại. Nàng Forestier từ chối không chịu ăn uống gì. Người ốm chẳng hề nhúc nhích. Anh vẫn lết các ngón tay gầy guộc trên khăn trải giường như muốn kéo nó lên mặt.

Thiếu phụ ngồi trong một chiếc ghế bành ở chân giường. Duroy ngồi vào chiếc ghế bành khác ở bên cạnh, và cả hai lặng lẽ chờ đợi.

Một bà trông coi người ốm được thầy thuốc phái đến, ngủ gà ngủ gật gần cửa sổ.

Bản thân Duroy cũng đang bắt đầu mơ mơ màng màng thì chợt cảm thấy có chuyện gì xảy ra. Y mở choàng mắt ra đúng lúc nhìn thấy hai mắt Forestier nhắm lại như hai ánh sáng tắt đi. Một tiếng nấc co thắt cổ họng người hấp hối và hai tia máu xuất hiện ở hai bên mép rồi chảy xuống áo sơ mi. Hai bàn tay anh ngừng động tác bắt chuồn chuồn gớm ghiếc. Anh đã ngừng thở.

Vợ anh đã hiểu, nên thốt ra một tiếng như tiếng kêu và vừa quỵ xuống vừa thổn thức trong khăn trải giường. Georges sửng sốt và hốt hoảng, làm dấu thánh giá như cái máy. Bà trông coi người ốm thức dậy, đến bên giường: “Thế là xong”, bà nói. Và Duroy lấy lại bình tĩnh, thở phào bảo: “Sự thể diễn ra không kéo dài như tôi tưởng”.

Khi nỗi ngạc nhiên ban đầu đã qua đi, và sau những giọt nước mắt đầu tiên, người ta lao vào chuẩn bị thu xếp mọi mặt cho việc chôn cất. Duroy tất bật khắp nơi cho đến tận nửa đêm.

Khi trở về, y đói meo. Nàng Forestier ăn vài ba miếng; rồi cả hai đến ngồi trong phòng tang để trông coi thi hài.

Hai cây nến bập bùng trên chiếc bàn để đèn đêm bên cạnh cái đĩa có nhành trinh nữ ngâm trong một ít nước, vì người ta chẳng kiếm đâu ra một nhánh hoàng dương cần thiết.

Duy chỉ có chàng thanh niên và nàng thiếu phụ bên cạnh người quá cố. Cả hai chẳng nói năng gì, ngồi tư lự, nhìn thi hài.

Georges nhìn chăm chăm, vì bóng tối làm cho y sờ sợ bên cạnh xác chết đó. Mắt y và đầu óc y bị thu hút, bị thôi miên bởi cái khuôn mặt hốc hác càng có vẻ hốc hác hơn trong ánh sáng chập chờn, nên không rời nó ra nữa. Thế ra kia là bạn y, Charles Forestier, mới hôm qua còn nói chuyện với y! Cái kết thúc hoàn toàn của một con người thật là điều lạ lùng và ghê rợn! Ôi! Lúc này y nhớ lại những lời của Norbert de Varenne khi bị ám ảnh bởi nỗi sợ chết. “Chẳng bao giờ có ai trở lại”. Muôn triệu triệu những con người sẽ ra đời, gần gần tương tự nhau, với đôi mắt, cái mũi, cái mồm, cái sọ, và tư tưởng bên trong, nhưng chẳng bao giờ xuất hiện trở lại cái con người đang nằm trên giường kia.

Trong một số năm tháng anh ta đã sống, đã ăn uống, cười đùa, yêu thương, hy vọng như tất cả mọi người. Và thế là hết, với anh ta, mãi mãi là hết. Một cuộc đời! Một ít ngày tháng, và rồi chẳng còn gì nữa! Người ta sinh ra, lớn lên, sung sướng, đợi chờ, rồi người ta chết. Vĩnh biệt! Đàn ông hoặc đàn bà, ngươi sẽ chẳng bao giờ trở lại trái đất này nữa! Thế mà ai cũng mang trong mình niềm khát khao cháy bỏng và không thực hiện được về sự vĩnh cửu, ai cũng là một thứ vũ trụ trong vũ trụ, và chẳng mấy nỗi ai cũng tiêu tan đi hoàn toàn trong đống phân của những mầm mống mới. Cây cối, súc vật, con người, các vì sao, các thế giới, tất cả đều náo nhiệt, rồi chết đi để biến hóa. Và sâu bọ, con người hay các hành tinh, chẳng bao giờ có gì trở lại!

Một nỗi khiếp sợ lờ mờ, mênh mông, kinh khủng đè nặng lên tâm hồn Duroy, nỗi khiếp sợ cái hư vô không bờ bến, không tránh thoát, mãi mãi hủy hoại mọi kiếp phù du vô cùng khốn khổ. Y đã gục đầu xuống trước mối đe dọa của nó. Y nghĩ đến những con ruồi chỉ sống vài giờ, những con vật chỉ sống vài ngày, những con người chỉ sống vài năm, những tinh cầu chỉ sống vài thế kỷ. Vậy có gì khác nhau giữa cái này với cái kia? Thêm vài buổi bình minh, chỉ có thế thôi.

Y quay mặt đi để khỏi nhìn cái xác chết.

Nàng Forestier đầu cúi gằm, hình như cũng đang nghĩ tới những chuyện đau lòng. Mái tóc vàng hung của nàng nổi lên rất đẹp trên khuôn mặt buồn đến nỗi trái tim chàng thanh niên phơi phới như có niềm hy vọng mơn man. Can chi mà buồn trong khi còn có bao năm tháng ở phía trước?

Và y ngắm nàng. Nàng mải miết trầm ngâm nên không nhìn y. Y tự nhủ: “Suy cho cùng đây là điều tốt đẹp duy nhất ở trên đời: Tình yêu! Ôm trong lòng một người đàn bà yêu dấu! Đấy chính là tột cùng hạnh phúc của nhân loại”.

Người chết kia thật là may mắn có được người vợ thông minh và duyên dáng này. Họ đã quen biết nhau ra sao? Thế nào mà nàng lại ưng thuận lấy chàng trai tầm thường và nghèo khổ kia? Làm thế nào mà cuối cùng nàng đã biến anh ta thành một con người không đến nỗi?

Thế là y nghĩ đến tất cả những điều bí ẩn trong cuộc sống. Y nhớ lại những điều người ta thì thầm to nhỏ về Bá tước De Vaudrec, người đã tặng của hồi môn và cưới chồng cho nàng như lời đồn đại.

Giờ đây nàng sẽ làm gì? Nàng sẽ lấy ai? Một nghị sĩ, như nàng De Marelle nghĩ, hay một gã tài xoay xở nào đó, một Forestier cao thủ hơn? Nàng đã có những dự án, những kế hoạch, những ý định dứt khoát nào chưa? Sao mà y khát khao muốn biết đến thế! Nhưng sao y lại băn khoăn về chuyện nàng sẽ làm gì? Y tự hỏi lòng mình điều đó và nhận ra rằng nỗi khắc khoải của y xuất phát từ một trong những ẩn ức lờ mờ, sâu kín, người ta giấu ngay cả với chính bản thân mình và người ta chỉ phát hiện ra khi lục lọi tận đáy tâm hồn thăm thẳm.

Phải, sao bản thân y lại không thử chinh phục nàng? Có nàng, y sẽ trở nên mạnh và đáng gờm biết bao! Y sẽ có thể tiến nhanh, tiến xa, và nhất định như thế!

Và lẽ nào y lại không thành công? Y cảm thấy nàng mến y, không phải chỉ là mối cảm tình, mà là một cái gì đó cao hơn nảy sinh giữa hai tâm hồn đồng điệu vừa quyến rũ lẫn nhau, vừa ngấm ngầm thông đồng với nhau. Nàng biết y là người thông minh, kiên quyết, gan góc; nàng có thể tin cậy ở y.

Chẳng phải là nàng đã kêu y đến trong hoàn cảnh nghiêm trọng này ư? Và tại sao nàng lại gọi y? Y không thể xem đây như một sự lựa chọn, một sự thú nhận, một sự chỉ định hay sao? Nếu nàng đã nghĩ đến y, đúng vào lúc nàng sắp góa chồng, có nghĩa là nàng đã nghĩ đến người sẽ lại trở thành người bạn đời, bạn liên kết với mình chăng?

Và y sốt lòng sốt ruột muốn biết, muốn hỏi thẳng nàng, muốn thấu hiểu những ý định của nàng. Hai ngày nữa y phải ra đi, vì y không thể ở một mình với người thiếu phụ ấy trong ngôi nhà này. Vậy y cần phải nhanh chóng, cần phải khôn khéo, tế nhị nắm bắt được các ý đồ của nàng trước khi trở về Paris, không để cho nàng nghĩ lại hay chưa biết chừng nhượng bộ trước những lời xin xỏ của một gã đàn ông khác và không dứt ra được nữa.

Trong phòng im lặng như tờ; chỉ nghe thấy tiếng tích tắc khô khốc và đều đều của chiếc quả lắc đồng hồ trên lò sưởi.

Y khe khẽ nói:

– Chắc chị mệt lắm?

Nàng đáp:

– Vâng, nhưng chủ yếu là tôi thấy nặng nề.

Họ ngạc nhiên về tiếng nói của họ vang lên một cách kỳ dị trong căn nhà ảm đạm này. Và họ bỗng nhìn mặt người chết, dường như họ ngờ rằng sắp thấy người chết cựa quậy, sắp nghe người chết nói như vài tiếng đồng hồ trước đây.

Duroy lại nói:

– Ôi! Đây là một đòn choáng váng đối với chị, một đổi thay hoàn toàn trong đời chị, một đảo lộn thật sự của cõi lòng và của toàn bộ cuộc sống.

Nàng thở dài rất lâu không đáp. Y nói tiếp:

– Thật đáng buồn khi một phụ nữ trẻ như chị nay mai phải trơ trọi một thân.

Rồi y im lặng. Nàng chẳng nói năng gì. Y ấp úng:

– Dù trong trường hợp nào đi nữa, chị đã biết điều thỏa ước giữa chúng ta. Chị muốn sử dụng tôi thế nào tùy ý. Tôi thuộc về chị.

Nàng giơ bàn tay cho y và đưa mắt hướng về y một cái nhìn buồn bã, dịu dàng, nó làm cho ta xốn xang đến tận xương tủy:

– Cám ơn, anh tốt quá. Nếu tôi dám và tôi có thể làm được cái gì đó cho anh, tôi cũng sẽ nói: “Anh cứ tin ở tôi”.

Y nắm lấy bàn tay nàng đưa cho và giữ lấy, siết chặt, với niềm khát khao cháy bỏng muốn được hôn tay. Rồi y quyết định, và từ từ nâng bàn tay ấy lên miệng, áp làn da mịn màng, âm ấm, run rẩy và thơm ngát rất lâu vào đôi môi y.

Khi cảm thấy sự trìu mến bạn bè đó sắp kéo dài hơi quá, y buông bàn tay nhỏ nhắn ấy ra. Nó uể oải rơi trở về đầu gối người thiếu phụ, và nàng nói một cách nghiêm trang:

– Vâng, tôi sắp trơ trọi một thân, nhưng tôi sẽ cố gắng giữ nghị lực.

Y chẳng biết làm sao để nàng hiểu rằng y sẽ rất sung sướng, rất sung sướng đến lượt y được có nàng làm vợ. Quả thật, y không thể nói điều đó ra vào giờ này, ở nơi này, trước cái thi thể kia; tuy nhiên y nghĩ mình có thể tìm được một trong những câu lập lờ, thích hợp và phức tạp, chứa ẩn ý, và thể hiện được tất cả những gì ta muốn bằng cách nói lấp lửng có tính toán.

Nhưng cái thi thể làm cho y ngại ngùng, cái thi thể cứng đờ nằm dài trước mặt họ và y cảm thấy nó chắn giữa hai người. Vả chăng, từ lúc nãy, y tưởng chừng thấy trong bầu không khí hấp hơi của căn phòng thoảng một mùi khả nghi, cái mùi thối rữa từ trong lồng ngực đã bị phân hủy kia thoát ra, cái mùi tử thi đầu tiên mà những thi hài tội nghiệp đặt nằm trên giường vẫn hắt vào các thân nhân đang ngồi túc trực, cái mùi khủng khiếp sẽ bốc ra đầy ắp trong các quan tài rỗng tuếch.

Duroy hỏi:

– Mở hé cửa sổ ra một chút có được không? Tôi thấy không khí có vẻ nặng mùi.

Nàng đáp:

– Phải đấy. Tôi cũng vừa thoáng thấy.

Y đi tới mở cửa sổ. Làn không khí mát mẻ nức hương thơm của đêm tối ùa vào phòng, làm lay động hai ngọn nến ở cạnh giường. Vầng trăng như đêm hôm trước vẫn tỏa ánh sáng chứa chan và dìu dịu lên những bức tường trắng của các tòa biệt thự và lên làn nước mênh mông loang loáng của biển khơi. Duroy hít căng lồng ngực, bỗng cảm thấy trong lòng rộn lên những niềm hy vọng, như xốn xang về niềm hạnh phúc run rẩy tới gần.

Y quay đầu lại:

– Tới đây hóng mát một chút, ‐ y bảo, ‐ thời tiết thật là tuyệt vời.

Nàng lặng lẽ đến tì khuỷu tay vào cửa sổ bên cạnh y.

Y liền thì thầm:

– Chị hãy lắng nghe và hiểu cho điều tôi muốn nói. Nhất là đừng phẫn nộ thấy tôi nói ra điều ấy vào một lúc như thế này, nhưng đến ngày kia tôi sẽ chia tay với chị và khi chị về Paris thì có lẽ đã quá muộn… Thế này… Tôi chỉ là một gã khốn khổ, cơ nghiệp chẳng có, đang phải xây dựng địa vị cho mình, như chị biết. Nhưng tôi có ý chí, có đôi chút thông minh theo như tôi thiết nghĩ, và tôi đang trên đường, đang băng băng trên đường. Một người đã tới đích thì biết mình đạt được gì; một người mới lên đường thì không biết mình sẽ đi tới đâu. Mặc kệ, hoặc càng hay. Thế mà có hôm tôi đã nói với chị, tại nhà chị, rằng ước mơ tha thiết nhất của tôi là được cưới một người phụ nữ như chị làm vợ. Hôm nay tôi xin nhắc lại với chị niềm khao khát đó. Đừng trả lời tôi. Cứ để tôi nói tiếp. Không phải là tôi tỏ tình với chị đâu. Làm thế ở nơi này và vào thời điểm này thì quá quắt lắm. Tôi chỉ muốn chị biết cho rằng chị có thể làm cho tôi sung sướng bằng một lời nói, rằng chị có thể coi tôi là một người bạn thân, thậm chí một người chồng, tùy ý chị, và trái tim tôi, con người tôi thuộc về chị. Tôi không muốn chị trả lời tôi bây giờ; tôi cũng không muốn chúng ta nói đến chuyện đó ở đây nữa. Khi nào chúng ta gặp lại nhau ở Paris, chị sẽ cho tôi hay chị quyết định thế nào. Từ nay tới đó, đừng nói một lời nào nữa, phải không?

Y tuôn ra những lời đó mà chẳng nhìn nàng, như thể gieo chúng vào trong bóng đêm trước mặt y. Còn nàng có vẻ như chẳng nghe thấy gì hết, vì nàng vẫn đứng im phăng phắc, và cũng đang hướng con mắt chăm chú mà lơ đãng về phía quang cảnh bao la nhợt nhạt dưới bóng trăng soi.

Họ đứng bên cạnh nhau rất lâu, khuỷu tay chạm vào nhau, lặng lẽ và suy tư.

Rồi nàng nói:

– Trời hơi lạnh.

Và nàng quay trở vào giường. Y vào theo.

Khi đến gần, y nhận thấy Forestier bắt đầu bốc mùi thật sự; và y dịch xa chiếc ghế bành của mình ra vì không thể chịu được lâu mùi thối rữa. Y bảo:

– Sáng mai phải nhập quan ngay thôi!

Nàng đáp:

– Vâng, vâng, dĩ nhiên; bác thợ mộc sẽ tới vào lúc tám giờ.

Duroy thở dài: “Tội nghiệp anh ấy!”, và đến lượt nàng cũng thở dài não nuột.

Hai người không thường xuyên nhìn thi hài nữa, vì đã quen với ý nghĩ về cái chết này, trong thâm tâm bắt đầu xem nó là chuyện thường tình, chứ không lấy làm khó chịu, bực bội như lúc vừa rồi, vì họ cũng là người có sinh có tử.

Họ chẳng nói gì nữa và tiếp tục thức canh một cách phải đạo, không ngủ. Nhưng đến khoảng nửa đêm, Duroy thiếp đi đầu tiên. Khi y thức dậy, y thấy nàng Forestier cũng thiu thiu ngủ, y liền xoay lại tư thế ngồi cho thoải mái hơn và vừa nhắm mắt trở lại vừa lẩm bẩm: “Chết tiệt! Kể ra nằm trong chăn vẫn khoái hơn”.

Chợt có tiếng động khiến y giật nẩy mình. Bà trông coi người bệnh vào phòng. Trời sáng bạch. Người thiếu phụ ngồi trên chiếc ghế bành trước mặt hình như cũng giật thót như y. Nàng hơi xanh xao, nhưng vẫn xinh đẹp, tươi tắn, dễ thương, mặc dù ngồi trên ghế suốt đêm.

Lúc đó, Duroy nhìn thi hài, và rùng mình thốt lên:

– Ơ kìa! Râu của anh ấy!

Râu đã mọc dài, trong vài giờ, trên da thịt đang phân hủy, cũng bằng như nó đã mọc trong vài ngày trên mặt người sống. Và cả hai sững sờ trước sự sống vẫn tiếp tục trên người chết kia, chẳng khác nào trước một điều kỳ diệu kinh khủng, trước mối đe dọa người chết sống lại một cách siêu nhiên, trước một trong những điều bất bình thường, ghê gớm, nó làm cho đầu óc rối bời, ngỡ ngàng.

Sau đó cả hai người đi nằm nghỉ đến tận mười một giờ. Rồi họ liệm Charles vào quan tài, và lập tức cảm thấy nhẹ nhõm, thanh thản. Họ ngồi đối diện ăn trưa với nhau, và bỗng thấy khát khao muốn được nói những điều an ủi vui vẻ hơn, muốn được trở về với cuộc sống, vì họ đã dứt được với cái chết rồi.

Hơi xuân ấm áp, dịu dàng tràn qua cửa sổ mở toang vào trong phòng, mang theo hương thơm của bồn cẩm chướng nở hoa trước cửa ra vào.

Nàng Forestier đề nghị Duroy đi dạo một vòng trong vườn, và hai người đi lững thững quanh bãi cỏ nhỏ, khoan khoái hít thở làn không khí ấm áp đậm mùi hương của thông và bạch đàn.

Đột nhiên nàng nói mà không quay mặt về phía y, như y xử sự đêm hôm qua ở trên gác. Nàng nói thong thả, rành rọt với giọng nho nhỏ, nghiêm trang:

– Này, anh bạn ạ, tôi đã… đã nghĩ về chuyện anh đề nghị với tôi, và tôi không muốn để anh ra đi mà chẳng trả lời anh lấy một câu. Tuy nhiên, tôi sẽ chẳng nói với anh là có hay không. Chúng ta sẽ chờ đợi, rồi sau sẽ hay, chúng ta sẽ hiểu rõ nhau hơn. Bản thân anh cũng nên nghĩ kỹ đi. Anh đừng nghe theo sự lôi cuốn quá dễ dãi. Nhưng nếu tôi nói với anh như vậy, ngay cả trước khi Charles xuống dưới mồ, có nghĩa là, sau cái điều anh nói với tôi, anh cần thiết phải biết tôi là ai, để khỏi ấp ủ lâu hơn nữa trong đầu ý nghĩ mà anh đã tỏ bày ra với tôi, nếu anh không phải là người… là người… có tính cách hiểu được tôi và chịu đựng được tôi.

Mong anh hiểu cho tôi. Hôn nhân đối với tôi không phải là một sự ràng buộc, mà là một sự liên kết. Tôi muốn được tự do, hoàn toàn, mãi mãi tự do về các hành vi của tôi, các quan hệ giao tiếp đi đây đi đó của tôi. Tôi sẽ không thể chịu đựng được sự kiểm soát, ghen tuông, cãi vã về cách ăn ở của tôi. Tất nhiên tôi cam kết không bao giờ để liên lụy đến tên tuổi người đàn ông mà tôi sẽ lấy làm chồng, không bao giờ làm cho tên tuổi ấy trở thành khả ố hay lố lăng. Nhưng người đó cũng phải cam kết xem tôi là một người bình đẳng, cùng nhau chung vai góp sức, chứ chẳng phải là một kẻ dưới hay một người vợ chỉ biết vâng lệnh, phục tùng. Các quan niệm của tôi rất khác người, tôi biết, nhưng tôi sẽ không thay đổi đâu. Thế đấy!

Tôi cũng xin nói thêm: Anh đừng trả lời tôi vội, vô ích và không phải phép. Chúng ta sẽ gặp lại nhau, và có lẽ sẽ đề cập lại tất cả những chuyện đó, sau này.

Giờ thì anh cứ đi dạo đi! Còn tôi quay về bên cạnh anh ấy. Hẹn tối nay.

Y hôn bàn tay nàng rất lâu rồi bước đi không nói thêm một lời nào nữa.

Buổi tối, hai người chỉ gặp nhau vào giờ ăn. Rồi ai về phòng nấy, người mệt rã rời.

Charles Forestier được chôn cất vào ngày hôm sau tại nghĩa trang ở Cannes, chẳng có một nghi thức trang trọng nào. Và Georges Duroy muốn đáp chuyến tàu nhanh về Paris qua đấy vào lúc một giờ rưỡi.

Nàng Forestier đưa y ra ga. Hai người lặng lẽ đi dạo trên sân ga trong lúc đợi tàu khởi hành, và nói những chuyện không đâu.

Tàu đến ga, rất ngắn, đúng là một chuyến tàu nhanh, chỉ có năm toa.

Anh chàng nhà báo chọn chỗ ngồi, rồi lại xuống sân ga để trò chuyện thêm đôi lúc nữa với nàng, vì y bỗng thấy nao nao trong lòng một nỗi buồn, nỗi buồn tê tái, nỗi tiếc nuối ghê gớm phải chia tay với nàng, dường như y sắp mất nàng mãi mãi.

Một nhân viên hét to: “Marseille, Lyon, Paris, lên tàu!”. Duroy lên toa, rồi tì khuỷu tay vào cửa toa để nói thêm với nàng vài lời nữa. Đầu máy kéo còi và đoàn tàu từ từ chuyển bánh.

Chàng thanh niên thò đầu ra ngoài cửa toa nhìn người thiếu phụ đứng sững trên sân ga nhìn theo y. Và khi bóng nàng sắp khuất; y bỗng giơ cả hai bàn tay lên miệng, gửi cho nàng một cái hôn.

Nàng cũng gửi trả lại bằng một động tác kín đáo hơn, ngập ngừng, chỉ hơi thoáng phác ra.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3