Những Dấu Vết Còn Lại - Chương 05
JULIA MẤT TÍCH
Hết ngày thứ hai, Peso mới nhận thấy nhóm của cậu ít người quá, khó mà hoàn thành được một nhiệm vụ quan trọng như thế. Bản thân vấn đề cũng trở nên khó khăn, ly kỳ hơn nó tưởng.
Sáng hôm sau, người áo trắng không ra khỏi nhà. Peso và Vesselin đứng gác, vì Costa bận ngồi thường trực thay cha. Thời gian dài như một ngày đói bụng. Chúng có cảm tưởng như đã đứng suốt một ngày dán mắt vào cửa ngôi nhà.
Buổi chiều, đến lượt Costa và Julia. Khoảng bốn giờ chiều thì Toromanov ra khỏi nhà và đi về phía trung tâm thành phố. Costa và Julia theo sát ngay, nhưng cố giữ để khỏi bị lão để ý. Song, có lẽ chúng đã hành động quá hăng hái và lộ liễu thế nào, vì đến đầu phố Alabinska, Toromanov bỗng biến mất trong đám đông. Chúng lùng khắp các quầy hàng, cửa hiệu, vào cả các hiệu cắt tóc, hiệu bánh, cũng chẳng thấy, đành lủi thủi ra về. Buổi tối, lúc hội ý, Peso không nói gì nhưng nhìn chúng bằng con mắt coi thường.
Sáng hôm tiếp sau nữa, Toromanov lại ở lì trong nhà. Khoảng bốn giờ chiều, lão lại ra đi về phía phố Ignatiev, tay xách chiếc túi đi chợ. Lần này Costa và Julia quyết định giữ khoảng cách với lão gần hơn trước. Julia ít bị nghi ngờ hơn, thì đi ngay đằng sau lão, còn Costa đi cách sau độ năm mươi mét, cố gắng để khỏi mất hút tà áo sặc sỡ của Julia.
Cuộc bám đuổi diễn ra không lâu. Toromanov rẽ vào một cửa hiệu. Julia dừng lại chờ để chỉ cho bạn lối lão vào. Đó là một cửa hiệu bán sách cũ. Costa bước vào luôn. Người áo trắng đang đứng trước một ngăn sách xem kỹ từng quyển. Costa mạnh dạn lại gần và cũng vờ xem sách, để không bỏ sót một cử chỉ hoặc một lời nào của lão.
Nhưng không xảy ra chuyện gì đặc biệt. Toromanov mua một chồng tiểu thuyết cũ, trả tiền, bỏ sách vào túi rồi thủng thỉnh theo đường cũ trở về nhà...
Đến tối, Costa kể lại tất cả cho nhóm. Ai nấy chăm chú nghe và suy nghĩ. Peso hỏi:
– Cậu có để ý lão ta mua những sách gì không?
– Toàn tiểu thuyết...
– Có nhớ được tên vài quyển không?
Costa ngớ người, đưa tay lên gãi đầu:
– Mình không nhìn hết. Có một quyển là truyện trinh thám. Hình như tên là “Xạ thủ xanh”.
Peso nói:
– Thấy lão mua nhiều sách thế mà cậu không nghi ngờ à? Thường người ta chỉ mua một hay hai quyển, đằng này lão mua một lúc bảy, tám quyển, mà hình như toàn truyện hồi trước...
Mọi người còn hỏi Costa nhiều điều nữa: cửa hiệu có đông khách không, Toromanov có chuyện trò gì với những người bán hàng không, lão có vẻ là khách quen không... Đến câu hỏi này thì Costa đáp ngay:
– Lão là khách quen. Chú bán sách rút một quyển ở trong quầy và nói: “Đồng chí Toromanov, tôi đã giữ quyển này dành riêng cho đồng chí”.
Mọi người im lặng. Nghĩ cho cùng, điều ấy cũng chả có gì đặc biệt.
Cuối cùng, đứa nào cũng đi đến một kết luận giống như điều Vesselin đang nghĩ. Nhóm của chúng nhỏ quá, không đủ sức hoàn thành nhiệm vụ liên tục theo dõi Toromanov. Ai nấy ngạc nhiên khi thấy Peso đỏ mặt, lên tiếng đầu tiên:
– Tớ thấy có lẽ phải mở rộng nhóm. Nếu Toromanov trông thấy chúng mình luôn, lão sẽ ngờ. Mà chỉ cần ngờ một chút là hỏng bét. Vì vậy phải có nhiều người cùng theo dõi lão một lúc...
– Hoan hô, tớ đã bảo mà! – Vesselin thốt lên.
– Thế đồng ý kết nạp Bebo chứ? – Julia nhanh nhảu nói.
Peso lườm cô thật nhanh tỏ vẻ coi thường và khó chịu nhưng không nói gì.
– Thằng ấy sẽ không lộ chuyện đâu! Vả lại ta bắt nó lấy danh dự đội viên ra hứa.
– Được, thì nhận Bebo! – Peso nói… – Nhưng mình thấy thế vẫn còn ít.
Bàn bạc hồi lâu, chúng quyết định bước đầu sẽ “kết nạp” thêm sáu bạn trai nữa. Sáu đứa đều sàn sàn tuổi chúng, đều là bạn thân và tất nhiên, đều là đội viên tích cực của Đội thiếu niên. Cũng quyết định là cả sáu đều phải tuyên thệ giữ bí mật với bất cứ ai, dù người thân đến đâu, mặc lòng. Ngoài ra, tất cả đều phải qua một cuộc kiểm tra về dũng cảm. Ý kiến này là do Peso đưa ra, và tất cả đều tán thành, tuy chưa đứa nào biết rõ nội dung kiểm tra ra sao. Lại bàn bạc hồi lâu, đưa ra đủ thứ đề nghị. Cuối cùng nhất trí là mỗi người trong nhóm phải vượt qua hai thử thách nguy hiểm. Thứ nhất, phải đi chân đất nhảy qua hàng rào dây thép gai khá cao ngoài vườn hoa, điều này tương đối dễ. Thứ hai, khó khăn hơn: phải đi qua cái cầu bắc trên lạch nhỏ, không phải đi trên cầu, mà đi trên thành cầu. Costa ngập ngừng:
– Nguy hiểm lắm! Nhỡ đứa nào mất thăng bằng ngã xuống lạch, ít nhất cũng gãy cẳng.
– Làm gì nguy hiểm đến thế! – Peso nói. – Nếu mất thăng bằng thì nhảy xuống mặt cầu thôi!
– Thế nhỡ nó mất thăng bằng về phía bên kia?
– Mặc kệ, đứa nào không có gan, thì nhóm mình cũng cóc cần.
– Thế anh qua được không? – Julia lo lắng hỏi.
– Được thừa. Ờ, nhưng đằng ấy thì qua sao được nhỉ?
Bọn chúng liền quyết định miễn cho Julia môn kiểm tra nguy hiểm ấy. Nhưng đối với những đứa khác, Peso kiên quyết không nhượng bộ. Vesselin và Costa cuối cùng đành phải đồng ý, mặc dầu chúng vẫn thấy bày trò ấy là hơi quá đáng.
– Phải thử thách xem người của chúng ta ra sao chứ! – Peso nói. – Chúng mình không cần đến những đứa gà rù. Đứa nào can đảm thì qua được ngay, còn đứa nào nhút nhát thì hết nói khoác.
Costa vẫn chưa thông lắm, nhưng chỉ lẩm bẩm:
– Thôi được.
Tập hợp những ông bạn mới không khó lắm. Lễ tuyên thệ được tổ chức ngay tối hôm đó trong vườn hoa. Đêm rằm, các bồn hoa và lối đi lung linh dưới ánh trăng mờ ảo; bóng cây hắt xuống càng làm cho những đứa trẻ thêm vẻ nghiêm trang, trịnh trọng. Tất cả đều hiểu lần này không phải chuyện trẻ con hoặc trò chơi hè, mà là một cái gì rất quan trọng. Những đứa mới được “kết nạp” chưa biết chúng sẽ phải làm gì. Sau cuộc kiểm tra dũng cảm, chúng mới được phổ biến.
Đêm đó, phần lớn bọn trẻ đều khó ngủ vì sốt ruột và hồi hộp. Vì vậy sáng hôm sau đứa nào cũng đến chỗ hẹn rất sớm. Costa và Julia tiếp tục có mặt ở vị trí trinh sát, còn những đứa khác bắt đầu cuộc kiểm tra. Môn nhảy rào thép gai diễn ra trôi chảy. Rào hơi cao và những gai thép nhọn có làm cho chúng hơi ngại, và một vài đứa ngập ngừng trước khi nhảy. Nhưng rồi đứa nào cũng vượt qua, tuy sau đó đầu gối có run lên vì hú vía.
Xong được môn đầu, cả bọn kéo về phía cầu. Thanh gỗ làm thành cầu khá hẹp nên đứa nào cũng ngập ngừng lo ngại. May thay, lòng lạch bằng sỏi lại có cát bồi và cỏ mọc, nếu có ngã chắc cũng không đến nỗi nào. Tuy nhiên thành cầu khá cao. Lũ trẻ nhòm xuống đáy lạch, nhìn nhau do dự.
– Không can gì đâu mà sợ! – Peso động viên các bạn nhưng lần này giọng cậu cũng không vững vàng lắm.
– Không can gì, nhưng đứa nào lộn cổ xuống thì cũng chìm nghỉm! – Vesselin nhận xét.
Peso lườm nó một cái, vẻ không bằng lòng:
– Đâu nào, nước không sâu! Vả lại thà ngã xuống nước còn hơn là ngã xuống đá... Êm như ru...
Peso đi qua trước để làm gương. Nó giơ ngang hai tay lấy thăng bằng và vượt qua cầu một cách nhẹ nhàng, mắt nhìn thẳng, chân không vấp một lần nào. Cả bọn mỉm cười yên tâm khi thấy cậu ta nhảy xuống đất phía bên kia cầu. Peso nói:
– Tớ sẽ xuống đứng dưới cầu. Đứa nào ngã, tớ đỡ cho.
Thật là một cử chỉ đẹp đẽ và có tác dụng. Vesselin là người thứ hai qua cầu. Nó không qua trôi chảy như Peso. Mới bước vài bước, nó đã lảo đảo, mất thăng bằng và phải nhảy xuống mặt cầu. Nó trèo lan can lần thứ hai và lần này mới qua được.
Người thứ ba là Nasko – Một cậu bé khỏe mạnh, to lớn so với tuổi. Cậu ta qua cầu nhanh nhẹn chẳng kém Peso.
Đến lượt Bebo. Lúc cậu ta bước lên lan can, da mặt trắng như da con gái trông càng nhợt nhạt, và mớ tóc vàng như dựng đứng sau gáy. Vesselin hơi lo, hét:
– Cứ bình tĩnh, đừng sợ!
Bị chạm tự ái, Bebo cau mày mạnh bạo bước trên thanh gỗ. Đến đúng giữa, ở dưới là nước, nó bỗng mất cân bằng tay hoa lên chới với. Bọn trẻ sợ hãi nín thở. Có đứa hô:
– Nhảy xuống!
Nhưng Bebo đã lấy lại được cân bằng, tiếp tục bước chậm, đầu gối hơi run. Lúc tới đích, Vesselin thấy mặt nó đầm đìa mồ hôi.
– Hoan hô! – Vesselin rỉ tai nói. – Tớ biết thế nào cậu cũng đạt mà.
Bây giờ người đến gần lan can là Charlie – một cậu bé nhỏ người nhưng rất nhanh nhẹn, vốn là “cây cù” của cả bọn. Nét mặt linh lợi và thông minh không tỏ chút nào bối rối. Mắt nhìn vẫn vui vẻ như mọi khi. Ai cũng ưa Charlie và đều muốn nó qua cầu thắng lợi. Charlie bước lên lan can, còn cúi gập người xuống chào, rồi ra vẻ không bằng lòng:
– Ồ, tiếc quá! Chả thấy có phóng viên quay phim nào nhỉ!
Charlie lại cúi chào một lần nữa rồi mới nhanh nhẹn bước đi trên thành cầu, vừa đi vừa múa tay như chỉ huy một dàn nhạc. Nhưng số phận run rủi không cho nó đi tới đích.
Một đồng chí công an ở đâu bỗng xuất hiện, hét to:
– Xuống ngay!
Charlie tuân lời và nhảy xuống mặt cầu.
– Các em làm gì thế này?
– Chúng em chơi ạ. – Cả bọn đồng thanh đáp.
– Chơi dại thế? Mẹ các em trông thấy, có mà quắn đít. Thôi, đi về ngay! Ngã vỡ mặt thì chết.
Không còn cách nào khác, bọn trẻ đành giải tán, nhưng chỉ mười lăm phút sau chúng lại lảng vảng đến. Chú công an đã đi, cuộc kiểm tra có thể tiếp tục. Charlie lại trèo lên lan can và đi sang bên kia cầu. Tới nơi, nó hoa tay reo:
– Thắng lợi!
Đến lượt Vaska. Mặc dầu đá bóng giỏi và mê thể thao, Vaska qua cầu không xuất sắc lắm: hai lần bị mất thăng bằng phải nhảy xuống mặt cầu. Monkata, biệt hiệu “Học gạo”, cũng qua được cầu. Chỉ còn lại một đứa người gầy, bé, mắt đeo kính. Cậu ta biết làm thơ và rất chăm học. Việc “kết nạp” cậu này đã gây ra một cuộc tranh cãi; và Vesselin phải tranh luận rất hăng mới thắng được sự phản đối của Peso. Tuy nhiên, tất cả bọn con trai đều mến nó và sẵn sàng bênh vực nó khi nó bị ai bắt nạt ở trường. Nó làm thơ, nhưng biệt hiệu của nó lại không thơ chút nào: bạn bè toàn gọi nó là Củ lạc, sau gọi tắt là Củ.
Lúc Củ ta trèo lên thành cầu, ai nấy đều lo lắng. Bộ điệu nó không có gì là vững, môi thì tái nhợt, mắt chớp liên hồi sau đôi kính đồi mồi. Vesselin động viên:
– Cứ từ từ mà đi, đừng vội. Chẳng có gì đáng sợ.
Kể cả Charlie ngày thường vẫn bông phèng với tất cả, giờ cũng đứng nghiêm, không nói gì. Củ chậm chạp đi trên lan can, như nhích từng phân một, mắt dán chặt xuống chân. Peso đứng ở dưới lạch, nhắc:
– Đừng nhìn xuống dưới, chóng mặt đấy.
Củ tới được giữa cầu không việc gì, nhưng đầu gối đã khuỵu xuống. Đến đúng giữa mặt nước, nó bỗng rơi tõm xuống không kịp kêu một tiếng, y như là nó cố tình ngã vậy.
Cả lũ trẻ rùng mình.
Lát sau, nghe thấy một tiếng khua nước, rồi một tiếng nữa. Peso nhanh trí đã lao xuống nước và tóm ngang người Củ. Nước không sâu, chỉ ngập quá đầu gối một chút và nó kéo ngay được Củ lên bờ. Lũ trẻ xúm xít lại, thi nhau nói. Củ ngước mắt lên, mỉm cười ngượng nghịu. Nó không việc gì, chỉ bị ướt sũng quần áo. Nhưng sao trông mặt nó khác lạ, như dại hẳn đi. Charlie nói như cất được gánh nặng:
– Được tắm một cái, thú nhé!
Cả bọn phá lên cười. Chẳng phải là việc xảy ra có cái gì đáng cười, song chúng không biết có cách nào khác để biểu lộ sự vui mừng trước cảnh kết thúc may mắn này. Củ cũng cười, đưa tay sờ mũi rồi ngỡ ngàng nói:
– Kính của tớ đâu rồi?
Bây giờ bọn trẻ mới hiểu tại sao mặt Củ trông khác lạ hẳn. Peso liền lội ngay xuống nước tìm.
Một bà cụ già từ nãy đứng trên bờ đã nhìn thấy hết mọi chuyện, giơ cả hai cánh tay gầy lên cao một cách tuyệt vọng, miệng hét những câu gì không nghe rõ. Hẳn là cụ đang viện tất cả quỷ thần ra để rủa mắng bọn trẻ ôn vật! Một ô-tô vận tải đi qua cũng đỗ lại. Anh lái mở cửa xe bước ra và, khi thấy không có chuyện gì nghiêm trọng, làu nhàu mấy câu rồi mới đi.
Sau một hồi lâu mò lặn dưới nước, Peso nhô người lên, giơ cao tay: kính đã tìm thấy và, may mắn làm sao, hai mắt kính vẫn nguyên vẹn. Củ vớ lấy đeo lên mắt, và tức khắc mặt nó trở lại bình thường, quen thuộc với mọi người.
Khi mọi người đã lên bờ hết, Charlie vui vẻ nói:
– Cậu ngã thế mà anh hùng đấy. Tớ chưa thấy ai ngã khéo như cậu.
Trở về đến vườn hoa khu nhà, Peso không thấy Costa và Julia có mặt ở vị trí. Việc ấy cũng bình thường: chắc Toromanov đã ra khỏi nhà, nên hai đứa lại đi theo. Tất cả những đứa mới gia nhập ngồi xuống dưới gốc cây nghe Peso kể lại câu chuyện. Thoạt đầu nó kể bình thường, nhưng rồi say sưa dần với chính những lời mình nói, nó làm cho câu chuyện ly kỳ, bí ẩn hơn cả thực tế. Đang giữa câu chuyện thì Costa tới, bộ mặt rám nắng có vẻ nhớn nhác. Nó đứng nhìn mọi người một cách e ngại. Peso hiểu lầm thái độ của bạn, nói:
– Có gì, cậu cứ nói... Tất cả đều được kết nạp...
Costa nhìn bạn ấp úng.
– Nguy rồi... Julia mất tích…
Mọi người rùng mình. Peso cau đôi lông mày:
– Mất tích? Cậu nói gì đấy!
– Mất tích thật. – Costa nhắc lại. – Julia đang đi ngay sau Toromanov, còn mình thì cách độ hai, ba chục bước... Đột nhiên, cả Toromanov lẫn Julia biến đâu mất, như thể họ biết độn thổ vậy...
– Mày nói bậy. – Peso cáu tiết. – Không phải là họ biến mất, mà chính mày để bị đánh lạc thì có!
Costa lắc đầu:
– Tớ đã bảo là không phải tớ lạc, mà là họ biến mất. Sự việc diễn ra ở quảng trường Staveykov. Chúng mình đi từ phố Ignatiev tới, không đi bên này đường, mà đi bên phía quảng trường. Vừa tới ngã tư Rakovska thì có một bà to béo đi ngang qua mặt tớ. Tớ tránh bà ấy một tí, ngừng mất độ ba giây. Mà trong ba giây thì một người đi được mấy bước? Năm bước chứ mấy! Hơn nữa ở quảng trường thì các cậu biết đấy, quanh đó làm gì có nhà hay có lối rẽ vào đâu. Cái nhà gần nhất cũng phải cách hai mươi, hoặc ba mươi bước. Thế mà, đến khi tớ nhìn ra, thì họ đã biến mất, không để lại dấu tích! Cứ như là họ đã chui xuống lỗ nẻ vậy!
– Cậu nói vô lý! – Peso gắt.
– Chắc là họ lẫn vào đám đông thôi. – Vesselin nói.
– Không phải, – Costa lắc đầu, bực bội. – Đúng là thường ngày có đông người đi lại ở quảng trường, nhưng tớ thề rằng lúc bấy giờ lại không có ai! Họ không thể đi vào nhà nào, cũng không lẫn vào đám đông được. Tớ đã cố đi tìm, nhưng không thấy đâu cả.
Mọi người yên lặng một cách lo âu, nhìn nhau lúng túng. Lát sau, Peso bình tĩnh lại, nói:
– Chính cậu cũng nói là vô lý nhé. Chả lẽ họ tan biến, bốc thành hơi à! Cậu bảo không có nhà nào để vào, cũng không có đông người để lẫn đâu được! Thế là thế nào?
– Thế là họ đã bay lên trời như những ông thánh! – Charlie nói.
Câu nói đùa ấy không được ai hưởng ứng. Lúc này không phải lúc đùa. Bọn trẻ nhìn Charlie bằng con mắt không đồng tình. Vesselin hỏi:
– Thế trước khi xảy ra chuyện ấy, Toromanov có vào đâu không?
– Có, lão ta vào hiệu sách.
Nhưng việc đó cũng không làm sáng tỏ được cái gì. Mọi người lại im lặng một cách khác thường...
NGƯỜI CHỮA RĂNG BÍ MẬT
Toromanov ra khỏi nhà lúc đúng mười ba giờ ba mươi phút. Lão vẫn mặc bộ quần áo trắng, tay vẫn xách cái túi thường ngày. Hôm nay túi đó đựng một vật gì phồng phồng rất to. Theo như đã phân công, Julia bám sát ngay. Mới đầu cô bé còn đi trên vỉa hè bên kia, nhưng vào tới phố Ignatiev thì vì quá đông xe cộ, nên cô đi sát ngay vào lão. Nhiều lần Toromanov quay đầu lại làm như vô tình. Thực ra đôi mắt rất sắc của lão chăm chú nhìn bao quát cả dãy phố và những người qua lại. Nhưng lão lại không để ý đến cô gái nhỏ bé đang thản nhiên đi trên mép vỉa hè. Lão không bao giờ ngờ rằng đứa trẻ nhỏ ấy lại có liên quan đến lão.
Julia ngạc nhiên thấy Toromanov lại vào hiệu sách. Cô dừng lại trước cửa, đợi Costa đến. Nhưng Costa lại gần, thì thào:
– Đằng ấy vào đi! Mình không vào đâu, sợ lão nhận ra mất.
Julia không kịp nghĩ ngợi, bước vào hiệu sách. So với lần trước, lần này hiệu rất đông khách. Người giở qua những trang sách, người ngắm nghía các trang sách. Toromanov tay xách túi đứng gần người phụ trách quầy hàng, chờ ông này đang dở tiếp khách. Julia cầm xem một quyển sách nhi đồng, và mặc dầu tranh ảnh trong sách rất hấp dẫn, cô không rời mắt khỏi Toromanov.
Người phụ trách bán hàng xong, mỉm cười thân mật với Toromanov, và rút ra một quyển sách:
– Tôi có quyển này dành cho ông.
– Hay không?
– Cũng được. Truyện của Somerset Maugham...
– Thế thì tốt.
Người bán hàng đưa sách. Toromanov cầm lấy và ra quỹ trả tiền. Lúc lấy tiền trả, lão phải đặt cái túi xuống đất.
Julia đứng sau lưng Toromanov, không bỏ lỡ dịp nhòm xem cái túi đựng những gì, thì thấy nó đầy những sách. Chắc là những tiểu thuyết mà lão đã mua hôm trước.
Trả tiền xong, Toromanov đi ra mà không chào lại người bán hàng. Julia cũng ra theo. Lão ta lại đi theo đường về nhà. “Lạ thật! – Julia nghĩ – Lão ta mua nhiều sách nhưng lại không cất ở nhà, mà cứ vác sách đi rong phố thế này. Không hiểu ra sao cả”. Trong khi đi đằng sau, Julia cũng nhận thấy Toromanov quay đầu lại hai, ba lần để nhìn khắp phố.
Hai người ra tới quảng trường Slaveykov, là nơi mà theo Costa, câu chuyện “mất tích” đã xảy ra.
Sự thực, chẳng có chuyện lạ nào cả, mà tất cả chỉ do Costa lơ đãng, kém quan sát mà thôi. Ở quảng trường, Costa vì mải nhìn theo bóng chiếc áo sặc sỡ của Julia nên không để ý đến chiếc tàu điện đang đỗ. Tàu sắp chạy thì Toromanov đột ngột từ vỉa hè nhảy lên toa sau.
Julia hơi bị bất ngờ. Làm gì đây? Tàu điện kéo chuông và bắt đầu chuyển bánh. Cô liền chạy theo, nhảy lên bực cửa tàu. Một ông đứng tuổi vội cầm tay cô kéo bổng lên, và sau đó béo tai cô một cái nói:
– Cháu nhảy thế nguy hiểm quá! Có ngày cụt chân!
Cái cảnh ấy, Costa không nhìn thấy. Nó cứ mải tìm xem chỗ nào có màu áo sặc sỡ của Julia mà quên nhìn đoàn tàu điện màu xanh lá cây đã mang Toromanov và Julia đi mất.
Tĩnh trí một lúc, Julia mới để ý quan sát chung quanh. Toromanov đang lách mọi người để đi về phía đầu toa. Cô định lách theo, thì bác kiểm soát đến. Làm thế nào bây giờ? Cô không có một xu dính túi, lấy gì mua vé? Julia sững người ra, định nấp sau lưng những hành khách khác, tim đập mạnh. Mang tiếng đi lậu vé, thật xấu hổ!
– Các ông bà cho xem vé!
– Tôi chưa có vé! – Julia hoảng hốt nói.
Người kiểm soát định xé vé bán cho Julia, nhưng cô ngăn lại, mặt đỏ bừng:
– Khoan đã, tôi đánh mất tiền.
– Thế thì đến chỗ đỗ tới, mời cô xuống. – Người kiểm soát thản nhiên nói.
Giá có ai sẵn lòng bỏ tiền mua giúp mình cái vé thì hay quá! Nhưng chẳng có ai. Các hành khách đều bận nghĩ việc riêng, không ai để ý đến cô bé. Julia thở dài, tiến gần ra phía bậc lên xuống. Không có cách nào khác. Thế là sắp sửa để Toromanov sổng mất.
Tàu điện đi chậm lại. Julia nhìn sang cửa bên kia, ngạc nhiên thấy Toromanov cũng đang chuẩn bị xuống. A, ra lão này lên tàu điện mà chỉ đi có một chặng đường ngắn! Tàu đỗ hẳn, Toromanov bước xuống và Julia lại theo sát như hình với bóng.
Đi như thế không lâu, Toromanov rẽ vào một phố nhỏ hai bên có nhà cao, chui vào một cái cổng và biến mất. Julia do dự một lát, rồi cũng theo vào. Nhưng cô thấy trợn. Nhỡ lão ta đã biết có cô đi theo? Lão có thể nấp ở góc thang gác, xổ ra bóp cổ cô và... thế là hết. Cô muốn co cẳng chạy trở ra ngoài phố nắng ấm và đông người, ngoài ấy thì chẳng có ai làm hại cô được.
Tuy nhiên, ý nghĩ ấy chỉ thoảng qua một lát, rồi nó biến ngay đi khi cô hình dung thấy các bạn bè đang nhìn cô oán trách. Cô nhẹ nhàng bước lên thang gác, trống ngực đập mạnh vừa vì hồi hộp vừa vì phải trèo cao. Cô muốn dừng lại nghỉ, nhưng lại sợ phí thời gian quí báu. Thoáng thấy cái lưng áo trắng của Toromanov ở tầng hai, cô bước chậm lại. Lão ta lên đến tầng ba thì dừng lại và bấm chuông. Julia tiếp tục bước nốt lên bực cầu thang, coi như không có chuyện gì. Nhưng lão ta cũng không thèm quay lại nhìn cô bé, mặc dầu chắc chắn là lão có nghe tiếng bước chân.
Julia cứ thế lên đến tầng tư và đứng lại, phân vân. Chả nhẽ đứng đây đợi? Mọi người có thể để ý và sẽ hỏi cô tìm ai. Nên xuống đợi dưới phố, tự nhiên hơn. Khi đi xuống và qua tầng ba, cô liếc nhìn cái cửa lúc nãy Toromanov đã vào. Cái cửa bình thường, sơn màu nâu, có ổ khóa. Trên cửa có biển đề:
Vladimir Hristov
Bác sĩ nha khoa
Julia hơi thất vọng, đi ra ngoài phố. Hẳn là Toromanov vào đấy chữa răng, thế mà mình lại tưởng tượng ra lắm chuyện. Bây giờ đứng đợi lão ta ở đâu nhỉ? Cô nhìn quanh, chọn cửa một ngôi nhà gần đó làm chỗ đứng. Từ đấy có thể dễ dàng quan sát khu nhà ông bác sĩ chữa răng.
Chờ sao mà lâu thế! Julia lại không có đồng hồ để xem giờ. Đang sốt ruột không biết nên làm gì thì một thằng bé tóc hung, mặt xương xương đầy tàn nhang, nom có vẻ hung hăng, ở đâu đi tới. Nó ngắm Julia từ đầu đến chân, nhổ toẹt một cái và hỏi giọng gây gổ:
– Mày làm gì ở đây?
– Thì việc gì đến mày? Có ai hỏi mày thế không?
Thằng bé tiến lại gần, sừng sộ:
– Tao hỏi, thì phải nói!
Julia không thèm đáp, quay mặt đi. Thằng bé giơ chân đá mạnh vào Julia. Bị bất ngờ, cô lảo đảo, ngã phệt xuống đất. Thằng nọ đứng nguyên cách cô hai bước, hai tay thọc túi nom bộ rất du côn. Julia đứng dậy, rất ức nhưng không khóc:
– Mày bắt nạt con gái mà không biết xấu hổ à?
– Thế sao tao hỏi không nói?
– Mày là gì mà tao phải nói? Phố này của mày đấy à?
– Của tao!
– Thế thì mày là đồ mất dạy.
– Mày có trả lời không thì bảo? – thằng bé lại sừng sộ.
– Tao đợi bố tao, thì mày làm gì.
Câu trả lời làm thằng du côn chột dạ, nhìn quanh:
– Bố mày đâu?
– Trên nhà ông chữa răng.
– Sao mày không đợi ở trên ấy?
– Tao sợ.
– Đồ nhát! – thằng bé nói vậy, rồi khinh khỉnh bỏ đi.
Bấy giờ Julia mới ứa nước mắt, cố giữ để khỏi khóc thành tiếng. Thằng tóc hung vừa đi tới cửa ngôi nhà quét vôi trắng có Toromanov ở trong, thì Julia thấy một cô gái từ trong đó đi ra, chặn đường thằng du côn. Cứ nhìn nét mặt giận dữ, cử chỉ mạnh mẽ và giọng nói gay gắt của cô gái, Julia đoán là cô ta đang mắng thằng tóc hung. Thằng này vừa nghe vừa cười thản nhiên và chế nhạo, đưa tay ẩy cô gái ra để lấy lối đi.
Cô gái nọ lanh lẹn đến gần Julia. Bộ mặt bừng bừng giận dữ của cô trông thật lanh lợi và đẹp. Tóc cô tết thành hai đuôi sam xõa xuống vai. Cô lớn hơn Julia độ một, hai tuổi, cô đeo khăn quàng chứng tỏ cô là đội viên thiếu niên tiền phong. Cô nói gấp nhưng vẫn chưa nguôi giận:
– Mình đã trông thấy hết... Tình cờ mình đứng ở cửa sổ, nhìn thấy nó đá cậu. Thằng ấy thật tệ!
Julia muốn khóc, nhưng cố nuốt nước mắt, nghẹn ngào:
– Cậu biết nó à?
– Sao lại không biết, cả phố này ghét nó! Nếu mình là con trai, thế nào cũng cho nó một trận.
Hai người vui vẻ nói chuyện. Cô gái tên là Zhivka, ở tầng dưới ngôi nhà quét vôi trắng. Thấy thằng kia bắt nạt Julia, cô chạy ra, nhưng không kịp. Cô nói:
– Trước kia nó cũng đã đánh mình một lần…
Bỗng Julia trông thấy Toromanov đi ra. Bây giờ cái túi sách của lão rỗng không và lão đang đi trên vỉa hè bên kia. Julia vội từ biệt Zhivka và lao theo chân Toromanov, mặc cho Zhivka ngạc nhiên đứng lại một mình.
Mười lăm phút sau, Julia về tới phố nhà và nhận ra Peso và Vesselin từ xa. Toromanov về nhà lão, còn hai cậu bé cuống cuồng chạy tới đón Julia.
– Đằng ấy mất tích đi đâu thế? – Vesselin nói, – Làm bọn mình hoảng hồn!
Julia khẽ đưa tay ra hiệu gạt đi, làm như chuyện ấy không có nghĩa gì, không đáng phải kể lại. Các bạn kéo cô vào khu vườn nhỏ, ở đó đã có Costa và ba đứa nữa. Trông thấy Julia, Costa nhảy lên vì ngạc nhiên và sung sướng.
Julia kể lại mọi chuyện đã xảy ra, không sót một việc gì, tất nhiên cô chỉ giấu không nói nỗi sợ hãi của mình. Cô càng kể các bạn càng nhìn cô, ngạc nhiên và khâm phục. Kể xong, Peso là người đầu tiên thực thà tỏ lời khen ngợi:
– Hoan hô Julia! Trong chúng mình, thế là đằng ấy lập công đầu đấy!
Julia mãn nguyện nói, hơi thiếu khiêm tốn một chút:
– Đã bảo kết nạp tôi vào nhóm chỉ có lợi thôi mà!
– Đúng, – cả bọn đồng thanh.
Ai nấy bàn bạc những chuyện đã xảy ra. Vesselin nói:
– Mình cảm thấy Julia đã lần ra một mối trúng tủ.
– Để xem! – Peso ngắt.
– Rõ rồi còn gì. – Vesselin nói tiếp. – Như thế chưa đáng ngờ hay sao? Lão Toromanov mua một đống truyện không phải cho mình đọc mà lại mang đến cho ông chữa răng. Để làm gì? Sao ông chữa răng không tự mua lấy được? Mà mình không tin rằng có ông bác sĩ chữa răng nào lại nhận sách thay tiền thù lao!
Mọi người cười ha hả.
– Sao lại không? – Charlie pha trò. – Răng nanh một quyển, răng hàm hai quyển...
– Có thể nghĩ rằng lão Toromanov mang sách đến cho ông chữa răng đọc. – Vesselin nói. – Nhưng mình không tin thế! Chẳng ai mua một chồng sách lại chỉ để cho người khác mượn. Nhất là người ấy lại là Toromanov...
– Còn chiếc chìa khóa? – Peso hỏi… – Muốn đến bác sĩ chữa răng thì không cần chìa khóa. Tớ chắc chắn là tất cả điều bí ẩn này có liên quan đến cái chìa khóa.
– Nếu chúng mình tìm hiểu được Toromanov đến ông chữa răng để làm gì, thì vấn đề cái chìa khóa sẽ rõ. – Vesselin nói. – Cho nên phải bám riết cái đầu mối này...
Sau khi bàn bạc kỹ, chúng quyết định một việc hợp lý: tìm hiểu ông chữa răng là người thế nào. Phải kiếm một đứa nào có răng sâu và chịu hy sinh vì công việc chung. Đứa ấy sẽ đến xin chữa răng và lợi dụng cơ hội đó mà quan sát. Peso nhận định:
– Tốt nhất là đến chữa ngay sau Toromanov, như vậy may ra có thể nghe lỏm được vài câu, biết được vài điều...
Kế hoạch thì hay, nhưng suýt không thực hiện được vì không ai nhận mình có răng sâu cả.
– Vô lý! – Peso nói. – Các cậu nói dối tất!
Nó bắt buộc phải khám răng tất cả mọi người. Vừa khám đứa đầu tiên là Bebo, đã thấy có một răng sâu. Peso gắt um:
– Thật là nhục! Thế mà đứa nào cũng bảo sẵn sàng hy sinh vì việc chung!
Bebo cuống lên:
– Nhưng răng mình chỉ bị sâu nhẹ. Cũng chưa hẳn là sâu!
Lúc sắp chia tay về nhà, Costa bỗng nhận thấy đầu gối Julia bị sây sát, vội hỏi:
– Cái gì thế này? Hay là bị ngã tàu điện?
Julia liền kể lại hành động của thằng tóc hung mất dạy. Cả bọn sục sôi tức giận. Vesselin rít lên:
– Nó lại... đểu thế à? Phải đánh tan xác nó ra!
– Các cậu yên trí, nó sẽ phải trả nợ này. – Peso nói. – Tớ sẽ cho nó biết tay.
Mặc dầu Julia phản đối, cả bọn quyết định sẽ nghiêm khắc trừng trị thằng mất dạy. Chưa ai biết trừng trị thế nào, nhưng mọi người đều chắc chắn là sẽ rất đích đáng. Bọn trẻ chia tay nhau lòng đầy uất hận, hận này chỉ có thể tiêu tan khi thù được trả!