Những quy luật của bản chất con người - Chương 11
11
Biết những giới hạn của bản thân
Quy luật của sự vĩ cuồng(73)
Loài người có một nhu cầu sâu sắc đối với việc đánh giá cao bản thân. Nếu suy nghĩ về lòng tốt, sự vĩ đại và sáng chói của chính bản thân chúng ta sẽ thấy khác hẳn với thực tế, chúng ta sẽ trở nên vĩ cuồng. Chúng ta tưởng tượng ra sự vượt trội của mình. Thông thường, một thành công nho nhỏ sẽ nâng sự vĩ cuồng có tính chất tự nhiên của chúng ta lên những cấp độ nguy hiểm hơn. Tự đánh giá cao về bản thân của chúng ta giờ đã được xác nhận bởi các sự kiện. Chúng ta quên mất vai trò khả dĩ của may mắn trong sự thành công, hoặc sự đóng góp của những người khác. Chúng ta tưởng tượng mình có khả năng biến thành vàng tất cả những gì mình chạm tay vào. Không với thực tế, chúng ta sẽ đưa ra những quyết định thiếu sáng suốt. Đó là lý do vì sao thành công của chúng ta thường không kéo dài. Hãy tìm kiếm những dấu hiệu của sự tã cuồng cao độ ở bản thân và ở những người khác - sự chắc chắn có tính chất độc đoán về kết quả tích cực của những kế hoạch của bạn; sự nhạy cảm quá mức nếu bị chỉ trích; sự coi thường bất kỳ hình thức nào của thẩm quyền. Hãy chống lại sức lôi kéo của sự vĩ cuồng bằng cách duy trì một đánh giá thực tế về bản thân và các giới hạn của bạn. Gắn kết bất kỳ cảm giác nào về sự vĩ đại với công việc, những thành tựu và đóng góp của bạn cho xã hội.
Thành công ảo tưởng
Đến mùa hè năm 1984, Michael Eisner (sinh năm 1942), chủ tịch của Paramount Pictures, không thể làm ngơ với sự bồn chồn đã quấy rầy ông suốt nhiều tháng được nữa. Ông nôn nóng muốn chuyển sang một giai đoạn lớn hơn và làm rung chuyển những nền tảng của Hollywood. Sự bồn chồn này đã là câu chuyện đời của ông. Ông bắt đầu sự nghiệp của mình tại ABC, và không bao giờ thoải mái yên vị trong một phòng ban. Sau chín năm với những thăng tiến khác nhau, ông vươn tới vị trí đứng đầu của chương trình giờ cao điểm. Nhưng truyền hình bắt đầu có vẻ nhỏ bé và hạn chế với ông. Ông cần một phạm vi hoạt động rộng lớn hơn. Năm 1976, Barry Diller, một ông chủ cũ của ABC, lúc này là chủ tịch của Paramount Pictures, đã đề nghị ông đứng ra điều hành hãng phim Paramount, và ông chộp ngay lấy cơ hội.
Từ lâu, Paramount đã rơi vào tình trạng đình đốn, nhưng khi làm việc với Diller, Eisner đã biến nó thành hãng phim thành công nhất ở Hollywood, với một loạt các bộ phim thành công nổi bật - Saturday Fever, Grease, Flashdance, và Terms of Endearment. Dù chắc chắn Diller đã đóng một vai trò quan trọng trong sự thay đổi hoàn toàn này, Eisner tự xem mình là động lực chính ở phía sau thành công của hãng phim. Rốt cuộc, ông đã phát minh ra một công thức chắc chắn thành công để tạo ra những bộ phim có lãi.
Công thức này phụ thuộc vào việc cắt giảm chi phí, một nỗi ám ảnh của ông. Để thực hiện điều này, một bộ phim phải bắt đầu với một ý niệm tuyệt vời, một ý niệm nguyên sơ, dễ tóm tắt và giàu kịch tính. Các giám đốc điều hành có thể thuê các nhà văn, đạo diễn và diễn viên đắt tiền nhất cho một bộ phim, nhưng nếu ý niệm cơ bản quá yếu, toàn bộ tiền trên cõi thế sẽ bị lãng phí. Tuy nhiên, những cuốn phim với một ý niệm khúc chiết sẽ tự tiếp thị cho chúng. Một hãng phim có thể sản xuất nhiều bộ phim với chi phí tương đối thấp, và ngay cả khi chúng chỉ là những tác phẩm vừa phải, chúng vẫn sẽ đảm bảo một nguồn thu nhập ổn định. Cách suy nghĩ này trái ngược với bản chất tâm lý của việc thực hiện những cuốn phim bom tấn vào cuối thập niên năm 1970, nhưng ai có thể tranh luận với những khoản lợi nhuận không thể phủ nhận mà Eisner đã tạo ra cho Paramount? Eisner đã bất tử hóa công thức này trong một bản ghi nhớ mà chẳng bao lâu đã được lan truyền khắp Hollywood và trở thành tin lành.
Nhưng sau rất nhiều năm chia sẻ ánh đèn sân khấu với Diller tại Paramount, cố gắng làm hài lòng các CEO của công ty và đẩy lùi các giám đốc tiếp thị và những nhà tài chính, Eisner đã có quá đủ. Giá như ông có thể tự do điều hành hãng phim của chính mình. Với công thức mà ông đã tạo ra và với tham vọng khôn nguôi, ông có thể tạo nên một đế chế giải trí vĩ đại nhất và sinh lợi nhất thế giới. Ông mệt mỏi với những kẻ đang cưỡi trên lưng những ý tưởng và thành công của mình. Khi một mình hoạt động ở vị trí chóp bu, ông có thể kiểm soát chương trình và xứng đáng đón nhận mọi lời ca tụng.
Khi Eisner dự tính cho bước đi quan trọng tiếp theo này trong sự nghiệp của mình vào mùa hè năm 1984, cuối cùng ông đã xác định được mục tiêu hoàn hảo cho những tham vọng của mình - Công ty Walt Disney. Thoạt nhìn, đây có vẻ là một lựa chọn khó hiểu. Kể từ sau cái chết của Walt Disney vào năm 1966, hãng phim Walt Disney dường như đã đóng băng trong một thời gian, trở nên kỳ lạ hơn sau mỗi năm trôi qua. Nơi này hoạt động giống như một câu lạc bộ của những kẻ ù lì. Nhiều giám đốc điều hành ngừng làm việc sau bữa ăn trưa và dành buổi chiều cho việc đánh bài, hoặc thư giãn trong phòng xông hơi tại chỗ. Hầu như không ai bị sa thải. Khoảng bốn năm hãng phim mới sản xuất được một bộ phim hoạt hình và vào năm 1983 chỉ sản xuất được ba bộ phim người đóng (live-action) xoàng xĩnh. Họ không có một bộ phim đình đám nào kể từ The Love Bug năm 1968. Khu đất Disney ở Burbank gần như là một thị trấn ma. Diễn viên Tom Hanks, người đã làm việc rất nhiều ở đó vào năm 1983, đã mô tả nó giống như “một trạm xe buýt đường dài vào thập niên 1950”.
Tuy nhiên, với tình trạng suy sụp của nó, đây sẽ là nơi hoàn hảo để Eisner thực hiện phép thuật của mình. Hãng phim và tập đoàn này chỉ có thể tiến lên. Các thành viên hội đồng quản trị của nó vô cùng mong muốn xoay chuyển được tình thế và tránh được sự tiếp quản có tính chất thù địch. Eisner có thể ra điều kiện cho vị trí lãnh đạo của mình. Khi trao đổi với Roy Disney (cháu trai của Walt, đồng thời là cổ đông lớn nhất của hãng Disney) với tư cách là vị cứu tinh của công ty, ông đã vạch ra một kế hoạch chi tiết và đầy cảm hứng cho một bước ngoặt vô cùng kịch tính (lớn hơn của Paramount) và Roy đã xiêu lòng. Với sự ủng hộ của Roy, hội đồng quản trị đã chấp thuận lựa chọn này và vào tháng 9/1984, Eisner được bổ nhiệm làm chủ tịch và CEO của Công ty Walt Disney. Frank Wells, cựu giám đốc của Warner Bros, được bổ nhiệm làm chủ tịch kiêm giám đốc điều hành mảng kinh doanh. Trong mọi vấn đề, Eisner là ông chủ;Wells có mặt ở đó để giúp đỡ và phục vụ ông.
Eisner không lãng phí thời gian. Ông tiến hành một cuộc đại tu chỉnh lại cấu trúc của công ty, dẫn đến sự ra đi của hơn một ngàn nhân viên. Ông bắt đầu lấp đầy hàng ngũ điều hành với những người của Paramount, nổi bật nhất là Jeffrey Katzenberg (sinh năm 1950), từng là cánh tay phải của Eisner ở Paramount và hiện được bầu làm chủ tịch của xưởng sản xuất phim Walt Disney. Katzenberg có thể khắc nghiệt và hết sức thô lỗ, nhưng không ai ở Hollywood làm việc chăm chỉ hoặc hữu hiệu hơn ông. Ông chỉ đơn giản muốn hoàn thành công việc.
Trong vòng vài tháng, Disney bắt đầu sản xuất một loạt phim thành công nổi bật theo đúng công thức của Eisner. Mười lăm trong số mười bảy bộ phim đầu tiên của nó (chẳng hạn như Down and Out in Beverly Hills và Who Framed Roger Rabbit) đã tạo ra lợi nhuận, một thành công gần như chưa từng thấy đối với bất kỳ hãng phim nào ở Hollywood.
Một hôm, khi Eisner đi khảo sát khu Burbank cùng với Wells, họ vào thư viện Disney và phát hiện ra hàng trăm phim hoạt hình từ thời kỳ hoàng kim vốn chưa từng được chiếu. Ở đó, trên vô số kệ, lưu trữ mọi tác phẩm hoạt hình kinh điển tuyệt vời của Disney. Đôi mắt của Eisner sáng lên khi nhìn thấy kho báu này. Ông có thể phát hành lại toàn bộ số phim hoạt hình này dưới hình thức video (thị trường video gia đình đang trong giai đoạn bùng nổ) và đó sẽ là lãi ròng. Dựa trên những phim hoạt hình này, công ty có thể xây dựng những cửa hàng để tiếp thị các nhân vật Disney khác nhau. Disney là một mỏ vàng thật sự đang chờ khai thác và Eisner sẽ tận dụng tối đa điều này.
Ít lâu sau các cửa hàng được khai trương, băng video bán rất chạy, các bộ phim thành công tiếp tục bơm lợi nhuận vào công ty và giá cổ phiếu của Disney đã tăng vọt. Nó đã thay thế Paramount, trở thành hãng phim thành công nhất trong làng điện ảnh. Muốn nâng cao hơn nữa thành tích này, Eisner quyết định làm sống lại The Wonderful World of Disney [thế giới kỳ diệu của Disney), một chương trình truyền hình dài một giờ từ thập niên 50 và 60 thế kỷ 20 do chính Walt Disney tổ chức. Lần này Eisner sẽ là người dẫn chương trình. Ông không tự nhiên trước ống kính, nhưng ông cảm thấy khán giả sẽ thích mình. Ông có thể an ủi trẻ em, như chính bản thân Walt. Trên thực tế, ông bắt đầu cảm thấy giữa Disney và mình có một sự kết nối kỳ diệu, như thể ông không chỉ là người đứng đầu tập đoàn mà là con ruột và người kế thừa của chính Walt Disney.
Tuy nhiên, bất chấp mọi thành công, sự bồn chồn cũ quay trở lại. Ông cần một cuộc mạo hiểm mới, một thách thức lớn hơn, và đã sớm tìm ra nó. Công ty Walt Disney đã có kế hoạch tạo ra một công viên chủ đề mới ở châu Âu. Nơi cuối cùng mở cửa, Tokyo Disneyland vào năm 1983, đã thành công. Những người phụ trách các công viên giải trí đã xác định hai địa điểm tiềm năng cho công viên Disneyland mới - một ở gần Barcelona, Tây Ban Nha, một ở gần Paris. Mặc dù địa điểm Barcelona có ý nghĩa kinh tế hơn, vì thời tiết ở đó tốt hơn nhiều, Eisner đã chọn địa điểm ở Pháp. Đây còn hơn cả một công viên chủ đề. Đây sẽ là một tuyên bố văn hóa. Ông sẽ thuê các kiến trúc sư giỏi nhất trên thế giới. Không giống như các lâu đài bằng sợi thủy tinh thông thường tại các công viên chủ đề khác, tại Euro Disney - như tên gọi của nó - những tòa lâu đài sẽ được xây dựng bằng đá hồng và có các cửa sổ kính màu chế tác thủ công với các cảnh trong những câu chuyện cổ tích khác nhau. Đó sẽ là một nơi mà ngay cả giới thượng lưu người Pháp hợm hĩnh cũng sẽ hào hứng ghé thăm. Eisner yêu thích kiến trúc, và ở đây ông có thể trở thành một Medici(74) hiện đại.
Năm tháng trôi qua, chi phí của Euro Disney đã tăng lên. Bất chấp nỗi ám ảnh thường xuyên với tổng cân đối thu chi, Eisner cảm thấy nếu ông xây dựng nó đúng, đám đông sẽ kéo đến và cuối cùng công viên sẽ tự trả tiền cho nó. Nhưng rốt cuộc, khi được khai trương theo kế hoạch vào năm 1992, sự tình nhanh chóng trở nên rõ ràng rằng Eisner không hiểu thị hiếu và thói quen nghỉ mát của người Pháp. Người Pháp không sẵn sàng xếp hàng chờ đợi, đặc biệt là trong thời tiết xấu. Như trong các công viên chủ đề khác, bia hay rượu vang không được phục vụ trong khuôn viên, và điều đó chẳng khác chỉ một sự báng bổ đối với người Pháp. Các phòng khách sạn quá đắt cho một gia đình ở đó hơn một đêm. Và bất chấp mọi chú ý đến từng chi tiết, các tòa lâu đài bằng đá màu hồng vẫn trông như những phiên bản lố bịch của các bản gốc.
Lượng khách tham quan chỉ được phân nửa so với dự đoán của Eisner. Các khoản nợ mà công viên phải gánh chịu trong quá trình xây dựng đã tăng vọt và tiền thu được từ du khách thậm chí không đủ chi trả lãi suất. Nó đang trở thành một thảm họa, lần đầu tiên trong sự nghiệp vinh quang của Eisner. Rốt cuộc, khi chấp nhận thực tế này, ông quyết định rằng lỗi là ở Frank Wells. Công việc của ông ta là giám sát sức khỏe tài chính của dự án, và ông ta đã thất bại. Trong khi trước đây Eisner chỉ có những điều tốt đẹp nhất để nói về mối quan hệ công việc của họ, giờ đây ông thường phàn nàn về cấp phó của mình và dự tính sa thải ông ta.
Ở giữa sự thất bại đang gia tăng này, Eisner cảm thấy một mối đe dọa mới sắp xảy ra đến nơi - Jeffrey Katzenberg. Ông từng gọi Katzenberg là kẻ thu nhặt vàng của mình - rất trung thành và chăm chỉ. Chính Katzenberg đã giám sát chuỗi sản phẩm thành công đầu tiên của hãng phim, bao gồm cả bộ phim thành công nhất, Beauty and the Beast, bộ phim đã khởi đầu cho sự phục hưng của bộ phận phim hoạt hình của hãng Disney. Nhưng có gì đó ở Katzenberg khiến ông ngày càng lo lắng. Có lẽ đó là bản ghi nhớ mà Katzenberg đã viết vào năm 1990, trong đó anh ta đã mổ xẻ chuỗi phim người đóng thất bại mà Disney vừa mới sản xuất gần đây. Anh ta viết, “Từ năm 1984, chúng ta đã dần dần rời xa tầm nhìn ban đầu về cách điều hành một doanh nghiệp”. Katzenberg chỉ trích quyết định của hãng phim khi chọn những bộ phim có kinh phí lớn hơn như Dick Tracy; khi cố gắng làm những “bộ phim sự kiện” Disney đã thất bại vì “tâm lý bom tấn” và đã đánh mất linh hồn của nó trong quá trình này.
Bản ghi nhớ này khiến Eisner khó chịu. Dick Tracy là dự án con cưng của chính Eisner. Có phải Katzenberg đã gián tiếp chỉ trích ông chủ của mình? Khi ông nghĩ về nó, có vẻ như đây là một sự bắt chước rõ ràng bản ghi nhớ khét tiếng của ông tại Paramount, trong đó ông đã ủng hộ cho những bộ phim có ý tưởng cô đọng cao, ít tốn kém. Giờ ông chợt nhận ra Katzenberg đang xem bản thân anh ta như một Eisner kế tiếp. Có lẽ anh ta đang nhắm tới việc chiếm lấy chỗ đứng của ông, ngầm phá hoại thẩm quyền của ông một cách tinh vi. Điều này dần dần xói mòn ông. Vì sao hiện giờ Katzenberg đẩy ông ra khỏi các cuộc họp bàn về kịch bản?
Bộ phận hoạt hình nhanh chóng trở thành công cụ chính tạo ra lợi nhuận cho hãng phim, với những bộ phim thành công mới như Aladdin và hiện giờ là The Lion King (Vua sư tử), vốn là con cưng của Katzenberg - anh ta đã nghĩ ra ý tưởng về câu chuyện và phát triển nó từ đầu đến cuối. Giờ đây những bài báo trên các tạp chí bắt đầu viết về Katzenberg như thể anh ta là thiên tài sáng tạo đứng phía sau sự hồi sinh của hãng Disney trong thể loại này. Thế còn Roy Disney, phó chủ tịch phụ trách phim hoạt hình? Còn bản thân Eisner, kẻ phụ trách mọi thứ thì sao? Đối với Eisner, hiện Katzenberg đang sử dụng phương tiện truyền thông để xây dựng uy tín cho mình. Một giám đốc điều hành đã báo cáo với Eisner rằng Katzenberg đang lê la khắp chốn và tuyên bố, “Tôi là Walt Disney của hôm nay”. Sự hoài nghi sớm biến thành thù hận. Eisner không thể chịu được khi ở gần anh ta.
Sau đó, vào tháng 3/1994, Frank Wells tử nạn do sự cố trực thăng trong lúc đang trượt tuyết. Để trấn an các cổ đông và Phố Wall, Eisner lập tức tuyên bố rằng ông sẽ tiếp quản vị trí chủ tịch của Wells. Nhưng đột nhiên lúc này Katzenberg quấy rầy ông với các cuộc gọi điện thoại và các bản ghi nhớ, nhắc nhở Eisner rằng ông đã hứa với anh ta vị trí chủ tịch nếu Wells rời công ty. Thật vô cảm làm sao, quá sớm sau tấn bi kịch. Ông không thèm trả lời các cuộc gọi điện thoại của Katzenberg.
Cuối cùng, vào tháng 8/1994, Eisner đã sa thải Jeffrey Katzenberg, điều này gây sốc cho hầu hết mọi người ở Hollywood. Ông đã sa thải người điều hành hãng phim thành công nhất trong làng điện ảnh. Vua sư tử đã trở thành một trong những bộ phim có lợi nhuận cao nhất trong lịch sử Hollywood. Chính Katzenberg là người đứng sau thương vụ mua lại Miramax của Disney, được coi là một cuộc đảo chính tuyệt vời với thành công tiếp theo của bộ phim Pulp Fiction. có vẻ như ông đã hành động một cách điên rồ, nhưng Eisner không quan tâm. Cuối cùng, khi thoát khỏi cái bóng của Katzenberg, ông có thể thư giãn và giờ sẽ đưa Disney lên một tầm cao mới, một mình và không còn ai gây phiền nhiễu nữa.
Để chứng minh rằng mình không hề đánh mất tầm nhìn, ít lâu sau ông làm cho thế giới giải trí choáng váng với cuộc sắp đặt mua lại ABC của Disney. Sự táo bạo tuyệt đối của cuộc đảo chính này một lần nữa khiến ông trở thành trung tâm của sự chú ý. Giờ đây ông đang tạo ra một đế chế giải trí vượt xa những gì mọi người từng cố gắng hoặc tưởng tượng. Tuy nhiên, động thái này mang tới cho ông một rắc rối. Công ty đã tăng gấp đôi kích thước. Nó quá phức tạp, quá to lớn đối với một người duy nhất. Chỉ mới năm trước ông đã trải qua một cuộc phẫu thuật hở van tim, và ông không thể chịu đựng nổi sự căng thẳng đang gia tăng.
Ông cần một Frank Wells khác, và những suy nghĩ của ông sớm hướng tới người bạn cũ Michael Ovitz, một trong những người sáng lập và người đứng đầu Cơ quan Nghệ sĩ Sáng tạo (Creative Artists Agency). Ovitz là nhà đàm phán lớn nhất trong lịch sử Hollywood, có lẽ là người có nhiều quyền lực nhất trong thị trấn. Hai người họ có thể thống trị lĩnh vực này. Nhiều người trong công ty đã cảnh báo ông về việc này - Ovitz không giống như Frank Wells; ông ta không phải là một nhà tài chính hay một bậc thầy về chi tiết, như chính bản thân Ovitz sẽ thừa nhận. Eisner bỏ qua lời khuyên đó. Mọi người có suy nghĩ quá bình thường. Ông quyết định lôi kéo Ovitz ra khỏi CAA bằng một gói đền bù béo bở và đề nghị với ông ta chức danh chủ tịch. Ông đảm bảo với Ovitz trong nhiều cuộc thảo luận rằng mặc dù Ovitz sẽ là phó chỉ huy, cuối cùng họ sẽ điều hành công ty với tư cách đồng lãnh đạo.
Trong một cuộc gọi điện thoại, cuối cùng Ovitz đã đồng ý với tất cả các điều khoản, nhưng ngay khoảnh khắc gác máy, Eisner nhận ra mình đã phạm phải sai lầm lớn nhất trong đời. Ông đã nghĩ gì vậy chứ? Họ có thể là bạn thân nhất, nhưng làm thế nào hai kẻ đặc biệt nổi trội này có thể làm việc cùng nhau? Ovitz rất thèm khát quyền lực. Đây sẽ là một Katzenberg thứ hai. Tuy nhiên, đã quá muộn. Hội đồng quản trị đã chấp thuận việc thuê ông ta. Danh tiếng của chính ông, quá trình ra quyết định của ông với tư cách một CEO, đã bị đe dọa. Ông sẽ phải bảo đảm cho sự thành công.
Ông nhanh chóng quyết định một chiến lược - ông sẽ thu hẹp trách nhiệm của Ovitz, kiểm soát chặt chẽ ông ta và buộc ông ta phải tự chứng minh mình xứng đáng với chức vụ chủ tịch. Bằng cách đó, Ovitz có thể giành được sự tin tưởng của ông và có thêm sức mạnh. Từ ngày đầu tiên, Eisner đã muốn báo hiệu cho Ovitz, sếp của ông. Thay vì chuyển ông ta vào văn phòng cũ của Frank Wells, ở tầng sáu trụ sở của Disney, bên cạnh phòng của ông, Eisner đưa ông ta vào một văn phòng không mấy ấn tượng ở tầng năm. Ovitz thích rải tiền khắp nơi với những món quà và những bữa tiệc xa hoa để dụ hoặc mọi người; Eisner lệnh cho đội ngũ của mình giám sát từng xu mà Ovitz đã chi cho những việc như vậy và theo dõi từng bước đi của ông ta. Có phải Ovitz đang liên lạc với các giám đốc điều hành khác sau lưng của Eisner? Ông sẽ không “nuôi ong tay áo” một Katzenberg khác.
Không bao lâu, mưu đồ sau đã bộc lộ: Ovitz sẽ tiếp cận ông với một thỏa thuận tiềm năng nào đó và Eisner sẽ không ngăn cản ông ta thăm dò nó. Nhưng một khi đã đến lúc đồng ý với thỏa thuận này, Eisner sẽ đưa ra một câu trả lời không dứt khoát. Lời đồn dần dần lan truyền trong ngành điện ảnh rằng Ovitz đã đánh mất khả năng của ông ta và không thể kết thúc một cuộc thương lượng được nữa. Ovitz bắt đầu hoảng loạn. Ông ta mong muốn một cách tuyệt vọng có thể chứng minh rằng mình xứng đáng với sự lựa chọn. Ông ta đề nghị chuyển đến New York để giúp quản lý ABC, vì việc sáp nhập hai công ty không diễn ra suôn sẻ, nhưng Eisner từ chối. Ông bảo với các cấp phó của mình giữ khoảng cách với Ovitz. Ông ta không phải là người đáng tin cậy - ông ta là con trai của một người bán rượu ở Thung lũng San Fernando, và giống như cha mình, Ovitz chỉ là một người bán hàng dẻo mồm. Ông ta nghiện sự chú ý từ giới truyền thông. Trong nội bộ công ty, Ovitz đã trở nên hoàn toàn bị cô lập.
Khi nhiều tháng trôi qua trong chuỗi sự kiện này, Ovitz có thể nhìn thấy những gì đang xảy ra, và ông ta cay đắng than phiền với Eisner. Ông ta đã rời khỏi công ty của mình để đến Disney; ông ta đã đặt uy tín của mình vào những gì ông ta sẽ làm với tư cách chủ tịch và Eisner đang hủy hoại danh tiếng của ông ta. Trong ngành không còn ai tôn trọng ông ta nữa. Cách đối xử với Ovitz của Eisner cực kỳ tàn bạo. Tuy nhiên, trong suy nghĩ của Eisner, Ovitz đã thất bại trong bài kiểm tra mà ông đặt ra; ông ta đã không chứng tỏ được mình là người kiên nhẫn; ông không phải là Frank Wells. Vào tháng 12/1996, chỉ sau mười bốn tháng làm việc, Ovitz đã bị sa thải, mang theo một gói trợ cấp thôi việc khổng lồ. Đó là một cú rơi chóng mặt và nhanh chóng khỏi ân sủng.
Cuối cùng cũng thoát khỏi sai lầm lớn này, Eisner bắt đầu củng cố quyền lực trong công ty. ABC hoạt động không tốt lắm. Ông sẽ phải can thiệp và kiểm soát. Ông bắt đầu tham dự các cuộc họp lên chương trình; ông nói về những ngày hoàng kim của mình tại ABC và về những chương trình tuyệt vời mà ông đã tạo ra ở đó, như Laverne & Shirley và Happy Days. ABC cần quay lại triết lý trước đó và tạo ra các chương trình có kịch bản hay cho gia đình.
Khi Internet bắt đầu cất cánh, Eisner phải tham gia theo một cách thức lớn lao. Ông bác bỏ việc mua lại Yahoo!, được thúc đẩy bởi các giám đốc điều hành của ông. Thay vì thế, Disney sẽ bắt đầu cổng thông tin Internet của riêng mình, được gọi là Go. Trong những năm qua, ông đã học được bài học - tự thiết kế và điều hành chương trình của chính mình luôn là điều tốt nhất. Disney sẽ thống trị Internet. Ông đã chứng tỏ mình là một thiên tài xoay chuyển tình thế trong hai lần trước, và với Disney trong tình trạng đình trệ hiện tại ông sẽ thực hiện điều đó lần thứ ba.
Tuy nhiên, chẳng mấy chốc, một làn sóng thảm họa ập lên tập đoàn, hết lần này đến lần khác. Sau khi bị sa thải, Katzenberg đã kiện Disney về khoản tiền thưởng - dựa trên thành tích - mà ông ta có quyền được hưởng theo hợp đồng. Khi còn là chủ tịch, Ovitz đã cố gắng giải quyết vụ kiện trước khi ra tòa và được Katzenberg đồng ý với số tiền 90 triệu đô la, nhưng vào phút cuối Eisner đã bác bỏ điều này, chắc chắn ông không nợ Katzenberg bất cứ điều gì. Vào năm 2001, thẩm phán đã ra phán quyết ủng hộ Katzenberg, và họ phải giải quyết với số tiền khổng lồ 280 triệu đô la. Disney đã rốt một nguồn tiền khổng lồ vào việc tạo ra Go, và đó là một thất bại khủng khiếp phải ngưng hoạt động. Các chi phí từ Euro Disney vẫn đang làm chảy máu công ty. Disney đã hợp tác với Pixar và sản xuất được một số bộ phim thành công như Toy Story. Nhưng hiện giờ giám đốc điều hành của Pixar, Steve Jobs, đã nói rõ rằng ông sẽ không bao giờ làm việc với Disney nữa, cực kỳ phẫn nộ với cách quản lý vi mô của Eisner. ABC hoạt động rất yếu. Hầu hết những bộ phim do Disney sản xuất không chỉ là những thất bại mà còn là những thất bại cực kỳ tốn kém, đỉnh cao là bộ phim lớn nhất, Pearl Harbor, được công chiếu vào tháng 5/2001.
Đột nhiên, dường như Roy Disney đã mất niềm tin vào Eisner. Giá cổ phiếu đã giảm mạnh. Anh ta nói với Eisner rằng tốt nhất là ông nên từ chức. Thật là vô ơn bội nghĩa, thật là xấc xược! Ông, Eisner, là người đã tự tay đưa công ty trở về từ cõi chết. Ông đã cứu Roy khỏi thảm họa và làm ra cho anh ta cả một gia tài, Roy, kẻ được coi là đứa cháu trai ngốc nghếch của Walt. Và bây giờ, trong giờ khắc đen tối nhất của Eisner, Roy sắp sửa phản bội ông? Eisner chưa bao giờ cảm thấy tức giận hơn. Ông nhanh chóng phản công, buộc Roy phải từ chức. Điều này dường như chỉ khuyến khích Roy mạnh tay hơn. Anh ta đã tổ chức một cuộc nổi dậy của các cổ đông gọi là Save Disney, và vào tháng 3/2004, các cổ đông đã bỏ phiếu phản đối gay gắt sự lãnh đạo của Eisner.
Không lâu sau đó, hội đồng quản trị quyết định tước bỏ chức vụ chủ tịch hội đồng quản trị của Eisner. Đế chế mà ông dựng lên đã sụp đổ. Vào tháng 9/2005, hầu như không còn đồng minh nào để dựa vào, cảm thấy cô đơn và bị phản bội, Eisner chính thức từ chức và rời khỏi Disney. Do đâu mà tất cả đã bị tan rã quá nhanh như vậy? Họ sẽ nhớ tới ông, ông nói với bạn bè, và ông có nghĩa là toàn bộ Hollywood; sẽ không bao giờ có một người nào khác giống như ông.
Diễn dịch: Chúng ta có thể nói rằng tại một thời điểm nhất định trong sự nghiệp, Michael Eisner đã ngưng kháng cự với một hình thức ảo tưởng khi nắm được quyền lực, suy nghĩ của ông tách xa khỏi thực tế đến độ ông đã đưa ra những quyết định kinh doanh với nhiều hậu quả tai hại. Chúng ta hãy theo dõi diễn tiến của hình thức ảo tưởng cụ thể này khi nó xuất hiện và chiếm lấy tâm trí của ông.
Khi bắt đầu sự nghiệp tại ABC, Eisner còn trẻ, có một đầu óc vô cùng thực tế. Ông thực tế một cách quyết liệt. Ông hiểu và khai thác tối đa sức mạnh của mình - bản chất đầy tham vọng và cạnh tranh, đạo đức làm việc mãnh liệt, sự nhạy bén đối với thị hiếu giải trí của người Mỹ trung bình. Eisner có đầu óc nhanh nhạy và khả năng khuyến khích người khác suy nghĩ sáng tạo. Dựa vào những điểm mạnh này, ông nhanh chóng trèo lên chiếc thang sự nghiệp. Ông có một lòng tự tin cao độ về tài năng của mình, và một loạt các thăng tiến về vị trí mà ông nhận được tại ABC đã khẳng định tự đánh giá cao bản thân này. Ông có thể đủ khả năng để tự phụ một chút, vì ông đã học được rất nhiều thứ về công việc và những kỹ năng như một người phụ trách chương trình của ông đã được cải thiện rất nhiều. Ông đang tiến nhanh về phía chóp đỉnh, mà ông đạt được ở tuổi ba mươi bốn, khi được cất nhắc làm người đứng đầu của bộ phận phụ trách chương trình giờ cao điểm tại ABC.
Là một người có tham vọng cao, ông sớm cảm thấy rằng thế giới truyền hình có phần hạn chế. Có những giới hạn cho các loại giải trí mà ông có thể lên chương trình. Thế giới điện ảnh cung cấp một cái gì đó thoải mái hơn, vĩ đại hơn và quyến rũ hơn. Do lẽ đó, đương nhiên ông sẽ chấp nhận vị trí tại Paramount. Nhưng tại Paramount, một điều gì đó đã xảy ra, bắt đầu cho quá trình mất cân bằng rất vi tế trong tâm trí của ông. Do phạm vi hoạt động lớn hơn và ông là người đứng đầu hãng phim, ông bắt đầu nhận được sự chú ý từ giới truyền thông và công chúng. Ông xuất hiện trên trang bìa của các tạp chí với tư cách là nhà điều hành điện ảnh thành công nhất của Hollywood. Điều này khác biệt về chất so với sự chú ý và hài lòng đến từ các bước thăng tiến tại ABC. Giờ đây ông đã có hàng triệu người hâm mộ. Làm sao ý kiến của họ có thể sai được? Đối với họ ông là một thiên tài, một dạng người hùng mới làm thay đổi cục diện của hệ thống phim trường.
Điều này khiến ông say sưa ngây ngất. Chắc chắn nó đã nâng cao ước lượng của ông về những kỹ năng của bản thân. Nhưng nó đi kèm với một nguy cơ. Thành công mà Eisner có được tại Paramount không hoàn toàn do ông tạo ra. Khi ông tới phòng thu, một số chương trình đã được sản xuất từ trước, bao gồm Saturday Night Fever, vốn sẽ gây ra sự thay đổi. Barry Diller là cái bệ đỡ hoàn hảo cho Eisner. Ông ta sẽ tranh luận không dứt với Eisner về những ý tưởng của ông, buộc Eisner phải mài giũa chúng. Nhưng phẫn nộ vì sự chú ý mà ông ta nhận được, Eisner phải tưởng tượng rằng ông xứng đáng với sự tán thưởng mà ông đã nghiêm túc đón nhận cho những nỗ lực của chính mình, và rất tự nhiên, ông loại trừ khỏi thành công của mình những yếu tố như việc xác định tốt thời điểm và những đóng góp của người khác. Bây giờ tâm trí của ông tách biệt với thực tế. Thay vì nghiêm túc tập trung vào khán giả và việc làm thế nào để giải trí cho mọi người, ông bắt đầu ngày càng tập trung vào bản thân, tin vào huyền thoại về sự vĩ đại của mình như đã được mọi người truyền bá. Ông tưởng tượng rằng ông có khả năng biến mọi thứ mình chạm vào thành vàng.
Tại Disney, khuôn mẫu này lặp đi lặp lại và trở nên mãnh liệt hơn. Ông đắm mình trong ánh hào quang của thành công tuyệt vời tại đó, nhanh chóng quên đi vận may không thể tin nổi mà ông có được khi thừa kế thư viện Disney vào thời điểm bùng nổ của video gia đình và giải trí gia đình. Ông giảm thiểu vai trò quan trọng của Wells bằng cách coi mình ngang hàng với ông ta. Với cảm giác có tính chất vĩ cuồng ngày càng lớn, ông phải đối mặt với một tình huống khó xử. Ông đã trở nên nghiện sự chú ý đến từ việc tạo ra một cú đột phá, làm một điều gì đó lớn lao. Ông không thể tự hài lòng với thành công đơn giản và lợi nhuận đang tăng. Ông phải bổ sung cho huyền thoại và giữ cho nó sống. Euro Disney sẽ là câu trả lời. Ông sẽ cho thế giới thấy rằng ông không chỉ là một giám đốc điều hành công ty mà còn là một kẻ đa tài.
Trong việc xây dựng công viên, ông từ chối lắng nghe các cố vấn có kinh nghiệm, vốn đã tiến cử địa điểm Barcelona và ủng hộ một công viên chủ đề khiêm tốn để giảm chi phí. Ông không chú ý đến nền văn hóa Pháp mà chỉ đạo mọi thứ từ Burbank. Ông hành động với niềm tin rằng những kỹ năng của mình với tư cách lãnh đạo một hãng phim có thể chuyển chủ đề sang các công viên và kiến trúc. Không thể tránh khỏi, ông đã đánh giá quá cao năng lực sáng tạo của mình, và giờ đây các quyết định kinh doanh của ông đã để lộ một sự tách rời đủ lớn khỏi thực tế để được xem là ảo tưởng. Một khi sự mất cân bằng tinh thần này không được cải thiện, nó chỉ có thể trở nên tồi tệ hơn, bởi vì quay trở lại mặt đất là phải thừa nhận rằng tự đánh giá cao bản thân trước đó đã sai, và con người-động vật hầu như sẽ không bao giờ thừa nhận điều đó. Thay vì thế, xu hướng là đổ lỗi cho những người khác về mọi thất bại hoặc bước thụt lùi.
Lúc này, bị kẹp chặt trong ảo tưởng của mình, ông đã phạm phải sai lầm nghiêm trọng nhất - sa thải Jeffrey Katzenberg. Hệ thống Disney phụ thuộc vào một lượng ổn định các bộ phim hoạt hình thành công mới, vốn cung cấp cho các cửa hàng và công viên chủ đề những nhân vật mới, hàng hóa, những con đường và đại lộ dành hoạt động kết nối với công chúng. Rõ ràng Katzenberg đã phát huy sở trường để tạo ra những bộ phim thành công như vậy, điển hình là sự thành công chưa từng có của bộ phim The Lion King. Việc sa thải anh ta đặt toàn bộ dây chuyền sản xuất vào nguy cơ. Ai sẽ tiếp quản nó đây? Chắc chắn không phải Roy Disney hay Eisner? Hơn nữa, ông phải biết rằng Katzenberg sẽ mang các kỹ năng của mình đi nơi khác, điều mà anh ta đã làm khi đồng sáng lập một studio mới, DreamWorks. Ở đó, anh ta sản xuất thêm nhiều bộ phim thành công. Hãng phim mới này đã tăng giá cho các nhà làm phim hoạt hình lành nghề, dẫn đến làm tăng đáng kể chi phí sản xuất một bộ phim hoạt hình và đe dọa toàn bộ hệ thống lợi nhuận của Disney. Nhưng thay vì nắm vững thực tế này, Eisner tập trung hơn vào việc cạnh tranh sự chú ý. Sự vươn lên của Katzenberg đe dọa quan điểm tự nâng cao bản thân của ông, và ông đã phải hy sinh lợi nhuận, và thực tế là để xoa dịu cái tôi của mình.
Vòng xoáy đi xuống đã bắt đầu. Việc mua lại ABC, với niềm tin rằng lớn hơn là tốt hơn, cho thấy ông ngày càng xa rời khỏi thực tế. Truyền hình là một mô hình kinh doanh đang chết dần trong thời đại truyền thông mới. Đó không phải là một quyết định kinh doanh thiết thực mà là một trò quảng bá. Ông đã tạo ra một động vật giải trí khổng lồ, một đốm màu không có danh tính rõ ràng. Việc thuê và sa thải Ovitz cho thấy một mức độ vĩ cuồng thậm chí còn lớn hơn. Mọi người đã trở thành những công cụ đơn thuần để Eisner sử dụng. Ovitz được coi là người đàn ông đáng sợ và quyền lực nhất ở Hollywood. Có lẽ Eisner đã bị thúc đẩy một cách vô thức bởi mong muốn làm nhục Ovitz. Nếu ông có khả năng làm cho Ovitz phải cầu xin những vụn bánh, ông phải là người có quyền lực nhất ở Hollywood.
Không lâu sau đó, mọi rắc rối xuất phát từ quá trình suy nghĩ ảo tưởng của ông bắt đầu đổ xuống như thác - những chi phí liên tục tăng của Euro Disney, tiền thưởng của Katzenberg, thiếu các thành công ở cả những cuốn phim lẫn các bộ phận, liên tục tiêu tốn các nguồn từ ABC, gói trợ cấp thôi việc cho Ovitz. Các thành viên hội đồng quản trị không thể làm ngơ việc cổ phiếu giảm giá được nữa. Việc sa thải Katzenberg và Ovitz đã khiến cho Eisner trở thành kẻ đáng ghét nhất ở Hollywood, và khi vận may của ông sụp đổ, tất cả kẻ thù của ông bất ngờ lộ mặt để đẩy nhanh sự hủy diệt của ông. Cú rơi khỏi quyền lực rất nhanh chóng và ngoạn mục.
Thấu hiểu: Câu chuyện của Michael Eisner gần gũi với bạn hơn bạn nghĩ. Số phận của ông có thể dễ dàng là của bạn, dù có thể ở một quy mô nhỏ hơn. Lý do rất đơn giản: Có một điểm yếu vốn tiềm ẩn trong tất cả con người chúng ta và sẽ đẩy chúng ta vào một quá trình ảo tưởng mà không bao giờ chúng ta ý thức được động năng của nó. Điểm yếu bắt nguồn từ xu hướng tự nhiên của chúng ta trong việc đánh giá quá cao những kỹ năng của mình. Chúng ta thường tự đánh giá về bản thân cao hơn nhiều so với thực tế. Chúng ta có một nhu cầu sâu sắc đối với sự vượt trội của bản thân so với những người khác về một thứ gì đó - trí thông minh, vẻ đẹp, sự quyến rũ, sự nổi tiếng hay sự thánh thiện. Nhu cầu này có thể tích cực. Một mức độ tự tin thúc đẩy chúng ta chấp nhận thử thách, vượt qua những giới hạn được cho là của chúng ta và học hỏi trong quá trình này. Nhưng một khi chúng ta trải nghiệm thành công ở bất kỳ cấp độ nào - sự gia tăng chú ý của một cá nhân hay một nhóm, được tài trợ cho một dự án - sự tự tin đó sẽ có xu hướng tăng lên quá nhanh, và sẽ có sự khác biệt ngày càng lớn giữa tự đánh giá bản thân của chúng ta với thực tế.
Bất kỳ thành công nào chúng ta có trong cuộc sống đều không thể tránh khỏi sự phụ thuộc - vào một vận may nào đó, vào việc xác định thời điểm, vào sự đóng góp của những người khác, những người thầy đã giúp chúng ta trên đường đi, vào những sở thích nhất thời của công chúng khi cần một cái gì đó mới. Xu hướng của chúng ta là quên đi tất cả những điều này và tưởng tượng rằng bất kỳ thành công nào cũng bắt nguồn từ bản thân vượt trội của chúng ta. Chúng ta bắt đầu cho rằng chúng ta có thể xử lý các thách thức mới trước khi chúng ta sẵn sàng. Nói cho cùng, con người đã xác nhận sự vĩ đại của mình bằng sự chú ý của người khác, và chúng ta muốn tiếp tục dấn tới. Chúng ta tưởng tượng rằng chúng ta có khả năng biến mọi thứ thành vàng và giờ đây chúng ta có thể chuyển những kỹ năng của mình sang một môi trường hoặc lĩnh vực khác một cách kỳ diệu. Không hề nhận ra lĩnh vực ấy, chúng ta trở nên hòa hợp với bản ngã và những tưởng tượng của chúng ta hơn là hòa hợp với những người đang sử dụng chúng ta và khán giả của chúng ta. Chúng ta ngày càng cách xa những người đang giúp chúng ta, coi họ chỉ là những công cụ. Và khi có bất kỳ thất bại nào xảy ra, chúng ta có xu hướng đổ lỗi cho những người khác. Thành công có một sức hút không thể cưỡng lại vốn có xu hướng làm lu mờ tâm trí của chúng ta.
Công việc của bạn như sau: Sau bất kỳ loại thành công nào, hãy phân tích các thành tố. Nhìn thấy yếu tố may mắn vốn chắc chắn sẽ hiện diện, cũng như vai trò của những người khác, bao gồm những nhà cố vấn, góp phần trong vận may của bạn. Điều này sẽ vô hiệu hóa xu hướng thổi phồng khả năng của bạn. Nhắc nhở bản thân rằng thành công đến cùng với sự tự mãn, khi sự chú ý vào bản thân mình trở nên quan trọng hơn công việc và khi các chiến lược cũ được lặp lại. Với thành công, bạn phải nâng cao cảnh giác. Lau sạch tấm bảng đá đen với mỗi dự án mới, bắt đầu từ con số không. Cố gắng ít chú ý đến sự tung hô khi nó ngày càng to hơn. Nhìn thấy những giới hạn đối với những gì bạn có thể hoàn thành và nắm lấy chúng, làm việc với những gì bạn có. Đừng tin rằng to hơn là tốt hơn; củng cố và tập trung những nguồn lực của bạn thường là sự lựa chọn khôn ngoan hơn. Hãy cảnh giác với việc xúc phạm kẻ khác do ý thức ngày càng gia tăng của bạn về sự vượt trội - bạn sẽ cần có những đồng minh. Cần phải cân bằng cho tác động lâng lâng bởi sự thành công bằng cách giữ vững đôi chân của bạn trên mặt đất. Sức mạnh bạn sẽ tích lũy theo cách thức chậm chạp và có hệ thống này sẽ thực tế và lâu dài hơn. Hãy ghi nhớ: Thần linh rất nhẫn tâm đối với những kẻ bay quá cao trên đôi cánh của sự vĩ cuồng, và họ sẽ buộc bạn phải trả giá.
Chỉ tồn tại không thôi chưa bao giờ là đủ đối với y; y luôn muốn nhiều hơn nữa. Có lẽ chỉ từ sức mạnh của những ham muốn của mình mà y tự xem mình là một kẻ được cho phép nhiều hơn so với những người khác.
- Fyodor Dostoyevsky Crime and Punishment”
(Tội ác và trừng phạt)
Những giải pháp đối với bản chất con người
Hãy cho rằng bạn có một dự án để thực hiện, hoặc bạn muốn thuyết phục một cá nhân, một nhóm người để làm một điều gì đó. Có thể mô tả một thái độ thực tế đối với việc đạt được những mục tiêu như vậy theo cách sau: Có được những gì bạn muốn hiếm khi dễ dàng. Thành công sẽ phụ thuộc vào rất nhiều nỗ lực và một ít may mắn. Để dự án của bạn đạt hiệu quả, có lẽ bạn sẽ phải vứt bỏ chiến lược trước đây - những tình huống luôn thay đổi và bạn cần duy trì một đầu óc cởi mở. Những người bạn đang cố gắng tiếp cận không bao giờ phản ứng đúng như bạn có thể tưởng tượng hoặc hy vọng. Trên thực tế, nhìn chung mọi người sẽ làm cho bạn ngạc nhiên và thất vọng với những phản ứng của họ. Họ có những nhu cầu, kinh nghiệm và tâm lý riêng khác với của chính bạn. Để gây ấn tượng với các mục tiêu của bạn, bạn sẽ phải tập trung vào họ và tinh thần của họ. Nếu bạn không hoàn thành được những gì bạn muốn, bạn sẽ phải cẩn thận kiểm tra những gì bạn đã làm sai và cố gắng học hỏi kinh nghiệm.
Bạn có thể nghĩ về dự án hoặc công việc trước mắt như một khối đá cẩm thạch mà bạn phải điêu khắc thành một thứ gì đó chính xác và đẹp mắt. Khối đá to hơn nhiều so với bạn và chất liệu khá cứng rắn, nhưng công việc này không phải là không thể thực hiện. Với đủ nỗ lực, sự tập trung và sự kiên trì, bạn có thể từ từ khắc nó thành thứ bạn cần. Tuy nhiên, bạn phải bắt đầu với một ý thức đúng đắn về tỷ lệ - những mục tiêu khó đạt được, mọi người có khả năng chống đối và bạn có những giới hạn đối với những gì bạn có thể làm. Với thái độ thực tế như vậy, bạn có thể tập trung sự kiên nhẫn cần thiết và bắt tay vào việc.
Tuy nhiên, hãy tưởng tượng rằng bộ não của bạn không chống nổi một căn bệnh tâm lý vốn ảnh hưởng đến nhận thức của bạn về kích thước và tỷ lệ. Thay vì nhìn thấy công việc mà bạn đang phải đối mặt là khá lớn và chất liệu rất cứng, do ảnh hưởng của căn bệnh tâm lý này, bạn nhận thấy khối đá cẩm thạch tương đối nhỏ và dễ cắt đục.
Đánh mất cảm giác về tỷ lệ, bạn tin rằng sẽ không mất nhiều thời gian lắm để biến khối đã thành một bức phù điêu mà bạn có trong tâm trí. Bạn tưởng tượng rằng những người bạn đang cố gắng tiếp cận không chống đối một cách tự nhiên mà hoàn toàn có thể dự đoán được. Bạn biết họ sẽ phản ứng thế nào với ý tưởng tuyệt vời của bạn - họ sẽ thích nó. Thật sự, họ cần bạn và công việc của bạn nhiều hơn bạn cần họ. Họ sẽ tìm ra bạn. Điều quan trọng không phải là những gì bạn cần làm để thành công mà là những gì bạn cảm thấy xứng đáng. Bạn có thể đoán trước dự án này sẽ mang tới nhiều chú ý, nhưng nếu bạn thất bại, lỗi là ở mọi người, vì bạn có tài năng, mục đích của bạn là đúng, và chỉ những kẻ hiểm độc hoặc ghen tị mới có thể ngăn trở bạn.
Có thể gọi đây là chứng bệnh tâm lý vĩ cuồng. Khi bạn cảm thấy tác động của nó, những tỷ lệ thực tế bình thường bị đảo ngược - cái tôi của bạn trở nên lớn lao to tát hơn bất kỳ thứ gì khác xung quanh nó. Đó là ống kính mà qua đó bạn nhìn thấy công việc và những người bạn cần tiếp cận. Đây không đơn thuần là sự ái kỷ sâu sắc (xem chương 2), trong đó mọi thứ phải xoay quanh bạn. Đây là việc nhìn thấy bản thân bạn trở nên vĩ đại (gốc của từ grandiosity có nghĩa là “to lớn” hoặc “vĩ đại”), trở nên vượt trội và xứng đáng nhận được không chỉ sự chú ý mà cả sự yêu thích. Đó là cảm giác như thể ta không đơn thuần là con người mà giống như thần thánh.
Bạn có thể nghĩ rằng những nhà lãnh đạo mạnh mẽ, tự cao trong mắt công chúng là những người mắc phải căn bệnh này, nhưng bạn sẽ rất sai lầm trong giả định đó. Chắc chắn chúng ta sẽ tìm thấy nhiều người có tầm ảnh hưởng, chẳng hạn như Michael Eisner, với các phiên bản cao cấp của sự vĩ cuồng, nơi sự chú ý và những lời tán tụng mà họ nhận được tạo nên một sự khuếch đại mạnh mẽ cái tôi. Nhưng còn có một phiên bản cấp thấp, hằng ngày của căn bệnh này, vốn phổ biến đối với hầu hết chúng ta vì đó là một đặc điểm gắn liền với bản chất con người. Nó xuất phát từ nhu cầu sâu thẳm muốn cảm thấy mình quan trọng, được mọi người tôn trọng và vượt trội so với những người khác về một điều gì đó của chúng ta.
Bạn hiếm khi ý thức được sự vĩ cuồng của chính mình, bởi vì, do bản chất của nó, nó làm thay đổi nhận thức của bạn về thực tế và khiến cho bạn khó có thể đánh giá chính xác về bản thân. Và vì vậy bạn không hề biết những vấn đề nó có thể gây ra cho bạn ngay tại thời điểm này. Sự vĩ cuồng ở mức độ thấp của bạn sẽ khiến bạn đánh giá quá cao các kỹ năng và khả năng của bản thân và đánh giá quá thấp những trở ngại mà bạn gặp phải. Và vì vậy bạn sẽ đảm nhận những công việc vượt quá khả năng thực tế của bạn. Bạn sẽ cảm thấy chắc chắn rằng mọi người sẽ đáp lại ý tưởng của bạn theo một cách thức riêng, và khi họ không làm điều đó, bạn sẽ lấy làm khó chịu và đổ lỗi cho những người khác.
Bạn có thể trở nên bồn chồn và đột nhiên thay đổi nghề nghiệp, không nhận ra rằng sự vĩ cuồng mới là căn nguyên - công việc hiện tại của bạn không khẳng định được sự nổi bật và ưu việt của bạn, bởi vì để thật sự nổi bật sẽ cần có thêm nhiều năm đào tạo và phát triển các kỹ năng mới. Tốt hơn là nên bỏ việc và chịu cám dỗ bởi những khả năng mà một nghề nghiệp mới mang lại, nó cho phép bạn ấp ủ những tưởng tượng về sự nổi bật. Theo cách này, bạn không bao giờ hoàn toàn thông thạo bất cứ thứ gì. Bạn có thể có hàng tá ý tưởng tuyệt vời mà bạn không bao giờ cố gắng thực hiện, vì điều đó sẽ khiến cho bạn phải đối mặt với thực tế về trình độ kỹ năng thật sự của mình. Không hề ý thức về điều này, bạn có thể trở nên hơi thụ động - bạn mong đợi người khác hiểu bạn, cho bạn những gì bạn muốn, đối xử tốt với bạn. Thay vì hành động để nhận được lời khen ngợi của họ, bạn cảm thấy có quyền hưởng nó.
Trong tất cả các trường hợp này, sự vĩ cuồng ở mức độ nhẹ của bạn sẽ ngăn bạn học hỏi từ những sai lầm và phát triển bản thân, bởi vì bạn bắt đầu với giả định rằng bạn đã lớn lao và vĩ đại, và quá khó để thừa nhận điều ngược lại.
Công việc của bạn với tư cách một kẻ nghiên cứu về bản chất con người có ba phần: Trước tiên, bạn phải hiểu rõ chính bản thân của hiện tượng vĩ cuồng, lý do vì sao nó lại gắn liền với bản chất con người và vì sao ngày nay bạn sẽ tìm thấy nhiều người vĩ cuồng trên thế giới hơn bao giờ hết. Thứ hai, bạn cần nhận ra những dấu hiệu của sự vĩ cuồng và biết cách đối phó với những người thể hiện chúng. Thứ ba và quan trọng nhất, bạn phải nhìn thấy các dấu hiệu của căn bệnh này ở chính mình và học hỏi không chỉ cách kiểm soát xu hướng vĩ cuồng của bạn mà cả cách định hướng năng lượng này vào một thứ gì đó hữu ích (xem Sự vĩ cuồng thiết thực ở mục sau để biết thêm chi tiết).
Theo nhà phân tâm học nổi tiếng người Mỹ gốc Áo, Heinz Kohut (1913-1981), sự vĩ cuồng bắt nguồn từ những năm đầu đời của chúng ta. Trong những tháng đầu tiên, hầu hết chúng ta gắn bó hoàn toàn với mẹ. Chúng ta không có ý thức về một bản sắc tách biệt. Mẹ đáp ứng mọi nhu cầu của chúng ta. Chúng ta tin rằng đôi vú cho chúng ta sữa thật sự là một phần của chính chúng ta. Chúng ta có quyền năng tuyệt đối - tất cả những gì chúng ta phải làm là cảm thấy đói hoặc cảm thấy bất kỳ nhu cầu nào, và người mẹ luôn hiện diện ở đó để đáp ứng nó, như thể chúng ta có những sức mạnh diệu kỳ để kiểm soát bà. Nhưng rồi, dần dần, chúng ta phải trải qua giai đoạn thứ hai của cuộc đời, trong đó chúng ta buộc phải đối đầu với thực tế - mẹ của chúng ta là một sự tồn tại tách biệt và phải chăm lo cho những người khác nữa. Chúng ta không có quyền năng tuyệt đối gì hết mà khá yếu đuối, khá nhỏ bé và phụ thuộc. Nhận thức này thật đau đớn và là nguồn gốc của phần lớn những hành xử sai lầm của chúng ta - chúng ta có một nhu cầu sâu sắc muốn khẳng định bản thân, để cho thấy chúng ta không quá bất lực, và tưởng tượng ra những khả năng mà chúng ta không có. (Thông thường trẻ em tưởng tượng chúng có khả năng nhìn xuyên tường, bay, hoặc đọc được suy nghĩ của mọi người, và đó là lý do tại sao chúng bị cuốn hút vào những câu chuyện về các siêu anh hùng).
Khi lớn tuổi hơn, có thể chúng ta không còn nhỏ bé về tầm vóc nhỏ, nhưng ý thức về sự tầm thường của chúng ta chỉ trở nên tồi tệ hơn. Chúng ta nhận ra rằng chúng ta là một cá nhân, không chỉ trong một gia đình lớn hơn, trường học hoặc thành phố mà trên cả một quả địa cầu đông đúc với nhiều tỷ người. Cuộc đời của chúng ta tương đối ngắn. Chúng ta có những kỹ năng và trí thông minh hạn chế. Có rất nhiều thứ chúng ta không thể kiểm soát, nhất là với những nghề nghiệp và những xu hướng toàn cầu. Ý tưởng rằng chúng ta sẽ chết và nhanh chóng bị lãng quên, bị nuốt chửng trong cõi vĩnh hằng, là không thể chấp nhận được. Chúng ta muốn cảm thấy có ý nghĩa theo một cách nào đó, để phản kháng lại sự nhỏ bé tự nhiên của chúng ta, để mở rộng ý thức về bản thân. Những gì chúng ta trải qua ở lứa tuổi ba hoặc bốn, một cách vô thức sẽ ám ảnh chúng ta cả cuộc đời. Chúng ta luân phiên trải qua những khoảnh khắc ý thức được sự nhỏ bé của mình và những khoảnh khắc cố gắng phủ nhận nó. Điều này khiến chúng ta có xu hướng tìm ra những cách để tưởng tượng về sự vượt trội của mình.
Một số trẻ em không trải qua giai đoạn thứ hai đó của thời thơ ấu, trong đó chúng phải đối mặt với sự nhỏ bé tương đối của chúng, và những đứa trẻ như vậy dễ chịu tác động của những hình thức vĩ cuồng sâu sắc hơn trong cuộc sống về sau. Chúng là những đứa trẻ được nâng niu, chiều chuộng. Người mẹ và người cha tiếp tục làm cho những đứa trẻ này cảm thấy chúng là trung tâm của vũ trụ, che chở chúng khỏi nỗi đau của việc đối mặt với thực tế. Mọi mong muốn của chúng trở thành một mệnh lệnh. Nếu có khi nào cha mẹ đứa trẻ cố gắng làm cho nó thấm nhuần một kỷ luật nhỏ nhất, nó sẽ nổi trận lôi đình. Ngoài ra, những đứa trẻ như vậy coi thường bất kỳ hình thức thẩm quyền nào. So với bản thân chúng và những gì chúng có thể nhận được, nhân vật người cha có vẻ khá yếu ớt.
Sự nuông chiều quá sớm này ghi dấu lên họ suốt đời. Họ cần được ngưỡng mộ. Họ trở thành bậc thầy trong việc thao túng những người khác, để nhận được sự chiều chuộng chú ý. Một cách tự nhiên, họ cảm thấy mình vĩ đại hơn bất cứ ai ở bên trên họ. Nếu họ có bất kỳ tài năng nào, họ có thể vươn lên khá xa, vì ý thức được sinh ra với vương miện trên đầu của họ trở thành một sự tiên tri tự hoàn thành. Không như những người khác, họ không bao giờ thật sự có cảm giác luân phiên thay đổi giữa sự nhỏ bé và vĩ đại; họ chỉ biết tới cảm giác vĩ đại. Chắc chắn Eisner đã xuất thân từ một nền tảng như vậy, vì ông có một người mẹ luôn đáp ứng mọi nhu cầu của ông, hoàn thành bài tập về nhà cho ông và che chở ông khỏi người cha lạnh lùng và đôi khi tàn nhẫn.
Trong quá khứ, loài người có thể hướng những nhu cầu có tính chất vĩ cuồng vào tôn giáo. Vào thời cổ đại, cảm giác nhỏ bé không chỉ là thứ gì đó nảy sinh ra trong chúng ta do nhiều năm phụ thuộc vào cha mẹ; nó còn xuất phát từ sự yếu kém của chúng ta trong mối liên quan với các thế lực thù địch trong tự nhiên. Những vị thần linh và ma quỷ đại diện cho những sức mạnh cơ bản của thiên nhiên này đã làm cho chúng ta trở nên nhỏ bé. Bằng cách tôn thờ họ, chúng ta có thể có được sự bảo vệ của họ. Khi kết nối với một cái gì đó lớn hơn nhiều so với chính chúng ta, chúng ta cảm thấy được mở rộng. Nói cho cùng, các vị thần hoặc Thượng đế quan tâm đến số phận của bộ lạc hoặc thành phố của chúng ta; họ quan tâm từng linh hồn cá biệt của chúng ta, một dấu hiệu cho tầm quan trọng của chính chúng ta. Chúng ta không đơn thuần chết và biến mất. Nhiều thế kỷ sau, theo cách thức tương tự, chúng ta đã hướng năng lượng này vào việc tôn thờ những nhà lãnh đạo đại diện cho một sự nghiệp vĩ đại và cổ động cho một điều không tưởng trong tương lai, như Napoléon Bonaparte và Cách mạng Pháp, hoặc Mao Trạch Đông và Cách mạng Trung Quốc.
Ngày nay, trong thế giới phương Tây, các tôn giáo và chính nghĩa vĩ đại đã mất đi sức mạnh ràng buộc của chúng; chúng ta thấy khó mà tin vào chúng và thỏa mãn năng lượng vĩ cuồng của mình thông qua việc đồng nhất với một sức mạnh lớn hơn. Tuy nhiên nhu cầu cảm thấy lớn lao và quan trọng hơn không đơn giản biến mất; nó mạnh hơn bao giờ hết. Và khi thiếu bất kỳ kênh nào khác, mọi người sẽ có xu hướng hướng năng lượng này vào chính mình. Họ sẽ tìm cách mở rộng ý thức về bản thân, để cảm thấy lớn lao và vượt trội. Mặc dù hiếm khi ý thức về điều này, những gì họ đang chọn để lý tưởng hóa và tôn thờ là cái tôi của họ. Vì lẽ đó, chúng ta nhận thấy ngày càng có nhiều kẻ vĩ cuồng hơn trong số chúng ta.
Các yếu tố khác cũng đã góp phần làm tăng sự vĩ cuồng. Trước hết, chúng ta gặp nhiều người vốn từng trải nghiệm sự chú ý nuông chiều trong thời thơ ấu hơn bao giờ hết. Cảm giác như họ đã từng là trung tâm của vũ trụ trở thành một thứ khó lay chuyển. Họ tin rằng bất cứ điều gì họ thực hiện hoặc tạo ra phải được coi là quý giá và đáng chú ý.
Thứ hai, chúng ta nhận ra số lượng ngày càng tăng của những kẻ ít tôn trọng hoặc không tôn trọng thẩm quyền hoặc bất kỳ loại chuyên gia nào, bất chấp mức độ đào tạo và kinh nghiệm của những chuyên gia này, thứ mà bản thân họ thiếu. “Tại sao ý kiến của họ phải có giá trị hơn ý kiến của mình?” Họ có thể tự nhủ như vậy. “Không ai thật sự vĩ đại; những người có quyền lực chỉ là vì có nhiều đặc quyền hơn”. “Văn chương và âm nhạc của tôi cũng chính thống và xứng đáng như của bất kỳ ai khác”. Không cần biết tới bất cứ kẻ nào đang ở bên trên họ một cách chính đáng và xứng đáng với thẩm quyền, họ có thể tự đặt mình vào giữa những người cao nhất.
Thứ ba, công nghệ cho chúng ta ấn tượng rằng mọi thứ trong cuộc sống có thể nhanh chóng và đơn giản như thông tin chúng ta có thể lượm lặt được trên mạng. Nó thấm nhuần niềm tin rằng chúng ta không còn phải mất nhiều năm để học một kỹ năng; thay vì vậy, thông qua một vài thủ thuật và với một vài giờ thực hành mỗi tuần, chúng ta có thể thành thạo bất cứ điều gì. Tương tự như vậy, mọi người tin rằng các kỹ năng của họ có thể dễ dàng chuyển đổi: “Tôi có khả năng viết, có nghĩa là tôi cũng có thể chỉ đạo một bộ phim”. Nhưng quan trọng hơn hết, chính phương tiện truyền thông xã hội là thứ lan truyền virus của chứng vĩ cuồng. Thông qua phương tiện truyền thông xã hội, chúng ta có sức mạnh gần như vô hạn để mở rộng sự hiện diện của mình, để tạo ra ảo tưởng rằng chúng ta nhận được sự chú ý, thậm chí sự ngưỡng mộ của hàng ngàn hoặc hàng triệu người. Chúng ta có thể sở hữu danh tiếng và sự có mặt ở mọi nơi của các vị vua và hoàng hậu trong quá khứ, hoặc thậm chí của chính các vị thần.
Với sự kết hợp của tất cả các yếu tố này, việc duy trì một thái độ thực tế và ý thức tương xứng về bản thân trở nên khó khăn hơn bao giờ hết đối với bất kỳ người nào trong số chúng ta.
Khi nhìn những người xung quanh, bạn phải nhận ra rằng sự vĩ cuồng của họ (và của bạn) có thể đến dưới nhiều hình thức khác nhau. Thông thường mọi người sẽ cố gắng thỏa mãn nhu cầu này bằng cách đạt được uy tín xã hội. Mọi người có thể cho rằng họ quan tâm đến bản thân công việc đó hoặc việc đóng góp cho nhân loại; nhưng thông thường, nằm sâu bên dưới, thứ thật sự thúc đẩy họ là mong muốn được chú ý, được những người ngưỡng mộ xác nhận tự đánh giá cao bản thân của họ, cảm thấy mạnh mẽ và được thổi phồng. Nếu có tài năng, những dạng người này có thể nhận được sự chú ý mà họ cần trong vài năm hoặc lâu hơn; nhưng chắc chắn, như trong câu chuyện của Eisner, nhu cầu của họ đối với những lời tán tụng sẽ dẫn họ tới việc với cao quá tầm tay.
Nếu mọi người thất vọng về sự nghiệp của mình nhưng vẫn tin rằng họ rất tuyệt vời nhưng không được công nhận, họ có thể quay sang những kiểu bù đắp khác nhau - ma túy, rượu, quan hệ tình dục với càng nhiều bạn tình càng tốt, mua sắm, có thái độ vượt trội, giễu cợt, vân vân. Thông thường, những kẻ vĩ cuồng không được thỏa mãn sẽ tràn đầy năng lượng cuồng nhiệt - khoảnh khắc này nói với mọi người về những kịch bản tuyệt vời mà họ sẽ viết hoặc nhiều phụ nữ họ sẽ quyến rũ, và khoảnh khắc tiếp theo rơi vào trầm cảm khi thực tế hiện ra trước mắt.
Mọi người vẫn có xu hướng lý tưởng hóa các nhà lãnh đạo và tôn thờ họ; và bạn phải xem đây là một hình thức của sự vĩ cuồng. Bằng cách tin rằng một ai đó khác sẽ làm cho mọi thứ trở nên tuyệt vời, những kẻ đi theo có thể cảm nhận một điều gì đó của sự tuyệt vời này. Tâm trí của họ có thể bay bổng cùng với những lời lẽ hùng hồn của người lãnh đạo. Họ có thể cảm thấy vượt trội so với những người không tin tưởng. Ở cấp độ cá nhân hơn, thông thường mọi người sẽ lý tưởng hóa những ai họ yêu thích, nâng những kẻ này lên vị thế của các nam thần hoặc nữ thần và bằng cách mở rộng cảm nhận, một phần nào đó của sức mạnh này sẽ phản chiếu lên họ.
Trên thế giới ngày nay, bạn cũng sẽ nhận thấy sự phổ biến của những hình thức tiêu cực của sự vĩ cuồng. Nhiều người cảm thấy cần phải che đậy những thôi thúc vĩ cuồng của mình không chỉ với những người khác mà cả với chính họ. Họ sẽ thường xuyên thể hiện sự khiêm tốn của mình - họ không quan tâm đến quyền lực hay cảm thấy quan trọng, hoặc họ nói như vậy. Họ hạnh phúc với vận mệnh nhỏ bé của mình trong cuộc sống. Họ không muốn có nhiều của cải, không có chiếc xe hơi nào và coi thường địa vị. Nhưng bạn sẽ nhận thấy họ cần phải thể hiện sự khiêm nhường này một cách công khai. Đó là sự khiêm nhường mang tính vĩ cuồng - cách thức để gây chú ý và cảm thấy vượt trội về mặt đạo đức của họ.
Một hình thức khác của dạng này là nạn nhân vĩ cuồng - họ đã phải chịu đựng rất nhiều và là nạn nhân nhiều lần. Dù họ có thể rêu rao rằng đơn giản là họ không may mắn, bạn sẽ nhận thấy rằng họ thường có xu hướng rơi vào những dạng tồi tệ nhất trong các mối quan hệ thân mật, hoặc tự đặt mình vào những hoàn cảnh mà chắc chắn họ sẽ thất bại và đau khổ. Về bản chất, họ buộc phải tạo ra một tấn kịch biến họ thành nạn nhân. Rốt lại, hóa ra bất kỳ mối quan hệ nào với họ sẽ phải xoay quanh những nhu cầu của họ; họ đã chịu đựng quá nhiều trong quá khứ để đáp ứng các nhu cầu của bạn. Họ là trung tâm của vũ trụ. Việc cảm thấy và bày tỏ sự bất hạnh của mình mang tới cho họ cảm giác về tầm quan trọng, về sự vượt trội trong đau khổ của họ.
Bạn có thể đo lường mức độ của sự vĩ cuồng ở mọi người bằng nhiều cách đơn giản. Ví dụ, chú ý cách mọi người phản ứng với những lời chỉ trích họ hoặc công việc của họ. Bình thường, bất cứ ai trong chúng ta đều cảm thấy trở nên phòng thủ và hơi khó chịu khi bị chỉ trích. Nhưng một số người trở nên tức giận và cuồng loạn, bởi vì chúng ta đã nghi ngờ cảm giác về sự vĩ đại của họ. Bạn có thể chắc chắn rằng một người như vậy có một mức độ vĩ cuồng khá cao.
Tương tự, những dạng người này có thể che giấu cơn thịnh nộ của họ đằng sau một biểu hiện đau đớn, bị hành hạ, với ý định làm cho bạn cảm thấy có lỗi. Điều quan trọng không nằm ở bản thân lời chỉ trích và những gì họ cần học hỏi mà ở cảm giác đau khổ của họ.
Nếu mọi người thành công, hãy chú ý tới cách họ hành động trong những khoảnh khắc riêng tư hơn. Họ có thể thư giãn và cười nhạo chính mình, buông rơi tấm mặt nạ trước công chúng của họ không, hay họ đã quả đồng nhất với hình ảnh công khai đầy quyền lực của họ đến độ mang theo nó vào cuộc sống riêng tư? Trong trường hợp thứ hai, họ đã trở nên tin vào huyền thoại của chính họ và đang ở trong gọng kìm của sự vĩ cuồng cao độ.
Nhìn chung, những người vĩ cuồng đều là những kẻ khoác lác. Họ làm ra vẻ như mình có thể làm bất cứ điều gì, thậm chí cả những việc không liên quan gì tới công việc của họ; họ bịa đặt ra những thành công trong quá khứ. Họ nói về khả năng tiên đoán của mình, cách họ nhìn thấy trước những xu hướng nhất định hoặc dự đoán những sự kiện nhất định mà không điều nào trong số đó có thể được xác minh. Tất cả những câu nói kiểu đó sẽ khiến cho bạn ngờ vực hơn. Nếu những người nổi tiếng đột nhiên nói điều gì đó khiến họ gặp rắc rối vì tỏ ra vô cảm, bạn có thể gán điều đó cho sự vĩ cuồng cao độ của họ. Họ hài lòng với những ý kiến tuyệt vời của chính họ đến độ họ cho rằng mọi người sẽ diễn dịch chúng theo đúng tinh thần đó và đồng ý với họ.
Các dạng vĩ cuồng hạng nặng thường thể hiện những mức độ cảm thông thấp. Họ không phải là những người lắng nghe tốt. Khi sự chú ý không dành cho họ, họ có một ánh mắt xa xăm và hay vặn vẹo những ngón tay vì nôn nóng. Chỉ khi điểm nổi bật thuộc về họ thì họ mới trở nên linh hoạt. Họ có xu hướng xem mọi người như những phần mở rộng của họ - những công cụ để sử dụng trong các kế hoạch của họ, những nguồn của sự chú ý của họ. Cuối cùng, họ thể hiện loại hành vi phi ngôn ngữ mà chỉ có thể mô tả là có tính chất vĩ cuồng. Điệu bộ của họ hùng hồn, giàu kịch tính. Trong một cuộc họp, họ chiếm rất nhiều không gian cá nhân. Giọng nói của họ có xu hướng to hơn những người khác, và họ nói với tốc độ nhanh, không để cho ai khác có thời gian để ngắt lời.
Với những người thể hiện một mức độ vĩ cuồng vừa phải, bạn nên nuông chiều họ. Hầu như tất cả chúng ta có tính cách đổi luân phiên giữa các thời kỳ, có những khi chúng ta cảm thấy vượt trội và vĩ đại; và có những khi chúng ta quay trở về mặt đất. Hãy tìm những khoảnh khắc khi mọi người suy nghĩ một cách thực tế, như là những dấu hiệu của sự bình thường. Nhưng với những người tự đánh giá bản thân quá cao, vốn không thể cho phép bất kỳ nghi ngờ nào, tốt nhất nên tránh bất kỳ quan hệ hay vướng mắc gì với họ. Trong các mối quan hệ thân mật, họ sẽ có xu hướng đòi hỏi sự chú ý từ một phía. Nếu họ là nhân viên, đối tác kinh doanh hoặc ông chủ, họ sẽ đề cao quá đáng những kỹ năng của họ. Mức độ tự tin của họ sẽ khiến cho bạn bỏ qua những thiếu sót trong ý tưởng, thói quen làm việc và tính cách của họ. Nếu bạn không thể tránh một mối quan hệ như vậy, hãy lưu ý tới xu hướng của họ - rất chắc chắn về sự thành công của những ý tưởng của mình - và giữ lấy sự hoài nghi của bạn. Hãy xem xét kỹ chính bản thân những ý tưởng đó và đừng bị lôi cuốn bởi sự tự tin đầy quyến rũ của họ. Đừng nuôi dưỡng ảo tưởng rằng bạn có thể đối đầu với họ và cố gắng đưa họ trở về mặt đất; bạn có thể kích hoạt một phản ứng giận dữ.
Nếu tình cờ những dạng người này là đối thủ của bạn, hãy tự xem mình là người may mắn. Họ dễ trở thành cái đích của sự chế nhạo và dễ bị nhử tới những phản ứng thái quá. Việc đặt ra những nghi ngờ về sự vĩ đại của họ sẽ khiến cho họ dễ nổi cáu và thiếu sáng suốt hơn.
Cuối cùng, bạn sẽ cần phải kiểm soát những xu hướng vĩ cuồng của chính mình. Sự vĩ cuồng có một số công dụng tích cực và hiệu quả. Sự hồ hởi và tự tin cao độ xuất phát từ nó có thể được định hướng tới công việc của bạn và giúp tạo cảm hứng cho bạn. (Xem Sự vĩ cuồng thiết thực ở mục sau để biết thêm chi tiết). Nhưng nhìn chung tốt nhất bạn nên chấp nhận những giới hạn của mình, là làm việc với những gì bạn có, thay vì tưởng tượng ra những quyền năng giống như thần thánh mà bạn không bao giờ có được. Sự bảo vệ lớn nhất bạn có thể có để chống lại sự vĩ cuồng là duy trì một thái độ thực tế. Bạn biết những đề tài và hoạt động mà bạn bị thu hút tới một cách tự nhiên. Bạn không thể thành thạo mọi thứ. Bạn cần phải chơi theo sở trường của mình và đừng tưởng tượng bạn có thể trở nên tuyệt vời ở bất cứ điều gì bạn đặt tâm trí vào. Bạn phải có sự hiểu biết thấu đáo về mức năng lượng của mình, về mức độ bạn có thể thúc đẩy bản thân một cách hợp lý và việc điều này sẽ thay đổi theo tuổi tác ra sao. Và bạn phải nắm chắc vị trí xã hội của mình - những đồng minh của bạn, những người mà bạn có mối quan hệ tốt nhất, những người giao tiếp đương nhiên trong công việc của bạn. Bạn không thể làm hài lòng tất cả mọi người.
Sự tự nhận thức này có một thành tố vật lý mà với nó bạn phải rất nhạy cảm. Khi đang thực hiện các hoạt động phù hợp với khuynh hướng tự nhiên của mình, bạn cảm thấy việc nỗ lực rất dễ dàng. Bạn học hỏi nhanh hơn. Bạn có nhiều năng lượng hơn và bạn có thể chịu được sự tẻ nhạt trong khi học hỏi bất cứ điều gì quan trọng. Khi bạn tiếp nhận quá nhiều, nhiều hơn mức bạn có thể xử lý, bạn cảm thấy không chỉ kiệt sức mà còn cáu kỉnh và lo lắng. Bạn dễ bị đau đầu. Khi có được thành công trong cuộc sống, tự nhiên bạn sẽ cảm thấy e sợ, như thể vận may có thể biến mất. Với sự e sợ này, bạn cảm thấy những nguy cơ có thể đến từ việc thăng tiến quá cao (gần giống như chóng mặt) và cảm thấy quá vượt trội. Nỗi lo của bạn đang kêu gọi bạn quay trở lại mặt đất. Bạn muốn lắng nghe cơ thể của bạn vì nó báo hiệu cho bạn khi bạn đang làm việc chống lại những sở trường của mình.
Khi hiểu rõ mình, bạn chấp nhận những giới hạn của mình. Bạn chỉ đơn giản là một cá nhân trong số nhiều người trên thế giới, và không tự nhiên vượt trội hơn bất kỳ ai. Bạn không phải là một thần linh hay một thiên sứ mà chỉ là một con người bất toàn như bao người khác. Bạn chấp nhận thực tế rằng bạn không thể kiểm soát những người xung quanh và không có chiến lược nào là hoàn hảo. Bản chất con người quá khó lường. Với sự hiểu biết về bản thân và chấp nhận các giới hạn này, bạn sẽ có ý thức về sự tương quan. Bạn sẽ tìm kiếm sự tuyệt vời trong công việc của mình. Và khi bạn cảm thấy sự thôi thúc muốn suy nghĩ về mình cao hơn mức độ hợp lý, hiểu biết này sẽ đóng vai trò như một cơ chế trọng lực, kéo bạn xuống và hướng bạn tới những hành động và quyết định phục vụ tốt nhất cho bản chất cụ thể của bạn.
Thực tế và thực dụng là cái khiến cho con người trở nên mạnh mẽ. Đó là cách chúng ta khắc phục điểm yếu về thể chất trong một môi trường thù địch từ hàng ngàn năm trước, và học cách cùng làm việc với những người khác, tạo ra những cộng đồng và những công cụ hiệu quả để sinh tồn. Mặc dù chúng ta đã rời xa chủ nghĩa thực dụng này, vì chúng ta không cần phải dựa vào trí thông minh của mình để sống sót nữa, thật ra đó chính là bản chất thực sự của chúng ta như một động vật xã hội ưu việt trên hành tinh. Trong việc trở nên thực tế hơn, bạn chỉ đơn giản đang trở nên con người hơn.
Nhà lãnh đạo vĩ cuồng
Nếu những người có mức độ vĩ cuồng cao cũng sở hữu một số tài năng và nhiều năng lượng tự tin, họ có thể vươn lên vị trí quyền lực lớn. Sự táo bạo và tự tin của họ thu hút sự chú ý và mang lại cho họ sự hiện diện nhiều ấn tượng. Bị mê hoặc bởi hình ảnh của họ, chúng ta thường không nhìn thấy sự thiếu sáng suốt tiềm ẩn trong quá trình ra quyết định của họ và vì vậy theo họ đi thẳng tới một số tai họa nào đó. Họ có thể mang tới những tổn hại rất lớn.
Bạn phải nhận ra một sự thật đơn giản về những dạng này - họ phụ thuộc vào sự chú ý của chúng ta. Không có sự chú ý của chúng ta, không được công chúng yêu mến, họ không thể khẳng định được sự tự đánh giá cao bản thân của mình, và trong những trường hợp như vậy, sự tự tin mà họ phụ thuộc vào trở nên tàn lụi. Để làm chúng ta kinh ngạc và đánh lạc hướng chúng ta khỏi thực tế, họ sử dụng một số công cụ diễn kịch nhất định. Chúng ta nhất thiết phải nhìn thấu những thủ thuật trình diễn của họ, giải mã chúng và thu nhỏ chúng trở lại kích thước của con người. Khi làm như vậy, chúng ta có thể chống lại sức hấp dẫn của họ và tránh được những nguy cơ mà những thủ thuật đã phơi bày. Sau đây là sáu ảo tưởng phổ biến mà họ muốn tạo ra.
Định mệnh của tôi là thế. Những nhà lãnh đạo vĩ cuồng thường cố gắng tạo ấn tượng, rằng theo cách nào đó số phận của họ là trở nên vĩ đại. Họ kể những câu chuyện về thời thơ ấu và tuổi trẻ cho thấy sự độc đáo của họ, như thể định mệnh đã chọn lựa họ. Họ nhấn mạnh những sự kiện đã được thể hiện từ sớm về sự cứng rắn hoặc sáng tạo khác thường của họ, bịa đặt ra những câu chuyện đại loại hoặc diễn dịch lại quá khứ. Họ nhắc tới những câu chuyện từ hồi đầu sự nghiệp của họ, trong đó họ đã vượt qua những trở ngại kinh khủng. Nhà lãnh đạo vĩ đại trong tương lai đã có sẵn mầm mống này từ nhỏ, hoặc họ làm cho nó có vẻ là thế. Khi nghe những điều tương tự bạn phải biết hoài nghi. Họ đang cố gắng tạo ra một huyền thoại, mà có lẽ chính họ đã tin vào. Hãy tìm những sự thật trần tục hơn đằng sau những câu chuyện về định mệnh và, nếu có thể, hãy công khai chúng.
Tôi là người đàn ông/phụ nữ bình thường. Trong một số trường hợp, các nhà lãnh đạo vĩ đại có thể đã vươn lên từ tầng lớp thấp hơn, nhưng nói chung, họ xuất phát từ những nền tảng tương đối có đặc quyền hoặc vì thành công của họ đã bị loại bỏ khỏi sự quan tâm của mọi người trong một thời gian khá lâu. Tuy nhiên, việc tự thể hiện trước công chúng như là đại biểu cao cấp của những người ngoài kia là điều cực kỳ cần thiết. Chỉ thông qua một biểu hiện như vậy, họ mới có thể thu hút sự chú ý và sự tham gia của nhiều người, đủ để thỏa mãn cho chính họ.
Indira Gandhi, thủ tướng Ấn Độ từ năm 1966 đến 1977 và năm 1980 đến 1984, xuất thân từ giới chính khách hoàng tộc, cha của bà, Jawaharlal Nehru, từng là thủ tướng đầu tiên của đất nước. Bà được học tập ở châu Âu và sống phần lớn cuộc đời cách xa những khu vực nghèo khó ở Ấn Độ. Nhưng vốn là một nhà lãnh đạo vĩ đại mà về sau trở nên khá độc tài, bà đã định vị mình như là một với mọi người, tiếng nói của họ được cất lên thông qua bà. Bà thay đổi ngôn ngữ của mình khi nói trước đám đông và sử dụng những ẩn dụ đơn giản khi viếng thăm những ngôi làng nhỏ. Bà thường mặc những chiếc sari tương tự như y phục của phụ nữ địa phương, và ăn bốc. Bà thích thể hiện mình là Mẹ Indira, người cai trị Ấn Độ theo một cung cách thân quen. Và bà cho rằng phong cách này rất hữu hiệu đối với việc thắng cử.
Thủ thuật của các nhà lãnh đạo vĩ cuồng là nhấn mạnh vào những thị hiếu văn hóa của họ, chứ không phải vào tầng lớp nơi họ thật sự xuất thân. Họ có thể ngồi ghế máy bay hạng nhất và mặc những bộ đồ đắt tiền nhất, nhưng họ chống lại điều này bằng cách làm ra vẻ như có cùng sở thích ẩm thực với công chúng, thưởng thức những bộ phim giống như những người khác và tránh bằng mọi giá dấu hiệu của văn hóa thượng lưu. Trên thực tế, họ sẽ tìm mọi cách để chế giễu giới tinh hoa, dù họ có thể phụ thuộc vào sự hướng dẫn của những chuyên gia thuộc tầng lớp đó. Họ chỉ giống như những người dân thường ở ngoài kia, nhưng có nhiều tiền và quyền lực hơn. Giờ đây công chúng có thể đồng cảm với họ bất chấp những mâu thuẫn hiển nhiên. Nhưng sự vĩ cuồng của dạng người này vượt xa mục đích chỉ đơn thuần nhằm thu hút được nhiều sự chú ý hơn. Những nhà lãnh đạo này trở nên vĩ đại hơn thông qua việc đồng nhất với quần chúng. Họ không chỉ đơn thuần là một người đàn ông hay phụ nữ mà là hiện thân của toàn thể quốc gia hay một nhóm lợi ích. Theo họ là trung thành với bản thân nhóm đó. Chỉ trích họ là muốn đóng đinh thập giá người lãnh đạo và phản bội chính nghĩa.
Ngay cả trong thế giới kinh doanh buồn tẻ, chúng ta cũng tìm thấy sự đồng nhất hóa theo phong cách tôn giáo tương tự: Eisner, ví dụ, thích thể hiện bản thân như là hiện thân của toàn bộ tinh thần Disney, bất kể điều đó có nghĩa là gì. Nếu bạn nhận thấy những nghịch lý và những hình thức nguyên thủy của sự gắn kết tương tự, hãy lùi lại và phân tích thực tế của những gì đang diễn ra. Bạn sẽ tìm thấy ở cốt lõi một điều gì đó gần như thần bí, rất phi lý và hoàn toàn nguy hiểm ở chỗ lúc này nhà lãnh đạo vĩ cuồng cảm thấy có quyền làm bất cứ điều gì mình muốn nhân danh công chúng.
Tôi sẽ giải cứu bạn. Những dạng này thường vươn tới quyền lực trong những giai đoạn khó khăn và khủng hoảng. Sự tự tin của họ có tác dụng xoa dịu công chúng hoặc các cổ đông. Họ sẽ là kẻ giải cứu mọi người khỏi nhiều vấn đề họ đang gặp phải. Để thực hiện điều này, những lời hứa hẹn của họ phải lớn lao nhưng mơ hồ. Với sự lớn lao, họ có thể truyền cảm hứng cho những giấc mơ; với sự mơ hồ, không ai có thể đòi hỏi cá nhân đó phải chịu trách nhiệm nếu chúng không xảy ra, vì không có thông tin cụ thể nào để nắm bắt. Những lời hứa hẹn và viễn tượng trong tương lai càng to tát, niềm tin mà chúng sẽ tạo ra càng lớn. Thông điệp phải đơn giản để dễ tiếp thu, có thể rút gọn thành một khẩu hiệu, và hứa hẹn một điều gì đó lớn lao, có thể khuấy động cảm xúc. Với ý nghĩa là một phần của chiến lược này, những dạng người này cần có những vật tế thần thuận tiện, thường là giới thượng lưu hoặc những người ngoài, để thắt chặt sự đồng nhất hóa nhóm và khuấy động nhiều cảm xúc hơn nữa. Chuyển động xung quanh nhà lãnh đạo bắt đầu kết tinh xung quanh lòng thù hận đối với những vật tế thần này, vốn bắt đầu đại diện cho từng nỗi đau và sự bất công mà cá nhân trong đám đông từng trải nghiệm. Lời hứa sẽ lật đổ những kẻ thù bịa đặt này của nhà lãnh đạo giúp gia tăng sức mạnh của ông/bà ta.
Những gì bạn sẽ tìm thấy ở đây là họ đang tạo ra một giáo phái thay vì lãnh đạo một phong trào chính trị hoặc một doanh nghiệp. Bạn sẽ thấy rằng tên, hình ảnh và những khẩu hiệu của họ phải được sao chép với số lượng lớn và được khoác cho một sự hiện diện ở mọi nơi giống như thần thánh. Những màu sắc, biểu tượng nhất định và có lẽ cả âm nhạc được sử dụng để gắn kết bản sắc nhóm và thu hút bản năng cơ bản nhất của con người. Giờ đây những người tin vào giáo phái này càng bị mê hoặc nhiều hơn và sẵn sàng bào chữa cho bất kỳ loại hành động nào. Ở một thời điểm như vậy, sẽ không có gì ngăn cản nổi các tín đồ chân chính, nhưng bạn phải duy trì khoảng cách nội bộ và khả năng phân tích của mình.
Tôi viết lại các nguyên tắc. Mong muốn thầm kín của con người là hành động mà không cần đếm xỉa tới các quy tắc và quy ước thông thường được áp dụng trong bất kỳ lĩnh vực nào - đạt được quyền lực chỉ bằng cách đi theo ánh sáng nội tâm của chính chúng ta. Khi các nhà lãnh đạo vĩ cuồng tuyên bố họ có quyền năng như vậy, chúng ta thầm cảm thấy phấn khích và muốn tin vào họ.
Michael Cimino là đạo diễn của bộ phim đoạt giải Academy Award - The Deer Hunter (Kẻ săn hươu) năm 1978. Tuy nhiên, đối với những người làm việc cùng và làm việc cho ông, ông không chỉ đơn giản là một đạo diễn điện ảnh mà còn là một thiên tài đặc biệt có sứ mệnh phá vỡ hệ thống các tập đoàn điện ảnh cố kết ở Hollywood. Với bộ phim tiếp theo của mình, Heaven’s Gate (Cổng thiên đường) năm 1980, ông đã thương lượng một bản hợp đồng độc nhất vô nhị trong lịch sử Hollywood, một hợp đồng cho phép ông tăng ngân sách khi ông thấy phù hợp và tạo ra chính xác bộ phim mà ông đã hình dung, không có bất kỳ ràng buộc nào. Trong trường quay, Cimino đã dành nhiều tuần để luyện tập cho các diễn viên theo đúng kiểu trượt patin mà ông cần cho một cảnh quay. Một ngày nọ, ông đợi hàng giờ trước những cái máy quay đang lăn bánh, chỉ để chờ một đám mây hoàn hảo có thể lướt qua khung hình. Chi phí tăng vọt và bộ phim ban đầu ông phải trình duyệt kéo dài hơn năm giờ. Rốt cuộc, Heaven’s Gate là một trong những thảm họa lớn nhất trong lịch sử Hollywood và nó gần như đã phá hủy sự nghiệp của Cimino. Có vẻ như hợp đồng theo truyền thống đã thật sự phục vụ cho một mục đích - kiềm chế sự vĩ cuồng tự nhiên của bất kỳ nhà đạo diễn nào và, buộc ông/bà ta phải làm việc trong vòng giới hạn. Ở phía sau hầu hết các quy tắc đều có sự hợp tình hợp lý và sáng suốt.
Như một biến thể của dạng này, thông thường các nhà lãnh đạo vĩ cuồng sẽ dựa vào trực giác của họ, coi nhẹ nhu cầu đối với các nhóm tập trung hoặc bất kỳ hình thức phản hồi khoa học nào. Họ có một kết nối đặc biệt bên trong với thực tại. Họ thích tạo ra huyền thoại rằng những linh cảm của họ đã dẫn đến những thành công tuyệt vời, nhưng sự xem xét kỹ lưỡng sẽ tiết lộ rằng những linh cảm của họ thường xuyên thất bại ngang với thành công. Khi bạn nghe các nhà lãnh đạo bảo rằng họ là người cực kỳ tài giỏi, có thể loại bỏ các quy tắc và khoa học, bạn phải xem đây chỉ là một dấu hiệu của sự điên rồ chứ không phải là cảm hứng linh thiêng.
Tôi có khả năng biến những thứ mình chạm vào thành vàng. Những kẻ vĩ cuồng hạng nặng sẽ cố gắng tạo ra huyền thoại rằng họ chưa bao giờ thật sự thất bại. Nếu có những thất bại hoặc bước lùi trong sự nghiệp của họ, đó luôn là lỗi của kẻ khác, những người đã phản bội họ. Tướng Douglas MacArthur của quân đội Hoa Kỳ là một thiên tài trong việc làm chệch hướng trách nhiệm; ông bảo rằng trong sự nghiệp lâu dài của mình, ông chưa bao giờ thua trận, mặc dù thật ra ông đã thua nhiều trận. Nhưng bằng cách thổi phồng các thành công và tìm ra những lời bào chữa vô tận, chẳng hạn như sự phản bội, cho những lần thua trận, ông đã tạo ra huyền thoại về khả năng tác chiến kỳ diệu của mình. Chắc chắn những nhà lãnh đạo vĩ cuồng khác cũng viện tới ma thuật tiếp thị này.
Liên quan đến điều này là niềm tin rằng họ có thể dễ dàng chuyển đổi những kỹ năng của mình - một giám đốc điều hành phim có thể trở thành nhà thiết kế công viên chủ đề, một doanh nhân có thể trở thành lãnh đạo của một quốc gia. Bởi vì họ có năng khiếu kỳ diệu, họ có thể thử sức với bất cứ điều gì thu hút họ. Đây thường là một động thái chết người về phía họ, vì họ cố gắng vượt qua chuyên môn của mình và nhanh chóng bị choáng ngợp với sự phức tạp và hỗn loạn xuất phát từ sự thiếu kinh nghiệm của họ. Khi đối phó với những dạng người này, hãy xem xét kỹ hồ sơ của họ và chú ý xem họ đã có bao nhiêu thất bại rực rỡ. Dù có thể những người chịu ảnh hưởng của sự vĩ cuồng của họ sẽ không lắng nghe, hãy công khai sự thật về hồ sơ của họ theo cách thức trung lập nhất có thể được.
Tôi bất khả xâm phạm. Nhà lãnh đạo vĩ cuồng rất mạo hiểm. Đây là điều thường thu hút sự chú ý ngay từ đầu, và khi được kết hợp với sự thành công vốn thường góp phần vào sự táo bạo, có vẻ như họ rất đỗi tuyệt vời. Nhưng sự táo bạo này không thật sự nằm trong vòng kiểm soát. Họ phải có những hành động tạo tiếng vang để lôi kéo sự chú ý vốn nuôi dưỡng sự tự đánh giá cao bản thân của họ. Họ không thể nghỉ ngơi hoặc rút lui, vì điều đó sẽ gây ra một khoảng trắng trong sự phô trương. Để làm cho mọi thứ thêm tồi tệ, họ đi tới chỗ cảm thấy mình bất khả xâm phạm, vì rất nhiều lần trong quá khứ họ đã thoát khỏi những hành động mạo hiểm, và nếu họ phải đối mặt với thất bại, họ tìm cách vượt qua chúng bằng cách táo bạo hơn nữa. Thêm vào đó, những hoạt động táo bạo này khiến họ cảm thấy phấn khích và sôi động. Nó trở thành một loại ma túy. Họ cần những khoản đặt cược và phần thưởng lớn hơn để duy trì cảm giác bất khả xâm phạm. Họ có thể làm việc 20 giờ một ngày bên dưới áp lực này. Họ có thể bước qua đống lửa.
Thật sự họ khá bất khả xâm phạm, cho đến khi rốt cuộc họ đi quá xa trong trạng thái vĩ cuồng đầy tai họa đó và rồi tất cả đều sụp đổ. Đây có thể là chuyến đi vòng quanh nước Mỹ đầy tính chất vĩ cuồng của MacArthur sau cuộc Chiến tranh Triều Tiên, trong đó nhu cầu gây chú ý đầy phi lý của ông trở nên rõ ràng một cách đau đớn; hoặc quyết định chết người của Mao Trạch Đông trong việc phát động cuộc Cách mạng Văn hóa; hoặc việc Stan O’Neal, CEO của Merrill Lynch, vẫn khư khư bám vào chứng khoán có bảo đảm bằng tài sản thế chấp khi mọi người khác đang cố thoát ra khỏi nó, phá hủy về cơ bản một trong những tổ chức tài chính lâu đời nhất ở nước này. Đột nhiên, vầng hào quang của sự bất khả xâm phạm bị phá vỡ. Điều này xảy ra bởi vì những quyết định của họ được xác định không phải bởi những cân nhắc sáng suốt mà bởi nhu cầu đối với sự chú ý và vinh quang, cuối cùng thực tế cũng đuổi kịp họ, với một đòn sấm sét.
Nói chung, khi đối phó với nhà lãnh đạo vĩ cuồng, bạn muốn cố gắng xóa tan hình ảnh thiêng liêng, rực rỡ mà họ đã giả mạo. Họ sẽ phản ứng thái quá, và những người đi theo họ sẽ trở nên điên cuồng, nhưng dần dần một vài người trong số đó có thể suy nghĩ lại. Tạo ra một sự tỉnh ngộ có tính chất lây lan là hy vọng cao nhất của bạn.
Sự vĩ cuồng thiết thực
Vĩ cuồng là một hình thức năng lượng nguyên thủy mà tất cả chúng ta đều sở hữu. Nó thúc đẩy chúng ta muốn một cái gì đó nhiều hơn mức chúng ta đang có, được người khác nhận ra và quý trọng, và cảm thấy được kết nối với một cái gì đó lớn lao hơn. Vấn đề không nằm ở bản thân năng lượng này, vốn có thể được sử dụng để tiếp nhiên liệu cho tham vọng của chúng ta, mà là hướng đi của nó. Thông thường sự vĩ cuồng khiến chúng ta tưởng tượng chúng ta lớn lao hơn và vượt trội hơn chính ta trong thực tế. Có thể gọi đây là sự vĩ cuồng trong trí tưởng vì nó dựa trên những tưởng tượng của chúng ta và ấn tượng sai lệch của chúng ta đối với bất kỳ sự chú ý nào mà chúng ta nhận được. Một hình thức khác, mà chúng ta sẽ gọi là sự vĩ cuồng thiết thực, thì không dễ dàng đạt được và không tự nhiên đến với chúng ta, nhưng nó có thể là nguồn của năng lượng lớn lao và sự tự hoàn thành.
Sự vĩ cuồng thiết thực không dựa trên tưởng tượng mà dựa trên thực tế. Năng lượng này được định hướng vào công việc và những mong muốn đạt được mục tiêu, giải quyết những vấn đề hoặc cải thiện các mối quan hệ của chúng ta. Nó thúc đẩy chúng ta phát triển và trau dồi những kỹ năng. Thông qua những thành tựu, chúng ta có thể cảm thấy lớn lao hơn. Chúng ta thu hút sự chú ý thông qua công việc. Sự chú ý mà chúng ta nhận được theo cách này mang tới sự hài lòng và duy trì năng lượng của chúng ta, nhưng cảm giác hài lòng lớn hơn đến từ chính công việc và từ việc khắc phục những điểm yếu của chính chúng ta. Mong muốn được chú ý nằm trong vòng kiểm soát và không mấy quan trọng. Lòng tự trọng của chúng ta được nâng lên, nhưng nó gắn liền với những thành tựu thực sự chứ không phải là những tưởng tượng mơ hồ, chủ quan. Chúng ta cảm thấy sự hiện diện của mình được mở rộng thông qua công việc, thông qua những gì chúng ta đóng góp cho xã hội.
Dù cách thức chính xác để định hướng năng lượng này sẽ phụ thuộc vào lĩnh vực và các cấp độ kỹ năng của bạn, năm nguyên tắc cơ bản sau đây là nền tảng để đạt được mức độ hoàn thành cao, vốn có thể đến từ hình thức vĩ cuồng-dựa trên-thực tế này.
Chấp nhận những nhu cầu vĩ cuồng của bạn. Bạn cần bắt đầu từ một vị trí trung thực. Bạn phải thừa nhận với chính mình rằng bạn muốn cảm thấy quan trọng và là trung tâm của sự chú ý. Điều này rất tự nhiên. Vâng, bạn muốn cảm thấy vượt trội. Bạn có những tham vọng như bao người khác. Trong quá khứ, có thể những nhu cầu vĩ cuồng của bạn đã dẫn bạn tới một số quyết định tồi tệ, mà giờ đây bạn có thể thừa nhận và phân tích. Sự phủ nhận là kẻ thù tồi tệ nhất của bạn. Chỉ với ý thức tự thân này bạn mới có thể bắt đầu chuyển đổi năng lượng vĩ cuồng thành một cái gì đó thiết thực và hữu ích.
Tập trung năng lượng. Sự vĩ cuồng tưởng tượng sẽ khiến cho bạn chuyển từ ý tưởng tuyệt vời này sang ý tưởng tuyệt vời khác, tưởng tượng ra mọi sự tán tụng và chú ý mà bạn sẽ nhận được, nhưng không bao giờ thực hiện được bất kỳ ý tưởng nào trong số đó. Bạn phải làm ngược lại. Bạn muốn tạo được thói quen tập trung sâu sắc và hoàn toàn vào một dự án hoặc vấn đề duy nhất. Bạn muốn mục tiêu tương đối đơn giản để có thể đạt được, và nằm trong một khung thời gian nhiều tháng chứ không phải nhiều năm. Bạn sẽ muốn chia nhỏ mục tiêu này thành các bước và mục tiêu nhỏ hơn trên đường đi. Ở đây, mục tiêu của bạn là bước vào một trạng thái chảy trôi, trong đó tâm trí của bạn ngày càng bị cuốn hút vào công việc, tới mức độ bạn chỉ nảy ra những ý tưởng vào những giờ rảnh rỗi. Cảm giác chảy trôi này rất dễ chịu và gây nghiện. Bạn không cho phép bản thân dính dáng tới những tưởng tượng về các dự án khác ở chân trời. Bạn muốn hòa mình vào công việc càng sâu càng tốt. Nếu bạn không bước vào trạng thái chảy trôi này, chắc chắn bạn sẽ ôm đồm quá nhiều công việc và ngưng tập trung. Hãy làm việc để khắc phục điều này.
Đây có thể là một dự án bạn tiến hành bên ngoài công việc của mình. Vấn đề không phải là số giờ bạn bỏ ra mà là cường độ và sự nỗ lực kiên định mà bạn mang đến cho nó.
Liên quan đến điều này, bạn muốn dự án này bao gồm những kỹ năng bạn đã có sẵn hoặc đang trong quá trình phát triển. Mục tiêu của bạn là nhìn thấy sự cải thiện liên tục về trình độ kỹ năng của mình, vốn chắc chắn sẽ dẫn đến sự tập trung cao độ của bạn. Lòng tự tin của bạn sẽ tăng lên. Điều đó đủ để bạn tiếp tục tiến về phía trước.
Duy trì một cuộc đối thoại với thực tế. Dự án của bạn bắt đầu với một ý tưởng, và trong khi cố gắng vun bồi ý tưởng này, bạn cho phép trí tưởng tượng của mình cất cánh, mở ra nhiều khả năng khác nhau. Tại một thời điểm nào đó, bạn chuyển từ giai đoạn lên kế hoạch sang giai đoạn thực hiện. Lúc này bạn phải chủ động tìm kiếm sự phản hồi và phê phán từ những người bạn tôn trọng hoặc từ số người giao tiếp đương nhiên của bạn. Bạn muốn nghe những nhận xét về những sai sót và bất cập trong kế hoạch, vì đó là cách duy nhất để cải thiện các kỹ năng của bạn. Nếu dự án không có kết quả như bạn tưởng tượng hoặc vấn đề không được giải quyết, hãy xem đây như là cách tốt nhất để học hỏi. Triệt để phân tích những gì bạn đã làm sai, càng khắc nghiệt càng tốt.
Khi đã có sự phản hồi và đã phân tích các kết quả, bạn quay lại dự án này hoặc bắt đầu một dự án mới, thả lỏng trí tưởng tượng một lần nữa nhưng kết hợp thêm những gì bạn đã học hỏi được từ kinh nghiệm. Bạn tiếp tục hành động không ngừng trong suốt quá trình này, nhận ra sự phấn khích bạn đang tiến bộ ra sao khi làm như vậy. Nếu bạn dừng lại quá lâu trong giai đoạn tưởng tượng, những gì bạn tạo ra sẽ có xu hướng vĩ cuồng và tách rời khỏi thực tế. Nếu bạn lắng nghe những phản hồi và cố biến công việc này trở thành một phản ảnh hoàn toàn của những gì người khác nói với bạn hoặc mong muốn, công việc sẽ diễn ra bình thường và xuôi chèo mát mái. Bằng cách duy trì một cuộc đối thoại liên tục giữa thực tế (những phản hồi) và trí tưởng tượng của bạn, bạn sẽ tạo ra một cái gì đó thiết thực và có tác động lớn lao.
Nếu bạn có bất kỳ thành công nào với các dự án của mình, đó là khi bạn phải lùi lại khỏi sự chú ý mà bạn đang nhận được. Hãy nhìn vào vai trò của vận may nếu có, hoặc sự giúp đỡ mà bạn nhận được từ những người khác. Không để bản thân rơi vào ảo tưởng thành công. Giờ đây, khi bạn tập trung vào ý tưởng tiếp theo, hãy nhìn lại bản thân vào lúc khởi đầu. Mỗi dự án mới đại diện cho một thách thức mới và một cách tiếp cận mới. Bạn rất có thể thất bại. Bạn cần mức độ tập trung như đã có trong dự án vừa rồi. Không bao giờ nghỉ ngơi trên vòng nguyệt quế hoặc giảm bớt cường độ làm việc.
Tìm kiếm những thách thức đã điều chỉnh vừa tầm. Vấn đề với sự vĩ cuồng trong trí tưởng là bạn tưởng tượng ra một mục tiêu mới tuyệt vời mà bạn sẽ đạt được - cuốn tiểu thuyết xuất sắc mà bạn sẽ viết, công ty khởi nghiệp có nhiều lợi nhuận mà bạn sẽ thành lập. Thử thách tuyệt vời đến độ bạn có thể bắt đầu, nhưng bạn sẽ sớm đuối sức khi nhận ra bạn không theo kịp nó. Hoặc nếu bạn thuộc mẫu người đầy tham vọng, quyết đoán, bạn có thể cố gắng đi hết con đường, nhưng bạn sẽ kết thúc với hội chứng Euro Disney, thất bại thê thảm, đổ lỗi cho người khác và không bao giờ rút được bài học kinh nghiệm.
Mục tiêu của bạn với sự vĩ cuồng thiết thực là liên tục tìm kiếm những thách thức ngay bên trên cấp độ kỹ năng của bạn. Nếu các dự án bạn muốn thử sức thấp hơn hoặc ngang tầm với cấp độ kỹ năng của bạn, bạn sẽ trở nên dễ chán nản và ít tập trung hơn. Nếu chúng quá tham vọng, bạn sẽ cảm thấy bị nghiền nát bởi thất bại của mình. Tuy nhiên, nếu chúng được điều chỉnh để có nhiều tính thách thức hơn dự án trước, nhưng ở mức độ vừa phải, bạn sẽ thấy mình phấn khích và tràn đầy năng lượng. Bạn phải đối mặt với thử thách này, vì thế mức độ tập trung của bạn cũng sẽ tăng lên. Đây là con đường học hỏi tối ưu. Nếu bạn thất bại, bạn sẽ không cảm thấy quá tải và bạn sẽ học hỏi được nhiều hơn. Nếu bạn thành công, sự tự tin của bạn tăng lên, nhưng nó gắn liền với công việc của bạn và đã đối mặt với sự thử thách. Cảm giác về sự hoàn thành sẽ thỏa mãn cho nhu cầu trở nên lớn lao của bạn.
Thả lỏng năng lượng vĩ cuồng của bạn. Một khi bạn đã chế ngự được năng lượng này, buộc nó phục vụ cho những tham vọng và mục tiêu của bạn, bạn sẽ an tâm để thả lỏng nếu có cơ hội. Hãy xem nó như một động vật hoang dã, thỉnh thoảng cần được tự do lang thang đây đó, không thì nó sẽ nổi điên vì bức bối. Điều này có nghĩa là thi thoảng bạn nên cho phép bản thân ấp ủ những ý tưởng hoặc dự án đại diện cho những thách thức lớn hơn so với những thách thức bạn đã cân nhắc trước đây. Bạn cảm thấy ngày càng tự tin và bạn muốn kiểm tra chính mình. Cân nhắc về việc phát triển một kỹ năng mới trong một lĩnh vực không liên quan, hoặc viết cuốn tiểu thuyết mà bạn từng coi là một sự phân tâm khỏi tác phẩm thật sự. Hoặc đơn giản là cho phép trí tưởng tượng của bạn được rong ruổi tự do trong quá trình lên kế hoạch.
Nếu bạn là người nổi tiếng và phải biểu diễn trước những người khác, hãy từ bỏ sự kiềm chế mà bạn đã phát triển và cho phép năng lượng vĩ cuồng lấp đầy bạn với mức độ tự tin cao. Điều này sẽ giúp cho những điệu bộ của bạn trở nên linh hoạt và cho bạn sức thu hút lớn hơn. Nếu bạn là một nhà lãnh đạo và nhóm của bạn đang gặp khó khăn hoặc khủng hoảng, hãy cho phép bản thân cảm thấy vĩ cuồng một cách khác thường và tin tưởng vào sự thành công của sứ mệnh, để nâng cao tinh thần và truyền cảm hứng cho các thành viên trong nhóm. Đó là dạng vĩ cuồng đã biến Winston Churchill thành lãnh tụ đầy hiệu quả trong Thế chiến thứ 2.
Trong mọi trường hợp, bạn có thể cho phép bản thân cảm thấy giống như thần thánh vì bạn đã nỗ lực hết mình với những kỹ năng đã được nâng cao và những thành tựu thật sự của mình. Nếu bạn đã dành thời gian để làm việc một cách đúng đắn thông qua các nguyên tắc khác, bạn sẽ tự nhiên quay trở về mặt đất sau vài ngày hoặc vài giờ phấn khích.
CUỐI CÙNG, TẠI NGUỒN CỦA SỰ VĨ CUỒNG TỪ LÚC NẰM NÔI của chúng ta là một cảm giác kết nối mạnh mẽ với người mẹ. Cảm giác này trọn vẹn và thỏa mãn đến độ chúng ta dành rất nhiều thời gian để cố gắng có lại nó theo một cách nào đó. Đó là nguồn gốc của nỗi khát khao vượt qua sự tồn tại tầm thường của chúng ta, mong muốn một thứ gì đó lớn lao đến độ chúng ta không thể diễn tả nó là gì. Chúng ta thoáng nhìn thấy mối liên kết ban sơ đó trong những mối quan hệ mật thiết và trong những khoảnh khắc của tình yêu vô điều kiện, nhưng những khoảnh khắc này rất hiếm hoi và chỉ thoáng qua. Việc bước vào trạng thái chảy trôi với công việc của chúng ta hoặc vun bồi những cấp độ cảm thông sâu sắc hơn với mọi người (xem chương 2) sẽ mang tới cho chúng ta nhiều khoảnh khắc như vậy và thỏa mãn sự thôi thúc. Chúng ta cảm thấy là một với công việc hoặc với những người khác. Chúng ta có thể đưa điều này đi xa hơn nữa bằng cách trải nghiệm một kết nối sâu sắc hơn với chính cuộc sống, mà Sigmund Freud gọi là “cảm giác đại dương”.(75)
Hãy xem xét điều này theo cách sau: Sự hình thành của chính sự sống trên hành tinh Trái đất từ rất nhiều tỷ năm trước đòi hỏi một sự trùng khớp của những sự kiện, vốn rất khó có khả năng xảy ra. Sự khởi đầu của sự sống là một cuộc thực nghiệm mong manh vốn có thể sớm kết thúc vào bất cứ lúc nào. Sự tiến hóa kể từ đó của rất nhiều hình thức sự sống là rất đáng kinh ngạc, và ở điểm cuối của sự tiến hóa đó là động vật duy nhất mà chúng ta biết có ý thức về toàn bộ quá trình này-con người.
Việc bạn đang sống là một sự kiện có rất ít khả năng xảy ra và kỳ lạ tương đương. Nó đòi hỏi một chuỗi các sự kiện rất đặc biệt dẫn đến cuộc gặp gỡ của cha mẹ bạn và sự chào đời của bạn, tất cả những điều này có thể diễn ra rất khác. Tại thời điểm này, khi bạn đọc điều này, bạn đang ý thức về cuộc sống cùng với hàng tỷ người khác, và chỉ trong một thời gian ngắn, cho đến khi bạn chết. Tham gia đầy đủ vào thực tế này là những gì chúng ta sẽ gọi là Sự siêu phàm (Sublime). (Xem chương 18 để biết thêm chi tiết). Không thể nào diễn tả nó bằng những ngôn từ. Nó quá tuyệt vời. Cảm thấy là một phần của cuộc thử nghiệm mong manh đó của sự sống là một dạng vĩ cuồng đảo ngược - bạn không phiền lòng vì sự nhỏ bé tương đối của mình mà lại ngây ngất với cảm giác trở thành một giọt nước trong đại dương này.
Sau đó, bị áp đảo bởi những phiền não mà tôi phải chịu liên quan đến các con trai của mình, tôi lại mời vị thần tới và hỏi Người tôi nên làm gì để sống hết phần đời còn lại một cách hạnh phúc nhất; và Người đã trả lời tôi: “Ồ Croesus, hãy tự biết chính mình - nhờ vậy ngươi sẽ sống và hạnh phúc”. [Nhưng] đã trở nên hư hỏng bởi sự giàu sang mà tôi có và bởi những kẻ đang cầu xin tôi trở thành lãnh đạo của họ, bởi những món quà họ tặng tôi và bởi những kẻ tâng bốc tôi, bảo rằng nếu tôi đồng ý nắm quyền chỉ huy thì tất cả sẽ tuân theo tôi và tôi nên trở thành người đàn ông vĩ đại nhất - được thổi phồng bởi những lời lẽ đó, khi tất cả các ông hoàng xung quanh chọn tôi làm thủ lĩnh của họ trong cuộc chiến, tôi đã chấp nhận chức vụ chỉ huy, nghĩ mình phù hợp với vai trò của người vĩ đại nhất; nhưng dường như tôi không tự biết chính mình. Bởi tôi nghĩ tôi có thể tiến hành chiến tranh chống lại Người; nhưng tôi không thể sánh với Người.
… Do đó, vì đã hành động thiếu hiểu biết, tôi đáng chịu khổ đau.
- Xenophon, “Cyropaedia” (Việc giáo dục Cyrus)