Những Dấu Vết Còn Lại - Chương 09
ĐĨA QUAY
Đúng là bố Zhivka đóng sĩ quan trong quân đội. Một tuần trước đó, ông đã cùng trung đoàn đi tập trận mùa hè. Hôm trước, mẹ Zhivka cũng đi đến một làng ở gần nơi diễn tập để mang cho ông một số đồ dùng cần thiết. Zhivka ở lại nhà một mình. Không ai lấy thế làm lạ vì mọi người đều biết cô bé có tính tự lập mặc dầu mới xấp xỉ mười ba tuổi. Cô thay mẹ quán xuyến mọi việc trong nhà. Ai có việc quan hệ với cô đều ngạc nhiên thấy cô rất thông minh, lanh lẹn và tháo vát. Vốn được nuôi dưỡng, giáo dục tính tự lập, cô biết suy nghĩ, hành động một cách chín chắn, điềm đạm và sáng suốt hơn các bạn cùng lứa tuổi.
Ngay từ đầu, Zhivka đã hiểu Julia và Bebo đến phố này không phải để chơi lò cò hoặc chữa răng. Sau khi thấy Bebo đột ngột bỏ không chơi và biến mất, rồi lại thấy một lô trẻ con khác kéo đến, thì những phán đoán của Zhivka càng thêm rõ. Tuy bản tính không tò mò, cô cũng phải tự hỏi: “Họ đến làm gì đây?”.
Cô không ngạc nhiên khi Bebo và Peso tiến lại gần cô với vẻ bí mật.
– Zhivka này, chúng mình muốn nói với bạn một điều rất quan trọng… – Bebo mở đầu.
– Cứ nói. – Zhivka đáp.
– Quan trọng thật đấy. – Bebo không bằng lòng thấy Zhivka vẫn giữ vẻ bình thản. – Bạn chưa hiểu...
– Thì cứ nói, mình sẽ hiểu.
– Nhưng ở đây không được. – Peso nói, – Ta vào trong sân...
– Thế thì vào nhà mình, không có ai cả. – Zhivka đề nghị.
Khi biết bố mẹ Zhivka đều đi vắng, hai cậu bé tán thành ngay. Nhà cô bé ở tầng dưới; ba người đi qua buồng ngoài bước vào một căn phòng rộng, đồ đạc giản dị nhưng trang nhã. Ở giữa là một chiếc bàn lớn, chung quanh có ghế đệm. Cả ba ngồi vào, lúng túng chưa biết bắt đầu ra sao. Cuối cùng Peso nói:
– Thế này: nói thẳng là bọn mình đang theo dõi một tên phát-xít. Biết bạn là người tốt, là đội viên tốt, chúng mình mới nói cho bạn biết...
Zhivka hơi đỏ mặt. Như đối với mọi đứa trẻ thông minh, các lời khen không làm cô phổng mũi, nhưng dù sao những lời Peso vừa nói rất nghiêm trang cũng khiến cô sung sướng.
– Trước hết, bạn phải hứa sẽ giữ bí mật! – Peso nói tiếp. – Đây không phải chuyện chơi, mà là việc đứng đắn, việc nước. Nếu không giữ bí mật, bọn mình không nói đâu.
Mọi người nhìn Zhivka, chờ đợi. Zhivka quay đầu nhìn Julia và thấy đôi mắt người bạn gái như đang yêu cầu và khuyến khích. Cô hơi thẹn, khẽ nói:
– Lấy danh dự đội viên, tôi xin hứa...
– Thế là đủ, bọn mình nói tiếp. Tên phát-xít ấy vừa vào ngôi nhà này. Có lẽ bạn cũng trông thấy, lão ta người đẫy, mặc áo trắng...
– Tôi có trông thấy, – Zhivka nói. – Lão mang một cái túi.
– Đúng rồi. – Peso tiếp. – Theo bọn mình, trong túi lão ấy có truyền đơn... phát-xít, tất nhiên. Nó vào ngôi nhà này khoảng nửa tiếng rồi đi ra với cái túi không. Như vậy là nó đã để truyền đơn lại đây. Để cho ai? Đấy là vấn đề.
– Tôi hiểu. – Zhivka nói thong thả, mặc dầu óc cô đang suy nghĩ lung.
– Nó để truyền đơn lại cho ai? – Peso nói tiếp. – Trong nhà này liệu ai là người có thể chứa chấp truyền đơn phát-xít?
Lời nói đó tác động mạnh tới Zhivka, nhưng cô ngồi im không động đậy. Óc cô điểm mặt tất cả những người trong ngôi nhà: có người nào đáng ngờ nhỉ? Tất là phải có, mặc dầu trước kia cô chưa bao giờ nghĩ tới. Nhưng ai? Đột nhiên cô như nhớ ra điều gì và hỏi:
– Trong khi theo dõi, Bebo có thấy điều gì khác thường không?
Bebo lúng túng và nhìn cô bạn như để dò hỏi. Rõ ràng là Zhivka quan sát rất tinh và chắc không để sót tí gì về câu chuyện lúc nãy. Peso nói:
– Chuyện lúc nãy là thế này. Bọn mình tưởng lão ta mang truyền đơn cho ông bác sĩ ở gác ba. Vì vậy Bebo mới lên trên ấy, nhưng lão lại ở phòng khám đi ra với cái túi vẫn còn đầy. Vậy lão mang đi đâu, bọn mình chưa biết, nhưng chắc chắn chỉ ở trong nhà này!
– Bây giờ ta xét nhé. – Zhivka nói. – Ngôi nhà này có chín nhà ở...
– Sao lại chín?
– Có năm tầng, mỗi tầng hai nhà, nhưng trừ đi một nhà là xưởng vẽ của một họa sĩ. Vậy không phải nhà tôi, không phải nhà bác sĩ, thế còn có bảy.
– Sao bạn không tính xưởng vẽ của họa sĩ? – Bebo hỏi.
– Khoan, để tôi nói. Chú họa sĩ ở tầng dưới, không phải phía bên này, mà ở phía bên kia. Chú ấy là đảng viên, và hiện đang vẽ một bức tranh về cách mạng tháng chín. Không thể nào là chú ấy được.
– Ừ, thế thì không phải. – Cả bọn đồng thanh.
– Nào, bây giờ còn sáu, à chỉ năm thôi, và gia đình ở cạnh ông bác sĩ là có họ với nhà tôi, tôi biết rõ. Không thể là họ được.
– Chắc chắn thế không? – Peso nghi ngờ hỏi.
– Chắc chắn. Tôi xin bảo đảm.
– Thôi được. Bây giờ tính từng tầng gác một. – Peso đề nghị.
– Ở tầng hai là gia đình ông Donchev. Ông ta là kỹ sư và... biết nói thế nào? Ông ta không được mọi người mến lắm. Có thể nói là hơi gian. Nhưng lúc này lại không có ai ở nhà. Cả gia đình đi nghỉ mát từ một tháng nay chưa về. Vừa rồi tôi có đi qua, thấy hòm thư trước cửa nhà vẫn đầy ắp những báo, chứng tỏ là không có ai về lấy.
– Còn bốn! – Bebo tính.
– Tầng ba là nhà giáo sư Hadjiev. Giáo sư rất tốt, vợ ốm yếu luôn... Tóc ông bạc hết cả. Ông ấy rất hiền, đối xử rất tử tế nên ai cũng mến... – Zhivka suy nghĩ một lúc rồi kết luận. – Không thể là giáo sư được.
– Ừ, không thể. – Peso cũng nói.
– Tầng ba, như ta đã biết, còn ông bác sĩ và gia đình người có họ với tôi, tầng tư bên trái có ông Davidov, người Do Thái, công tác ở Bộ Ngoại giao. Ông ta to béo nhưng rất tốt và thường nói chuyện ở các cuộc họp khu phố.
– Nói tiếp đi! – Peso sốt ruột.
– Tầng tư còn có Petrov, làm kế toán nhà máy... Lúc nào bác ấy cũng cau có, lầm lì, ít khi thấy mặt.
– Thế thì đáng nghi rồi! – Julia thốt lên đầy hy vọng.
Zhivka thong thả lắc đầu:
– Theo mình thì không phải. Vợ bác ta làm hội thẩm nhân dân. Không bao giờ ta lại cử một người có gia đình khả nghi làm hội thẩm.
– Còn lại tầng năm. – Bebo nói.
– Tôi đã nói là trên ấy chỉ còn một nhà, là nhà bác công nhân Tryphon. Bác rất giỏi nghề nhuộm sợi. Cũng không phải là bác: người ta phân phối nhà này cho bác là theo lệnh ông bộ trưởng đấy…
Cả phòng im lặng nặng nề. Bebo phát cáu lên:
– Thế nghĩa là thế nào? Cả ngôi nhà này không có một ai khả nghi!
– Biết làm thế nào. – Zhivka lẩm bẩm.
– Không thể thế được, – Bebo nói. – Lão mang truyền đơn đến đây, để tại đây, rồi ra đi tay không. Lão ta trao cho ai? Nhất định một trong những người “tử tế” mà Zhivka nói phải là tòng phạm!
– Không có lẽ. – Zhivka nói, nhưng giọng cô đã bắt đầu dao động. – Ai nào? Người nào cũng tốt, cũng đứng đắn, vậy là ai?
– Tôi biết đâu đấy! Hay là giáo sư... hiền lành... tử tế... người ta giả vờ thì sao?
– Không được! – Zhivka bênh vực. – Ông ấy tốt thật mà!
Peso từ nãy vẫn ngồi im như chìm trong suy nghĩ, bây giờ mới ngửng đầu, mặt hơi tái đi:
– Đừng cãi nhau nữa. Tớ biết Toromanov đem túi vào đâu rồi.
Những đứa khác nhìn Peso kinh ngạc. Bebo kêu:
– Cậu biết à? Làm thế nào biết?
Giọng Peso chắc nịch:
– Tớ biết! Lão đưa túi vào nhà kỹ sư Donchev.
Zhivka cụt hứng, nhìn Peso:
– Nhưng tôi đã bảo nhà ấy không có người. Họ đi vắng hết!
Mắt Peso sáng lên:
– Điều đó không quan trọng. Họ đi vắng, nhưng để lại chìa khóa cho Toromanov. Hiểu chưa? Toromanov chả có thừa một chìa khóa là gì?
Bebo và Julia bây giờ mới há hốc mồm sửng sốt vì điều khám phá ấy. Cái điều chúng vẫn theo đuổi lâu nay, cái bí mật của chiếc chìa khóa đánh rơi nay bỗng sáng lên một cách lạ kỳ. Ra đây là cái cửa mà chiếc chìa khóa nọ mở được! Thái độ bí hiểm của Toromanov chung quanh cái chìa khóa đã giải thích được rồi! Nhưng liệu Peso có lầm không! Biết đâu chỉ là một sự tình cờ! Riêng Zhivka – vì chưa biết chuyện cái chìa khóa – vẫn còn hoài nghi, cứ giương mắt nhìn hết người này đến người khác. Cô nói:
– Tôi vẫn chưa hiểu. Lão đưa truyền đơn vào một phòng vắng người để làm gì? Thật là vô nghĩa!
– Ai bảo phòng đó vắng người? – Peso nói. – Một người nào khác cũng có chìa khóa, có thể chờ lão trong đó. Và có thể không phải một người, mà là nhiều người! Và lão ta mang thức ăn đến, chính là cho chúng!
– Thức ăn nào? – Zhivka hỏi. – Không phải truyền đơn à?
Peso không hề lúng túng:
– Cả truyền đơn. Truyền đơn để ở dưới, thức ăn phủ lên trên.
Zhivka vẫn chưa chịu:
– Nếu thức ăn chỉ để ngụy trang, sao lão không mang thức ăn về, mà để lại?
– Không, có thể không phải là ngụy trang. – Peso đành công nhận... – Có thể có nhiều đứa nguy hiểm ẩn nấp trong phòng Donchev và Toromanov có nhiệm vụ tiếp tế cho chúng.
Không khí trong phòng im lặng đến kinh người. Bọn trẻ rợn tóc gáy khi nghĩ rằng ngay trên đầu chúng, có những tên gián điệp nguy hiểm đang ẩn nấp. Bây giờ thì những hành động lạ kỳ của Toromanov như: đi mua truyện và thức ăn, có hôm lại biến mất, vân vân... trở nên dễ hiểu.
– Nhưng hắn vào khám ở nhà ông bác sĩ làm gì? – Bebo đặt câu hỏi như vậy.
Peso suy nghĩ rồi nói:
– Chắc là để đánh lạc hướng. Như vậy để sau này có phải ra tòa chẳng hạn, người ta hỏi nó đến ngôi nhà này làm gì, nó sẽ nói: “Tôi đến chữa răng”.
– Khôn thật. – Bebo gật gù.
Peso hỏi Zhivka:
– Đằng ấy có bao giờ thấy cửa sổ nhà kỹ sư bật đèn sáng không?
Zhivka lắc đầu:
– Mình không để ý... Vả lại các cửa sổ đều được bịt kín bằng giấy báo, như mọi người thường làm mọi khi phải vắng nhà lâu.
– Mình chắc chúng nó không dám bật đèn, vì thừa biết như thế sẽ lộ. Cả ban đêm cũng vậy.
– Chúng nó sống tối mò như chuột! – Bebo lắc đầu khinh bỉ.
– Nhưng chúng nó nấu nướng thức ăn bằng cách nào? – Zhivka hỏi.
– Ừ nhỉ, – Peso chợt nghĩ ra. – Hôm nay Toromanov vừa mua hai cân thịt bò. Hai cân, một người ăn sao hết.
– Chúng nấu nướng ban ngày, thì cần gì bật đèn. – Bebo nói.
– Chúng nó thái thịt, rồi đặt lên bếp điện, chứ khó gì! – Julia nhận xét.
Bỗng Peso nảy ra một ý kiến tuyệt diệu, rạng rỡ hẳn nét mặt. Nó nhắc lại:
– Ừ, bếp điện. Và khi chúng cắm bếp điện, thì đồng hồ đo điện dưới nhà phải chạy... Các cậu hiểu chưa? Ta chỉ cần ra xem đồng hồ.
Cả bọn nhìn nhau, thích chí. Bebo nói:
– Hay lắm! Nhưng lấy đâu ra chìa khóa mở tủ đựng đồng hồ?
– Khó gì, chìa khóa ấy tôi giữ! – Zhivka vừa cười vừa nói.
– Đằng ấy giữ?
– Đúng, vì mẹ tôi là tổ trưởng; nay tôi thay mẹ thì tôi giữ.
– Đưa đây!
Zhivka đứng dậy, mở ô kéo tủ lấy một chùm chìa khóa.
Cả bọn rón rén đi ra. Tủ đựng đồng hồ điện đặt ở gần cửa ra vào ngôi nhà. Tủ treo cao, nên Zhivka phải bắc ghế để mở cửa. Ba hàng đồng hồ đen bóng lộ ra.
– Đây, cái này! – Zhivka chỉ.
Nhưng chiếc đĩa tròn của đồng hồ đó không quay! Cả bọn đều nhìn và đều thấy như thế. Peso hỏi:
– Đằng ấy có chắc là cái đồng hồ ấy không?
– Chắc. Đây, chả có chữ đề “Donchev” là gì.
Cả bọn đành im lặng một lúc, không biết nói gì.
– Chúng không nhất thiết phải dùng bếp điện, – Bebo khẽ nói. – Vả lại, lúc này có thể chúng còn đang bận việc khác!
Zhivka nhảy từ trên ghế xuống. Đồng hồ không quay lúc này, có thể quay lúc khác, miễn là chịu khó đợi. Chỉ ngại nhỡ có người lớn nào đi qua trông thấy bọn trẻ đang quanh quẩn ở chỗ này thì phiền.
– Đành đợi vậy. – Zhivka nói.
– Đồng ý. – Peso nói. – Cứ chờ, biết đâu chẳng gặp lúc.
Một thiếu nữ mặc áo trắng bước vào và đi lên cầu thang, không để ý gì đến bọn trẻ. Bọn con trai yên tâm đưa mắt nhìn nhau.
– Ai đấy? – Bebo hỏi.
– Con gái giáo sư; cô ấy là sinh viên. Không ngại.
Bỗng Julia kêu khẽ lên một tiếng. Bọn con trai hốt hoảng quay lại. Julia đang ngẩng mặt lên, đứng ngây người, rồi nói như bị nghẹn:
– Nó quay!
Đúng thế, chiếc đĩa trắng có kẻ một vạch đỏ đang quay khá nhanh. Cả bọn dán mắt nhìn. Đĩa quay khoảng hai phút thì ngừng. Peso hoàn hồn trước tiên, khẽ hỏi:
– Các cậu trông thấy rõ chưa?
Zhivka vẫn chưa hết kinh sợ:
– Thế ra trên ấy có người thật à? Eo ôi, kinh quá!
Cả bọn vẫn dán mắt nhìn cái đĩa, mặc dầu nó đã ngừng quay, như thể chiếc đồng hồ điện là một khối nam châm đã hút hết sự chú ý của chúng. Vài phút trôi qua, rồi Julia lại kêu:
– Nó lại quay!
– Khẽ chứ, – Peso gắt.
Lần này thì cái đĩa lại quay khoảng hai phút rồi ngừng. Cứ thế liên tiếp nhiều lần, đến nỗi Bebo phải cau mày nói:
– Lạ nhỉ! Không ai xào thịt bò kiểu ấy cả.
– Chúng đang làm một việc gì đặc biệt. – Peso nói. – Một việc khó hiểu. Tại sao chúng lại dùng điện cách quãng như vậy?
Cái đĩa lại quay một lần nữa. Peso đưa tay ra hiệu và quyết định:
– Thôi, đóng tủ lại. Không nên tụ tập ở đây lâu hơn nữa. Dù sao, chúng mình cũng đã biết điều quan trọng nhất.
Zhivka mang ghế trở lại nhà. Bebo lại gần Peso nói khẽ:
– Bây giờ chỉ còn thử cái chìa khóa! Nếu ướm vừa thì là chúng mình đoán không sai.
– Cậu điên à. – Peso ngắt. – Nhỡ bọn ở trong nghe thấy thì hỏng bét.
– Ừ nhỉ, mình không nghĩ đến chuyện đó.
– Tớ thì đã nghĩ điều đó đến trăm lần!
– Vậy làm gì bây giờ?
– Tối nay sẽ họp và quyết định. Theo mình, những điểm quan trọng nhất đã rõ, giờ chỉ còn tính cách hành động.
– Chúng mình sẽ nói với Zhivka thế nào?
– Nói là chúng mình đi báo công an. Chúng mình đã khám phá đầy đủ, thì công an có thể thẳng tay bắt chúng.
Lúc Zhivka trở lại, Peso kể cho cô nghe những điều đã quyết định. Cuối cùng, nó dặn:
– Nhớ giữ bí mật nhé. Không được cho ai biết. Nếu không ngày mai công an đến, chúng nó chuồn mất đấy.
– Sao lại ngày mai?
– Tối nay hay ngày mai, là tùy họ. Có thể phải điều tra thêm một số việc nhỏ nào đó nữa. Chỉ yêu cầu bạn không được nói gì!
– Tôi có phải trẻ con đâu. – Zhivka tự ái.
Trước khi chia tay, Peso quay lại Zhivka nhìn thẳng vào mắt cô vào bảo:
– Cho mình mượn chiếc chìa khóa cửa ra phố.
– Để làm gì?
– Ồ, không phải cho mình đâu, mà để cho các chú công an, nhỡ các chú cần đến!
Zhivka tách một chiếc chìa khóa trong chùm đưa cho Peso, Peso cầm lấy đút ngay vào túi. Không cần phải sờ thêm, nó biết chắc rằng một chiếc chìa khóa khác – chiếc của Toromanov – cũng còn nguyên trong đó. Giờ thì mọi điều bí ẩn đã nằm gọn trong túi nó. Chỉ còn có hành động!
CHÌA KHÓA ĐÃ TÌM THẤY CỬA
Tối hôm đó, cả bọn nhóm họp tại công viên để bàn bạc và quyết định. Trăng rất sáng khiến chúng cứ phải nấp kín sau những bụi cây để khỏi bị người qua đường để ý.
Peso phát biểu ý kiến đầu tiên. Nó lần lượt kể lại những sự việc xảy ra lúc chiều. Trình bày xong, nó nói lên ý nghĩ của mình, cách giải thích các sự việc mà trước đây có vẻ khó hiểu. Bọn trẻ nín thở nghe. Peso kết luận:
– Không nghi ngờ gì nữa, có bọn gián điệp, hoặc phá hoại đang nấp trong nhà kỹ sư Donchev. Ông này để lại chìa khóa cho Toromanov để lão tiếp tế và mang các thứ cần đến cho chúng. Theo mình, đó là những điều chắc chắn.
– Chưa chắc hẳn đâu. – Vesselin nói. – Bao giờ thử đúng chìa khóa, bấy giờ mới thật chắc.
Peso nhìn Vesselin nhưng không trả lời ngay. Trong thâm tâm, nó cũng nghĩ như Vesselin. Biết đâu Toromanov chả vào nhà khác? Biết đâu kỹ sư Donchev chả tình cờ vừa về nhà và bắt đầu dùng điện? Quả thực, chỉ thử chiếc chìa khóa mới đánh tan được mọi phân vân. Nhưng Peso nói:
– Không thử được. Như thế sẽ gây ra tiếng động và bên trong chúng nghe thấy.
– Đúng. – Costa nói.
Cuối cùng, Peso đề nghị đi báo công an, và cả bọn nhất trí tán thành. Theo dõi Toromanov là công việc say mê, thú vị nhất, nhưng chúng hiểu là đã đến lúc phải chấm dứt. Chúng không thể làm gì hơn: bây giờ chỉ còn việc bắt những tên tội phạm. Nhưng có một điểm chúng chưa nhất trí được là: báo cho ai, báo ở đâu. Costa đề nghị ra báo ngay ở đồn công an đầu phố. Peso kiên quyết không nghe:
– Việc này không thuộc quyền đồn công an khu phố. Ở đấy họ chỉ giải quyết việc vặt, còn đây là chuyện lớn, nguy hiểm. Theo mình, phải báo cho Cục an ninh quốc gia.
Cuối cùng, mọi người đồng ý với Peso, nhưng lại có một khó khăn khác nảy ra: Cục an ninh ở đâu? Không ai biết, mà cũng không biết hỏi ai. Chúng liền quyết định đi đến Bộ Nội vụ, xin gặp một cán bộ phụ trách để tìm đến Cục an ninh.
– Bao giờ thì đi? – Costa hỏi.
– Mai.
– Thế thì bọn chúng có thì giờ vù mất còn gì! Đã định đi, thì đi ngay lập tức!
– Bây giờ muộn rồi. – Vesselin nói. – Đến vào lúc đêm hôm thế này thì gặp ai?
– Lúc nào chả có người thường trực. – Costa vẫn chưa chịu. – Nên đi ngay.
– Để đến mai. – Peso quyết định. – Chưa xảy ra chuyện gì đêm nay đâu. Toromanov vừa tiếp tế thức ăn đủ đến mấy ngày, như vậy chứng tỏ chúng chưa định chuồn ngay.
Lý lẽ xác đáng ấy khiến bọn trẻ nghe ra. Ngày mai, tiếp tục bố trí người gác từ sáng sớm trước cửa nhà Toromanov và nhà Donchev; trong khi đó Peso và Vesselin sẽ đến Bộ Nội vụ.
Cuộc họp kết thúc và ai nấy ra về. Mặt trăng đã khuất sau những mái nhà cao, công viên vắng lặng. Trong lòng bọn trẻ không khỏi có một sự luyến tiếc khi nghĩ đây là lần họp cuối cùng; từ ngày mai, mọi việc lại bình thường... Dù sao, điều quan trọng là chúng đã làm tròn nhiệm vụ. Đến ngày khai trường, cả trường và Đội thiếu niên sẽ biết chuyện chúng đã cảnh giác và nhanh trí giải quyết vấn đề hóc búa này như thế nào.
Peso, Vesselin và Julia đi về cùng. So với lúc ngồi sau bụi cây tối om, phố xá sáng trưng đèn điện làm chúng thêm phấn chấn. Tuy nhiên, cả ba đều yên lặng bước đi, không nói một lời. Mãi sau Julia không chịu được nữa, mới khẽ hỏi:
– Bây giờ mọi việc xong rồi, các anh vẫn chơi với tôi chứ?
– Vẫn chơi. – Peso lơ đãng đáp.
– Nói thế, nhưng rồi sau các anh lại trốn biệt!
– Việc gì phải trốn! – Vesselin nói.
– Tôi biết đâu đấy! Các anh không thích chơi với con gái!
Hai cậu bé im lặng. Julia nói tiếp:
– Các anh xem, tôi chả giúp được nhiều việc là gì?
– Đúng, đằng ấy đã giúp nhiều việc. – Peso sốt ruột.
– Chứ lại không à? Ai đã tìm ra nhà ông bác sĩ? Tôi! Và hôm qua nữa, nếu tôi không làm quen với Zhivka thì liệu có phát hiện được bọn phá hoại không? Các anh không muốn dính đến con gái, nhưng rốt cục không có bọn tôi thì việc sẽ ra sao?
– Đúng, Zhivka cũng giúp chúng mình rất tốt. – Vesselin nói.
– Nó thông minh đấy. – Peso chêm vào.
Julia bỗng thoáng chút ghen tị, hỏi lại:
– Còn tôi thì ngốc?
– Đâu, mình có nói thế đâu. – Peso thong thả đáp.
– Thế tôi làm sao?
– Đằng ấy... rất tốt!
Julia suy nghĩ mãi xem “rất tốt” và “thông minh” thì đằng nào hơn. Cô nhìn Peso. Peso nhìn lại rất thân ái, làm cô bé yên tâm.
– Thế mình không thông minh à?
– Cũng thông minh chứ. – Peso đáp không do dự.
Julia không mong gì hơn nữa. Bất giác, cô vừa đi vừa nhảy lò cò như đang có điều gì thích thú. Lúc chia tay, Peso nói với Vesselin:
– Cậu nói rất đúng!
– Cái gì đúng? – Vesselin không hiểu.
– Về cái chuyện thử chìa khóa. Nếu chúng mình thử được, thì đi báo công an rất yên tâm.
– Thôi đừng. – Vesselin vội đáp. – Mạo hiểm lắm, mà bây giờ không phải lúc mạo hiểm!
Julia thấy tim mình đập mạnh. Chẳng biết Peso còn định mưu tính những gì nữa?
Peso thở dài:
– Đúng, rất mạo hiểm. Nhưng mình vẫn băn khoăn nhỡ chúng mình đoán sai?
– Không sai đâu. – Julia tự hào xen vào. – Rồi các anh xem, tôi tin chắc mọi việc sẽ đúng như ta nghĩ.
– Ừ, ừ. – Peso gật đầu, như muốn để tự thuyết phục. – Không thể khác được. Thôi, các bạn về.
Vừa bước về tới nhà, Peso đã bị mẹ mắng. Cả bố, xưa nay ít chú ý đến giờ giấc của con, cũng nghiêm nghị nói:
– Dạo này con quá lắm, hay đi chơi khuya!
Peso cúi mặt, lặng lẽ ngồi vào bàn. Mẹ vẫn mắng:
– Sao con mải chơi đến thế! Còn bé bỏng nữa đâu! Hãy thử soi gương xem nào...
– Con có chơi đâu. – Peso nói.
– Thế thì đi đâu?
– Con có việc…
Cả bố mẹ đang muốn nghiêm nghị cũng phải bật cười. Bố cố làm bộ đứng đắn:
– Con có thể cho bố biết con bận việc gì?
– Rồi bố sẽ biết. – Peso ấm ức. – Bấy giờ, bố mẹ sẽ không coi thường con nữa!
– À, à! Thế nào là coi thường?
– Đấy, bố lại cứ…
– Vậy, con hãy nói tại sao con về muộn?
– Không. – Peso kiên quyết. – Mai con mới nói… bây giờ không thể được...
– Tại sao?
– Tại con đã hứa lời hứa danh dự!
Bố im lặng nhìn con một lúc, rồi nói:
– Thôi được. Đã hứa thì phải giữ lời hứa. Người nào không giữ đúng lời hứa, không đáng là một người.
– Vâng. – Peso nhiệt tình hưởng ứng.
– Được, đã thế, bố cũng yêu cầu con hứa với bố một điều. Bố không muốn can thiệp vào việc của con, nhưng con phải hứa không được làm điều gì mà cả con và bố sau này phải xấu hổ...
– Vâng, cái gì chứ điều ấy, con xin hứa ngay!
Bố có vẻ không hài lòng:
– Chớ nên vội vã! Không bao giờ được hứa một cách bộp chộp, vì sau này không lấy lại được lời hứa...
– Con biết, – Peso ngước đôi mắt sáng, đáp ngắn gọn.
Hai bố con trao đổi đến đó tạm xong. Peso lên giường nằm. Mặc dầu cả ngày đã lo nghĩ chạy tới chạy lui, nó không tài nào ngủ được. Từ mấy năm nay, Peso ngủ một mình ở phòng ngoài, và như thế nó thấy rất thoải mái. Có một mình, muốn đọc sách đến bao giờ cũng được, hoặc có thể nằm khểnh, tưởng tượng đến bao nhiêu chuyện thú vị, bao nhiêu chiến công trong đó mình là nhân vật chính, mà trong cuộc sống thật, không thể xảy ra được. Đó là những giây phút tuyệt diệu nhất, những giây phút chỉ một mình mình biết, một mình mình hay.
Nhưng đêm hôm đó, nó suy nghĩ rất nhiều. Ngày mai, thế là hết; nhưng cái hết này không tự nhiên, mà có vẻ ngao ngán thế nào. Các em đã tự mình phát hiện ra kẻ gian, tự mình bám sát các dấu vết, khám phá các mưu đồ của chúng. Thế mà bây giờ, đến lúc tóm gọn chúng, lại do người khác làm! May ra, đến lúc bắt bọn gián điệp, người ta có gọi gì đến bọn trẻ, nhờ các em giúp việc gì chăng? Không, chắc không đời nào. Người ta sẽ bảo: “Nguy hiểm lắm, các cháu để mặc các chú!”. Chả nhẽ những việc chúng đã làm từ đầu đến giờ là không nguy hiểm sao? Làm như từ đầu, chúng có thể bỏ mặc được cái vụ này sao? Không, đây là việc của Tổ quốc, thì lớn hay nhỏ đều phải có trách nhiệm!
Nhưng đêm nay, Peso lo lắng nhiều nhất là về cái sào huyệt của bọn gián điệp. Dù sao, vẫn còn có điểm chưa chắc. Có thật Toromanov đến nhà kỹ sư Donchev không? Có thật bọn gián điệp ẩn nấp trong đó không? Nhỡ không phải thì sao? Nhỡ là một bà già lẩm cẩm nào đó vì lý do này hay lý do khác đã vào đó dùng điện thì sao? Kỹ sư Donchev cũng có thể để lại chìa khóa của mình cho một người lương thiện tạm mượn phòng trong thời gian ông ta vắng nhà được chứ? Nghe hơi vô lý, nhưng cũng không nên loại trừ khả năng ấy. Như vậy thì sự việc sẽ ra sao? Mai đi báo công an, các chú điều tra xong, bấy giờ mới mỉm cười chế nhạo: “Các chú rất cảm ơn việc làm tốt của các cháu, nhưng tiếc thay, đó chỉ là một bà già lẩm cẩm”.
Nghĩ thế, Peso lại thấy xấu hổ đến nóng cả mặt, toát mồ hôi trán. Không, không thể chịu lố bịch đến thế được.
Tốt nhất, nếu ướm thử được chiếc chìa khóa của Toromanov vào cửa phòng Donchev, thì thật yên trí. Ướm vừa, thì rõ ràng là Toromanov chỉ có vào đấy. Nhưng lão vào làm gì? Lại mang hàng đống thức ăn và sách vở vào đó? Người ngay thẳng không bao giờ ru rú trong phòng, mà cứ việc đi mua bán đàng hoàng, bật đèn đàng hoàng, mở cửa sổ đàng hoàng. Không, nếu chìa khóa của Toromanov mở được cửa phòng Donchev, thì không còn nghi ngờ gì nữa.
Thế thì... tại sao không thử? Đây không phải lần đầu Peso nghĩ vậy, nhưng lần nào nó cũng gạt đi. Không phải vì nó sợ cho bản thân, mà vì nếu bọn gián điệp đoán biết chúng bị nghi ngờ, chúng sẽ vội cao chạy xa bay! Lúc bấy giờ ai sẽ tha thứ cho nó cái tội ấy? Vả lại, đêm khuya rồi, cũng chẳng quyết định được gì khác, nếu không có sự đồng ý của các bạn. Đành chịu thôi!
Tuy nhiên, nó vẫn không ngủ được.
Nó còn đang suy nghĩ lung mung thì đồng hồ điểm mười hai giờ khuya. Peso lắng tai nghe. Cả nhà yên ắng, đêm tối đen. Trong im lặng dày đặc, chỉ nghe tiếng mọt khẽ nghiến gỗ, nhưng đối với Peso, tiếng đó vang lên như tiếng báo động.
Ừ, mà nghĩ cho cùng, tại sao không thử? Một, hai giờ sáng, bọn gián điệp chắc đã ngủ say, chúng không thể thức cả đêm được. Ta sẽ khẽ luồn lên thang gác, đút chìa khóa vào ổ thật nhẹ, thật nhẹ, quay thử xem có được không, rồi lập tức trở về... Làm được thế, thì hôm sau đến công an báo cáo, sẽ ăn chắc biết bao nhiêu!
Cần phải quyết định, nhưng Peso không quyết định được, cứ trở mình hoài trên giường ngủ.
Đồng hồ điểm một tiếng. Thế là bất thình lình nó vùng dậy. Không bật đèn, nó lặng lẽ mặc quần áo, rón rén đi ra cửa sổ, tránh không xô phải bàn ghế, đồ đạc. Phố xá vắng tanh.
Nó có nên đi không nhỉ?
Peso khẽ mở cửa, bước ra ngoài phòng. Trong góc cửa, những quần áo treo trên mắc trông như những bóng người yên lặng đứng dựa vào tường.
Thôi, thế là quyết rồi, không thể lùi được nữa!
Nửa phút sau, Peso đã ra tới phố. Mới đầu, nó còn rụt rè đi chậm, sau thì rảo bước. Dọc đường, nó không nghe thấy gì ngoài tiếng chân nó bước. Chỉ lúc đi qua đường tàu điện, mới gặp một đội công nhân đang chữa đường ray với ánh lửa hàn sáng chói.
Cuối cùng, nó tới phố nhà Donchev. Ngôi nhà cao, to, sừng sững trước mặt, cửa sổ nào cũng tối om, trông càng giống một người khổng lồ đang ngủ. Cửa sổ phòng kỹ sư Donchev vẫn đóng im ỉm như trước, có giấy báo che kín các khung kính. Peso sang đường, tới trước cửa ngôi nhà, cầm lấy nắm cửa đẩy khẽ.
Cửa đóng. Peso rút chiếc chìa khóa mà Zhivka cho mượn, mở cửa một cách rất thận trọng. Có nên bật đèn không? Nó do dự một lát rồi bấm nút đèn nhỏ. Một luồng ánh sáng trắng soi khắp khoang cầu thang. Peso khóa lại cửa cẩn thận để khỏi bị ai ở ngoài phố vào bắt gặp, rồi se sẽ bước lên cầu thang. Tầng hai đây rồi, nó đã đứng trước cửa phòng kỹ sư Donchev. Cửa sơn mầu nâu, không có nắm cửa, mà có một nút bấm; muốn mở cửa, phải vặn khóa rồi bấm nút, đẩy nhẹ.
Peso biết rõ như vậy và đã nghĩ đến điều đó, nhưng giờ đây, nó lại do dự, mặc dầu không phải vì sợ. Nhỡ bên trong, có người vẫn thức? Song nghĩ cho cùng, dù không ngủ, họ cũng không thể nghe thấy tiếng chìa khóa tra vào ổ khóa, vì Peso làm việc ấy hết sức nhẹ nhàng. Nếu quay được chìa khóa thì cũng không cần phải mở cửa, mọi việc sẽ rõ như ban ngày.
Peso lục túi lấy cái chìa khóa của Toromanov. Chính lúc này nó mới thấy sợ, trống ngực đập thình thình. Nhỡ có người đứng canh ngay sau cửa? Nỗi sợ đó thúc nó hành động ngay. Hơi xấu hổ vì đã mềm yếu, nó mạnh dạn bước tới cửa, và tra chìa khóa vào ổ...
Đúng lúc đó, ánh đèn phụt tắt.
Peso giật mình, nhưng cố gắng trấn tĩnh để tay khỏi run. Lúc này hơn lúc nào hết, phải tỉnh táo. Nó có cảm giác chìa khóa hơi khó vào. Nỗi nghi ngờ lúc chiều lại làm nó bủn rủn cả người, nhưng nó nghĩ lại ngay. Chớ nên quên rằng chìa khóa này mới đánh, chưa dùng lần nào, nên khó tra vào là lẽ tất nhiên.
Chìa khóa đã lọt vào ổ. Peso ấn một cái để vặn khóa, và lại thấy rủn người: chìa khóa không vặn được!
Thế nghĩa là thế nào? Chả nhẽ mọi dự đoán của nó lại đổ sụp? Nó sốt ruột ấn mạnh hơn nữa và cảm thấy chiếc chìa khóa quay từ từ trong ổ khóa.
Chiếc chìa khóa quay được một vòng, kêu đánh cách. Nó không lường trước tiếng “cách” này và cũng không nghĩ rằng khóa này phải quay hai nấc. Nhưng không sao! Chìa khóa đã quay, điều dự đoán đã thành sự thực, đó mới là điều quan trọng! Nó sung sướng đến quên hết mọi thứ. Bây giờ làm gì? Mở cửa chăng? Không, không cần. Tốt nhất là quay chìa trở lại một vòng để khóa cửa lại, chú ý đừng để có tiếng động nữa, rồi rút chìa khóa ra và chạy xuống cho mau.
Vừa lúc đó, có tiếng động to ở bên trong, rồi cửa mở thật mạnh đến nỗi chiếc chìa khóa tuột hẳn khỏi tay Peso. Nó chỉ kịp nhìn thấy một bóng đen lờ mờ. Rồi một bàn tay hộ pháp tóm lấy nó kéo tuột vào trong phòng, làm nó ngã khuỵu xuống nền xi-măng, vập trán phải một vật nhọn và ngất đi.
Tiếng cửa đóng đánh sầm và tiếng chìa khóa lách cách trong ổ làm Peso tỉnh lại. Ý nghĩ đầu tiên của nó là kêu cứu. Nhưng có một cái gì vừa là xấu hổ, vừa là tự hào ngăn nó không kêu. Trong phút hiểm nghèo này, nó quyết định cắn răng chịu đựng, sẵn sàng chiến đấu đến cùng, tóm lại, nhất định không chịu hàng phục.
TRONG ĐÊM KHUYA
Đêm đó, không phải chỉ có mình Peso không ngủ. Julia cũng không ngủ, nhưng vì những lý do khác.
Về tới nhà, cô bấm chuông. Mẹ ra mở cửa, lập tức béo tai con và cứ thế dẫn con vào phòng làm việc của bố. Bố cô là một giáo sư trẻ, chưa bao giờ có vẻ giận dữ đến thế.
– Con làm gì bây giờ mới về? – Bố nghiêm khắc hỏi.
– Con đi chơi, – Julia sợ hãi đáp.
– Ai chơi ngoài phố đến tận mười giờ đêm? Chỉ có bọn mất dạy!
Julia không dám nói gì thêm, nhưng vẫn giương đôi mắt trong sáng nhìn bố.
– Bố phạt con một tuần không được ra phố.
Nói xong, bố vẫn còn có vẻ giận dữ, cầm cái kính đeo lại lên mắt. Đó là cử chỉ thường lệ của bố để chấm dứt cuộc nói chuyện.
– Vâng… – Julia lí nhí trong miệng, và cô bắt đầu rưng rưng nước mắt.
Thấy con khóc, nỗi giận của giáo sư như tan biến mất. Ông đằng hắng, bỏ kính ra và dịu giọng hỏi:
– Lại còn khóc à! Thế là nghĩa gì!
– Con không khóc. – Julia nấc lên và nước mắt lại càng tuôn ra.
Giáo sư lúng túng:
– Sao thế, con! Bố nói lại cho con rõ nhé: bố bảo cấm không được ra phố một tuần, có nghĩa là không được ra mà không xin phép. Thế thôi!
– Thưa bố, vâng! – Julia dịu dàng thưa lại.
Giọng nói ngoan ngoãn của cô làm giáo sư vui lòng và hơi hối hận vì đã quá nóng nảy.
– Bây giờ con đi ngủ đi!
Julia đi ra, hết sức phấn khởi vì sự thông cảm của bố. Quả là hôm nay, cô toàn gặp may! Vừa ăn, cô vừa nghĩ tới những lời nói của Peso. Được Peso công nhận là thông minh, được việc, cô còn muốn gì hơn nữa? Tất nhiên, cô còn muốn các bạn trai tiếp tục cho cô tham gia các trò chơi của họ, nhưng điều đó thì Peso hầu như đã hứa chắc rồi, cô chẳng phải lo.
Lên giuờng nằm, Julia vẫn ôn lại câu chuyện buổi chiều. Bỗng cô thấy lo lắng. Hình như bấy giờ Peso có nói là cần thử xem chìa khóa của Toromanov có mở vừa cửa phòng kỹ sư Donchev không. Lúc nghe nói câu ấy, cô đã thấy trong lòng hồi hộp: liệu Peso có đang mưu tính chuyện gì mạo hiểm? Cô biết rõ tính Peso hay bốc và kiên quyết; định làm gì là ít khi bỏ dở nửa chừng. Liệu rồi cậu ta có bị cái tính ấy kéo vào những hành động thiếu chín chắn?
Nỗi lo của Julia mỗi lúc một tăng. Có phải Peso định nửa đêm sẽ dùng chìa khóa của Toromanov mở thử cửa phòng bọn gián điệp? Giọng nói cũng như ánh mắt của cậu ta lúc bấy giờ có vẻ biểu hiện ý định đó lắm. Vả lại, sao cậu ta cứ nhất định để đến mai mới đi báo công an? Sao không chịu đi báo ngay tối nay? Phải chăng là để thử chìa khóa trước đã?
Nghĩ thế Julia không tài nào ngủ được, cứ trằn trọc mãi trên giường. Đến khi cô nhớ là Peso đã hỏi mượn Zhivka chìa khóa cửa chính ngôi nhà thì cô chỉ muốn chồm dậy. Nếu đã quyết là đến mai mới báo công an thì còn mượn chìa khóa ngôi nhà làm gì? Đúng là đêm nay Peso sẽ đến đấy và thử chiếc chìa khóa của Toromanov.
Julia thấy người lạnh toát vì sợ. Nhỡ bọn gián điệp tóm được Peso? Chúng có thể rình nghe và bắt được lắm chứ! Như vậy thì sao? Chúng sẽ giết cậu ta và vứt xác vào xe rác mất! Không, không thể để thế được! Sau cơn sợ hãi, đến sự quyết tâm. Cô phải làm cái gì để ngăn không cho Peso thực hiện kế hoạch điên rồ ấy!
Nhưng làm gì? Đến tận nhà khuyên bảo cậu ta ư? không được, giữa đêm khuya đến bấm chuông nhà người ta, sao tiện? Ngay việc cô muốn đứng dậy đi ra cũng không được, vì ngoài kia bố vẫn thức, cô còn nghe thấy tiếng đánh máy chữ đều đều của bố. Thỉnh thoảng bố vẫn hay làm việc khuya như thế. Julia ngủ rồi, ông sẽ vào đứng bên giường, âu yếm nhìn con một lát rồi mới rón rén đi về phòng ngủ. Chả là Julia nằm ở phòng giữa, bao giờ bố cũng phải đi qua đó để vào phòng mình.
Đêm nay, bố Julia lại làm việc đến tận nửa đêm. Trong khi đó thì cô bé không tài nào nhắm mắt được và chỉ mong bố mau đi ngủ. Một kế hoạch hành động đã nảy ra trong óc cô. Từ trên cửa sổ nhìn xuống phố, cô có thể thấy rõ cửa ngôi nhà Peso ở. Vì vậy cô quyết định sẽ đứng cạnh bên cửa sổ, nhìn xem Peso có đi đâu không. Nếu thấy cậu ta đi ra, cô sẽ gọi và bảo cậu ta không được đi, nếu cần thì phải dọa. Đúng, cô sẽ làm mọi cách để Peso đừng đi vào nơi nguy hiểm! Miễn là bố cô đi ngủ mau, kẻo Peso có thể đi ngay lúc này, khi cô hãy còn buộc phải nằm trên giường. Không, Peso chưa thể đi được! Cô có linh tính rằng, cậu ta cũng phải chờ mọi người đi ngủ hết rồi mới ra khỏi nhà được!
Nhưng rồi tiếng máy chữ cũng ngừng, và Julia nghe thấy tiếng chân bố đi ở phòng bên. Cô vội quay mặt vào tường, nằm thu người lại, không động đậy. Bố đi qua chắc sẽ tưởng cô ngủ rất say.
Lát sau, cửa mở, giáo sư bước vào. Ông dừng lại bên giường con chỉ nửa phút mà Julia tưởng dài một thế kỷ. Bỗng cô cảm thấy bố cúi xuống mình, nghe thấy cả hơi thở của bố, rồi một bàn tay dịu dàng xoa nhẹ lên tóc cô. Cử chỉ âu yếm đã làm cô xúc động đến mức có thể quên hết mọi chuyện. Bố còn đứng vài giây bên giường rồi mới đi vào phòng ngủ. Julia đợi cho tiếng chân im hẳn và vạch sáng dưới khe cửa biến mất, bấy giờ mới nhỏm dậy và đi chân không ra cửa sổ. Từ đó, cô nhìn rõ một quãng phố và cửa chính của ngôi nhà Peso. Nếu Peso đi ra, nhất định cô sẽ nhìn thấy. Nhưng phố xá vắng tanh, chỉ có một con mèo chạy dọc vỉa hè rồi chui tọt vào trong sân.
Julia đứng yên như thế khoảng mười lăm phút, mắt dán chặt vào chiếc cửa xa xăm. Trên người chỉ phong phanh chiếc áo lót mỏng, nên khí lạnh ban đêm làm cô rùng mình, mắt cô hoa lên vì cứ nhìn mãi một chỗ. Định chạy vào mặc thêm cái áo, nhưng cô lại không muốn bỏ vị trí dù chỉ một phút. Biết đâu đúng phút ấy, Peso lại chả đi ra? Không, cô không đi đâu, cô sẽ đợi đến cùng!
Chờ mãi, cô lại lo thêm: hay là Peso đã đi rồi? Nếu vậy chả nhẽ cô cứ đứng mãi ở đây, trong khi tính mạng của bạn đang bị đe dọa? Thời gian trôi đi chậm lạ lùng, tưởng chừng mỗi phút dài bằng một giờ. Julia cố cưỡng lại cái lạnh làm rùng mình và cái buồn ngủ làm trĩu mi mắt, nhất định không bỏ vị trí. Đầu óc cô như rỗng tuếch, chỉ còn nhớ một điều: làm sao đừng bỏ lỡ lúc Peso đi ra!
Cuối cùng, cô mất hết khái niệm về thời gian. Cô đợi đã lâu chưa? Một tiếng hay hai? Không rõ. Sắp sáng chưa? Không, bầu trời vẫn đen kịt, và ngoài phố, dãy đèn điện vẫn sáng một cách bình thản.
Bỗng nhiên, vào đúng lúc Julia không ngờ nhất, cánh cửa ngôi nhà đằng trước mở, và Peso đi ra. Julia nhận ngay ra cậu ta, mặc dầu cậu đứng dừng dưới vòm cửa tối để quan sát. Cô chực kêu lên: “Peso!”, nhưng tiếng kêu đọng ngay trong cổ họng. Cô chợt nghĩ ra: ai lại kêu to giữa ban đêm như thế, bố và mẹ sẽ nghe thấy mất? Bấy giờ bố mẹ sẽ nghĩ gì? Sẽ cấm không cho nói tiếp với Peso. Còn Peso sẽ nghĩ sao? Sẽ oán cô suốt đời vì đã làm lộ chuyện bí mật của bọn trẻ trước mặt mọi người. Julia thấy Peso quay lưng đi về phía đầu phố, mà phải bặm miệng không dám gọi. Cả người cô run lên vì bất lực.
Bỗng cô nảy ra một ý: chạy đuổi theo Peso. Cô vớ lấy chiếc áo, mặc vội vào. Khổ một cái, chiếc giày chân trái lại lạc đâu mất. Cô tìm cuống lên khắp gầm giường, gầm bàn, gầm ghế mà chẳng thấy. Có nên bật đèn chăng? May sao, chân cô giẫm phải một vật rắn: đúng là chiếc giày chết tiệt. Cô đi giày rồi, chạy ra cửa sổ. Đây là con đường dễ nhất và ngắn nhất. Nhà Julia ở ngay tầng dưới, cách mặt đất không cao lắm. Thỉnh thoảng cô vẫn trèo qua cửa sổ, bíu chân vào gờ bệ xi-măng rồi từ đó nhảy xuống vỉa hè. Lần này cô trèo nhanh như chớp; chỉ một loáng cô đã ở ngoài phố và quyết tâm chạy theo Peso, không để ý đến một đầu gối bị xước vì chạm mạnh vào tường.
Phố vắng tanh không một bóng người. Nếu có người hẳn người đó phải ngạc nhiên thấy một cô bé ăn vận phong phanh, mặt nhớn nhác, chạy vội trong đêm. Cô đi đâu với vẻ sợ hãi như vậy? Bố mẹ cô đâu? Ai cho phép cô đi đêm một mình? Người đó chắc sẽ giữ cô lại, hỏi đầu đuôi rồi đưa cô về nhà. Nhưng Julia không gặp ai cả; và nếu có gặp đi nữa thì cô cũng chẳng nhận ra ai, vì bao tâm trí còn đang tập trung vào việc đuổi kịp Peso.
Julia chạy, cổ se, chân bủn rủn, nhưng cô vẫn chạy. Bỗng cô thấy đau nhói ở phía trái bụng, chỗ lá lách phải đứng lại và gập người xuống. Nhưng rồi cô lại đi, mới đầu còn bước chậm cho qua cơn đau, sau đi nhanh dần dần và cuối cùng lại chạy. Cứ thế, lúc đi, lúc chạy, Julia đã đến phố nhà Donchev. Thoạt nhìn cô đã thấy không có ai trước cửa. Vừa mệt, vừa hoảng, cô đi chậm lại. Vội vàng làm gì nữa, vì đằng nào cũng chậm rồi! Đến trước cửa nhà, cô do dự một lúc, rồi cầm nắm cửa đẩy khẽ.
Cửa đóng chặt!
Cô bỗng muốn khóc, và nước mắt đã ròng ròng. Không kịp rồi, thế là hết! Nhưng nhỡ cô đến trước thì sao? Có khi Peso chưa tới? Thế thì cậu ta có thể sắp gặp cô ở đây. Thấy cô, cậu sẽ nói gì? Mặc, muốn nói gì thì nói, cô cứ đợi! Nhưng đợi ngay trước cửa này thì không tiện. Cô nhìn quanh. Lần trước đến đây, cô đã để ý thấy ngay đối diện ngôi nhà, có một biệt thự cũ xây theo kiểu lâu đài cổ; chiếc cửa đồ sộ bằng gỗ sên có hai cột cao đứng hai bên; bên trên các cửa sổ đều có hình trạm trổ phức tạp. Từ cửa, có bậc tam cấp bằng đá trắng đi xuống sân um tùm những cỏ. Sân được ngăn cách với phố bằng một tường thấp, trên có hàng rào sắt. Ngôi nhà có vẻ đổ nát; mặt trước hãy còn dấu vết tàn phá của một quả bom từ hồi chiến tranh. Không suy nghĩ gì nữa, Julia bước vào trong sân, luồn qua các bụi cây và nín thở nấp tựa vào chiếc hàng rào sắt. Đứng đây quan sát rất tốt, vì trông rõ ra phố và ngôi nhà trước mặt.
Julia chăm chú nhìn. Phố vẫn vắng tanh, và cửa sổ căn phòng có bọn gián điệp ẩn vẫn tối om, bịt kín bằng giấy báo.
Julia thở dài và kiên nhẫn đứng đợi.