Ông Bạn Đẹp - Chương 01
PHẦN THỨ NHẤT
1
* * *
Georges Duroy bước ra khỏi tiệm ăn sau khi bà thủ quỹ trả lại tiền thừa cho đồng bạc một trăm xu y đưa.
Vốn điển trai lại quen với điệu bộ trước kia là hạ sĩ quan, y ưỡn mình, vê vê chòm ria mép bằng cử chỉ quen thuộc của con nhà binh và đưa đôi mắt trẻ trung nhìn lướt nhanh một vòng như quăng lưới chụp lấy các thực khách còn đang ngồi lại chưa về.
Các bà các cô ngước về phía y, ba cô thợ nhỏ nhắn, một cô giáo dạy nhạc đã đứng tuổi, đầu tóc chải qua loa, ăn mặc lại cẩu thả, chiếc mũ đội lúc nào cũng đầy bụi, tấm áo dài lúc nào cũng xiên xẹo, và hai bà trưởng giả cùng với các đức ông chồng, đó là những khách hàng quen của cái quán ăn lúi xùi giá cố định này.
Khi ra đến vỉa hè, y đứng sững lại một lát, băn khoăn chưa biết làm gì. Hôm ấy là ngày Hai mươi tám tháng Sáu và trong túi y còn vừa đúng ba frăng bốn chục xăngtim để chi dùng cho đến hết tháng. Đủ cho hai bữa ăn tối không có ăn trưa, hoặc hai bữa ăn trưa không có ăn tối, tùy chọn. Y ngẫm nghĩ bữa trưa giá hai mươi hai xu còn bữa tối giá những ba mươi, nếu chỉ ăn các bữa trưa, y sẽ còn thừa một frăng hai chục xăngtim, đủ cho hai bữa ăn nhẹ có bánh mì với xúc xích, thêm hai vại bia trên đường phố. Đấy là khoản tiêu xài lớn của y và thú vui lớn của y vào ban đêm; và y liền đi xuôi phố Notre‐Dame‐de‐Lorette.
Y đi như thời còn mang quân phục khinh kỵ binh, ngực ưỡn, hai chân hơi khuỳnh như vừa xuống ngựa, và y tiến bước xăm xăm trên đường phố đông đúc, hích vai, gạt tay lấy lối mà đi. Y hơi kéo xệch chiếc mũ cao thành đã bạc màu xuống bên tai, và nện gót trên đường đá lát. Y có vẻ lúc nào cũng như đang thách thức ai, các khách qua đường, những ngôi nhà, cả thành phố, với bộ dạng của một anh lính điển trai rơi vào giữa đám dân thường.
Tuy mặc bộ com lê giá có sáu chục frăng, y vẫn ra vẻ lịch sự ta đây, hơi tầm thường một chút, nhưng vẫn là lịch sự. Thân hình cao lớn, cân đối, tóc vàng, ria mép vểnh cong trông như sủi bọt trên môi, đôi mắt xanh, sáng, con ngươi nhỏ tí và mái tóc xoăn tự nhiên, rẽ đường ngôi chính giữa, y rất giống một gã ăn chơi trong các tiểu thuyết bình dân.
Hôm ấy là một đêm hè thiếu không khí ở Paris. Thành phố nóng hầm hập chẳng khác gì một lò sấy, có vẻ như vã mồ hôi trong đêm tối ngột ngạt. Các miệng cống bằng đá granit hắt ra những hơi nồng nặc, còn các nhà bếp dưới tầng hầm thì phả qua ô cửa sổ thấp ra ngoài phố mùi hôi thối của nước rửa bát và các thứ nước xốt để lâu ngày.
Những người gác cổng mặc sơ mi trần, ngồi cưỡi trên các ghế tựa độn rơm, phì phèo ống tẩu dưới các cổng nhà, còn khách qua đường thì đầu để trần, mũ cầm tay, lê bước đi mệt nhọc.
Khi Georges Duroy đi tới đại lộ, y dừng lại lần nữa, do dự chẳng biết phải làm gì. Lúc này y khao khát đến Champs‐ Élysées và đại lộ Rừng Boulogne để kiếm chút không khí mát mẻ dưới các lùm cây; nhưng còn một nỗi ao ước giày vò y, ao ước gặp gỡ cuộc tình trăng gió.
Cuộc gặp gỡ ấy sẽ xảy đến ra sao? Y không hề biết, nhưng y chờ đợi từ ba tháng nay, ngày nào, tối nào cũng đợi. Tuy đôi ba lần y đánh cắp được một chút tình yêu chỗ này chỗ khác nhờ bộ mặt đẹp trai và cung cách lịch thiệp, nhưng y vẫn luôn mong ngóng gặp nhiều thêm và gặp đám khá hơn.
Túi rỗng tuếch và dòng máu sục sôi, người y bừng bừng khi tiếp xúc với mấy ả gái điếm thỏ thẻ ở góc phố: “Có về nhà em không, anh chàng đẹp trai?”, nhưng y chẳng dám đi theo vì không có tiền trả; và y cũng chờ đợi những thứ khác, những chiếc hôn khác ít dung tục hơn.
Thế nhưng y thích tới những nơi lúc nhúc các gái làng chơi, các tiệm khiêu vũ, tiệm cà phê của họ, các phố xá của họ; y thích chen vai sát cánh với họ, nói năng, anh anh em em với họ, ngửi hương thơm hăng hắc của họ, cảm thấy được kề bên họ. Thì họ cũng là phụ nữ, các phụ nữ trăng hoa. Y không hề khinh bỉ với nỗi khinh bỉ bẩm sinh của những kẻ con nhà dòng dõi.
Y rẽ về phía nhà thờ Madeleine và đi theo dòng người phờ phạc vì nóng bức. Những tiệm cà phê lớn chật ních người, tràn ra cả hè phố, với các mặt tiền rực ánh điện rọi ánh sáng chói chang và sống sượng lên đám công chúng đang giải khát. Trước mặt họ, trên những chiếc bàn vuông hoặc tròn nho nhỏ, là các cốc thủy tinh đựng đồ uống đỏ, vàng, xanh, nâu, đủ sắc thái; và bên trong các bình thủy tinh, lấp lánh những cục đá lớn hình trụ trong suốt làm mát lạnh thứ nước trong veo.
Duroy bước chầm chậm lại và thèm uống đến khô cả họng.
Y khát ghê khát gớm, cái khát buổi tối mùa hè, và nghĩ tới cảm giác khoan khoái khi những thứ nước giải khát mát lạnh chảy vào trong miệng. Nhưng nếu chỉ uống hai cốc tối nay thôi thì chẳng còn đâu bữa ăn đạm bạc hôm sau, và y chẳng lạ gì những giờ phút đói cồn cào vào dịp cuối tháng.
Y nghĩ bụng: “Cần phải nán lại cho đến mười giờ và mình sẽ làm vại bia ở tiệm Hoa Kỳ. Mẹ kiếp! Sao mà khát thế!”. Và y nhìn tất cả những kẻ đang ngồi giải khát quanh các bàn kia, những kẻ muốn uống bao nhiêu thì uống. Y đi ngang qua các tiệm cà phê với vẻ hiên ngang, rắn rỏi, liếc mắt nhìn khuôn mặt và quần áo của những khách đang giải khát để phán đoán xem mỗi kẻ trong túi liệu có khoảng bao nhiêu tiền. Và y thấy căm giận những kẻ đang thanh thản ngồi kia. Lục trong túi họ chắc sẽ thấy tiền vàng, bạc trắng và những đồng xu lẻ. Trung bình mỗi kẻ chắc phải có ít nhất là hai lu‐y; ở tiệm cà phê chắc phải có đến một trăm người; một trăm lần hai lu‐y vị chi là bốn ngàn frăng! Y vừa lẩm bẩm: “Đồ súc sinh!” vừa nhún nhảy bước đi một cách duyên dáng. Y mà vớ được một kẻ ở xó phố tôi tối, nhất định y sẽ vặn cổ hắn, thực thế, không chút đắn đo, như y đã vặn cổ đám gà vịt của dân quê vào những dịp thao diễn lớn.
Và y nhớ lại hai năm ở bên châu Phi, nhớ lại cách y hà hiếp những người Ả rập trong các đồn bốt nhỏ ở phương Nam. Một nụ cười tai ác, vui nhộn thoáng hiện trên môi khi nhớ tới một lần đi ăn mảnh, y đã giết chết ba người thuộc bộ lạc Ouled‐Alane và cướp về được cho y và các bạn hai chục con gà, hai con cừu, tiền bạc và có chuyện để cười suốt trong sáu tháng.
Người ta chẳng bao giờ tìm ra các thủ phạm, vả chăng họ có tìm kiếm mấy đâu; vì dân Ả rập phần nào được coi như con mồi tự nhiên của lính.
Ở Paris thì khác. Chẳng ai có thể kiếm giắt bên hông, tay cầm súng lục, tự do làm càn ngoài vòng pháp luật. Y cảm thấy trỗi dậy trong lòng tất cả các bản năng của một tay hạ sĩ quan được thả vào xứ sở bị chinh phục. Rõ ràng y luyến tiếc hai năm ở bên sa mạc. Không ở lại nơi ấy thật là tai hại biết bao! Y trở về với hy vọng được khấm khá hơn. Thế mà bây giờ! Ồ! Đúng thế, đến là hay hớm!
Y đưa lưỡi tặc tặc trong miệng như để ghi nhận vòm miệng đã khô cong.
Đám đông mệt phờ, chậm chạp di chuyển xung quanh y, và y vẫn nghĩ: “Tất cả những kẻ trong túi có tiền rủng rỉnh kia, toàn là lũ thú vật!”. Y vừa dùng vai hích mọi người vừa huýt những điệu sáo vui vui. Các ông bị hích quay lại nhìn và làu bàu; các bà thì thốt lên: “Đúng là quân súc sinh!”.
Y đi ngang qua rạp Vaudeville và dừng lại trước tiệm cà phê Hoa Kỳ, băn khoăn không biết có nên làm một vại bia không vì y khát kinh khủng. Trước khi quyết định, y nhìn những chiếc đồng hồ dạ quang dựng giữa lòng đường để xem giờ. Lúc đó là chín giờ mười lăm. Y biết mình lắm: cốc bia đầy hễ đặt ra trước mặt là y sẽ nốc liền. Sau đó y biết làm gì cho đến mãi mười một giờ?
Y bỏ đi: “Mình sẽ đi đến tận nhà thờ Madeleine”, y nghĩ bụng, rồi sẽ lững thững quay trở lại.
Khi tới góc quảng trường Opéra, y gặp một chàng thanh niên to béo y nhớ mang máng là hình như đã thấy ở đâu.
Y liền đi theo, vừa cố nhớ xem ai, vừa khe khẽ lặp đi lặp lại: “Mình biết thằng cha này ở chỗ quái nào nhỉ?”.
Y lục mãi trong óc mà không nghĩ ra; rồi đột nhiên y nhớ tới chàng trai ấy nhưng nhỏ bé hơn, trẻ hơn và mặc bộ quân phục khinh kỵ binh. Y thốt to lên: “Đúng rồi, Forestier!”, và y rảo bước, phát lên vai người đó. Anh ta quay lại, nhìn y và nói:
– Thưa ông, ông cần gì ở tôi? Duroy bật cười:
– Cậu không nhận ra tớ ư?
– Không.
– Georges Duroy thuộc Trung đoàn Kỵ binh số 6. Forestier giơ cả hai bàn tay ra:
– A! Ông bạn! Cậu có khỏe không?
– Khỏe lắm, còn cậu?
– Chà! Tớ thì không được khỏe lắm, cậu cứ hình dung bây giờ tớ có một bộ ngực ốm yếu: một năm tớ ho đến sáu tháng từ hồi bị viêm phế quản ở Bougival, dạo tớ trở về Paris cách đây đã bốn năm.
– Lạ nhỉ! Thế mà trông cậu có vẻ chắc nịch quá.
Forestier liền nắm lấy cánh tay người bạn cũ, kể cho y nghe về bệnh tật của mình, về những lần khám bệnh, về ý kiến và lời khuyên của các thầy thuốc, thật khó mà theo cho được trong hoàn cảnh của anh. Họ bảo anh mùa đông phải xuống ở dưới miền Nam; nhưng anh làm sao mà đi được? Anh còn có vợ và bản thân hiện là nhà báo, địa vị khấm khá.
– Tớ chủ trì mục Chính trị trong tờ Đời sống Pháp, tớ viết về Thượng nghị viện cho tờ Cứu quốc, và thỉnh thoảng viết đôi bài bình luận văn chương cho tờ Hành tinh. Đấy, tớ đã làm nên sự nghiệp.
Duroy ngạc nhiên nhìn anh. Anh đã thay đổi nhiều, chín chắn hơn nhiều. Bây giờ anh có dáng dấp, tư thế, y phục của một con người ung dung, tự tin và có cái bụng của một kẻ ăn uống no nê. Xưa kia, anh gầy gò mảnh khảnh và nhanh nhảu, khinh suất, hay gây sự làm huyên náo, và lúc nào cũng hăng hái. Trong ba năm trời, Paris đã biến đổi anh thành một con người khác hẳn, to béo và nghiêm trang, với vài sợi tóc bạc trên thái dương, tuy anh chưa quá hai mươi bảy tuổi.
Forestier hỏi:
– Cậu đi đâu đấy?
Duroy đáp:
– Chẳng đi đâu cả, tớ dạo một vòng trước khi về nhà.
– Này, thế cậu đi với tớ đến tòa báo Đời sống Pháp để tớ sửa những bản in thử, rồi chúng ta cùng đi uống với nhau một vại bia nhé?
– Tớ đi theo cậu.
Và họ khoác tay nhau cùng đi với vẻ thân mật xuề xòa còn lưu lại giữa những người trước kia là bạn học và là bạn lính cùng trung đoàn.
– Cậu làm gì ở Paris thế? ‐ Forestier hỏi.
Duroy nhún vai:
– Tớ chết đói, thế thôi mà. Ngay khi hết hạn, tớ đã muốn đến đây để… để làm giàu, hay đúng hơn là để sống ở Paris, và thế là sáu tháng nay tớ làm nhân viên văn phòng ngành đường sắt phía bắc, lương hàng năm một ngàn rưỡi frăng, chỉ có thế!
Forestier lẩm bẩm:
– Ủa, thế thì chẳng béo bở gì.
– Tớ cũng nghĩ như cậu. Nhưng cậu bảo tớ xoay xở thế nào mới được chứ? Tớ một thân một mình, chẳng quen biết ai, chẳng nhờ cậy được ai. Tớ chẳng thiếu ý chí đâu, nhưng thiếu các phương tiện.
Bạn y nhìn y từ đầu đến chân, ra vẻ con người thực tế xét đoán một đối tượng, rồi phát biểu bằng giọng tin chắc:
– Này, cậu ơi, ở đây tất cả tùy thuộc vào sự quả quyết. Một kẻ hơi láu lỉnh chút ít trở thành bộ trưởng dễ dàng hơn là trưởng phòng. Cần phải buộc cho người ta chấp nhận mình chứ không phải là xin xỏ. Nhưng thế quái nào mà cậu chẳng kiếm được một chỗ khá hơn cái chân nhân viên hãng xe lửa phía bắc?
Duroy tiếp lời:
– Tớ đã tìm khắp nơi mà có kiếm ra được gì đâu. Nhưng lúc này tớ đang có triển vọng trước mắt, người ta đề nghị tớ vào trường luyện ngựa Pellerin làm thầy dạy cưỡi ngựa. Ở đấy rẻ mạt nhất tớ cũng sẽ được ba ngàn frăng.
Forestier sững lại:
– Chớ làm thế, ngớ ngẩn lắm, dù cho cậu có kiếm được cả chục ngàn frăng. Như vậy là cậu tự đóng sập béng tương lai của mình lại. Trong bàn giấy, ít ra cậu cũng được giấu kín, chẳng ma nào biết cậu là ai, cậu có thể bỏ đi xây dựng sự nghiệp, nếu cậu là người tài giỏi. Nhưng một khi làm thầy dạy cưỡi ngựa, thế là hết. Có khác nào cậu làm đầu bếp trong một nhà hàng mà tất cả Paris đến ăn tối. Khi cậu đã giảng các bài học cưỡi ngựa cho những kẻ sang trọng hoặc con trai họ, họ sẽ không thể nào xem cậu như bằng vai phải lứa với họ được nữa.
Anh nín lặng, ngẫm nghĩ giây lát, rồi hỏi:
– Cậu có đỗ tú tài không?
– Không. Tớ thi trượt hai lần.
– Không sao, miễn rằng cậu đã học đến nơi đến chốn. Nếu người ta nói về Cicéron hoặc Tibère, cậu biết đại khái là cái gì chứ?
– Ừ, đại khái.
– Tốt, chẳng ai biết nhiều hơn đâu, trừ khoảng hai chục đứa ngu đần không có khả năng xoay xở. Có khó gì đâu để được coi là tài giỏi, tất cả là ở chỗ đừng để bị bắt quả tang mình dốt nát. Người ta xoay xở, né tránh khó khăn, đi vòng chướng ngại, và người ta làm cho kẻ khác cứng họng nhờ một cuốn từ điển. Ai thì cũng ngu như lừa và dốt như bò cả thôi.
Anh nói năng thản nhiên như một chàng trai biết thóp sự đời và mỉm cười nhìn thiên hạ đi qua. Nhưng bỗng anh ho sù sụ, rồi ngừng nói cho dứt cơn ho, rồi tiếp tục bằng một giọng chán nản:
– Không làm sao dứt bỏ được cái bệnh viêm phế quản này có bực mình không? Mà bây giờ đang giữa mùa hè đấy. Ôi! Mùa đông này tớ sẽ đi Menton chữa bệnh. Thôi kệ, sức khỏe là trên hết, thật vậy!
Hai người đến trước một cửa kính lớn ở đại lộ Poissonnière, phía sau có dán một tờ báo mở rộng cả hai mặt. Có ba tay đang dừng lại đọc.
Phía trên cửa trải ra hàng chữ lớn kết bằng ánh đèn khí đốt như vẫy gọi: Đời sống Pháp. Mấy người dạo chơi bỗng xuất hiện, rõ từng chân tơ kẽ tóc như giữa ban ngày khi chợt đi vào trong quầng ánh sáng do ba từ chói lọi kia hắt ra, rồi lại chìm ngay vào bóng tối.
Forestier đẩy cái cửa ấy:
– Vào đi, ‐ anh bảo.
Duroy bước vào, trèo lên chiếc cầu thang sang trọng và bẩn thỉu mà cả phố nhìn thấy, tới một phòng ngoài có hai gã chạy giấy cúi chào Forestier, rồi y dừng lại trong một gian phòng như kiểu phòng đợi, bụi bặm và cũ nát, căng bằng nhung giả màu lá úa, lốm đốm những vết bẩn và thủng lỗ chỗ như bị chuột gặm.
– Cậu ngồi xuống đi, ‐ Forestier bảo, ‐ năm phút nữa tớ sẽ quay lại.
Rồi anh biến vào một trong ba lối thông với cái văn phòng kia.
Một mùi lạ lùng, đặc biệt, không sao diễn tả được, mùi của các phòng biên tập, phảng phất nơi này. Duroy ngồi im phăng phắc, hơi rụt rè e sợ, nhất là ngạc nhiên. Chốc chốc lại có những người đàn ông đi vụt qua trước mặt y, vào lối cửa này, ra lối cửa kia, y chẳng kịp nhìn.
Có khi đó là những chàng thanh niên trẻ măng, vẻ bận rộn, tay cầm một tờ giấy phần phật trước luồng gió do chạy mà sinh ra; có khi là các thợ sắp chữ, mặc áo blu trắng vải thô bê bết mực để lộ ra chiếc cổ áo sơ mi trắng muốt và chiếc quần dạ giống như quần của hạng người sang trọng; và họ cầm rón rén những băng giấy in, các bản vừa mới in thử, chưa ráo mực. Rồi lại có một ông người nhỏ nhắn bước vào, ăn mặc lên khung quá lộ liễu, mình bó quá khít trong chiếc áo rơđanhgôt, chân cẳng quá hằn lên dưới lớp vải quần, bàn chân siết chặt trong chiếc giày quá nhọn, chắc là một tay phóng viên thượng lưu mang đến những tin vặt buổi tối.
Còn có nhiều người khác nữa kéo tới, nghiêm trang, trịnh trọng, đội mũ cao thành, vành dẹt, dường như kiểu mũ ấy phân biệt họ với thiên hạ.
Forestier lại hiện ra, tay nắm cánh tay một anh chàng cao lớn, gầy gò, khoảng từ ba mươi đến bốn mươi tuổi, mặc bộ đồ đen, thắt ca vát trắng, nước da nâu sẫm, ria mép vểnh lên nhọn hoắt, và ông ta có vẻ tự mãn, ngạo đời.
Forestier nói với ông:
– Tạm biệt ông anh.
Ông bắt tay anh:
– Tạm biệt anh bạn, ‐ rồi ông ta vừa huýt sáo vừa xuống thang gác, chiếc gậy chống cắp dưới nách.
Duroy hỏi:
– Ai đấy?
– Đó là Jacques Rival, cậu biết không, nhà bình luận trứ danh, chẳng kiêng nể ai. Ông ta vừa sửa lại bản in thử. Garin, Montel và ông ta là ba nhà bình luận thời sự sắc sảo nhất của Paris đấy. Ở đây, ông ta kiếm được ba chục ngàn frăng mỗi năm để viết hai bài một tuần.
Lúc ra về, họ gặp một người thấp béo, tóc dài, vẻ bẩn thỉu, đang hổn hển trèo lên thang gác.
Forestier chào lí nhí.
– Norbert de Varenne, nhà thơ, tác giả của Những vầng dương chết, cũng là một con người cao giá đấy, ‐ anh nói. ‐ Mỗi truyện ông đăng báo giá ba trăm frăng, mà những truyện dài nhất không tới hai trăm dòng. Nhưng ta vào Napolitain đã, tớ bắt đầu chết khát rồi đây.
Hai người vừa ngồi vào bàn trong tiệm, Forestier gọi: “Hai vại”, rồi anh nốc vại bia của mình một hơi, trong lúc Duroy uống thong thả từng ngụm, nhấm nháp, thưởng thức, như của quý hiếm.
Bạn y im lặng, có vẻ nghĩ ngợi, rồi đột nhiên hỏi:
– Sao cậu không thử nghề báo chí? Duroy sửng sốt, nhìn bạn, rồi nói:
– Nhưng… là tại… tớ chưa bao giờ viết lách cả.
– Ô hay! Cứ làm thử, cứ bắt đầu đi. Tớ có thể thuê cậu đi lấy tin tức cho tớ, đi lo lót vận động và thăm hỏi. Mới đầu cậu sẽ được hai trăm năm chục frăng và được thanh toán tiền xe. Cậu có muốn tớ đề nghị việc này với giám đốc không?
– Tất nhiên tớ muốn quá đi chứ.
– Vậy thế này nhé, tối mai đến nhà tớ ăn cơm, chỉ có năm sáu khách mời thôi mà, ông chủ báo Walter, vợ ông, Jacques Rival và Norbert de Varenne mà cậu vừa gặp, thêm một cô bạn của bà vợ tớ. Đồng ý chứ?
Duroy ngập ngừng, đỏ mặt bối rối. Rồi y nói:
– Là vì… tớ không có quần áo nghiêm chỉnh.
Forestier sửng sốt:
– Cậu không có quần áo ư? Chà! Thế mà đó lại là thứ cần thiết đấy. Ở Paris, cậu biết không, thà chẳng có giường nằm còn hơn là không có quần áo.
Rồi bỗng anh lục túi áo gi lê lôi ra ít tiền vàng, nhặt hai đồng lu‐y, đặt trước mặt thằng bạn cũ, và nói bằng một giọng xởi lởi thân tình:
– Bao giờ có thể trả được cho tớ thì cậu trả. Cậu hãy thuê hay ít ra là mua theo kiểu trả dần những áo quần cần thiết, tóm lại, cậu thu xếp đi, nhớ mai đến nhà tớ ăn tối đấy, bảy rưỡi, số 17, phố Fontaine.
Duroy bối rối, vừa nhặt tiền vừa ấp úng:
– Cậu tử tế quá, tớ rất cám ơn, cậu cứ tin là tớ sẽ không quên. Forestier ngắt lời:
– Thôi, được rồi. Thêm một vại nữa chứ?
Và anh kêu:
– Bồi, hai vại!
Rồi khi hai người uống xong, anh chàng nhà báo hỏi:
– Cậu muốn đi chơi rong chút ít trong một tiếng đồng hồ không?
– Tất nhiên.
Và họ lại tiếp tục đi về phía nhà thờ Madeleine.
– Chúng ta nên đi đâu bây giờ? ‐ Forestier hỏi. ‐ Người ta khẳng định ở Paris muốn đi chơi rong có khó gì đâu, điều ấy không đúng. Tớ, khi tớ muốn đi chơi rong vào buổi tối, tớ chẳng biết đi đâu. Dạo một vòng trong Rừng thì chỉ thú vị khi có một phụ nữ đi cùng, mà chẳng phải lúc nào người ta cũng có sẵn một ả trong tay, các tiệm cà phê ca nhạc chỉ có thể giải trí cho ông dược sĩ của tớ và bà vợ ông ta, nhưng tớ thì không. Vậy thì đi đâu? Chẳng biết. Giá như ở nơi đây có một khu vườn mùa hè, như công viên Monceau, mở cửa ban đêm để người ta vào vừa uống nước giải khát dưới rặng cây vừa nghe âm nhạc mê ly. Đó không phải chốn ăn chơi, nhưng là một nơi để đi rong, và người ta sẽ vung nhiều tiền ra trả để vào cửa, nhằm lôi cuốn các mỹ nhân. Người ta có thể dạo chơi trên những lối đi rải cát mịn, chiếu sáng bằng ánh điện, và khi nào muốn thì ngồi xuống nghe nhạc, nghe từ xa hoặc đến nghe gần. Trước kia ta đã suýt soát đạt được như thế ở nhà Musard, song nhạc quá ồn ào và có quá nhiều điệu nhạc nhảy, vườn lại không được rộng, không đủ bóng mát, không đủ bóng tối. Cần phải là một khu vườn rất đẹp, rất rộng cơ. Như thế mới thú vị. Cậu muốn đi đâu nào?
Duroy lúng túng chẳng biết nói sao; cuối cùng y quyết định:
– Tớ chưa biết Folies‐Bergère. Được đi một vòng ở đấy thì hay quá!
Bạn y thốt lên:
– Folies‐Bergère ư? Chà, bọn ta sẽ chín nhừ ra ở đấy như trong lò quay thịt. Nhưng thôi, được rồi, kể cũng nhộn đấy!
Và họ quay gót để đi về phố Faubourg‐Montmartre.
Mặt tiền rực ánh đèn của tòa nhà soi tỏ bốn đường phố chụm lại với nhau ở trước mặt. Một dãy xe ngựa đang đợi đón khách ra về.
Forestier bước vào, Duroy ngăn lại:
– Chúng ta quên chưa qua cửa bán vé.
Bạn y đáp bằng một giọng ta đây:
– Với tớ thì việc gì phải trả tiền.
Khi anh đến gần chỗ kiểm soát, ba gã soát vé cúi chào anh. Gã đứng giữa giơ tay ra bắt. Anh nhà báo hỏi:
– Có lô nào tốt không?
– Tất nhiên là có, thưa ông Forestier.
Anh cầm lấy cái phiếu họ đưa, đẩy cánh cửa bọc da nhồi bông, và thế là họ ở trong phòng.
Một làn khói thuốc lá như lớp sương mù rất mỏng che phủ đôi chút những chỗ xa xa, trên sân khấu và phía bên kia rạp. Màn sương nhẹ ấy bốc lên không ngừng thành các sợi mảnh trăng trắng từ mọi điếu xì gà, mọi điếu thuốc lá mà ai nấy đang hút, bốc lên cao mãi, tích tụ lại trên trần và tạo thành mảng trời mây khói dưới mái vòm rộng, quanh cây đèn chùm, phía trên ban công tầng gác đông nghịt khán giả.
Trong cái hành lang rộng từ cổng vào dẫn đến khu vực dạo chơi vòng quanh, nơi lũ gái giang hồ áo quần lòe loẹt đang lượn lờ xen giữa đám đàn ông mặc đồ sẫm, có một tốp phụ nữ đứng đón khách trước ba cái quầy, phía trong ngồi chễm chệ ba mụ bán hàng giải khát và bán trăng hoa, mặt bự phấn, nhan sắc tàn phai.
Những tấm gương cao treo phía sau phản chiếu lưng các mụ và mặt mũi mọi người đi ngang qua.
Forestier rẽ đám đông, tiến rất nhanh, như có quyền buộc mọi người phải kính nể.
Anh đến bên một chị xếp chỗ:
– Lô mười bảy? ‐ Anh nói.
– Ở phía này, thưa ông.
Và người ta xếp họ vào một ngăn nhỏ bằng gỗ, hở phía trên, phủ nhung đỏ, kê bốn ghế tựa cũng cùng màu, sát nhau đến nỗi hầu như không lách qua được. Đôi bạn ngồi xuống, và ở bên phải cũng như bên trái, lượn vòng đến sát sân khấu, là một dãy nối tiếp những ngăn giống hệt nhau, bên trong cũng có người ngồi, nhưng chỉ nhìn thấy được đầu và ngực.
Trên sâu khấu, ba chàng thanh niên mặc bộ đồ lót bó sát người, một chàng cao lớn, một chàng tầm thước, một chàng thấp bé, thay phiên nhau trổ tài trên chiếc xà treo.
Chàng cao lớn tiến ra trước tiên, với từng bước ngắn thoăn thoắt, vừa mỉm cười vừa giơ tay gửi một cái hôn chào khán giả.
Người ta thấy các bắp thịt ở tay ở chân chàng hằn lên dưới lớp vải; chàng phồng ngực lên để che giấu cái bụng quá nhô ra; và bộ mặt chàng có vẻ như mặt anh thợ cắt tóc, vì một đường ngôi ngay ngắn chính giữa đầu rẽ mái tóc ra thành hai phần đều nhau. Chàng nhảy phốc một cái duyên dáng tới chiếc xà treo, rồi đu bằng hai bàn tay, quay tít xung quanh như bánh xe quay tròn; hoặc với hai cánh tay cứng đơ, thân hình thẳng tắp, chàng nằm ngang lửng lơ không nhúc nhích, chỉ bám lấy chiếc xà treo bằng sức mạnh của đôi cổ tay.
Rồi chàng nhảy xuống đất, mỉm cười chào lần nữa trong tiếng vỗ tay tán thưởng của khán giả, và lui vào đứng áp phía sau, mỗi bước đi cơ bắp ở chân lại nổi lên cuồn cuộn.
Chàng thứ hai không cao bằng nhưng mập hơn, đến lượt mình tiến ra lặp lại tài nghệ ấy, rồi chàng cuối cùng làm lại lần nữa, được công chúng tán thưởng càng ngày càng sôi nổi hơn.
Nhưng Duroy chẳng thiết tha xem biểu diễn là bao, mà cứ luôn quay đầu lại phía sau nhìn khu vực dạo chơi rộng rãi đầy những đàn ông và gái điếm.
Forestier bảo y:
– Cậu hãy để ý đám khán giả dưới nhà: toàn là bọn trưởng giả với vợ con chúng, những cái đầu ngốc nga ngốc nghếch tới đây để xem. Trong các lô là những dân khá giả, vài nghệ sĩ, vài gái điếm loại trung bình; còn phía sau chúng ta là cái mớ hỗn tạp kỳ cục nhất ở Paris. Bọn ấy là ai? Cứ quan sát họ mà xem. Có đủ, đủ hết mọi ngành nghề và mọi đẳng cấp, nhưng nổi lên là bọn bất lương. Đó là những nhân viên, nhân viên ngân hàng, nhân viên cửa hiệu, viên chức cán bộ, những phóng viên, bọn ma cô, các sĩ quan mặc thường phục, lũ thanh niên ăn mặc lố lăng, chúng vừa nhậu nhẹt ở quán rượu, từ rạp Opéra đi ra là lại chui ngay vào rạp Italiens, và còn một lô một lốc những đứa khả nghi không thể biết được là hạng người nào. Còn bọn phụ nữ, chỉ có một nét đặc trưng: cô ả ăn bữa đêm ở tiệm Hoa Kỳ, cô ả làm điếm với giá một hoặc hai lu‐y săn đón ông khách ngoại quốc có năm lu‐y, và khi không có ai thì ả báo cho các khách làng chơi quen thuộc. Người ta biết hết các cô ả từ sáu năm nay, quanh năm, tối nào người ta cũng thấy các cô ở những nơi nhất định, trừ khi các cô ả đi điều trị ở Saint‐Lazare hoặc ở Lourcine.
Duroy không để tai nghe nữa. Một trong số những ả phụ nữ ấy đến chống khuỷu tay vào lô và nhìn y. Đó là một ả to béo, da bánh mật, mặt thoa phấn cho trắng, đôi mắt đen được tô chì cho thêm dài thêm đậm dưới hàng lông mày giả to tướng. Ngực ả quá đẫy đà làm cho chiếc áo dài lụa màu sẫm căng ra; và đôi môi tô son đỏ lòm như vết thương, khiến ả có vẻ thú tính, dữ dội quá quắt, song vẫn khêu gợi dục tình.
Ả hất đầu gọi một con bạn đang đi qua, da nhờn nhợt, tóc đỏ, cũng to béo, và ả nói khá to để Duroy nghe thấy:
– Này, một anh chàng đẹp trai chưa! Nếu chàng ưng tao với giá mười lu‐y, tao sẽ chẳng từ chối.
Forestier quay lại và mỉm cười phát vào đùi Duroy:
– Họ nói cậu đấy! Cậu thật có số đào hoa, cậu ơi. Tớ có lời chúc mừng.
Viên cựu hạ sĩ quan đỏ mặt lên; và y vô tình mân mê hai đồng tiền vàng trong túi áo gi lê.
Màn đã hạ; lúc này ban nhạc chơi một điệu Valse.
Duroy bảo:
– Hay chúng ta đi dạo một vòng ở hành lang?
– Tùy ý cậu.
Đôi bạn bước ra và bị lôi cuốn ngay vào dòng người đang đi dạo. Họ bị chen chúc, xô đẩy và nhìn thấy trước mặt cả một rừng mũ. Còn các ả gái điếm thì cứ từng đôi, từng đôi len lỏi qua đám đàn ông một cách dễ dàng, luồn giữa các khuỷu tay, lách giữa nào ngực, nào lưng của bọn thanh niên trai tráng mà thoải mái như cá lội trong nước.
Duroy khoái chí thả mình buông trôi, say sưa hít bầu không khí nồng nặc mùi thuốc lá, hơi người và các mùi nước hoa của bọn đàn bà trơ trẽn. Nhưng Forestier vã mồ hôi, thở hổn hển, ho sù sụ.
– Ta ra vườn đi, ‐ anh bảo.
Và hai người ngoặt sang trái, đi ra ngoài một khu vườn có mái che mát mẻ nhờ hai đài phun nước hình dáng cục mịch. Dưới bóng những cây thông đỏ và trắc bách diệp trồng trong thùng gỗ, đám đàn ông, đàn bà đang uống giải khát bên những chiếc bàn bằng kẽm.
– Làm một vại nữa chứ? ‐ Forestier hỏi.
– Xin vui lòng.
Họ ngồi xuống và nhìn công chúng đi qua.
Thỉnh thoảng, một ả lượn lờ dừng lại, rồi mỉm cười gượng gạo hỏi:
– Anh có mời em cái gì không, ông anh?
Và khi Forestier trả lời: “Một cốc nước lã ở ngoài máy kia kìa”, ả liền vừa đi vừa làu bàu:
– Hừ, quân thô lỗ!
Nhưng cô ả to béo da bánh mật lúc nãy chống khuỷu tay phía sau lô của hai người lại xuất hiện, bước đi vênh váo và khoác tay cô ả to béo nước da nhờn nhợt. Thật là một cặp đàn bà tuyệt vời, đẹp đôi ra dáng.
Ả mỉm cười khi nhìn thấy Duroy, dường như những cặp mắt của họ đã nói với nhau nhiều điều thầm kín; và ả lặng lẽ ngồi xuống một chiếc ghế tựa ngay trước mặt y, kéo cả cô bạn ngồi xuống, rồi lên tiếng gọi rành rọt:
– Bồi, cho hai xi rô lựu!
Forestier ngạc nhiên thốt lên:
– Cô, cô quá quắt lắm!
Ả đáp:
– Tại bạn anh làm hư em đấy. Thật là một anh chàng đẹp trai. Em tin là chàng sẽ làm cho em hành động điên rồ!
Duroy rụt rè e sợ, chẳng biết nói năng ra sao. Y vểnh hàng ria mép loăn xoăn lên, mỉm cười ngớ ngẩn. Bồi bàn mang xi rô đến, hai ả uống cạn một hơi rồi đứng lên, và ả nước da bánh mật cầm quạt đập nhẹ vào cánh tay Duroy, khẽ cúi đầu chào thân ái và bảo:
– Cám ơn, con mèo của em, anh đúng là cạy môi chẳng được một lời.
Và hai ả ngoáy mông bỏ đi. Forestier liền phá lên cười.
– Thế nào, cậu thân mến ơi, cậu có biết là cậu thực sự có số đào hoa không? Cần phải chăm sóc nó. Nó có thể đưa cậu tiến xa đấy. ‐ Anh lặng đi giây lát, rồi nói tiếp bằng một giọng mơ màng như đang nghĩ ngợi thành tiếng. ‐ Người ta tới đích nhanh nhất cũng là bằng con đường phụ nữ mà thôi.
Thấy Duroy vẫn cứ mỉm cười chẳng nói năng gì, anh liền hỏi:
– Cậu còn ở lại đây chứ? Tớ thì về đây, tớ chán rồi.
Duroy nói:
– Ừ, tớ ở lại thêm chút nữa. Chưa muộn mà.
Forestier đứng lên:
– Thôi thế tạm biệt nhé! Hẹn ngày mai. Đừng quên đấy! Số 17, phố Fontaine, bảy rưỡi.
– Đồng ý, hẹn ngày mai. Cám ơn.
Hai người bắt tay nhau, rồi chàng nhà báo bước đi.
Anh vừa đi khuất, Duroy cảm thấy được tự do, và lại vui vẻ mân mê hai đồng tiền vàng trong túi; rồi y đứng dậy, len lỏi khắp đám đông, mắt nhớn nhác lùng sục.
Chẳng mấy chốc y đã nhìn thấy hai ả phụ nữ, ả da nhờn nhợt và ả da bánh mật, vẫn đang luồn lách với dáng điệu ăn xin vênh váo giữa đám đàn ông ồn ào.
Y đi thẳng về phía hai ả, nhưng khi đã tới gần sát lại đâm do dự.
Cô ả da bánh mật bảo:
– Anh đã tìm được cái lưỡi của anh chưa?
Y ấp úng: “Tất nhiên”, rồi lại tịt mít không nói thêm được lời nào nữa.
Cả ba đứng dừng lại, làm vướng lối dạo chơi, tạo thành một dòng xoáy xung quanh họ.
Đột nhiên ả hỏi:
– Anh về nhà em không?
Và y thèm đến phát run lên, trả lời tàn nhẫn:
– Có, nhưng trong túi anh chỉ còn một đồng lu‐y mà thôi.
Ả mỉm cười dửng dưng:
– Không sao.
Và ả nắm lấy cánh tay y, coi như đã chiếm đoạt được y. Lúc họ đi ra, y nghĩ rằng với hai chục frăng còn lại kia, y có thể dễ dàng thuê được một bộ lễ phục cho ngày hôm sau.