Nhà Golden - Chương 31

Lão đã sắp tám mươi tuổi và bắt đầu quên nhiều sự việc mới gần đây, nhưng quá khứ lại càng lúc càng tỏa sáng trong trí nhớ như vàng dưới đáy sông Rhine. Dòng sông suy tưởng của lão không còn trong trẻo nữa, mặt nước mờ đục và dòng chảy lờ nhờ, trong dòng sông ấy ý thức của lão từ từ không còn bám chắc trình tự thời gian, vào những gì lúc đó, những gì hiện tại, những gì là sự thật tỉnh thức và những gì đã sinh ra từ cõi mơ thần thoại. Thư viện thời gian bị xáo trộn, các thể loại lẫn lộn, các phiếu chỉ mục xổ tung hay bị phá hủy Có những ngày tốt đẹp và những ngày tồi tệ, nhưng mỗi ngày qua thì những hôm qua xa xưa lại càng rực sáng rõ ràng hơn tuần lễ trước. Thế rồi quá khứ đã gọi điện thoại cho lão lúc đêm hôm, tất cả những gì lão đã chôn giấu giờ lại đồng loạt từ dưới mồ đứng dậy bu quanh lão, và lão phải gọi cuộc điện thoại của chính mình. Trong những gì tiếp theo sau tôi nghe tiếng vọng của một bộ phim Hitchcock khác. Chúng tôi không còn ở trong Rear Window. Chúng tôi đang bước vào thế giới của I Confess*.

(Bạn nhớ phim I Confess không? Một kẻ giết người thú tội với một linh mục Công giáo, người bị ràng buộc bởi những quy luật xưng tội nên phải giữ bí mật của kẻ sát nhân. Hitchcock ghét kỹ thuật diễn xuất “hóa thân” của Montgomery Clift, và một số người ghét sự thiếu vắng hoàn toàn tính hài hước trong phim này, nhưng Éric Rohmer và Claude Chabrol trong tạo chí điện ảnh Cahiers du Cinéma lại ca ngợi bộ phim vì tính “uy nghiêm” của nó, chỉ ra rằng chính vì vai linh mục phải im lặng, bộ phim phụ thuộc hoàn toàn vào nét mặt biểu cảm của diễn viên. “Chỉ những vẻ mặt ấy là cho chúng ta tiếp cận những bí mật trong suy nghĩ của ông ta. Chúng là những sứ giả trung thành và xứng đáng nhất của tâm hồn.” Riya Zachariassen, hấp tấp băng qua Manhattan giữa đêm khuya, không hề là linh mục, nhưng cô ấy sắp sửa nghe xưng tội. Cô ấy có thể giữ bí mật được không? Nếu được, vẻ mặt và ánh mắt của Riya có chuyển tải những gì cô ấy biết? Và: việc nắm giữ bí mật này có gây nguy hiểm cho đời cô không?)

Quá khứ, quá khứ lão đã bỏ lại ở ngọn đồi huyền thoại. Ngọn đồi luôn là một nơi có ma lực kể từ khi Lakshman, em trai thần Ram, bắn một mũi tên xuống đất đưa sông Hằng từ xa đến đây để uống cho đã khát. Một dòng suối ngầm phụt lên trên mặt đất và họ uống, vẫn còn một chút nước mát lành đó ở Hồ nước Banganga. Baan, tiếng Phạn có nghĩa là mũi tên, và Ganga tất nhiên là tên dòng sông mẹ. Họ đã sống giữa những câu chuyện sinh động của các vị thần.

Và sau các vị thần, người Anh, đặc biệt là Ngài Mountstuart Elphinstone, quan thủ hiến thành phố từ năm 1819 đến năm 1827, người đã xây căn nhà trệt đầu tiên trên ngọn đồi này và tất cả dân quyền quý của thành phố đều noi gương theo. Nero còn nhớ ngọn đồi của tuổi thơ, nơi có nhiều cây cối và mấy tư dinh thâm thấp tao nhã, mái ngói đỏ nổi bật giữa cây lá. Lão đi dạo trong ký ức qua những Vườn Treo, nhìn các con trai nô giỡn trong nhà chơi Chiếc Giày Bà Già ở công viên Kamala Nehru. Cao ốc đầu tiên được xây trên đồi này trong những năm 1950 và mọi người cười nhạo. Họ gọi đó là Nhà Hộp Diêm vì trông nó giống một hộp diêm khổng lồ dựng đứng. Ai mà muốn sống ở đó chứ, mọi người chế giễu, nhìn xem, xấu xí quá. Nhưng những tòa nhà hộp diêm cứ tăng lên và những căn nhà trệt cứ giảm xuống. Đó là tiến bộ. Nhưng đây lại không phải câu chuyện lão muốn kể. Lão muốn kết thúc câu chuyện lão đã bắt đầu kể tôi nghe ngày hôm đó ở Russian Tea Room.

(Đích thân lão đón Riya vào. Hai người vào trong phòng làm việc tăm tối của lão và ngồi trong bóng đêm. Riya không nói gì, hay gần như không nói. Lão có một câu chuyện dài cần kể.)

Lần đầu tiên Nero gặp người mà lão bắt đầu gọi là Don Corleone vào đúng khoảng thời điểm trình chiếu bộ phim The Godfather, cái thời hắn ta mới chập chững bước vào ngành sản xuất điện ảnh. Hồi đó mọi người khác đều gọi tên trùm ấy là Sultan Ameer. Băng đảng tội ác của hắn là S-Company, “S là Sultan, Siêu đẳng và Sang trọng,” như tên trùm thích khoe. Hắn là một tội phạm cỡ lớn, tay buôn lậu bậc thầy, nhưng mọi người yêu mến hắn vì hắn không để cho ai bị giết và hắn thuộc loại có tâm hoạt động xã hội. Giúp đỡ người nghèo trong các khu ổ chuột và cả những người buôn bán lặt vặt nữa. Mãi dâm thì hắn có làm, đúng vậy; các nhà chứa ở Kamathipura, phải, hắn điều hành hết. Cướp nhà băng, cũng có. Chẳng ai hoàn hảo cả. Nên vậy đó, nhìn chung, bù qua sớt lại, một kiểu Robin Hood, có thể nói như thế. Không đúng, không hẳn vậy, hoạt động đại quy mô cỡ đó thì không thể so hắn với một đám lục lâm bắn cung tên hoạt động nhỏ lẻ ở khu rừng Sherwood bên Anh được, nhưng nhiều người xem hắn ta là người tốt, phần tốt nhiều hơn là thối nát. Hắn là tên gangster đầu tiên có danh tiếng. Quen biết hết mọi người, đi đâu cũng thấy mặt. Cảnh sát, quan tòa, chính khách, hắn bỏ túi hết. Dạo bộ thoải mái trong thành phố, không sợ hãi gì. Và không có những tên gangster như hắn thì phân nửa những bộ phim mà mọi người yêu thích đã không thể làm được. Các nhà đầu tư quan trọng chính là các trùm matìa. Cứ hỏi bất kỳ hãng phim lớn nào thì biết ngay. Không sớm thì muộn matìa cũng tới gõ cửa, tay xách theo cả đống tiền.

Hắn ta huấn luyện cho thế hệ kế tiếp, toàn những thằng nhóc trong vùng được hắn nuôi. Thằng Zamzama Alankar có biết trò buôn lậu nào mà không phải do Sultan Ameer chỉ dạy đâu? Hắn huấn luyện Zamzama (bí danh KG, tức “Kim’s Gun,” hay đơn giản gọi là Đại Bác), hắn huấn luyện thằng Chân Nhỏ, thằng Ngón Cụt, thằng Đầu To, toàn những tên hàng đầu. Họ, cả năm người đó, thích phim ảnh, và Sultan Ameer có người tình là ngôi sao điện ảnh - đó là một cô gái gọi là Goldie, hắn đã đổ tiền vào nhiều bộ phim thất bại để cố biến cô ta thành một biểu tượng - cho nên đương nhiên là họ bước vào ngành sản xuất điện ảnh. Thời đó chưa có ai gọi thành phố ấy là Bollywood đâu, mãi sau này mới đặt ra tên ấy. Công nghiệp phim Bombay. Bombay Talkies*. Thời đó chỉ gọi vậy thôi.

(Cho phép tôi chen vào một chút, Bombay Talkie đã và vẫn là bộ phim của Merchant-Ivory tôi thích, nhất là màn ca múa “Typeiưriter Tip Tip Tip” trong đó các vũ công quay tít trên bàn phím của “cỗ máy số phận” khổng lồ, và đạo diễn giải thích, “Khỉ con người chúng ta nhảy múa trên đó, chúng ta nhấn xuống những phím chữ và viết ra câu chuyện số phận của mình.” Đúng, tất cả chúng ta đang nhảy múa ra câu chuyện đời mình trên chiếc Máy Chữ Cuộc Đời.)

Vậy đó. Don Corleone bước vào ngành phim nói Bombay đã giúp cho một số ngôi sao xẹt củng cố lại vị trí, Parveen Babi chẳng hạn, và Helen nữa. Hắn ta chơi thân với hai nhà điện ảnh Raj Kapoor và Dilip Kumar nữa. Những tên đàn em buôn lậu của hắn cứ buôn, trộm cướp cứ cướp, gái điếm cứ làm điếm, còn đám quan tòa, chính khách với cớm của hắn cứ làm theo lời hắn, nhưng trên màn bạc ở rạp Maratha Mandir, bộ phim Kuch Nahin Kahin Nahin Kabhi Nahin Koi Nahin, “Không có gì Không ở đâu Không bao giờ Không có ai” của hắn giữ kỷ lục chiếu liên tiếp nhiều tuần nhất cho đến khi, hẳn nhiên thôi, một bộ phim chó chết khác, Cả Cô Dâu Cũng Bị Các Chàng Độc Thân Lột Trần, phát hành và phá mọi kỷ lục khốn kiếp hiện có. Nhưng phim KN4 nói trên, ai cũng cho đó là phim thắng lớn của hắn, Sultan Ameer / Don Corleone rất tự hào về phim đó, thành tựu đáng tự hào nhất, hắn thường nói, và hắn tự đặt riêng một tên cho bộ phim này, “Gì cũng có Đâu cũng có Lúc nào cũng có Ai cũng có,” hay gọi tắt là phim “4CóHết,” vì đúng thật như thế, có đủ thứ cho tất cả mọi người. Đúng là người tình Goldie của hắn không bao giờ lên được hàng đầu, nói theo kiểu Hollywood là tên không bao giờ xuất hiện trước tựa phim, nhưng cô ta hạnh phúc, hắn mua cho cô ta ngôi nhà lớn ở Juhu sát bên nhà nghệ sĩ điện ảnh lừng danh Dev Anand và cô ta có thể mời vị thánh sống đó ghé chơi ăn bánh uống trà.

Còn Nero: lúc đó chỉ là một doanh nhân, dốc hết sức vào nghề xây dựng, vươn cao với đời như những tòa nhà chọc trời, và cũng bị điện ảnh mê hoặc giống mọi người khác trong thành phố mộng ảo đó. Nero gặp ông trùm ở nhà nghỉ mát bãi biển của A-B-C ở Juhu, hay có lẽ ở nhà của X-Y-Z, điều đó không quan trọng. Cứ cho là ở nhà của một trong số hai hay ba bà chủ thống trị thế giới về đêm lấp lánh của Bombay. Hai người thân thiết với nhau ngay, đến cuối đêm ấy Sultan Ameer nói, “Ngày mai tôi sẽ gặp Smita để kể nội dung bộ phim sắp tới của tôi, sao không theo cùng?” Bằng mấy lời đó hắn ta đã cám dỗ Nero mãi mãi và cuộc đời doanh nhân này bắt đầu chuyển theo hướng mới.

Các siêu sao - siêu sao lớn! - không có đọc kịch bản. Người ta tới gặp họ và kể nội dung phim, cho biết cốt truyện, và bảo đảm trong lúc kể là vai diễn của siêu sao được xem là yếu tố chính không thể thiếu trong dự án này. Smita là một trong những nữ diễn viên được ái mộ nhất thời ấy, không chỉ vì nhan sắc hay như một biểu tượng tình dục mà là một người diễn xuất cuốn hút tuyệt vời. Cô ta có đời sống phóng túng theo các tiêu chuẩn địa phương, giao du công khai với một ngôi sao nổi tiếng đã có vợ. Cuối cùng lề thói đạo đức cùng sự gièm pha sẽ buộc cô ta phải bỏ nghề và trở thành một kẻ ẩn dật bị tổn thương, nhưng đó là về sau, còn ngay lúc đó cô là đỉnh cao của mọi đỉnh cao, trên chóp núi Kailash, nữ thần của các nữ thần, là tuyệt đỉnh. Với Nero, cuộc gặp gỡ cô ta là một trong những biến cố lớn của cuộc đời, cho dù việc kể nội dung phim không được như ý, do vai diễn này đòi hỏi Smita phải già đi theo diễn tiến bộ phim, từ mười bảy tuổi cho đến khoảng năm mươi lăm. “Ông hiểu cho,” nhân vật bất hủ này nói với ông trùm, “tôi rất cảm kích là ông đã tìm đến tôi với đề nghị này, bởi vì hầu hết các vai đều không triển khai thêm, phải không, và với tư cách một nghệ sĩ điều tôi muốn làm là triển khai, là mở rộng, cho nên phim này, tôi thích. Đúng là thích. Chỉ có một vài điểm, okay, tôi muốn nói thẳng ra luôn, để bàn bạc, bởi vì mọi thứ phải thống nhất trăm phần trăm trước khi chúng ta bắt đầu quay, phải không, khi chúng ta đã bấm máy rồi thì tất cả chúng ta phải trăm phần trăm theo cùng một đường hướng, tôi nói vậy được chứ?” Hẳn rồi, Sultan Ameer đáp, chính vì thế chúng tôi mới đến đây, xin cứ nói. Cô ta chau mày và nhìn về hướng Nero. “Còn ông này là ai?” cô ta muốn biết. Sultan Ameer chặc lưỡi và xua tay. “Đừng để ý anh ta,” hắn nói. “Anh ấy chẳng liên quan.” Nghe vậy nếp nhăn trên vầng trán kia tan biến. Rồi thiên tòa ấy quay sang ông trùm nói, “Ông thấy đấy, theo nội dung ông kể, nhân vật này trở thành mẹ của một cô gái mười chín tuổi. Cho tới nay tôi chưa từng… Chưa bao giờ trong đời tôi!… đóng vai mẹ của một thiếu nữ. Đó là khó khăn của tôi. Ông hiểu là những quyết định tôi theo, những phim tôi chọn, có ảnh hưởng quan trọng đến hiệu quả doanh thu hàng năm của toàn bộ nền công nghiệp đáng yêu của chúng ta, cho nên tôi phải cẩn thận, đúng không? Tôi nghe một tiếng nói đang vang lên, từ phía công chúng yêu mến tôi!… từ ngôi sao là tôi đây!… Và nó đang nói…” Sultan Ameer ngắt lời cô ta. “Cốt truyện có thể thay đổi. Hãy bảo tiếng nói của cô ngừng lại.” Nhưng đã quá muộn. “‘Không,’ tiếng nói ấy đang bảo. ‘Cô mang nợ cuộc đời này.’”

Nero, người ngồi im trong góc, Nero người chẳng liên quan, đã mê mẩn. Khi hai người đã tạm biệt thiên nhan kia, Nero nói, “Tôi tiếc là cô ấy không thích bộ phim này.” Sultan Ameer búng tay. “Cô ta sẽ thích, cốt truyện dễ dàng thay đổi. Không chừng một chiếc Mercedes và nếu ở băng sau có thêm một va-li dựng tiền đen nữa thì, bụp! Xong ngay!” Hắn vỗ tay. Nero chỉ mới bắt đầu gật gù tỏ ý đã hiểu ra thì ông trùm nói thêm, “Đó có thể là phần đầu tư của anh vào dự án này.”

“Chiếc Mercedes?”

“Và cái va-li. Cái va-li mới là quan trọng.”

Chuyện bắt đầu như thế. Vài năm sau, Nero đã chính thức có một nghề phụ sinh lợi là người rửa tiền và thu chi cho ông trùm. Làm sao có chuyện này? Nero chỉ sa ngã vào đó, do nỗi mê đắm điện ảnh thúc đẩy. Mơ mộng hão huyền, những người đẹp màn bạc hớp hồn, và số tiền mọi người kiếm được thật là điên rồ. Hay chính xác hơn, lâu nay Nero vốn luôn có phần nào đó phi pháp, nói cho cùng thì ngành xây dựng hiếm khi tuân thủ đúng luật lệ, nghề này vặn xoắn như cái mở nút chai, như w H. Auden có lẽ đã ví von. Thời đó, cơn bùng nổ xây dựng đã khởi đầu, những cao ốc, những hộp diêm đang vươn cao khắp Bombay, và Nero ở ngay trung tâm của chuyển biến đó. Trong cơn say cao ốc chọc trời, bao nhiêu luật lệ đã bị coi thường hay vi phạm, bao nhiêu cái túi đã được lót êm cho khỏi rắc rối! Những tòa nhà mọc lên và cứ vươn cao vượt số tầng đã được hội đồng đô thị cấp phép. Sau đó các cơ quan điện, nước hay khí ga có thể hăm dọa cắt nguồn cung cấp tới những tầng lầu lẽ ra không được tồn tại, nhưng có nhiều cách để vuốt phẳng những bộ lông xù này. Chiếc va-li của ngôi sao điện ảnh kia hoàn toàn không phải cái đầu tiên của Nero. Cũng đã có nhiều tòa nhà mới, rõ ràng là xây dựng bất hợp pháp, không có đồ án được phê duyệt chính đáng, không tuân thủ các quy luật phù hợp. Nero cũng phạm tội xây những công trình như thế, nhưng ai cũng như ai, chẳng có ai vô tội, giống như các nhà thầu xây dựng lớn khác, Nero cũng có bạn bè thuộc dạng có chức quyền cao, cho nên giống như mọi người, thời đó lão làm gì cũng êm xuôi trót lọt. “Nhà thầu chính là luật pháp,” Nero thích nói thế. “Và luật là cứ xây tiếp.” Đạo đức? Minh bạch? Đó là những từ ngữ xa lạ, từ ngữ của những kẻ không hiểu được văn hóa của thành phố này hay lối sống của dân chúng nơi đây.

Lão thời ấy là như thế. Lão biết, các con lão biết, đó là cách thức của thế giới này. Tình bạn của Nero với Don Corleone tức Sultan Ameer đã mở cánh cửa ngục tối mà trong đó hành vi bất chấp luật pháp trầm trọng hơn đang ẩn náu chờ được phóng thích. Bây giờ đã có những ngôi sao chưa nổi tiếng tham dự các buổi dạ tiệc của Nero, và cocaine xuất hiện trong các phòng tắm, bản thân lão đã từ một nhà thầu chân thật, nhạt nhẽo, ăn mặc trịnh trọng, ôm cặp táp và đồ án, trở thành một nhân vật có tầm cỡ xứng đáng trong thành phố. Và cùng với địa vị là nhiều phi vụ làm ăn hơn, cùng với các phi vụ làm ăn là địa vị cao hơn, và cứ thế, xoay vòng. Suốt những năm ấy, Nero tự hình thành một phong thái cá nhân thô lỗ một cách thật thà, cái kiểu đó vẫn bám theo lão như một chiếc áo lông hào nhoáng trong những năm sau này ở New York. Nero đã chuyển gia đình tới ngôi nhà xa hoa ở Walkeshwar. Lão mua du thuyền. Lão có nhiều nhân tinh. Tên lão lấp lánh trên nền trời đêm từ Andheri đến Nariman Point. Đời sung sướng.

Có nhiều cách khác nhau để rửa tiền. Với những số tiền không quá lớn thì dùng cách chẻ tiền, tức là chia số tiền bẩn thành những khoản nhỏ, dùng tiền này mua những thứ như chi phiếu hay hối phiếu ngân hàng, những thứ này sau đó sẽ được gửi vào các ngân hàng khác nhau, vẫn ở mức số tiền nhỏ, rồi rút tiền mặt ra là coi như tiền sạch. Nero dùng cách này trong những việc như là chuyển các va-li tiền. Nhưng với cá kế hoạch lớn hơn thì cần có phương pháp quy mô hơn, và buôn bán bất động sản chính là phương tiện lý tưởng. Với những ai hiểu biết, Nero đã trở thành bậc thầy vô thừa nhận của nghệ thuật “hô biến.” Cách “hô biến một” là mua bất động sản cao cấp, cao giá bằng tiền đen rồi nhanh chóng bán lại, thường là có lãi vì giá cả đang tăng vọt. Tiền thu về từ thương vụ này là tiền bạch, đã rửa sạch bong. Cách “hô biến hai” là mua bất động sản với giá thấp hơn thị trường - với sự chấp thuận của người bán - và chi trả dưới gầm bàn khoản chênh lệch bằng tiền bẩn, rồi sau đó tiến hành cách “hô biến một.” Nero điều hành công ty môi giới bất động sản lớn nhất thành phố và trong cách nói của thế giới ngầm công ty này được gọi là “Xứ Hô Biến,” xứ sở mà tiền bẩn đi tới nghỉ mát, tắm rửa sạch rồi ra đi với nước da hồng hào đẹp đẽ lương thiện. Với một cái giá, tất nhiên. Nero sử dụng “Xứ Hô Biến” cho những giao dịch rửa tiền của chính mình, nhưng bất cứ lúc nào người của S-Company cần giúp thì vụ nào lão cũng kiếm được khoản phần trăm hào phóng.

Rồi bầu trời đổ sụp lên đầu Don Corleone. Sanjay Gandhi, con trai bà Thủ tướng, trước kia là bạn rượu chè của ông trùm, giờ lại truy bắt Sultan Ameer trong những năm mẹ y áp đặt luật độc tài Tình Trạng Khẩn cấp. Và thế là sau những phiên tòa do Sanjay điều khiển, bố già của S-Company, bị những người khác kết án và phải gỡ lịch một năm rưỡi. Kỳ lạ thay, đúng ngay lúc kết thúc giai đoạn Tình Trạng Khẩn cấp và Sanjay thất sủng, ông trùm lại được trả tự do. Nhưng Don Corleone đã trở thành con người khác, trong tù hắn đã nhụt chí và ngược lại đã tìm thấy Thượng Đế. Cho dù hắn và Nero đều theo cùng một tôn giáo, Nero chỉ là người Hồi giáo trên danh nghĩa mà thôi và không thích con người Corleone sùng đạo mới mẻ này. Ông trùm từ bỏ hoạt động gangster và thử tham gia chính trường nhưng không thành công; hai người không còn liên lạc với nhau nữa. Trong những năm 1980, Sultan Ameer sống mỏi mòn và bị quên lãng luôn, bắt đầu cuộc chiến dai dẳng với căn bệnh ung thư mà cuối cùng hắn phải đầu hàng, còn Nero đã thành kẻ quyền thế. Nhưng một kẻ quyền thế hơn đã sắp xuất hiện.

* * *

Trước khi khét tiếng dữ, Zamzama Alankar nổi tiếng nhờ bộ ria, một búi rậm rạp đáng sợ cứ như nó là một thứ ký sinh trùng phát xuất ở đâu đó sâu trong đầu hắn, có lẽ ngay trong não hắn, và mọc dài xuống mũi cho đến khi nó vươn ra thế giới bên ngoài, giống một sinh vật ngoài hành tinh thời ra môi trên của hắn, mang theo thông báo về quyền lực vô biên và nguy hiểm của chủ nhân. Đó là bộ ria từng đoạt giải cuộc thi ria mép ở quê nhà Bankot, ngôi làng ven biển, nhưng Zamzama đang đeo đuổi cuộc chơi lớn hơn nhiều. Hắn vốn là con trai của một cảnh sát ở một khu hẻo lánh của Biển Ả-rập gần một tiền đồn duyên hải xưa, nhưng có lẽ do quan hệ của hắn với người cha nghiêm khắc đã thành gay gắt trong tuổi ấu thơ, hắn chẳng bao giờ bận tâm đến luật pháp hay những nhân viên công lực, dù là trên biển hay trên đất liền. Hắn nổi lên đầu tiên là nhờ nắm vai trò trọng yếu trong mạng lưới chuyển tiền lậu hawala. Trong hệ thống đó, tiền được chuyển từ nơi này sang nơi khác bằng lời nhắn miệng không cần giấy tờ - giao tiền cho một trung gian hawala ở nơi A, người này sau đó, với một khoản hoa hồng nhỏ, chuyển tin tiếp nhận cho một trung gian khác ở nơi B, người này sẽ chi trả đúng số tiền được báo cho người nhận đã chỉ định, miễn là người nhận biết mật khẩu. Do đó tiền được “chuyển mà không chuyển,” nói theo kiểu hawala, nếu cần thiết sẽ có rất nhiều mắt xích trong mạng lưới này. Hệ thống hawala phổ biến vì khách hàng trả tiền hoa hồng thấp hơn nhiều so với hệ thống ngân hàng bình thường, ngoài ra, phương thức này có thể tránh được những rắc rối như thay tỷ giá chuyển đổi; hệ thống hawala tự đặt ra tỷ giá riêng và mọi người tuân theo đó. Toàn bộ hệ thống phụ thuộc vào danh dự của những trung gian hawala khắp cả nước và thực tế là khắp thế giới. (Mặc dù, nếu một trung gian hawala không tôn trọng danh dự, hắn sẽ rất dại nếu vẫn tin là mình sẽ sống yên ổn an hưởng tuổi già.) Ở Ấn Độ, hệ thống này bị coi là phi pháp, vì giống như chẻ tiền và hô biến, hawala là một cách rửa tiền hữu hiệu, nhưng Zamzama tiếp tục hoạt động trên quy mô lớn, không chỉ ở tiểu lục địa Ấn Độ mà còn khắp vùng Trung Đông, vùng Sừng châu Phi, và thậm chí một số khu vực ở Mỹ. Nhưng hawala không đủ cho hắn. Hắn muốn ngồi trên kursi, tức là ngai vàng của thế giới ngầm, và khi Sultan Ameer đã ngồi tù không còn là chướng ngại nữa thì những tên Đầu To, Ngón Cụt và Chân Nhỏ lại trở thành phụ tá dưới trướng hắn. Zamzama gặp phải nhiều tranh chấp từ các liên minh của một tên trùm kình địch là Javed Greasy nhưng hắn nhanh chóng quét sạch thách thức này, bằng một phương pháp gây chấn động sâu xa cho mọi thành viên của băng đảng tương đối bất bạo động của Sultan Ameer. Phương pháp đó là: giết. Xác của Javed Greasy cùng gia đình y, phơi như cá khô trên một phiến đá trên bãi biển Juhu lúc triều xuống, không những giải quyết được vấn đề thủ lĩnh mà còn gửi một lời nhắn cho cả thành phố này, thế giới công khai lẫn thế giới ngầm. Giờ là thời đại mới, những xác chết nói. Thành phố đã có tay chơi mới, có luật chơi mới. S-Company bây giờ là Z-Company.

Anh của Zamzama là Salloo, biệt danh Salloo Giày Bốt, đã giúp hắn đặt bước vững chắc đầu tiên trong thành phố bằng cách chọn mục tiêu Daddy Jyoti, ông trùm khu Dongri. Sallo đưa một băng đàn em bao vây Daddy và đồng bọn, rồi nện cho một trận nhừ tử bằng những chai sô-đa rỗng, loại Campa-Cola và Limca. Vậy là loại được Daddy, người ta không bao giờ thấy gã trong thành phố nữa, nhưng tiếp sau đó là một trận chiến băng đảng dữ dội hơn, chống lại băng Pashto của đám Aíghanistan. Bọn này đã bắt đầu bằng nghề cho vay với các văn phòng ở con đường mang cái tên lý tưởng là đường Readymoney, nhưng nhanh chóng biến thành hệ thống tống tiền quy mô nhỏ, buộc những chủ tiệm và cơ sở kinh doanh nhỏ phải đóng tiền bảo kê, cả ở khu ổ chuột lẫn ngoài chợ. Giá cả ở các tiệm may, tiệm sửa đồng hồ, tiệm uốn tóc, tiệm bán đồ da phải tăng lên để bù đắp lại số tiền cúng cho bọn cướp này Gái điếm trên đường Falkland cũng phải lên giá luôn. Các cơ sở kinh doanh ít lãi như thế đâu chịu nổi chi phí trấn lột cho nên họ bắt khách hàng phải gánh. Như vậy là phần lớn thành phố này thấy mình chẳng khác nào đang đóng thêm thuế phụ thu, thuế nuôi cô hồn. Nhưng biết làm sao? Không có cách nào khác ngoài chuyện ói tiền ra.

Bọn Pashto cũng quyết khử Giày Bốt và Đại Bác - tức là Zamzama - nên chúng thuê Manny, một tên dacoit hay thổ phỉ người gốc Madhya Pradesh ra tay. Lúc đó tình cờ Salloo Giày Bốt có tình nhân là một vũ nữ, Charu, và một đêm đầu những năm 1980, hắn lấy xe Fiat đón cô nàng từ nhà riêng ở trung tâm Bombay, đưa đến tổ uyên ương ở Bandra. Nhưng Manny và đám Pashto đã bám đuôi hắn, bao vây chiếc Fiat ở trạm xăng nơi Giày Bốt ngừng dọc đường. Với vẻ hào hoa thật sự, Manny và đám Pashto yêu cầu cô ả Charu xuống xe và biến ngay. Sau đó chúng bắn Giày Bốt năm phát và bỏ mặc hắn nằm chết. Bọn này phóng nhanh hết sức tới căn cứ của Zamzama ở đường Pakmodia để đột kích trước khi hắn kịp trở tay vì biết tin anh mình bị giết, nhưng tòa nhà ấy được canh gác dày đặc, kết quả là một trận đọ súng ác liệt. Zamzama không hề hấn gì. Liều sau đó các tên cầm đầu bọn Pashto bị tóm hết và bị buộc tội đã giết Giày Bốt. Nhưng ngày đám này ra tòa, một tay súng của Z-Company, một sát thủ theo đạo Ki-tô tên là Derek, nhào vào phòng xử án xả súng máy giết sạch cả đám.

Trong những năm 1980, ít nhất năm mươi tên gangster của Z-Company và Pashto mất mạng trong những trận tử chiến băng đảng dai dẳng. Nhưng cuối cùng bọn Aíghanistan bị trừ khử và bố già Zamzama giành được ngôi vị.

Sau cái chết của người anh, Zamzama quyết định không cần cuộc sống riêng tư nữa. “Bạn gái là nhược điểm,” Nero đã nghe hắn nói. “Gia đình là nhược điểm. Mấy thứ đó đối với người khác thì có giá trị. Nhưng với ông trùm thì không được phép. Tôi là con mèo đi một mình.” Một mình tức là không kể đội cận vệ mười hai người túc trực hăm bốn trên hăm bốn - như vậy là tổng cộng ba mươi sáu người chia ba nhóm làm ba ca mỗi ca tám giờ. Cộng thêm một đội tài xế riêng mười hai người đã được huấn luyện chống theo dõi ngồi sau tay lái đoàn xe Mercedes bọc thép, những chuyên gia của nghệ thuật cắt đuôi, tức là bảo đảm cho đoàn xe không bị đeo bám. (Cũng như thế, ba ca, mỗi ca bốn tài xế.) Và cửa chính của nhà hắn làm bằng thép đặc, các cửa sổ được lắp kính chống đạn và khoe những tấm mành bằng kim loại dày, trên nóc nhà luôn luôn có đàn em đầy súng ống canh gác. Bombay được cai trị bởi một người sống trong cái lồng hắn tự xây cho mình. Khi làm cho mình không thể tổn thương, hắn biến những thương tổn của cá nhân, gia đình và tài sản kẻ khác thành nền tảng cho của cải và quyền lực của hắn.

(Tôi không phải chuyên gia trong ngành công nghiệp mà bây giờ quen gọi là Bollytưood, nhưng Bollyiuood mê phim gangster chẳng kém gì giới gangster mê nó. Dân ghiền phim bước vào thế giới này có thể bắt đầu bằng những phim như Băng đảng của Raj Gopal Varma, Tử chiến ở Lokhandwala của Apoorva Lakhia, Tử chiến ở Wadala của Sanjay Gupta, hay Ngày xưa ở Mumbaai và Ngày xưa ở Mumbaai 2 của Milan Luthria. Chữ a thêm vào trong Mumbaai là một ví dụ về cái mốt mê bói toán. Dân chúng thêm bớt các nguyên âm trong tên của mình, hay trong trường hợp này là tên bộ phim, để cho may mắn và thành công hơn, như: Shobhaa De, Ajay Devgn, Mumbaai. Tôi không có khả năng bình luận về hiệu quả hay những gì khác của các cách sửa đổi này.)

* * *

Chính phim Aibak, bộ phim về Vua Nô Lệ đầu tiên Qutbuddin Aibak và việc xây ngôi tháp Qutb Minar, đã cho ngành công nghiệp này thấy bố già mới muốn chơi thật. Bộ phim lịch sử kinh phí lớn này là dự án con cưng cả đời của một trong những đại nhân vật Bollywood, nhà sản xuất A. Kareem, với các diễn viên chính là ba trong số “sáu chàng bốn nàng”, những người mà ai cũng nói là những siêu-siêu-sao thời ấy. Hai tuần trước khi bắt đầu quay những cảnh chính, một thư nhắn đã đến tay Kareem, người theo đạo Hồi, thông báo rằng bộ phim đã lên kế hoạch ấy là sự sỉ nhục Hồi giáo vì nó gọi vị tân vương ấy là nô lệ, đã yêu cầu phải hủy dự án này, còn không phải chấp nhận một khoản “lệ phí xin phép gạch chéo xin lỗi” một trăm triệu rupee bằng tiền giấy đã sử dụng, số series không liên tục, chi trả cho đại diện của Z-Company, người này sẽ đích thân xuất hiện khi đúng lúc. Kareem lập tức tổ chức hợp báo, công khai chế nhạo Zamzama Alankar và đồng bọn. “Bọn chó chết này tưởng chúng chơi tôi được sao?” Kareem hét lên, phát âm các chữ ch thật mạnh. “Chúng ngu đến mức không biết rằng những cái tên quen thuộc của triều đại này, Mamluk và Ghulam, cả hai đều có nghĩa là “nô lệ.” Chúng tôi đang thực hiện một siêu phẩm kỷ lục, một cột mốc cho lịch sử chúng ta. Không có bọn ngu nào ngăn chúng tôi được.” Bốn ngày sau, một toán ít người nhiều súng đạn do hai phó soái của Zamzama là Đầu To và Ngón Cụt chỉ huy đã đột nhập vào lô đất vốn kiên cố ở Mehrauli gần tháp Qutb Minar đích thực, nơi có phim trường với cảnh trí phức tạp đã được dựng lên, và thiêu hủy hết. Bộ phim ấy không bao giờ được thực hiện. A. Kareem than vãn là đau ngực dữ dội ngay sau vụ phá hoại cảnh trí phim trường và thực tế đã chết vì vỡ tim. Các bác sĩ khám nghiệm tử thi cho biết tim ông ta thực tế đã vỡ tung trong lồng ngực. Từ đó không còn ai dám chế nhạo Zamzama Alankar nữa.

Nero tiếp tục mời Zamzama dự những dạ tiệc ở nhà mình, và khách hạng A của ngành điện ảnh vẫn tiếp tục đến. Chính Zamzama cũng bắt đầu làm những trò phung phí nhất chưa ai từng thấy, cho nhiều chuyến bay chở khách khứa tới Dubai, và ai cũng đi. Cái thời hoàng kim của ông trùm AI Capone bên Mỹ chắc cũng đến thế là cùng, sự quyến rũ đen tối, sự mê hoặc của hiểm nguy, sự ngây ngất lâng lâng của sợ hãi và ham muốn. Những buổi tiệc của Zamzama được tất cả báo chí tường thuật, những minh tinh lấp lánh trong dạ phục lộng lẫy. Cảnh sát lót tay dưới đít ngồi yên. Thỉnh thoảng vào buổi sáng sau một trận ăn mừng tưng bừng náo động, sẽ có tiếng gõ cửa phòng một nhà sản xuất phim nào đó đang ngủ cho quên thừa mứa trong buồng riêng trên du thuyền của Z-Company, có lẽ nằm chung với một em diễn viên chưa nổi danh, một đứa quá ngu nên không biết đó không phải, không hề là đường tới đỉnh cao; và thằng Đầu To hay Chân Nhỏ sẽ xuất hiện với bản hợp đồng đưa cho nhà sản xuất phim ký vào, nhượng tất cả tác quyền ở nước ngoài của bộ phim mới nhất với những điều khoản hết sức bất lợi, sẽ có một món vũ khí bự chảng chĩa vào đầu để tăng tính thuyết phục, và cái thời hào hoa phong nhã cũ đã hết, chẳng ai bảo em diễn viên chưa nổi danh đang trần truồng trên giường phải mặc đồ tề chỉnh lại và đi chỗ khác. Tiệc tùng cửa trước, làm ăn cửa sau, đó là cách của Z-Company. Nhiều ngọn hải đăng của Bollywood đã phải nhờ cậy và chấp nhận sự bảo vệ của cảnh sát, họ không bao giờ biết chắc vậy đã đủ an toàn chưa, hay là cái đám mặc sắc phục này hóa ra lại chịu ơn Zamzama, và những khẩu súng thay vì che chở lại chĩa ngược vào người thuê chúng bảo vệ chứ không phải chĩa ra ngoài thành phố nguy hiểm khôn lường này. Còn luật pháp? Luật pháp hầu như nhắm mắt làm ngơ. Thỉnh thoảng một con cá nhép bị cho xộ khám để vuốt ve dư luận. Còn cá lớn vẫn tự do do bơi lội biển khơi.

Con gái, con gái, Nero nói. Ta nằm trong số tệ hại nhất, bởi vì chúng không bao giờ định tống tiền ta. Ta bằng lòng làm chuyện rửa tiền cho chúng và chúng cũng có hảo ý với ta về mặt tài chính, và ta chấp nhận hết, đó là cách thức của thế giới này, ta nghĩ, và chắc là vậy, nhưng thế giới này là nơi xấu xa, con nên tìm một thế giới tốt đẹp hơn cái nơi bọn ta đã tạo ra.

Lão lúc đó không phải là nạn nhân của đường dây tống tiền nhưng lão không cần phải là thế. Những màn hăm dọa, mưu sát và giết chóc thật sự của những năm ấy đã khiến lão sợ khiếp vía. Nero có quá nhiều thứ để mất. Lão có tài sản đắt giá, lão có những cao ốc đang vươn lên trên khắp thành phố, lão có vợ, có con. Lão có tất cả những nhược điểm mà Zamzama đã tìm kiếm và cần tới. Bọn Z-Company thậm chí không cần phải nhắc tới những nhược điểm đó với Nero. Đó là mối ràng buộc bất thành văn giữa đám côn đồ này và lão. Đối với chúng thì lão là cái thá gì? Chúng có những đồ dơ bẩn cần giặt và lão làm công việc giặt tẩy cho chúng. Nero chỉ là tên thợ giặt của chúng, một tên dhobi. Thực tế chúng đã gọi Nero như thế, tên Đầu To thấp lùn, tên Ngón Cụt tóc màu cam, tên Chân Nhỏ nhưng lại bàn chân to chưa từng thấy trên đời. “Ê, dhobi!” chúng nói trong điện thoại. “Có đồ giặt cho mày đó. Tới cầu tàu mà lấy.” Khi lão đến gặp, chúng hay búng tay. “Giặt cho sạch,” chúng ra lệnh. “Mau mau.” Bản thân Zamzama thì lễ độ hơn, luôn dùng cách xưng hôn tôn trọng cùng với tên thật của Nero. Sahib, ji, janab. Sự lễ độ này là một cách thể hiện khinh miệt. Ý nghĩa của sự lễ độ đó là, “Tao bỏ túi mày rồi, thằng khốn kia, đừng có quên điều đó.” Nero không cần nhắc nhở. Lão đâu phải anh hùng. Lão không muốn gia đình tổn thất hay tay chân bị chặt cụt. Không đời nào lão quên.

Bọn côn đồ đang nhào ra khỏi màn ảnh, nhảy xuống rạp chiếu, hay ho hơn đời thật, vĩ đại như phim, lao qua các lối đi giữa những hàng ghế và ào ra đường, súng khạc lửa, Nero có cảm giác ân hận là chính ngành điện ảnh phải chịu trách nhiệm, nó đã tạo ra những con quái vật này, biến chúng thành quyến rũ, hấp dẫn rồi bây giờ chúng đang chiếm lĩnh cả thành phố. Bombay meri jaan, Nero vừa nghĩ thầm vừa ngâm nga bài hát, Bombay đời tôi, em yêu, em đi đâu rồi, những cô gái trên đường Marine Drive trong chiều gió mát với những vòng hoa nhài trên tóc, những suất chơi nhạc jazz sáng Chủ nhật trên Colaba Causeway hay Churchgate, nghe Chic Chocolate hát, nghe tiếng kèn saxo của Chris Perry và giọng ca Lorna Cordeừo; bãi biển Juhu trước khi những người như lão vây kín nó bằng những cao ốc; món ăn Tàu; thành phố đẹp, đẹp nhất thế giới. Nhưng không, lầm rồi, bài hát đó đối với Bombay cũng giống như bài “New York, New York” đối với một đại đô thị khác, vẫn luôn cảnh báo rằng đây là một thành phố ghê gớm, khó sống, và đó cũng là lỗi lầm của bài hát nữa, bọn cờ bạc, giết người, trộm cắp và đám thương gia thối nát trong những ca từ ấy đã nhảy xổ ra cuộc đời giống như các tài tử nhảy ra khỏi bộ phim, và bây giờ chúng tràn lan, khủng bố những người đàng hoàng, những người giống như cô gái ngây thơ trong bài hát đã bảo vệ đại đô thị này, ôi tình yêu, thật dễ sao sống ở nơi này, nhưng cô ta thậm chí đã báo trước, đề phòng, anh yêu, luồng gió anh gieo kéo bão tố về. Luồng gió anh gieo kéo bão tố về.

(Phải, đó là lỗi lầm của điện ảnh, là lỗi lầm của ca khúc ấy. Phải, cứ trách móc nghệ thuật đi, Nero, cứ trách móc ngành giải trí đi. Dễ dàng hơn nhiều so với chuyện trách móc con người, những diễn viên đích thực trong tấn trò đời. Dễ chịu hơn nhiều so với chuyện trách móc chính mình.)

Lúc đó lão cứ làm những việc ấy, những va-li, chẻ tiền, hô biến. Thậm chí lão còn đồng ý làm một đầu mối trong đường dây chuyển tiền hawala kếch sù khi được chính Zamzama Alankar “lịch sự yêu cầu” - bằng một tràng sahib, janab, và ji - vào một tối nọ trong buổi tiệc bên hồ bơi ở Willingdon Club. Chúng không bao giờ định tống tiền ta. Chúng đâu cần làm thế. Lão là con tốt tự nguyện của Zamzama. Nero tự cho mình là vua trong thành phố này nhưng lão chỉ là một tên lính bộ binh khúm núm. Zamzama Alankar mới thực là vua.

Và lão cũng không nói thật hoàn toàn về chuyện tống tiền. Lão đã thừa nhận. Sự thật là chúng không bao giờ định ép buộc lấy tiền của lão. Thứ mà chúng muốn ép buộc lại kinh khủng, kinh khủng hơn nhiều.

* * *

Zamzama, tức Đại Bác, không phải là kẻ ủy mị. Theo một huyền thoại về hắn - mà hắn lại là kẻ rất chú ý việc nuôi dưỡng các khía cạnh huyền thoại cho bản thân - có một lần thằng Chân Nhỏ đã bắt cóc một tên ma cô dắt mối tên là Moosa Chuột Chù lâu nay có léng phéng gì đó với mấy em út của băng đảng. Chân Nhỏ nhốt tên ma cô này trong một Container sắt hàn kín ở bến cảng, rồi thuê tàu chở Container này ra khúc xa nhất của hải cảng và tống xuống đáy biển. Hai ngày sau mẹ Chuột Chù lên TV khóc muốn lời mắt. Zamzama nói, “Tìm số điện thoại di động của con này cho tao ngay,” và một phút sau, trong lúc bà kia vẫn còn đang được phỏng vấn trực tiếp truyền hình, hắn gọi điện cho bà ta. Hoang mang, bà ta trả lời điện thoại, và chính giọng Zamzama nói vào tai bà, “Đồ đĩ, con chuột của mày giờ thành cá rồi, nếu mày không câm cái mồm oang oang lại thì chính mày sẽ sớm thành keema ngay đó. Kaboom!” Keema tức là thịt bằm. “Kaboom” là câu kết thúc ưa thích của Zamzama, bất kỳ người nào nghe lời kết đó đều biết ngay ai đang nói. Đang khóc bà kia câm bặt ngay, bùm, vậy đấy, bà ta không bao giờ nói chuyện với bất kỳ nhà báo nào nữa.

Hắn cũng không có thời gian dành cho những chuyện kiểu Bombay-meri-jaan lãng mạn hóa quá khứ như thói quen của Nero. “Cái thành phố trong mơ đó đã biến mất từ lâu,” hắn nói với Nero không cần rào đón. “Chính anh đã xây cao, quây kín nó, nghiền nát cái cũ bên dưới cái mới. Trong Bombay mơ tưởng của anh chỉ toàn là tình yêu với bình an với suy nghĩ trần thế, không hề có chủng tộc với tôn giáo đối lập, Hindu với Hồi giáo đều bhai bhai, tất cả đều là anh em, phải không? Hết sức bá láp, anh là người sành đời, lẽ ra anh phải hiểu biết hơn chứ. Người khác nhau thì thần thánh cũng khác nhau, những điều đó không thể thay đổi và sự thù địch giữa các phe phái lúc nào cũng có. Chỉ là vấn đề trên bề mặt có cái gì và ở bên dưới thì lòng thù ghét sâu bao nhiêu. Ở thành phố Mumbai này chúng tôi đã thắng cuộc chiến băng đảng nhưng cuộc chiến lớn hơn vẫn còn phía trước. Ở Mumbai này giờ chỉ có hai băng đảng thôi. Băng đảng rnaha là tôi đây. Z-Company, chúng tôi là thế đấy. Và chúng ta là gì, chín mươi lăm phần trăm đa số này? Là người Hồi giáo. Là người theo Chúa. Nhưng còn có những băng đảng chính trị, và chúng toàn dân đạo Hindu. Nền chính trị Hindu đang điều hành hội đồng thành phố này và đám chính khách Hindu có những băng đảng Hindu. Raman Fielding, anh có biết cái tên đó không? Tức là thằng Mainduck Êch Nhái đó? Anh hiểu rồi chứ? Vậy thì hãy hiểu luôn điều kế tiếp: Đầu tiên chúng tôi chỉ chiến đấu để giành lãnh thổ. Trận chiến đó đã xong. Bây giờ là tới thánh chiến. Kaboom.”

Sultan Ameer mãi sau này mới “theo đạo” nhưng đạo Hồi của hắn lại thuộc giáo phái Sufi thần bí. Khoảng đầu những năm 1990, Zamzama Alankar đã thành môn đồ của một phiên bản cuồng nhiệt hơn trong tín ngưỡng chung. Người có công trong việc thay đổi sâu xa thế giới quan và nới rộng mức độ quan tâm của Zamzama chính là một nhà thuyết giáo mị dân tên là Rahman, người sáng lập kiêm tổng trưởng một tổ chức hiếu chiến có trụ sở ở thành phố này và tự xưng là Học viện Azhar, chuyên quảng bá tư tưởng của một người Ân chuyên xách động trong thế kỷ 19, Imam Azhar ở Bareilly, cái tên thành phố đã trở thành tên giáo phái Barelvi mà nhà thuyết giáo Rahman chính là ánh sáng dẫn đường. Học viện này tự quảng bá tên tuổi trong thành phố bằng những cuộc biểu dương chống đảng cầm quyền, những cuộc biểu dương mà đảng cầm quyền gọi là “dấy loạn,” nhưng ít nhất chúng cũng biểu dương được thực tế là Học viện này trong chớp nhoáng có thể huy động một đám đông đảo quần chúng trên đường phố, sau đó thả cho đám đông ấy chạy rông. Nero hết sức chán nản khi thấy Zamzama bắt đầu lặp lại như con vẹt những lời mị dân của Rahman, thường là gần như nguyên văn. Sự vô luân và suy đồi của… Sự thù địch ác độc và băng hoại của… Cần phải đối đầu trực diện bằng cách… Những lời giáo huấn tinh tuyền nguyên vẹn của… Viễn cảnh đúng đắn của… Vinh quang đích thực và huy hoàng của… Trách nhiệm của chúng ta là cứu vớt xã hội này thoát khỏi… ích lợi của bài học thiên tài về… Lòng quyết tâm của chúng ta còn mạnh mẽ hơn… Lối sống của chúng ta là một phương thức có tính khoa học ở thế gian này và ở kiếp sau. Thế giới này không là gì cả, đó chỉ là cánh cửa dẫn đến sự vĩ đại ở bên kia. Cuộc đời này vô nghĩa, đó chỉ là một cái hắng giọng trước khi bài ca bất tử sẽ cất lên. Nếu chúng ta cần phải hy sinh tính mạng thì chúng ta chẳng hy sinh gì cả, đó chỉ là một cái hắng giọng. Nếu chúng ta cần phải vùng lên thì chúng ta sẽ vùng lên với ngọn lửa công lý trong tay. Chúng ta sẽ giơ cao bàn tay chính nghĩa của Thượng Đế và chúng sẽ cảm nhận một cái tát đau rát trên mặt.

“Mẹ kiếp, Zamzama,” Nero đã nói với hắn khi họ gặp nhau trên boong chiếc Kipling, chiếc thuyền buồm của Zamzama Đại Bác vốn là địa điểm hắn ưa thích cho những cuộc bàn luận bí mật. “Anh mắc cái chứng gì thế? Anh luôn khiến tôi nghĩ anh là con người của tu rượu chứ đâu phải tu sĩ.”

“Cái thời nói ba hoa đã kết thúc rồi,” ông trùm đáp, giọng điệu có một âm hưởng mới mà Nero nhận ra sự đe dọa. “Giờ là thời của những biện pháp hành động cứng rắn. Mà này, dhobi, đừng bao giờ nói năng cái kiểu báng bổ đó trước mặt tôi nữa.” Đó là lần đầu tiên Nero đã bị hắn hạ bệ từ sahib xuống dhobi. Nero không hề thích cái giọng điệu đó chút nào.

Không còn tiệc tùng vui chơi ở Dubai nữa. Trong ngôi nhà đằng sau cánh cửa thép ấy giờ đây là những buổi cầu nguyện thường xuyên. Với một người tính khí như Nero, chuyện này thật kỳ quái. Có lẽ đã đến lúc, lão nghĩ, phải tìm cách tránh xa cái đám Z-Company này. Ly khai hoàn toàn thì không thể được vì băng matìa này chi phối các công đoàn xây dựng, thậm chí chi phối còn mạnh hơn với lực lượng lao động “nhập cư” không công đoàn, không có giấy tờ hay tư cách pháp lý nào từ khắp miền đất được đổ về thành phố này. Nhưng có lẽ Nero đã dính vào chuyện tiền bẩn này quá đủ rồi. Có lẽ đã quá đủ những trò chẻ tiền, hô biến và hawala. Lão bây giờ đã là một nhà tài phiệt hợp pháp, nên từ bỏ những danh mục đầu tư mờ ám này.

Nero nói với Zamzama, “Tôi nghĩ mình quá già rồi, đã mệt mỏi với công việc tiền bạc. Chắc tôi sẽ huấn luyện một người kế nghiệp làm thay tôi.”

Zamzama im lặng đúng một phút. Chiếc Kipling, đang buông neo, buồm chính hạ thấp nằm im lìm, khẽ nhấp nhô trên mặt nước. Mặt trời đã lặn và ánh đèn trên vịnh Back Bay lấp lánh chung quanh, một vòng cung tuyệt mỹ mà Nero chưa bao giờ thôi yêu quý. Rồi ông trùm mafia nói. “Anh có thích ban nhạc Eagles không, ban nhạc rock-and-roll Mỹ kinh điển đó?” hắn hỏi. “Glenn Frey, Don Henley, vân vân, vân vân, vân vân?”. Rồi không chờ Nero trả lời, hắn nói luôn, “Welcome to the Hotel California.” Trước sự kinh hãi của Nero, ông trùm bắt đầu hát - to tiếng, lạc cung, với giọng điệu gieo nỗi sợ vào lòng Nero.

“You can check out any time you like, but you can never leave*.”

* * *

Đó là lúc bắt đầu bóng tối mênh mông dày đặc, Nero nói trong bóng tối của văn phòng riêng ở nhà Golden. Sau cuộc bàn bạc đó ta đã sa xuống địa ngục. Hoặc là, ta đã ở trong địa ngục lâu rồi nhưng tới lúc đó mới nhận biết lửa bỏng dưới bàn chân mình.

Nhưng còn nữa, con có biết chuyện gì buồn cười với bài hát đó không, về cái khách sạn đó? Nó thậm chí còn không có thật. Bởi vì chuyện rời khỏi đó, lúc nào, ở đâu, bằng cách nào, đã trở thành vấn đề của cả hắn lẫn ta.

* * *

Con sửng sốt vì ta, lão nói. Con kinh hãi vì ta, mà con thậm chí còn chưa nghe tới đoạn ghê gớm. Con khiếp đảm vì những gì ta đã kể và trong đầu con chỉ có một thắc mắc. Con yêu một đứa con của ta. Thằng con hoang mang tội nghiệp. Con yêu nó và con đang hỏi, không cần nói ra cũng biết con đang hỏi, trong bóng tối ta vẫn thấy trong ánh mắt con điều muốn hỏi. Các đứa con của ta biết được bao nhiêu những chuyện mờ ám này.

Về phần người yêu của con, trong toàn bộ những gì ta đã kể nãy giờ nó hoàn toàn không hề có lỗi lầm gì. Lúc đó, nó chưa sinh ra, hoặc còn rất nhỏ. Còn hai anh nó, hai đứa ấy đã lớn lên trong một tầng lớp xã hội nhất định, tầng lớp của giới làm ăn lớn ở thành phố lớn, và chúng biết cái giá phải trả. Không bôi trơn lòng bàn tay thì chẳng làm được gì hết. Chúng biết chuyện Don Corleone, phải. Nhưng đó là một người dễ mến. Với hai con lớn của ta thì chuyện này cũng bình thường như mọi người khác thôi. Hai đứa đó cũng thích phim. Các ngôi sao điện ảnh là khách của gia đình. Dễ dàng gặp các diễn viên hạng A mà. Cứ như họ cũng từ màn bạc bước ra vậy. Chuyện đó thú vị và nếu có thêm các ông trùm tới làm khách nữa thì cũng là bình thường. Chẳng ai quan tâm. Vào thời Sultan Ameer chẳng có ai phê phán gì. Nhưng khi Zamzama Alankar lên cầm đầu thì ta giấu không cho hai đứa lớn biết chuyện liên can của ta. Chúng biết càng ít càng tốt hơn cho mọi người. Zamzama là một mẫu người khác và ta cố giữ cho gia đình mình tránh xa hắn. Chuyện làm ăn của ta là chuyện của ta, ta chấp nhận chỉ trích, chê bai, ta không bào chữa hay bảo vệ những chọn lựa và hành động của mình, ta chỉ kể lại. Năm 1993 thì người con yêu chỉ mới bảy tuổi và năm 2008 khi cả nhà đến New York thì nó hăm hai. Ta phải nói rằng trong cả ba đứa thì nó luôn là đứa chỉ nghĩ đến bản thân nhiều nhất. Ngay trong nội tâm nó là một cuộc chiến, bây giờ ta đã nhận thấy rõ. Nó chỉ toàn hướng đại bác vào chính nó từ đó tới giờ. Cho tới giờ. Nên giấu mọi chuyện với nó dễ lắm. Những chuyện ta cần giấu nó, ta nghĩ nó không biết đâu. Còn đứa con đầu của ta, đứa bất bình thường, người ta gọi nó là thằng Harpo, thành phố ấy có thể tàn nhẫn, phải; đối với nó vấn đề lớn lao của cuộc sống nằm ngay trong đầu nó, câu hỏi không có lời đáp. Với nó ta cũng không lo. Chỉ còn lại chuyện thằng Apu. Lúc đó Apu là Groucho. Apu, nói thẳng ra: ta nghĩ nó biết. Nó biết nhưng nó lại không muốn biết, cho nên mới rượu chè, ma tuý, để cho nó điếc nó mù không còn biết gì nữa. Ta không bao giờ nói chuyện với nó về mặt tối ấy. Nó cũng không hỏi. Có một lần nó nói với ta, “Nếu cha là nha sĩ thì con có cần biết hôm nay cha trám hay cha lấy tủy bao nhiêu cái răng, và răng của ai không? Cho nên con nghĩ về cha như thế đó. Cha là nha sĩ khi cha đi làm nhưng ở nhà cha là cha con. Đó là điều gia đình cần ở cha. Không phải những cái răng trám mà là tình yêu thương.”

Ta rất ít kể chuyện cho nó. Chỉ những chuyện bên ngoài mà ai cũng biết. Hối lộ, tham nhũng. Những chuyện tầm thường. Nhưng ta nghĩ nó đoán được những chuyện lớn. Ta nghĩ đó là lý do nó trác táng, rượu chè, đàn bà, ma tuý.

Hồi ở quê nhà nó có phải họa sĩ tài năng gì đâu. Nó có lối sống nghệ sĩ nhưng không có nguyên tắc làm việc. Nó như một gã Bohemian nhưng người Bohemian còn làm những chiếc ly đẹp đẽ. Nó chẳng làm được trò trống gì ngoài chuyện làm tình, cứ để cho ta nói hết, nếu con thấy chuyện đó thô bỉ thì ta xin lỗi, ma túy không làm cho người ta thành kẻ giỏi yêu đương hơn ngoại trừ trong ảo tưởng của bản thân. Cho nên có lẽ chuyện đó nó cũng chẳng được tích sự gì. Khi tới Mỹ thì nó từ bỏ hết kiểu sống đó. (Một cái búng tay.) Bỏ ngay luôn. Nó bỏ được ta cũng nể phục thật đấy, nó là con người mới, và thế là mọi chuyện bắt đầu tốt đẹp cho nó. Tài năng nó bộc lộ ra và ai cũng thấy. Chính ta cũng lần đầu tiên mới thấy. Ta không ngờ là nó tài như thế.

Cả ba đứa con ta đều có chung một khả năng này: gấp lại cuốn sách quá khứ và sống trong hiện tại. Đấy là một khả năng may mắn trời cho. Còn ta đây thì đang gấp lại cuốn sách hiện tại và chủ yếu sống trong quá khứ.

Nhưng vẫn còn vấn đề tiếng rì rầm trong tai Apu, nó nghe thấy nhiều tiếng nói, có khi thấy hiện hình. Nó từng có một thời gian dài dùng chất ma túy gây ảo giác. Có thể nói là chính cái thứ ấy đã khiến nó nhạy cảm với những gì không nhìn thấy, cái thứ ấy tiết lộ cho nó con đường đi tới thế giới hão huyền, tới sự khai mở, con nói vậy cũng được đi, nhưng đó là cái gì? Những cánh cửa cảm nhận. Hay là con nói mấy chuyện đó toàn là bá láp. Con cũng có thể nói là nó bị tổn thương. Là nó cũng bị tổn thương trong não, trong tim nó. Ba thằng con đứa nào cũng tổn thương trong não, tổn thương trong tim cả! số phận thật không công bằng với người cha. Đúng là bất công. Dù vậy đó là số phận của ta. Apu nhìn thấy những hồn ma và nghe thấy những tiếng nói. Cho nên nó cũng điên luôn.

Cho nên ta nghĩ nó biết những chuyện ta làm nhưng nó cũng dàn xếp với chính nó để khỏi biết nữa. Vì thế mà nó cùng

cô gái kia quay lại chốn đó mà chẳng suy nghĩ trước. Nó về quê hương và chết. Ta nghĩ khi chết chắc nó cũng đã biết điều gì và nguyên do gì khiến nó phải chết. Chắc nó đã biết đó là hậu quả của những việc ta làm. Điều này ta cũng hiểu. Lời nhắn đã chuyển đi và ta đã nhận được. Bóng tối đang tụ về. Không còn bao lâu nữa sẽ kết thúc. Chính vì thế mà ta nói chuyện tối nay. Để có thể nói hết mọi chuyện.

Có hai chuyện cần nói và chúng xảy ra cách nhau mười lăm năm. 1993, 2008. Vào hai năm đó.

* * *

Tháng Mười hai năm 1992, Nero lại ngồi cùng Zamzama Alankar trên chiếc Kipling. Đền thờ Hồi giáo do Babar, hoàng đế đầu tiên của triều đại Mughal, xây dựng ở phía bắc thành phố Ayodhya vừa bị những người hoạt động chính trị Hindu phá hủy, nhóm Hindu này cho rằng đền này nằm trên địa điểm theo huyền thoại là nơi ra đời của vua Rama, hiện thân hay hóa thân thứ bảy của Đấng Vishnu. Đã xảy ra bạo loạn ở Mumbai. Đầu tiên là người Hồi giáo dấy loạn rồi đảng Shiv Sena trung thành với nhóm Hindu cực đoan đã tấn công trả đũa, và Zamzama nói, cảnh sát đang công khai thiên vị, công khai ủng hộ Sena, “chống lại chúng ta”. Những cuộc bạo loạn này đang có chiều hướng lắng dịu nhưng nỗi tức giận của Zamzama thì ngùn ngụt như núi lửa và không có giới hạn.

Giọt nước tràn ly, hắn quát Nero. Lưng lạc đà đã gãy và bây giờ phải bắn chết lạc đà.

Dính dáng vào chuyện này là không khôn ngoan. Hãy tập trung vào những thế mạnh của anh. Chuyện làm ăn đang tốt mà.

Đây không phải vấn đề khôn ngoan. Đây là vần đề cần thiết. Phá hủy một đền thờ linh thiêng vì tin đồn cho rằng nơi đó là điểm khai sinh một hiện thể tưởng tượng, đó là mới không khôn ngoan.

Họ không cho hiện thể đó là hư cấu.

Chúng sai lầm rồi.

Alankar lâu nay có liên hệ với những người liên quan ở một nước láng giềng. Các láng giềng đã tỏ ý mạnh mẽ là phải hành động.

Một kế hoạch đã hình thành, Alankar nói. Một chuyến hàng quan trọng gồm vũ khí, đạn dược và chất nổ RDX sẽ được những láng giềng gửi đi, bằng đường thủy tới vùng biển Konkan trong tuần đầu tiên của tháng Một. Điểm cập bến là Dighi. Anh cần phải lo va-li cho đội tuần duyên để vùng biển đó có kẽ hở cho chuyến hàng đi qua bằng ca-nô cao tốc.

Tôi sao, Zamzama? Đây đâu phải nghề của tôi. Chính trị ư? Đừng, đừng, đừng. Anh đừng có nhờ tôi chuyện này.

Phải, phải, phải. Nhà anh kiên cố quá mà, đúng không? Tôi đã thấy rồi, cổng sắt dày có mô-tơ điều khiển, hệ thống báo động, đội bảo vệ. Gia đình anh hẳn là an toàn trong đó. Họ có thấy an toàn không? Hẳn rồi. Thỉnh thoảng họ ra đi ra khỏi nhà không? Tất nhiên có, họ là dân Mumbai mà, cuộc sống tận hưởng. Một gia đình hạnh phúc. Chúc mừng.

Chúng ta là bạn làm ăn lâu năm rồi, anh với tôi. Đừng nói với tôi kiểu đó.

Anh đã thành đạt quá mà, giàu có quá mà, ngon quá mà. Sẽ xui biết bao nếu công nhân của anh đình công. Sẽ bi đát biết bao nếu ngẫu nhiên có hỏa hoạn.

Vậy là không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải thực thi. Được, việc đó sẽ xong.

Khoảng mấy tuần sau nữa lại có thêm chuyến hàng thứ hai, ở Shekhadi. Cũng làm cách đó.

Kế hoạch của các láng giềng đòi hỏi trình tự hành động chính xác. Trước tiên sẽ có bắn giết. Ở Dongri, giang sơn trước kia của tên trùm Daddy Jyoti đã bị tống khứ biệt tích sau màn giã gạo bằng chai nước ngọt, có một cộng đồng những người mà chúng tôi gọi là công nhân mathadi, tức là phu khuân vác. Chúng là những kẻ vô gia cư nên dễ tìm. Sẽ tìm một số tay phu khuân vác này và giải quyết nhanh chúng nó bằng dao nhỏ cắt cổ để làm như đây là một nghi lễ tôn giáo. Dongri là khu vực hết sức nhạy cảm về tính cộng đồng và các láng giềng này tin chắc những chuyện giết người tế lễ sẽ khiến phe đối địch ầm ầm nổi dậy ngay. Phe đối địch có tổ chức chặt chẽ, có cảnh sát hậu thuẫn nhưng chúng sẽ phải đương đầu với quân kháng cự có vũ khí hùng hậu. Vũ khí sẽ được cất giấu sẵn ở những khu vực xung đột. Sẽ có lựu đạn và cả bom. Rồi bom sẽ kích động thêm nhiều đám đông đối địch, những đám này sẽ được đón tiếp bằng súng trường tự động và nhiều chất nổ hơn nữa. Một đám cháy sẽ được châm ngòi cho lan tràn khắp nơi và các láng giềng sẽ vui mừng vì bọn chó đẻ đó đã được dạy cho một bài học.

Ý muốn của Thượng Đế, Zamzama nói, chúng ta sẽ cho bọn chó đẻ này một trận nên thân.

Đó là lần cuối cùng Nero còn đặt chân lên boong chiếc Kipling. Đã gần tới giờ vào bờ nhưng thủ lĩnh Z-Company vẫn còn một điều muốn nói thêm. Anh và tôi, hắn nói, chắc chúng ta sẽ không bao giờ gặp nhau nữa. Tôi sẽ không thể nào ở lại xứ này sau những biến cố sẽ diễn ra. Với cương vị của anh thì dễ hơn. Tôi lâu nay luôn nghĩ đến anh đó, và chắc anh cũng biết giữa anh với tôi là một chuỗi dài mắt xích trung gian, cho nên anh có thể phủi tay chối biến chẳng sao cả, vì thế tôi nghĩ cũng okay cho anh ở lại yên ổn với vợ con. Nhưng để phòng hờ, anh cũng nên tính kế thoát thân.

Zamzama nói đúng. Hai người thực tế không bao giờ gặp nhau nữa. Và hắn cũng đúng về chuyện tính kế thoát thân.

* * *

Những biến cố ngày 12 tháng Ba năm 1993 đã được tường thuật rộng rãi nên không cần phải đi vào chi tiết. Xe hơi đánh bom, xe máy đánh bom. Bom trong tầng hầm Sở Giao dịch Chứng khoán. Ba khu chợ, ba khách sạn, sân bay, rạp chiếu bóng, phòng cấp hộ chiếu, ngân hàng, kaboom, kaboom, kaboom. Ngay cả khu làng chài Mahim, kaboom. Taxi đánh bom ở cổng thành Gateway to India, kaboom cực lớn.

Nhưng các láng giếng ắt hẳn đã thất vọng. Có thiệt hại nhân mạng đáng kể nhưng cuộc nội chiến mong đợi đã không xảy ra. Thành phố và quốc gia này vẫn kiên gan. Nhiều vụ bắt giam, tình hình lắng dịu, bình an trở lại. Zamzama Alankar biến mất cùng phó soái Ngón Cụt, và hai tên này được gọi là Kẻ Thù Quốc Gia #1 và #2. Gần như ai cũng cho rằng hai tên này cuối cùng đã trở thành khách trọ của các láng giềng, và điều khiển từ xa, Zamzama tiếp tục chỉ huy Z-Company. Tuy nhiên, các láng giềng khẳng định không hề biết hai tội phạm đào tẩu này đang ở đâu.

* * *

Trong những năm kế tiếp, thế giới ngầm rạn nứt lớn. Sau những biến cố máu lửa ấy, cảnh sát tấn công vào Z-Company dữ dội chưa từng thấy, tất cả mọi dàn xếp, đi đêm đều tan tành, và hầu như toàn bộ tòa nhà đã đổ vỡ. Các hệ thống liên lạc điện thoại vệ tinh và mạng Internet bảo mật vẫn tiếp tục hoạt động nên Zamzama có thể ra lệnh và kiểm soát toàn bộ; nhưng hắn ta cùng Ngón Cụt chỉ huy từ xa thì hơi quá lớn lối, hai tên đó đâu có gánh chịu hậu quả. Dần dần khoảng cách giữa hai thủ lĩnh vắng mặt và hai tên ở tại chỗ đã gây phẫn uất - Đầu To và Chân Nhỏ phải chịu tội danh hoạt động khủng bố và mafia, phải mất năm năm dàn xếp mới có được cái phán quyết không thể chứng minh để cho hai tên này được tự do, phải mất năm năm sống thấp thỏm chờ trắng án. Đến cuối năm thứ năm, Z-Company vẫn là Z-Company, sự trung thành của lực lượng nòng cốt vẫn còn đó, nhưng ai cũng biết là đã có một băng Z-Ly Khai, một nhóm chủ yếu chỉ trung thành với tên lùn Đầu To và tên Chân Nhỏ có cỡ giày khổng lồ, dù có một kiểu hòa ước giữa hai tên này và hai tên đang ở bên các láng giềng, nhưng thực tế ngày càng chẳng còn gì hữu hảo.

Nero được mời hợp với Đầu và Chân. Cuộc hợp không diễn ra trên du thuyền sang trọng ở hải cảng nữa mà trong một basti, một căn nhà tồi tàn nằm sâu trong khu ổ chuột Dharavi, Nero được đưa tới đó bởi những kẻ không chịu mở miệng nói và trông chúng chẳng có vẻ gì muốn tán gẫu. Trong căn nhà đó, Đầu gật đầu chào còn Chân đưa ngón chân cái chỉ về hướng một cục gạch. Ngồi đi, Chân nói.

Vậy đây là những gì bọn tao biết về mày, Đầu nói.

Mày là dhobi, thằng thợ giặt, Chân nói.

Cái gì dơ bẩn, mày giặt tẩy.

Cho nên, khó mà tin là mày không hề biết gì. Bọn tao mới không biết gì. Đó là chuyện bọn tao cần giải quyết với ông trùm. Còn mày? Mày chẳng biết gì à? Bọn tao đâu có dễ tin vậy.

Chuyện đó khiến bọn tao thắc mắc.

Tuy nhiên. Trong đầu bọn tao cũng biết hai điều, (a) và (b). (a), mày không thích chính trị.

Và (b), mày không dính dáng với tôn giáo.

Cho nên, vậy là cân bằng. Mặt này, mặt kia.

Bọn tao đã quyết định là tạm thời tin mày.

Còn sau đây là quan điểm của bọn tao. Chiến dịch đó đã hủy hoại băng đảng Company. Từ giờ trở đi ý định của bọn tao không dính dáng vào những hoạt động như vậy.

Bọn tao đã nói chuyện này với ông trùm và thằng Ngón.

Họ đã đồng ý.

Khởi đầu mới. Irở lại căn bản. Không léng phéng bên ngoài phạm vi những gì mình thành thạo nhất.

Tuy nhiên, trong công việc của Company, có nhiều vấn đề về lòng tin. Sự tin tưởng của bọn tao đối với mày, nói sao nhỉ.

Đã lung lay.

Đã sứt mẻ.

Tiêu.

Một lòng tin không thể tin thì không đáng tin.

Đó là nghi ngờ.

Tuy nhiên, bọn tao tạm thời tin mày.

Như đã nói.

Vì thế bọn tao không dính dáng tới mày nữa. Mày cứ sống đời mày, bọn tao sống đời bọn tao.

Nhưng nếu bất cứ lúc nào có chuyện gì xì ra từ cái miệng mày mà liên quan đến bọn tao.

Bọn tao sẽ thiến dái mày.

Rồi thiến dái mấy thằng con mày.

Rồi nhét mấy thứ của nợ đó vào họng vợ mày.

Rồi tao sẽ chơi vợ mày đằng sau.

Trong lúc tao cắt cổ vợ mày đằng trước.

Mày bây giờ tự do. Cho mày về.

Đi cho mau.

Trước khi bọn tao đổi ý.

Vụ dái này coi bộ ý tưởng hay đó.

Không, không. Nó chỉ nói giỡn thôi. Tạm biệt, dhobi.

Tạm biệt.

Mười lăm năm trôi qua. Mười lăm năm: một thời gian dài, đủ dài để quên những gì ta muốn bỏ lại sau lưng. Các con của Nero lớn lên, tài sản lão cũng lớn thêm, cái bóng của thế giới ngầm, cái bóng tối từ dưới thấp dâng lên, không còn bao trùm ngôi nhà của lão nữa. Đời người tiếp tục thăng trầm. Lão đã có sẵn kế thoát thân nhưng không cần sử dụng tới nữa, chẳng cần phải lìa bỏ quê hương, không cần phải xé thế giới của lão làm đôi và quẳng đi một nửa. Mười lăm năm. Đủ dài để an lòng.

Rồi đến năm 2008. Và trong tháng Tám năm 2008, ở sân bay, lúc lão đứng trong hàng người chờ xác nhận nhập cảnh sau một chuyến đi New York làm ăn, Nero nhìn thấy một hồn ma. Hồn ma ấy đang đứng trong hàng chờ kiểm tra hộ chiếu cạnh hàng của lão, mái tóc màu cam đặc trưng của hắn đã biến mất. Lúc này mái tóc ấy đen như tóc mọi người. Nhưng ngoài bộ tóc ra, rõ ràng là hắn. Kẻ Thù Quốc Gia #2. Nero ngỡ ngàng nhìn tên Ngón Cụt. Chắc chắn hắn sẽ bị tóm bất cứ lúc nào, và nếu kháng cự sẽ bị bắn hạ ngay? Ánh mắt lão gặp ánh mắt Ngón Cụt, lão chau mày ném nỗi ngỡ ngàng của mình sang cho tên trùm lớn của Z-Company. Ngón Cụt chỉ gửi cho lão một dấu hiệu chĩa ngón cái lên mạnh mẽ (phải nói là ngón cái của hắn rất nhỏ) rồi quay đi. Họ tới gần các ô cửa kiểm soát hộ chiếu. Các sĩ quan mặc sắc phục cẩn thận xem xét các giấy tờ với thái độ siêu quan liêu mà mọi công chức Ấn Độ cấp thấp đã hoàn thiện thành nghệ thuật. Khi chỉ còn một người nữa là tới lượt Ngón Cụt, một biến cố lạ thường xảy ra. Tất cả máy tính trong khu nhập cảnh tắt ngóm, bùm! Vậy đấy. Mọi màn hình đen kịt. Sau đó là nhiều phút sửng sốt khi các sĩ quan nhập cảnh cố khởi động lại máy tính của mình, và nhiều sĩ quan khác chạy tứ tung. Vụ máy tính hỏng đồng loạt toàn bộ này là một bí ẩn hoàn toàn. Những hàng người chờ đợi càng lúc càng bất mãn. Cuối cùng, có tín hiệu từ người sĩ quan chỉ huy bộ phận nhập cảnh, những hàng người bắt đầu dịch chuyển, ai cũng được vẫy tay cho qua, chỉ kiểm tra bằng tay, Ngón Cụt được cho qua và biến mất, hai phút sau, khi Nero tới gần ô kiểm tra của mình thì, bùm! mọi máy tính đồng loạt hoạt động lại. Z-Company vẫn chưa lụt nghề.

Tại sao Ngón Cụt lại hết sức liều lĩnh quay về? Tại sao Zamzama lại phái tên này đi? Những ý nghĩ ấy xâm chiếm tâm trí Nero mãi tới đêm khuya và lúc hai giờ sáng lão đã có câu trả lời, bởi vì lần đầu tiên sau mười lăm năm, điện thoại di động của lão lại đổ chuông theo cái trình tự quy ước đồng nghĩa với rắc rối. Ba chuông, ngưng, một chuông, ngưng, hai chuông, ngưng, bắt máy chuông thứ tư. Nghe, lão nói. Tiếng của Ngón Cụt trong tai lão như móng vuốt quỷ dữ đang lôi tuột lão xuống vực thẳm. Một lần nữa, Ngón Cụt nói. Một lần cuối cùng.

Khu vực miền lầy của Cục Tuần Duyên Ấn Độ chia làm năm Quân Khu. QK-2 đặt sở chỉ huy ở Mumbai và có ba trạm dọc bờ biển, ở Murud Janjừa, Ratnagừi và Dahanu. Mỗi trạm có dưới quyền một số tàu tuần cảnh ngoài khơi, tàu tuần cảnh gần bờ, tàu tuần cảnh siêu tốc, một số tàu tuần cảnh và tàu ngăn chặn nhỏ hơn thậm chí còn nhanh hơn. Lại thêm nhiều trực thăng và máy bay dọ thám. Nhưng biển rộng mênh mông và nếu tổ chức chu đáo vẫn có khả năng còn lại một vùng riêng biệt nào đó không được canh gác. Muốn có một dàn xếp như vậy phải cần số lượng va-li rất nhiều.

Lần này là vụ gì.

Đừng hỏi. Cứ sắp đặt đi.

Và nếu tôi từ chối.

Đừng từ chối. Sức khỏe ông trùm sa sút lắm rồi. Các láng giềng không phải gia chủ tốt đẹp. Vị thế riêng của ông ấy có giới hạn, tài chính cũng đang cạn dần. Ông ấy nghĩ mình không còn nhiều thời gian nữa. Ông muốn làm một vụ lớn cuối cùng. Không có lựa chọn khác. Các hàng xóm nhất định nài ép. Còn hăm dọa trục xuất.

Mười lăm năm rồi. Tôi đã rửa tay gác kiếm quá lâu rồi.

Welcome to the Hotel California.

Tôi sẽ không làm đâu.

Đừng từ chối. Tôi đang lịch sự yêu cầu. Tôi đang nói làm ơn. Làm ơn: đừng từ chối.

Tôi hiểu.

* * *

Và rồi vào ngày 23 tháng Mười một năm 2008, mười tay súng trang bị toàn súng tự động với lựu đạn từ một nước láng giềng thù địch lên tàu vượt biển. Trong ba-lô, chúng mang đạn dược và nhiều ma túy loại mạnh: cocain, steroids, LSD, và ống tiêm. Trên đường đi, chúng chặn cướp một tàu đánh cả, bỏ luôn tàu của chúng, mang hai chiếc xuồng lền tàu cá rồi bắt thuyền trưởng cho tàu đi tới nơi chúng muốn. Gần đến bờ, chúng giết thuyền trưởng rồi xuống xuồng nhỏ. Sau này nhiều người thắc mắc tại sao lính tuần duyên không nhìn thấy hay cố ngăn chặn chúng. Bờ biển này được cho là bảo vệ kỹ nhưng vào đêm đó lại có vấn đề gì đó. Khi xuồng cập bờ, vào ngày 26 tháng Mười một, các tay súng chia thành nhiều nhóm nhỏ, tìm đường tới các mục tiêu đã chọn, một ga tàu lửa, một bệnh viện, một rạp chiếu phim, một trung tâm Do Thái, một quán café nổi tiếng, và hai khách sạn năm sao. Một trong hai khách sạn đó Taj Mahal Palace &Tower Hotel, nơi vợ của Nero, sau cuộc cãi vã với chồng, đang ngồi ở nhà hàng Sea Lounge ăn sandwich dưa chuột và than phiền chuyện hôn nhân với mấy người bạn.

* * *

Con không nói nổi, Riya nói.

Đừng nói.

Bác giúp cho các tay súng đột nhập thành phố, những kẻ giết chết vợ bác.

Không cần phải nói mà.

Rồi bác bỏ trốn. Bác và tất cả các con.

Có chuyện cần nói thêm chút nữa. Sau biến cố đó người ta tìm thấy xác của tên gangster Ngón Cụt nằm một đống trên đường phố ở khu Dongri. Hắn đã bị cắt cổ chết bằng một con dao ngắn. Hai đồng minh cũ của hắn là Đầu To và Chân Nhỏ tức giận vì vụ tấn công này một lần nữa đã đặt bọn Company cùng các hoạt động của chúng vào thế hiểm nghèo. Đó là lời nhắn của chúng gửi đến Zamzama Alankar. Sau đó, Apu cũng là nạn nhân của cơn thịnh nộ này. Chúng cũng gửi ta một lời nhắn. Lời nhắn là, bọn tôi đã biết ông giúp sức, và đây là câu trả lời của bọn tôi. Đó là những cái tên mà gã Mastan sẽ đến cho ta biết. Những cái tên ta đã biết rồi.

Vậy bác chịu trách nhiệm cho cả cái chết của con trai lẫn của người mẹ.

Những gì cần làm ta đã làm hết sức để cứu mạng họ. Ta thỏa hiệp cũng chỉ để bảo vệ họ. Ta là ông vua trong gia đình nhưng ta trở thành tên đầy tớ. Tên thợ giặt. Tên dhobi. Nhưng con nói đúng. Ta đã thua. Con buộc tội ta và ta đáng bị như vậy vì điều đó, số phận đã trừng phạt ta bằng cách lấy mất các con của ta. Một đứa chết dưới tay những kẻ thù của ta, một đứa tự tay nó, một đứa dưới tay một thằng điên, nhưng cả ba đứa đều là hình phạt và gánh nặng ta phải gánh chịu mãi mãi, đúng, cả hai bà mẹ của chúng nữa. Ta đã nhận được bài học và ta đã học. Những xác chết của mấy đứa con ta cùng hai bà mẹ của chúng đè trên vai ta, sức nặng đang dúi ta xuống. Con đang thấy ta bị nghiền nát, con gái, như con gián dưới gót giày định mệnh. Con thấy ta bị nghiền nát. Và bây giờ con đã biết mọi chuyện.

Thế bây giờ con phải làm sao khi con đã biết mọi chuyện?

Con không cần phải làm gì cả. Sáng mai đúng chín giờ thần chết sẽ đến uống trà.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3