Những Dấu Vết Còn Lại - Chương 10

CUỘC TRA HỎI

Krum Peshev, nguyên thiếu tá dự bị trong quân đội nhà vua, phải trực từ mười một giờ đến ba giờ đêm trong nhà kỹ sư Donchev. Theo giờ quy định hàng ngày đến một giờ ba mươi, hắn phải liên lạc với trung tâm nhận điện ở nước ngoài để truyền tin tức và nhận chỉ thị.

Tên thiếu tá trạc bốn mươi nhăm tuổi, người cao, gầy, mũi to và đỏ mọng vì nghiện rượu. Bộ mặt đanh ác đầy những vết nhăn và xồm xoàm những râu dễ đến mười ngày chưa cạo. Những ngày đầu ẩn nấp ở đây, hắn còn cạo mặt hàng ngày theo thói quen, nhưng rồi nỗi lo sợ, chán chường của một cuộc sống không hy vọng đã làm hắn mất dần những thói quen của người văn minh.

Hắn đang ngồi – gần như nằm ườn trên chiếc ghế bành có đệm, thỉnh thoảng lại tợp một hớp rượu ở chai cô-nhắc để cạnh cho khỏi buồn ngủ. Đúng một giờ hai mươi phút, hắn đứng dậy. Căn phòng chìm trong bóng tối, và qua chiếc cửa hé mở đi vào phòng ngủ, vọng ra tiếng ngáy đều đều của mấy tên đồng bọn. Điện đài đặt trong phòng tắm. Phòng này khá rộng, tường lát toàn gạch men sứ, và có một cửa sổ nhỏ bịt kín bằng giấy màu đen nên không tia sáng nào lọt được ra ngoài. Ban đêm chúng chỉ bật đèn ở đây để chạy điện đài. Còn mười phút nữa mới đến giờ phát, nhưng tên sĩ quan muốn nghe một chút nhạc; hắn dùng ống nghe nên không sợ ai nghe thấy. Hắn thở dài, một tay xoa bộ ngực để trần, một tay vớ chai rượu cô-nhắc, đi lại chỗ đặt máy.

Để đi vào phòng tắm, hắn phải qua phòng ngoài. Lúc đi ngang cửa ra vào, theo thói quen, hắn dừng lại, nghe ngóng. Phía cầu thang không có một tiếng động. Mặc dầu cửa không có lỗ tròn nhìn ra, hắn biết ngoài cầu thang không có đèn sáng, vì mỗi lần đèn bật, dưới khe cửa sẽ có vệt sáng. Tên thiếu tá đứng nghe mà không chú ý lắm, vì hắn không ngờ có chuyện gì nguy hiểm bất thường cả. Hắn nghe chỉ vì thói quen, thế thôi.

Đúng lúc đó, một vệt sáng hiện lên dưới cánh cửa, chứng tỏ có người bật đèn ở bên ngoài. Điều đó không có gì đáng ngại, vì hắn không nghe thấy có tiếng kẹt cửa ở nhà dưới. Chắc không phải có ai ở bên ngoài vào, mà là có người sắp đi ra. Tuy vậy hắn cũng đứng yên để nghe ngóng. Hắn đã quen phân biệt tiếng chân đàn ông nặng chịch với tiếng giày cao gót của phụ nữ, tiếng chân trẻ con nhẹ nhàng, dồn dập. Ban ngày, các tiếng động chìm đi, nhưng ban đêm chúng vang lên rõ mồn một, dù là từ dưới nhà hay từ tầng trên cùng tới.

Nhưng lần này, hắn không nghe tiếng chân nào, thế mới lạ. Hắn lắng tai: không có gì! Không một tiếng nói, không một tiếng kẹt cửa! Vậy tại sao lại có đèn bật đột ngột? Tên thiếu tá dán chặt tai vào mảnh tường ngay cạnh cửa, có ý tò mò hơn là sợ hãi.

Chính lúc ấy, hắn có cảm giác là có người đứng bên kia cửa. Hắn thoáng nghe thấy tiếng dép cao su rất nhẹ, tiếng thở gấp và một tiếng lách cách nhỏ. Bất giác, hắn đưa ngay tay lên túi quần sờ súng lục, nhưng bây giờ mới nhớ là hắn đã để súng trên bàn trong nhà. Làm thế nào? Chạy vào lấy? Không, không kịp. Trong phút quyết định này, hắn suy nghĩ rất nhanh. Ai đứng ở sau cánh cửa? Đại diện cơ quan an ninh đến bắt chúng? Không có lẽ! Trường hợp ấy, họ đi đông người và đàng hoàng, không phải rón rén đứng trước cửa, họ còn bố trí người bao vây toàn bộ tầng gác nữa. Vậy là ai? Một người khách nào mới đến, đang đứng đọc biển tên đề trước cửa chăng?

Bỗng hắn nghe có tiếng chìa khóa khẽ tra vào ổ. Tên gián điệp kinh ngạc trước sự việc bất ngờ khó hiểu ấy. Toromanov chăng? Nhưng đêm nay không phải ngày lão hẹn đến! Cái lối mò mẫm tìm cách đột nhập một căn phòng lạ như thế càng chứng tỏ đây không phải là công an. Hắn chợt nghĩ: một tên trộm! Chỉ có thể là kẻ trộm! Nó đã kiếm được chìa khóa ở đâu đó rồi lợi dụng lúc chủ nhà đi vắng để hành động. Tên thiếu tá hiểu ngay cách xử sự tốt nhất là cứ để tên trộm vào rồi sẽ tóm cổ nó.

Tiếng “cách” của chìa khóa vang lên trong đêm vắng. Chỉ một tí nữa thôi, tên trộm sẽ mở được cửa! Nếu hắn sẵn súng trong tay, thì chỉ việc chuẩn bị giáng một báng súng lên đầu cho nó ngã lăn quay là xong. Hay là dùng chai rượu cô-nhắc? Hắn định nắm chặt lấy cổ chai, nhưng lúng túng thế nào lại để nó tuột khỏi tay, rơi đánh xoảng một cái xuống nền gạch.

Tên thiếu tá giật nảy mình. Hắn hiểu ngay là tiếng động ấy sẽ làm tên trộm sợ hãi và chạy trốn theo lối cầu thang. Nhanh như chớp, hắn mở mạnh cửa, sẵn sàng tóm cổ tên trộm. Một lần nữa, hắn lại giật nảy mình; trong ánh sáng lờ mờ, hắn chỉ thấy một đứa trẻ nhỏ. Không kịp nghĩ ngợi gì, hắn kéo tuột thằng bé vào trong nhà.

Đèn nhà tắm bật lên, tên thiếu tá hau háu nhìn cậu bé. Một đứa trẻ bình thường, ăn mặc tử tế, chỉ có cái lạ là nó không sợ hãi, mà lại giương mắt nhìn một cách căm thù.

– Mày mà kêu, tao đánh vỡ mặt! – tên thiếu tá nói.

– Đồ kẻ cướp! – cậu bé trả lời lại.

Tên thiếu tá nảy người lên vì kinh ngạc. Lạ chưa, một tên trộm nhãi nhép mà dám chửi chủ nhà!

Vừa lúc đó, hai tên đồng bọn bị tiếng động làm thức giấc, đi ra, đứa nào cũng đeo súng lục Mỹ. Một đứa tóc vàng, người hồng hào to béo, chỉ mặc một áo may ô và đi chân đất, ngạc nhiên hỏi:

– Cái gì thế?

– Rồi sẽ biết! – Tên thiếu tá vừa đáp vừa lấy tay bịt miệng cậu bé. – Kiếm tao cái gì trói nó lại.

– Sao?

– Đưa tao cái dây và lấy mấy cái khăn mặt.

Thằng tóc vàng chạy xuống bếp. Đứa còn lại có bộ mặt đen sạm và gian ác, mắt ti hí, nhưng người to như hộ pháp; hắn đứng đực tại chỗ và nhìn cậu bé một cách man rợ.

oOo

Peso bị trói giật cánh khuỷu và bị nhét giẻ đầy mồm, nằm trong phòng tắm, nửa người tựa lên tường lát gạch men sứ lạnh toát. Đúng dưới hương sen, kê một chiếc bàn nhỏ trên đặt một cái máy giống máy chữ, nhưng Peso đoán là máy phát vô tuyến. Sự dự đoán ấy trở thành chắc chắn ngay, vì tên râu xồm đã đến ngồi trước máy, đeo ống nghe và hỏi:

– Đánh gì bây giờ?

Thằng tóc vàng vẫn mặc may-ô trần, ngồi chồm chỗm trên ghế, vừa phì phèo điếu thuốc, vừa đáp:

– Bảo họ nửa tiếng nữa phát một bản tin để kiểm tra.

Tên thứ ba đứng gần cửa càu nhàu:

– Nhiều quá...

– Tao đã bảo: nửa tiếng nữa! – thằng tóc vàng nói dõng dạc, dứt khoát.

Peso đoán ngay: thằng tóc vàng là chỉ huy. Vậy phải hết sức để ý đến nó! Đầu óc Peso quay cuồng nhiều ý nghĩ, khiến cậu quên cả sợ. Lát nữa, bọn này chắc sẽ tra hỏi mình. Mình sẽ nói gì, giải thích thế nào? Vì không tính trước đến việc bị bắt ở đây, cậu chưa bịa ra được chuyện gì có lý, có thể làm bọn chúng bớt nghi ngờ. Hay là cứ im lặng, không nói gì, kệ cho chúng nó hỏi? Không được, cậu cảm thấy cần phải nói. Điều quan trọng lúc này là làm thế nào để chúng không cảm thấy có sự nguy hiểm gì nghiêm trọng, để chúng cứ ở yên trong phòng này càng lâu càng tốt. Sáng mai, các bạn không thấy mình, chắc sẽ đoán ra mọi chuyện và sẽ tìm cách cứu mình thoát. Đó là giải pháp tốt nhất. Nhưng làm thế nào đánh lừa chúng, làm thế nào xua tan sự nghi ngờ của chúng, khi mà mọi thái độ, hành tung của mình đều đáng nghi ngờ? Trong đầu Peso nảy ra nhiều cách nói khác nhau: nhưng mỗi khi ngừng lại một cách nào nhất định, cậu cũng thấy đó chỉ là một sự bịa đặt càng làm cho chúng nghi ngờ thêm. Nhưng cậu không nản chí, trái lại, cố vắt óc tìm một lối thoát.

Đồng thời, Peso cũng thấy dâng lên trong lòng một niềm hối hận chua chát. Phải, mình thật có lỗi! Bây giờ nếu bọn gián điệp sợ hãi bỏ trốn, thì là tại mình. Nếu chúng phạm tội ác gì mới nữa, cũng là tại mình. Nếu mai đây, mình và các bạn bị mọi người khinh bỉ, chê trách, thì cũng là tại mình!

Một ý nghĩ mới lại nảy ra: nếu bọn chúng giết mình? Chẳng chóng thì chầy, chúng sẽ hiểu ở lại đây là nguy hiểm và sẽ cuốn gói. Chúng có mang mình đi theo không? Không chắc! Thật vậy, mang mình đi sẽ thêm vướng víu cồng kềnh. Vậy chúng sẽ để mình nguyên lành ở lại? Càng không thể được! Mình đã biết mặt chúng, biết việc chúng làm; đối với chúng, mình sẽ là một nhân chứng nguy hiểm. Nghĩ đến đây, Peso thấy sống lưng lạnh toát và phải mắm chặt môi lại. Được! Cho chúng giết! Thế cũng là đáng! Đó là cách duy nhất để mình chuộc lại sai lầm, không phải chỉ sai lầm, mà là tội lỗi! Mình sẽ lấy thái độ dũng cảm để chuộc lỗi như một con người chân chính, như bố mình đã từng tỏ thái độ trước sự tra tấn của kẻ thù. Peso thường được nghe kể chuyện bố bị bắt bớ, tù đày: cậu vẫn thầm khâm phục người cha bất khuất đã không hề khai báo, không phản bội tổ chức. Cậu còn tiếc là không được trải qua những thử thách như thế. Vậy mà bây giờ dịp thử thách ấy đã đến!

Không, không nên nghĩ đến chuyện ấy, mà nên nghĩ cách trả lời bọn chúng chốc nữa thì hơn. Những viên gạch tráng men trắng bóng của buồng tắm phản chiếu lại ánh đèn sáng làm Peso chói mắt. Thằng râu xồm cúi người trên chiếc máy để đánh điện, còn thằng tóc vàng vẫn ngồi đực trên ghế, yên lặng thở khói. Một sự yên lặng đầy đe dọa khiến Peso bỗng lại thấy sợ, nhưng cậu mắm môi lại để tự trấn tĩnh.

Tên thiếu tá râu xồm gỡ ống nghe, quay lại chằm chằm nhìn Peso nói:

– Xong. Thế nào, thằng nhãi, cần làm gì mày bây giờ?

Thằng tóc vàng cắt ngang:

– Khẽ chứ, bỏ giẻ bịt mồm nó ra.

Tên thiếu tá miễn cưỡng nghe lời, nhưng còn lầu bầu trong miệng:

– Sợ thằng nhãi lại tru lên.

Tên tóc vàng cúi người xuống, lạnh lùng nhìn thẳng vào mắt Peso, dọa:

– Nghe đây: mày mà kêu một tiếng, thì hết đời ngay, hiểu chưa?

Peso vẫn chưa nói được. Thằng tóc vàng đợi một lát, nói tiếp:

– Hoàn cảnh không cho phép chúng tao làm khác.

Thằng râu xồm rút chiếc khăn mặt nhét trong mồm Peso ra rồi trở về chỗ cũ. Thằng tóc vàng vẫn gườm gườm nhìn cậu bé:

– Báo trước cho mà biết, cấm nói láo! Chúng tao cần sự thật. Nếu mày nói dối thì đừng trách. Hiểu chưa?

– Vâng! – Peso đáp, cố làm ra vẻ ngoan ngoãn.

Thằng tóc vàng nhoẻn một nụ cười giả tạo, lấy giọng xởi lởi:

– Tốt, thấy chú em hiểu biết lẽ phải như thế, ta rất hài lòng. Vậy nói xem, chú em tên gì.

Peso biết về điểm này thì phải nói thật, vì thẻ học sinh của nó đã nằm gọn trên bàn của bọn gián điệp bên cạnh những chiếc chìa khóa, mấy cái nút bia, một mẩu đinh và miếng lốp. Nó khai tên thật, không do dự.

– Tốt, tốt, – thằng tóc vàng gật gù, nhưng rồi lập tức hỏi giật giọng: – Còn chìa khóa này, mày lấy ở đâu?

– Tôi vẫn có, – Peso ngước mắt đáp, vẻ bướng bỉnh.

– Tao hỏi mày lấy ở đâu? Ai cho?

– Không ai cho cả! Tôi vẫn có từ lâu...

– Nhưng nó ở đâu ra? Chả nhẽ mày bắt được ngoài phố?

– Không, trước kia nhà tôi ở đây, nên tôi vẫn giữ được chìa khóa.

Thằng tóc vàng nghĩ một lát, rồi gật đầu:

– Cứ cho là đúng đi! Nhưng đêm khuya, đây không phải nhà mày nữa thì mày định vào làm gì?

– Tôi vào... có việc…

– Nói xem việc gì?

– Lúc ở đây, tôi còn giấu lại mấy cái lưỡi câu…

– Lưỡi câu?

– Vâng, và một cái trục dây cần câu... Mai chúng tôi đi câu cá trên sông Iskar, nên đến lấy lại...

– Được, nhưng mày định lấy lại bằng cách nào? Nhà này có người ở! Mày tưởng không ai bắt gặp mày sao?

Peso vẫn ăn miếng trả miếng, đối đáp gãy gọn:

– Tôi tưởng kỹ sư đã đi nghỉ mát, tưởng nhà này vắng người.

– Ai bảo mày nhà này vắng người?

– Một con bé ở nhà này.

– Nó tên là gì?

– Tên là... không, tôi không nói.

– Sao không nói?

– Sợ các ông đánh nó!

– Chà, cao thượng nhỉ! – lần này tên tóc vàng mỉm cười thực sự.  – Nhưng không sao, tao sẽ có cách bắt mày phải nói, và mày sẽ nói!

– Tôi không nói! – Peso kiên quyết.

Tên gián điệp trừng mắt làm vết nhăn trên trán hắn hằn sâu xuống, nhưng lát sau hắn lấy lại nụ cười giả tạo luôn luôn có trên môi suốt cuộc tra hỏi:

– Thôi được, hãy gác vấn đề đó lại, chưa bàn cãi vội. Vậy mày đến đây lấy mấy cái lưỡi câu. Lưỡi câu ấy để đâu?

– Tôi giấu nó ở một chỗ... một chỗ bí mật.

– Là chỗ nào?

– Trong kho đồ cũ...

– Cái kho đó ở chỗ nào? Đi lối nào vào?

– Đi qua nhà bếp...

– Kho đó có cửa sổ không?

– Có... à không, không có...

– Hừm... Bây giờ mày thử nói nhà này có mấy buồng, các buồng sắp xếp như thế nào?

Câu hỏi đó không làm Peso lúng túng. Cậu đã vào nhà Zhivka và đoán nhà kỹ sư Donchev cũng giống thế.

– Có một phòng khách lớn, cửa sổ trông ra phố... Từ phòng này có cửa lớn đi vào phòng làm việc...

– Cửa đó thế nào?

– Một cải cửa... kính, có rèm... Trước mặt, có một cửa khác đi vào phòng ngủ.

Thằng tóc vàng không nói gì, kéo ghế sát vào Peso. Cậu bé theo sát cử chỉ hắn, nhưng không thấy nét mặt hắn thay đổi. Hắn nói hơi lạc giọng:

– Nhìn thẳng vào mắt tao đây! Nhìn vào!

Peso ngước mắt nhìn vào mặt hắn.

– Thế... Bây giờ, nghe đây, tao bảo rằng mày là một thằng nói dối!

– Tôi không nói dối. – Peso đáp.

– Mày nói dối!

– Tôi không nói dối!

Thằng phản động giơ tay tát một cái thật mạnh vào má Peso, làm đầu Peso vập vào tường. Cậu cảm thấy có cái gì chảy ròng ròng trên má, không biết là mồ hôi hay máu.

– Tôi cấm ông không được đánh tôi! – Peso căm thù gào lên. – Rồi ông sẽ biết?

– Tao sẽ đánh vỡ mặt mày ra, thằng nói dối!

– Tôi không nói dối!

– Mày nói dối, để tao nói cho mà biết: trước hết trong nhà này không có kho. Hai là nhà chỉ có một phòng, và không có cái cửa kính nào!

– Tôi có thể quên.

– Mày ở đây, sao lại quên được?

– Tôi ở đã lâu... nên có thể quên...

– Lâu là bao nhiêu?

– Dễ đã được mười năm...

– Mười năm! – Thằng tóc vàng nhại lại – Năm nay mày bao nhiêu tuổi?

– Mười hai tuổi.

– Thấy chưa! Thế thì mày là thần đồng rồi còn gì!

Peso chưa hiểu ngay lời chế nhạo. Thằng tóc vàng nói tiếp:

– Này nhé: lên hai mày đã biết chơi lưỡi câu, lại biết đem giấu vào một cái kho tưởng tượng! Khá khen chú em đấy!

Peso thấy tim mình thắt lại. Thế là xong! Nói dối quanh, hóa ra lại tự đưa mình vào tròng. Không biết nói gì hơn, cậu xịu mặt lại. Thằng gián điệp nói tiếp:

– Nghe kỹ những lời tao nói đây. Từ nãy mày toàn nói láo. Giờ, tao cho mày một phút để suy nghĩ, rồi phải nói hết sự thật. Nếu không, chúng tao sẽ có khối cách bắt mày phải nói. Nhưng báo trước là không có cách nào êm ái đâu!

Hắn ngừng nói, giơ tay nhìn đồng hồ. Peso nghĩ rất găng. Cậu thấy khó có thể bịa ra một chuyện gì khác trong một thời gian ngắn. Mà cũng chẳng thèm bịa nữa. Nói gì thì rồi chúng nó cũng truy và cuối cùng cũng hiểu là mình bịa. Thế thì sao? Chả nhẽ nói thật ư? Không đời nào! Peso bỗng thấy mình hăng lên và rất quyết tâm. Mặc chúng làm gì thì làm, có tra tấn đi nữa, mình cũng không nói! Trước đây, bố Peso đã như thế, bây giờ Peso cũng phải như thế. Dù còn bé, mình cũng sẽ tỏ ra xứng đáng với bố!

Thằng tóc vàng lại nói:

– Nào, thời gian hết rồi, mày chịu nói không?

– Không! – Peso trả lời dứt khoát. Mắt cậu sáng lên đầy quyết tâm. Thái độ ấy khiến thằng tóc vàng phải ngạc nhiên.

– Mày nói tao nghe tại sao? Mày nói thật thì có gì nguy hiểm? Tại sao mày không nói?

– Không nói là không nói!

– Tại sao?

– Tại tôi không thèm nói với những quân phản bội!

Lần đầu tiên, tên tóc vàng giật mình và nhìn cậu bé một cách nghiêm trang hơn. Peso hiểu mình đã lỡ lời, đã nói ra điều đáng lẽ không nên nói. Thằng tóc vàng gầm gừ:

– Hừ, hừ, tại sao mày bảo chúng tao là phản bội?

Peso hất hàm về phía chiếc điện đài:

– Thế cái máy gì đây? Liên lạc với ai?

– Được, mày nhất định không nói hả?

– Không!

– Thế thì tao sẽ bắt mày nói! – Thằng tóc vàng quay về phía cửa gọi: – Đưa tao cái dây bếp điện.

Thằng gián điệp có bộ mặt gian ác lặng lẽ đi ra rồi trở lại, tay cầm dây điện. Thằng tóc vàng dứt một đầu dây, tách hai sợi riêng ra, rồi cắm đầu kia vào một cái phích điện ngay trên đầu Peso. Mắt hắn long lên như mắt rắn.

– Mày hiểu chưa? – Hắn khẽ hỏi.

– Chưa. – Peso nói dối.

– Thế thì mày sẽ hiểu? Người lớn bị điện giật còn chết huống nữa là mày. Chúng tao sẽ thui mày tí một, mày nghĩ thế nào? Nói thật đi có hơn không?

– Tôi không nói.

– Được, cho nếm mùi một tí, sẽ biết ngay. 

Thằng tóc vàng gí đầu dây điện vào cánh tay Peso. Thân hình gầy gò của cậu bé giật nảy lên. Peso khẽ kêu lên một tiếng.

– Nào nói không?

– Không!

Mặt cậu bé trở lại hiên ngang, kiêu hãnh. Chắc rằng bố cậu khi bị bọn tay sai phát-xít tra tấn cũng có vẻ mặt như thế.

Thằng tóc vàng ra lệnh:

– Nhét giẻ vào mồm nó! Không cho nó kêu.

Thằng gián điệp có bộ mặt gian ác cúi xuống Peso và trong nháy mắt đã thi hành xong lệnh.

oOo

Năm phút sau, ba tên phản động kéo nhau ra phòng ngoài bàn bạc. Chúng không dám bật đèn, ngồi sát vào nhau trong tối. Tên thiếu tá đã tỉnh hẳn rượu, thằng mặt gian ác thì khịt khịt luôn mồm. Riêng thằng tóc vàng có vẻ vẫn giữ bình tĩnh; hắn khẽ nói:

– Xem ra thằng nhóc không chịu nói. Chắc gia đình nó là cán bộ cộng sản; đầu óc nó bị nhồi nhét toàn những chuyện “anh hùng”.

– Cứ giao nó cho tôi, sẽ biết tay ngay! – tên thiếu tá nói.

– Ta không có thì giờ, và cũng chẳng đáng mất công. Có tra khảo chắc cũng chả moi được điều gì bổ ích. Chỉ là chuyện trẻ con, nếu không thì công an đã tóm bọn ta từ lâu rồi!

Nghĩ đến khả năng ấy, cả bọn sợ hãi im lặng hồi lâu.

– Điều quan trọng là cần biết chỉ có thằng bé này thôi hay còn nhiều đứa nữa, – tên tóc vàng hạ giọng nói tiếp. – Có một điều chắc chắn, là chúng chưa nói gì với công an, nếu không thì nó đã không đến đây một mình. Phải đề phòng khả năng xấu nhất: thằng bé còn có những bạn khác cũng biết chỗ ẩn của bọn mình. Nếu vậy, chậm lắm là, ngày mai, thấy bạn biến mất, chúng sẽ kéo đến đây, có khi còn kéo thêm người khác đến nữa.

Tên thiếu tá lo sợ:

– Miễn là chúng đừng đến ngay đêm nay. Thằng bé vào một mình, nhưng biết đâu chẳng có đứa khác nữa đứng chờ ở cửa...

– Tao không tin. – Thằng tóc vàng nói. Nhưng giọng hắn lần này đã có vẻ không yên tâm lắm. – Mà chính mày chả bảo là cửa ra phố đã khóa là gì?

– Đúng, cửa khóa...

– Nếu có người đợi, thì nó phải không khóa. Chắc nó có một mình.

– Biết đâu đấy, – thằng thiếu tá vẫn nghi ngại.

– Ừ, biết đâu được. Vậy ta phải chuồn cho mau. Tao sẽ gọi B8 ngay bây giờ, và cũng báo cho Toromanov nữa. Nửa giờ nữa, phải cuốn gói, không để lại một dấu vết gì.

– Bây giờ mới thấy ông nói một điều thông minh. – Thằng gián điệp mặt gian ác nói: – Càng chuồn sớm càng tốt!

– Còn thằng nhóc, giải quyết ra sao? – tên thiếu tá hỏi.

– Cứ trói chặt nó, để lại đây, – thằng tóc vàng đáp.

– Ngu! – Thằng hung ác nhận xét. – Trước khi chuồn, phải thủ tiêu nó.

– Thủ tiêu làm gì?

– Còn làm gì? Thằng nhãi biết hết cả rồi! Nó đã trông thấy điện đài, nó biết mặt bọn ta. Ngày mai, công an sẽ biết rõ hình dạng ta, và rồi cảnh sát giao thông cũng có thể nhận ra ta được!

Thằng tóc vàng cũng biết như vậy, nhưng hắn kịch liệt phản đối việc thủ tiêu Peso. Hắn suy tính như sau: hai thằng đồng bọn kia đều đã bị chính quyền cách mạng kết án nặng nên không hy vọng gì quay trở lại. Còn hắn thì chưa đến nỗi nào. Dù có bị bắt, hắn vẫn hy vọng chỉ lĩnh một cái án vừa phải. Nhưng nếu giết thằng bé, thì chắc chắn xơi án treo cổ. Tất nhiên, hắn không thể giải thích như thế nào cho hai tên đồng bọn. Mặt khác, cái cảnh trốn tránh quá lâu trong nhà kỹ sư Donchev đã làm cho hắn chán nản, niềm tin tưởng bị lung lay.

– Tao không đồng ý giết nó. – hắn nói – Không được quên rằng chúng mình không chỉ có nhiệm vụ phá hoại, mà còn có sứ mạng chính trị. Giết thằng bé, chỉ tổ kích thích dân chúng chống lại ta. Một đứa trẻ bị ám sát một cách dã man! Thử nghe thế có được không? Không, tao không tán thành!

– Thế ông tán thành đưa đầu chúng tôi lên máy chém à? – Thằng mặt gian ác vẫn chưa chịu. – Tôi không đồng ý với ông!

– Tôi cũng thế! – tên thiếu tá cũng nói.

Thằng tóc vàng nhìn mặt đồng hồ dạ quang, quay lại bảo tên thiếu tá:

– Ra nghe điện đài đi! Đến giờ họ gọi rồi đấy.

Tên thiếu tá đứng ngay dậy:

– Tôi sẽ bảo họ thế nào?

– Bảo rằng vì điều kiện bất ngờ, bọn ta sẽ đến điểm 14 ngay đêm nay chứ không phải đêm mai.

Yên lặng một lúc, hắn quay lại tên mặt ác, bảo:

– Lại giúp nó một tay, để tao sẽ liên lạc với B8 và thu xếp đi ngay.

Hai tên kia đi về phía buồng tắm. Tên tóc vàng còn ngồi rốn lại khoảng nửa phút, khẽ thở dài, rồi mới đứng lên ra máy điện thoại. Bề ngoài hắn làm ra vẻ thản nhiên, nhưng thâm tâm hắn đang rất hoang mang vì những sự việc bất ngờ vừa qua.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3