Nhà Golden - Chương 32

Sẽ có ý nghĩa gì nếu tên Joker trở thành Vua và Nữ Người Dơi vào tù. Bên ngoài khu Gardens tiếng cười sằng sặc càng lúc càng lớn nghe như tiếng rú, tôi không biết có phải đó là những tiếng thét phẫn nộ hay mừng vui. Tôi cùng lúc vừa kiệt sức vừa sợ hãi. Có lẽ tôi đã lầm về đất nước mình. Có lẽ một đời sống trong bong bóng này đã khiến tôi tin là tình hình không phải như thế, hay chưa đến mức như vậy để thắng lợi. Nếu chuyện tồi tệ nhất xảy ra, nếu ánh sáng tắt ngóm trên bầu trời, nếu những chuyện dối trá, phỉ báng, xấu xa trở thành bộ mặt nước Mỹ thì mọi thứ còn mang ý nghĩa gì đây. Vậy thì còn ý nghĩa gì đâu về câu chuyện của tôi, cuộc đời tôi, công việc tôi, những câu chuyện cũ mới của bao người Mỹ, những gia đình trên chiếc tàu Mayflower và những người Mỹ tự hào tuyên thệ nhậm chức vừa kịp lúc để góp phần vạch mặt - hay phá hủy - nước Mỹ. Vậy thì có đáng gì mà còn cố tìm hiểu thân phận con người nếu như nhân tính tự nó đã phơi bày bộ mặt dị dạng, hắc ám. Thi ca, điện ảnh, nghệ thuật còn có nghĩa gì nữa đâu. Hãy để cho điều tốt lành lụi tàn. Hãy mặc Thiên Đàng đánh mất. Nước Mỹ tôi yêu, cuốn theo chiều gió.

Trong ngày cuối tuần cuối cùng trước bầu cử, tôi đã không ngủ yên giấc vì đầu óc cứ quay cuồng với những ý nghĩ như thế. Riya gọi điện cho tôi lúc 5 giờ sáng khi tôi đang mở mắt thao láo nhìn trần nhà. Anh phải tới, Riya nói. Có chuyện gì đó sắp xảy ra mà em không biết chuyện gì nhưng em không thể ở đây một mình. Ông già đã ngủ gục trên bàn giấy, ngồi trên ghế chúi đầu, tì trán xuống mặt gỗ. Đêm đó Riya cũng mất ngủ như tôi. Nhưng cô ấy không phải là vị linh mục Công giáo trong phim Hitchcock nên cần phải chia sẻ với ai đó cái gánh nặng của những chuyện đã nghe kể, của những bí mật mà bây giờ cũng thành của cô. Tôi đến gặp Riya, chúng tôi ngồi trong khu Gardens trước bình minh và cô nói chuyện. Em phải làm gì đây, Riya hỏi. Có gì đâu mà làm, tôi đáp. Nhưng tôi đã biết câu trả lời vì tôi đang bùng nổ cơn hưng phấn sáng tạo; câu chuyện này đã cứu tôi khỏi vực thẳm của nỗi tuyệt vọng đêm đêm. Đó là mảnh ráp nối mà tôi còn thiếu, nó cho tôi cái cốt lõi tăm tối của bộ phim, cuộc phơi bày quan trọng, ý nghĩa của nó. Nghệ thuật là vậy đấy và nghệ sĩ là đám trộm cướp đĩ điếm, nhưng chúng tôi biết khi nào thì mạch hứng tuôn tràn, khi nào nàng thơ vô danh thầm thì bên tai, nói thật nhanh, ghi lại hết đi, ta sẽ chỉ nói ra một lần thôi; và rồi chúng ta biết câu trả lời cho mọi thắc mắc nghi hoặc đang hành hạ chúng ta trong những đêm hãi hùng. Tôi nghĩ đến tài tử Joseph Eiennes trong vai chính của phim Shakespeare in Love, đang ngồi ở bàn viết - viết cái gì nhỉ? Romeo and Juliet? - bỗng đứng phắt lên xoay tròn một vòng nhỏ và tự khen mình không chút hợm hĩnh hay xấu hổ, “Trời, mình hay quá.”

(Điều này lại đặt ra một câu hỏi thú vị: Shakespeare có biết ông ta là Shakespeare không? Nhưng chuyện đó tính sau.)

(Không hề có nàng thơ nào trong điện ảnh, cũng như trong văn chương hư cấu. Ở trường hợp này, các nàng-thơ-khả-dĩ-nhất có lẽ là thi thần Hy Lạp Calliope - nếu những gì tôi làm có thể coi là sử thi - hay Thalia, nếu là hài kịch, hay Melpomene, nếu như tôi đạt tới tầm cao của bi kịch. Không quan trọng lắm. Không sao.)

Cứ xem sự tình thế nào, tôi nói. Để xem tay cảnh sát về hưu kia muốn nói gì.

Kịch tính có cách mai phục nhà soạn kịch. Có gì đó sắp xảy ra mà em không biết là chuyện gì, Riya đã nói, và kêu gọi tôi giúp đỡ, nhưng cả hai chúng tôi đều không ngờ rằng cái chuyện sắp xảy ra đó chính là tôi.

* * *

Chúng tôi quay trở lại nhà Golden và trong đại sảnh thông ra khu Gardens, chúng tôi thấy mình đối mặt với Vasilisa một tay đang ẵm đứa con của cô ta - đứa con của tôi! - một tay cầm khẩu súng. Nhỏ, báng khảm trai, nòng vàng. Cô gái với khẩu súng bằng vàng. Trông cô ta như một minh tinh người Ý mặc chiếc áo ngủ lụa phớt hồng bên ngoài khoác áo choàng đăng-ten dài phết đất - Monica Vitti, hay là Virna Lisi, Tôi không nhớ rõ. Tuy nhiên khẩu súng rành rành dấu ấn của đạo diễn Godard. Tôi nghĩ đến nhân vật nữ sát nhân trong phim Pierrot đang bỏ mặc tên lùn nằm chết với lưỡi kéo của nàng cắm xuyên qua cổ gã. Tôi không muốn trở thành phiên bản của tên lùn đó. Thực tế tôi đã giơ hai tay lên đầu hàng. Diễn lại cảnh này đi, tôi nghĩ. Riya nhìn tôi cứ như tôi đã hóa điên.

Xin chào, Vasilisa, Riya với với giọng bình thường, chẳng có tính xi-nê gì cả. Xin bỏ cái đó xuống đi.

Các người làm gì trong nhà tôi? Vasilisa nói, vẫn không hạ khẩu súng xuống. (ít ra cô ta cũng bám sát kịch bản.)

Nero gọi tôi đến, Riya nói. Ông ấy muốn trò chuyện.

Ông ấy muốn trò chuyện với cô?

Ông ấy đã trò chuyện rất lâu. sắp có một người đến gặp ông ấy.

Ai đến? Tại sao không báo tôi biết?

Tôi đến vì Riya lo sợ. Về người đó.

Tất cả chúng ta sẽ cùng gặp người đó, Vasilisa nói. Bí mật này sẽ được giải quyết. Cô ta cất khẩu súng vào bóp đầm, chốn nương thân của nó.

Cắt. Kế tiếp là một loạt cú quay nhanh, rút ngắn một khoảng thời gian trôi qua, nhằm cho thấy tình trạng suy sụp của Nero. Ông ta đứng không vững, giọng nói và cử chỉ đều run rẩy.

Khi cô ta đánh thức ông chồng, Nero không còn tỉnh táo. Vẻ minh mẫn của màn hùng biện đêm qua đã biến mất. Lão đã lẫn lộn, mụ mị hẳn, cứ như việc cố sức nhớ lại đã khiến lão cùng kiệt. Vasilisa dìu lão vào phòng tắm và bảo, “Tắm.” Sau khi lão tắm xong, cô ta bảo. “Mặc đồ.” Sau khi lão mặc đồ, cô ta bảo, “Mang giày.” Trông lão thảm hại. “Tôi không cột dây giày được,” lão nói. “Đây là giày xỏ,” cô ta bảo lão. “Mang giày.” Sau khi chân lão đã xỏ vào giày, cô ta chìa ra một nắm thuốc. “Nuốt đi,” cô ta nói. Sau khi lão đã nuốt xong, cô ta ra lệnh, “Nói tôi nghe.” Lão lắc đầu. “Một người của quá khứ,” lão nói.

Lý do duy nhất khiến tôi biết chút ít về loại mũ phớt Borsalino chính là vì bố mẹ tôi từng tranh cãi theo kiểu vui vẻ của họ - thích tranh cãi hơn là kết quả - về chuyện có nên đưa loại mũ phớt nổi tiếng này vào bộ sưu tập những thứ nổi tiếng thuộc về nước Bỉ của họ hay không. Công ty mũ Borsalino không nằm trong biên giới Bỉ. Nó thuộc thành phố Alessandria, ở Piedmont, nước Ý, nằm trên một bình nguyên do phù sa bồi đắp giữa hai con sông Tanaro và Bormida, cách Torino non trăm cây số. Tôi biết ba điều về mũ phớt Borsalino: chúng rất được người Do Thái Chính thống giáo ưa chuộng; chúng trở thành hay ho khi Alain Delon và Jean-Paul Belmondo đội loại mũ này trong bộ phùn gangster Pháp năm 1970 được đặt tên theo loại mũ đó; và chúng là những chiếc mũ nỉ, loại nỉ này được làm bằng lông thỏ của Bỉ (a ha!).

Tay Mastan ấy, tay sĩ quan cảnh sát về hưu ấy, ngồi trong phòng khách nhà Golden đúng ngay cái ghế lưng thẳng mà trước kia tên sát nhân Kinski đã ngồi, trông ông ta hơi hốt hoảng khi đối đầu với Vasilisa mặt hầm hầm cùng Riya, tôi lẫn Nero. Hôm ấy là ngày cuối tuần, cho nên nhiều người giúp việc đi vắng. Không có bà Lăng Xăng, không có bà Lải Nhải. Anh thợ lặt vặt Gonzalo không có mặt, cũng như ông quản gia Michael McNally và đầu bếp Sandro Cucchi biệt danh “Cookie”. Chính tôi ra mở cửa và đưa tay cựu thanh tra vào nhà. Một người bảnh bao! Tóc bạc, tuổi cổ lai hy như Nero, có lẽ chỉ mới qua bảy mươi chưa gần tám mươi, nếu nhìn nghiêng ông ta có thể đã là hình mẫu cho pho tượng thủ lĩnh da đỏ Crazy Horse của đài tưởng niệm ở South Dakota. Chỉ khác là bộ vest màu kem của ông ta lại y hệt trong phim của Peter 0’Toole và chiếc cà-vạt sọc chéo hai màu đỏ vàng là kiểu cà-vạt mà bất kỳ dân quý phái Ăng-lê nào cũng hãnh diện đeo. (Nhờ nghiên cứu, mãi sau này tôi mới biết là hãnh diện tới chừng nào. Chiếc cà-vạt của Hội bóng cricket Marylebone là món rất được ham muốn trong giới chơi môn này.) Mastan ngồi rất thẳng, rất ngay, nhưng rất không thoải mái, tay mân mê chiếc mũ Borsalino đặt trên đầu gối. Một lúc im lặng lúng túng. Rồi ông ta nói.

Tôi đến Hoa Kỳ vì ba lý do. Thứ nhất là để thăm em gái tôi ở Philadelphia. Chồng cô ấy đã thành đạt trong nghề tái chế chai nhựa. Đó là cách người ta làm giàu ở Mỹ. Có một ý tưởng tốt và cứ đeo đuổi tới cùng. Giáo sư Einstein từng nói ông ta chỉ có một ý tưởng tốt. Nhưng trong trường hợp Einstein thì đó là bản chất của vũ trụ.

Nero cứ thộn mặt ra, đờ đẫn, ánh mắt nhìn đâu đâu, khẽ ậm ừ một điệu nhạc thầm kín.

Lý do thứ hai là viếng thăm mộ phần của nhà văn E G. Wodehouse, ông ta nói. (Nghe thế tôi chú ý ngay. Wodehouse, người mà bố mẹ tôi lẫn tôi đây đều hết sức yêu quý. Wodehouse, tôi đã sực nhớ đến ông ta khi tên Kinski ngồi trên cái ghế đó.) Nhà văn Wodehouse rất được ưa chuộng ở quê nhà tôi, Mastan nói. Bia mộ của ông ta là một cuốn sách bằng đá hoa cương có khắc tên các nhân vật của ông. Nhưng nhân vật tôi thích nhất lại không có trên đó. Cô Madeline Bassett, người nghĩ rằng những vì sao là vòng hoa của Thượng Đế. Nhưng cô ta chỉ là một nhân vật phụ. Tôi đây cũng vậy. Y hệt. Vai trò của tôi xưa nay luôn chỉ là phụ diễn.

Chồng tôi không được khoẻ, Vasilisa nói thẳng thừng. Nếu việc ghé thăm này có mục đích gì, xin nói ngay đi.

Ồ, có mục đích chứ, thưa bà. Xin hãy kiên nhẫn. Có cả bề ngoài và có cả thực chất. Bề ngoài là điều tôi đã nói qua điện thoại với ông nhà rồi. Một lời cảnh báo. Nhưng quý ông nhà vốn là người từng trải. Có lẽ không cần cảnh báo với ông ấy những điều ông đã biết rồi. Cộng đồng dân tộc của chúng tôi ở Mỹ đã phát triển mạnh, thưa bà, bây giờ cộng đồng ấy đã tự hào có được những nhà tái chế chai nhựa, thưa bà, rồi các thiên tài công nghệ mới, các diễn viên đoạt giải cao, các luật sư vận động, các chính khách đủ loại, các nhà thiết kế thời trang, thưa bà, và cả các băng đảng tội phạm nữa. Tôi rất tiếc phải nói như thế. Ở Mỹ cái từ mafia có hàm ý đặc trưng của người Ý cho nên tốt nhất nên tránh cái từ đó và gọi các băng nhóm của dân chúng tôi bằng tên khác. Ta hãy thừa nhận là chúng vẫn còn là những nhóm nhỏ, chỉ là bước khởi đầu của những tổ chức quy mô mà người Ý gọi là gia đình và dân chúng tôi gọi là gharaney, người nhà, hay hiện nay gọi là các company, bang hội, một tên gọi đang thịnh hành ở mẫu quốc. Tuy nhiên những bang hội ở Mỹ này lại hết sức hăng hái, những nhóm người nhà mới đấy, nhiều tiềm năng phát triển nhanh. Ở mức độ nào đó cũng có kết giao với quê nhà, một lợi ích của toàn cầu hoá, trong những hoạt động chung. Người của chúng tôi ở Mỹ sẵn lòng giúp người ở quê nhà, để tạo điều kiện cho những hoạt động ở đây thì đáp lại bằng cách tạo điều kiện tương đương cho phía quê nhà. Tình thế thay đổi rồi, thưa bà. Thời gian trôi qua. Nhiều chuyện trước kia không thể bây giờ đã có thể. Tôi muốn bàn những vấn đề này với quý ông nhà nhưng bây giờ đang giáp mặt với ông ấy thì tôi lại thấy có nói cũng bằng thừa. Ông ấy có thể nhận thức, hoặc có thể không. Chuyện đó có thể liên quan đến ông ấy, hoặc có thể không. Trí thông minh của ông ấy có thể phục hồi khả năng phân tích các nguy cơ và hiểm họa, hoặc có lẽ mất luôn khả năng đó. Đó không phải việc của tôi. Giờ tôi đã hiểu ra.

Cho nên chúng ta đi tới chuyện thực chất, thưa bà, cám ơn bà đã nhẫn nại. Chuyện thực chất là hãy nhìn quý ông nhà, hãy xem việc nhìn thấy như vậy đã khiến tôi đây có cảm nghĩ gì. Đây là một người có nhiều hành vi sai trái đã thoát được sự phán xét. Về vai trò của ông ấy trong nhiều việc kinh khủng, thưa bà. Đây là người đã giỏi che đậy các dấu vết, người đã dùng tài nghệ và tiền bạc để xóa sạch mọi mối liên kết giữa bản thân ông ấy và nhiều điều không thể nói ra. Tôi đã hứa cho ông ấy biết tên những kẻ đã giết con trai ông nhưng tất nhiên ông ấy đã biết rồi, bao nhiêu năm ông ấy đã giao hảo thân thiết với chúng, cho đến ngày chúng trở mặt. Có khả năng lực lượng an ninh của đất nước hùng mạnh này sẽ quan tâm đến mấy chuyện đó, có lẽ tôi cũng có thể khiến họ quan tâm, nhưng tôi e rằng không có chứng cớ thì họ sẽ coi tôi như một tên khùng ngu ngốc cho dù tôi từng là đồng nghiệp với họ ở một đất nước xa xôi. Có khả năng là sau khi đã nhìn thấy con người này, tôi lại mong muốn tự mình giải quyết vấn đề mặc dù cả hai chúng tôi đều là những ông già. Cũng có khả năng là tôi lại muốn đấm vào mặt con người này, cho dù hai kẻ già cả ngớ ngẩn mà đánh nhau thì thật lố bịch. Cũng không loại trừ khả năng là tôi lại muốn bắn chết ông ta. Tôi vẫn là tay súng thiện xạ, thưa bà, mà vũ khí ở Mỹ thì dễ tìm lắm. Nhưng bây giờ, khi tôi đã nhìn thấy con người này, kẻ mà tôi đã căm hận gần như cả đời mình, kẻ từng là người quyền lực, tôi thấy rằng mình đã gặp lại thù xưa ngay lúc hắn đã suy yếu, và không đáng cho tôi phí một viên đạn. Hãy để ông ấy đối mặt với Thượng Đế, hãy để ông ấy nhận lãnh hình phạt trước sự phán xét tối cao. Hãy để hỏa ngục đón nhận ông ấy và để lửa hỏa ngục thiêu đốt đời đời. Vậy là tôi đã nói xong chuyện và xin phép kiếu từ.

Bàn tay Riya đặt trên vai Vasilisa, cảnh báo cô ta, để yên khẩu súng ở đó.

Ông Mastan đứng dậy cúi đầu. Rồi trong lúc ông ta quay lưng đi ra cửa, từ trong lòng ghế sofa đang ngồi Nero đứng bật dậy, và thét to hết sức lực khiến ai cũng kinh hoàng khiếp đảm.

Mày tới nhà tao mà dám nói năng như thế với tao trước mặt vợ tao sao?

Viên cảnh sát về hưu dừng sững, lưng quay về phía Nero, tay vẫn cầm chiếc mũ.

Đồ chó đẻ! Nero rống lên. Chạy đi! Giờ chính mày đã tiêu rồi.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3