Những quy luật của bản chất con người - Chương 16
16
Nhìn thấu sự thù địch sau vẻ ngoài thân thiện
Quy luật của sự gây hấn
Nhìn bề ngoài, những người xung quanh bạn có vẻ rất lịch sự và văn minh. Nhưng bên dưới tấm mặt nạ đó, chúng ta đều không tránh khỏi những thất vọng về họ. Họ có nhu cầu gây ảnh hưởng với mọi người và giành được quyền lực trong bất cứ hoàn cảnh nào. Cảm thấy nỗ lực của mình bị ngăn chặn, họ thường cố gắng khẳng định bản thân theo những cách khéo léo khiến cho bạn bất ngờ. Và cũng có những người mà nhu cầu đối với quyền lực và sự nôn nóng muốn đạt được nó lớn hơn so với những người khác. Họ trở nên đặc biệt hung hăng, tiến tới bằng cách đe dọa mọi người, tỏ ra hăng say và sẵn sàng làm hầu hết mọi thứ. Bạn phải biến mình thành một người quan sát vượt trội đối với những khao khát mang tính gây hấn không được thỏa mãn của mọi người, chú ý nhiều hơn đến những kẻ gây hấn thường xuyên và những kẻ gây hấn thụ động trong số chúng ta. Bạn phải nhận ra các dấu hiệu - các khuôn mẫu hành vi trong quá khứ, nhu cầu ám ảnh đối với việc kiểm soát mọi thứ trong môi trường của họ - vốn chỉ ra các dạng người nguy hiểm. Họ dựa vào việc khơi ra ở bạn những cảm xúc - sợ hãi, giận dữ và không thể suy nghĩ một cách bình tĩnh. Đừng cho họ sức mạnh này. Đối với năng lượng gây hấn của chính mình, hãy học cách chế ngự và hướng nó vào các mục đích hữu ích - đứng lên vì chính mình, tấn công các vấn đề với năng lượng không ngừng, thực hiện những tham vọng lớn.
Kẻ gây hấn tinh vi
Vào cuối năm 1857, Maurice B. Clark, một người Anh 28 tuổi sống ở Cleveland, Ohio, Hoa Kỳ, đã có một quyết định quan trọng nhất trong cuộc đời trẻ trung của mình: Anh sẽ từ bỏ công việc thoải mái với tư cách một người mua hàng và bán hàng cao cấp cho một công ty sản xuất để rồi khởi nghiệp trong chính lĩnh vực kinh doanh đó. Anh có tham vọng trở thành một triệu phú mới khác trong thành phố nhộn nhịp này, và anh không có gì ngoài niềm tin vào năng lực của mình để đạt được mục tiêu: Anh là một người có nghị lực bẩm sinh và một khả năng kiếm tiền nhạy bén.
Clark đã trốn khỏi Anh khoảng 10 năm trước, do e sợ một cuộc bắt giữ sắp xảy ra vì anh đã đánh ông chủ đến bất tỉnh. (Anh luôn hơi nóng tính). Anh di cư sang Hoa Kỳ, rồi từ New York lang thang về miền Tây, làm đủ loại công việc kỳ lạ, và sau đó kết thúc ở Cleveland, nơi anh nhanh chóng vượt qua hàng ngũ thương nhân. Cleveland là một thị trấn đang phát triển nhanh, nằm ven một con sông và hồ Erie và nó đóng vai trò như một trung tâm giao thông quan trọng kết nối giữa miền Đông và miền Tây. Sẽ không bao giờ có một thời điểm tốt hơn để Clark tiến lên phía trước và kiếm bộn tiền.
Chỉ có một rắc rối duy nhất - anh không có đủ tiền để bắt đầu kinh doanh. Anh cần có một người hợp tác cùng với một số vốn, và khi nghĩ tới điều này, anh nhận thấy có một đối tác kinh doanh khả dĩ, một chàng trai trẻ tên John D. Rockefeller mà anh đã kết bạn tại một trường cao đẳng thương mại, nơi cả hai từng theo học vài năm trước.
Thoạt nhìn, đó có vẻ là một lựa chọn kỳ lạ. Rockefeller chỉ mới 18 tuổi. Anh ta là nhân viên kế toán tại một hãng tàu thủy vận chuyển hàng hóa khá lớn tên là Hewitt và Tuttle, và theo rất nhiều cách anh ta là một đối cực của Clark: Clark thích sống thoải mái, thích những thứ xinh đẹp, cờ bạc và phụ nữ; anh là một người hăng hái và hiếu chiến. Rockefeller rất ngoan đạo, tỉnh táo và mềm mỏng khác thường ở độ tuổi của anh ta. Làm sao họ có thể hòa hợp với nhau? Và Clark đã tính toán rằng đối tác của mình sẽ phải góp vốn ít nhất 2.000 đô la để đưa công ty đi vào hoạt động. Làm sao một nhân viên kế toán xuất thân từ một gia đình khá khiêm nhường có thể có món tiền dành dụm đó? Mặt khác, trong hai năm làm việc tại Hewitt và Tuttle, Rockefeller nổi tiếng là một trong những thư ký trung thực và hiệu quả nhất trong thị trấn, một người đàn ông có thể dựa vào để tính toán từng đồng xu chi tiêu và giúp công ty có một số vốn trong ngân hàng. Quan trọng hơn, vì Rockefeller còn quá trẻ, Clark có thể chi phối mối quan hệ. Cũng đáng để đề nghị với anh ta.
Trước sự ngạc nhiên của Clark, khi anh đề nghị hợp tác, Rockefeller không chỉ chộp ngay lấy cơ hội với sự sốt sắng khác thường mà còn nhanh chóng kiếm được 2.000 đô la bằng cách vay tiền. Rockefeller xin thôi việc, và công ty mới của họ, gọi là Clark and Rockefeller, được khai trương vào tháng 4/1858.
Trong những năm đầu tiên, Clark và Rockefeller là một doanh nghiệp phát đạt. Hai ông chủ ngang tài ngang sức với nhau, và có nhiều việc phải làm ở Cleveland. Nhưng thời gian trôi qua, Clark bắt đầu cảm thấy ngày càng khó chịu với chàng trai trẻ, và thậm chí có chút khinh bỉ anh ta. Anh ta khắt khe hơn Clark từng hình dung; anh ta không có tật xấu nào rõ rệt. Niềm vui chính của anh ta dường như đến từ những cuốn sổ kế toán mà anh ta giữ rất kỹ và từ việc tiết kiệm tiền. Mặc dù vẫn còn rất trẻ, anh ta đã có một dáng điệu lừ đừ uể oải vì miệt mài suốt ngày đêm với những cuốn sổ cái. Anh ta ăn mặc như một nhân viên ngân hàng trung niên, và cũng hành động theo cách đó. James, anh trai của Clark, cũng làm việc trong văn phòng, gọi anh ta là “ông giám thị lớp giáo lý”.
Dần dần Clark bắt đầu thấy Rockefeller quá chậm lụt và buồn tẻ, không thể là một trong những gương mặt của công ty. Clark tìm được một đối tác mới từ một gia đình ưu tú ở Cleveland và loại bỏ tên Rockefeller khỏi tên công ty, hy vọng rằng điều đó sẽ thu hút nhiều thương vụ hơn nữa. Thật đáng ngạc nhiên, dường như Rockefeller không phản đối điều này; anh ta chỉ chú tâm vào việc kiếm nhiều tiền hơn và không mấy quan tâm đến những cái tên.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của họ đang phát đạt, nhưng ít lâu sau đó, có tin đồn lan truyền khắp Cleveland về một loại hàng hóa mới có thể khuấy động vùng này không kém gì một cơn sốt vàng - phát hiện mới toanh về những mạch dầu mỏ phong phú ở phía tây bang Pennsylvania lân cận. Năm 1862, một người Anh trẻ tuổi tên là Samuel Andrew - một nhà phát minh kiêm doanh nhân, vốn từng quen biết Clark ở Anh, đã đến thăm văn phòng của họ và nài nỉ Clark trở thành đối tác trong ngành kinh doanh dầu mỏ. Anh ta khoác lác về tiềm năng vô hạn của dầu mỏ - có thể sản xuất một loạt các sản phẩm có lời từ nhiên liệu này và chi phí sản xuất cũng rất thấp. Chỉ với một ít vốn họ có thể bắt đầu nhà máy lọc dầu của riêng mình và làm giàu nhanh chóng.
Phản ứng của Clark khá thờ ơ - đó là một lĩnh vực có quá nhiều thăng trầm, giá cả liên tục tăng giảm, và với cuộc Nội chiến hiện đang leo thang, dường như đây là một thời điểm tồi tệ để đặt trọn hy vọng vào nó. Chỉ tham gia ở một mức độ nhỏ có lẽ tốt hơn nhiều. Nhưng sau đó, Andrew tiếp tục kêu gọi Rockefeller, và dường như một thứ gì đó đã lóe lên trong đôi mắt của chàng trai này. Rockefeller cố thuyết phục Clark đầu tư vào nhà máy lọc dầu - anh sẽ lấy tư cách cá nhân để đảm bảo cho thành công của nó. Clark chưa bao giờ thấy Rockefeller nhiệt tình như thế đối với bất cứ điều gì. Nó phải có ý nghĩa gì đó, anh nghĩ, và vì vậy anh cũng xiêu lòng trước áp lực từ hai người kia. Năm 1863, họ thành lập một doanh nghiệp lọc dầu mới gọi là Andrew, Clark.
Cùng năm đó, 20 nhà máy lọc dầu khác mọc lên ở Cleveland, và sự cạnh tranh rất khốc liệt. Đối với Clark, thật thú vị khi quan sát Rockefeller hành động. Anh ta dành nhiều giờ cho nhà máy lọc dầu, quét sàn nhà, lau chùi các thiết bị kim loại, lăn và sắp xếp những cái thùng đựng dầu. Cứ như thể đây là một mối tình. Anh ta làm việc cả ban đêm, cố gắng tìm ra cách để hợp lý hóa nhà máy lọc dầu và kiếm được nhiều tiền hơn từ nó. Nó trở thành công cụ tạo ra lợi nhuận chính cho công ty, và Clark không thể không hài lòng vì đã đồng ý tài trợ cho nó. Tuy nhiên, dầu đã trở thành nỗi ám ảnh của Rockefeller, và anh ta liên tục dội bom Clark với những ý tưởng mới về việc mở rộng, đúng vào lúc giá dầu biến động hơn bao giờ hết. Clark bảo anh ta nên chậm lại; anh nhận thấy tình trạng hỗn loạn trong kinh doanh khá đáng ngại.
Càng ngày Clark càng khó che giấu sự cáu kỉnh của mình: Rockefeller đang ngày càng lên mặt ta đây với thành công của nhà máy lọc dầu. Clark phải nhắc nhở tay cựu nhân viên kế toán về việc ai là tác giả của ý tưởng khởi nghiệp hồi đầu. Anh lặp đi lặp lại với Rockefeller, “Cậu sẽ làm được cái quái gì trên đời này nếu như không có tôi?” Sau đó anh phát hiện ra Rockefeller đã mượn 100.000 đô la cho nhà máy lọc dầu mà không tham khảo ý kiến của anh, và anh giận dữ ra lệnh cho anh ta đừng bao giờ qua mặt anh một lần nữa và hãy thôi tìm cách mở rộng kinh doanh. Nhưng dường như những gì anh đã nói hoặc làm đều không thể ngăn cản được anh ta. Đối với một người rất lặng lẽ và khiêm tốn, Rockefeller có thể hăng hái một cách đáng bực mình, giống như một đứa trẻ. Vài tháng sau khi Clark khiển trách anh ta, Rockefeller lại tấn công anh với một yêu cầu khác: Ký một khoản vay lớn; và cuối cùng Clark đã nổi trận lôi đình: “Nếu đó là cách cậu muốn kinh doanh, chúng ta nên giải thể công ty và để cho cậu tự điều hành công việc phù hợp với bản thân cậu”.
Clark không muốn phá vỡ mối quan hệ đối tác vào thời điểm này, nó quá có lãi, và mặc dù anh ta có những phẩm chất khiến anh bực bội, anh cần có Rockefeller để lo liệu những bộ phận trì trệ của doanh nghiệp đang ăn nên làm ra của họ. Anh chỉ muốn đe dọa Rockefeller, và đó dường như là cách duy nhất khiến anh ta lùi bước trong cuộc săn lùng không biết mệt của mình để nhanh chóng phát triển nhà máy lọc dầu. Như thường lệ, Rockefeller nói rất ít và tỏ vẻ chấp nhận.
Thế rồi, sau đó một tháng Rockefeller mời Clark và Andrew đến nhà để thảo luận về các kế hoạch tương lai. Và bất chấp tất cả những lời khuyên răn trước đây của Clark, Rockefeller vạch ra những ý tưởng thậm chí còn táo bạo hơn nữa để mở rộng nhà máy lọc dầu, và một lần nữa Clark không thể kiểm soát bản thân. “Tốt hơn chúng ta nên chia tay nhau!”. Và một điều kỳ lạ đã xảy ra, Rockefeller đồng ý và yêu cầu Clark và Andrew phải khẳng định rằng cả hai đều tán thành việc giải tán mối quan hệ đối tác. Anh ta làm điều này một cách bình thản, không có dấu hiệu nhỏ nhất nào của sự tức tối hay oán giận.
Clark từng chơi nhiều ván bài xì phé, và anh cảm thấy chắc chắn Rockefeller đang chơi trò tháu cáy, cố ép buộc anh. Nếu anh từ chối đáp lại mong muốn mở rộng kinh doanh của anh ta, Rockefeller sẽ phải lùi bước. Anh ta không đủ sức tự mở công ty; anh ta cần Clark hơn là làm ngược lại. Anh ta sẽ buộc phải nhận ra sự hấp tấp của mình và yêu cầu nối lại quan hệ đối tác. Khi làm điều đó, Rockefeller sẽ phải nhún nhường. Clark có thể đặt ra các điều khoản và yêu cầu Rockefeller tuân theo sự dẫn dắt của mình.
Tuy nhiên, ngày hôm sau Clark đã ngạc nhiên đọc thấy trên tờ báo địa phương thông báo về việc giải thể doanh nghiệp của họ, rõ ràng do chính Rockefeller đưa lên. Khi Clark đối mặt với anh ta vào cuối ngày hôm đó, Rockefeller bình tĩnh trả lời rằng anh ta chỉ đơn thuần thực hiện những gì họ đã thỏa thuận ngày hôm trước, rằng ý tưởng đó là do Clark khởi xướng, và anh ta nghĩ Clark đã đúng. Anh ta đề nghị họ tổ chức đấu giá và bán công ty cho ai trả giá cao nhất. Với bộ dạng uể oải, sự thật trong anh ta có cái gì đó khiến người ta điên tiết. Tại thời điểm này, đồng ý bán đấu giá không phải là lựa chọn tồi tệ nhất. Clark sẽ trả giá cao hơn anh ta và thoát khỏi cái gã xấc xược không chịu nổi này một lần và mãi mãi.
Vào ngày đấu giá, trong tháng 02/1865, Clark thuê một luật sư đại diện cho phe của mình, trong khi Rockefeller tự đại diện cho chính mình, một dấu hiệu khác cho thấy sự kiêu ngạo và thiếu tinh tế của anh ta. Giá tiếp tục tăng, và cuối cùng Rockefeller trả giá 72.500 đô la, một mức giá khá vô lý và gây sốc, một khoản tiền mà Clark không thể nào có đủ. Rockefeller có nhiều tiền như vậy bằng cách nào, và làm sao anh ta có thể điều hành doanh nghiệp này nếu không có Clark? Rõ ràng anh ta đã đánh mất bất kỳ ý thức kinh doanh nào anh ta từng có. Nếu đó là cái giá anh ta sẵn sàng trả, và anh ta có tiền, cứ mặc cho anh ta có nó và biến cho khuất mắt. Một phần trong thủ tục bán đấu giá là Rockefeller có nhà máy lọc dầu nhưng phải từ bỏ số sản phẩm đã hoàn thành mà không được bồi thường. Clark còn hơn cả hài lòng, dù anh rất bực mình khi Andrew quyết định cộng tác với Rockefeller và vẫn là đối tác của anh.
Tuy nhiên, nhiều tháng sau đó, Maurice Clark bắt đầu đánh giá lại những gì đã xảy ra: Anh bắt đầu có cảm giác khó chịu rằng Rockefeller đã lên kế hoạch này trong nhiều tháng, có lẽ hơn một năm. Hẳn Rockefeller đã ve vãn những nhân viên ngân hàng và bảo đảm được các khoản vay tốt trước cuộc bán đấu giá, để có thể trả giá cao. Anh ta cũng phải bảo đảm trước việc Andrew đứng về phía của mình. Anh có thể phát hiện ra một cái nhìn hả hê trong mắt Rockefeller vào hôm nhà máy lọc dầu trở thành của anh ta, điều mà anh chưa từng thấy trước đây ở chàng trai trẻ tỉnh táo. Có phải vẻ ngoài lừ đừ lặng lẽ của anh ta chỉ là một trò vờ vịt? Nhiều năm sau, khi biết được khối tài sản khổng lồ mà Rockefeller tích lũy được qua bước đi đầu tiên này, Clark không thể tránh khỏi suy nghĩ rằng anh đã bị chơi xỏ theo cách nào đó.
ĐẠI TÁ OLIVER H. PAYNE CÓ ĐỊA VỊ TƯƠNG ĐƯƠNG VỚI TẦNG LỚP QUÝ TỘC ở Cleveland. Ông xuất thân từ một gia đình lừng lẫy bao gồm một trong những người đã sáng lập thành phố. Ông từng theo học ở Đại học Yale và đã trở thành một anh hùng được tặng thưởng huân chương trong cuộc Nội chiến. Sau chiến tranh, ông đã thành lập nhiều doanh nghiệp thành công. Ông có một trong những tòa dinh thự đẹp nhất trong thị trấn, nằm trên Đại lộ Euclid, vốn được mệnh danh là “Con đường của những nhà triệu phú”. Nhưng ông có tham vọng lớn hơn, có lẽ là chính trị; ông tự nghĩ về mình như một tổng thống tương lai.
Một trong những doanh nghiệp thịnh vượng của ông là một nhà máy lọc dầu lớn thứ hai trong thị trấn. Nhưng đến cuối năm 1871, Payne bắt đầu nghe thấy những tin đồn kỳ lạ về một số thỏa thuận giữa một số chủ nhà máy lọc dầu và công ty đường sắt lớn nhất: Các công ty đường sắt sẽ hạ giá cho các nhà máy lọc dầu cụ thể đã gia nhập tổ chức bí mật này, để đổi lấy một bảo đảm về lưu lượng giao thông. Những người bên ngoài tổ chức này sẽ nhận thấy phí tổn của họ tăng lên, khiến việc kinh doanh trở nên khó khăn nếu không nói là không thể. Và chủ sở hữu nhà máy lọc dầu chủ yếu, và là người duy nhất ở Cleveland, đằng sau thỏa thuận này rõ ràng không là ai khác ngoài John D. Rockefeller.
Rockefeller đã mở rộng thành hai nhà máy lọc dầu ở Cleveland và đã đổi tên thành Công ty Standard Oil. Standard Oil hiện là doanh nghiệp lọc dầu lớn nhất nước, nhưng sự cạnh tranh vẫn gay gắt, ngay cả trong nội bộ Cleveland và 28 nhà máy lọc dầu hiện tại của nó, bao gồm hai nhà máy của Standard Oil. Do sự bùng nổ của hoạt động kinh doanh này, ngày càng có nhiều triệu phú xây dựng biệt thự của họ trên Đại lộ Euclid. Nhưng nếu Rockefeller kiểm soát việc gia nhập vào tổ chức mới này, ông có thể gây thiệt hại lớn cho các đối thủ của mình. Ngay giữa lúc có những tin đồn này, Rockefeller đã sắp xếp một cuộc gặp gỡ rất riêng tư giữa ông và Payne tại một ngân hàng ở Cleveland.
Payne biết Rockefeller rất rõ. Họ chào đời cách nhau hai tuần, đã học cùng trường cấp ba và sống gần nhau trên Đại lộ Euclid. Ông ngưỡng mộ sự am hiểu về kinh doanh của Rockefeller nhưng cũng sợ ông ta. Rockefeller là kiểu người không thể chịu thua bất cứ điều gì. Nếu ai đó đi ngang qua ông ta trong một cỗ xe ngựa, Rockefeller sẽ quất ngựa phi nhanh để vượt qua nó. Họ cùng đi lễ ở một nhà thờ; Payne biết ông ta là một người rất nguyên tắc, nhưng cũng khá bí ẩn và khó hiểu.
Trong cuộc gặp mặt, Rockefeller đã tâm sự với Payne: Ông là người ngoài cuộc đầu tiên được thông báo về sự tồn tại của tổ chức bí mật này, gọi là Công ty Xúc tiến miền Nam (SIC). Rockefeller khẳng định rằng chính phía công ty đường sắt đã nảy ra ý tưởng về SIC để tăng lợi nhuận của họ, và ông thực sự không có lựa chọn nào khác ngoài việc tham gia vào thỏa thuận. Ông không mời Payne tham gia SIC. Thay vì vậy, ông đề nghị mua lại nhà máy lọc dầu của Payne, với mức giá rất tốt, chuyển giao cho Payne một lượng lớn cổ phiếu của Standard Oil mà chắc chắn sẽ mang tới cho ông cả một gia tài và đưa ông lên vị trí một giám đốc điều hành cấp cao với một danh hiệu lẫy lừng. Ông sẽ kiếm được nhiều tiền hơn theo cách này thay vì cố cạnh tranh với Standard Oil.
Rockefeller nói tất cả những điều này với giọng điệu rất nhã nhặn. Ông sẽ tiếp tục mở rộng và thiết lập một trật tự rất cần thiết cho ngành công nghiệp dầu mỏ đang trong tình trạng vô chính phủ này. Đó là một cuộc thập tự chinh của ông, và ông mời Payne trở thành chiến sĩ của quân thập tự từ bên trong Standard Oil. Đó là một cách đặt vấn đề rất hấp dẫn, nhưng Payne do dự. Ông có những lúc bực tức khi đối phó với công việc kinh doanh khó dự đoán này, nhưng ông không hề nghĩ đến việc bán nhà máy lọc dầu. Vụ này quá bất ngờ. Cảm nhận được sự do dự của Payne, Rockefeller tỏ ra thông cảm với ông và cho ông cơ hội kiểm tra những cuốn sổ cái của Standard Oil, để thuyết phục ông về sự vô ích của việc chống đối. Payne khó có thể từ chối điều đó, và những gì ông đã thấy trong vài giờ ngắn ngủi khiến ông kinh ngạc: Standard Oil có tỷ suất lợi nhuận cao hơn đáng kể so với lợi nhuận của ông. Không ai nghi ngờ về việc Standard Oil đã vượt xa các đối thủ của nó. Đối với Payne, thế là đủ, và ông chấp nhận đề nghị của Rockefeller.
Tin tức về việc bán nhà máy lọc dầu của Payne, cũng như những tin đồn ngày càng tăng về sự tồn tại của SIC, đã làm náo loạn hoàn toàn các chủ nhà máy lọc dầu khác trong thị trấn. Với nhà máy lọc dầu của Payne trong túi của mình, Rockefeller đang nắm giữ một vị thế rất mạnh.
Trong vòng vài tuần, J. W Fawcett của Fawcett and Critchley, một nhà máy lọc dầu lớn khác trong thị trấn, đã đón tiếp Rockefeller. Lời chào mời của ông đáng ngại hơn một chút so với những gì ông đã nói với Payne: Việc kinh doanh quá khó lường trước; Cleveland cách xa các thị trấn sản xuất dầu và các nhà máy lọc dầu phải trả nhiều tiền hơn để dầu thô được vận chuyển đến đó; chúng có một bất lợi thường xuyên; với giá dầu tiếp tục biến động, nhiều người trong số họ sẽ phá sản; Rockefeller sẽ củng cố chúng và cung cấp một lực đòn bẩy cho Cleveland từ công ty đường sắt; ông đang ban ơn cho tất cả họ, giải tỏa cho họ những gánh nặng to lớn của doanh nghiệp và đem tiền tới cho họ trước khi họ phá sản, một điều chắc chắn sẽ xảy ra với sự phát triển của SIC.
Cái giá mà ông đưa ra cho nhà máy lọc dầu của Fawcett chắc chắn ít hào phóng hơn so với số tiền ông đã trả cho Payne, cũng như số cổ phần và vị trí trong nội bộ Standard Oil kèm theo đề xuất này, và Fawcett hoàn toàn không muốn bán lại nhà máy, nhưng một cái nhìn lướt qua những cuốn số cái của Standard Oil đã áp đảo ông ta, và ông ta đầu hàng trước các điều khoản của Rockefeller.
Giờ đây ngày càng nhiều chủ sở hữu nhà máy lọc dầu được Rockefeller tới thăm, và lần lượt từng người đều bị gây áp lực, tình thế khó khăn đặt họ vào một vị trí đàm phán yếu hơn, và cái giá mà Rockefeller đề nghị đối với những nhà máy lọc dầu của họ tiếp tục thấp hơn. Một chủ sở hữu từ chối thỏa hiệp; đó là Isaac Hewitt, ông chủ cũ của Rockefeller, khi ông còn là một nhân viên kế toán non trẻ. Bán nhà máy lọc dầu với giá thấp như vậy có thể làm cho Hewitt phá sản. Ông cầu xin Rockefeller hãy đối xử khoan dung và để yên cho ông và doanh nghiệp của ông. Rockefeller, luôn dịu dàng và lịch sự, nói với ông rằng ông không thể cạnh tranh với Standard Oil để tiến lên. “Tôi có những cách kiếm tiền mà ông không hề biết”, ông giải thích. Hewitt đã bán nhà máy lọc dầu của mình với trên nửa giá so với giá mà ông mong muốn.
Đến giữa tháng 3, sự tồn tại của SIC trở nên công khai và nhiều người đã gây áp lực để giải tán tổ chức này hoặc bắt nó phải gánh chịu những hậu quả pháp lý. Phía công ty đường sắt đồng ý, và Rockefeller cũng vậy, dường như ông không mấy bận tâm tới tin tức này. Vấn đề được giải quyết, SIC biến mất, nhưng trong những tháng sau đó, một số người ở Cleveland bắt đầu tự hỏi liệu phải chăng toàn bộ sự việc không như nó có vẻ là thế. SIC chưa bao giờ thực sự có hiệu lực pháp lý; nó vẫn chỉ là một tin đồn, và dường như Standard Oil là nguồn chính của tin đồn đó. Trong khi đó, Rockefeller đã thực hiện cái gọi là Cleveland Massacre (Cuộc thảm sát ở Cleveland) - chỉ trong vòng vài tháng, ông đã mua lại 20 trong số 26 nhà máy lọc dầu ngoài tầm kiểm soát của mình. Nhiều dinh thự sang trọng của các cựu triệu phú trên Đại lộ Euclid hiện đang được bán hoặc bị bịt kín hết cửa sổ bằng ván, vì Rockefeller đã thận trọng hất chân họ khỏi công việc kinh doanh. Ông đã hành động như thể các công ty đường sắt đang nắm quyền kiểm soát SIC, nhưng có lẽ sự việc hoàn toàn ngược lại.
TRONG NHỮNG NĂM SAU ĐÓ, NHỮNG NGƯỜI TRONG NGÀNH ĐƯỜNG SẮT bắt đầu cực kỳ e sợ thế lực ngày càng tăng của Standard Oil. Sau Cuộc thảm sát ở Cleveland, Rockefeller đã áp dụng chiến thuật tương tự đối với những nhà máy lọc dầu ở Pittsburgh, Philadelphia và New York. Phương pháp của ông luôn giống nhau: Đầu tiên nhắm đến lần lượt các nhà máy lọc dầu lớn nhất trong thị trấn, cho họ xem những cuốn sổ cái của ông, lúc này thậm chí còn ấn tượng hơn, buộc một vài con cá to phải đầu hàng, và gây hoang mang cho những người khác. Với những ai chống đối, ông sẽ bán dầu với giá thấp hơn họ và hất họ ra khỏi thị trường một cách tàn nhẫn. Đến năm 1875, Rockefeller đã kiểm soát tất cả các trung tâm lọc dầu lớn ở Mỹ và gần như độc quyền toàn cầu thị trường dầu hỏa, sản phẩm chính được sử dụng để thắp sáng trên toàn thế giới.
Thế lực này khiến ông có thể hoàn toàn chi phối giá cước đường sắt, nhưng chỉ để làm cho vấn đề tồi tệ hơn, Rockefeller bắt đầu thống trị ngành kinh doanh đường ống, một cách vận chuyển dầu khác. Ông xây dựng một loạt các đường ống trên khắp bang Pennsylvania và đã giành quyền kiểm soát nhiều tuyến đường sắt giúp vận chuyển dầu trong phần còn lại của chặng đường tới Bờ Đông, tạo nên mạng lưới giao thông của riêng mình. Nếu ông tiếp tục không bị ngăn cản trong chiến dịch này, vị trí của ông sẽ là bất khả xâm phạm. Và không ai sợ viễn cảnh này hơn Tom Scott, chủ tịch của Công ty Đường sắt Pennsylvania, vào thời điểm đó là tập đoàn lớn nhất và có thế lực nhất ở Mỹ.
Scott có một cuộc đời khá đặc biệt. Trong cuộc nội chiến, ông đã từng là trợ lý thư ký chiến tranh của Lincoln, phụ trách việc đảm bảo sự vận hành trơn ưu của các tuyến đường sắt nhằm hỗ trợ cho nỗ lực của miền Bắc. Là người đứng đầu Công ty Đường sắt Pennsylvania, ông có tham vọng mở rộng vô hạn phạm vi của công ty, nhưng Rockefeller đang cản đường và đã đến lúc ông phải chiến đấu với Standard Oil.
Scott có tất cả các nguồn lực cần thiết để đấu với Rockefeller, và ông có một kế hoạch. Trong vài năm qua, do dự đoán được những thủ đoạn của Rockefeller, ông đã xây dựng một mạng lưới đường ống khổng lồ của riêng mình, hoạt động cùng lúc với công ty đường sắt để chuyển dầu đến các nhà máy lọc dầu. Ông sẽ đẩy mạnh việc xây dựng các đường ống mới và mua các nhà máy lọc dầu mới mọc lên, tạo ra mạng lưới của riêng mình, bảo đảm hoạt động đường sắt của ông đủ để kiểm tra tiến độ của Rockefeller, sau đó ra tay để làm suy yếu ông ta. Nhưng khi những gì ông đang thực hiện trở nên rõ ràng, phản ứng của Rockefeller hoàn toàn bất ngờ và khá sốc: Standard Oil đóng cửa gần như tất cả các nhà máy lọc dầu ở Pennsylvania, khiến những đường ống và đường sắt của Scott thật sự không có dầu để vận chuyển. Nếu họ tìm cách thu mua một lượng dầu nào đó, Rockefeller nhất quyết bán rẻ chúng cho bất kỳ nhà máy lọc dầu nào ở bên ngoài hệ thống của ông, và dường như ông không bận tâm tới việc giá dầu sẽ giảm đến mức nào. Ông còn làm cho Scott khó có thể chạm tay vào số dầu mà công ty đường sắt cần có để bôi trơn những động cơ tàu hỏa và bánh xe.
Công ty Đường sắt Pennsylvania đã mở rộng quá mức trong chiến dịch này và đang mất tiền với tốc độ nhanh chóng, nhưng Rockefeller cũng phải mất một số tiền tương đương. Có vẻ như ông đang hướng tới việc đồng tự sát. Scott đã tham gia quá sâu nên không thể rút lui khỏi cuộc chiến này, và vì vậy ông buộc phải cắt giảm chi phí bằng cách sa thải hàng trăm công nhân đường sắt và giảm tiền lương đối với số còn lại. Công nhân của Scott trả đũa bằng một cuộc tổng đình công; nó nhanh chóng trở nên dữ dội và đẫm máu, khi các công nhân rải rác khắp tiểu bang phá hủy hàng ngàn xe chở hàng của Công ty Đường sắt Pennsylvania. Scott đã trả đũa tàn nhẫn, nhưng cuộc đình công vẫn tiếp diễn và các cổ đông của Công ty Đường sắt ngày càng lo lắng. Trong suốt thời gian đó, dường như Rockefeller vẫn bình thản và vẫn tiếp tục chiến dịch gây áp lực của mình, như thể ông không có gì để mất.
Scott đã đuối sức. Bằng cách nào đó Rockefeller có thể gánh chịu những tổn thất to lớn này, nhưng ông thì không. Ông đã thật sự hết sạch tiền. Ông không chỉ đồng ý dừng chiến dịch của mình mà còn phải bán lại cho Rockefeller lượng cổ phần lớn nhất của các nhà máy lọc dầu, bể chứa, tàu hơi nước và đường ống. Scott không bao giờ hồi phục được sau thất bại nhục nhã và khá bất ngờ này: Một năm sau ông bị đột quỵ, và vài năm sau ông qua đời ở tuổi 58.
DÙ CÓ VẺ NHƯ VIỆC KIỂM SOÁT NGÀNH KINH DOANH DẦU MỎ CỦA ROCKEFELLER ĐÃ HOÀN TẤT, một doanh nhân và kỹ sư tên là Byron Benson chợt nảy ra một ý tưởng về cách khoét một lỗ hổng trong đế chế đang mở rộng của ông ta. Rockefeller có thể thâu tóm quyền kiểm soát bằng các nguồn lực khổng lồ của mình, nhưng ông không thể cạnh tranh với tiến bộ công nghệ. Điều đã mang tới cho Rockefeller một lợi thế là các đường ống dẫn tương đối ngắn, chỉ dài tối đa 48km. Ông có thể thống trị bằng cách tạo ra các mạng lưới đường ống trên khắp bang Pennsylvania và bằng cách kiểm soát nhiều tuyến đường sắt hoạt động giữa các nhà máy lọc dầu và đường ống. Ngay cả khi một ai đó có một đường ống độc lập, đến một lúc nào đó, anh ta sẽ phải phụ thuộc vào Standard Oil để vận chuyển dầu trên phần đường còn lại.
Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra nếu Benson có thể thiết kế một thứ gì đó mới - một đường ống dài, liên tục chạy từ các mỏ dầu phía tây Pennsylvania đến vùng duyên hải miền Đông? Bằng cách đó, ông có thể trực tiếp chuyển giao dầu đến một số nhà máy lọc dầu vốn vẫn còn độc lập ở Bờ Đông và đảm bảo giá thấp cho họ, bỏ qua mạng lưới của Rockefeller. Điều này sẽ ngăn chặn đà tăng trưởng của Rockefeller, và với nhiều đường ống tầm xa hơn, các đối thủ của Standard Oil có thể bắt đầu tranh đấu cho những điều khoản công bằng hơn.
Điều này không dễ. Đường ống sẽ đòi hỏi một kỹ thuật mới để làm cho dầu chảy lên trên các ngọn đồi và ngọn núi vốn không thể tránh khỏi trên con đường vận chuyển, nhưng Benson đang tìm cách giải quyết vấn đề này. Và do Rockefeller đã tạo ra rất nhiều kẻ thù và rất nhiều người sợ sự độc quyền ngày càng tăng của ông, Benson có thể thu được những khoản tiền rất lớn từ các nhà đầu tư, đủ để trang trải cho chi phí xây dựng một đường ống như vậy.
Benson đặt tên cho doanh nghiệp của mình là Công ty Đường ống Tidewater, và vào năm 1878 việc xây dựng được bắt đầu. Nhưng gần như ngay lập tức, ông phải đối phó với một chiến dịch xảo quyệt nhằm ngăn chặn việc thực hiện đường ống. Benson phụ thuộc vào những chiếc xe toa để vận chuyển các vật liệu nặng đến công trường, nhưng dường như trong nhiều năm qua, Rockefeller đã mua lại hầu hết cổ phần của số xe này và gần như vét hết hàng ở thị trường này. Bất cứ khi nào tìm kiếm xe toa chở hàng, Benson cũng chạm trán với những công ty con của Standard Oil vốn nắm quyền kiểm soát chúng. Benson phải tìm các phương tiện khác để vận chuyển vật liệu, và điều này làm tăng thêm chi phí của ông và lãng phí thời gian quý báu. Nhưng tất cả những điều này chỉ khiến ông càng quyết tâm hoàn thành công việc và qua mặt Rockefeller.
Tuy nhiên, đây chỉ là bước khởi đầu. Benson cần phải thực hiện lộ trình ra biển của mình càng dễ dàng càng tốt, để tiết kiệm tiền, và điều đó có nghĩa là phải cho nó chạy qua Maryland. Nhưng lúc này ông nhận được tin tức rằng thông qua rất nhiều khoản hối lộ hào phóng, Rockefeller đã thúc đẩy cơ quan lập pháp Maryland đưa ra một hiến chương, trao cho Standard Oil độc quyền về đường ống dẫn dầu. Điều này có nghĩa là Tidewater sẽ phải đi qua các khu vực nhiều đồi núi và thậm chí xa hơn về phía bắc bang Pennsylvania, làm cho tuyến đường trở nên quanh co hơn và công việc tốn kém hơn.
Tuy nhiên, sau đó cú đấm đáng sợ nhất đã được tung ra: Rockefeller đột nhiên tiến hành một đợt mua bất động sản, mua lại những vùng đất nông nghiệp rộng lớn ở Pennsylvania, ngay trên con đường tiến ra biển của công ty Tidewater. Dường như với Standard Oil không có cái giá nào là quá cao. Benson đã làm những gì có thể để chống trả và cũng thu mua đất cho chính mình, nhưng những tin đồn bắt đầu lan truyền giữa những người nông dân trong vùng về sự nguy hiểm nếu họ bán một phần đất của mình cho Tidewater - do quá dài, đường ống sẽ bị rò rỉ, có thể phá hỏng mùa màng của họ. Rõ ràng, Standard Oil là nguồn gốc của những tin đồn này, và chúng rất hữu hiệu.
Đối với Benson, Rockefeller giống như một con quỷ vô hình, không ngừng tấn công ông từ mọi hướng, làm tăng thêm chi phí và áp lực. Nhưng Benson cũng có thể ngoan cường không kém. Nếu Rockefeller đã mua lại toàn bộ thung lũng, Benson thay đổi lộ trình của đường ống, ngay cả khi điều đó có nghĩa là nó phải chạy qua nhiều ngọn đồi. Tuyến đường trở thành một con đường ngoằn ngoèo kỳ cục, nhưng đường ống vẫn nhích dần về phía đông và cuối cùng cũng đến bờ biển vào tháng 5/1879.
Tuy nhiên, khi đường ống đi vào hoạt động, không ai có thể dự đoán liệu hệ thống bơm phức tạp của nó có thể di chuyển dầu lên những dốc cao hay chăng. Dòng dầu thô đầu tiên chậm chạp chảy qua đường ống, lên đến cả ngọn núi cao nhất, và sau bảy ngày, những giọt đầu tiên đã chảy tới điểm cuối. Đường ống Tidewater được coi là một trong những kỳ công kỹ thuật vĩ đại vào thời đó, và Benson trở thành một người hùng sau một đêm. Cuối cùng, cũng đã có ai đó qua mặt và đánh bại Standard Oil.
Tuy nhiên, trước sự kinh ngạc của Benson, giờ đây, Rockefeller chỉ tăng thêm áp lực. Tidewater đã chảy máu tiền và không còn nguồn dự trữ, nhưng đây là lúc Rockefeller giảm mạnh giá cả trên các đường ống và đường sắt riêng của Standard Oil, vận chuyển dầu hầu như miễn phí. Tidewater không thể tìm được một giọt dầu nào để vận chuyển, và điều này khiến cho công ty phải bó gối quy hàng. Đến tháng 3/1880, Benson đã chịu đựng quá đủ, và ông đã phải ký một thỏa thuận với Standard Oil theo các điều khoản có lợi nhất mà ông có thể có được, sáp nhập hai công ty thành một. Nhưng đây chỉ là một động thái sơ bộ. Trong những tháng sau đó, Rockefeller mua ngày càng nhiều cổ phần tại Tidewater, đưa nó hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của mình. Giống như rất nhiều người khác trước ông, khi cố gắng chiến đấu chống lại Rockefeller, Benson chỉ làm cho ông ta trở nên mạnh mẽ và bất khả chiến bại hơn. Làm sao bất cứ kẻ nào có thể hy vọng chống lại một thế lực hùng hậu như vậy?
TRONG THẬP NIÊN 1880, NHU CẦU DẦU HỎA ĐỂ THẮP SÁNG NHÀ CỬA VÀ văn phòng bùng nổ, và Rockefeller kiểm soát thị trường này. Tại các thành phố và thị trấn trên khắp nước Mỹ, các cửa hàng tạp hóa và nhà bán lẻ địa phương bắt đầu chú ý đến một hệ thống mới mang tính cách mạng được giới thiệu bởi Standard Oil. Công ty đã thiết lập các bể chứa ở tất cả các hóc hẻm trên cả nước và các toa xe lửa được tài trợ để vận chuyển dầu hỏa đến hầu hết mọi thị trấn. Các nhân viên bán hàng của Standard Oil không chỉ trực tiếp bán dầu hỏa của công ty cho các cửa hàng mà họ còn đi từ nhà này sang nhà khác, trực tiếp bán những cái lò sưởi và bếp lò cho chủ nhà với giá thấp nhất.
Điều này đe dọa hoạt động kinh doanh của nhiều nhà bán lẻ địa phương; và khi họ phản đối, đại diện của Standard Oil sẽ nói với họ rằng họ sẽ ngừng việc này lại nếu các nhà bán lẻ bán độc quyền các sản phẩm của Standard Oil. Đối với những người từ chối, Standard Oil sẽ mở những cửa hàng tạp hóa của chính mình trong khu vực và, với giá rẻ, đẩy các chủ cửa hàng nổi loạn ra khỏi hoạt động kinh doanh. Ở một số khu vực, các nhà bán lẻ giận dữ sẽ chuyển sang mua sản phẩm của một công ty đối thủ, chẳng hạn như Republic Oil, chuyên bán cho các nhà bán lẻ ghét Rockefeller. Họ không biết rằng Standard Oil đã bí mật thành lập và sở hữu Republic Oil.
Với tất cả những việc làm này, Rockefeller đã tạo ra kẻ thù ngày càng tăng, nhưng không ai trong số họ ngoan cường và cuồng tín như George Rice, kẻ đã cố gắng duy trì một nhà máy lọc dầu độc lập nhỏ ở Ohio. Ông cố tác động để các nhà lập pháp điều tra các hoạt động của công ty Standard Oil. Ông cũng xuất bản một bản tin gọi là Black Death (Cái chết đen), bao gồm tất cả những bài viết vạch trần các thủ đoạn của Rockefeller.
Để tìm cách kiếm lợi nhuận và chọc tức Rockefeller, ông quyết định sẽ tự mình đi bán dầu lưu động ở một số thị trấn, bỏ qua hệ thống mới vốn dĩ đã vét sạch thị trường.
Khó mà tưởng tượng rằng Standard Oil có thể quan tâm đến ông; lượng dầu ông cố bán quá ít và thành công của ông khá hạn chế. Nhưng khi ông xoay xở bán được 70 thùng dầu hỏa cho một nhà bán lẻ ở Louisville, đột nhiên ông biết rằng hãng đường sắt vốn đã đồng ý vận chuyển dầu cho ông khi ông còn đang đi trên đường, giờ đột nhiên từ chối vận chuyển dầu cho ông. Ông biết ai đứng đằng sau chuyện này, nhưng ông cũng xoay xở tìm được những phương tiện khác đắt tiền hơn để vận chuyển số dầu đó.
Ông chuyển đến một thị trấn khác gần Louisville, chỉ để tìm thấy những người bán hàng của Standard Oil ở đó; họ đã lường trước sự hiện diện của ông và cẩn thận bán hàng với giá thấp hơn giá của ông. Ông nhận ra mình bị đẩy đến những thị trấn nhỏ hơn bao giờ hết ở tận phía nam; nhưng một lần nữa, luôn có những người của Công ty Standard Oil cản trở ông, và không lâu sau đó ông không thể bán được giọt dầu nào nữa. Cứ như thể họ có gián điệp ở khắp mọi nơi và đang theo dõi bước đi của ông. Nhưng hơn bất cứ điều gì, ông cảm thấy sự hiện diện khắp mọi nơi của chính Rockefeller, kẻ biết rất rõ chiến dịch nhỏ của ông và đã ra tay để đè bẹp đối thủ cạnh tranh nhỏ nhất này bằng mọi giá. Cuối cùng, khi nhận ra thứ mà mình đang thật sự chống lại, Rice từ bỏ cuộc chiến và trở về nhà.
ĐẦU THẬP NIÊN 1900, SAU KHI ROCKEFELLER TỪ CHỨC với tư cách người đứng đầu Standard Oil, ông bắt đầu mê hoặc công chúng Mỹ. Ông là người giàu có nhất thế giới, là tỷ phú đầu tiên trên hành tinh, nhưng những câu chuyện về cách ông tiến hành các trận chiến và về sự độc quyền mà ông đã thiết lập khiến họ phải tự hỏi về tính cách của ông. Ông là một người ẩn dật khét tiếng, và ít người biết bất cứ điều gì cụ thể về ông. Sau đó, một số kẻ thù của ông đã khởi xướng một loạt vụ kiện ở tòa án để phá vỡ sự độc quyền của Standard Oil. Rockefeller bị buộc phải làm chứng, và với sự kinh ngạc của cộng đồng, ông hoàn toàn không giống như con ác quỷ mà họ từng tưởng tượng. Như một nhà báo đã viết: “Dường như ông là hiện thân của sự nhã nhặn và biết điều. Sự bình thản của ông không thể bị xáo trộn…. Đôi khi cách cư xử của ông hơi có chút vẻ trách móc, lúc khác thì dịu dàng thuyết phục, nhưng ông không bao giờ để lộ một tính khí thất thường hay sự bực tức”.
Khi ông nổi lên với tư cách một nhà từ thiện hào phóng nhất thế giới, và khi công chúng đánh giá cao loại dầu rẻ tiền mà ông cung cấp, họ đã thay đổi nhận định về ông. Rốt cuộc, với tư cách là cổ đông chính của Standard Oil, ông có một ảnh hưởng to lớn và ông đã đồng ý chấm dứt thế độc quyền của Standard Oil. Họ không hề biết rằng đằng sau hậu trường ông vẫn hành động như đã từng luôn hành động: Tìm ra những lỗ hổng trong luật pháp, cùng nhau duy trì thế độc quyền thông qua các thỏa thuận bí mật, và vẫn duy trì sự kiểm soát của mình. Ông sẽ không cho phép bất cứ ai cản đường mình, và chắc chắn không để cho chính phủ làm điều đó.
Diễn dịch: Câu chuyện về sự vươn lên quyền lực của John D. Rockefeller phải được coi là một trong những câu chuyện đáng chú ý nhất trong lịch sử. Trong một thời gian tương đối ngắn (khoảng 20 năm), ông đã vươn lên từ đáy xã hội (gia đình ông đã trải qua những thời kỳ nghèo khó) để trở thành người sáng lập và chủ sở hữu của tập đoàn dầu hỏa lớn nhất nước Mỹ, và ngay sau đó nổi lên như một người đàn ông giàu nhất thế giới. Trong quá trình này, như vẫn thường xảy ra ở những trường hợp tương tự, câu chuyện của ông bị bao quanh bởi mọi kiểu huyền thoại. Ông là một con quỷ hoặc một vị thần của chủ nghĩa tư bản. Nhưng bị lạc mất trong tất cả những phản ứng cảm xúc này là lời đáp cho một câu hỏi đơn giản: Làm thế nào để một người - với rất ít trợ giúp - tích lũy được rất nhiều quyền lực trong thời gian ngắn như vậy?
Nếu kiểm tra kỹ về ông, chúng ta phải kết luận rằng thành tựu của ông không phải do trí thông minh kiệt xuất, một tài năng đặc biệt hoặc tầm nhìn sáng tạo nào đó. Ông có một số phẩm chất trong số đó, nhưng không đủ để giải thích cho thành công kỳ quặc của ông. Trên thực tế, chúng ta có thể quy sự thành công đó cho sức mạnh ý chí bền bỉ mà ông sở hữu để hoàn toàn làm chủ mọi tình huống và áp đảo những đối thủ mà ông chạm trán, và khai thác mọi cơ hội trên con đường của ông. Chúng ta sẽ gọi sức mạnh ý chí này là năng lượng công kích (aggressive energy). Một năng lượng như thế có thể có những mục đích hữu ích (xem phần cuối của chương này để biết thêm chi tiết), và tất nhiên Rockefeller có một số thành tựu có lợi cho xã hội thời bấy giờ. Nhưng như thường xảy ra với những người rất năng nổ, năng lượng này đã đẩy ông tới chỗ thật sự độc chiếm toàn bộ quyền lực trong một ngành công nghiệp phức tạp. Nó khiến ông quét sạch tất cả các đối thủ và bất kỳ sự cạnh tranh khả dĩ nào, bẻ cong luật pháp vì lợi ích của ông, tiêu chuẩn hóa mọi thực hành theo mong muốn của ông, và rốt cuộc làm suy yếu sự cải cách trong lĩnh vực này.
Chúng ta hãy tách rời câu chuyện của Rockefeller khỏi những phản ứng cảm xúc thông thường và đơn giản nhìn ông bằng con mắt thản nhiên, như nhìn một mẫu vật, để giúp chúng ta thấu hiểu bản chất của những cá nhân rất hung hăng và điều khiến cho rất nhiều người tuân theo ý muốn của họ. Bằng cách này, chúng ta cũng có thể học được một số bài học quý giá về bản chất con người và cách thức để chúng ta có thể bắt đầu chống lại những kẻ liên tục hành động để độc chiếm quyền lực và thường gây tổn hại cho số còn lại của chúng ta.
Rockefeller lớn lên trong một hoàn cảnh khác thường. Cha của ông, William, là một kẻ chuyên lừa đảo khét tiếng. Và ngay từ đầu, người cha đã tạo ra một khuôn mẫu khá khó chịu cho gia đình: Ông thường bỏ mặc vợ mình, Eliza, và bốn đứa con (John là con cả) suốt nhiều tháng liên tục trong căn nhà gỗ ọp ẹp của họ ở phía tây New York để đi khắp vùng và tiến hành những trò lừa đảo khác nhau. Trong thời gian này, gia đình ông hầu như không có đủ tiền để sống. Eliza đã phải chi tiêu tằn tiện từng xu. Sau đó, người cha sẽ quay về với một mớ tiền và quà tặng cho gia đình. Ông khá vui tính (một người kể chuyện tuyệt vời) nhưng đôi lúc khá tàn nhẫn và hung dữ. Thế rồi ông lại lên đường lần nữa, và khuôn mẫu được lặp lại. Không thể dự đoán khi nào ông sẽ trở lại, và các thành viên trong gia đình liên tục lo lắng về việc lúc có mặt tại nhà lúc không của ông.
Khi còn là thiếu niên, John đã phải đi làm để có tiền trợ giúp gia đình. Và khi đã thăng tiến trong sự nghiệp, ông không thể thoát khỏi những lo lắng đã làm khổ ông hồi còn nhỏ. Ông có một nhu cầu rất lớn đối với việc đưa mọi thứ trong môi trường của mình vào vòng trật tự và có thể dự đoán được. Ông miệt mài với những cuốn sổ kế toán - không thứ gì có thể dự đoán cho bằng những con tính cộng và trừ trong một cuốn sổ cái. Đồng thời, ông có tham vọng lớn trong việc làm giàu; cha ông đã làm cho ông thấm nhuần một dạng tình yêu gần như bản năng đối với tiền.
Do đó, khi lần đầu tiên biết ông có thể đạt được thứ gì với một nhà máy lọc dầu, ông đã nhìn thấy cơ hội tuyệt vời của mình. Nhưng niềm say mê của ông đối với lĩnh vực kinh doanh dầu mỏ thoạt nhìn có vẻ khá lạ lùng. Đó là một môi trường có tính chất miền Tây hoang dã, hoàn toàn vô chính phủ; tiền tài có thể được tạo ra hay mất đi trong vòng vài tháng. Theo nhiều cách, công việc kinh doanh dầu mỏ rất giống cha ông - thú vị, hứa hẹn sự giàu có bất ngờ, nhưng không thể nào đoán trước. Một cách vô thức, ông bị cuốn hút bởi chính những lý do đó, ông có thể trải nghiệm lại những nỗi sợ hãi tồi tệ nhất từ thời thơ ấu và vượt qua chúng bằng cách thiết lập sự kiểm soát chặt chẽ đối với ngành dầu khí. Việc này cũng giống như việc chinh phục chính bản thân cha của ông. Sự hỗn loạn sẽ chỉ thúc đẩy ông vươn lên những tầm cao mới, vì ông sẽ phải làm việc cần cù gấp đôi để chế ngự sự hoang dã của nó.
Và vì vậy, trong những năm đầu tiên kinh doanh, chúng ta có thể nhìn thấy động cơ vốn sẽ thúc đẩy tất cả các hành động tiếp theo của ông - nhu cầu mạnh mẽ đối với sự kiểm soát. Công việc này càng phức tạp và khó khăn, ông càng không ngừng tập trung năng lượng để đạt cho được mục tiêu đó. Và từ nhu cầu này đã nảy sinh một nhu cầu thứ hai, cũng quan trọng hầu như không kém - biện minh cho những hành động gây hấn của ông đối với thế giới và đối với chính mình. Rockefeller là một người có một niềm tin tôn giáo sâu sắc. Ông không thể sống với suy nghĩ rằng điều thúc đẩy những hành động của mình là mong muốn kiểm soát mọi người và có được số tiền lớn cần thiết cho mục đích đó. Điều này chẳng khác chỉ tự nhìn thấy mình trong một trạng thái quá xấu xa bần tiện.
Để đè nén ý nghĩ này, ông đã xây dựng cái mà chúng ta sẽ gọi là câu chuyện tự sự của kẻ hiếu chiến. Ông phải tự thuyết phục bản thân rằng cuộc tìm kiếm quyền lực của ông là để phục vụ cho một mục đích nào đó cao cả hơn. Vào thời đó, ở những người theo đạo Tin Lành có một niềm tin rằng kiếm được nhiều tiền là dấu hiệu của ân sủng từ Chúa Trời. Với sự giàu có, cá nhân theo đạo có thể cho lại cho cộng đồng và giúp đỡ giáo xứ địa phương. Nhưng Rockefeller còn nghĩ nhiều hơn thế nữa. Ông tin rằng thiết lập trật tự trong kinh doanh dầu mỏ là một sứ mệnh thiêng liêng, giống như việc duy trì trật tự của vũ trụ. Ông đang tiến hành một cuộc thập tự chinh để mang lại giá rẻ và khả năng có thể dự đoán cho các hộ gia đình Mỹ; biến Standard Oil thành sự độc quyền pha trộn hoàn hảo với niềm tin tôn giáo sâu sắc của mình.
Với niềm tin chân thành vào cuộc thập tự chinh này, ông không còn bị lương tâm cắn rứt khi thao túng và hủy diệt các đối thủ của mình một cách tàn nhẫn, mua chuộc các nhà lập pháp, chà đạp lên luật pháp, thành lập các doanh nghiệp đối thủ giả hiệu của Standard Oil, châm ngòi và lợi dụng bạo lực của một cuộc đình công (với Công ty Đường sắt Pennsylvania) vốn sẽ có lợi cho ông về lâu dài. Niềm tin vào câu chuyện tự sự này giúp ông trở nên mạnh mẽ và hung hăng hơn, và khiến cho những người phải đối mặt với ông bối rối - có lẽ có một sự tốt đẹp nào đó trong những gì ông đang làm; có lẽ nói cho cùng ông không phải là một con quỷ.
Cuối cùng, để thực hiện ước mơ kiểm soát của ông, Rockefeller đã tự biến mình thành một bậc thầy về đọc hiểu con người và tâm lý của họ. Với ông, phẩm chất quan trọng nhất để ông đo lường ở các đối thủ khác nhau mà ông phải đối mặt là năng lực ý chí và sự kiên cường cân xứng của họ. Ông có thể cảm nhận được điều này trong ngôn ngữ cơ thể và những khuôn mẫu hành động của mọi người. Ông xác định rằng phần lớn mọi người đều yếu ớt. Phần lớn trong số họ đều bị dẫn dắt bởi các cảm xúc vốn thay đổi từng ngày. Họ muốn mọi thứ trong đời đều tương đối dễ dàng và có xu hướng đi theo con đường có ít trở kháng nhất. Họ không đủ can đảm để theo đuổi những trận chiến kéo dài. Họ muốn có tiền để thụ hưởng những lạc thú và tiện nghi mà nó có thể mang lại, để mua những chiếc du thuyền và những căn biệt thự. Họ muốn trông có vẻ mạnh mẽ, để thỏa mãn cái tôi của họ.
Cứ làm cho họ sợ hãi, bối rối hoặc thất vọng, hoặc cung cấp cho họ một lối thoát dễ dàng, và họ sẽ đầu hàng trước ý chí mạnh mẽ hơn của ông. Nếu họ tức giận thì càng tốt. Sự tức giận tự đốt cháy chính nó rất nhanh và Rockefeller chơi cuộc chơi này theo chiến lược dài hạn.
Hãy nhìn cách ông ra tay với từng đối thủ trên con đường của mình. Với Clark, ông cẩn thận nuôi dưỡng sự kiêu ngạo của ông ta và cố tình làm cho ông ta trở nên cáu kỉnh; và từ đó Clark nhanh chóng đồng ý cuộc bán đấu giá chỉ để thoát khỏi Rockefeller, mà không suy nghĩ quá sâu về các hậu quả.
Đại tá Payne là một người tự phụ và tham lam. Cứ đưa cho ông ta nhiều tiền và một danh hiệu tốt đẹp, ông ta sẽ hài lòng và trao nhà máy lọc dầu của mình cho Rockefeller. Với các chủ sở hữu nhà máy lọc dầu khác, ông gieo rắc sự sợ hãi về một tương lai không chắc chắn, sử dụng SIC như một ông ba bị tiện lợi; làm cho họ cảm thấy bị cô lập và yếu đuối, và gieo một số hoảng loạn. Phải, các nhà máy lọc dầu của ông có nhiều lợi nhuận hơn, như được thể hiện trong những cuốn sổ kế toán của ông, nhưng các chủ sở hữu khác không nhận ra rằng bản thân Rockefeller cũng dễ bị tổn thương như họ trước những thăng trầm của doanh nghiệp. Giá như họ đoàn kết lại để phản đối chiến dịch của ông, hẳn là họ có thể chống lại ông, nhưng họ đã phụ thuộc vào cảm xúc để có thể suy nghĩ cho thấu đáo, và họ đã từ bỏ nhà máy lọc dầu của họ một cách dễ dàng.
Đối với Scott, Rockefeller xem ông ta như một gã nóng nảy bộp chộp, tức giận vì sự đe dọa của Standard Oil đối với vị trí ưu việt của ông ta trong kinh doanh. Rockefeller hoan nghênh cuộc chiến với Scott và chuẩn bị cho nó bằng cách tích lũy rất nhiều tiền mặt. Đơn giản, ông sẽ tồn tại lâu hơn ông ta. Và càng giận dữ với những chiến thuật phi chính thống của ông, Scott càng trở nên thiếu thận trọng và hấp tấp, đi xa tới mức độ cố nghiền nát cuộc đình công của công nhân đường sắt, vốn chỉ khiến cho vị trí của ông thêm suy yếu. Với Benson, Rockefeller đã nhận ra kiểu người này - ông ta say mê sự sáng chói của chính mình và muốn được chú ý với tư cách kẻ đầu tiên đánh bại Standard Oil. Việc đặt những chướng ngại vật trên con đường của ông ta sẽ chỉ khiến cho ông ta cố gắng hơn, cùng lúc làm suy yếu nguồn tài chính của ông ta. Rốt cuộc, việc mua chuộc ông ta khá đơn giản khi ông ta đã mệt mỏi với áp lực không ngừng của Rockefeller.
Như một biện pháp bổ sung, Rockefeller luôn luôn có chiến lược để khiến cho các đối thủ của mình trở nên nôn nóng và hấp tấp. Clark chỉ có một ngày để lên kế hoạch cho cuộc bán đấu giá. Các chủ sở hữu nhà máy lọc dầu phải đối mặt với sự phá sản sắp xảy ra trong vòng vài tháng trừ khi họ bán lại cho ông. Scott và Benson phải nhanh chân trong các trận chiến của họ hoặc đối mặt với việc cạn sạch tiền. Điều này làm cho họ có nhiều xúc cảm hơn và ít có khả năng hoạch định chiến lược.
Thấu hiểu: Rockefeller đại diện cho một loại cá nhân mà bạn có thể sẽ gặp trong lĩnh vực của mình. Chúng ta sẽ gọi loại này là kẻ gây hấn tinh vi, trái ngược với kẻ gây hấn thô sơ. những kẻ gây hấn thô sơ rất dễ dàng tức giận. Nếu ai đó khơi gợi ở họ những cảm giác thấp kém hơn hoặc yếu đuối, họ sẽ nổi giận. Họ thiếu tự chủ, và vì vậy họ có xu hướng không thăng tiến xa trong cuộc sống, không thể tránh khỏi việc bị bắt nạt và gây tổn thương cho quá nhiều người. Những kẻ gây hấn tinh vi thì ma mãnh hơn nhiều. Họ vươn lên các vị trí hàng đầu và có thể trụ lại đó nhờ biết cách che giấu những thủ đoạn của mình, thể hiện một vẻ ngoài gây phân tâm và lợi dụng những cảm xúc của mọi người. Họ biết rằng hầu hết mọi người không thích sự đối đầu hoặc những cuộc đấu tranh lâu dài, và vì vậy họ có thể đe dọa hoặc làm mọi người suy sụp. Họ dựa vào sự ngoan ngoãn của chúng ta cũng như sự hung hăng của chính họ.
Những kẻ gây hấn tinh vi mà bạn chạm trán không nhất thiết phải thành công ngoạn mục như Rockefeller. Họ có thể là sếp của bạn, một đối thủ hoặc thậm chí là một đồng nghiệp đang có mưu đồ thăng tiến. Bạn có thể nhận ra họ nhờ một dấu hiệu đơn giản: họ tiến tới mục tiêu của mình chủ yếu thông qua năng lượng công kích chứ không phải tài năng đặc biệt của họ. Họ coi trọng quyền lực tích lũy được hơn chất lượng công việc của họ. Họ làm bất cứ điều gì cần thiết để đảm bảo vị trí của mình và đè bẹp bất kỳ loại cạnh tranh hay thách thức nào. Họ không thích chia sẻ quyền lực.
Khi đối phó với kiểu người này, bạn sẽ có xu hướng trở nên tức giận hoặc sợ hãi, bạn mở rộng sự hiện diện của họ và rốt cuộc bị họ áp đảo. Bạn bị ám ảnh bởi tính cách xấu xa của họ và không chú ý đến những gì họ thực sự làm. Thông thường, điều khiến cho cuối cùng bạn phải đầu hàng là vẻ ngoài hoặc ảo tưởng về sức mạnh mà họ phóng chiếu, tiếng tăm về sự hung hăng của họ. Cách để đối phó với họ là hạ thấp nhiệt độ cảm xúc. Bắt đầu bằng cách nhìn vào cá nhân chứ không phải huyền thoại hay truyền thuyết. Hiểu được động lực chính của họ - giành được quyền kiểm soát môi trường và mọi người xung quanh họ. Như với Rockefeller, nhu cầu kiểm soát này bao trùm lên những lớp lo lắng và bất an to lớn ở bên dưới. Bạn phải nhìn thấy đứa trẻ sợ hãi bên trong, kinh hoàng bởi bất cứ điều gì không thể đoán trước. Bằng cách này, bạn có thể cắt bớt sự tự mãn của họ, và giảm thiểu khả năng đe dọa của họ.
Họ muốn kiểm soát những suy nghĩ và phản ứng của bạn. Không trao cho họ khả năng này bằng cách tập trung vào hành động của họ và chiến lược chứ không phải các cảm xúc của bạn. Phân tích và dự đoán các mục tiêu thực sự của họ. Họ muốn thấm nhuần trong bạn ý tưởng rằng bạn không có lựa chọn nào, rằng việc đầu hàng là không thể tránh khỏi và là cách tốt nhất. Nhưng bạn luôn có thể lựa chọn. Ngay cả khi họ là sếp của bạn và bạn phải đầu hàng trong hiện tại, bạn vẫn có thể duy trì sự độc lập và mưu đồ nội tại của mình, chờ tới ngày họ phạm sai lầm và bị suy yếu, và sử dụng kiến thức về các điểm dễ bị tổn thương của họ để hạ gục họ.
Hãy nhìn xuyên thấu câu chuyện tự sự và những nỗ lực khéo léo nhằm gây phân tâm của họ. Thông thường, họ sẽ tự thể hiện bản thân như một kẻ thánh thiện hơn người, hoặc như một nạn nhân của những người khác. Họ càng to mồm tuyên bố niềm tin của mình, bạn càng có thể chắc chắn rằng họ có thể che giấu điều gì đó. Hãy cảnh giác, đôi khi họ có thể có vẻ quyến rũ và lôi cuốn. Đừng bị mê hoặc bởi những vẻ bề ngoài đó. Nhìn vào những khuôn mẫu hành vi của họ. Nếu họ đã tước đoạt của mọi người trong quá khứ, họ sẽ tiếp tục làm như vậy trong hiện tại. Đừng bao giờ trở thành đối tác của những dạng người này, bất kể họ có vẻ thân thiện và lôi cuốn ra sao. Họ thích lợi dụng công việc khó khăn của bạn, sau đó giật lấy quyền kiểm soát. Đánh giá thực tế về sức mạnh thực sự và những ý đồ gây hấn của họ là cách tự vệ tốt nhất của bạn.
Khi cần phải hành động chống lại những kẻ gây hấn, bạn phải tinh vi và xảo quyệt như họ. Đừng cố gắng chiến đấu với họ trực tiếp. Họ quá hùng hổ, và thường có đủ sức mạnh để áp đảo bạn trong cuộc đối đầu trực tiếp. Bạn phải đánh lừa họ, tìm những góc tấn công bất ngờ. Đe dọa sẽ vạch trần sự đạo đức giả trong câu chuyện tự sự của họ hoặc những hành động bẩn thỉu trong quá khứ mà họ đã cố gắng che đậy trước công chúng. Làm như thể một trận chiến với bạn sẽ tốn kém hơn mức họ tưởng tượng, rằng bạn cũng sẵn sàng chơi bẩn một chút, nhưng chỉ để tự vệ. Nếu bạn đặc biệt thông minh, hãy làm ra vẻ tương đối yếu ớt và để lộ điều đó, dẫn dụ họ vào một cuộc tấn công hấp tấp mà bạn đã chuẩn bị đón tiếp. Thường thì chiến lược khôn ngoan nhất là liên kết với những người khác vốn từng khốn khổ trong tay họ, tạo ra nhiều sức mạnh và lực đòn bẩy.
Hãy nhớ rằng những kẻ gây hấn thường thủ thắng vì bạn sợ rằng trong cuộc chiến với họ, bạn có thể mất đi quá nhiều thứ trong hiện tại. Nhưng thay vì thế, phải tính toán về lâu dài bạn phải mất thứ gì - giảm thiểu những tùy chọn về quyền lực và việc mở rộng trong lĩnh vực của chính bạn, một khi họ đang ở vị trí áp đảo; duy trì phẩm giá và ý thức về giá trị bản thân của bạn bằng cách đứng lên chống lại họ. Đầu hàng và ngoan ngoãn có thể trở thành một thói quen với những hậu quả tàn khốc cho sự nghiệp của bạn. Sử dụng sự hiện hữu của những kẻ gây hấn như một động lực để thúc đẩy tinh thần chiến đấu của chính bạn và để xây dựng sự tự tin của chính bạn. Đứng lên và đánh bại những kẻ gây hấn có thể là một trong những trải nghiệm thỏa mãn và cao cả nhất mà con người chúng ta có thể có.
Con người không phải là những sinh vật hiền lành, thân thiện, mong muốn tình yêu, vốn chỉ đơn giản tự vệ nếu bị tấn công. Phải nghĩ rằng một phần… của khả năng thiên phú của họ chính là niềm khát khao gây hấn mạnh mẽ.
- Sigmund Freud
Những giải pháp đối với bản chất con người
Chúng ta thích nghĩ về chính mình như là những thành viên tương đối ôn hòa và dễ chịu trong xã hội. Về bản chất, chúng ta là những động vật xã hội, và chúng ta cần phải tự thuyết phục bản thân rằng chúng ta trung thành và hợp tác với các cộng đồng mà chúng ta là thành viên. Nhưng đôi khi, tất cả chúng ta đã hành động theo các cách thức trái ngược hẳn với quan điểm về bản thân này. Có lẽ nó đến trong một khoảnh khắc khi chúng ta cảm thấy rằng sự an toàn trong công việc của chúng ta đang bị đe dọa, hoặc ai đó đang ngăn cản sự thăng tiến nghề nghiệp của chúng ta. Hoặc có lẽ chúng ta tin rằng chúng ta không nhận được sự chú ý và công nhận mà chúng ta xứng đáng có được từ công việc của mình. Hoặc có lẽ nó đến trong một khoảnh khắc cảm thấy bất an về tài chính. Hoặc có lẽ nó xảy ra trong một mối quan hệ thân mật, trong đó chúng ta cảm thấy vô cùng thất vọng với nỗ lực làm cho người kia thay đổi hành vi của mình, hoặc chúng ta cảm thấy rằng anh ta hoặc cô ta sắp sửa ruồng bỏ chúng ta.
Vì thất vọng, tức giận, bất an, sợ hãi hay nôn nóng, chúng ta đột nhiên thấy mình trở nên quyết đoán một cách bất thường. Chúng ta làm một điều gì đó hơi cực đoan để duy trì công việc của mình; chúng ta cố gắng đẩy một đồng nghiệp ra khỏi hành trình của mình; chúng ta hướng tới một kế hoạch đáng ngờ để bảo đảm cho việc kiếm tiền dễ dàng và nhanh chóng; chúng ta đi quá xa trong việc cố gắng thu hút sự chú ý; chúng ta trở nên thù địch và cố nắm quyền kiểm soát đối tác của mình; chúng ta trở nên thù hận và tấn công ai đó trên phương tiện truyền thông xã hội. Trong những khoảnh khắc như vậy, chúng ta đã vượt qua một ranh giới và trở nên hung hăng. Thông thường, khi hành động theo cách này, chúng ta hợp lý hóa hành vi của chúng ta với chính mình và với những người khác: Chúng ta không có lựa chọn nào khác; chúng ta cảm thấy bị đe dọa; chúng ta đã bị đối xử bất công; mọi người không thông cảm và đang gây tổn hại cho chúng ta; chúng ta không khai mào việc đó. Bằng cách này, chúng ta có thể duy trì quan điểm về bản thân như những sinh vật thích hòa bình mà chúng ta tưởng tượng mình là.
Dù ít khi nhận thấy điều này, chúng ta cũng có thể quan sát thấy một ví dụ tinh tế hơn về những xu hướng gây hấn sắp xảy ra của chính mình. Khi đối mặt với những kiểu người đáng sợ, hung dữ hơn, chúng ta thường thấy hành động của mình có tính chất phục tùng hơn mức bình thường, và có thể hơi bợ đỡ nếu họ có quyền lực. Nhưng khi chúng ta đối mặt với những người rõ ràng yếu đuối và nhu nhược hơn, thông thường con sư tử trong chúng ta sẽ xuất hiện một cách vô thức. Có lẽ chúng ta quyết định giúp đỡ họ, nhưng trộn lẫn với điều này là một cảm giác khinh miệt và tự tôn. Chúng ta trở nên khá hung hăng khi cố giúp đỡ họ, xếp đặt trật tự cho cuộc sống của họ, đưa ra lời khuyên có tính chất ép buộc. Hoặc nếu có chút đồng cảm với họ, chúng ta có thể cảm thấy buộc phải sử dụng họ cho những mục đích riêng của chúng ta theo cách thức nào đó và có thể cư xử với họ một cách thô lỗ và đe dọa. Tất cả những điều này xảy ra một cách vô thức; nói chung, chúng ta không trải nghiệm điều này như sự hung hăng, nhưng dù sao, khi so sánh sức mạnh bên trong của chúng ta với của những người khác, chúng ta không thể không giảm bớt hoặc tăng thêm mức độ hung hăng của mình.
Chúng ta có thể nhận thấy sự phân cách này - giữa những gì chúng ta nghĩ về bản thân và cách chúng ta thực sự hành động ở những thời điểm cụ thể - trong hành vi của bạn bè, đồng nghiệp và những người mà các phương tiện truyền thông đề cập tới. Tại nơi làm việc của chúng ta, chắc chắn một số người sẽ cố gắng tiến tới và giành lấy nhiều quyền lực hơn. Có lẽ họ đón nhận lời khen ngợi từ công việc của chúng ta, đánh cắp những ý tưởng của chúng ta, hoặc đẩy chúng ta ra khỏi một dự án, hoặc kết đồng minh khá chặt chẽ với những kẻ nắm quyền lực. Chúng ta có thể nhìn thấy trên phương tiện truyền thông xã hội những kẻ tỏ ra thích thú khi xúc phạm, tấn công và hạ bệ người khác. Chúng ta có thể thấy năng lượng mà với nó báo chí phơi bày những nhược điểm nhỏ nhất ở những kẻ nắm quyền lực, và sự điên cuồng nghiến ngấu thông tin này sau đó. Chúng ta có thể quan sát thấy bạo lực tràn lan trong các bộ phim và trò chơi, tất cả đều mượn danh một trò giải trí. Và trong suốt thời điểm đó, không ai thừa nhận là mình có thái độ hung hăng. Trên thực tế, mọi người trông có vẻ khiêm tốn và tiến bộ hơn bao giờ hết. Sự phân rẽ này rất sâu sắc.
Điều này có ý nghĩa như sau: Tất cả chúng ta đều hiểu rằng trong cả quá khứ lẫn hiện tại, con người đều có khả năng tỏ ra hung hăng dữ tợn. Chúng ta biết rằng trên thế giới có những tên tội phạm độc ác, những doanh nhân tham lam và vô đạo đức, những nhà đàm phán hiếu chiến và những kẻ quấy rối tình dục. Nhưng chúng ta tạo ra một đường vạch sắc nét giữa những ví dụ đó và bản thân chúng ta. Chúng ta có một chướng ngại vật vững chắc để chống lại việc tưởng tượng ra bất kỳ loại hình ảnh nào liên quan tới những khoảnh khắc hung hăng của chính chúng ta và những khoảnh khắc hung hăng rất đa dạng ở những người khác. Trên thực tế, chúng ta định nghĩa từ này để mô tả những biểu hiện mạnh mẽ hơn của sự hung hăng, những loại trừ chính bản thân chúng ta ra khỏi nó. Kẻ hằn thù, kẻ hiếu chiến, kẻ khơi mào mọi thứ luôn luôn là người khác.
Đây là một quan niệm sai lầm sâu sắc về bản chất con người. Sự hiếu chiến là một xu hướng tiềm ẩn trong mỗi cá nhân. Đây là một xu hướng đã được hình thành trong não bộ của nhân loại. Chúng ta trở thành động vật ưu việt trên hành tinh này chính xác là nhờ năng lượng công kích, được bổ sung bởi trí thông minh và sự tinh ranh của chúng ta.
Chúng ta không thể tách rời sự hiếu chiến này khỏi cách chúng ta tấn công các vấn đề, thay đổi môi trường để làm cho cuộc sống của chúng ta dễ dàng hơn, chống lại sự bất công hoặc tạo ra bất cứ thứ gì trên quy mô lớn. Từ gốc Latinh của từ hiếu chiến (aggression) có nghĩa là “bước về phía trước”, và khi tự khẳng định mình trong thế giới này và cố gắng tạo ra hoặc thay đổi bất cứ điều gì, chúng ta đang khai thác năng lượng này.
Sự hiếu chiến có thể phục vụ các mục đích tích cực. Đồng thời, trong những trường hợp nhất định, năng lượng này có thể đẩy chúng ta tới hành vi chống đối xã hội, tới việc thâu tóm quá nhiều hoặc cư xử với mọi người một cách hung hăng, thô lỗ. Những khía cạnh tích cực và tiêu cực là hai mặt của cùng một đồng xu. Và dù một số cá nhân rõ ràng hung hăng hơn những người khác, tất cả chúng ta đều có khả năng trượt vào mặt tiêu cực đó. Sự hiếu chiến của con người là một thể liên tiến, và tất cả chúng ta đều nằm trên dãy đó.
Việc không nhận thức được bản chất thực sự của mình gây ra cho chúng ta nhiều vấn đề. Chúng ta có thể trở nên hung hăng theo nghĩa tiêu cực mà không nhận ra điều gì đang xảy ra, và sau đó phải gánh chịu những hậu quả vì đã đi quá xa. Hoặc, cảm thấy không thoải mái với những thôi thúc tự khẳng định của chính mình và biết những rắc rối chúng có thể tạo ra, chúng ta có thể cố gắng kìm nén sự hung hăng của mình và tỏ ra là những kẻ khiêm nhường và tốt bụng, chỉ để trở nên gây hấn thụ động hơn trong hành vi của chúng ta. Năng lượng này không thể bị phủ nhận hoặc kìm nén; nó sẽ xuất hiện theo một cách nào đó. Nhưng với nhận thức, chúng ta có thể bắt đầu kiểm soát và hướng nó tới các mục đích hữu ích và tích cực. Để làm điều này, chúng ta phải hiểu nguồn gốc của sự hiếu chiến của toàn thể loài người, cách thức nó trở nên tiêu cực và vì sao một số người lại hung hăng hơn những người khác.
Nguồn gốc của sự hiếu chiến của con người
Không giống như bất kỳ động vật nào khác, con người nhận thức được tính chất khả tử của chính mình và biết rằng chúng ta có thể chết bất cứ lúc nào. Một cách có ý thức và vô thức, ý nghĩ này ám ảnh chúng ta trong suốt cuộc đời. Chúng ta biết rằng vị trí của mình trong cuộc sống không bao giờ được đảm bảo - chúng ta có thể đánh mất việc làm, địa vị xã hội và tiền bạc, thường vì những lý do ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Những người xung quanh cũng khó đoán như nhau - chúng ta không bao giờ có thể đọc được suy nghĩ của họ, lường trước hành động của họ hoặc hoàn toàn dựa vào sự hỗ trợ của họ. Chúng ta phụ thuộc vào những người khác, vốn không thường xuyên sẵn lòng giúp đỡ chúng ta. Chúng ta có những khao khát bẩm sinh nhất định đối với tình yêu, sự phấn khích và sự kích thích, và việc thỏa mãn những khao khát này theo cách chúng ta muốn thường nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Ngoài ra, tất cả chúng ta đều có những bất an nhất định xuất phát từ những vết thương hồi thời thơ ấu. Nếu các sự kiện hoặc mọi người kích hoạt những bất an này và mở lại những vết thương cũ, chúng ta cảm thấy đặc biệt dễ bị tổn thương và yếu đuối.
Điều này có nghĩa là con người liên tục bị quấy rầy bởi cảm giác bất lực đến từ nhiều nguồn. Nếu cảm giác này đủ mạnh hoặc kéo dài quá lâu, nó có thể trở nên không thể chịu đựng được. Chúng ta là những sinh vật có ý chí vốn khao khát quyền lực. Niềm khao khát quyền lực này không có gì là xấu xa hay phản xã hội; đó là một phản ứng tự nhiên đối với ý thức về điểm yếu và sự dễ bị thương tổn của chúng ta. Về bản chất, điều thúc đẩy phần lớn hành vi của chúng ta là có khả năng kiểm soát được các hoàn cảnh, cảm nhận được mối liên hệ giữa những gì chúng ta làm và những gì chúng ta nhận được - để cảm thấy rằng chúng ta có thể ảnh hưởng đến mọi người và các sự kiện ở một mức độ nào đó. Điều này làm giảm bớt cảm giác bất lực của chúng ta và làm cho sự khó lường của cuộc sống có thể chịu đựng được.
Chúng ta đáp ứng nhu cầu này bằng cách phát triển một cách vững chắc các kỹ năng làm việc giúp chúng ta bảo đảm tình trạng nghề nghiệp của mình và mang tới cho chúng ta cảm giác có thể kiểm soát được tương lai. Chúng ta cũng cố gắng phát triển các kỹ năng xã hội, cho phép chúng ta làm việc với người khác, chiếm được tình cảm của họ và có một mức độ ảnh hưởng nào đó đối với họ. Trong nhu cầu đối với sự phấn khích và kích thích, chúng ta thường chọn đáp ứng chúng thông qua các hoạt động khác nhau - thể thao, giải trí, quyến rũ - mà nền văn hóa của chúng ta cung cấp hoặc chấp nhận.
Tất cả các hoạt động này giúp chúng ta có được sự kiểm soát mà chúng ta khao khát, nhưng chúng cũng đòi hỏi rằng chúng ta phải nhận ra những giới hạn nhất định. Để có được khả năng đó trong công việc và các mối quan hệ, chúng ta phải kiên nhẫn. Chúng ta không thể ép buộc mọi thứ. Phải mất thời gian để đảm bảo vị trí nghề nghiệp của chúng ta, để phát triển khả năng sáng tạo thực sự, để học cách gây ảnh hưởng đến mọi người và quyến rũ họ. Nó cũng đòi hỏi phải tuân theo một số quy tắc xã hội và thậm chí cả luật pháp. Chúng ta không thể muốn làm bất cứ điều gì cũng được để tiến lên trong sự nghiệp; chúng ta không thể buộc mọi người tuân theo những mệnh lệnh của mình. Có thể gọi những chuẩn mực và quy luật này là những hàng rào an toàn mà chúng ta cẩn thận để ở bên trong chúng để giành được quyền lực trong khi vẫn được yêu thích và tôn trọng.
Tuy nhiên, ở một số thời điểm nhất định, chúng ta nhận thấy khó chấp nhận những giới hạn này. Chúng ta không thể thăng tiến trong sự nghiệp hoặc kiếm được nhiều tiền nhanh như chúng ta mong muốn. Chúng ta không thể làm cho mọi người làm việc với chúng ta ở mức độ mà chúng ta muốn, vì vậy chúng ta cảm thấy thất vọng. Hoặc có lẽ một vết thương có từ thời thơ ấu đột nhiên bị khơi lại. Nếu chúng ta dự đoán rằng một đối tác có thể chấm dứt mối quan hệ, và ruồng bỏ chúng ta; một cảm giác rất đáng sợ xuất phát từ sự lạnh lùng của cha mẹ khi còn nhỏ, chúng ta có thể dễ dàng phản ứng thái quá và cố gắng kiểm soát cá nhân đó, sử dụng tất cả khả năng thao túng của chúng ta và trở nên khá hung hăng. (Cảm giác yêu thương thường chuyển sang thù địch và hung hăng ở mọi người, bởi vì trong tình yêu, chúng ta cảm thấy phụ thuộc, dễ bị tổn thương và bất lực nhất).
Trong những trường hợp này, mong muốn có thêm tiền, quyền lực, tình yêu hoặc sự chú ý của chúng ta áp đảo bất kỳ sự kiên nhẫn nào mà chúng ta có thể có. Khi đó chúng ta có thể bị cám dỗ bước ra bên ngoài hàng rào an toàn, tìm kiếm quyền lực và sự kiểm soát theo một cách thức vốn vi phạm các quy tắc ngầm và thậm chí luật pháp. Nhưng đối với hầu hết chúng ta, khi vượt qua ranh giới, chúng ta cảm thấy không thoải mái và có lẽ hối hận. Chúng ta quay trở vào phía trong hàng rào an toàn, quay lại với những cách thức thông thường để cố gắng giành quyền lực và sự kiểm soát. Những hành động hung hăng như vậy có thể xảy ra ở một số thời điểm trong cuộc sống của chúng ta, nhưng chúng không trở thành một khuôn mẫu.
Tuy nhiên, đây không phải là trường hợp đối với những dạng người hung hăng hơn. Cảm giác bất lực hoặc thất vọng mà đôi khi chúng ta có thể cảm thấy quấy rầy họ một cách sâu sắc và thường xuyên hơn. Họ thường xuyên cảm thấy bất an và mong manh, và phải che đậy điều này với một sự nỗ lực và sự kiểm soát quá mức. Nhu cầu đối với quyền lực của họ khẩn thiết và mạnh mẽ đến độ họ không thể chấp nhận các giới hạn, và giẫm lên trên bất kỳ ý thức nào về sự hối hận hoặc trách nhiệm xã hội.
Có thể có một thành phần mang tính chất di truyền ở vấn đề này. Nhà phân tâm học Melanie Klein, chuyên nghiên cứu về trẻ sơ sinh, nhận thấy có một số em bé lo lắng và tham lam một cách rõ rệt hơn số khác. Ngay từ những ngày đầu tiên, chúng bú vú mẹ như thể đang tấn công và muốn nút khô nó. Chúng cần nhiều sự nâng niu và chú ý hơn những em bé khác. Hầu như không thể ngăn chúng lại mỗi khi chúng khóc và nổi cơn giận dữ. Chúng cảm thấy một mức độ bất lực cao hơn, gần như trạng thái kích động liên tục.
Những em bé như vậy chỉ là thiểu số, nhưng thông thường bà nhận thấy số lượng của chúng cũng không ít. Bà suy đoán rằng những người thường xuyên tỏ ra hung hăng có thể là phiên bản trưởng thành của đứa bé tham lam. Đơn giản là họ được sinh ra với nhu cầu lớn hơn đối với việc kiểm soát mọi thứ xung quanh. Họ nghiền ngẫm nhiều hơn về những cảm giác bị tổn thương hay ghen tị: “Tại sao những người khác lại có nhiều hơn tôi?” Khi họ cảm thấy như thể họ đang mất đi sự kiểm soát ở bất kỳ mức độ nào, khuynh hướng của họ là phóng đại mối đe dọa, phản ứng một cách thái quá và cố chụp giật mọi thứ nhiều hơn mức cần thiết.
Cũng đúng là cuộc sống gia đình ở tuổi thơ ấu có thể đóng một vai trò quyết định. Theo nhà phân tâm học và nhà văn Erich Fromm, nếu cha mẹ quá độc đoán, nếu họ đè nén nhu cầu đối với quyền lực và sự độc lập của con cái, thông thường về sau này những đứa trẻ đó sẽ là kiểu người thích thống trị và áp chế những người khác. Nếu họ bị đánh khi còn nhỏ, họ thường viện tới việc đánh đập và lạm dụng thể xác khi trưởng thành. Bằng cách này, họ biến sự thụ động do bị ép buộc của họ trong thời thơ ấu thành một thứ gì đó chủ động khi trưởng thành, mang lại cho họ cảm giác kiểm soát mà họ vô cùng thiếu thốn trong những năm đầu đời thông qua hành vi gây hấn.
Bất kể nguyên nhân của các xu hướng này là gì, những dạng người này không quay trở vào bên trong hàng rào an toàn; thay vì thế, họ liên tục viện tới hành vi gây hấn. Họ có một ý chí mạnh mẽ khác thường và nôn nóng muốn thỏa mãn những mong muốn của họ thông qua các kênh được xã hội chấp nhận. Họ nhận thấy những cách thức bình thường để đạt được sự kích thích quá tẻ nhạt. Họ cần một cái gì đó mạnh mẽ hơn và ngay lập tức hơn. Nếu là loại người gây hấn thô sơ, họ có thể chuyển sang hành vi tội phạm hoặc đơn giản trở thành kẻ bắt nạt công khai; nếu tinh vi hơn, họ sẽ học được cách kiểm soát hành vi này ở một mức độ nào đó và sử dụng nó khi cần thiết.
Điều này có nghĩa là sự gây hấn của con người bắt nguồn từ sự bất an tiềm ẩn, trái ngược với việc chỉ đơn giản là một thôi thúc muốn làm tổn thương hoặc tước đoạt của kẻ khác. Trước khi có bất kỳ thôi thúc nào để có hành vi gây hấn, những kẻ hung hăng đang xử lý một cách vô thức cảm giác bất lực và lo lắng. Họ thường nhận thức được những mối đe dọa vốn không thực sự hiện diện tại đó, hoặc phóng đại chúng lên. Họ hành động để ngăn chặn sự tấn công tưởng tượng của kẻ khác, hoặc vồ lấy mọi thứ để chế ngự một tình huống mà họ cảm thấy có thể tránh khỏi sự kiểm soát của họ. (Những cảm giác như vậy cũng kích động kiểu gây hấn tích cực. Việc cảm thấy nhu cầu chống lại một sự bất công hoặc tạo ra một cái gì đó quan trọng đến ngay sau cảm giác lo lắng và bất an. Nó vẫn là một nỗ lực kiểm soát vì các mục đích tích cực). Khi nhìn vào bất kỳ kẻ thường xuyên gây hấn nào xung quanh chúng ta, chúng ta phải tìm kiếm sự bất an tiềm ẩn, vết thương sâu, những cảm giác bất lực còn vọng lại từ những năm đầu đời của họ.
Chúng ta có thể nhận thấy hiện tượng thú vị sau: Những người độc đoán thường cực kỳ không khoan dung với bất kỳ loại bất đồng nào. Họ cần được bao quanh bởi những kẻ nịnh hót và liên tục được nhắc nhở về sự vĩ đại và ưu việt của họ. Nếu những kiểu người này có quyền lực chính trị, họ hành động để giảm bớt bất kỳ dư luận tiêu cực nào và kiểm soát những gì mọi người nói về họ. Chúng ta phải xem sự mẫn cảm trước những lời chỉ trích này là một dấu hiệu của một nhược điểm lớn bên trong. Một người thực sự mạnh mẽ từ bên trong có thể chịu đựng những lời chỉ trích và thảo luận cởi mở mà không cảm thấy bị đe dọa. Nhìn chung, những kẻ hiếu chiến và những kiểu người độc đoán là chuyên gia trong việc che giấu điểm yếu bên trong sâu sắc này bằng cách liên tục phóng chiếu sự cứng rắn và niềm tin chắc chắn. Nhưng chúng ta phải tự rèn luyện để nhìn xuyên qua tấm mặt nạ của họ và trông thấy sự mong manh bên trong. Điều này có thể giúp ích rất nhiều cho chúng ta trong việc kiểm soát bất kỳ cảm giác sợ hãi hoặc bị đe dọa nào, mà những kẻ hiếu chiến rất thích khơi gợi.
Có những phẩm chất khác của sự gây hấn thường xuyên mà chúng ta phải hiểu. Đầu tiên, những kẻ hung hăng có ít sự khoan dung hơn đối với những cảm giác bất lực và lo lắng so với phần còn lại của chúng ta. Điều gì có thể khiến chúng ta cảm thấy thất vọng hoặc không an toàn thường sẽ kích hoạt trong họ một phản ứng mạnh mẽ và giận dữ hơn nhiều. Đây có lẽ là lý do tại sao sự gây hấn thường xuyên phổ biến hơn nhiều ở nam giới so với nữ giới. Nam giới cảm thấy khó kiểm soát được cảm giác phụ thuộc và bất lực, một điều mà các nhà tâm lý học đã lưu ý ở trẻ sơ sinh nam. Nhìn chung, nam giới bất an về tình trạng của họ trong thế giới làm việc và những nơi khác nhiều hơn. Họ có nhu cầu lớn hơn đối với việc liên tục khẳng định bản thân và đo lường ảnh hưởng của họ đối với người khác. Lòng tự trọng của họ gắn liền với những cảm giác về quyền lực, sự kiểm soát và sự tôn trọng các ý kiến của họ. Và do đó, việc kích hoạt phản ứng gây hấn ở nam giới sẽ dễ hơn nhiều. Trong mọi trường hợp, chúng ta phải luôn ý thức rằng kẻ gây hấn thường xuyên nhạy cảm hơn chúng ta và nếu biết rằng mình đang đối phó với loại này, chúng ta phải đặc biệt cẩn thận để không vô tình kích hoạt phản ứng giận dữ của họ bằng cách thách thức lòng tự trọng của họ hoặc chỉ trích họ.
Một khía cạnh phổ biến khác của hành vi gây hấn là nó có thể dễ dàng trở thành một chứng nghiện. Khi thực hiện mong muốn của mình một cách công khai và ngay lập tức, để có được những người giỏi nhất thông qua các mánh khóe của họ, cơ thể của những kẻ gây hấn giải phóng một lượng adrenaline có thể gây nghiện. Họ cảm thấy bị kích thích và phấn khích, và so với cảm giác này, những cách giải tỏa sự nhàm chán dễ được xã hội chấp nhận hơn trông có vẻ quá nhạt nhẽo. (Tất nhiên cảm giác mạnh trong việc kiếm tiền một cách dễ dàng, dù với tư cách những nhà môi giới ở Phố Wall đang rao bán những khoản đầu tư đáng ngờ hay như những tên trộm đánh cắp bất cứ thứ gì có thể, đều có một đặc tính gây nghiện rất cao). Thoạt nhìn, điều này trông có vẻ như sự tự hủy hoại, vì mỗi lần đợt bùng nổ mang tính gây hấn sẽ tạo thêm nhiều kẻ thù và những hậu quả khôn lường. Nhưng những kẻ gây hấn thường rất giỏi trong việc tăng khoản đặt cược với hành vi thậm chí còn đáng sợ hơn, do đó sẽ có rất ít người thách thức họ.
Điều này thường dẫn đến hiện tượng “cái bẫy của kẻ gây hấn”: Họ càng có nhiều quyền lực và đế chế của họ càng lớn, họ càng tạo ra nhiều điểm dễ bị tổn thương; họ có nhiều đối thủ và kẻ thù phải lo lắng hơn. Tia lửa này trong họ cần phải ngày càng hung hăng hơn và ngày càng có nhiều sức mạnh hơn. (Chắc chắn Rockefeller đã trở thành nạn nhân của động năng này). Họ cũng cảm thấy rằng ngừng hành động theo cách này sẽ khiến cho họ trông có vẻ yếu đuối. Bất kể những kẻ gây hấn có thể nói gì với chúng ta hoặc cố gắng che đậy những dự định của mình như thế nào, chúng ta phải nhận ra rằng khuôn mẫu hành vi trong quá khứ của họ chắc chắn sẽ tiếp tục ở hiện tại, bởi vì cả hai đều có tính chất gây nghiện và bị mắc bẫy. Đừng bao giờ ngây thơ khi đối phó với họ. Họ sẽ hành động không ngừng nghỉ. Nếu họ lùi lại một bước, đó chỉ là nhất thời. Họ hiếm khi có khả năng thay đổi khuôn mẫu cơ bản này trong hành vi của mình.
Chúng ta cũng phải nhận thức được rằng những kẻ gây hấn xem những người xung quanh là đối tượng để lợi dụng. Họ có thể có một sự đồng cảm tự nhiên, nhưng vì nhu cầu về quyền lực và sự kiểm soát của họ rất mạnh mẽ, họ không thể đủ kiên nhẫn để chỉ dựa vào sự quyến rũ và các kỹ năng xã hội. Để có được thứ mình muốn, họ phải lợi dụng mọi người, và điều này trở thành một thói quen vốn giảm thiểu bất kỳ sự đồng cảm nào họ từng có. Họ cần các tín đồ và đệ tử, vì vậy họ tự rèn luyện để lắng nghe, thỉnh thoảng ca ngợi người khác và làm ơn cho mọi người. Tuy nhiên, sự quyến rũ mà họ có thể thể hiện trong dịp này chỉ nhằm gây ảnh hưởng và rất thiếu hơi ấm tình người. Khi lắng nghe chúng ta, họ đang đo lường sức mạnh ý chí của chúng ta và nhìn xem chúng ta có thể phục vụ ra sao cho các mục đích sắp tới của họ. Nếu họ khen ngợi hoặc giúp đỡ chúng ta, đó là một cách thức để đánh lừa và gây tổn hại cho chúng ta. Chúng ta có thể nhìn thấy điều này trong các tín hiệu phi ngôn ngữ, trong đôi mắt nhìn thấu chúng ta, trong cách họ tham gia vào câu chuyện của chúng ta một cách thờ ơ. Chúng ta phải luôn cố gắng làm cho mình miễn nhiễm với bất kỳ nỗ lực quyến rũ nào từ phía họ, biết rõ mục đích của nó là gì.
Thật thú vị khi nhận thấy rằng bất kể những phẩm chất tiêu cực xã hội mà những kẻ gây hấn không thể tránh khỏi bộc lộ, họ thường có thể thu hút đủ người đi theo để giúp họ trong cuộc tìm kiếm quyền lực. Những người bị thu hút bởi những kẻ gây hấn đó thường có những vấn đề sâu sắc của riêng họ, những mong muốn gây hấn tuyệt vọng của riêng họ. Họ nhận thấy sự tự tin và đôi khi sự trơ tráo của kẻ gây hấn khá thú vị và hấp dẫn. Họ yêu câu chuyện tự sự. Họ nhiễm phải sự hung hăng của người lãnh đạo và bắt đầu áp dụng nó với những người khác, có lẽ là những người bên dưới họ. Nhưng một môi trường như vậy rất mệt mỏi, và những người phục vụ kẻ gây hấn liên tục tấn công vào lòng tự trọng của chính họ. Với hầu hết những kẻ gây hấn, thu hoạch luôn cao và đạo đức luôn thấp. Như nhà viết kịch Hy Lạp cổ đại Sophocles đã từng viết, “Bất kỳ kẻ nào bước vào triều của một bạo chúa đều trở thành nô lệ của hắn ta, dù trước khi tới đó y là một con người tự do”.
CÔNG VIỆC CỦA BẠN VỚI TƯ CÁCH MỘT KẺ NGHIÊN CỨU VỀ BẢN CHẤT con người có ba phần: Đầu tiên, bạn phải ngừng phủ nhận thực tế về xu hướng gây hấn của chính mình. Bạn đang ở trên dãy tích cực, như tất cả chúng ta. Tất nhiên, có một số người ở phần thấp hơn của dãy này. Có lẽ họ thiếu tự tin vào khả năng của mình để có được thứ họ muốn; hoặc đơn giản là họ có ít năng lượng hơn. Nhưng rất nhiều người trong chúng ta đang ở trong phạm vi từ giữa lên trên trong dãy này, với mức độ ý chí tương đối mạnh. Năng lượng quyết đoán này phải được sử dụng theo một cách nào đó và sẽ có xu hướng đi theo một trong ba hướng.
Đầu tiên, chúng ta có thể hướng năng lượng này vào công việc của mình, vào việc kiên nhẫn đạt được mọi thứ (sự gây hấn có kiểm soát). Thứ hai, chúng ta có thể hướng nó vào hành vi gây hấn hoặc gây hấn thụ động. Cuối cùng, chúng ta có thể biến nó thành hình thức tự ghét mình, hướng sự tức giận và hung hăng của chúng ta vào những thất bại của chính chúng ta và kích hoạt kẻ phá hoại bên trong của chúng ta (sẽ nói nhiều hơn về điều này sau). Bạn cần phân tích cách bạn xử lý năng lượng quyết đoán của mình. Một cách để đánh giá bản thân là xem cách bạn xử lý những khoảnh khắc thất vọng và không chắc chắn, những tình huống mà bạn có ít sự kiểm soát hơn. Bạn có xu hướng đả kích, tức giận và căng thẳng, và làm những điều mà sau này bạn hối hận hay chăng? Hay bạn đồng hóa với sự tức giận và trở nên chán nản? Hãy nhìn vào những khoảnh khắc không thể tránh khỏi khi bạn đã đi qua hàng rào an toàn và phân tích chúng. Bạn không dịu dàng và yêu hòa bình như bạn tưởng tượng. Hãy lưu ý điều gì đã đẩy bạn vào hành vi này và việc bạn đã tìm ra cách để hợp lý hóa hành vi của mình như thế nào trong những thời điểm đó. Lúc bấy giờ, với một khoảng cách nào đó, có lẽ bạn có thể nhìn thấu những sự hợp lý hóa đó.
Mục tiêu của bạn không phải là kìm nén năng lượng quyết đoán này mà là ý thức về nó khi nó thúc đẩy bạn tiến về phía trước và định hướng nó một cách hiệu quả. Cần phải thừa nhận với bản thân rằng bạn rất muốn có một tầm ảnh hưởng đối với mọi người, có quyền lực, và để nhận ra điều này bạn phải phát triển các kỹ năng xã hội và kỹ thuật cao hơn, phải trở nên kiên nhẫn và kiên cường hơn. Bạn cần phải chế ngự và đưa năng lượng quyết đoán tự nhiên của bạn vào vòng kỷ luật. Đây là cái mà chúng ta sẽ gọi là sự gây hấn có kiểm soát, và nó sẽ dẫn đến việc hoàn thành những điều tuyệt vời. (Để biết thêm chi tiết, xem phần cuối của chương này).
Công việc thứ hai của bạn là biến mình thành một bậc thầy trong việc quan sát sự gây hấn ở mọi người xung quanh. Ví dụ, khi nhìn vào thế giới làm việc của mình, hãy tưởng tượng rằng bạn có thể nhìn thấy rõ cuộc chiến liên tục giữa các cấp độ ý chí khác nhau của mọi người, và tất cả các mũi tên giao nhau của những xung đột đó. Những người quyết đoán hơn dường như vươn lên dẫn đầu, nhưng chắc chắn họ sẽ thể hiện những dấu hiệu phục tùng đối với những người cao cấp hơn. Nó không khác nhiều so với thứ bậc mà chúng ta có thể quan sát được ở những con tinh tinh. Nếu bạn ngừng tập trung vào lời nói của mọi người và vẻ ngoài mà họ thể hiện, và tập trung vào những hành động và những tín hiệu phi ngôn ngữ của họ, bạn gần như có thể cảm nhận được mức độ gây hấn mà họ phát ra.
Khi xem xét hiện tượng này, điều quan trọng là bạn phải khoan dung với mọi người: Ở một số điểm, tất cả chúng ta đều vượt qua ranh giới và trở nên hung hăng hơn mức bình thường, thường là do hoàn cảnh. Khi đề cập tới những người mạnh mẽ và thành công, thế giới này không thể đạt đến tầm cao như vậy nếu không có những cấp độ gây hấn cao hơn và một sự thao túng nào đó. Để hoàn thành những điều tuyệt vời, chúng ta có thể tha thứ cho những hành vi khắc nghiệt và quyết đoán của họ. Điều bạn cần xác định là có phải bạn đang đối phó với những kẻ gây hấn thường xuyên, những kẻ không thể chịu đựng được sự chỉ trích hoặc thách thức ở bất kỳ cấp độ nào, những kẻ mà mong muốn kiểm soát của họ vượt quá mức bình thường, và những kẻ sẽ nuốt chửng bạn trong cuộc truy tìm không ngừng nghỉ của họ để đạt được nhiều hơn hay không.
Hãy tìm kiếm một số dấu hiệu chỉ báo. Đầu tiên, nếu họ có số lượng kẻ thù cao bất thường mà họ đã tích lũy trong nhiều năm, hẳn phải có một lý do chính đáng, và đó không phải là lý do mà họ nói với bạn. Hãy chú ý đến cách họ biện minh cho những hành động của mình. Những kẻ gây hấn sẽ có xu hướng thể hiện mình như những chiến sĩ thập tự, như một hình thức thiên tài nào đó vốn không thể không hành xử theo cách đó. Họ đang sáng tạo một tuyệt tác, họ nói, hoặc đang giúp đỡ một con người nhỏ bé. Những người cản đường họ là những kẻ vô đạo xấu xa. Họ sẽ tuyên bố, như Rockefeller từng tuyên bố, rằng không ai bị chỉ trích hay điều tra nhiều như họ; họ là nạn nhân, không phải là kẻ gây hấn. Câu chuyện tự sự của họ càng to tiếng và cực đoan, bạn càng có thể chắc chắn rằng bạn đang đối phó với những kẻ gây hấn thường xuyên. Hãy tập trung vào những hành động và những khuôn mẫu hành vi của họ thay vì bất cứ điều gì họ nói.
Bạn cũng có thể tìm kiếm những dấu hiệu tinh tế hơn. Những kẻ gây hấn thường có tính cách bị ám ảnh. Có những thói quen tỉ mỉ và tạo ra một môi trường hoàn toàn có thể dự đoán được là cách để họ nắm giữ sự kiểm soát. Nỗi ám ảnh đối với một đối tượng hoặc một cá nhân cho thấy một khao khát muốn nuốt chửng đối tượng/cá nhân đó. Ngoài ra, hãy chú ý đến các tín hiệu phi ngôn ngữ. Với Rockefeller, chúng ta thấy rằng ông không thể chịu nổi việc bị bất cứ ai qua mặt trên con đường đi của mình. Dạng người gây hấn sẽ thể hiện những nỗi ám ảnh mang tính chất vật lý như thế - luôn luôn ở phía trước và trung tâm. Trong mọi trường hợp, bạn càng sớm phát hiện ra các dấu hiệu thì càng tốt.
Một khi đã nhận ra mình đang đối phó với loại người này, bạn phải sử dụng từng cân năng lượng của mình để giải phóng tinh thần, để giành quyền kiểm soát phản ứng cảm xúc của bạn. Thông thường điều sẽ xảy ra khi bạn đối mặt với những kẻ gây hấn là thoạt tiên bạn cảm thấy bị mê hoặc và thậm chí bị tê liệt ở một mức độ nào đó, như thể đang đối mặt với một con rắn. Sau đó, khi đã thấu hiểu những gì họ đã làm, bạn trở nên xúc động - tức giận, phẫn nộ, sợ hãi. Một khi bạn ở trong trạng thái đó, họ sẽ dễ dàng khiến cho bạn phản ứng một cách không suy nghĩ. Sự tức giận của bạn không dẫn đến bất cứ điều gì hữu ích mà chỉ dẫn tới sự cay đắng và thất vọng theo thời gian. Giải pháp duy nhất của bạn là tìm cách thoát ra khỏi bùa mê của họ, từng chút một. Nhìn thấu những hành vi thao túng của họ, suy ngẫm về điểm yếu tiềm ẩn đã thôi thúc họ, giảm thiểu tầm cỡ của họ. Luôn tập trung vào các mục tiêu của họ, những gì họ thực sự theo đuổi, chứ không phải những thứ gây phân tâm mà họ dựng lên.
Nếu không thể tránh khỏi việc chiến đấu với họ, đừng bao giờ trực tiếp đối đầu hoặc thách thức họ một cách công khai. Nếu họ là loại tinh vi, họ sẽ sử dụng toàn bộ sự xảo quyệt của họ để hủy hoại bạn, và họ có thể rất kiên trì. Bạn phải luôn luôn chiến đấu với họ theo cách gián tiếp. Tìm kiếm những điểm dễ bị tổn thương mà chắc chắn họ đang che đậy. Đây có thể là danh tiếng đáng ngờ của họ, một số hành động đặc biệt bẩn thỉu trong quá khứ mà họ đã cố gắng giữ bí mật. Chọc sâu vào những vết nhơ trong câu chuyện tự sự của họ. Thông qua việc vạch trần những gì họ muốn giấu kín, bạn có một vũ khí mạnh mẽ để khiến cho họ sợ hãi khi tấn công bạn. Hãy nhớ rằng nỗi sợ lớn nhất của họ là đánh mất sự kiểm soát. Suy nghĩ về hành động có thể khiến cho họ sợ hãi; tạo ra một phản ứng dây chuyền đối với các sự kiện có thể vượt khỏi tầm kiểm soát. Làm cho chiến thắng dễ dàng mà họ đang dự tính với bạn đột nhiên có vẻ như phải trả giá đắt hơn.
Nhìn chung, những kẻ gây hấn có một lợi thế là họ sẵn sàng vượt ra ngoài hàng rào an toàn thường xuyên hơn và mở rộng phạm vi hơn khi chống lại bạn. Điều này mang lại cho họ nhiều lựa chọn hơn, nhiều động thái bẩn thỉu hơn vốn có thể làm cho bạn ngạc nhiên. Trong các cuộc đàm phán, họ sẽ tấn công bạn với một thay đổi nào đó vào phút cuối trong những gì họ đã thỏa thuận, vi phạm tất cả các quy tắc nhưng biết bạn sẽ nhượng bộ vì bạn đã đi xa đến mức này và không muốn hủy hoại hết mọi thứ. Họ sẽ lan truyền những tin đồn và thông tin sai lệch để khuấy đục nước và làm cho bạn trông có vẻ đáng ngờ giống như họ. Bạn phải cố gắng lường trước những động thái này và giật lấy yếu tố bất ngờ từ tay những kẻ gây hấn.
Thỉnh thoảng, bản thân bạn cũng phải sẵn sàng mạo hiểm vượt ra khỏi hàng rào an toàn, dù biết rằng đây là một biện pháp tự vệ tạm thời. Bạn có thể lừa dối và đánh lạc hướng họ, tỏ ra yếu đuối hơn thực tế, dẫn dụ họ vào một cuộc tấn công sẽ khiến cho họ trông có vẻ tồi tệ mà bạn đã chuẩn bị sẵn một cuộc phản công xảo quyệt. Thậm chí bạn có thể lan truyền những tin đồn vốn sẽ có xu hướng làm mất cân bằng tâm trí của họ, vì họ không quen với việc kẻ khác sử dụng những thủ đoạn tương tự để quật ngược lại họ. Trong mọi trường hợp, với khoản đặt cược cao, bạn phải tính toán rằng việc đánh bại kẻ gây hấn quan trọng hơn việc duy trì đạo đức trong sạch của bạn.
Cuối cùng, công việc thứ ba của bạn với tư cách một kẻ nghiên cứu bản chất con người, là loại bỏ việc phủ nhận các khuynh hướng gây hấn rất thật trong bản chất con người và ý nghĩa mà sự gây hấn đó có thể có đối với tương lai của chúng ta. Sự phủ nhận này có xu hướng khoác lấy hình thức của một trong hai huyền thoại mà bạn có thể tính vào. Huyền thoại đầu tiên là từ lâu chúng ta là những sinh vật yêu chuộng hòa bình, hòa hợp với thiên nhiên và với đồng loại. Đó là huyền thoại về sự man rợ cao quý, về người săn bắn - hái lượm vô tội. Hàm ý ở đây là nền văn minh, cùng với sự phát triển của sở hữu tư nhân và chủ nghĩa tư bản, đã biến con người hòa bình thành một sinh vật hung hăng và ích kỷ. Xã hội của chúng ta có xu hướng đổ lỗi cho điều này, và từ đó hình thành nên huyền thoại. Bằng cách phát triển một hệ thống chính trị và xã hội bình đẳng hơn, chúng ta có thể trở lại với lòng tốt tự nhiên và bản chất yêu chuộng hòa bình của chúng ta.
Tuy nhiên, những phát hiện gần đây về nhân loại học và khảo cổ học đã chứng minh chắc chắn rằng tổ tiên của chúng ta (trở lại hàng chục ngàn năm trước khi có nền văn minh) từng tham gia vào những cuộc chiến khốc liệt và tàn bạo không kém bất kỳ cuộc chiến nào hiện nay. Họ gần như không có đời sống hòa bình. Ngoài ra còn có rất nhiều ví dụ về các nền văn hóa bản địa vốn đã phá hủy phần lớn hệ thực vật và động vật trong môi trường của chúng trong một cuộc tìm kiếm bất tận các nguồn thức ăn và nơi trú ẩn, khiến nhiều loài bị tuyệt chủng và tước đoạt toàn bộ những khu vực của cây cối. (Để biết thêm về điều này, hãy đọc War Before Civilization của Lawrence H. Keeley và The Third Chimpanzee của Jared Diamond). Khả năng lớn lao của con người trong việc hợp tác với các nền văn hóa này thường được sử dụng trong những cuộc giao tranh đẫm máu nhất.
Một huyền thoại khác, hiện nay phổ biến hơn, là chúng ta có thể từng tàn bạo hung dữ trong quá khứ, nhưng chúng ta hiện đang tiến hóa vượt khỏi điều này, trở nên khoan dung hơn, được khai sáng nhiều hơn và được dẫn dắt bởi các thiên thần tốt hơn của chúng ta. Nhưng những dấu hiệu gây hấn của con người cũng phổ biến trong thời đại của chúng ta hệt như trong quá khứ. Chúng ta có thể đưa ra bằng chứng về các chu kỳ chiến tranh bất tận, các hành động diệt chủng và sự thù địch ngày càng tăng giữa các quốc gia và giữa các sắc tộc trong các quốc gia vẫn tiếp diễn trong thế kỷ này. Sức mạnh to lớn của công nghệ chỉ tăng cường sức mạnh hủy diệt của chúng ta khi tham chiến. Và về căn bản, sự hủy hoại môi trường của chúng ta chỉ ngày càng tồi tệ hơn, bất chấp ý thức của chúng ta về vấn đề nan giải này.
Chúng ta cũng có thể nhận thấy mức độ bất bình đẳng ngày càng tăng về quyền lực và sự giàu có trên toàn cầu trong thời gian gần đây, đang đến gần sự cách biệt vốn tồn tại từ nhiều thế kỷ trước. Sự bất bình đẳng này tiếp tục tái sinh trong xã hội loài người vì chắc chắn có những cá nhân hung hăng hơn những người khác trong vấn đề tích lũy quyền lực và sự giàu có. Dường như không có quy tắc hay luật pháp nào ngăn chặn được điều này. Kẻ có quyền lực tự viết ra các quy tắc để thủ lợi cho mình. Và xu hướng độc quyền của thế kỷ 19, với những dấu hiệu của sự gây hấn mang tính chất tập đoàn mà tiêu biểu là Standard Oil, đã tự định hình lại cho phù hợp với các ngành công nghiệp mới nhất.
Trong quá khứ, người ta tham dự các vụ hành quyết như một hình thức giải trí. Chúng ta có thể không đến nỗi như thế, nhưng hiện nay có nhiều người hơn bao giờ hết, thích xem những người khác bị sỉ nhục trên các chương trình thực tế hoặc tin tức, và say mê các trò chơi và phim ảnh vốn vui thích với những miêu tả minh họa về việc giết người và đổ máu. (Chúng ta cũng có thể thấy một khía cạnh gây hấn ngày càng gia tăng đối với đầu óc thích đùa của chúng ta).
Với công nghệ hiện nay, việc thể hiện và đáp ứng những khao khát mang tính gây hấn của chúng ta trở nên dễ dàng hơn nhiều. Không cần phải trực tiếp đối mặt với mọi người, trên Internet, những tranh luận và chỉ trích của chúng ta có thể trở nên thù địch, nóng nảy và cá nhân hơn nhiều. Internet cũng đã tạo ra một thứ vũ khí mới và mạnh mẽ - chiến tranh trên mạng. Như vẫn luôn là thế, bọn tội phạm chỉ đơn giản áp dụng công nghệ để trở nên sáng tạo và khó nắm bắt hơn.
Sự gây hấn của con người chỉ đơn giản thích nghi với những phát minh công nghệ và truyền thông mới nhất, tìm ra những cách để thể hiện và tự giải tỏa thông qua chúng. Bất kể phát minh mới về lĩnh vực truyền thông trong 100 năm qua là gì đi nữa, nó có thể sẽ chịu chung số phận đó. Như Gustave Flaubert đã nói, “Cứ nói về sự tiến bộ tùy ý thích của bạn. Ngay cả khi bạn nhổ hết răng nanh của một con cọp và nó chỉ có thể ăn cháo, trái tim của nó vẫn là trái tim của một con thú ăn thịt”.
Sự gây hấn của con người ở các cá nhân và các nhóm có xu hướng nổi lên hoặc nóng lên khi chúng ta cảm thấy bất lực và dễ bị tổn thương, khi sự nôn nóng muốn nắm quyền kiểm soát và gây ảnh hưởng tăng lên. Và khi số lượng người và nhóm ngày càng tăng theo cách này, chúng ta có thể mong đợi rằng điều này chỉ ngày càng gia tăng chứ không bao giờ giảm đi trong tương lai. Chiến tranh sẽ trở nên bẩn thỉu hơn. Khi sự bất an gia tăng, sẽ có nhiều cuộc đối đầu giữa các nhóm chính trị, giữa các nền văn hóa, giữa các thế hệ, giữa nam và nữ. Và thậm chí sẽ có những cách thức hay ho hơn và tinh vi hơn để con người biện minh cho sự gây hấn của họ đối với bản thân và thế giới.
Sự phủ nhận hiện tại đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết - luôn luôn là kẻ khác, phía khác, nền văn hóa khác hung hăng hơn và phá hoại hơn. Cuối cùng chúng ta phải đồng ý với thực tế rằng đó không phải là ai khác mà là chính chúng ta, tất cả chúng ta, bất kể ở thời đại hay nền văn hóa nào. Phải thừa nhận thực tế này về bản chất của chúng ta trước khi chúng ta có thể bắt đầu xem xét tới việc vượt ra khỏi nó. Chúng ta chỉ có thể bắt đầu nghĩ về sự tiến bộ từ trong ý thức của mình.
Sự gây hấn thụ động - những chiến lược của chúng và cách để phản công chúng
Hầu hết chúng ta đều sợ sự đối đầu trực tiếp; chúng ta muốn tỏ ra lịch sự và hòa đồng. Nhưng thông thường sẽ không thể có được những gì chúng ta muốn nếu không khẳng định bản thân theo một cách nào đó. Mọi người có thể ngoan cố và chống lại ảnh hưởng của chúng ta, bất kể chúng ta dễ chịu đến đâu. Và đôi khi chúng ta cần một sự giải thoát khỏi tất cả những căng thẳng bên trong vốn xuất phát từ việc phải quá cung kính và đúng đắn. Và vì vậy, tất cả chúng ta chắc chắn sẽ tham gia vào hành vi mà trong đó chúng ta tự khẳng định bản thân một cách gián tiếp, cố gắng kiểm soát hoặc gây ảnh hưởng một cách tinh tế nhất có thể. Có lẽ nên dành thêm thời gian để hồi đáp những truyền đạt thông tin của mọi người, để ra hiệu rằng chúng ta hơi coi thường họ; hoặc chúng ta tỏ vẻ như đang khen ngợi mọi người nhưng thật ra đang dè bỉu họ một cách tinh vi và có những nghi ngờ. Đôi khi chúng ta đưa ra một nhận xét có thể được coi là khá trung tính, nhưng giọng nói và biểu cảm trên khuôn mặt của chúng ta cho thấy chúng ta đang bực tức, và đang nghĩ tới một hành vi tội lỗi nào đó.
Có thể gọi đây là hình thức gây hấn thụ động, trong đó chúng ta tạo ra vẻ ngoài rằng chúng ta chỉ đơn thuần là chính mình, không chủ động thao túng hoặc cố gắng gây ảnh hưởng đến mọi người. Tuy nhiên, chúng ta đang gửi đi một thông điệp vốn tạo ra hiệu ứng mà chúng ta mong muốn. Chúng ta không bao giờ hoàn toàn thụ động như chúng ta tỏ vẻ trong vấn đề này. Trong tâm trí, chúng ta nhận thức được rằng chúng ta đang mất thêm thời gian để quay lại với ai đó hoặc đưa ra chỉ trích trong một nhận xét, nhưng đồng thời chúng ta cũng có thể giả vờ với chính mình và với người khác rằng chúng ta vô tội. (Con người chúng ta có khả năng duy trì những suy nghĩ mâu thuẫn như vậy cùng một lúc). Nói chung, chúng ta phải coi phiên bản gây hấn thụ động hằng ngày này chỉ là một phần khó chịu của đời sống xã hội, một tội lỗi mà tất cả chúng ta đều phạm phải. Chúng ta nên càng khoan dung càng tốt đối với sự gây hấn thụ động cấp thấp này, vốn phát triển mạnh trong xã hội văn minh lịch sự.
Tuy nhiên, có một số người là những kẻ gây hấn thụ động thường xuyên. Giống như những kẻ gây hấn chủ động hơn, nhìn chung họ có một mức năng lượng cao và có nhu cầu đối với sự kiểm soát, nhưng đồng thời cũng có một nỗi sợ hãi khi phải thẳng thắn đối đầu. Họ thường có cha mẹ độc đoán hoặc bỏ bê con cái; gây hấn thụ động trở thành cách thức để họ thu hút sự chú ý hoặc để khẳng định ý chí của mình trong khi tránh bị trừng phạt. Cách hành xử đó sẽ trở thành khuôn mẫu của họ khi trưởng thành, vì họ thường lặp lại các loại chiến lược tương tự vốn từng có hiệu quả trong thời thơ ấu. (Thông thường, nếu quan sát kỹ kẻ gây hấn thụ động, chúng ta có thể nhìn thấy đứa trẻ thao túng đang nhìn trộm qua tấm mặt nạ người lớn).
Những kiểu người gây hấn thụ động thường xuyên này hoạt động trong một mối quan hệ cá nhân hoặc công việc, trong đó các chiến lược gây hấn thụ động nhỏ giọt của họ có thể có tác dụng đối với một cá nhân theo thời gian. Họ là những bậc thầy trong việc tỏ ra mơ hồ và khó nắm bắt - chúng ta không bao giờ có thể hoàn toàn chắc chắn rằng họ đang tấn công chúng ta; có lẽ chúng ta đang tưởng tượng ra mọi thứ và bị hoang tưởng. Nếu họ trực tiếp gây hấn, chúng ta sẽ nổi giận và chống lại họ, nhưng bằng cách gây hấn gián tiếp, họ gieo rắc sự nhầm lẫn và khai thác sự nhầm lẫn đó để giành lấy quyền lực và sự kiểm soát. Nếu họ thực sự giỏi trong việc này và thu hút được những cảm xúc của chúng ta, họ có thể làm cho cuộc sống của chúng ta trở nên khốn khổ.
Hãy nhớ rằng những dạng người gây hấn chủ động nói chung đôi khi cũng có thể hoàn toàn gây hấn thụ động, giống như Rockefeller. Sự gây hấn thụ động chỉ đơn giản là một vũ khí bổ sung cho họ trong nỗ lực kiểm soát. Trong mọi trường hợp, giải pháp để tự bảo vệ trước những kẻ gây hấn thụ động là nhận ra những gì họ dự định càng sớm càng tốt.
Sau đây là những chiến lược phổ biến nhất được sử dụng bởi những kẻ gây hấn như thế và những cách thức để chống lại chúng.
Chiến lược tỏ ra vượt trội một cách tinh vi
Một người bạn, đồng nghiệp hoặc nhân viên thường xuyên đến muộn, nhưng anh ta hoặc cô ta luôn có sẵn một cái cớ hợp lý, cùng với một lời xin lỗi có vẻ chân thành. Hoặc tương tự, những cá nhân này quên bẵng những cuộc họp, những thời điểm và hạn chót quan trọng, luôn luôn với những lý do hoàn hảo trong tầm tay. Nếu hành vi này lặp đi lặp lại đủ thường xuyên, sự cáu kỉnh của bạn sẽ tăng lên; nhưng nếu bạn thử đối đầu với họ, rất có thể họ sẽ cố gắng xoay chuyển tình thế bằng cách làm cho bạn trông có vẻ căng thẳng và thiếu cảm thông. Đó không phải là lỗi của họ, họ nói - họ có quá nhiều thứ phải suy nghĩ, mọi người đang gây áp lực cho họ, họ là những nghệ sĩ thất thường, vốn không thể kiểm soát quá nhiều chi tiết khó chịu, họ bị choáng ngợp. Thậm chí họ có thể buộc tội bạn về việc làm cho họ thêm căng thẳng.
Bạn phải hiểu rằng gốc rễ của điều này là nhu cầu phải làm rõ với chính họ và với bạn, rằng họ vượt trội hơn bạn ở một khía cạnh nào đó. Nếu họ phải nói tới nói lui nhiều lần rằng họ cảm thấy vượt trội hơn bạn, họ sẽ cảm thấy xấu hổ và thấy mình ngớ ngẩn. Họ muốn bạn cảm nhận điều đó theo những cách thức tinh tế, trong khi họ có thể phủ nhận những gì họ định làm. Đặt bạn vào vị trí thấp kém là một hình thức kiểm soát, trong đó họ có thể xác định mối quan hệ. Bạn phải chú ý nhiều hơn tới những khuôn mẫu thay vì những lời xin lỗi, nhưng cũng cần chú ý tới những tín hiệu phi ngôn ngữ khi họ tự bào chữa. Giọng điệu của họ khá dứt khoát, như thể họ thực sự cảm thấy đó là vấn đề của bạn. Những lời xin lỗi thái quá để che đậy sự thiếu chân thành; rốt cuộc, những lời bào chữa đó chuyên chở thông tin về những vấn đề của họ trong cuộc sống nhiều hơn là về lý do thật sự của tính hay quên của họ. Họ không thật sự hối lỗi.
Nếu đây là hành vi thường xuyên, bạn không được tức giận hoặc thể hiện sự cáu kỉnh công khai - những kẻ gây hấn thụ động rất thích thú khi chọc giận được bạn. Thay vì thế, hãy bình tĩnh và phản ánh hành vi của họ một cách tinh tế, kêu gọi sự chú ý đến những gì họ đang làm và tạo ra một cảm giác xấu hổ nếu có thể. Bạn có thể hẹn hò với họ rồi cho họ leo cây, hoặc xuất hiện muộn kinh khủng với lời xin lỗi chân thành nhất, kèm theo một chút mỉa mai. Cứ để cho họ nghiền ngẫm xem điều này có nghĩa là gì.
Vào hồi đầu sự nghiệp, vị bác sĩ tâm lý nổi tiếng, một giáo sư y khoa tại một trường đại học, Milton Erickson đã phải đối phó với một sinh viên rất thông minh tên là Anne, kẻ luôn đến lớp muộn, sau đó rối rất xin lỗi một cách rất chân thành. Thật tình cờ, cô là một sinh viên xuất sắc. Cô luôn hứa sẽ đến đúng giờ vào tiết sau nhưng không bao giờ làm được điều đó. Điều này gây khó khăn cho các bạn sinh viên của cô; cô thường xuyên làm cho những bài giảng hoặc giờ thực hành trong phòng thí nghiệm bị trì hoãn. Và vào ngày đầu tiên của một trong những khóa giảng của Erickson, cô lại thực hiện những mánh khóe cũ của mình, nhưng Erickson đã có sự chuẩn bị. Khi cô vào muộn, ông bảo cả lớp đứng lên và cúi chào cô với sự tôn kính đầy chế giễu; cả ông cũng làm như vậy. Thậm chí sau giờ học, khi cô bước trong giảng đường, các sinh viên vẫn tiếp tục cúi đầu chào. Thông điệp rất rõ ràng: “Chúng tôi đã nhìn thấu tim đen của bạn”. Cảm thấy bối rối và xấu hổ, cô không còn tới lớp muộn nữa.
Nếu bạn đang làm việc với một vị sếp hoặc một người nào đó ở vị trí quyền lực, và ông ta buộc bạn phải chờ đợi, sự khẳng định sự vượt trội của ông ta không tinh tế cho lắm. Điều tốt nhất bạn có thể làm là cố hết sức giữ bình tĩnh, thể hiện sự vượt trội của chính bạn bằng cách duy trì sự kiên nhẫn và lạnh lùng.
Chiến lược khơi gợi sự cảm thông
Theo cách nào đó, kẻ mà bạn đang đối phó luôn là nạn nhân - của sự thù địch phi lý, của những tình huống bất công, của xã hội nói chung. Với những dạng người này, bạn nhận thấy rằng dường như họ đang thưởng thức kịch tính trong những câu chuyện của họ. Không ai khác đau khổ như họ. Nếu cẩn thận, bạn có thể phát hiện ra một biểu hiện mơ hồ của sự buồn chán khi họ lắng nghe những vấn đề của kẻ khác; họ không tham gia. Vì họ cường điệu sự bất lực giả định của họ, tự nhiên bạn sẽ cảm thấy đồng cảm, và một khi họ gợi ra được điều này, họ sẽ đòi hỏi sự ưu ái, sự quan tâm và chú ý nhiều hơn nữa. Đó là sự kiểm soát mà họ đang theo đuổi. Họ cực kỳ nhạy cảm với bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ nào trên mặt bạn, và họ không muốn nghe lời khuyên hoặc nhận định rằng họ có thể hơi đáng trách ra sao. Họ có thể nộ khí xung thiên và xem bạn là một trong những kẻ bắt nạt.
Điều khiến cho chúng ta khó có thể thấu rõ điều này là thông thường họ đang gánh chịu những nghịch cảnh và nỗi đau cá nhân khác thường, nhưng họ là bậc thầy trong việc lôi kéo sự chú ý đến nỗi đau của họ. Họ chọn những đối tác vốn sẽ làm họ thất vọng; họ có thái độ không tốt trong công việc và khiến nhiều người chỉ trích; họ bất cẩn với các chi tiết, và vì vậy mọi thứ xung quanh họ đều sụp đổ. Đó không phải là lỗi của định mệnh tàn ác mà là một cái gì đó từ bên trong họ, vốn mong muốn và lợi dụng kịch tính để đạt được sự chú ý. Những người là nạn nhân thực sự không thể không cảm thấy xấu hổ và bối rối trước số phận của họ, một phần do sự mê tín lâu đời của con người rằng, vận rủi của một người là một dấu hiệu của điều gì đó không ổn ở cá nhân đó. Những nạn nhân thực sự không thích kể lại câu chuyện của họ. Họ làm điều đó một cách miễn cưỡng. Trái lại, những kẻ gây hấn thụ động cực kỳ mong muốn chia sẻ những gì đã xảy ra với họ và sung sướng đắm chìm trong sự chú ý của bạn.
Một phần của điều này là những kẻ gây hấn thụ động có thể thể hiện nhiều triệu chứng và chứng bệnh khác nhau - các cơn lo lắng, trầm cảm, đau đầu - vốn làm cho sự đau khổ của họ trông có vẻ rất thật. Từ thời thơ ấu, tất cả chúng ta đều có khả năng biểu lộ các triệu chứng như vậy để có được sự chú ý và cảm thông, chúng ta có thể tự làm cho mình đau ốm với sự lo lắng; chúng ta có thể suy nghĩ theo cách của mình để trở nên trầm cảm. Điều bạn đang tìm kiếm là khuôn mẫu: Khuôn mẫu này dường như tái diễn ở những kẻ gây hấn thụ động khi họ cần thứ gì đó (chẳng hạn như một ân huệ), khi họ cảm thấy bạn đang quay lưng khỏi họ, khi họ cảm thấy đặc biệt bất an. Trong mọi trường hợp, họ có xu hướng đang hút cạn thời gian và không gian tinh thần của bạn, lây nhiễm cho bạn năng lượng và nhu cầu tiêu cực của họ, và rất khó thoát khỏi họ.
Những dạng người này thường săn lùng những ai có xu hướng cảm thấy tội lỗi - những kiểu người nhạy cảm, quan tâm tới kẻ khác. Để đối phó với sự thao túng này, bạn cần một khoảng cách, và điều này không dễ dàng. Cách duy nhất để làm điều này là cảm thấy một sự tức giận và oán ghét nào đó: Bạn lãng phí thời gian và năng lượng để cố gắng giúp đỡ họ, nhưng họ đền đáp lại cho bạn rất ít. Khi bạn chú ý tới họ, mối quan hệ chắc chắn nghiêng về phía họ. Đó là sức mạnh của họ. Việc tạo ra một khoảng cách bên trong sẽ cho phép bạn nhìn rõ họ tốt hơn và cuối cùng chấm dứt mối quan hệ không lành mạnh. Đừng cảm thấy tồi tệ về điều này. Bạn sẽ ngạc nhiên với việc họ tìm thấy một mục tiêu khác nhanh như thế nào.
Chiến lược phụ thuộc
Bạn đột nhiên kết bạn với một người nào đó chu đáo và quan tâm đến hạnh phúc của bạn một cách khác thường. Họ muốn giúp bạn trong công việc của bạn hoặc một số nhiệm vụ khác. Họ muốn lắng nghe những câu chuyện về khó khăn và nghịch cảnh của bạn. Thật phấn khởi và khác thường khi nhận được một sự chú ý như vậy. Bạn nhận thấy mình trở nên quá phụ thuộc vào những gì họ dành cho bạn. Nhưng thỉnh thoảng bạn phát hiện ra một sự lạnh lùng nào đó từ phía họ, và bạn moi óc để tìm xem bạn đã nói hoặc làm điều gì để khơi gợi sự lạnh lùng này. Trên thực tế, bạn không thể thực sự chắc chắn họ có bực tức bạn hay chăng, nhưng bạn nhận ra bạn đang cố gắng làm hài lòng họ; và dần dần, không còn thật sự nhận ra điều đó nữa, động năng bị đảo ngược, và sự thể hiện sự đồng cảm và quan tâm chuyển từ họ sang bạn.
Đôi khi một động năng tương tự diễn ra giữa các bậc cha mẹ và con cái của họ. Một người mẹ, chẳng hạn, có thể trút vào con gái của mình tình cảm và tình yêu, cột chặt cô ta vào bản thân mình. Nếu cô con gái cố gắng thể hiện sự độc lập vào một lúc nào đó, người mẹ sẽ phản ứng như thể đây là một hành động gây hấn và không hề có tình yêu của cô ta. Để tránh cảm giác tội lỗi, cô ta ngừng khẳng định bản thân và cố gắng giành được nhiều hơn thứ tình cảm mà cô ta đã trở nên phụ thuộc. Mối quan hệ đã tự đảo ngược. Sau đó, người mẹ thực thi việc kiểm soát các khía cạnh khác trong cuộc sống của con gái mình, bao gồm tiền bạc, sự nghiệp và các đối tác thân mật. Điều này cũng có thể xảy ra trong các cặp vợ chồng.
Một biến thể của chiến lược này đến từ những người thích đưa ra những lời hứa (về sự trợ giúp, tiền bạc, công việc), nhưng không bao giờ thực hiện đầy đủ. Bằng cách nào đó, họ quên những gì họ đã hứa, hoặc chỉ cung cấp cho bạn một phần của nó, luôn luôn với một lý do hợp lý. Nếu bạn phàn nàn, họ có thể buộc tội bạn là người tham lam hoặc vô cảm.
Bạn phải đuổi theo họ để bù đắp cho sự thô lỗ của mình hoặc cầu xin để có được phần nào trong những gì họ đã hứa.
Trong mọi trường hợp, chiến lược này hoàn toàn hướng tới việc đạt được quyền lực đối với kẻ khác. Cá nhân kẻ cảm thấy phụ thuộc quay trở lại vị trí của đứa trẻ thiếu thốn tình cảm và dễ bị tổn thương, mong muốn có nhiều hơn nữa. Khó mà tưởng tượng rằng ai đó đang hoặc đã rất chú ý tới mình có thể lợi dụng điều này như một mưu đồ, điều này khiến cho việc hiểu rõ nó sẽ khó khăn gấp bội. Bạn phải cảnh giác với những người quan tâm quá nhiều từ rất sớm trong một mối quan hệ. Điều đó không tự nhiên, vì chúng ta thường hơi nghi ngờ mọi người khi bắt đầu bất kỳ mối quan hệ nào. Có thể họ đang cố gắng làm cho bạn trở nên phụ thuộc theo một cách nào đó, và vì vậy bạn phải giữ khoảng cách trước khi thật sự đo lường được động cơ của họ. Nếu họ bắt đầu tỏ ra lạnh nhạt và bạn bối rối với những gì mình đã làm, bạn có thể gần như chắc chắn rằng họ đang sử dụng chiến lược này. Nếu họ phản ứng với sự tức giận hoặc thất vọng khi bạn cố gắng thiết lập một khoảng cách hoặc sự độc lập nào đó, bạn có thể thấy rõ trò chơi quyền lực khi nó xuất hiện. Việc thoát khỏi bất kỳ mối quan hệ nào như thế nên là mối ưu tiên.
Nói chung, hãy cảnh giác với những lời hứa của mọi người và không bao giờ hoàn toàn dựa vào họ. Với những người thất hứa, rất có khả năng đó là một khuôn mẫu, và tốt nhất là không nên dính dáng gì tới họ nữa.
Chiến lược ám chỉ - nghi ngờ
Trong một cuộc trò chuyện, một người mà bạn biết, có lẽ là một người bạn, chợt đưa ra một nhận xét khiến bạn phải tự hỏi về bản thân và tự hỏi có phải họ đang xúc phạm bạn hay chăng. Có lẽ họ khen bạn về công việc mới nhất của bạn, và với một nụ cười nhạt họ nói rằng họ tưởng tượng bạn sẽ nhận được nhiều sự chú ý, hoặc rất nhiều tiền từ công việc mới này, ngụ ý ám chỉ ở đây là động cơ hơi đáng ngờ của bạn. Hoặc có vẻ như họ đang chỉ trích bạn với lời khen ngợi nhạt nhẽo: “Bạn đã làm khá tốt đối với một người có hoàn cảnh xuất thân như bạn.”
Robespierre, một trong những người lãnh đạo của Thời kỳ Khủng bố của Cách mạng Pháp, là bậc thầy hoàn hảo về chiến lược này. Ông đến gặp Georges Danton, một người bạn và cũng là một đồng lãnh đạo, sau khi đã trở thành kẻ thù của cuộc cách mạng, nhưng không muốn nói thẳng điều này. Ông muốn ám chỉ điều đó với những người khác và khơi gợi một sự sợ hãi nào đó ở Danton. Trong một trường hợp, tại một hội nghị, Robespierre đã đứng lên hỗ trợ bạn ông, kẻ bị buộc tội lợi dụng quyền lực của mình trong chính phủ để kiếm tiền. Khi bênh vực Danton, Robespierre cẩn thận lặp lại tất cả các cáo buộc khác nhau đối với ông ta rất chi tiết, sau đó kết luận, “Tôi có thể sai về Danton, nhưng, với tư cách là một người đàn ông trong gia đình, anh ta chẳng đáng nhận được gì khác ngoài lời khen ngợi”.
Như một biến thể của điều này, mọi người có thể nói một số điều khá khắc nghiệt về bạn, và nếu bạn có vẻ khó chịu, họ sẽ nói rằng họ đang đùa: “Anh không thể tiếp nhận một câu nói đùa hay sao?” Họ có thể diễn dịch những điều bạn nói, và nếu bạn thắc mắc với họ về điều này, họ sẽ trả lời một cách ngây thơ, “Nhưng tôi chỉ lặp lại những gì anh nói thôi mà”. Họ có thể sử dụng những nhận xét bóng gió này sau lưng bạn để gieo rắc những hồ nghi về bạn vào đầu óc của những người khác. Họ cũng sẽ là những người đầu tiên thuật lại với bạn bất kỳ tin tức xấu, hoặc đánh giá xấu nào, hoặc những lời chỉ trích của kẻ khác, luôn thể hiện sự cảm thông, nhưng âm thầm vui sướng với nỗi đau của bạn.
Quan điểm của chiến lược này là làm cho bạn cảm thấy tồi tệ theo một cách thức khiến bạn bực tức và khiến bạn phải suy nghĩ về ám chỉ đó suốt nhiều ngày. Họ muốn tấn công vào lòng tự trọng của bạn. Thông thường nhất là họ hành động do lòng đố kỵ. Cách phản công tốt nhất là chỉ ra rằng ám chỉ của họ không hề có tác dụng gì đối với bạn. Bạn vẫn bình tĩnh. Bạn “đồng ý” với những lời khen ngợi nhạt nhẽo của họ, và có lẽ bạn sẽ đáp lại theo cùng cách thức. Họ muốn chọc tức bạn và bạn sẽ không cho họ tận hưởng niềm vui này. Gợi ý rằng bạn có thể nhìn thấu họ, điều này có lẽ sẽ đầu độc họ bằng những nghi ngờ của chính họ, một bài học đáng để đưa ra.
Chiến lược chuyển lỗi lầm sang kẻ khác
Với một số người nhất định, bạn cảm thấy bực tức và khó chịu vì một việc gì đó họ đã làm. Có lẽ bạn cảm thấy đã bị họ lợi dụng, hoặc họ đã vô cảm hoặc phớt lờ lời van nài hãy ngưng hành vi gây khó chịu đó lại của bạn. Thậm chí trước khi bạn thể hiện sự khó chịu của mình, dường như họ đã nắm bắt được tâm trạng của bạn và bạn có thể phát hiện ra một sự hờn dỗi nào đó từ phía họ. Và khi bạn đối đầu với họ, họ trở nên im lặng, khoác một dáng vẻ đau đớn hoặc thất vọng. Đó không phải là sự im lặng do hối hận. Họ có thể trả lời, “Tốt thôi. Sao cũng được. Nếu đó là cách cảm nhận của anh”. Bất kỳ lời xin lỗi nào từ phía họ đều được nói theo một cách thức (thông qua giọng nói hoặc những biểu hiện trên mặt) chuyển tải một cách tinh tế niềm tin rằng họ không làm bất cứ điều gì sai cả.
Nếu họ thực sự thông minh, để đáp lại, họ có thể gợi lên điều gì đó mà bạn đã nói hoặc đã làm trong quá khứ, điều mà bạn đã quên nhưng vẫn còn khiến cho họ bực dọc, như thể bạn không quá ngây thơ như vậy. Nghe nó không giống như điều gì đó bạn đã nói hoặc thực hiện, nhưng bạn không thể chắc chắn. Có lẽ họ sẽ nói điều gì đó trong khi tự vệ khiến cho bạn phải phản ứng, và lúc này, khi bạn tức giận, họ có thể buộc tội bạn đã tỏ ra thù địch, hung hăng và bất công.
Dù phản ứng của họ là gì, bạn sẽ cảm thấy rằng có lẽ bạn đã sai. Có thể bạn phản ứng thái quá hoặc bị hoang tưởng. Thậm chí bạn có thể hơi nghi ngờ về sự tỉnh táo của mình - bạn biết rằng bạn cảm thấy bực dọc, nhưng có lẽ bạn không thể tin vào cảm xúc của chính mình. Bây giờ bạn là người cảm thấy tội lỗi, như thể bạn là kẻ có lỗi về sự căng thẳng đó. Tốt hơn nên đánh giá lại bản thân và không lặp lại trải nghiệm khó chịu này, bạn nói với chính mình. Như một yếu tố bổ trợ cho chiến lược này, những kẻ gây hấn thụ động thường khá tốt bụng và lịch sự với người khác, chỉ chơi trò chơi của họ với bạn, vì bạn là người họ muốn kiểm soát. Nếu bạn cố gắng tâm sự với mọi người về sự bối rối và tức giận của bạn, bạn sẽ không nhận được sự đồng cảm nào cả, và việc đổ lỗi cho kẻ khác có hiệu quả gấp đôi.
Chiến lược này là một cách che đậy mọi loại hành vi khó chịu, làm chệch hướng bất kỳ loại chỉ trích nào và khiến mọi người mơ hồ không rõ mình có yêu cầu họ làm cái điều mà họ đang làm hay chăng. Bằng cách này, họ có thể có khả năng chi phối những cảm xúc của bạn và thao túng chúng khi họ thấy phù hợp, làm bất cứ điều gì họ muốn mà không bị trừng phạt. Họ đang khai thác cái việc mà nhiều người trong chúng ta, từ thời thơ ấu, có xu hướng cảm thấy tội lỗi đối với một thôi thúc nhỏ nhất. Chiến lược này được sử dụng rõ ràng nhất trong các mối quan hệ cá nhân, nhưng bạn sẽ tìm thấy nó ở hình thức phổ biến hơn trong môi trường làm việc. Mọi người sẽ sử dụng sự nhạy cảm thái quá của họ đối với bất kỳ lời chỉ trích nào, và họ khuấy động vở kịch tiếp theo, để can ngăn mọi người đừng bao giờ cố gắng đối đầu với họ.
Để chống lại chiến lược này, bạn cần có khả năng nhìn thấu việc đổ lỗi cho kẻ khác và không bị ảnh hưởng bởi nó. Mục tiêu của bạn không phải là làm cho họ tức giận, vì vậy đừng bị mắc vào cái bẫy của việc đổ lỗi cho nhau. Họ giỏi trò chơi đầy kịch tính này hơn bạn, và họ phát triển nhờ khả năng làm cho bạn bực tức. Hãy bình tĩnh và thậm chí công bằng, chấp nhận trách nhiệm đối với vấn đề, nếu nó có vẻ đúng. Nhận ra rằng rất khó làm cho những dạng người như vậy suy ngẫm về hành vi của họ và thay đổi nó; họ quá mẫn cảm với điều này.
Điều bạn muốn là có khoảng cách cần thiết để hiểu rõ họ và thoát khỏi họ. Để thực hiện điều này tốt hơn, bạn phải học cách tin tưởng vào những cảm xúc trong quá khứ của bạn. Ở những thời điểm họ đang chọc tức bạn, hãy viết ra những gì họ đang làm và ghi nhớ hành vi của họ. Có lẽ khi làm như vậy, bạn sẽ nhận ra rằng bạn thực sự phản ứng thái quá. Nhưng nếu không phải thế, bạn có thể xem lại những ghi chú này để thuyết phục bản thân rằng bạn không điên và để lập tức ngừng cung cách đổ lỗi cho kẻ khác này. Nếu bạn không đổ lỗi nữa, có thể họ sẽ nản lòng và không áp dụng chiến lược này nữa. Nếu không, tốt nhất là bớt quan hệ với một kẻ gây hấn thụ động như vậy.
Chiến lược bạo chúa thụ động
Sếp của bạn dường như đang sôi sục với năng lượng, ý tưởng và sức thu hút. Họ khá vô tổ chức, nhưng đó là điều bình thường - họ có rất nhiều việc phải làm, rất nhiều trách nhiệm và rất nhiều kế hoạch, họ không thể kiểm soát được tất cả. Họ cần sự giúp đỡ của bạn, và bạn căng từng thớ cơ của mình để cung cấp nó. Bạn cố lắng nghe những hướng dẫn của họ và cố thực hiện chúng. Thỉnh thoảng họ khen ngợi bạn, và điều này khiến bạn tiếp tục; nhưng đôi khi họ quở trách bạn vì đã làm cho họ thất vọng, và điều này khắc sâu trong tâm trí bạn hơn cả những lời khen ngợi.
Bạn không bao giờ có thể cảm thấy thoải mái hoặc xem vị trí của mình là chuyện đương nhiên. Bạn phải cố gắng nhiều hơn để tránh những lời quát mắng thất thường khó chịu này. Họ là những người cầu toàn, với những tiêu chuẩn cao, và bạn không đáp ứng nổi kỳ vọng đó. Bạn cố moi óc để dự đoán những nhu cầu của họ và sống trong nỗi e sợ làm cho họ thất vọng. Nếu họ chủ động ra lệnh cho bạn phải làm điều này điều nọ, bạn chỉ cần làm những gì họ yêu cầu. Nhưng chỉ cần nhìn thấy bạn tỏ ra hơi thụ động và ủ rũ, họ buộc bạn phải làm việc cần mẫn gấp đôi để làm hài lòng họ.
Chiến lược này thường được sử dụng bởi những người có quyền lực đối với cấp dưới của họ, nhưng nó có thể được áp dụng bởi những người trong các mối quan hệ, một đối tác áp chế đối tác kia chỉ bằng cách không bao giờ tỏ ra hài lòng. Chiến lược này dựa trên logic sau: Nếu mọi người biết bạn muốn gì và bạn cần làm gì để có được nó, họ có một quyền lực đối với bạn. Nếu họ làm theo những hướng dẫn của bạn và thực hiện mệnh lệnh của bạn, bạn không thể chỉ trích họ. Nếu họ kiên định, thậm chí bạn có thể ngày càng phụ thuộc vào công việc của họ và họ có thể buộc bạn phải nhượng bộ bằng cách đe dọa rời bỏ bạn. Nhưng nếu họ không biết điều gì thực sự có hiệu quả, nếu họ không thể nhận ra chính xác loại hành vi nào được khen ngợi và loại nào sẽ mang tới sự trừng phạt, họ không có quyền lực, không có sự độc lập và bạn có thể bắt buộc họ làm bất cứ điều gì. Như với một con chó, một cái vỗ nhẹ thỉnh thoảng trên vai của nó sẽ làm cho nó ngoan ngoãn phục tùng hơn. Đây là cách Michael Eisner thực thi sự kiểm soát mang tính chất độc tài đối với mọi người xung quanh, kể cả Jeffrey Katzenberg (xem chương 11).
Nếu mọi người rời bỏ những bạo chúa này, họ vẫn sống ổn với điều đó. Điều này chứng tỏ rằng cá nhân đó vẫn giữ được sự độc lập và họ sẽ tìm được người thay thế, vốn sẽ phục tùng họ hơn, ít nhất là trong thời điểm hiện tại. Họ cũng có thể tăng mức độ khó khăn của mình để thử thách một số cá nhân, khiến người ta phải bỏ việc hoặc phải phục tùng. Những bạo chúa như vậy có thể cố gắng hành động như những đứa trẻ bất lực. Họ là loại nghệ sĩ có tính khí thất thường hoặc là dạng thiên tài, vì thế họ xuất chúng và đãng trí một cách tự nhiên. Những lời nài nỉ mong có được sự hỗ trợ của bạn và nhu cầu cấp thiết đòi hỏi bạn phải làm việc nhiều hơn nữa của họ dường như thể hiện sự dễ bị tổn thương của họ. Họ sử dụng sự yếu đuối vờ vịt đó để biện minh cho bản chất xấu xa của sự chuyên chế của họ.
Rất khó vạch ra chiến lược để chống lại những dạng người này, vì thông thường đa số đều là cấp trên của bạn và có quyền lực thực sự đối với bạn. Họ có xu hướng quá mẫn cảm và dễ nổi giận, điều này khiến cho bất kỳ hình thức chống đối hoặc xa lánh ngấm ngầm nào cũng khó duy trì. Sự nổi loạn công khai sẽ chỉ làm cho tình hình tồi tệ hơn. Trước tiên bạn phải nhận ra rằng chiến lược này của họ là có ý thức, nhiều hơn so với vẻ ngoài của nó. Họ không phải là những bạo chúa yếu đuối và bất lực mà rất xảo quyệt. Thay vì nấn ná với bất cứ điều gì tích cực mà họ đã nói hoặc thực hiện, bạn chỉ nên nghĩ tới những thủ đoạn và sự khắc nghiệt của họ. Việc bạn âm thầm tách khỏi họ sẽ vô hiệu hóa sự hiện diện đầy ám ảnh mà họ cố gắng thâm nhập vào bạn. Nhưng cuối cùng, không có gì thật sự có tác dụng, vì nếu nhờ sự mẫn cảm của mình, họ phát hiện ra việc cố gắng tạo khoảng cách của bạn, hành vi của họ sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn. Cách phản công thật sự duy nhất là rời bỏ họ và hồi phục chính bản thân mình. Không có vị trí nào đáng để bị lạm dụng như vậy, vì sự tổn hại đối với lòng tự trọng của bạn có thể mất nhiều năm để phục hồi.
Sự gây hấn có kiểm soát
Chúng ta được sinh ra với một năng lượng mạnh mẽ vốn chỉ thuộc về con người. Có thể gọi nó là năng lực ý chí, sự quyết đoán hoặc thậm chí sự gây hấn, nhưng nó hòa lẫn với trí thông minh và sự khôn ngoan của chúng ta. Nó đã hé lộ với chúng ta trong trạng thái thuần khiết nhất của nó vào thời thơ ấu. Năng lượng này làm cho chúng ta trở nên táo bạo và mạo hiểm, không chỉ về thể chất mà cả tinh thần, muốn khám phá những ý tưởng và tiếp thu kiến thức. Nó khiến cho chúng ta tích cực tìm kiếm những người bạn mà với họ chúng ta có thể cùng khám phá. Nó cũng làm cho chúng ta khá hăng hái khi cần phải giải quyết các vấn đề hoặc để đạt được những gì chúng ta muốn. (Trẻ em thường có thể táo bạo trong những gì chúng yêu cầu). Nó khiến cho chúng ta cởi mở với thế giới và những trải nghiệm mới. Và nếu chúng ta cảm thấy thất vọng và bất lực trong thời gian đủ dài, chính năng lượng này có thể khiến cho chúng ta hiếu chiến một cách khác thường.
Khi lớn tuổi hơn và chạm trán với những nỗi thất vọng ngày càng tăng, sự chống đối từ kẻ khác và cảm giác nôn nóng muốn nắm lấy quyền lực, một số người trong chúng ta có thể trở thành gây hấn thường xuyên. Nhưng có một hiện tượng khác thậm chí còn phổ biến hơn: Chúng ta trở nên khó chịu với, thậm chí sợ hãi, năng lượng quyết đoán bên trong đó, và tiềm năng của chính chúng ta đối với hành vi gây hấn. Sự quyết đoán và thích phiêu lưu có thể dẫn đến một số hành động thất bại, khiến chúng ta cảm thấy bị phơi bày và dễ bị tổn thương. Nếu năng lượng này của chúng ta quá nhiều, mọi người có thể không thích chúng ta. Chúng ta có thể khuấy động sự xung đột. Có lẽ cha mẹ của chúng ta cũng gây ra trong chúng ta một cảm giác xấu hổ đối với những đợt bùng nổ mang tính chất gây hấn của chúng ta. Trong mọi trường hợp, chúng ta có thể xem phần hiếu chiến của bản ngã là nguy hiểm. Nhưng vì năng lượng này không thể biến mất, nó quay vào bên trong và chúng ta tạo ra cái mà nhà phân tâm học lớn người Anh Ronald Fairbairn gọi là kẻ phá hoại nội bộ.
Kẻ phá hoại này hoạt động như một tên khủng bố từ bên trong, nó liên tục phán xét và tấn công chúng ta. Nếu chúng ta sắp sửa thử làm một điều gì đó, nó nhắc nhở chúng ta về khả năng thất bại. Nó cố gắng giảm bớt bất kỳ sự hồ hởi nào, vì điều đó có thể phơi trần chúng ta trước những lời chỉ trích từ người khác. Nó làm cho chúng ta không thoải mái với những cảm giác mạnh mẽ của niềm vui hoặc sự biểu hiện của cảm xúc sâu sắc. Nó thúc đẩy chúng ta giảm bớt những tham vọng của mình, tốt hơn nên phù hợp với nhóm và không nổi bật. Nó muốn chúng ta rút lui vào bên trong, nơi chúng ta có thể bảo vệ chính mình, ngay cả khi điều đó dẫn đến sự trầm cảm. Và nó khiến cho chúng ta tạo ra một bản ngã giả mạo để thể hiện trước thế giới, một bản ngã khiêm tốn nhún nhường. Nói tóm lại, kẻ phá hoại bên trong hoạt động để giảm bớt năng lượng của chúng ta và hạn chế những gì chúng ta làm, làm cho thế giới của chúng ta dễ quản lý và dự đoán hơn nhưng cũng hoàn toàn thiếu sinh khí. Nó có cùng mục tiêu với kẻ gây hấn - giành được sự kiểm soát đối với sự không chắc chắn - nhưng thông qua một phương tiện ngược lại.
Kẻ phá hoại nội bộ cũng có thể có một tác động làm suy giảm những năng lực tinh thần của chúng ta. Nó không khuyến khích chúng ta có những suy nghĩ táo bạo và mạo hiểm. Chúng ta tự giới hạn những ý tưởng của mình và chấp nhận những quan điểm thông thường của nhóm, vì điều đó an toàn hơn. Những người sáng tạo thể hiện sự gây hấn trong suy nghĩ của họ, khi họ thử nhiều lựa chọn và tìm kiếm các giải pháp khả thi. Bằng cách cố gắng loại bỏ bản thân khỏi bất kỳ thôi thúc mang tính gây hấn nào, chúng ta thực sự cản trở những năng lượng sáng tạo của chính mình.
Thấu hiểu: Việc con người chúng ta quyết đoán và hiếu chiến chưa bao giờ là một vấn đề. Vì điều đó không khác gì xem bản chất của chúng ta là có vấn đề. Các khía cạnh tích cực và tiêu cực của năng lượng này chỉ là hai mặt của cùng một đồng xu. Việc cố gắng giảm bớt mặt tiêu cực, tự giao phó bản thân chúng ta cho kẻ phá hoại nội bộ chỉ làm cho mặt tích cực trở nên mờ tối. Vấn đề thực sự là chúng ta không biết cách khai thác năng lượng này theo một cách thức chín chắn, hữu ích và có lợi cho xã hội. Năng lượng này cần phải được nhìn nhận là hoàn toàn của con người và có khả năng tích cực. Những gì chúng ta phải làm là chế ngự và huấn luyện nó cho những mục đích riêng của chúng ta. Thay vì gây hấn thường xuyên, gây hấn thụ động hoặc kìm nén, chúng ta có thể làm cho năng lượng này trở nên tập trung và hợp lý. Giống như mọi dạng năng lượng, khi nó được tập trung và duy trì, nó có rất nhiều lực ở phía sau nó. Bằng cách đi theo một con đường như vậy, chúng ta có thể phục hồi một phần tinh thần thuần khiết mà chúng ta có khi còn nhỏ, cảm thấy táo bạo hơn, hòa nhập hơn và xác thực hơn.
Sau đây là bốn yếu tố tích cực tiềm năng của năng lượng này mà chúng ta có thể đưa vào kỷ luật và sử dụng, cải thiện những gì sự tiến hóa đã ban tặng cho chúng ta.
Tham vọng: Nói rằng bạn có nhiều tham vọng trong thế giới ngày nay thông thường có nghĩa là thừa nhận một điều gì đó hơi bẩn thỉu, có lẽ bộc lộ quá nhiều sự quan tâm tới chính bản thân. Nhưng hãy nghĩ lại thời thơ ấu và tuổi trẻ của bạn - chắc chắn bạn đã ấp ủ những ước mơ và hoài bão lớn cho chính mình. Bạn sẽ tạo một dấu ấn trong thế giới này theo một cách nào đó. Bạn đã hình dung trong tâm trí của bạn nhiều cảnh tượng khác nhau của sự vinh quang trong tương lai. Đây là một thôi thúc tự nhiên từ phía bạn, và bạn không cảm thấy xấu hổ. Thế rồi, khi lớn tuổi hơn, có lẽ bạn đã cố gắng kìm hãm điều này. Bạn giữ kín những tham vọng của mình và hành động một cách khiêm tốn hoặc bạn đã thực sự hoàn toàn thôi mơ ước, cố gắng tránh tỏ ra chỉ quan tâm tới bản thân và tránh khỏi bị đánh giá vì điều này.
Phần lớn sự nhạo báng này đối với tham vọng và những người có nhiều tham vọng trong nền văn hóa của chúng ta thật ra bắt nguồn từ sự đố kỵ trước những thành tựu của kẻ khác. Giảm bớt những tham vọng tươi mới của bạn là một dấu hiệu cho thấy bạn không thích hoặc tôn trọng chính mình; bạn không còn tin rằng bạn xứng đáng có được quyền lực và sự công nhận mà bạn từng mơ ước. Điều đó không làm cho bạn trưởng thành hơn mà chỉ có nhiều khả năng thất bại hơn - bằng cách hạ thấp những tham vọng, bạn hạn chế những khả năng của mình và giảm bớt năng lượng của mình. Trong mọi trường hợp, khi cố gắng tỏ ra không có tham vọng, bạn cũng chỉ quan tâm tới bản thân như bất kỳ ai khác; khiêm tốn và thánh thiện là tham vọng của bạn, và bạn muốn thể hiện nó.
Một số người vẫn còn tham vọng khi họ lớn tuổi hơn, nhưng tham vọng của họ quá mơ hồ. Họ mong muốn sự thành công, tiền bạc và sự chú ý. Vì sự mơ hồ như vậy, họ khó có thể cảm thấy đã thỏa mãn những mong muốn của mình. Thành công, có tiền hoặc quyền lực bao nhiêu là đủ? Không chắc chắn chính xác những gì họ muốn, họ không thể đặt một giới hạn cho những mong muốn của mình và dù đây không phải là một trong mọi trường hợp, điều này có thể dẫn họ đến hành vi gây hấn, vì họ liên tục muốn nhiều hơn và không biết khi nào nên dừng lại.
Thay vì vậy, những gì bạn phải làm là nắm lấy phần trẻ con đó của bạn, nhìn lại những tham vọng đầu đời của bạn, điều chỉnh chúng cho phù hợp với thực tế hiện tại của bạn và xác định chúng càng cụ thể càng tốt. Bạn muốn viết một cuốn sách cụ thể, thể hiện một số ý tưởng hoặc cảm xúc sâu xa; bạn muốn bắt đầu loại hình kinh doanh vốn đã luôn làm cho bạn phấn khích; bạn muốn tạo ra một phong trào văn hóa hoặc chính trị để hướng tới một chính nghĩa cụ thể. Tham vọng cụ thể này có thể đủ lớn, nhưng bạn có thể hình dung hoàn toàn rõ ràng điểm cuối và cách để đi tới đó. Càng thấy rõ bạn muốn điều gì, bạn càng dễ nhận ra nó. Tham vọng của bạn có thể bao gồm những thách thức, nhưng chúng không nên vượt quá xa khả năng của bạn đến độ bạn chỉ tự đẩy mình tới sự thất bại.
Một khi mục tiêu của bạn được thực hiện, bất kể mất bao nhiêu thời gian, bạn hướng tới một tham vọng mới, một dự án mới, cảm thấy sự hài lòng to lớn mà bạn đã đạt được với mục tiêu vừa qua. Bạn không dừng lại trong quá trình đi lên này, xây dựng đà tiến tới. Điều chủ yếu là mức độ mong muốn và năng lượng tích cực mà bạn đặt vào từng dự án đầy tham vọng. Bạn không tự chuốc lấy những nghi ngờ và mặc cảm tội lỗi; bạn hòa hợp với bản chất của mình, và bạn sẽ được tưởng thưởng xứng đáng cho điều đó.
Sự kiên trì: Nếu quan sát trẻ sơ sinh, bạn sẽ nhận thấy chúng ngoan cố và kiên trì như thế nào khi muốn thứ gì đó. Sự kiên trì đó là tự nhiên đối với con người, nhưng đó là một phẩm chất mà chúng ta có xu hướng mất đi khi lớn tuổi hơn và sự tự tin của chúng ta đã dần giảm sút. Điều này thường xảy ra trong giai đoạn sau của cuộc đời, khi chúng ta đối mặt với một vấn đề hoặc một số trở lực: Chúng ta tập hợp năng lượng để giải quyết vấn đề đó, nhưng trong tâm trí, chúng ta có một hoài nghi - chúng ta có theo đuổi đến cùng công việc này hay chăng? Sự giảm dần rất nhỏ này trong niềm tin vào bản thân chuyển thành một sự sụt giảm năng lượng dành cho việc xử lý vấn đề đó. Điều này dẫn đến một kết quả kém hiệu quả hơn, gia tăng mức độ hồ nghi nhiều hơn nữa, làm giảm hiệu quả của hành động hoặc cuộc tấn công tiếp theo của chúng ta. Tại một điểm nào đó, chúng ta thừa nhận thất bại và bỏ cuộc. Nhưng chúng ta sẽ không thể tránh khỏi việc từ bỏ quá sớm. Chúng ta đầu hàng ở bên trong từ rất lâu trước khi đầu hàng ở bên ngoài.
Bạn phải hiểu điều này: hầu như không có gì trên thế giới có thể chống lại năng lượng bền bỉ của con người. Mọi thứ sẽ đầu hàng nếu chúng ta ra đòn đủ mạnh. Hãy nhìn xem có bao nhiêu vĩ nhân trong lịch sử đã thành công theo cách này. Chính sự kiên trì bền bỉ trong nhiều năm đã cho phép Thomas Edison phát minh ra dạng thức bóng đèn thích hợp, và Marie Curie khám phá ra nguyên tố radium. Họ chỉ đơn giản tiếp tục từ nơi những người khác đã từ bỏ. Trong suốt mười năm, thông qua các thực nghiệm liên tục, ngày và đêm, khám phá mọi giải pháp có thể, cuối cùng Albert Einstein đã đưa ra Thuyết Tương đối. Trong lĩnh vực tinh thần, vị thiền sư vĩ đại của thế kỷ 18 Hakuin cuối cùng đã có thể đạt đến giác ngộ hoàn toàn, và hồi sinh một chi phái Thiền đang hấp hối, bởi vì ông đã nỗ lực thực hiện công việc này với sự kiên trì vô tận trong suốt 20 năm. Đây là năng lượng tích cực, không bị phân chia từ bên trong, hướng vào một vấn đề hoặc một trở lực với sự tập trung cao độ.
Đó là vì em bé, nhà khoa học hoặc kẻ hành Thiền nhiều khát vọng mong muốn một điều gì đó mạnh đến nỗi không có gì có thể ngăn cản họ. Họ hiểu sức mạnh của sự kiên trì, và vì thế nó trở thành một lời tiên tri tự hoàn thành - khi biết giá trị của nó, họ có thể tập trung năng lượng và niềm tin để giải quyết vấn đề. Họ đang áp dụng phương châm của Hannibal: “Tôi sẽ tìm ra một con đường, hoặc tạo ra một con đường”. Bạn phải làm giống như vậy. Bí quyết ở đây là sự mong muốn một điều gì đó, mạnh mẽ đến độ không có gì có thể ngăn cản bạn hoặc làm sụt giảm năng lượng của bạn. Hãy đặt trọn tâm trí vào niềm khao khát cháy bỏng đạt được một mục tiêu. Tự rèn luyện bản thân để không từ bỏ dễ dàng như bạn đã làm trong quá khứ. Tiếp tục tấn công từ những góc độ mới, theo những phương cách mới. Buông bỏ những hồ nghi nằm ở phía sau và tiếp tục tấn công với toàn bộ sức mạnh, biết rằng bạn có thể vượt qua bất cứ điều gì nếu bạn không bỏ cuộc. Một khi bạn cảm nhận được sức mạnh trong hình thức tấn công này, bạn sẽ tiếp tục quay trở lại với nó.
Không sợ hãi: Về bản chất, chúng ta là những sinh vật táo bạo. Khi còn nhỏ, chúng ta không ngại đòi hỏi thêm hoặc khẳng định ý chí của mình. Chúng ta khá ngoan cường và không biết sợ theo nhiều cách. E dè là một phẩm chất mà chúng ta thường thủ đắc [trong giai đoạn sau của cuộc đời]. Nó là một hoạt động chức năng của nỗi sợ hãi ngày càng tăng khi chúng ta lớn tuổi hơn và mất niềm tin vào khả năng có được những gì chúng ta muốn. Chúng ta trở nên quan tâm quá mức tới cách thức mọi người nhìn nhận chúng ta và lo lắng về điều họ sẽ nghĩ nếu chúng ta đứng lên vì chính mình. Chúng ta hấp thụ những hồ nghi của họ. Chúng ta trở nên sợ hãi bất kỳ loại xung đột hoặc đối đầu nào, vốn sẽ khuấy động cảm xúc và dẫn đến những hậu quả mà chúng ta không thể dự đoán hoặc kiểm soát. Cần phát triển thói quen bước lùi trở lại. Chúng ta không nói những gì chúng ta cảm thấy ngay cả khi điều đó là phù hợp và chúng ta thất bại trong việc xác lập các ranh giới với hành vi có hại của mọi người. Chúng ta thấy khó mà yêu cầu việc tăng lương, thăng chức hoặc sự tôn trọng cho chính bản thân chúng ta. Việc mất đi tinh thần táo bạo, một hình thức gây hấn tích cực, là việc đánh mất một phần sâu sắc của bản ngã của chúng ta, và chắc chắn là nó rất đau đớn.
Cố gắng khôi phục sự không sợ hãi mà bạn từng có, thông qua những bước tăng dần. Điều quan trọng là trước tiên phải tự thuyết phục bản thân rằng bạn xứng đáng với những điều tốt đẹp và tốt đẹp hơn nữa trong cuộc sống. Một khi cảm thấy điều đó, bạn có thể bắt đầu bằng cách tự rèn luyện để lên tiếng hoặc thậm chí đáp lại mọi người trong các tình huống hằng ngày, nếu họ tỏ ra vô cảm. Bạn đang học cách tự bảo vệ mình. Bạn có thể thách thức hành vi gây hấn thụ động của mọi người, hoặc không e dè trong việc bày tỏ một quan điểm mà họ có thể không chia sẻ, hoặc nói với họ bạn thực sự nghĩ gì về các ý tưởng tồi tệ của họ. Thông thường, bạn sẽ nhận ra rằng bạn không có gì phải sợ hãi so với những gì bạn đã tưởng tượng. Thậm chí bạn còn có thể giành được một sự tôn trọng nào đó. Bạn nên thử thực hiện điều này, từng chút một mỗi ngày.
Một khi đã mất đi nỗi sợ hãi trong những cuộc gặp gỡ ít kịch tính này, bạn có thể bắt đầu tăng cường hành động. Bạn có thể đòi hỏi mọi người đối xử tốt với bạn, hoặc đánh giá cao chất lượng công việc bạn đang thực hiện. Bạn thực hiện điều này không phải với giọng điệu phàn nàn hoặc phòng thủ. Bạn làm rõ với những kẻ bắt nạt rằng bạn không nhu mì như vẻ bề ngoài, hoặc dễ bị thao túng như những người khác. Bạn có thể tàn nhẫn không kém chi họ trong việc bảo vệ lợi ích của mình. Trong các cuộc đàm phán, bạn có thể tự tập dượt, không phải để chấp nhận thua thiệt mà để đưa ra những yêu cầu táo bạo hơn và xem bạn có thể thúc ép phía bên kia đến cỡ nào.
Bạn có thể áp dụng sự táo bạo đang phát triển này vào công việc. Bạn sẽ không sợ việc tạo ra một cái gì đó độc đáo, hoặc đối mặt với những lời chỉ trích và thất bại. Bạn sẽ chấp nhận những rủi ro hợp lý và tự kiểm điểm bản thân. Tất cả những điều này phải được xây dựng từ từ, giống như với một cơ bắp đã bị teo, để bạn không gặp phải nguy cơ chiến đấu trên quy mô lớn hoặc có phản ứng gây hấn trước khi bạn tự củng cố bản thân trở nên cứng rắn. Nhưng một khi đã phát triển được cơ bắp này, bạn sẽ tự tin rằng bạn có thể gặp bất kỳ nghịch cảnh nào trong cuộc sống với một thái độ không sợ hãi.
Sự tức giận: Rất tự nhiên và lành mạnh nếu bạn cảm thấy tức giận với một số loại người nhất định - những kẻ cản trở sự tiến bộ của bạn một cách bất công, nhiều gã ngốc có quyền lực nhưng lười biếng và bất tài, những nhà phê bình cao đạo, vốn đi theo những khuôn mẫu sáo rỗng của họ với lòng tin chắc và tấn công bạn mà không hề thấu hiểu những quan điểm của bạn. Danh sách này có thể kéo dài ra mãi. Cảm giác tức giận đó có thể là một động năng mạnh mẽ để thực hiện một số hành động. Nó có thể nạp đầy năng lượng có giá trị cho bạn. Bạn nên nắm lấy nó và sử dụng nó trong suốt cuộc đời vì mục đích này. Điều có thể khiến cho bạn kiềm chế hoặc đè nén cơn giận của mình là vì trông có vẻ như nó là một xúc cảm độc hại và xấu xa, như thường thấy trong nền văn hóa của chúng ta.
Điều làm cho sự tức giận trở nên độc hại nằm ở mức độ nơi nó xa rời với thực tế. Mọi người hướng sự thất vọng tự nhiên của họ vào sự tức giận đối với một kẻ thù hoặc vật tế thần mơ hồ nào đó, được gợi ra và lan truyền bởi những kẻ mị dân. Họ tưởng tượng ra những âm mưu lớn ở phía sau những thực tế đơn giản không thể chối cãi, như các sắc thuế, chủ nghĩa toàn cầu hoặc những thay đổi vốn là một phần của tất cả các giai đoạn lịch sử. Họ tin rằng những thế lực nhất định trên thế giới phải chịu trách nhiệm cho sự thiếu thành công hoặc thiếu quyền lực của họ, thay vì sự thiếu kiên nhẫn và thiếu nỗ lực của chính họ. Không có suy nghĩ nào nằm ở phía sau sự tức giận của họ, và vì vậy nó không dẫn đến đâu hoặc nó trở nên phá hoại.
Bạn phải làm ngược lại. Sự tức giận của bạn phải hướng vào các cá nhân và lực lượng rất cụ thể. Bạn phân tích cảm xúc này - bạn có chắc chắn rằng sự thất vọng của bạn không xuất phát từ những bất cập của chính bạn? Bạn có thực sự hiểu nguyên nhân của sự tức giận này và đối tượng mà nó nên hướng tới hay chăng? Ngoài việc xác định sự tức giận này có hợp lý hay không và nên hướng nó vào đâu, bạn cũng phải phân tích cách tốt nhất để định hướng cảm xúc này, chiến lược tốt nhất để đánh bại các đối thủ của bạn. Sự tức giận của bạn có sự kiểm soát, thực tế, và nhắm vào nguồn gốc thực sự của vấn đề, không bao giờ đánh mất tầm nhìn đối với điều đã gợi nên cảm xúc này trước nhất.
Hầu hết mọi người đều muốn giải tỏa cơn giận dữ của họ bằng cách tham gia một cuộc phản kháng lớn nào đó, sau đó nó biến mất, và họ rơi vào tình trạng tự mãn hoặc trở nên cay đắng. Bạn muốn làm dịu cơn giận của mình, hãy đưa nó về trạng thái sắp sôi thay vì đang sôi sùng sục. Sự tức giận có kiểm soát sẽ mang tới cho bạn sự quyết tâm và kiên nhẫn mà bạn sẽ cần tới cho cái có thể là một cuộc đấu tranh lâu dài hơn mức bạn hình dung. Hãy để cho sự thiếu công bằng hay bất công đó nằm ở phía sau tâm trí của bạn và giữ cho bạn tràn đầy năng lượng. Sự mãn nguyện thật sự không đến từ một cơn cảm xúc mà nằm trong việc thật sự đánh bại kẻ bắt nạt và vạch trần cho những kẻ có đầu óc hẹp hòi biết họ là ai.
Đừng ngại sử dụng sự tức giận trong công việc của bạn, đặc biệt nếu nó gắn liền với một chính nghĩa nào đó hoặc nếu bạn đang thể hiện bản thân thông qua một cái gì đó mang tính sáng tạo. Thông thường, ý thức về cơn thịnh nộ đang bị kiềm chế sẽ khiến cho một diễn giả phát biểu rất hiệu quả; nó là nguồn gốc của sự lôi cuốn của Malcolm X. Hãy nhìn vào những tác phẩm nghệ thuật lâu dài và hấp dẫn nhất, và bạn thường có thể đọc hoặc cảm nhận được sự tức giận bị kìm hãm ở phía sau chúng. Tất cả chúng ta đều thận trọng và chính xác đến nỗi khi chúng ta cảm thấy sự tức giận được cẩn thận định hướng trong một bộ phim hoặc một cuốn sách hoặc ở bất cứ nơi nào, nó giống như một luồng gió mới. Nó thu hút toàn bộ nỗi thất vọng và oán giận của chúng ta và cho phép chúng thoát ra bên ngoài. Chúng ta nhận ra rằng nó là một cái gì đó thực tế và xác thực. Trong tác phẩm biểu cảm của bạn, đừng bao giờ né tránh sự tức giận mà hãy nắm bắt và hướng nó, để nó phà vào tác phẩm một cảm giác về cuộc sống và sự chuyển động. Khi thể hiện sự tức giận như vậy, bạn sẽ luôn tìm ra một lượng độc giả.
Sức mạnh rất cần thiết trong việc truyền đạt thông tin. Đứng trước một nhóm thờ ơ hoặc thù địch và cất lên tiếng nói, hay nói thật lòng với một người bạn những sự thật sâu sắc và gây tổn thương, những điều này đòi hỏi sự tự khẳng định, sự quyết đoán, và đôi khi thậm chí là sự gây hấn.
- Rollo May