Nhà Golden - Chương 21
Cuộc đi dạo vĩ đại của Petya Golden sau đó đã buộc chúng tôi phải chấp nhận rằng chuyên gia trị liệu Murray Lett là người tạo phép mầu bất kể kiểu tóc, giọng nói và đôi giày của ông ta, và học được bài học cảm thông: rằng sự thật thường nằm dưới bề mặt, và một con người có thể lớn lao hơn rất nhiều so với những đặc điểm có thể dễ dàng hí họa của hắn. Còn Petya bây giờ giống như một kẻ được xá cho tội lỗi mà gã chưa từng phạm và vì cái tội đó mà lâu nay phải lãnh án chung thân. Mặt gã sáng ngời một niềm vui sướng thâm trầm, niềm hạnh phúc vừa nhận thức được sự bất công của những đau khổ gã phải chịu vừa chấp nhận, trong nỗi ngỡ ngàng dần tan, về việc mình được giải thoát. Khi gã dấn bước vào cuộc đời mới, Lett là người gã trông cậy, người gã tin tưởng sẽ dẫn dắt mình vào cái thế giới đang rộng mở ra trước mắt như một kho tàng phi lý; đó cũng chính là cái thế giới mà hết thảy những người còn lại đã sống quá thản nhiên, quá vô tư lự, không hề nhìn thấy mỗi ngày là một hội hè kỳ thú, điều mà Petya bây giờ ôm ghì vào lòng như những tặng vật. Gã đi với Murray Lett mua thực phẩm ở D’Agostino’s, Gristedes, và Whole Foods; gã ngồi với Murray Lett trên vỉa hè lộ thiên của các quán café ở Quảng trường Union và công viên Battery; gã đi cùng Murray Lett đến buổi trình diễn nhạc rock ngoài trời đầu tiên mà gã được đi nghe ở Jones Beach, có ban nhạc Soundgarden và ban Nails gã yêu thích; gã ở sân vận động The Stadium cùng với Murray Lett hò hét “Cảm ơn Derek” tại một trong những trận thi đấu cuối cùng của danh thủ bóng chày Derek Jeter cho đội Bronx. Và cũng cùng với Murray Lett, gã đã chọn được căn hộ mới cho mình, một căn có sẵn đồ đạc dọn-tới-ở-liền thuê trước mười hai tháng “rồi tính sau,” gã tự tin nói, “có thể sau đó là tới lúc mua nhà.” Căn nhà thuê nằm trên tầng bốn một ngôi nhà sáu tầng khung thép, lắp kính kiểu Mondrian ở phía đông đường Sullivan.
Chỉ đến lúc đó tôi mới hay - và thấy mình như thằng ngu vì không biết sớm hơn - là Petya bao lâu nay đã tự kiếm được rất nhiều tiền, với tư cách người sáng tạo và chủ sở hữu duy nhất của một số game hết sức thành công mà cả thế giới hiện đang chơi trên smartphone và máy tính.
Đúng là thông tin chấn động. Chúng tôi ai cũng biết gã liên tục chơi những game đó, có khi tới mười bốn hay mười lăm giờ một ngày; làm sao mà chúng tôi lại chẳng ai ngờ rằng gã chơi game như thế không phải là để cho qua những giờ phiền muộn mà là đang làm điều gì đó vốn dĩ bộ óc thông minh khác thường của gã rất giỏi? Làm sao mà chúng tôi lại không đoán ra gã đã tự học lập trình, đã trở nên thành thạo mau chóng và thâm hậu những ngôn ngữ bí ẩn đó, và cũng không ngừng chơi những game chính gã đã sáng tạo ra? Làm sao mà chúng tôi lại không thấy được những điều hiển nhiên đó, không nhận ra rằng gã đã phát hiện ra chính bản thân gã là một thiên tài của thế kỷ 21, vượt xa hết tất cả chúng tôi, một đám vẫn còn lê bước trong thế giới của thiên niên kỷ thứ hai. Đó là dấu hiệu cho thấy chúng tôi đã chối bỏ gã, mặc kệ gã mỗi ngày hầu như suốt hai mươi bốn giờ muốn làm gì thì làm, cứ để gã mãi tự giam mình, lưu đày trong căn phòng riêng cứ như gã là một hình tượng xưa trong truyện kinh dị theo phiên bản riêng của chúng tôi, là Bà Điên trong Gác Xép, là Bertha Antoinetta Mason người vợ đầu của Rochester mà nàng Jane Eyre nghĩ là giống “Ma cà rồng.*” Thế mà bao lâu nay! Thế mà bao lâu nay! Petya ẩn náu, cần kiệm, cuộc sống chẳng hề thay đổi gì, không mua sắm cho bản thân thứ gì, lại vươn lên tới đỉnh Everest của thế giới bí mật đó, và, nói thẳng ra, ăn đứt tất cả chúng tôi. Lại học thêm một bài học nữa: đừng bao giờ đánh giá thấp người khác. Người giỏi còn có người giỏi hơn.
Tất cả họ đều có nhiều bí mật, những người nhà Golden. Có lẽ chỉ trừ Apu, kẻ như cuốn sách mở.
Đó là năm của vụ Gamergate, vụ khủng hoảng tồi tệ của nền công nghiệp trò chơi điện tử, thế giới game có chiến tranh, nam giới chống lại nữ giới, “đồng nhất tính game thủ” chống lại sự đa dạng hoá, và chắc chỉ có người tiền sử trước công nghệ mới như tôi đây mới không biết chuyện rùm beng đó. Không hiểu sao, bằng cách nào đó tôi không hiểu, Petya lại tránh được và đứng ngoài cuộc xung đột ấy, mặc dù - khi gã sau rốt cũng đồng ý nói với tôi về chuyện này - gã bộc lộ nhiều quan điểm mạnh mẽ về cách cộng đồng game nam giới đang phản ứng lại hàng loạt chỉ trích của những phụ nữ bị cho là trịch thượng: các nhà phê bình truyền thông và giới lập trình game độc lập; họ phản ứng bằng cách công bố địa chỉ và số điện thoại của những phụ nữ ấy khiến họ phải hứng chịu nhiều đe dọa tồi tệ hơn nữa, có cả nhiều lời dọa giết nên các mục tiêu nữ giới đó phải trốn khỏi nhà. “Vấn đề không phải là công nghệ,” gã nói. “Và không hề có giải pháp công nghệ nào cho chuyện này. Vấn đề là con người, bản chất con người nói chung, bản chất đàn ông nói riêng, và việc được phép nặc danh đã giúp người ta tuôn xổ ra những gì tệ hại nhất của bản chất đó. Còn tôi, tôi chỉ làm trò chơi cho con nít. Tôi thuộc vùng trung lập. Tôi là Thuỵ Sĩ. Chẳng ai làm phiền tôi. Họ chỉ đến thăm và trượt tuyết nên sườn núi của tôi thôi.”
Chứng tự kỷ cơ năng cao* đã giúp cho gã trở thành kỳ nhân của giới làm game và tôi bắt đầu tìm hiểu về những tưởng thưởng gã có thể được hưởng. Những “baller apps” hàng đầu - ứng dụng game mà ta có thể kết nối bạn bè cùng chơi - đang kiếm được mười một, mười hai triệu đô-la mỗi tháng. Game xưa rích có nhiều tín đồ là Candy Crush Saga, tôi thậm chí còn không biết tới nó, vẫn kiếm được năm triệu rưỡi. Các game chiến trận chủ yếu toàn kiếm tiền bằng mua bán trong ứng dụng, khoản thu nhập không bằng mười phần trăm thu từ quảng cáo, có thể vẫn đang kiếm được hai, hay hai triệu rưỡi. Mỗi tháng. Tôi đọc tên mấy game đầu trong Top 50 ứng dụng cho hệ điều hành iOS và Android. “Trong này có cái nào là của anh không?” Tôi hỏi. Nụ cười toe toét căng rộng trên mặt gã. “Tôi không biết nói dối,” gã vừa nói vừa chỉ vào game được xếp hạng số một. “Tôi đã làm game này bằng mấy đồ nghề lặt vặt của tôi.”
Vậy là hơn trăm triệu đô-la một năm chỉ từ riêng một game đó thôi. “Anh biết sao không,” tôi nói với gã, “tôi đúng là không còn phải lo lắng về anh nữa.”
Có nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng chứng tự kỷ có thể “tới mức nào đó thì hết,” rằng nhiều bệnh nhân may mắn có thể gia nhập nhóm OO (Optimal Outcome, hay Kết quả Tối ưu) gồm những người không còn biểu lộ bất kỳ triệu chứng rối loạn tự kỷ nào, và chỉ số IQ càng cao thì càng có khả năng dẫn tới kết quả này. Tất nhiên là nghiên cứu này cũng bị phản bác, nhưng nhiều gia đình đã cung cấp các bằng chứng có tính giai thoại để củng cố cho điều đó. Trường hợp Petya thì khác. Gã không đạt mức, mà cũng không muốn, được gia nhập vào nhóm oo. Chứng tự kỷ HFA và thành tựu của gã có liên hệ mật thiết. Tuy nhiên, sau cuộc đi bộ đột phá quanh Manhattan, gã dường như càng có khả năng kiểm soát các triệu chứng của mình, ít bị trầm uất hơn, ít bị mất tự chủ để lâm vào khủng hoảng hơn, ít lo sợ về chuyện sống một mình hơn. Petya đã kết bạn với Murray Lett, và người cha bỏ công ghé thăm gã hàng ngày, và gã vẫn dùng thuốc đặc trị, và gã vẫn… HFA. Còn về chuyện gã mới được giải thoát khỏi nỗi sợ phải ra ngoài trời thì không ai dám nói tình trạng này có vĩnh viễn không, hay gã sẵn sàng ra khỏi “căn cứ địa” lang thang đi xa đến mức nào. Nhưng nhìn chung, suốt một thời gian dài gã vẫn trong tình trạng tốt nhất như đã có được. Có khả năng là sẽ không phải lo lắng gì cho gã nữa.
Petya vẫn uống rượu quá mức. Không hiểu sao, chuyện đáng ngại vậy mà tất cả chúng tôi lại thấy ít lo hơn, có lẽ là vì đã quá quen với vấn đề đó.
Ngược lại, suốt một thời gian sau đó tôi lại lo cho bản thân mình. Đứa bé chẳng bao lâu sẽ chào đời, và nói thật tôi không thể chịu đựng nổi cái tình thế tôi đang lâm vào, cho nên tôi cuống cuồng làm theo ý Suchitra muốn và dọn ra khỏi nhà Golden. Mà cũng phải, bố mẹ tôi có nhiều quan hệ thân thiết với các hàng xóm khu Gardens, mừng làm sao, tôi được chào đón vào ở trong nhà của ông bạn làm ngoại giao người Myanmar, người mà trong những trang giấy này, để xây dựng nhân vật cho tiện, tôi đã đổi tên thành U Lnu Fnu - ông góa vợ, đeo kính mắt trũng mặt buồn, đã thua sát nút trong công cuộc tiếp bước u Thant làm Tổng thư ký thứ hai người Miến Điện của LHQ. “Có cậu thì tôi rất vui,” ông ta nói. “Căn nhà này rộng lớn mà ở một mình trong đó thì chẳng khác gì con ruồi vo ve trong lòng cái chuông. Tôi chỉ nghe tiếng vọng của chính mình và đó không phải là âm thanh tôi thích thú gì đâu.”
Thực tế là tôi đã chọn thời điểm hoàn hảo, vì ông ta trước đó đã cho một người thuê một phòng trống trong một thời gian, khi tôi hỏi ông ấy về khả năng thuê lại căn phòng đó thì đúng lúc người thuê trước sắp dọn đi. Tay đang ở là một phi công dân sự, Jack Bonney, kẻ hay nói là hắn lái máy bay “cho hãng hàng không lớn nhất mà cậu chưa hề nghe tên,” hãng Hercules Air, trong lịch sử chỉ vận tải hàng nhưng bây giờ nhận chở luôn cả binh lính và các hành khách khác. “Một lần gần đây,” gã nói, “chúng tôi chở Thủ tướng Anh cùng với đội an ninh cận vệ, và tôi hỏi đại loại như, ông ấy phải bay bằng Air Force One của Anh chứ? Rồi mấy tay an ninh nói, chúng tôi không có máy bay kiểu đó. Và tôi còn làm cầu không vận, chuyển lính đánh thuê vào Iraq, chuyện đáng nể đó. Nhưng chuyến bay nào quan trọng nhất tôi từng lái à? Chuyến từ London tới Venezuela, chở tiền Venezuela trị giá hai trăm triệu đô-la, tiền mà người Anh đã in cho nước này, ai mà ngờ, phải đó. Cái này mới lạ kỳ nghe. Ở sân bay Heathrow, người ta chất những kiện tiền lên máy bay mà không hề có bóng an ninh nào cả, tôi nhìn quanh chỉ thấy có mỗi nhân sự bình thường của sân bay, không có đội hộ tống vũ trang nào, chẳng có gì ráo. Thế là bọn tôi bay tới Caracas và ồ, đúng là một chiến dịch quân sự khổng lồ. Súng bazooka, xe tăng, những tay kinh khủng mặc áo giáp chống đạn súng ống tua tủa mọi hướng. Nhưng ở London chẳng có gì ráo. Lần đó tôi sợ hết hồn.”
Khi người này dọn đi rồi và tôi đã ổn định chỗ ở thoải mái, ông U Lnu Fnu ghé vào phòng tôi và nói với giọng chu đáo, tận tâm, “Tôi mừng là có cậu ta bầu bạn nhưng cũng mừng là bản tính cậu trầm lặng hơn. Ông Bonney là người tốt nhưng lẽ ra ông ta nên ý tứ về chuyện tán gẫu huyên thuyên. Tai vách mạch rừng, câu René thân mến. Tai vách mạch rừng.”
Ông ấy lo lắng cho sự an lạc của tôi, có một lần ông rụt rè nói, sau khi đã xin phép, về lòng kính trọng ông dành cho bố mẹ tôi và sự cảm thông của ông đối với nỗi đau khổ của tôi khi mất bố mẹ. Chính ông ấy cũng đã đau khổ vì mất mát như vậy, ông rụt rè nhắc lại. Suchitra vui mừng với chỗ ở mới của tôi nhưng khi thấy tôi cứ mãi ủ ê liền giở chiến thuật khác. “Trông anh bèo nhèo như cái mền rách từ ngày dọn khỏi cái dinh thự ma đó. Có chắc là anh không thèm muốn được nếm chút bánh ngọt kiểu Nga đây chứ?” Giọng điệu nhẹ nhàng, nhưng rõ ràng là nàng thật tình muốn biết câu trả lời.
Tôi trấn an Suchitra; nàng là người dễ tín và liền sau đó cười ầm lên. “Em mừng là anh vẫn xoay xở được để tiếp tục ở trong khu Gardens yêu quý của anh,” nàng nói. “Em chỉ không tưởng tượng nổi bộ mặt anh sẽ xệ dài tới đâu nếu không giải quyết được chuyện đó.”
Nhưng con tôi, con trai tôi. Không thể nào xa rời nó, cũng không thể nào gần kề nó. Vasilisa Golden, bụng chửa vượt mặt, đã sắp tới ngày sinh, hàng ngày đi dạo trong khu Gardens cùng với một bà choàng khăn babushka trùm đầu như mấy bà mấy mẹ, một mẫu nhân vật sáo rỗng được máy bay chở đến để phục cho tuồng hát, và tôi nghĩ: con tôi đang ở trong vòng kềm kẹp của những người thậm chí tiếng mẹ đẻ lại không phải tiếng Anh. Đây là một ý nghĩ đáng khinh, nhưng trong cơn điên cuồng của phận làm cha tuyệt vọng này, tôi còn có gì khác ngoài những ý nghĩ đáng khinh. Tôi có nên phun hết sự thật ra không? Tôi có nên tiếp tục im lặng? Điều gì tốt nhất cho thằng bé? Ô, tất nhiên điều sẽ tốt nhất cho nó tức là phải biết ai là cha thật của nó. Nhưng phải thú nhận, tôi cũng khá sợ lão Nero Golden, nỗi sợ của chàng nghệ sĩ trẻ vừa mới chập chững trở thành con người hùng tráng toàn vẹn trên cõi đời này, dẫu chàng hiện thời đang trong tình trạng suy sụp dần dà. Chàng biết làm gì đây? Chàng sẽ phản ứng sao đây? Rồi đứa bé có gặp nguy hiểm không? Rồi Vasilisa? Rồi tôi? - Ôi chao, tôi thì chắc chắn rồi, tôi nghĩ. Tôi đã đền đáp lại lòng tử tế của lão trước cảnh mồ côi của tôi bằng cách cho vợ lão mang bầu. Theo yêu cầu của cô ả, đúng thế thật, nhưng lão sẽ không chấp nhận đó là lời biện hộ, và tôi sợ những nắm đấm của lão; nói nắm đấm là còn quá ít. Nhưng làm sao tôi có thể giữ im lặng suốt đời? Tôi không có câu trả lời nào, nhưng những câu hỏi ngày đêm cứ giội bom tôi, và không tìm ra hầm tránh bom nào để trốn.
Tôi thấy mình như thằng ngu - tệ hơn thằng ngU/ như một đứa nhỏ lầm lỗi, phạm tội nghịch phá ghê gớm nhưng sợ người lớn khiển trách - và không có ai để chuyện trò. Lần đầu tiên trong đời tôi cảm nhận được ít nhiều giá trị của công cụ phòng xưng tội Công giáo và sự tha thứ của Chúa tiếp theo sau đó. Nếu tôi vào lúc đó có thể tìm được một linh mục, và nếu một tràng lỗi tại tôi mọi đàng* có thể bắt im tiếng cuộc tra vấn diễn ra bất tận trong lòng, ắt tôi đã vui vẻ đi theo con đường đó. Nhưng chẳng có con đường nào cả. Tôi không có liên hệ gì với thế giới sùng đạo hết. Bố mẹ tôi cũng không còn, và chủ nhà mới của tôi, U Lnu Fnu, dù chắc chắn là một hiện thể điềm tình, giúp người khác điềm tĩnh, đồng thời là nhà ngoại giao lão luyện, vốn đã không vui về thói nhiều chuyện của người thuê nhà trước đây, chắc chắn ông ấy sẽ rụt lại trước cái đống nguyên liệu cảm xúc như chất phóng xạ mà tôi cần xả ra. Suchitra hiển nhiên là không được rồi. Nhân tiện nói thêm, tôi biết nếu tôi không thể bắt mình điềm tình sớm thì nàng sẽ khịt mũi đánh hơi ra ngay và đó sẽ là cách tệ hại nhất trong mọi phương kế khả dĩ để cho sự thật phơi bày. Không, không được phơi bày sự thật. Sự thật này sẽ hủy hoại quá nhiều cuộc đời. Tôi phải tìm cách nào bóp nghẹt tiếng nói đời sở hữu, tiếng nói yêu thương của người cha muốn tiết lộ bí mật, đang gào thét trong tai tôi. Vậy tìm bác sĩ trị liệu chăng? Đó là nhân vật cha xưng tội thế tục của thời đại chúng ta. Tôi luôn căm ghét cái ý tưởng đi gặp một người xa lạ nhờ giúp xem xét cuộc đời mình. Bản thân tôi rồi sẽ thành người kể chuyện, tôi ghét cái ý tưởng là ai khác sẽ hiểu câu chuyện của tôi hơn chính tôi. Cuộc đời không được xem xét là đời không đáng sống, Socrates đã nói thế, rồi uống chén độc dược, nhưng cuộc xem xét đó, tôi vẫn luôn nghĩ, phải là cuộc xem xét bản thân bởi chính bản thân; tự chủ, tự do, như một cá nhân đích thực phải thế, chứ không dựa vào người nào nhờ giải thích hay xá tội cho. Ở đây lại có ý tưởng nhân văn thời Phục Hưng về bản ngã đã được thể hiện trong De hominis dignitate, “Phẩm Giá Con Người,” của Pico della Mirandola, chẳng hạn thế. Chà! Cái tinh thần cao cả đó đã bay vèo qua cửa sổ khi Vasilisa tuyên bố đã có thai. Kể từ đó, cơn bão dữ dội này đã hoành hành trong lòng tôi, vượt khỏi khả năng trấn định của tôi. Có lẽ đã tới lúc dằn lòng kiêu hãnh riêng lại mà tìm chuyên gia giúp đỡ? Trong một thoáng tôi nghĩ đến chuyện nhờ cậy Murray Lett, nhưng rồi thấy ngay đó là ý tưởng ngu ngốc. Có nhiều chuyên gia trị liệu xuất sắc trong số bạn bè kết giao với bố mẹ tôi. Chắc tôi phải nhờ tới ai đó. Chắc tôi phải cần có người lấy sức nặng của hiểu biết này ra khỏi tôi, cất vào một nơi trung lập và an toàn; cần một công binh tâm lý học tháo ngòi nổ quả bom sự thật. Cho nên tôi cứ vật lộn với ma quỷ trong lòng mình; nhưng sau bao cuộc ẩu đả thì tôi xác định, dù đúng hay sai, không tìm sự giúp đỡ nào của người lạ cả, mà quyết đương đầu một mình với lũ ma quỷ đó.
Trong khi ấy những người ở khu Gardens lại hoàn toàn chăm chú vào vở kịch đang diễn ra ở nhà Tagliabue đối diện với nhà Golden, ở đó bà vợ bị đối xử hết sức tệ bạc Blanca Tagliabue, mệt mỏi vì bị bỏ ở nhà một mình lo cho lũ con trong lúc ông chồng Vỉto đi rông khắp thành phố, và chán ngấy những lời cam đoan tuyệt đối chung thủy (tôi tin là thành thật) của ông chồng, đã bắt đầu ngoại tình với một cư dân người Argentinagiàu có trong khu vực này, ông Carlos Hurlingham, người tôi đã đặt tên là “Ông Arribista” trong một đề cương kịch bản của tôi. Bà ta bỏ mặc lũ con cho các vú em, và lên “chuyên cơ” của Senor Hurlingham bay đi ngắm thác Iguazu danh tiếng ở biên giới Argentina-Brazil và chắc chắn sẽ buông thả theo đủ thứ hoạt động phía-nam-biên-giới trong lúc bà ta ở đó. Ông Vito phát cuồng lên vì tức giận và đau khổ và chạy lồng lộn quanh khu Gardens đau khổ và tức giận, mang lại thích thú vô bờ cho mọi hàng xóm. Nếu tôi không quá bận bịu với những chướng ngại của chính mình, hẳn tôi đã tìm được vui thú nào đó trong việc mọi nhân vật hỗn độn trong câu chuyện khu Gardens của tôi đang bắt đầu móc nối và kết hợp thành những hình dạng rõ ràng. Nhưng ngay lúc đó tôi chỉ bận tâm đến nỗi buồn của mình cho nên không theo dõi được bộ phim truyền hình nhiều tập Tagliabue-Hurlingham lúc nó diễn ra.
Chuyện đó không quan trọng mấy. Họ cùng lắm chỉ là những nhân vật phụ và có khả năng bị cắt bỏ trong phòng dựng phim. Chuyện tệ hại hơn là trong lúc khổ não này tôi lại rời mắt khỏi Petya Golden. Tôi không nói là mình có thể ngăn chặn được những gì đã diễn tiến nếu như tôi cảnh giác hơn. Chắc Murray Lett hẳn cũng đã trực cảm được điều đó. Chắc chẳng ai có thể làm gì được. Nhưng dù sao tôi cũng hối tiếc về sự khinh suất của mình.
* * *
Gallery của Sottovoce, hai không gian rộng rãi ở đầư phía tây trên Đường 21 và Đường 24, cả hai đều được trưng dụng làm một trong những triển lãm lớn nhất mùa này, trưng bày tác phẩm mới của Ubah Tuur. Những bức tượng cỡ lớn, gợi nhớ những con quỷ kim loại của Richard Serra, nhưng được những lưỡi dao lửa rạch chém và biến hóa thành những hoa văn đăng-ten thanh nhã, cho nên chúng cũng có vẻ giống những phiên bản bằng sắt gỉ uốn cong của những tấm đá jalis trổ hoa văn mắt cáo của Ấn Độ, khi được đèn pha chiếu sáng lại trông giống những biến thể phức tạp, nghịch ngợm của những phiến hắc thạch trần trụi ngoài hành tinh trong phim 2001 của Kubrick hơn. Ở địa điểm Đường 21, tôi đụng đầu ông Frankie Sottovoce sôi nổi, má đỏ hồng, mái tóc trắng rối tung trong gió, đang vung tay cười khúc khích khoái trá. “Thành công lớn rồi. Chỉ toàn những nhà sưu tập lớn và các bảo tàng. Cô ấy là ngôi sao rồi.”
Tôi nhìn quanh tìm cô nghệ sĩ nhưng cô ta không có mặt. “Cô ấy vừa mới đi rồi,” Sottovoce nói. “Cô ấy mới ở đây với Apu Golden. Cậu quay lại sau vậy nhé. Họ ở đây suốt mà. Hầu hết các buổi sáng. Cậu đã thấy cô ấy từ hôm dạ tiệc ở khu Gardens. Cô ấy thật tuyệt vời. Thông minh đến kinh ngạc. Và đẹp nữa chứ, lạy Chúa.” Ông ta đưa một bàn tay lên lắc tung các ngón cứ như mới vừa thoát khỏi ngọn lửa nhan sắc thiêu đốt của cô gái. “Cô ấy là một quyền lực,” ông ta kết luận, và lủi đi để dụ dỗ một người quan trọng hơn.
“Ô,” Sottovoce dừng bước, quay lại chỗ tôi, ý thích tán gẫu trong một thoáng đã chiến thắng bản năng kinh doanh của ông ta. “Anh chàng Golden kia cũng có đến, người anh cả đó, chắc cậu biết.” Ồng ta vỗ nhẹ vào thái dương để ám chỉ tên khùng đó. “Hắn thấy cô ấy ở đây với Apu và tôi nghĩ chuyện đó khiến hắn không vui. Cuốn gói ngay như con dơi bay khỏi địa ngục. Chắc có chuyện gì kình địch chút chút ở đây? Hmm hmm?” Ông ta cười to bằng giọng cười hi hí ngớ ngẩn rồi bỏ đi.
Đó là lúc tôi lẽ ra phải đoán ra. Đó là lúc tâm trí tôi lẽ ra phải mường tượng thấy làn sóng đỏ dâng cao trên gương mặt Petya, trong lúc gã hiểu ra bao lâu nay người phụ nữ gã yêu vẫn ở trong vòng tay em trai gã, người phụ nữ mà thằng em đã cướp đoạt của gã, phá hoại cơ hội hạnh phúc tốt đẹp nhất của gã. Cái đêm phản trắc từ lâu đó dưới mái nhà Ubah đã sống lại mãnh liệt trong ý nghĩ Petya, như mới xảy ra ngay lúc đó. Cơn thịnh nộ cũng tái sinh, kéo theo nỗi thèm khát trả thù. Chỉ cần nhìn thấy Ubah và Apu tay trong tay là đủ, những gì tiếp theo, tiếp theo với nỗi kinh hoàng không thể tránh khỏi của một phát súng sau khi đã bóp cò. Tôi lẽ ra phải biết là sẽ có rắc rối. Nhưng tôi đang nghĩ đến những chuyện khác.
* * *
Ở New York City, Sở cứu hỏa đã phái đi 44 đơn vị và 198 lính cứu hỏa cho một đám cháy báo động cấp năm. Xác suất xảy ra hai đám cháy như vậy trong vòng ba dãy phố, cùng một đêm là cực kỳ hiếm. Khả năng những đám cháy này xảy ra do ngẫu nhiên là… không thể có.
An ninh rất được coi trọng ở các gallery của Sottovoce. Trong giờ mở cửa luôn có nhân lực, camera, và một quy trình khóa khẩn cấp có thể đóng chặt mọi lối ra vào trong vòng hai mươi giây. Đây là “Tình huống A.” lình huống B, từ lúc đóng cửa đến lúc mở cửa lại, được kiểm soát bằng tia laser, nếu chúng bị cắt ngang sẽ kích hoạt báo động, bằng camera theo dõi chuyển tiếp thông tin về trung tâm điều khiển của công ty an ninh nơi luôn có người túc trực trước màn hình 24/24 giờ, và bằng những tấm lưới titan, cửa thép sập xuống, từng phương tiện đều hoạt động bằng hệ thống khóa số kép và chìa khóa: hai khe nhét thẻ ID bên dưới có bàn phím bấm mã, không một người điều hành duy nhất nào biết hết các mã số PIN. Muốn mở các cửa này, hai nhân sự cấp cao của Sottovoce phải có mặt, mỗi người dùng thẻ của mình và bấm phím mã số riêng của mình. Muốn phá hệ thống này, Frankie Sottovoce hay nói, bạn phải là thiên tài. “Chỗ này là một thành trì,” ông ta huênh hoang. “Ngay cả tôi cũng không thể vào đó nếu ban đêm tôi ngang qua và muốn đi tè.”
Chuyện gì thực sự đã xảy ra? Trong đêm khuya khoắt, khoảng 3 giờ 20 sáng, một chiếc Chevrolet Suburban cửa kính đen không có bảng số đã đậu bên ngoài gallery Đường 24. Người lái xe chắc chắn đã ghé đến gallery này trước đây và đã sử dụng phương tiện mà thông cáo của Sở cảnh sát New York mô tả là “thiết bị quét rất tinh vi” để làm giả các thẻ ID và phát hiện ra các mã PIN. Các cửa thép cuộn lên và các cửa lưới titan mở ra, rồi các can nhựa chứa đầy xăng được mở nắp, ném vào trong gallery, và châm lửa, có lẽ bằng cùng loại mỏ hàn xì đã dùng để tạo ra những pho tượng đang trưng bày. Chiếc xe suv đó chạy đi khi lửa cuồn cuộn lan ra, và một tiến trình tương tự đã tiếp diễn trên Đường 21. Có một nhân chứng, một người nghiện rượu không đáng tin cậy, đã mô tả người lái chiếc Suburban là một người mặc áo đen có mũ trùm đầu, mang kính bảo hộ màu đen. “Trông hắn ta giống Người Ruồi trong phim,” nhân chứng nói. “Đúng đó. Giờ nghĩ lại tôi mới nhớ hai cánh tay hắn ta toàn lông lá như Người Ruồi thò ra ngoài hai tay áo.” Do lời khai này quá đậm màu sắc khoa học viễn tưởng, nhân chứng được cảm ơn và được phép ra về. Không có nhân chứng nào khác xuất hiện. Hy vọng lớn nhất của cơ quan điều tra là xác định được chiếc xe, nhưng ngay lúc này vẫn chưa tìm thấy. Và đến lúc dập tắt hết đám cháy thì các bức tượng đã bị hư hỏng không thể nào cứu vãn.
* * *
CẢNH NỘI. ĐÊM. CĂN HỘ CỦA PETYA GOLDEN.
PHÒNG NGỦ.
Ngồi thẳng trên giường, vẫn trùm mũ đen và đeo kính bảo hộ đen, PETYA, kéo chăn lên tận cằm. Anh ta khóc nức nở không thể kiềm chế được. Anh ta lột bỏ kính bảo hộ và ném qua đầu phòng bên kia. Những chai rượu đã mở đặt trên bàn ngủ cạnh giường.
CẢNH NỘI. ĐÊM. CĂN HỘ CỦA PETYA GOLDEN.
PHÒNG KHÁCH.
Vẫn đang khóc òa, gần như muốn gào thét vì đau khổ, PETYA bắt đầu đập phá căn nhà mới của mình. Anh ta quẳng một cây đèn qua đầu phòng bên kia, đèn va vào tường tan nát. Anh ta nhấc lên một chiếc ghế và ném theo cây đèn. Rồi anh ta ngồi bệt xuống sàn gục đầu trong hai bàn tay.
CẢNH NỘI. NGÀY. CĂN HỘ CỦA PETYA.
PHÒNG KHÁCH.
Trộn cảnh sang buổi sáng, PETYA trong tư thế cũ.
CHUÔNG CỬA reo vang. Lặp đi lặp lại. Anh ta không nhúc nhích.
Cắt.
CẢNH NGOẠI. NGÀY.
BÊN NGOÀI “TÒA NHÀ MONDRIAN”.
NERO GOLDEN đang nhấn chuông cửa. Cắt chuyển sang CẬN CẢNH gương mặt trong lúc ông ta nói thẳng vào máy quay. Thuyết minh. Trên nền âm vẫn nghe tiếng chuông đing-đong trong lúc ông ta liên tục nhấn.
NERO
Tất nhiên tôi biết ngay là nó. Người ta chiếu phác họa đó trên TV và nhìn thấy là tôi biết ngay. Đây không phải Người Ruồi. Đây là Petronỉus. Chiếc xe nữa. Nó đã tháo bỏ bảng số nhưng đó là xe của tôi. Chính tôi đã đưa chìa khóa xe cho nó khi nó dọn tới căn hộ này. Nó là người lái xe cẩn thận, lái xe an toàn. Có người cha nào mà ngờ được con mình làm chuyện như thế? Chúng tôi cất chiếc xe trong hầm ga-ra bên dưới số nhà 100 đường Bleecker, cao ốc của Đại học New York, chúng tôi đã thuê lại chỗ ấy từ một giáo sư ngành báo chí đang sống trên tầng hai mươi. Tôi biết chiếc xe, tôi biết con trai tôi, tôi biết người phụ nữ đó. Tất nhiên. Đó là người phụ nữ mà em nó đã cướp của nó. Đây là trả thù. Chuyện kinh khủng, những nói cho cùng, nó cũng là người.
Cắt.
CẢNH NỘI. ĐÊM. CĂN HỘ CỦA PETYA.
Căn hộ vẫn hỗn độn, nhưng PETYA đã cho MURRAY LETT vào.
Anh ta, PETYA, vẫn đang ngồi bệt dưới sàn, cong gập người, lưng hướng về máy quay. LETT ngồi xuống cùng, hai tay ôm vai PETYA. PETYA đang nói không ngừng. Chúng ta không nghe được lời độc thoại này.
RENÉ (thuyết minh)
Anh ta đã mua cái mỏ hàn xì trên mạng. Chuyện đó dễ. Sau khi tháo bỏ bảng số chiếc Suburban, anh ta đã lái xe tới một cửa hàng tiện ích ở Queens và chọn mấy can nhựa đựng xăng. Sau đó anh ta lái xe tới một cửa hàng tiện ích khác phục vụ tận xe ở Nassau County và đổ xăng đầy mấy can nhựa đó. Còn để phá hệ thống an ninh ở các gallery, anh ta chỉ nói là thật dễ dàng. Có lẽ anh ta không lường trước làn sóng mặc cảm tội lỗi đã dìm ngập anh ta ngay sau hai vụ ra tay này. Anh ta gần như chết chìm trong mặc cảm. Phản ứng tan rã sau đó thật trầm trọng. Anh ta trở nên lo sợ, điên loạn, trầm cảm, say rượu. Chuyên gia trị liệu muốn có người canh chừng kẻo anh ta tự tử. Cha anh ta đã thuê một đội y tá chăm sóc thường trực cùng ngồi bên anh ta. Cắt cảnh sang PETYA, đang nói đầy thịnh nộ, nhưng chúng ta vẫn chỉ nghe lời tường thuật của RENÉ. Có lúc PETYA nói gần như nhép môi đồng bộ với RENÉ.
RENÉ
Cơn thịnh nộ của anh ta chủ yếu là nhắm vào bản thân, đầy hối hận và nhục nhã. Tuy nhiên, anh ta cũng nói rất nhiều về chuyện anh ta ghét người em trai tới mức nào. Tình cảm của anh ta dành cho Apu đã cô đúc thành những khối căm thù quánh đặc tới mức chỉ có thể hòa tan bằng sinh huyết của người em trai, anh ta nói, và có lẽ ngay cả như thế cũng chưa đủ, có lẽ anh ta sau đó còn muốn định kỳ lui tới phóng uế trên nấm mồ hôi thối của Apu. Trên những trang tin tội ác của những tờ báo rẻ tiền, anh ta đọc chuyện những người đàn ông đã cầm tù nhiều người phụ nữ suốt nhiều năm và anh ta nói, có thể tôi sẽ làm thế, tôi có thể xích nó lại, nhét giẻ vào miệng nó và nhốt nó trong tầng hầm gần nồi hơi và ống nước nóng và tra tấn nó bất cứ lúc nào tôi muốn. Trong những ngày sau vụ đốt nhà ấy Petya uống rượu liên miên. Anh ta cũng hoàn toàn mất trí rồi.
Cắt.
CẢNH NGOẠI. NGÀY.
VĂN PHÒNG CỦA NERO. NHÀ GOLDEN.
NERO GOLDEN vẻ mặt hầm hầm đứng quay lưng ra cửa sổ và hai BÀ CHẰN đang chờ nghe chỉ thị của ông ta.
NERO
Tôi muốn có luật sư bào chữa tội hình sự giỏi nhất nước Mỹ. Phải tìm ra người đó ngay hôm nay và đưa tới đây.
Cửa phòng mở ra và VASILISA GOLDEN đứng đó, hai tay ôm bụng bầu. NERO quay sang cô ta, tức giận vì bị cắt ngang, nhưng nét mặt cô ta khiến ông im lặng.
VASILISA
Tới lúc rồi.
Cắt.