Ông Bạn Đẹp - Chương 06
6
* * *
Hôm sau, Georges Duroy buồn bã thức dậy.
Y chậm chạp mặc quần áo, rồi ngồi trước cửa sổ nghĩ ngợi miên man. Y cảm thấy toàn thân mỏi nhừ như thể hôm trước vừa bị một trận đòn.
Rồi y lại bị thôi thúc bởi nhu cầu bức bách kiếm cho ra tiền nên đi tới nhà Forestier.
Anh bạn tiếp y trong phòng làm việc, hai chân đặt trước lò sưởi.
– Có chuyện gì mà cậu dậy sớm thế?
– Một chuyện rất nghiêm trọng. Tớ có món nợ danh dự.
– Cờ bạc à?
Y tần ngần rồi thú nhận:
– Cờ bạc.
– Lớn không?
– Năm trăm frăng.
Thực ra y chỉ nợ hai trăm tám chục frăng.
Forestier hoài nghi hỏi:
– Cậu nợ ai số tiền đó?
Duroy không thể trả lời ngay lập tức:
– À… nợ… nợ… một ông tên là De Carleville.
– Này! Thế ông ta ở đâu?
– Ở phố… phố…
Forestier bật cười:
– Phố hươu phố vượn phải không? Tớ biết cái ông ấy, cậu ạ. Nếu cậu muốn hai chục frăng thì tớ có cho cậu đây, nhưng không có hơn đâu.
Duroy đành nhận đồng tiền vàng ấy.
Rồi y lần lượt đi từ cửa này sang cửa khác đến nhà tất cả những người quen biết, và đến khoảng năm giờ chiều thu được tổng cộng tám chục frăng.
Vì còn cần kiếm thêm hai trăm frăng nữa, y liền đi tới quyết định dứt khoát, giữ lấy số tiền đã thu thập được và lẩm bẩm: “Xì, chẳng hơi đâu mà băn khoăn lo lắng vì con mẹ đó. Khi nào trả được mình sẽ trả”.
Trong nửa tháng trời, y sống tằn tiện, nề nếp và trong trắng, đầu óc chứa chan những ý định cương quyết. Rồi y bỗng nổi cơn thèm khát yêu đương. Y tưởng chừng nhiều năm đã trôi qua mà chưa được ôm ấp đàn bà trong tay, và giống như chàng thủy thủ sướng điên lên khi thấy lại đất liền, gặp cái váy nào y cũng run lên bần bật.
Thế là một tối, y trở lại Folies‐Bergère với hy vọng gặp được Rachel. Vừa vào đến nơi là y nhìn thấy ả thật, vì ả có mấy khi rời cái rạp này đâu.
Y tươi cười giơ bàn tay ra tiến về phía ả. Nhưng ả chằm chằm nhìn y từ đầu đến chân:
– Ông muốn gì ở tôi?
Y gượng cười:
– Thôi, đừng làm bộ nữa.
Ả vừa quay ngoắt đi vừa tuyên bố:
– Tôi không giao du với bọn Sở Khanh.
Ả đã tìm ra được lời lăng nhục thô bạo nhất. Y cảm thấy mặt đỏ dừ và lủi thủi ra về.
Forestier ốm yếu, vẫn ho sù sụ, bày công vẽ việc nặng nhọc chán mớ đời cho Duroy ở tòa báo, dường như anh vắt óc nghĩ ra đủ cách để hành y. Thậm chí có hôm, trong lúc bực dọc, sau một cơn ho rũ rượi thở không được, thấy Duroy không mang nộp tin tức như đã định, anh càu nhàu:
– Mẹ kiếp, tớ không ngờ cậu lại ngu đần đến thế!
Duroy toan cho anh một cái tát, nhưng y kìm lại và vừa bỏ đi vừa lẩm bẩm: “Cậu, cậu cứ liệu đấy!”. Một ý nghĩ vụt qua trong óc, y thêm: “Tớ sẽ làm cho cậu mọc sừng cho mà coi, ông bạn ạ”. Rồi hoan hỉ với cái ý đồ ấy, y xoa tay bỏ đi.
Y muốn bắt đầu thực hiện việc đó ngay từ hôm sau. Y đến chơi nhà nàng Forestier để thăm dò.
Y thấy nàng đang nằm dài đọc sách trên tràng kỷ.
Nàng vẫn không nhúc nhích, chỉ quay đầu lại, giơ bàn tay ra và nói:
– Chào Ông Bạn Đẹp.
Y có cảm giác như vừa bị ăn một cái tát:
– Sao chị lại gọi tôi như vậy?
Nàng mỉm cười trả lời:
– Tôi gặp De Marelle tuần trước và biết anh đã được đặt tên ra sao ở nhà chị ấy.
Y yên lòng trước vẻ dễ thương của người thiếu phụ. Vả lại, việc gì mà y phải lo sợ.
Nàng lại nói:
– Anh biệt đãi chị ấy quá! Còn tôi, khi nào nhớ ra người ta mới tới thăm vào những ngày Ba mươi lăm, Ba mươi sáu hàng tháng chứ gì?
Y ngồi xuống bên nàng, và nhìn nàng với vẻ tò mò mới lạ, vẻ tò mò của một kẻ ham mê sưu tầm đồ mỹ nghệ. Nàng thật là duyên dáng, tóc vàng nâu, màu vàng nâu nhạt và ấm, sinh ra là để cho người ta âu yếm vuốt ve; và y nghĩ: “Cô nàng này dứt khoát hơn đứt cô nàng kia”. Y không nghi ngờ gì về sự thành công, và có cảm tưởng chỉ việc vươn tay ra và nắm lấy nàng như người ta hái hoa quả.
Y nói dứt khoát:
– Tôi đã không tới thăm chị bởi vì chẳng tới thì hơn. Nàng không hiểu nên hỏi:
– Sao? Tại sao?
– Tại sao à? Chị không đoán ra ư?
– Không, hoàn toàn không.
– Bởi vì tôi phải lòng chị… Ồ! Một chút, chỉ một chút thôi… và tôi không muốn phải lòng chị hoàn toàn…
Nàng có vẻ chẳng ngạc nhiên, chẳng khó chịu, chẳng thích thú; nàng tiếp tục mỉm cười với nụ cười hờ hững, và bình thản đáp:
– Ồ! Anh có thể cứ đến cũng không sao. Người ta chẳng bao giờ phải lòng tôi được lâu đâu.
Y ngạc nhiên về giọng nói còn hơn là về lời nói, và y hỏi:
– Sao thế?
– Bởi vì phải lòng cũng vô ích và tôi tỏ thái độ ngay lập tức cho mà hiểu. Nếu anh cho tôi biết sớm hơn nỗi e ngại của anh thì tôi đã làm cho anh được yên tâm và trái lại còn động viên anh đến thăm tôi càng sớm càng tốt.
Y thốt lên bằng một giọng bi tráng:
– Thế ra người ta có thể chế ngự tình cảm như vậy!
Nàng quay về phía y:
– Anh bạn thân mến ạ, đối với tôi, một gã đàn ông đa tình sẽ bị xóa tên khỏi số những người còn sống. Hắn trở nên ngốc nghếch, không chỉ ngốc nghếch mà còn nguy hiểm. Biết ai đem lòng yêu dấu hoặc tỏ vẻ yêu dấu tôi, tôi liền thôi không chơi thân với họ nữa, bởi vì trước hết họ làm tôi chán ngấy, rồi sau tôi thấy họ đáng ngờ như con chó dại chưa biết lên cơn lúc nào. Tôi liền cách ly tinh thần họ ra cho tới khi nào cơn bệnh qua đi. Anh chớ quên điều đó. Tôi biết rằng tình yêu đối với anh chẳng qua chỉ là một thứ thèm muốn, còn đối với tôi, trái lại, là một thứ… một thứ… tâm đầu ý hợp mà bọn đàn ông chẳng coi ra gì. Anh hiểu cái nghĩa đen của tình yêu, còn tôi thì hiểu tinh thần của nó. Nhưng… anh hãy nhìn thẳng vào mặt tôi đây này.
Nàng không tươi cười nữa. Nàng có bộ mặt bình thản, lạnh lùng, và nàng nhấn từng lời một:
– Tôi sẽ không bao giờ là nhân tình của anh, anh hiểu cho. Anh mà cứ đeo đẳng mãi điều ham muốn ấy thì không chỉ hoàn toàn mất công vô ích mà còn chẳng hay ho gì nữa là khác… Và bây giờ… đã nói thẳng ra rồi… anh có muốn chúng ta là bạn, là bạn tốt của nhau, có nghĩa thực sự là bạn, chẳng mang ẩn ý gì hay không?
Y hiểu rằng mọi mưu toan đều vô ích trước lời phán quyết dứt khoát ấy. Y liền đi tới quyết định ngay tức khắc, một cách thẳng thắn, và lấy làm sung sướng được kết thân với nàng trong cuộc đời, y giơ cả hai bàn tay ra cho nàng:
– Chị ơi, chị muốn thế nào tôi cũng nghe theo.
Nàng cảm thấy lời y nói có vẻ chân thành, nên cũng đưa đôi bàn tay mình ra.
Y hôn từng bàn tay một rồi ngẩng đầu lên nói một cách thực thà:
– Ôi, nếu tôi được gặp một người đàn bà như chị, và được cưới làm vợ thì hạnh phúc biết bao!
Lần này thì nàng cảm động vì câu nói ve vuốt ấy như phụ nữ vẫn cảm động trước lời tán tụng thấm được vào lòng mình, nàng liền lướt về phía y một trong những cái nhìn chớp nhoáng và biết ơn, nó làm cho người ta phải mê mẩn tâm thần.
Rồi trong lúc y chưa biết chuyển tiếp ra sao để tiếp tục cuộc trò chuyện, nàng đặt một ngón tay lên cánh tay y và dịu dàng nói:
– Và tôi sẽ bắt đầu ngay tức khắc cương vị bè bạn của tôi. Anh vụng về lắm, anh bạn ạ…
Nàng ngập ngừng và hỏi:
– Tôi có thể nói thoải mái được không?
– Được.
– Hoàn toàn chứ?
– Hoàn toàn.
– Thế này nhé! Anh đến thăm bà Walter đi, bà đánh giá anh cao lắm đấy, và hãy làm cho bà mến anh. Anh sẽ có chỗ để mà tung ra những lời tán tụng, tuy bà là người đứng đắn, hoàn toàn đứng đắn, mong anh hiểu cho. Ôi! Cũng chẳng có hy vọng… hy vọng… vớ bẫm gì về phía ấy đâu. Nếu khéo xử sự, có thể anh sẽ được khấm khá hơn. Tôi biết địa vị của anh ở tòa báo còn thấp kém. Nhưng anh đừng sợ gì cả, họ tiếp đãi tất cả các biên tập viên của họ tử tế như nhau. Tới đấy đi, anh cứ tin ở tôi.
Y mỉm cười đáp:
– Cám ơn, chị là một thiên thần… một vị thần hộ mệnh.
Rồi hai người nói sang những chuyện khác.
Y ngồi chơi rất lâu và muốn tỏ ra là vui thích khi được ở gần nàng; và đến lúc ra về, y còn hỏi:
– Dứt khoát chúng ta là bạn của nhau chứ?
– Dứt khoát.
Vì cảm thấy lời tán tụng lúc nãy có hiệu lực, nên y nhấn mạnh, nói thêm:
– Và nếu khi nào chị góa chồng, tôi xin ghi tên đấy.
Rồi y bỏ chạy rất nhanh, không để cho nàng kịp nổi giận.
Duroy hơi lúng túng về chuyện đến thăm bà Walter, vì y không được phép tự tiện tới nhà bà, và y không muốn mắc phải sai phạm vụng về trong xử sự. Lão chủ báo tỏ ra tử tế với y, đánh giá cao những việc làm của y, ưng sử dụng y hơn những người khác vào các công việc khó khăn; sao y lại không lợi dụng sự quý mến ấy để len lỏi vào nhà?
Thế là một hôm y dậy sớm, rồi ra chợ vào lúc người ta đã bày bán các hàng hóa, bỏ mười frăng mua hai chục quả lê rất to. Y cho lê vào một cái giỏ, chằng buộc cẩn thận để tỏ ra là chúng được đưa từ xa về, rồi đem đến nhà người gác cổng của bà chủ báo với tờ danh thiếp ghi:
“GEORGES DUROY
Kính cẩn xin bà Walter nhận cho mấy trái cây này,
tôi vừa nhận được sáng nay từ Normandie gửi về.”
Hôm sau y thấy trong hộp thư của y ở tòa báo có chiếc phong bì hồi âm đựng tấm danh thiếp của bà Walter, bà viết: “Cám ơn anh sâu sắc, anh Georges Duroy, và thứ Bảy nào tôi cũng ở nhà, không đi đâu cả”.
Thứ Bảy sau đó, y tới.
Lão Walter ở đại lộ Malesherbes trong hai ngôi nhà liền nhau thuộc quyền sở hữu của lão, một phần đã được lão cho thuê, đó là phương sách tiết kiệm của những con người thực tế. Chỉ có một bác gác cổng duy nhất ở lọt vào giữa hai cổng xe để kéo dây mở cửa cho chủ nhân và cho người thuê nhà, và đem lại cho hai cửa ra vào cái vẻ uy nghi trang trọng của các dinh thự giàu có nhờ ở tư thế oai phong như lính gác cổng nhà thờ của bác, nhờ ở đôi bắp chân mập mạp đi tất trắng và bộ áo tiếp tân cúc vàng, ve áo màu đỏ thắm.
Các phòng tiếp tân ở trên lầu một, phía trước có tiền sảnh rèm che trướng rủ. Hai tên đầy tớ ngồi trên ghế ngủ gà ngủ gật, một trong hai tên đỡ lấy áo khoác cho Duroy, còn tên kia đỡ lấy cây gậy, mở một cái cửa đi trước khách vài bước, rồi né sang một bên, lấy lối cho khách đi và xướng to tên khách vào một căn phòng vắng vẻ.
Chàng thanh niên bối rối nhìn khắp xung quanh và chợt nhìn thấy trong một tấm gương mấy tên đầy tớ đang ngồi và hình như ngồi rất xa. Thoạt đầu, y nhầm phương hướng vì tấm gương làm lạc hướng mắt y, rồi y đi ngang qua hai phòng khách vắng vẻ nữa để tới một loại phòng khách nhỏ căng lụa nền xanh hoa vàng trong có bốn người phụ nữ đang ngồi lầm rầm trò chuyện quanh chiếc bàn tròn trên bày các chén trà.
Mặc dù bản thân tràn đầy tự tin do cuộc sống của y ở Paris đem lại, và nhất là do nghề nghiệp phóng viên khiến y phải thường xuyên tiếp xúc với các nhân vật đặc biệt, nhưng Duroy vẫn cảm thấy hơi rụt rè e sợ do cách bố trí ở cổng vào và do phải đi qua những phòng khách vắng vẻ.
Y vừa ấp úng vừa đưa mắt tìm nữ chủ nhân:
– Thưa bà, tôi mạo muội…
Bà giơ bàn tay ra, y nghiêng mình đỡ lấy, và bà bảo y:
– Anh ơi, anh thật là quý hóa đã đến thăm tôi.
Bà trỏ cho y một cái ghế, y định ngồi nhưng rơi phịch xuống, vì cứ tưởng ghế cao hơn nhiều.
Ai nấy đều đang im lặng. Rồi một bà lại nói tiếp. Bà ta nói về cái rét đang trở nên dữ dội, tuy thế vẫn chưa đủ rét để ngăn chặn bệnh dịch thương hàn và cho phép người ta đi trượt tuyết. Và mỗi bà đều tham gia ý kiến vào cái mở màn mùa đông giá ấy ở Paris; rồi các bà phát biểu thích mùa nào, mùa nào hơn với mọi lý do tầm thường vô vị đầy rẫy trong các đầu óc như bụi bặm đầy rẫy trong các căn nhà.
Có tiếng kẹt cửa nhè nhẹ khiến Duroy quay đầu lại và y nhìn thấy qua hai tấm gương không tráng thủy ngân một bà to béo đang đi tới. Bà vừa vào đến nơi thì một trong mấy bà khách đứng lên, bắt tay mọi người rồi đi ra; và chàng thanh niên nhìn theo tấm lưng màu đen lấp lánh những viên ngọc huyền của bà qua các phòng khách khác.
Khi cái xáo động do người ra kẻ vào đã lắng xuống, bỗng dưng chẳng có chuyển tiếp gì cả mà cuộc trò chuyện chuyển sang vấn đề Marôc và cuộc chiến tranh ở phương Đông, và cả những cái lúng túng của nước Anh ở cuối châu Phi.
Các bà bàn bạc thuộc lòng những chuyện đó, chẳng khác nào như đang diễn tấu một vở hài kịch thế tục và đứng đắn, được diễn đi diễn lại luôn.
Có người nữa vào, đó là một phụ nữ bé nhỏ tóc vàng nâu uốn quăn, khiến cho một bà cao lớn gầy gò, vào trạc trung niên đi ra.
Và mọi người nói chuyện về việc ông Linet may ra có thể vào được Viện Hàn lâm. Bà mới tới tin chắc là ông ta sẽ bị đánh bại bởi ông Cabanon Lebas, tác giả bản Don Quichotte chuyển thể rất hay ra thơ Pháp để diễn trên sân khấu.
– Các bà biết là vở đó sẽ được diễn ở rạp Odéon vào mùa đông tới chứ?
– A! Đúng thế. Nhất định tôi sẽ đi xem sự thể nghiệm mang đậm tính văn chương ấy.
Bà Walter trả lời rất có duyên, với vẻ bình thản và dửng dưng, ý kiến luôn luôn sẵn sàng từ trước, đã định nói gì là chẳng bao giờ ngập ngừng.
Nhưng do nhận thấy trời đã tối nên bà vừa bấm chuông gọi mang đèn lên, vừa lắng nghe cuộc trò chuyện đang tuôn chảy như một dòng suối, vừa nghĩ bụng là đã quên tới hiệu thợ khắc để in thiếp mời dự bữa ăn tối lần sau.
Bà hơi mập mạp quá, song còn đẹp, ở cái tuổi nguy cơ nhan sắc sắp tàn phai. Bà duy trì được vẻ đẹp đó nhờ sự ra sức chăm sóc, phòng ngừa, giữ gìn vệ sinh và bôi kem đánh phấn. Bà xem ra là người chừng mực, phải chăng, về mọi mặt đều khôn ngoan thận trọng, loại đàn bà đầu óc ngang bằng sổ ngay như một khu vườn kiểu Pháp. Người ta đi lại trong đó chẳng gặp điều chi bất ngờ mà vẫn thấy có cái gì kỳ thú. Bà có lý trí, một lý trí tinh tế, kín đáo và đáng tin cậy, thay cho nét phóng túng, cho lòng tốt, cho sự tận tâm, và bà có lòng khoan dung thầm lặng, rộng mở với mọi người và mọi vấn đề.
Bà nhận thấy Duroy không hé răng lấy một lời, chẳng nói gì với bà cả, và hình như có phần nào không được thoải mái; và vì các phụ nữ kia chẳng phải từ trong Viện Hàn lâm đi ra, nên bàn bạc mãi về cái đề tài thích thú ấy mà chưa dứt, bà liền hỏi:
– Thế còn anh Duroy, chắc hẳn nắm vững tin tức hơn mọi người, anh ưa thích ai hơn?
Y trả lời ngay không lưỡng lự:
– Thưa bà, trong vấn đề này, tôi chẳng bao giờ xem xét đến tài cán của các ứng cử viên, vì tài cán luôn luôn có thể tranh cãi, mà tôi xét đến tuổi tác với sức khỏe của họ. Tôi sẽ không hỏi họ có các danh hiệu gì, mà có bệnh tật gì. Tôi sẽ không tìm hiểu xem họ có dịch Lope de Vega ra văn vần hay không, mà xem tình trạng buồng gan, quả tim, bộ thận và tủy sống của họ thế nào. Đối với tôi, một chứng phù thũng gay go, một chứng thừa abumin trầm trọng trong nước tiểu và nhất là giai đoạn đầu kịch phát của chứng mạch máu lưu thông không đều còn giá trị hơn gấp trăm lần so với bốn mươi tập sách bàn luận dông dài về ý niệm Tổ quốc trong thơ ca xứ Barbarie.
Tất cả im lặng ngỡ ngàng khi nghe ý kiến ấy.
Bà Walter tươi cười nói:
– Tại sao vậy? Y đáp:
– Bởi vì xưa nay tôi chỉ tìm kiếm xem phụ nữ thích thú cái gì. Thế mà, thưa bà, Viện Hàn lâm chỉ thực sự làm cho các bà quan tâm khi một viện sĩ qua đời. Họ càng chết nhiều, các bà chắc càng sung sướng. Mà muốn cho họ chóng chết thì phải bổ nhiệm những vị già cả và ốm yếu.
Thấy ai nấy có vẻ hơi sững sờ, y thêm:
– Tôi thì cũng như các bà thôi và tôi rất thích đọc trong mục Tin vặt Paris cái chết của một viện sĩ hàn lâm. Tôi nghĩ bụng ngay lập tức: “Ai sẽ thay thế lão ta?”. Và tôi liệt kê danh sách. Đó là một trò chơi, một trò chơi vặt vãnh rất lý thú mà trong tất cả các phòng khách ở Paris người ta đều chơi mỗi khi có một viện sĩ từ trần: “Trò chơi thần chết và bốn mươi lão già”.
Các bà tuy vẫn còn hơi ngỡ ngàng, nhưng đã bắt đầu mỉm cười vì nhận xét của y đúng quá.
Y đứng dậy và kết luận:
– Thưa các bà, chính các bà bổ nhiệm họ, và chỉ bổ nhiệm để nhìn thấy họ chết đi. Vậy các bà hãy lựa chọn những vị già khụ, càng già càng tốt và đừng bao giờ quan tâm đến cái khác.
Rồi y đi ra, điệu bộ rất có duyên.
Y vừa đi khỏi, một bà tuyên bố:
– Anh chàng nhộn thật đấy! Ai thế?
Bà Walter trả lời:
– Một biên tập viên của chúng tôi, anh còn đang làm công việc vặt ở báo, nhưng tôi tin rằng anh sẽ thành đạt rất nhanh chóng.
Duroy xuống đại lộ Malesherbes, lòng vui như mở cờ, chân bước đi như múa, hài lòng về trận xuất kích và lẩm bẩm: “Bước khởi đầu tốt đẹp”.
Tối hôm ấy, y giải hòa với Rachel.
Tuần lễ tiếp theo đem đến cho y hai sự kiện. Y được cử làm trưởng mục Tin vặt và được mời đến ăn tối tại nhà bà Walter. Y nhận thấy ngay lập tức mối liên hệ giữa hai cái tin này.
Đời sống Pháp trước hết là một tờ báo vụ lợi, vì lão chủ báo là một con người vụ lợi dùng báo chí và chức nghị sĩ làm đòn bẩy. Lão lấy sự hiền từ chất phác làm vũ khí, và luôn luôn xoay xở dưới cái mặt nạ tươi cười ra vẻ con người trung hậu, nhưng lão chỉ sử dụng vào các công việc của lão, bất cứ là công việc gì, những kẻ mà lão đã thăm dò, thử thách, đánh hơi, lão cảm thấy là họ xảo quyệt, táo tợn và khôn khéo. Duroy được cử làm trưởng mục Tin vặt vì đối với lão, y là một tay có tài.
Chức vụ đó từ trước đến nay do ông Boisrenard, thư ký tòa soạn, phụ trách. Ông là một nhà báo già đứng đắn, đúng giờ giấc và tỉ mỉ như một công chức. Từ ba chục năm nay, ông đã là thư ký tòa soạn của mười một tờ báo khác nhau, mà cung cách làm ăn của ông vẫn chẳng thay đổi tí gì. Ông chuyển từ tòa soạn này sang tòa soạn khác như người ta thay đổi tiệm ăn, mà hầu như không nhận thấy là cách nấu nướng chẳng hoàn toàn cùng theo một khẩu vị. Ông để ngoài tai các ý kiến về chính trị và tôn giáo. Đối với báo nào thì ông cũng tận tụy, cũng thành thạo trong công việc và có kinh nghiệm quý báu như nhau. Ông làm việc như một người mù chẳng nhìn thấy gì, một người điếc chẳng nghe thấy gì, và như một người câm chẳng bao giờ nói năng gì cả. Tuy thế, ông có tính trung thực nghề nghiệp rất cao, và chẳng làm điều gì mà ông thấy là không lương thiện, trung thực và đứng đắn theo quan điểm nghiệp vụ riêng biệt của mình.
Lão Walter tuy đánh giá ông rất cao, song vẫn thường ao ước có một người khác để giao cho mục Tin vặt, vì lão bảo rằng đó là mục cốt tủy của tờ báo. Chính nhờ mục này mà người ta tung dư luận, phao tin đồn, tác động đến công chúng và đến lợi tức. Giữa hai buổi dạ hội của giới thượng lưu, cần phải biết luồn vào cái điều quan trọng mà vẫn tỉnh bơ, không nói thẳng ra mà bóng gió xa gần. Cần phải dùng lối ẩn ý hiểu ngầm để làm cho người ta đoán ra điều mình muốn nói, cải chính thế nào đấy để thiên hạ cứ tin vào lời đồn đại, và khẳng định thế nào đó để chẳng ai tin vào điều mình nói ra. Phải làm sao để trong mục Tin vặt, mỗi người mỗi ngày ít nhất tìm thấy được một dòng liên quan đến mình, để cho tất cả mọi người đọc nó. Cần phải nghĩ đến tất cả mọi sự và tất cả mọi người, mọi giới, mọi nghề nghiệp, nghĩ đến Paris và Hàng tỉnh, đến quân đội và các họa sĩ, đến giới tu hành và giới đại học, đến các quan tòa và các kỹ nữ.
Người phụ trách các tin vặt và chỉ huy tiểu đoàn các phóng viên phải luôn luôn chú ý, luôn đề phòng, biết ngờ vực, biết lo xa, xảo quyệt, nhanh nhẹn và mềm dẻo, nắm vững mọi mánh khóe, và có tài nhạy bén chẳng bao giờ sai để chỉ liếc mắt là thấy được chỗ có vấn đề, để nhận định cái gì nên nói ra và nên giấu đi, để đoán được điều gì sẽ tác động đến công chúng; và người đó phải biết cách đưa tin thế nào đó để tăng hiệu quả.
Ông Boisrenard có thực tiễn nghiệp vụ lâu năm, nhưng thiếu chủ động và khôn ngoan; đặc biệt ông thiếu cái mưu mô xảo quyệt bẩm sinh cần thiết để hàng ngày dò được các ý nghĩ thầm kín của chủ.
Duroy chắc sẽ làm công việc này một cách mỹ mãn, và y là sự bổ sung tuyệt diệu cho tòa soạn của cái tờ báo “bơi lướt trên các luồng của Quốc gia và các lạch của chính trị” như Norbert de Varenne nói.
Những kẻ khởi xướng và biên tập viên thực sự của tờ Đời sống Pháp là khoảng nửa tá các nghị sĩ có dính líu đến tất cả các vụ đầu cơ do lão chủ báo tung ra hoặc ủng hộ ở Nghị viện, người ta gọi họ là “bè lũ của Walter”, và người ta ganh ghét họ, vì chắc là họ kiếm tiền với lão và qua lão.
Forestier, biên tập viên chính trị, chỉ là con bù nhìn của các nhà kinh doanh kia, là kẻ thi hành những ý định mà họ gợi ra. Họ gợi ý cho anh những bài xã luận, mà bao giờ anh cũng mang về viết ở nhà, bảo rằng để cho được yên tĩnh.
Nhưng để cho tờ báo có dáng dấp văn chương và dáng dấp Paris, người ta đã móc ngoặc với hai nhà văn danh tiếng ở các thể loại khác nhau, Jacques Rival, nhà bình luận thời sự, và Norbert de Varenne, nhà thơ và ký giả phóng túng, hay đúng hơn là người viết truyện theo trường phái mới.
Rồi người ta còn kiếm được với giá rẻ những nhà phê bình nghệ thuật, hội họa, âm nhạc, sân khấu, một biên tập viên về các vụ hình sự, và một biên tập viên về môn thể thao đua ngựa trong số bọn văn sĩ viết thuê sẵn sàng làm bất cứ việc gì. Hai phụ nữ hào hoa là “Áo đôminô hồng” và “Bàn tay ngà ngọc” gửi đến tòa soạn các bài tạp văn phù phiếm, bàn về những vấn đề về thời trang, về đời sống thanh lịch, về nghi thức, về phép lịch sự, và tiết lộ những chuyện về các bậc phu nhân.
Và tờ Đời sống Pháp bơi lướt trên các luồng và các lạch, do tất cả những bàn tay khác nhau ấy thao tác.
Duroy đang mừng rơn khi được bổ nhiệm vào chức vụ trưởng mục Tin vặt thì nhận được tấm bìa cứng nhỏ in mấy hàng chữ: “Ông bà Walter mời ông Georges Duroy vui lòng đến dự bữa ăn tối tại nhà vào thứ Năm, ngày Hai mươi tháng Giêng”.
Cái đặc ân mới này dồn đến với đặc ân kia làm cho y mừng vui khôn xiết đến nỗi y hôn chiếc thiếp mời chẳng khác nào hôn lá thư tình. Rồi y đi gặp thủ quỹ để bàn về vấn đề tiền nong rất quan trọng.
Người phụ trách mục Tin vặt thường có ngân sách riêng để trả cho các phóng viên và các mẩu tin, hoặc tốt hoặc xoàng do người này hay kẻ khác mang tới, như các nhà làm vườn mang sản vật đến cửa hàng buôn bán hoa quả đầu mùa.
Duroy được cấp lúc đầu một ngàn hai trăm frăng mỗi tháng, và y dự định giữ lại một phần lớn.
Do yêu cầu tha thiết của y, viên thủ quỹ cuối cùng cũng đồng ý ứng trước cho y bốn trăm frăng. Thoạt đầu, y có dự định dứt khoát gửi trả nàng De Marelle hai trăm tám chục frăng tiền nợ, nhưng liền ngay đó y lại nghĩ rằng nếu vậy sẽ chỉ còn lại trong tay một trăm hai chục frăng, hoàn toàn không đủ để cho cái mục mới của mình được chạy đều, nên y hoãn lại để rồi trả sau.
Trong hai ngày y sắp xếp chỗ làm việc của y, vì y được thừa hưởng một cái bàn riêng biệt và những cái tủ nhiều ngăn để đựng thư trong căn phòng rộng dùng chung cho cả tòa soạn. Y chiếm một đầu phòng, còn Boisrenard với mái tóc đen, bất chấp tuổi tác, luôn luôn cúi xuống một tờ giấy, thì ngồi ở đầu phòng bên kia.
Chiếc bàn dài kê ở giữa phòng dành cho các biên tập viên lưu động. Thông thường nó được dùng làm ghế để ngồi, hoặc ngồi buông thõng chân quanh mép bàn, hoặc ngồi xếp bằng tròn ở giữa. Đôi khi năm sáu tay ngồi xổm trên chiếc bàn ấy và kiên trì chơi binbôkê, tư thế giống như những con khỉ Trung Hoa.
Duroy cuối cùng thấy thích cái trò tiêu khiển này, và chơi mỗi ngày một khá, nhờ sự hướng dẫn và những lời góp ý của Saint‐Potin.
Forestier ngày càng đau nặng hơn, nên đã giao cho y bộ binbôkê đẹp bằng gỗ mun của anh, bộ mua gần đây nhất, vì anh thấy nó hơi nặng, và Duroy vừa dùng cánh tay lực lưỡng điều khiển quả cầu to màu đen ở đầu sợi dây, vừa đếm khe khẽ: “Một ‐ hai ‐ ba ‐ bốn ‐ năm ‐ sáu”.
Lần đầu tiên y chơi được hai mươi quả liên tiếp, đúng vào ngày y phải đến ăn tối tại nhà bà Walter. “Một ngày tốt lành”, y nghĩ, “ta đạt được mọi thắng lợi”. Bởi vì ai chơi binbôkê giỏi sẽ được kính nể trong các phòng làm việc của tờ Đời sống Pháp.
Y rời tòa soạn sớm để có thời gian sửa soạn quần áo, và đang đi ngược phố Luân Đôn thì nhìn thấy một phụ nữ bé nhỏ có dáng dấp như nàng De Marelle bước đi thoăn thoắt phía trước. Y cảm thấy mặt nóng bừng lên và tim đập rộn ràng. Y đi tạt sang bên kia đường để nhìn nàng ở góc độ nghiêng. Thiếu phụ cũng dừng lại để sang đường. Té ra nhầm; y thở phào.
Y vẫn thường băn khoăn phải xử trí ra sao khi gặp nàng trực diện. Nên chào nàng ư, hay nên lờ đi như không trông thấy?
“Ta sẽ không gặp nàng”, y nghĩ.
Trời rét, các rãnh nước bên lề đường đóng băng phình ra. Các vỉa hè thì khô ráo và có màu xám dưới ánh đèn đường.
Khi về đến nhà, chàng thanh niên nghĩ: “Phải đổi chỗ ở thôi. Bây giờ chỗ này không còn xứng với mình nữa”. Y cảm thấy phấn chấn vui vẻ, có thể chạy trên mái nhà, và y vừa đi từ giường ra cửa sổ, vừa lớn tiếng nhắc đi nhắc lại: “Vận may đến rồi ư? Đó là vận may! Mình phải viết thư cho cha mới được”.
Thỉnh thoảng y viết thư thăm cha; và lá thư bao giờ cũng đem niềm vui sôi nổi đến cho cái quán nhỏ miền Normandie, bên lề đường, trên đầu dốc cao, từ đó bao quát được cả Rouen và thung lũng sông Seine bát ngát.
Thỉnh thoảng y cũng nhận được một chiếc phong bì màu xanh của cha, địa chỉ viết bằng chữ to run run, và mở đầu thư bao giờ cũng là những dòng sau đây:
“Con yêu quý, lá thư này báo tin để con rõ cha mẹ đều khỏe mạnh. Ở quê ta chẳng có gì lạ. Tuy nhiên cha sẽ cho con biết…”.
Và lòng y thiết tha gắn bó với những chuyện xảy ra ở thôn làng, với các tin tức của bà con hàng xóm, và với tình trạng ruộng đất, mùa màng.
Y vừa thắt chiếc ca vát trắng trước tấm gương con vừa nhắc đi nhắc lại: “Ta phải viết thư cho cha ngay ngày mai. Ông cụ mà nhìn thấy ta tối nay trong tòa nhà nơi ta đến, chắc cụ sửng sốt phải biết! Mẹ kiếp, lát nữa ta sẽ dự một bữa tiệc mà ông cụ chưa bao giờ được biết đến trong đời”. Và bất chợt y nhìn thấy hai gian bếp tối om ở nơi ấy, phía sau phòng uống cà phê trống huếch trống hoác, thấy các xoong chảo hắt ánh sáng nhờ nhờ dọc các bức tường, thấy con mèo trước lò sưởi, mũi hếch vào lửa, tư thế ngồi xổm như thần Chimère, thấy chiếc bàn gỗ bóng nhẫy vì dùng lâu ngày và vì dầu mỡ rớt ra, với chiếc liễn xúp bốc khói nghi ngút ở giữa bàn và cây nến bập bùng giữa hai cái đĩa. Và y nhìn thấy một ông và một bà, đó là cha mẹ y, hai người dân quê uể oải ngồi nhấp từng thìa xúp nhỏ. Y thuộc lòng từng nếp nhăn trên những khuôn mặt già nua, từng cử động nhỏ của đầu và của tay cha mẹ. Y biết cả những lời cha mẹ chuyện trò mỗi buổi tối khi ngồi ăn đối diện với nhau.
Y lại nghĩ: “Rồi ta sẽ phải về thăm cha mẹ mới được”. Nhưng vì mặc quần áo đã xong, y liền thổi tắt nến và đi xuống.
Dọc theo đại lộ ngoại vi, các gái làng chơi bám nhằng lấy y. Y vừa gỡ cánh tay ra vừa trả lời: “Để cho tôi yên nào!”, với vẻ khinh khỉnh ra mặt, như thể các cô ả đã lăng nhục y, đã không biết đến y… Các cô ả tưởng y là ai nhỉ? Bọn gái giang hồ kia chẳng biết phân biệt mọi người hay sao? Với bộ đồ đen khoác lên cơ thể để tới ăn tối tại nhà những bậc giàu sang, y có cảm giác mình là nhân vật mới, mình đã trở thành một con người khác, con người thật sự hào hoa.
Y vững tâm bước vào tiền sảnh nơi có những cây đèn đồng cao soi sáng, và bằng một cử chỉ tự nhiên, trao chiếc gậy với chiếc áo khoác cho hai gia nhân vừa tiến lại gần.
Tất cả các phòng khách đều sáng trưng. Bà Walter tiếp ở phòng khách thứ hai, phòng rộng nhất. Bà đón y bằng nụ cười tươi, và y bắt tay hai người đàn ông đến trước. Firmin và Laroche‐Mathieu, hai nghị sĩ, hai biên tập viên giấu tên của tờĐời sống Pháp. Laroche‐Mathieu có uy tín đặc biệt trong tòa báo vì ông có ảnh hưởng lớn đối với Nghị viện. Ai cũng tin rằng mai kia ông sẽ là bộ trưởng.
Rồi đến lượt hai vợ chồng Forestier tới, chị vợ mặc áo hồng và tươi như hoa. Duroy sửng sốt thấy nàng chuyện trò thân mật với hai vị dân biểu. Nàng trò chuyện thì thầm với ông Laroche‐Mathieu bên cạnh lò sưởi hơn năm phút đồng hồ. Charles có vẻ mệt lử. Một tháng nay anh gầy hốc hác, vừa luôn miệng ho sù sụ vừa nhắc đi nhắc lại: “Tôi đến phải quyết định xuống miền Nam cho qua hết mùa đông này”.
Norbert de Varenne và Jacques Rival đến cùng một lúc. Rồi một cửa ở cuối phòng mở ra, lão Walter bước vào giữa hai cô tiểu thư, khoảng từ mười sáu đến mười tám tuổi, một cô xấu xí còn một cô xinh đẹp.
Duroy vốn biết ông chủ báo là một người cha trong gia đình, song y vẫn ngạc nhiên. Trước đây y nghĩ tới các cô con gái của ngài giám đốc chỉ như người ta mơ đến các xứ sở xa xôi sẽ chẳng bao giờ được thấy. Hơn nữa, y hình dung các cô còn bé tí tẹo chứ đâu phải là người lớn như thế kia. Y cảm thấy hơi bàng hoàng như khi nhìn thấy một sự thay đổi đột ngột.
Các cô chìa tay ra bắt tay y, rồi một cô sau khi đã được giới thiệu, đến ngồi bên chiếc bàn nhỏ chắc là dành riêng, và chơi nghịch với các cuộn dây lụa đựng đầy trong một chiếc giỏ con.
Còn đợi một người nữa và ai nấy ngồi lặng lẽ trong không khí thiếu thoải mái thường thấy trước các bữa ăn khi những khách mời không hợp tính hợp tình với nhau kéo tới đây, sau một ngày bận bịu với những công việc chẳng ai giống ai.
Duroy ngồi không yên, nên ngước mắt nhìn lên tường. Lão Walter liền nói với y từ xa, rõ ràng là muốn khoe khoang tài sản:
– Anh nhìn các bức tranh của tôi phải không? ‐ Lão nhấn mạnh mấy tiếng của tôi. ‐ Để tôi cho anh xem.
Và lão soi đèn để ai nấy có thể nhìn rõ từng chi tiết.
– Đây là những tranh phong cảnh, ‐ lão nói.
Ở giữa tường là bức tranh lớn của Guillemet, một bãi biển vùng Normandie dưới bầu trời dông bão. Phía dưới là một cánh rừng của Harpignies, rồi một cánh đồng Angiêri của Guillaumet với con lạc đà ở chân trời, con lạc đà lớn chân cao kều, giống như một công trình kỳ lạ.
Lão Walter đi sang bức tường bên cạnh và tuyên bố bằng giọng trang nghiêm như một vị nghi lễ đại thần:
– Nền hội họa lớn.
Đó là bốn bức: Khám bệnh của Gervex, Cô thợ gặt của Bastien‐Lepage, Người đàn bà góa của Bouguereau và Cuộc hành hình của Jean‐Paul Laurens. Tác phẩm sau cùng ấy thể hiện một giáo sĩ vùng Vendée bị một phân đội quân Xanh bắt dựa lưng vào tường ngôi nhà thờ của ông và xử bắn.
Một nụ cười nở ra trên khuôn mặt trang nghiêm của lão chủ báo khi chuyển sang bức tường bên cạnh:
– Đây là các tranh phóng túng.
Trước hết là một bức tranh nhỏ của Jean Béraud nhan đề Cao và Thấp. Tranh vẽ một phụ nữ Paris xinh đẹp trèo lên thang chiếc xe điện đang chạy. Đầu cô hiện ra ngang tầm với tầng trên của xe và các ông ngồi trên ghế khoái trá ngắm nhìn khuôn mặt trẻ trung ngoi lên phía họ, còn các ông đứng ở sàn tầng dưới thì nhìn đôi chân của thiếu phụ với vẻ hau háu hoặc bực mình.
Lão Walter giơ thẳng tay ra soi đèn và vừa cười tinh nghịch vừa nhắc đi nhắc lại:
– Hử? Có nhộn không? Có nhộn không?
Rồi lão soi vào bức Một vụ cứu nạn của Lambert.
Ở giữa cái bàn ăn đã được dọn dẹp đi, một chú mèo con ngạc nhiên và bối rối nhìn con ruồi đang chết đuối trong cốc nước. Chú giơ một chân lên, sẵn sàng thò vội vào để vớt ruồi ra. Nhưng chú không cương quyết. Chú do dự. Biết làm gì bây giờ?
Rồi lão chủ báo soi một bức tranh của Détaille, bức Bài học, vẽ một anh lính trong doanh trại đang dạy con chó bông đánh trống, và lão nói:
– Hóm hỉnh đấy chứ!
Duroy cười tán thưởng và khoái chí:
– Tuyệt quá nhỉ, tuyệt quá nhỉ, tuyệt… ‐ Y bỗng im bặt vì nghe phía sau có tiếng nàng De Marelle vừa vào.
Lão chủ báo tiếp tục vừa soi các bức tranh vừa giảng giải. Bây giờ lão soi đến bức tranh màu nước của Maurice Leloir: Vật chướng ngại. Tranh vẽ một cái kiệu phải dừng lại ở ngoài phố vì tắc đường do đám đánh nhau chí tử của hai gã dân đen. Và người ta thấy một khuôn mặt phụ nữ xinh đẹp thò ra ngoài ô cửa sổ của kiệu để nhìn… để nhìn… không sốt ruột, không sợ hãi và có phần nào thán phục cuộc chiến đấu của hai tên súc sinh kia.
Lão Walter vẫn liến thoắng:
– Tôi còn có nhiều tranh khác ở các phòng bên, nhưng là của những người ít được biết đến hơn, ít được xếp hạng hơn. Nơi đây là Phòng trưng bày hình vuông của tôi. Lúc này tôi mua tranh của các họa sĩ trẻ, các họa sĩ trẻ măng, và để dành trong những phòng riêng đợi sau này các tác giả sẽ nổi tiếng.
Rồi lão nói rất khẽ:
– Đây là lúc mua tranh các họa sĩ đói meo. Họ không có một đồng xu, không một đồng xu.
Nhưng Duroy không nhìn thấy gì nữa, tai nghe mà đầu chẳng hiểu. Nàng De Marelle đang ở kia, sau lưng y. Y phải làm gì bây giờ? Nếu y chào nàng, liệu nàng có quay lưng đi hay ném ra lời nào xấc xược với y không? Nếu y lờ nàng đi, mọi người sẽ nghĩ ra sao?
Y tự nhủ: “Mình sẽ cố kéo dài thời gian”. Y xúc động ghê gớm đến nỗi có lúc đã định giả vờ trong người đột nhiên khó ở để lấy cớ bỏ đi.
Xem các tranh treo tường đã xong. Lão chủ báo ra bàn đặt cây đèn xuống và chào bà khách mới đến, trong khi Duroy một mình xem lại các bức tranh như thể y ngắm chưa biết chán.
Đầu óc y rối bời. Y phải làm gì bây giờ? Y nghe thấy tiếng mọi người nói, nghe rõ cuộc trò chuyện. Nàng Forestier gọi y:
– Kìa, anh Duroy.
Y chạy lại với nàng. Nàng gọi là để giới thiệu với y một chị bạn, chị sắp tổ chức một buổi chiêu đãi và rất muốn có được một câu nhắc đến trong mục Tin vặt của tờ Đời sống Pháp.
Y ấp úng:
– Nhất định rồi, chị ạ, nhất định rồi…
Lúc này, nàng De Marelle đứng rất gần y. Y không dám quay lại để đi chỗ khác.
Bỗng y tưởng mình phát điên lên được; nàng đã nói rất to:
– Chào Ông Bạn Đẹp. Anh không nhận ra tôi nữa ư?
Y quay ngoắt ngay lại. Nàng đứng trước mặt y, tươi cười, ánh mắt chứa chan hân hoan và trìu mến. Và nàng giơ bàn tay ra cho y.
Y run run nắm lấy, vẫn còn lo không biết có nham hiểm, xảo trá gì không. Nàng thanh thản nói thêm:
– Anh bấy lâu ra sao? Chẳng còn thấy mặt anh nữa.
Y ấp a ấp úng, vẫn chưa lấy lại được bình tĩnh:
– Tôi bận nhiều việc quá, chị ạ, nhiều việc quá. Ngài Walter giao cho tôi phụ trách một mục mới, nên bận ơi là bận.
Nàng đáp và vẫn nhìn thẳng vào mặt y, song y không phát hiện ra ở con mắt ấy có cái gì khác ngoài lòng khoan dung:
– Tôi biết. Nhưng đấy chẳng phải là một lý do để quên bạn bè của anh đâu.
Hai người bị tách ra bởi một bà to béo vừa vào, một bà to béo mặc áo hở vai, hai cánh tay đỏ hồng, đôi má đỏ hồng, ăn mặc và chải tóc cầu kỳ, bước đi ậm ạch, đến nỗi nhìn bà đi, người ta cảm thấy được bộ đùi nặng nề béo núc ních của bà.
Thấy mọi người đối xử với bà có vẻ hết sức kính nể, Duroy hỏi nàng Forestier:
– Người này là ai thế?
– Bà Tử tước De Percemur, người ký tên là “Bàn tay ngà ngọc” ấy mà.
Y sửng sốt và muốn phá lên cười:
– Bàn tay ngà ngọc! Bàn tay ngà ngọc! Tôi cứ hình dung ra trong óc một phụ nữ trẻ như chị cơ! Ra thế, Bàn tay ngà ngọc! Chà! Bà ta khá thật! Khá thật!
Một gia nhân xuất hiện ở cửa và nói to:
– Thưa bà, bàn ăn đã bày xong.
Bữa ăn xuềnh xoàng và vui vẻ, thuộc loại các bữa ăn trong đó người ta chuyện trò đủ mọi thứ mà chẳng nói lên điều gì. Duroy ngồi giữa một bên là cô con gái lớn của lão chủ báo, cô xấu xí, tên là Rose, còn bên kia là nàng De Marelle. Ngồi cạnh nàng De Marelle, y có phần nào ngượng nghịu, mặc dù nàng vẫn hết sức thoải mái, chuyện trò tự nhiên như mọi khi. Mới đầu y lúng túng, gò bó, do dự như một nhạc sĩ bị lạc điệu. Song dần dần y trở lại tự tin, và hai ánh mắt bắt gặp nhau không ngừng, như hỏi han nhau, hòa cái nhìn vào nhau một cách thân tình, hầu như đắm đuối, như trước kia.
Thình lình y cảm thấy dưới gầm bàn có cái gì lướt nhẹ vào bàn chân y. Y nhẹ nhàng duỗi chân ra, gặp chân nàng và nàng không rụt lại. Trong lúc ấy họ chẳng nói năng gì và cả hai đều quay về phía người ngồi cạnh bên kia.
Trống ngực Duroy đập thình thình và y đẩy đầu gối sang thêm chút nữa. Nàng nhè nhẹ ép chân đáp lại. Y liền hiểu rằng tình yêu của họ lại bắt đầu.
Sau đó họ nói gì với nhau? Chẳng có điều chi quan trọng; nhưng môi họ run lên mỗi khi họ nhìn nhau.
Tuy vậy, chàng thanh niên muốn lấy lòng cô con gái lão chủ báo, nên thỉnh thoảng trò chuyện với cô vài câu. Cô trả lời mạnh dạn như mẹ cô, nghĩ sao nói vậy chẳng hề do dự.
Ngồi bên phải lão Walter, bà Tử tước De Percemur có phong thái như một bà hoàng; và Duroy nhìn bà thấy hay hay, liền hỏi thầm nàng De Marelle:
– Em có biết người đàn bà ký tên là “Áo đôminô hồng” không?
– Có, biết quá đi chứ: Nam tước phu nhân De Livar!
– Bà ta cùng một giuộc như thế chứ?
– Không. Nhưng cũng kỳ cục như vậy. Một bà cao và gầy, sáu chục xuân xanh, búp tóc xoăn giả, răng khấp khểnh, đầu óc thuộc vào thời kỳ Trung hưng, trang phục cũng của thời kỳ ấy.
– Họ moi đâu ra những mẫu người kỳ quặc đó?
– Các cặn bã còn sót lại của giới quý tộc bao giờ cũng được bọn tư sản hãnh tiến hứng lấy.
– Không có lý do nào khác ư?
– Không có lý do nào khác.
Rồi một cuộc bàn luận về chính trị bắt đầu giữa lão chủ báo với hai nghị sĩ, Norbert de Varenne và Jacques Rival, kéo dài cho đến lúc ăn tráng miệng.
Khi mọi người quay trở sang phòng khách, Duroy lại xán đến gần nàng De Marelle và nhìn thẳng vào tận đáy mắt nàng:
– Em có muốn tôi đưa em về tối nay không?
– Không.
– Tại sao?
– Vì ông Laroche‐Mathieu, người ngồi bên cạnh em, lần nào ăn tối ở đây cũng đưa em về đến tận cửa.
– Khi nào tôi lại gặp em?
– Mai anh tới ăn trưa với em.
Và mỗi người đi một nơi, không nói thêm gì với nhau nữa.
Duroy ra về sớm vì thấy những cuộc chuyện trò thật tẻ nhạt. Khi xuống thang gác, y theo kịp Norbert de Varenne cũng vừa ra về. Nhà thơ già nắm lấy cánh tay y. Chẳng còn lo sợ cạnh tranh nữa, vì mỗi người tham gia một mảng khác nhau ở tòa báo, nên bây giờ ông tỏ ra độ lượng với chàng thanh niên.
– Này, anh tiễn tôi một quãng đường được chứ? ‐ Ông nói.
Duroy đáp:
– Rất vui mừng, thưa thầy.
Và hai người nhẩn nha đi xuôi đại lộ Malesherbes.
Đêm ấy Paris hầu như vắng teo, một đêm lạnh lẽo, có vẻ mênh mông hơn các đêm khác, với những ngôi sao cao hơn, với làn không khí hình như mang theo trong hơi giá lạnh một cái gì đó từ những nơi còn xa xôi hơn cả các vì tinh tú.
Lúc đầu hai người chẳng nói năng gì, rồi Duroy lên tiếng để cho có chuyện:
– Cái ông Laroche‐Mathieu có vẻ thông minh và hiểu biết rộng lắm.
Nhà thơ già lẩm bẩm:
– Anh thấy thế ư?
Chàng thanh niên bị bất ngờ, nên ngập ngừng:
– Vâng, vả chăng ông ấy được coi là một trong những người có năng lực nhất ở Nghị viện.
– Cũng có thể. Ở xứ mù anh chột làm vua. Tất cả bọn họ đều là những kẻ tầm thường, anh ạ, bởi vì đầu óc của họ bị kẹt giữa hai bức tường: tiền bạc và chính trị. Đó là những tay thông thái rởm, anh bạn ạ, không thể trò chuyện với họ bất cứ vấn đề gì, bất cứ vấn đề gì mà chúng ta yêu thích. Trí tuệ của họ ngập dưới đáy bùn, hay đúng hơn là dưới đáy bãi đổ rác, như sông Seine ở Asnières.
Ồ! Bởi vì khó mà tìm thấy được một người có tư duy khoáng đạt đem lại cho ta cảm giác như những làn gió lớn ngoài khơi mà ta hít thở ở bờ biển. Tôi biết một vài người như thế, họ chết cả rồi.
Norbert de Varenne nói bằng giọng trong trẻo, nhưng cố kìm lại, giọng nói ấy chắc sẽ vang vang trong cái yên lặng của đêm khuya nếu ông cứ để nó bật ra. Ông có vẻ phấn khích cao độ và buồn bã, cái buồn bã đôi khi nó ập xuống tâm hồn người ta và làm cho nó rung lên như nền đất dưới lớp băng giá.
Ông nói tiếp:
– Vả lại, thêm một chút hay bớt một chút thiên tài thì có nghĩa lý gì đâu, bởi vì tất cả đều phải kết thúc!
Rồi ông không nói nữa. Duroy tối hôm đó thấy lòng vui như mở cờ, mỉm cười nói:
– Hôm nay thầy âu sầu quá, thưa thầy.
Nhà thơ đáp:
– Tôi vẫn thế, anh ơi, và anh rồi cũng sẽ âu sầu như tôi trong vài năm nữa. Cuộc đời là một cái dốc. Chừng nào còn đang leo dốc, người ta nhìn lên đỉnh và cảm thấy sung sướng, nhưng khi đã tới trên cao rồi, người ta bỗng thấy mình đi xuống và sự kết thúc đó là cái chết. Khi lên thì chậm, khi xuống thì nhanh. Ở vào tuổi của anh, người ta vui vẻ. Người ta hy vọng bao điều mà nó có đến cho đâu. Ở vào tuổi của tôi, người ta chẳng còn mong đợi gì nữa… ngoài cái chết.
Duroy bật cười:
– Khiếp, thầy làm tôi lạnh toát cả xương sống.
Norbert de Varenne lại nói:
– Không, hôm nay anh không hiểu tôi, nhưng mai kia anh sẽ nhớ lại những điều tôi nói với anh lúc này. Sẽ có ngày, rồi chẳng cười được nữa đâu, như người ta vẫn nói, anh bạn ạ, vì đằng sau tất cả những gì mắt thấy tai nghe người ta nhận ra cái chết, và ngày ấy không còn xa đối với nhiều người. Ôi! Anh, anh không hiểu ngay cả cái từ ấy, cái chết. Ở tuổi của anh bây giờ, nó chẳng có nghĩa gì cả. Còn ở vào tuổi của tôi, nó khủng khiếp lắm.
Đúng thế, người ta bất thần hiểu nó, chẳng biết tại sao và vì lý do gì, và thế là tất cả đều thay đổi dáng dấp trong cuộc đời. Tôi, từ mười lăm năm nay, đã cảm thấy nó hành hạ tôi chẳng khác nào tôi mang trong người một con vật gặm nhấm. Tôi cảm thấy nó hủy hoại tôi dần dần từng tháng từng giờ như một ngôi nhà đang sụp đổ. Nó thay hình đổi dạng tôi hoàn toàn đến mức tôi không nhận ra mình nữa. Tôi chẳng còn chút gì là của tôi, của cái thằng tôi rạng rỡ, tươi tắn và khỏe mạnh năm tôi ba mươi. Tôi đã thấy nó nhuộm bạc phơ mái tóc đen của tôi, nhuộm một cách nhẩn nha, tài tình và độc ác biết chừng nào! Nó đã tước đi mất lớp da rắn chắc, các bắp thịt, các hàm răng, toàn bộ cơ thể xưa kia của tôi, chỉ để lại cho tôi một tâm hồn tuyệt vọng mà chẳng bao lâu nữa nó cũng sẽ bứng đi nốt.
Đúng thế, con mụ vô lại ấy, nó đã bóp vụn tôi ra, nó đã từng giây từng phút hoàn thành một cách nhẹ nhàng và khủng khiếp công việc hủy hoại lâu dài cơ thể của tôi. Và bây giờ làm bất cứ việc gì tôi cũng cảm thấy mình đang chết đi. Mỗi bước đưa tôi đến gần với nó, mỗi cử động, mỗi hơi thở đều đẩy nhanh cái công việc ghê tởm của nó. Thở, ngủ, ăn, uống, làm việc, mơ mộng, ta làm bất cứ việc gì cũng là ta đang chết.
Ôi! Rồi anh cũng sẽ biết điều đó! Anh chỉ cần ngẫm nghĩ lấy một khắc đồng hồ thôi, anh sẽ thấy nó ngay.
Anh mong đợi gì? Tình yêu chăng? Thêm vài chiếc hôn nữa thôi là anh sẽ trở thành bất lực.
Gì nữa nào? Tiền bạc chăng? Để làm chi? Để trả cho gái ư? Hạnh phúc mới hay hớm làm sao! Để ăn cho lắm vào, cho người phát phì ra và để suốt đêm này qua đêm khác kêu rên vì bệnh thống phong hành hạ ư?
Còn gì nữa? Vinh quang? Vinh quang mà làm gì khi người ta không thể hái được vinh quang dưới dạng ái tình?
Và còn gì nữa? Bao giờ kết thúc cũng là cái chết.
Bây giờ, tôi nhìn thấy nó gần đến nỗi thường khi muốn với tay ra để đẩy nó đi. Nó bao phủ trái đất và choán cả không gian. Tôi phát hiện ra nó khắp nơi nơi. Những con vật nhỏ bé bị xéo nát trên đường, những chiếc lá rụng, một sợi bạc trong chòm râu của ông bạn, đều khiến cho lòng tôi đau quặn và thét bảo tôi: “Nó đấy!”.
Nó hủy hoại của tôi tất cả những gì tôi làm ra, tất cả những gì tôi nhìn thấy, những gì tôi ăn, tôi uống, những gì tôi mến, tôi yêu, những đêm sáng trăng, những lúc mặt trời mọc, biển rộng, sông dài, và không khí những buổi tối mùa hè, dịu ngọt đến thế!
Ông bước đi nhẹ nhàng, hơi hổn hển, nói mà như mơ, hầu như quên đứt là có người đang lắng nghe.
Ông nói tiếp:
– Và chẳng bao giờ có ai trở lại, chẳng bao giờ… Người ta giữ lại các khuôn tượng, các dấu ấn để làm đi làm lại mãi mãi những vật giống nhau, nhưng còn thân thể của tôi, bộ mặt của tôi, các ý nghĩ của tôi, các ước muốn của tôi sẽ chẳng bao giờ xuất hiện lại nữa. Thế mà trên đời vẫn sẽ sinh ra hàng hàng triệu triệu những con người có trong khuôn khổ vài centimet vuông một cái mũi, hai con mắt, một cái trán, đôi má và một cái miệng như tôi, và cả một tâm hồn như tôi, còn tôi thì chẳng bao giờ trở lại, chẳng bao giờ có một chi tiết gì đó nhận ra được của tôi xuất hiện lại trong những con người nhiều vô kể và khác nhau kia, khác nhau vô cùng vô tận tuy có vẻ hao hao giống nhau.
Biết bấu víu vào cái gì bây giờ? Biết kêu lên những tiếng tuyệt vọng với ai? Chúng ta biết tin vào cái gì được?
Mọi thứ tôn giáo đều là ngốc nghếch, với cái đạo lý trẻ con của nó, và với những hứa hẹn ích kỷ, ngờ nghệch một cách khủng khiếp của nó.
Chỉ có cái chết là chắc chắn mà thôi.
Ông dừng lại, cầm lấy hai đầu mút cổ áo khoác của Duroy, và nói chậm rãi:
– Anh hãy nghĩ đến tất cả những chuyện đó, anh bạn trẻ ạ, anh hãy nghĩ đến nó hết tháng ngày này qua năm tháng khác, và anh sẽ nhìn thấy cuộc sống một cách khác đi. Anh hãy cố gỡ ra khỏi mọi thứ giam hãm anh, hãy nỗ lực phi thường để sống sót mà thoát ra ngoài cơ thể anh, ngoài những lợi ích của anh, những tư tưởng của anh, thoát ra ngoài toàn thể nhân loại để nhìn đi chỗ khác, và anh sẽ hiểu rằng những cuộc cãi vã của các nhà lãng mạn và các nhà tự nhiên chủ nghĩa hay cuộc thảo luận về ngân sách có quan trọng gì đâu.
Ông lại thoăn thoắt bước đi.
– Nhưng anh cũng sẽ cảm thấy cái ghê rợn kinh khủng của những kẻ tuyệt vọng. Anh sẽ cuống cuồng, bị chìm đắm, giãy giụa trong các nỗi phân vân. Anh sẽ thét lên: “Cứu tôi với!” ra khắp bốn phương tám hướng, nhưng chẳng có ai đáp lại. Anh sẽ giơ tay chới với, anh sẽ kêu gọi người ta đến giúp đỡ, yêu thương, an ủi, cứu vớt, nhưng sẽ chẳng có ai tới đâu.
Tại sao chúng ta lại đau khổ như vậy? Chính vì chúng ta sinh ra trên đời chắc là để sống theo vật chất thì nhiều mà tinh thần thì ít, nhưng do cứ suy nghĩ mãi, nên đã hình thành một sự mất cân đối giữa tình trạng của trí tuệ chúng ta ngày một lớn thêm với cái thân phận bất di bất dịch của cuộc đời chúng ta.
Anh hãy nhìn những kẻ tầm thường mà xem, miễn rằng đừng có những tai họa lớn ập xuống đầu họ là họ thỏa mãn, chẳng hề đau khổ về nỗi bất hạnh chung của người đời. Loài vật cũng thế, có cảm thấy bất hạnh đâu.
Ông dừng lại nữa, nghĩ ngợi giây lát, rồi nói thêm với vẻ mệt mỏi và nhẫn nhục:
– Tôi đây là một con người bỏ đi. Tôi không cha không mẹ, không anh, không em, không vợ, không con, không Chúa.
Ngừng một lát, ông nói thêm:
– Tôi chỉ có thơ mà thôi.
Rồi ngẩng lên nhìn bầu trời nơi có khuôn mặt nhợt nhạt của vầng trăng tròn vành vạnh đang chiếu sáng, ông thốt lên:
Tôi tìm lời đáp cho vấn đề tăm tối
Trên bầu trời đen vầng trăng bạc chơi vơi.
Hai người đi đến cầu Concorde. Họ lặng lẽ vượt qua cầu rồi đi men theo Cung điện Bourbon. Norbert de Varenne lại tiếp tục nói:
– Lấy vợ đi, anh bạn ạ, anh không hiểu thế nào là sống lẻ loi ở vào tuổi của tôi đâu. Ngày nay, cảnh cô đơn làm cho tâm hồn tôi tràn ngập một nỗi kinh hoàng ghê rợn, cảnh cô đơn, bên lò sưởi, buổi tối, trong nhà. Lúc đó tôi có cảm tưởng mình trơ trọi trên thế gian, trơ trọi một cách kinh khủng, nhưng lại có những mối nguy hiểm mơ hồ, những điều chưa biết tới và khủng khiếp vây bủa xung quanh; và bức tường ngăn cách tôi với người láng giềng tôi không quen biết làm cho chúng tôi xa nhau chẳng kém gì tôi xa những vì sao nhìn thấy từ khung cửa sổ phòng tôi. Trong người tôi như lên cơn sốt, cơn sốt của đau đớn và sợ hãi, và sự im lặng của các bức tường làm tôi khiếp đảm. Cái im lặng của căn buồng nơi người ta sống trơ trọi một thân một mình mới sâu thẳm và buồn bã làm sao. Không phải chỉ là cái im lặng xung quanh cơ thể mà còn là cái im lặng xung quanh tâm hồn, và khi có tiếng đồ đạc kêu răng rắc, người ta rùng mình rợn tóc gáy, bởi vì chẳng có tiếng động nào được chờ đợi trong nơi ở buồn tẻ ấy cả.
Ông lại lặng đi, rồi nói thêm:
– Khi người ta già thì có con cái kể ra cũng tốt!
Hai người đã đi đến giữa phố Bourgogne. Nhà thơ dừng lại trước một tòa nhà cao, bấm chuông, bắt tay Duroy và bảo anh:
– Hãy quên tất cả những điều ông già này vừa lải nhải đi, anh bạn trẻ ạ, và hãy sống theo với lứa tuổi của anh, thôi tạm biệt!
Và ông mất hút trong dãy hành lang tối om.
Duroy nao nao trong lòng, tiếp tục bước đi. Y có cảm tưởng người ta vừa chỉ cho y thấy một cái hố đầy xương cốt, cái hố mà ngày nào đó y tất yếu sẽ rơi xuống. Y lẩm bẩm: “Khiếp quá! Ở nhà ông ta chắc là không vui. Dù được ngồi ghế trên ban công, mình cũng chẳng muốn xem những ý nghĩ của ông ta diễu qua đâu, đồ chó chết!”.
Rồi y dừng lại để nhường lối cho một phụ nữ vừa ở trên xe bước xuống để đi vào nhà, và thèm thuồng hít một hơi dài mùi nước hoa thơm phức từ người nàng thoang thoảng bay ra. Hai lá phổi và trái tim của y bỗng rộn ràng mừng vui, hy vọng và ký ức về nàng De Marelle mà y sẽ gặp ngày mai choán lấy y từ đầu đến chân.
Mọi thứ đều mỉm cười với y, cuộc đời đón tiếp y niềm nở. Thực hiện được các hy vọng thú vị biết chừng nào!
Y ngủ thiếp đi trong niềm say sưa và dậy sớm để đi bách bộ một vòng trong đại lộ Rừng Boulogne, trước khi tới nơi hò hẹn.
Gió đã chuyển hướng, thời tiết dịu đi từ đêm và giờ đây tiết trời ấm áp dưới vầng mặt trời tháng Tư. Tất cả những ai quen dạo chơi trong Rừng sáng hôm ấy đều ra khỏi nhà, nghe theo tiếng gọi của bầu trời trong xanh và dịu ngọt.
Duroy bước đi lững thững, uống từng hớp không khí nhè nhẹ, thơm ngon như món quà mùa xuân. Y qua Khải hoàn môn Ngôi sao và đi vào đại lộ theo hướng ngược chiều với những người cưỡi ngựa. Y nhìn họ, những trai thanh gái lịch đang đi nước kiệu hoặc phi nước đại, và giờ đây hầu như y chẳng còn mong được như họ. Y hầu như thuộc hết tên tuổi bọn người kia, biết rõ con số tài sản của họ, lai lịch bí mật cuộc đời họ, do chức trách nên y đã trở thành một thứ sách lịch biên niên ghi lại các danh nhân và các chuyện tai tiếng ở Paris.
Các nữ kỵ sĩ phóng qua, thon mảnh, trong bộ trang phục bằng dạ màu sẫm bó khít lấy thân, với vẻ kiêu kỳ và khó gần thường thấy ở những người đàn bà cưỡi ngựa; và Duroy thích thú xướng lên khe khẽ, như người ta đọc kinh cầu nguyện ở nhà thờ, tên tuổi, chức tước và tư cách những tình nhân của các nàng hoặc được người ta gán cho các nàng; và thậm chí đôi khi, đáng lẽ nói:
Nam tước De Tanquelet
Hoàng thân De la Tour‐Enguerrand;
Y lại lẩm bẩm: Về phía Lesbos.
Louise Michot, ở Vaudeville,
Rose Marquetin, ở Opéra.
Y thích thú với cái trò chơi ấy lắm, dường như y đã nhận thấy đằng sau những bề ngoài nghiêm nghị kia là cái bỉ ổi sâu xa, đời đời kiếp kiếp của con người, và điều đó làm cho y khoái trá, hưng phấn, được an ủi.
Rồi y nói lên rất to: “Một lũ đạo đức giả!” và đưa mắt tìm những tay đàn ông cưỡi ngựa có lắm chuyện tai tiếng nhất.
Y nhìn thấy nhiều kẻ bị nghi là cờ gian bạc lận vẫn lấy các sòng bạc làm nguồn lợi lớn, nguồn lợi duy nhất, tất nhiên là nguồn lợi đáng ngờ.
Một số, rất nổi tiếng, sống duy nhất bằng lợi tức của các bà vợ, điều đó ai cũng biết; một số khác sống bằng lợi tức của các nhân tình nhân ngãi, người ta khẳng định như vậy. Nhiều tay đã thanh toán nợ nần (hành vi đáng kính) mà chẳng bao giờ có ai đoán nổi họ lấy đâu ra số tiền ấy (điều bí ẩn thật là mờ ám). Y nhìn thấy các nhà tài chính của cải như nước là do nguồn gốc trộm cướp mà có, được tiếp đón khắp nơi, trong các gia đình quyền quý nhất, rồi lại nhìn thấy những tay được trọng vọng đi đến đâu là dân tiểu tư sản ngả mũ ra chào, song những mánh khóe trơ tráo của họ trong các việc quốc gia đại sự thì chẳng còn là điều bí mật đối với những ai biết rõ mặt trái của xã hội.
Tất cả bọn họ, những kẻ để râu má và những kẻ để ria mép, đều có vẻ kênh kiệu, lên mặt ta đây, mắt nhìn trâng tráo.
Duroy vẫn cười và nhắc đi nhắc lại: “Đúng là một lũ cường đạo, một bọn bất lương!”.
Bỗng một chiếc xe phóng qua, không có mui, thấp và xinh xinh, do một đôi ngựa bạch thon thon kéo đi nước kiệu, bờm và đuôi ngựa bay phất phơ, cầm cương là một thiếu phụ người nhỏ nhắn, mái tóc vàng hoe, một gái giang hồ có tên tuổi, và có hai tên giữ ngựa ngồi phía sau. Duroy dừng lại, rất muốn chào và vỗ tay tán thưởng cô nàng hãnh tiến của tình yêu kia, đã hiên ngang táo tợn phô bày vẻ xa hoa lộng lẫy của mình tại nơi du ngoạn này và vào giờ này của bọn quý phái đạo đức giả. Có lẽ y mơ hồ cảm thấy rằng giữa y và cô nàng có một cái gì đấy là chung, một mối liên hệ bẩm sinh, cả hai cùng một nòi, cùng một tâm hồn, và sự thành đạt của y cũng là nhờ những cách thức táo bạo tương tự như vậy.
Y quay trở về, nhẩn nha hơn, hân hoan ấm áp trong lòng, và đến cửa nhà tình nhân trước giờ hẹn một chút.
Nàng chìa đôi môi ra tiếp đón y, dường như giữa họ chưa hề có chuyện tan vỡ, thậm chí đôi lúc nàng quên mất sự thận trọng khôn ngoan mà khi ở tại nhà nàng vẫn đem đối lập lại với những âu yếm vuốt ve. Rồi nàng hôn lên các ngọn ria mép loăn xoăn của y mà bảo:
– Anh không biết em buồn phiền như thế nào ư, anh yêu? Em vẫn ao ước có một tuần trăng mật ra trò, thế mà bị chồng em ám những sáu tuần lễ, lão ta nghỉ phép. Song em không muốn ròng rã sáu tuần lễ chẳng được gặp anh, nhất là sau vụ xích mích nho nhỏ của đôi ta, nên em đã thu xếp như thế này nhé. Anh sẽ đến nhà em ăn tối vào thứ Hai, em đã nói với lão về anh rồi đấy. Em sẽ giới thiệu anh.
Duroy ngần ngại, hơi bối rối, vì chưa bao giờ đối diện với một người đàn ông có vợ ăn nằm với y. Y lo sợ bị lộ tẩy vì một chút lúng túng, một ánh mắt nhìn, vì bất cứ một cái gì đó. Y ấp úng:
– Không, anh muốn chẳng biết đến chồng em thì hơn. Nàng hết sức ngạc nhiên, đứng trước mặt y, mở tròn to đôi mắt hồn nhiên và cố nài:
– Tại sao cơ chứ? Có gì kỳ quặc đâu? Chuyện đó bình thường lắm mà! Ôi, em không nghĩ anh lại ngờ nghệch đến thế.
Y thấy mình bị xúc phạm:
– Thôi được, anh sẽ đến ăn tối vào thứ Hai.
Nàng nói thêm:
– Để cho có vẻ tự nhiên, em sẽ mời cả hai vợ chồng Forestier, dù em chẳng thích thú gì việc tiếp nhiều khách trong nhà.
Cho đến tận hôm thứ Hai, Duroy chẳng mấy nghĩ ngợi đến cuộc gặp gỡ ấy; nhưng khi lên thang gác nhà nàng De Marelle, y bỗng cảm thấy bối rối vô cùng, chẳng phải vì y ớn không muốn nắm bàn tay của ông chồng kia, không muốn ăn bánh uống rượu của ông ta, mà vì y sờ sợ một điều mơ hồ nào đó.
Người ta đưa y vào phòng khách, và y ngồi đợi như mọi lần. Rồi cửa phòng mở ra và y thấy một người đàn ông cao lớn, râu bạc trắng, đeo huân chương, nghiêm trang và đứng đắn, tiến về phía y, lịch thiệp không chê vào đâu được:
– Bà nhà tôi thường nói với tôi về ông luôn, thưa ông, tôi rất sung sướng được quen biết ông.
Duroy bước tới, cố làm vẻ mặt niềm nở và nắm lấy bàn tay đang giơ ra của chủ nhà, siết chặt một cách hơi quá đáng. Rồi y ngồi xuống và chẳng biết nói gì với ông ta nữa.
Ông De Marelle cho thêm một thanh củi vào lò sưởi và hỏi:
– Ông làm báo lâu rồi phải không?
Duroy trả lời:
– Mới được vài tháng nay.
– Chà! Ông tiến nhanh nhỉ.
– Vâng, khá nhanh, ‐ và y bắt đầu gặp đâu nói đấy, chẳng nghĩ ngợi nhiều, tuôn ra đủ thứ chuyện tầm phào được sử dụng giữa những người không quen biết nhau. Bây giờ y đã yên tâm và bắt đầu thấy rằng tình huống này cũng thật thú vị. Y nhìn bộ mặt nghiêm nghị và đáng kính của ông De Marelle và cứ muốn nhoẻn miệng cười, nghĩ ngợi: “Lão ơi, ta cho lão mọc sừng, ta cho lão mọc sừng”. Và y thấy trong lòng hả hê, hả hê tai quái, nỗi hân hoan của tên kẻ cắp đánh xoáy thành công mà chẳng bị nghi ngờ, nỗi hân hoan gian xảo, khoái trá. Bỗng y ao ước được là bạn của con người kia, tranh thủ được lòng tin cậy của ông ta, được ông kể cho nghe những chuyện bí mật của đời ông.
Thình lình nàng De Marelle bước vào, lướt nhìn hai người bằng ánh mắt tươi cười và bí hiểm, rồi đi đến bên Duroy, song, trước mặt ông chồng, y không dám hôn tay nàng như mọi lần y vẫn hôn.
Nàng bình tĩnh và vui vẻ như một người quen với mọi chuyện, và với tính xảo quyệt bẩm sinh và thẳng thắn của mình, nàng thấy cuộc gặp gỡ này là tự nhiên và hết sức bình thường.
Laurine xuất hiện, và có ý tứ hơn mọi lần, đến giơ trán ra cho Georges hôn, vì sự có mặt của cha khiến cho em rụt rè e sợ. Bà mẹ bảo con:
– À, hôm nay con không gọi chú là Ông Bạn Đẹp nữa.
Và cô bé đỏ mặt lên như thể người ta đã vô ý vô tứ quá đáng, đã tiết lộ một điều lẽ ra không nên nói, đã để hở ra một chuyện thầm kín có phần nào tội lỗi của lòng mình.
Khi hai vợ chồng Forestier tới, mọi người phát sợ về tình trạng sức khỏe của Charles. Sau có một tuần mà anh đã gầy đi, xanh xao đi ghê gớm và ho luôn miệng. Anh cũng cho biết là hai vợ chồng sẽ đi Cannes vào thứ Năm tới, theo lệnh dứt khoát của thầy thuốc.
Họ cáo từ ra về sớm, và Duroy lắc đầu nói:
– Tôi cho rằng anh ấy bệnh nặng lắm rồi. Sẽ không thọ được.
Nàng De Marelle khẳng định một cách thản nhiên:
– Ôi! Anh ta nguy mất! Anh ta thật may mắn đã tìm được một người vợ hiền.
Duroy hỏi:
– Chị ấy giúp đỡ chồng nhiều lắm ư?
– Phải nói là chị ta làm hết. Chẳng có chuyện gì mà chị ta không rõ, chị quen biết tất cả mọi người tuy có vẻ như chẳng gặp ai, chị muốn gì được nấy, muốn ra sao và muốn lúc nào cũng được. Ôi! Chị tinh tế, khéo léo, mánh khóe, phụ nữ chẳng ai bì kịp. Quả là một kho báu đối với người đàn ông nào muốn được giàu sang.
Georges lại nói:
– Chắc chị ấy sẽ tái giá nhanh chóng lắm nhỉ?
Nàng De Marelle đáp:
– Phải. Thậm chí tôi sẽ chẳng ngạc nhiên nếu chị ta để mắt đến một ông nào đấy… một nghị sĩ… trừ phi là… ông ta không muốn… bởi… bởi vì… chắc là có những trở ngại… tinh thần… lớn lao… Tóm lại là… tôi cũng chẳng biết gì hết.
Ông De Marelle càu nhàu ra vẻ hơi sốt ruột:
– Em cứ nói lấp lửng một lô những chuyện mà anh không ưa. Chúng ta đừng bao giờ xen vào việc của người khác. Ta cứ quan tâm đến bản thân mình cũng là đủ lắm rồi. Có lẽ nên xem đấy là một quy tắc cho tất cả mọi người.
Duroy ra về, trong lòng bối rối và đầu óc đầy những trù tính mơ hồ.
Hôm sau y đến thăm vợ chồng Forestier và thấy họ đã sắp xếp xong hành lý. Charles nằm dài trên tràng kỷ, thở hổn hển nên càng ra vẻ mệt hơn, và nhắc lại:
– Lẽ ra tớ đã phải đi cách đây một tháng, ‐ rồi anh dặn dò Duroy một loạt vấn đề liên quan đến tòa báo, tuy rằng tất cả đều đã được thu xếp và thỏa thuận đâu vào đấy với lão Walter.
Khi ra về, Georges siết tay bạn rất chặt:
– Thôi, tạm biệt cậu nhé!
Nhưng khi nàng Forestier tiễn y ra đến cửa, y nói hối hả:
– Chị chưa quên thỏa ước của chúng ta chứ? Chúng ta là bạn bè của nhau phải không? Vậy nếu chị cần đến tôi về bất cứ việc gì, chị đừng có ngần ngại. Một bức điện hoặc một lá thư là tôi sẽ phục tùng.
Nàng nói khe khẽ:
– Cám ơn, tôi sẽ không quên, ‐ và nàng nói “Cám ơn” bằng cả ánh mắt một cách sâu sắc hơn và dịu dàng hơn.
Khi xuống thang gác, Duroy gặp ông De Vaudrec đang thong thả đi lên, ông De Vaudrec mà đã có lần y gặp ở nhà nàng. Bá tước có vẻ buồn, chắc là về sự ra đi ấy chăng?
Anh nhà báo muốn tỏ ra là người lịch thiệp nên vồn vã chào hỏi.
Bá tước đáp lễ một cách lịch sự, nhưng có vẻ hơi kiêu kỳ.
Vợ chồng Forestier lên đường tối hôm thứ Năm.