Ông Bạn Đẹp - Chương 03
3
* * *
Khi ra đến ngoài phố, Georges Duroy do dự chưa biết làm gì.
Y muốn chạy, muốn mơ mộng, muốn cứ trước mặt mà đi, vừa đi vừa nghĩ ngợi đến tương lai và hít thở làn không khí dịu ngọt của ban đêm, nhưng đầu óc cứ băn khoăn mãi về loạt bài mà lão chủ Walter yêu cầu, nên y quyết định về nhà ngay để bắt tay vào việc.
Y rảo bước trở về, tới đại lộ ngoại vi, rồi cứ theo đại lộ ấy mà đi cho tới phố Boursault là nơi y trú ngụ. Ngôi nhà cao sáu tầng của y có hai chục gia đình nho nhỏ thuộc giới thợ thuyền và thị dân cư trú, và khi lên gác, tay cầm ngọn nến để soi các bậc cầu thang bẩn thỉu vương vãi những mẩu giấy, những đầu mẩu thuốc lá, những rác rưởi nhà bếp, y cảm thấy lợm giọng và muốn mau mau đi khỏi nơi đây để đến các căn nhà sạch sẽ, màn che trướng rủ như những người giàu có. Từ trên xuống dưới nồng nặc mùi thức ăn, mùi nhà vệ sinh, mùi rác bẩn và tường mốc lưu cữu lâu ngày có lẽ chẳng một luồng không khí nào xua tan đi được.
Phòng của chàng thanh niên ở trên tầng năm, trông xuống một cái hào lớn của đường xe lửa phía tây, ngay bên trên cửa đường hầm, gần ga Batignolles, chẳng khác nào trông xuống một cái vực sâu hoắm. Duroy mở cửa sổ và đứng tì khuỷu tay vào bậu cửa bằng sắt gỉ.
Bên dưới y, trong đáy vực tối om là ba chiếc đèn tín hiệu đỏ im phăng phắc trông giống như những con mắt thú to tướng; xa xa có các đèn tín hiệu khác và lại còn các chiếc khác ở xa hơn nữa. Chốc chốc lại có những hồi còi dài hoặc ngắn vang lên trong đêm tối, hồi thì gần, hồi thì mãi từ phía Asnières xa xa vọng tới, hầu như nghe không rõ. Tiếng còi lên bổng xuống trầm như tiếng người gọi. Một trong những hồi còi ấy tiến lại gần, nghe rền rĩ mỗi lúc một rõ, ngay sau đó là một khối ánh sáng lớn màu vàng hiện ra, chạy tới rầm rầm, và Duroy nhìn thấy một dãy dài các toa tàu lao xuống dưới đường hầm.
Rồi y tự nhủ: “Nào, làm việc thôi!”. Y đặt cây nến lên bàn; nhưng lúc bắt tay vào viết, y nhận thấy ở nhà chỉ có một tập giấy viết thư mà thôi.
Chẳng sao, dùng nó cũng được và y mở rộng tờ giấy. Y chấm ngòi bút vào mực, và nắn nót viết ở đầu trang:
Hồi ký của một anh lính bên châu Phi
Rồi y loay hoay tìm cách khai mào cho câu đầu tiên.
Y ngồi mãi, bàn tay đỡ lấy trán, đôi mắt nhìn chăm chăm vào cái ô vuông trắng trải ra ở trước mặt.
Y biết nói chi đây? Những điều y mới kể lúc nãy, bây giờ chẳng còn nhớ được gì nữa, chẳng một mẩu giai thoại, chẳng một sự việc, chẳng còn nhớ gì hết. Bất chợt y nghĩ: “Phải bắt đầu bằng chuyện ta lên đường ra đi”. Y viết: “Đó là vào năm 1874, khoảng ngày Mười lăm tháng Năm, khi nước Pháp kiệt quệ đang nghỉ ngơi sau những thảm họa của năm hãi hùng…”.
Đến đây là ngắc, y chẳng còn biết phải kể tiếp ra sao về chuyện xuống tàu, cuộc hành trình, những cảm xúc đầu tiên.
Sau mươi phút nghĩ ngợi, y quyết định hoãn cái trang mào đầu ấy đến ngày hôm sau mà đi ngay vào miêu tả Alger.
Y phác ra giấy: “Alger là một thành phố trắng toát…”, rồi không biết nói gì thêm nữa. Y hình dung lại trong ký ức cái thành phố sáng sủa, xinh đẹp, với những ngôi nhà mái bằng lô xô lao dốc từ trên núi cao xuống đến bãi biển, như một cái thác nước, nhưng y không tìm ra được tiếng nào nữa để diễn tả những cái y đã thấy, những điều y đã cảm.
Y hết sức cố gắng thêm được mấy chữ: “Cư trú tại thành phố một phần là những người Ả rập…”. Rồi y quẳng bút xuống bàn và đứng lên.
Trên chiếc giường sắt nhỏ, chỗ y nằm lõm xuống, y thấy đống quần áo hàng ngày bị vứt bừa bãi của y, rỗng tuếch, sờn rách, mềm nhẽo, xấu xí như đống quần áo cũ ở nhà xác. Và trên cái ghế tựa độn rơm là chiếc mũ bằng lụa của y, chiếc mũ duy nhất, hình như đang ngửa ra để xin bố thí.
Các bức tường phủ bằng giấy màu xám, hoa xanh, có những vết bẩn nhiều chẳng kém gì hoa, những vết bẩn lâu ngày, khả nghi, khó có thể nói là vết bẩn gì, các con vật bị chết bẹp gí, hay các giọt dầu, các đầu ngón tay nhờn chất sáp hay bọt xà phòng giặt giũ bắn lên. Toát lên cảnh nghèo nàn hổ thẹn, cảnh nghèo nàn của loại phòng cho thuê có đồ đạc ở Paris. Y bừng bừng phẫn nộ với thân phận khốn khổ của mình. Y tự nhủ cần phải đi khỏi đây, ngay lập tức, cần chấm dứt cuộc sống chật vật này ngay từ hôm sau.
Bỗng y lại cảm thấy hăng hái làm việc, nên lại ngồi vào bàn, và lại bắt đầu tìm câu chữ để diễn tả cho được bộ mặt kỳ lạ và duyên dáng của Alger, cái tiền sảnh của châu Phi huyền bí và sâu kín, châu Phi của những người Ả rập lang thang và các dân da đen xa lạ, châu Phi chưa được thám hiểm và đầy hấp dẫn, mà thỉnh thoảng ta được giới thiệu trong các công viên, với những con vật huyền hoặc như chỉ có trong các truyện thần tiên, những con đà điểu trông như lũ gà khổng lồ kỳ quặc, những chú linh dương, những con dê cái tuyệt trần, những anh hươu cao cổ kỳ dị và lố lăng, những con lạc đà nghiêm nghị, những bác hà mã gớm ghiếc, những lão tê giác dị hình, và những chú khỉ đột, người anh em dễ sợ của nhân loại.
Y cảm thấy lờ mờ nảy ra các ý tưởng; có lẽ nói ra lời thì được, nhưng y không thể nào sắp xếp các từ ngữ để viết thành văn. Bất lực đến phát sốt phát rét, y lại đứng lên, đôi bàn tay nhớp nháp mồ hôi và mạch máu rần rật hai bên thái dương.
Y bỗng tuyệt vọng cuống cuồng khi chợt nhìn thấy giấy báo khoản tiền phải trả chị thợ giặt do bác gác cổng vừa chuyển lên lúc tối. Mọi nỗi vui mừng tan biến trong giây phút cùng với niềm tin của y vào bản thân mình và vào tương lai. Thế là hết, hết tất cả, y sẽ chẳng làm nên cơm cháo gì; y sẽ chẳng là gì hết, y cảm thấy trống rỗng, bất tài, vô dụng, hết phương cứu chữa.
Y lại đến tì khuỷu tay vào cửa sổ, đúng lúc một đoàn tàu ra khỏi đường hầm với tiếng ầm ầm đột ngột và đinh tai nhức óc. Nó băng qua ruộng qua đồng chạy về phía biển ở đằng kia. Và ký ức về cha mẹ mình rộn lên trong trái tim Duroy.
Đoàn tàu kia sẽ đi ngang gần nhà cha mẹ y, chỉ cách vài dặm đường. Y hình dung ra ngôi nhà nho nhỏ trên đỉnh dốc cao, bao quát cả thành phố Rouen và vùng thung lũng sông Seine bát ngát, ở ngay đầu làng Canteleu.
Cha mẹ y mở một quán rượu nhỏ, quán Phong cảnh hữu tình, nơi các thị dân vùng ngoại ô đến dùng bữa trưa vào ngày Chủ nhật. Hai ông bà muốn con trai thành người danh giá nên đã cho y vào trường trung học. Sau khi học xong và trượt tú tài, y đi quân dịch với ý định trở thành sĩ quan, lên tá, lên tướng. Nhưng khi kỳ hạn năm năm còn lâu mới hết, y đã chán nghiệp binh đao và mơ ước làm giàu tại Paris.
Y đã tới Paris khi hết hạn tại ngũ, bất kể những lời van vỉ của cha mẹ, vì cha mẹ y bây giờ muốn giữ con ở lại nhà sau khi giấc mộng con trai công thành danh toại đã bay biến. Nay đến lượt y hy vọng vào một tương lai tươi sáng; y thoáng thấy mình sẽ thành công rực rỡ nhờ các may rủi lúc này hình dung còn chưa rõ rệt, nhưng nhất định y sẽ có thể tạo ra được.
Hồi ở trung đoàn, y đã là kẻ có số đào hoa, chinh phục được những ả ba lăng nhăng, và còn hơn thế nữa, có lần còn quyến rũ con gái một nhân viên thu thuế, khiến cho cô nàng muốn từ bỏ tất cả để đi theo y, và quyến rũ vợ một viên đại tụng, khiến bà ta tuyệt vọng toan trẫm mình vì bị y bỏ rơi.
Các bạn bè nói về y: “Hắn là một gã ranh ma, một tay cáo già, một kẻ tháo vát có tài xoay xở”. Và quả thật là y đã quyết chí trở thành một gã ranh ma, một tay cáo già, và một kẻ tài xoay xở.
Vốn là một kẻ sinh ra ở Normandie, bị thực tiễn cuộc sống lính tráng hàng ngày cọ xát, bị tiêm nhiễm những gương vô lại xấu xa ở châu Phi, những trò gian manh, xảo quyệt, lại được kích thích bằng các tư tưởng danh dự lưu hành trong quân đội, các thói yêng hùng của lính, tinh thần ái quốc, những chuyện hào hiệp bọn hạ sĩ quan kể cho nhau nghe, và cái hư vinh của nghề nghiệp, nên ý thức của y trở nên giống như chiếc hộp có ba đáy chứa hổ lốn đủ mọi thứ.
Nhưng vượt lên tất cả là ý muốn ngoi lên.
Y lại bắt đầu mơ mộng, như tối nào cũng thế y vẫn mơ mộng mà không hay. Y hình dung ra một cuộc dan díu tuyệt vời khiến y phút chốc thực hiện ngay được kỳ vọng. Y cưới con gái một chủ ngân hàng hoặc một bậc đại quyền quý gặp ở ngoài đường và tán được ngay.
Y bừng tỉnh mộng vì tiếng còi chói tai của một chiếc đầu máy không kéo theo toa từ trong đường hầm lao ra, như một chú thỏ lớn lao ra khỏi hang, và chạy hết tốc lực trên đường ray và về ga ra các đầu máy để nằm nghỉ.
Hoài bão lờ mờ và vui nhộn lâu nay vẫn ám ảnh đầu óc y lúc này lại trỗi dậy, y liền gửi một chiếc hôn bâng quơ vào đêm tối, chiếc hôn yêu đương về phía hình ảnh người phụ nữ hằng mong đợi, chiếc hôn ao ước về phía cảnh giàu sang đang thèm muốn. Rồi y khép cửa sổ lại và bắt đầu vừa cởi quần áo vừa lẩm bẩm: “Chà, sáng mai ta sẽ thư thái hơn. Tối nay đầu óc ta không được thanh thản. Với lại, có lẽ ta đã hơi quá chén. Ở vào tình trạng như thế này thì không thể làm việc tốt được”.
Y lên giường nằm, thổi tắt nến và hầu như ngủ thiếp đi ngay lập tức.
Y thức dậy từ sáng tinh mơ như người ta thường thức dậy vào những ngày lo âu hoặc chứa chan hy vọng, và nhảy ra khỏi giường, đi tới mở cửa sổ để tợp một chén không khí mát mẻ như y vẫn nói.
Những ngôi nhà rực rỡ trong ánh mặt trời mọc ở phố Rome trước mặt, phía bên kia đường hào xe lửa rộng, có vẻ như được quét một lớp ánh sáng trắng. Xa xa phía bên phải là những quả đồi ở Argenteuil, những gò cao ở Sannois, và các cây cối ở Orgemont thấp thoáng trong lớp sương mù nhẹ xanh xanh, giống như tấm voan nhỏ chơi vơi và trong suốt phủ lên chân trời.
Duroy đứng ngẩn ra vài phút nhìn đồng quê xa xa, và y lẩm bẩm: “Vào một ngày như ngày hôm nay, ở nơi kia chắc là tuyệt lắm đây”. Rồi y nghĩ là cần phải làm việc, làm việc ngay lập tức, và phải cho con trai bác gác cổng mười xu nhờ nó đến sở báo tin y ốm.
Y ngồi vào bàn, chấm ngòi bút vào lọ mực, bàn tay đỡ lấy trán và tìm ý, mất công vô ích. Chẳng nảy ra được ý gì.
Tuy thế y không nản lòng. Y nghĩ: “Chà, ta chưa quen. Nghề này thì cũng phải học như mọi nghề khác. Phải có ai giúp ta những lần đầu tiên. Ta sẽ đi gặp Forestier và chỉ mươi phút là cậu ấy sẽ dựng được bài báo cho ta”.
Và y mặc quần áo.
Khi ra đến ngoài phố, y nghĩ đến nhà bạn giờ này thì còn quá sớm vì chắc là cậu ta dậy muộn. Y liền lặng lẽ đi dạo dưới hàng cây ở đại lộ ngoại vi.
Chưa tới chín giờ, và y tới công viên Monceau mát rượi vì mới tưới cây xong.
Y ngồi xuống một chiếc ghế dài và lại mơ màng. Một chàng thanh niên đi qua đi lại trước mặt y, ăn mặc rất bảnh bao, chắc hẳn chàng đang đợi một người phụ nữ.
Cô nàng hiện ra, mặt che mạng, chân bước thoăn thoắt, rồi sau cái bắt tay ngắn ngủi, cô khoác tay chàng và họ bước đi xa dần.
Trái tim Duroy rộn lên nhu cầu tình yêu, tình yêu thanh tao, tế nhị, sực nức hương thơm. Y đứng lên và lại tiếp tục vừa đi vừa nghĩ đến Forestier. Cậu ta may mắn thật đấy!
Y đến trước cửa nhà đúng lúc bạn y bước ra.
– Kìa cậu đấy à! Vào cái giờ này! Cậu muốn gì ở tớ?
Duroy lúng túng vì gặp bạn lúc bạn ra đi, nên ấp úng:
– Là vì… là vì… tớ không sao viết được bài báo, cậu biết đấy, bài báo ông Walter bảo tớ viết về Angiêri. Chẳng có gì lạ lắm vì tớ có viết lách bao giờ đâu. Việc này cũng như mọi việc khác cần phải có thực hành. Tớ sẽ làm quen rất nhanh, tớ tin như thế, nhưng để bắt đầu, tớ chẳng biết xoay xở ra sao. Tớ có ý trong đầu, có đủ mọi ý, song tớ không thể hiện ra nổi.
Y dừng lại, hơi do dự một chút. Forestier mỉm cười ranh mãnh:
– Tớ biết điều đó.
Duroy nói tiếp:
– Ừ, ai lúc bắt đầu thì cũng thế thôi. Nên tớ đến… tớ đến nhờ cậu giúp đỡ… Chỉ mươi phút đồng hồ là cậu… là cậu sẽ dựng lên được cho tớ, cậu sẽ chỉ vẽ cho tớ cần phải phô diễn thế nào. Như thế là cậu sẽ giảng cho tớ một bài học hẳn hoi về văn phong, và không có cậu, tớ sẽ lúng túng chẳng sao gỡ ra được.
Forestier vẫn vui vẻ mỉm cười. Anh vỗ vào cánh tay thằng bạn cũ và bảo:
– Cậu vào gặp vợ tớ, bà ấy sẽ giải quyết công việc giúp cậu chẳng kém gì tớ đâu. Tớ đã rèn luyện bà ấy làm cái việc đó mà. Tớ thì sáng nay bận rồi, nếu không tớ đã sẵn lòng giúp cậu.
Duroy bỗng e dè, do dự, không dám:
– Nhưng, vào giờ này, tớ tới gặp chị ấy thế nào được?
– Được chứ, hoàn toàn được chứ. Bà ấy dậy rồi. Cậu sẽ thấy bà ấy trong phòng làm việc của tớ, đang sắp xếp các ghi chép của tớ cho đâu ra đấy.
Duroy từ chối không dám lên nhà:
– Không… không thể như thế được.
Forestier nắm lấy hai vai y, xoay một cái và đẩy y vào cầu thang:
– Nhưng tớ đã bảo cậu lên là phải lên đi chứ, ngốc ơi. Cậu đừng bắt tớ phải leo lại ba tầng gác để giới thiệu cậu và giải thích trường hợp của cậu.
Duroy liền quyết định:
– Cám ơn, tớ lên vậy. Tớ sẽ nói với chị ấy là cậu bắt tớ, khăng khăng bắt tớ phải tới gặp chị.
– Được. Bà ấy sẽ chẳng ăn thịt cậu đâu, cứ yên tâm. Nhưng chớ quên là chiều nay ba giờ đấy.
– Ồ! Cậu đừng lo.
Forestier bước đi có vẻ vội vã, trong lúc Duroy thong thả trèo từng bậc một lên thang, vừa đi vừa nghĩ xem nên nói gì và lo lắng không biết sẽ được tiếp đón ra sao.
Gã đầy tớ ra mở cửa. Gã mặc chiếc tạp dề màu xanh và cầm chổi trong tay.
– Ông chủ đi vắng, ‐ gã nói, không đợi phải hỏi. Duroy nài:
– Anh thưa với bà Forestier xem có thể tiếp tôi được không, và báo hộ là tôi vừa gặp ông nhà ở ngoài phố và ông ấy bảo tôi tới gặp bà.
Rồi y đợi. Gã đầy tớ trở ra, mở cái cửa bên trái và bảo:
– Bà chủ đang đợi ông.
Nàng ngồi trên chiếc ghế bành ở bàn giấy, trong căn phòng nhỏ, xung quanh tường phủ kín toàn sách là sách xếp ngay ngắn trên những cái giá bằng gỗ đen. Các bìa sách đủ màu sắc, đỏ, vàng, lam, tím và xanh đem lại vẻ vui tươi sinh động cho những tập sách xếp thành từng hàng đơn điệu.
Nàng quay lại, luôn luôn tươi cười, mình choàng tấm áo mặc ở nhà trắng muốt viền đăng ten; và nàng giơ bàn tay ra, để lộ cánh tay trần trong chiếc tay áo rộng thùng thình.
– Đến rồi à? ‐ Nàng nói; rồi lại tiếp. ‐ Không phải lời trách móc đâu, mà chỉ là hỏi thế thôi.
Y ấp úng:
– Ồ! Thưa chị, tôi có muốn lên đâu, nhưng tôi gặp anh dưới kia, và anh ấy cứ bắt tôi phải lên. Tôi ngượng lắm chẳng dám nói ra mục đích tôi tới đây để làm gì.
Nàng trỏ một cái ghế:
– Anh ngồi xuống đi và cứ nói.
Nàng xoe xoe chiếc bút lông ngỗng giữa hai ngón tay một cách nhanh nhẹn; và trước mặt nàng là một trang giấy khổ rộng đã viết được một nửa, bị dừng lại lúc chàng thanh niên tới.
Nàng có vẻ thoải mái trước cái bàn làm việc kia, bận bịu với công việc thường ngày, thoải mái như ở trong phòng khách của nàng vậy. Một mùi thơm nhè nhẹ tỏa ra từ tấm áo choàng, mùi thơm mát của da thịt mới tắm xong. Và Duroy cố hình dung, tưởng chừng nhìn thấy tấm thân trẻ trung và trắng trẻo, đầy đặn và ấm áp, đang được bao bọc nhẹ nhàng trong lớp vải mềm mại kia.
Thấy y vẫn lặng im, nàng lại tiếp:
– Nào, anh nói đi, có chuyện gì thế? Y ngập ngừng nói:
– Chẳng là… nhưng quả thực… tôi không dám… Chẳng là tối hôm qua tôi đã làm việc rất khuya… và sáng nay… rất sớm… để viết bài báo về Angiêri mà ông Walter yêu cầu… mà chẳng đi đến đâu… tôi đã xé tất cả các bản nháp… Tôi, tôi không quen với công việc này; và tôi tới nhờ anh Forestier giúp đỡ… cho một lần…
Nàng sung sướng, vui vẻ, thích thú, cười sảng khoái, ngắt lời y:
– Và nhà tôi bảo anh tới tìm tôi phải không?… Tử tế quá…
– Đúng thế, chị ạ. Anh ấy bảo là chị giúp đỡ tôi xoay xở còn tốt hơn cả anh ấy nữa kia… Nhưng tôi, tôi đâu dám, tôi đâu muốn. Chị hiểu chứ?
Nàng đứng lên:
– Cộng tác như vậy mà hay đấy. Tôi rất khoái về cái ý nghĩ của anh. Nào, anh hãy ngồi vào chỗ tôi đi, vì ở tòa báo người ta thuộc chữ viết của tôi. Chúng ta sẽ nặn ra một bài báo cho anh, mà phải là một bài báo được hoan nghênh.
Y ngồi xuống, cầm lấy bút, trải ra trước mặt một tờ giấy rồi chờ đợi.
Nàng Forestier vẫn đứng, nhìn y sửa soạn; rồi nàng với một điếu thuốc lá trên lò sưởi, châm lửa hút:
– Tôi không hút thì chẳng làm việc được, ‐ nàng nói. ‐ Nào, anh kể chuyện gì bây giờ?
Y ngẩng đầu lên nhìn nàng với vẻ ngạc nhiên:
– Nhưng tôi, tôi có biết đâu, bởi chính vì thế mà tôi mới tới đây tìm chị.
Nàng lại nói:
– Vâng, tôi sẽ dàn dựng cho anh. Tôi sẽ làm món nước xốt, nhưng phải có cái đĩa cho tôi chứ.
Y vẫn bối rối, rồi ngập ngừng nói:
– Tôi muốn kể cuộc hành trình của tôi từ lúc bắt đầu ra đi…
Nàng liền ngồi xuống trước mặt y, phía bên kia chiếc bàn lớn, và nhìn thẳng vào mắt y:
– Thôi được, anh kể cho tôi nghe trước đã nào, cho một mình tôi mà thôi, anh hiểu chứ, thật thong thả, không bỏ sót tí gì, và tôi sẽ lựa chọn những điều cần viết ra.
Nhưng vì y không biết phải bắt đầu từ đâu, nàng liền làm như một linh mục trong phòng xưng tội, đặt ra những câu hỏi chính xác gợi lại cho y các chi tiết bị lãng quên, các nhân vật đã từng gặp, các khuôn mặt chỉ thấy thoáng qua.
Khi đã ép buộc y nói như vậy khoảng một khắc đồng hồ, nàng đột nhiên ngắt lời:
– Bây giờ chúng ta bắt đầu. Trước hết, cứ giả định là anh kể cho bạn anh nghe các cảm tưởng của mình, như vậy anh sẽ có thể nói ra một lô những chuyện vớ vẩn, có thể đưa ra các nhận xét đủ loại, có thể kể rất tự nhiên và ngộ nghĩnh, nếu chúng ta làm được. Bắt đầu đi.
“Henry thân mến, bạn muốn biết Angiêri là thế nào ư? Thì được rồi. Tôi sẽ gửi cho bạn một thứ nhật ký cuộc đời tôi, từng ngày từng giờ một, vì hiện tôi chẳng có việc gì làm trong túp lều tranh vách đất dùng làm nơi ở của tôi. Thỉnh thoảng cũng sẽ có đoạn hơi dữ dội đấy, nhưng chẳng sao, bạn có phải đưa ra cho các bà các cô quen biết xem đâu…”
Nàng dừng đọc để châm lại điếu thuốc đã tắt, và lập tức cũng dừng luôn tiếng lạo xạo khe khẽ của chiếc ngòi bút lông ngỗng chạy trên tờ giấy.
– Ta tiếp tục, ‐ nàng nói.
“Angiêri là một xứ sở rộng mênh mông thuộc Pháp nằm ở biên giới các xứ sở rộng mênh mông chưa ai biết tới mà người ta gọi là sa mạc, sa mạc Sahara, Trung Phi, v.v…
“Angiêri là cái cửa, cái cửa trắng toát đẹp tuyệt vời của lục địa kỳ lạ ấy.
“Nhưng trước hết phải đi tới nơi đã, đó không phải là hoa hồng đối với tất cả mọi người. Tôi là một tay cưỡi ngựa cừ khôi, bạn biết đấy, vì tôi huấn luyện lũ ngựa cho ngài đại tá, nhưng người ta có thể là kỵ sĩ giỏi mà lại là thủy thủ tồi. Trường hợp của tôi là thế.
“Bạn có nhớ ngài sĩ quan quân y Simbretas mà chúng mình vẫn gọi là ông bác sĩ Thuốc Nôn không? Khi đã cảm thấy chín muồi để được nằm hai mươi bốn giờ ở y xá, xứ sở mới tuyệt diệu làm sao, chúng mình liền đi khám bệnh.
“Lão ta ngồi trên chiếc ghế tựa, với bộ đùi béo mập giạng ra trong chiếc quần đỏ chót, hai bàn tay đặt trên đầu gối, cánh tay bạnh ra, khuỷu tay vểnh lên, và lão vừa đảo ngang đảo dọc đôi mắt to thô lố vừa nhấm nhấm chòm ria mép bạc.
“Bạn nhớ lão ta kê đơn thế nào rồi chứ:
“‐ Tên lính này bị rối loạn tiêu hóa. Cho hắn uống thuốc nôn số 3 theo công thức của tao, rồi nghỉ ngơi mười hai tiếng đồng hồ, hắn sẽ khỏi.
“Thứ thuốc nôn ấy rất công hiệu, công hiệu và chẳng thể cưỡng lại được. Đành phải nuốt thôi vì không nuốt không xong. Rồi sau khi đã dùng thuốc theo công thức của bác sĩ Thuốc Nôn, ta được hưởng mười hai tiếng đồng hồ nghỉ ngơi xứng đáng.
“Vậy là, anh bạn thân mến ơi, muốn tới được châu Phi, phải chịu đựng trong bốn chục tiếng đồng hồ một thứ thuốc nôn khác không thể cưỡng lại được, theo công thức của Công ty Vượt Đại Tây Dương.”
Nàng xoa tay, hoan hỉ về cái ý đó của mình.
Nàng đứng lên, đi đi lại lại sau khi đã châm một điếu thuốc lá khác, và vừa đọc cho y chép vừa nhả khói; khói thuốc mới đầu phun ra thẳng tắp từ một lỗ tròn nhỏ giữa đôi môi mím chặt, rồi nó lan rộng, tỏa ra, để lại trong không khí từng đám những sợi màu xám, chẳng khác gì một thứ sương mù trong suốt, một thứ hơi nước giống như mạng nhện. Có lúc nàng vẩy bàn tay để xua những vệt khói lững lờ chưa chịu tan đi; có lúc nàng lại dùng ngón tay trỏ chặt ngang vệt khói lờ mờ làm đôi, rồi chăm chú nhìn hai khúc của nó từ từ biến mất.
Duroy ngước mắt theo dõi mọi động tác, mọi thái độ, mọi cử động của cơ thể và của bộ mặt nàng đang mải miết với các trò chơi lơ đãng ấy, nhưng không vì thế mà sao nhãng tư duy.
Bây giờ nàng tưởng tượng ra các diễn biến dọc đường, vẽ chân dung các bạn đồng hành do nàng bịa đặt, và phác thảo cuộc dan díu của y với vợ một viên đại úy bộ binh trên đường đi thăm chồng.
Rồi nàng lại ngồi xuống và hỏi Duroy về địa hình Angiêri mà nàng hoàn toàn mù tịt. Trong mười phút đồng hồ, nàng hiểu biết chẳng thua gì Duroy và viết một mục ngắn về địa lý chính trị, thuộc địa để cung cấp cho bạn đọc và giúp họ hiểu được những vấn đề nghiêm trọng sẽ được nêu lên trong các bài báo tiếp theo.
Tiếp đó, nàng kể về một chuyến rong chơi trong tỉnh Oran, một chuyến rong chơi phóng túng, quan hệ với đủ loại đàn bà, người Maure, người Do Thái, người Tây Ban Nha.
– Chỉ có như vậy mới gây được hứng thú, ‐ nàng nói.
Nàng kết thúc bằng chuyện viên hạ sĩ quan Georges Duroy lưu lại ở Saïda, dưới chân vùng cao nguyên, và chuyện dan díu của y với một cô thợ Tây Ban Nha làm ở nhà máy giấy Alfa tại Aïn‐el‐Hadjar. Nàng thuật lại các cuộc hẹn hò ban đêm trong vùng núi đá lổn nhổn và trơ trụi, trong lúc những con chó rừng, những con linh cẩu và những con chó Ả rập kêu, sủa và rống lên giữa các mô đá.
Nàng tuyên bố bằng một giọng vui vẻ:
– Đến mai sẽ tiếp. ‐ Rồi nàng đứng lên. ‐ Viết một bài báo là như thế đấy, ông anh ạ. Ông anh ký tên vào đây cho.
Y do dự.
– Cứ ký tên đi mà!
Y liền cười và viết ở cuối trang: “Georges Duroy”.
Nàng tiếp tục vừa đi đi lại lại vừa hút thuốc, còn y thì cứ nhìn theo trân trân, chẳng biết cảm ơn thế nào, vừa sung sướng được ở bên nàng, vừa rạo rực lòng biết ơn và nỗi ngây ngất của mối thân tình chớm nở. Y tưởng chừng mọi thứ bao quanh mình đều có phần máu thịt của nàng, mọi thứ, kể cả những bức tường phủ đầy sách. Các ghế ngồi, đồ đạc, không khí phảng phất mùi thuốc lá đều mang một cái gì đó đặc biệt, tốt đẹp, dịu dàng, thú vị từ nàng toát ra.
Bất chợt nàng hỏi:
– Anh nghĩ gì về chị bạn De Marelle của tôi?
Y sửng sốt:
– Tôi… tôi thấy chị ấy… tôi thấy chị ấy rất quyến rũ.
– Thật thế ư?
– Vâng, thật thế đấy.
Y muốn thêm: “Nhưng chẳng quyến rũ bằng chị”, song không dám.
Nàng lại nói:
– Giá anh biết chị ta buồn cười, kỳ quặc, lanh lợi đến thế nào! Đó là một phụ nữ phóng túng, chà, đúng là một phụ nữ phóng túng. Chính vì vậy mà chị ấy chẳng được chồng yêu mấy. Ông ta chỉ nhìn thấy khuyết điểm mà không thấy các đức tính.
Duroy ngạc nhiên khi biết nàng De Marelle đã có chồng. Song, đó cũng là chuyện đương nhiên.
Y hỏi:
– Thế ra… chị ấy đã có chồng rồi ư? Và ông chồng làm gì?
Nàng Forestier vừa khẽ nhún vai vừa nhếch lông mày bằng một cử động đầy ý nghĩa khó hiểu.
– Ồ! Ông ta là thanh tra ngành đường sắt phía bắc. Mỗi tháng ông ở Paris tám ngày. Thời gian mà vợ ông gọi là “nghĩa vụ quân dịch”, hoặc “tuần lao dịch”, hoặc nữa “tuần lễ thánh”. Khi nào anh biết rõ chị ấy hơn, anh sẽ thấy chị ấy là người tinh tế, dễ thương. Mai kia anh nên đến thăm chị ấy đi.
Duroy chẳng nghĩ tới chuyện ra về nữa: y có cảm tưởng sẽ ở lại đây luôn, có cảm tưởng đây là nhà mình.
Bỗng cửa mở ra êm ru không tiếng động, một ông sang trọng bước vào mà chẳng được gia nhân báo trước.
Ông ta dừng lại khi thấy một người đàn ông. Nàng Forestier có vẻ lúng túng giây lát, rồi nàng nói, giọng rất tự nhiên, tuy mặt ửng hồng lên chút ít:
– Kìa, ông cứ vào đi. Xin giới thiệu với ông một người bạn thân của Charles, anh Georges Duroy, một nhà báo tương lai.
Rồi bằng một giọng khác hẳn, nàng giới thiệu:
– Người bạn tốt nhất và thân nhất trong các bạn bè của tôi, Bá tước De Vaudrec.
Hai người đàn ông vừa chào vừa nhìn thẳng vào tận đáy mắt nhau, và Duroy lập tức cáo lui ngay.
Chẳng ai nài y ở lại. Y ấp úng vài lời cảm ơn, bắt tay người thiếu phụ, cúi chào ông khách mới đến vẫn giữ vẻ mặt lạnh lùng và trang nghiêm của con người thượng lưu lần nữa, rồi y đi ra, hết sức bối rối như vừa làm điều gì dại dột.
Khi ra tới ngoài phố, y cảm thấy buồn bã, khó ở, như có một nỗi sầu muộn âm thầm mơ hồ nào đó ám ảnh tâm hồn. Y thẫn thờ bước đi, băn khoăn vì sao lại có nỗi u buồn đột ngột này; y tìm không ra, nhưng bộ mặt nghiêm khắc của Bá tước De Vaudrec, đã hơi già, với mái tóc hoa râm và vẻ bình thản, ngạo đời của một kẻ rất giàu và vững tin ở bản thân mình cứ lởn vởn mãi trong ký ức của y.
Và y nhận thấy rằng chính việc kẻ lạ mặt kia tới làm đứt đoạn cuộc trò chuyện tay đôi đầy thú vị mà y đã bén mùi là nguyên nhân gây ra cảm giác nguội lạnh, tuyệt vọng, cái cảm giác đôi khi chỉ cần tai nghe mắt thấy những điều vặt vãnh không đâu cũng đủ gây ra.
Và y cảm thấy rằng gã đàn ông kia chẳng hài lòng thấy y có mặt ở đấy, tuy y không đoán được vì sao.
Y chẳng có việc gì để làm nữa cho tới ba giờ chiều; mà lúc này chưa tới giữa trưa. Trong túi còn lại sáu frăng năm mươi, y đi ăn tại quán cơm nhỏ Duval. Rồi y la cà ở đại lộ; và khi chuông điểm ba giờ, y trèo lên cầu thang tòa báo Đời sống Pháp.
Mấy gã chạy giấy khoanh tay ngồi đợi trên một chiếc ghế dài trong lúc một nhân viên sắp xếp các thư từ mới được gửi đến tại chiếc bàn giống như diễn đàn nho nhỏ của giáo sư. Sự dàn cảnh thật hoàn hảo khiến cho các khách thăm phải kính nể. Ai nấy đều chững chạc, khoan thai, nghiêm trang, lịch sự, phù hợp với tiền sảnh của một tòa báo lớn.
Duroy hỏi:
– Xin cho gặp ngài Walter?
Bác nhân viên đáp:
– Ngài giám đốc đang họp. Ông vui lòng ngồi chờ một lát. ‐ Và bác trỏ vào phòng đợi đã chật ních.
Trong ấy có những ông nghiêm trang, trịnh trọng, đeo huân chương, và những ông ăn mặc cẩu thả, áo rơđanhgôt cài kín đến tận cổ che hết trang phục bên trong, ngực áo có những hình vết trông giống như các chỗ lồi lõm của lục địa và biển cả trên bản đồ địa lý. Có ba người đàn bà ngồi lẫn trong đó. Một người xinh đẹp tươi cười, má phấn môi son, có vẻ là hạng gái lẳng lơ, gương mặt người bên cạnh buồn thảm, nhăn nheo, cũng phấn son nhưng không hoa mỹ, toát lên một vẻ gì đấy úa tàn, giả tạo thường thấy ở các nữ diễn viên thời trước, chẳng còn trẻ trung gì, như hương vị tình yêu phai lạt.
Người thứ ba mặc đồ tang, đứng trong một xó, có dáng dấp một phụ nữ góa chồng đau khổ. Duroy nghĩ rằng chị ta đến để xin bố thí.
Đã hai chục phút trôi qua mà chẳng ai được vào cả.
Duroy liền nảy được một ý và quay ra tìm bác nhân viên:
– Ngài Walter hẹn gặp tôi vào lúc ba giờ, ‐ y nói. ‐ Với lại bác xem hộ anh Forestier bạn tôi có ở đây không.
Bác ta liền đưa y đi qua cái hành lang dài dẫn tới một phòng lớn có bốn người đang hí hoáy viết quanh chiếc bàn rộng màu xanh lục.
Forestier đứng trước lò sưởi vừa hút thuốc lá vừa chơi binbôkê. Anh rất khéo tay trong trò chơi này và lần nào cũng xỏ trúng quả cầu tròn bằng gỗ hoàng dương trên đầu nhọn của một thanh gỗ nhỏ. Anh đếm: “Hăm hai ‐ hăm ba ‐ hăm bốn ‐ hăm nhăm”.
Duroy lên tiếng: “Hăm sáu”. Anh bạn ngước mắt lên, song cánh tay vẫn không ngừng động tác nhịp nhàng.
– Kìa, cậu đấy à! Hôm qua tớ làm được năm mươi bảy cú liên tiếp. Ở đây chỉ có Saint‐Potin là cừ hơn tớ. Cậu gặp ông chủ báo chưa? Chẳng gì buồn cười hơn là nhìn cái lão ngu đần De Norbert ấy chơi binbôkê. Lão cứ há hốc mồm ra như để nuốt lấy quả cầu vậy.
Một trong các biên tập viên quay đầu lại nhìn anh:
– Này, Forestier, tôi biết có người bán một bộ binbôkê rất tuyệt, bằng gỗ đào hoa tâm. Nghe nói bộ binbôkê ấy nguyên là của hoàng hậu Tây Ban Nha. Người ta đòi sáu chục frăng. Đâu có đắt.
Forestier hỏi:
– Nó ở đâu? ‐ Rồi chơi hỏng cú ba mươi bảy, anh liền mở chiếc tủ đứng, và Duroy nhìn thấy trong tủ khoảng hai chục bộ binbôkê, xếp ngay ngắn và đánh số thứ tự như các đồ mỹ nghệ trong một bộ sưu tập. Sau khi xếp bộ đồ chơi vào chỗ cũ, anh nhắc lại. ‐ Nó ở đâu, cái vật quý giá ấy?
Chàng nhà báo trả lời:
– Tại nhà một người bán vé ở rạp Vaudeville. Nếu anh muốn, mai tôi sẽ mang về cho anh.
– Ừ, thế nhé. Nếu quả thật là đẹp, tôi sẽ lấy, binbôkê thì chẳng bao giờ thừa.
Rồi anh quay về phía Duroy:
– Đi với tớ, tớ sẽ đưa cậu vào phòng ông chủ báo, không thì cậu sẽ ngồi mốc ra ở đây cho đến bảy giờ tối mất thôi.
Hai người lại đi ngang qua phòng đợi và thấy vẫn những con người ấy ngồi theo trật tự ấy. Khi Forestier xuất hiện, chị thiếu phụ và người nữ diễn viên luống tuổi đứng phắt ngay dậy tới gặp anh.
Anh dẫn họ lần lượt từng người một đến bên khuôn cửa sổ, và tuy họ cẩn thận chuyện trò rất khẽ, Duroy vẫn nhận thấy là Forestier xưng hô anh anh em em với cả hai người.
Rồi sau khi đã đẩy hai cánh cửa nhồi nệm, đôi bạn vào phòng lão giám đốc. Cuộc họp kéo dài từ một giờ là ván bài cactê chơi với mấy vị đội mũ dẹt mà Duroy đã thấy hôm trước.
Lão Walter cầm các quân bài, chơi hết sức chăm chú với những động tác hết sức ranh ma, trong khi đối thủ của ông hạ xuống, nhấc lên, điều khiển các quân bài bằng bìa cứng nhẹ tô màu với vẻ uyển chuyển, khéo léo và duyên dáng của tay chơi thành thạo. Norbert de Varenne ngồi viết bài báo trong chiếc ghế bành của lão giám đốc, còn Jacques Rival thì nằm dài nhắm mắt trên ghế đi văng, hút một điếu xì gà.
Trong phòng sực lên mùi hấp hơi, mùi các đồ đạc bằng da, mùi thuốc lá lưu cữu và mùi mực in; đó là cái mùi đặc biệt nơi những phòng biên tập mà các tay nhà báo chẳng lạ gì.
Trên chiếc bàn bằng gỗ màu đen khảm đồng là một đống giấy to lù lù: thư từ, danh thiếp, nhật báo, tạp chí, giấy báo thanh toán của các nhà hàng, ấn phẩm đủ loại.
Forestier bắt tay những gã chầu rìa đánh cuộc đứng sau lưng những người đang chơi, và anh nhìn mọi người chơi, không nói năng gì; rồi khi lão chủ báo Walter đã ăn quân, anh giới thiệu luôn:
– Đây là anh Duroy, bạn tôi.
Lão giám đốc trâng tráo đưa mắt qua phía trên đôi mắt kính nhìn chàng thanh niên một cái, rồi hỏi:
– Anh có đem bài báo đến cho tôi không? Ra được hôm nay là rất đúng lúc, đồng thời với cuộc tranh luận Morel.
Duroy rút trong túi ra những tờ giấy gập tư:
– Thưa ngài đây ạ!
Lão chủ báo có vẻ rất vui và mỉm cười:
– Tốt lắm, tốt lắm. Anh giữ lời hứa đấy. Anh sẽ phải xem lại cho tôi chứ, Forestier?
Nhưng Forestier vội vã trả lời:
– Không cần, thưa ngài Walter, tôi đã cùng viết bài báo với anh ấy để cho anh ấy luyện tay nghề. Bài viết rất tốt.
Lão giám đốc lúc này đang nhận những quân bài từ tay một ông sang trọng gầy gò, một nghị sĩ khuynh tả, nên nói thêm một cách hờ hững:
– Thế thì tuyệt.
Forestier không để cho lão bắt đầu chơi ván bài mới, và cúi xuống bên tai:
– Ngài nhớ cho là đã hứa với tôi nhận Duroy vào để thay thế cho Marambot. Ngài có đồng ý cho tôi giữ anh ấy lại với cùng mức lương bổng như thế không?
– Hoàn toàn đồng ý.
Chàng nhà báo liền khoác tay bạn kéo đi trong lúc lão Walter lại tiếp tục chơi bài.
Norbert de Varenne không hề ngẩng đầu lên, hình như ông ta không trông thấy hoặc không nhận ra Duroy. Trái lại, Jacques Rival đã siết chặt tay y, biểu lộ nhiệt tình của một người bạn tốt mà khi cần đến y có thể nhờ cậy được.
Đôi bạn lại đi ngang qua phòng đợi, và thấy ai nấy đều ngước mắt lên nhìn, Forestier liền nói khá to với người đàn bà trẻ nhất để cho những kẻ đang kiên trì chờ đợi khác đều nghe thấy:
– Ngài giám đốc sắp tiếp các vị rồi đấy. Lúc này ngài đang bận họp với hai thành viên của Ủy ban Ngân sách.
Rồi anh thoăn thoắt bước đi, với vẻ quan trọng và vội vã, như thể anh đang bận đi viết tin nhanh có ý nghĩa trọng đại bậc nhất.
Khi đã vào đến phòng biên tập, Forestier lập tức cầm ngay lấy bộ binbôkê rồi vừa tiếp tục chơi, vừa nói với Duroy, vừa đếm xen kẽ.
– Thế này nhé. Ngày nào cậu cũng sẽ tới đây vào lúc ba giờ và tớ sẽ cho cậu biết phải đi thăm, đi gặp những ai vào buổi sáng, buổi chiều hay buổi tối, ‐ một ‐ trước hết tớ sẽ cho cậu một thư giới thiệu tới ông trưởng phòng thứ nhất của Sở Cảnh sát, ‐ hai ‐ ông ta sẽ cho cậu liên hệ với một trong số các nhân viên của ông. Và cậu sẽ xoay xở với hắn để có được tất cả những tin tức quan trọng, ‐ ba ‐ của Sở Cảnh sát, dĩ nhiên các tin chính thức và các tin gần như chính thức. Về mọi chi tiết cậu sẽ hỏi Saint‐Potin, hắn ta là tay thông thạo, ‐ bốn ‐ lát nữa hoặc ngày mai cậu sẽ gặp hắn. Tốt nhất là cậu phải tìm cách khéo léo dò hỏi những kẻ tớ phái cậu đến gặp, ‐ năm ‐ và len lỏi vào được khắp nơi cho dù cửa đóng, ‐ sáu. Làm xong việc ấy, cậu được lĩnh hai trăm frăng cố định hàng tháng, thêm hai xu mỗi dòng cho những tin vặt lý thú do cậu chủ động, ‐ bảy ‐ cũng thêm hai xu mỗi dòng cho các bài báo người ta đặt cho cậu viết về những đề tài linh tinh, ‐ tám.
Rồi anh chỉ còn chú ý đến trò chơi của mình và thong thả tiếp tục đếm: “Chín ‐ mười ‐ mười một ‐ mười hai ‐ mười ba.” Anh trượt cú thứ mười bốn và nguyền rủa:
– Con số mười ba chết tiệt! Cái thằng cha đó, nó luôn đem đến xúi quẩy cho mình. Mình chắc chắn sẽ chết vào một ngày Mười ba.
Một trong số biên tập viên đã xong công việc, mở tủ cầm lấy một bộ binbôkê; đó là một gã bé loắt choắt, có vẻ trẻ con, dù đã ba mươi lăm tuổi; rồi nhiều nhà báo khác nữa vào phòng, cũng lần lượt đến tìm bộ đồ chơi của mình. Lúc này có sáu người tất cả, đứng cạnh nhau, lưng quay vào tường, cùng nhịp nhàng tung lên trên không những quả cầu màu đỏ, vàng hay đen tùy theo chất gỗ. Và thế là họ đua tài nhau, hai biên tập viên còn đang làm việc đứng dậy để tính điểm.
Forestier thắng mười một điểm. Gã đàn ông loắt choắt như trẻ con bị thua liền bấm chuông gọi một tay chạy giấy vào và sai: “Chín vại”. Rồi họ lại chơi tiếp trong khi chờ đợi nước uống giải khát đó.
Duroy uống một cốc bia với các đồng nghiệp mới, rồi y hỏi bạn:
– Tớ phải làm gì bây giờ?
Anh bạn trả lời:
– Hôm nay tớ chưa có việc gì cho cậu làm cả. Cậu muốn đi đâu thì đi.
– Thế còn… còn… bài báo của chúng ta… tối nay đăng chứ?
– Ừ, nhưng cậu đừng bận tâm gì cả, tớ sẽ sửa các bản in thử. Cậu viết phần tiếp theo cho ngày mai đi, và tới đây vào lúc ba giờ như hôm nay.
Thế là Duroy lần lượt bắt tất cả các bàn tay mà chẳng biết là tay ai, rồi đi xuống chiếc cầu thang đẹp, lòng vui lâng lâng và đầu óc thảnh thơi.