Nhà Golden - Chương 22
Mùa xuân, lớp băng cuối cùng đã tan biến trên sông Hudson, và những cánh buồm vui rẽ sóng băng qua dòng nước ngày cuối tuần. Hạn hán ở California, các giải Oscar cho phim Birdman, nhưng không có sẵn siêu anh hùng nào ở Gotham cả*. Lão Joker đang lên TV tuyên bố ra tranh cử chức Tổng thống, cùng với số còn lại trong Biệt Đội Tự Sát*, vẫn còn hơn một năm rưỡi nữa mới hết nhiệm kỳ Tổng thống hiện thời, nhưng tôi đã thấy nhớ ông ta và hoài tiếc cho hiện tại, bởi vì cái thời xưa tốt đẹp của vị Tổng thống này, việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính, dịch vụ mới vận chuyển bằng phà sang Cuba, và đội Yankees thắng bảy trận liên tiếp. Không thể nào xem lão khoác lác tóc xanh lá cây đó tuyên bố trên trời dưới đất, tôi chuyển sang các trang tin tội ác và đọc chuyện bắn giết. Một tay súng bắn một bác sĩ ở E1 Paso rồi sau đó tự sát. Một người bắn chết hàng xóm, một gia đình Hồi giáo ở North Carolina, vì tranh chấp chỗ đậu xe. Một cặp vợ chồng ở Detroit, Michigan, nhận tội đã tra tấn con trai họ dưới hầm nhà. (Đúng ra thì không phải là giết người, nhưng đây là chuyện hay nên gộp chung vào luôn.) Ở Tyrone, Missouri, một tay súng giết bảy người rồi biến chính mình thành nạn nhân thứ tám. Cũng ở Missouri, một kẻ nào đó tên là Jeffery L. Williams đã bắn hai cảnh sát ngay trước Sở chỉ huy cảnh sát thành phố Ferguson. Một sĩ quan cảnh sát tên Michael Slager bắn chết Walter Scott, một người da đen không có vũ khí, ở North Charleston, South Carolina. Vắng mặt Batman, bà Clinton và Thượng nghị sĩ Sanders tự đề cử họ làm người thay thế cho Biệt Đội Tự Sát. Trong một nhà hàng Twin Peaks ở Waco, Texas - “Ăn! uống! Cảnh Đẹp!” - chín người chết trong trận chiến của những tay lái mô-tô và mười tám người khác vào bệnh viện. Rồi nhiều trận lụt và lốc xoáy khắp Texas và Arkansas, mười bảy người chết, bốn mươi người mất tích. Và đó chỉ mới tháng Năm.
“Dostoevsky nghĩ tra mọi cốt truyện của ông ta nhờ đọc mấy trang tin tội ác trên nhật báo,” Suchitra ngẫm nghĩ. “SINH VIÊN GIẾT bà chủ nhà. Hay bất kỳ cái tít nào như thế bằng tiếng Nga. Và bùm! Ra đời Tội ác và Hình Phạt.”
Chúng tôi đang ăn sáng - cà phê macchiato pha tại nhà và bánh cronut chúng tôi đã xếp hàng mua trên đường Spring lúc 5 giờ 30 sáng - ngồi ở cái bàn trong góc có cửa sổ lắp kính nhìn ra hướng nam về phía cảng và ra hướng tây thấu bên kia sông. Tình cờ lúc đó tôi đang vui, vì tôi đã tìm được người có thể đem niềm vui đến cho tôi, hoặc nàng đã cho phép tôi tìm được nàng. Điều đó cũng có thể hàm ý là tôi chắc sẽ không bao giờ cho nàng biết sự thật về đứa bé ấy; và như vậy lại cũng có nghĩa là tôi đã bị Vasilisa Golden khống chế mà có lẽ không bao giờ thoát được. Đúng là khi tiết lộ bí mật của cô ta thì Vasilisa sẽ tung ra ngay chiến thuật riêng cũng như hủy hoại luôn cơ may tốt nhất của tôi được sống một đời an lành. Nhưng chắc hẳn cô ta quá tự tin nên chuyện này không thành vấn đề nữa. Cô ta đã khắc phục được vở tuồng kích dục với nữ huấn luyện viên thể dục Masha đấy thôi. Lão Nero ngày càng già hơn, càng lúc càng lo không muốn sống và chết một mình… Tôi gạt bỏ những ý nghĩ đó đi, lòng hiểu rằng tôi đang bị hoang tưởng chi phối. Vaslisa sẽ không nói ra. Trong lúc này, đang ăn bánh cronut và đọc bài điểm phim trên tờ Times Chủ nhật, tôi hài lòng, vui vẻ để yên cho Suchitra cứ nói lớn những suy nghĩ trong đầu, như nàng thích làm thế những lúc bình lặng hiếm hoi trong lịch làm việc không ngừng của nàng. Từ những cuộc cọ xát ý tưởng ngày Chủ nhật này - cứ để trí óc nàng quay tự do, không cần phải liên kết chuyện nọ với chuyện kia, nàng thường nảy ra ý tưởng cho nhiều dự án muốn theo đuổi.
“Có thật không?” Tôi hỏi. “Về chuyện Dostoevsky?”
Nàng chỉ cần có thế. Nàng gật đầu hăm hở, vung vẩy cái bánh cronut với tôi trong lúc nhai một miếng trong miệng, nuốt xuống, và nổ máy. “Thật là thứ khái niệm của thế kỷ 20. Vấn đề là, em có làm cho anh tin được không, em phải lặp lại cái ý đó bao nhiêu lần thì đủ để cho anh tin là thật, vấn đề là, em có thể nói dối hay hơn sự thật được không. Anh có biết Abraham Lincoln đã nói gì không? ‘Có rất nhiều câu trích dẫn bịa đặt trên Internet.’ Chắc chúng ta nên quên chuyện làm phim tài liệu đi. Chắc là pha trộn các thể loại với nhau, cho chúng lộn xộn giới tính một chút. Có thể hình thức nghệ thuật của thời nay không phải là phim tài liệu mà là nhái tài liệu. Chuyện này em lên án Orson Welles*.”
“Chương trình kịch phát thanh Mercury,” tôi nói, hòa theo trò đùa. “Chiến Tranh Giữa Các Thế Giới. Radio. Thời xưa lắm rồi. Thời đó người ta vẫn còn tin vào sự thật.”
“Toàn đồ khờ,” nàng nói. “Họ tin Orson. Mọi chuyện phải bắt nguồn từ đâu đó.”
“Và bây giờ bảy mươi hai phần trăm đảng viên Cộng Hòa tin rằng Tổng thống này là người Hồi giáo.”
“Bây giờ nếu một con khỉ đột đã chết ở sở thú Cincinnati mà ra ứng cử Tổng thống thì nó sẽ được ít nhất mười phần trăm số phiếu.”
“Bây giờ có nhiều người úc khai tôn giáo của họ là Jedi* trong bản điều tra dân số tới mức nó trở thành tôn giáo chính thức”
“Bây giờ người duy nhất ta nghĩ là đang nói dối với ta chính là một chuyên gia thật sự hiểu biết gì đó. Kẻ đó là người duy nhất không ai tin bởi vì kẻ đó là ưu tú, và những người ưu tú đang chống lại quần chúng, họ sẽ làm quần chúng mất mặt. Biết được sự thật là trở thành ưu tú. Nếu ta nói ta thấy mặt Chúa trong trái dưa hấu thì nhiều người sẽ tin hơn là nếu ta tìm ra mắt xích thất lạc trong chuỗi tiến hóa của loài người, bởi vì nếu ta là nhà khoa học thì ta là ưu tú. Truyền hình thực tế là xạo nhưng vì nó không phải loại ưu tú nên ta tin ngay. Tin tức: đó là ưu tú.”
“Anh không thích trở thành ưu tú. Anh có ưu tú không?”
“Anh còn phải cố gắng nhiều. Anh cần phải trở thành hậu-thực-tại.”
“Cái đó có giống hư cấu không?”
“Hư cấu là ưu tú. Chẳng ai tin đâu. Hậu-thực-tại là thị trường đại chúng, của thời đại thông tin, phát sinh từ trò thả thính câu mồi trên mạng. Đó là cái người ta mong muốn.”
“Anh lên án cái giống như thật. Anh lên án Stephen Colbert*.”
Đó là trò bông đùa ngày Chủ nhật của chúng tôi, nhưng lần này tôi là người có được khoảnh khắc lóe sáng. Dự án lớn của tôi, dựa theo chuyện chung quanh nhà Golden, phải được viết và quay theo kiểu phim tài liệu, nhưng lời thoại, kịch bản toàn do diễn viên đóng tạo ra. Ngay lúc tôi nảy ra ý nghĩ ấy thì kịch bản đã xuất hiện liền trong đầu, chỉ sau vài tuần đã xong dạng bản nháp, và đến cuối năm nó sẽ được chọn tham gia Hội thảo Kịch bản ở Liên hoan Phim Sundance, và năm sau đó… nhưng phấn khởi quá, tôi đã để cho tưởng tượng bay đi quá xa. Tua phim lại ngày Chủ nhật vào mùa xuân ấy. Bởi vì cùng ngày hôm đó tôi có hẹn gặp con trai tôi.
Phải, tôi đang đùa với lửa, nhưng con người được lập trình rất mạnh và nó cứ muốn cái nó muốn. Tôi hãi hùng trước ý tưởng không được liên hệ gì với máu thịt của mình, thế cho nên, khi đã rời khỏi nhà Golden chính tôi đã trâng tráo lấy lòng Nero Golden - người mà đứa bé mới sinh, đứa con đầu tiên của lão sau một thời gian rất dài, cũng là một nỗi ám ảnh. Tôi nói với lão là tôi muốn giữ vững mối liên hệ với lão sau bao nhiêu điều tử tế, sau bao nhiêu điều rộng lượng lão đã dành cho tôi, như thể lão là bà con thân quyến vậy, cho nên bây giờ lão cảm thấy tôi như người nhà (tôi đã nói trước với bạn là tôi trâng tráo mà), tôi đã gợi ý là hai bên tiếp tục duy trì thói quen mới là gặp nhau dùng bữa - dùng trà, có lẽ? - ở nhà hàng Russian Tea Room. “Ô, sẽ rất tuyệt nếu ông đưa em bé theo cùng,” tôi ngây thơ nói thêm. Lão già tin ngay, thế là tôi có thể nhìn ngắm thằng con tôi lớn lên, chơi đùa với nó, ôm nó trong vòng tay. Nero đến Tea Room cùng với đứa bé và bà vú nuôi, bà vú trao đứa bé cho tôi không chút cự cãi nào, rồi rút lui vào một góc nhà hàng. “Thật lạ lùng là cậu khéo với trẻ con đến vậy,” Nero Golden bảo tôi. “Tôi có cảm giác chính cậu cũng sắp thành con gà đời ấp rồi đó. Cô bồ của cậu cũng ngon lành quá mà. Chắc cậu nên quất cô ta dính bầu cho rồi.”
Tôi ôm chặt con trai tôi. “Đủ rồi,” tôi nói. “Bây giờ có chú bé tí hon này cũng quá đủ rồi.”
Mẹ của thằng bé không vui với chiến thuật của tôi. “Tôi thích cậu biến luôn cho rảnh,” Vasilisa gọi điện cho tôi nói. “Thằng bé đã có cha mẹ tối ưu rồi, những người có thể chu cấp mọi thứ nó muốn và còn hơn thế, điều này cậu đương nhiên không làm được. Tôi không biết động cơ của cậu là gì, nhưng tôi đang đoán có thể là tài chính. Đây là sai lầm của tôi, lẽ ra tôi phải bàn chuyện này từ trước. Thế thì, okay, nếu cậu có con số nào trong đầu thì cứ nói thẳng ra đi, để xem có tương đương với con số trong đầu tôi không.”
“Tôi không cần tiền của chị,” tôi nói. “Tôi chỉ muốn thỉnh thoảng uống trà với con trai tôi.”
Lời tôi khiến cô ta im lặng một lúc, trong sự im lặng đó tôi nghe thấy cả sự hoài nghi lẫn an lòng. Rồi, cuối cùng, “Tốt thôi,” cô ta nói giọng bực bội thấy rõ. “Nhưng thằng bé không phải con của cậu.”
Chủ nhật hôm ấy, Suchitra cũng hơi thắc mắc về chuyện tôi quan tâm đến thằng bé. “Chuyện này có ám chỉ gì không đó?” nàng hỏi theo kiểu bắn-thẳng-thừng-không-cần-rút-súng. “Bởi vì em nói luôn là em có cả một sự nghiệp đang phát triển ở đây, và lúc này em không hề có kế hoạch dừng lại giữa đường để làm mama cho con người khác đâu.”
“Anh chỉ thích trẻ con thôi, có gì đâu,” tôi nói. “Điều hay nhất về trẻ con nhà người khác chính là, khi đã chơi đùa xong thì ta trả lại cho họ.”
* * *
Họ đã tránh được cho Petya khỏi ngồi tù. Do không có người trong tòa nhà đó, kết quả là không có thiệt hại nhân mạng, cho nên tội này được xếp loại là gây hỏa hoạn cấp độ ba, trọng tội loại c. Luật New York quy định rằng hình phạt tối thiểu của trọng tội loại c là từ một đến ba năm tù, tối đa là từ năm đến mười lăm năm. Tuy nhiên, nếu có thể chứng minh được tình tiết giảm nhẹ, các quan tòa được phép ấn định những bản án khác với thời hạn giam giữ ngắn hơn, hoặc thậm chí không hề bị giam. Vị “luật sư bào chữa tội hình sự giỏi nhất nước Mỹ” đã cãi thành công là tòa phải xem xét chứng tự kỷ HFA của Petya. Không vận dụng tới điều luật Tội ác gây ra do nóng giận quá mức, điều luật này có thể có hiệu quả, chẳng hạn, ở Pháp. Tòa phán quyết Petya phải chịu kiểm tra tâm thần để chữa trị, phải chịu sự giám sát của cộng đồng và phải trả các lệ phí bắt buộc, cũng như phải bồi thường toàn bộ thiệt hại gã đã gây ra. Nero thuê luôn Murray Lett làm việc toàn thời gian và nhà trị liệu này bỏ hết các thân chủ khác, dọn tới ở trong căn hộ của Petya để bảo vệ cho Petya không tự gây hại bản thân và giúp giải quyết nhiều vấn đề của gã. Tòa chấp nhận vai trò của Lett nên mọi chuyện càng dễ dàng hơn. Như vậy là lo xong khía cạnh hình sự, Petya theo đúng các quy định trình diện những viên chức giám sát gã, chịu các kết quả xét nghiệm ma túy ngẫu nhiên, đồng ý đeo một vòng khóa có chip theo dõi điện tử quanh cổ chân, tuân thủ các điều kiện thử thách nghiêm ngặt, thực hiện những giờ lao động công ích một cách im lặng và không được ta thán, làm công việc bảo quản sửa sang các công sở, được phép làm việc trong nhà do chứng sợ khoảng trống của gã đã tái phát, sơn tường, trát vữa, đóng đinh, câm nín, không than vãn, thụ động, hồn lìa khỏi xác, hoặc giống như vậy, để cho tay chân làm những gì đòi hỏi phải làm trong khi ý nghĩ của gã lang thang nơi khác, hoặc không nơi nào cả.
Vấn đề bồi thường tài chính lại phức tạp hơn. Một vụ kiện dân sự đời bồi thường thiệt hại đã được Prankie Sottovoce đưa ra tòa, kiện cả Nero lẫn Petya, và đang phân xử. Ubah Tuur không liên can. Hóa ra Sottovoce đã mua hết các tác phẩm đó của cô ta ngay từ trước khi khai mạc, cho nên lúc xảy ra hỏa hoạn thì chúng đã thuộc về y. Cô gái kia đã nhận phần tiền của mình. Gallery này đã được bảo hiểm nhưng vẫn có khoảng cách lớn giữa khoản tiền công ty bảo hiểm sẽ chi trả và trị giá các tác phẩm của Tuur nếu chúng được đưa ra bán công khai, các luật sư của Sottovoce lập luận như thế. Thêm nữa, các tòa nhà phải cải tạo lại toàn bộ và có thể có nhiều khoản mất mát thu nhập từ các cuộc triển lãm mà không thể tính được khi đã xảy ra chuyện này. Thế là một vụ kiện nhiều triệu đô-la vẫn chưa được giải quyết - mặc dù điểm cốt yếu là thu nhập của Petya từ các ứng dụng “baller apps” dư sức trả hết chi phí vụ kiện - bởi vì các luật sư bên phía Golden sử dụng mọi cách trì hoãn hợp pháp với hy vọng cuối cùng sể khiến Sottovoce ngồi vào bàn thương lượng một thỏa thuận dễ chịu hơn, và cũng sử dụng các thủ thuật pháp lý đi kèm hoặc các phương cách linh hoạt (có lẽ là từ thích hợp hơn) để giúp Petya không phải ngồi tù trong lúc đang dàn xếp các vấn đề tài chính.
Chính Apu Golden là người đầu tiên trực cảm rằng, dù kết quả vụ kiện dân sự này ra sao, ngọn lửa của Petya đã phá hoại nặng nề cả nhà Golden lẫn hai gallery của Sottovoce. (Vụ cháy cũng đã kết thúc luôn quan hệ của Apu với Prankie Sottovoce, ông ta đã đề nghị không cần rào đón là gã nên tìm một nhà bảo trợ nghệ thuật mới.) Tôi đã ghé thăm gã tại xưởng họa ở Quảng trường Union, gã mời tôi trà xanh Hàng Châu của Tàu và một đĩa chất đầy những tảng phó-mát cứng của Ý. “Tao muốn nói chuyện với mày như là với em tao,” gã nói. “Như một đứa em danh dự, vì ngay lúc này mày giống như thế. Hãy nhìn gia đình tao đi. Mày biết tao định nói gì không? Nhìn đi. Nhà tao, rất tiếc phải nói toạc ra, sụp đổ rồi. Đấy là bắt đầu sự sụp đổ của ngôi nhà dòng họ Usher*. Tao sẽ ngạc nhiên nếu ngôi nhà đường Macdougal không gãy làm đôi và đổ ập xuống hè, mày hiểu tao nói gì không? Đúng. Tao có linh cảm về chuyện tiêu vong.”
Tôi vẫn im. Gã chỉ mới bắt đầu ngon trớn. “Romulus và Remus,”* gã nói. “Đó là thằng D nghĩ về hai đứa tao như thế. Nó quá bận rộn với chuyện cảm thấy bị tụi tao cho ra rìa cho nên nó đâu có biết đối với tao chuyện làm em của Petya thật là khó khăn, biết bao nhiêu việc tao phải gánh để Petya có được một tuổi thơ tốt đẹp, hoặc tốt đẹp nhất có thể, xét theo tình trạng của thằng anh tao. Tao đã chơi với mấy bộ đồ chơi tàu lửa và xe đua Scalextric cho tới lớn vì nó thích mấy thứ đó. Hai đứa đều thích. Ông già tao cũng thích. Và bây giờ có cảm giác như bọn tao đã thất bại hết, sau khi nó sụp đổ tinh thần và đốt nhà. Nó sụp đổ, mấy gallery cháy tiêu. Nó đang tan nát ở đằng kia với tên người úc đó, ai biết ông ta có hàn gắn nó lại được không. Còn thằng D, ai biết chuyện gì đang xảy ra với thằng nhỏ đó. Hay bây giờ phải nói là với con nhỏ đó? Tao không biết? Còn thằng đó có biết không? Hay con đó? Thật là điên. Mà mày có biết là mày không được phép nói “điên” nữa không? Mày cũng không được phép nói “khùng” hay, tao chắc là, cả “rồ” nữa. Những chữ đó là sỉ nhục người bệnh tâm thần. Bây giờ có một từ tệ hại thay thế cho những từ đó, mày có biết không? Tao cũng không. Ngay cả như mày chỉ nói, trò thối này thật điên rồ, mày thậm chí không hề nghĩ đến người bệnh tâm thần nữa, thì lạy Chúa, hình như mày vẫn sỉ nhục họ như thường. Ai nghĩ ra cái thứ này chứ? Người ta sẽ cố sống với tình trạng này một thời gian rồi xem họ có cần nói gì cho hả tức không. Cứ cho là người ta không cần phải nói ra đi, ờ, tao xin lỗi, nhưng tĩnh trí là có thật thì mất trí cũng có thật chứ. Không điên là có thật thì tức là điên cũng tồn tại chứ. Nếu nó tồn tại thì ta phải dùng từ để gọi tên chứ. Đó là ngôn ngữ. Đúng không? Hay tao là thằng tồi? Hay tao khùng?”
Chủ đề đã thay đổi đột ngột. Trong những ngày cuối cùng của cuộc biểu tình ở công viên Zuccotti, Apu đã bất đồng với nhiều người tham gia phong trào Occupy*, một phần vì gã thất vọng với sự hỗn loạn mất phương hướng không có thủ lĩnh của họ, một phần vì, gã nói, “Họ quan tâm đến chuyện làm dáng hơn là kết quả. Ngôn ngữ là một phần của trò đó. Xin lỗi nghe: nếu mày làm sạch sẽ ngôn ngữ quá thì mày giết chết nó luôn. Bẩn thỉu là tự do. Mày phải để lại chút bẩn thỉu chứ. Thanh lọc? Tao không thích nghe cái tiếng đó.” (Ở giai đoạn sau trong nghiên cứu của mình, tôi đã gặp vài người biểu tình, hầu hết họ đều không nhớ gì về Apu. Người có nhớ thì nói, “Ô, có, tên họa sĩ nhà giàu thường xuống đây để lấy tiếng là có tham gia biểu tình. Chẳng hề ưa thằng cha đó.”)
Tôi đoán là tràng đả kích của Apu bắt nguồn từ một việc cá nhân, vì về cơ bản gã không có ý định nào thôi thúc. Cherchez la femme*, tôi nghĩ, và một chặp sau cô ta được chính miệng gã phun ra. “Ubah,” gã nói, “cô ấy hết sức quan tâm tất cả mấy chuyện này. Mày biết đó. Nhớ giữ mồm giữ miệng. Phải lựa lời mà nói. Đi đứng phải rón rén. Nhỡ chân một cái là mày đạp trúng ngay quả mìn. Bùm! Bùm! Hễ mày mở miệng ra nói là gặp nguy hiểm. Quá mệt mỏi. Tao phải nói với mày.”
“Vậy là hai người không còn gặp gỡ nhau nữa sao?”
“Đừng có ngu,” gã nói. “Tao có được nói thế mà không xúc phạm những người kém thông minh hơn không? À, tao nói vậy đó. Tất nhiên là tao vẫn gặp cô ấy. Cô ấy quá đặc biệt nên tao đâu có thôi được. Nếu cô ấy muốn tao giữ mồm giữ miệng, mọi thứ, okay, tao làm theo, ít nhất là khi có cô ta gần bên… Và như vậy thì xui cho mày vì sẽ lãnh đủ bởi tao phải xả ra khi không có mặt cô ấy. Nhưng cũng phải mất công đeo bám cô ấy sau khi thằng anh khốn kiếp của tao phá hoại toàn bộ triển lãm đó. Tao nói là toàn bộ triển lãm nghe. Giờ chỉ là đống sắt vụn. Mày có biết những tác phẩm ấy mất bao lâu mới làm xong không? Tao nói, nhiều tháng trời. Tất nhiên cô ấy tức điên, và thằng đó lại là anh tao, lạy Chúa. Suốt một thời gian cô ấy đâu chịu nói chuyện với tao. Nhưng bây giờ đỡ rồi. Cô ấy đã bình tình lại. Cô ấy về cơ bản là người điềm tình và là người tốt. Cố ấy biết đâu phải lỗi tại tao. Đây chính là điều tao muốn nói đấy, anh em tao không phải là Romulus với Remus, Petya và tao. Tao chỉ lâu nay đang cố giữ vững mọi thứ, cuộc sống gia đình tao, thời niên thiếu của tao, và bây giờ tiêu tan hết, sụp đổ hết cả rồi.”
Gã lắc đầu khi nhớ ra đề tài ban đầu. “À, đúng. Xin lỗi nghe. Tao tức quá nên hơi lạc đề một chút. Giờ tao quay lại chuyện hồi nãy. Điều tao muốn nói, ngay từ đầu, toàn bộ lý do tao ngồi đây với mày uống trà ăn phó-mát, chính là, cả nhà tao sụp đổ hết rồi, còn mày, mày là thằng em mà không phải ruột thịt, mày là người nhà duy nhất mà tao có thể nói chuyện này. Một đứa thì đốt nhà, một đứa thì không biết nó là em trai cùng cha khác mẹ hay em gái cùng cha khác mẹ của tao nữa. Còn ông già tao, ngoài chuyện ngày càng già đi và chắc bắt đầu mất trí, ý tao là mất trí vì người đàn bà đó, bà vợ của ổng, ý tao là thật khó nói ra cái từ đó, rồi bây giờ thêm đứa nhỏ này, thậm chí tao không thể nghĩ đó là em tao. Em cùng cha khác mẹ của tao. Thằng nhỏ cùng cha khác mẹ lai Nga. Tao thật muốn đổ lỗi hết mọi chuyện lên thằng nhỏ này. Nó xuất hiện và thế giới tan tành. Như một tai họa. Tao nói nó làm tao muốn điên luôn, mà tao là người tính trí đó. Nhưng chỉ có tao nổi cáu với chuyện mà ai cũng thấy bình thường. Tao mời mày tới đây không phải để nói chuyện này. Tao biết mày không ưa ba cái chuyện đó, như dù sao cũng nghe tao nói đi. Tao đã bắt đầu thấy những hồn ma.”
Thế là kết thúc giai đoạn có màu sắc chính trị của Apu. Tôi suýt cười ầm lên. Lần đầu tiên trong ngày hôm đó tôi cho phép mình để mắt tới tác phẩm mới gã đang vẽ, và vui mừng thấy rằng gã đã giũ bỏ ảnh hưởng quá mạnh của nhóm nghệ sĩ cổ động chính trị đương đại - Dyke Action Machine!, Otabenga Jones, Coco Fusco - và đã quay trở lại lối vẽ sinh động hơn, phong phú hơn của thời trước, gợi hứng từ các truyền thống huyền bí của thế giới. Một bức tranh lớn nằm ngang trong những sắc cam chói lọi và xanh lá cây khiến tôi đặc biệt chú ý, một bức chân dung bộ ba bằng kích thước thật vẽ bà phù thủy ưa thích của gã, mãe-de-santo* ở Greenpoint, hai bên là hai vị thần được bà ta mến chuộng, Orisha và Oludumaré. Tính huyền bí và các thứ dược chất tác động tính thần không bao giờ tách rời trong thói quen của Apu, điều này có lẽ giải thích được sự xuất hiện của những ảo ảnh. “Anh đang dùng ayahuasca, phải vậy không?” tôi hỏi. Apu giật lùi với vẻ sửng sốt giả vờ. “Mày nói giỡn chơi? Tao không đời nào lừa gạt thánh mẫu của tao và các đồng cậu của bà.” (Việc dùng cây thuốc ayahuasca là một tập quán Shaman giáo liên quan tới đạo thánh Santo Daime ở Brazil. Và nhiều người gọi thứ thuốc sắc này là daime để tôn vinh vị thánh đó.) “Dù sao thì tao lâu nay cũng không thấy những ảo ảnh của Thượng Đế.”
Nhiều khi cũng khó biết gã đang nói theo nghĩa đen hay nghĩa bóng. “Tới đây xem đi,” gã nói. Và đầu kia xưởng họa là một bức tranh lớn phủ kín trong một tờ giấy vấy sơn tung tóe. Lúc gã lột tờ giấy bọc ra tôi thấy một khung cảnh phi thường: cảnh thành phố Manhattan bao la và chi tiết trong đó mọi xe cộ và người đi bộ đều bị loại bỏ hết, một thành phố hoang vắng mà cư dân chỉ là những bóng hình trong mờ, những bóng đàn ông mặc đồ trắng, đàn bà đồ vàng nghệ: làn da xanh lá cây, một số lơ lửng gần mặt đất, một số ở trên không. Thế đấy, phải, những hồn ma, nhưng hồn ma của ai? Hồn ma của cái gì?
Apu nhắm mắt lại và hít hơi. Rồi, thở ra, gã thoáng cười và xả đập cho quá khứ ào ạt tuôn.
“Suốt một thời gian dài,” Apu nói, “ông già kiểm soát bọn tao bằng tiền, tiền ổng cho để bọn tao sống, tiền ổng hứa hẹn là cổ phần của bọn tao, và bọn tao làm đúng như ý ổng đòi hỏi. Nhưng còn có cái gì đó mạnh mẽ hơn tiền bạc. Đây là ý tưởng về gia đình. Ông già là cái đầu còn bọn tao là tay chân, và cơ thể làm những gì cái đầu bảo phải làm. Bọn tao được nuôi nấng kiểu đó: những quan niệm của trường phái xưa. Tuyệt đối trung thành, tuyệt đối vâng lời, không tranh cãi gì hết. Cuối cùng thì chuyện đó cũng bớt dần, nhưng nó từng như thế suốt một thời gian dài, kéo dài đến tận khi bọn tao đã trưởng thành hết. Bọn tao đâu còn con nít nhưng suốt một thời gian dài bọn tao nhảy khi ổng nhảy, bọn tao ngồi khi ổng bảo ngồi, bọn tao khóc cười khi ổng bảo cười khóc. Lúc cả nhà chuyển tới đây thì về cơ bản là do ổng bảo, bây giờ nhà mình chuyển rồi. Nhưng bọn tao đứa nào cũng có lý do riêng để thuận theo kế hoạch này. Petya tất nhiên là cần nhiều hỗ trợ. Còn thằng D, cho dù nó không biết đi nữa, thì nước Mỹ là con đường đưa nó tới sự biến đổi mà nó cần, hoặc nó không cần, tao không biết, hoặc nó cũng không biết, nhưng ít ra ở đây thì nó có thể tìm kiếm thăm dò. Còn tao, có những người tao muốn trốn tránh. Những vướng víu. Không phải về tài chính, mặc dù có một giai đoạn tao có nhiều món nợ bài bạc. Tao đã đi qua thời đó rồi. Nhưng có những trở ngại tình ái. Có một người đàn bà làm tim tao tan nát, một người đàn bà khác hơi điên khùng, điên khùng dễ thương nhưng không phải lúc nào cũng thế, và có thể gây hại cho tao, không phải về thể chất mà về tình cảm, và người thứ ba yêu tao nhưng cứ bám cứng lấy tao tới mức tao không còn chỗ thở nữa. Tao cắt đứt với cả ba hoặc là họ cắt đứt với tao, chuyện đó không thành vấn đề, nhưng rồi họ không chịu bỏ đi. Không ai chịu bỏ đi cả. Họ cứ lượn vòng quanh tao như trực thăng soi đèn pha sáng rực xuống đầu và tao bị mắc kẹt trong những ánh đèn đan chéo ấy như tên tội phạm đang đào tẩu. Rồi một người bạn của tao, nhà văn, một nhà văn giỏi, có nói một điều làm tao sợ muốn vãi đái. Hắn bảo, hãy xem cuộc đời là cuốn tiểu thuyết, cứ cho là cuốn tiểu thuyết khoảng bốn trăm trang đi, hãy tưởng tượng mày đã đọc xong bao nhiêu trang trong cuốn truyện cuộc đời mày rồi. Phải nhớ là tới một lúc nào đó thì việc đưa ra một nhân vật mới sẽ không còn là ý tưởng hay nữa. Tới một lúc nào đó mày sẽ mắc kẹt với những nhân vật mày đã có. Cho nên mày có lẽ cần phải nghĩ ra cách nào đưa thêm nhân vật mới vào, trước khi quá muộn, bởi vì ai cũng sẽ già đi, ngay cả mày. Hắn nói thế với tao, ngay trước khi ông già tao quyết định cả nhà phải chuyển đi. Thế là khi ông già quyết định như vậy, mày biết đó, tao nghĩ chuyện này hay quá. Thậm chí còn hay hơn cả việc đưa ra nhân vật mới ở đây, nơi các tình cũ đang lượn vòng soi đèn pha. Như vậy tao có thể quẳng luôn cả cuốn sách và bắt đầu viết câu chuyện mới. Cuốn sách cũ dù sao cũng chẳng hay ho lắm. Thế là tao làm, và tao ở đây, và bây giờ tao đang thấy những bóng ma, bởi vì cái rắc rối khi cố trốn thoát chính mình tức là trên đường chạy trốn mày luôn mang chính mình theo.”
Trong bức tranh, bây giờ, tôi nhận ra những hình người đàn bà trực thăng lơ lửng, thấy cái bóng nhỏ đen đúa của một người đàn ông thu mình ở phía dưới họ, hình người duy nhất đổ bóng trong một bức tranh không có bóng đổ. Kẻ bị ám ảnh đó và những hồn ma của quá khứ đã mất, đang ám ảnh Apu. Và cái hiện tại này, giờ tôi đã cảm nhận được, là bất ổn, là những tòa nhà méo mó, cong vẹo cứ như đang được nhìn qua những tấm kính cũ mấp mô. Cảnh thành phố trong tranh khiến tôi nhớ đến phim Chiếc tủ của Tiến sĩ Caligari*. Và sự gợi nhớ đó lại đưa tôi quay lại ấn tượng ban đầu của mình về Nero Golden trong vai Dr. Mabuse, tên tội phạm tài trí. Tôi không nói điều đó ra mà lại hỏi về trường phái Biểu hiện Đức. Gã lắc đầu. “Không, kiểu bóp méo này không có liên quan tới trường phái đó. Đây là thực tại.” Gã lâu nay đang gặp vấn đề ngày càng trầm trọng với võng mạc, chứng thoái hóa điểm vàng, “may là bị dạng ướt chứ không phải dạng khô, không có thuốc chữa, mày sẽ mất thị lực dần dần và thế là hết. Nhưng cũng may, tao chỉ bị ở mắt trái. Nếu tao nhắm mắt trái lại thì mọi chuyện đều trông bình thường. Nhưng nếu tao nhắm mắt phải lại thì thế giới sẽ biến ra thế này.” Gã búng ngón tay cái về phía bức tranh. “Thực tế tao nghĩ là chính con mắt trái mới nhìn thấy sự thật,” gã nói thêm. “Nó thấy mọi thứ đều méo mó và biến dạng. Trong thực tế mọi thứ đều vậy cả. Con mắt phải là con mắt nhìn thấy sự bình thường của tưởng tượng. Vậy là tao có cả sự thật và dối trá, mỗi mắt nhìn một thứ. Vậy mới hay.”
Bất kể vẻ mỉa mai thường ngày của gã, tôi nhận ra Apu đang hoang mang. “Những bóng ma đó là thật đấy,” gã vừa nói vừa cố trấn tính. “Không hiểu sao tao lại thấy dễ chịu hơn khi nói ra điều này với một người đả phá chuyện tâm linh như là mày.” (Có lần tôi đã bảo gã là tôi nghĩ hai chữ tâm linh, cái từ hiện đang được áp dụng cho mọi thứ từ tôn giáo cho tới chế độ tập thể dục và nước trái cây, cần phải cho về vườn có lẽ phải từ cả trăm năm trước cho rồi.) “Và đây cũng không phải là do tác dụng của thuốc đâu, tao thề đấy. Chúng cứ xuất hiện, ngay giữa đêm nhưng cũng ngay giữa trưa, trong phòng tao hay ở ngoài đường. Chúng chẳng bao giờ thành hình. Tao có thể nhìn xuyên thấu qua chúng. Có lúc chúng hơi nhòe nhoẹt, rạn nứt, tan vỡ như một hình ảnh trên một phim video bị lỗi. Có lúc chúng định hình rõ nét. Tao không hiểu được. Tao chỉ kể mày nghe những gì tao thấy. Tao có cảm giác mình sắp mất trí rồi.”
“Nói tôi nghe chính xác chuyện này là thế nào?” tôi nói.
“Có lúc tao không nhìn thấy gì hết,” gã nói. “Có lúc tao nghe nhiều âm thanh. Những lời khó nhận biết, hoặc cũng có thể rất rõ ràng. Có lúc cả hình ảnh cũng hiện lên. Điều lạ kỳ là chúng không nhất thiết phải nói chuyện với tao. Mấy người tình cũ lượn vòng thì có, hẳn rồi, nhưng những bóng hình khác thì cứ như chúng tiếp tục sống cuộc đời của chúng, còn tao thì bị loại trừ ra khỏi những cuộc đời đó, bởi vì tao đã loại trừ chính bản thân tao, và có cảm giác sâu xa là mình đã làm gì đó sai trái. Tất cả những hình bóng đó đều từ quê cũ, mày hiểu không? Tất cả.” Nụ cười giờ đã không còn trên gương mặt gã. Trông Apu rất lo lắng. “Tao đã tìm hiểu việc nhìn thấy bóng ma,” gã nói. “Thánh Jeanne d’Arc, Thánh John Mặc Khải. Nhiều trường hợp tương tự. Có lúc đầy đau đớn. Có lúc cứ như từ sâu trong người hiện ra, từ vùng rốn, bị tống khỏi thân xác. Và có lúc nó cứ như hoàn toàn ở bên ngoài. Sau đó thì người ta thường ngất đi. Kiệt quệ. Đó là chuyện tao phải nói với mày. Mày nghĩ sao nói tao nghe.”
“Tôi nghĩ gì đâu có quan trọng,” tôi nói. “Nói tôi nghe anh nghĩ vì sao xảy ra chuyện này.”
“Tao nghĩ là tao đã bỏ đi một cách chẳng hay ho gì,” gã nói. “Lúc đó tao thảm hại lắm. Tao bỏ đi mà không hề tạo được bình an. Đó là chỗ mày sẽ thấy khó mà đồng tình với tao. Những thần linh trong gia đình đang tức giận với nhà tao, những vị thần trong nhà. Mọi chuyện đều có cách làm đúng và cách làm sai, và tao, bọn tao, cả nhà tao, cứ tự bứng mình đi, cứ xé toạc một góc trang sách ngay chỗ bọn tao đang đứng, và đó là một kiểu bạo lực. Cần phải làm cho quá khứ yên nghỉ. Bây giờ tao ý thức rất rõ về chuyện không thể nhìn thấy tương lai của mình. Cứ như không có con đường nào trước mặt. Hoặc là muốn có con đường trước mặt thì phải làm một hành trình quay ngược về. Tao tin như vậy đó.”
“Anh đang nói chuyện gì thế?” tôi hỏi. “Ý tôi là anh có thể cúng bái để cầu an cho bất cứ điều gì đang gây ra tình trạng này không? Lãnh vực này quá xa lạ đối với tôi. Tôi thật sự không hiểu nổi.”
“Tao phải quay lại,” gã nói. “Dù sao thì Ubah cũng muốn tới thăm nơi đó. Cho nên, cứ coi đây là kết hợp giữa một chuyến du lịch và chữa bệnh nhớ quê hương. Cứ nghĩ đó là tao cần tìm hiểu xem ở đó có một nơi đó nào đó cho mình không. Nói như vậy thì bảo toàn được thế giới quan duy lý của mày đấy.” Gã nói câu này gần như tức giận. Nhưng sau đó là một cái cười toe toét để xin lỗi và bù đắp lại giọng điệu gay gắt của gã.
“Nếu không đi thì anh nghĩ sẽ có chuyện gì xảy ra?”
“Nếu tao không đi,” gã nói, “thì tao nghĩ một sức mạnh đen tối của quá khứ sẽ bay qua thế giới này và có lẽ sẽ tiêu diệt tất cả bọn tao.”
“Ồ.”
“Có lẽ cũng quá muộn rồi. Có lẽ sức mạnh đen tối đó đã quyết định rồi còn gì. Nhưng tao vẫn thử. Và trong thời gian đó Ubah có thể dạo bộ trên Marine Drive vào buổi chiều, xem khu vườn treo trên đồi Malabar, ghé thăm một xưởng phim, và có thể bọn tao sẽ làm thêm một chuyến đi xem lăng mộ Taj Bibi ở Agra, tại sao không.”
“Anh sắp đi chưa?”
“Tối nay,” gã nói. “Trước khi quá muộn.”