Nhà Golden - Chương 27
Đoàn chiến thuyền Hy Lạp giương buồm tới thành Troy để bắt về nàng Helen phản bội, và thế là phải dỗ dành nữ thần Artemis đang tức giận để thần ban cho một ngọn gió thuận, và thế là phải hy sinh nàng Iphigenia con gái của Agamemnon, và thế là người mẹ đau khổ của nàng, Clytemnestra chị em của Helen, phải chờ đến khi người chồng từ chiến trận trở về để rồi sau đó giết ông ta, và thế là con trai Orestes của họ sẽ báo thù cho cái chết của cha bằng cách giết mẹ, và thế là các Nữ thần Thịnh Nộ sẽ truy đuổi Otestes, và cứ thế. Bi kịch là sự xuất hiện yếu tố bất khả hóa giải trong những sự việc của con người, những yếu tố có thể là tác động bên ngoài (lời nguyền dòng họ) hay bên trong (khiếm khuyết cá tính) nhưng dù là trường hợp nào cũng đi theo một đường hướng không thể tránh khỏi. Nhưng ít ra điều đó là một phần bản chất con người để chống lại cái ý tưởng về điều bất khả hóa giải, cho dù những từ khác dùng để chỉ cái sức mạnh siêu việt, định mệnh, nhân quả, số phận, superforce, kismet, karma, fate của bi kịch, đều mạnh mẽ trong mọi ngôn ngữ. ít ra điều đó là một phần bản chất con người để khẳng định hành động và ý chí của con người, và để tin rằng việc yếu tố may rủi xâm nhập vào các sự việc chính là cách lý giải cho những thất bại của hành động và ý chí đó tốt hơn là một kiểu mẫu định sẵn bất khả kháng vốn có trong câu chuyện.
Cái áo trò hề của sự phi lý, cái ý tưởng về sự vô nghĩa của cuộc đời, đối với nhiều người chúng ta đó là trang phục triết lý hấp dẫn hơn chiếc áo choàng trang nghiêm của nhà bi kịch, thứ mà khi mặc vào sẽ trở thành cả dấu hiệu lẫn tác nhân của số phận. Nhưng đó cũng là một khía cạnh của bản chất con người - cũng là một đặc tính của con thú người đầy mâu thuẫn, đặc tính mạnh mẽ chẳng kém gì đối cực của nó - để tin theo định mệnh mà chấp nhận rằng quả thật có một trật tự tự nhiên của sự vật, và để chơi những quân bài được chia mà không hề ta thán.
Hai bình tro cốt trên bàn Nero Golden: phải chăng điều bất khả hóa giải bi thảm này đang phát huy tác dụng, hay đó là nỗi bất hạnh kinh khủng hai lần ngẫu nhiên? Và tên Joker điên loạn ngoài kia, đánh đu trên tòa nhà Empừe State với ánh mắt ham hố nhìn về Tòa Bạch Ôc: phải chăng lão là hệ quả của bao rủi ro khôn lường bỗng trùng khớp lạ lùng, hay đó là sản phẩm của tám năm trời hoặc hơn của thói vô liêm sỉ công khai mà lão ta chính là hiện thân tuyệt đỉnh? Bi kịch hay rủi ro? Và có không những lối thoát cho gia đình này và đất nước này, hay cứ ngồi im chấp nhận định mệnh mới là khôn ngoan hơn?
Nero Golden mỗi ngày mất hàng giờ ngồi một mình ở bàn giấy nhìn chăm chăm bình tro cốt của hai đứa con, chất vấn chúng tìm câu trả lời. Để giúp lão vơi buồn, Vasilisa luôn báo tin về những tiến triển của nhóc Vespasian, những tiếng bi bô đầu tiên, những bước chập chững đầu tiên, nhưng ông già không thể nguôi ngoai. “Tôi nhìn nó, tôi nhìn Petya, tôi tự hỏi, kết tiếp sẽ là đứa nào đây,” lão nói. Nghe thế Vasilisa trả lời dứt khoát. “Về phần con trai tôi, nó sẽ an toàn,” cô ta nói. “Em sẽ lấy mạng mình ra bảo vệ và nó sẽ lớn lên thành một người mạnh mẽ, ưu tú.” Lão ngồi trên ghế ngước nhìn cô ta với ánh mắt có phần phản đối mơ hồ, nhưng cũng đầy tổn thương, thậm chí yếu đuối. “Thế còn Petya của tôi,” lão nói. “Cô cũng bảo vệ nó chứ?” Cô ta đến gần đặt một bàn tay lên vai lão. “Em nghĩ khủng hoảng của Petya đã qua rồi,” cô ta nói. “Chuyện tệ hại nhất đã xảy ra và cậu ấy vẫn ở với chúng ta, rồi sẽ hồi phục tốt hơn, như cậu ấy trước đây.”
“Con mà lại chết trước cha,” lão nói. “Cứ như đêm xuống khi mặt trời còn ở trên cao.”
“Nhà ta đã có mặt trời mới soi sáng rồi, một hoàng tử xinh đẹp,” cô ta nói với lão, “nên những ngày sắp tới sẽ tươi sáng.”
Mùa hè đã qua. Cơn sóng nhiệt mấy tuần nay đã dịu dần thành tiết trời ẩm ướt mây mù. Thành phố râm ran với ma lực thường lệ của tháng Chín, cuộc tái sinh hàng năm của mùa thu, nhưng Suchitra và tôi đang ở Telluride dự liên hoan phim; loạt video phỏng vấn của chúng tôi về những khoảnh khắc điện ảnh kinh điển đã hợp thành một phim tài liệu khá tốt, Những Mảnh Rời Trác Tuyệt, với nhiều nhân vật tên tuổi nói chuyện trước ống kính về những cảnh phim họ yêu thích nhất - không chỉ có Werner Herzog mà còn Emir Kusturica, Michael Haneke, Jane Campion, Kathryn Bigelow, Doris Dörrie, David Cronenberg, và cuộc trả lời phỏng vấn cuối cùng của Abbas Kiarostami, tiếc thay đã từ trần - và chúng tôi đã được chọn để đưa phim này đến đại tiệc điện ảnh danh giá vào ngày cuối tuần dịp Quốc tế Lao động ở vùng núi Colorado, trong thành phố nơi Butch Cassidy và Sundance Kid cướp ngân hàng đầu tiên của họ*, nơi những hồn ma hiền lành (và không hiền lành) của Chuck Jones và các nhân vật thỏ Dwatted Wabbit và vịt Daffy Duck theo dõi tất cả chúng ta*. Ngay cả ở đó, trong Vườn Địa Đàng của dân mê điện ảnh, câu chuyện thỉnh thoảng lại hướng về những người đã chết, và năm đó cả Starman, cả Purple One, cả Deer Hunter, cả Young Frankenstein (“đó là ‘Fraankensteen’!”), cả R2D2, cả Bird-on-the-Wire, và cả The Greatest đều giã biệt cõi đời*. Nhưng chúng ta cũng có những bộ phùn để bận mắt bận tâm - La La Land, Arrival, Manchester by the Sea - cho nên cái chết trở thành chuyện thứ yếu ít nhất là trong lúc liên hoan phim đang diễn ra, bởi vì đời thực là bất tử, như chúng ta ai cũng hiểu rõ, đời thực là thứ không chết soi sáng bóng tối ngự trị trên màn bạc.
Trở về thành phố, trong trạng thái phấn chấn đáng kể do phim của chúng tôi được đón nhận tốt ở Telluride, tôi tới thăm Nero, lòng cũng có ý mời lão đến Russian Tea Room uống vodka và ăn món blini, để đáp lại lần lão quan tâm đến say mềm chuyện tôi mồ côi. Phải thú nhận là tôi nói chung quá vui vẻ cao hứng với thắng lợi của chúng tôi ở vùng núi Rockies, và có lẽ không đủ cố gắng giữ thái độ thương tiếc đúng mức trong ngôi nhà gặp tai họa liên tiếp ấy, nhưng khi tôi bước vào dinh cơ Golden và thấy Nero quyền uy trong phòng khách dùng trà, bằng các món đồ sứ tốt nhất trong nhà, cùng với thằng cha lang thang chuyên ba hoa chuyện tận thế, kẻ đã từng khiến tôi nhớ đến diễn viên Klaus Kinski, và có vẻ như lão Nero coi trọng những lời lảm nhảm của tên này, thì thú thật, tôi nhịn cười không nổi, bởi vì tên Fitzcarraldo* rẻ tiền này, kẻ nhân dịp này đã đội lên đầu cái mũ chóp cao tả tơi và đang húp trà xì xụp với chiếc tách sứ Meissen quý hiếm, bây giờ trông giống y hệt Người Bán Nón Điên trong Alice Ở Xứ Thần Tiên, còn lão Nero, nghiêng người chăm chú nghe hắn nói, thì cũng tương xứng với Thỏ Rừng trong truyện này.
Tiếng cười của tôi khiến tên Kinski rướn người lên theo kiểu mà tôi cho là tỏ thái độ phẫn uất (vì tôi đã quá quen thuộc với tác phẩm của E G. Wodehouse). “Tôi đáng cười lắm à?” Y hỏi gay gắt như bà dì đáng gờm của Bertie Wooster trong truyện của Wodehouse. Tôi khoát tay, không, không, không có đâu, và kiềm chế lại.
“Chẳng có gì khôi hài cả trong những điều tôi đang nói ở đây,” Kinski oang oang, hướng chú ý về phía chủ nhà như trước. “Tôi đến để ngồi xuống đất mà kể những câu chuyện buồn về cái chết của vua chúa.” Những lời của Shakespeare trong vở Richard II nghe thật lạ lùng qua mồm một tên vô gia cư Mỹ đang ngồi trên chiếc ghế kiểu Louis XV uống trà đen Chính Sơn bằng tách sứ Meissen, nhưng không sao. “Ngồi xuống đi, René,” lão Nero vừa nói vừa vẫy tôi lại gần và vỗ vào một chỗ trên sa-lông. “Uống chút trà đi và nghe anh chàng này. Anh ta hay lắm đó.” Trong thái độ của Nero có một vẻ dịu dàng mới lạ thật đáng lo. Lão cười, nhưng giống như đang nhe răng hơn là dấu hiệu vui thú. Giọng nói lão nhỏ nhẹ, nhưng đó là chiếc găng nhưng che đậy những vết trầy rụa đau đớn của ý nghĩ.
“Mọi sự sẽ thành tệ hại,” Kinski đột ngột nói, tách trà run rẩy trên tay y. “Ngọn núi của cái ác cao hơn cả tòa nhà cao nhất và súng ống nhưng nhúc khắp chốn. Tôi nghe nước Mỹ gào lên, Thượng Đế ở đâu? Nhưng Thượng Đế đầy phẫn nộ vì mi đã tránh xa con đường của Người. Mi, nước Mỹ!” tới đây, kỳ cục thay, tên này lại chỉ thẳng vào Nero - “mi bác bỏ Thượng Đế và bây giờ Người trừng phạt mi.” “Tôi bác bỏ Thượng Đế và bây giờ Người trừng phạt tôi,” Nero lặp lại, và khi tôi liếc nhìn về hướng lão tôi, thấy những giọt lệ thật sự trong mắt ông già. Con người vô thần công khai này, khi chìm ngập trong khủng hoảng, lại mời một tên ba hoa bịp bợm sặc mùi rượu vào nhà mình và lại thực sự xúc động vì những triết thuyết tận thế rối rắm của y. Mình đi xa có năm ngày, tôi nghĩ thầm, và khi về nhà thì thế giới đã chuyển trục. “Nero,” tôi lên tiếng, “người này…” - nhưng lão vẫy tay bảo thôi. “Tôi muốn nghe chuyện này,” lão khăng khăng. “Tôi muốn nghe hết.”
Thế là chúng tôi chuyển từ La Mã sang Hy Lạp, và con người từng đặt cho chính mình cái tên của hoàng đế cuối cùng trong triều đại mười hai Caesar bây giờ lại mắc kẹt trong phiên bản New York của vở kịch Vua Oedipus*, tuyệt vọng tìm câu trả lời, bằng phiên bản nhà tiên tri mù Teiresias* của lão đang báo trước tai ương. Kinski vẫn cứ hò la nhưng tôi đã nghe trò bịp của y quá nhiều đến phát chán rồi, nên không buồn nghe. Rồi Vasilisa hiện ra ở ngưỡng cửa chấm dứt sự việc. “Đủ rồi,” cô ta ra lệnh, ngón tay cô ta chỉ vào Kinski, buộc y câm miệng và khuất phục. Tôi tưởng tượng một cảnh phim khoa học viễn tưởng, tia chớp quyền năng của Darth Sidious* phát ra từ ngón tay đó. Tách trà run lẩy bẩy một cách nguy hiểm trên hai bàn tay tên vô gia cư nhưng y đặt nó xuống bàn nguyên vẹn rồi bồn chồn đứng phắt dậy. “Cho vài đô-la được chứ?” y vẫn còn trơ tráo hỏi. “Còn thù lao của tôi thì sao?” “Đi ngay,” cô ta nói, “hay là muốn chúng tôi gọi cảnh sát và họ sẽ tính thù lao cho ông.”
Khi tên này đi rồi cô ta quay sang Nero và nói với lão bằng cái giọng uy quyền hệt như Y tá Ratched* mà cô ta vừa nói với tên Kinski kia.
“Không được làm thế nữa,” cô ta nói.
Ô, tôi nghĩ. Chúng tôi đang ở trong tổ chim cúc cu.
* * *
Câu chuyện của tôi, cho tới nay, đã không theo dõi Nero Golden trong những chuyến đi thường xuyên đến căn hộ trên Đại lộ York nơi lão gặp cô điếm ưa thích, Mlle. Loulou. Bản thân tôi cả đời chưa từng thấy bên trong nhà thổ, chưa từng trả tiền mua dục tình, một điều nói lên tính chính trực về đạo đức, có lẽ - nhưng ngược lại, cũng nói lên sự ngây thơ khờ khạo, sự thiếu sót nào đó trong câu chuyện trưởng thành của tôi. Do thiếu kinh nghiệm trong chuyện này, tôi khó lòng tưởng tượng được cảnh bám theo Nero trong những chuyến du hí đi lên bất kỳ cầu thang chật hẹp thắp sáng bằng bóng đèn đỏ nào dẫn tới bất kỳ phòng the lót nệm xịt nước hoa nào; tôi biết những cuộc du hí đó luôn gắn liền với tuổi trưởng thành của lão và, trước khi gặp cô vợ hiện nay, lão cũng có khi thô bỉ kể những thành tích của mình cho những tên hắc ám nhất trong hội chơi xì-phé của lão nghe, hai tên cáo già tóc bạc tên là Karlheinz và Giambologna, hình như thế, hay Karl-Otto và Giambattista gì đó, tôi quên rồi - đằng nào cũng là hai tên dân chơi, một Đức một Ý, bảo thủ chính trị cực đoan, phe Trục ở bàn đánh bài, mặc áo jacket da nâu đeo cà-vạt sáng màu, có vợ đã chết trong những tình huống khả nghi để lại cho họ trọn gia tài. Còn về chuyện liên minh với bộ lạc gái gọi thì họ xem đó như một vấn đề thực tế: ta có thể chen các cô em vào giữa các cuộc họp và ta không cần phải nhớ ngày sinh của họ, và ta có thể dùng cùng một biệt danh cho tất cả các cô, Mlle. Gigi, Mlle. Nastygal, Mlle. Babycakes, hay Mlle. Loulou. Những cái tên mà chính các cô em này tự xưng với ta đằng nào cũng là tên giả. Và - chuyện này, nói theo ngôn ngữ tiếp thị, - chính là USP của họ, là unique selling proposition, là giá chào bán đặc biệt - với một giá nào đó, họ sẽ làm bất cứ thứ gì anh muốn, và sau đó ngậm miệng như hến. Trong những tối chơi bài, lão Nero và hai tên dân chơi, Karl-Friedrich và Giansilvio, đã huênh hoang về những tuyệt kỹ tình dục mà họ đã thuyết phục các cô em đức hạnh dễ dãi ấy thực hiện, và ca tụng sức khỏe điền kinh, sức dai thể thao, sức dẻo gánh xiếc của những con đĩ họ đã chọn. Chỉ có mỗi lão Nero nói về trí thông minh của đối tượng. “Cô ta là một triết gia,” lão nói. “Tôi tìm đến cô ta vì sự khôn ngoan.” Nghe thế Karl-Theodor và Giambenito cười rú lên. “Và để chơi!” hai tên này đồng thanh rống lên. “ừ, cũng chơi,” Nero đồng ý. “Nhưng triết lý là món khuyến mãi.” Kể nghe coi, hai tên kia la lên, chia sẻ cho bọn tôi cái khôn ngoan của con đĩ của anh đi. “Chẳng hạn,” Nero Golden đáp, “cô ta nói, tôi để cho anh mua thân xác tôi vì tôi thấy là anh chưa bán linh hồn anh.” “Cái đó đâu phải sự khôn ngoan,” Gianluca nói. “Đó là nịnh bợ.” “Cô ta cũng nói về cuộc đời,” Nero tiếp tục, “Và tin là đại thảm họa đang đến, và tất cả phải sụp đổ hoàn toàn thì mới sinh ra trật tự mới được.” “Cái đó đâu phải sự khôn ngoan,” Karl-Ingo nói. “Đó là Chủ nghĩa Lenin.” Rồi cả ba cười ầm ĩ và hét lên, “Chơi bài!”
Lúc này đây, vào thời suy sụp của lão - trí tuệ đang thoái hóa dần dần như lão thừa nhận - Nero cũng ít tới đầu thành phố gặp cô em ưa thích của mình. Những thỉnh thoảng lão có đi, ắt là vì muốn nghe những sự thật cô ta đã phải trả giá đắt, cũng giống như chuyện lão chịu lắng nghe tên Kinski vô gia cư. Sau hai mất mát liên tiếp, lão chìm đắm trong sự vô nghĩa mịt mù và tìm kiếm mọi nơi một phương cách nào đó làm cho thế giới này có ý nghĩa trở lại. Lão vẫn có thể hoạt động khá tốt miễn là lão ở chung với những người lão biết rõ. Lão đã tạo được quan hệ với một tay tài xế người Haiti lái limousine có cái tên ái nam ái nữ là Claude-Marie, anh chàng này bây giờ lão giữ làm người lái xe riêng, vì biết gã vừa lái giỏi vừa kín tiếng, và như vậy có thể đưa lão từ đường Macdougal đến Đại lộ York để lão làm những gì cần làm ở đó rồi đưa về êm thấm. Tuy nhiên, vào đúng cái ngày mà bây giờ tôi kể ra, Claude-Marie phải ra tòa vì dính vào một vụ ly dị cay đắng, nên gửi bà dì Mercedes-Benz đi thay. Tên thật của bà dì Benz là gì đó nửa Pháp nửa thổ ngữ Creole chẳng ai biết; còn cái tên giống xe hơi bây giờ của bà là do người thân thuộc ngưỡng mộ bà nên kính cẩn ban cho. Thời trẻ bà ta vốn là một tài xế giỏi và tinh nhạy, nhưng khi đầu đã bạc lại trở nên kỳ cục. Tay lái của bà loạng choạng cho nên lão Nero lúc tới được cửa nhà Mlle. Loulou thì đã gần như run lẩy bẩy.
“Chào, cưng khùng,” lão nói. Đó là cách gọi âu yếm của lão dành cho cô ta. “Anh khùng của cưng đây.”
“Trông anh buồn,” cô ta nói, bằng giọng Pháp giả tạo mà lão thích nghe. “Chắc em phải trừng trị anh một tí rồi anh trừng trị em một tí và anh sẽ thấy vui hơn comme touiours?*”
“Anh cần ngồi yên một chút,” lão nói. “Tài xế kỳ cục. Anh thấy, ờ, anh thấy sợ.”
“Anh cứ lo nghĩ chuyện chết chóc thôi, chéri*,” cô ta nói. “Điều hoàn toàn dễ hiểu mà. Trái tim hai lần tan nát đâu dễ mau lành.”
Lão không biết cô ta là ai bên ngoài căn phòng có bộ sofa đỏ và khăn trải giường vàng óng này nhưng lão bất cần. Con người là cô ta ở trong căn phòng này cũng đủ cho nhu cầu của lão. Người lão cần tìm là các cha xưng tội và triết gia. Còn chuyện tình dục thì hầu như không liên quan, dẫu sao thì dạo này chuyện đó cũng đã khó khăn rồi. Ngọn đèn nào đó trong lão đã tắt ngóm, chuyện hứng tình dường như là một thành phố hoài niệm ở đất nước mà lão đã bỏ lại sau lưng. “Tại sao lại xảy ra những chuyện này,” lão hỏi cô ta, “Và những chuyện đó có ý nghĩa gì chứ?”
“Mạng người rẻ lắm,” cô ta nói. “Chính anh đã nói thế, anh đã kể em nghe, anh nói với ông Gorbachev.”
“Anh nói là người Nga nói thế. Nhưng anh đã già và như vậy chắc chắn là cuộc sống trở nên quý giá, đúng không?”
“Một thằng nhỏ bị giết vì bán thuốc lá trên đường, đoành! Một bé gái bị giết vì nghịch với khẩu súng nhựa ngoài sân chơi, đùng! Sáu mươi người bị bắn ở Chicago vào ngày Quốc Khánh, tặc-tặc-tặc! Một cậu quý tử giết cha vì tiền chu cấp hàng tháng bị cắt giảm, bùm! Một cô gái trong đám đông nhảy múa theo nhạc yêu cầu một người lạ không được cạ vào mông cô ta và tên kia bắn thẳng vào mặt, cho mày chết, đồ đĩ. Và thậm chí em còn chưa đụng tới những chuyện như vậy ở bờ biển miền tây nước Mỹ. Tu comprends?*”
“Bạo lực là có thật. Anh biết, vấn đề ý nghĩa vẫn còn nguyên đó.”
“Ý anh là, trong trường hợp của chính anh và người thân yêu của anh, anh đặt ra một ngoại lệ. Nếu vậy thì phải đặt nó trong một vòng tròn ma thuật để những chuyện kinh hoàng trên đời này không thể đụng chạm tới, và nếu đụng chạm tới thì đó là một sai lầm trong thực tế.”
“Bây giờ em đúng là khó chịu. Em biết gì chứ.”
“Hàng ngày em gần kề với cái chết hơn anh, anh già ơi, và anh rất già đó,” cô ta vừa nói, giọng trìu mến, vừa ôm choàng lão. “Và em là cưng khùng của anh, cho nên em có thể nói với anh sự thật.”
“Tin anh đi,” lão nói, “anh biết về cái chết rõ hơn em nhiều. Chính cuộc sống anh mới không nắm bắt được.”
“Cho phép em nắm bắt cái này,” cô ta nói, và đề tài đã thay đổi.
Sau cuộc gặp gỡ này mọi chuyện lại tệ hơn vì bà dì Mercedes-Benz đi đâu mất tiêu, về sau mới biết là bà ta đã đậu xe vòng phía sau dãy phố ấy và ngủ gật, tai nghe nối dây với điện thoại của bà ta đã rơi ra nên bà không nghe điện thoại reo. Nero hốt hoảng nhấn chuông nhà Mlle. Loulou, hoàn toàn rối trí, không biết làm sao xử trí tình huống này, và Loulou phải đi xuống đón một chiếc taxi vàng rồi lên xe cùng để đưa lão về nhà. Khi trở lại đường Macdougal, lão vẫn còn run rẩy và thế là thở dài một tiếng, cô ta ra khỏi xe, đỡ lão ra ngoài, nhấn chuông cửa. Mlle. Loulou là một phụ nữ dáng cao, đầy ấn tượng, quê quán ở nơi mà cô ta nhất định gọi là “LTndochine” và cô ta vẫn giữ bình tính khi đích thân Vasilisa Golden ra mở cửa. “Thưa bà,” Loulou nói, “ông nhà bà không được khoẻ.”
Sau một lúc im lặng, Vasilisa đáp lại thô lỗ. “Nói tôi nghe,” cô ta nói, “ổng còn cứng nổi không?”
“Thưa cô, nếu cô mà không biết điều đó,” Mlle. Loulou vừa trả lời vừa quay lưng bỏ đi, “thì chắc chắn tôi không phải là người cho cô biết.”