Nhà Golden - Chương 35
Lửa đang liếm quanh rìa câu chuyện của tôi lúc nó gần kết thúc, và lửa nóng rực, bất diệt và sẽ được dịp ra oai.
Nhà Golden trong những tháng cuối cùng giống như một pháo đài bị bao vây. Các lực lượng phong tỏa đều vô hình nhưng ai trong nhà này đều cảm nhận được, những thiên thần hay ác quỷ giấu mặt của ngày tận số đang đến. Từng người một, những người giúp việc ra đi.
Cảnh phim lặp lại ở đây có lẽ là kiệt tác vĩ đại nhất của đạo diễn tài danh Luis Bunuel. Tựa gốc của phim, Những Kẻ Bị Ruồng Bỏ Trên Đường Thượng Đế*, không hẳn mang tính tôn giáo - “thượng đế” ở đây không nhất thiết là đấng thiêng liêng, nó có thể chẳng hơn gì một ẩn dụ, giống như các từ tương đương như nghiệp, số phận, định mệnh - cho nên các nhân vật bị số phận ruồng bỏ cũng không hơn gì những kẻ đen đủi thua tấm vé số cuộc đời - nhưng tới khi phim này chiếu trên các màn ảnh với tựa đề Thiên Thần Hủy Diệt thì Buñuel đã xác định rõ ý nghĩa của nó không còn nghi ngờ gì nữa. Khi lần đầu tiên xem phim này ở IFC Center, tôi có lẽ còn quá nhỏ để hiểu thấu. Có cảnh một đại tiệc trong một lâu đài xa hoa, trong khi tiệc diễn ra thì các gia nhân viện đủ cớ mơ hồ để bỏ hết công việc, trách nhiệm và ra khỏi tòa nhà, chỉ còn lại ông quản gia cùng khách khứa đối mặt với những gì sẽ đến. Tôi hiểu phim này hoàn toàn là một hài kịch xã hội siêu thực. Đó là trước khi tôi biết được rằng nhiều người có thể cảm nhận được tai họa sắp xảy ra, giống như trâu bò dự đoán được động đất, và lời giải thích cho những hành động có vẻ như phi lý đó chính là bản năng tự bảo toàn.
Không có đại tiệc ở nhà Golden và gia nhân không đồng loạt bỏ đi trong một tối. Cuộc đời không bắt chước nghệ thuật mù quáng như vậy. Nhưng dần dà, trong thời gian nhiều tuần lễ, trước sự hốt hoảng ngày càng tăng của bà chủ nhà, mọi người lần lượt bỏ đi. Anh thợ lặt vặt Gonzalo đi trước tiên, chỉ đơn giản là một sáng thứ Hai anh không đến làm việc và rồi không bao giờ thấy mặt nữa. Trong ngôi nhà lớn lúc nào cũng có cái gì đó cần sửa chữa, một nhà vệ sinh nghẹt, một đèn chùm có mấy bóng cháy, một cửa ra vào hay cửa sổ khó đóng mở. Vasilisa phản ứng trước sự biệt tăm của Gonzalo bằng vẻ bực tức giận dỗi và mấy câu nhận xét về sự không đáng tin cậy của người Mexico khiến những người ở nhà dưới không hài lòng. Quản gia McNally có thể xử trí hết những việc lặt vặt của Gonzalo và biết phải gọi ai khi gặp những việc mà tự ông ta không thể sửa chữa, cho nên sự thiếu vắng này không khiến ông bà chủ nhà gặp bất tiện gì lớn. Nhưng những cuộc ra đi sau đó lại gây đảo lộn thông lệ hàng ngày trong nhà nhiều hơn. Vasilisa vốn luôn khắt khe với những người tớ gái, hay khiến họ bật khóc vì những lời chỉ trích độc địa của cô ta về công việc thường là siêng năng của họ, từ ngày Vasilisa ở đây đã có rất nhiều đợt thay đổi số người giúp việc lau dọn và sắp giường, cho nên chẳng có gì ngạc nhiên khi cô gái Ireland ở Boston cuối cùng vừa tháo chạy vừa nói không, cô không cần tăng lương, cô chỉ muốn bỏ đi. Trong nhà bếp có một vụ sa thải. Đầu bếp Cucchi tống cổ anh phụ bếp Gilberto vì nạn dịch ăn cắp vặt. Khi những con dao bếp hảo hạng bắt đầu biến mất, Cucchi đối chất với cậu người Argentina này, anh chàng chối bay hết và nghênh ngang bỏ đi. Mày không thể bỏ đi, Cucchi hét theo sau, vì tao sẽ đuổi mày trước. McNally cố lấp khoảng trống bằng cách gọi các dịch vụ giúp việc tạm thời và nhờ các đồng nghiệp làm việc ở các gia đình lớn cho mượn người nếu có thừa nhân lực, cho nên người làm trong nhà vẫn ì ạch cầm cự được. Nhưng lũ chuột vẫn tiếp tục bỏ con tàu.
* * *
Dù không muốn tôi cũng có phần kính nể tài kiểm soát tổn thất hữu hiệu và mau lẹ của Vasilisa trong những ngày sau khi tôi phun các bí mật của mình ra trong phòng khách nhà cô ta. Nero Golden đã bị hạ nhục công khai, lão không phải là người dễ dàng chịu nhục. Nhưng Vasilisa không những cứu vãn được cuộc hôn nhân mà còn thuyết phục được Nero tiếp tục công nhận nhóc Vespa là con trai lão và là người thừa kế. Mấy việc đó, tôi nhủ thầm, là những nước cờ thần sầu. Những nước cờ đưa cô ta lên hạng thánh bất tử của những người đàn bà gian ngoan. Cô ta biết cách khống chế người chồng.
Tôi không có quyền suy đoán những gì có lẽ đã hoặc không xảy ra giữa hai vợ chồng ấy sau cánh cửa phòng ngủ. Tôi sẽ tránh cái thói thô bỉ như thế, dù đúng là rất cám dỗ để gợi ra cảnh tượng Vasilisa đang trổ ngón nghề. Lúc tuyệt vọng thì dùng biện pháp tuyệt vọng, nhưng không có băng video quay lén cảnh phòng the thì chẳng có gì để nói. Và nói thật, chưa chắc phòng ngủ là căn cứ phòng vệ của cô ta. Điều đáng tin hơn mà ta có thể nói được chính là cô ta đã khai thác tình trạng trí tuệ suy sụp của Nero. Đây là một ông già ngày càng đau yếu, ngày càng mau quên, tâm trí bây giờ thường chỉ là một lạch nước quanh co, chỉ gợi nhớ thoáng qua dòng chảy cuồn cuộn khi xưa. Vasilisa đích thân đảm trách luôn việc chăm sóc lão, cho nghỉ việc luôn các y tá trực ngày trực đêm đã thuê trước đây vốn để cô ta khỏi nhọc công làm chuyện này. Vậy là thêm người làm trong nhà ra đi, Vasilisa làm nhiệm vụ người chăm sóc chính không chút kêu ca. Bây giờ, cô ta và chỉ mình cô ta lo việc thuốc men cho lão. Hai bà Lăng Xăng với Lải Nhải càng lúc càng bị đẩy lùi xa khỏi việc tiếp kiến ông chủ cho đến một hôm Vasilisa với giọng ngọt ngào hung dữ bảo họ, tôi đã quen với mọi thông lệ công việc của ổng rồi, tôi hoàn toàn có thể làm trợ lý riêng cận kề bên ổng, cho nên, cảm ơn hai bà đã giúp đỡ, chúng ta hãy bàn chuyện thanh toán kết thúc hợp đồng. Ngôi nhà rộng lớn bắt đầu âm vang sự vắng người. Vasilisa đang chơi hết các quân bài của mình.
Át chủ bài chính là nhóc Vespa. Con tôi không chỉ đang trở thành chú nhóc đáng yêu nhất đời khi nó gần tới bốn tuổi mà, trong ánh mắt đờ đẫn của Nero, nó còn là người sống sót duy nhất sau thảm họa. Một người đã mất ba đứa con trai không dễ dàng cho đi đứa thứ tư, và khi sự suy sụp của Nero tăng nhanh, trí nhớ lập lòe nhạt nhòa và đứa trẻ ngồi trên đầu gối gọi lão Papa, thì rất dễ cho ông già ấy quên hết tiểu tiết mà bám chặt đứa trẻ duy nhất còn sống như thể nó là chuyển sinh của những người anh đã chết lẫn chính lão, như thể nó là hòm kho báu chứa chất tất cả những gì người cha này đã mất.
Còn lại ai? Bà mẹ trùm khăn babushka có hay không đến công ty tuyển diễn viên ở Siberia. McNally quản gia và Cucchi đầu bếp. Những nhóm lau dọn của các dịch vụ vệ sinh gia đình chuyên nghiệp đến và đi, mỗi lần ghé là tính năm trăm đô-la. Không có khách thăm nhà. Và Nero, vô hình, không hàng xóm nào nhìn thấy mặt. Tôi đâm ra tin giả thuyết của Vito Tagliabue. Cô ta hẳn phải biết lão không còn sống bao lâu. Và nếu cô ta táy máy với thuốc men của lão thì càng ít con mắt nhòm ngó càng tốt. Vasilisa hẳn phải biết đây là tình trạng ngắn hạn. Các bác sĩ của lão đã nói gì với cô ta? Phải chăng đã đến một giai đoạn cuối không được công khai? Hay chính Vasilisa là giai đoạn cuối ấy. Trong đâu tôi cứ hình dung cảnh cô ta mỗi ngày quỳ gối trong phòng khách nhà Golden, “đại sảnh”, như cách gọi của cô ta, cầu nguyện trước bản sao bức tranh thánh Đức Mẹ Feodorovskaya của Nữ Sa Hoàng Alexandra Romanova. Xin là ngày hôm nay. Xin cho điều đó xảy ra ngay.
Baba Yaga, giết chồng mụ đi, nhưng đừng ăn thịt con tôi.
Đầu bếp và quản gia gần đây đã khó chịu căng thẳng nhau và chính đầu bếp “Cookie” đứt dây trước. Nói cho cùng, ta thán là chế độ cài đặt mặc nhiên cho đầu bếp này, ông ta là nghệ sĩ rên rỉ bậc thầy, mãi mãi bị coi thường và hiểu lầm, mong muốn phục vụ những đại tiệc nấu theo phong cách cực đoan yêu thích của mình, dựa theo những tác phẩm của đại sư phụ Adrià và Redzepi, món ăn là nghệ thuật trình diễn, những chiếc đĩa cuồn cuộn sóng ngầu bọt, những lát bánh mì bên trên có đàn kiến đen còn sống được nướng chín trong những miếng nạc bò wagyu quý hiếm của Nhật. Thay vào đó ông ta được yêu cầu làm món ăn con nít cho nhóc Vespa, cứ toàn bánh burger với burger, và các món rau sống ăn kiêng cho Vasilisa. Bản thân Nero Golden ăn gì cũng được, chẳng quan tâm, miễn là có nhiều thịt. Những lời than oán của Cucchi biệt danh “Cookie” như nước đổ đầu vịt. Ông ta tuần nào cũng dọa thôi việc nhưng vẫn ở lại nhận lương. Bây giờ, trong ngôi nhà thiếu nhân sự, tâm trạng nóng nảy dễ gây xích mích và cuối cùng ông McNally ra lệnh cho nhà sành điệu ẩm thực tương lai phải câm mồm đi mà nấu ăn. Ông đầu bếp lột phắt chiếc mũ cùng cái tạp-dề trắng rồi vung vẫy con dao phay về hướng ông quản gia. Rồi ầm một phát kinh động, ông cắm phập lưỡi dao phay vào chiếc thớt gỗ chặt thịt, để nguyên đó như thanh kiếm Excalibur cắm trên tảng đá trong huyền thoại vua Arthur, hầm hầm đi ra khỏi nhà.
Nero cứ thẫn thờ và đãng trí. (Mô tả này là phỏng theo lời khai về sau của Michael McNally nói với cảnh sát.) Chủ yếu ông ta chỉ ở trong phòng riêng, ngủ lơ mơ, nhưng có khi thấy ông ta lang thang xuống nhà dưới như kẻ mộng du. Nhưng ông ta cũng có thể đột ngột bừng tình thật đáng sợ. Có lần ông vồ lấy hai vai McNally và quát vào mặt ông quản gia, Mày không biết tao là ai sao, thằng khốn? Tao đã xây dựng nhiều thành phố. Tao đã chinh phục nhiều vương quốc. Tao là một trong những người thống trị thế giới này. Tôi không biết ông ta tưởng tượng đang nói với ai, McNally cho biết. Không phải với tôi. Ông ta nhìn vào mắt tôi nhưng ai mà biết ông ta nhìn ai. Có thể ông ta thấy chính mình vào cái thời oanh liệt của vị hoàng đế mà ông ta mang tên. Có thể ông ta tưởng mình đang ở Rome. Tôi thiệt tình không nói được, McNally thú nhận. Tôi không có trình độ học vấn cao cỡ đó.
Lão bị đầu độc, Vito Tagliabue gọi điện cho tôi nhắc lại. Tôi tin chắc như thế.
Có một chuyện lạ xảy ra hai ngày trước đám cháy. Mới sáng ra nhà Golden đã thấy một bao đay to tướng toàn đồ giặt dơ bẩn để trước ngưỡng cửa trên đường Macdougal. Không có giấy tờ gì. Khi mở bao ra chỉ thấy đầy những thứ mà McNally gọi là áo quần nước ngoài. Ông có thể nói cụ thể hơn được không? Theo cố gắng mô tả của ông quản gia, tôi hiểu đó là các trang phục Ấn Độ. Áo kurta, pijama, váy dài lehnga, xà-rông veshti, áo sari, váy lót. Không hề có chỉ dẫn nào và không biết ai gửi tới. Vasilisa, bực mình trước nhầm lẫn này, ra lệnh cho vào thùng rác. Không cần phải báo với ông chủ. Nhà này không phải tiệm giặt ủi. Một tên nước ngoài ngu ngốc nào đó đã phạm một sai lầm ngu ngốc của người nước ngoài.
* * *
Công nhân xây dựng đang đào đường. Có gì đó cần sửa chữa quan trọng ở hạ tầng khu phố này. Lúc Vasilisa sai ông McNally đi hỏi xem chuyện rối loạn này sẽ kéo dài bao lâu thì ông ta nghe nói, ba tháng, có lẽ, nhún vai. Vậy có thể là sáu, chín, hay mười hai tháng. Điều đó chẳng có nghĩa gì cả ngoại trừ việc công nhân đã được bố trí cho một thời hạn dài đáng kể. Công trình xây dựng là hình thức nghệ thuật trường phái thô bạo mới của thành phố, đi đâu ta cũng thấy dựng lên những tác phẩm sắp đặt. Những tòa nhà cao ngã xuống và công trường mọc lên. Những đường ống, dây cáp nhô lên và hạ xuống những tầng sâu khuất lấp. Đường dây điện thoại ngưng hoạt động, các dịch vụ điện, nước và khí đốt bị cắt ngang thất thường. Công trình xây dựng là nghệ thuật khiến thành phố nhận ra bản thân nó mà một cơ thể mong manh chịu ơn huệ của những thế lực bất khả cầu. Công trình xây dựng là bài học cho đại đô thị hùng mạnh này biết được sự dễ tổn thương và bất lực. Công nhân xây dựng là những nghệ sĩ ý niệm xuất chúng của thời đại chúng ta và những tác phẩm sắp đặt của họ, những lỗ thủng man rợ khoét xuống đất, đã khơi gợi không chỉ là lòng thù oán - bởi có mấy ai yêu thích nghệ thuật hiện đại - mà còn kinh sợ. Những chiếc mũ cứng, những áo khoác cam, những bộ mông, những tiếng huýt sáo trêu ghẹo, sức mạnh. Quả thật đây chính là trào lưu đi trước thời đại avant-garde chuyển tiếp đang phô diễn.
Việc đậu xe bị cấm, điệu nhạc của những chiếc búa máy tràn ngập không gian, cấp tiến, phi cung thể, kiểu bộ gõ đô thị mà Walt Whitman hẳn phải thích, thúc giục bằng lượng mồ hôi hùng hậu của những gã đàn ông to lớn bất cần ai.
Từ ngưỡng cửa đầy xỉ than, tôi quan sát những hoạt động của họ.
Chỉ những cái hông mềm dẻo của họ thôi củng hiệu quả như những cánh tay lực lưỡng.
Những chiếc búa máy lắc lư từ trên nện xuống, từ trên nện xuống rất chậm, từ trên nện xuống rất chắc.
Họ không hấp tấp, người nào nện ngay chỗ nấy.
Cứ như vậy suốt hai ngày sau khi xảy ra vụ giao bao đồ giặt. Rồi tới vụ nổ.
Có chuyện gì đó với đường ống chính dẫn khí ga. Các cơ quan đổ lỗi lẫn nhau, không tiến hành kiểm tra an toàn, lỗi lầm của con người, chỗ rò rỉ, một tia lửa, kaboom. Hoặc có lẽ là một chủ nhà bất chấp quy định đã lén đấu nối những đường ống ngầm dưới đất, một chỗ rò rỉ một tia lửa. Có khả năng là một tội ác, một hệ thống dẫn khí ga phi pháp đã che mắt các thanh tra đường ống, có khả năng sẽ bị cáo buộc ngộ sát, chủ nhà không trả lời điện thoại và không có mặt ở địa chỉ đã đăng ký. Ai gây ra tia lửa? Không biết. Sẽ tiến hành điều tra và sẽ báo cáo theo tiến độ. Loại trừ ngay khả năng khủng bố. May mắn sao không công nhân nào bị thương tích. Sức nổ phá nát nhiều cửa sổ và rung rền tường vách và một quả cầu lửa dâng lên và một ngôi nhà, chủ sở hữu là ông Nero Golden, phát hỏa. Bốn người lớn và một đứa bé đang ở trong ngôi nhà vào lúc đó: chủ nhà và vợ, mẹ vợ, đứa con trai nhỏ, và một người làm, ông Michael McNally. Có vẻ ngôi nhà này đã không được bảo dưỡng đúng mức, hệ thống phun nước chống cháy trong nhà đã không được bảo trì suốt một thời gian khá dài và đã không hoạt động. Ông McNally đang ở trong bếp đun dầu ô-liu trong chảo, chuẩn bị nấu bữa trưa cho gia đình này. Theo lời khai ban đầu, sức nổ đã thổi bay các cửa sổ nhà bếp và quật ông ta ngã xuống choáng váng. Ông ta tin rằng mình đã ngất đi, rồi tỉnh lại, rồi bò ra cửa thông ra hoa viên khu Gardens giữa đường Macdougal và đường Sullivan. Tới đây ông ta lại ngất đi. Khi ông hồi tỉnh thì nhà bếp đang bốc cháy và lửa đang tuôn ra từ cái chảo đang cháy phừng và lan nhanh khắp tầng trệt. Những người khác trong nhà đang ở trên lầu. Họ không có đường nào thoát ra. Sở cứu hỏa phản ứng nhanh chóng như thường lệ. Họ gặp một số trở ngại khi tiếp cận hiện trường do vướng công trình xây dựng. Nhưng ngọn lửa đã nhanh chóng bị khống chế, chỉ giới hạn trong một ngôi nhà duy nhất. Mọi căn nhà khác trong vực đầu không tổn hại gì.
Vào thời đại smartphone, đương nhiên sẽ có nhiều người chụp ảnh quay phim. Nhiều bức hình và đoạn video sau đó được gửi tới cảnh sát New York để nghiên cứu chi tiết với hy vọng soi sáng thêm công tác điều tra.
Nhưng ở nhà Golden hôm đó có những con người bị mắc kẹt trong đám cháy. Cao trào kịch tính tự nó diễn ra, và kết thúc bằng ba bi kịch và một phép màu.
Các báo cáo không chính thức cho biết nhiều người đã nghe thấy tiếng ai đó ở tầng trên dinh thự ấy chơi vĩ cầm.
* * *
Như tôi mường tượng trong đầu, những lưỡi lửa bốc cao mãi cho tới khi chúng như liếm vào bầu trời, những ngọn lửa địa ngục giống một cảnh trong tranh Hieronymus Bosch*, thật khó duy trì niềm tin vào sự tốt đẹp mà tôi đã dốc lòng theo, khó mà không cảm nhận sức nóng của tuyệt vọng. Chúng, những ngọn lửa, với tôi dường như đã thiêu hủy cả thế giới mà tôi từng biết, nuốt chửng trong nhiệt lượng màu cam đó mọi điều tôi từng quan tâm, từng được dạy dỗ phải biết bảo vệ và chiến đấu và yêu thương. Ngay cả nền văn minh dường như cũng đang cháy rực trong ngọn lửa ấy, những niềm hy vọng của tôi, những hy vọng của các phụ nữ, những hy vọng của chúng ta cho thế giới này, và cho hòa bình. Tôi nghĩ đến mọi nhà tư tưởng đã bị trói vào cọc thiêu sống, tất cả những người đứng lên chống lại các thế lực và tính chính thống của thời đại họ, và tôi thấy chính mình cùng toàn bộ đồng loại đã bị truất quyền giờ đây phải mang bao xiềng xích kiên cố và bị nhận chìm bởi ngọn lửa kinh hoàng kia, chính phương lầy đang bốc cháy, chính thành Rome bốc cháy, bọn man rợ không ở cổng thành mà còn ở bên trong, những kẻ man rợ do chính ta dung dưỡng, được chính ta chiều chuộng và ngợi ca, chúng thuộc về ta do chính ta trao quyền, cũng giống như con em của chính ta, nổi dậy như bọn trẻ tàn ác đốt cháy thế giới đã tạo dựng ra chúng, tự xưng là đang cứu vớt thế giới ngay lúc chúng đang châm lửa. Đó là ngọn lửa tận thế của chúng ta và phải mất nửa thế kỷ hoặc hơn để tái thiết những gì bị hủy diệt.
Phải, tôi mắc bệnh cường điệu, đó là tình trạng trước kia mà tôi cần chữa trị, nhưng đúng là nhiều khi một kẻ hoang tưởng quả thực cũng bị săn đuổi, đúng là nhiều khi thế giới này được phóng đại hơn, cường điệu hơn, quỷ quái thậm tệ hơn cả những gì một kẻ thậm tệ quỷ quái có thể mường tượng dù là trong giấc mơ điên rồ nhất.
Cho nên tôi đã nhìn thấy những ngọn lửa đen đúa, những ngọn lửa hắc ám của địa ngục quỷ quái, liếm vào chốn linh thiêng của tuổi thơ tôi, nơi duy nhất trên cả cõi đời này mà tôi từng luôn cảm thấy an toàn, luôn dễ chịu, không hề bị đe dọa, khu Gardens đáng yêu, và tôi đã học được bài học cuối cùng, những hiểu biết chia ha chúng ta với sự ngây thơ. Rằng không hề có chốn an toàn nào, rằng con quái vật luôn chực chờ ngoài cổng, và một chút gì của con quái vật đó cũng ở ngay trong lòng ta, chúng ta chính là những con quái vật ta luôn sợ hãi, bất kể bao mỹ miều bao bọc ta, bất kể bao may mắn chúng ta có trong đời hay tiền bạc hay gia đình hay tài năng hay tình yêu, ở cuối con đường lửa đang cháy, và sẽ thiêu hủy hết tất cả chúng ta.
Trong phim Thiên Thần Hủy Diệt, những kẻ chè chén tưng bừng ở đại tiệc bên Mexico cảm thấy một sức mạnh vô hình đã giam chặt họ trong khách sảnh lâu đài của gia chủ Senor Edmundo Nóbile. Chủ nghĩa siêu thực ban cho các tín đồ của nó sự vô định và xa lạ của thi ca. Đời thực trong khu Gardens lại mang chất văn xuôi nhiều hơn. Nero, Vasilisa, bà già babushka và con trai tôi tất cả đều bị cầm tù trong nhà Golden bởi sự tầm thường này, sự rập khuôn chết người, chủ nghĩa hiện thực tàn khốc của lửa cháy.
* * *
Nếu đời là một bộ phim tôi lẽ ra đã hay tin về đám cháy ấy, đã lao tới nó thần tốc như siêu anh hùng, gạt phắt những bàn tay tóm lấy tôi ngăn cản và lao mình vào lửa, quay trở lại trong lúc những xà nhà rực cháy rơi xuống chung quanh, hai tay bảo vệ an toàn đứa con yêu dấu. Nếu đời là một bộ phim thằng bé lẽ ra sẽ vùi mặt vào vai tôi và thì thầm, Papa, con biết ba sẽ đến. Nếu đời là một bộ phùn nó lẽ ra sẽ kết thúc bằng một cú quay góc rộng toàn cảnh khu Village với tàn tro cháy đỏ của ngôi nhà Golden ngay giữa khuôn hình trong lúc tôi bước đi cùng thằng bé và nhạc nền dâng lên bài hát nổi tiếng “Beautihil ¥>ơý’ của John Lennon, chẳng hạn, và danh sách tên những người tham gia bộ phim bắt đầu chạy.
Làm gì có chuyện đó.
Đến lúc Suchitra và tôi về tới đường Macdougal thì tất cả đã xong. Michael McNally đang được chữa trị ở bệnh viện Mount Sinai Beth Israel và sau đó sẽ được các điều tra viên của Sở cảnh sát New York thẩm vấn và được bãi miễn trách nhiệm về đám cháy. Những người lớn khác đã chết trước khi đội cứu hỏa leo thang lên được tới nơi, Nero và bà già babushka đã nhanh chóng bị ngộp khói ngất đi, không bao giờ tỉnh lại nữa. Có một khoảnh khắc xúc động đậm chất đại nhạc kịch. Bà Golden xinh đẹp, Vasilisa, hiện ra ở một cửa sổ tầng trên ẵm đứa con gần bốn tuổi của mình, thét lên “Lạy Chúa, xin cứu con tôi,” và chưa ai kịp đến gần được thì cô ta đã ném đứa bé ra khỏi cửa sổ tránh xa ngọn lửa. Một người lính cứu hỏa ở hiện trường, Mariano Vasquez biệt danh “Mo”, ba mươi chín tuổi, tình cờ lại là người bắt bóng cho đội tuyển bóng chày ở Staten Island; anh ta lao tới và chụp được đứa bé lấm lem muội than vừa kịp lúc, “như chụp quả bóng,” sau đó anh ta thuật lại trước máy quay TV, và rồi hô hấp nhân tạo cho thằng bé và nó đã thở trở lại. “Thằng bé ho mấy tiếng rồi bắt đầu la khóc. Thật tuyệt đó bạn. Đúng là phép mầu đó bạn, phép mầu, và giờ tôi mới biết ngày mai là sinh nhật bốn tuổi của thằng bé, thằng nhóc đúng là có thiên thần hộ mệnh bảo vệ. Thật là một điều tốt đẹp quá sức và tôi xin tạ ơn Đấng Toàn Năng đã cho tôi có mặt đúng nơi đúng lúc.”
Sau đó Vasilisa ở cửa sổ ngã ngược vào trong và mọi hy vọng của cô ta mọi tham vọng của cô ta mọi chiến thuật của cô ta sụp đổ theo, không ai đáng phải chịu một kết thúc như thế bất kể họ đã sống thế nào trong đời, và chỉ thoáng chốc sau khi Vasilisa khuất dạng, lửa bùng lên qua ô cửa sổ mở và không còn khả năng cứu được cô ta. Và sau đó tất nhiên đám cháy được dập tắt, và những cái xác cháy đen, w. không cần phải đi vào chi tiết làm chi. Ngôi nhà đó ắt sẽ phải phá sập để một kiến trúc mới mọc lên thế chỗ. Không nhà nào khác bị thiệt hại vì đám cháy ấy.
* * *
Thế là kết thúc câu chuyện nhà Golden. Họ nghĩ họ là người La Mã nhưng đó chỉ là ảo tưởng. Những trò chơi La Mã khai sinh ra những cái tên La Mã cho họ: chỉ là trò chơi. Họ nghĩ mình là vua và các hoàng tử nhưng họ chẳng hề là vị Caesar nào cả. Một Caesar thực sự đã trỗi dậy ở nước Mỹ, triều đại của y đang diễn tiến, hãy coi chừng, Caesar, tôi nghĩ, dân chúng nâng ngươi lên và khênh ngai vàng của ngươi qua những đường phố say sưa tung hô kia và rồi họ sẽ thù ghét ngươi và xé áo bào của ngươi và xô ngươi ngã xuống chính lưỡi kiếm của mình. Hoan hô Caesar. Hãy coi chừng ngày 15 tháng Ba, ngày Juliius Caesar xưa kia bị ám sát. Hoan hô Caesar. Hãy coi chừng SPQR, senatus populusque Romanus, Nghị viện và dân chúng La Mã. Hoan hô Caesar. Đừng quên rằng vua Nero là người cuối cùng của dòng họ ấy rốt cuộc phải chạy trốn tới dinh trang của Phaon ở ngoại thành và ra lệnh đào cho ông ta một huyệt mộ, Nero sau đó quá hèn nhát không dám đâm kiếm tự xử và cuối cùng phải buộc một tên thư lại cận thần giết hộ. Epaphroditos, kẻ giết vua. Quả thực đã từng có nhiều Caesar trên đời và bây giờ ở Mỹ một hiện thân mới đang lên ngôi. Nhưng Nero Golden chẳng phải là vua mà cũng không lâm vào kết cuộc như một Caesar sa cơ thất thế. Chỉ là một đám cháy, chỉ là một ngọn lửa ngẫu nhiên vô nghĩa. Những bạn bè thế giới ngầm của lão ở Bombay đã gọi lão là gì nhỉ? Tên thợ giặt, đúng. Tên dhobi. Đây là đồ dơ cần giặt, dhobi. Giặt cho sạch. Chẳng phải vua trên ngai vàng. Lão chỉ là tên thợ giặt.
Tên thợ giặt.
Bao đồ giặt trên ngưỡng cửa. Chiếc bao đay chứa toàn các thứ áo quần Ấn Độ.
Tôi cuống cuồng tìm kiếm trên các phương tiện truyền thông những ảnh chụp hiện trường đám cháy, video quay bằng iPhone, mọi thứ, bất cứ ở đâu tôi tìm được, bất kể chụp quay chuyên nghiệp hay do công chúng đăng lên mạng. Đám đông rướn cổ nhìn đằng sau những rào chắn an toàn. Những bộ mặt lấp ló trong khói và nước. Không có gì. Lại không có gì. Và bỗng có gì đó.
Trong một ảnh chụp có hai người Nam Á đứng xem ngọn lửa thiêu rụi, trong hai người có một gã thấp lùn. Không thể nào nhìn thấy bàn chân của kẻ đứng cùng hắn nhưng tôi đoán hai bàn chân ấy phải cỡ lớn dị thường.
Thời gian trôi qua. Đại nhân suy yếu, tiểu nhân lớn mạnh. Người này co cụm trong tuổi già, người khác vươn tầm với dài hơn. Họ có thể với tay và chạm tới nhiều nơi và nhiều người mà trước kia họ không thể vươn tới. Những bang hội ở đây trợ lực những bang hội ở kia, tạo điều kiện đi lại, tiến hành các chiến lược. Những tên hề trở thành vua chúa, những tên hề già nằm trong cống rãnh. Thời thế đổi thay. Đó là cách thức của thế giới này.
Báo chí hôm sau đều tường thuật cùng một kiểu. Tay chủ nhà gian manh bị buộc tội ngộ sát cấp hai. Một bi kịch. Và điều kỳ diệu là thằng bé ấy sống sót. Sự việc khép lại.
Có một tin khác, không hấp dẫn đối với báo chí Mỹ, mà tôi tình cờ tìm ra trên máy tính. Cái chết ở một nước xa xôi của một tên trùm matìa Nam Á một thời gây kinh sợ. Ông Zamzama Alankar, nguyên là bố già của gia đình tội ác hùng mạnh Z-Company, đã đi gặp đấng tối cao chờ phán xét cuối cùng. Một tin chưa được kiểm chứng.