Nhà Golden - Chương 30
Thực tình, tôi đã mong một đời sống êm ả hơn. Ngay cả khi tôi mơ tưởng, một lúc tuyệt vời nào đó trong tương lai, mình sẽ đạt được một vị trí được trọng vọng thật sự, tôi cũng đã mong được nhiều điều tử tế trong lúc lần mò trên đường. Tôi đã không hiểu rằng hai con quái vật thần thoại Scylla và Charybdis mà con tàu của Odysseus gặp phải lúc giương buồm vượt eo biển Messina - một con được “lý giải” là những tảng đá khổng lồ, con kia là xoáy nước hung ác - chỉ là biểu tượng, một là tượng trưng cho tha nhân (những tảng đá mà con tàu ta sẽ đâm vào tan vỡ và chùn đắm), còn một là tượng trưng cho cái bóng tối quay cuồng ngay trong bản thân mình (thứ sẽ hút chúng ta xuống đáy, và chúng ta chết đuối). Giờ đây khi bộ phim The Golden House cuối cùng đã hoàn thành và sắp ra mắt ở một loạt liên hoan phim - gần một thập kỷ thực hiện, và sau những biến động trong đời riêng của tôi gần cuối giai đoạn đó, việc hoàn thành được bộ phim thật giống như phép mầu - tôi phải cố ghi lại những điều đã học được trong tiến trình này. Về chuyện làm phim, chẳng hạn, khi một người có tiền bảo ta, “Tôi thích dự án này. Tôi thích lắm. Rất sáng tạo, rất độc đáo, hiện nay không hề có cái gì giống như thế. Tôi sẽ ủng hộ anh một ngàn phần trăm, bằng hết khả năng của tôi, ủng hộ hoàn toàn, một ngàn lẻ một phần trăm, đúng là thiên tài” thì tức là ông ta đang nói “xin chào”, dịch sang ngôn ngữ bình thường. Và tôi đã biết ngưỡng mộ bất kỳ ai đã thực sự đưa bộ phim của họ tới đích cuối cùng và vào rạp chiếu, bất kể phim gì, Citizen Kane hay Porky’s XXII hay Dumb Pucks XIX, bất kể, anh đã hoàn thành một phim rồi, anh bạn, kính nể đó. Còn về cuộc đời bên ngoài chuyện làm phim, tôi học được điều này: cứ thật thà là thượng sách. Trừ phi thượng sách không phải thật thà.
Chúng ta chỉ là những tảng băng trôi. Tôi không có ý nói là chúng ta lạnh lùng, chỉ muốn nói rằng chúng ta hầu như chìm dưới mặt nước, và cái phần chìm khuất của ta là cái có thể đánh đắm con tàu Titanic.
* * *
Trong những ngày sau vụ xả súng lễ Halloween, tôi dành phần lớn thời gian ở khu Gardens, sẵn sàng giúp đỡ nhà Golden bất cứ việc gì có thể cần đến tôi. Với sự đồng ý của Suchitra, mỗi tuần tôi dành nhiều đêm ngủ lại trong nhà ông U Lnu Fnu. Ông ấy vẫn chưa cho ai thuê căn phòng cũ của tôi, và nói ông rất mừng có người bầu bạn trong “lúc kinh khủng, lúc kinh khủng” này. Còn với Suchitra trong những giờ cuối cùng trước khi cả nước bầu cử xong, nàng đang làm việc gần như hai mươi giờ mỗi ngày ở với các phương tiện chỉnh âm, cắt ráp những đoạn quay cần dùng của chiến dịch tranh cử chức Tổng thống của Đảng Cộng Hòa, giữ vai trò như một thủ lĩnh của nhóm Phụ Nữ Truyền Thông đã tình nguyện đem chuyên môn ra phục vụ. Nàng thú nhận là cảm thấy kiệt sức, bị ngợp và hơi xuống tinh thần, chắc có lẽ tôi đã ngầm hiểu là phần lớn những điều đó có liên quan đến tôi. Nhưng tôi ở trong khu Gardens không chỉ bởi lòng vị tha mà vì những lý do gần như là rình rập, bản năng mạnh mẽ của tôi cho biết câu chuyện mà tôi đã kể dàn trải lâu nay sắp sửa cho tôi đoạn kết hiện còn thiếu, và tôi đang mai phục chính đoạn kết đó, ẩn mình trong bụi cây khu Gardens như con sư tử đói náu mình giữa đám cỏ cao dưới chân cây keo trên bình nguyên châu Phi, con mồi của tôi rồi sẽ lon ton đi qua. Lúc đó, bị bao quanh bằng những cái chết như câu chuyện tôi đã kể, tôi không ngờ rằng cũng có thể có một vụ giết người khác đang lộ ra. Chính Vito Tagliabue là người đầu tiên báo động cho tôi về khả năng là Nero Golden thực tế không phải, hoặc không chỉ, là nạn nhân của chứng mất trí của tuổi già đang đến từ từ; mà sự thật là lão đang bị đầu độc từ từ bởi chính người vợ.
Cuộc sống ở khu Gardens lúc nào cũng có phần gợi nhớ đến phim Rear Window*. Ai ai cũng canh chừng người khác ở nhà đối diện, tất cả chúng tôi đều được soi sáng rõ trong những ô cửa sổ nhà mình, những ô cửa như những màn ảnh tí hon nằm trong một màn ảnh rộng lớn hơn, đang chiếu những tấn tuồng của chúng tôi cho các hàng xóm thưởng lãm; cứ như các tài tử trong phim có thể xem những bộ phim khác trong lúc những bộ phim khác ấy cũng đang xem họ. Trong Rear Window, James Stewart sống không cách xa nơi đây, ở địa chỉ hư cấu “125 đường West 9,” trong đời thực sẽ là 125 đường Christopher - tức là đường thứ chín ở phía tây Đại lộ 6 - nhưng khu Gardens này chắc cũng không khác gì. Dự tính của tôi là đưa vào phiên bản phim của mình một vài cư dân là hình ảnh cố tình tôn vinh các nhân vật trong bộ phim kiệt tác của Hitchcock, như Miss Torso cô vũ nữ hướng ngoại, Miss Lonelyhearts người đàn bà độc thân lớn tuổi, và vân vân. Thậm chí có thể có người bán nữ trang lưu động, do một diễn viên giống Raymond Burr đóng. Tôi không hề có dự tính phát triển mạch truyện để đưa vào một vụ mưu sát, nhưng đó là cách những câu chuyện sẽ dẫn dắt ta, chúng sẽ rẽ theo những hướng bất ngờ và ta phải bám chặt lấy đuôi áo chúng. Thế cho nên lúc tôi đang đi băng qua khu Gardens từ nhà ông U Lnu Fnu tớ nhà Golden thì Vito Tagliabue từ cửa sau nhà ông ta thò cái đầu bảnh trai ra, tóc chải ngược xịt keo láng bóng, và thực tế đã nói trước sự ngạc nhiên vô cùng của tôi: “Suỵt!”
Tôi dừng sững lại và thú thực là đã cau mày. “Xin lỗi,” tôi nói, muốn xác định rõ, “có phải ông mới nói ‘Suỵt’ đấy không?”
“Si, phải” ông ta rít lên, vẫy tôi tới gần. “Có vấn đề gì sao?” “Không,” tôi vừa đáp vừa đi tới. “Chỉ có điều là tôi chưa nghe ai nói thế bao giờ.”
Ông ta kéo tôi vào nhà bếp rồi đóng cửa vườn lại. “Thế người ta nói gì?” Ông ta có vẻ bực bội. “Đó không phải tiếng Mỹ sao?”
“Ồ, tôi nghĩ người ta thường nói, ‘Này!’ hay ‘Xin lỗi’ hay ‘Có rảnh chút không?’”
“Không giống nhau,” Vito Tagliabue tuyên bố.
“Cũng vậy thôi,” tôi nói.
“Cũng vậy thôi,” ông ta chấp nhận.
“Ông có việc gì cần à?”
“Phải. Phải. Việc quan trọng. Nhưng khó nói. Tôi thì hoàn toàn tự tin để nói rồi. Tôi chắc chắn về sự chính trực của cậu, rằng cậu sẽ không nói là đã nghe từ tôi.”
“Mà chuyện gì, Vito.”
“Một linh cảm. Nói linh cảm có đúng không? Phải, linh cảm.”
Tôi khoát tay, xin cứ nói tiếp.
“Chuyện Vasilisa đó. Vợ của Signor Nero. Mụ này thuộc ca khó đỡ nghe. Mụ ta tàn nhẫn đấy. Như mọi…” ông ta ngừng. Tôi tưởng ông ta định nói từ kinh nghiệm cay đắng riêng tư, như mọi bà vợ, hay như mọi đàn bà, “… như mọi người Nga.”
“Ông định nói gì, Vito.”
“Tôi định nói là mụ ta sẽ giết ông chồng. Mụ ta ngay lúc này đang giết ông ấy đó. Tôi nhìn thấy sắc mặt khi ông ấy dạo ngang đây. Không phải là vẻ suy yếu của tuổi già. Cái này khác han.”
Bà vợ cũ Bianca Tagliabue của Vito đã chuyển sang nhà người tình mới, Carlos Hurlingham, “ông Arribista” của tôi, ở đối diện bên kia. Hàng ngày cặp tình nhân mới cứ chường mặt ra hoa viên khu Gardens, hạ nhục Vito, cứ nhắc cho ông ta nhớ mối tình xưa. Nếu ai có ý tưởng giết người trong đầu, tôi nghĩ, đó có lẽ là chính Vito. Dù vậy, tôi cũng chiều lòng ông ta thêm chút nữa.
“Cô ta làm chuyện đó bằng cách nào,” tôi hỏi.
Ông ta nhún vai rất kịch. “Tôi không biết. Tôi không biết đích xác. Tôi chỉ thấy ông chồng trông rất bệnh hoạn. Bệnh hoạn một cách khác thường. Chắc có thứ gì đó trong thuốc men của ông ấy. Ông ấy phải uống nhiều thuốc. Cho nên rất dễ. Phải, có gì đó trong thuốc, tôi tin chắc. Gần như chắc chắn.”
“Tại sao cô ta phải làm thế chứ,” tôi thúc giục. Một lần nữa, một cái nhún vai và một cái múa tay như làn sóng. “Thì rõ quá mà,” ông ta nói. “Tất cả những người thừa kế khác giờ đã chết hết rồi. Chỉ còn đứa con của mụ ta thôi. Và nếu ngẫu nhiên ông Nero cũng…,” - nói tới đây ông ta đưa một ngón ngón tay lướt ngang cuống họng - “Vậy thì ai hưởng gia tài? Tiếng La-tinh có câu, cui bono? - ai hưởng lợi? - cậu thấy chưa? Rõ như ban ngày.”
Trung tâm vấn đề chính là con tôi. Con trai tôi đã hai tuổi mà cơ hồ không hề biết tôi, nó luôn quên tên tôi, tôi không thể gửi quà cho nó, tôi không thể chơi đùa với nó trong hay ngoài khu Gardens, con trai tôi là người thừa kế tài sản của một người đàn ông khác, là tấm hộ chiếu cho tương lai của mẹ nó. Con trai tôi, qua gương mặt bé nhỏ của nó, tôi rõ ràng nhìn thấy chính mình. Tôi ngạc nhiên rằng dường như chẳng có ai để ý sự giống nhau đậm nét đó, rằng thực tế ai cũng nói thằng bé giống cha mà người cha lại không phải cha nó, cái-tưởng-là đã chiến thắng cái-thực-là. Người ta chỉ thấy cái mà người ta muốn thấy.
Vespasian, đặt tên cái kiểu gì vậy chứ, Vespasian. Càng lúc tôi càng khó chịu. Lại còn “nhóc Vespa” nữa chứ. Vespa là chiếc xe mà Audrey Hepburn đã lái hết sức ẩu quanh Rome trong phim Roman Holiday, với Gregory Peck hốt hoảng ngồi trên yên sau. Con trai tôi xứng đáng được lèo lái tốt hơn chứ không phải bằng tay lái của mấy ngôi sao điện ảnh đó. ít nhất nó cũng xứng đáng mang tên một trong những bậc thầy vĩ đại của điện ảnh, Luis hay Kenji hay Akira hay Sergei, Ingmar hay Andrzej hay Luchino hay Michelangelo, Prangois hay Jean-Luc hay Jean hay Jacques. Hay Orson hay Stanley hay Billy hay thậm chí chán ngắt như Clint cũng được. Tôi đã bắt đầu nghĩ nửa-nghiêm-túc-nửa-không tới chuyện bắt cóc, hay bỏ trốn cùng thằng bé Federico hay Alíred của tôi, và tẩu thoát vào chính thế giới điện ảnh, phá bỏ bức tường thứ tư để lao vào những bộ phim chứ không như Jeff Daniels trong phim của Woody Allen từ màn ảnh lao ra cuộc đời*. Ai cần cuộc đời này chứ khi ta có thể chạy băng qua sa mạc theo sau con lạc đà của Peter O’Toole hay, đi cùng phi hành gia Keừ Dullea của Kubrick, giết chết máy tính điên HAL 9000 trong lúc nó ngâm nga “Daisy, Daisy, trả lời tôi đi”*? Thực tại có nghĩa lý gì nếu ta có thể nhảy lò cò với sư tử và bù nhìn trên Con Đường Lát Gạch Vàng, hay bước xuống cầu thang tráng lệ bên cạnh Gloria Swanson, sẵn sàng cho ông DeMille quay cận cảnh*? Đúng, con trai tôi và tôi, tay trong tay, sẽ kinh ngạc trước những bộ mông, bộ ngực đồ sộ của những ả gái điếm trong phim Fellini’s Roma và ngồi tuyệt vọng trên vỉa hè thành Rome tiếc thương chiếc xe đạp bị mất cắp rồi nhảy vào cỗ máy thời gian DeLorean của Tiến sĩ Doc Brown bay ngược về tương lai và sống tự do*.
Nhưng điều đó không thể xảy ra. Chúng tôi tất cả đều mắc kẹt trong trận đồ của Vasilisa, nhất là đứa bé, đứa bé chính là nước cờ chiến thắng của cô ta. Tôi mất một lúc tự hỏi Vasilisa có thể thực sự tàn nhẫn đến cỡ nào; phải chăng bằng cách nào đó cô ta đã bày mưu khiến ít nhất hai trong ba người con trai nhà Golden phải chết, và không chừng cô ta cũng sẽ nhúng tay vào cái chết của người con thứ ba nếu như anh ta không tự kết liễu đời mình? Nhưng tôi đã xem quá nhiều phim, và đang bị cuốn hút theo cùng một tấn tuồng giống như ông Vito Tagliabue tức tối vì tình phụ kia. Tôi lắc đầu cố tỉnh táo lại. Không, cô ta có lẽ không phải là kẻ sát nhân hay chủ mưu giết người. Cô ta chỉ là - “chính là!” - một kẻ thâm độc và giỏi thao túng đã sắp thắng trận chiến của mình.
* * *
Sau ba cái chết, một tình cảm gần gũi mới đã nảy sinh giữa lão Nero và Riya đã khiến một nếp nhăn Siberia hằn trên gương mặt xinh đẹp (dù hơi lạnh lùng) của đệ nhị phu nhân Golden, nhưng điều đó không hề khiến tôi ngạc nhiên. Người cha ba-lần-để-tang-con ấy không có ai để tỏ lòng tiếc thương Apu hay Petya nhưng nỗi buồn đau của Riya với cái chết của D cũng không kém gì lão. Trong mọi ngôn ngữ họ biết, không có danh từ nào để gọi người cha có con qua đời, không có từ nào tương đương với widower gọi người chồng góa vợ hay orphan gọi người con mất cha mẹ, và không có động từ nào mô tả được nỗi mất mát ấy. Từ bereavement chỉ sự tử biệt thì không chính xác nhưng phải chấp nhận như thế. Họ cùng ngồi trong văn phòng của Nero trong sự im lặng mất mát, im lặng giống như một cuộc trò chuyện mà mọi điều cần nói đã nói hết, như James Joyce và Samuel Beckett im lặng thấm đẫm nỗi buồn cho cả nhân gian lẫn cho chính mình. Lão đã yếu đi, có lúc than phiền bị chóng mặt, có lúc buồn nôn, lão thường thiếp đi và tỉnh dậy nhiều lần trong một tối. Trí nhớ đã mai một. Nhiều khi lão còn không nhớ là Riya đang ở đó. Nhưng lúc khác lão lại phục hồi con người nhạy bén trước đây. Sự suy sụp của lão không theo một đường thẳng. Có lúc tăng lúc giảm dù khuynh hướng chung là sa sút dần không thể tránh khỏi.
Có một tối Riya đưa lão lên đầu thành phố tới Park Avenue Armory, nơi đó, trong vòng cung mười một tòa nhà bê-tông cao, những người khóc mướn chuyên nghiệp từ khắp thế giới trình diễn vô vàn thanh âm của sự im lặng nhất trong mọi im lặng, cái chết. Ở một tòa tháp có một người Ecuador mù chơi đàn accordeon điệu nhạc yaravíes ai oán, và ba người khóc mướn Campuchia đã thoát được nạn diệt chủng của Khmer Đỏ đang trình diễn nghi thức gọi là kantomming, chơi sáo và một mớ cồng chiêng lớn nhỏ. Những màn trình diễn này không dài, chừng mười lăm hay hai mươi phút, nhưng âm hưởng vẫn còn vang vọng trong lòng Riya và lão Nero rất lâu sau khi họ ra về. Nero chỉ nói, “Con chim đó rất có ích.” Một mình trong một tòa tháp là một con chim khổng lồ không rõ loài gì, có vẻ giống con gà trống, ngự trên một bệ bê tông, một người khóc mướn từ Burkina Faso đến, ẩn mình hoàn toàn trong bộ đồ chim này, đầu cũng giấu trong đầu chim, hai cổ chân đeo những chiếc chuông lanh canh nhẹ rung khi ông ta xê dịch hai bàn chân, người này chẳng gây ra chút âm thanh nào ngoài tiếng chuông thi thoảng ngân lên khe khẽ, ông ngồi rất im, chỉ đôi lúc rùng mình rất khẽ, sự hiện diện nghiêm trang và nhân từ của ông ta đủ mạnh mẽ để xoa dịu chút khổ đau của Riya cùng lão Nero. “Bác muốn đi xem lần nữa không?” Riya hỏi Nero khi họ lại ra tới vỉa hè. “Không,” lão nói. “Vậy đủ rồi.”
Có một tối sau nhiều tối không nói không rằng lão Nero đã lên tiếng. Văn phòng lão chìm trong bóng tối. Họ không cần ánh sáng.
“Con đừng nên bỏ việc, con gái à,” lão nói. Lão gần đây đã gọi Riya như thế.
Không hề có mào đầu hay thoáng chút hồ nghi nào, câu nói ấy khiến cô sửng sốt.
“Bác cũng biết mà, cảm ơn bác, nhưng việc này bác không hiểu đâu,” Riya nói, giọng gay gắt thấy rõ. “Đây là việc của con, hoặc suốt một thời gian đã là việc của con.”
“Con nói đúng,” lão nói. “Vấn đề giới tính này nằm ngoài hiểu biết của ta. Đàn ông, đàn bà, được. Đồng tính, cũng được, ta biết cái đó có thực. Còn cái thế giới ấy, đàn ông với những bộ phận được tạo dựng bằng giải phẫu, đàn bà không có bộ phận đàn bà, ta không hiểu nổi. Con nói đúng. Ta thuộc loại cổ lỗ rồi, đầu óc ta không còn được trăm phần trăm. Nhưng còn con? Con rành rẽ chuyện này. Con nói đúng. Đó là việc của con.”
Riya không đáp. Họ đã quen thấy thoải mái trong sự im lặng; không cần phải trả lời.
“Nó có liên quan đến con ta,” lão nói. “Con tự trách mình và vì thế con từ bỏ lĩnh vực của con.”
“Lĩnh vực của con,” cô nói. “Lẽ ra nó phải là một chỗ an toàn nâng đỡ sự cảm thông. Ngược lại nó thành vùng chiến sự. Con chọn bình an.”
“Con không bình an,” lão nói. “Phần lớn chuyện bản thể, bản sắc này không gây khó khăn gì cho con. Da đen, La-tinh, phụ nữ, tất cả đều ổn. Chính cái phạm vi nằm giữa giới tính mà con gọi là vùng chiến sự đó. Nếu con muốn bình an ở đó, có lẽ hãy làm người hòa giải. Đừng bỏ chạy khỏi trận chiến.”
Lão nghe một câu hỏi trong sự lặng thinh của Riya. “Ô, con tưởng ta không biết tự tìm hiểu chút ít sao?” lão nói. “Con tưởng là do đầu óc ta đang kiệt quệ dần dần, co rút như cái áo rẻ tiền, mà ta hết còn biết suy nghĩ sao? Chưa chết đâu, cô gái. Chưa chết đâu.”
“Okay,” cô nói.
“Hãy tạm nghỉ một thời gian. Suy nghĩ cho thấu đáo. Đừng bỏ việc.”
“Okay,” cô nói.
“Như ta,” lão nói, “ta cũng thay đổi bản thể mình đấy.”
* * *
Lát sau, Khi Riya đã ra về, ông già còn một mình trong căn phòng tối. Máy điện thoại để bàn reo vang. Lão do dự không biết có nên nhấc máy không, với tay ra, rụt về, lại với tay ra, nhấc máy.
Nghe.
Golden sahib, chào ông.
Ai đó.
Tôi không nghĩ rằng ông sẽ nhớ tên tôi. Tôi chỉ là miếng thịt vụn trong cái chảo chiên quá lớn.
Ông là ai.
Mastan. Trước kia là Thanh tra, Ban điều tra hình sự Mumbai, sau chuyển đi Himachal Pradesh. Rồi sau nữa, làm ở khu vực tư nhân. Cũng mới nghỉ hưu.
Ngừng.
Mastan. Tôi nhớ rồi.
Hân hạnh cho tôi quá. Được một seth, một đại nhân lớn như thế nhớ đến. Trí nhớ tuyệt vời, thưa ông. Con trai của ông thì lại không nhớ, cậu trẻ tuổi hơn đó.
Ông đã gặp một đứa con của tôi.
Thưa ông, ở Mumbai, thưa ông. Mang cái tên Apu. Nói cho đúng, đã mang cái tên Apu. Xin lỗi vì tiếng Anh của tôi vụng về. Xin chia buồn với mất mát của ông.
Làm sao ông có số điện thoại này.
Thưa ông, tôi từng là sĩ quan cảnh sát, sau đó làm an ninh tư nhân. Những chuyện này trong khả năng của tôi.
Ngừng.
Ông muốn gì.
Chỉ muốn nói chuyện, thưa ông. Tôi chẳng có chức, có quyền gì, tôi về hưu rồi, đây là Hoa Kỳ, không có quyền xét xử, không có gì hết, một vụ không thể điều tra, và ông là người quá sức, quá sức quyền thế, còn tôi chẳng là gì cả. Chỉ muốn nói rõ đôi điều. Cho thỏa lòng mình trước khi nhắm mắt. Chỉ để thỏa lòng thôi.
Và tôi phải gặp ông, lý do?
Nếu như ông muốn biết đích xác ai đã giết con trai ông. Tôi chắc chỉ có chuyện đó là đáng quan tâm.
Ngừng lâu.
Sáng mai. Chín giờ.
Chắc chắn, sahib. Không sai một phút. Xin cảm ơn ông trước.
* * *
Lát sau nữa, Riya đã ngủ, và bị đánh thức bởi chuông điện thoại di động. Cô hết sức ngạc nhiên, người gọi là Nero Golden.
Con đến được không?
Bây giờ? Đã nửa đêm rồi.
Ta cần nói chuyện, bây giờ ta còn có thể, ngày mai chắc ta sẽ không nói được nữa.
Chờ con một chút.
Con gái, ta cần gặp con ngay.