Ông Bạn Đẹp - Chương 02
2
* * *
“Xin chỉ giúp ông Forestier ở đâu?
‐ Trên lầu ba, cửa bên trái.
Bác gác cổng trả lời bằng một giọng nhã nhặn tỏ rõ lòng kính nể đối với người thuê nhà. Và Georges Duroy lên thang gác.
Y hơi lúng túng, e dè, không thoải mái. Lần đầu tiên trong đời, y ăn mặc trịnh trọng, và toàn bộ trang phục làm cho y lo lắng. Y cảm thấy cái gì cũng tồi cũng dở, từ đôi giày cao cổ không đánh bóng, tuy khá mịn, vì y quan tâm làm dáng cho bàn chân, đến chiếc áo sơ mi y vừa mua bốn frăng năm mươi sáng nay ở Louvre, tấm lót ở ngực áo quá mỏng nên đã bị giập rồi. Những chiếc sơ mi khác hàng ngày y vẫn mặc đều ít nhiều hoen ố cả, nên ngay chiếc tương đối lành lặn nhất y cũng không dám dùng.
Chiếc quần hơi rộng quá không làm nổi rõ đùi, như quấn lại quanh bắp chân, có vẻ nhăn nhúm chẳng khác gì vớ được cái quần cũ của ai cũng xỏ đại vào. Riêng cái áo ngoài là tạm được, gần như mặc vừa khít.
Y thong thả lên thang gác, tim đập rộn ràng, đầu óc băn khoăn, vì sợ nhất là làm trò cười cho thiên hạ; và bỗng y thấy ngay trước mặt một ông ăn mặc rất sang trọng đang nhìn y. Hai người đứng sát nhau quá đến nỗi Duroy vội lùi lại rồi đứng ngẩn tò te: thì ra đó chính là bóng phản chiếu của y, trong một chiếc gương cao soi được toàn thân đặt ở gần cầu thang khiến y ngỡ phía trước là một hành lang dài. Y mừng phát run lên, vì thấy mình chẳng đến nỗi nào.
Vì ở nhà chỉ có một chiếc gương nhỏ dùng để cạo râu, y đã không ngắm nghía được toàn thân, chỉ soi thấy lờ mờ từng bộ phận khác nhau của bộ áo quần ứng biến, nên y quá phóng đại những khuyết tật, cứ nghĩ mình lố bịch mà lo cuống cả lên.
Nhưng kìa vừa chợt thấy mình trong gương, y không nhận ra y nữa; y tưởng mình là một người khác, một khách hào hoa, mới thoáng nhìn đã thấy ngay là rất ăn diện, rất lịch sự.
Và bây giờ, ngắm nghía kỹ càng, y nhận thấy trang phục của y nhìn chung được lắm.
Y liền tập dượt như các diễn viên học vai kịch của họ. Y tự mỉm cười với y, giơ tay ra bắt tay y, làm các điệu bộ, biểu hiện các cảm xúc: ngạc nhiên, thích thú, tán thưởng; và y thử các cách mỉm cười, các kiểu liếc mắt đưa tình để tỏ ra lịch thiệp với các bà các cô, làm cho họ hiểu rằng họ được ngưỡng mộ và thèm muốn.
Một cái cửa ở cầu thang mở ra. Y sợ bị bắt gặp nên vội vã trèo lên tiếp, chỉ lo trong số các khách mời của bạn y có ai đã nhìn thấy y nhăn nhó làm duyên như thế rồi.
Lên đến gác hai, y thấy một tấm gương khác và bước chầm chậm lại để nhìn mình đi qua. Tư thế của y lịch sự thật đấy. Y đi đứng đường hoàng. Và tâm hồn y chan chứa một niềm tự tin vô hạn. Nhất định là y sẽ thành công với bộ mặt kia và với nỗi khát khao thành đạt, với lòng quyết tâm vốn có và tinh thần tự lập của y. Y muốn chạy, muốn nhảy khi trèo lên tầng gác cuối cùng. Y dừng lại trước tấm gương thứ ba, vê vê chòm ria mép bằng một động tác quen thuộc, bỏ mũ ra để sửa lại mái tóc, và khe khẽ thì thầm như y vẫn thường làm: “Thật là một phát minh tuyệt vời!”. Rồi y với tay lên bấm chuông.
Cửa mở ra gần như ngay lập tức, và trước mắt y là một gã gia nhân bận đồ đen, nghiêm trang, mày râu nhẵn nhụi, ăn mặc rất tề chỉnh đến nỗi Duroy lại một lần nữa bối rối mà chẳng hiểu cảm xúc mơ hồ ấy là do đâu: có lẽ do y vô tình so sánh kiểu quần áo của hai người. Gã đầy tớ đi đôi giày bóng loáng, đỡ lấy chiếc áo khoác Duroy đang vắt trên cánh tay vì sợ để lộ ra những vết bẩn, rồi hỏi:
– Tôi phải báo tin là ai tới ạ?
Và gã vén rèm cửa báo tên y vào phía trong.
Nhưng Duroy bỗng nhiên mất tự tin, đứng đờ người ra vì sợ hãi, thở hổn hển. Y sắp bước đi bước đầu tiên vào cuộc sống hằng đợi chờ, mơ ước bấy lâu. Thế nhưng y vẫn tiến vào.
Một thiếu phụ tóc hung đang đứng một mình đợi y trong căn phòng lớn rực sáng và đầy những cây con như một cái nhà kính để trồng cây.
Y hoàn toàn sững sờ, dừng phắt ngay lại. Người phụ nữ đang mỉm cười kia là ai thế? Rồi y nhớ là Forestier đã có vợ, và hốt hoảng thật sự khi nghĩ rằng người đàn bà đẹp tóc hung lịch sự kia chắc là vợ của bạn y.
Y lẩm bẩm:
– Thưa chị, tôi là…
Nàng chìa bàn tay ra:
– Tôi biết, thưa anh. Charles đã kể cho tôi nghe là anh ấy gặp anh tối hôm qua, và tôi rất sung sướng vì nhà tôi đã nảy ra ý kiến tuyệt diệu là mời anh đến dùng cơm với chúng tôi hôm nay.
Y đỏ dừ đến tận mang tai, chẳng biết nói gì; và y cảm thấy mình đang bị xét nét, quan sát, cân nhắc, đánh giá từ đầu đến chân.
Y muốn xin lỗi, muốn bịa ra một lý do để giải thích cho cách ăn mặc luộm thuộm của mình; nhưng chẳng tìm được lý do nào cả và y không dám đả động đến vấn đề nan giải ấy.
Y ngồi xuống chiếc ghế bành nàng mời, và khi cảm thấy lớp đệm nhung đàn hồi và mềm mại của ghế lún sâu, khi cảm thấy mình được chiếc ghế dịu dàng kia ấn xuống, ôm vào, ghì lấy, được lưng ghế và đôi tay ghế nhồi bông âu yếm nâng niu, y tưởng chừng mình vừa bước vào một cuộc đời mới mẻ và thú vị, tưởng chừng mình vừa chiếm đoạt một cái gì đấy tuyệt vời, tưởng chừng mình trở nên một con người đáng kể, tưởng chừng mình được cứu sống; và y nhìn nàng Forestier từ nãy đến giờ vẫn không rời mắt khỏi y.
Nàng mặc một chiếc áo dài bằng vải casơmia màu lam nhạt, hằn rõ thân hình mềm mại và bộ ngực nở nang.
Chiếc áo chẽn và những cánh tay áo ngắn viền đăng ten của nàng trắng muốt, xốp như bông, để lộ da thịt ở cánh tay, ở ngực; và mái tóc nàng vén cao tới đỉnh đầu, hơi uốn xoăn sau gáy, tạo thành một áng mây bồng bềnh bằng lông tơ màu vàng hoe phía bên trên cổ.
Duroy yên tâm khi thấy cái nhìn của nàng, không hiểu sao lại gợi cho y nhớ tới cái nhìn của cô ả gặp ở Folies‐Bergère hôm trước. Nàng có đôi mắt xám, màu xám pha xanh da trời khiến thần sắc có vẻ lạ thường, và cái mũi thanh thanh, đôi môi đậm đà, chiếc cằm hơi mập, một khuôn mặt không bình thường mà quyến rũ, đầy vẻ hóm hỉnh, ranh mãnh. Đó là bộ mặt phụ nữ thuộc loại mỗi đường nét đều biểu lộ một vẻ duyên dáng đặc biệt, dường như hàm chứa một ý nghĩa, mỗi cử động đều như muốn nói lên hoặc ẩn giấu một điều gì.
Sau giây lát im lặng ngắn ngủi, nàng hỏi y:
– Anh ở Paris đã lâu chưa?
Y dần dần lấy lại được tự chủ và đáp:
– Mới được mấy tháng, chị ạ. Tôi làm ở ngành đường sắt, nhưng anh Forestier gợi ý sẽ giúp đỡ để tôi có thể gia nhập vào làng báo.
Nàng nở một nụ cười rõ thấy hơn, ân cần hơn; rồi nàng hạ giọng thầm thì:
– Tôi biết.
Chuông lại vang lên. Gã gia nhân báo tin:
– Bà De Marelle.
Đó là một người nhỏ nhắn tóc nâu, thuộc loại phụ nữ mà thiên hạ gọi là các nàng tóc nâu.
Nàng nhanh nhẹn bước vào; thân hình hằn lên từ đầu đến chân trong chiếc áo dài màu sẫm hết sức giản dị.
Duy chỉ có bông hồng đỏ thắm cài trên mái tóc huyền là thu hút mọi ánh nhìn, dường như làm nổi thêm diện mạo của nàng, khắc sâu thêm tính cách đặc biệt của nàng, đem lại cho nàng cái nét sôi nổi và bất ngờ cần phải có.
Đi theo nàng là một bé gái mặc chiếc áo dài may ngắn. Nàng Forestier lao ra:
– Chào Clotilde.
– Chào Madeleine.
Hai người ôm hôn nhau. Rồi đứa trẻ giơ trán ra với vẻ tự tin của người lớn và nói:
– Chào cô ạ.
Nàng Forestier hôn em rồi giới thiệu:
– Anh Georges Duroy, bạn thân của Charles. Chị De Marelle, bạn tôi, lại là chỗ họ hàng xa.
Nàng thêm:
– Anh thấy không, ở đây chúng tôi không lễ nghi, điệu bộ, kiểu cách gì cả. Đồng ý như thế chứ?
Chàng thanh niên gật đầu.
Bỗng cửa lại mở ra nữa, và một lão ăn mặc sang trọng, người thấp béo, xuất hiện, khoác tay một phụ nữ cao lớn xinh đẹp, cao hơn lão một chút và trẻ hơn lão nhiều, cung cách thanh tao và dáng điệu nghiêm trang. Đó là lão Walter, Nghị sĩ, nhà tài chính, con người của tiền bạc và kinh doanh, gốc Do Thái và dân miền Nam, Giám đốc tờ Đời sống Pháp, và vợ lão, dòng dõi Basile‐Ravalau, con gái của ông chủ ngân hàng Ravalau.
Sau đó đến lượt Jacques Rival xuất hiện, ăn mặc rất lịch sự, rồi Norbert de Varenne với chiếc cổ áo hơi nhờn bóng, do sự cọ xát của mái tóc dài rủ xuống tận vai, và điểm mấy hạt bụi trắng.
Chiếc ca vát của ông thắt méo mó như dùng đã lâu ngày. Ông bước vào với vẻ duyên dáng của một lão già làm đỏm và nâng bàn tay của nàng Forestier lên, rồi đặt một nụ hôn lên cổ tay nàng. Khi cúi xuống hôn, mái tóc dài của ông lòa xòa như nước chảy lên cánh tay trần của người thiếu phụ.
Rồi đến lượt Forestier vừa bước vào vừa xin lỗi vì đã về muộn. Anh bị giữ lại ở tòa báo về vụ Morel. Nghị sĩ cấp tiến Morel vừa chất vấn nội các về yêu cầu kinh phí liên quan đến công cuộc khai thác thuộc địa Angiêri.
Gã đầy tớ thưa:
– Bẩm bà tiệc đã dọn xong!
Mọi người sang phòng ăn.
Duroy ngồi giữa hai mẹ con nàng De Marelle. Y lại cảm thấy ngượng nghịu, chỉ lo phạm phải sơ suất khi sử dụng thìa, dĩa, cốc theo đúng lề lối. Có bốn chiếc cốc, trong đó một chiếc màu phơn phớt xanh. Chiếc cốc ấy được dùng để uống gì nhỉ?
Chẳng ai nói năng gì trong lúc ăn món canh, rồi Norbert de Varenne hỏi:
– Các vị đã đọc vụ kiện Gauthier chưa? Nhộn ơi là nhộn!
Thế là mọi người bàn tán về vụ ngoại tình và dọa phát giác rắc rối ấy. Họ không bàn tán như người ta bàn tán trong gia đình những sự kiện tường thuật trên báo, mà như các thầy thuốc bàn tán về một căn bệnh hay các bác hàng rau bàn tán về rau cỏ. Họ không bực tức cũng chẳng ngạc nhiên về các sự kiện, mà tìm tòi những nguyên nhân sâu xa thầm kín với tính tò mò nhà nghề và thái độ hoàn toàn thờ ơ đối với bản thân tội ác. Họ cố gắng giải thích đâu ra đấy nguồn gốc của các hành động, xác định mọi hiện tượng tinh thần dẫn đến tấn bi kịch, nó là kết quả khoa học của một trạng thái đầu óc đặc biệt. Cánh phụ nữ cũng say sưa với công việc truy tìm đó. Rồi các sự kiện mới xảy ra cũng được mang ra xem xét, bình luận, lật đi lật lại mọi mặt, cân nhắc tầm quan trọng với con mắt thực tiễn và cách nhìn đặc biệt của những kẻ buôn bán tin tức và những gã bán lẻ từng dòng tấn hài kịch nhân loại, như các nhà buôn xem xét, lật đi lật lại, cân nhắc các vật phẩm sắp giao cho khách hàng.
Rồi đến chuyện một cuộc quyết đấu và Jacques Rival lên tiếng. Đó là lĩnh vực của ông: ngoài ông ra chẳng ai có thể bàn về vụ này.
Duroy chẳng dám nói một lời nào. Thỉnh thoảng y nhìn người phụ nữ ngồi bên có bộ ngực tròn trĩnh sao mà quyến rũ. Một viên kim cương lủng lẳng bên tai ở đầu một sợi chỉ bằng vàng như giọt nước lăn trên da thịt. Chốc chốc nàng lại đưa ra một lời nhận xét với nụ cười nở trên đôi môi. Nàng có đầu óc nhộn nhạo, dễ thương, bất ngờ, đầu óc trẻ thơ từng trải, nhìn các sự việc một cách vô tư lự, và xét đoán chúng với thái độ hoài nghi nhẹ nhàng và nhân hậu.
Duroy cố vắt óc mà chẳng nặn ra được một lời khen ngợi nào, liền quay sang phía con gái nàng, rót cho em uống, tiếp cho em ăn. Cô bé nghiêm nghị hơn mẹ, trịnh trọng cảm ơn y, gật gật đầu chào y:
– Chú tử tế quá, thưa chú!
Và em lắng nghe chuyện người lớn với vẻ ít nhiều trầm ngâm.
Bữa ăn rất ngon và ai nấy đều khoái trá. Lão Walter ăn hùng hục, hầu như chẳng nói năng gì, và nghiêng nghiêng đôi mắt kính nhìn các món ăn người ta đưa mời. Norbert de Varenne cũng ăn ngấu nghiến như lão và thỉnh thoảng để rớt những giọt nước chấm xuống ngực áo sơ mi.
Forestier tươi cười và trang nghiêm, theo dõi, nhấm nháy với vợ, như kiểu những kẻ thông đồng tiến hành một công việc khó khăn đang tiến triển thuận lợi.
Ai cũng đỏ dừ mặt và cao mãi giọng lên. Chốc chốc, gã người hầu lại thì thầm vào tai các khách ăn: “Corton ‐ Château ‐ Laroze?”.
Duroy thấy rượu Corton hợp với khẩu vị của mình nên lần nào cũng để cho rót đầy cốc. Một niềm vui lâng lâng luồn vào trong người y, một niềm vui ấm áp từ bụng bốc lên đầu, chạy rần rật trong hai chân hai tay, ngấm vào cơ thể. Một cảm giác thoải mái choán lấy y, con người và đầu óc thoải mái, cơ thể và tâm hồn thoải mái.
Và thế là y thèm muốn được nói, được mọi người để ý đến mình, được lắng nghe, được tán tụng như những tay đàn ông đang được ai nấy nuốt lấy từng tiếng, từng lời kia.
Nhưng cuộc trò chuyện vẫn tiếp diễn không ngừng, móc nối ý này với ý khác, nhảy từ đề tài này sang đề tài khác nhân một từ ngữ, một chi tiết không đâu, sau khi đã đi vòng một lượt các sự kiện trong ngày và lướt qua hàng ngàn vấn đề lại quay về với lời chất vấn trọng đại của ông Morel liên quan đến công cuộc khai thác thuộc địa Angiêri.
Lão Walter pha trò đôi câu giữa hai món ăn vì lão có đầu óc hoài nghi và lỗ mãng. Forestier thuật lại bài báo của anh ngày hôm sau. Jacques Rival đòi hỏi phải có một chính phủ quân sự và cấp nhượng đất đai cho tất cả các sĩ quan sau ba chục năm phục vụ ở thuộc địa.
– Bằng cách ấy, ‐ ông nói, ‐ các ngài sẽ tạo nên một tầng lớp năng động, có quá trình hiểu biết và yêu mến xứ sở từ lâu, thông thạo ngôn ngữ của họ và nắm được tất cả các vấn đề nghiêm trọng ở địa phương mà những kẻ mới đến nhất định thế nào cũng vấp.
Norbert de Varenne ngắt lời ông:
– Vâng… họ sẽ biết mọi thứ trừ nông nghiệp. Họ sẽ nói tiếng Ả rập, nhưng họ sẽ chẳng biết cấy củ cải đường và gieo lúa mì ra sao. Họ thậm chí sẽ múa gươm rất cừ, nhưng lại rất kém cỏi về phân bón. Trái lại, có lẽ cần phải mở toang cửa cái thế giới mới mẻ kia cho tất cả thiên hạ. Những con người thông minh sẽ có được chỗ đứng ở nơi ấy, còn mọi kẻ khác sẽ khuỵu xuống. Đó là quy luật xã hội.
Một thoáng im lặng tiếp theo. Ai nấy mỉm cười.
Georges Duroy mở miệng và lên tiếng, ngạc nhiên về giọng nói của chính mình, dường như y chưa từng nghe bản thân mình nói.
– Cái thiếu thốn nhất ở nơi ấy là đất đai phì nhiêu. Các ruộng đất thực sự màu mỡ cũng đắt như ở Pháp, và do những kẻ rất giàu có ở Paris đầu tư mua hết. Những dân di cư thật sự, những kẻ nghèo khó, những kẻ vì nghèo đói phải tha hương thì bị tống ra sa mạc, ở đấy không có cây cỏ gì mọc lên được cả vì thiếu nước.
Ai nấy nhìn y. Y cảm thấy mặt đỏ dừ. Lão Walter hỏi:
– Anh, anh biết Angiêri ư? Y đáp:
– Vâng, thưa ngài, tôi đã lưu lại đấy hai mươi tám tháng và tại ba tỉnh.
Bỗng nhiên Norbert de Varenne quên phắt vấn đề Morel và hỏi y về một chi tiết phong tục ông nghe một viên sĩ quan kể lại. Đó là vấn đề Mzap, cái nước Cộng hòa Ả rập nhỏ bé kỳ lạ sinh ra ở giữa Sahara, nơi khô cháy nhất của miền đất nóng bỏng kia.
Duroy đã tới thăm Mzap hai lần, và y kể lại những phong tục của cái xứ sở đặc biệt ấy, nơi các giọt nước giá trị như vàng, mỗi người dân đều buộc phải tham gia mọi công vụ, và họ buôn bán thật thà vượt xa các dân tộc văn minh.
Y nói say sưa, có phần nào hơi bốc, vì men rượu kích thích và vì muốn làm đẹp lòng mọi người; y kể các mẩu giai thoại của lính, các nét đặc sắc của đời sống Ả rập, các cuộc phiêu lưu chinh chiến. Y tìm được cả vài từ ngữ bay bướm để diễn tả những miền đất vàng vọt và trần trụi, hoang vu vô tận dưới ánh mặt trời thiêu đốt ấy.
Tất cả các phụ nữ đều chăm chú nhìn y. Bà Walter chậm rãi nói nhỏ nhẹ:
– Anh sẽ viết được một loạt bài báo thú vị bằng những hồi ức của anh đấy.
Lão Walter liền nhìn chàng thanh niên qua phía trên đôi mắt kính để trông cho rõ mặt. Còn các đĩa thức ăn thì lão lại nhìn qua phía dưới.
Forestier chớp ngay lúc ấy:
– Thưa ngài, chiều nay tôi đã thưa với ngài về anh Georges Duroy, xin ngài cho anh được phụ giúp tôi trong việc đi lấy các tin tức chính trị. Từ ngày Marambot rời bỏ chúng ta, tôi chẳng có ai để đi lấy những tin tức khẩn cấp và cẩn mật, nên tờ báo bị thiệt thòi.
Lão Walter trở nên nghiêm nghị và nhấc hẳn kính lên để nhìn thẳng vào mặt Duroy. Rồi lão nói:
– Anh Duroy có trí tuệ độc đáo thật đấy, nếu anh ấy vui lòng ba giờ chiều mai đến nói chuyện với tôi, chúng tôi sẽ thu xếp việc này.
Rồi sau một lát im lặng, lão quay hẳn về phía chàng thanh niên:
– Mà anh hãy viết ngay cho chúng tôi một chùm phóng sự về Angiêri nhé. Anh sẽ kể lại các hồi ức của anh và xen vào vấn đề khai thác thuộc địa như vừa rồi. Có tính thời sự, hoàn toàn có tính thời sự đấy, và tôi tin rằng độc giả của chúng tôi sẽ rất thích thú. Mà nhanh nhanh lên! Tôi cần bài đầu tiên cho ngày mai hoặc ngày kia, trong lúc người ta thảo luận ở Nghị viện, để lôi cuốn công chúng.
Bà Walter nói thêm với cái vẻ duyên dáng nghiêm trang quen thuộc khiến cho các lời nói của bà có vẻ như ban ơn.
– Và anh có một đầu đề lý thú: Hồi ký của một anh lính bên châu Phi, phải thế không, ông Norbert?
Nhà thơ già, tiếng tăm đến muộn, ghét và sợ những kẻ hậu sinh, ông trả lời cộc lốc:
– Vâng, tuyệt vời, với điều kiện là phần tiếp theo phải đúng giọng, bởi chính đó là điều khó khăn nhất, giọng phải đúng, cái mà trong nhạc người ta gọi là âm điệu.
Nàng Forestier ấp ủ Duroy bằng con mắt nhìn che chở và tươi cười, con mắt nhìn của kẻ biết người biết của như muốn nói: “Anh, anh sẽ thành đạt”. Nàng De Marelle quay về phía y nhiều lần, và viên kim cương ở tai run rẩy mãi không thôi, dường như cái giọt nước quý sắp rụng ra và rơi xuống.
Em bé gái ngồi nghiêm trang không nhúc nhích, cúi đầu trên đĩa ăn.
Còn gã đầy tớ đi vòng quanh bàn, rót rượu Johannisberg vào trong những chiếc cốc xanh; và Forestier nâng cốc chúc mừng lão Walter: “Vì sự thịnh vượng lâu dài của tờ Đời sống Pháp!”.
Ai nấy nghiêng mình hướng về phía lão chủ báo: lão mỉm cười, còn Duroy say sưa với thắng lợi nốc cạn một hơi. Y tưởng chừng có thể nốc cạn như thế cả một thùng rượu, xơi hết cả một con bò, có thể bóp cổ một con sư tử. Y cảm thấy tứ chi rần rật một sức mạnh siêu phàm, trí óc tràn ngập một quyết tâm ghê gớm và một niềm hy vọng vô biên. Y như đang ở nhà mình, lúc này đây, giữa những con người kia; y vừa giành lấy một cương vị, đoạt lấy một chỗ đứng ở đó. Y nhìn vào mắt mọi người với lòng vững tin mới, và lần đầu tiên y dám lên tiếng với người phụ nữ ngồi bên:
– Thưa chị, chị có đôi hoa tai đẹp chưa từng thấy.
Nàng mỉm cười quay lại phía chàng:
– Chính tôi nảy ra ý đeo kim cương đơn giản ở đầu sợi chỉ như thế này đấy. Trông cứ như là giọt sương, phải không?
Y thì thầm, ngượng ngập vì sự táo bạo của mình và lo ngại nói ra một điều dại dột:
– Đẹp thật đấy… nhưng đôi tai cũng làm tôn giá trị của nó.
Nàng cảm ơn bằng cách đưa mắt nhìn, cái nhìn long lanh của phụ nữ như xoáy vào tận tim gan.
Và khi quay đầu lại, y còn bắt gặp đôi mắt của nàng Forestier, đôi mắt vẫn ân cần tử tế, nhưng hình như vui nhộn hơn, có vẻ ranh mãnh, có vẻ như động viên khích lệ.
Cánh đàn ông bây giờ khoa chân múa tay đua nhau cùng nói oang oang; họ bàn luận về dự án vĩ đại xây dựng đường xe điện ngầm. Ai cũng có vô khối chuyện để nói về các phương tiện giao thông chậm chạp ở Paris, các điều bất tiện của xe điện, các nỗi ngán ngẩm của xe khách và sự thô tục của những gã đánh xe ngựa, chỉ đến khi ăn tráng miệng xong đề tài mới cạn.
Rồi ai nấy rời phòng ăn để sang uống cà phê. Duroy vui đùa khuỳnh tay ra mời cô bé. Cô bé trịnh trọng cảm ơn rồi cố kiễng chân lên để vịn được vào khuỷu tay y.
Khi sang phòng khách, y lại có cảm giác như vào trong một nhà kính. Những cây cọ lớn vươn các tàu lá duyên dáng ở bốn góc phòng, vút lên đến tận trần rồi tỏa rộng ra như các tia nước.
Hai bên lò sưởi là hai cây cao su, tròn như những cái cột, với các tàu lá dài màu xanh sẫm xếp thành từng lớp, lá nọ trên lá kia, và ở trên cây đàn dương cầm là hai cây nhỏ không biết tên gọi là gì, tán tròn và chi chít những hoa, một cây hoa màu hồng, cây kia hoa màu trắng, trông như những cây giả, không thật, vì quá đẹp.
Không khí mát mẻ thoang thoảng mùi hương dìu dịu, có lẽ chẳng xác định được và không thể nói là mùi hương gì.
Và chàng thanh niên tự chủ được mình hơn, chăm chú quan sát căn phòng. Phòng không lớn; chẳng có gì đáng chú ý ngoài những cây con; chẳng có màu sắc nào rực rỡ đập vào mắt; nhưng ở trong phòng người ta cảm thấy thoải mái dễ chịu, cảm thấy thanh thản, bình tâm; căn phòng ấp ủ dịu dàng, nó làm cho ta vui lòng, nó mơn trớn vuốt ve.
Các bức tường được phủ bằng thứ vải cũ màu tím đã phai, điểm lỗ chỗ những bông hoa bằng lụa vàng, lít nhít như những con ruồi.
Các cửa ra vào buông rèm bằng dạ xanh xám, thứ dạ của lính, có thêu vài bông cẩm chướng bằng lụa đỏ; còn các ghế ngồi rải rác đó đây trong phòng, đủ mọi hình dáng, đủ mọi kích thước, ghế tựa dài, ghế bành to tướng hoặc nhỏ tí, ghế không chân, ghế đẩu, đều bọc bằng lụa Louis XVI hoặc nhung đẹp Utrecht, nền màu kem, hoa màu đỏ thắm.
– Anh có dùng cà phê không, anh Duroy?
Và nàng Forestier đưa mời y một tách đầy với nụ cười thân ái trên môi đọng mãi không tan.
– Có, cám ơn chị.
Y đỡ lấy tách cà phê, và lúc đang luống cuống cúi xuống dùng chiếc kẹp bằng bạc nhón lấy miếng đường trong bình đựng đường trên tay cô bé, nàng bảo thầm y:
– Anh hãy tán tỉnh bà Walter đi.
Rồi nàng bỏ ra xa trước khi Duroy kịp trả lời lấy một tiếng. Trước hết, y uống cà phê và chỉ lo đánh rớt xuống thảm; rồi khi đầu óc đã được thảnh thơi hơn, y tìm cách lân la đến gần bà vợ lão giám đốc mới của mình và bắt chuyện.
Chợt y nhìn thấy bà cầm trong tay tách cà phê đã uống hết; và vì bà đứng xa bàn nên không biết đặt tách vào đâu. Y tới ngay.
– Cho phép tôi, thưa bà.
– Cám ơn anh.
Y mang tách đi, rồi trở lại:
– Thưa bà, giá bà biết hồi còn ở sa mạc bên ấy, những lúc được đọc tờ Đời sống Pháp tôi luôn thấy hạnh phúc biết chừng nào. Quả thật đó là tờ báo duy nhất có thể đọc được ở bên ngoài nước Pháp, bởi vì đó là tờ báo có chất văn chương hơn, dí dỏm hơn và ít đơn điệu hơn các tờ báo khác. Trong báo ấy có đủ mọi thứ.
Bà mỉm cười một cách hờ hững đáng yêu và chậm rãi đáp lại:
– Ông Walter vất vả lắm mới sáng lập ra được kiểu báo ấy, nó đáp ứng một nhu cầu mới.
Thế là hai người trò chuyện. Y nói năng hoạt bát, giọng nói lôi cuốn, con mắt nhìn hết sức dễ thương và hàng ria mép có sức quyến rũ không sao cưỡng lại nổi, nó bù xù ở phía trên môi, loăn xoăn, đẹp đẽ, màu vàng hoe ngả sang hung, và ở những sợi lởm chởm phía hai đầu thì xám hơn một chút.
Họ trò chuyện về Paris, về những vùng phụ cận, về đôi bờ sông Seine, về các thành phố nghỉ mát, về những thú vui mùa hè, về mọi chuyện thường ngày mà người ta có thể thao thao bất tuyệt chẳng bao giờ mệt óc.
Mãi đến khi thấy Norbert de Varenne tay cầm một cốc rượu mùi bước tới, Duroy mới kín đáo lảng ra xa.
Nàng De Marelle vừa nói chuyện với nàng Forestier, liền gọi y:
– Này, anh ơi, ‐ nàng hỏi bất thình lình, ‐ anh muốn thử nghề làm báo đấy ư?
Y liền nói sơ sơ về những dự định của mình, rồi lại tái diễn với nàng cuộc trò chuyện như với bà Walter vừa rồi; nhưng vì y thông thuộc vấn đề tốt hơn lúc nãy nên nói năng hấp dẫn hơn, nhắc lại những điều y vừa được nghe mà cứ làm như là của mình. Và y chăm chăm nhìn vào đôi mắt của nàng De Marelle như để đem lại một ý nghĩa sâu xa hơn cho những lời y vừa nói.
Đến lượt nàng kể các giai thoại một cách hào hứng, cái hào hứng dễ dàng của phụ nữ biết mình là người tinh anh và luôn luôn muốn kỳ cục; và trở nên thân mật, nàng đặt bàn tay lên cánh tay y, nói những chuyện không đâu mà hạ giọng thì thầm như chuyện tâm tình. Y rạo rực trong lòng khi được đụng chạm vào người thiếu phụ đang quan tâm đến y. Y muốn được tận tụy với nàng ngay lập tức, che chở cho nàng, chứng tỏ mình cũng là kẻ ta đây, và chính vì đầu óc mải nghĩ ngợi lao lung nên y thường chậm trả lời.
Bỗng nàng De Marelle chẳng có lý do gì bỗng lên tiếng gọi: “Laurine!”, và cô bé trở lại.
– Ngồi xuống đây con ơi, đứng gần cửa sổ lạnh đấy!
Và Duroy tự dưng muốn ôm hôn cô bé ghê gớm, dường như cái hôn ấy sẽ phần nào chuyển sang người mẹ.
Y hỏi bằng một giọng tình tứ và ân cần:
– Cháu có vui lòng cho phép chú được ôm hôn không?
Đứa trẻ sửng sốt ngước mắt lên nhìn y. Nàng De Marelle cười bảo:
– Trả lời đi con: “Thưa chú, hôm nay thì được, nhưng không phải sau này lúc nào cũng cứ thế đâu”.
Duroy ngồi ngay xuống, đặt Laurine lên đầu gối rồi lướt đôi môi lên mái tóc lượn sóng và mượt mà của đứa trẻ.
Bà mẹ ngạc nhiên:
– Kìa, cháu nó không bỏ chạy, lạ thật đấy. Thông thường cháu nó chỉ để cho phụ nữ ôm hôn mà thôi. Anh là người chẳng ai cưỡng lại được, anh Duroy ạ.
Y đỏ mặt, không trả lời và nhẹ nhàng đung đưa cháu bé trên đùi mình.
Nàng Forestier bước đến gần và thốt lên tiếng kêu ngạc nhiên:
– Kìa, Laurine được thuần hóa rồi, kỳ diệu chưa!
Jacques Rival cũng trở lại, điếu xì gà trên môi, và Duroy đứng dậy để từ biệt vì sợ lỡ mồm lỡ miệng một lời nào đó vụng về làm hỏng việc, làm hỏng sự nghiệp chinh phục mới bắt đầu của y.
Y cúi chào, nắm lấy và nhẹ nhàng siết chặt các bàn tay nhỏ nhắn đang giơ ra của cánh phụ nữ, rồi lắc rất mạnh bàn tay của bọn đàn ông. Y nhận thấy bàn tay Jacques Rival khô khốc và nóng, đáp lại một cách thân tình cái siết tay của y; bàn tay Norbert de Varenne thì ẩm ướt và lạnh, cứ chuồi ra giữa các ngón tay; bàn tay lão chủ báo Walter thì lạnh và mềm nhũn, uể oải, hờ hững; bàn tay của Forestier thì béo nhẫy và âm ấm.
Bạn y khe khẽ bảo:
– Ngày mai, ba giờ, cậu đừng quên đấy.
– Ồ, không! Đừng lo.
Khi ra đến cầu thang, y muốn chạy bổ xuống vì niềm vui mãnh liệt quá chừng, và y sải chân nhảy hai bậc một; nhưng bỗng y thấy trong tấm gương lớn ở gác hai một ông đang hối hả nhảy nhót lao tới, thế là y đứng sững ngay lại, xấu hổ như vừa bị bắt quả tang.
Rồi y ngắm nghía trong gương rất lâu, không ngờ mình lại thật sự đẹp trai đến thế; rồi y ân cần tự mỉm cười với mình, rồi chìa tay với bóng mình trong gương, y cúi gập người xuống chào cung kính như người ta chào các bậc vĩ nhân.