Những quy luật của bản chất con người - Chương 04
4
Xác định sức mạnh tính cách của con người
Quy luật của Hành vi có tính chất bắt buộc
Khi chọn người để làm việc và hợp tác, đừng để bị mê hoặc bới danh tiếng của họ hay bị đánh lừa bởi hình ảnh bề ngoài mà họ cố phô bày. Thay vì vậy, hãy rèn luyện cách nhìn sâu vào bên trong và nhìn thấy tính cách của họ. Tính cách của con người được hình thành trong các thói quen hằng ngày của họ. Đó là cái thúc đẩy họ lặp lại những hành vi nhất định trong cuộc sống của họ và rơi vào những khuôn mẫu tiêu cực. Hãy nhìn kỹ những khuôn mẫu đó và nhớ rằng con người không bao giờ chỉ làm điều gì đó một lần duy nhất. Họ sẽ không thể tránh khỏi việc lặp lại hành vi của mình. Hãy đo lường sức mạnh tương đối của tính cách của họ thông qua cách họ xử lý nghịch cảnh, khả năng điều chỉnh và làm việc với người khác của họ, sự nhẫn nại và khả năng học hỏi của họ. Luôn hướng tới những ai thể hiện những dấu hiệu của sức mạnh, và tránh nhiều dạng người độc hại ngoài kia. Hiểu biết thấu đáo về tính cách của chính mình để có thể phá vỡ những khuôn mẫu có tính chất bắt buộc và kiểm soát vận mệnh của bạn.
Khuôn mẫu
Với các cô chú và ông bà từng theo dõi quá trình lớn lên của cậu ở Houston, Texas, Howard Hughes con (1905-1976) là một cậu bé khá rụt rè lúng túng. Mẹ cậu suýt mất mạng khi sinh ra cậu và hậu quả là không thể sinh thêm con nữa, vì thế bà tập trung vào đứa con trai độc nhất. Liên tục lo lắng rằng cậu có thể mắc bệnh, bà quan sát từng cử động của cậu và làm mọi điều có thể để bảo vệ cậu. Cậu bé có vẻ kính sợ cha, Howard cha, kẻ đã khởi nghiệp với Công ty Sharp-Hughes Tool vào năm 1909; chẳng bao lâu sau, nó giúp gia đình trở nên giàu có. Cha cậu ít khi ở nhà, luôn đi đó đi đây vì công việc làm ăn, vì thế Howard trải qua hầu hết thời gian với mẹ. Với những bà con thân thuộc, cậu có thể có vẻ rụt rè và quá nhạy cảm, nhưng khi lớn hơn, cậu trở thành một thanh niên rất nhã nhặn, ăn nói mềm mỏng, hoàn toàn tận tâm với cha mẹ.
Năm 1922, mẹ cậu đột ngột qua đời ở tuổi 39. Cha cậu không bao giờ hoàn toàn hồi phục sau cái chết sớm của bà và cũng qua đời hai năm sau đó. Lúc này, ở tuổi 19, chàng trai Howard trở nên đơn độc trên đời, sau khi mất đi hai người thân yêu nhất từng dẫn dắt mọi giai đoạn trong đời anh. Họ hàng của anh quyết định rằng họ sẽ lấp đầy khoảng trống ấy, và hướng dẫn anh khi anh cần. Nhưng trong những tháng sau cái chết của cha anh, họ phải bất ngờ đương đầu với một Howard Hughes con mà họ chưa từng thấy hay ngờ tới trước đó. Chàng trai ăn nói mềm mỏng đột nhiên trở nên khá lạm quyền. Cậu bé ngoan ngoãn giờ là một kẻ nổi loạn hoàn toàn. Anh sẽ không học tiếp đại học như họ đã khuyên. Anh sẽ không làm theo bất kỳ khuyến cáo nào của họ. Họ càng khăng khăng, anh càng trở nên đối đầu.
Thừa kế tài sản của gia đình, giờ chàng trai Howard có thể trở nên hoàn toàn độc lập, và anh có ý định nắm lấy sự độc lập này càng nhiều càng tốt. Anh lập tức hành động, mua lại tất cả cổ phần trong công ty Sharp-Hughes Tool mà họ hàng anh sở hữu và nắm quyền kiểm soát hoàn toàn công việc kinh doanh có lợi nhuận cao này. Theo luật pháp bang Texas, anh có thể thỉnh nguyện để được tòa án tuyên bố là một người trưởng thành nếu có thể chứng minh bản thân đủ năng lực nắm giữ vai trò này. Hughes kết bạn với một thẩm phán địa phương và sớm có được tuyên bố mà anh mong muốn. Giờ đây anh có thể kiểm soát cuộc đời của chính mình và công ty mà không bị ai can thiệp. Họ hàng của anh bị sốc bởi tất cả những điều này, và chẳng bao lâu hai bên cắt đứt hầu như toàn bộ liên lạc với nhau. Điều gì đã biến cậu bé hiền lành họ từng biết thành chàng trai nổi loạn, cực kỳ ngạo mạn này? Đó là một bí mật mà họ không bao giờ lý giải được.
Ít lâu sau khi tự lập, Howard chuyển tới sống tại Los Angeles, nơi anh quyết định theo đuổi hai đam mê mới nhất của mình - sản xuất phim và lái máy bay. Anh có tiền để tự chiều mình trong cả hai sở thích này, và vào năm 1927 anh quyết định kết hợp chúng, sản xuất một cuốn phim sử thi với kinh phí cao, nói về những phi công trong Thế chiến thứ 1, gọi là Hell’s Angels (Những thiên thần của địa ngục). Anh thuê một đạo diễn và một đội ngũ biên kịch để hoàn thành kịch bản, nhưng anh có một bất đồng với vị đạo diễn và đã sa thải ông ta. Sau đó anh thuê một đạo diễn khác, Luther Reed, vốn cũng là một người ưa thích máy bay và có thể làm được nhiều điều hơn cho dự án, nhưng không bao lâu sau đó ông ta thôi việc do mệt mỏi vì Hughes thường xuyên can thiệp vào dự án. Những lời cuối cùng ông nói với Hughes là: “Nếu anh biết nhiều như thế, sao anh không tự mình làm đạo diễn đi?” Hughes làm theo lời khuyên của ông, tự đứng ra làm đạo diễn.
Kinh phí bắt đầu tăng vọt trong lúc anh cố đạt được tính hiện thực cao nhất. Tháng nối tiếp tháng, năm nối tiếp năm trôi qua trong lúc Hughes dùng rồi sa thải hàng trăm thành viên phi hành đoàn và phi công đóng thế vai, ba trong số đó chết trong những tai nạn kinh khủng. Sau những cuộc cãi vã vô tận, anh kết thúc với việc sa thải hầu như mọi trưởng phòng ban và tự mình điều hành mọi thứ. Anh chú ý tới từng cú bấm máy, từng góc quay, từng phân đoạn kịch bản. Cuối cùng Những thiên thần của địa ngục được công chiếu lần đầu vào năm 1930 và thành công rực rỡ. Câu chuyện là một mớ hỗn độn, nhưng cảnh bay và các chuỗi hành động khiến khán giả thích thú. Lúc này huyền thoại về Howard Hughes đã ra đời. Anh là một chàng trai “ngoại đạo” bảnh bao, kẻ đã tấn công chớp nhoáng vào hệ thống điện ảnh và tạo được một thành công vang dội. Anh là một kẻ theo chủ nghĩa cá nhân táo bạo, kẻ tự mình làm mọi thứ.
Kinh phí cho cuốn phim là 3,8 triệu đô la và nó đã bị lỗ gần 2 triệu đô la, nhưng không ai chú ý tới việc này. Bản thân Hughes tỏ ra khiêm tốn và khẳng định rằng anh đã học được bài học về việc sản xuất phim: “Tự làm cuốn phim Những thiên thần của địa ngục là sai lầm lớn nhất của tôi. Về phần tôi, việc cố làm công việc của 12 người đúng là một sự ngu xuẩn. Tôi đã học được thông qua trải nghiệm cay đắng rằng không người nào có thể biết hết mọi thứ”.
Trong thập niên 1930, huyền thoại về Hughes dường như chỉ tăng lên khi ông lái những chiếc máy bay và đạt được nhiều kỷ lục thế giới về tốc độ, liều mạng với cái chết nhiều lần. Hughes đã thành lập một công ty mới từ công ty của cha ông gọi là Hughes Aircraft, hy vọng sẽ biến nó thành công ty sản xuất máy bay lớn nhất thế giới. Vào thời đó, điều này đòi hỏi phải có được những hợp đồng sản xuất máy bay lớn với quân đội; và khi Hoa Kỳ tham gia Thế chiến thứ 2, Hughes đã đóng một vai trò lớn cho một hợp đồng như thế.
Năm 1942, bị ấn tượng bởi những thành tích trong lĩnh vực hàng không của ông, sự chú ý tỉ mỉ đến từng chi tiết mà ông tiết lộ trong các cuộc phỏng vấn và những nỗ lực vận động không mệt mỏi của ông, nhiều quan chức trong Bộ Quốc phòng đã quyết định trao cho Hughes Aircraft một khoản tài trợ trị giá 18 triệu đô la để sản xuất ba máy bay vận tải khổng lồ, gọi là Hercules, sẽ được sử dụng để chở binh lính và tiếp tế cho các mặt trận trong chiến tranh. Các máy bay này được gọi là “tàu bay” (flying boats), có sải cánh dài hơn một sân bóng đá và thân cao hơn ba tầng lầu. Nếu công ty thực hiện tốt hợp đồng, giao máy bay đúng hẹn và đúng ngân sách, họ sẽ đặt hàng nhiều hơn nữa và Hughes có thể đầu tư vào việc sản xuất máy bay vận tải.
Chưa đầy một năm sau, đã có thêm tin tốt. Ấn tượng với thiết kế đẹp và bóng bẩy của kiểu máy bay D.2 nhỏ hơn của ông, không quân đã đặt hàng một trăm chiếc máy bay trinh sát chụp ảnh với giá 43 triệu đô la, mô phỏng theo thiết kế của máy bay D.2. Nhưng ít lâu sau, tin đồn bắt đầu lan truyền về rắc rối ở Hughes Aircraft. Công ty đã bắt đầu như một sở thích của Hughes. Ông đã đặt nhiều bạn bè trong giới điện ảnh Hollywood và giới hàng không vào các vị trí cấp cao. Khi công ty phát triển, số lượng phòng ban cũng tăng, nhưng có rất ít thông tin liên lạc giữa họ. Mọi thứ đều phải được chính Hughes thông qua. Ông phải được hỏi ý kiến về từng quyết định nhỏ nhất. Chán nản với sự can thiệp quá lố của ông, nhiều kỹ sư hàng đầu đã bỏ việc.
Hughes đã nhìn thấy vấn đề và thuê một tổng giám đốc để giúp đỡ cho dự án Hercules và chấn chỉnh lại hoạt động của công ty, nhưng vị tổng giám đốc này cũng xin nghỉ việc sau hai tháng. Hughes đã hứa với ông ta về việc cơ cấu lại công ty, nhưng sau đó không bao lâu ông bắt đầu phủ quyết các quyết định của ông ta và giảm thiểu thẩm quyền của ông ta. Vào cuối mùa hè năm 1943, 6 triệu trong số 9 triệu đô la dành riêng cho việc sản xuất chiếc máy bay Hercules đầu tiên đã được sử dụng, nhưng vẫn chưa thấy bóng dáng nó đâu cả. Những người đã chấp thuận ký hợp đồng với ông trong Bộ Quốc phòng bắt đầu hoảng hốt. Việc đặt hàng các máy bay trinh sát chụp ảnh là một yếu tố tối quan trọng cho nỗ lực tiến hành chiến tranh. Sự hỗn loạn nội bộ và sự chậm trễ trong việc sản xuất những chiếc Hercules có báo trước những rắc rối trầm trọng hơn đối với đơn đặt hàng các máy bay trinh sát hay không? Phải chăng Hughes đã lừa họ bằng sự quyến rũ và chiến dịch quảng cáo của ông?
Sang đầu năm 1944, đơn đặt hàng các máy bay trinh sát đã được thực hiện chậm trễ một cách vô vọng so với lịch trình. Lúc này quân đội kiên quyết yêu cầu Hughes thuê một tổng giám đốc mới để cứu vãn tình thế chút nào hay chút đó. May mắn thay, một trong những người giỏi nhất cho công việc này đã có sẵn tại thời điểm đó: Charles Perelle, “cậu bé kỳ diệu” của ngành sản xuất máy bay. Perelle không muốn nhận công việc này. Như mọi người trong ngành, ông biết rõ sự hỗn loạn trong hãng Hughes Aircraft. Cảm thấy tuyệt vọng, lúc này chính bản thân Hughes thực hiện một cuộc tấn công có tính chất mê hoặc. Ông khẳng định rằng ông đã nhận ra sai lầm trong cách hành xử của mình. Ông cần kiến thức chuyên môn của Perelle. Ông không phải là kẻ như Perelle đã tưởng, ông hoàn toàn khiêm tốn và làm ra vẻ như thể mình là nạn nhân của những lãnh đạo vô đạo đức trong công ty. Ông biết tất cả các chi tiết kỹ thuật trong việc sản xuất một chiếc máy bay, điều này gây ấn tượng với Perelle. Ông hứa sẽ trao cho Perelle thẩm quyền mà ông ta cần. Perelle đã nhận công việc, trái với phán đoán chính xác hơn của mình.
Tuy nhiên, chỉ sau vài tuần, Perelle đã hối hận về quyết định đó. Các máy bay được thực hiện chậm hơn nhiều so với mức ông mong đợi vì đã tin lời của Hughes. Mọi thứ ông nhìn thấy đều đậm mùi của sự thiếu chuyên nghiệp, cả những bản vẽ thiết kế máy bay cũng kém chất lượng. Ông tiếp tục hành động, cắt giảm chi tiêu lãng phí và tinh giản các phòng ban, nhưng không ai tôn trọng thẩm quyền của ông. Mọi người đều biết ai thực sự điều hành công ty, vì Hughes tiếp tục phá hoại ngầm những cải cách của Perelle. Khi việc thực hiện đơn đặt hàng ngày càng trễ nải và áp lực tăng lên, Hughes biến mất khỏi hiện trường, rõ ràng đã bị suy nhược thần kinh. Đến cuối cuộc chiến, không một chiếc máy bay trinh sát nào được sản xuất, và không quân đã hủy hợp đồng. Sụp đổ vì trải nghiệm này, Perelle thôi việc vào tháng 12 năm đó.
Để cố vớt vát lại gì đó từ những năm chiến tranh, Hughes viện tới việc hoàn thành một trong những chiếc tàu bay, sau này được biết với tên gọi Spruce Goose. Ông tuyên bố nó là một kỳ công, một mẫu động cơ tuyệt vời ở quy mô lớn. Để chứng minh những kẻ nghi ngờ đã nhận định sai, ông quyết định tự mình bay kiểm tra chiếc máy bay này. Tuy nhiên, khi ông bay qua đại dương, sự việc trở nên rõ ràng một cách đau đớn: Chiếc máy bay không đủ sức nâng trọng lượng khổng lồ của nó; sau một dặm ông nhẹ nhàng hạ cánh nó trên mặt nước và cho người kéo nó về. Chiếc máy bay này không bao giờ bay nữa và được cất giữ trong một nhà chứa máy bay với chi phí 1 triệu đô la mỗi năm. Hughes từ chối tháo nó ra để lấy phế liệu.
Năm 1948, chủ sở hữu của hãng RKO Pictures, Floyd Odium, đang tìm người để bán lại nó. RKO là một trong những hãng phim có lợi nhuận và uy tín nhất Hollywood, và Hughes đang nôn nóng quay trở lại dưới ánh đèn sân khấu bằng cách nhảy vào ngành kinh doanh điện ảnh. Ông đã mua cổ phiếu của Odium, nắm được quyền kiểm soát hãng phim. Nội bộ RKO trở nên hoảng loạn. Những người điều hành ở đó biết rõ tai tiếng hay xía vào việc người khác của ông. Công ty vừa mới chuyển sang một hệ thống quản trị mới, đứng đầu là Dore Schary, nhằm biến RKO thành hãng phim thu hút nhất đối với các đạo diễn trẻ. Schary quyết định nghỉ việc trước khi bị làm nhục, nhưng ông đồng ý trước hết sẽ gặp Hughes, chủ yếu là vì tò mò.
Hughes tỏ ra rất đáng mến. Ông cầm tay của Schary, nhìn thẳng vào mắt ông ta và nói: “Tôi không muốn giữ vai trò nào trong việc điều hành hãng phim. Ông sẽ có toàn quyền hành động”. Ngạc nhiên với sự chân thành và sự chấp thuận đối với đề nghị cải tiến hãng phim của Hughes, Schary dịu lại, và trong vài tuần đầu mọi sự diễn ra như Hughes đã hứa. Nhưng rồi những cuộc điện thoại bắt đầu. Hughes muốn Schary thay thế một nữ diễn viên trong bộ phim mới nhất đang sản xuất. Nhận ra sai lầm của mình, Schary lập tức từ chức và ra đi, mang theo nhiều nhân viên khác.
Hughes bắt đầu lấp đầy các vị trí với những người tuân theo mệnh lệnh của ông, thuê đúng những nam nữ diễn viên mà ông ưa thích. Ông mua một kịch bản gọi là Jet Pilot và dự định biến nó thành phiên bản năm 1949 của Những thiên thần của địa ngục. Kịch bản này được dành cho ngôi sao John Wayne, và đạo diễn lớn Josef von Sternberg. Sau một vài tuần, Sternberg không thể chịu nổi cuộc gọi nào nữa của Hughes và bỏ việc. Hughes tiếp quản công việc của ông ta. Với sự lặp lại hoàn toàn quá trình sản xuất Những thiên thần của địa ngục, phải mất gần ba năm bộ phim mới hoàn thành, chủ yếu do việc chụp ảnh trên không, và kinh phí tăng vọt tới 4 triệu đô la. Hughes đã quay nhiều cảnh đến nỗi ông không thể quyết định cách biên tập nó. Phải mất sáu năm trước khi nó sẵn sàng; cho tới lúc đó các cảnh quay máy bay phản lực đã hoàn toàn lỗi thời và trông Wayne đã già hơn đáng kể. Hậu quả là bộ phim hoàn toàn rơi vào tình cảnh không ai biết đến. Không lâu sau đó, hãng phim một thời thịnh vượng đã mất một khoản tiền to, và vào năm 1955, với các cổ đông nổi giận vì sự quản lý sai lầm của ông, Hughes đã bán lại RKO cho Công ty General Tire.
Trong thập niên 50 và đầu thập niên 60 thế kỷ 20, quân đội Hoa Kỳ đã quyết định điều chỉnh lại một số triết lý chiến đấu cho phù hợp với thời đại. Để tiến hành chiến tranh ở những nơi như Đông Nam Á, nó cần trực thăng, bao gồm một loại trực thăng quan sát nhẹ phục vụ cho công tác trinh sát. Quân đội tìm kiếm các nhà sản xuất tiềm năng và vào năm 1961 đã chọn ra hai trong số đó, vốn đã đệ trình các đề xuất tối ưu, và từ chối thiết kế của công ty máy bay thứ hai của Hughes, mà ông đã tách ra khỏi Hughes Tool (lúc bấy giờ công ty gốc Hughes Aircraft đã hoạt động hoàn toàn độc lập với Hughes). Hughes không thể chấp nhận thất bại này. Đội ngũ quảng cáo của ông đã thực hiện một chiến dịch vận động hành lang khổng lồ, tận tình chiêu đãi các sĩ quan quân đội, giống như họ đã làm 20 năm trước, trong chiến dịch vận động để ký hợp đồng sản xuất những chiếc máy bay trinh sát chụp ảnh, chi tiền một cách hào phóng. Chiến dịch thành công và giờ đây Hughes được tham gia vào cuộc chạy đua với hai nhà sản xuất kia. Quân đội quyết định rằng công ty nào ra giá tốt nhất sẽ giành chiến thắng.
Cái giá do Hughes đưa ra khiến quân đội ngạc nhiên, nó thấp đến nỗi dường như công ty không thể nào kiếm lời được trong việc sản xuất trực thăng. Dường như rõ ràng rằng chiến lược của ông là chịu mất tiền trong quá trình sản xuất ban đầu để giành chiến thắng trong cuộc đấu giá, nhận được hợp đồng để rồi sau đó tăng giá cho các đơn đặt hàng tiếp theo. Cuối cùng, vào năm 1965 quân đội đã ký kết hợp đồng với Hughes, một kết quả không thể tin được đối với một công ty có rất ít thành công trong việc sản xuất máy bay. Nếu chúng được chế tạo tốt và đúng thời hạn, có khả năng quân đội sẽ đặt hàng nhiều ngàn chiếc trực thăng và Hughes có thể sử dụng nó làm bàn đạp để sản xuất trực thăng thương mại, mở rộng phạm vi kinh doanh.
Vì cuộc chiến ở Đông Nam Á đang nóng lên, chắc chắn quân đội sẽ tăng số đơn đặt hàng và Hughes sẽ gặt hái vận may, nhưng khi chờ nhận những chiếc trực thăng đầu tiên, những người đã trao hợp đồng cho Hughes bắt đầu hoảng hốt: công ty đang lùi lịch trình mà họ đã từng thống nhất; thế là họ đã mở một cuộc điều tra để tìm hiểu những gì đang diễn ra. Trước sự kinh hoàng của họ, dường như không có dây chuyền sản xuất có tổ chức nào cả. Nhà máy quá nhỏ để xử lý một đơn đặt hàng như vậy. Tất cả các chi tiết đều sai, các bản vẽ thiếu tính chuyên nghiệp, các công cụ không đầy đủ và có quá ít công nhân lành nghề trong nhà máy. Như thể công ty không có chút kinh nghiệm gì trong việc thiết kế máy bay và đang cố gắng tìm ra nó. Tình huống này giống hệt như tình huống với các máy bay trinh sát, mà chỉ một vài tướng lãnh quân đội còn nhớ. Rõ ràng Hughes không học được bài học nào từ thất bại trước đó.
Như giờ đây họ có thể dự đoán, hợp đồng sản xuất trực thăng chỉ là một cú lừa đảo. Cảm thấy tuyệt vọng, các tướng lĩnh quyết định thực hiện một cuộc đấu giá mới cho đơn đặt hàng lớn hơn nhiều, gồm 2.200 trực thăng mà họ cần, hy vọng một công ty giàu kinh nghiệm hơn sẽ xuất hiện với giá thấp hơn và đẩy Hughes ra rìa. Hughes bắt đầu hoảng hốt. Thất bại trong cuộc đấu thầu này cũng có nghĩa là phá sản. Công ty đang tính đến việc tăng giá cho đơn đặt hàng mới này để bù lại những tổn thất to lớn trong quá trình sản xuất ban đầu. Hughes đã đặt cược vào đó. Nếu ông cố gắng đưa ra một mức giá thấp cho các trực thăng bổ sung, ông không thể có lời; nếu giá đấu thầu của ông không đủ thấp, ông sẽ thua cuộc, và cuối cùng điều đó đã xảy ra. Tổn thất chung cuộc của Hughes trong việc sản xuất trực thăng là khoản tiền lớn 90 triệu đô la, và nó có tác động tàn phá đối với công ty.
Năm 1976, Howard Hughes tử nạn trong một chuyến bay từ Acapulco đến Houston và theo kết quả khám nghiệm tử thi, rốt cuộc công chúng cũng biết về những gì đã xảy ra với ông trong 10 cuối đời. Trong suốt nhiều năm, ông đã nghiện thuốc giảm đau và ma túy. Ông sống trong những căn phòng khách sạn luôn đóng kín, do e sợ sẽ chết vì một vụ nhiễm trùng nhỏ nhất có thể. Vào lúc chết, ông chỉ cân nặng khoảng 42 ký. Ông đã sống trong sự cô lập gần như hoàn toàn, chỉ tiếp xúc với vài viên phụ tá, cố hết sức che đậy với công chúng tất cả những điều này. Thật trớ trêu khi người đàn ông e sợ sự mất kiểm soát dù nhỏ nhất hơn bất cứ điều gì, đã kết thúc những năm cuối đời của mình trong sự thương xót hoàn toàn của một số trợ lý và giám đốc điều hành, những người đã theo dõi cái chết chậm chạp do sử dụng ma túy của ông và giật khỏi tay ông quyền kiểm soát công ty.
Diễn dịch: Khuôn mẫu cuộc sống của Howard Hughes đã được thiết lập từ rất sớm. Mẹ ông có bản tính hay lo lắng, và sau khi biết mình không thể có thêm con, bà đã hướng phần nhiều nỗi lo này vào cậu con trai duy nhất. Bà bóp nghẹt ông với sự quan tâm quá thường xuyên; bà trở thành người bạn thân thiết nhất của con, gần như không bao giờ rời mắt khỏi ông. Người cha cũng đặt những kỳ vọng rất lớn vào cậu con trai, mong ông sẽ kế thừa và phát huy thanh danh của gia đình. Cha mẹ ông quyết định tất cả những gì ông làm - mặc thứ gì, ăn thứ gì, và kết bạn với ai (dù số đó rất ít). Họ chuyển ông từ trường này sang trường khác để tìm kiếm môi trường hoàn hảo cho con trai họ, vốn đã tỏ ra quá nhạy cảm và khó hòa đồng. Ông hoàn toàn phụ thuộc vào họ trong mọi thứ, và do e ngại làm họ thất vọng, ông trở nên cực kỳ lịch sự và ngoan ngoãn.
Tuy nhiên, sự thật là ông ghét cay ghét đắng sự phụ thuộc hoàn toàn của mình. Khi cha mẹ ông qua đời, tính cách thật sự của ông cuối cùng cũng có thể xuất hiện từ bên dưới những nụ cười và sự ngoan ngoãn. Ông không có chút tình yêu nào với những họ hàng của mình. Ông thà đối mặt với tương lai một mình còn hơn ở bên dưới một thẩm quyền nhỏ nhất nào. Dù chỉ mới 19 tuổi, ông phải kiểm soát hoàn toàn số phận của mình; nếu không thì bất cứ điều gì cũng có thể khuấy động những âu lo cũ từ thời thơ ấu. Và với số tiền thừa kế, ông có khả năng để thực hiện giấc mơ độc lập hoàn toàn. Sở thích lái máy bay của ông phản ánh đặc điểm tính cách này. Chỉ trong không gian, một mình và ở vị trí chỉ huy, ông mới có thể thật sự trải nghiệm niềm hân hoan của sự kiểm soát và thoát khỏi những mối lo. Ông có thể bay cao bên trên đám đông, những kẻ mà ông thầm coi thường. Ông có thể bất chấp cái chết, điều ông đã thực hiện nhiều lần, bởi đó sẽ là một cái chết dưới quyền lực của chính ông.
Tính cách của ông xuất hiện rõ ràng hơn nữa trong phong cách lãnh đạo mà ông phát triển ở Hollywood và trong các dự án kinh doanh khác. Nếu những nhà biên kịch, giám đốc hoặc giám đốc điều hành đưa ra ý tưởng của riêng họ, ông chỉ có thể xem đây là một thách thức cá nhân đối với thẩm quyền của mình. Điều này sẽ khuấy động những lo lắng cũ của ông về sự bất lực và phụ thuộc vào người khác. Để chống lại mối lo này, ông phải kiểm soát tất cả các khía cạnh của doanh nghiệp, giám sát ngay cả chính tả và ngữ pháp của một thông cáo nhỏ nhất dành cho công chúng. Ông phải tạo ra một cấu trúc rất lỏng lẻo trong nội bộ các công ty của mình, khiến tất cả các giám đốc điều hành phải đấu tranh với nhau để giành được sự chú ý của ông. Tốt hơn nên có một số hỗn loạn nội bộ, miễn là ông kiểm soát được mọi thứ.
Nghịch lý của điều này là bằng cách cố gắng giành được sự kiểm soát hoàn toàn đó, ông có xu hướng đánh mất nó; một người không thể kiểm soát hết mọi thứ, và do đó mọi dạng rắc rối không thể lường trước sẽ phát sinh. Và khi các dự án sụp đổ và tình hình hỗn loạn tăng cao, ông sẽ biến mất khỏi hiện trường hoặc sẵn sàng lăn ra ốm. Nhu cầu kiểm soát mọi thứ xung quanh của ông thậm chí còn mở rộng đến cả những người phụ nữ mà ông hò hẹn, ông nghiên cứu kỹ lưỡng mọi hành động của họ, và thuê thám tử tư theo dõi họ.
Trong một số khả năng, vấn đề mà Howard Hughes mang tới cho tất cả những người chọn làm việc với ông là ông cẩn thận xây dựng một hình ảnh trước công chúng, che đậy những điểm yếu rành rành trong tính cách của ông. Thay vì một nhà quản lý vi mô thiếu sáng suốt, ông có thể tự thể hiện mình như một người theo chủ nghĩa cá nhân thô lỗ và một người đàn ông Mỹ không bè phái chính trị hoàn hảo. Vấn đề có thể gây thiệt hại nhiều nhất trong tất cả mọi thứ là ông có khả năng tự thể hiện như một doanh nhân thành đạt dẫn đầu một đế chế tỷ đô. Thật sự, ông đã thừa hưởng được một doanh nghiệp sản xuất công cụ có lợi nhuận cao từ cha mình. Theo thời gian, các bộ phận duy nhất trong đế chế của ông có lợi nhuận đáng kể là công ty sản xuất công cụ và một phiên bản trước đó của công ty Hughes Aircraft mà ông đã tách ra từ công ty sản xuất công cụ. Vì nhiều lý do, cả hai công ty này đều hoạt động hoàn toàn độc lập với Hughes; ông không có đóng góp nào đối với hoạt động của chúng. Nhiều doanh nghiệp khác mà ông trực tiếp điều hành - công ty sản xuất máy bay, hãng phim, những khách sạn và bất động sản của ông ở Las Vegas - tất cả đều lỗ nặng mà may sao được hai công ty đó bù đắp lại.
Trên thực tế, Hughes là một doanh nhân tồi tệ, và khuôn mẫu của những thất bại để lộ điều này rất rõ ràng trước mắt mọi người. Nhưng đây là điểm mù trong bản chất con người: Chúng ta được trang bị rất kém để đánh giá tính cách của những người chúng ta tiếp xúc. Hình ảnh trước công chúng của họ và danh tiếng đi trước họ dễ dàng mê hoặc chúng ta. Chúng ta bị quyến rũ bởi vẻ bề ngoài. Nếu họ tự bao quanh mình bằng một huyền thoại quyến rũ nào đó, như Hughes đã làm, chúng ta muốn tin vào điều đó. Thay vì xác định tính cách của mọi người - khả năng làm việc với người khác của họ, khả năng giữ lời hứa của họ, khả năng duy trì sự mạnh mẽ trong hoàn cảnh bất lợi của họ - chúng ta chọn cách cộng tác hoặc thuê những người dựa trên lý lịch lấp lánh, trí thông minh và sự quyến rũ của họ. Nhưng ngay cả một đặc điểm tích cực như trí thông minh cũng vô giá trị nếu tình cờ người đó cũng có tính cách yếu đuối hoặc đáng ngờ. Và thế là, vì điểm mù của mình, chúng ta phải gánh chịu tổn hại từ một người lãnh đạo thiếu dứt khoát, một ông chủ thích quản lý vi mô, hay một đối tác quỷ quyệt. Đây là nguồn gốc của những bi kịch bất tận trong lịch sử, khuôn mẫu của chúng ta với tư cách một loài.
Bằng mọi giá, bạn phải thay đổi quan điểm của mình. Tự rèn luyện để làm ngơ vẻ bề ngoài mà mọi người thể hiện, huyền thoại xung quanh họ, và thay vì vậy hãy dò trong những chiều sâu của họ để tìm ra các dấu hiệu của tính cách. Chúng ta có thể nhìn thấy tính cách này trong những khuôn mẫu họ để lộ từ quá khứ, chất lượng của các quyết định của họ, cách họ đã chọn để giải quyết các vấn đề, cách họ ủy quyền và làm việc với người khác và vô số dấu hiệu khác. Một người có tính cách mạnh mẽ cũng giống như vàng, hiếm nhưng vô giá. Họ có thể thích nghi, học hỏi và cải thiện bản thân. Vì thành công của bạn phụ thuộc vào những cộng sự hay ông chủ của bạn, hãy xem tính cách của họ là đối tượng chú ý chủ yếu của bạn. Bạn sẽ tránh được nỗi khổ của việc phát hiện ra tính cách của họ khi quá muộn.
Tính cách là số phận
- Heraclitus
Những giải pháp đối với bản chất con người
Trong suốt nhiều ngàn năm, nhân loại tin vào định mệnh: Một dạng lực lượng nào đó - những linh hồn, thánh thần, hoặc Thượng đế - buộc chúng ta phải hành động theo một cách thức nhất định. Khi chào đời, toàn bộ cuộc sống của chúng ta đã được an bài trước; số phận của chúng ta là thành công hay thất bại. Ngày nay chúng ta nhìn thế giới khác hơn nhiều. Chúng ta tin rằng về cơ bản chúng ta kiểm soát được những gì xảy ra với mình, rằng chúng ta tạo ra số phận của chính mình. Tuy nhiên, đôi khi, chúng ta có thể thoáng cảm nhận được những điều mà ắt hẳn tổ tiên của chúng ta từng cảm thấy. Có lẽ một mối quan hệ cá nhân trở nên tồi tệ hoặc con đường sự nghiệp của chúng ta gặp trở ngại, và những khó khăn này giống một cách kỳ lạ với những gì từng xảy ra với chúng ta trong quá khứ. Hoặc chúng ta nhận ra rằng cách làm việc của mình trong một dự án cần một số cải tiến; chúng ta có thể làm mọi thứ tốt hơn. Chúng ta cố gắng thay đổi phương pháp, chỉ để thấy mình vẫn làm mọi thứ theo cùng một cách, với kết quả gần như giống nhau. Chúng ta có thể cảm thấy trong một khoảnh khắc rằng một lực lượng nham hiểm nào đó trên thế giới, một lời nguyền nào đó, buộc chúng ta phải sống lại những tình huống tương tự.
Thông thường, chúng ta có thể nhận thấy hiện tượng này rõ ràng hơn trong những hành động của người khác, đặc biệt là những người gần gũi nhất với chúng ta. Chẳng hạn, chúng ta thấy anh bạn của mình liên tục yêu người không phù hợp hoặc vô tình đẩy người phù hợp ra xa. Chúng ta bối rối trước một số hành vi dại dột của họ, chẳng hạn như một vụ đầu tư hay lựa chọn nghề nghiệp thiếu cân nhắc, chỉ để thấy họ lặp lại sự dại dột vài năm sau đó, khi họ đã quên đi bài học. Hoặc chúng ta biết một ai đó vốn luôn tìm cách xúc phạm nhầm người và không đúng lúc, tạo ra sự thù địch ở bất cứ nơi nào anh ta hoặc cô ta tới. Hoặc họ sụp đổ dưới áp lực, luôn hành động theo cùng một cách, nhưng đổ lỗi cho người khác hoặc vận rủi đối với những gì xảy ra. Và tất nhiên chúng ta biết những người nghiện ngập thoát khỏi chứng nghiện của họ, chỉ để tái nghiện lần nữa hoặc tìm thấy một hình thức nghiện ngập nào đó khác. Chúng ta nhìn thấy những khuôn mẫu này, còn họ thì không, vì không ai muốn tin rằng họ đang hành động dưới một hình thức bắt buộc nào đó ngoài tầm kiểm soát của họ. Ý nghĩ đó quá khó chấp nhận.
Nếu thành thật với chính mình, chúng ta phải thừa nhận có một sự thật nào đó ở khái niệm số phận. Chúng ta có xu hướng lặp lại cùng những quyết định và cách giải quyết các vấn đề. Cuộc sống của chúng ta có một khuôn mẫu vốn rất dễ nhìn thấy trong những sai lầm và thất bại của chúng ta. Nhưng có một cách nhìn khác về khái niệm này: Không phải là những linh hồn hay thần thánh kiểm soát chúng ta mà chính tính cách của chúng ta kiểm soát chúng ta. Từ nguyên của từ tính cách (character), trong tiếng Hy Lạp cổ đại, chỉ một dụng cụ để khắc hoặc đóng dấu. Như vậy, tính cách, là một cái gì đó đã được ghi khắc hoặc in sâu trong chúng ta đến mức nó buộc chúng ta phải hành động theo những cách thức nhất định, vượt khỏi phạm vi ý thức và kiểm soát của chúng ta. Chúng ta có thể hình dung tính cách này có ba lớp thành phần chủ yếu, mỗi lớp xếp chồng lên lớp khác, tạo cho nó một chiều sâu.
Lớp đầu tiên và sâu nhất bắt nguồn từ di truyền, từ cách nối kết riêng biệt của bộ não, vốn dẫn chúng ta đến những tâm trạng và sở thích nhất định. Chẳng hạn thành phần có tính chất di truyền này có thể khiến cho một số người có khuynh hướng trầm cảm. Nó khiến cho một số người trở thành những kẻ hướng nội và một số khắc trở thành kẻ hướng ngoại. Thậm chí nó có thể khiến cho một số người trở nên đặc biệt tham lam - đối với sự chú ý, đặc quyền, hoặc sự sở hữu. Nhà phân tâm học Melanie Klein, chuyên nghiên cứu trẻ sơ sinh, tin rằng dạng trẻ con thích cầm nắm đồ vật có khuynh hướng thiên về tính cách này. Cũng có thể có các yếu tố di truyền khác khiến chúng ta hướng đến sự thù địch, lo lắng, hoặc cởi mở.
Lớp thứ hai, hình thành bên trên lớp này, xuất phát từ những năm đầu đời của chúng ta và từ kiểu gắn bó riêng biệt mà chúng ta hình thành với mẹ và những người chăm sóc của mình. Trong ba hoặc bốn năm đầu tiên, bộ não của chúng ta đặc biệt dễ uốn nắn. Chúng ta trải nghiệm cảm xúc mãnh liệt hơn nhiều, tạo ra dấu vết ký ức sâu sắc hơn nhiều so với bất cứ những gì sau đó. Trong giai đoạn này của cuộc đời, chúng ta dễ chịu ảnh hưởng của người khác nhất và dấu ấn từ những năm này rất sâu sắc.
John Bowlby, một nhà nhân loại học và phân tâm học, đã nghiên cứu các mô hình gắn bó giữa những bà mẹ và các con và đưa ra bốn lược đồ cơ bản: tự do/tự trị, bỏ mặc, quan tâm thất thường, và vô tổ chức. Dấu ấn tự do/tự trị đến từ những bà mẹ cho con tự do khám phá bản thân và thường xuyên nhạy cảm với nhu cầu của chúng nhưng cũng bảo vệ chúng. Các bà mẹ bỏ mặc thường xa cách, thậm chí đôi khi thù địch và cự tuyệt con họ. Những đứa trẻ như vậy khắc sâu một cảm giác bị bỏ rơi và ý tưởng rằng chúng phải luôn tự mình xoay xở. Các bà mẹ quan tâm thất thường không nhất quán với sự quan tâm của họ - khi thì làm cho đứa trẻ cảm thấy ngột ngạt vì quá được quan tâm, khi thì rút lui vì những rắc rối hoặc lo âu của chính họ. Họ có thể khiến cho con họ cảm thấy như thể chúng phải chăm sóc kẻ lẽ ra phải chăm sóc chúng. Những bà mẹ vô tổ chức gửi những tín hiệu rất mâu thuẫn đến con họ, phản ánh nội tâm rối loạn và có lẽ là những tổn thương cảm xúc đầu đời của chính họ. Không điều gì con họ làm là đúng, và những đứa trẻ như vậy có thể phát triển mạnh các rắc rối về cảm xúc.
Tất nhiên, có nhiều cấp độ trong từng loại và trong những kết hợp giữa chúng, nhưng trong mọi trường hợp, chất lượng của sự gắn bó mà chúng ta có trong những năm đầu đời sẽ tạo ra những xu hướng sâu sắc trong tâm hồn chúng ta, đặc biệt là cách chúng ta sử dụng các mối quan hệ để xử lý hoặc điều chỉnh sự căng thẳng. Ví dụ, con của các dạng cha mẹ bỏ mặc sẽ có xu hướng né tránh bất kỳ tình huống cảm xúc tiêu cực nào và tránh xa cảm giác phụ thuộc. Họ có thể gặp phải nhiều khó khăn hơn trong việc tận tâm với một mối quan hệ hoặc sẽ vô tình đẩy mọi người ra xa. Con của các dạng cha mẹ quan tâm thất thường khác nhau sẽ trải nghiệm rất nhiều lo lắng trong các mối quan hệ và sẽ có nhiều cảm xúc mâu thuẫn. Họ sẽ luôn có thái độ nước đôi, và điều này sẽ đặt ra những khuôn mẫu đáng chú ý trong cuộc sống của họ, trong đó họ theo đuổi mọi người rồi sau đó rút lui một cách vô ý thức.
Nhìn chung, từ những năm đầu đời này mọi người sẽ thể hiện một sắc thái đặc biệt trong tính cách của họ - thù địch và thích gây hấn, an tâm và tự tin, lo lắng và tránh né, thiếu thốn tình cảm và quan tâm thái quá tới cảm xúc của người khác. Hai lớp này nằm sâu đến mức chúng ta không thể thật sự nhận thức về chúng và hành vi do chúng gây ra, trừ khi chúng ta nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc kiểm tra bản thân.
Bên trên hai lớp này, lớp thứ ba sẽ hình thành từ thói quen và kinh nghiệm của chúng ta khi chúng ta lớn tuổi hơn. Dựa trên hai lớp đầu tiên, chúng ta sẽ có xu hướng dựa vào các chiến lược nhất định để đối phó với sự căng thẳng, tìm kiếm niềm vui hoặc cách xử lý trong mối quan hệ với mọi người. Những chiến lược này trở thành những thói quen vốn được thiết lập khi chúng ta còn trẻ. Sẽ có nhiều điều chỉnh trong bản chất tính cách riêng biệt của chúng ta, tùy thuộc vào những người chúng ta giao tiếp - bạn bè, giáo viên, đối tác, người yêu - và cách họ phản ứng với chúng ta. Nhưng nói chung ba lớp này sẽ thiết lập những khuôn mẫu có thể nhận ra nhất định. Chúng ta sẽ đưa ra một quyết định cụ thể. Điều này đã khắc sâu về mặt thần kinh trong bộ não của chúng ta. Chúng ta buộc phải lặp lại điều này vì đường đi đã được mở. Nó trở thành một thói quen và tính cách của chúng ta hình thành từ hàng ngàn thói quen như thế, những thói quen sớm nhất đã ổn định trước khi chúng ta có thể nhận thức về chúng.
Còn có một lớp thứ tư. Nó thường được phát triển ở cuối thời thơ ấu và thiếu niên khi mọi người bắt đầu có ý thức về những thiếu sót trong tính cách của họ. Họ làm tất cả những gì có thể để che đậy chúng. Nếu họ cảm thấy trong thâm tâm mình là dạng người lo lắng, rụt rè, họ sẽ nhận ra rằng đây không phải là một đặc điểm được xã hội chấp nhận. Họ học cách ngụy trang nó với một lớp vỏ bọc. Họ bù đắp nó bằng cách cố gắng tỏ ra hướng ngoại, vô tư hoặc thậm chí độc đoán. Điều này khiến chúng ta khó xác định bản chất tính cách của họ hơn.
Một số đặc điểm tính cách có thể tích cực và phản ánh sức mạnh bên trong. Ví dụ, một số người có thiên hướng tỏ ra hào phóng và cởi mở, biết cảm thông và kiên cường dưới áp lực. Nhưng những phẩm chất mạnh mẽ hơn, linh hoạt hơn này thường đòi hỏi sự nhận thức và thực hành để thật sự trở thành những thói quen mà chúng ta có thể trông cậy vào. Khi chúng ta lớn tuổi hơn, cuộc sống có xu hướng làm chúng ta yếu ớt đi. Chúng ta khó duy trì sự cảm thông hơn (xem chương 2). Nếu hào phóng và cởi mở với mọi người chúng ta gặp theo phản xạ tự nhiên, chúng ta có thể gặp nhiều rắc rối. Tự tin mà không tự ý thức và tự chủ có thể trở thành thiếu thực tế. Nếu không có ý thức nỗ lực hơn nữa, những điểm mạnh này sẽ có xu hướng hao mòn hoặc biến thành điểm yếu. Điều này có nghĩa là những phần yếu nhất trong tính cách của chúng ta là những phần tạo ra những thói quen và hành vi có tính chất bắt buộc, bởi vì chúng không đòi hỏi sự nỗ lực hoặc thực hành để duy trì.
Cuối cùng, chúng ta có thể phát triển các đặc điểm tính cách mâu thuẫn, có lẽ xuất phát từ sự khác biệt giữa những khuynh hướng có tính chất di truyền và những ảnh hưởng sớm nhất của chúng ta, hoặc từ cha mẹ vốn đã đóng dấu những giá trị khác nhau vào tâm hồn chúng ta. Chúng ta có thể cảm thấy hai thành phần, lý tưởng và thực dụng, đang đấu tranh với nhau bên trong chúng ta. Quy luật vẫn không thay đổi. Tính cách mâu thuẫn vốn đã phát triển trong những năm đầu tiên, sẽ chỉ để lộ ra một khuôn mẫu khác, với những quyết định có xu hướng phản ánh sự nước đôi, hoặc luôn dao động của một cá nhân.
Với tư cách một kẻ nghiên cứu bản chất con người, nhiệm vụ của bạn có hai phần: Trước tiên, bạn phải hiểu được tính cách của chính mình, cố hết sức kiểm tra các yếu tố trong quá khứ vốn đã hình thành nó, và các khuôn mẫu, hầu hết là tiêu cực, mà bạn có thể thấy tái diễn trong cuộc sống của bạn. Bạn không thể thoát khỏi dấu ấn này, vốn đã thiết lập nên tính cách của bạn. Nó quá sâu. Nhưng thông qua nhận thức, bạn có thể học cách giảm thiểu hoặc ngăn chặn một số khuôn mẫu tiêu cực. Bạn có thể hành động để chuyển hóa các khía cạnh tiêu cực và yếu ớt trong tính cách của mình thành sức mạnh thật sự. Bạn có thể cố gắng tạo ra những thói quen và khuôn mẫu mới đi cùng với chúng thông qua thực hành, tích cực định hình tính cách của bạn và số phận đi cùng với nó. (Để biết thêm về vấn đề này, xin xem phần cuối của chương này).
Thứ hai, bạn phải phát triển kỹ năng đọc tính cách của những người bạn giao tiếp. Để làm điều đó, bạn phải xem tính cách là một giá trị chính khi chọn một ông chủ hoặc người yêu. Điều này có nghĩa là đánh giá tính cách cao hơn sự quyến rũ, thông minh hoặc danh tiếng của họ. Khả năng quan sát tính cách của mọi người - như đã nhìn thấy trong những hành động và khuôn mẫu của họ - là một kỹ năng xã hội cực kỳ quan trọng. Nó có thể giúp bạn tránh một cách chính xác những dạng quyết định có thể mang tới nhiều năm khốn khổ - việc chọn một người lãnh đạo bất tài, một đối tác khả nghi, một trợ lý mưu mô, hoặc một người bạn đời không phù hợp có thể đầu độc cuộc sống của bạn. Nhưng đó là một kỹ năng bạn phải phát triển một cách có ý thức, bởi vì thông thường con người chúng ta không đủ khả năng đưa ra những đánh giá như vậy.
Nguồn gốc chung của sự bất lực của chúng ta là chúng ta có xu hướng hình thành các xét đoán về mọi người dựa trên những gì rõ ràng nhất. Nhưng như đã nói, mọi người thường cố gắng che đậy những điểm yếu của họ bằng cách thể hiện chúng như một điều gì đó tích cực. Chúng ta thấy họ tràn đầy sự tự tin, chỉ sau đó mới phát hiện ra rằng thật ra họ kiêu ngạo và không có khả năng lắng nghe. Họ có vẻ thẳng thắn và chân thành, nhưng sau một thời gian, chúng ta nhận ra rằng họ thật sự nông nổi và không có khả năng suy xét những cảm xúc của người khác. Hoặc họ có vẻ khôn ngoan và chu đáo, nhưng cuối cùng chúng ta thấy rằng thật ra họ có bản chất rụt rè và e sợ những lời chỉ trích nhỏ nhất. Mọi người có thể rất giỏi trong việc tạo ra những ảo ảnh thị giác này, và chúng ta bị đánh lừa. Tương tự như vậy, mọi người sẽ quyến rũ và tâng bốc chúng ta, và chúng ta trở nên mù quáng với mong muốn thích họ, chúng ta không thể nhìn sâu hơn để thấy những thiếu sót trong tính cách.
Liên quan đến điều này, khi nhìn vào mọi người, chúng ta thường thật sự chỉ nhìn thấy danh tiếng của họ, huyền thoại xung quanh họ, vị trí họ chiếm giữ, chứ không phải cá nhân họ. Chúng ta tin rằng một người thành công về bản chất phải hào phóng, thông minh và tốt bụng, và họ xứng đáng với mọi thứ họ có được. Nhưng những người thành công xuất hiện dưới mọi hình dạng. Một số kẻ rất giỏi lợi dụng người khác để đạt mục đích, che giấu sự bất tài của chính họ. Một số hoàn toàn xảo quyệt. Những người thành công cũng có nhiều thiếu sót trong tính cách như bất kỳ ai khác. Ngoài ra, chúng ta có xu hướng tin rằng một người gia nhập một tôn giáo, một hệ thống niềm tin chính trị hoặc một quy tắc đạo đức cụ thể phải có tính cách phù hợp với điều này. Nhưng người ta đưa tính cách của họ tới vị trí mà họ chiếm giữ hoặc tới tôn giáo mà họ thực hành. Một cá nhân có thể là một người tự do tiến bộ hoặc là một tín đồ Ki tô giáo đáng mến nhưng trong thâm tâm vẫn là một bạo chúa không chút khoan dung.
Do vậy, bước đầu tiên trong nghiên cứu tính cách là có ý thức về những ảo ảnh và vỏ bọc này và tự rèn luyện để nhìn xuyên qua chúng. Chúng ta phải nhìn thật kỹ mọi người để phát hiện ra những dấu hiệu của tính cách của họ, bất chấp vẻ bề ngoài mà họ thể hiện hay vị trí mà họ chiếm giữ. Với điều này in sâu trong tâm trí, chúng ta có thể hành động dựa trên một số thành tố chủ yếu của kỹ năng: Nhận ra những dấu hiệu nhất định mà mọi người phát ra trong các tình huống nhất định và bộc lộ rõ ràng tính cách của họ; thấu hiểu một số phạm vi chung về tính cách (ví dụ như tính cách mạnh mẽ so với tính cách yếu đuối), và cuối cùng nhận thức được một số dạng tính cách vốn thường là dạng có hại nhất và cần phải tránh xa nếu có thể.
Những dấu hiệu tính cách
Chỉ báo quan trọng nhất của tính cách con người xuất phát từ những hành động của họ theo thời gian. Bất chấp những gì mọi người nói về những bài học mà họ đã học được (xem Howard Hughes) và cách họ thay đổi qua nhiều năm, chắc chắn bạn sẽ nhận thấy những hành động và quyết định tương tự lặp lại trong quá trình sống của họ. Trong những quyết định này, họ tiết lộ tính cách của họ. Bạn phải chú ý đến bất kỳ hình thức hành vi nổi bật nào - biến mất khi có quá nhiều căng thẳng, không hoàn thành một công việc quan trọng, đột nhiên trở nên hằn học khi bị thách thức, hoặc ngược lại, đột nhiên tỏ ra có khả năng đối phó với tình hình khi được giao trách nhiệm. Với điều này ghi sâu trong tâm trí, bạn hãy thực hiện một số nghiên cứu về quá khứ của họ. Bạn hãy nhìn vào các hành động khác mà bạn từng quan sát vốn phù hợp với khuôn mẫu này, và bây giờ nhìn lại. Bạn hãy chú ý đến những gì họ làm trong hiện tại. Bạn nhìn những hành động của họ không phải như những sự cố riêng biệt mà là một phần của khuôn mẫu bắt buộc. Nếu bạn làm ngơ khuôn mẫu đó, lỗi là ở bạn.
Bạn phải luôn ghi nhớ hệ quả tất yếu của quy luật này: Mọi người không bao giờ làm điều gì chỉ một lần. Họ có thể cố gắng bào chữa, nói rằng họ đã mất tự chủ vào thời điểm đó, nhưng bạn có thể chắc chắn rằng họ sẽ lặp lại bất cứ điều dại dột nào họ đã làm vào một dịp khác, bị thôi thúc bởi tính cách và thói quen của họ. Trên thực tế, họ sẽ thường lặp lại các hành động khi tình huống hoàn toàn chống lại lợi ích cá nhân của họ, để lộ ra bản chất bắt buộc của những điểm yếu của họ.
Cassius Severus là một luật gia - nhà hùng biện khét tiếng, có ảnh hưởng sâu rộng vào thời Hoàng đế La Mã Augustus. Đầu tiên ông gây chú ý với những bài diễn văn bốc lửa công kích lối sống xa hoa của giới thượng lưu La Mã. Ông được một nhóm người ủng hộ. Phong cách của ông khá khoa trương nhưng dí dỏm, khiến công chúng hài lòng. Được khích lệ bởi sự chú ý mà ông nhận được, ông bắt đầu xúc phạm các quan chức khác, luôn cao giọng trong những cuộc công kích của mình. Chính quyền cảnh báo ông dừng lại. Sự mới lạ không còn và các đám đông ngày càng ít đi, nhưng điều này chỉ khiến Severus cố gắng hơn.
Cuối cùng, chính quyền thấy đã quá đủ - vào năm 7 CN, họ đã ra lệnh đốt sách của ông và trục xuất ông đến đảo Crete. Trước sự thất vọng của những nhà cầm quyền La Mã, trên đảo Crete, ông vẫn tiếp tục chiến dịch đáng ghét đó, gửi đến Rome bản sao của những bài công kích kịch liệt mới nhất của mình. Họ cảnh báo ông một lần nữa. Ông không chỉ phớt lờ điều này mà còn bắt đầu quấy rối và lăng mạ các quan chức địa phương ở đảo Crete, vốn muốn xử tử ông. Vào năm 24, Thượng viện đã khôn ngoan trục xuất ông đến đảo đá Serifos không có dân cư ở giữa biển Aegea. Ở đó, ông trải qua tám năm cuối đời và chúng ta có thể tưởng tượng ông vẫn đưa ra những bài phát biểu xúc phạm hơn mà không ai nghe thấy.
Chúng ta khó mà tin rằng mọi người không thể kiểm soát xu hướng tự hủy hoại bản thân, và chúng ta muốn mang đến cho họ lợi ích của sự nghi ngờ, như người La Mã đã làm. Nhưng chúng ta phải nhớ những lời khôn ngoan trong Kinh thánh: “Kẻ ngu lặp lại cái ngu của nó giống như chó ăn lại đồ ăn nó đã mửa ra”.(51)
Bạn có thể thấy những dấu hiệu hùng hồn về tính cách con người trong cách họ xử lý các công việc hằng ngày. Nếu họ chậm trễ trong việc hoàn thành các bài tập đơn giản, họ sẽ chậm trễ với những dự án lớn hơn. Nếu họ trở nên cáu kỉnh bởi những bất tiện nhỏ, họ sẽ có xu hướng sụp đổ dưới những bất tiện lớn hơn. Nếu họ hay quên những vấn đề nhỏ nhặt và không chú ý đến chi tiết, họ cũng sẽ như vậy đối với những vấn đề quan trọng hơn. Hãy nhìn vào cách họ đối xử với nhân viên trong môi trường hằng ngày và để ý xem có sự khác biệt nào giữa tính cách mà họ thể hiện và thái độ của họ đối với cấp dưới hay không.
Năm 1969, Jeb Magruder đến San Clemente để phỏng vấn xin việc trong chính quyền Nixon. Người phỏng vấn là Bob Haldeman, chánh văn phòng. Haldeman rất nghiêm túc, hoàn toàn tận tâm với sự nghiệp của Nixon và gây ấn tượng với Magruder nhờ sự trung thực, sắc sảo và thông minh của mình. Nhưng khi họ kết thúc buổi phỏng vấn, tìm một chiếc xe di chuyển trong sân golf để tham quan San Clemente, Haldeman đột nhiên trở nên điên cuồng vì không tìm thấy chiếc xe nào. Ông mắng nhiếc những người phụ trách xe với thái độ lăng mạ và cay nghiệt. Ông gần như phát cuồng. Lẽ ra Magruder phải xem sự cố này như một dấu hiệu cho thấy Haldeman không phải là người như ông ta đã thể hiện, ông ta thiếu tự chủ và có một tính nết xấu xa, nhưng bị quyến rũ bởi hào quang quyền lực ở San Clemente và muốn có công việc, ông đã chọn bỏ qua điều này, vốn gây ra cho ông nhiều khốn khổ sau đó.
Trong cuộc sống hằng ngày, mọi người thường có thể ngụy trang tốt những thiếu sót trong tính cách của họ, nhưng trong thời điểm căng thẳng hoặc khủng hoảng, những thiếu sót này có thể đột nhiên trở nên rất rõ ràng. Những người bị căng thẳng đánh mất sự tự chủ bình thường của họ. Họ để lộ những bất an về danh tiếng, nỗi sự sự thất bại và sự thiếu kiên cường nội tâm của mình. Mặt khác, một số người có khả năng đối phó với tình thế và bộc lộ sức mạnh khi chịu một áp lực. Không thể nói thời điểm nóng xảy ra vào lúc nào, nhưng bạn phải chú ý nhiều hơn vào những khoảnh khắc như vậy.
Tương tự, cách mọi người xử lý quyền lực và trách nhiệm sẽ cho bạn biết rất nhiều về họ. Như Lincoln đã nói, “Nếu bạn muốn kiểm tra tính cách của một người, hãy trao quyền lực cho anh ta”. Trên con đường đi tới quyền lực, mọi người sẽ có xu hướng đóng vai triều thần, tỏ vẻ tôn kính, đi theo đường lối của đảng phái, làm những gì cần thiết để đưa nó lên tới đỉnh. Một khi đã ở trên đỉnh, có ít hạn chế hơn, thông thường họ sẽ tiết lộ điều gì đó về bản thân mà trước đó bạn không nhận thấy. Một số người vẫn trung thực với các giá trị họ có trước khi đạt được một vị trí cao, họ vẫn tôn trọng và cảm thông với người khác. Mặt khác, nhiều người đột nhiên cảm thấy có quyền đối xử với người khác theo cách khác khi họ nắm quyền lực trong tay.
Đó là những gì đã xảy ra với Lyndon Johnson(52) khi ông đạt được vị trí cực kỳ an toàn trong Thượng viện, với tư cách là người lãnh đạo của đa số thành viên trong Thượng viện. Mệt mỏi vì những năm tháng ông phải trải qua khi đóng vai một triều thần hoàn hảo, lúc này ông tận hưởng quyền lực bằng cách gây khó chịu hoặc làm nhục những người đã vượt qua ông trong quá khứ. Ông sẽ đến chỗ một thượng nghị sĩ đó và chỉ nói chuyện với trợ lý của ông ta. Hoặc ông sẽ đứng lên và rời khỏi phòng họp khi một thượng nghị sĩ mà ông không thích đang có một bài phát biểu quan trọng, khiến các thượng nghị sĩ khác đi theo ông. Nói chung, luôn có những dấu hiệu của những đặc điểm tính cách này trong quá khứ nếu bạn nhìn đủ kỹ (Johnson đã bộc lộ những dấu hiệu xấu xa đó trong thời kỳ đầu của sự nghiệp chính trị của mình); nhưng quan trọng hơn, bạn cần chú ý đến những gì mọi người bộc lộ một khi họ đang nắm quyền. Chúng ta thường nghĩ rằng quyền lực đã thay đổi mọi người, khi trên thực tế nó chỉ đơn giản tiết lộ nhiều hơn về con người họ.
Sự lựa chọn bạn đời hoặc đối tác của mọi người nói rất nhiều điều về họ. Một số người tìm kiếm một đối tác mà họ có thể thống trị và kiểm soát, có thể là một người trẻ hơn, kém thông minh hoặc ít thành công hơn. Một số người chọn một đối tác mà họ có thể giải cứu khỏi một tình huống xấu, đóng vai trò vị cứu tinh, một hình thức kiểm soát khác. Tuy nhiên, cũng có một số khác tìm kiếm ai đó để lấp đầy vai trò của mẹ hoặc cha họ. Họ muốn được nuông chiều nhiều hơn. Những lựa chọn này ít khi có tính chất lý trí; chúng phản ánh những năm đầu đời và lược đồ gắn bó của mọi người. Đôi khi chúng gây ngạc nhiên, như khi mọi người chọn một ai đó có vẻ rất khác biệt và không phù hợp với họ, nhưng luôn có một logic bên trong cho những lựa chọn như vậy. Chẳng hạn, một người rất sợ bị người yêu bỏ rơi, phản ánh những lo lắng từ thời thơ ấu, và vì vậy họ chọn một người kém hơn về ngoại hình hoặc trí thông minh, biết rằng người đó sẽ bám lấy họ bất kể trường hợp nào.
Một lĩnh vực khác để kiểm tra là cách mọi người cư xử vào những thời điểm không làm việc. Trong một cuộc thi đấu hoặc một môn thể thao, họ có thể bộc lộ bản chất cạnh tranh mà họ không thể dứt bỏ. Họ sợ bị vượt qua trong bất cứ điều gì, ngay cả khi họ đang lái xe. Họ phải luôn ở phía trước, luôn dẫn đầu. Điều này có thể được định hướng về mặt chức năng vào công việc của họ, nhưng trong những giờ nghỉ, nó để lộ những lớp bất an sâu sắc. Hãy nhìn vào cách mọi người thua trong các cuộc thi đấu. Họ có thể thua cuộc với thái độ tốt đẹp hay không? Ngôn ngữ cơ thể của họ sẽ nói lên rất nhiều điều về mặt này. Họ có thử bất cứ điều gì có thể để phá vỡ các quy tắc hoặc bẻ cong chúng không? Họ có đang tìm cách thoát khỏi công việc và thư giãn hay khẳng định bản thân ngay cả trong những thời điểm đó hay không?
Nói chung, con người có thể được chia thành người hướng nội và người hướng ngoại, và điều này sẽ đóng một vai trò lớn trong tính cách mà họ phát triển. Hầu hết những người hướng ngoại bị chi phối bởi các tiêu chí bên ngoài. Câu hỏi chi phối họ là “Những người khác nghĩ gì về tôi?” Họ sẽ có xu hướng thích những gì người khác thích, và các nhóm họ thuộc về thường xuyên quyết định những ý kiến mà họ đi theo. Họ cởi mở với những đề xuất và ý tưởng mới, nhưng chỉ khi chúng phổ biến trong nền văn hóa hoặc được khẳng định bởi những người có thẩm quyền mà họ tôn trọng. Người hướng ngoại đánh giá cao những thứ bề ngoài - những bộ quần áo đẹp, những bữa ăn ngon, niềm vui cụ thể được chia sẻ với người khác. Họ tìm kiếm những cảm giác mới lạ và rất nhạy bén với những xu hướng. Họ không chỉ thoải mái với tiếng ồn và sự nhộn nhịp mà còn tích cực tìm kiếm nó. Nếu họ táo bạo, họ thích phiêu lưu về mặt thể chất. Nếu họ không quá táo bạo, họ thích những tiện nghi vật chất. Trong mọi trường hợp, họ khao khát sự kích thích và sự chú ý từ người khác.
Những người hướng nội nhạy cảm hơn và dễ dàng kiệt sức với quá nhiều hoạt động bên ngoài. Họ thích tiết kiệm năng lượng, dành thời gian để ở một mình hoặc với một hai người bạn thân. Trái ngược với người hướng ngoại, vốn bị cuốn hút bởi những sự kiện và thống kê vì lợi ích của riêng họ, người hướng nội quan tâm đến các ý kiến và cảm xúc của chính họ. Họ thích lý thuyết hóa và đưa ra ý tưởng của riêng mình. Nếu họ sản xuất một thứ gì đó, họ không thích quảng bá nó; họ cảm thấy nỗ lực đó gây khó chịu. Khách hàng nên tự tìm đến họ. Họ thích giữ một phần cuộc sống của họ tách biệt với những người khác, thích có những bí mật. Ý kiến của họ không đến từ những gì người khác nghĩ hoặc từ bất kỳ kẻ có thẩm quyền nào mà từ tiêu chí bên trong của họ, hoặc ít nhất là họ nghĩ như vậy. Đám đông càng lớn, họ càng cảm thấy lạc lõng và cô đơn. Họ có thể có vẻ lúng túng và hoài nghi, không thoải mái với sự chú ý. Họ cũng có xu hướng bi quan và lo lắng hơn so với người hướng ngoại bình thường. Sự táo bạo của họ sẽ được thể hiện bằng những ý tưởng mới lạ mà họ nghĩ ra và sự sáng tạo của họ.
Bạn có thể nhận thấy xu hướng theo cả hai chiều hướng này ở những cá nhân khác hoặc ở chính mình, nhưng nói chung mọi người có xu hướng theo chiều hướng này hoặc chiều hướng kia. Điều quan trọng là đo lường được điều này ở những người khác vì một lý do đơn giản: Người hướng nội và người hướng ngoại không hiểu nhau một cách tự nhiên. Đối với người hướng ngoại, người hướng nội không thú vị, ngoan cố, thậm chí chống đối xã hội. Đối với người hướng nội, người hướng ngoại nông cạn, phù phiếm và quá quan tâm đến những gì mọi người nghĩ. Nhìn chung, việc là người hướng nội hay hướng ngoại có tính chất di truyền và sẽ làm cho hai người nhìn thấy cùng một thứ trong một nhãn quan hoàn toàn khác nhau. Một khi hiểu rằng bạn đang giao tiếp với một người khác không thuộc dạng của mình, bạn phải đánh giá lại tính cách của họ và áp đặt những sở thích của mình với họ. Ngoài ra, đôi khi người hướng nội và người hướng ngoại có thể làm việc tốt với nhau, nhất là khi họ có sự pha trộn của cả hai phẩm chất và chúng bổ sung cho nhau, nhưng thường xuyên hơn là họ không hòa hợp và có xu hướng liên tục hiểu lầm nhau. Hãy ghi nhớ rằng nhìn chung trên thế giới có nhiều người hướng ngoại hơn người hướng nội.
Cuối cùng, điều quan trọng là bạn phải đo lường sức mạnh tương đối của tính cách của con người. Hãy nghĩ về nó theo cách này: Sức mạnh đó đến từ sâu thẳm bên trong của cá nhân đó. Nó có thể bắt nguồn từ một hỗn hợp của một số yếu tố - di truyền, sự nuôi dạy con cái an toàn, những cố vấn tốt trên đường đời và sự cải tiến liên tục (xem đoạn cuối của chương này). Dù nguyên nhân là gì, thế mạnh này không phải là thứ được thể hiện ở bên ngoài dưới hình thức khoe khoang khoác lác hay hung hăng, mà tự thể hiện ở khả năng phục hồi và khả năng thích ứng tổng quát. Tính cách mạnh mẽ có phẩm chất giống như một miếng kim loại tốt - nó có thể co giãn và uốn cong nhưng vẫn giữ được hình dạng tổng quát và không bao giờ bị gãy.
Sức mạnh bắt nguồn từ cảm giác an toàn cá nhân và giá trị bản thân. Điều này cho phép những người như vậy tiếp nhận sự phê bình và học hỏi từ các kinh nghiệm của họ. Nghĩa là họ không bỏ cuộc quá dễ dàng, vì họ muốn học hỏi để trở nên tốt hơn. Họ rất kiên trì. Những người có tính cách mạnh mẽ luôn cởi mở với những ý tưởng và cách thức thực hiện mới mà không ảnh hưởng đến các nguyên tắc cơ bản họ vẫn tuân thủ. Họ có thể giữ bình tĩnh trong nghịch cảnh. Họ có thể xử lý tình huống hỗn loạn và những điều không thể đoán trước, và không chịu thua trước mối lo lắng nào. Họ biết giữ lời hứa. Họ kiên nhẫn, có thể tổ chức nhiều tài liệu và hoàn thành những gì họ bắt đầu. Không thường xuyên bất an về địa vị của mình, họ cũng có thể đặt lợi ích cá nhân bên dưới lợi ích của nhóm, có nghĩa là những gì có hiệu quả tốt nhất đối với nhóm cuối cùng rồi cũng sẽ giúp cho cuộc sống của họ trở nên dễ dàng tốt đẹp hơn.
Những người có tính cách yếu đuối bắt đầu từ vị trí ngược lại. Họ dễ bị áp đảo bởi những tình huống khiến họ khó có thể dựa dẫm. Họ không đáng tin cậy và hay lảng tránh. Điều tệ hại nhất là họ không thể học hỏi, vì việc học hỏi từ những người khác bao hàm sự chỉ trích. Điều này có nghĩa là bạn sẽ liên tục chạm phải một bức tường khi tiếp xúc với họ. Họ có thể tỏ ra đang lắng nghe những hướng dẫn của bạn, nhưng họ sẽ đơn giản quay lại với những gì họ nghĩ là tốt nhất.
Tất cả chúng ta đều là sự pha trộn giữa những phẩm chất mạnh và yếu, nhưng một số người rõ ràng thiên về hướng này hoặc hướng khác. Bạn muốn làm việc và hợp tác với những người có tính cách mạnh mẽ và tránh xa những người có tính cách yếu đuối càng nhiều càng tốt. Đây chính là nền tảng của hầu hết những quyết định đầu tư của Warren Buffett. Ông nhìn ra bên ngoài những con số, tới các CEO mà ông sẽ tiếp xúc, và điều ông muốn đo lường nhiều hơn hết là khả năng phục hồi, sự đáng tin cậy và sự độc lập của họ. Ước gì chúng ta cũng sử dụng những cách đo lường đó với những người chúng ta thuê, những đối tác của chúng ta, và thậm chí những chính khách chúng ta chọn.
Dù trong các mối quan hệ mật thiết chắc chắn có những yếu tố khác sẽ định hướng cho sự lựa chọn của chúng ta, sức mạnh của tính cách cũng cần được xem xét. Đây chính là lý do chủ yếu khiến Franklin Roosevelt chọn Eleanor làm vợ. Là một thanh niên đẹp trai giàu có, anh có thể chọn nhiều phụ nữ trẻ đẹp hơn, nhưng anh ngưỡng mộ sự cởi mở của Eleanor đối với những trải nghiệm mới và sự quyết đoán đáng chú ý của nàng. Nhìn xa hơn trong tương lai, anh có thể thấy giá trị tính cách của nàng quan trọng hơn bất cứ thứ gì khác. Và rốt cuộc đó là một lựa chọn rất khôn ngoan.
Trong việc đo lường sức mạnh hay điểm yếu, hãy nhìn vào cách mọi người xử lý trách nhiệm và những thời điểm căng thẳng. Hãy nhìn vào những khuôn mẫu của họ: Họ đã thật sự hoàn thành hoặc đạt được điều gì? Bạn cũng có thể kiểm tra mọi người. Ví dụ, một câu nói đùa vui vẻ về sự chi tiêu của họ có thể vén mở rất nhiều điều. Họ có phản ứng một cách hòa nhã với nó, không dễ bị cuốn vào những bất an của họ, hay đôi mắt của họ cố lóe lên sự bực bội hay thậm chí sự tức giận hay chăng? Để đo mức độ đáng tin cậy của họ với tư cách là một đấu thủ trong đội, cung cấp cho họ thông tin chiến lược hoặc chia sẻ với họ một số tin đồn, họ có nhanh chóng chuyển thông tin cho người khác không? Họ có nhanh chóng nắm bắt một trong những ý tưởng của bạn và thực hiện nó như thể là của chính họ hay không? Phê bình họ với cung cách trực tiếp. Họ có ghi nhớ điều này, cố gắng học hỏi và cải thiện, hoặc họ biểu lộ công khai những dấu hiệu bực tức? Giao cho họ một nhiệm vụ không thời hạn với ít hướng dẫn hơn mức bình thường và theo dõi cách họ tổ chức ý tưởng và thời gian của họ. Thách thức họ bằng một nhiệm vụ khó khăn hoặc một phương thức mới lạ để thực hiện một điều gì đó, và xem cách họ phản ứng, cách họ xử lý mối lo lắng của họ.
Ghi nhớ: Tính cách yếu đuối sẽ vô hiệu hóa tất cả những phẩm chất tốt đẹp khác mà một người có thể sở hữu. Ví dụ, những người có trí thông minh cao nhưng tính cách yếu đuối có thể nảy ra ý tưởng tốt và thậm chí làm tốt công việc, nhưng họ sẽ sụp đổ trước áp lực, hoặc họ sẽ không chấp nhận chỉ trích, hoặc họ sẽ nghĩ tới trước tiên và đặt lên hàng đầu những việc cần làm của chính họ, hoặc sự kiêu ngạo cùng tính cách khó chịu của họ sẽ khiến những người khác xung quanh bỏ cuộc, gây hại cho môi trường chung. Có những cái giá tiềm tàng phải trả khi làm việc với họ hoặc thuê họ. Một người nào đó kém lôi cuốn và kém thông minh hơn nhưng có cá tính mạnh mẽ sẽ chứng tỏ sự đáng tin cậy và năng suất hơn về lâu về dài. Những người có sức mạnh thật sự hiếm như vàng, và nếu bạn tìm thấy họ, bạn nên phản ứng như thể bạn đã phát hiện ra một kho báu.
Những dạng người độc hại
Mặc dù tính cách của mỗi cá nhân có tính chất duy nhất giống một dấu vân tay, chúng ta có thể nhận thấy trong suốt lịch sử một số dạng nhất định cứ lặp đi lặp lại và có thể đặc biệt nguy hiểm khi tiếp xúc. Trái với những nhân vật xấu xa hoặc quỷ quyệt rõ ràng hơn mà bạn có thể phát hiện ra từ rất xa, những dạng này nhiều thủ đoạn hơn. Họ thường thu hút bạn bằng vẻ ngoài vốn thể hiện những điểm yếu của họ như một điều gì đó tích cực. Chỉ theo thời gian, bạn mới thấy bản chất độc hại bên dưới vẻ bề ngoài, thường là đã quá muộn. Cách phòng vệ tốt nhất của bạn là được trang bị kiến thức về các dạng này, chú ý tới các dấu hiệu sớm hơn và không quan hệ với họ hoặc thoát khỏi họ càng nhanh càng tốt.
Dạng siêu hoàn hảo
Bạn bị dẫn dụ vào quỹ đạo của họ bởi cách làm việc chăm chỉ của họ, sự tận tâm của họ trong việc tạo ra sản phẩm tốt nhất. Họ làm việc nhiều giờ hơn cả những nhân viên cấp thấp nhất. Vâng, họ có thể nổi trận lôi đình và la mắng thuộc cấp vì đã không làm đúng công việc, nhưng đó là vì họ muốn duy trì các tiêu chuẩn cao nhất, và đó là một điều tốt. Nhưng nếu bạn không may đồng ý làm việc với hoặc cho dạng người này, bạn sẽ từ từ khám phá ra thực tế. Họ không thể ủy thác các công việc; họ phải giám sát mọi thứ. Không phải là vấn đề về các tiêu chuẩn cao và sự cống hiến cho nhóm mà là quyền lực và sự kiểm soát.
Những người này thường có các vấn đề về sự phụ thuộc xuất phát từ nền tảng gia đình của họ, tương tự như Howard Hughes. Bất kỳ cảm giác nào rằng họ có thể phải phụ thuộc vào ai đó về một điều gì đó sẽ khoét sâu những vết thương và lo lắng cũ. Họ không thể tin tưởng bất cứ ai. Khi quay lưng lại, họ tưởng tượng mọi người đều chểnh mảng trong công việc. Nhu cầu bắt buộc của họ đối với sự quản lý vi mô khiến mọi người cảm thấy bực bội và âm thầm chống đối, đó chính là điều họ sợ nhất. Bạn sẽ nhận thấy rằng nhóm do họ lãnh đạo không được tổ chức tốt, vì mọi thứ phải được thông qua họ. Điều này dẫn đến sự hỗn loạn và xung đột chính trị khi các triều thần đấu tranh để đến gần nhà vua, kẻ kiểm soát mọi thứ. Những người siêu hoàn hảo thường có vấn đề về sức khỏe, vì họ làm việc cực kỳ cần mẫn. Họ thích đổ lỗi cho người khác về mọi thứ sai trái - không ai làm việc đủ chăm chỉ. Họ có những khuôn mẫu của sự thành công vào lúc đầu, sau đó là kiệt sức và những thất bại to lớn. Tốt nhất là nên nhận ra dạng người này trước khi vướng vào họ ở bất kỳ cấp độ nào. Họ không hài lòng với bất cứ điều gì bạn làm và sẽ dần dần hủy hoại bạn với những lo lắng, lạm dụng và mong muốn kiểm soát của họ.
Dạng thường xuyên nổi loạn
Thoạt nhìn những người này có vẻ khá thú vị. Họ ghét thẩm quyền và yêu những kẻ bị thua thiệt. Hầu như tất cả chúng ta đều ngấm ngầm bị thu hút bởi một thái độ như vậy; nó lôi cuốn chàng thiếu niên trong chúng ta, với niềm khao khát được hếch mũi lên thách thức các thầy cô giáo. Họ không thừa nhận các quy tắc hoặc tiền lệ. Việc hành động theo quy ước chỉ dành cho những người yếu đuối và ù lì. Những dạng này thường có chút khiếu châm biếm mà họ có thể hướng về phía bạn, nhưng đó là một phần của con người thật của họ, nhu cầu làm mọi người nhụt chí của họ, hoặc bạn nghĩ vậy. Nhưng nếu bạn tình cờ hợp tác với dạng này gần gũi hơn, bạn sẽ thấy rằng đó là điều họ không thể kiểm soát; đó là một tâm lý bắt buộc phải cảm thấy vượt trội chứ không phải là một phẩm chất đạo đức nào đó cao hơn.
Trong thời thơ ấu của họ, có lẽ cha hoặc mẹ của họ đã làm cho họ thất vọng. Họ đi đến chỗ nghi ngờ và ghét tất cả những người nắm quyền lực. Cuối cùng, họ không thể chấp nhận bất kỳ lời chỉ trích nào từ người khác vì điều đó nồng nặc mùi thẩm quyền. Không ai có thể bảo họ phải làm gì. Tất cả mọi thứ phải do họ quyết định. Nếu bạn vượt qua họ theo một cách nào đó, bạn sẽ bị coi là kẻ áp bức và là kẻ phải chịu đựng sự châm chích xấu xa của họ. Họ gây được sự chú ý với thái độ nổi loạn này và sớm trở nên nghiện sự chú ý. Rốt cuộc, tất cả chỉ là vấn đề quyền lực - không ai có thể vượt lên trên họ, và bất cứ người nào dám làm điều đó sẽ phải trả giá. Hãy nhìn vào quá khứ của họ - họ sẽ có xu hướng bất đồng trầm trọng với mọi người, và sẽ làm cho sự việc trở nên tồi tệ hơn với những lời lăng mạ của họ. Đừng bị dụ dỗ bởi thái độ nổi loạn tương như hợp mốt của họ. Những dạng người này vĩnh viễn bị khóa chặt ở tuổi thiếu niên, và nếu thử làm việc với họ bạn sẽ nhận ra giống như bạn đang cố tranh cãi với một thiếu niên hay giận dỗi.
Dạng cá nhân hóa mọi vấn đề
Những người này có vẻ rất nhạy cảm và chu đáo, một phẩm chất hiếm có và tốt đẹp. Họ có vẻ hơi buồn, nhưng những người nhạy cảm có thể gặp khó khăn trong cuộc sống. Bạn thường bị thu hút bởi dáng vẻ này của họ, và muốn giúp đỡ. Ngoài ra, họ có thể tỏ ra khá thông minh, chu đáo và tốt bụng khi làm việc cùng. Điều bạn nhận ra sau này là sự nhạy cảm của họ thực sự chỉ đi theo một hướng - hướng vào bên trong. Họ có xu hướng cá nhân hóa mọi thứ mà mọi người nói hoặc làm. Họ có xu hướng nghiền ngẫm mọi thứ trong suốt nhiều ngày, rất lâu sau khi bạn đã quên đi một nhận xét vô thưởng vô phạt nào đó mà họ xem là đề cập tới cá nhân họ. Khi còn bé, họ có một cảm giác giày vò rằng họ không bao giờ có đủ từ cha mẹ của họ - tình thương yêu, sự chú ý, của cải vật chất. Khi lớn tuổi hơn, mọi thứ đều có xu hướng nhắc nhở họ về những gì họ đã không có được. Họ trải qua cuộc sống với sự oán giận điều này và muốn người khác cho họ mọi thứ mà không cần phải đòi hỏi. Họ thường xuyên cảnh giác - bạn có chú ý đến họ không, bạn có tôn trọng họ không, bạn có trao cho họ thứ họ đã trả giá không? Khá cáu kỉnh và dễ xúc động, chắc chắn họ sẽ đẩy mọi người ra xa, điều này càng khiến cho họ nhạy cảm hơn. Vào một thời điểm nào đó họ bắt đầu có một vẻ mặt thất vọng thường xuyên.
Bạn sẽ nhìn thấy trong cuộc sống của họ một khuôn mẫu của nhiều sự bất đồng với mọi người, nhưng họ sẽ luôn xem bản thân là kẻ bị đối xử không đúng. Đừng bao giờ vô tình xúc phạm dạng người này. Họ nhớ rất dai và có thể dành ra nhiều năm để trả đũa bạn. Nếu bạn có thể nhận ra dạng này đủ sớm, tốt hơn nên tránh xa họ, vì chắc chắn họ sẽ khiến cho bạn cảm thấy có lỗi về một điều nào đó.
Dạng nam châm kịch tính
Họ sẽ thu hút bạn với sự hiện diện thú vị của họ. Họ có năng lượng bất thường và những câu chuyện để kể. Nét mặt của họ rất sinh động và họ có thể khá dí dỏm. Ở bên cạnh họ rất vui, cho đến khi vở kịch trở nên khó chịu. Khi còn bé, họ học được rằng cách duy nhất để có được tình yêu và sự chú ý dài lâu là khiến cho cha mẹ họ phải vướng vào những rắc rối và vấn đề vốn phải đủ trầm trọng để làm cho cha mẹ họ xúc động. Điều này trở thành một thói quen, và đó là cách thức để họ cảm thấy đang sống và được mong muốn. Hầu hết mọi người đều co lại trước bất kỳ loại đối đầu nào, nhưng dường như họ sống vì nó. Khi hiểu rõ hơn về họ, bạn sẽ nghe nhiều câu chuyện về những trận cãi nhau và những trận chiến trong cuộc sống của họ, nhưng họ luôn xoay xở để trở thành nạn nhân.
Bạn phải nhận ra rằng nhu cầu lớn nhất của họ là cắm những cái móc câu của họ vào người bạn bằng bất cứ phương tiện nào khả dĩ. Họ sẽ lôi kéo bạn vào sâu trong vở kịch của họ đến mức bạn sẽ cảm thấy có lỗi vì đã thoát ra. Tốt nhất là nhận ra họ càng sớm càng tốt, trước khi bạn bị vướng vào vòng và bị lôi xuống địa ngục. Hãy kiểm tra quá khứ của họ để tìm bằng chứng về khuôn mẫu này và tránh xa họ nếu bạn ngờ rằng mình đang quan hệ với dạng người này.
Dạng khoác lác
Bạn bị ấn tượng bởi những ý tưởng của họ, những dự án mà họ đang nghĩ đến. Họ cần sự giúp đỡ, họ cần người ủng hộ, và bạn thông cảm, nhưng hãy lùi lại một lúc và kiểm tra hồ sơ của họ để tìm dấu hiệu của những thành tựu trong quá khứ hoặc bất cứ thứ gì hữu hình. Có thể bạn đang tiếp xúc với một dạng không quá nguy hiểm nhưng có thể tỏ ra điên rồ và làm lãng phí thời gian quý báu của bạn. Về bản chất, những người này có tính cách nước đôi. Một mặt họ ngấm ngầm e sợ nỗ lực và trách nhiệm đi cùng với việc biến ý tưởng của họ thành hành động. Mặt khác, họ khao khát sự chú ý và quyền lực. Hai khía cạnh này xung đột với nhau bên trong họ, nhưng phần lo lắng chắc chắn sẽ chiến thắng và họ sẽ bỏ cuộc vào phút cuối cùng. Họ đưa ra một số lý do để thoát khỏi nó, sau khi bạn đã cam kết với họ. Bản thân họ không bao giờ hoàn thành bất cứ điều gì. Cuối cùng, họ có xu hướng đổ lỗi cho người khác đã không nhận ra tầm nhìn của họ - xã hội, các thế lực đối kháng mơ hồ hay vận rủi. Hoặc họ cố gắng tìm một người khờ khạo, kẻ sẽ làm tất cả mọi công việc khó khăn để biến những ý tưởng mơ hồ của họ thành hiện thực nhưng sẽ gánh chịu trách nhiệm nếu mọi sự gặp trục trặc.
Thông thường những người như vậy có cha mẹ mâu thuẫn với nhau và sẽ bất ngờ quay sang trút giận vào họ vì một việc làm sai trái nhỏ nhất. Do đó, mục tiêu của họ trong cuộc sống là tránh những tình huống mà họ có thể gánh chịu sự chỉ trích và phán xét. Họ xử lý điều này bằng cách học cách nói chuyện thật hay ho và gây ấn tượng với mọi người bằng những câu chuyện, nhưng luôn bỏ chạy khi bị buộc phải giải thích việc làm sai trái của mình, với một cái cớ nào đó. Hãy nhìn kỹ vào quá khứ của họ để biết các dấu hiệu của nó, và nếu dường như họ thuộc dạng này, hãy vui thú với những câu chuyện của họ nhưng đừng tiến xa hơn nữa.
Dạng bị ám ảnh tình dục
Dường như họ tràn trề năng lượng tình dục, theo một cách thức không kiềm chế khá thú vị. Họ có xu hướng pha trộn công việc với niềm vui, xóa mờ các ranh giới thông thường ở những thời điểm phù hợp cho việc sử dụng năng lượng này, và bạn có thể tưởng tượng rằng điều này là lành mạnh và tự nhiên. Nhưng thật ra nó có tính chất bắt buộc và xuất phát từ một nơi tối tăm. Trong những năm đầu đời, những người này có thể bị lạm dụng tình dục theo một cách nào đó. Điều này có thể là trực tiếp về thể chất hoặc một cái gì đó có tính chất tâm lý nhiều hơn, mà cha mẹ họ thể hiện thông qua những cái nhìn và sự va chạm tế nhị nhưng không phù hợp.
Có một khuôn mẫu được thiết lập từ sâu thẳm bên trong và không thể kiểm soát được - họ sẽ có xu hướng xem mọi mối quan hệ đều như một khả năng tình dục tiềm ẩn. Tình dục trở thành một phương tiện để tự khẳng định, và khi họ còn trẻ, những dạng người này có thể sống một cuộc sống kích thích, bừa bãi, vì họ có xu hướng tìm được những người bị họ mê hoặc. Nhưng khi họ lớn tuổi hơn, bất kỳ khoảng thời gian dài nào thiếu vắng sự tự khẳng định này đều có thể dẫn đến sự trầm cảm và tự sát, vì vậy họ trở nên tuyệt vọng hơn. Nếu họ giữ các vị trí lãnh đạo, họ sẽ sử dụng quyền lực của mình để có được những gì họ muốn, tất cả đều nằm dưới cái vỏ bọc tự nhiên không kiềm chế. Họ càng lớn tuổi, vấn đề này càng trở nên thảm hại và đáng sợ. Bạn không thể giúp đỡ hoặc cứu họ thoát khỏi trạng thái tâm lý đó mà chỉ có thể tự cứu bản thân bằng cách không quan hệ với họ ở bất kỳ cấp độ nào.
Dạng hoàng tử/công chúa được nuông chiều
Họ sẽ thu hút bạn với phong cách vương giả của họ. Họ bình tĩnh và luôn thấm đẫm một cảm giác vượt trội. Thật thú vị khi gặp những người tỏ ra tự tin và có số phận vương giả. Dần dần, bạn có thể nhận ra mình đang làm ơn cho họ, lao động chăm chỉ hơn mà không được trả thêm tiền, và không thật sự hiểu bằng cách nào hoặc tại sao lại như vậy. Theo cách nào đó, họ thể hiện nhu cầu được chăm sóc, và họ là bậc thầy trong việc khiến cho những người khác phải nuông chiều họ. Trong thời thơ ấu, cha mẹ của họ đã nuông chiều những ý thích nhỏ nhất của họ và bảo vệ họ khỏi bất kỳ sự xâm nhập khắc nghiệt nào từ thế giới bên ngoài. Cũng có một số trẻ khơi gợi hành vi này ở cha mẹ bằng cách tỏ ra đặc biệt bất lực. Dù nguyên nhân là gì, khi trưởng thành, mong muốn lớn nhất của họ là tái tạo sự nuông chiều từ sớm này. Nó vẫn là thiên đường đã mất của họ. Bạn sẽ thường xuyên nhận thấy khi không nhận được những gì họ muốn, họ sẽ cư xử giống như một em bé, bĩu môi hoặc thậm chí nổi cơn thịnh nộ.
Đây chắc chắn là khuôn mẫu cho tất cả các mối quan hệ thân mật của họ, và trừ khi bạn có nhu cầu sâu sắc trong việc nuông chiều người khác, bạn sẽ thấy mối quan hệ này thật điên rồ, luôn luôn theo ý của họ. Họ không được trang bị để xử lý các khía cạnh khắc nghiệt của cuộc sống trưởng thành, và sẽ lôi kéo một người nào đó vào vai trò nuông chiều hoặc viện tới rượu và ma túy để tự xoa dịu. Nếu bạn cảm thấy có lỗi vì đã không giúp đỡ họ, điều đó có nghĩa là bạn đã bị mắc câu và tốt hơn nên tìm cách tự lo cho chính mình.
Dạng luôn làm vừa lòng kẻ khác
Bạn chưa bao giờ gặp ai tốt bụng, ân cần. Bạn hầu như không thể tin rằng họ dễ thương và sẵn lòng giúp đỡ như thế. Sau đó, dần dần bạn bắt đầu có một số nghi ngờ, nhưng bạn không bao giờ có thể xác định nguyên do chính xác. Có lẽ họ không đến cuộc hẹn như đã hứa hoặc không làm tốt một việc gì đó. Tuy nhiên, khi việc này càng đi xa, càng có vẻ như họ đang phá hoại bạn hoặc nói xấu sau lưng bạn. Những dạng này là những triều thần hoàn hảo, và họ đã phát triển vẻ bề ngoài tốt bụng của họ không phải từ một tình cảm chân thật đối với đồng loại mà như một cơ chế phòng thủ. Có lẽ họ đã có những bậc cha mẹ khắc nghiệt và thích trừng phạt, vốn soi mói kỹ lưỡng mọi hành động của họ. Nụ cười và một vẻ ngoài cung kính là cách họ làm chệch hướng bất kỳ hình thức thù địch nào, và nó trở thành khuôn mẫu trong cuộc sống của họ. Họ cũng có thể nói dối với cha mẹ của họ, và thường là những chuyên gia nói dối đầy kinh nghiệm.
Cũng giống như khi họ còn là những đứa trẻ, đằng sau những nụ cười và sự nịnh hót là rất nhiều oán giận đối với vai trò mà họ phải đóng. Họ ngấm ngầm khao khát làm hại hoặc đánh cắp từ người mà họ phục vụ hoặc chiều theo ý muốn. Bạn phải cảnh giác đối với những người tích cực thể hiện sự quyến rũ và lịch sự vượt quá mức độ tự nhiên. Họ có thể trở nên hoàn toàn gây hấn thụ động, cụ thể là tấn công bạn khi bạn lơ là cảnh giác.
Dạng cứu tinh
Bạn không thể tin vào vận may của mình - bạn đã gặp một người sẽ cứu bạn thoát khỏi những khó khăn và rắc rối. Bằng cách nào đó họ nhận ra nhu cầu cần được giúp đỡ của bạn và thế là họ có mặt với những cuốn sách để đọc, những chiến lược để vận dụng, những thực phẩm phù hợp để ăn. Ban đầu tất cả đều khá lôi cuốn, nhưng sự nghi ngờ của bạn bắt đầu ngay khi bạn muốn khẳng định sự độc lập và tự mình làm mọi việc.
Vào thời thơ ấu, thông thường những dạng người này phải trở thành kẻ chăm sóc cho mẹ, cha hoặc anh chị em của họ. Người mẹ, ví dụ, đã biến những nhu cầu của riêng mình trở thành mối quan tâm chính của gia đình. Những đứa trẻ như vậy bù đắp cho sự thiếu quan tâm mà chúng nhận được với cảm giác quyền lực chúng có được từ mối quan hệ đảo ngược. Điều này hình thành một khuôn mẫu; Họ có được sự mãn nguyện lớn nhất từ việc trợ giúp mọi người, trở thành người chăm sóc và vị cứu tinh. Họ rất nhạy bén trong việc phát hiện ra những người có thể cần tới sự trợ giúp. Nhưng bạn có thể phát hiện ở họ khía cạnh bắt buộc của hành vi này bởi nhu cầu muốn kiểm soát bạn. Nếu họ sẵn sàng để bạn tự đứng bằng đôi chân của mình sau một số trợ giúp ban đầu thì họ thật sự cao quý. Nếu không, thật ra đó chỉ là quyền lực mà họ có thể thực thi. Trong mọi trường hợp, tốt nhất là luôn trau dồi sự tự lập và bảo với những vị cứu tinh rằng họ hãy tự cứu mình.
Dạng khoái lên mặt dạy đời
Họ thể hiện một cảm giác phẫn nộ với một sự bất công nho nhỏ này khác, và họ ăn nói rất hùng hồn. Với niềm tin này họ tìm được những người đi theo, bao gồm cả bạn. Nhưng đôi khi bạn phát hiện ra những vết rạn nứt trên lớp vỏ bọc chính đáng của họ. Họ không đối xử tốt với nhân viên; họ tỏ vẻ hạ cố đối với bạn đời của mình; họ có thể có một cuộc sống bí mật hoặc một thói tật xấu xa mà bạn thoáng nhận ra. Khi còn bé, họ thường bị làm cho cảm thấy tội lỗi vì những thôi thúc mạnh mẽ và ham muốn lạc thú của mình. Họ đã bị trừng phạt và cố gắng làm nén những xung lực này. Vì điều này, họ đã phát triển một cảm giác tự ghê tởm bản thân và nhanh chóng áp đặt những tính cách tiêu cực lên người khác hoặc nhìn những người ít kiềm chế bản thân với sự đố kỵ. Họ không thích nhìn thấy những người khác vui vẻ. Thay vì thể hiện sự đố kỵ, họ chọn cách phán xét và lên án. Bạn sẽ nhận thấy phiên bản trưởng thành của họ hoàn toàn thiếu sắc thái. Con người chỉ có tốt hoặc xấu, không có điểm giữa.
Trên thực tế, họ đang xung đột với bản chất con người, không có khả năng thỏa hiệp với những đặc điểm kém hoàn hảo của chúng ta. Đạo đức của họ dễ dãi và có tính chất bắt buộc giống như uống rượu hoặc đánh bạc, và nó không đòi hỏi sự hy sinh nào từ phía họ, chỉ là rất nhiều ngôn từ cao quý. Họ phát triển mạnh trong một nền văn hóa của tính đúng đắn về chính trị(53).
Thật ra, họ bị bí mật lôi kéo về phía những gì họ lên án, đó là lý do tại sao họ chắc chắn sẽ có một khía cạnh bí mật. Bạn chắc chắn sẽ là mục tiêu tìm hiểu của họ tại một thời điểm nào đó nếu bạn đến quá gần họ. Hãy sớm nhận ra sự thiếu cảm thông của họ và giữ khoảng cách với họ.
(Đối với các dạng độc hại hơn, xin mời xem về sự đố kỵ ở chương 10; sự tò mò ở chương 11; và sự gây hấn ở chương 16).
Tính cách vượt trội
Quy luật này rất đơn giản và không thể ngăn chặn: Bạn có một tính cách kiên định. Nó được hình thành từ các yếu tố có trước nhận thức có ý thức của bạn. Từ sâu bên trong bạn, tính cách này buộc bạn phải lặp lại một số hành động, chiến lược và quyết định nhất định. Bộ não cấu trúc để tạo điều kiện thuận lợi cho việc này: một khi bạn suy nghĩ và thực hiện một hành động cụ thể, một đường dẫn thần kinh được hình thành khiến bạn phải lặp đi lặp lại hành động đó nhiều lần. Và liên quan đến quy luật này, bạn có thể đi theo một trong hai hướng, mỗi hướng đều ít nhiều quyết định con đường đời của bạn.
Hướng đầu tiên là sự thiếu hiểu biết và sự phủ nhận. Bạn không chú ý đến những khuôn mẫu trong cuộc sống của bạn; bạn không chấp nhận ý tưởng rằng những năm đầu đời của bạn để lại một dấu ấn sâu sắc và lâu dài buộc bạn phải cư xử theo những cách thức nhất định. Bạn tưởng tượng rằng tính cách của bạn hoàn toàn làm bằng chất dẻo, và bạn có thể tự tái tạo bản thân tùy ý thích. Bạn có thể đi theo cùng một con đường dẫn đến quyền lực và danh tiếng như một người khác, mặc dù họ xuất phát từ những hoàn cảnh rất khác biệt. Khái niệm về một tập hợp tính cách có thể trông giống như một nhà tù và nhiều người ngấm ngầm muốn được đưa ra bên ngoài bản thân họ, thông qua ma túy, rượu hoặc trò chơi video. Kết quả của sự phủ nhận này rất đơn giản: Hành vi và các khuôn mẫu có tính chất ép buộc thậm chí còn được hình thành nhiều hơn. Bạn không thể chống lại khuynh hướng tính cách của bạn hoặc tống khứ nó đi. Nó quá mạnh mẽ!
Đây chính là vấn đề của Howard Hughes. Ông tưởng tượng mình là một doanh nhân vĩ đại, thành lập một đế chế có thể vượt xa đế chế của cha mình. Nhưng do bản chất, ông không phải là một kẻ giỏi quản lý người khác. Sức mạnh thật sự của ông có tính chất kỹ thuật nhiều hơn - ông có một cảm giác rất nhạy bén về các khía cạnh thiết kế và kỹ thuật trong sản xuất máy bay. Nếu biết và chấp nhận điều này, lẽ ra ông có thể tạo nên một sự nghiệp tuyệt vời với tư cách kẻ có tầm nhìn xa rộng, đứng ở phía sau công ty máy bay riêng của ông, và giao lại những hoạt động hằng ngày cho một người thật sự có khả năng. Nhưng ông đã sống với một hình ảnh của bản thân không tương quan với tính cách của ông. Điều này đã dẫn đến một khuôn mẫu của những thất bại và một cuộc sống khốn khổ.
Hướng thứ hai khó đi theo hơn, nhưng đó là con đường duy nhất dẫn đến sức mạnh thật sự và sự hình thành của một tính cách vượt trội. Nó hoạt động theo cách sau: Bạn hãy kiểm tra bản thân càng kỹ càng tốt. Bạn nhìn vào các lớp tính cách sâu nhất của mình, xác định xem bạn là người hướng nội hay hướng ngoại, liệu bạn có xu hướng bị chi phối bởi những mức độ lo lắng và nhạy cảm cao, hoặc thù địch và tức giận, hoặc một nhu cầu sâu sắc phải tham gia với mọi người hay không. Bạn hãy nhìn vào những khuynh hướng nguyên thủy của mình - những đề tài và hoạt động mà bạn bị thu hút tới một cách tự nhiên. Bạn hãy kiểm tra phẩm chất của sự gắn bó đã hình thành với cha mẹ bạn, xem các mối quan hệ hiện tại của bạn là dấu hiệu tốt nhất của điều này. Bạn hãy nhìn với sự trung thực nghiêm ngặt về những sai lầm của chính bạn và những khuôn mẫu liên tục ngăn trở bạn. Bạn biết những hạn chế của mình - những tình huống mà trong đó bạn không làm hết sức mình. Bạn cũng bắt đầu nhận thức được những sức mạnh tự nhiên trong tính cách của bạn vốn đã giúp bạn sống sót qua tuổi thiếu niên.
Lúc bấy giờ, với nhận thức này, bạn không còn bị giam cầm trong tính cách của mình, buộc phải lặp đi lặp lại vô tận các chiến lược và sai lầm tương tự. Khi bạn cảm thấy bị rơi vào một trong những khuôn mẫu thông thường của mình, bạn có thể kịp thời tự thoát ra và lùi lại. Có lẽ bạn không thể loại bỏ hoàn toàn các khuôn mẫu này, nhưng bằng sự luyện tập, bạn có thể giảm thiểu tác động của chúng. Khi biết những giới hạn của mình, bạn sẽ không thử sức với những thứ mà bạn không có năng lực hoặc không có thiên hướng. Thay vào đó, bạn sẽ chọn con đường sự nghiệp phù hợp với bạn và tính cách của bạn. Nói chung, bạn chấp nhận và nắm lấy tính cách của bạn. Mong muốn của bạn không phải là trở thành một người khác mà là một bản thân chu đáo triệt để hơn, nhận ra tiềm năng thật sự của mình. Bạn hãy xem tính cách của mình cũng như mớ đất sét mà bạn sẽ nắn, dần dần biến những điểm yếu của bạn thành điểm mạnh. Bạn không chạy trốn khỏi những thiếu sót của mình mà chỉ xem chúng như là nguồn sức mạnh thật sự.
Hãy nhìn vào sự nghiệp của nữ diễn viên Joan Crawford (1908- 1977). Những năm đầu đời của bà dường như đã xác định bà là một người cực kỳ khó có khả năng thành công trong cuộc sống. Bà không bao giờ biết cha mình, kẻ đã bỏ rơi gia đình không lâu sau khi bà chào đời. Bà lớn lên trong nghèo khó. Mẹ của Joan không thích bà và thường xuyên đánh bà. Khi còn nhỏ, bà biết rằng người cha dượng mà bà yêu quý không phải là cha ruột của mình, và không lâu sau đó cả ông ta cũng từ bỏ gia đình bà. Tuổi thơ của bà là một chuỗi vô tận những hình phạt, sự phản bội và sự ruồng bỏ, khiến bà sợ hãi suốt đời. Khi bắt đầu sự nghiệp với tư cách là một nữ diễn viên điện ảnh còn rất trẻ, bà đã kiểm tra bản thân và những thiếu sót của mình với sự khách quan tàn nhẫn: Bà quá nhạy cảm và mong manh; bà có quá nhiều nỗi đau buồn mà không thể thoát khỏi hoặc che đậy; bà cực kỳ mong muốn được yêu thương; bà luôn cảm thấy cần có một hình ảnh người cha.
Những bất an như vậy có thể dễ dàng là cái chết của một người ở một nơi tàn nhẫn như Hollywood. Thay vì vậy, thông qua nhiều suy ngẫm và công việc, bà đã xoay xở để biến những điểm yếu này thành trụ cột trong sự nghiệp rất thành công của mình. Chẳng hạn, bà quyết định mang cảm giác buồn bã và bị phụ bạc của chính mình vào tất cả các vai khác nhau mà bà thủ diễn, khiến phụ nữ trên khắp thế giới đồng cảm với bà; bà không giống như rất nhiều nữ diễn viên khác, những người rất vui vẻ và hời hợt. Bà hướng nhu cầu khẩn thiết của mình vào ống kính máy quay, và khán giả có thể cảm nhận được điều đó. Những vị đạo diễn đã trở thành những người cha mà bà yêu mến và đối xử hết sức tôn trọng. Và bà hướng phẩm chất nổi bật nhất, sự mẫn cảm của bà, ra bên ngoài thay vì vào bên trong. Bà đã phát triển những định hướng cực kỳ tinh chỉnh theo sở thích của các đạo diễn mà bà làm việc cùng. Không cần nhìn họ hay nghe một lời họ nói, bà có thể cảm thấy sự không hài lòng của họ đối với cách diễn xuất của mình, đưa ra những câu hỏi đúng và nhanh chóng điều chỉnh theo những nhận xét của họ. Bà là một ước mơ của một nhà đạo diễn. Bà đã kết hợp tất cả những điều này với ý chí quyết liệt của mình, tạo nên một sự nghiệp kéo dài hơn 40 năm, một điều chưa từng thấy đối với một nữ diễn viên ở Hollywood.
Đây là thuật giả kim mà bạn phải sử dụng cho chính mình. Nếu bạn là một người siêu hoàn hảo, thích kiểm soát mọi thứ, bạn phải hướng năng lượng này vào một số công việc hiệu quả thay vì sử dụng nó với mọi người. Sự chú ý đến chi tiết và tiêu chuẩn cao của bạn là một điều tích cực, nếu bạn định kênh chúng chính xác. Nếu bạn là một người luôn làm hài lòng kẻ khác, bạn đã phát triển các kỹ năng và sự quyến rũ thật sự của một triều thần. Nếu bạn có thể nhìn thấy nguồn gốc của đặc điểm này, bạn có thể kiểm soát khía cạnh bắt buộc và phòng thủ của nó và sử dụng nó như một kỹ năng xã hội đích thực có thể mang lại cho bạn sức mạnh tuyệt vời. Nếu bạn rất nhạy cảm và có xu hướng cá nhân hóa các vấn đề, bạn có thể hành động để hướng nó tới sự cảm thông tích cực (xem chương 2) và biến thiếu sót này thành tài sản để sử dụng cho các mục đích xã hội tích cực. Nếu bạn có một tính cách nổi loạn, theo lẽ tự nhiên bạn sẽ không ưa thích các quy ước và các cách thức hành động thông thường. Hãy hướng tính cách này vào một hoạt động sáng tạo nào đó, thay vì xúc phạm và xa lánh mọi người. Đối với mỗi điểm yếu đều có một điểm mạnh tương ứng.
Cuối cùng, bạn cũng cần tinh chỉnh hoặc trau dồi những đặc tính tạo thành một tính cách mạnh mẽ - sự kiên cường dưới những áp lực, sự chú ý đến chi tiết, khả năng để hoàn thành các kế hoạch, để làm việc với một nhóm, để chịu đựng sự khác biệt của mọi người. Cách duy nhất để làm như vậy là tập trung vào thói quen của bạn, đi sâu vào sự hình thành một cách chậm chạp của tính cách. Chẳng hạn, bạn tự rèn luyện để không phản ứng ngay lập tức bằng cách liên tục đặt bản thân vào những tình huống căng thẳng hoặc bất lợi để làm quen với chúng. Trong các công việc hằng ngày nhàm chán, bạn trau dồi sự kiên nhẫn và chú ý đến từng chi tiết. Bạn cố tình nhận nhiệm vụ hơi cao hơn trình độ của bạn. Để hoàn thành chúng, bạn phải làm việc chăm chỉ hơn, giúp bạn hình thành ý thức kỷ luật cao hơn và thói quen làm việc tốt hơn. Bạn tự rèn luyện để liên tục nghĩ về những gì tốt nhất cho đội nhóm. Bạn cũng nên tìm kiếm những người có tính cách mạnh mẽ khác và cố gắng kết hợp với họ. Bằng cách này, bạn có thể đồng hóa với năng lượng và thói quen của họ. Và để phát triển sự linh hoạt trong tính cách của bạn, vốn luôn là một dấu hiệu của sức mạnh, thỉnh thoảng bạn nên thay đổi, thử một số chiến lược hoặc cách suy nghĩ mới, làm ngược lại với những gì bạn thường làm.
Với hành động đó, bạn sẽ không còn là nô lệ cho tính cách đã hình thành trong những năm đầu đời và hành vi bắt buộc mà nó dẫn đến. Thậm chí còn hơn thế, lúc bấy giờ bạn có thể chủ động định hình tính cách của mình và số phận đi cùng với nó.
Trong bất cứ điều gì, thật sai lầm khi nghĩ rằng người ta có thể thực hiện một hành động hoặc cư xử theo một cách thức nhất định chỉ một lần duy nhất. (Sai lầm của những kẻ nói rằng: “Chúng ta hãy làm việc như nô lệ và tiết kiệm từng xu cho đến khi chúng ta 30 tuổi, sau đó chúng ta sẽ tận hưởng…” Ở tuổi 30, họ sẽ có khuynh hướng hám lợi và tham công tiếc việc, và sẽ không bao giờ tận hưởng được điều gì…) Những gì người ta làm, người ta sẽ làm lại lần nữa, thật sự, có lẽ nó đã từng được thực hiện trong quá khứ xa xôi. Điều đau đớn trong cuộc sống là chính những quyết định của chúng ta đã ném chúng ta vào vết đường mòn này, dưới những cái bánh xe nghiền nát chúng ta. (Sự thật là, ngay cả trước lúc có những quyết định đó, chúng ta đã đi theo hướng đó). Một quyết định, một hành động, là những điềm báo không thể sai lầm về những gì chúng ta sẽ làm vào một thời điểm khác, không phải vì bất kỳ lý do mơ hồ, huyền bí, có tính chất vận số nào mà bởi vì chúng là kết quả của một phản ứng tự động vốn sẽ lặp lại.
- Cesare Pavese