Những Dấu Vết Còn Lại - Chương 12

MẤT DẤU TÍCH

Trái với sự mong đợi của đại tá Filipov, cuộc truy lùng bọn gián điệp bỗng lâm vào chỗ bế tắc. Sau khi rời Sofia, chiếc xe ô-tô chở chúng đã biến mất dường như có phép lạ. Tất cả các trạm kiểm soát đều được thông báo, nhưng chỉ có một trạm nhận là có thấy nó đi qua. Sau đó, ta xác định ngay được rằng chiếc xe đó mang số giả. Thực ra, 1150 là số của một xe vận tải nhỏ của công ty thực phẩm. Ngoài ra, điều quan trọng nữa là chiếc xe mang số giả nói trên cũng trong đêm ấy đã từ ngoài vào Sofia bằng cùng một con đường. Khoảng một giờ sau, nó lại ra khỏi thành phố và đi đâu không biết. Kiểm tra thêm thì thấy rằng hai hôm trước đó, tức là đúng cái đêm Toromanov đi ô-tô từ đâu về nhà, chiếc xe đó cũng vào thành phố bằng đường ấy và vài giờ sau lại đi ra, cũng qua trạm kiểm soát ấy.

Suốt mấy ngày hôm sau, những tài liệu đó được đem ra phân tích kỹ lưỡng. Hành trình của tất cả các xe ra và vào Sofia đêm đó đều được kiểm tra từ điểm xuất phát cho tới điểm tới đích. Sau lại xem đến hành trình của các xe đã chạy trong phạm vi các tỉnh lân cận Sofia đêm hôm đó. Nhưng bế tắc vẫn hoàn bế tắc. Tất cả các xe chạy đều là xe của cơ quan nhà nước, đi theo hành trình qui định. Vậy không có lý do gì để có chuyện đánh tráo số xe.

Thế thì xe của bọn gián điệp biến đi đâu? Còn lại hai khả năng. Một là nó đã rẽ vào đường tắt nào đó để tránh trạm kiểm soát. Khả năng thứ hai – theo đại đá Filipov – có lý hơn: chiếc xe ở ngay đâu đây quanh Sofia, giữa hai trạm kiểm soát. Mọi chi tiết làm cho giả thuyết này có vẻ đứng vững: đó là việc chiếc xe đã đến trước cửa nhà kỹ sư Donchev để đón bọn gián điệp rất nhanh sau khi được gọi.

Đại tá Filipov hình dung việc xảy ra như sau: Sau khi vớ được Peso, bọn phản động hiểu rằng còn ở lại thành phố ngày nào là rất nguy hiểm, nên quyết định bỏ trốn ngay đêm đó. Chúng gọi điện kêu xe đến. Lập tức ô-tô đến đón chúng, ghé qua nhà Toromanov để đưa hai vợ chồng lão đi cùng, rồi theo đường đã vào để ra khỏi thành phố. Dĩ nhiên, chúng có thể liên lạc với nhau bằng radio chứ không bằng điện thoại, nếu ô-tô cũng có máy thu phát; nhưng chắc là xe không có. Tất cả những hoạt động trên chỉ diễn ra trong vòng vài giờ; như vậy thì chiếc xe không thể từ xa đến được.

Rút ra kết luận đó rồi, đại tá liền thu hẹp diện tìm kiếm trong phạm vi dọc con đường và các thị trấn lân cận. Ông đặc biệt chú ý những nơi có trạm điện thoại, là nơi mà tên lái xe có thể nhận được lệnh đánh xe vào thành phố đón bọn gián điệp. Mặc dầu các đồng chí công an đã kiểm tra rất kỹ, vẫn không tìm ra dấu vết nào của chiếc xe mất tích.

Cuộc thẩm vấn tên gián điệp bị bắt ở hiệu sách cũng không mang lại ánh sáng gì đáng kể. Hắn đã khai báo hết ngay từ lần hỏi cung đầu: một người lạ mặt thường mang sách đến cửa hiệu, trong bìa sách có viết tin tức bằng mật mã. Hắn có nhiệm vụ chuyển sách ấy cho Toromanov, để tên này – đấy là đại tá đoán thế – lại mang đến nhà kỹ sư. Ở đây, những tin tình báo ấy chắc sẽ được bọn gián điệp đánh ra nước ngoài. Tên bán sách chỉ biết có thế; hắn không biết đến cả tên của Toromanov, không biết có căn phòng bí mật nọ, không biết chiếc xe ô-tô, cùng những âm mưu khác của đồng bọn.

Năm ngày trôi qua mà không điều tra được gì hơn.

Trong năm ngày ấy, bọn trẻ đứng ngồi không yên. Không còn gián điệp để theo dõi nữa, mà những trò chơi cũ đối với chúng thì đã mất hứng thú. Đang bàn tính những kế hoạch ly kỳ, giải quyết những vấn đề hóc hiểm, theo dõi những tên tội phạm đáng sợ, mà nay lại trở lại trèo lên thùng rác để giả làm máy bay thì thật là chán, chúng chẳng muốn chơi. Chúng chỉ tụ tập ngoài công viên hoặc trong phòng thường trực của Costa để tán chuyện. Nhưng nói gì thì nói, cuối cùng câu chuyện cũng lại quay về bọn gián điệp!

Chuyện mãi cũng cạn, bọn trẻ rủ nhau đi chơi, ra công viên lớn, hoặc ra bờ sông. Đi chơi như thế có vui hơn. Tuy nhiên, ngay trong những lúc vui nhất, Peso cảm thấy thái độ của các bạn đối với mình vẫn có cái gì dè dặt. Vì thế nó sinh ra lầm lì bẳn gắt, hơi một tí thì phát khùng, nhưng không đả động gì đến cái lỗi lớn nó đã mắc. Thực ra Peso cho rằng nó có phạm lỗi đi nữa, thì thái độ dũng cảm, kiên quyết của nó trước bọn gián điệp cũng đã đủ chuộc lỗi rồi.

Một hôm, cả bọn đi chơi công viên về. Đã sắp tối, mặt trời lặn về phía tây đỏ ối. Người đi lại náo nhiệt; các cụ già ngồi hóng mát trên ghế, trẻ con chơi đùa, nghịch ngợm vang cả phố. “Bộ ba” Peso, Costa và Vesselin đi sau cùng. Chúng bước đi chậm chạp, mỗi đứa như đều mải suy nghĩ riêng – đó là điều hiếm thấy. Những ngày gần đây, quan hệ giữa chúng thiếu cái thoải mái, thẳng thắn hồi trước, những câu chuyện trao đổi với nhau có khi bất thình lình bị hẫng một cách nặng nề.

Peso là người đầu tiên phá sự im lặng và nói toạc điều mình suy nghĩ. Cậu đỏ mặt, đột ngột nói:

– Hình như các cậu... giận mình hay sao?

– Giận à, tại sao lại giận? – Vesselin bị hỏi bất ngờ nên lúng túng.

– Tớ biết đâu đấy, cậu trả lời thì đúng hơn!

– Cậu chỉ nghĩ vớ vẩn – Vesselin nhìn xuống đất, nói.

Một phút im lặng ngượng ngập. Peso chua chát:

– Tớ có khuyết điểm gì? Mà nếu có khuyết điểm thì các cậu cứ nói thẳng!

Costa đang đi, đứng dừng lại, nghiêm khắc nhìn Peso. Nó không nhịn được nữa:

– Khuyết điểm đứt đi chứ lị!

– Nói đi, nói nữa đi! – Peso nhếch mép cười khẩy.

– Thế cậu tưởng cậu vô tội thật à? Nói thẳng cho mà biết, đứa nào cũng nghĩ rằng cậu có khuyết điểm lớn.

Peso dằn dỗi:

– Chúng nó tra điện mình, mình không nói gì, thế là khuyết điểm à?

Lập tức Costa không căng thẳng nữa; nó dịu nét mặt lại, buồn bã nói:

– Thôi, không nói với cậu nữa! Cái gì cậu cũng nói quẹo đi được!

– Thì thôi, tớ không quẹo nữa! – Peso nói gần như van vỉ. – Cứ nói đi, tớ có khuyết điểm gì?

– Cậu biết thừa đi chứ! – Vesselin nói, nhưng mắt nhìn đi chỗ khác. – Có đúng là bọn gián điệp chuồn mất không? Nếu đêm ấy cậu không tự động lẻn đến nhà chúng, thì làm gì đến nỗi? Có phải bác đại tá đã bắt gọn chúng như bắt chuột rồi không?

Peso không trả lời ngay. Khuyết điểm của nó, từ miệng người khác nói ra, thật là quá rõ, khó có thể bào chữa được. Nó khẽ nói:

– Nhưng mình đâu muốn thế? Mình tưởng làm thế là để tránh cho chúng mình khỏi bị “hố” sau này! Nào ai ngờ là có đứa đứng rình sau cửa?

– Chúng mình chả đã có quyết định về vấn đề đó là gì? – Vesselin nói. – Sao cậu không chấp hành, mà lại cứ làm theo ý mình!

Peso im lặng. Nó muốn thú nhận ngay khuyết điểm, nhưng có một cái gì khó hiểu, không phải là bản chất của nó, cứ xui nó cưỡng lại. Nó thở dài:

– Thì cứ cho là các cậu có lý đi! Thế tại sao các cậu không nói thẳng, nói ngay với mình, mà lại im lặng, giữ ý?

Hai cậu bé nhìn nhau, lúng túng.

– Tại sao? Các cậu nói đi! – Peso giục.

– Đứa nào khuyết điểm, đứa ấy phải tự nhận trước chứ! – Costa bực mình nói.

– Đồng ý là mình không nhận trước! Nhưng các cậu, sao các cậu cũng tránh né? Bạn bè mà thế à?

Vesselin thở dài, ngập ngừng nói:

– Lúc đầu thì bọn mình cũng chưa giận cậu đâu. Thấy cậu được cứu thoát là chúng mình sướng rơn rồi, và quên hết! Thái độ cậu trước bọn gián điệp cũng đúng đắn, nên chúng mình chưa nhận ra khuyết điểm ở chỗ nào.

Vesselin đưa tay gãi mũi, nói tiếp:

– Nhưng sau rồi ra sao? Bọn gián điệp trốn thoát. Thành ra bây giờ đứa nào cũng bực, cũng buồn, có thế thôi!

– Bác đại tá nhất định sẽ tóm cổ được chúng, các cậu đừng lo! Các cậu chưa biết bác ấy cừ thế nào!

– Cứ bao giờ bắt được thì chúng mình mới yên tâm được. – Costa nói. – Còn đối với cậu, nên nhớ lấy làm bài học!

Peso đã hiểu: một bài học đau đớn như vậy sẽ nhớ rất lâu! Nếu nó nghe các bạn, thì đâu đến nỗi phải gánh hậu quả to lớn này! Nó tin chắc rằng sớm muộn bọn gián điệp sẽ bị bắt, nhưng lần đầu trên đời bây giờ nó mới hiểu khuyết điểm vẫn là khuyết điểm! Đã quyết nghị chung thì ai cũng phải chấp hành! Peso đỏ mặt nói:

– Đúng là bài học, nhưng chả cứ cho riêng mình, mà cho tất cả mọi người!

Nói được ra những điều giữ mãi trong lòng, như đã vén được lớp sương mù bấy lâu nay bao phủ quan hệ giữa mấy người bạn trẻ. Các cậu bé không nhận thấy điều đó đâu, nhưng khi chúng về đến phố nhà, thì rõ ràng chúng vui vẻ, thoải mái hẳn lên. Quan hệ bạn bè thẳng thắn, cởi mở trước kia đã trở lại.

Tới trước nhà Peso, Charlie – chàng chuyên gia về ô tô – nhận thấy có chiếc xe đen đỗ ở vỉa hè. Nó reo lên:

– Ồ, xe của đại tá!

Cả bọn run lên vì hồi hộp. Có chuyện gì xảy ra? Bắt được bọn gián điệp rồi chăng? Vesselin đoán:

– Chắc đại tá lên nhà cậu!

Peso muốn nhảy nhanh lên cầu thang, nhưng nó tự kìm lại, quay sang các bạn, bình tĩnh dặn:

– Các cậu chờ mình dưới vườn! Có chuyện gì tớ sẽ xuống báo ngay!

Và nó khoan thai bước lên cầu thang gác.

oOo

Đúng là đại tá có trong nhà Peso. Ông đến đây đợi đã được khoảng một tiếng; ông muốn gặp trao đổi thêm công việc với Peso và các bạn.

Trong lúc chờ đợi, đại tá vui vẻ trò chuyện với bố Peso. Có biết bao nhiêu chuyện khi bạn cũ gặp nhau! Hai người gợi nhớ những bạn cũ, kỷ niệm cũ, rồi xoay sang chuyện con cái. Đại tá một lần nữa tỏ ý khen ngợi sự khôn ngoan, thông minh, khéo léo của bọn trẻ trong việc phát hiện và theo dõi Toromanov, khen những phán đoán sáng suốt, quyết định đúng đắn và nhất là tinh thần dũng cảm của chúng trong mấy ngày nay. Bố Peso trầm ngâm nói:

– Chúng ta chưa hiểu hết bọn trẻ! Lắm lúc cứ tưởng đã hiểu rõ chúng, nhưng chúng vẫn làm cho mình kinh ngạc!

– Vì chúng mình cứ coi chúng là trẻ con! – đại tá nói – Thực ra chúng không còn là trẻ con, mà đã trở thành những cậu bé biết nghĩ!

Vừa lúc ấy, Peso mở cửa đi vào. Trông thấy đại tá, nó vui mừng hỏi ngay:

– Bắt được rồi hả bác?

 Đại tá lắc đầu:

– Chưa, cháu ạ. Nhưng rồi sẽ bắt!

Ngừng một lát, ông nói:

– Nếu các cháu giúp bác thêm chút nữa, thì nhất định sẽ bắt được!

Peso sướng đỏ cả mặt. Chúng có mong gì hơn là lại được tham gia vào các cuộc điều tra, tìm kiếm giúp công an! Nó hớn hở hỏi:

– Giúp như thế nào nữa, hả bác?

Đại tá suy nghĩ một lát:

– Bằng cách nhớ lại mọi việc, phải, mọi việc có liên quan tới Toromanov. Các cháu đã giúp rất nhiều, nhưng vẫn chưa đủ tài liệu. Bọn chúng đã biến mất như có phép lạ, không tìm thấy dấu vết chúng đâu nữa. Bác muốn các cháu suy nghĩ lại, nhớ lại tất cả, tất cả, từ những chi tiết nhỏ nhặt nhất! Có thể một điều hết sức bình thường, chúng ta không cho là quan trọng, lại giúp ta lần ra đầu mối... Cháu hiểu chưa?

– Hiểu rồi ạ! – Peso đáp, nhưng trong lòng hơi thất vọng.

Nó tưởng sẽ được làm việc gì quan trọng hơn, theo dõi ai hoặc lại lên xe công an đi những đâu đâu. Như đoán được ý nghĩ cậu bé, đại tá nói ngay:

– Nếu lần ra được manh mối gì, bác lại yêu cầu các cháu cộng tác!

– Thưa bác, các bạn cháu đang đợi ở dưới rồi!

– Thật à?

– Thấy xe bác đỗ, chúng cháu nghĩ ngay là có điều gì quan trọng!

– Hoan hô! Rõ ràng không thể giấu các cháu điều gì! – đại tá mỉm cười. – Vậy cháu xuống bảo với các bạn đi... Yêu cầu các bạn nghĩ kỹ tối nay, rồi trưa mai, cử ba người đến gặp bác.

– Xin tuân lệnh! – Peso đứng nghiêm như chiến sĩ nhận lệnh, rồi chạy vụt đi.

Lúc chỉ còn hai người, đại tá nói:

– Tôi tin vào chúng nó... Tin rằng bọn trẻ nhiều khi nhận ra những điều mà người lớn không thấy.

oOo

Trưa hôm sau, Peso, Vesselin và Charlie đến gặp đại tá. Đứa nào trông cũng nghiêm trang, lộ vẻ muốn giúp ích được nhiều nhất. Đại tá hiểu ngay là cuộc nói chuyện sẽ không vô ích. Ba cậu bé ngồi vào ghế, giở giấy ra. Peso hỏi:

– Chúng cháu bắt đầu chứ ạ?

– Bác sẽ nghe rất kỹ. – Đại tá thành thật nói.

Peso bắt đầu báo cáo, hai bạn nó thỉnh thoảng lại có ý kiến bổ sung. Nửa giờ sau, khi báo cáo đã hết, đại tá vui vẻ nói:

– Các cháu rất cừ!

– Chúng cháu có báo cáo được điều gì có ích không ạ? – Peso hy vọng.

– Có chứ! Trước hết, qua việc các cháu tả chiếc ô-tô, thì đó không phải xe “Chevrolet”, mà là xe “Buých”...

– Rõ ràng cháu trông thấy tên hiệu nó mà, – Charlie không hiểu.

– Thấy ở đâu?

– Ở nắp bánh xe sau!

– Chắc là cái nắp ấy đã được thay thế... Thứ hai là cái vết bẹp ở chắn bùn phía phải đằng sau, rất là quan trọng! Nếu biết ngay từ đầu!

– Bây giờ mới biết thì muộn ạ?

– Cũng chưa muộn lắm... Hơn nữa, cái việc Toromanov cày cục xin việc làm ở mỏ, đối với bác, cũng là quan trọng... Tại sao, trước khi xảy ra những chuyện dồn dập ấy, Toromanov lại muốn xin vào làm ở mỏ?

– Chúng cháu cũng đã nghĩ như thế – Peso nói.

– Đó là một đầu mối ta không thể bỏ qua. Đồng chí giám đốc mỏ với bác là bạn thân, đồng chí ấy sẽ giúp chúng ta! Cần báo cho đồng chí ấy biết ngay!

Đại tá Filipov chuyện trò với lũ trẻ một lát nữa rồi tiễn chúng xuống cầu thang!

– Tối nay, các cháu ở nhà nhé! Có thể bác cần đến một cháu nào đó!

– Vâng ạ! – Peso thay mặt các bạn trả lời.

Cả bọn hết sức phấn khởi. Người ta lại cần đến chúng nó; chúng nó lại sắp được tham gia tích cực vào việc truy lùng bọn gián điệp.

CHẠM TRÁN BẤT NGỜ,

KẾT THÚC NHANH CHÓNG

Tối hôm sau, đúng tám giờ hai mươi phút, đoàn tàu chợ tới ga Hvoyna khá chậm. Trời đã tối. Đom đóm nhấp nháy bay chập chờn bên những cây du trồng quanh ga. Tiếng chim đêm hót khe khẽ trên cành. Cái sân ga xép chìm trong tối tăm, yên lặng. Dân cư chung quanh thưa thớt, không có thị trấn nào quan trọng nên ga càng vắng vẻ. Chỉ có mỗi đồng chí trưởng ga cầm đèn đứng đón đoàn tàu.

Chiếc đầu tàu đen trũi tiến vào ga rồi đỗ hẳn, xì khói nghi ngút. Một vài hành khách, phần lớn là công nhân mỏ, bước xuống, trong đó có một người đứng tuổi và một cậu bé, làm đồng chí trưởng ga chú ý ngay. Người đứng tuổi ăn vận tử tế, cậu bé mặc quần cộc, – hẳn là hai bố con. Chắc đây là những người khách mà xe ông giám đốc mỏ đang đợi đón bên ngoài. Năm phút trước đó, anh lái xe đã vào ga hỏi giờ tàu tới, và sau đó đã làu bàu trở ra với vẻ khó chịu.

Hành lý hai người rất đơn giản: người đứng tuổi xách mỗi một chiếc va-li da. Cậu bé nhìn quanh như để tìm ai, nói:

– Hình như không có chú lái xe nào đợi ta cả!

– Không có lẽ! – Người đứng tuổi nói, – Chắc đồng chí ấy đợi mình ngoài xe.

Đồng chí trưởng ga nghe được câu cuối, liền mách:

– Xe đồng chí giám đốc đỗ ngoài đường, kỹ sư ạ... Đợi đồng chí từ lâu rồi.

– Cảm ơn đồng chí. Đi ra lối nào ạ?

– Qua phòng đợi...

Hai người đi ra chỗ đỗ xe. Hẳn bạn đọc đã đoán được đó là đại tá Filipov và Peso. Đại tá đã thỏa thuận với đồng chí giám đốc mỏ là hai người – đóng vai hai bố con – sẽ đến mỏ, và đồng chí giám đốc sẽ cho xe ra đón ở ga, vì mỏ ở sát chân núi, cách ga khoảng mười lăm cây số.

Hai người ra khỏi ga đã thấy phía xa tít những ánh điện mờ ảo nhấp nháy trong đêm, tạo nên một cảnh kỳ lạ giữa khoảng đồng không mông quạnh. Đó chính là khu mỏ và những nhà ở của công nhân, có ánh đèn như lơ lửng trên không, vì chung quanh toàn là đêm tối.

– Xe đây rồi! – Peso nói.

Chiếc ô-tô đỗ mờ mờ trong tối; hai người rảo bước tới. Peso đi trước, đại tá xách vali theo sau. Tới gần xe, Peso đứng sững lại. Tim cậu đập mạnh.

Cậu trông nhầm chăng? Rõ ràng chiếc xe bọn gián điệp đang ở trước mặt? Peso nhận ngay ra nó qua dáng xe, qua cái vết bẹp ở chỗ chắn bùn. Nhất là anh lái xe càng không thể lẫn: vẫn là con người gầy, ngăm đen, ria mép cắt ngắn, nét mặt lầm lì ấy. Nghe tiếng chân người, hắn quay lại, đôi mắt xếch nhìn chằm chằm vào ông “kỹ sư”.

Giá có sét đánh bên tai, Peso cũng không kinh ngạc đến thế. Cậu đứng ngây như phỗng, không dám bước lên nữa. Có tin được con mắt mình chăng? Xe của bọn gián điệp đến cái ga hẻo lánh này làm gì? Cũng may mà tên lái chỉ chăm chú nhìn đại tá, không để ý gì đến Peso. Hắn hỏi, giọng ồ nhưng bình tĩnh:

– Đồng chí là kỹ sư Toshev?

– Phải, tôi... Đồng chí giám đốc có nhà không?

– Đồng chí ấy ở trụ sở. Tôi sẽ đưa đồng chí đến đấy.

– Tàu muộn quá! – đại tá nói, – ngày nào cũng thế à?

– Ngày nào cũng thế... Tôi đã biết ngay là không nên đi đón sớm quá...

Người lái xe mở cửa. Đại tá và Peso ngồi vào. Vừa ngồi xuống thì xe nổ máy liền, Peso thấy như hơi vội vã. Cậu muốn báo cho đại tá biết điều mình vừa khám phá, nhưng không biết báo bằng cách nào. Nói to thì không được, hắn nghe thấy mất. Hơn nữa, qua chiếc kính chiếu hậu, chắc hắn quan sát được hết mọi cử chỉ của hai người. Peso ngồi cứng đơ trên đệm, thỉnh thoảng lại nhìn thấy trong kính chiếu hậu đôi mắt sắc và lạnh của tên lái xe kín đáo theo dõi đại tá. Đường xấu, xe lắc mạnh nhưng không giảm tốc độ. Ánh đèn pha như hai con đường sáng quét lia trên mặt đường gồ ghề, thỉnh thoảng mới xuất hiện vài cái cây trơ trọi hoặc những cột mốc quét vôi trắng bên đường. Vùng này hết sức vắng vẻ, hầu như không có xe qua lại.

Đèn trong xe bỗng bật sáng. Chính tay đại tá bật. Ông nói vui:

– Để nhìn mặt nhau, làm quen với nhau tí chứ!

– Điện trong xe sắp hết đấy! – người lái xe nói.

Peso thấy đại tá hích chân mình, liền nhìn xuống. Đại tá cầm trong tay một bao thuốc lá trên đó ông đã viết mấy chữ xiên xẹo:

Phải xe và tên lái xe của bọn chúng không?

Đèn tắt.

– Phải! – Peso khẽ đáp trong tối.

Đại tá vỗ nhẹ tay lên đầu gối Peso, như muốn nói: “Cứ bình tĩnh, đừng ngại! Bác đã hiểu hết!”. Peso nhẹ nhõm ngả người trên đệm, lòng vui sướng. Sao bác ấy lại đoán tài thế nhỉ. Cậu liếc mắt về phía đại tá: ông vẫn bình thản nhìn thẳng trước mặt. Tuy nhiên trông dáng điệu ông có một vẻ gì đăm chiêu, căng thẳng, làm Peso lại lo sợ. Liệu có chuyện gì xảy ra ngay trên xe này không?

Đúng, đại tá Filipov đang có nhiều lo ngại, nhưng không phải lo cho ông, mà là lo cho Peso. Ông đã ngợ điều này ngay từ khi ở Sofia. Một vài dấu hiệu đã khiến ông linh cảm chiếc xe rất có thể ở khu vực mỏ. Thật vậy, sau khi điều tra thêm, các đồng chí công an thấy rằng đêm hôm đó, có một chiếc “Buých” đi vào Sofia, đó là chiếc xe của mỏ. Bản thân việc đó không có gì đặc biệt, có thể chỉ là một sự trùng hợp tình cờ. Nhưng liên hệ với việc Toromanov xin làm ở mỏ, thì có thể có điểm đáng nghi ngờ. Đại tá chưa chắc chắn hẳn, nhưng ông cũng cẩn thận mang Peso đi theo để khi cần thì nhận dạng chiếc xe và người lái. Nay đại tá lại tiếc là đã không báo trước cho Peso biết có thể có cuộc chạm trán bất ngờ này. Ông đã thấy Peso bối rối, hoang mang, nhìn chiếc xe bằng con mắt lo ngại. Hình ảnh người lái như bọn trẻ đã tả giống hệt với con người ngồi trước mặt ông. Ông chỉ còn chú ý nhìn thêm cái chắn bùn: cái vết mà bọn trẻ nói cũng có ở đấy! Vì vậy, khi ngồi vào xe, đại tá nghĩ cách hỏi Peso xem cậu ta có nhận xét gì không. Ông đã viết mò trong tối câu hỏi nọ lên bao thuốc rồi nghĩ cớ bật đèn. Bây giờ mọi việc đã rõ. Không còn mảy may nghi ngờ gì nữa.

Bỗng ông lại hướng ý nghĩ về một phía khác. Liệu tên lái xe có nhận ra ông không? Có thể lắm. Ông là một nhân vật nhiều người biết. Ông thường mặc binh phục đi nơi này nơi khác, nên ai muốn biết mặt ông đều có thể chỉ cho nhau xem. Ngày trước, lúc ông còn hoạt động bí mật, ông chẳng biết hết mặt những tên trùm công an địch là gì? Vậy thì tên lái xe gián điệp này có thể biết mặt ông được lắm. Đại tá đã nhận thấy trên mặt hắn một nét gì bối rối, nghi ngờ, trong ánh mắt hắn cũng có một điểm gì khác lạ báo hiệu chẳng lành.

Vấn đề thứ hai đại tá muốn tìm hiểu và cảnh giác, là tên lái xe có vũ khí hay không. Nếu có – mà ông chắc là có – thì rắc rối đây. Tên lái xe có vũ khí, lại biết người ngồi trong xe là ai. Hắn hiểu là hắn và đồng bọn đang bị đe dọa. Mặt khác, hắn tin rằng không ai nghi ngờ hắn và biết về chiếc xe của hắn. Hắn không biết và không thể biết là Peso đã nhận ra hắn. Nhưng nếu hắn nảy ra ý nghĩ thủ tiêu những hành khách nguy hiểm này? Chắc hắn tin rằng hắn có thể chủ động chọn lúc thích hợp. Hơn nữa, con đường vắng vẻ, tối tăm này rất thuận lợi cho mưu đồ ấy.

Vừa chú ý theo dõi tên lái xe, đại tá vừa lặng lẽ rút súng lục từ túi sau bỏ vào túi áo khoác ngoài. Ngay sau đó, ông cảm thấy tên lái xe cũng làm một việc tương tự, cũng có những cử chỉ như ông vừa có. Vậy là hắn cũng đã rút súng từ trong túi sau quần ra bỏ sẵn vào túi áo khoác...

Xe phóng hết tốc lực. Đêm tối đen như mực. Tiếng máy đều đều không phá được sự yên tĩnh chung quanh. Đại tá ngày càng nhận thức rõ mối nguy hiểm đang đe dọa mình. Ông tiếc là đã mang Peso đi theo; nếu không có cậu bé, thì ông rất dễ dàng có cách chấm dứt cái tình thế khó khăn này.

Dù sao, có một điều chắc chắn là tên lái xe không thể vừa cho xe chạy nhanh như thế này, vừa quay người lại bắn súng được. Vấn đề là phải luôn luôn chú ý theo dõi mọi cử chỉ của hắn!

Xe đi vào một rừng cây nhỏ. Đèn pha loang loáng chiếu vào các thân cây, soi tận từng kẽ lá.

Bỗng động cơ ô-tô kêu ọc ạch. Đại tá nắm lấy tay súng, bình tĩnh hỏi:

– Cái gì thế?

– Có lẽ máy hỏng, – tên lái xe cũng thản nhiên đáp.

Đến lúc rồi đây! Đại tá gí nòng súng vào gáy tên lái, nghiêm nghị nói:

– Ngồi yên, không ta bắn!

Tên lái cứng đơ người tại chỗ. Tư thế bất lợi của hắn không cho phép hắn làm gì khác.

– Đỗ xe lại!

Tên lái hãm phanh, và xe dừng giữa đường vắng và tối om. Riêng hai đèn pha vẫn chiếu, soi vào một bụi cây um tùm:

– Giơ tay lên!

Tên lái miễn cưỡng làm theo.

– Giơ cao lên! Nếu động đậy, ta bắn vỡ sọ!

Tên lái ngồi im. Kính chiếu hậu phản chiếu một bộ mặt tái nhợt vì sợ hãi. Đại tá nói với Peso:

– Cháu mở cửa đi ra, thò tay vào túi bên phải của nó lấy súng ra cho bác! Cẩn thận kẻo đụng vào cò!

Từ nãy, Peso vẫn ngây người khâm phục nhìn đại tá xử sự. Cậu nhanh nhẹn xuống xe, mở cửa trước, lại gần tên lái. Vừa thò tay vào túi áo hắn, cậu đã chạm phải nòng súng lạnh toát.

– Đưa đây cho bác! – Đại tá mỉm cười. – Tốt lắm!

Bây giờ đại tá một mình có hai súng. Ông ra lệnh cho tên lái xuống xe và bảo Peso khám kỹ người hắn. Hắn không còn vũ khí nào khác. Đại tá lại ra lệnh:

– Lại lên ngồi vào tay lái! Peso, cháu cũng lên xe đi!

Tên lái không nói không rằng, lại ngồi lên xe. Đại tá bắt đầu nói dịu giọng:

– Anh nghe kỹ ta nói đây. Thứ nhất: mở máy cho xe tiếp tục đi. Thứ hai: không được tăng tốc độ quá hai mươi cây một giờ. Thứ ba: đi thẳng đường, không được rẽ quặt quẹo! Thứ tư: đỗ xe trước trụ sở ban giám đốc. Anh sẽ cầm va-li của ta, đi trước hai bước dẫn ta đến phòng giám đốc. Cứ làm như không có chuyện gì xảy ra cả! Nếu làm khác đi, thì đấy là lỗi tại anh, sau đừng có trách, rõ chưa?

– Rõ! – tên lái xe đáp khẽ.

– Thôi, đi!

Ô-tô lại mở máy và đi chậm. Để tránh mọi bất trắc đại tá bật đèn trong xe.

– Chắc anh biết ta là ai?

– Không biết. – Giọng khàn của tên lái trả lời.

– Nói dối, anh biết ta rất rõ... Ta là đại tá Filipov... Có nhớ là ai không?

– Tôi không biết! – tên lái im lặng một lát rồi mới nhắc lại.

– Nói dối mãi không đi đến đâu đâu, anh bạn ơi! Tại sao anh lại rút súng ở túi quần để bỏ sang túi áo?

– Súng tôi vẫn để ở túi áo khoác...

– Anh cho tôi là thằng mù đấy hả? Thử nói xem, một lái xe lương thiện sao lại thủ trong túi áo một khẩu súng lục lên đạn, mở cò sẵn?

– Đường sá ở đây vắng vẻ, nguy hiểm.

– Nguy hiểm thực! – đại tá mỉm cười. – Trên con đường hẻo lánh này, đôi khi ta có thể chạm trán sĩ quan công an nhỉ!

Tên lái không đáp.

– Anh nói dối xoàng lắm!

– Tôi không nói dối và cũng không biết gì hết! – tên lái cãi.

– Anh biết hết và nên nói hết, đó là vì lợi ích của anh! Số phận anh tùy thuộc vào đó! Vả lại, có thể anh không đến nỗi bị kết án nặng ngang với Vlado Popov, hoặc Petar Zayakov chẳng hạn. Anh nên suy nghĩ!

Qua kính chiếu hậu, đại tá thấy tên lái giật mình, mở to mắt. Nửa phút sau, ông hối tiếc là đã nói những lời trên hơi sớm. Thật vậy. Một xe vận tải loại nặng xuất hiện trước mặt, quét đèn pha cực mạnh làm chói mắt mọi người. Đại tá thoáng rùng mình. Nhỡ tên lái này liều lĩnh lao cả xe mình vào xe vận tải nọ? Đó ít nhất cũng là một lối thoát cho hắn: hoặc là chết hết, hoặc là mình hắn may mắn còn sống và thoát tội, biết đâu đấy! Ánh đèn pha trước mặt tới gần, và đại tá có cảm giác hai xe sắp xô vào nhau. Ông định kêu lên để nhắc tên lái cẩn thận, nhưng lại mím chặt môi. Tội gì vẽ đường cho hươu chạy?

Sự thực, tên lái không hề có ý nghĩ như đại tá lo ngại. Bị những sự việc bất ngờ làm hoang mang cao độ, hắn ngoan ngoãn lái xe tới trước ngôi nhà ban giám đốc. Như đã được lệnh, hắn xuống xe cầm va-li của đại tá rồi thong thả bước về phía cầu thang. Đại tá cùng Peso đi theo, trong lòng tin chắc tên lái sẽ thú nhận hết. Tới tầng hai, hắn dừng lại trước tấm cửa lớn đề “Tổng giám đốc”.

– Gõ cửa và vào trước!

Tên lái ngoan ngoãn làm theo. Vào tới căn phòng rộng rãi và sang trọng, đại tá nhìn qua một lượt mọi người. Đồng chí giám đốc Stefan Bobev vẻ lơ đãng, mệt mỏi đang ngồi ở bàn làm việc; bên cạnh là trung úy Naumov mặc thường phục, trưởng ban bảo vệ mỏ. Thấy khách đến, đồng chí giám đốc mỉm cười đứng dậy, nhưng trung úy – đã biết trước có đại tá Filipov “vi hành” – vẫn ngồi yên tại chỗ.

– Naumov! – đại tá nói – Cậu có khóa xích tay không?

Trung úy ngạc nhiên:

– Tìm thì cũng có, thưa đồng chí... – nhưng anh ngừng ngay lại, vì suýt nữa định nói “thưa đồng chí đại tá”.

– Tốt lắm, vậy cậu xích tay anh bạn này cho tôi! Như thế yên trí hơn!

Đại tá vui vẻ nhìn bộ mặt ngơ ngác của mọi người.

– Nào mau lên!

Tên lái xe lại ngoan ngoãn chìa tay chịu khóa.

oOo

Ngay sau đó, cuộc hỏi cung được tiến hành.

– Nghe đây! – đại tá nói. – Tôi biết là bọn gián điệp trước ẩn nấp ở nhà kỹ sư Donchev, hiện nay lẩn quất quanh quẩn khu mỏ này. Tôi cũng biết đêm 26 anh đã đến nhà kỹ sư đón chúng và hôm sau dùng xe của mỏ đưa chúng đến đây. Vậy anh phải khai anh đã giấu chúng ở đâu!

Tên lái ngần ngừ một lát, không nói.

– Tôi đợi! – đại tá nhấn mạnh một cách kiên quyết.

– Thưa đại tá, xin đại tá hứa cho là sẽ can thiệp giúp tôi... nhẹ tội...

– Tôi không phải là tòa án, cá nhân tôi không thể hứa gì! – Đại tá nghiêm nghị nói. – Nhưng điều anh yêu cầu cũng là tự nhiên... Chính quyền cách mạng không phải là đồ súc vật như các anh, không chủ trương trả thù!... Điều quan trọng là không còn những tên phản bội phá hoại cuộc sống yên bình của đất nước... Nếu anh tỏ rõ sự hối cải, chắc chắn tòa án sẽ cho anh sống để chuộc tội và tự cải tạo... Rồi anh lại được tự do, bấy giờ, cuộc sống ngày nay của anh chỉ còn là cơn ác mộng! Ngày ấy anh sẽ xấu hổ vì đã có lúc đang tâm phản bội Tổ quốc.

Tên lái vẫn im lặng. Bỗng mặt hắn đỏ bừng, hắn nói:

– Vâng, tôi xin nói tất cả những gì tôi biết. Dù sao thì mọi chuyện cũng đã vỡ lở. Vậy chẳng dại gì cứ bám vào mọi việc đã thất bại...

– Chúng nó trốn ở đâu? – đại tá lại hỏi dồn.

– Ở đấy... ở chỗ ông chữa răng.

Đồng chí giám đốc kêu lên:

– Chỗ ông chữa răng? Vô lý!

Tên lái liếc nhìn giám đốc với vẻ coi thường, nhắc lại:

– Chúng nó ở chỗ ông chữa răng.

– Cả năm đứa, hay là vợ chồng Toromanov còn ở lại Sofia?

– Có ba đứa... Các ông biết tên hai đứa rồi, còn đứa thứ ba tôi cũng không rõ tên... Toromanov ở lại Sofia. Mang nó đến đây thêm vướng víu...

– Chúng có vũ khí không?

– Có một tiểu liên và dăm quả lựu đạn...

– Còn thuốc nổ?

Tên lái tái mặt:

– Thuốc nổ để trong kho số tám...

– Dưới hầm à? – trung úy Naumov toát mồ hôi, vừa thốt lên vừa lấy tay lau trán.

Đại tá Filipov nghiêm khắc nhìn trung úy:

– Yêu cầu đồng chí không ngắt lời. Ai giữ thuốc nổ?

– Chả ai giữ. Tự nó giữ nó! Bác thủ kho tưởng đó là những hòm phụ tùng máy ép.

– Các người mang thuốc nổ đến làm gì?

– Để làm gì thì ông biết rồi! – tên lái trả lời và liếm đôi môi đã khô hoảnh.

– Ta biết, nhưng chính anh phải tự mồm nói ra!

– Bọn tôi phải làm nổ tung các mỏ và những công trình chính...

– ... Cả công nhân nữa…

– Vâng, cả công nhân…

– Định vào ngày nào?

– Chưa định được ngày... Còn đợi cơ hội đưa một, hai đứa trong bọn trà trộn vào làm công nhân... Nhưng khó quá chưa làm được...

– Tại sao bọn anh lại thôi không cố đưa Toromanov vào làm kỹ sư...

– Chúng tôi biết là không bao giờ hắn được nhận vào làm... ở đây cảnh giác cao, nên khó lòng...

– Hừ, xem ra ở đây cảnh giác không đến nỗi cao như thế, – đại tá nói. – Vì các anh đã đưa được cả thuốc nổ vào, chứng tỏ là còn chỗ sơ hở...

Trung úy Naumov ngượng chín mặt. Tên lái nói:

– Đưa thuốc nổ vào còn được, chứ người thì khó.

– Ai có trách nhiệm liên lạc với bọn hiện đang trốn ở phòng chữa răng?

– Chỉ có mình tôi...

– Có thể còn có người khác nữa biết mật hiệu.

– Mình tôi biết mật hiệu.

– Thế nếu bên ngoài cử người vượt biên giới vào?

– Đó là chuyện khác... Bọn ấy phải biết mật hiệu.

– Mật hiệu là gì? Nói ra trước mặt mọi người!

Mặt tên lái xe đỏ gay. Cố gắng mãi, hắn mới thều thào nói ra cái mật hiệu mọi người chờ đợi.

– Xong – đại tá thở dài nhẹ nhõm. – Giờ anh có thể nghỉ một chút! Stefan, đồng chí cho hắn thuốc lá và cốc nước. Nếu hắn thích, cho hắn cả rượu cô-nhắc!

– Cả rượu cô-nhắc? – đồng chí giám đốc hỏi.

– Phải, cho hắn uống một chút để nâng đỡ tinh thần.

Đại tá cùng trung úy đi ra. Peso từ nãy yên lặng, chứng kiến cuộc tra hỏi, nay mới thở phào nhẹ nhõm. Lần này, bọn gián điệp nhất định không thể thoát. Mặc dầu cơn nguy hiểm vừa trải qua, mặc dầu không khí trong phòng bức bối, nặng nề, cậu thấy dễ thở hơn bao giờ hết. Trong khi đó, đồng chí giám đốc miễn cưỡng làm theo lời dặn của đại tá. Ông rót một cốc nước, cầm một bao thuốc hảo hạng và không biết lấy ở đâu ra một chai rượu cô-nhắc. Tên lái háo hức vớ ngay bao thuốc lá, nhưng tay bị khóa không đánh diêm được, nên đồng chí giám đốc lại vừa phải cau mày vừa châm thuốc cho hắn. Ông mắng:

– Mày làm tao thật đẹp mặt!... Tao tin cậy mày như vậy, không ngờ nuôi ong tay áo.

Tên lái hổn hển, nghẹn ngào nói:

– Với ông, tôi không dám làm điều gì hại. Tôi rất biết ơn lòng tốt của ông đối với tôi…

Đồng chí giám đốc càng tức giận:

– Biết ơn! Mày biết ơn, mà định phá sập mỏ!

Tên lái cúi gằm mặt xuống, thở dài:

– Tôi không có cách nào khác. Chúng khống chế tôi!

Peso không chịu được những lời thanh minh bỉ ổi của tên lái, định bỏ đi ra thì đại tá Filipov trở vào. Nét mặt ông hết sức bình tĩnh, khó ai có thể đoán ông đã quyết định gì và dự kiến làm gì. Ông ngồi xuống ghế bành, trầm ngâm một lát rồi chậm rãi nói:

– Việc tráo số xe đã rõ. Nhưng tôi vẫn chưa hiểu làm cách nào mà từ đây anh đánh xe tới Sofia đón chúng nhanh như thế?

– Chúng tôi đã thỏa thuận trước. – Tên lái đáp.

– Nhưng làm thế nào bọn anh biết trước là có chuyện nguy hiểm sắp xảy ra cho chúng?

– Tất nhiên là chúng tôi không biết... Tối 26, tôi lấy cớ là xe cần chữa và thay ắc-quy để đánh xe đi... Đã thỏa thuận là tôi sẽ đến đón chúng vào đêm hôm sau, tức là sau khi tôi ở lại Sofia 24 tiếng... Theo kế hoạch đã định, tôi sẽ đón cả năm: ba đứa trong nhà kỹ sư, cộng với vợ chồng Toromanov. Vẫn theo kế hoạch ấy, tôi phải tìm cách xóa mọi dấu tích của chuyến đi, phòng trường hợp công an ghi được số xe... vì vậy, lúc sắp tới Sofia tôi đã thay số xe giả, rồi mới vào thành phố... Rồi, theo đúng kế hoạch, tôi để xe ở ga-ra của mỏ trong phố, gọi điện về nhà kỹ sư...

– Lúc mấy giờ?

– Khoảng hai giờ kém mười lăm...

– Sau sao nữa?

– Tôi nhận được lệnh ngay hai giờ mười phút đêm ấy phải đánh xe đến đỗ ở phố gần đó. Qua giọng nói, tôi hiểu có chuyện bất thường xảy ra. Tôi liền có mặt đúng giờ ở chỗ hẹn và đón chúng đi... Chúng bảo tôi ghé qua đón vợ chồng Toromanov... Rồi tôi đưa cả năm về ở tạm nhà tôi trong thành phố...

– Nhà đó ở đâu? – đại tá hỏi.

Tên lái nói tên phố và số nhà.

– Sau sao?

– Đến đây là lúc tôi phải rất khéo. Trước ba giờ một chút, tôi đánh xe ra ngoài thành phố để số xe – số giả, tất nhiên – được trạm kiểm soát ghi nhận... Thế là đối với công an, xe tôi vào Sofia lúc nửa đêm và sau đó lại đã đi ra trên cùng đường... Đó chỉ là bề ngoài. Sự thật, ra khỏi thành phố, tôi đỗ xe lại và thay trả biển số xe thực... Tôi đợi cho đến quá ba giờ để cho đồng chí công an lúc nãy đã ghi số xe tôi đổi kíp, đề phòng trường hợp đồng chí đó có thể nhớ dáng xe hoặc nhớ mặt tôi. Tôi quay xe lại... Qua trạm kiểm soát, số xe thực lại được ghi nhận…

– Như thế để làm gì?

– Như thế là chiếc xe của mỏ đã đi đến nơi đến chốn, đã qua tất cả các trạm và đã vào thành phố mà chưa ra... Ngoài ra, nếu có một ngôi nhà nào của chúng tôi bị lộ và bị theo dõi, thì người ta sẽ nghi ngờ chiếc xe có số tưởng tượng kia, vì nó đã vào rồi lại ra thành phố trong cùng một đêm... Và người ta sẽ truy lùng nó ở vùng lân cận Sofia, vì chỉ có mỗi một trạm kiểm soát ở ngoại ô ghi được số...

– Anh để xe ở đâu?

– Vẫn ở ga-ra của mỏ...

– Anh đi lại như thế mà không bị để ý?

– Ga-ra nhỏ, chỉ chứa vài xe thôi, và đêm ấy tôi biết là không có ai cả... Tôi nói với anh gác là tôi về nhà lấy quần áo, vì ngày mai tôi không có thì giờ. Sáng sớm, tôi đến xưởng sửa chữa để chữa vài chỗ lặt vặt và thay ắc-quy. Đến năm giờ chiều, tôi chở ba đứa kia rời khỏi Sofia... Tất nhiên chúng đã ngụy trang cẩn thận, đề phòng trường hợp cậu bé đã được cứu thoát và sẽ tả lại hình dạng chúng. Chúng tôi cũng biết nếu các ông ngờ là chúng tôi trốn bằng ô-tô, thì công an sẽ tập trung sự truy lùng vào những xe đã ra khỏi thành phố đêm hôm trước và sẽ bị sa lầy vào chiếc xe mang số giả... Như vậy, nguy hiểm đối với chúng tôi đỡ đi nhiều... Sự thật là trên đường về mỏ, xe tôi đi trót lọt, không hề bị hỏi han gì... Tôi tưởng thế là mọi việc đã êm thấm...

– Êm thấm! – đại tá mỉm cười chua chát. – Tại sao Toromanov ở lại Sofia, hiện hắn ở đâu?

– Chở tất cả đi thì lại nguy hiểm... Nguy hiểm nhất là mang theo cả vợ Toromanov với cái dáng dấp đặc biệt của mụ, dễ bị để ý...

– Hiện chúng ở đâu?

– Ở nhà tôi tại Sofia... tôi nói với mọi người đấy là bà con ở quê lên chữa bệnh ở thủ đô và sẽ ở lại đó vài ngày...

– Tóm lại, anh rất thạo nghề bịp! – đại tá kết luận và đứng dậy. – Song anh quên rằng những tên bịp thường bị tóm cổ nhanh hơn những tên ăn cắp!

Quay sang phía Peso, ông nói:

– Đêm nay, chúng ta hãy còn một số việc phải làm. Cháu phải đi nhận mặt những ông bạn quý ở nhà kỹ sư Donchev... Bác hy vọng là chẳng bao lâu những ông bạn ấy sẽ được đưa về đúng chỗ chúng đáng được ở...

oOo

Nhờ mật hiệu do tên lái xe khai báo, ba tên gián điệp bị bắt nhanh gọn. Giả làm khách du lịch, trung úy Naumov, và một trung sĩ công an đã đột nhập phòng chữa răng, chĩa súng vào ngực chúng. Peso đến trụ sở công an nhận mặt chúng. Ngoài ra, công an còn bắt đầy đủ tang vật, điện đài, mật mã, và tìm thấy thuốc nổ trong một kho của mỏ.

Bốn tên đồng bọn khác – trong đó có vợ chồng Toromanov – cũng bị bắt ngay đêm đó tại Sofia. Riêng kỹ sư Donchev trốn thoát. Biết chỗ ở của mình bị lộ, hắn đã vượt biên giới ra nước ngoài.

Hai ngày sau, đại tá Filipov đến nhà Peso và triệu tập tất cả các nhà trinh sát tí hon. Ai nấy đều có mặt đông đủ, Julia đến sớm nhất. Đại tá rất vui, pha trò luôn mồm; đặc biệt đối với Julia, ông tỏ vẻ quan tâm, vì nể như thể cô là người quan trọng nhất. Tóm lại, không khí hết sức vui và náo nhiệt. Mọi người phấn khởi ăn bánh do mẹ Peso làm. Cuối cùng, đại tá đặt tay lên vai Julia, hỏi:

– Các cháu có biết hôm nay bác đến làm gì không?

– Biết! – cả bọn đồng thanh.

– Vô lý! Vậy biết cái gì?

– Bác sẽ kể tại sao Toromanov lại vứt chìa khóa qua cửa sổ. – Vesselin thay mặt các bạn, nói.

Đại tá suýt mở to mắt kinh ngạc:

– À, các cháu ma-lanh thật! Đúng, đoán đúng. Thực ra, điều đó rất đơn giản, chẳng có gì bí ẩn.

Nhìn một lượt bộ mặt chăm chú của bọn trẻ, đại tá nói tiếp:

– Chập tối hôm đó, hai đồng chí công an mặc quân phục có việc vào ngôi nhà Toromanov ở. Họ tìm một bà con người làng làm việc phục vụ trong một gia đình ở ngôi nhà ấy. Họ biết tầng gác nhưng lại không nhớ tên gia đình mà người đó phục vụ. Vì vậy họ bấm chuông nhà Toromanov. Mụ vợ nhìn qua lỗ cửa thấy công an thì có tật giật mình, cuống lên, chạy vào báo cho chồng. Chồng cũng hoảng. “Công an”!... Vật đáng ngờ mà Toromanov có trong túi lúc ấy là cái chìa khóa... Giấu đâu bây giờ? Nếu công an lục soát kỹ, tất sẽ tìm thấy. Toromanov nhìn qua cửa sổ xuống sân vắng, không trông thấy các cháu đang chơi. Hắn điềm nhiên vứt chìa khóa xuống. Sau đó, vỡ lẽ chỉ là báo hoảng, hắn xuống sân để tìm chìa khóa và gặp các cháu... Sau đó chuyện ra sao thì các cháu đã biết hơn cả bác!

– Không, không, chúng cháu chưa biết gì về bọn gián điệp cả! Bác hãy nói chúng ở đâu ra, chúng định làm gì? – Charlie cười, nói.

– À, đấy lại là chuyện khác. Bây giờ chưa được phép nói. Còn đang điều tra nên bác chưa có quyền phổ biến... Nhưng chẳng bao lâu nữa, các cháu sẽ được nghe nói tới.

Đúng vậy, bọn trẻ chỉ biết rõ hơn khi vụ gián điệp được đưa ra tòa án xử. Qua lời thú nhận của các bị can và các tài liệu trình bày, bọn chúng đã được tập hợp huấn luyện tại một căn cứ Mỹ ở Bavaria (Tây Đức) rồi đưa sang Hy Lạp. Ở đây chúng được trang bị mọi thứ cần thiết, được trao một món tiền lớn, một điện đài kiểu hiện đại nhất. Lúc vượt biên giới vào Bulgaria chúng đã chạm trán với đội biên phòng của ta. Hai đứa bị bắn chết, nhưng những đứa khác đã lọt được về thủ đô.

Ở Sofia, bọn chúng trước hết liên lạc với Toromanov, tên này tạm giấu chúng ở nhà kỹ sư Donchev. Toromanov có trách nhiệm tiếp tế và cung cấp tin tức tình báo cho chúng để chúng chuyển ra nước ngoài bằng điện đài. Những tin tức đó, Toromanov tập hợp được qua một mạng lưới tay chân đến nay vẫn chưa bắt được hết.

Đồng thời bọn gián điệp chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ chính mà chúng được phái đến để làm. Mục tiêu là khu mỏ, nơi khai thác nhiều quặng quí. Mục đích là phá hủy các mỏ, làm gián đoạn sản xuất, dù chỉ là trong một thời gian. Người chúng bắt mối đầu tiên là tên lái xe của đồng chí giám đốc. Chúng khống chế được tên này vì trước đây hắn đã có thái độ không tốt đối với cách mạng. Nhưng chúng hiểu ngay là hắn không thể giúp được nhiều, vì hắn không được phép vào tận trong mỏ. Tuy nhiên hắn đã giúp chở chất nổ giấu vào chỗ chắc chắn và chuẩn bị đưa bọn gián điệp vào phòng chữa răng. Mặt khác, Toromanov cố hết sức xin làm kỹ sư trong mỏ, nhưng sau khi vận động nhiều cách không có hiệu quả, hắn đành phải thôi vì sợ gây nghi ngờ.

Bọn chúng liền quyết định hành động bằng cách khác: tìm cách trà trộn vào mỏ làm công nhân, cùng lắm thì đột nhập bằng vũ lực, phá hoại đường giao thông và các thiết bị quan trọng rồi chuồn qua biên giới bằng xe giám đốc. Mới đầu chúng định cho vợ chồng Toromanov chạy trốn cùng, nhưng sau vì hoàn cảnh nên phải hoãn lại. Mặt khác, như ta đã biết, nhờ tinh thần cảnh giác của các bạn nhỏ, âm mưu của chúng đã bị bại lộ ngay trước hôm thực hiện.

Tòa án đã trừng trị chúng bằng những hình phạt thích đáng.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3