Nhà Golden - Chương 23
Mỗi lần nghe chuyện gì về quá khứ của gia đình này, tôi đều nhận ra những chỗ hổng trong câu chuyện nhà Golden. Có nhiều điều đã không được kể ra và khó mà biết cách nào vượt qua được tấm màn che đậy toàn bộ câu chuyện. Apu dường như sợ hãi chuyện gì đó, nhưng dù là gì thì cũng không phải một hồn ma. Có khả năng là một việc xấu xa ô nhục trong gia đình thì đúng hơn. Tôi thấy mình cứ suy nghĩ mãi, không phải là lần đầu tiên hay lần cuối cùng, về câu chuyện Nero Golden đã kể tôi nghe ở Russian Tea Room khi ông ta và tôi lần đầu cùng đến đó, chuyện của “Don Corleone.”
Cuối ngày tôi nói với Suchitra, “Ước gì anh cùng đi theo họ trong chuyến này. Có thể đó là một phần quan trọng của câu chuyện.”
“Nếu anh bây giờ đang làm phim nhái-tài-liệu-thì hãy bịa chuyện ra,” nàng nói.
Tôi hơi sửng sốt. “Bịa bừa à?”
“Anh có trí tưởng tượng mà,” nàng nói. “Cứ tưởng tượng đi.”
Một câu chuyện vàng, tôi nhớ ra. Với người La Mã, một câu chuyện khó tin, một ý tưởng ngông cuồng. Một sự dối trá.
* * *
Chuyện là thế này, và chưa chắc đã là thế, nghệ sĩ đàn sitar lừng danh Ravi Shankar cả đời chỉ từng chơi trên bốn cây đàn sitar, và một trong bốn cây đàn đó ông đã dùng để dạy đôi chút cho George Harrison của nhóm Beatles biết chơi nhạc cụ này, những bài học đàn đã diễn ra trong phòng suite của đại khách sạn bên hải cảng, bây giờ Ravi Shankar không còn nữa nhưng cây đàn sitar đó vẫn nằm trong một tủ kính, độ lượng ngắm nhìn những vị khách của phòng suite đó đến rồi đi. Đại khách sạn đã được tái thiết tuyệt đẹp sau thảm họa khủng bố, độ bền vững của tòa nhà bằng đá xưa đã giúp nó đứng vững, nội thất trông càng đẹp hơn bao giờ hết, nhưng phân nửa số phòng không có khách. Bên ngoài đại khách sạn là những hàng rào chắn, máy dò mìn cùng mọi thứ thiết bị an ninh đầy thê lương, hàng rào bảo vệ này là lời nhắc nhớ đến chuyện kinh hoàng chứ hoàn toàn không phải lời mời gọi. Trong khách sạn, nhiều cửa hiệu nổi tiếng trong hành lang mua sắm cho biết doanh thu sụt giảm năm mươi phần trăm hoặc hơn. Hậu quả của cuộc khủng bố là nỗi sợ hãi và mặc dù nhiều người đã nói lên quyết tâm ủng hộ đại khách sạn bên hải cảng trong giai đoạn hồi sinh, ngôn ngữ gay gắt của số đông vẫn bảo là, làm chưa đủ. Các cặp tình nhân đang ve vãn và các mệnh phụ không còn vung tiền để uống trà ăn nhẹ ở nhà hàng Sea Lounge, nhiều khách ngoại quốc cũng đi chỗ khác. Ta có thể sửa chữa lại kết cấu của tòa nhà nhưng phép mầu của chốn này vẫn còn nguyên tổn hại.
Mình đến đây làm gì, người bây giờ tự xưng là Apuleius Golden nói với Ubah Tuur trong lúc cây đàn sitar của Ravi Shankar lắng nghe. Đây là tòa nhà nơi mẹ anh chết. Đây là thành phố anh đã thôi yêu thương. Có thật anh điên rồ tới mức tin vào những hồn ma không và bay nửa vòng trái đất để làm gì chứ? Một kiểu trừ tà khử ma chăng? Thật ngu. Giống như anh đang chờ chuyện gì xảy ra. Chuyện gì có thể xảy ra? Chẳng có gì cả. Ta hãy làm du khách một chuyến rồi về. Ta hãy đi tới Leopold uống cà phê còn muốn xem tranh thì tới Bảo tàng Bhau Daji Lad và thêm Bảo tàng Prince of Wales nơi anh không chịu gọi là Bảo tàng Chhatrapati Shivaji vì kẻ mang cái tên này có quan tâm quái gì đến mỹ thuật đâu. Ta hãy thử thức ăn đường phố ở Chowpatty Beach cho đau bụng như những người nước ngoài thật sự. Ta hãy mua mấy vòng bạc đeo tay ở chợ trời Chor Bazaar, ngắm những hoa văn kiến trúc do người cha của Kipling sáng tạo, ăn cua rang tỏi ở Kala Ghoda và cảm thấy buồn vì cửa hàng băng đĩa nhạc Rhythm House đã dẹp tiệm rồi thương tiếc luôn quán Café Samovar. Ta hãy tới Blue Frog nghe nhạc, tới Aer ngắm cảnh từ trên tầng cao và tới Arus ngắm biển, tới Tryst ngắm ánh đèn, tới Trilogy ngắm các cô gái, tới Hype xem quảng cáo ba xạo. Mẹ kiếp. Mình đã ở đây rồi. Chơi tới luôn.
Bình tính, cô gái nói. Anh nói như đồ điên.
Sẽ có chuyện gì đó, anh ta nói. Phải có lý do lôi kéo anh đi nửa vòng trái đất.
Trong tiền sảnh một phụ nữ quyến rũ nhảy bổ tới anh ta. Groucho! cô ta la to. Anh đã trở lại! Rồi cô ta nhìn thấy người đẹp Somali cao gầy đang quan sát. Ô, xin lỗi, cô ta nói. Tôi quen anh này từ khi anh ấy còn nhỏ. Chúng tôi gọi anh của anh ấy là Harpo, chắc chị biết. Cô ta vỗ vào thái dương. Anh chàng tội nghiệp. Còn cái anh Groucho này thì luôn cáu kỉnh và gạ gẫm phụ nữ.
Kể tôi nghe chuyện đó đi, Ubah Tuur nói.
Chúng ta phải mở tiệc mừng! người phụ nữ quyến rũ kia nói. Gọi em nhé, cưng! Gọi em nhé! Em sẽ đi gọi mọi người tới. Cô ta vừa phóng đi vừa nói vào điện thoại.
Chân mày của Ubah Tuur chất vấn Apu.
Anh không nhớ ra tên cô ta, gã nói. Giống như anh chưa từng gặp cô ta trong đời mình.
Groucho, Ubah Tuur nói, vẻ tư lự.
Đúng, anh ta đáp. Còn thằng D là Chico. Bọn anh bị đặt tên giống như anh em nhà họ Marx* khốn kiếp. Mại vô, mại vô, cà-rem Tutsi-Frutsi đây. Tôi không muốn thuộc về bất kỳ câu lạc bộ nào chấp nhận tôi làm thành viên. Cái đó có trong mọi hợp đồng, đó là cái người ta gọi là điều khoản tình táo. Ha ha… anh qua mặt tôi sao được. Không hề có ông già Noel. Mỗi lần chạy ra miệng lỗ cống thì ông tính bao nhiêu tiền? Chỉ tính tiền nắp cống. Tôi đã có một buổi tối tuyệt vời, nhưng không phải tối hôm nay. Tao sẽ giết mày vì tiền. Ha ha ha. Đừng, mày là bạn tao. Tao sẽ giết mày không cần vì cái gì cả. Vậy cũng đáng chạy nửa vòng trái đất để trốn tránh.
Cũng đáng công làm một chuyến quay lại đây, cô gái nói. Em đang biết được nhiều điều về anh mà em chưa từng biết, thậm chí chúng ta còn chưa bước ra khỏi khách sạn này.
Lâu nay anh đã kiếm tìm một cô gái như em, anh ta nói, kiểu danh hài Groucho nhà họ Marx. Không phải em, nhưng là một cô gái như em.
Cắt.
* * *
Hai người đi chưa được mấy bước trên đường Apollo Bunder về hướng Gateway thì Ubah dừng lại và khiến Apu phải chú ý đến bốn người lộ liễu đến mức khôi hài đang toát mồ hôi trong những bộ vest và chiếc mũ đen, sơ mi trắng với cà vạt đen mảnh, và đeo kính râm, hai tên theo sau họ, hai tên đi bên kia đường.
Coi bộ mình có một bầy giang hồ Reservoir Dogs bầu bạn rồi, cô gái nói. Hoặc là huynh đệ Blues Brothers*.
Khi đối chất bộ tứ này đáp lại rất lễ phép. Sirji*, chúng tôi là liên minh của một số liên minh kinh doanh với người cha danh tiếng của ông, một tên trông rất giống Quentin Tarantino trong vai “Mr. Brown” nói. Chúng tôi chính xác là được giao nhiệm vụ lo cho an toàn cá nhân của ông và được lệnh tiến hành công việc này với sự kín đáo và tế nhị tối đa.
Ai giao nhiệm vụ? Apu hỏi, bực bội, nghi ngờ, vẫn cáu kỉnh.
Sirji, chính người cha tôn quý của ông, thông qua các kênh. Người cha tôn quý của ông không biết ông quyết định trở lại đây và sau khi hay tin ông về đây thì ông ấy quan tâm đến sự an vui của ông và chúc mọi chuyện tốt đẹp.
Vậy thì vui lòng thông báo cho người cha tôn kính của tôi, cũng thông qua các kênh đó, là tôi không cần vú em, một khi đã xong việc đó thì xin quý vị vui lòng rút lui cho tôi nhờ.
Trông Mr. Brown mặt mảy thảm não quá sức. Chúng tôi không có quyền ra lệnh, hắn ta nói. Chúng tôi chỉ được phép tuân lệnh.
Hết đường thoát. Cuối cùng Apu nhún vai quay đi. Lùi xa đằng sau, anh ta nói. Giữ khoảng cách xa. Tôi không muốn thấy các người trong tầm mắt của tôi. Nếu tôi quay đầu thì phải lùi xa ra. Khuất mắt tôi. Với cô bạn tôi cũng vậy. Lùi xa.
Mr. Brown cúi đầu, nét mặt gần như có chút khổ sở. Vang, sirji, hắn nói. Chúng tôi sẽ cố gắng.
Hai người đứng ngắm những chiếc tàu ngoài hải cảng. Thật kỳ cục, Apu nói. Anh biết là ông già đã cho người bám theo Petya suốt cuộc đi bộ của nó, vì đó là Petya, nhưng ổng phải bắt đầu đối xử với anh như một người đã trưởng thành mới được.
Ubah bắt đầu khúc khích cười theo cách điềm tính của cô. Irên đường đến đây, cô ấy nói, em nghĩ thầm, Ấn Độ, mình sẽ sốc vì cảnh đói nghèo, thậm chí có thể còn tồi tệ hơn ở nhà, hoặc cũng tệ ngang ngửa nhưng mà khác, dù sao thì cũng phải mất chút thời gian thích ứng. Em không ngờ ngay lúc mình vừa tới thành phố này là bước thẳng vào một bộ phim Bollywood.
Cắt.
* * *
Khi họ quay lại khách sạn sau bữa ăn chiều thì đã có một quý ông chờ họ ở sảnh, tóc bạc, mũi khoằm trên gương mặt nhìn nghiêng, mặc vest màu kem, đeo cà vạt của một hội bóng cricket, hai tay cầm chiếc mũ phớt Borsalino. Ông ta nói tiếng Anh đúng chuẩn tầng lớp quý phái nước Anh nhưng lại không phải người Anh.
Xin thứ lỗi, tôi lấy làm tiếc. Xin cậu cảm phiền cho tôi, tôi mong cậu sẽ không cho là đường đột nếu như tôi mạo muội xin cậu dành cho vài phút quý báu thôi.
Có chuyện gì thế?
Chúng ta có thể, chúng ta chắc là, cần không gian kín đáo hơn, xin cho phép tôi mạo muội yêu cầu được chăng? Tránh xa tai mắt tò mò?
Nghe đến đó thì Ubah Tuur vỗ tay. Em nghĩ là anh đã dàn dựng hết những trò này, cô nói với Apu. Để cho em thích thú và lừa cho em tin rằng ở đây bao giờ cũng như thế này. Đương nhiên rồi, thưa ông, cô nói với người đàn ông mặc vest màu kem. Hân hạnh được mời ông vào phòng suite của chúng tôi.
Đổi cảnh.
* * *
Trong phòng suite. Người đàn ông lúng túng đứng gần tủ kính chứa cây đàn sitar của Ravi Shankar, vân vê vành mũ và không nhận lời mời ngồi.
Tôi chắc là cậu sẽ không biết tên tôi, ông ta nói. Mastan. tôi là Mr. Mastan.
Không, xin lỗi, chưa nghe tên bao giờ, Apu nói.
Tôi không còn trai tráng, ông Mastan đáp. Ơn Chúa đã cho tôi sống hơn bảy mươi tuổi rồi. Nhưng gần nửa thế kỷ trước, khi tôi còn là sĩ quan cảnh sát trong Ban Điều tra Hình sự, tôi có một, có thể nói là, một quan hệ với một liên minh của cha cậu.
Một liên minh của một liên minh nữa, Apu nói. Hôm nay gặp toàn những người này.
Xin phép cho tôi hỏi, ông Mastan nói. Người cha tôn kính của cậu có bao giờ nói với cậu về liên minh của ông ấy không, người mà cha cậu thường gọi đùa là Don Corleone?
Bây giờ Apu lại im thin thít, im lặng sâu xa tới mức im lặng là một cách nói thay lời. Ông Masan gật đầu kính cẩn. Tôi vẫn thường thắc mắc, ông ta nói, những người con của người cha ấy biết được bao nhiêu về những chuyện giao dịch làm ăn của cha mình.
Tôi là họa sĩ, người họa sĩ nói. Tôi không bận tâm đến chuyện tài chính.
Hẳn rồi, hẳn rồi. Chuyện này hết sức bình thường. Người nghệ sĩ sống ở tầng cao hơn và không bị lợi lộc ô trọc tác động tới. Chính tôi đây cũng luôn ngưỡng mộ tinh thần phóng túng ấy mặc dù, than ôi, đó không phải cốt cách của tôi.
Ubah để ý thấy Apu, sau khi đã tiêu hóa mấy từ “sĩ quan cảnh sát” và “Don Corleone,” đang lắng nghe rất chăm chú.
Xin phép cho tôi nói với cậu về quan hệ của bản thân tôi với liên minh của cha cậu, ông trùm? ông Mastan hỏi.
Xin vui lòng.
Nói tóm một câu, thưa cậu, hắn ta đã hủy hoại đời tôi. Ngày trước tôi truy bắt hắn, thưa cậu, vì đủ loại tội ác lớn nhỏ. Xin mạn phép cho tôi nói rằng tôi đã theo đuổi hắn ráo riết. Ngoài ra, do còn non trẻ, tôi lúc đó cũng chưa có được sự khôn ngoan của thành thị. Tôi không biết nhận hối lộ, thưa cậu, và không thể mua chuộc. Chắc chắn nhiều ông lớn lúc đó phải coi tôi như một chướng ngại, một vật cản trở không cho guồng máy xã hội được bôi trơn và chạy êm thấm. Có lẽ đúng như thế thật, nhưng lúc đó tôi là vậy. Không thể mua chuộc, không thể hối lộ, một vật cản. Liên minh của cha cậu đã nói chuyện với những người ít cứng rắn hơn ở cấp cao và tôi bị đình chỉ khỏi vụ án, trục xuất đi nơi khác. Chắc cậu không lạ với nhà thơ Ovid, thưa cậu? Nhà thơ này đã khiến Augustus Caesar không hài lòng và bị đày đi Hắc Hải không bao giờ quay lại thành La Mã. Đó cũng là số phận của tôi, phải chịu mòn mỏi nhiều năm không có hy vọng đề bạt ở một thị trấn nhỏ miền núi, ở bang Himachal Pradesh, nơi nổi tiếng sản xuất đại trà các loại nấm và vàng đỏ, tức là cà chua, và theo huyền thoại xa xưa thì tương truyền đó cũng là nơi anh em Pandava bị lưu đày*. Tôi cũng là một Pandava nhỏ nhoi ở chốn lưu đày nấm và cà chua đó. Sau nhiều năm thì thời vận của tôi đổi thay, số phận run rủi sao một quý ông trong vùng mà tôi sẽ không nêu tên ra đây thấy tôi là người lương thiện, thế là tôi rời khỏi lực lượng cảnh sát, bắt đầu giám sát các vụ thu hoạch nấm và cà chua để ngăn chặn thất thoát vì hái trộm. Theo thời gian, thưa cậu, tôi rời khỏi miền núi ấy rồi thành công trong lãnh vực an ninh và điều tra tư nhân. Tôi tạ ơn Chúa đã cho tôi làm ăn khấm khá. Giờ tôi là người đã về hưu rồi, đã có các con trai tôi làm việc thay, nhưng tôi vẫn luôn nghe ngóng, thưa cậu, đó là việc của tôi.
Tại sao ông lại đến đây kể chuyện này với tôi, Apu hỏi.
Không, không, thưa cậu, cậu lầm rồi, chính tôi mới đáng trách vì đã nói quá nhiều và kéo dài cuộc gặp gỡ mà lẽ ra phải ngắn gọn hơn. Tôi đến để cho cậu biết hai điều. Thứ nhất là dù tôi không còn là cảnh sát và Don Corleone kẻ hại đời tôi không còn nữa, tôi vẫn là người đi tìm công lý.
Chuyện đó có liên quan gì đến tôi?
Có liên quan đến cha cậu, thưa cậu. Ông ấy ở trên cao, cao tới mức tôi nằm mơ cũng không thấy nổi, nhưng cho dù tôi tuổi đã già, với sự giúp đỡ của Chúa và sức mạnh luật pháp, tôi sẽ lôi ông ấy xuống. Cha cậu thuộc liên minh của ông trùm giáng họa cho tôi và đồng lõa trong nhiều hoạt động của hắn, cha cậu vẫn còn đó nên mới có chuyện này.
Ông đến hăm dọa tôi với gia đình tôi. Tôi nghĩ ông đã lạm dụng quá lâu cuộc tiếp đón này.
Không, thưa cậu, tôi lại nói quá nhiều và lạc đề rồi. Tôi đến không phải để hăm dọa. Tôi đến để cảnh báo.
Chuyện gì?
Một gia đình đã dính dáng quá sâu với các ông trùm, ông Mastan nói, và không nói một lời nào từ biệt bỗng cuốn gói ra đi. Một gia đình như vậy có thể để lại đằng sau, ở thành phố này, nhiều người bị tổn thương tình cảm. Với tình cảm tổn thương và công việc dang dở. Với ý nghĩ bị bỏ rơi trong cảnh khó khăn, có lẽ, phần nào là do hành động của người cha tôn kính của cậu. Những người bị tổn thương tình cảm không phải là các ông lớn như cha cậu. Hoặc có lẽ chỉ lớn một chút trong phạm vi riêng của họ, nhưng với thế giới bao la thì họ nhỏ bé. Họ không phải là không có thế lực ở địa phương này nhưng đó là thế lực địa phương. Ông ấy thì chắc bây giờ ngoài tầm với của họ rồi. Nhưng cậu, ngây thơ hay ngu xuẩn hay ngạo mạn hay lì lợm, cậu lại quay về đây.
Tôi nghĩ là ông nên đi đi, Ubah Tuur nói. Và khi ông Mastan đã cúi chào và ra đi, cô nói với Apu, em nghĩ chúng ta cũng nên đi luôn. Càng sớm càng tốt.
Chuyện tào lao, Apu nói. Hắn ta chỉ là một kẻ cay cú muốn ăn miếng trả miếng. Chỉ hăm dọa suông. Không đáng kể.
Dù sao em cũng muốn đi. Hết phim rồi.
Và đột ngột gã thôi tranh cãi. Ừ, Apu nói. Đồng ý. Ta đi.
Cắt.
* * *
George Harrison đã chơi đàn sitar trong các bài Within You Without You, Tomorrow Never Knows, Norwegian Wood, và Love You To. Các chuyến bay toàn cất cánh lúc nửa đêm nên khi họ xếp hành lý xong xuôi thì trời đã tối, Apu và Ubah ngồi trong bóng tối tưởng tượng cảnh George và Ravi Shankar đang ngồi ở chỗ họ đang ngồi, sáng tạo âm nhạc. Một hồi lâu họ không nói gì với nhau nhưng rồi họ lên tiếng.
Anh sẽ kể lại em vài chuyện mà ông già anh kể hồi anh còn trẻ, Apu nói. Con ơi, ông già nói, thế lực mạnh nhất trong đời sống nước này không phải là chính phủ hay tôn giáo hay bản năng kinh doanh. Nó là hối-lộ-tham-nhũng. Ông già nói cứ như đó là một từ, giống như hiện-tượng-điện-từ vậy. Không có hối-lộ-tham-nhũng thì chẳng có cái gì xảy ra. Chính hối-lộ-tham-nhũng bôi trơn guồng máy quốc gia, và đó cũng là giải pháp cho nhiều vấn đề quốc gia của chúng ta. Nếu có khủng bố à? Ngồi xuống bàn đối diện với tên trùm khủng bố, ký vào một chi phiếu trắng, đẩy qua phía bàn bên kia rồi nói, muốn điền vào mấy con số zero tùy ý. Một khi hắn đã bỏ túi tấm chi phiếu ấy thì vấn đề giải quyết xong vì ở đất nước này chúng ta hiểu rằng hối-lộ-tham-nhũng cũng có danh dự. Một người đã bị mua một lần thì hắn bị mua đứt. Ông già anh là người thực tế. Khi người ta đã làm việc ở tầm của ổng thì nhất định sẽ có một ông trùm nào đó gõ cửa ta, hoặc là xin hối lộ, hoặc là đời hối lộ. Không có cách nào giữ được bàn tay sạch. Ở Mỹ cũng không khác gì mấy, ông già đã nói với anh sau khi đã chuyển sang đó. Ở đây cũng có Gà Nhép của chúng ta, Archie Con của chúng ta, Fred Khùng của chúng ta và Frankie Béo của chúng ta. Họ cũng coi trọng danh dự. Cho nên có lẽ Đông, lầy cũng không khác biệt nhiều như chúng ta vờ tưởng.
Cha anh đã nói với anh những chuyện này.
Không thường xuyên, Apu nói. Nhưng có một hay hai lần ông có phát biểu chuyện hối-lộ“tham-nhũng. Bọn anh đứa nào cũng nghe vài lần rồi nên biết rõ. Còn ngoài điều đó ra thì anh không có can dự vào.
Giờ anh cảm thấy sao khi chúng ta sắp đi khỏi đây, đi quá nhanh. Chúng ta đã gặp, ồ, chỉ có hai người. Anh chưa hề đưa em đi xem trường học ngày xưa của anh. Chúng ta chưa mua được một phim video lậu nào. Chúng ta vẫn chưa thật sự ở nơi này.
Anh thấy an lòng.
Tại sao an lòng?
Anh không cần phải ở đây nữa.
Vậy anh cảm thấy sao về cảm giác an lòng này? Thấy rằng anh vui khi sắp rời khỏi đây? Không thấy lạ lùng sao?
Thực tình là không.
Tại sao?
Vì anh đã tin vào chuyện biến đổi hoàn toàn bản ngã. Tin rằng dưới một áp lực nào đó trong đời thì người ta có thể chấm dứt hẳn việc sống như con người cũ và chỉ sống như con người mình vừa trở thành.
Em không đồng ý.
Toàn bộ cơ thể của chúng ta cũng luôn thay đổi mà. Tóc này, da này, mọi thứ. Theo chu kỳ tuần hoàn bảy năm, mọi tế bào tạo thành chúng ta đều được thay thế bằng tế bào khác. Cứ mỗi bảy năm thì chúng ta lại trăm phần trăm không còn là chúng ta như trước. Tại sao không áp dụng cho trường hợp bản ngã được chứ. Anh đi khỏi chỗ này cũng hơn bảy năm rồi. Bây giờ anh đã khác.
Em không nắm chắc mấy kiến thức khoa học đó.
Anh không nói chuyện khoa học. Anh đang nói về linh hồn. Linh hồn không cấu tạo bằng tế bào. Hồn ma trong cỗ máy*.
Anh đang nói rằng theo thời gian những hồn ma cũ ra đi và một hồn ma mới vào thay thế.
Vậy sau bảy năm nữa thì em sẽ không biết anh là ai.
Và anh sẽ không biết em là ai. Có lẽ chúng ta sẽ phải làm lại từ đầu. Có lẽ chúng ta thay đổi. Đúng là sẽ nhu thế đấy.
Có lẽ.
Cắt.
* * *
Đêm ẩm ướt. Ngay cả lũ quạ cũng đã ngủ. Mr. Brown mặt buồn và đám Reservoir Dogs kia đang chờ trước cửa chính, vẫn đeo kính đen bất kể bóng tối.
Chiếc taxi ông gọi, chúng tôi đã bảo đi luôn rồi, Mr. Brown nói. Bổn phận của chúng tôi là đưa ông đến Phi trường Quốc tế Chhatrapati Shivaji, trước kia là Sahar.
Thật bực mình các người quá, Apu nói. Chúng tôi không cần các người.
Đây sẽ là vinh dự cho chúng tôi, Mr. Brown nói. Ông xem đó, ba chiếc Mercedes-Benz đang chờ. Xe dẫn đường, xe của ông và xe hộ tống. Xin mời. Chỉ dành thứ tốt nhất cho ông, sirỷi. Xe Maybach loại-S, giống như máy bay riêng trên đường bộ. Cái này có viết trong tài liệu đó. Đích thân tôi sẽ đi cùng ông trong chiếc xe chính này.
Thành phố đêm che giấu bản chất của nó với Apu khi gã ra đi, quay lưng với Apu cũng giống như gã trước kia đã quay lưng với nó. Bộ mặt những tòa nhà nham hiểm và bí mật. Xe vượt qua Vịnh Mahim theo đường Sea Link nhưng rồi rời khỏi Đường cao tốc Western Express quá sớm, trước khi tới lối ra phi trường.
Sao ông lại đi đường này, Apu Golden hỏi và sau đó Mr. Brown quay lại, tháo kính râm ra và không cần câu trả lời nào cả.
Đây là chuyện làm ăn, Mr. Brown nói. Không phải chuyện riêng tư. Đây là vấn đề một khách hàng trả giá cao hơn khách hàng khác. Một khách hàng đã từ lâu không có giao dịch đối đầu một khách hàng thường xuyên khác. Thưa ông, việc này là gửi một lời nhắn đến người cha tôn kính của ông. Người cha sẽ hiểu lời nhắn, tôi tin chắc điều đó.
Tôi không hiểu, Ubah kêu lên. Lời nhắn gì?
Mr. Brown nghiêm trang trả lời: Lời nhắn là, thưa ông, những hành động của ông đã khiến tình hình khó khăn cho chúng tôi, sau khi chúng tôi đã cảnh báo ông là đừng làm. Nhưng sau khi ông đã hành động, ông cho lục địa và đại dương phân cách hai bên và chúng tôi không có phương tiện hay ý chí theo đuổi. Nhưng bây giờ ông đã không khôn ngoan mà lại để cho con trai ông quay về. Đó chắc có lẽ là sự liên lạc. Tôi xin lỗi, madam, bà là người vô can tình cờ chứng kiến, phải vậy không, bà là nạn nhân ngoài dự tính. Xin chân thành cáo lỗi.
Những chiếc xe chạy theo một chiếc cầu phụ băng qua sông Mithi gần bên rìa khu ổ chuột Dharavi rộng lớn, và tiếng nhạc được vặn lên cực lớn trong chiếc Maybach lấp lánh ánh bạc. Người giàu thích tận hưởng. Chứ gì nữa. Sao lại không. Chắc chắn không hề nghe thấy tiếng súng nào. Dầu sao, súng cũng đã gắn hãm thanh.