Ông Bạn Đẹp - Chương 04
4
* * *
Georges Duroy ngủ không yên giấc, vì nóng lòng muốn được thấy bài báo in ra. Trời vừa sáng, y đã trở dậy và lảng vảng ngoài phố, tuy còn lâu mới đến giờ bọn đi giao báo hối hả chạy hết từ quầy báo này sang quầy báo khác.
Y tới ga Saint‐Lazare, vì biết rằng tờ Đời sống Pháp sẽ tới đấy trước khi tới khu phố của y. Vì còn sớm quá, y tha thẩn trên vỉa hè.
Y gặp một bà bán hàng rồi thấy một ông đội trên đầu chồng báo tướng. Y chạy tới: đó là các báo Figaro, Gil Blas, Gaulois, Sự kiện; nhưng không có tờ Đời sống Pháp.
Y bỗng thấy lo lo: “Nhỡ người ta hoãn bài Hồi ký của một anh lính bên châu Phi đến hôm sau, hoặc biết đâu đến phút chót, lão chủ báo Walter lại không khoái bài đó thì sao?”.
Khi trở lại quầy báo, y thấy báo đã được bán ở đấy rồi, tuy trước đó chẳng thấy ai mang tới. Y vồ lấy, mở ra, sau khi đã quăng xuống ba xu, và lướt nhanh các đầu đề ở trang nhất.
Chẳng thấy đâu. Tim y bắt đầu đập thình thịch; y mở to tờ báo ra và vô cùng xúc động khi đọc thấy ở cuối một cột báo hàng chữ đậm: “Georges Duroy”. Đây rồi! Mừng quá!
Y liền bước đi, chẳng nghĩ ngợi gì, tờ báo cầm tay, mũ lệch trên đầu, chỉ muốn chặn khách qua đường lại để bảo họ: “Mua đi, mua đi! Có một bài của tôi đấy”. Y chỉ muốn có thể ra sức gào tướng lên như một số người tối tối vẫn rao tướng trên các đại lộ: “Đọc báo Đời sống Pháp đi, đọc bài Hồi ký của một anh lính bên châu Phi của Georges Duroy đi!”. Và bất chợt, y cảm thấy muốn tự mình đọc bài báo ấy, đọc giữa nơi công cộng, trong một tiệm cà phê, ai cũng thấy. Y liền đi tìm một tiệm đã từng lui tới. Y phải đi rất lâu. Cuối cùng, y ngồi xuống trước một quầy rượu đã có nhiều khách đang ngồi uống, và chẳng nghĩ đến giờ giấc, đáng lẽ gọi: “Một cốc Absinthe”, y lại gọi: “Một cốc Rhum”. Rồi y kêu:
– Bồi, cho một tờ Đời sống Pháp.
Một tay mặc tạp dề trắng chạy tới:
– Thưa ông, chúng tôi không có báo ấy, chúng tôi chỉ nhận được các tờ Hiệu lệnh, Thế kỷ, Cây đèn và Người Paris.
Duroy tuyên bố bằng một giọng giận dữ, phẫn nộ:
– Rõ là một quán tồi tàn! Đi mua cho tôi một tờ vậy.
Anh bồi chạy đi rồi mang báo về. Duroy đọc bài của mình và nhiều lần y nói tướng lên: “Hay lắm, hay lắm!” để lôi cuốn sự chú ý của những người bên cạnh và khiến họ tò mò muốn biết tờ báo ấy đăng bài gì. Rồi y để lại tờ báo trên bàn khi bước ra.
Bác chủ tiệm thấy thế, gọi giật y lại:
– Thưa ông, thưa ông, ông quên tờ báo.
Và Duroy đáp:
– Tôi để lại cho bác đấy, tôi đọc rồi. Vả lại, hôm nay trong báo có một bài rất hay.
Y không chỉ rõ bài nào, nhưng lúc bước ra, y thấy một người ngồi bên cạnh cầm lấy tờ Đời sống Pháp bỏ lại trên bàn.
Y nghĩ: “Ta sẽ làm gì bây giờ?”. Và y quyết định đến sở để nhận lương tháng và xin thôi việc. Y rùng mình khoái trá khi hình dung viên trưởng phòng và các đồng nghiệp của y sẽ giận dỗi ra sao. Y khoái nhất khi nghĩ đến sự hốt hoảng của viên trưởng phòng.
Y bước đi thong thả để không tới nơi trước chín rưỡi, vì đến mười giờ két mới mở cửa.
Phòng làm việc của y là một căn buồng lớn tối mò, về mùa đông hầu như phải đốt đèn suốt ngày. Căn buồng trông xuống một cái sân hẹp, trước mặt các phòng làm việc. Có tám viên chức làm việc trong đó, thêm viên phó phòng ngồi ở một góc, khuất sau bức bình phong.
Trước hết Duroy đến tìm một trăm mười tám frăng hai nhăm xăngtim của y đựng trong chiếc phong bì màu vàng để ở ngăn kéo bàn giấy của nhân viên phụ trách việc trả lương, rồi y vênh váo bước vào căn buồng rộng nơi y đã làm việc bao ngày.
Y vừa vào đến nơi, ông phó phòng Potel gọi luôn:
– Kìa! Anh đấy ư, anh Duroy? Ông trưởng phòng đã hỏi đến anh nhiều lần. Anh biết là ông ta không chấp nhận ai đó ốm hai ngày liền mà chẳng có giấy chứng nhận của thầy thuốc.
Duroy đứng ngay chính giữa buồng, lấy tư thế, trả lời oang oang:
– Thì tôi cũng cóc cần!
Các viên chức đều giật mình sửng sốt và bộ mặt hoảng hốt của ông Potel hiện ra phía trên bức bình phong vây lấy ông như một cái hộp.
Ông cố thủ trong đó vì sợ gió lùa, bởi lẽ ông bị thấp khớp. Ông chỉ khoét hai cái lỗ nhỏ để theo dõi các nhân viên.
Người ta nghe thấy cả tiếng ruồi bay. Thế rồi viên phó phòng ngập ngừng hỏi:
– Anh bảo sao?
– Tôi bảo rằng tôi cũng cóc cần. Hôm nay tôi đến đây chỉ để xin thôi việc. Tôi vào làm biên tập cho tờ Đời sống Pháp lương tháng năm trăm frăng, ngoài ra còn được tính dòng chữ ăn tiền. Tôi đã bắt đầu viết sáng nay rồi đấy.
Mặc dù đã tâm tâm niệm niệm kéo dài niềm thích thú, y vẫn không sao cưỡng lại được nỗi khao khát nói toạc ra luôn. Vả chăng, hiệu quả thật mỹ mãn. Ai nấy ngồi im như phỗng.
Duroy liền tuyên bố:
– Tôi đi báo cho ông Perthuis biết rồi sẽ trở lại đây để chia tay với mọi người.
Rồi y bước ra để đi tìm lão trưởng phòng, lão làm toáng lên khi vừa nhìn thấy y:
– Chà! Anh đã đến. Anh biết rằng tôi không muốn…
Gã viên chức ngắt lời lão:
– Việc gì mà phải to tiếng như thế.
Lão Perthuis, một người to béo, mặt đỏ như gà chọi, sửng sốt bàng hoàng.
Duroy tiếp:
– Tôi ngấy cái xó xỉnh này của ông lắm rồi. Sáng nay tôi đã bắt đầu gia nhập làng báo chí, được sắp xếp vào một cương vị rất tuyệt. Tôi rất hân hạnh được chào ông.
Rồi y đi ra. Y đã được trả thù.
Y đến bắt tay các bạn đồng nghiệp cũ thật, hầu như chẳng ai dám hé răng nói với y nửa lời, do sợ liên lụy, vì cửa để ngỏ nên ai cũng đã nghe được cuộc đối thoại của y với lão trưởng phòng.
Y trở ra ngoài phố với khoản tiền lương trong túi. Y chén một bữa ra trò tại một tiệm ăn ngon có giá phải chăng, nơi y vẫn lui tới; rồi sau khi lại mua tờ Đời sống Pháp nữa, và bỏ lại trên bàn ăn, y vào nhiều cửa hiệu mua những thứ linh tinh, mục đích chỉ là để lại họ tên cho người ta giao hàng tận nhà.
– Georges Duroy. ‐ Y nói thêm. ‐ Tôi là biên tập viên tờ Đời sống Pháp.
Rồi y cho biết tên phố và số nhà, căn dặn cẩn thận:
– Cứ để ở phòng bác gác cổng.
Vì vẫn còn thời gian, y đến một hiệu in thạch bản chuyên in các danh thiếp, làm nhanh và trả hàng nhanh tại chỗ, ngay trước mắt khách qua đường; và y lập tức cho in ngay một trăm chiếc ghi rõ chức danh mới của y phía dưới họ tên.
Rồi y đến tòa báo.
Forestier tiếp y với vẻ trịch thượng như người ta tiếp kẻ dưới:
– Kìa! Cậu đấy ư, tốt lắm. Vừa đúng lúc tôi có nhiều việc cho cậu đây. Đợi tôi mươi phút. Tôi phải làm xong việc của tôi đã.
Và anh viết tiếp một lá thư mới bắt đầu.
Ở đầu kia của chiếc bàn lớn, một người đàn ông thấp bé, tái nhợt, phì phị, béo núc ních, hói đầu, với cái sọ trắng bệch và bóng loáng, đang hí hoáy viết, mũi gí xuống trang giấy, vì cận thị nặng.
Forestier nói:
– Này, Saint‐Potin, anh sẽ phỏng vấn các nhân vật của chúng ta vào lúc mấy giờ nhỉ?
– Vào lúc bốn giờ.
– Anh dẫn chàng thanh niên Duroy đây đi cùng và chỉ bảo cho cậu ta các bí quyết nghề nghiệp nhé!
– Đồng ý.
Rồi quay về phía bạn, Forestier nói thêm:
– Cậu có mang đến phần tiếp theo về Angiêri đấy không? Phần đầu ra sáng nay được hoan nghênh lắm.
Duroy ngẩn người, ấp úng:
– Không, tớ cứ tưởng chiều đến có thì giờ, tớ có một lô việc phải làm, tớ chưa thể…
Forestier nhún vai với vẻ bực mình:
– Nếu cậu không nghiêm túc hơn, cậu sẽ bỏ lỡ tương lai của cậu đó. Ông Walter trông cậy vào bài viết của cậu. Tôi sẽ nói với ông hoãn cho đến mai. Nếu cậu tưởng rằng sẽ được trả lương mà chẳng phải làm gì cả thì cậu lầm to.
Im lặng một lát, rồi anh nói thêm:
– Phải chớp lấy thời cơ chứ, mẹ kiếp!
Saint‐Potin đứng lên:
– Tôi đi đây, ‐ hắn nói.
Forestier liền ngả người trên chiếc ghế tựa, lấy tư thế có vẻ trịnh trọng để ra chỉ thị, và quay về phía Duroy:
– Thế này nhé. Hai hôm nay, Paris chúng ta có viên tướng Tàu Li Theng Fao, trọ tại khách sạn Continental và Vương công Ấn Độ Taposahib Ramaderao Pali, trú tại khách sạn Bristol. Hai anh sẽ đến tiếp chuyện.
Rồi anh quay về phía Saint‐Potin:
– Anh đừng quên những điểm chính mà tôi đã chỉ dẫn. Hãy hỏi viên tướng và vị vương công xem họ có ý kiến gì về các mưu đồ của nước Anh tại Viễn Đông, về phương thức khai thác thuộc địa và thống trị của nước ấy, và họ có hy vọng gì ở sự can thiệp của châu Âu và đặc biệt là của nước Pháp vào công việc của họ không.
Anh im lặng rồi nói thêm, chẳng cụ thể là nói với ai:
– Không có gì lý thú hơn đối với độc giả của chúng ta khi đồng thời được biết ở Trung Hoa và ở Ấn Độ người ta nghĩ gì về các vấn đề ấy, đó là những vấn đề lúc này đang được công luận hết sức say sưa theo dõi.
Anh lại nói với Duroy:
– Cậu hãy quan sát xem Saint‐Potin xử trí ra sao, đó là một phóng viên cừ đấy, và hãy cố học lấy các mánh khóe moi hết gan ruột một người trong năm phút đồng hồ.
Rồi anh lại bắt đầu ngồi viết nghiêm trang, rõ ràng là nhằm mục đích tạo nên những khoảng cách và đặt thằng bạn cũ nay là đồng nghiệp mới vào đúng vị trí của y.
Khi hai người đã ra đến ngoài cửa, Saint‐Potin cười bảo Duroy:
– Rõ là tay khoác lác! Ông ấy lừa dối cả chúng ta. Cứ làm như chúng ta là độc giả của ông ấy không bằng.
Rồi họ xuống dưới đường và tay phóng viên hỏi:
– Bạn uống gì không?
– Vâng, xin vui lòng. Trời nóng quá!
Hai người vào trong một tiệm cà phê, gọi nước giải khát. Và Saint‐Potin bắt đầu nói. Hắn nói về tất cả mọi người và về tờ báo với vô vàn những chi tiết bất ngờ.
– Lão chủ báo ư? Một tên Do Thái chính cống. Và bạn biết đấy, bọn Do Thái thì có ai thay đổi được chúng bao giờ đâu. Một chủng tộc mới khiếp làm sao! ‐ Rồi hắn dẫn ra những nét keo kiệt lạ lùng, tính keo kiệt đặc biệt của con cháu Israel, dè sẻn từng xu từng chinh, mặc cả cò kè bớt một thêm hai, cả một cung cách làm ăn của kẻ cho vay nặng lãi.
“Đã thế, lão lại là một thằng cha chẳng tin vào cái gì hết và lừa gạt tất cả mọi người. Tờ báo của lão là một tờ báo chính thức, một thứ hổ lốn đủ màu sắc, phái Cơ Đốc giáo, phái Tự do, phái Cộng hòa, phái Orléans, được lập ra chỉ là để hỗ trợ cho các hoạt động giao dịch chứng khoán và kinh doanh đủ loại của lão. Về phương diện ấy thì lão cừ lắm và kiếm được bạc triệu nhờ ở các công ty vốn liếng không đầy bốn xu… ”
Hắn vẫn nói thao thao, gọi Duroy là “bạn thân mến”.
– “Và cái lão keo kiệt ấy có những lời nói trứ danh theo kiểu Balzac, bạn hãy tưởng tượng hôm nọ mình đang ở trong phòng làm việc của lão với gã ngu đần cổ lỗ Norbert de Varenne và gã Don Quichotte Rival, thì viên quản lý của chúng tớ là Montelin bước vào, tay cắp chiếc cặp bằng da marôcanh, chiếc cặp mà cả Paris đều biết. Walter hất hàm hỏi: ‐ Có gì mới không?
“Montelin trả lời ngây thơ: ‐ Tôi vừa trả mười sáu ngàn frăng chúng ta nợ nhà buôn giấy.
“Lão chủ béo chồm lên, chồm lên một cách kỳ lạ:
– Ông bảo sao?
– Rằng tôi vừa trả cho ông Privas.
– Nhưng ông điên à?
– Tại sao ạ?
– Tại sao… tại sao… tại sao…
“Lão tháo kính ra, lau kính. Rồi lão mỉm cười, một nụ cười nhộn nhạo lan tỏa xung quanh đôi má cục mịch mỗi khi lão sắp nói một điều gì tinh quái hoặc ranh ma, và bằng một giọng tưng tửng, chắc nịch, lão thốt lên:
– Tại sao ư? Tại vì chúng ta có thể đã bớt được từ bốn đến năm ngàn frăng.
“Montelin ngạc nhiên nói:
– Nhưng, thưa ngài giám đốc, mọi tính toán đều hợp thức, tôi đã kiểm tra và ngài đã chuẩn y…
“Lão chủ báo liền nghiêm nghị trở lại và tuyên bố:
– Người ta chẳng ngây thơ như ông đâu. Ông Montelin ơi, ông nên biết là cần phải luôn chồng chất nợ nần lên để mà dàn xếp.”
Và Saint‐Potin lắc đầu ra vẻ thành thạo, nói thêm:
– Thế nào? Lão ta có đúng là theo kiểu Balzac không? Duroy chưa từng đọc Balzac, nhưng y trả lời như thật:
– Đúng quá đi chứ!
Rồi gã phóng viên nói về bà Walter, ả gà mái béo tốt của lão già bất đắc chí Norbert de Varenne, và về Rival… Cuối cùng hắn nói đến Forestier:
– Còn anh ta thì có được cái may mắn là đã cưới cô vợ của mình, chỉ có thế thôi.
Duroy hỏi:
– Vợ anh ấy thật ra là người thế nào?
Saint‐Potin xoa tay:
– Ồ! Một ả trác táng, một mụ xảo quyệt. Chị ta là nhân tình của một lão già ăn chơi tên là Vaudrec, Bá tước De Vaudrec, được lão cấp của hồi môn và gả chồng cho…
Duroy đột nhiên có cảm giác ớn lạnh, như co giật thần kinh, chỉ muốn chửi bới và cho gã lắm mồm kia một cái tát. Nhưng y chỉ ngắt lời hắn để hỏi:
– Tên anh là Saint‐Potin phải không?
Hắn trả lời ngây thơ:
– Không, mình tên là Thomas. Người ta cho mình cái biệt danh Saint‐Potin ở tòa báo.
Duroy thanh toán tiền giải khát và nói:
– Hình như muộn rồi đấy, mà chúng ta còn phải đi thăm những hai nhà quyền quý.
Saint‐Potin cười phá lên:
– Bạn vẫn còn ngây thơ quá! Thế ra bạn tưởng rằng mình sẽ đi hỏi xem ông người Tàu và người Ấn Độ kia nghĩ gì về nước Anh ư? Cứ làm như mình không biết rõ hơn họ cái điều mà họ phải nghĩ cho độc giả của tờ Đời sống Pháp. Mình đã phỏng vấn những năm trăm ông người Trung Hoa, người Ba Tư, người Ấn Độ, người Chilê, người Nhật Bản, v.v… như thế. Theo mình, tất cả bọn họ đều trả lời một giuộc như nhau. Mình chỉ việc dùng lại bài báo viết về cái ông tới gần đây nhất rồi chép lại nguyên xi. Có thay đổi chăng thì chỉ là ở cái đầu của họ, tính danh của họ, các tước vị của họ, tuổi tác của họ, tùy tùng của họ. Chà? Điều đó thì chẳng được lầm lẫn, nếu không mình sẽ bị tờ Figaro và tờ Gaulois lật tẩy ngay. Song về vấn đề ấy, những tay gác cổng ở khách sạn Bristol và khách sạn Continental chỉ năm phút đồng hồ là thông tin đầy đủ cho mình. Chúng ta sẽ vừa đi bộ tới đó, vừa hút một điếu xì gà. Tổng cộng: một trăm xu tiền xe đòi tòa báo. Đấy, bạn thân mến ạ. Thực tiễn là phải làm như thế.
Duroy hỏi:
– Làm phóng viên trong những điều kiện như vậy thì thu nhập tốt đấy chứ.
Gã nhà báo trả lời có vẻ bí ẩn:
– Phải, nhưng không gì thu nhập tốt bằng mục Tin vặt, vì những quảng cáo trá hình.
Hai người đứng lên và đi theo đại lộ về phía nhà thờ Madeleine. Bỗng Saint‐Potin bảo bạn:
– Này, nếu bạn muốn đi đâu thì cứ đi, mình chẳng cần đến bạn đâu.
Duroy bắt tay hắn rồi bỏ đi.
Đầu óc y bứt rứt không yên về bài báo phải viết tối nay. Y liền nghĩ về bài báo. Y vừa đi vừa thu gom các ý, các suy nghĩ, các nhận định, các giai thoại, và cứ thế ngược mãi lên tới đầu đại lộ Champs‐Élysées, nơi chỉ có thấp thoáng vài khách du ngoạn, vì Paris thường vắng bóng người trong những hôm nóng bức này.
Sau khi ăn bữa tối tại một tiệm rượu gần Khải hoàn môn tại Quảng trường Ngôi Sao, y thong thả cuốc bộ về nhà qua các đại lộ ngoại vi, và ngồi vào bàn để làm việc.
Nhưng vừa nhìn thấy trước mặt tờ giấy trắng khổ lớn, mọi chất liệu y đã thu thập được trong đầu bỗng dưng bay biến, chẳng khác nào óc y bay hơi. Y cố níu lại những mẩu ký ức và găm chúng lại: nhưng tóm được đến đâu chúng lại tuột ra đến đấy, hoặc chúng xô tới như mớ bòng bong, y chẳng còn biết trình bày, sắp xếp ra sao và bắt đầu từ đâu nữa.
Sau một tiếng đồng hồ ra công ra sức với năm trang giấy chi chít những câu hỏi mở đầu dở dang, y tự nhủ: “Mình vẫn chưa thạo nghề. Phải đi kiếm thêm một bài học nữa mới được”. Và ngay tức khắc, viễn cảnh về một buổi sáng làm việc nữa với nàng Forestier, được cùng nàng trò chuyện mật thiết, thân tình rất lâu và hết sức êm dịu làm cho y rùng mình khao khát. Y vội vã đi ngủ ngay, vì hầu như lúc này chỉ lo nhỡ lại bắt tay vào việc và bỗng dưng thành công thì sao.
Sáng hôm sau, khá muộn y mới dậy, vì muốn trì hoãn và thưởng thức trước niềm thú vị của chuyến đến thăm này.
Lúc y bấm chuông ở nhà bạn thì đã hơn mười giờ.
Gã người hầu trả lời:
– Thưa, ông chủ đang làm việc.
Duroy không ngờ là người chồng lại có nhà. Song, y cố nài:
– Anh thưa với ông là có tôi đến, vì công việc gấp.
Sau năm phút chờ đợi, y được mời vào trong phòng làm việc, nơi y đã từng được hưởng một buổi sáng dễ chịu biết bao.
Chỗ y ngồi hôm trước, Forestier bây giờ đang ngồi viết, bận áo dài mặc trong nhà, chân mang đôi dép đi trong nhà, đầu đội chiếc mũ nhỏ không vành kiểu Anh; trong khi bà vợ vẫn quấn chiếc áo choàng trắng, đứng tì khuỷu tay vào lò sưởi, điếu thuốc lá phì phèo trên môi, đang đọc cho anh chép.
Duroy dừng lại ở ngưỡng cửa, nói khe khẽ:
– Xin lỗi anh chị, tôi có quấy rầy anh chị không?
Và bạn y quay mặt lại, tức tối nhìn và càu nhàu:
– Cậu còn cần gì nữa? Nói mau lên, bọn tôi đang vội.
Duroy sững sờ ấp úng:
– Không, có gì đâu, xin lỗi.
Nhưng Forestier nổi cáu:
– Kìa, đừng để mất thì giờ nữa, mẹ kiếp! Thì cậu xông vào nhà tôi có phải là để chào chúng tôi một câu cho vui đâu.
Duroy hết sức luống cuống liền quyết định:
– Không… chẳng là… chẳng là… tôi vẫn không sao viết nổi bài báo… và lần trước anh đã… anh chị đã… rất… rất… tử tế… nên tôi hy vọng… tôi đánh bạo tới đây…
Forestier ngắt lời y:
– Thế ra cậu chẳng coi ai ra gì! Cậu tưởng rằng tôi sẽ hành nghề cho cậu, còn cậu chỉ việc cuối tháng đến két lĩnh tiền. Không! Nhà tôi, bà ấy tốt đấy!
Thiếu phụ tiếp tục phì phèo điếu thuốc, chẳng nói chẳng rằng, miệng vẫn luôn nở một nụ cười mơ hồ, nó như chiếc mặt nạ dễ thương che lấp những ý nghĩ mỉa mai.
Và Duroy đỏ bừng mặt, nói lắp bắp:
– Xin lỗi, tôi cứ nghĩ… tôi cứ tưởng… ‐ Rồi bỗng nói bằng một giọng rành rọt. ‐ Tôi ngàn lần xin lỗi anh chị, đồng thời hết sức cảm ơn về bài ký sự tuyệt vời mà chị làm giúp tôi hôm qua.
Rồi y chào và nói với Charles:
– Tôi sẽ có mặt ở tòa báo lúc ba giờ.
Và y đi ra.
Y rảo bước trở về nhà, miệng lẩm bẩm: “Hừ, ta sẽ viết bài báo đó, và viết một mình, rồi họ sẽ thấy…”.
Vừa về đến nơi, hăng lên vì tức giận, y bắt đầu viết luôn.
Y tiếp tục câu chuyện phiêu lưu mà nàng Forestier đã bắt đầu kể, chồng chất các chi tiết theo kiểu tiểu thuyết đăng tải trên báo, chồng chất các biến cố ly kỳ và các đoạn miêu tả khoa trương, với lối viết vụng về của học sinh trung học và ngôn ngữ thường dùng của cánh hạ sĩ quan. Trong một tiếng đồng hồ, y viết xong bài ký sự giống như mớ hổ lốn những chuyện vui nhộn và hết sức tin tưởng đem ngay đến tòa báo Đời sống Pháp.
Người đầu tiên y gặp là Saint‐Potin, hắn siết chặt tay y tỏ vẻ đồng lõa và hỏi:
– Bạn đã đọc cuộc trò chuyện của tôi với ông người Tàu và ông người Ấn Độ rồi chứ? Khá nhộn phải không? Cả Paris lấy làm thú vị đấy. Mà mình thì có nhìn thấy mặt mũi hai vị ấy đâu.
Duroy chưa hề đọc gì cả nên cầm luôn lấy tờ báo, lướt mắt qua bài báo dài nhan đề Ấn Độ và Trung Hoa, trong lúc tay phóng viên trỏ cho y thấy và nhấn mạnh những đoạn lý thú nhất.
Forestier chợt đến, thở hổn hển, vội vã, có vẻ bận rộn:
– A! Hay quá, tôi đang cần cả hai ông đây.
Và anh nêu lên một loạt tin tức chính trị cần phải mò cho được ngay tối hôm ấy.
Duroy giơ bài báo của mình cho anh:
– Đây là phần tiếp theo về Angiêri.
– Tốt lắm, đưa đây, tôi đem nộp cho ông chủ báo. Chỉ có thế.
Saint‐Potin kéo người bạn đồng nghiệp mới đi, và khi ra đến hành lang, hắn bảo y:
– Bạn đã đến két chưa?
– Chưa. Để làm gì?
– Để làm gì à? Để lĩnh tiền thanh toán. Bạn biết không, bao giờ cũng phải lĩnh trước một tháng. Ai biết được chuyện gì có thể xảy ra.
– Nhưng… thế thì còn gì bằng.
– Mình sẽ giới thiệu bạn với thủ quỹ. Ông ta sẽ không gây khó dễ đâu. Ở đây người ta thanh toán thoải mái lắm!
Thế là Duroy đi lĩnh hai trăm frăng tiền lương, thêm hai mươi tám frăng cho bài báo hôm trước, gộp với số tiền còn lại trong khoản lương lĩnh ở đường sắt, tổng cộng trong túi y có ba trăm bốn mươi frăng.
Chưa bao giờ y có trong tay khoản tiền như vậy, và y tưởng là mình giàu cho đến ngày tận thế.
Rồi Saint‐Potin dẫn y đến nói chuyện tào lao tại văn phòng của bốn, năm tờ báo cạnh tranh, hy vọng rằng các tin tức mà hắn phải thu thập đã được những người khác lượm lặt rồi, hắn rất có thể giành giật lấy nhờ tài trò chuyện liến thoắng và ranh ma.
Tối đến, Duroy chẳng còn việc gì làm nên nghĩ đến chuyện quay trở lại Folies‐Bergère, và đánh bạo tới gặp bộ phận soát vé.
– Tôi là Georges Duroy, biên tập viên báo Đời sống Pháp. Hôm nọ tôi tới đây cùng với ông Forestier, ông ấy hứa xin cho tôi được ra vào thường xuyên. Chẳng biết ông ấy đã nghĩ tới chưa.
Họ tra sổ. Chưa thấy có ghi tên y. Tuy nhiên, tay soát vé là người nhã nhặn, đã bảo y:
– Ông cứ vào đi, thưa ông, và đích thân đề đạt yêu cầu với ngài giám đốc, chắc chắn sẽ được chấp thuận.
Y vào và hầu như ngay lập tức gặp ả Rachel, người được y dẫn đi tối hôm đầu tiên.
Ả đến gặp y:
– Chào anh, anh yêu quý. Anh có khỏe không?
– Rất khỏe, còn em?
– Em cũng khá. Anh không biết chứ, em đã nằm mơ thấy anh hai lần từ hôm ấy đấy.
Duroy thích thú mỉm cười:
– Chà! Chà! Thế nghĩa là thế nào?
– Thế nghĩa là em đã khoái anh, anh ngốc ạ, và khi nào anh thích thì chúng ta sẽ tái diễn nhé.
– Hôm nay, nếu em đồng ý.
– Vâng, em hoàn toàn đồng ý.
– Hay lắm, nhưng mà… ‐ Y ngập ngừng, hơi ngượng vì điều sắp nói ra. ‐ Nhưng mà, lần này anh không có đồng xu dính túi. Anh vừa từ sòng bạc tới đây và đã nướng ở đó hết cả.
Ả nhìn thẳng vào đáy mắt y, vì với bản năng và thực tiễn của gái làng chơi quen với những mưu mô xảo quyệt và thói mặc cả cò kè của bọn đàn ông, ả đánh hơi thấy là nói dối. Ả bảo:
– Chỉ nói giỡn! Anh biết không, cung cách ấy là không tốt đâu.
Y cười gượng gạo:
– Hay em đồng ý mười frăng nhé, anh chỉ còn vẻn vẹn có thế.
Ả thì thầm với vẻ vô tư của hạng đàn bà đĩ thõa vốn tính thất thường:
– Tùy anh đấy, anh yêu của em: em chỉ muốn anh mà thôi. Rồi ngước đôi mắt đờ đẫn nhìn hàng ria mép của chàng thanh niên, ả nắm lấy cánh tay y và tựa người vào một cách tình tứ:
– Chúng ta đi uống cốc xi rô lựu đã. Rồi sẽ cùng nhau đi dạo một vòng. Em, em muốn tới rạp Opéra, thế đấy, cùng với anh, để vây vo. Rồi chúng ta sẽ ra về sớm, phải không?
…..
Y ngủ lại tại nhà ả ta. Khi y ra về thì trời đã sáng và nghĩ ngay đến việc tìm mua tờ Đời sống Pháp. Y mở tờ báo ra mà tay run lẩy bẩy: bài ký sự của y không được đăng, và y đứng ngay trên vỉa hè, lo lắng nhìn lướt qua các cột chữ in, với hy vọng cuối cùng sẽ tìm thấy nó.
Bỗng có cái gì đè nặng lên trái tim, bởi vì nỗi bất như ý này bồi thêm vào cái mệt mỏi rã rời của đêm trác táng chẳng khác nào một thảm họa nặng nề.
Y leo lên phòng mình và cứ mặc nguyên quần áo nằm lăn ra ngủ trên giường.
Mấy tiếng đồng hồ sau, khi vào các phòng làm việc của ban biên tập, y đến gặp lão Walter:
– Sáng nay tôi rất ngạc nhiên, thưa ngài, không thấy bài báo thứ hai của tôi về Angiêri.
Lão giám đốc ngẩng đầu lên và xẵng giọng:
– Tôi đã chuyển cho bạn anh là Forestier, đề nghị đọc; anh ấy thấy chưa được, phải viết lại cho tôi.
Duroy tức mình đi thẳng, chẳng nói một lời, và sầm sầm bước vào phòng làm việc của bạn.
– Tại sao cậu không cho đăng bài ký sự của tôi sáng nay?
Anh nhà báo miệng phì phèo điếu thuốc, lưng nằm sâu trong ghế bành, hai chân gác lên bàn, gót chân bôi bẩn cả bài báo đang bắt đầu viết. Anh bình thản nói rành rọt từng tiếng bằng một giọng buồn phiền và văng vẳng, như nói từ dưới hố sâu vọng lên:
– Ngài chủ báo thấy bài viết dở quá, bảo tôi đưa để cậu viết lại. Bài kia kìa.
Và anh trỏ những tờ mở rộng ở dưới cái chặn giấy.
Duroy bẽ bàng chẳng biết nói sao, và khi y bỏ bài viết vào trong túi, Forestier lại nói:
– Hôm nay cậu hãy đến Sở Cảnh sát trước đã…
Và anh nêu ra một loạt những công việc phải chạy, những tin tức phải thu lượm. Duroy bước đi, muốn nói một lời cay độc mà tìm chẳng ra.
Hôm sau y mang bài báo tới và lại bị trả về lần nữa. Sau khi viết lại lần thứ ba và vẫn bị khước từ, y hiểu ra rằng y đi vội quá, và chỉ có bàn tay của Forestier mới giúp được y trên đường mà thôi.
Y không nhắc đến Hồi ký của một anh lính bên châu Phi nữa, và nghĩ bụng sẽ mềm mỏng, ranh ma, vì y cần phải thế, đồng thời sẽ hăng hái làm nghề phóng viên của mình trong khi chờ dịp tốt hơn.
Y thông tỏ những hậu trường sân khấu và hậu trường chính trị, những hành lang và tiền sảnh của các chính khách và của Nghị viện, bộ mặt quan trọng của các viên thơ lại và vẻ cau có của các gã tùy phái uể oải.
Y có những mối quan hệ thường xuyên với các vị bộ trưởng, các tay gác cổng, các tướng lĩnh, các nhân viên cảnh sát, các ông hoàng, các tên ma cô, các gái làng chơi, các sứ thần, các giám mục, các mụ Tú Bà, các dân ngoại kiều mờ ám, các chàng phong lưu công tử, các gã giỏi xoay xở, các tay đánh xe ngựa, các bồi bàn ở tiệm rượu và nhiều nữa, và y trở thành vừa thân thiết vừa thờ ơ với tất cả những kẻ đó, thấy họ lẫn lộn ai cũng như ai, đánh giá họ cùng theo một loại thước đo, nhận định họ theo cùng một cách nhìn, vì cứ gặp họ liên miên hết ngày này sang ngày khác, hết giờ này sang giờ khác, chẳng phút nào đầu óc được ngơi, và vì cứ nói mãi với tất cả bọn họ những chuyện như nhau liên quan đến nghề nghiệp của y. Y tự so sánh mình với một kẻ cứ phải nếm mãi, hết mẫu này sang mẫu khác, tất cả các loại rượu vang nên chẳng mấy nỗi không còn phân biệt được vang Château‐Margaux với vang Argenteuil nữa.
Không bao lâu y trở thành một phóng viên lỗi lạc, vững chắc tay nghề, lắm mưu nhiều mẹo, mau lẹ, tinh tế, một giá trị thực sự đối với tờ báo như lời nhận định của lão Walter, vốn là người sành sỏi trong việc đánh giá các biên tập viên.
Song vì chỉ được lĩnh mười xăngtim mỗi dòng, ngoài hai trăm frăng lương tháng cố định, trong khi cuộc sống vỉa hè, trở đi tiệm rượu trở lại quán ăn rất tốn kém, nên y chẳng bao giờ có đồng xu dính túi và luôn buồn bực về cảnh nghèo túng của mình.
Y nghĩ rằng phải có mánh khóe gì đây khi thấy một số đồng nghiệp trong túi rủng rỉnh vàng, nhưng chẳng bao giờ hiểu nổi họ dùng những bí quyết nào mà có được cuộc sống sung túc như thế. Và y tức tối nghi ngờ là có các mưu ma chước quỷ, các chuyện tiếp tay, móc ngoặc mờ ám chi đây. Y cần phải thâm nhập vào điều bí ẩn, vào cái tổ chức ngấm ngầm, buộc cánh bạn bè lâu nay vẫn ăn mảnh phải chấp nhận y.
Và buổi tối, khi từ cửa sổ nhìn các đoàn tàu chạy qua, y thường mơ tưởng tới các phương sách có thể đem dùng.