Nhà Golden - Chương 33
Khi thám tử đến hiện trường, khán giả xem phim theo bản năng sẽ an lòng, mong đợi tội ác sẽ được tiếp nối bằng công lý, lẽ phải sẽ chiến thắng. Nhưng không phải lúc nào chính nghĩa cũng đánh bại bất công. Trong một phim Hitchcock khác, Psycho, nỗi kinh hoàng nảy sinh từ việc người không đáng chết lại chết. Janet Leigh là ngôi sao lớn nhất trong phim này nhưng, chưa được nửa phim, aah! nàng chết trong phòng tắm. Rồi nhà thám tử, Martin Balsam, xuất hiện, chàng Martin Balsam dễ thương, thoải mái, đáng tin cậy, hết sức chuyên nghiệp, hết sức yên lòng ta, và ta bớt hồi hộp. Mọi chuyện bây giờ sẽ ổn thôi. Và rồi, aah! Chàng cũng chết. Ghi chú cho mình: sợ hãi tăng thêm khi chết lầm người.
Tay thám tử về hưu ấy, cựu thanh tra Mastan của Ban điều tra Hình sự Bombay. Chúng ta phải chờ đợi một điều khủng khiếp xảy đến cho ông ta chăng?
Một lời cuối về đạo diễn Hitchcock. Đúng, ông ấy thích xuất hiện trong phim như một vai phụ thoáng qua, ông bảo điều đó sẽ khiến khán giả xem kỹ bộ phim hơn để thấy cảnh đó xảy ra lúc nào và ra sao, nhưng thông thường, ông cho vai phụ ngắn ngủi này xuất hiện rất sớm để khán giả khỏi phân tâm vì cố tìm kiếm. Tôi nói như vậy vì bây giờ, với tư cách tác giả của tác phẩm hiện đang diễn tiến (nói một cách rất huênh hoang nếu xét rằng đây cùng lắm chỉ là một dự án phim non nớt đầu tay), tôi phải ghi nhận rằng trong lúc tôi quan sát - tham gia mà không lên tiếng - cảnh phim mà tôi vừa kể, một điều gì đó không thể kiềm chế cứ thúc bách trong tôi. Vào cái lúc phải phun ra bí mật ấy, tôi cho bí mật của mình phun ra luôn.
Đúng: về tính cách, tôi che giấu các cảm xúc của mình. Tôi giấu nhẹm chúng đi hay tôi thăng hoa chúng thành những chi tiết liên tưởng trong phim. Ngay cả lúc quyết định này trong câu chuyện, khi tôi bước ra khỏi cánh gà và đứng dưới ánh đèn pha chiếm lĩnh sân khấu, tôi vẫn cố gắng (và thất bại) không nói đến Ran, kiệt tác cuối cùng của đạo diễn Akừa Kurosawa, trong đó, vua Lear thành hôn với Công nương Macbeth. Ý tưởng này được kích hoạt bằng một điều Thanh tra Mastan đã nói. Ông ta tự gọi mình là tên khùng ngu ngốc và cho dù ông ta có biết hay không thì đó gần như là câu trích lời ông vua đau khổ của Shakespeare. Xin đừng chế nhạo ta, vua Lear van xin. Ta là một lão khùng rất ngu ngốc… Và nói thẳng ra, ta e là mình không hoàn toàn tỉnh táo. Nero ngồi đó trên ghế sofa, ngai vàng cuối cùng của lão, thét lên nỗi căm hờn của tuổi già suy yếu. Lão Nhân Thời Đại, người hủy hoại cuộc đời của ba đứa con trai và rồi bị tiêu diệt không phải bằng sự thù địch của các con như vua Lear, mà bằng chính sự hủy hoại của con mình. Và đây, đứng trước mặt lão, trong mắt tôi cũng ghê tởm như Công nương Kaede trong phim Ran, mẫu hình Công nương Macbeth của Kurosawa, chính là Vasilisa Golden, mẹ của đứa con thứ tư, là đứa con duy nhất còn sống - và là đứa duy nhất được cho là con - của lão, với khẩu súng trong bóp đầm và ánh mắt bừng bừng lửa đạn. Còn tôi, thằng ngu, bắt đầu màn độc thoại sẽ phơi bày sự thật. Cứ như tôi không hiểu rằng vai của mình chỉ là phụ diễn. Cứ như tôi, giống Thanh tra Mastan, ít ra trong cảnh phim độc nhất này, sẽ được làm ngôi sao.
Tôi đã đâm ra khinh thường phu nhân Golden đệ nhị vì vẻ trịch thượng của cô ả, vì cái kiểu vứt bỏ tôi như vắt chanh bỏ vỏ khi tôi không còn cần thiết cho mục đích của cô ta nữa, vì khẩu súng trong cái bóp đầm ấy, vì thói sùng kính làm ra vẻ mộ đạo với một bức tranh thánh hàng nhái, vì bà mẹ giả mạo trùm khăn babushka của cô ta, vì sự thật không thể chối cãi là mọi điều cô ta nói, mọi cử chỉ, mọi âm sắc trong giọng điệu, mọi cái hôn, mọi cái ôm, đều không phát xuất từ tình cảm chân thật mà từ động cơ toan tính lạnh lùng. Sự khôn ngoan của con nhện, sự khôn ngoan của cá mập. Cô ả thật kinh tởm. Tôi kinh tởm cô ả và muốn hãm hại luôn.
Trong cách bày tỏ nửa Anh nửa Ân của viên thanh tra cảnh sát về hưu kia, trong thái độ kiềm chế cứng rắn của ông ta, trong giọng nói không bao giờ to tiếng kể cả khi nguyền rủa Nero Golden xuống địa ngục đời đời, tôi đã nhận ra điều gì đó của chính mình. Có lẽ Suchitra đã nói đúng khi nàng bảo là mọi nhân vật trong câu chuyện của tôi đều là một khía cạnh của chính bản chất tôi. Chắc chắn tôi đã nghe thấy chính mình không chỉ trong cách kiềm nén cảm xúc của ông Mastan, mà còn ngay lúc này, trong tiếng thét lú lẫn bất lực của lão Nero. Tôi không già cả lú lẫn, chưa đâu, nhưng tôi hiểu ít nhiều về sự bất lực. Ngay cả lúc này khi tôi quyết định vứt bỏ những gông cùm mà Vasilisa đã khóa lưỡi tôi, tôi hiểu rằng sự thật này sẽ khiến tôi đau đớn hơn ai hết. Nhưng tôi vẫn phải nói ra. Lúc Riya điện thoại triệu hồi tôi đến nhà Golden, có chuyện sắp xảy ra, Riya nói trong tâm trạng đau khổ và bấn loạn của riêng cô ấy, trong đó nỗi tang tóc bây giờ được pha lẫn với những hiểu biết đáng sợ, đã khơi bùng trong tôi một dòng thác cảm xúc mà lúc đó tôi chưa hiểu ra ngay nhưng giờ đây, đột ngột, ý nghĩa của nó trở nên rõ ràng.
Cuộc bầu cử không buông tha chúng tôi, Suchitra như thường lệ không biết mệt mỏi đã tình nguyện trực điện thoại, rồi vào ngày thứ Ba làm công tác chạy vòng ngoài và vận động bầu cử. Nàng lẽ ra là người đầu tiên mà tôi phải ngồi xuống, bình tĩnh, thú nhận, giải thích, bày tỏ tình yêu và xin tha thứ. ít nhất tôi mắc nợ nàng điều đó nhưng trái lại tôi ở đây, như con chó đứng trên hai chân sau trong phòng khách nhà Golden há hốc mồm với những lời định mệnh run rẩy trên môi.
Không, không cần phải ghi lại những lời đó làm gì.
Gần cuối siêu phẩm phim Pather Panchali của Satyajit Ray có thể tìm thấy một đoạn mà tôi cho là cảnh đơn vĩ đại nhất lịch sử điện ảnh. Cảnh trở về của Harihar người cha của nhóc Apu và cô chị Durga, kẻ đã bỏ hai con lại ngôi làng cho người mẹ Sarbajaya trong lúc ông ta lên thành phố cố gắng kiếm tiền. Sau khi khấm khá, Harihar về làng cùng những món quà cho hai con, không hề biết trong lúc ông đi vắng cô bé Durga đã lâm bệnh và qua đời. Ông ta thấy Sarbajaya ngồi trên pyol, hàng hiên trước nhà họ, câm nín vì thảm kịch, không thể đón mừng chồng về hay có phản ứng với những gì chồng kể lể. Không hay biết gì, người chồng bắt đầu cho vợ xem những món quà của hai con. Rồi trong một khoảnh khắc xuất sắc, chúng ta thấy sắc mặt ông biến đổi khi Sarbajaya, quay lưng về phía máy quay, cho chồng biết tin về Durga. Ngay lúc đó, hiểu rõ sự bất lực của đối thoại, Ray để cho tiếng nhạc dâng trào át mọi âm thanh nền, tiếng nhạc cao vút xé lòng của cây đàn tar-shehnai khóc lên nỗi đau của cha mẹ thống thiết hơn mọi ngôn từ.
Tôi không có âm nhạc để trình làng. Tôi chỉ có sự im lặng thay thế.
Khi tôi đã nói xong điều phải nói, Riya bước qua phòng đứng trước mặt tôi. Rồi giơ cao tay phải, cô ấy tát tôi một cái mạnh hết sức vào má bên trái của tôi. Cái này là vì Suchitra, cô ấy nói. Rồi dùng lưng bàn tay ấy, Riya tát tôi tạt cho tôi một phát nữa mạnh hơn vào má phải, rồi bảo tôi. Cái này dành cho anh. Tôi đứng yên không nhúc nhích.
Cậu ta nói gì? Nero, trong cảnh lộn xộn của buổi sáng ấy, muốn biết chuyện gì. Cậu ta đang nói gì vậy?
Tôi đi tới chỗ lão ngồi, ngồi thụp xuống, nhìn thẳng vào mắt lão và nói lại lần nữa.
Tôi là cha đẻ của con trai ông. Nhóc Vespa. Đứa con duy nhất còn sống sót không phải là con ông. Nó là con tôi.
Vasilisa nhảy bổ lên tôi với cơn tức tối điên cuồng của người hùng trong thơ Byron, như con sói nhào xuống bầy cừu, nhưng ả chưa kịp động tới thì tôi đã thấy ánh sáng bừng lên trong đôi mắt ông già và kìa, lão lại hiện diện, tỉnh táo, con người quyền uy đã quay về sau cuộc lưu lạc trên mây và chui vào bộ da của mình.
Mang thằng bé ra, lão ra lệnh cho vợ. Cô ta lắc đầu. Chuyện này không nên liên can tới nó.
Mang nó ra ngay.
Và khi nhóc Vespa được đưa ra - Vasilisa bế nó, bà mẹ trùm khăn babushka đứng cạnh, thân thể hai người đàn bà hơi xoay nghiêng tránh né người chủ gia đình, bảo vệ thằng bé ở giữa - Nero chăm chú nhìn thằng bé, cứ như là lần đầu tiên, rồi nhìn tôi, rồi lại nhìn thằng bé, và nhìn tôi lần nữa, cứ thế, nhiều lần; cho đến khi thằng bé, không bị kích động gì nhưng cảm nhận được khủng hoảng như mọi đứa trẻ khác, òa khóc ầm ĩ. Vasilisa ra hiệu cho bà già, đủ rồi. Đứa bé được đưa đi khuất mắt người cha. Nó không thèm nhìn về phía tôi lấy một lần.
Phải, Nero nói. Ta hiểu. Lão không nói gì nữa nhưng dường như tôi thấy lơ lửng trên đầu lão là những lời kinh khủng của Emma Bovary nghĩ về bé gái Berthe con nàng. Lạ lùng sao đứa nhỏ này xấu xí quá.
Anh không hiểu gì cả, Vasilisa vừa nói vừa đi tới chỗ lão.
Nero Golden giơ tay chặn cô ta lại giữa đường. Rồi, hạ tay xuống, lão nhổ nước bọt lên lưng bàn tay.
Kể hết mọi chuyện ta nghe, lão bảo tôi.
Tôi kể.
* * *
Tôi không cần nghe chuyện này, Riya nói và ra khỏi nhà. Tôi không muốn nghe chuyện này, Vasilisa nói, và ở lì trong phòng này, lắng nghe.
Khi tôi dứt lời, lão suy nghĩ một hồi lâu. Rồi lão nói, giọng trầm và mạnh mẽ, Bây giờ tôi và vợ cần nói chuyện riêng.
Tôi quay lưng đi ra, nhưng trước khi tôi rời phòng lão nói một câu lạ lùng.
Nếu có nguy hại nào xảy ra cho hai chúng tôi, tôi chỉ định cậu làm người giám hộ cho thằng bé. Tôi sẽ cho luật sư soạn thảo giấy tờ ngay hôm nay.
Không có nguy hại nào xảy ra cho hai chúng ta cả, Vasilisa nói. Hơn nữa, hôm nay là ngày cuối tuần.
Bây giờ chúng ta nói chuyện riêng, Nero đáp. Vui lòng tiễn cậu René ra về.
Trong lúc tôi đi bộ trên đường Macdougal về hướng Houston, cơ thể tôi đã cạn kiệt kích thích tố, tôi đâm hoảng sợ tương lai phía trước. Tôi biết điều gì phải làm, điều gì tôi không thể tránh né không làm. Tôi cố gọi điện cho Suchitra. Hộp thư thoại. Tôi nhắn tin, chúng ta cần nói chuyện. Tôi lang thang trong thành phố mò về nhà trên Đại lộ 6 và lạc qua tận Tribeca, không còn nhớ đường xá. Ở góc phố North Moore và Greenwich, tôi nhận được tin nhắn hồi đáp của nàng, về muộn, gì thế. Không có cách nào trả lời. Ko sao, sau vậy. Tôi rẽ phải ở đường Chambers và đi bộ băng ngang Trung học Stuyvesant. Tôi đã chờ đợi điều tồi tệ nhất. Còn chuyện gì khác xảy ra nữa? Nàng sẽ nghĩ sao về tôi, về điều tôi phải nói với nàng? Chỉ có những gì tồi tệ nhất.
Nhưng nếu bản chất con người mà không phải là điều bí ẩn thì ta cần gì đến những nhà thơ.