Ông Bạn Đẹp - Chương 05
5
* * *
Hai tháng đã trôi qua; đã gần sang tháng Chín mà cái cảnh giàu có nhanh chóng Duroy hy vọng bấy lâu dường như vẫn đến chậm như rùa. Y lo ngại nhất về tình trạng hèn mọn của mình bây giờ và chẳng biết đi lối nào để leo lên những đỉnh cao, nơi có thể tìm thấy danh vọng và tiền bạc. Y cảm thấy bị giam hãm trong cái nghề phóng viên hèn mọn này, bị nhốt kín bên trong, không sao thoát ra được. Người ta quý mến y, nhưng là quý mến tương xứng với địa vị của y. Ngay cả Forestier mà y đã giúp trăm công nghìn việc cũng chẳng mời y ăn bữa nào, và trong mọi chuyện đều xử sự với y như với kẻ dưới, mặc dù vẫn xưng hô cậu cậu tớ tớ với y như với một người bạn.
Thỉnh thoảng, đúng là Duroy chớp cơ hội cũng cho đăng được một mẩu báo ngắn, và ngòi bút của y, qua mục Tin vặt, đã được rèn luyện uyển chuyển tế nhị hơn là khi viết bài ký sự thứ hai về Angiêri, nên y không còn lo các mẩu tin thời sự của mình bị từ chối. Nhưng từ đó đến chỗ viết được các bài ký theo trí tưởng tượng phóng túng của y cũng như phân tích xác đáng các vấn đề chính trị thì cũng khác xa như cầm cương xe ngựa trên các đường có cây tỏa bóng mát trong Rừng với tư cách gã xà ích hay với tư cách chủ nhân của xe. Điều làm y nhục nhã hơn cả là cảm thấy cánh cửa mọi nhà đều đóng kín, không có những mối giao thiệp bạn bè bình đẳng, không có được quan hệ thân thiết với các phụ nữ, mặc dù nhiều nữ diễn viên có tiếng tăm đôi khi đã tiếp đón y một cách thân mật nhưng chẳng vô tư.
Vả chăng, do kinh nghiệm, y cũng biết rằng tình cảm quyến luyến của tất cả bọn đàn bà đối với y, dù loại sang hay loại hèn, đều chỉ thoáng qua, và vì chẳng quen biết được người phụ nữ nào có thể gắn bó với tương lai của y nên y cảm thấy bứt rứt như ngựa bị xiềng chân.
Nhiều lần y đã định tới thăm nàng Forestier; nhưng cứ nghĩ đến cuộc gặp gỡ hôm ấy là y sững ngay lại, cảm thấy nhục nhã, và đành đợi khi nào chồng nàng mời hãy hay. Y chợt nhớ tới nàng De Marelle đã có lần mời y đến chơi, thế là buổi chiều hôm ấy, chẳng có việc gì làm, y đã tới nhà nàng.
“Bao giờ tôi cũng có nhà cho đến ba giờ chiều”, nàng đã bảo y.
Y bấm chuông ở cửa nhà nàng lúc hai rưỡi.
Nàng ở phố Verneuil, trên tầng gác thứ tư.
Nghe tiếng chuông reo, một cô hầu gái người nhỏ nhắn, đầu bù tóc rối ra mở cửa, vừa buộc lại khăn trên đầu vừa đáp:
– Có, bà chủ có nhà, nhưng tôi không rõ bà đã dậy chưa.
Và cô ta mở rộng cánh cửa không đóng kín của phòng khách.
Duroy bước vào. Căn phòng khá rộng, ít đồ đạc và có vẻ bị bỏ lơ là. Những chiếc ghế bành xỉn màu và cũ kỹ xếp thành hàng dọc bên tường do cô hầu gái tiện đâu để đấy, vì người ta không hề cảm thấy có bàn tay bày biện thanh nhã của một phụ nữ yêu mến căn nhà riêng. Bốn bức tranh tồi tàn vẽ cảnh chiếc thuyền trên sông, con tàu ngoài biển, chiếc cối xay gió ở cánh đồng và bác tiều phu trong rừng treo bằng dây giữa bốn tấm vách ngăn, bức cao, bức thấp và cả bốn bức đều treo lệch. Trông thấy thế là đủ biết bốn bức tranh ấy đã nghiêng ngả như vậy từ lâu dưới con mắt hờ hững của một người phụ nữ dửng dưng.
Duroy ngồi xuống và đợi. Y đợi lâu lắm. Rồi một cánh cửa mở ra và nàng De Marelle chạy ùa vào, mình bận chiếc áo choàng mặc ở nhà kiểu Nhật Bản bằng lụa hồng thêu phong cảnh màu vàng, hoa xanh, chim trắng, và nàng reo lên.
– Anh có biết không, tôi đang còn ngủ đấy. Anh thật là tử tế đã đến thăm tôi! Tôi cứ tưởng là anh quên tôi rồi.
Nàng mừng quýnh giơ hai bàn tay ra, và Duroy thấy thoải mái vì cảnh nhà cửa tầm thường, liền nắm lấy cả hai và hôn lên một bàn tay như đã có lần y thấy Norbert de Varenne làm thế.
Nàng mời y ngồi và nhìn y từ đầu đến chân:
– Anh thay đổi nhiều quá! Trông anh ra dáng lắm. Paris rất hợp với anh. Nào có chuyện gì anh kể cho tôi nghe đi!
Thế là hai người lập tức chuyện trò rôm rả như đã quen biết nhau từ lâu, cảm thấy mau chóng trở nên thân thiết, một thứ tình cảm tin cậy, thâm giao, quyến luyến, chỉ trong năm phút đồng hồ kết thành bạn hữu hai con người đồng điệu.
Bỗng người thiếu phụ lặng đi và ngạc nhiên:
– Tôi thân với anh kể cũng lạ lùng thật đấy. Tôi cứ ngỡ là đã quen biết anh từ mười mấy năm. Chắc chắn là chúng ta sẽ trở thành bạn tốt của nhau. Anh có muốn thế không?
Y trả lời: “Tất nhiên là có!” với một nụ cười còn nói lên được nhiều hơn.
Y thấy nàng thật là hấp dẫn trong chiếc áo choàng mặc ở nhà rực rỡ và mềm mại, chẳng thanh nhã bằng người phụ nữ trong chiếc áo choàng mặc ở nhà màu trắng kia, chẳng dịu dàng bằng, chẳng tế nhị bằng, nhưng khêu gợi hơn, đậm đà hơn.
Khi nàng Forestier gần gũi bên y với nụ cười bất động vừa duyên dáng, vừa lôi cuốn, vừa ngăn chặn, vừa như nói: “Tôi mến anh”, lại vừa như bảo: “Anh hãy coi chừng”, chẳng hiểu thật ra là thế nào, y cảm thấy dâng lên niềm ham muốn được phủ phục xuống dưới chân nàng, hoặc được ôm lên tấm áo chẽn bằng đăng ten mịn màng và thong thả hít lấy làn hơi ấm áp và thơm tho từ trong ấy bốc ra, lách qua cặp vú. Ngồi bên nàng De Marelle, y cảm thấy một niềm ham muốn hung tợn hơn, rõ ràng hơn, niềm ham muốn làm đôi bàn tay y run bắn trước những tà áo bằng lụa mỏng vén lên.
Nàng vẫn nói thao thao, câu nào cũng pha những lời dí dỏm đã trở nên quen thuộc với nàng như người thợ biết cách trổ tài để hoàn thành một công việc nổi tiếng khó khăn và ai cũng phải trầm trồ khen ngợi. Y lắng nghe và ngẫm nghĩ: “Ghi nhớ lấy tất cả những điều này mà lại hay đấy. Cứ để cho cô nàng huyên thuyên về các chuyện hàng ngày là đủ viết nên những thiên ký sự hay ho về Paris”.
Bỗng có tiếng ai gõ nhè nhẹ, nhè nhẹ ở cái cửa nàng vào lúc nãy; và nàng nói to: “Cứ vào đi con”. Cô bé xuất hiện, đi thẳng đến chỗ Duroy và giơ bàn tay ra cho y.
Bà mẹ ngạc nhiên nói nhỏ: “Đúng là nó bị chinh phục rồi. Mình không còn nhận ra nó nữa”. Chàng thanh niên ôm hôn đứa trẻ, rồi đặt em ngồi bên cạnh, làm bộ nghiêm trang hỏi em những câu vui vui về các việc em đã làm từ ngày chú cháu gặp nhau bữa trước. Em trả lời bằng một giọng nhỏ nhẹ thanh thanh và với vẻ trịnh trọng của người lớn.
Đồng hồ điểm ba giờ. Anh nhà báo đứng lên.
– Anh đến chơi luôn nhé, ‐ nàng De Marelle bảo, ‐ chúng ta sẽ huyên thuyên như hôm nay, bao giờ anh cũng làm cho tôi vui thích. Nhưng tại sao tôi không thấy anh lại nhà Forestier nữa?
Y đáp:
– Ồ! Có gì đâu, tôi bận nhiều việc quá. Tôi hy vọng mai kia chúng ta sẽ gặp lại nhau tại đấy.
Rồi y ra về, lòng chứa chan hy vọng mà chẳng biết vì sao.
Y không nói với Forestier về cuộc viếng thăm ấy.
Nhưng y giữ mãi ký ức về nó trong những ngày tiếp theo, còn hơn cả ký ức nữa, đó là một thứ cảm giác về sự hiện diện thực thực hư hư và dai dẳng của người phụ nữ kia. Y tưởng chừng đã nắm bắt được một chút gì đó của nàng, bóng dáng cơ thể nàng lưu lại trong mắt y và hương vị tâm hồn nàng lưu lại trong tim y. Y bị ám ảnh bởi hình bóng của nàng như đôi khi tình trạng ấy xảy ra lúc ta ở bên cạnh ai đó trong những giờ phút thú vị. Chẳng khác nào ta chịu đựng một sự ám ảnh lạ lùng, sâu kín, lờ mờ, bối rối và tuyệt diệu, bởi vì nó huyền bí.
Vài ngày sau, y tới thăm lần thứ hai.
Cô hầu gái đưa anh vào phòng khách và Laurine xuất hiện ngay lập tức. Em không chìa bàn tay ra nữa, em giơ trán và nói:
– Mẹ cháu sai cháu ra thưa với chú ngồi đợi cho. Phải đến một khắc đồng hồ đấy, vì mẹ cháu chưa mặc xong quần áo. Cháu sẽ ngồi tiếp chuyện chú.
Duroy lấy làm thú vị về những cung cách trịnh trọng của cô bé liền đáp:
– Được lắm, cháu ạ, chú sẽ rất vui mừng được ngồi với cháu một khắc đồng hồ, nhưng chú xin báo trước là chú chẳng nghiêm nghị chút nào đâu đấy, chú chơi đùa suốt cả ngày, chú cháu mình chơi trò mèo đuổi chuột đi!
Cô bé sửng sốt rồi mỉm cười như người lớn về cái đề nghị vừa làm cho em thấy chướng mà cũng vừa làm cho em ngạc nhiên; và em trả lời nhỏ nhẹ:
– Chơi ở trong nhà thế nào được.
Y lại nói:
– Có sao đâu. Chú thì chơi được ở khắp mọi nơi. Nào, đuổi bắt chú đi!
Và y chạy vòng quanh bàn, vừa chạy vừa khích em đuổi theo, trong khi em rảo bước phía sau, miệng vẫn luôn mỉm cười tỏ vẻ chiều y một cách lịch sự, thỉnh thoảng với tay ra để cố chạm tới người y, nhưng chạy thì không.
Y dừng lại, cúi xuống, và khi cô bé ngập ngừng rón rén lại gần, y vọt lên cao như những con quỷ bị nhốt bật lên trong hộp đồ chơi, rồi y nhảy một bước sang tận đầu phòng bên kia. Cô bé thấy nhộn quá, cuối cùng phải phì cười, và sôi nổi hẳn lên, bắt đầu chạy lon ton phía sau y, mỗi lần tưởng bắt được y, lại rú lên những tiếng khe khẽ vui mừng và sợ hãi. Y xê dịch các ghế tựa để làm vật chướng ngại, buộc cô bé phải chạy vòng quanh chiếc ghế một phút đồng hồ, rồi y lại chuyển từ ghế này sang ghế khác. Bây giờ Laurine chạy thật sự, hoàn toàn thích thú với cái trò chơi mới ấy, mặt em hồng lên, cứ mỗi lần y tránh thoát, lừa mẹo hay làm động tác giả là em lại khoái chí hăm hở nhào tới.
Bất thình lình, đúng lúc cô bé tưởng bắt được y, y liền bế phốc lấy em, nhấc bổng lên đến tận trần và kêu to:
– Mèo bị tóm rồi!
Cô bé khoái quá cười như nắc nẻ và vùng vẫy để thoát ra.
Nàng De Marelle bước vào sửng sốt:
– Ơ kìa! Laurine… Laurine đang chơi. Anh mê hoặc tài thật đấy.
Y đặt cô bé xuống đất, hôn bàn tay người mẹ, rồi cả ba cùng ngồi, cô bé ngồi xen giữa hai người. Họ muốn trò chuyện, nhưng Laurine thường ngày ít nói là thế mà giờ đây say sưa huyên thuyên như khướu nên họ đành phải tống khứ cô bé về phòng riêng.
Cô bé vâng lời, chẳng dám cưỡng lại nhưng rơm rớm nước mắt.
Khi chỉ còn hai người với nhau, nàng De Marelle liền hạ giọng:
– Anh biết không, tôi có một dự định lớn, và tôi đã nghĩ đến anh. Thế này nhé: Vì tuần nào tôi cũng ăn tối một lần ở nhà Forestier, nên thỉnh thoảng để đáp lại, tôi mời họ đến tiệm. Tôi không thích có khách khứa tại nhà, tôi không quen như thế, vả lại, tôi chẳng biết tí ti gì về công việc nhà cửa, bếp núc. Tôi thích sống gặp chăng hay chớ. Cho nên thỉnh thoảng tôi tiếp họ ở tiệm ăn, nhưng chỉ có ba người thành thử chẳng vui. Các bạn bè quen biết của tôi thì lại không hợp với họ mấy. Tôi nói thế để giải thích cho anh rõ một lời mời không được hợp thức lắm. Anh hiểu cho, phải không, là tôi mời anh thứ Bảy hàng tuần đến với chúng tôi tại tiệm cà phê Riche, lúc bảy rưỡi. Anh biết tiệm ấy chứ?
Y sung sướng nhận lời. Nàng lại nói:
– Chúng ta sẽ chỉ có bốn người, đúng một bộ tứ. Các cuộc liên hoan nho nhỏ ấy sẽ rất vui đối với những phụ nữ vốn không quen đàn đúm như chúng tôi.
Nàng mặc một chiếc áo dài màu hạt dẻ sẫm, bó sát lấy thân hình, đôi hông, bộ ngực cùng đôi cánh tay nàng một cách khêu gợi và đỏm dáng; và Duroy lờ mờ cảm thấy ngạc nhiên, hầu như ngượng ngập mà chẳng rõ nguyên nhân, về sự không ăn khớp giữa người đàn bà áo quần lịch sự chải chuốt và tinh tế kia với thái độ rõ ràng là chẳng quan tâm gì đến nơi ăn chốn ở của nàng.
Tất cả những gì nàng mặc trên người, tất cả những gì dính dáng trực tiếp đến da thịt của nàng đều tinh tế, mịn màng, còn những thứ vây quanh chẳng có gì là quan trọng đối với y nữa.
Y từ biệt ra về và cũng như lần trước, lưu giữ mãi cảm xúc về sự hiện diện của nàng như một thứ ảo giác. Và y sốt ruột, mỗi lúc một sốt ruột thêm, chờ cho chóng đến ngày đi ăn cơm thết.
Sau khi đã thuê được một bộ đồ đen lần thứ hai, vì khả năng chưa cho phép mua một bộ lễ phục, y đến nơi hẹn trước tiên, sớm mấy phút.
Y được đưa lên gác hai, vào một phòng ăn nhỏ, căng vải đỏ và chỉ có một cửa sổ duy nhất trông ra đại lộ.
Một chiếc bàn vuông bốn người ăn được trải khăn trắng tinh trông bóng như quang dầu; các cốc thủy tinh, bát đĩa bằng bạc và chiếc hỏa lò lấp lánh vui vui dưới ánh sáng của mười hai ngọn nến gắn trên đôi giá nến cao.
Nhìn ra ngoài trời, ánh sáng chói chang của mấy phòng ăn đặc biệt rọi lên lùm cây tạo thành một vệt lớn màu xanh nhạt.
Duroy ngồi xuống chiếc ghế tràng kỷ rất thấp bọc vải đỏ như các màn trướng treo tường, lò xo của ghế mệt mỏi lún sâu khiến y có cảm giác như rơi tõm xuống một cái hố. Y nghe thấy tiếng lao xao mơ hồ trong khắp tòa nhà rộng, đó là cái xào xạc của các tiệm ăn lớn tạo bởi tiếng loảng xoảng của bát đĩa và các dụng cụ bằng bạc va vào nhau, tiếng chân bước mau lẹ và êm êm của các bồi bàn trên thảm trải ngoài hành lang, tiếng các cửa phòng mở ra rồi đóng lại để lọt ra ngoài tiếng cười nói của khách khứa đang ăn uống trong các căn phòng hẹp. Forestier bước vào và bắt tay y một cách hết sức thân mật, một điều chưa hề có khi anh bắt tay y trong các văn phòng của tờ Đời sống Pháp.
– Hai bà ấy sắp cùng nhau tới đây, ‐ anh nói, ‐ các bữa ăn như thế này thú lắm!
Rồi anh nhìn bàn ăn, cho tắt hẳn đi một ngọn đèn khí đốt đang cháy lù mù, đóng một cánh cửa sổ lại vì gió lùa, chọn một chỗ ngồi khuất gió, và nói:
– Tớ cần phải hết sức cẩn thận, sức khỏe của tớ đã kha khá trong vòng một tháng, thế rồi cách đây vài ngày tớ lại bị lại. Chắc tớ bị cảm lạnh hôm thứ Ba khi từ rạp hát đi ra.
Cửa mở và hai thiếu phụ bước vào, có bác đầu bếp theo sau, cả hai nàng đều che mạng, kín đáo, thận trọng, với dáng dấp bí ẩn dễ thương ta thường thấy ở các nàng tại những nơi có lắm kẻ ba vạ đáng ngờ.
Duroy vừa chào nàng Forestier thì bị nàng quở trách cho một trận là sao không trở lại thăm nàng; rồi nàng mỉm cười, hướng về phía cô bạn, nói thêm:
– Ra thế đấy, anh quý mến chị De Marelle hơn tôi, anh kiếm ra được thì giờ để đến với chị ấy.
Ai nấy ngồi vào bàn, và khi bác đầu bếp đưa cho Forestier danh mục các loại rượu, nàng De Marelle thốt lên:
– Mấy ông đàn ông muốn dùng rượu gì bác cứ tiếp cho, còn chúng tôi đây thì uống sâm banh ướp lạnh, loại hảo hạng, loại sâm banh dịu chẳng hạn, chứ không uống thứ gì khác. ‐ Và khi bác đã ra ngoài, nàng cười ngặt nghẽo nói. ‐ Tối nay tôi muốn được say mềm, chúng ta sắp túy lúy càn khôn, thật sự túy lúy càn khôn.
Forestier có vẻ như không nghe thấy gì và hỏi:
– Tôi đóng cửa sổ lại có sao không? Mấy hôm nay ngực tôi hơi khó chịu.
– Không, không sao hết.
Anh liền ra đóng nốt một bên cánh cửa sổ còn hé mở và trở về chỗ ngồi với vẻ mặt thanh thản, an tâm. Vợ anh không nói gì, có vẻ đang mải mê nghĩ ngợi; và nàng cúi mặt xuống bàn, mỉm cười với cốc chén, một nụ cười mơ hồ dường như cái gì cũng hứa để chẳng bao giờ giữ được như lời.
Món sò huyết được bưng lên, các con sò xinh xinh béo ngậy giống như những cái tai nho nhỏ đựng trong vỏ sò, và tan ra khi cho vào miệng như những chiếc kẹo mằn mặn.
Rồi tiếp theo món canh, nhà bếp bưng lên một con cá hồi đỏ hồng như da thịt thiếu nữ; và các khách ăn bắt đầu tán chuyện.
Thoạt đầu là chuyện tai tiếng đồn đại khắp các phố phường về một phụ nữ thuộc giới thượng lưu bị ông bạn của chồng bắt gặp đang ăn tối với một hoàng thân ngoại quốc trong phòng ăn đặc biệt.
Forestier cười bò ra về câu chuyện dan díu ấy, còn hai phụ nữ thì cho rằng cái tên ba hoa thích đưa chuyện kia chỉ là đồ đểu cáng, đồ hèn nhát. Duroy tán thành ý kiến của họ và lớn tiếng tuyên bố rằng trong những loại vụ việc như thế, một tay đàn ông, dù mình là vai chính, là người tâm phúc hay chỉ là kẻ chứng kiến cũng đều phải có bổn phận giữ câm lặng như một nấm mồ. Y nói thêm:
– Cuộc đời sẽ đầy những chuyện hay ho biết bao nhiêu nếu chúng ta có thể tin cậy vào sự kín đáo tuyệt đối giữa mọi người với nhau. Cánh phụ nữ thường chững lại, hầu như luôn luôn chững lại, chính vì lo sợ điều bí mật bị vỡ lở.
Rồi y mỉm cười nói thêm:
– Có đúng thế không nào? Biết bao cô nàng sẽ lao ngay vào cuộc truy hoan, vào một tiếng đồng hồ bồng bột sôi sục mạnh mẽ, vào tình yêu phóng túng ngông cuồng, nếu họ không e ngại phải trả giá cái hạnh phúc ngắn ngủi hời hợt bằng sự tai tiếng không sao cứu vãn nổi và bằng những giọt nước mắt đau lòng!
Y nói với niềm tin chắc chắn đầy sức thuyết phục, như thể y biện hộ, biện hộ cho chính mình, chẳng khác nào y nói: “Với tôi thì chẳng ai phải lo ngại những mối nguy hiểm như thế cả. Cứ thử mà xem”.
Cả hai nàng đều chiêm ngưỡng y, nhìn y ra vẻ tán đồng, thấy rằng y nói hay nói đúng, và thú nhận bằng sự im lặng đầy thân thiết rằng nếu biết chắc giữ được kín chuyện, thì đạo đức không gì lay chuyển nổi của các phụ nữ Paris như họ chắc sẽ không cưỡng lại được lâu đâu.
Còn Forestier gần như nằm dài trên tràng kỷ, một chân quặp lại, chiếc khăn ăn giắt vào trong áo gi lê để khỏi dây bẩn ra quần áo, bỗng cười khẩy có vẻ hoài nghi:
– Mẹ kiếp! Đúng thế, nếu tin chắc giữ kín được như bưng thì phải biết. Chết cha! Các ông chồng tội nghiệp!
Và mọi người liền trò chuyện về yêu đương. Duroy không công nhận tình yêu là vĩnh viễn, nhưng cho rằng nó lâu bền, nó tạo nên một sự ràng buộc, một tình cảm đằm thắm, một lòng tin cậy! Sự hòa hợp của hai cơ thể chỉ là để đóng dấu ấn cho sự hòa hợp của hai tâm hồn. Nhưng y phẫn nộ với những thứ ghen tuông rầy rà, những cảnh giận dỗi, làm mình làm mẩy, những chuyện khó chịu hầu như luôn luôn đi kèm với tan vỡ.
Khi y nói xong, nàng De Marelle thở dài:
– Phải, đó là điều tốt đẹp duy nhất của cuộc đời, nhưng chúng ta thường làm hỏng nó bằng những đòi hỏi kỳ quặc.
Nàng Forestier chơi nghịch con dao trong tay, nói thêm:
– Phải… phải… được yêu thú vị biết bao…
Nàng hình như đang đẩy những mơ mộng của mình đi xa hơn nữa, nghĩ tới những điều mà nàng chẳng dám nói ra.
Món ăn chính chưa thấy được bưng vào, nên chốc chốc họ lại uống một ngụm sâm banh và nhấm chút cùi bánh bóc trên lưng những chiếc bánh tròn nho nhỏ. Và ý nghĩ về yêu đương ngấm vào người họ, chậm chạp nhưng không sao ngăn nổi, dần dần làm cho tâm hồn họ ngây ngất như thứ rượu vang loãng nhỏ từng giọt từng giọt vào cổ họng làm cho máu họ sôi lên, đầu óc họ mụ đi.
Người ta mang vào món sườn cừu, mềm, xốp, đặt nằm trên một lớp dày các đọt măng tây thái nhỏ.
– Mẹ kiếp! Ngon ơi là ngon! ‐ Forestier thốt lên. Và họ ăn nhấm nháp, thưởng thức chất thịt ngon và chất măng tây sánh quyện như kem.
Duroy nói:
– Tôi ấy à, khi tôi yêu ai thì mọi thứ xung quanh nàng đều biến đi hết.
Y nói ra điều đó với niềm tin chắc, mơ tưởng đến hưởng thụ yêu đương khi đã được thưởng thức của ngon vật lạ ở bàn ăn.
Nàng Forestier nói có vẻ hờ hững:
– Chẳng có hạnh phúc nào so sánh được với cái bóp tay nhau lần đầu tiên khi người này hỏi: “Anh có yêu em không?” và người kia trả lời: “Có, anh yêu em”.
Nàng De Marelle vừa làm một hơi cạn thêm cốc sâm banh nữa vừa đặt cốc xuống nói vui vẻ:
– Tôi thì không yêu đương thuần khiết được như vậy đâu.
Và ai nấy mắt sáng lên, cười hóm hỉnh, tán thưởng lời nói ấy.
Forestier nằm dài trên tràng kỷ, dang rộng hai cánh tay, tì lên những chiếc gối tựa, và nói bằng một giọng nghiêm trang:
– Tính thực thà đó làm vẻ vang cho chị và chứng tỏ chị là người đàn bà thực tế. Nhưng chị có thể cho biết ý kiến của ông De Marelle như thế nào không?
Nàng từ từ nhún vai với vẻ khinh khỉnh vô tận, kéo dài; rồi bằng một giọng rành rọt nói:
– Ông nhà tôi chẳng có ý kiến gì về vấn đề này. Ông ấy chỉ có… chỉ có bỏ phiếu trắng.
Và cuộc chuyện trò chuyển từ những lý thuyết cao xa xuống chỗ âu yếm tâm tình, đi vào trong khu vườn nở đầy những bông hoa tục tĩu mà thanh tao.
Đây là thời điểm của những lời bóng gió xa xôi, của những tấm mạng che mặt được các từ ngữ vén lên như người ta vén váy, của ngôn ngữ lấp lửng và xảo trá, của những trò táo tợn khéo léo và vờ vĩnh, của tất cả những thói đạo đức giả trơ trẽn, của những câu chữ lột trần người ta ra bằng lối nói che đậy, làm lóe lên trong mắt và trong đầu tất cả những gì người ta không thể nói ra, và cho phép các khách hào hoa được hưởng một thứ tình yêu tinh tế và huyền bí, một thứ đụng chạm dơ dáy của các ý nghĩ, bằng cách khêu gợi cùng một lúc và đầy nhục cảm như ôm ghì lấy nhau tất cả những điều sâu kín, thẹn thùng và thèm khát của chuyện trăng hoa. Người ta mang vào món thịt quay, món gà gô non kèm theo chim ngói, rồi món đậu Hà Lan, rồi một liễn gan béo cùng với rau xà lách lá khía răng cưa đựng đầy trong một bát loe to dùng để trộn rau trông như đầy một bát bọt xanh. Họ ăn tất cả các món đó mà không thưởng thức, không biết là mình đã ăn, vì chỉ mải mê đắm mình trong những lời lẽ yêu đương.
Hai người phụ nữ giờ đây rất bạo mồm bạo miệng; nàng De Marelle ăn nói táo bạo tự nhiên giống như khiêu khích, còn nàng Forestier thì ra chiều dè dặt dễ thương, từ lời ăn tiếng nói, nụ cười đến toàn bộ dáng dấp đều có cái chất e lệ, nó càng tô đậm thêm những lời lẽ bạo dạn từ miệng nàng thốt ra tuy có vẻ làm cho nhẹ bớt đi.
Forestier ngả hẳn người trên đệm ghế, luôn miệng cười đùa, ăn uống, thỉnh thoảng văng ra một lời nói sỗ sàng hoặc sống sượng đến nỗi hai bà phụ nữ có phần nào thấy chướng, nhưng là chướng lấy lệ, nên tỏ vẻ hơi ngường ngượng kéo dài độ mấy giây đồng hồ. Sau khi đã thốt ra một lời tục tĩu quá trớn, anh nói thêm:
– Được lắm, các cô cậu ơi. Nếu cứ tiếp tục cái đà này, các cô cậu sẽ đi tới chỗ làm những điều bậy bạ cho mà xem.
Món tráng miệng được mang lên, sau đó là cà phê; những đầu óc bị kích thích lại càng mụ đi và bừng bừng thêm vì các đồ uống.
Nàng De Marelle ngay từ lúc mới ngồi vào bàn đã tuyên bố mình là kẻ rượu chè, thì bây giờ nàng uốn éo, huyên thuyên, vui vẻ, tỏ ra là mình say thật để mua vui cho mọi người.
Lúc này nàng Forestier có lẽ vì thận trọng nên chẳng nói năng gì nữa; còn Duroy cảm thấy người bừng bừng quá dễ bị lỡ lời cũng giữ thái độ dè dặt khôn khéo.
Ai nấy châm thuốc hút và Forestier bỗng ho sù sụ.
Đó là một cơn ho rũ rượi như xé cổ; và mặt đỏ gay, trán đẫm mồ hôi, anh cố ra sức lấy khăn tay bịt miệng. Khi cơn ho đã dịu, anh làu bàu bực bội:
– Các cuộc chè chén này chẳng có nghĩa lý gì đối với tôi: thật là ngớ ngẩn.
Tính khí vui vẻ của anh đã bay biến trước nỗi kinh hoàng về căn bệnh đang ám ảnh trong đầu.
– Thôi ta về đi, ‐ anh nói.
Nàng De Marelle rung chuông gọi bồi bàn đưa bản thanh toán. Người ta lập tức mang đến cho nàng ngay. Nàng cố đọc, nhưng các con số quay cuồng trước mắt, liền đưa tờ giấy cho Duroy:
– Này, anh thanh toán hộ tôi, tôi chẳng nhìn thấy gì nữa, tôi hơi quá chén.
Và nàng đồng thời quẳng luôn cả túi tiền vào hai bàn tay của y.
Tổng cộng lên tới một trăm ba mươi frăng. Duroy kiểm tra, soát lại bản thanh toán, rồi vừa đưa ra hai tờ giấy bạc và lấy lại tiền thừa, vừa hỏi nhỏ:
– Phải để lại cho các bồi bàn bao nhiêu?
– Tùy anh, tôi không biết.
Y đặt năm frăng vào đĩa, rồi đưa trả túi tiền cho người thiếu phụ và bảo:
– Tôi đưa chị về đến cửa được không?
– Nhất định rồi. Tôi không thể nào lần ra được địa chỉ của tôi nữa.
Họ bắt tay vợ chồng Forestier, và Duroy còn lại một mình với nàng De Marelle trong chiếc xe ngựa đang lăn bánh.
Y cảm thấy nàng áp vào y, rất sát, trong cái hòm xe tối om chỉ có hai người, chốc chốc lại được các ngọn đèn khí đốt dọc vỉa hè bất thần rọi vào chớp nhoáng. Y cảm thấy hơi ấm của vai nàng qua lớp tay áo, và chẳng biết, hoàn toàn chẳng biết nói gì với nàng cả, vì đầu óc mụ mẫm đi bởi nỗi khao khát cháy bỏng muốn ôm ghì lấy nàng trong tay.
“Nếu ta liều, cô nàng sẽ phản ứng ra sao?”, y nghĩ. Nhớ lại tất cả những lời lẽ phóng túng thì thầm trong bữa ăn, y thấy mạnh dạn lên, nhưng đồng thời lại bị níu giữ vì sợ tai tiếng.
Nàng cũng chẳng nói năng gì cả, bất động, nép mình trong góc xe. Có lẽ y sẽ tưởng là nàng ngủ nếu y không nhìn thấy đôi mắt nàng long lanh mỗi khi có một tia sáng rọi vào trong xe.
“Cô nàng nghĩ gì thế nhỉ?” Y cảm thấy rõ là không nên lên tiếng, vì chỉ một lời, một lời thôi, phá tan sự im lặng là sẽ cuốn theo luôn mọi cơ may của y; nhưng y thiếu cái mạnh dạn, cái mạnh dạn hành động bất thần và táo tợn.
Bỗng y cảm thấy bàn chân nàng cựa quậy. Nàng đã có một cử động, một cử động đanh gọn, bồn chồn, như sốt ruột, hoặc như khêu gợi cũng nên. Động tác ấy, hầu như không cảm thấy được, nhưng làm cho y rùng mình trên khắp làn da từ đầu đến chân, y liền quay phắt ngay lại, vồ lấy nàng, đôi môi tìm miệng nàng và hai bàn tay tìm da thịt nàng.
Nàng rú lên một tiếng, một tiếng khe khẽ, muốn chồm dậy, giãy giụa, đẩy y ra; rồi nàng buông xuôi, như thể không còn đủ sức để cưỡng lại lâu hơn nữa.
Vừa lúc đó, xe đỗ lại trước cửa nhà nàng. Duroy ngạc nhiên, thấy chẳng cần phải tìm những lời say sưa để cảm tạ nàng, ca ngợi nàng và biểu lộ tình yêu biết ơn của y. Song còn choáng váng vì điều vừa xảy ra, nàng vẫn không đứng lên, nàng vẫn không động đậy. Y e ngại bác xà ích có điều ngờ vực nên xuống xe trước để giơ tay đón người thiếu phụ.
Rồi nàng cũng loạng choạng ra khỏi xe và chẳng nói lấy một lời. Y bấm chuông, và lúc cửa mở, y run run hỏi:
– Bao giờ tôi lại gặp em?
Nàng thì thầm rất khẽ, y hầu như không nghe rõ:
– Mai anh đến ăn trưa với tôi.
Rồi nàng biến vào trong bóng tối của khu vực tiền sảnh và đẩy cho khép lại tấm cánh cửa nặng nề rầm rầm như tiếng súng thần công.
Y cho bác đánh xe ngựa một trăm xu rồi cứ thế đi bộ, chân bước nhanh nhanh, hí hửng, lòng chan chứa sướng vui.
Thế là y đã tóm được một người phụ nữ, một phụ nữ có chồng! Một phụ nữ thượng lưu! Thượng lưu thực sự! Thượng lưu Paris! Sao mà dễ dàng và bất ngờ đến thế.
Lâu nay y cứ ngỡ muốn tiếp cận và chinh phục một trong số những cô nàng xiết bao khao khát ấy, y phải tốn công tốn sức, phải chờ đợi ngày này qua tháng khác, phải khôn khéo bủa vây bằng những trò tán tỉnh, những lời lẽ yêu đương, những thở dài và quà cáp. Thế mà thoắt cái, mới tấn công sơ sơ, người phụ nữ đầu tiên y gặp đã buông xuôi cho y, chóng vánh đến nỗi y bàng hoàng sửng sốt.
“Tại cô nàng say rượu”, y nghĩ bụng, “đến mai chắc điệu đàn sẽ khác đi. Ta sẽ phải khóc lóc”. Ý nghĩ ấy làm y băn khoăn lo lắng, rồi y tự nhủ: “Thôi, mặc kệ. Lúc này ta tóm được cô nàng rồi, ta sẽ có cách giữ được”.
Và trong cái ảo ảnh lờ mờ tạo nên bởi những hoài bão của y, hoài bão danh vọng, thành công, tiếng tăm, giàu sang và yêu đương, y chợt nhận thấy diễu qua trước mắt một dãy các phụ nữ thanh lịch, giàu có, quyền thế, vừa đi vừa cười tươi như hoa, để rồi lần lượt từng người mất hút vào trong đám mây vàng mộng tưởng của y, chẳng khác nào chuỗi hình mỹ nữ diễu qua trong bầu trời của những đám rước thần.
Và y ngủ thiếp đi trong mơ.
Hôm sau, y hơi xúc động khi lên thang gác nhà nàng De Marelle. Nàng sẽ tiếp đón y như thế nào đây? Nhỡ nàng không tiếp y thì sao? Nhỡ nàng đã cấm cửa y? Nhỡ nàng thuật lại…? Nhưng không, nàng không thể nói ra bất cứ điều gì mà chẳng để lộ cho người ta đoán biết toàn bộ sự thật. Vậy là y vẫn làm chủ tình thế.
Cô hầu gái người bé nhỏ ra mở cửa. Vẻ mặt của cô ta vẫn bình thường. Y yên tâm, vì cứ ngỡ cô ta sẽ thay đổi thần sắc khi nhìn thấy y.
Y hỏi:
– Bà chủ khỏe mạnh chứ?
Cô ta trả lời:
– Vâng, thưa ông, như mọi khi.
Và cô đưa y vào trong phòng khách.
Y đi thẳng đến lò sưởi để xem đầu tóc và quần áo ra sao; y đang đứng trước gương sửa lại ca vát thì thấy trong gương hình ảnh người thiếu phụ đang đứng ở cửa phòng nhìn y.
Y lờ như không trông thấy nàng, và hai người nhìn nhau giây lát trong gương, theo dõi nhau, dò xét nhau trước khi mặt nhìn đối mặt.
Y quay lại. Nàng không nhúc nhích và như đợi chờ. Y lao tới, ấp úng:
– Tôi yêu em biết bao. Tôi yêu em biết bao!
Nàng dang hai tay ra và ngã vào ngực y; rồi ngẩng đầu lên nhìn y, hai người ôm hôn nhau rất lâu.
Y nghĩ: “Dễ dàng hơn mình tưởng nhiều. Mọi chuyện diễn ra tốt đẹp quá!”. Và khi hai cặp môi đã rời nhau ra, y mỉm cười, chẳng nói năng gì, cố nhìn nàng một cách vô cùng tình tứ.
Nàng cũng nở một nụ cười, nụ cười của các phụ nữ để nói lên là họ thèm muốn, là họ thuận tình, họ muốn trao thân. Nàng thì thầm:
– Chỉ có hai chúng ta với nhau. Em đã cho Laurine đến ăn trưa tại nhà một cô bạn của em.
Y thở phào, hôn hai cổ tay nàng.
– Cám ơn, tôi yêu em tha thiết.
Nàng liền nắm lấy cánh tay y, như thể y là chồng của nàng, để đi đến tận chiếc ghế tràng kỷ và ngồi xuống bên nhau.
Y muốn mở đầu câu chuyện một cách khéo léo và hấp dẫn; nhưng không biết nói thế nào cho hợp ý mình, y ấp úng:
– Thế em không giận tôi lắm chứ?
Nàng giơ bàn tay bịt miệng y:
– Im đi anh!
Hai người ngồi lặng yên, nhìn nhau đắm đuối, các ngón tay đan vào nhau và nóng bừng bừng.
– Tôi thèm muốn em quá! ‐ Y nói.
Nàng nhắc lại:
– Im đi anh!
Có tiếng cô hầu gái bày biện bát đĩa ở trong phòng, phía bên kia tường.
Y đứng dậy:
– Tôi không muốn ngồi quá sát bên em. Tôi sẽ không giữ được tỉnh táo mất.
Cửa mở ra:
– Thưa bà, bàn ăn đã dọn xong.
Và y trịnh trọng đưa cánh tay ra cho nàng.
Hai người ngồi ăn đối diện với nhau, nhìn nhau và mỉm cười với nhau suốt, cả hai chỉ nghĩ đến nhau mà thôi, và đều ngây ngất trong niềm lạc thú hết sức ngọt ngào của buổi ban đầu cùng nhau âu yếm. Họ ăn mà chẳng biết là ăn cái gì. Y cảm thấy có một bàn chân nhỏ nhắn đang rờ rẫm dưới gầm bàn. Y liền kẹp lấy, giữ rịt giữa đôi bàn chân của y, và ra sức siết thật chặt.
Cô hầu gái đi đi lại lại, bưng thức ăn vào và mang bát đĩa ra một cách uể oải, hình như chẳng thấy gì cả.
Ăn xong, hai người trở về phòng khách và lại ngồi vào chỗ cũ, bên cạnh nhau, ở tràng kỷ.
Y nhích dần lại, ngồi sát vào nàng, định ôm ghì lấy nàng. Nhưng nàng từ tốn đẩy y ra:
– Coi chừng, có thể có người vào đấy. Y nói khe khẽ:
– Bao giờ tôi có thể gặp riêng em để nói cho em biết tôi yêu em biết chừng nào?
Nàng ghé vào tai y và nói rất khẽ:
– Em sẽ ghé qua nhà thăm anh một ngày gần đây.
Y cảm thấy mặt đỏ bừng:
– Nhưng mà… nhưng mà… chỗ ở của tôi xoàng xĩnh lắm.
Nàng nở một nụ cười:
– Có sao đâu. Em đến thăm anh chứ có phải thăm chỗ ở của anh đâu.
Y liền gạn hỏi bao giờ nàng sẽ đến. Nàng ấn định một ngày khá xa của tuần sau, và y vừa mơn trớn nàng, bóp chặt đôi bàn tay nàng, vừa năn nỉ đề nghị nàng đẩy sớm ngày ấy lên bằng những lời ấp úng, với đôi mắt long lanh, bộ mặt đỏ ửng, bừng bừng, trông dại đi vì ham muốn, nỗi ham muốn mãnh liệt thường xảy đến sau những bữa ăn chỉ có hai người với nhau.
Nàng thích thú được thấy y van xin khẩn khoản, và chốc chốc lại nhượng bộ thêm một ngày. Nhưng y nài đi nài lại:
– Ngày mai… em nói… ngày mai đi.
Cuối cùng nàng chấp thuận:
– Được rồi. Ngày mai. Năm giờ.
Y thở phào mừng rỡ; hai người chuyện trò với nhau hầu như bình thản với thái độ thân mật như quen nhau đã hai chục năm trời.
Có tiếng chuông reo làm họ giật mình; hai người thoắt vội buông nhau ra.
Nàng thì thầm:
– Chắc là Laurine.
Đứa trẻ xuất hiện, rồi đứng lại sững sờ, rồi mừng quýnh khi thấy Duroy, vừa chạy đến với y vừa vỗ tay reo:
– A! Ông Bạn Đẹp!
Nàng De Marelle cười:
– Chà! Ông Bạn Đẹp! Laurine đã đặt tên cho anh! Đó là cái tên tục hay hay để gọi anh một cách thân mật đấy; em cũng sẽ gọi anh là Ông Bạn Đẹp!
Y bế cô bé lên lòng và phải chơi cùng với em tất cả những trò chơi vặt mà y đã hướng dẫn em chơi.
Y đứng dậy ra về vào lúc ba giờ kém hai mươi phút để đến tòa báo; khi ra đến cầu thang, y còn mấp máy đôi môi thì thầm qua cánh cửa hé mở:
– Ngày mai. Năm giờ.
Thiếu phụ đáp: “Vâng” bằng một nụ cười rồi đóng cửa lại.
Vừa làm xong công việc hàng ngày, y liền nghĩ cách thu dọn căn phòng để tiếp đón tình nhân và che giấu bớt được chừng nào hay chừng ấy cảnh tồi tàn của chỗ ở. Y nảy ra ý định găm lên tường những món đồ chơi mỹ nghệ nho nhỏ của Nhật Bản và bỏ ra năm frăng mua cả một bộ những thứ linh tinh ấy để che các vết bẩn quá lộ liễu trên giấy phủ tường. Y dán lên kính cửa sổ những tấm tranh cắt giấy thể hiện các con thuyền lướt trên sông, những cánh chim bay ngang qua bầu trời đỏ rực, những phụ nữ áo quần sặc sỡ đứng trên ban công, và những đoàn con trẻ màu đen đi rồng rắn trong cánh đồng tuyết phủ.
Căn phòng bé nhỏ của y vốn chỉ vừa đủ chỗ kê cái giường và cái bàn bỗng có vẻ giống như bên trong của một chiếc đèn lồng bằng giấy màu. Y cho rằng thế là tạm được và dành cả buổi tối dán lên trần những con chim cắt bằng số giấy màu còn lại. Rồi y đi ngủ trong tiếng còi tàu ru.
Hôm sau, y về nhà sớm, mang theo một gói bánh ngọt và một chai vang Madère mua ở hiệu tạp hóa. Y còn phải ra khỏi nhà lần nữa để kiếm mua hai cái đĩa và hai cái cốc, rồi y đặt bữa ăn nhẹ ấy lên chiếc bàn cạo râu được phủ một cái khăn mặt để che lớp gỗ bẩn, còn cái chậu thau và cái bình đựng nước thì tống xuống dưới gầm bàn.
Rồi y ngồi đợi.
Nàng đến vào khoảng năm giờ mười lăm, và khi nhìn thấy những hình vẽ tô màu vui mắt, nàng thích quá reo lên:
– Chà, căn phòng của anh dễ thương nhỉ. Nhưng có lắm người ở ngoài cầu thang quá!
Y ôm chầm lấy nàng và hôn như điên dại lên mái tóc nàng, khoảng giữa trán và mũ, qua lớp mạng che mặt.
Một tiếng rưỡi đồng hồ sau, y tiễn nàng ra đến trạm đỗ xe ngựa ở phố Rome. Khi nàng đã lên xe, y nói nhỏ:
– Thứ Ba, vẫn giờ ấy. Nàng bảo:
– Vẫn giờ ấy, thứ Ba.
Và vì trời đã tối, nàng vít đầu y vào cửa xe và hôn lên đôi môi y. Khi bác xà ích đã ra roi thúc ngựa, nàng nói to:
– Tạm biệt, Ông Bạn Đẹp!
Rồi chiếc xe ngựa bốn bánh cũ kỹ lăn đi theo bước chân chạy nước kiệu mệt mỏi của một con ngựa bạch.
Trong vòng ba tuần lễ, Duroy tiếp nàng De Marelle như thế hai, ba ngày một lần, khi thì buổi sáng, khi thì buổi tối.
Một hôm, vào buổi chiều, khi y đang đợi nàng thì ngoài cầu thang có tiếng ầm ầm, y bèn chạy ra cửa xem có chuyện gì. Một đứa trẻ đang kêu khóc. Có tiếng người đàn ông giận dữ quát:
– Làm sao mà thằng chó ấy còn gào lên mãi thế?
Tiếng eo éo và bực tức của một người đàn bà đáp lại:
– Chỉ tại cái coon điền bà bẩn thiểu đến phòng ôông nhàà bááo ở tầng trêng xô ngã thằng Nicolas. Cứ lààm như chẳng ai dám đụng vàào cái đồ đĩ rạc ấy, nó cóóc thèm chú ý cả đếng bọọng trẻ coong ở cầu thang.
Duroy cuống cuồng lùi vào, vì y nghe thấy tiếng váy sột soạt mau lẹ và bước chân vội vã lên thang ở tầng dưới.
Y vừa đóng cửa lại thì đã có tiếng gõ. Y mở ra và nàng De Marelle chạy xổ vào trong phòng, thở không ra hơi, hốt hoảng, ấp úng:
– Anh có nghe thấy không?
Y vờ như không biết gì hết.
– Không, cái gì?
– Họ lăng nhục em quá lắm!
– Ai cơ?
– Bọn khốn nạn ở tầng dưới.
– Đời nào, có chuyện gì thế, nói đi em?
Nàng thổn thức mà không nói được lời nào.
Y phải bỏ mũ, tháo giày cho nàng, đặt nàng lên giường, lấy khăn dấp nước vỗ vỗ vào hai bên thái dương nàng; nàng nghẹt thở; rồi khi cơn xúc động đã nguôi nguôi, tất cả nỗi tức giận của nàng bùng lên.
Nàng muốn y phải xuống ngay lập tức, phải đánh nhau, phải giết chết chúng đi.
Y can ngăn:
– Nhưng đó là bọn thợ thuyền, bọn dân quê. Em cứ nghĩ mà xem, đến lúc phải ra tòa, em có thể bị người ta nhận ra, bị bắt, bị nguy ngập. Chẳng nên dây với bọn người đó mà hại đến thân.
Nàng chuyển qua một ý khác:
– Bây giờ chúng ta biết làm thế nào? Em, em không thể vào đây được nữa.
Y đáp:
– Đơn giản lắm, anh sẽ dọn đi ở nơi khác.
Nàng thỏ thẻ:
– Vâng, nhưng thế thì lâu quá!
Rồi bỗng nàng nghĩ ra một mẹo, và thoắt bình tĩnh lại ngay:
– Không, thế này nhé, em đã có cách, anh cứ để em giải quyết, đừng bận tâm gì hết. Sáng mai, em sẽ gửi cho anh một phiếu xanh.
Nàng gọi những bức điện dán kín truyền đi trong Paris là các “phiếu xanh”.
Lúc này nàng mỉm cười, khoái chí về cái sáng kiến mà nàng chưa muốn để lộ ra; và nàng làm đủ trò yêu đương cuồng nhiệt.
Song khi xuống thang gác ra về, nàng vẫn xúc động lắm và phải tì hẳn người lên cánh tay của tình nhân vì cảm thấy chân mình như khuỵu xuống.
Họ chẳng gặp ai cả.
Hôm sau y ngủ dậy muộn nên vào khoảng mười một giờ, khi người đưa thư mang bức điện đã hứa đến cho y, y đang còn nằm trên giường.
Duroy mở ra và đọc:
“Hẹn chiều nay, năm giờ, phố Constantinople, số nhà 127. Anh bảo họ mở cửa cho căn hộ của bà Duroy thuê.
CLO. ÔM HÔN ANH”
Lúc năm giờ đúng, y bước vào phòng người gác cổng của một ngôi nhà lớn cho thuê có đồ đạc và hỏi:
– Bà Duroy thuê một căn hộ ở đây phải không?
– Thưa ông, vâng.
– Bác làm ơn đưa tôi tới đó được chứ?
Người đàn ông chắc đã quen với những tình huống tế nhị, cần thiết phải thận trọng, nên nhìn thẳng vào đôi mắt y, rồi chọn trong dãy dài các chìa khóa:
– Ông đúng là ông Duroy?
– Phải, đúng thế.
Thế là bác mở cửa một căn hộ nhỏ gồm hai phòng ở tầng trệt, ngay trước cửa nhà ở của mình.
Phòng khách có tường phủ giấy in hoa lá, khá mới, trong phòng kê một bộ bàn ghế bằng gỗ đào hoa tâm, phủ vải len màu lục nhạt, hình vẽ màu vàng, và trải một tấm thảm hoa đơn sơ, mỏng đến nỗi bàn chân cảm thấy lớp sàn gỗ ở dưới.
Phòng ngủ chật hẹp đến nỗi chỉ riêng cái giường đã choán hết ba phần tư. Giường kê ở cuối phòng, sát từ tường bên này sang tường bên kia, một loại giường lớn của căn nhà cho thuê có sẵn đồ đạc, bọc rèm xanh nặng nề, cũng bằng vải len, và trên giường là một cái chăn lông bọc lụa đỏ có dây những vết bẩn khả nghi.
Duroy lo lắng và bực mình nghĩ: “Nó sẽ ngốn khối tiền của ta đây, cái chỗ ở này. Ta lại đến phải đi vay nữa thôi. Cô ả làm việc này thật là ngớ ngẩn”.
Cửa mở ra và Clotilde chạy vụt vào, áo dài kêu sột soạt, hai cánh tay dang rộng. Nàng vui mừng khôn xiết:
– Dễ thương không, thế nào, dễ thương không? Và chẳng phải leo trèo nhé, trông ngay ra phố, ở tầng trệt. Anh có thể ra vào bằng lối cửa sổ, bác gác cổng không nhìn thấy được. Chúng ta sẽ yêu nhau thú vị biết bao ở trong này!
Y ôm hôn nàng một cách lạnh lùng, muốn hỏi mà không dám hỏi.
Nàng đã đặt một bọc lớn trên chiếc bàn xoay ở giữa phòng. Nàng mở bọc và lấy ra một bánh xà phòng, một lọ nước hoa Lubin, một miếng bọt biển, một hộp cặp tóc, một cái móc để gài khuy, và một cái uốn tóc nhỏ để sửa lại những món tóc lần nào cũng bị rũ ra trên trán nàng.
Và nàng loay hoay sắp xếp, tìm chỗ để cho từng thứ, vẻ thích thú vô cùng.
Nàng vừa mở các ngăn kéo vừa nói:
– Em phải mang ít quần áo tới đây mới được để khi cần đến có cái mà thay. Như thế rất tiện lợi. Nếu chẳng may khi đi mua hàng, gặp mưa rào, em sẽ tới đây hong cho khô. Mỗi người chúng ta sẽ có chìa khóa riêng, không kể chiếc chìa khóa gửi ở nhà bác gác cổng để phòng trường hợp chúng ta quên mang chìa khóa của mình. Em thuê ba tháng, theo tên anh, tất nhiên, vì em không thể đưa tên em được.
Lúc đó y hỏi:
– Em sẽ cho anh biết khi nào phải trả tiền nhà chứ?
Nàng đáp một cách đơn giản:
– Trả rồi mà, anh yêu quý của em!
Y lại nói:
– Vậy là anh phải trả em món đó?
– Ồ không, anh yêu của em, cái đó chẳng liên quan gì đến anh cả, chính em muốn bày ra cái trò ngông cuồng nho nhỏ này.
Y có vẻ bực mình:
– Hừ! Ai lại thế. Anh sẽ không cho phép như vậy đâu.
Nàng đến bên y van vỉ và đặt hai bàn tay lên vai y:
– Em xin anh, anh Georges, em thích thú, thích thú vô cùng khi được riêng mình lo toan cho cái tổ ấm của chúng ta, chỉ riêng mình em lo toan mà thôi! Điều đó chẳng thể làm phật lòng anh được phải không? Phật lòng về nỗi gì? Em muốn góp khoản đó vào trong tình yêu của chúng ta. Hãy nói đi anh, anh đồng ý chứ, anh Géo thân thương của em, hãy nói đi anh, anh đồng ý chứ?… ‐ Nàng khẩn khoản nài y bằng mắt, bằng môi, bằng cả người nàng.
Y làm mặt giận không chịu nghe, khiến nàng van xin mãi, rồi y nhượng bộ vì thấy rằng xét cho cùng việc ấy cũng đúng.
Khi nàng đi rồi, y xoa tay lẩm bẩm mà chẳng tìm trong các ngóc ngách của con tim xem từ đâu y lại nảy ra cái ý kiến này trong ngày hôm đó: “Kể ra cô nàng cũng dễ thương đấy”.
Vài ngày sau, y nhận được một bức điện khác nhắn tin:
“Tối nay chồng em về sau sáu tuần lễ đi thanh tra. Chúng ta sẽ tạm xa nhau tám ngày. Thật là cực hình, anh yêu của em!
CLO CỦA ANH”
Duroy sững sờ cả người. Quả tình y không nghĩ đến là nàng đã có chồng nữa. Y muốn nhìn mặt gã đàn ông đó một lần thôi cho biết.
Tuy nhiên, y vẫn sốt ruột chờ đợi ông chồng ra đi, y tới Folies‐Bergère chơi bời hai tối và tới khuya thì về nhà Rachel.
Rồi một buổi sáng, y nhận được một bức điện mới chỉ chứa vỏn vẹn mấy từ:
“Chiều nay, năm giờ. ‐ CLO”
Cả hai đều đến nơi hò hẹn sớm trước giờ. Nàng lao vào trong tay y với nhiệt tình hăm hở yêu đương, hôn lấy hôn để lên mặt y, rồi nàng bảo:
– Nếu anh muốn, sau khi chúng ta yêu nhau say đắm xong, anh sẽ đưa em đi ăn tối ở nơi nào đấy. Em đã báo là mình không ăn ở nhà rồi.
Khi ấy đúng vào dịp đầu tháng, và tuy lương đã vay để tiêu trước từ lâu, và y sống lần hồi qua ngày bằng tiền kiếm được mỗi chỗ một ít, nhưng Duroy tình cờ may mắn đang có tiền; nên y rất hài lòng được dịp tiêu pha một cái gì đấy cho nàng.
Y đáp:
– Phải đấy, em yêu, em muốn ăn ở đâu cũng được.
Thế là họ ra đi vào lúc khoảng bảy giờ và tới đại lộ ngoại vi. Nàng dựa hẳn vào người y và thì thầm bên tai:
– Giá anh biết em hài lòng được khoác tay anh đi phố biết bao, em thích được cảm thấy người anh áp vào em biết bao!
Y hỏi:
– Em có ưng đến tiệm lão Lathuille không?
Nàng đáp:
– Ấy đừng! Tiệm ấy lịch sự quá! Em muốn đến nơi nào nhồn nhộn, tầm thường, chẳng hạn như một quán ăn thường được các viên chức và các cô công nhân lui tới ấy; em rất mê đến ăn uống tại các quán rượu ngoại ô! Ôi! Giá chúng mình có thể về thôn quê được nhỉ!
Vì y không biết tí gì về các quán rượu loại ấy ở trong khu phố, nên hai người đi lang thang dọc theo đại lộ và cuối cùng vào một cửa hàng bán rượu có cả bàn ăn trong một phòng riêng biệt. Nàng nhìn qua cửa kính thấy hai cô bé để đầu trần đang ngồi ăn đối diện cùng bàn với hai anh lính.
Ba bác xà ích ngồi ăn tận cuối căn phòng vừa hẹp, vừa dài, và một nhân vật, không biết xếp vào nghề nghiệp gì, đang hút tẩu thuốc, hai chân duỗi ra, đôi bàn tay nhét vào thắt lưng của chiếc quần cụt, ngả người trên chiếc ghế tựa, đầu ngửa ra đằng sau, gối lên lưng ghế. Chiếc áo jaket của ông ta giống như viện bảo tàng vết bẩn, và trong mấy cái túi căng phồng như bụng phưỡn ra thập thò một cái cổ chai, một mẩu bánh mì, một gói giấy báo với một đầu dây lòng thòng. Ông ta có mái tóc dày, xoăn tít, rối bù, xám bẩn, và chiếc mũ cát két của ông ta thì ở dưới đất, trong gầm ghế.
Ai nấy đều chú ý khi Clotilde bước vào vì cách ăn mặc lịch sự của nàng. Hai cặp trai gái thôi thì thầm to nhỏ, ba bác xà ích thôi tranh cãi, còn ông đang hút thuốc thì rút tẩu trên miệng ra, nhổ một bãi nước bọt trước mặt và hơi ngoái đầu nhìn.
Nàng De Marelle nói nhỏ:
– Nơi đây hay lắm! Chúng ta sẽ rất thoải mái; lần khác em sẽ ăn mặc thành nữ công nhân.
Và nàng chẳng làm bộ làm tịch, cũng chẳng ghê tởm, ngồi ngay xuống trước cái bàn gỗ bóng loáng vì dầu mỡ thức ăn với các đồ uống đổ vãi ra lênh láng, đang được gã bồi bàn cầm khăn lau quệt cho một cái. Duroy hơi ngượng nghịu, hơi xấu hổ, tìm cái mắc áo để treo chiếc mũ cao thành. Tìm không thấy, y liền đặt mũ xuống một chiếc ghế tựa.
Họ ăn món thịt cừu nấu ragu, một khoanh đùi cừu và rau xà lách. Clotilde nhắc đi nhắc lại:
– Em, em mê thế này lắm. Em có những sở thích nhí nhố. Em khoái ở đây hơn là ở tiệm cà phê Anh.
Rồi nàng bảo:
– Em sẽ vui thú hoàn toàn nếu được anh dẫn tới một tiệm khiêu vũ. Em biết một tiệm rất nhộn gần đây, tên là Vương phi góa chồng.
Duroy ngạc nhiên hỏi:
– Ai đưa em tới đó thế?
Y nhìn nàng và thấy nàng đỏ mặt, hơi luống cuống, dường như câu hỏi bất thần ấy khơi dậy trong nàng một kỷ niệm tế nhị. Sau vài giây lưỡng lự rất ngắn ngủi thường có ở phụ nữ và phải tinh ý mới thấy được, nàng trả lời:
– Đó là một anh bạn… ‐ rồi im lặng một chút, nàng thêm, ‐ … đã chết rồi.
Và nàng cúi mặt xuống ra vẻ buồn rầu hết sức tự nhiên.
Thế là lần đầu tiên Duroy nghĩ tới tất cả những gì y chưa hề biết về quãng đời quá khứ của người đàn bà này và y mơ màng. Chắc chắn cô nàng đã có những nhân tình nhân ngãi, nhưng thuộc loại nào? Thuộc lớp người nào? Một nỗi ghen tuông, một thứ hằn học với nàng thoáng trỗi dậy trong lòng y, hằn học vì tất cả những gì y không được biết, vì tất cả những gì đã không thuộc về y trong trái tim và trong cuộc sống kia. Y nhìn nàng và bực bội vì điều bí ẩn chứa chất trong cái đầu xinh đẹp và câm lặng kia, có lẽ chính lúc này đây nó cũng đang nghĩ tới người đàn ông khác, những thằng đàn ông khác, với bao niềm luyến tiếc. Sao mà y khao khát muốn nhìn thấu đến thế vào cái ký ức kia, lục tìm trong đó và biết tất cả, rõ tất cả!…
Nàng nhắc lại:
– Anh có muốn đưa em đến tiệm Vương phi góa chồng không? Sẽ vui không chê vào đâu được.
Y nghĩ bụng: “Chà! Cần cóc gì quá khứ? Mình thật dở hơi khi cứ băn khoăn về chuyện này”. Và y mỉm cười đáp:
– Tất nhiên là có, em yêu của anh.
Khi hai người ra đến ngoài phố, nàng lại nói, rất khẽ, bằng cái giọng bí ẩn người ta thường dùng khi thổ lộ với nhau chuyện gì kín đáo:
– Cho đến nay, em chưa dám yêu cầu điều đó, nhưng anh không hình dung được đâu, em rất mê được la cà như bọn con trai đến tất cả những nơi mà đàn bà không tới. Trong hội hóa trang em sẽ cải dạng thành một cậu học sinh trung học và cũng nhộn chẳng kém gì ai.
Khi họ vào phòng khiêu vũ, nàng e ngại và thỏa lòng, nép sát vào người y, hân hoan nhìn bọn gái làng chơi với những gã ma cô, và thỉnh thoảng, như để được yên tâm vì lo có chuyện gì nguy hiểm, nàng nói khi nhìn thấy một tay vệ binh lầm lì bất động: “Viên cảnh sát kia trông rắn rỏi đấy chứ!”. Mười lăm phút sau, khi nàng đã chán rồi, y đưa nàng về nhà.
Từ đó họ bắt đầu thực hiện một loạt những chuyến đi la cà đến tất cả các chốn ăn chơi ám muội của đám bình dân; và Duroy phát hiện thấy ở tình nhân của y cái thú say mê lêu lổng của bọn sinh viên ngất ngưởng.
Nàng đến nơi hẹn hò quen thuộc, mình mặc chiếc áo dài bằng vải thô, đầu trùm cái mũ hầu gái, cô hầu gái trong kịch vui, và tuy cố ăn mặc cho giản dị mà lịch sự, nàng vẫn đeo nhẫn, vòng xuyến và hoa tai bằng kim cương óng ánh, khi y năn nỉ nàng cất chúng đi, nàng nêu lý do:
– Xì! Người ta sẽ tưởng là sỏi cuội sông Rhin!
Nàng nghĩ rằng mình đã cải trang thật tuyệt diệu, tuy thực tế là ẩn mình kín đáo theo kiểu những con đà điểu, nên nàng đi tới các quán rượu nổi danh tai tiếng nhất.
Nàng muốn Duroy ăn mặc theo kiểu thợ thuyền, nhưng y không chịu mà vẫn giữ cách ăn mặc đứng đắn của trang phong lưu công tử, thậm chí chẳng chịu thay chiếc mũ cao thành bằng chiếc mũ dạ mềm.
Nàng tự an ủi về sự cố chấp của y bằng lập luận: “Thiên hạ sẽ ngỡ ta là ả hầu phòng may mắn vớ được một chàng công tử”. Và nàng thấy cái trò đó thế mà hay.
Cứ thế họ lui tới các quán ăn bình dân, ngồi trên những chiếc ghế khập khiễng, trước cái bàn cũ kỹ bằng gỗ tận trong cùng ngôi nhà lụp xụp ám khói. Khói mù mịt hăng hắc, khét lẹt mùi cá rán, tràn ngập căn phòng; những gã đàn ông mặc áo cộc vừa la hét vừa uống các cốc rượu nho nhỏ; và anh bồi bàn ngạc nhiên nhìn chằm chặp cặp trai gái kỳ lạ ấy, đem đặt trước mặt họ hai cốc rượu anh đào.
Nàng run rẩy, vừa sợ vừa khoái, nhấm nháp từng ngụm rượu trái cây đỏ tươi, đồng thời nhìn quanh mình bằng con mắt lo lắng và sáng long lanh. Cứ mỗi lần nuốt một trái anh đào là nàng lại có cảm giác phạm một lỗi lầm, cứ mỗi giọt rượu nóng bỏng và cay sè lăn xuống cổ họng là nàng lại cảm thấy một khoái cảm chua chát, đó là niềm vui của một sự hưởng thụ tội lỗi và bị cấm đoán.
Rồi nàng nói khe khẽ: “Ta đi thôi”. Hai người đi ra. Đầu nàng cúi xuống, bước chân thoăn thoắt như bước chân của nữ diễn viên khi rời sân khấu, nàng len lỏi một cách nhanh nhẹn giữa đám khách đang ngồi uống rượu, khuỷu tay tì lên bàn, nhìn nàng đi qua với vẻ nghi ngờ và khó chịu; và khi ra khỏi cửa, nàng thở phào một cái, như vừa thoát khỏi nỗi nguy hiểm khủng khiếp nào đấy.
Đôi lúc nàng rùng mình hỏi Duroy:
– Nếu họ sỉ nhục em ở những nơi ấy, anh sẽ làm gì?
Y trả lời cứng cỏi:
– Tất nhiên là anh sẽ bênh vực em!
Và nàng sung sướng siết chặt lấy cánh tay y, có lẽ với niềm ao ước mơ hồ muốn được sỉ nhục và bênh vực, muốn được thấy người ta đánh nhau vì nàng, cho dù là giữa bọn đàn ông kia với người nàng yêu nàng quý.
Song, những cuộc đi chơi tái diễn mỗi tuần hai, ba lần như thế bắt đầu làm cho Duroy mệt mỏi, chưa kể là ít lâu nay, y còn phải cực kỳ vất vả để kiếm cho ra nửa lu‐y chi tiêu vào chuyện xe pháo và khoản đãi.
Bây giờ y sống chật vật vô cùng, còn chật vật hơn những ngày làm viên chức ở ngành đường sắt phía bắc, bởi vì trong những tháng đầu tiên làm ở tòa báo, y đã tiêu pha hết sức rộng rãi, luôn luôn hy vọng là ngày hôm sau sẽ kiếm được các khoản tiền kếch sù, nên có bao nhiêu y tiêu hết sạch mà mọi phương tiện kiếm ra tiền cũng cạn ráo.
Một cách thức rất đơn giản là vay tiền ở két chẳng bao lâu cũng không còn dùng được nữa, và y đã nợ của báo bốn tháng tiền lương, thêm sáu trăm frăng nợ tính theo dòng. Ngoài ra, y còn nợ Forestier một trăm frăng, nợ Jacques Rival là người rộng rãi ba trăm frăng, và còn một lô những món nợ nho nhỏ hai chục frăng hoặc một trăm xu không dám nói ra.
Saint‐Potin tuy là người lắm sáng kiến, nhưng khi được hỏi đến cũng chẳng nghĩ ra được cách nào để y kiếm thêm được một trăm frăng; và Duroy tức điên lên trước cảnh nghèo túng, lúc này còn rõ rệt hơn trước kia, vì y có nhiều nhu cầu hơn. Một cơn giận ngấm ngầm với tất cả mọi người nung nấu trong lòng y, và tâm trạng luôn luôn cáu kỉnh đó bộc lộ ra bất cứ lúc nào, bất cứ khi nào, vì những lý do chẳng đâu vào đâu.
Đôi khi y tự hỏi làm sao mà hàng tháng y lại tiêu trung bình đến một ngàn frăng, mà có khoản tiêu nào quá đáng, chơi ngông lắm đâu; và y nhận thấy với bữa trưa tám frăng và bữa tối mười hai frăng, ăn tại một tiệm ăn lớn nào đó trên đại lộ, là đã ngốn hết ngay lập tức một lu‐y, thêm khoảng một chục frăng tiền túi, khoản tiền chẳng biết tiêu gì mà cứ hết, tổng cộng thành ba chục frăng. Mỗi ngày ba mươi frăng, vị chi đến cuối tháng là chín trăm frăng. Đấy là chưa tính đến các chi phí về quần áo, giày dép, giặt giũ…
Cho nên ngày Mười bốn tháng Chạp, trong túi y đã chẳng còn một xu, và trong đầu chẳng có cách gì để kiếm cho ra ít tiền.
Y liền giải quyết như vẫn thường giải quyết trước kia, là nhịn bữa trưa, và buổi chiều cáu kỉnh, lo lắng đến tòa báo làm việc.
Khoảng bốn giờ, y nhận được bức điện của tình nhân nhắn bảo: “Anh có muốn chúng ta cùng ăn tối với nhau không? Sau đó chúng ta sẽ đi la cà”.
Y trả lời ngay lập tức: “Không thể ăn tối được”. Rồi y nghĩ rằng bỏ mất những giờ phút dễ chịu nàng có thể sẽ đem lại cho y thì thật là ngớ ngẩn, nên y thêm: “Nhưng anh sẽ đợi em, lúc chín giờ, trong căn nhà của chúng mình”.
Sau khi đã phái một trong số các tay chạy giấy mang mấy dòng ấy đi để tiết kiệm tiền đánh điện, y nghĩ cách xoay xở để có được bữa ăn tối.
Đến bảy giờ vẫn chưa nghĩ ra được cách gì, mà bụng thì đói như cào như cấu. Y đành phải dùng đến một kế cùng bất đắc dĩ. Y để cho các bạn đồng nghiệp lần lượt ra về hết, và khi chỉ còn lại một mình, y bấm chuông hối hả. Một gã lao công làm nhiệm vụ ở lại trông coi tòa báo xuất hiện.
Duroy đang đứng cuống quýt lục hết túi trong túi ngoài và nói bằng giọng cộc cằn:
– Này, Foucart, tôi bỏ quên ví ở nhà, mà bây giờ phải đến Luxembourg ăn tối. Cậu đưa tôi mượn năm mươi xu để trả tiền xe.
Hắn rút trong túi áo gi lê ra ba frăng và hỏi:
– Ông Duroy không cần thêm nữa ư?
– Không, không, thế là đủ rồi. Cám ơn.
Và Duroy cầm lấy mấy đồng bạc trắng, chạy bổ xuống cầu thang rồi đến ăn tại một quán lúi xùi là nơi y thường tới vào những ngày nghèo túng.
Đến chín giờ, y ngồi bên lò sưởi trong căn phòng khách nhỏ, đợi tình nhân.
Nàng tới, rất sôi nổi, rất vui vẻ, do bị không khí lạnh ngoài phố kích thích:
– Nếu anh muốn, ‐ nàng nói, ‐ trước hết chúng ta hãy đi dạo một vòng rồi trở về đây lúc mười một giờ. Thời tiết này đi dạo tuyệt lắm.
Y càu nhàu đáp:
– Đi chơi để làm gì? Ở đây tốt quá rồi. Nàng lại nói, vẫn chưa bỏ mũ ra:
– Anh biết không, trời sáng trăng tuyệt diệu lắm cơ. Tối nay mà đi chơi thì thật là hạnh phúc.
– Có thể như vậy, nhưng anh, anh không thiết đi chơi.
Y nói câu đó với vẻ giận dữ. Nàng sửng sốt, phật lòng và hỏi:
– Anh làm sao thế? Sao anh lại có thái độ như thế? Em muốn được đi dạo một vòng, em chẳng hiểu như vậy thì có gì khiến anh phải tức giận.
Y bực tức đứng lên:
– Cái đó chẳng làm cho tôi tức giận. Nó làm cho tôi bực mình. Thế thôi!
Nàng thuộc loại phụ nữ khi bị trái ý thì đâm ra cáu kỉnh, và tức tối khi người ta vô lễ với mình.
Nàng cố nén giận, tuyên bố với vẻ cáu kỉnh:
– Tôi không quen người ta ăn nói với tôi như thế. Tôi đi một mình vậy, xin chào!
Y hiểu chuyện đã đến mức nghiêm trọng nên nhào tới ngay, cầm lấy hai bàn tay nàng, hôn tay và ấp úng:
– Tha thứ cho anh, em yêu, tha thứ cho anh, tối nay anh nóng nảy quá, rất dễ cáu kỉnh. Chẳng qua là vì anh gặp các điều bất như ý, các nỗi buồn phiền, em hiểu chứ, những chuyện nghề nghiệp.
Đã hơi nguôi nguôi, nhưng chưa dịu hẳn, nàng đáp:
– Cái đó có liên quan gì đến em đâu, và em chẳng muốn phải chịu đựng tâm trạng bực bội, giận cá chém thớt của anh.
Y ôm nàng trong tay, kéo nàng tới chỗ chiếc tràng kỷ:
– Này, em yêu quý, anh không có ý muốn xúc phạm đến em, anh nói mà có biết mình nói gì đâu.
Y ép nàng ngồi xuống và quỳ trước mặt nàng:
– Em đã tha thứ cho anh chưa? Em hãy nói là đã tha thứ cho anh đi.
Nàng khe khẽ lạnh lùng nói:
– Được rồi, nhưng đừng bao giờ như thế nữa.
Rồi nàng đứng dậy, nói thêm:
– Giờ thì chúng ta đi dạo một vòng nào!
Y vẫn quỳ gối, hai cánh tay ôm vòng ngang hông nàng, và ấp úng:
– Anh xin em, chúng ta hãy ở lại đây. Anh van em. Em hãy chấp thuận cho anh điều đó. Anh rất tha thiết muốn được giữ em, tối nay, cho riêng một mình anh, ở kia, gần lò sưởi. Em hãy nói “vâng” đi, anh van em, nói “vâng” đi.
Nàng đáp lại rành rọt, sỗ sàng:
– Không. Em tha thiết muốn đi chơi, và em sẽ không nhượng bộ những thói đồng bóng của anh đâu.
Y nài:
– Anh van em, anh có một lý do, một lý do rất nghiêm chỉnh…
Nàng nhắc lại lần nữa:
– Không. Và nếu anh không muốn đi chơi với em, thì em bỏ đi đây. Chào anh.
Nàng vùng gỡ người khỏi cánh tay y và chạy ra cửa. Y đuổi theo, ôm choàng lấy:
– Này, Clo, em Clo thân thương của anh, hãy nghe anh, anh có một lý do.
Nàng dừng lại, nhìn thẳng vào mặt y:
– Anh nói dối… Lý do gì?
Y đỏ mặt, chẳng biết nói sao. Và nàng tức giận nói tiếp:
– Anh thấy là anh nói dối chưa… rõ đáng ghét… ‐ Và cố sức vùng vằng, mắt rơm rớm lệ, nàng thoát ra được.
Một lần nữa y lại nắm được đôi vai nàng, và rầu rĩ, sẵn sàng thú thật hết để tránh tan vỡ, y thổ lộ bằng một âm điệu tuyệt vọng:
– Chẳng qua là vì anh không có đồng xu dính túi… thế thôi. Nàng sững ngay lại, và nhìn thẳng vào tận đáy mắt y để biết rõ sự thật:
– Anh bảo sao?
Y ngượng chín cả mặt:
– Anh bảo là anh không có đồng xu dính túi. Em hiểu không? Chẳng có lấy hai mươi xu, chẳng có lấy mười xu, chẳng có tiền trả một cốc rượu Cassis ở tiệm rượu mà chúng ta sẽ vào. Em bắt anh phải thổ lộ ra những điều nhục nhã. Thế nhưng anh không thể nào đi chơi với em được, và giá có ngồi vào bàn ở tiệm trước hai suất đồ ăn thức uống, anh không thể nào thản nhiên bảo em rằng anh chẳng có tiền trả…
Nàng vẫn nhìn thẳng vào mặt y:
– Thế ra… là… thật như vậy ư?
Y lập tức lộn hết các túi quần túi áo, túi gi lê ra mà nói:
– Đây… giờ thì… em đã bằng lòng chưa?
Nàng bất thình lình dang rộng hai tay với nhiệt tình say đắm, nhảy lên ôm choàng lấy cổ y và lắp ba lắp bắp:
– Ôi! Anh thân yêu tội nghiệp của em… anh thân yêu tội nghiệp của em… giá mà em biết trước! Sao anh lại đến nông nỗi này?
Nàng kéo y ngồi xuống, và tự mình ngồi lên đùi y, rồi ôm lấy cổ y, chốc chốc lại hôn lên ria mép, lên miệng, lên mắt y, ép y phải kể do đâu mà có nỗi bất hạnh ấy.
Y bịa ra một chuyện mủi lòng. Y đã phải về cứu giúp cha y trong tình trạng quẫn bách. Chẳng những dành dụm được bao nhiêu y đưa hết cho cha, mà y còn mang công mắc nợ trầm trọng nữa.
Y nói thêm:
– Anh ít ra phải chịu đói chịu khát trong sáu tháng trời, vì chẳng trông cậy được vào đâu. Nhưng thôi kệ, đời người ta ai chẳng có những lúc gian truân. Tiền bạc, xét cho cùng, chẳng đáng để ta bận tâm.
Nàng thì thầm vào tai y:
– Em sẽ cho anh vay, được không?
Y trả lời nghiêm nghị:
– Em tử tế quá, em yêu của anh, nhưng chúng ta đừng nói đến chuyện đó nữa, anh van em. Em đến làm cho anh bị xúc phạm mất thôi.
Nàng im lặng không nói gì; rồi ôm ghì lấy y, nàng thì thầm:
– Anh không bao giờ hiểu nổi em yêu anh đến thế nào đâu.
Đó là một trong những tối yêu đương thần tiên nhất của họ.
Khi sửa soạn ra về, nàng lại vừa mỉm cười vừa nói:
– Chà! Ở vào hoàn cảnh của anh mà vớ được tiền bỏ quên trong túi giữa lớp vải lót thì thật vui quá.
Y trả lời với niềm tin chắc:
– Ồ! Nhất định là thế.
Nàng muốn đi bộ về nhà, lấy cớ trăng sáng đẹp quá, và nàng ngây ngất ngắm nhìn trăng.
Đêm ấy là một đêm đầu đông lạnh lẽo, mây tạnh trời quang. Các khách qua đường và những con ngựa đi lại vội vã vì bị băng giá kích thích. Các gót chân vang vang trên vỉa hè.
Khi chia tay, nàng hỏi:
– Anh có muốn ngày kia chúng ta gặp lại nhau không?
– Có chứ, tất nhiên.
– Vẫn giờ ấy?
– Vẫn giờ ấy.
– Tạm biệt anh yêu.
Và họ ôm hôn nhau thắm thiết.
Rồi y rảo bước quay trở lại, băn khoăn không biết ngày mai sẽ nghĩ cách gì đây để thoát khỏi khó khăn. Nhưng khi mở cửa buồng, y lục túi áo gi lê để lấy bao diêm thì bỗng sửng sốt vì ngón tay đụng phải một đồng tiền.
Khi đã có ánh sáng, y cầm đồng tiền lên xem. Đó là đồng lu‐y hai mươi frăng!
Y tưởng phát điên lên được.
Y lật đi lật lại đồng tiền, cố tìm hiểu do phép lạ nào mà nó lại ở đấy. Dẫu sao thì nó cũng không thể từ trên trời rơi vào túi y.
Rồi y chợt đoán ra và bỗng tức giận. Vì tình nhân của y đã nói đến chuyện đồng tiền lăn vào lần vải lót người ta tìm được trong những giờ phút túng bấn. Chính là nàng đã làm chuyện bố thí này cho y. Nhục nhã chưa!
Y thề: “Được rồi! Ngày kia là ta sẽ lại gặp cô nàng! Ta sẽ cho cô nàng một trận!”.
Rồi y đi nằm, gan ruột rối bời vì tức giận và nhục nhã.
Y thức dậy muộn. Bụng đói mềm. Y cố ngủ lại để đến hai giờ mới dậy, rồi y nghĩ bụng: “Ngủ nữa cũng chẳng được tích sự gì, miễn sao là cuối cùng ta phải kiếm ra được tiền được bạc”. Rồi y ra đi, hy vọng sẽ nảy ra được ý gì ở ngoài phố.
Y chẳng nảy ra được ý nào, nhưng cứ đi qua các cửa tiệm ăn là y lại nổi cơn thèm rỏ dãi. Đến giữa trưa, vì chẳng nghĩ ra được kế gì, y bỗng quyết định: “Thôi kệ! Mình sẽ ăn trưa vào số tiền hai chục frăng của Clotilde. Mình vẫn có thể trả lại cô nàng vào ngày mai”.
Y liền vào ăn tại một quán bia hết hai frăng năm mươi. Khi đến tòa báo, y còn trao ba frăng cho gã lao công:
– Này, Foucart, số tiền cậu cho tôi mượn tối hôm qua để đi xe đây.
Và y làm việc cho đến bảy giờ. Rồi y đi ăn tối và lại tiêu ba frăng vẫn vào khoản tiền ấy. Thêm hai vại bia buổi tối nâng số tiền chi tiêu trong ngày lên chín frăng ba chục xăngtim.
Nhưng vì y không thể vay lại lần nữa mà cũng chẳng thể xoay xở được kế gì trong vòng hai mươi bốn tiếng đồng hồ, nên hôm sau y vay thêm sáu frăng năm mươi nữa vào khoản hai chục frăng mà y phải trả ngay tối hôm đó, thành thử y chỉ còn bốn frăng hai mươi trong túi khi đến chỗ hẹn hò quy định với nhau.
Y bực dọc vô cùng và nhất quyết sẽ làm rõ việc nào ra việc nấy ngay lập tức. Y sẽ nói với tình nhân: “Em biết đấy, anh đã thấy hai chục frăng em bỏ vào túi anh hôm nọ. Hôm nay anh không trả em đâu vì tình cảnh của anh chưa thay đổi, và vì anh chưa có thì giờ quan tâm đến vấn đề tiền bạc. Nhưng anh sẽ trả lại em vào lần gặp nhau sắp tới”.
Nàng đến, dịu dàng, vồn vã, đầy sợ sệt. Chàng sẽ tiếp đón ta ra sao đây? Và nàng ôm hôn y mãi không thôi để tránh phải giải thích trong những giây phút đầu tiên.
Còn y thì tự nhủ: “Lát nữa sẽ đề cập đến vấn đề ấy thì hơn. Ta sẽ tìm cách giải quyết sao cho thỏa đáng”.
Y không tìm ra cách giải quyết thỏa đáng và chẳng nói gì, nhiều lần cứ định đề cập đến vấn đề tế nhị ấy lại thôi.
Nàng chẳng hề nói tới chuyện đi chơi và rất duyên dáng dễ thương.
Hai người chia tay nhau vào khoảng nửa đêm, sau khi đã hẹn thứ Tư tuần sau mới gặp lại nhau, vì nàng De Marelle phải đi dự nhiều bữa cơm thết liên tiếp.
Hôm sau Duroy tìm bốn đồng frăng còn lại để trả bữa ăn trưa, thì thấy có những năm đồng, mà một đồng lại bằng vàng.
Mới đầu, y tưởng hôm qua người ta đã vô ý trả nhầm y đồng hai mươi frăng, rồi y hiểu ra, và cảm thấy tim đập rộn lên nhục nhã vì chuyện bố thí dai dẳng này.
Y ân hận vô cùng vì đã chẳng nói gì cả! Nếu y cương quyết nói ra thì chuyện này đã chẳng tái diễn.
Trong bốn ngày, y chạy vạy, nỗ lực rất nhiều để kiếm lấy năm đồng lu‐y mà chẳng ăn thua, và y ăn vào đồng lu‐y thứ hai của Clotilde.
Lần gặp nhau tiếp ngay sau đó, nàng lại tìm cách tuồn được vào túi quần của y hai mươi frăng nữa, mặc dầu y tỏ vẻ giận dữ bảo nàng: “Này, đừng có tái diễn cái trò đùa của mấy tối trước, nếu không anh giận đấy”.
Khi phát hiện ra, y rủa “Mẹ kiếp!”, và y chuyển đồng tiền đó lên túi áo gi lê để có nó trong tay, vì đến một chinh y cũng chẳng còn.
Y an ủi lương tâm bằng lập luận: “Ta sẽ trả cho nàng tất cả một lúc. Thì cũng chỉ là tiền cho vay thôi mà”.
Cuối cùng, sau khi y năn nỉ mãi, viên thủ quỹ của tòa báo cũng đồng ý cho y mỗi ngày một trăm xu. Vừa đủ để ăn uống, nhưng không đủ để hoàn lại sáu chục frăng.
Thế rồi, vì Clotilde lại nổi cơn nghiện đi la cà ban đêm đến tất cả những nơi ám muội của Paris, nên cuối cùng y không bực mình cho lắm nữa khi thấy một đồng tiền vàng ở túi này hay túi khác của y, thậm chí có hôm còn ở trong giày cao cổ, hôm khác thì trong hộp đựng đồng hồ, sau mỗi chuyến dạo chơi phiêu lưu.
Vì nàng có những khát khao mà y không thể thỏa mãn được trong lúc này, thì nàng tự bỏ tiền ra chi còn hơn là chịu nhịn, như thế chẳng phải là đương nhiên hay sao?
Vả chăng, nhận được bao nhiêu, y đều tính toán đầy đủ để mai kia hoàn lại cho nàng.
Một buổi tối, nàng bảo y:
– Anh có tin rằng em chưa bao giờ đến Folies‐Bergère không? Anh đưa em tới đấy được chứ?
Y ngần ngại vì sợ gặp Rachel. Rồi y nghĩ: “Ô hay! Dù sao thì ta đã có vợ đâu. Nếu cô ả kia nhìn thấy ta, cô ấy sẽ hiểu tình thế và sẽ lờ ta đi. Vả lại, ta và nàng sẽ mua vé lô”.
Y quyết định còn vì một lý do. Y rất vui mừng khi có dịp được mời nàng De Marelle một vé lô ở rạp hát mà chẳng phải trả tiền. Đấy cũng là một thứ đền bù.
Trước hết, y để Clotilde ngồi trong xe rồi đi tìm vé vào cửa để nàng khỏi thấy là y được cho vé, sau đó mới tới đón nàng, và hai người vào rạp, được các nhân viên soát vé cúi chào.
Khu vực hành lang dạo chơi đông nghịt. Họ vất vả lắm mới đi len qua được đám đông ồn ào gồm những tay đàn ông và các gái điếm lượn lờ. Cuối cùng họ tới ngồi được vào lô của họ, giữa một bên là dàn nhạc bất động và bên kia là cái hành lang người qua kẻ lại lộn xộn.
Nhưng nàng De Marelle chẳng nhìn lên sâu khấu bao nhiêu mà chỉ để ý đến các gái điếm lượn đi lượn lại sau lưng; và nàng cứ quay lại luôn để nhìn họ, với nỗi khát khao được chạm vào họ, được sờ nắn bộ ngực, đôi má, mái tóc của họ để xem những con người ấy được cấu tạo ra sao.
Đột nhiên, nàng bảo:
– Có một ả nước da bánh mật to béo cứ nhìn chúng ta mãi. Vừa rồi em cứ ngỡ ả định nói gì với chúng ta. Anh có nhìn thấy ả không?
Y đáp:
– Không. Chắc em lầm đấy. ‐ Nhưng thực ra y đã thấy ả từ lâu. Đấy là Rachel đi lảng vảng xung quanh họ với nỗi căm hờn trong ánh mắt và những lời dữ dội trên đôi môi.
Duroy đã chạm vào ả lúc nãy khi len lỏi qua đám đông, và ả đã nói: “Chào anh” rất khẽ kèm theo cái nháy mắt như muốn nói: “Em hiểu”. Nhưng y đã lờ đi trước thái độ dễ thương đó vì sợ nhân tình nhìn thấy, và y đã đi qua một cách lạnh lùng, đầu ngẩng cao, môi bĩu ra. Ả gái điếm không biết là mình đã nổi máu ghen, đi ngược trở lại, sượt qua người y lần nữa và nói to hơn: “Chào anh Georges”.
Y vẫn chẳng trả lời gì cả. Ả liền cố khăng khăng tìm cách bắt y phải nhận ra, phải chào mới thôi, và thế là ả cứ diễu qua diễu lại mãi phía sau lô để chờ dịp thuận tiện.
Khi biết nàng De Marelle nhìn mình, ả liền chạm ngay đầu ngón tay vào vai Duroy:
– Chào anh. Anh mạnh khỏe chứ?
Nhưng y không quay lại.
Ả lại nói:
– Ơ hay? Anh bị điếc lòi ra từ hôm thứ Năm hay sao?
Y không trả lời, làm bộ khinh khỉnh để khỏi bị liên lụy, dù chỉ bằng một tiếng thôi, với cái ả trơ trẽn kia.
Ả liền phá ra cười như điên như dại và bảo:
– Anh bị câm rồi sao? Hay anh đã bị chị này cắn mất lưỡi rồi?
Y hất hàm giận dữ và bằng một giọng tức tối quát:
– Ai cho phép cô ăn nói như vậy? Cút đi không tôi gọi người đến bắt bây giờ.
Ả liền ưỡn ngực, mắt long sòng sọc, làm toáng lên:
– À! Ra thế! Thôi đi, quân thô lỗ! Khi đã ngủ với gái thì ít ra người ta cũng phải chào nó lấy một cái chứ. Ông đi với một mụ khác đâu phải là lý do để không nhận ra tôi hôm nay nữa. Nếu lúc nãy, khi tôi đi sát vào người ông, ông chỉ ra hiệu cho tôi một cái thôi, thì tôi đã để yên cho ông. Nhưng ông muốn làm ra bộ ta đây, thì đợi đấy! Tôi, tôi xin đến hầu đây! À! Ông không chào tôi lấy một cái khi tôi gặp ông…
Chắc ả còn định réo lâu, nhưng nàng De Marelle đã đẩy cửa lô và bỏ chạy, len lỏi qua đám đông, cuống cuồng tìm lối ra.
Duroy lao theo phía sau và cố đuổi nàng cho kịp. Rachel nhìn thấy họ bỏ trốn liền đắc chí kêu tướng lên:
– Bắt lấy con mụ! Bắt lấy con mụ! Nó đánh cắp tình nhân của tôi.
Mọi người cười ầm lên. Hai tay đàn ông đùa nghịch túm lấy đôi vai người đàn bà đang bỏ chạy, tìm cách ôm chầm lấy để giữ nàng lại. Nhưng Duroy đã đuổi kịp, giằng nàng khỏi tay họ và lôi nàng ra phố.
Nàng leo lên một chiếc xe ngựa trống đỗ trước cửa rạp. Y nhảy lên theo, và khi bác xà ích hỏi: “Thưa, ông đi đâu ạ!”, y trả lời: “Muốn đi đâu thì đi”.
Chiếc xe từ từ lăn bánh, lắc lư trên đá lát đường. Clotilde như lên cơn khủng hoảng thần kinh, hai tay ôm lấy mặt, nghẹn ngào, nghẹt thở; còn Duroy chẳng biết xử sự, nói năng ra sao. Cuối cùng, nghe thấy nàng khóc tấm tức, y ấp a ấp úng:
– Hãy nghe anh. Clo, em Clo yêu quý của anh, để anh giải thích cho mà nghe! Chẳng phải lỗi tại anh đâu… Anh quen biết người đàn bà xưa kia… trong những ngày đầu…
Nàng buông phắt hai tay che mặt ra, và nổi cơn điên tiết của người đàn bà yêu đương bị phản bội, cơn điên tiết dữ dội khiến nàng bật ra thành lời, nàng hổn hển lắp bắp những câu líu ríu, nhát gừng:
– A!… Quân khốn nạn… Sao mà đểu thế!… Có thể nào như vậy được ư?… Nhục nhã chưa!… Ối trời ơi!… Nhục nhã chưa!…
Rồi nàng mỗi lúc một nổi khùng thêm khi đầu óc tỉnh táo hơn và nghĩ ra lý lẽ:
– Ông trả con mụ ấy bằng tiền của tôi phải không? Và tôi cho ông tiền… để đi với con đĩ kia… Ôi! Đồ khốn nạn!…
Nàng sững lại mấy giây như để tìm một từ khác nặng nề hơn nhưng tìm không ra, rồi bỗng nàng khạc ra như người ta khạc đờm:
– Ôi!… Đồ con lợn… con lợn… con lợn… Ông trả nó bằng tiền của tôi… đồ con lợn… con lợn!…
Nàng chẳng tìm được lời nào khác nữa và lặp đi lặp lại:
– Đồ con lợn… con lợn…
Bất thình lình, nàng thò đầu ra ngoài, và nắm lấy tay áo bác đánh xe:
– Dừng lại!
Rồi nàng mở cửa xe, nhảy xuống đường.
Georges muốn đi theo, nhưng nàng hét:
– Tôi cấm ông không được xuống! ‐ Nàng hét to đến nỗi các khách qua đường xúm lại xung quanh, và Duroy không dám động đậy nữa vì e xảy ra chuyện tai tiếng.
Nàng liền rút ví trong túi ra tìm tiền lẻ dưới ánh đèn đường, rồi cầm lấy hai frăng năm mươi đặt vào tay của bác đánh xe, và nói run run:
– Này… tiền xe đây… tôi là người trả… Và chở cho tôi cái tên đểu cáng này về phố Boursault, ở Batignolles.
Đám người vây quanh cười ré lên. Một ông nói:
– Hoan hô, cô bé!
Và một tên nhóc lưu manh chen giữa hai bánh xe, thò đầu vào cửa xe còn để ngỏ, và kêu lên the thé:
– Bibi, chào nhé!
Rồi chiếc xe ngựa lại lăn bánh, với những tiếng cười đuổi theo đằng sau.