Những Dấu Vết Còn Lại - Chương 07

SỰ VIỆC DỒN DẬP

Ba ngày trôi qua không xảy ra chuyện gì đặc biệt.

Bọn trẻ vẫn không rời Toromanov. Thỉnh thoảng lão lại ra khỏi nhà, xách túi đi mua bán. Chỉ có một lần, lão đến cửa hiệu tạp hóa của vợ, nhưng không ở đó lâu mà cũng không quan hệ đặc biệt gì với khách hàng. Tiếp đó lão vào một hiệu sách cũ, mua hai quyển truyện rồi thủng thỉnh về nhà.

Đến ngày hôm thứ tư thì mọi việc xảy tới dồn dập. Từ sớm Bebo đã tới chỗ tụ tập trong công viên và nhắn tìm Peso. Khi tất cả đã tới đủ, Bebo rút túi ra một mảnh giấy và bắt đầu đọc, vẻ bí mật:

Đồng chí Bobev thân mến...

Nhưng Peso ngắt lời:

– Cái gì đấy đã? Thư à?

– Cứ đợi, sẽ biết!

– Nhưng hãy nói cậu đọc gì...

– Thư, chứ còn gì! – Bebo bực mình.

Nó đành phải kể lai lịch bức thư trước khi đọc tiếp. Sáng nay, Bebo vào phòng làm việc của bố và thấy có một cái thư trên bàn nên đã “vô tình” đọc. Thư gửi một người tên là Bobev, giám đốc khu mỏ “Nonferrous”.

“Đồng chí Bobev thân mến,

Cách đây mấy ngày, kỹ sư Toromanov có đến nhờ tôi lấy thế quen biết anh để xin cho hắn vào làm ở khu mỏ của anh. Tất nhiên tôi từ chối, nhưng sợ rằng hắn lại nhờ người khác nói với anh, mà anh lại đang cần kỹ sư nên tôi phải viết thư này để báo anh biết rằng Toromanov là một tên phát-xít chính cống, rất nham hiểm. Trước ngày chín tháng chín*, tôi với hắn cùng làm ở công binh xưởng của quân đội ngụy, lúc ấy hắn là kỹ sư và đóng đại tá. Chính do hắn mà một tổ chức bí mật của ta bị khám phá (tổ chức này định lấy cắp vũ khí chuyển ra cho du kích), và một đồng chí ta vì thế bị xử bắn. Sau ngày 9-9, Toromanov bị ta bắt giam một thời gian, sau được thả vì không đủ chứng cớ. Phần tôi, vẫn tin chắc rằng chính hắn là thủ phạm. Nay hắn muốn tìm việc làm, tôi không phản đối. Có thể sử dụng hắn vào việc khác, nhưng làm ở một xí nghiệp có nhiều bí mật quốc gia như xí nghiệp anh thì không được. Riêng việc hắn muốn xin vào làm ở đó cũng đã đáng ngờ và khiến ta phải cảnh giác.

Thân ái! K. Apostolov”

Ngày 9-9-1944, ngày giải phóng nước Bulgaria khỏi ách phát-xít Hitler – ND.

Bebo đọc xong, bọn trẻ nhìn nhau. Costa không ngăn nổi tức giận:

– Đồ đốn mạt! Tố cáo để giết người cộng sản!

– Tên tội phạm!

– Mình đã nghĩ ngay là có chuyện ám muội mà. – Vesselin nói. – Sắp tới mà không khám phá ra cái gì thì tớ xin cứ chịu chặt đầu!

– Cần phải biết đồng chí Bobev và xí nghiệp này là thế nào.

Tất nhiên, Bebo lại được giao nhiệm vụ này, điều mà nó sẵn sàng nhận, Peso dặn:

– Nhưng phải cẩn thận nhé, không để cho ai biết!

– Yên trí!

– Chúng tớ chưa yên tâm lắm. – Vesselin lại nói. – Nhỡ bố cậu bất thình lình về để lấy thư thì cậu ăn nói ra sao?

– Chẳng nói gì cả.

– Sao lại chẳng nói gì? – Peso cau mày.

– Bố tớ sẽ không hỏi gì mà.

– Ngu!... Thấy mất thư thì bố cậu phải hỏi chứ?

– Cậu ngu thì có, – Bebo vênh mặt. – Thư vẫn còn nguyên trên bàn. Bản này là tớ chép lại đấy chứ!

Câu trả lời chắc nịch khiến cho Peso bị chạm tự ái cũng không thể không phì cười cùng với cả bọn. Ai nấy đều nhìn Bebo với con mắt nể vì. Chà, bọn nhóc này! Cứ tưởng chúng không biết gì, hóa ra khi bắt tay vào việc chúng cũng khôn đáo để.

Đến trưa, bọn trẻ lại chia tay. Charlie rảo bước về nhà. Nó không yên tâm: Sáng nay nó vội đi mà không xin phép mẹ, xưa nay nó không thế bao giờ. Mẹ nó ở góa từ hơn mười năm nay. Để kiếm đủ sống nuôi con, bà nhận may vá quần áo cho bà con chung quanh, nhất là cho những bà không có điều kiện đi may ở những hiệu may sang trên phố. Nghỉ hè và lúc rỗi, Charlie thường giúp mẹ làm bếp và đi mua bán. Sáng nay là lần đầu tiên nó đi chơi không báo mẹ biết, cũng không giúp mẹ việc gì: chả là nó lo chậm đến nơi họp với các bạn!

Lên tới gác hai, Charlie bấm chuông, rụt rè như người có lỗi. Đó là cách để nó báo cho các bà khách của mẹ nó biết là có người lạ. Lần này, không có ai ra mở cửa. Ngần ngừ một lúc, nó rút chìa khóa trong túi ra mở cửa lấy.

Đứng ở phòng ngoài, nó nghe có hai giọng nói, một là giọng nói nhẹ nhàng, dịu dàng của mẹ, một là giọng nói the thé và hơi gắt gỏng của một bà khách lạ.

– Ai đấy? – Tiếng mẹ nó dịu dàng hỏi.

– Con. – Charlie vừa bước vào vừa đáp.

Trong phòng, giống như mọi lúc mẹ đang bận việc, ngổn ngang đủ thứ: chỉ rối, mảnh vải, mẫu cắt, lõi chỉ vương vãi khắp nơi. Một bà khách cao lớn, sang trọng, tóc bạch kim, đứng trước tấm gương lớn treo trên tường; mẹ thì đang cầm thước để đo cho khách. Charlie đứng cạnh cửa, im lặng chờ đợi. Mẹ nói giọng bình thường. Charlie thấy trong đó không có ý gì buồn phiền hay trách móc:

– À, con về vừa kịp! Xuống rửa bát đi con!

Charlie hơi khó chịu. Như mọi đứa trẻ mồ côi cha khác, nó rất yêu mẹ, hết sức giúp đỡ mẹ việc vặt trong nhà, nhưng nó không bằng lòng khi bị mẹ sai bảo trước mặt người lạ. Chẳng gì nó cũng là con trai, để người khác biết là nó phải rửa bát như một bà già thì thật xấu hổ!

– Vâng. – Nó đáp gọn và định đi ra.

Đúng lúc ấy, nó nhìn vào gương và kinh ngạc đứng sững lại: trong gương nó thấy bộ mặt gầy gò, khó tính và đầy son phấn của mụ vợ Toromanov. Sự ngẫu nhiên kì lạ! Đang nói đến chó sói thì lại tóm được đuôi nó ở đây! Charlie trấn tĩnh lại, đi ra, nhưng cố ý để cửa hé mở. Nó hết sức tò mò và hy vọng mỗi lời nói nghe được của vợ Toromanov sẽ gợi ra được một tia sáng giúp nó lần ra một đầu mối quan trọng.

Xuống bếp, Charlie nhúng vội bát đĩa vào nước nóng rồi bỏ giày, rón rén đi lên phòng ngoài. Nó nín thở lắng nghe xem mẹ và khách nói gì. Nó không cho việc nghe trộm đó là xấu, và tự nhủ: làm thế là vì mục đích cao cả.

Tiếng mẹ Charlie nhỏ nhẹ:

– Loại vải hoa của bà thuộc loại trung bình thôi ạ. Nhưng tôi có một số kiểu may mới và đẹp, sẽ làm cho áo may nổi hẳn lên...

– Không, không. – Mụ Toromanova ngắt lời. – Bà chưa hiểu ý tôi. Tôi không thích loại áo kiểu mới lộng lẫy. Tôi chỉ muốn may hai chiếc áo mặc nhà, loại giản dị, bình thường thôi! Tuyệt đối không may cái gì nổi quá, bà nhớ cho nhé!

– Thật đáng tiếc, nếu không thì may kiểu này thật là hợp với dáng người của bà. Bà xem thân áo có nền không; cổ không hở nhiều quá, nhưng đủ rộng và để lộ hai vai...

– Không, không, không may cổ rộng!

– Thưa bà, sao thế ạ? Tôi tưởng ở tuổi bà, mặc áo kiểu ấy vẫn rất đẹp chứ ạ?

Lời khen ấy hẳn làm bà khách thích thú nên bà ta dịu giọng:

– Vâng, đành thế, nhưng thời buổi bây giờ nó khác! Mặc áo hở cổ, người ta lại bảo là tư sản? Cứ giản dị là chắc chắn hơn.

Im lặng một lát, lại nghe tiếng nói của mẹ, có ý không bằng lòng:

– Bà cứ nói quá thế. Có ai khắt khe thế đâu, ai ăn mặc gì là tùy thích.

Mụ Toromanova đỏng đảnh:

– Vâng, thì ý thích của tôi là may áo giản dị, bà cứ làm thế cho.

– Thế còn mớ vải chéo go?

– Cái đó bà may cho tôi một chiếc váy thể thao, loại bình thường, cài khuy phía trước ấy.

– Thế là nhiều công đấy. Làm sao tôi có thể may xong hầu bà trong một tuần lễ được?

– Lâu thế kia à? – Mụ Toromanova sốt ruột. – Có hai cái áo đơn giản, một cái váy càng đơn giản hơn nữa! Tôi tưởng chỉ năm ngày là đủ. Nhất định bà phải làm xong cho tôi! (mụ nhấn mạnh hai chữ “nhất định” như ra mệnh lệnh). Điều đó rất quan trọng đối với tôi.

Lại một phút im lặng. Tiếng mẹ nói tiếp:

– Dạ, không thể được ạ. Tôi còn nhiều việc của những người khác đưa trước.

– Thì bà hãy gạt những việc đó sang một bên trong vài ngày...

– Dạ, gạt thế nào được ạ. Xưa nay tôi không hề lỡ hẹn với khách bao giờ.

– Nếu thế thì bà hãy làm thêm giờ! Làm khuya hơn trong một vài ngày thì nhất định xong. Bà chớ ngại, nếu cần tôi sẽ trả tiền công gấp đôi, nhưng phải xong áo cho tôi trong một tuần lễ!

– Bà sắp đi xa ạ?

– Phải… – mụ Toromanova miễn cưỡng đáp. – Vì thế mà tôi cần lấy áo sớm.

Charlie không nghe rõ mẹ trả lời ra sao. Có tiếng lục xục trong phòng, tiếng chân người; nó vội vàng chạy biến xuống bếp. Mười phút sau, nó vừa rửa xong bát đĩa thì mẹ vào. Charlie nhìn vẻ mặt mệt mỏi của mẹ, hỏi như để cho có chuyện:

– Bà ấy về rồi, hả mẹ?

– Ừ. – Mẹ vừa nói vừa mở nắp nồi thức ăn xem thử: mùi thịt và mùi hành tỏi bốc lên thơm lừng, ấm cả bếp.

– Vợ ông Toromanov đấy, hả mẹ? – Charlie vẫn hỏi, giọng thản nhiên.

– Ừ.

– Con chưa thấy bà ta đến đây bao giờ.

– Ừ, đây là lần đầu tiên. – Rồi mẹ như nghĩ ngợi, chép miệng. – Thời buổi khác thật! Cứ như trước, thì chả bao giờ bà ta thèm đến nhà mình. Bà ta may ở các hiệu sang kia!

Ngẫm nghĩ một lát, mẹ lại thở dài:

– Gớm, sao mà ngày xưa bà ta khó tính, và keo kiệt nữa!

– Keo kiệt? – Charlie ngạc nhiên nhắc lại.

Cả hai mẹ con đều thoáng có chung một ý nghĩ.

– Ừ, thế mà bây giờ mẹ không ngờ. Ngày xưa lúc còn giàu có, bà ấy chi li từng đồng, vậy mà vừa rồi lại bằng lòng trả tiền gấp đôi để may mấy cái áo vải xoàng.

Lúc ngồi ăn, Charlie cố gợi chuyện lại, nhưng khi thấy rõ không thể biết được thêm điều gì nữa, nó thôi không hỏi và bắt đầu suy nghĩ: “Sao mụ Toromanova lại may vội quần áo như vậy? Hai vợ chồng lão chuẩn bị chuồn chăng?”. Ý nghĩ ấy làm nó không yên tâm. Nó ăn vội, lí nhí xin phép mẹ rồi đi ra.

Bên ngoài thời tiết rất đẹp. Mặt trời chói lọi, nhưng không nóng lắm vì có gió nhẹ từ phía núi thổi về. Charlie đi về phía nhà Peso, nhưng sực nhớ hôm nay là phiên gác của Peso, nên nó rẽ ra công viên tìm. Ngoài công viên cũng vắng vẻ. Hai bà cụ già ngồi thiu thiu dưới gốc cây; ở đầu kia có một nhóm thanh niên – chắc là thuộc một đội văn nghệ nghiệp dư từ nông thôn lên – đang khe khẽ hát một bài dân ca. Nhưng không thấy Peso. Nó bực mình: “Chắc Peso lại đi theo Toromanov. Hừ, chúng mình mất thời giờ vô ích bám sát hắn, trong khi đó thì hắn cứ đàng hoàng ngày ngày đi chơi. Rồi một hôm nào đó là hắn chuồn mất!”.

Charlie thọc tay vào túi, suy nghĩ một lát, rồi đi về phía nhà Vesselin. Đến nhà Vesselin bao giờ cũng thích. Không những vì nhà Vesselin mát, sạch, dễ chịu, nhà còn vì mẹ Vesselin rất hiền từ, niềm nở, bọn trẻ đứa nào cũng mến.

Lần này mẹ Vesselin cũng rất ân cần. Bà xoa đầu Charlie và làm bộ mắng:

– Chà, lần này cháu phải thú tội đi!

Charlie không hiểu chuyện gì, cứ hỏi ào:

– Vesselin có nhà không, bác?

– Hãy nói hôm qua cháu ăn bao nhiêu chiếc kem đã, rồi bác sẽ cho vào thăm nó.

– Dạ, cháu ăn có hai ạ!

– Hai mà là còn ít? Vesselin ốm. Cháu vào mà thăm nó. – Nói rồi, bà đẩy Charlie vào phòng trong.

Vesselin nằm ốm trên giường thật. Phòng thoáng, mát, ánh sáng dìu dịu xuyên qua các rèm cửa bằng vải hoa. Charlie cẩn thận khép cửa và lại gần giường:

– Sao, ốm à?

– Hừ... – Vesselin rên, giọng lạc hẳn đi.

– Tại ăn bốn cái kem liền, thảo nào. Đau bụng à?

Vesselin chống tay ngồi dậy, bí mật thì thào:

– Chẳng đau gì, tớ giả vờ đấy!

– Giữa lúc này mà lại giả ốm... – Charlie ngạc nhiên nói.

Nhưng Vesselin cắt ngay:

– Tớ nói cho mà nghe. Ngày mai tớ phải đi trại hè thiếu niên, nhưng lúc này tớ không muốn đi. Tớ sẽ bảo ba tớ ghi tên tớ đi đợt sau vậy. Miễn là mọi người tin mình ốm thật!

Charlie nhìn bạn, thông cảm gật đầu:

– Thế thì đáng buồn cho cậu thật. Phải nằm mèo từ nay cho đến sáng mai thì khổ nào bằng!

– Ờ, cũng chả đến nỗi khổ lắm... Nằm đây, tớ lại nghĩ ra vô khối sáng kiến!

– Thật à? – Charlie thốt lên. Nó vốn rất phục tài Vesselin nên sẵn sàng nghe bạn kể.

– Một sáng kiến rất cừ nhé! Ví dụ: cậu uống một thứ nước gì đó, và hấp, trở nên vô hình, như biến mất trong không khí. Kẻ thù không trông thấy cậu, ngược lại cậu tha hồ theo dõi kẻ thù, có thể vào tận sào huyệt bí mật nhất của chúng cũng được.

Vesselin đưa mắt nhìn bạn. Charlie không vồ vập hoan nghênh ngay như nó chờ đợi, mà chỉ tỏ vẻ đăm chiêu, suy nghĩ. Tất nhiên, việc này không có gì lạ lắm. Đứa trẻ nào mà chẳng từng mơ trở nên vô hình?

– Một thứ nước? – Charlie tò mò hỏi lại.

– Ừ, thứ nước…

– Nếu có thứ nước ấy, chắc phải đắng lắm.

– Đắng? – Vesselin lúng túng. – Thú thật tớ chưa nghĩ đến điều ấy. Nhưng ai cấm cậu pha thêm đường vào cho ngọt!

– Ừ nhỉ. Nếu làm được thế, thì chúng mình chẳng phải bám theo Toromanov như cái đuôi nữa nhỉ. Chúng mình sẽ khám phá ngay bí mật về chiếc chìa khóa!

Vesselin gật đầu như tiếc rẻ.

Bỗng Charlie chợt nhớ mục đích đến đây. Nó lấy tay vỗ trán:

– Khổ quá! Tớ đến đây chính vì việc Toromanov. Theo tớ, hai vợ chồng lão sắp chuồn đến nơi.

– Chuồn? Cậu nói sao? – Vesselin chồm lên như bị điện giật.

Charlie liền tường thuật tỉ mỉ những điều nó nghe và biết được ở nhà. Hai bạn quên phắt ngay thứ nước tàng hình, chúi đầu vào những bí ẩn của câu chuyện ly kỳ mà mấy hôm nay chúng đang bị lôi cuốn.

Vesselin suy nghĩ và nói:

– Kể cũng lạ. Sao mụ ta lại vội lấy áo thế? Chúng mình cần phải mò cho ra!

– Tớ thấy còn một điều lạ nữa. – Charlie nói. – Tại sao mụ Toromanova lại chỉ may những áo xuềnh xoàng? Chắc không phải vì muốn giản dị tiết kiệm! Cứ nhìn mụ ta thì biết ngay mụ chẳng sợ mang tiếng tư sản! Cũng không phải vì thiếu tiền. Mụ ấy mua loại vải rẻ tiền, nhưng lại sẵn sàng trả công may gấp đôi! Thế là thế nào?

– Cậu có ý kiến gì không? – Vesselin hỏi.

– Tớ nảy ra một ý, không biết có đúng không? Theo mình, mụ Toromanova có ý định cải trang, ăn mặc như một người bình thường, như mẹ mình chẳng hạn...

– Mình không tin thế. Dù mụ có thay đổi quần áo thì cái mặt vẫn không đổi được. Nhìn mặt mụ với bộ tóc nhuộm, với đôi lông mày tỉa ấy, người ta biết tỏng ngay là loại người thế nào!

– Cậu nhầm rồi! Tóc, mụ có thể nhuộm lại; lông mày, mụ cũng sửa lại được. Chỉ cần rửa xà phòng kỹ, mụ sẽ biến đổi đến mức cậu không nhận ra đâu!

Vesselin suy nghĩ:

– Theo ý cậu, mụ muốn giả làm người bình thường làm gì?

– Tớ biết đâu! – Charlie nhún vai, đáp. – Có thể mụ muốn cùng chồng vượt biên giới. Nếu cứ để mặt mũi son phấn lòe loẹt như bây giờ thì rất dễ bị tóm!

– Ừ, ừ. – Vesselin gật gù. – Hóa ra chuyện này ngày càng rắc rối!

– Vì thế tớ mới phải chạy vội đến cậu. Sợ nó xổng khỏi tay chúng mình!

– Cũng có thể. – Vesselin sa sầm mặt, lo lắng.

– Nếu thế thì nguy to. Mình làm việc tốt lại hóa việc xấu... Nếu Toromanov trốn thoát, lỗi sẽ tại chúng mình! Mình để nó xổng, chứ công an thì không đời nào!

– Nếu vậy, phải báo công an thôi. – Vesselin buồn bã nói.

– Mình cũng thấy thế là hơn cả. – Charlie cũng buồn rầu xác nhận.

Thật chẳng khác gì căn phòng đang sáng sủa bỗng tối sầm lại. Mấy hôm nay rình mò Toromanov, theo dõi xem lão đi đâu, đương đầu với lão trong một cuộc chiến đấu vô hình, bọn trẻ thấy cuộc sống thật phong phú, thú vị. Lần đầu tiên chúng bước vào những cái phức tạp của cuộc đời, lần đầu tiên chúng cảm thấy đang làm một việc quan trọng trong đó chúng phải chịu trách nhiệm về hành động của mình như những người lớn, điều đó làm chúng hết sức tự hào, vinh dự. Nếu chúng tiến hành điều tra vụ này ra manh mối thì sướng biết mấy! Chúng sẽ có cảm giác trở thành những con người, những công dân chân chính! Vậy mà bây giờ lại sắp giao tất cả cho công an, còn mình thì lặng lẽ rút lui! Cuối cùng. Vesselin nói:

– Dù sao cũng phải bàn với Peso đã.

Ý nghĩ ấy làm cho chúng phấn khởi thêm một chút. Chúng thầm hy vọng Peso sẽ không đồng ý. Mặc nhiên, chúng cảm thấy Peso là người cao hơn chúng, có thể gánh những trách nhiệm mà chúng không gánh được. Vesselin nói:

– Cậu ra công viên đợi Peso về, rồi cả hai lại đây, chúng mình sẽ cùng bàn!

Charlie hối hả đi ra công viên. Peso chưa có ở đấy, nhưng Charlie không phải đợi lâu. Nửa giờ sau, Toromanov đã xuất hiện ở đầu phố, vẫn mặc bộ áo trắng ấy, tay vẫn xách cái túi ấy. Lão đi thủng thỉnh không nhìn xung quanh. Đi theo sau lão, cách chừng năm chục bước là Peso và Bebo, cũng dáng đi thủng thỉnh như thế.

Lát sau, cả bọn đã tập hợp đông đủ trong công viên. Charlie khéo léo lấy cớ Vesselin ốm muốn gặp Peso, kéo Peso ra một chỗ. Vừa đi, Peso vừa kể rằng chuyến đi vừa rồi của Toromanov không có gì đặc biệt. Lão đến cửa hiệu của vợ khoảng nửa giờ, rồi đi mua độ chục tút thuốc lá, ghé qua một cửa hàng bán dụng cụ thể thao nhưng không mua gì, rồi về. Peso kết luận:

– Mấy hôm nay, không có tiến bộ gì. Sắp tới kết thúc rồi mà chúng mình vẫn chưa hiểu ra sao?

– Đúng thế. Lên nhà Vesselin, sẽ biết.

Trong phòng Vesselin, hai đứa cho Peso biết những việc mới xảy ra và nhận định của mình. Thỉnh thoảng Peso lại ngắt lời để hỏi thêm vài chi tiết. Vesselin hơi khó chịu vì thái độ lầm lì của bạn, kết luận:

– Chúng mình phải quyết định xem cần làm gì.

Peso không nói gì. Thái độ trầm tĩnh, hơi lạnh lùng ấy làm Vesselin nghĩ rằng cách trình bày sự việc rối rắm của nó có lẽ đã không gây được ấn tượng với bạn. Hai đứa càng nói, mặt Peso càng lì ra, nhưng sau cái vỏ bên ngoài ấy, là cả một cơn bão tố. Thế là hết chăng? Phải trao cả câu chuyện lớn lao này cho người khác chăng? Chỉ nghĩ thế, Peso đã thấy người lạnh toát, mặc dầu nó biết hai bạn nó đã rút ra kết luận đúng. Vụ này ngày càng phức tạp và vượt quá khả năng của chúng. Bắt đầu từ lúc này, mỗi bước đi sai đều có thể mang hậu quả tai hại. Chúng phải rút lui ư? Trả lại hết cho công an? Peso mím chặt môi. Đến nay, việc chúng đã làm được không phải nhỏ; có thể nói chúng đã làm phần chủ yếu. Chính chúng đã phát hiện tên tội phạm và nơi đi lại của nó, đã đoán được mưu đồ của nó. Chúng có thể làm hơn nữa không? Được chứ! Trước hết, chiếc chìa khóa đánh rơi kia mở được cái cửa bí mật nào? Chao ôi, nếu chúng cố khám phá thêm được điều đó rồi hãy trao lại cho công an!

Vesselin có vẻ không vừa ý, hỏi:

– Cậu có nghe mình nói không?

Peso vẫn như lơ đãng:

– Có, mình nghe hết.

– Thế cậu nghĩ sao?

Peso quay lại phía Charlie:

– Bao giờ mụ Toromanova đến lấy áo?

– Thứ tư sau.

– Được, hãy còn sáu ngày nữa! Vậy đi đâu mà vội? Đã ai kề dao vào cổ chúng mình đâu?

– Chúng mình không nói thế!

– Thế này nhé. Chỉ có hai trường hợp: những điều các cậu nói hoặc là đúng, hoặc là không đúng. Nếu đúng, thì vợ chồng Toromanov chưa làm gì trước khi chuẩn bị xong, nghĩa là trước khi mụ ta lấy được áo. Phải không nào?

– Phải. – Vesselin nói.

– Trường hợp các cậu nói sai, thì chả có gì đáng cuống lên mà phải quyết định vội vã. Tớ đề nghị thế này: đúng ngày mụ Toromanova lấy áo, chúng mình sẽ đến kể hết cho công an. Được không?

Vesselin và Charlie nhìn nhau, hài lòng.

– Tất nhiên là được.

Sau cuộc bàn luận nặng nề ấy, cả ba cười vui vẻ như vừa trút được một gánh nặng.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3