Những Dấu Vết Còn Lại - Chương 11
JULIA RA TAY
Đứng đợi mãi trong sân vắng, Julia vừa sợ vừa lo. Nấp sau bụi cây, cô luôn luôn rùng mình vì khí lạnh ban đêm, và cả vì hãi hùng nơm nớp. Mỗi khi có con chim vỗ cánh trong cành lê um tùm hoặc con mèo chạy vụt qua bờ tường, cô lại rúm người lại. Nhưng sợ gì thì sợ, cô vẫn nghĩ tới Peso, tới người bạn đã bí ẩn biến mất trong ngôi nhà trước mặt. Có gì xảy ra không? Sao chưa thấy bạn ra? Dù rối trí đến mấy, cô cũng hiểu là Peso không có lý gì để la cà mãi bên trong. Mất bao nhiêu thời gian để ướm thử chìa khóa vào cửa? Không tới năm phút! Vậy mà đã nhiều lần năm phút rồi, vẫn không thấy bóng Peso.
Bạn ấy đi đâu? Còn an toàn không, hay lại xảy ra chuyện gì đáng tiếc?
Julia vẫn đợi sau hàng rào, mắt dán chặt vào cửa ngôi nhà, đầu óc quay cuồng nhiều ý nghĩ trái ngược. Có thật Peso vào nhà này không? Mắt cô không trông thấy, nên bây giờ cũng không thật chắc! Nhưng không vào đây thì đi đâu giữa đêm khuya? Hay là cậu ta đổi ý định, đi báo công an ngay? Có thể có nhiều lý do đột xuất thúc giục Peso làm như thế. Tuy nhiên, Julia không tin điều đó. Linh tính báo cho cô biết Peso vẫn còn ở trong nhà. Và cô run lên cầm cập: sao mãi cậu ta chưa ra?
Cuối cùng, Julia thấy cứ đợi mãi ở đây là vô ích và nguy hiểm. Nếu Peso gặp tai họa, thì nhiệm vụ trước mắt của cô là phải đi tìm cách cứu bạn. Nghĩ thế, nhưng cô vẫn ngập ngừng chưa muốn rời bỏ nơi này. Cô có cảm tưởng nếu mình bỏ đi, thì tai họa sẽ xảy ra không ai cứu vãn nổi. Đúng, cô hiểu bây giờ chỉ có một cách là đi báo công an, yêu cầu các chú can thiệp; vậy mà cô vẫn không tài nào rời mắt khỏi ngôi nhà và ra khỏi nơi ẩn nấp.
Mười lăm phút trôi qua. Cuối cùng, thu hết nghị lực, cô bước ra khỏi sân. Cửa ngôi nhà trước mặt vẫn đóng, cửa sổ trên phòng kỹ sư vẫn tối om. Chạy đi cầu cứu ở đâu nhỉ? Đồn công an ở chỗ nào? Julia bỗng nhớ là các bạn đã quyết định đến báo Bộ Nội vụ. Một bạn còn nói là lúc nào cũng có cán bộ phụ trách thường trực ở đấy. Hay lắm, Julia sẽ đến đó! Cô biết tòa nhà đồ sộ của Bộ Nội vụ rồi, nhưng bây giờ đi hướng nào thì chưa biết. Cô đi ra đường tàu điện, xem xét chung quanh và nhớ lại đường đi: cứ theo đường tàu sẽ tới một vườn hoa nhỏ, qua vườn hoa là đến Bộ Nội vụ.
Trong lúc Julia rảo bước, những đợt gió ào ào thổi tung bụi và rác rưởi ngoài phố. Tiếp đó, mưa rơi nặng hạt nhưng lại tạnh ngay. Mười lăm phút sau, Julia đã đứng trước tòa nhà của Bộ.
Nhìn lên cửa sổ, cô thấy hai chỗ có đèn sáng, nhưng vẫn phân vân không biết phải vào cửa nào, bấm chuông ở đâu? Trước tòa nhà to lớn, đứng giữa đêm tối và gió lạnh, cô cảm thấy mình nhỏ bé, trơ trọi và bất lực.
Bỗng cô rùng mình. Có người hiện ra trong bóng tối. Lúc người đó đi qua ánh đèn, Julia nhận ra một đồng chí bộ đội nghiêm trang cắp tiểu liên ngang ngực. Đồng chí nghiêm giọng hỏi:
– Em đứng làm gì đây?
– Chú bộ đội ơi. – Julia hổn hển – Chú cho cháu gặp ngay thủ trưởng nào to nhất!
– Thủ trưởng nào?
– Thủ trưởng nào thường trực hôm nay.
– Đây không có thủ trưởng! Thôi, em về đi! Trẻ con sao lại đi ban đêm một mình…
Julia cuống lên, gần như thất vọng, nói gấp:
– Nhưng, chú ơi, bọn phản động đã bắt mất Peso!
– Peso là ai?
– Peso là bạn cháu. Bọn chúng bắt nó và nhốt... trong buồng.
Đồng chí bộ đội cười. Em bé này lại nằm mê hay đọc sách gì ban đêm. Bọn phản động thiếu gì việc mà lại đi bắt một đứa trẻ con và nhốt trong buồng! Bố mẹ em là ai mà không trông nom con cái thế này! Quá lắm!
– Em nghe anh, về nhà đi! Nghe chưa? Về mau!
– Nhưng chú ơi, – giọng Julia van vỉ. – chúng nó giết Peso mất!
– Anh đang làm nhiệm vụ, không được phép nói chuyện. Về đi.
– Chú ơi! Sao lại thế...
– Em về đi... Nếu thật có chuyện gì, bảo bố em đến đây mà nói!
Chú bộ đội quay lưng, trở về vị trí, đôi giày đinh nện cồm cộp trên vỉa hè, nòng tiểu liên lóe sáng một lúc trước khi khuất vào bóng tối. Sau mấy tiếng đồng hồ căng thẳng, Julia bỗng thấy trong người có cái gì đổ sụp, như có tiếng lò xo nào đứt phựt. Cô cúi đầu khóc nức nở, lủi thủi trở lại.
oOo
Đại tá Filipov ngồi một mình trong phòng làm việc, đang mải miết nghiên cứu những hồ sơ đầy tin tức, tài liệu. Đây không phải lần đầu ông thức khuya làm việc. Mấy năm gần đây, điều ấy đã thành thường lệ.
Đại tá ngẩng đầu lên. Mặt ông to, gai góc, đen sạm. Trong những năm phát-xít Đức chiếm đóng, ông đã trải qua bao gió mưa, bão tố của cuộc đời! Đói rét, thương tích, cực hình. Vì thế mà mặt ông từ sáng sủa, hiền hậu trở nên gan góc, đen sạm. Ánh mắt ông lạnh như thép, nhưng tâm hồn ông vẫn giữ trẻ trung như trước. Điều đó nhận thấy rõ khi ông cười – một nụ cười hiền hậu làm híp đôi mi mắt – và lúc ấy khó mà tưởng tượng ông lại là con người đã và đang làm quân thù run sợ.
Đêm nay đại tá Filipov không cười. Mặc dầu làm việc khuya mỏi mệt, mắt ông vẫn long lanh những tia thép. Nhiều nhóm biệt kích phá hoại đang ẩn náu trong nước, một điện đài lạ đang hoạt động ban đêm trên những làn sóng bí mật, ta đã cố gắng mà chưa khám phá ra. Chiếc điện đài hoạt động rất khôn. Nó thường xuyên thay đổi bước sóng và giờ phát, nên rất khó bắt. Một nhóm chiến sĩ công an được giao phụ trách việc này, đã tận tụy công tác mà vẫn chưa đạt kết quả.
Có tiếng sấm động xa xa. Đại tá đứng dậy ra mở cửa sổ. Trên trời có nhiều mảng mây nặng và thấp, nhưng vẫn chưa mưa. Mà có thể cũng không mưa, vì có gió mạnh. Đại tá ngó nhìn xuống đường và bỗng ngạc nhiên, chăm chú. Một em bé gái đang nói chuyện với lính gác. Em bé có vẻ nài nỉ, van xin cái gì, còn anh lính kiên quyết không nghe. Ông chỉ nghe lõm bõm mấy tiếng “Về... về...” nói hơi to, rồi thấy em bé vừa đi vừa khóc. Đại tá hơi lạ, đưa tay gãi tai. Có chuyện gì? Hình ảnh cô bé khóc sướt mướt làm ông ái ngại. Ông cảm động nhìn theo em bé một lúc: từ trên nhìn xuống, trông em sao bé bỏng, yếu ớt, vì sao cũng đáng yêu! Ông nhấc ống điện thoại, gọi trạm gác.
– Đồng chí đốc gác đấy à? Đồng chí đưa ngay em bé vừa nói chuyện với lính gác ở điểm hai lên cho tôi! Làm ngay, kẻo em đi mất.
Đại tá đặt ống nói xuống rồi lại nhìn ra cửa sổ. Phố vắng tanh, cô bé chắc đã đi khuất sau lối rẽ. Ông ngồi vào bàn tự nhủ: “Rồi họ sẽ tìm thấy!”. Ông định tiếp tục nghiên cứu, nhưng hình ảnh em bé khóc lóc cứ lướng vướng trong óc, ông không sao tập trung tư tưởng được.
Có tiếng gõ cửa. Người sĩ quan trực nhật dắt em bé đến – em đã thôi khóc. Đại tá đứng dậy, đưa ghế ra mời. Khi chỉ còn hai người, ông mở ngăn kéo bàn, trong đó bao giờ cũng có một gói kẹo bạc hà ông thường dùng để khỏi phải hút thuốc. Kẹo còn nguyên trong ngăn kéo, nhưng đại tá hơi ngần ngại: em bé có một vẻ gì khác lạ khiến ông tự nghĩ đưa kẹo ra có đúng lúc không.
– Thế nào? – đại tá hỏi thân mật. – Cháu nói xem có chuyện gì?
Julia vừa sôi nổi, và van vỉ:
– Thưa bác, cần phải hành động gấp. Bọn phản động đã bắt Peso...
Đại tá ngạc nhiên, không ngờ cô bé lại vào đề đột ngột như vậy.
– Cháu cứ bình tĩnh. Bọn phản động nào? Peso nào?
– Thưa bác, chúng cháu tình cờ phát hiện được một bọn phản động...
– Chúng cháu là ai?
– Là toàn trẻ con!
– À, được, và cháu hãy kể từ đầu…
Julia kể lại câu chuyện. Chuyện cô kể lung tung, rời rạc, nhưng đại tá nghe rất chăm chú, hiểu hết và có ngay cảm tưởng là em kể sự thật chứ không phải chuyện tếu. Mặc dầu hết sức kinh ngạc trước trí thông minh, tài phán đoán của những em bé trinh sát vô danh, ông vẫn giữ vẻ dè dặt thường lệ; mắt ông vẫn bình thản như không có chuyện gì xảy ra, như chuyện ông đang nghe chỉ là chuyện vặt. Nhưng đến đoạn Julia nói về chiếc đồng hồ điện có đĩa quay một cách bí hiểm thì đại tá giật mình, hỏi thêm vài chi tiết rồi cầm ngay ống nói. Ông quyết định ra lệnh báo động cho đội công an thường trực, dặn các chiến sĩ lái xe chuẩn bị sẵn sàng, rồi quay lại Julia, hỏi tiếp:
– Rồi sau ra sao? Nhưng cháu nói ngắn nhé!
Julia cũng hiểu là mình không được phí thì giờ vô ích. Cô kể xong, đại tá lại cầm máy nói và gọi tổng đài:
– Cho tôi nói chuyện ngay với Kiril Andreev.
Đại tá biết rõ bố Peso. Hai người trước đây cùng bị giam ở nhà tù Sliven. Trong khi đại tá đợi trả lời, Julia ngước mắt nhìn lo âu, giục:
– Bác đi mau đi! Chúng nó giết Peso mất!
Cùng lúc đó, chuông điện thoại kêu; đại tá cầm ống nói:
– Anh Andreev đấy à? Tôi đại tá Filipov. Xin hỏi anh một câu ngắn và cũng yêu cầu anh trả lời ngắn! Cháu Peso con anh đêm nay có ngủ trong nhà không?
Giọng ngái ngủ đầu dây bên kia đáp, ngạc nhiên:
– Có chứ!
– Yêu cầu anh cứ kiểm tra lại.
– Thế là nghĩa thế nào?
– Yêu cầu kiểm tra! Không nên chậm trễ!
Julia hồi hộp chờ đợi. Đại tá vẫn áp máy vào tai nhìn cô và mỉm cười khuyến khích, như ý nói: “Yên trí, đợi ông ấy trả lời là ta đi ngay”.
Họ không đợi lâu. Đại tá nghe thấy tiếng trả lời ở đầu dây.
– Vâng, anh cứ nói. À, đấy, thấy chưa? Không, không sao, anh đừng ngại! Tôi đã bảo là không sao. Không xảy ra chuyện gì đâu! Không, bây giờ chưa thể được, tôi còn có việc gấp. Anh cứ đợi. Tôi sẽ gọi dây nói anh sau.
Vì Julia không biết tên phố nhà Donchev, nên đại tá phải để cô đi theo dẫn đường. Hai chiếc xe hơi lao nhanh qua các phố vắng, mặc dầu đường hơi trơn do trận mưa ngắn lúc nãy. Chẳng mấy chốc họ đã tới nơi và để xe đỗ ở gần ngôi nhà. Nhiều chiến sĩ từ trên xe to nhảy xuống, tỏa đi mọi ngả rồi biến rất nhanh như họ đã chui xuống đất vậy. Đại tá nói với Julia:
– Cháu đợi nhé, Rồi bác sẽ đưa Peso về đây.
– Cháu muốn đi với bác! – Julia nài nỉ.
Đại tá mỉm cười:
– Nhỡ chúng nó bắn thì sao?
Ở lại một mình trong xe, Julia lại thấy hốt. Chúng nó sẽ bắn thực à? Thế thì Peso sẽ ra sao? Cô muốn gọi, nhưng đại tá đã đi xa. Qua cửa xe, Julia thấy các cửa sổ dưới nhà bật sáng. Một người mặc áo ngủ thò đầu ra, trao đổi điều gì với các chiến sĩ công an. Julia biết ông ta rồi: đó là chú họa sĩ. Các chiến sĩ nhờ chú lấy chìa khóa và mở cửa.
Đại tá Filipov cùng mọi người bước lên thang gác. Trong những trường hợp thế này, bao giờ ông cũng tin tưởng ở thắng lợi. Nếu bọn phản động còn ở trong nhà, chúng không thể chạy thoát. Chúng sẽ không dám mảy may chống cự, vì một khi chúng cảm thấy trên đầu có bàn tay sắt của chính quyền nhân dân, là chúng sẽ nhũn ra như nến, mất hết tinh thần và đầu hàng ngay. Dù đại tá không bao giờ đánh giá thấp kẻ thù và luôn luôn chiến đấu với chúng hết sức kiên quyết; trong thâm tâm ông rất khinh bỉ, coi thường chúng và ít quan tâm đến những nguy hiểm có thể xảy đến cho mình.
Nhóm người dừng lại trước cửa phòng kỹ sư. Đại tá bấm chuông liên hồi. Các chiến sĩ chờ đợi, tay sẵn sàng trên cò súng.
Không có tiếng trả lời! Trong phòng yên ắng như không có ai. Bấm chuông nhiều lần nữa, vẫn vô hiệu.
Cửa phòng bên cạnh bỗng mở, để lộ ra một ông mặc áo ngủ đang ngáp dài có vẻ khó chịu. Trông thấy các chiến sĩ mặc quân phục, ông tỉnh hẳn ngủ, chớp chớp mắt, nói mấy lời xin lỗi. Đại tá dịu dàng nói:
– Mời đồng chí vào nhà! Cứ ngủ yên, không việc gì đâu!
Ông nọ vội vàng rút lui ngay. Đại tá ra lệnh:
– Phá ra! Không thể đợi được nữa!
Đại tá lao vào đầu tiên, bật đèn. Phòng ngoài không có ai, nhưng ngổn ngang đồ đạc. Dưới sàn là những mảnh chai vỡ. Mùi rượu nồng nặc.
Phòng này có ba cửa. Cửa bên phải khá lớn, toàn kính, chắc là đi vào phòng ở chính. Cửa lên trái bình thường, có vẻ dẫn vào bếp. Cửa thứ ba ngay trước mặt thì hẹp, sơn trắng, hẳn là cửa buồng tắm. Đại tá quyết định vào ngay buồng này, và đặt tay vào nắm cửa. Cửa mở ngay, nhưng ông cảm thấy vướng phải một vật gì mềm nhũn như là vướng phải người. Ông giật mình: như vậy thì sau cửa, chỉ có thể là một bọc quần áo, hoặc một xác người!
Ông vội thò tay vào bật đèn, nhìn bao quát cả cái buồng tắm trắng toát, và thấy một hình người bị trói chặt nằm dưới nền gạch. Đúng hơn, là một cậu bé, miệng bị bịt bằng khăn mặt trắng, đang lờ đờ, ủ rũ nhìn đại tá như thể đại tá đến bắt, chứ không phải đến cứu nó.
Đại tá cởi khăn mặt, cảm động quỳ xuống trước mặt cậu bé. Peso buồn bã nói:
– Bọn chúng trốn rồi!
Đại tá hiểu những gì đang diễn ra trong óc cậu bé nên cố giấu sự thất vọng của chính mình, mỉm cười nói:
– Không sao, lần này chúng sẽ không chạy thoát!
Hai chiến sĩ cúi xuống cởi trói cho Peso.
– Trong nhà tắm này, chúng có một điện đài – Peso nói – rất nhỏ, có thể xách tay được.
Đại tá gật đầu:
– Bác biết... Bọn chúng chạy lâu chưa?
– Độ một giờ.
Đại tá suy nghĩ một lát, rồi hỏi:
– Đây có điện thoại không?
– Cháu không biết... Cháu toàn ở trong buồng tắm này...
– Theo bác.
Cả hai đi vào phòng chính. Phòng này rộng, đồ đạc lịch sự nhưng cũng ngổn ngang những thứ linh tinh bọn chúng để lại. Cũng như phòng ngoài, đây cũng nồng mùi rượu, mùi quần áo bẩn. Sàn gác lỏng chỏng những chai không, bừa bãi giấy kẹo, mẩu thuốc lá, giấy báo cũ và nhất là những bánh mì và xúc xích vụn. Đại tá nhìn ngay thấy máy nói; may thay, máy vẫn gọi được. Ông quay con số.
Peso hỏi:
– Thưa bác, sao bác biết cháu ở đây?
– Nhờ Julia... Đợi bác một chút!
Gọi số xong, đại tá nghe thấy đầu kia có tiếng nói ngay, như là người đó đã đứng chực sẵn bên máy.
– Đồng chí Andreev, phải không? – đại tá nói khác giọng đi để trêu – Đừng bỏ máy nhé!
Ông quay lại, vui vẻ đưa ống nói cho Peso:
– Cầm lấy!
Peso ngạc nhiên, chợt hiểu, vội áp chặt ống nói vào tai, khẽ thì thầm, xúc động:
– Ba... con đây.
CUỘC ĐIỀU TRA TIẾP TỤC
Đêm ấy, không ai ngủ được.
Julia được xe đưa về tận nhà. Trước đó, mọi người đã phải thảo luận xem cô nên về nhà bằng cách nào: đi cửa chính hay lại trèo qua cửa sổ. Tất nhiên Julia nhất định đòi được trèo trở lại buồng mình qua cửa sổ. Đại tá rất thú vị về chuyện ấy.
– Cũng được! – vừa nói ông vừa thân mật vỗ vỗ vào vai cô bé. – Nhưng ngày mai, nhất định bác sẽ kể lại cho ba cháu, bác cam đoan như vậy!
Julia vừa khổ sở, vừa sợ hãi:
– Cháu xin bác đừng nói gì!
– Không thể không nói được – đại tá cười kín đáo, – bác có nhiệm vụ phải nói!
Julia chia tay với Peso, vì cậu bé còn phải đến Bộ Nội vụ. Qua cửa xe, cô chìa bàn tay bé nhỏ cho Peso mà nước mắt đầm đìa. Đây là lần đầu hai đứa bắt tay nhau như người lớn. Julia nói:
– Đừng giận mình nhé! Mình không muốn thế, nhưng không có cách nào khác.
Peso cũng thấy mắt mình cay cay:
– Sao lại giận? Có gì mà giận!
Xe chuyển bánh. Lát sau, một người đi đường qua phố Julia ở, được chứng kiến một cảnh kỳ lạ: hai chiến sĩ công an giúp một cô bé trèo qua cửa sổ để vào nhà...
Về tới phòng, Julia lắng tai nghe. Cả nhà yên lặng. Cô giơ tay chào hai chú công an đang còn đứng dưới đường nhìn lên, mỉm cười rồi biến vào trong phòng tối.
Trong khi đó, tại phòng làm việc của đại tá Filipov, Peso đang kể cho đại tá chi tiết câu chuyện chiếc chìa khóa. Thỉnh thoảng đại tá lại ngắt lời, hỏi kỹ thêm. Một nhân viên tốc ký ghi chép lại đủ mọi lời nói. Đại tá quan tâm tìm hiểu mọi chi tiết – từ người bán hàng ở hiệu sách, cho đến sự thay đổi trong trang phục của vợ Toromanov.
Có hai việc làm đại tá rất chú ý: những cuộc đi lại tới hiệu sách, và chuyến đi ban đêm bằng ô-tô của Toromanov. Hai người đang trao đổi thì chuông điện thoại reo. Đại tá nhấc máy nói, bình tĩnh nghe, rồi ra lệnh:
– Tốt, tiếp tục điều tra!
Ông quay về phía Peso, nói:
– Vợ chồng Toromanov đã biến mất! Ta cũng đã dự đoán trước việc đó.
Về chiếc ô-tô mà Toromanov đã dùng để đi ban đêm, Peso còn nhớ mọi chi tiết: kiểu xe, nhãn xe, đặc điểm – nhưng quên mất số xe. Thật là lạ, nó quên mất thật, chỉ nhớ được một, hai con số. Cần phải mời Charlie đến. Một sĩ quan được lệnh đánh xe ngay giữa đêm đến nhà Charlie.
– Số xe rất quan trọng! – đại tá trầm ngâm nói với Peso như nói với một người cộng tác thân cận. – Theo bác, bọn gián điệp đã chuồn khỏi thành phố bằng ô-tô. Mà rất có thể cũng bằng chiếc xe mà các cháu đã trông thấy Toromanov đi lần trước!
– Cháu không nghe thấy tiếng máy nổ. – Peso nói. – Mặc dầu cháu đã rất chú ý. Cháu nghe thấy cả tiếng cửa nhà dưới mở và đóng, nhưng không thấy có tiếng ô-tô chạy.
Đại tá mỉm cười:
– Không có gì lạ. Bọn chúng đã bố trí cẩn thận để xe đi mà không ai biết. Nhưng chúng lại quên mất một chi tiết nhỏ.
Peso mở to mắt.
– Bác có thể cho cháu biết chi tiết gì không ạ?
– Được chứ, cháu là phụ tá của bác cơ mà! Chúng quên mất trận mưa. Hơn nữa, bác nghĩ là chúng không ngờ rằng bác có thể xộc đến tìm cháu ngay đêm nay như thế...
– Trận mưa? – Peso chưa biết, hỏi lại.
– Rất đơn giản! Để mọi người không nghe tiếng máy nổ, chiếc ô-tô đến đón đã đỗ ở phố ngang bên cạnh, chứ không đỗ trước cửa nhà. Đúng lúc nó đỗ, thì trời mưa khoảng năm phút, rồi ô-tô chạy. Cháu đã hiểu chưa?
Peso suy nghĩ một lúc, rồi reo lên:
– Hiểu rồi! Xe đi, nhưng mặt đường chỗ nó đỗ vẫn khô!
– Tuyệt! – đại tá vỗ vào lưng Peso, khen.
Lời khen làm Peso đỏ mặt. Đại tá nói tiếp:
– Lẽ ra chúng có thể tránh được sai lầm ấy. Phố đó có nhiều cây to; dưới gốc cây, đường cũng khô. Đáng lẽ tên lái xe nên đỗ xe dưới một gốc cây thì hơn, nhưng hắn không nghĩ ra!
– Bác có chắc chỗ khô đó là do ô-tô đỗ?
– Chắc. Vết bánh xe trông rất rõ. Có thể xác định được nhãn hiệu lốp xe nữa!
– Tuyệt diệu! – Peso reo lên đúng như một đứa trẻ.
– Có một điều tuyệt diệu hơn nữa người ta vừa mới báo cho bác xong. Một ô-tô có lốp giống như thế đã đỗ trước cửa nhà Toromanov cũng khoảng thời gian ấy. Vết bánh xe để lại trên đường nhựa ướt trông rất rõ.
– Vậy chúng nó cùng đi với nhau?
– Đúng thế! Nếu biết số xe, chúng ta có thể kiểm tra ngay xem có xe nào mang số ấy đã rời Sofia đêm nay và đi hướng nào. Tuy nhiên, cũng phải đề phòng trường hợp bọn chúng đánh tráo số xe...
– Chúng chắc phải đánh tráo – Peso hơi thất vọng – Nhưng bác ơi, bác có biết bọn chúng từ đâu đến?
– Có thể đoán được. Chúng ta tìm thấy trong phòng một vài đồ vật chúng bỏ quên trong lúc hấp tấp chạy trốn. Nhóm gián điệp này chắc chắn là tay sai của Mỹ. Chúng được đào tạo ở Tây Đức, rồi đưa về Hy Lạp... Từ đó chúng lọt vào Bulgaria bằng đường nào, sau này ta sẽ rõ...
– Sau này là bao giờ?
– Là khi nào ta tóm được chúng!
– Nhất định phải tóm được, bác ạ, – Peso nói rất sôi nổi làm đại tá phải mỉm cười. Đại tá chắc không thể biết cậu bé đã bị day dứt như thế nào khi nghĩ rằng chỉ vì mình mà bọn gián điệp đã trốn thoát. Vì vậy cậu thật lòng mong bọn chúng mau bị bắt. Chỉ có như vậy lương tâm cậu mới cất được gánh nặng, và lỗi lầm của cậu mới được giảm nhẹ phần nào.
Trong lúc đợi Charlie, đại tá ra ngoài một lát. Lúc trở về, ông mang theo một tập ảnh, và hỏi:
– Nếu có ảnh chúng ở đây, cháu có nhận mặt chúng được không?
– Được!
Sau khi giở kỹ tập ảnh, Peso reo lên:
– Nó đây!
Đại tá hồi hộp cúi xuống nhìn. Trong ảnh là một tên mặt lì lợm, mắt nhìn trân trân.
– Chắc chứ?
– Chắc! – Peso quả quyết, – Trộn lẫn đến đâu, cháu cũng nhận ra được. Thằng này suốt cả thời gian không nói gì, chỉ khịt mũi.
– Một con cá xộp đấy! – Đại tá nói – Tóm được nó, thì phải biết!
Trong đống ảnh, Peso còn nhận ra tên gián điệp thứ hai, tức là thằng thiếu tá râu xồm. Cậu giở đi giở lại mãi nhưng không tìm ra tên thứ ba, mặc dầu hình dáng tên này rất dễ nhận. Cậu cũng không thấy có ảnh tên lái xe cho bọn gián điệp, điều này dễ hiểu, vì thực ra Peso chỉ nhìn được mặt nó có một lần lúc trời tối. Dù sao cũng đã biết được mặt và tên hai đứa, cuộc tìm kiếm chắc chắn sẽ dễ dàng hơn.
Bên ngoài, trời đã bắt đầu rạng. Đại tá cùng Peso mải bàn luận nên không thấy buồn ngủ. Trời ửng hồng dần, gió mát buổi sớm từ cửa sổ thổi vào. Ngoài phố, đã nghe có tiếng xe thưa thớt chạy. Đại tá đang nói điện thoại, ra chỉ thị về việc tiếp tục tìm kiếm chiếc xe gián điệp, thì Charlie được đưa tới.
Vừa trông thấy bạn, Peso mừng rỡ đứng dậy. Charlie có vẻ hơi lo lắng vì đang giữa đêm bị gọi đến, nhưng mặt nó cũng hớn hở khi thấy Peso.
– Charlie, cậu còn nhớ số xe không? – Peso hỏi ngay.
– Xe nào? – Charlie hỏi.
– Cái xe chở Toromanov về nhà đêm hôm nọ!
Cái gì chứ cái ấy thì Charlie thuộc làu:
– À, nhớ. Số 1150.
Đại tá Filipov lập tức thông báo số xe qua điện thoại rồi tiếp chuyện người phụ tá tí hon mới. Mặc dầu đã biết rõ mọi chuyện, đại tá vẫn hỏi thêm Charlie về những điều nó đã biết hoặc mục kích. Ông ghi chép kỹ lưỡng những chi tiết về số áo mà mụ Toromanova thuê mẹ Charlie may: màu sắc, kiểu áo, mẫu vải. Tuy nhiên, về vấn đề này Charlie không nhớ kỹ lắm, mà chỉ tả chung chung. Đại tá nói đùa:
– Có vẻ cháu thạo ô-tô hơn là quần áo phụ nữ!
Charlie thở dài:
– Giá có Julia ở đây, nó sẽ tả kỹ hơn.
Chuông điện thoại lại reo. Đại tá cầm ống nói. Nét mặt ông không bao giờ để lộ tin tức ông nhận được là thuộc loại gì, quan trọng hay không quan trọng. Ông chỉ ra lệnh ngắn gọn.
– Tiếp tục điều tra.
Quay lại hai cậu bé, ông nói:
– Chiếc xe mang số 1150 đã ra khỏi Sofia đêm nay, lúc hai giờ rưỡi.
Peso và Charlie đưa mắt nhìn nhau.
– Bác nói thế, vì bác biết các cháu là những cậu bé tốt, đáng tin cậy, và nhất là biết giữ bí mật!
– Liệu có bắt được chúng không, hả bác? – Peso vừa hỏi vừa như cầu khẩn.
– Nhất định bắt được...
Đại tá đi ra cửa sổ, ngắm bầu trời ửng hồng và trầm ngâm nhìn đồng hồ:
– Các cháu chắc mệt rồi, phải về nghỉ thôi! Bác sẽ cho xe đưa các cháu về nhà...
Peso thấy lòng mình se lại:
– Liệu bác có cần đến chúng cháu nữa không?
Đại tá xoa má Peso:
– Lúc nào cần, bác sẽ cho gọi ngay. Tất nhiên, các cháu không nên đi đâu xa nhà.
– Chúng cháu luôn luôn ở vị trí! – Charlie kiêu hãnh đáp.
– Các cháu nên ngủ một chút. Sáng nay, bác sẽ gặp thêm một số bạn cháu để bổ sung tài liệu.
– Rồi còn gì nữa? – Peso hỏi.
– Rồi còn phải làm một việc: đến thăm hiệu sách.
oOo
Chuyến đến “thăm” hiệu sách rất nhanh chóng. Hiệu sách vừa mở cửa, thì hai người mặc thường phục bước vào, theo sau là một người thứ ba và một chú bé. Khách hàng chưa có ai. Ông thủ quỹ đang hý hoáy viết gì trên giấy. Người bán hàng đứng cạnh quầy, vào khoảng năm mươi tuổi, tóc đã thưa và bạc, ăn mặc tề chỉnh, mặc dầu áo đã sờn. Ông ta có vẻ mặt của người thiếu ngủ, lơ đãng chẳng buồn nhìn những người mới vào.
Cậu bé người hơi cao, có bộ giò khẳng khiu, chính là Costa.
– Hắn đấy! – Costa ra hiệu về phía người bán hàng, nói khẽ.
– Bây giờ cháu có thể ra được. – đại tá Filipov cũng khẽ đáp.
Costa miễn cưỡng quay ra. Hai người đi trước lại gần người bán hàng đang lơ đãng nhìn qua cửa kính. Bên ngoài, người đi lại mua bán bình thường, ô-tô vun vút chạy, xe điện leng keng. Cuộc sống hàng ngày vẫn tiếp diễn.
Người bán hàng chỉ để ý đến hai người lúc họ đã đứng ngay trước quầy. Trông thấy bộ mặt nghiêm nghị của họ, hắn mới giật mình, lo lắng. Một trong hai người nói khẽ:
– Đứng im, không động đậy! Ông bị bắt!
Mặt người bán hàng tái nhợt không còn hột máu.
– Đừng kháng cự vô ích! Chúng tôi đã bao vây chung quanh! – người nọ nói thêm.
Tên bán hàng gật đầu tỏ ý đã hiểu, và lặng lẽ đi theo hai người lên chiếc xe hơi đen đậu chờ trước cửa.
Còn lại một mình đại tá đi ra ngoài vỉa hè đầy nắng. “Nó sẽ khai hết thôi!”, ông nghĩ. Quanh ông, người đi lại chen chúc, hối hả, tàu điện vẫn leng keng và những chiếc xe hơi bóng loáng dưới ánh mặt trời.