Ông Bạn Đẹp - Chương 07
7
* * *
Charles ra đi khiến cho Duroy có vai trò quan trọng hơn trong ban biên tập của tờ Đời sống Pháp. Y ký tên dưới vài bài xã luận trong khi vẫn ký tên ở mục Tin vặt, vì lão chủ báo muốn rằng mỗi người phải chịu trách nhiệm về bài viết của mình. Y tham gia vài cuộc bút chiến với cách xoay xở tài tình; và vì có quan hệ thường xuyên với các nhà chính khách nên bản thân y dần dần trở thành một biên tập viên chính trị khôn khéo và nhạy bén.
Y chỉ nhìn thấy một vết gợn trên toàn bộ chân trời của y. Vết gợn ấy xuất phát từ một tờ báo nhỏ hay gây sự, nó luôn luôn công kích y, hay đúng hơn là nó công kích y, người phụ trách các tin vặt của tờ Đời sống Pháp, người phụ trách các tin vặt giật gân của lão Walter, như lối nói của gã biên tập viên vô danh của cái tờ báo tên là Ngòi bút kia. Ngày nào cũng có những lời nham hiểm; những dòng cay độc, những câu bóng gió đủ kiểu.
Một hôm, Jacques Rival bảo Duroy:
– Anh kiên nhẫn thật đấy!
Duroy ấp úng:
– Biết làm sao được, người ta có đả kích trực tiếp đâu.
Thế rồi, chiều hôm ấy, khi y bước vào phòng biên tập, Boisrenard đưa cho y một số báo Ngòi bút:
– Này, lại thêm một bài phiền nhiễu đối với anh nữa đây.
– Thế ư! Về chuyện gì vậy?
– Về một chuyện chẳng đâu vào đâu, vụ cảnh sát theo dõi gái điếm bắt giữ một bà tên là Aubert.
Georges cầm lấy tờ báo Boisrenard đưa và đọc bài có nhan đề Duroy đùa:
“Phóng viên danh tiếng của tờ Đời sống Pháp hôm nay cho chúng ta biết rằng bà Aubert mà chúng ta đưa tin là đã bị một nhân viên thuộc đội cảnh sát bỉ ổi chuyên bảo vệ tập tục và theo dõi gái điếm bắt giữ chỉ có trong trí tưởng tượng của chúng ta mà thôi. Thế mà cái bà ấy lại có thật và đang ở tại số 18, phố Écureuil ở Montmartre. Tuy nhiên, chúng ta thừa hiểu các nhân viên của ngân hàng Walter có thể có lợi ích hoặc những lợi ích gì mà lại bảo vệ các nhân viên của ông Cảnh sát trưởng, ông ta lờ đi cho công việc làm ăn của chúng. Còn tay phóng viên kia tốt nhất là nên cho chúng ta biết những tin giật gân lý thú nào đó mà y nắm được: tin về cái chết của người này người khác đến hôm sau lại được cải chính, tin về những cuộc ẩu đả chẳng hề xảy ra, tin về các bậc vương công phát ngôn điều này điều nọ mà thực ra chẳng hề nói, tóm lại là những tin tức hợp thành ‘Lợi nhuận Walter’, hoặc là một điều tiết lộ nho nhỏ về những tối đàn đúm của bọn phụ nữ trăng hoa, hoặc về một sản phẩm tuyệt vời nào đấy vốn là nguồn lợi lớn cho một vài tay trong số các đồng nghiệp của chúng ta.”
Chàng thanh niên bực tức thì ít mà sững sờ thì nhiều, vì y chỉ hiểu rằng trong bài báo có một cái gì đó hết sức phiền cho y.
Boisrenard nói:
– Ai cung cấp cho anh cái tin ấy?
Duroy nghĩ mãi mà chẳng biết là ai. Rồi y chợt nhớ ra:
– À! Phải rồi, chính là Saint‐Potin.
Rồi y đọc lại đoạn báo của tờ Ngòi bút, và bỗng đỏ mặt lên, phẫn nộ vì bị buộc tội là hám tiền.
Y thốt lên:
– Sao, người ta cho rằng tôi được thuê tiền để… Boisrenard ngắt lời y:
– Đúng rồi chứ còn gì nữa. Rầy rà cho anh thật đấy. Ngài chủ báo rất để mắt đến vấn đề này. Có thể là nó thường hay xảy ra trong các tin vặt…
Đúng lúc đó Saint‐Potin bước vào. Duroy chạy đến với hắn:
– Bạn đã đọc bài báo của tờ Ngòi bút rồi chứ?
– Đọc rồi, và mình vừa từ nhà bà Aubert đến đây. Đúng là có bà ấy thật, nhưng bà ấy có bị bắt đâu. Tin đồn ấy không có cơ sở gì cả.
Duroy liền lao ngay lên phòng lão chủ báo, thấy lão hơi lạnh lùng với con mắt nhìn ngờ vực. Sau khi nghe trình bày đầu đuôi sự việc, lão Walter đáp:
– Anh hãy đích thân tới ngay nhà bà ta và cải chính sao cho họ không viết về anh những điều như thế nữa. Tôi muốn nói thế này. Thật là phiền cho tờ báo, cho anh và cho tôi. Một nhà báo cũng như vợ của César không được để cho thiên hạ nghi ngờ.
Duroy nhảy lên xe ngựa cùng với Saint‐Potin làm người dẫn đường, và y hét bảo người đánh xe: “Số 18, phố Écureuil ở Montmartre.”
Họ leo lên sáu tầng gác của một tòa nhà rộng lớn. Một bà lão mặc áo cánh len ra mở cửa:
– Ôông mún cái gì? ‐ Bà lão nói khi nhìn thấy Saint‐Potin.
Hắn đáp:
– Tôi đưa ông này tới đây, ông ấy là thanh tra cảnh sát, và muốn hỏi chuyện bà.
Bà lão liền mời vào và kể lể:
– Từ lúc ôông đến, có hai ôông nữa cũng đến cho tờ páo, tôi chả rõ páo nào. ‐ Rồi bà quay về phía Duroy. ‐ Thế ra ôông mún piết à?
– Vâng. Có phải bà bị một viên cảnh sát chuyên theo dõi gái điếm bắt giữ không?
Bà lão giơ cả hai tay lên trời:
– Làm gì có chuyện ấy, thưa ôông, làm gì có chuyện ấy. Sự thể là thế này. Tôi hay được một ôông hàng thịt đon đả chào mời nhưng lại cân điêu. Nhiều lần tôi phát hiện thấy nhưng bỏ qua. Hôm ấy tôi mua hai cân sườn, vì lẽ nghĩ là con gái và con rể đến chơi, tôi thấy ôông ta cân cho tôi loại xương bỏ đi, đúng là xương sườn thật, nhưng không phải là của tôi. Tôi có thể đem nấu món ragu, cũng được thôi, nhưng khi tôi mua sườn, không phải là mua loại sườn của người khác bỏ đi. Tôi từ chối không lấy, ôông ta liền bảo tôi là đồ chuột già, tôi đập lại bảo ôông ấy là đồ bợm già, nói tóm lại hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại chúng tôi cãi nhau ầm ĩ đến nỗi có đến hơn trăm con người xúm xít trước cửa hàng cười hô hô ha ha! Đến nỗi cuối cùng có một ôông cảnh sát thấy thế chạy đến mời chúng tôi lên đồn mà trình bày. Chúng tôi lên đồn, người ta giảng hòa và cho về. Từ hôm ấy tôi mua thịt ở hiệu khác, và thậm chí không đi ngang qua cửa nữa để tránh tai tiếng.
Bà lão ngừng lời. Duroy hỏi:
– Chỉ có thế thôi ư?
– Sự thật chỉ có thế, thưa ông, ‐ rồi bà đưa mời y một cốc rượu Cassis nhưng y từ chối không uống, và bà lão cố nài để y báo cáo lên cho là ông hàng thịt cân gian.
Về đến tòa báo, Duroy viết bài trả lời:
“Một tay văn sĩ quèn vô danh của tờ Ngòi bút đã dùng một ngòi gây sự với tôi về chuyện hắn cho rằng có một bà lão bị một viên cảnh sát theo dõi gái điếm bắt giữ, còn tôi thì phủ nhận. Tôi đã đích thân gặp bà Aubert, ít ra cũng đã sáu mươi tuổi, và bà đã kể cho tôi nghe tỉ mỉ chuyện bà cãi nhau với một ông hàng thịt về việc cân sườn điêu, do đó phải lên trình bày với ông đồn trưởng.
“Toàn bộ sự thật chỉ có thế.
“Còn những lời bóng gió khác của biên tập viên tờ Ngòi bút, tôi bỏ ngoài tai. Vả chăng người ta không trả lời những chuyện như thế khi kẻ viết giấu mặt”.
“GEORGES DUROY”
Lão Walter và Jacques Rival vừa tới, thấy viết như thế là đủ, nên quyết định cho đăng ngay trong ngày hôm ấy, tiếp theo các mục tin vặt.
Duroy về nhà sớm, hơi bồn chồn, hơi lo lắng. Tay kia sẽ trả lời ra sao? Hắn là ai? Tại sao lại có chuyện đả kích tàn nhẫn ấy? Với những lề thói thô bạo của các nhà báo, chuyện vớ vẩn này có thể lôi thôi, rất lôi thôi. Y ngủ không yên giấc.
Hôm sau khi đọc mẩu tin đó trên báo, y thấy rằng khi được in ra, nó còn hung hăng hơn là ở dạng viết tay. Lẽ ra y nên giảm nhẹ một vài từ quá nặng nề.
Y bồn chồn lo lắng suốt cả ngày và đêm hôm ấy vẫn ngủ không yên giấc. Mới tờ mờ sáng, y đã trở dậy để tìm số báo Ngòi bút, chắc thế nào cũng có bài đập lại.
Trời lại bắt đầu rét; băng giá đông cứng. Các rãnh nước bên đường bị đóng băng khi đang chảy nên kéo dọc bên hè hai dải băng dài.
Báo chí chưa về các quầy bán báo và Duroy nhớ lại ngày y đăng bài đầu tiên: Hồi ký của một anh lính bên châu Phi. Bàn tay, bàn chân y tê cóng, đau buốt, nhất là ở các đầu ngón tay, và y chạy vòng tròn quanh quầy bán báo lắp cửa kính, bên trong là bà bán hàng ngồi xổm trên chiếc lồng ấp chân, qua ô cửa sổ nhỏ chỉ nhìn thấy cái mũi và đôi má đỏ mọng của bà trùm trong chiếc mũ len.
Cuối cùng bác đi giao báo chuyển bó báo qua ô cửa quầy và bà bán hàng đưa cho Duroy một tờ Ngòi bút mở rộng.
Y đưa mắt tìm tên mình và mới đầu không thấy đâu. Y vừa thở phào thì nhìn thấy ngay mấy hàng chữ in giữa hai cái vạch ngang.
“Gã Duroy của tờ Đời sống Pháp bảo là chúng tôi nói dối: nhưng thực ra chính gã mới nói dối. Song gã thú nhận rằng có một bà Aubert thật và một viên cảnh sát đã giải bà ta về đồn. Vậy chỉ còn phải thêm mấy từ ‘theo dõi gái điếm’ vào sau từ ‘cảnh sát’ là xong.
“Nhưng lương tâm của một số nhà báo chỉ ngang tầm với tài năng của họ.”
“Và tôi ký tên: LOUIS LANGREMONT”
Trống ngực của Georges liền đập thình thịch, y quay về nhà để thay quần áo, chưa biết rõ định làm gì. Vậy là người ta đã lăng nhục y, lăng nhục đến mức y không thể chần chừ được nữa. Về chuyện gì? Về chuyện không đâu. Vì một bà già cãi nhau với ông hàng thịt.
Y mặc quần áo rất nhanh và đi đến nhà lão Walter, tuy lúc đó mới gần tám giờ sáng.
Lão Walter ngủ dậy rồi, đang đọc báo Ngòi bút:
– Này, ‐ lão nghiêm nét mặt nói, khi nhìn thấy Duroy, ‐ anh không thể lùi được chứ?
Chàng thanh niên không trả lời gì cả. Lão giám đốc lại nói:
– Anh đi tìm Rival ngay đi, ông ấy sẽ lo toan việc này cho anh.
Duroy ấp úng vài lời không rõ rồi đi ra để tới nhà Jacques Rival; ông ta vẫn còn đang ngủ, khi nghe tiếng chuông reo liền nhảy ra khỏi giường, và nói sau khi đọc xong mẩu tin trên báo:
– Chà chà, phải hành động thôi. Anh định lấy ai để làm chứng nữa?
– Nhưng nào tôi có biết.
– Boisrenard? Anh thấy thế nào?
– Vâng, Boisrenard.
– Anh sử dụng kiếm có cừ không?
– Chẳng cừ tí nào.
– Ồ! Chán quá! Thế còn súng ngắn?
– Tôi biết bắn chút ít.
– Được. Anh sẽ luyện tập trong lúc tôi lo toan mọi chuyện. Đợi tôi một phút.
Ông đi sang phòng tắm và một lúc sau trở lại ngay, đã tắm rửa, cạo mặt, ăn mặc đâu vào đấy.
– Đi với tôi, ‐ ông bảo.
Ông ở lại tầng trệt của một tòa nhà nhỏ, và đưa Duroy xuống tầng hầm, một gian hầm rất rộng, được bố trí thành phòng để thử vũ khí và tập bắn, tất cả các ô cửa trông ra phố đều bịt kín.
Sau khi đã thắp một dãy đèn khí đốt dẫn đến tận cuối gian hầm thứ hai, nơi có dựng một hình nhân bằng sắt sơn xanh đỏ, ông đặt lên bàn hai khẩu súng ngắn kiểu mới, nạp đạn bằng khóa nòng, và bắt đầu ra lệnh bằng giọng ngắn gọn, như đã ở trên sân bãi.
– Sẵn sàng chưa?
– Bắn!… Một, hai, ba.
Duroy vô cùng chán ngán, làm theo, giơ tay lên, ngắm, bắn, và do hồi thơ ấu y đã nhiều lần sử dụng khẩu súng lục cổ lỗ sĩ của bố để bắn chim ngoài sân, nên bây giờ y thường bắn trúng bụng hình nhân, và Jacques Rival hài lòng tuyên bố: “Tốt… tốt lắm… rất tốt… cứ thế… cứ thế!”.
Rồi ông tạm biệt Duroy:
– Anh cứ bắn như thế cho đến trưa. Đạn dược kia, cứ việc xài, đừng ngại gì cả. Tôi sẽ tới đón anh đi ăn trưa và thông báo tin tức.
Rồi ông ra đi.
Còn lại một mình, Duroy bắn thêm vài phát nữa rồi ngồi phịch xuống và nghĩ ngợi.
Những trò này xem ra thật là ngớ ngẩn! Nó chứng tỏ cái gì mới được chứ? Một tên bất lương sau khi đấu súng có phải bớt là một tên bất lương đi đâu? Một người lương thiện bị lăng nhục liều mạng với một kẻ gian phi thì được cái gì? Và y nghĩ mông lung trong bóng tối, nhớ lại những điều Norbert de Varenne nói về sự nghèo nàn tinh thần của người đời, về những ý nghĩ và các mối lo toan tầm thường của họ, về cái đạo đức ngớ ngẩn của họ!
Và y bật nói to lên: “Ủa, lão ta thế mà có lý!”.
Rồi y cảm thấy khát, và nghe có tiếng nước chảy tí tách phía sau, y nhận ra một vòi nước, liền tới hứng miệng vào uống. Sau đó y lại tiếp tục mơ màng. Trong căn hầm này thật là buồn ủ ê, ủ ê như trong một nấm mồ. Tiếng xe cộ ì ầm mơ hồ ngoài kia nghe như tiếng sấm rền từ xa vọng lại. Chẳng biết mấy giờ rồi nhỉ? Ở trong này, giờ giấc trôi qua cũng như trong ngục sâu, không có gì chỉ rõ, chẳng có gì cho biết, trừ những lúc tên cai ngục đem thức ăn vào. Y đợi, đợi lâu, lâu lắm.
Bỗng y nghe có tiếng chân đi, tiếng người nói, và Jacques Rival xuất hiện, đi cùng với Boisrenard. Vừa thấy Duroy, ông nói to:
– Ổn thỏa cả rồi!
Duroy tưởng rằng vụ việc đã được giải quyết xong nhờ một thư xin lỗi nào đấy, tim y rộn lên và y ấp úng:
– A!… Cám ơn.
Tay viết ký sự nói tiếp:
– Thằng cha Langremont ấy rất thẳng thừng, hắn chấp nhận hết mọi điều kiện của chúng tôi. Hai mươi nhăm bước, một phát đạn theo lệnh và nâng súng lên. Như thế chắc tay hơn là hạ súng xuống. Đây này, Boisrenard, lúc nãy tôi nói với ông thế này nhé.
Và ông cầm lấy súng vừa bắn vừa giảng giải nếu nâng tay lên thì giữ được đường đạn tốt hơn như thế nào.
Rồi ông bảo:
– Bây giờ chúng ta đi ăn, đã quá mười hai giờ rồi.
Ba người đi tới một tiệm ăn gần đó. Duroy không nói năng gì mấy nữa. Y ăn để khỏi ra vẻ là sợ hãi, sau đó cùng đi với Boisrenard đến tòa báo, và y làm công việc của mình một cách hờ hững, như cái máy. Người ta thấy là y gan góc.
Đến khoảng giữa buổi chiều, Jacques Rival tới bắt tay; và thỏa thuận là những người làm chứng sẽ tới đón y tại nhà bằng xe ngựa bốn bánh lúc bảy giờ sáng hôm sau để đi tới rừng Vésinet, nơi sẽ diễn ra cuộc đấu súng.
Mọi chuyện đó diễn ra một cách bất ngờ, Duroy chẳng tham gia, chẳng nói một lời, chẳng bàn bạc, chẳng chấp nhận hoặc khước từ, và diễn ra nhanh chóng đến nỗi y choáng váng, hốt hoảng, chẳng hiểu rõ đầu đuôi ra sao.
Y về đến nhà lúc chín giờ, sau khi đã đi ăn tối với Boisrenard, ông này vì lòng tận tâm nên không rời y suốt cả buổi chiều.
Khi chỉ còn lại một mình, y rảo bước đi ngang đi dọc trong phòng mấy phút đồng hồ. Y bối rối quá nên chẳng nghĩ ngợi gì được cả. Một ý nghĩ duy nhất choán hết đầu óc y: “Một cuộc đấu súng ngày mai”, mà ý nghĩ ấy cũng chẳng gợi lên trong y cái gì khác ngoài một nỗi xúc động mơ hồ và mãnh liệt. Y đã từng là lính, đã từng bắn vào những người Ả rập, cũng chẳng nguy hiểm gì lắm cho y, gần giống như người ta bắn vào một con lợn rừng khi đi săn.
Tóm lại, phải làm gì thì y đã làm rồi. Phải tỏ ra thế nào thì y đã tỏ ra như thế. Chắc là người ta hiểu, người ta tán thành, người ta khen ngợi y. Rồi y nói to lên như người ta nói trong những lúc đầu óc dằn vặt dữ dội: “Thằng cha ấy thật là đồ súc sinh!”.
Y ngồi xuống và nghĩ ngợi. Y đã quẳng lên chiếc bàn nhỏ tấm danh thiếp của gã địch thủ do Rival trao lại để giữ lấy địa chỉ của hắn. Y đọc lại như đã đọc đến hai chục lần trong ngày hôm nay: “Louis Langremont, số 176, phố Montmartre”. Không thêm một chữ nào.
Y xem xét những chữ ghép lại với nhau có vẻ huyền bí kia, lòng đầy những ý nghĩ đáng lo ngại. “Louis Langremont.” Người ấy là ai? Bao nhiêu tuổi? Tầm vóc thế nào? Mặt mũi ra sao? Chẳng phải là đáng phẫn nộ ư khi một kẻ xa lạ, một kẻ không quen biết bỗng đâu tới khuấy động cuộc đời của bạn, chẳng bởi lý do gì, chỉ là để đùa chơi, về chuyện một bà già cãi nhau với ông hàng thịt?
Y lớn tiếng nhắc lại thêm một lần nữa: “Thật là đồ súc sinh!”.
Và y ngồi lặng im, nghĩ ngợi, mắt vẫn dán vào tấm danh thiếp. Y bỗng thấy giận mẩu giấy đó, một cơn giận hằn học pha lẫn cảm giác khó chịu kỳ lạ. Cái chuyện đó thật là ngớ ngẩn! Y với lấy chiếc kéo cắt móng tay vứt trên bàn và đâm vào dòng chữ in họ tên như đâm vào một người nào đấy.
Thế ra y sắp đánh nhau, và đánh nhau bằng súng ngắn ư? Sao y lại không chọn đấu kiếm! Y sẽ chỉ bị một mũi đâm vào cánh tay hoặc bàn tay là cùng, còn như với súng ngắn thì ai mà lường hết được.
Y nói: “Thôi, cần phải gan góc”.
Giọng nói của y làm cho y rùng mình và y nhìn xung quanh. Y bắt đầu cảm thấy hết sức bồn chồn. Y uống một cốc nước rồi đi nằm.
Vừa lên giường, y thổi tắt nến và nhắm mắt lại.
Nằm trong chăn thật là ấm dù căn phòng của y rất lạnh, nhưng y không sao thiếp đi được. Y trăn trở, nằm ngửa dăm phút, rồi quay sang trái, rồi nghiêng sang phải.
Y vẫn còn khát. Y trở dậy để uống nước, rồi bỗng cảm thấy lo lắng: “Hay là ta sợ?”.
Tại sao tim y lại đập loạn xạ trước mỗi tiếng động quen thuộc ở trong phòng? Lúc chiếc đồng hồ có con chim cúc cu sắp điểm, tiếng cọt kẹt nhỏ của lò xo làm cho y giật nẩy mình; và y thấy nghẹt quá phải há miệng ra để thở lấy vài giây.
Y liền lập luận theo kiểu triết gia về khả năng của điều này: “Có phải ta sợ không?”.
Không, chắc chắn không phải là y sợ, vì y đã kiên quyết đi đến cùng, vì y đã dứt khoát đấu súng, chẳng run sợ. Nhưng y cảm thấy xúc động ghê gớm đến nỗi lòng tự hỏi lòng: “Người ta có thể sợ dù bản thân chẳng muốn không?”. Và nỗi hoài nghi ấy xâm chiếm tâm hồn y, nỗi lo lắng ấy, nỗi sợ hãi ấy! Nếu y bị chế ngự bởi một sức mạnh mãnh liệt hơn cả ý chí của y, một sức mạnh thống trị, không thể nào cưỡng lại được, thì sẽ ra sao? Phải, sẽ ra sao?
Chắc chắn là y sẽ đến bãi đấu súng, bởi vì y muốn đến. Nhưng nhỡ y run thì sao? Nhỡ y ngất đi thì sao? Và y nghĩ tới địa vị của y, thanh danh của y và tương lai của y.
Bỗng y thấy có nhu cầu da diết muốn trở dậy để soi mình trong gương. Y thắp lại cây nến. Khi nhìn thấy bộ mặt phản chiếu trong lớp kính nhẵn thín, y hầu như không còn nhận ra mình nữa, và tưởng chừng chưa bao giờ nhìn mình cả. Đôi mắt y có vẻ to thô lố; và y nhợt nhạt, đúng thế, y nhợt nhạt, nhợt nhạt lắm.
Thình lình, cái ý nghĩ này vụt đến với y như một viên đạn: “Ngày mai, vào giờ này, có lẽ mình đã chết rồi”. ‐ Và trái tim y lại đập loạn xạ.
Y quay về giường và nhìn thấy rõ mình đang nằm thẳng cẳng trong chính lớp chăn mền y vừa chui ra kia. Bộ mặt thì hốc hác như của người chết còn hai bàn tay thì trắng bệch không động đậy nữa.
Thế là y đâm sợ cái giường của y, và để khỏi phải trông thấy nó, y mở cửa sổ nhìn ra ngoài.
Một cái rét cắt da cắt thịt quật vào y từ đầu đến chân, và y lùi lại, thở hổn hển.
Y nảy ra ý nghĩ đốt lò sưởi. Y thong thả nhóm lò, chẳng quay đầu lại. Hai bàn tay y run lật bật khi chạm vào các đồ đạc. Đầu óc y rối loạn; các ý nghĩ quay cuồng, đứt quãng, nhớ trước quên sau, nhức nhối; trí óc y váng vất như người say rượu.
Và y băn khoăn mãi không thôi: “Ta sẽ làm gì đây? Ta sẽ ra sao đây?”.
Y lại bước đi, nhắc luôn mồm như cái máy: “Ta cần phải cương quyết, phải rất cương quyết”.
Rồi y tự nhủ: “Mình sẽ viết thư cho cha mẹ, để nhỡ có chuyện chẳng lành”.
Y lại ngồi xuống, cầm một tập giấy viết thư, nguệch ngoạc: “Ba thân yêu, má thân yêu…”.
Y thấy cách xưng hô đó quá thân mật trong hoàn cảnh bi thảm như thế này. Y xé tờ đầu tiên đi và viết lại: “Cha thân yêu, mẹ thân yêu; con sẽ đi đấu súng lúc tảng sáng, và vì rất có thể…”.
Y không dám viết tiếp nữa và đứng phắt dậy.
Cái ý nghĩ này bây giờ làm y hết hồn. “Y sẽ đi đấu súng. Y không thể tránh được chuyện đó. Vậy cái gì đã diễn ra trong người y? Y muốn đấu súng; y có ý định và quyết tâm dứt khoát ấy; và bất chấp mọi nỗ lực ý chí của y, y có cảm tưởng mình không còn duy trì được sức lực cần thiết để đi đến tận nơi quyết đấu”.
Thỉnh thoảng hai hàm răng y lại va vào nhau lập cập, và y tự hỏi:
“Địch thủ của ta đã quyết đấu bao giờ chưa? Hắn có năng lui tới trường bắn không? Hắn có tiếng tăm không? Có được xếp hạng không?” Y chưa bao giờ nghe nhắc đến cái tên ấy. Song nếu con người đó không phải là một tay súng ngắn cừ khôi, thì hắn đã chẳng chấp nhận cái vũ khí nguy hiểm ấy không do dự, chẳng bàn cãi như vậy.
Duroy liền hình dung ra cuộc đấu súng, thái độ của y và tư thế của kẻ địch. Đầu óc y mệt nhoài vì cứ tưởng tượng ra từng chi tiết nhỏ nhất của trận quyết đấu; và chợt y nhìn thấy ngay trước mặt cái lỗ nhỏ đen ngòm, sâu thẳm của chiếc nòng súng sắp vút ra một viên đạn.
Y bỗng cảm thấy một cơn tuyệt vọng kinh khủng. Toàn thân y rung lên, rùng mình rần rật. Y nghiến răng lại để khỏi kêu lên, chỉ muốn cắn muốn xé, muốn lăn lộn dưới đất. Bỗng y nhìn thấy cái cốc trên lò sưởi và nhớ ra rằng trong tủ có một lít rượu mạnh gần đầy; bởi vì y vẫn giữ thói quen của lính là sáng nào cũng giết sâu bọ.
Y cầm lấy chai rượu và kề miệng vào cổ chai nốc ừng ực. Và y chỉ đặt chai xuống lúc cần phải thở. Chai rượu vơi đi một phần ba.
Một cái nóng bừng bừng như lửa lập tức hun đốt dạ dày y, tỏa ra khắp chân tay, củng cố tâm hồn y bằng cách làm cho nó ngây ngất.
Y nghĩ bụng: “Ta có cách rồi!”. Và vì bây giờ y cảm thấy người nóng bức nên lại mở cửa sổ ra.
Trời đã tang tảng, bình lặng và giá rét. Trên kia, những vì sao hình như đang chết lịm trong nền trời hửng, còn các đèn hiệu xanh, đỏ, trắng thì nhợt đi trong cái hào sâu đường xe lửa chạy qua.
Những đầu máy đầu tiên chui ra khỏi ga ra và vừa kéo còi vừa tìm đến các đoàn tàu đầu tiên. Các đầu máy khác ở xa xa rít lên những tiếng gọi lanh lảnh và lặp đi lặp lại, đó là những tiếng kêu báo thức của chúng, như tiếng gà gáy ở thôn quê.
Duroy nghĩ: “Có thể mình sẽ không thấy lại được tất cả những cái đó nữa”. Nhưng vì cảm thấy bản thân sắp sửa lại yếu mềm, nên y cưỡng lại dữ dội: “Thôi, từ giờ cho đến lúc đấu súng, chẳng nên nghĩ tới cái gì nữa cả, đó là cách duy nhất để trở nên gan góc”.
Và y tắm rửa. Khi cạo mặt, y lại thoáng có giây phút suy sụp khi nghĩ rằng có lẽ đây là lần cuối cùng y nhìn thấy bộ mặt của y.
Y uống thêm một hớp rượu mạnh và mặc xong quần áo.
Quãng thời gian tiếp theo đó thật vô cùng nặng nề. Y đi dọc đi ngang cố làm cho tâm hồn ổn định. Khi nghe tiếng gõ cửa, suýt nữa thì y ngã vật ra, vì bị choáng ghê gớm. Đấy là những người làm chứng của y. Rồi đó!
Họ khoác áo lông, Rival tuyên bố sau khi bắt tay y:
– Rét như ở Sibérie. ‐ Rồi ông hỏi. ‐ Khỏe mạnh chứ?
– Vâng, rất khỏe.
– Bình tĩnh chứ?
– Rất bình tĩnh.
– Được, thế là tốt. Anh đã ăn uống gì chưa?
– Đã, tôi không cần cái gì nữa.
Trong dịp này, Boisrenard đeo một chiếc huân chương ngoại quốc, màu vàng và xanh lá cây, Duroy chưa thấy ông đeo nó bao giờ.
Họ đi xuống. Có một ông ngồi chờ trên chiếc xe ngựa. Rival kêu lên: “Bác sĩ Le Brument”. Duroy bắt tay, ấp úng: “Cám ơn ông”, rồi y muốn lên ngồi trên chiếc ghế dài phía trước, và ngồi phải vật gì răn rắn làm y nẩy lên như có lò xo. Đó là hộp đựng súng.
Rival nói:
– Không được! Ở cuối xe, người đấu súng và thầy thuốc ngồi cuối xe!
Duroy hiểu ra và y ngồi bẹp xuống bên cạnh bác sĩ.
Đến lượt hai người làm chứng lên xe và bác xà ích cho xe chạy. Bác biết là phải đi đâu.
Nhưng cái hộp súng làm rầy rà tất cả mọi người, nhất là Duroy, y muốn không nhìn thấy nó là hơn. Người ta thử để nó ra sau lưng; nó nghiến đau cả hông; người ta liền để dựng nó giữa Rival và Boisrenard; nó cứ rơi luôn xoành xoạch. Cuối cùng người ta luồn nó xuống dưới chân.
Chuyện trò uể oải, mặc dầu ông thầy thuốc kể các mẩu giai thoại. Chỉ có một mình Rival đáp, Duroy cũng muốn tỏ ra lanh lợi, nhưng y sợ đứt mất dòng suy nghĩ, sợ để lộ ra mình bối rối; và chỉ lo nhỡ run lên thì chẳng ra thế nào.
Chẳng mấy chốc, xe ngựa đã ra giữa chốn đồng không mông quạnh. Lúc ấy khoảng chín giờ. Đó là một trong những buổi sáng mùa đông khắc nghiệt, cả đất trời bóng loáng, dễ vỡ và rắn câng như pha lê. Cây cối phủ đầy sương giá trông như rỉ ra băng; đất kêu vang vang dưới bước chân người; không khí khô cong truyền đi rất xa từng tiếng động nhỏ nhất; bầu trời xanh óng ánh như gương, và vầng thái dương sáng chói, bản thân nó cũng lạnh, di chuyển trên không trung, phóng xuống tạo vật rét cóng những tia nắng cũng chẳng sưởi ấm được gì.
Rival bảo Duroy:
– Tôi mua súng ngắn ở hiệu của Gastine Renette. Ông ta đã đích thân nạp đạn. Hộp đựng được niêm phong. Vả chăng, sẽ rút thăm các khẩu súng này với các khẩu súng của địch thủ.
Duroy trả lời như cái máy:
– Tôi cám ơn ông.
Rồi Rival dặn dò y hết sức tỉ mỉ, vì ông không muốn người được ông che chở phạm phải một sai sót nào. Ông nhấn đi nhấn lại nhiều lần trên từng điểm một:
– Khi người ta hỏi: “Các ông đã sẵn sàng chưa?”, anh hãy trả lời thật to: “Rồi!”. Khi người ta ra lệnh: “Bắn!”, anh nâng nhanh cánh tay lên và bắn trước khi người ta đếm tới ba.
Và Duroy nhẩm đi nhẩm lại:
– Khi người ta ra lệnh bắn, mình sẽ nâng cánh tay lên… Khi người ta ra lệnh bắn, mình sẽ nâng cánh tay lên… Khi người ta ra lệnh bắn, mình sẽ nâng cánh tay lên.
Y học câu đó như trẻ con học bài, lẩm nhẩm lặp đi lặp lại đến chán ngấy để khắc sâu vào trong óc:
– Khi người ta ra lệnh bắn, mình sẽ nâng cánh tay lên.
Chiếc xe ngựa bốn bánh đi vào trong một cánh rừng, đến một đại lộ thì rẽ phải, rồi lại rẽ phải nữa. Thình lình Rival mở bật cửa xe ra và hét bảo bác xà ích: “Kia kìa, đi vào con đường nhỏ kia”. Thế là chiếc xe rẽ vào con đường mòn giữa hai vạt rừng chặt, có những chiếc lá úa viền một lớp băng giá đang run rẩy.
Duroy vẫn lẩm nhẩm:
– Khi người ta ra lệnh bắn, mình sẽ nâng cánh tay lên.
Và y nghĩ rằng một vụ tai nạn xe cộ chắc sẽ thu xếp ổn thỏa tất. Ôi! May mắn biết bao nếu chiếc xe đổ kềnh ra được, nếu y có thể tự làm què một chân!…
Nhưng xe đã đến đầu chỗ rừng thưa, y nhìn thấy một chiếc xe ngựa khác và bốn người đàn ông đang giậm chân tại chỗ cho ấm bàn chân; và y buộc phải mở miệng ra vì thấy khó thở quá.
Hai người làm chứng xuống xe đầu tiên, rồi đến ông thầy thuốc, rồi đến tay đấu súng. Rival cầm lấy hộp súng ngắn rồi cùng với Boisrenard đi về phía hai người lạ đang tiến tới. Duroy nhìn thấy họ chào nhau cung kính, rồi cùng nhau đi vào trong khu rừng thưa, khi thì nhìn xuống đất, khi thì nhìn lên cây, như thể đang tìm cái gì bị rơi hoặc bay mất. Rồi họ đếm các bước chân và cố hết sức cắm hai cái gậy xuống nền đất băng giá. Rồi họ đứng quây lại với nhau và làm các động tác tung đồng tiền sấp ngửa như trẻ con đùa nghịch.
Bác sĩ Le Brument hỏi Duroy:
– Ông cảm thấy khỏe khoắn chứ? Ông không cần gì chứ?
– Không, không cần gì, cám ơn.
Y có cảm tưởng mình đang điên, đang ngủ, đang mơ, và có một cái gì đấy siêu nhiên chợt đến bao bọc lấy y.
Y có sợ không? Có lẽ sợ chăng? Nhưng y không biết. Tất cả đều thay đổi xung quanh y.
Jacques Rival trở lại và hài lòng khẽ báo cho y biết:
– Tất cả đều đã sẵn sàng. Chúng ta thật may mắn khi được bắt thăm chọn súng.
Duroy dửng dưng với chuyện đó.
Người ta cởi áo khoác của y ra. Y để mặc cho họ cởi. Người ta nắn túi áo rơđanhgôt của y để xem có giấy má hoặc ví bảo vệ gì không.
Y cứ nhắc thầm trong bụng như cầu kinh: “Khi người ta ra lệnh bắn, mình sẽ nâng cánh tay lên”.
Rồi người ta dẫn y đến tận chỗ một chiếc gậy cắm xuống đất và trao súng cho y. Lúc đó y nhìn thấy, ngay trước mặt, gần lắm, một người thấp bé bụng phệ, đầu hói, đeo kính. Đó là địch thủ của y.
Y nhìn hắn rõ lắm, nhưng y chẳng nghĩ đến cái gì khác ngoài điều này: “Khi người ta ra lệnh bắn, mình sẽ nâng cánh tay lên và mình sẽ bắn”. Một giọng nói vang lên trong không gian yên lặng như tờ, một giọng nói như từ rất xa vọng lại và hỏi:
– Các ông đã sẵn sàng chưa? Georges nói to:
– Rồi!
Liền đó vẫn giọng nói ấy ra lệnh:
– Bắn!
Y không còn nghe gì nữa, y không còn thấy gì nữa, y không còn biết gì nữa, y chỉ cảm thấy mình vừa giơ cánh tay lên vừa lấy hết gân cốt bóp vào cò súng.
Và y chẳng nghe thấy gì hết.
Nhưng ngay lúc ấy y nhìn thấy một chút khói ở đầu nòng súng ngắn của y; và vì người trước mặt y vẫn đứng sừng sững trong tư thế như cũ, y cũng nhìn thấy một làn khói trắng khác bay lên phía trên đầu địch thủ.
Cả hai đều đã nổ súng. Thế là xong.
Hai người làm chứng và ông thầy thuốc sờ nắn người y, vừa cởi khuy áo y ra vừa lo lắng hỏi:
– Ông không bị thương chứ?
Y trả lời hú họa:
– Không, chắc là không.
Langremont cũng chẳng bị xây xát gì hơn kẻ thù của hắn; và Jacques Rival càu nhàu:
– Với khẩu súng ngắn đáng ghét này bao giờ cũng thế đấy, người ta bắn trượt nhau hoặc người ta giết nhau. Đúng là thứ dụng cụ tồi tệ!
Duroy không động đậy, đờ người ra vì sửng sốt và vui mừng: “Thế là xong!”. Y vẫn nắm chặt khẩu súng trong tay đến nỗi phải giằng mới ra. Bây giờ y tưởng chừng mình có thể đối chọi được với toàn thể vũ trụ. Thế là xong! Thật hạnh phúc biết bao! Bỗng dưng y cảm thấy mình dũng cảm, dám thách thức với bất cứ ai.
Những người làm chứng trao đổi với nhau vài phút, hẹn gặp nhau trong ngày để làm biên bản, rồi ai nấy lên xe; và bác xà ích cười ngất trên ghế ngồi, ra roi cho ngựa chạy.
Cả bốn người ăn trưa ở đại lộ, vừa ăn vừa trò chuyện về sự kiện ban sáng. Duroy phát biểu cảm tưởng của mình:
– Tôi chẳng thấy, tuyệt nhiên chẳng thấy làm sao cả. Với lại, các ông cũng thấy thế khi nhìn tôi lúc đó chứ?
Rival đáp:
– Phải, anh có tư thế đường hoàng lắm.
Khi thảo xong biên bản, người ta đưa nó cho Duroy vì y cần đăng vào mục Tin vặt. Y lấy làm lạ khi thấy nó ghi là y và Louis Langremont đã bắn nhau hai phát nên hơi băn khoăn hỏi Rival:
– Nhưng chúng tôi chỉ bắn một phát thôi cơ mà!
Rival mỉm cười:
– Phải, một phát… mỗi người một phát… vậy là hai phát.
Duroy thấy giải thích như thế cũng được nên không thắc mắc thêm nữa. Lão Walter ôm hôn y:
– Hoan hô, hoan hô, anh đã bảo vệ lá cờ của tờ Đời sống Pháp, hoan hô!
Tối hôm đó, Georges ra mắt tại các tòa báo lớn và các tiệm cà phê lớn trên đại lộ. Y gặp địch thủ của y cũng lượn lờ ở đó hai lần.
Họ không chào nhau. Nếu một trong hai người bị thương chắc họ đã bắt tay nhau. Vả chăng cả hai đều thề thốt là đã nghe thấy tiếng đạn vèo vèo của đối phương.
Hôm sau, vào khoảng mười một giờ sáng, Duroy nhận được bức điện: “Trời ơi, em hết hồn! Anh đến ngay phố Constantinople để em ôm hôn anh, anh yêu của em. Anh dũng cảm quá chừng – em yêu anh tha thiết – Clo”.
Y đến nơi hẹn và nàng lao vào trong cánh tay y, hôn lấy hôn để:
– Ôi! Anh thân yêu, giá anh biết em hồi hộp như thế nào khi đọc báo sáng nay. Ôi! Kể cho em nghe đi. Nói hết cho em nghe đi. Em muốn biết.
Y đành phải kể chi tiết, cặn kẽ. Nàng hỏi:
– Chắc là đêm hôm trước ngày đấu súng, anh trằn trọc lắm?
– Không. Anh ngủ rất ngon.
– Nếu là em, chắc em không tài nào nhắm mắt được. Còn ở trên bãi đấu súng, sự thể diễn ra thế nào, hãy kể cho em nghe đi.
Y dựng lên một câu chuyện hết sức hồi hộp:
– Khi bọn anh đứng đối diện nhau, cách hai mươi bước, chỉ bằng bốn lần chiều dài căn phòng này, Jacques hỏi đã sẵn sàng chưa, rồi ra lệnh: “Bắn!”. Anh lập tức nâng cánh tay lên, dang thẳng, nhưng sai lầm của anh là muốn bắn trúng đầu nó. Khẩu súng của anh rít quá, trong khi anh lại quen dùng những khẩu súng ngắn thật nhạy, vì thế cò súng bóp mãi mới được làm cho đường đạn bị hất lên cao. Song không đi chệch xa lắm đâu. Thằng cha ấy, nó bắn cũng khá lắm. Viên đạn của nó đã sượt thái dương anh. Anh cảm thấy cả luồng gió đạn bay.
Nàng ngồi trên đùi y và ôm lấy y như muốn cùng y chia phần nguy hiểm. Nàng ấp úng:
– Ôi! Anh yêu quý của em, anh yêu quý của em…
Rồi khi y đã kể xong, nàng bảo y:
– Anh không biết chứ, em chẳng thể nào thiếu anh được! Em cần phải được nhìn thấy anh, nhưng vì chồng em đang ở Paris, nên gặp anh chẳng thuận tiện chút nào. Thường thường mỗi buổi sáng em có được một tiếng đồng hồ rảnh rang trước khi anh ngủ dậy và em có thể đến ôm hôn anh, nhưng em không muốn vào trong ngôi nhà ghê tởm của anh. Làm thế nào bây giờ?
Y chợt nảy ra một ý và hỏi:
– Nơi này em trả bao nhiêu?
– Trăm frăng mỗi tháng.
– Thôi được, để anh trả tiền nhà và tới ở đây luôn. Căn nhà của anh không còn thích hợp với cương vị mới của anh nữa.
Nàng nghĩ ngợi một lúc rồi trả lời:
– Không. Em không bằng lòng đâu.
Y ngạc nhiên:
– Sao thế?
– Bởi vì…
– Đấy không phải là một lý do. Chỗ ở này rất hợp với anh. Anh đang ở đây. Anh ở lại đây.
Y bật cười:
– Vả chăng nó được thuê theo tên anh cơ mà. Nhưng nàng vẫn từ chối:
– Không, không, em không bằng lòng…
– Vì sao thế?
Nàng liền âu yếm thì thầm rất khẽ:
– Bởi vì anh sẽ có thể dẫn gái về đây và em không bằng lòng. Y tức giận:
– Chà, không đời nào! Anh hứa với em điều đó.
– Không, rồi anh vẫn sẽ cứ dẫn gái về.
– Anh thề với em.
– Thật không?
– Thật. Xin lấy danh dự ra thề. Đây là nhà của chúng ta, chỉ của chúng ta mà thôi.
Nàng say đắm ghì chặt lấy y:
– Vậy thì em đồng ý, anh yêu quý của em. Nhưng anh nên biết, nếu anh lừa dối em một lần, chỉ một lần thôi, giữa chúng ta sẽ chẳng còn gì nữa, mãi mãi chẳng còn gì nữa.
Y lại thề thốt thêm với những lời cam kết, và hai người thỏa thuận là y sẽ dọn đến ở ngay trong ngày hôm ấy để nàng có thể nhìn thấy y mỗi khi nàng đi qua cửa.
Rồi nàng bảo y:
– Dù thế nào đi nữa, Chủ nhật anh cũng cứ đến nhà ăn tối nhé! Chồng em thấy anh rất dễ thương.
Y nở mũi:
– Ồ! Thật ư?…
– Thật, anh đã chinh phục được ông ấy đấy. Nhưng này, anh đã kể với em là hồi nhỏ anh được nuôi nấng trong một lâu đài ở thôn quê phải không?
– Phải, thì sao?
– Thế thì chắc anh phải hiểu biết ít nhiều về trồng trọt chứ?
– Biết.
– Vậy anh cứ nói chuyện với ông ấy về vườn tược đồng áng, ông ấy khoái thế lắm!
– Được, anh sẽ không quên.
Nàng ra về sau khi đã ôm hôn y mãi không thôi, vì cuộc đấu súng đã làm cho tình yêu của nàng càng thêm nồng thắm.
Còn Duroy thì cứ nghĩ ngợi trong khi đi đến tòa báo: “Một con người mới kỳ quặc chứ! Một đầu óc lạ lùng chưa! Ai mà biết được nàng muốn gì và thích gì? Và một cặp vợ chồng mới kỳ quặc làm sao! Chẳng biết ông tơ bà nguyệt nào đã xe duyên cho ông già kia với cô nàng mất trí nọ? Ông thanh tra ấy đã lập luận thế nào mà lại đi cưới ả sinh viên này? Thật là bí ẩn! Ai biết? Có lẽ tình yêu chăng?”.
Rồi y kết luận: “Một ả nhân tình dễ thương quá! Ta phải là đứa khờ khạo lắm mới buông thả cô nàng ra”.