Nhà Golden - Chương 20
“Có chuyện này tôi tôi sẵn sàng thú nhận với chú em, thằng quỷ đẹp trai à,” Petya Golden nói nghiêm túc. “Tôi không còn một chút tình anh em nào. Hơn nữa, tôi nghĩ là cái quan điểm phổ biến cho rằng tình cảm sâu sắc của anh em ruột thịt là bẩm sinh và không thể tránh khỏi, và cho rằng ai không có tình cảm đó đều sẽ bị coi khinh lắm, mấy quan điểm đó không đúng đâu. Cái này không phải do di truyền thúc đẩy; trái lại, đó là một kiểu hăm dọa tống tiền về mặt xã hội.” Hiếm khi có khách được mời vào hang ổ của Petya nhưng gã dành ngoại lệ cho tôi, bởi vì, theo quan điểm riêng của gã, tôi vẫn là người đẹp trai nhất trái đất, thế cho nên tôi ngồi trong ánh sáng xanh trong phòng gã giữa các máy vi tính và những chiếc đèn bàn Anglepoise, nhận miếng bánh mì nướng phó-mát Double Gloucester gã mời, và nói càng ít càng tốt, ngầm hiểu là gã muốn nói chuyện, và chuyện của gã luôn đáng lắng nghe, ngay cả khi gã rất thường xuyên có suy nghĩ lệch khung. “Ở La Mã cổ đại,” gã nói, “thực tế là ở mọi đại đế chế khắp thế giới và ở mọi thời đại, anh em ruột thịt là những người đáng sợ nhất. Lúc chuẩn bị kế ngôi thường là lúc phải giết hay bị giết. Tình yêu thương? Những hoàng tử đó sẽ cười nhạo cái từ mà chú vừa nói ra đấy.”
Tôi hỏi gã trả lời sao về trường hợp William Penn, gã nói gì về ý tưởng đã trở thành thiêng liêng trong cái tên thành phố Philadelphia*, nơi đã phồn vinh ngay từ những năm sơ khai vì danh tiếng bao dung của nó đã thu hút nhiều người có tín ngưỡng và tài năng khác biệt và rồi đã tạo được những mối quan hệ tốt hơn mức bình thường với các bộ lạc thổ dân châu Mỹ bản địa. “Ý tưởng tứ hải giai huynh đệ đã in hằn trong rất nhiều triết thuyết và hầu hết các tôn giáo,” tôi đánh bạo nói.
“Chắc người ta tìm kiếm tình yêu nhân loại nói chung,” gã bắt bẻ lại với giọng lộ rõ sự chán chường cực độ. “Nhưng nói chung thì quá chung chung đối với tôi. Tôi ở đây đang nói cụ thể về những gì tôi ghét. Hai con người đã sinh ra và một đứa chưa sinh ra: đó là mục tiêu thù địch của tôi, sự thù địch có thể là vô tận, tôi không biết. Tôi ở đây đang nói về chuyện tháo bỏ những ràng buộc huyết thống, chứ không phải chuyện không ôm ấp toàn bộ cái giống loài khốn kiếp này, và làm ơn đừng nói với tôi về nàng Eva châu Phi hay LUCA* - Tổ Tiên Chung Cuối Cùng Của Mọi Người, về cái cục quánh đặc ba tỷ rưỡi năm là nguồn gốc loài người đó. Tôi biết cái cây gia phả của loài người và của sự sống thời tiền Homo sapiens trên trái đất và bây giờ mà cứ khăng khăng với mấy cái phả hệ đó là sẽ cố tình không hiểu quan điểm của tôi. Chú biết tôi đang nói gì với chú. Tôi chỉ ghét mấy đứa em tôi thôi. Chuyện này càng rõ ràng khi tôi nghĩ tới đứa bé mà chẳng bao lâu nữa chúng tôi sẽ phải chào đón.”
Tôi không thể nói gì, dù tôi cảm thấy một làn sóng tức giận của người cha đang dâng tức trong ngực. Rõ ràng, trong khi con trai tôi - đứa con bí mật nhà Golden của tôi - còn đang phát triển trong bụng mẹ, người anh tương lai Petya của nó đã có ý kiến không tốt về nó rồi. Tôi muốn tranh luận, muốn bảo vệ đứa bé và tấn công kẻ thù của nó, nhưng trong chuyện này số phận buộc tôi phải ùn lặng. Và câu chuyện của Petya đã thay đổi. Gã muốn tôi biết rằng gã đang ra một quyết định quan trọng, rằng gã đã quyết chữa trị chứng sợ ra ngoài trời để sau đó mãi mãi từ bỏ ngôi nhà ở đường Macdougal này, như vậy sẽ trở thành người cuối cùng trong ba con trai của Nero Golden tự chọn con đường riêng. Gã là người gặp khó khăn lớn nhất trong việc tự lập, nhưng lúc này gã bộc lộ một nguồn ý chí không ai ngờ được. Có một động lực thôi thúc gã, và trong lúc gã nói tôi hiểu đó chính là lòng căm thù, đặc biệt nhắm tới Apu Golden: căm thù nảy sinh trên bờ sông Hudson vào đêm thằng em gã quyến rũ - hoặc có thể bị quyến rũ bởi - mỹ nhân cắt sắt thép Ubah người Somali, căm thù được nuôi dưỡng qua bao ngày cô đơn lê thê tắm trong ánh đèn xanh, và cuối cùng dẫn tới hành động. Gã sẽ tự chữa dứt chứng sợ không gian rộng và rời khỏi nhà. Gã chỉ tấm bảng trên cửa hang ổ của mình. Hãy rời mái ấm, hỡi tuổi xuân, và kiếm tìm những bến bờ xa lạ. “Tôi từng nghĩ đó là việc chuyển sang Mỹ,” gã nói, “nhưng ở đây trong căn nhà này thì chúng tôi vẫn ở trong mái ấm, cứ như chúng tôi mang nó theo cùng. Bây giờ, rốt cuộc, tôi sẵn sàng đi theo chỉ dẫn của người trùng tên với tôi. Nếu không chắc chắn đến được bờ bến lạ thì ít nhất cũng ha khỏi nơi này, đến một căn hộ của riêng tôi.”
Tôi chỉ biết tiếp nhận những thông tin ấy. Cả hai chúng tôi đều biết chứng sợ không gian rộng là trở ngại ít gian nan hơn của Petya. Còn điều gì gian nan hơn thế thì lần đó gã quyết định không nói ra. Nhưng tôi đã thấy vẻ quyết tâm lớn lao hiện trên mặt gã. Rõ ràng gã đã quyết chiến thắng luôn những trở ngại của điều gian nan lớn lao hơn kia nữa.
Một vị khách mới xuất hiện ở nhà Golden ngày hôm sau, và sau đó là đến hàng ngày vào đúng ba giờ chiều, một người thân thể cường tráng có mái tóc vàng để kiểu dợn phồng, đi giày Converse, nụ cười khẳng định tính thành thật sâu xa, nói giọng Úc, và - như Nero Golden chỉ cho thấy - rất giống với Pat Cash, nhà vô định quần vợt giải Wimbledon đã giải nghệ. Đây là người được giao nhiệm vụ cứu Petya thoát khỏi chứng sợ không gian rộng: chuyên gia trị liệu bằng thôi miên của Petya. Tên ông ta là Murray Lett. “Nếu anh gọi tui, đó không phải là cú giao bóng lỗi,” ông ta thích nói thế; một câu bông đùa của dân tennis chỉ càng khiến ông ta thêm giống ngôi sao quần vợt Úc một thời kia.
Không dễ thôi miên Petya, vì gã luôn muốn tranh cãi với những gợi ý của chuyên gia này và ngoài ra gã không thích cái giọng Úc của ông ta, óc hài hước của ông ta, và nhiều thứ khác. Những phiên điều trị đầu tiên tiến hành khó khăn. “Tôi không xuất thần được,” Petya thường cắt ngang ông Lett. “Tôi cảm thấy thư thái và trong tâm trạng thoải mái nhưng tôi vẫn làm chủ hoàn toàn trí tuệ của mình.” Hoặc, một hôm khác, “Ôi trời, rốt cuộc tôi đã gần đạt tới đó. Nhưng một con ruồi mới bay qua mũi tôi.”
Petya để ý nhiều điều quá. Đó là một trong những trở ngại lớn nhất của gã. Có một lần tôi ghé đến căn phòng ánh sáng xanh ấy, khi gã dường như chỉ vào lần đó mới chịu nói về hội chứng Asperger, tôi có nhắc tới truyện ngắn “Funes Kẻ Nhớ Mọi Thứ” của Borges* - truyện về một người không thể quên bất cứ điều gì - và gã nói, “Đúng, chính tôi đấy, chỉ khác là không chỉ nhớ những gì đã xảy ra hay những gì người ta đã nói. Đó là nhà văn của chú em, ông ta quá chăm chú vào hành động và lời nói. Chú phải thêm vào mùi vị và âm thanh và cảm giác nữa. Còn thêm những cái nhìn và hình dáng và kiểu xe trên đường và chuyển động tương quan của những người đi bộ và khoảng lặng giữa các nốt nhạc và tác động của tiếng còi siêu âm lên những con chó nữa. Tất cả những thứ ấy lúc nào cũng chạy vòng vòng trong óc tôi.” Vậy là một dạng siêu-Funes bị đày đọa phải chịu quá tải đồng thời nhiều giác quan. Thật khó tưởng tượng thế giới nội tâm của gã ra sao, làm sao người ta có thể đương đầu với bao cảm giác chen chúc giống như những người đi tàu điện ngầm giờ cao điểm, âm thanh hỗn tạp điếc tai của tiếng nấc, tiếng kèn xe, tiếng nổ máy, và những tiếng lao xao, những hình ảnh rực rỡ như kính vạn hoa, mùi hôi hám lộn xộn. Địa Ngục, hội hè của những kẻ bị nguyền rủa, hẳn phải giống như thế. Lúc đó tôi hiểu ra là nếu bảo Petya sống trong một kiểu địa ngục nào đó tức là hoàn toàn trái với thực tại, thực tại chính là một kiểu địa ngục nào đó đang sống trong lòng gã. Hiểu biết này cho phép tôi nhận ra, và tự xấu hổ là mình đã không nhận ra điều này từ trước, cái sức mạnh và lòng can đảm phi thường mà Petronius Golden đương đầu với thế giới hàng ngày, và phải thông cảm nhiều hơn cho những lời ta thán dã man thỉnh thoảng gã vẫn nói về cuộc sống của gã, giống như những chuyện trên bệ cửa sổ hay trên tàu điện ngầm tới Coney Island. Và tôi cũng tự cho phép mình băn khoăn: Nếu sức mạnh cá tính phi thường ấy bây giờ dồn hết vào ác ý chống lại đứa em cùng cha khác mẹ sắp chào đời (thực ra, như chúng ta đã biết, chẳng hề là em của gã, nhưng lúc này cứ tạm gác ý nghĩ đó lại), đứa em cùng cha khác mẹ phiền toái và trên hết là đứa em cùng huyết thống phản trắc của gã, thì gã có thể thực hiện những hành động trả thù nào? Tôi có nên lo lắng cho sự an toàn của đứa con trai của chính tôi không hay đó chỉ là bằng chứng của phản xạ cuồng tín trong bản năng tôi trước tình trạng của Petya? (Gọi đó là tình trạng thì có đúng không? Có lẽ gọi “thực tại của Petya” thì đúng hơn. Ngôn ngữ đã trở nên khó khăn biết bao, như một bãi mìn dày đặc biết bao. Những ý định tốt không còn là hàng rào bảo vệ nữa.)
Để tôi chuyển sang chuyện uống rượu. Chuyện này thì tôi biết chắc chắn hơn. Petya nghiện rượu nặng; không thể che giấu điều đó. Gã uống một mình, uống nhiều, một gã say u sầu, nhưng đó là cách gã tìm ra để dập tắt cái địa ngục trong lòng và để ngủ được chút ít, hay chính xác hơn, để ngất đi và được vài giờ vô thức ơn phước. Và trong cái giờ trước khi bất tỉnh ấy, vào một dịp duy nhất gã cho phép tôi chứng kiến cách gã đêm đêm trôi vào lãng quên - vào lúc bắt đầu vào giai đoạn cuối thai kỳ của Vasilisa Golden, khi gã nói là “cần tôi ủng hộ,” - tôi đã nghe với sự khó chịu tăng dần và thậm chí còn ghét vì gã nói quá nhiều; Petya bất lực không thể kiểm soát cơn lũ huyên thuyên đang đổ tràn vào người gã hay kiểm duyệt dòng thác ngôn ngữ của chính mình, khi rượu đã thêm vào đó sự náo loạn của thông tin, và kết quả là một màn độc thoại kiểu dòng ý thức đã bộc lộ mức độ mà gã đã tiếp nhận sự phân rã thù nghịch của văn hóa Mỹ và dung nạp nó thành một phần của thương tổn cá nhân. Nói thẳng ra, cái bản ngã say rượu ban đêm của gã bộc lộ sự chao đảo về cả hai thái cực của quan điểm bảo thủ; sự hiện diện của cái bản ngã khác trên môi đang nói ra rả kiểu các đài truyền hình Fox và Breitbart, được tăng cường thêm bằng rượu, được tiếp sức thêm bằng cảm giác cô lập và nỗi thịnh nộ hoàn toàn chính đáng với thế giới này: Obamacare, kinh khủng!, vụ xả súng ở Maryland, đừng chính trị hóa sự việc!, tăng mức lương tối thiểu, nhục nhã!, hôn nhân đồng giới, trái tự nhiên!, phản đối tôn giáo cung cấp dịch vụ cho dân LGBT ở Arizona, ở Mississippi, tự do!, cảnh sát bắn thường dân, tự vệ! Donald Sterling*, tự do ngôn luận!, vụ xả súng khu đại học ở Seattle vụ xả súng ở Vegas vụ xả súng ở trung học Oregon, súng không giết người!, hãy trang bị súng cho giáo viên!, Hiến Pháp!, quyền tự do!, vụ chặt đầu của ISIS, Jihadi John*, kinh tởm!, chúng ta không có kế hoạch gì!, hạ hết chúng nó!, chúng ta không có kế hoạch gì!, ồ, và dịch Ebola! Ebola! Ebola! Tất cả những thứ này và nhiều nữa hòa thành một dòng cuồng lưu hỗn độn đã pha trộn với nỗi thù ghét của gã dành cho Apu, nếu như Apu đi theo cánh tả thì Petya sẽ đi theo cánh hữu để chống lại thằng em, bất cứ thứ gì Apu ủng hộ thì Petya đều chống lại hết, gã sẽ tạo dựng một thế giới đạo lý đảo ngược thực tại của em gã, đen là trắng, đúng là sai, dưới là trên và trong là ngoài. Chính Apu cũng đã mấy lần lãnh đủ những tràng độc thoại của Petya trong năm đó và phản ứng lại nhẹ nhàng, chứ không mắc bẫy.
“Cứ để nó muốn nói gì thì nói,” Apu bảo tôi. “Mày biết là nó mát dây trong đó mà.” Gã vỗ nhẹ vào trán để ám chỉ bộ óc của Petya.
“Anh ấy là một trong những người thông minh nhất tôi được biết,” tôi nói thật lòng.
Apu nhăn mặt. “Đó là một trí thông minh bị rạn nứt,” gã nói. “Cho nên không đáng kể. Ở ngoài này tao đang cố đương đầu với một thế giới rạn nứt.”
“Anh ấy đã cố gắng siêu phàm,” tôi đánh bạo nói. “Trị liệu thôi miên, nhiều thứ nữa.”
Apu bác bỏ. “Hãy gọi cho tao khi nào nó hết la ó như thể đang dự tiệc trà với cái mũ điên trên đầu. Hãy gọi cho tao khi nào nó quyết định thôi làm con voi Cộng Hòa trong cái phòng đó.”*
Đối với tôi, điều còn đáng ngại hơn cả sự thù nghịch ra rả ngoài miệng của Petya dành cho chính kiến của Apu chính là những tiết lộ trong lúc say của Petya về nỗi sợ hãi người khác giới. Chuyện này nữa hình như cũng bắt nguồn từ những vấn đề trong gia đình. Qua ngôn ngữ dữ dội của gã, mà tôi tránh không nhắc lại ở đây, rõ ràng là hòa ước mà gã tự ký kết với bản thân từ lâu - để tha thứ cho thái độ của D Golden đối với mẹ gã - đã không còn hiệu lực; và nỗi tức giận của gã tự bộc lộ bằng lòng thù ghét mãnh liệt đối với giới tính ngày càng lộn xộn của thằng em cùng cha khác mẹ. Gã bắt đầu dành cho D Golden những từ nặng nề như trái tự nhiên, đồi bại, và bệnh hoạn. Không hiểu sao gã biết chuyện xảy ra chiều hôm ấy trong buồng thay đồ của Vasilisa, và sự đồng lõa của cô ta trong trò thử nghiệm giới tính khác của D đã khiến gã mở rộng phạm vi ngôn từ tàn bạo về phía cô ta. Đứa bé trong bụng Vasilisa trở thành mục tiêu của sự thịnh nộ này. Một lần nữa, tôi đâm lo cho sự an toàn của đứa bé chưa chào đời.
Phép thôi miên cuối cùng bắt đầu có tác dụng. Bước chân mang giày Converse của chuyên gia thôi miên liệu pháp tóc dợn phồng Mr. Lett đã nhún nhẩy đắc chí. “Tiến triển thế nào rồi?” Tôi hỏi lúc ông ta đang đi ra sau một phiên điều trị và trong cơn phấn khởi ông nói muốn sặc cả lời. “Gất tốt, cám ơn,” ông ta nói. “Tui quàng tàng tình là xẽ tốt. Chỉ cần một hay hai lần nữa. Tôi xử zụng một phương pháp giêng của tui cho tình chạng đặc biệt này, tui gọi đó là Personally Progremmed Power, xức mạnh lập chình theo cá nhân, gọi tắt là ppp cho gọn. Đây là zấn đề làm ziệc zới con người theo từng bước một zà từ từ làm tăng xự tự tinh lên, zà tui muốn gọi zấn đề đó là hiện thực hóa bản thân. Mỗi bước chúng tôi đi theo lộ chình ppp xẽ làm tăng niềm tinh của con người zào chính bản thân mình. Chúng tôi bây zờ đã tiến chiển tốt theo hướng đó. Hết xức chắc chắn, phải. Sẽ đâu zào đó thôi. Đây là zấn đề tạo cho bạn của cậu một bằng chứng cụ thể nào đó, bằng chứng mà bạn cậu có thể lập lại hết lần này tới lần khác, là zấn đề khả năng kiểm soát tiến chình tình thần của cậu ta. Làm chủ được các phản ứng cảm xúc zà thể chất của cậu ta. Một khi cậu ta đã biết là cậu ta có thể làm điều đó, cậu ta xẽ thấy tự tinh kiểm xoát những chải nghiệm của mình ở thế zới bên ngoài. Từng bước một. Đấy là điều đáng mong đợi. Cái mà tui đang zúp cho cậu ta là khả năng lựa chọn đúng như ý muốn trong cách phản ứng zới người chung quanh, zà zới những chiên có thể xảy ra bây zờ hay trong tương lai, zà bất cứ tình huống nào có thể nảy xinh. Tui gất lạc quan. Xin chào.”
Như một phần trong tiến trình tập kiểm soát, Petya nghiên cứu các cấu trúc của cái mà gã gọi là “những không gian thần kỳ,” đồ hình ngôi sao năm cánh của các giáo phái huyền bí và vùng riêng biệt eruv của người Do Thái. Nếu gã chấp nhận được hòn đảo tư nhân ngoài khơi Miami là một không gian như vậy, và trong trường hợp khác, khu đất rào kín của Ubah Tuur ở phía bắc ngoại thành, nơi câu chuyện đáng buồn ấy đã xảy ra, vậy thì chắc chắn gã có thể tạo dựng những không gian thần kỳ đó cho chính mình. Đó chính là cách gã nảy ra ý tưởng vẽ những vòng tròn bằng phấn quanh đảo Manhattan. Gã phải đi vòng hết đảo và tự mình vẽ những vòng tròn ấy. Gã phải làm thế mà không ai giúp đỡ và để tăng mãnh lực của vòng tròn này gã sẽ vừa đi vừa rắc tỏi. Để dễ cho gã chế ngự được nỗi sợ, Petya sẽ phải đeo kính bảo hộ đen kịt, và mặc áo có mũ trùm đầu. Gã cũng phải nghe nhạc thật to qua chiếc headphone khử tiếng ồn, và uống thật nhiều nước. Không ai có thể làm thay việc này cho gã. Đó là việc gã phải tự hoàn thành một mình.
Chuyên gia trị liệu Lett vừa hoan nghênh vừa ủng hộ ý định này, còn đề nghị sẽ đi mua giúp phấn và tỏi. Tuy vậy, Nero Golden lại lo lắng, và gọi mấy cuộc điện thoại.
Ngày ấn định ấy ló dạng nóng ẩm dưới vòm trời không mây. Petronius Golden từ căn phòng ánh sáng xanh bước xuống ăn mặc đúng như gã đã hứa hẹn, với vẻ quyết tâm của một tay đua marathon Ethiopia trên gương mặt. Murray Lett chờ gã ở cửa chính và trước khi Petya bước ra đường, nhà trị liệu này còn cố nhắc nhở là gã đã khá hơn rất nhiều, ông ta giơ hết mấy đầu ngón tay đếm những thành tựu của Petya. “Bây zờ nhớ nghe. Bước tiến quan chọng cho hiệu quả bản thân! Hết xức tăng cường tập chung zà chú ý! Tiến bộ khổng lồ chong tự chủ zà tự tinh! Quản lý căng thẳng đã tốt hơn nhiều! Quản lý tức zận cũng tốt hơn nhiều! Nhiều bước tiến lớn zề phía kiểm xoát xung động! Chiện này cậu làm được!” Petya, trong trạng thái hết sức tăng cường tập trung và chú ý mà Lett đã đề cập, đang nghe nhạc rock của ban Nine Inch Nails bằng headphone nên không nghe được ông ta nói gì. Gã quàng trên một vai một túi nhỏ đựng đầy phấn, và đeo sau lưng một ba-lô đựng các hộp nước dừa, trái cây, bánh sandwich, kẹo yến mạch, và đùi gà nướng. Còn có thêm ba đôi vớ dự phòng. Những người đi bộ dày dạn trên Internet đã cảnh báo với gã là bàn chân ướt trong chiếc vớ đẫm mồ hôi sẽ bị phồng rộp, và sẽ khiến cuộc đi bộ này không thể hoàn thành. Một tay gã cầm một bao tỏi đã đập dập. Tay kia vung một chiếc gậy đi bộ ở đầu gậy gã đã dán viên phấn đầu tiên. Các túi áo quần của gã còn đầy căng thêm nhiều cuộn băng keo nữa để gã có thể thay phấn khi cần thiết. “Hãy nghĩ tới hành zi xã hội của cậu,” Murray Lett la to, phút chót ông ta mới hiểu ra là nãy giờ Petya không nghe ông nói gì cả. “Không được hướng zào nội tâm. Phải tiếp xúc bằng mắt. Phải nhớ những điều nên làm đó.” Nhưng Petya đang ở trong thế giới riêng và chuyện tiếp xúc bằng mắt không có trong những dự tính của gã. “Điều cuối cùng,” Murray Lett la lên, và bây giờ Petya ban ơn cho ông ta bằng cách tháo headphone xuống và lắng nghe. “Tui mong là nhịp độ zấc ngủ của cậu lâu nay zẫn tốt,” Murray Lett hạ giọng xuống. “Ngoài ga, xin lỗi zì đã hỏi chiên này, zấn đề chứng đái zầm, chúng ta đã loại trừ được gồi, đúng không?” Nghe thế Petya Golden không dám đảo mắt, đeo lại headphone, có vẻ hài lòng vì bây giờ nhạc của Axl Rose đã thay thế nhạc của Trent Reznor, gã cúi đầu xuống, bước ra cửa đi vào chiếc xe Uber đang chờ đưa gã tới điểm xuất phát đã chọn, khu vực cảng South Street; để mặc ông Lett đằng sau. “Cậu ngon lành đó,” nhà trị liệu la với theo. “Cậu đáng khen đó. zỏi lắm.”
Nero Golden cũng đứng ở cửa, đi kèm là hai bà Lăng Xăng với Lải Nhải, và tôi. “Cứ từ từ thôi con,” lão nói với con trai. “Đừng hấp tấp. Cứ đi thoải mái. Đây không phải chạy đua đâu.” Khi chiếc xe đã đưa Petya đi, Nero nói vào điện thoại. Người của lão sẽ chạy những chiếc suv theo tuyến đường đó. Sẽ có những con mắt theo dõi Petya trên mọi bước chân.
Ba mươi hai dặm, xấp xỉ khoảng đó, là “cuộc đi dạo vĩ đại” quanh đảo Manhattan. Bảy mươi ngàn bước. Mười hai giờ, nếu ta không đi cực nhanh. Hai mươi công viên: tôi không đi theo, nhưng tôi hiểu ngay lập tức khoảnh khắc này sẽ là một cao trào trong bộ phim tôi đang mơ tưởng, bộ phim Golden trong tưởng tượng của tôi. Tiếng nhạc lớn trên nền âm, Metal Machine của Lou Reed, Zeppelin, Metallica, và của ban nhạc có dấu biến âm trong tên gọi, Motốrhead và Môtley Crủe. Người đi bộ cứ đi, và tiếng trống lắc tambourine theo từng bước chân đặt xuống (làm cách nào đó để nghe được âm thanh này trong tiếng nhạc heavy metal thì tôi chưa nghĩ ra được). Trong công viên gã băng ngang qua những nhân vật trong cuộc đời gã, đang theo dõi gã; có phải họ là những bóng ma, những ngoại chất của hoang tưởng bị hủy hoại trong gã? Đây, mẹ gã ở công viên Nelson A. Rockeíeller, dứt khoát là một bóng ma hay một ký ức. Đây, Apu đang chạy bộ băng qua gã ở đoạn East River Promenade. Xa hơn phía trước, D Golden và Riya ở công viên Riverside, cả hai đều bất động, theo dõi gã vừa đi ngang qua vừa trố mắt nhìn như các bóng ma. Quanh họ cây cối hốt hoảng, ám ảnh. Ưbah Tuur đứng như lính gác ở công viên Inwood Hill cạnh khối đá Shorakkopoch đánh dấu vị trí ngày xưa dưới cây tulip lớn nhất ở Mannahatta, Peter Minuit đã mua đảo này với giá sáu mươi đồng guilder, và trong công viên Carl Schurz gần dinh thự Gracie chính là Lett tóc dợn phồng, đang thúc giục gã đi tiếp. Có lẽ Lett là người đã thực sự có mặt ở đó. Petya đi tiếp, gã lắc trống tambourine, xa rời giới hạn méo mó của nỗi sầu muộn. Và khi gã đi, một sự chuyển hóa. Ở dặm thứ mười, trong công viên West Harlem Piers, gã ném viên phấn đi, ngừng vẽ những đường vạch nãy giờ đã theo gã đến tận đây, và một khi gã đã băng qua tư dinh thị trưởng thì gã quẳng mớ tỏi luôn. Điều gì đó đã thay đổi cho gã. Petya không cần đánh dấu địa phận của mình nữa. Cuộc đi bộ chính nó đã là dấu ấn, và việc hoàn tất chuyến đi này sẽ tạo thành trọn vẹn vùng riêng biệt eruv vô hình, không thể xóa bỏ của gã.
Và đến lúc gã trở về, hơi lảo đảo, tới nơi xuất phát, bầu trời đã tối sầm; và cuối cùng dưới ánh mắt quan sát từ những chiếc thuyền buồm Lettie G. Howard và Pioneer cùng chiếc tàu hàng Wavertree, trên hai bàn chân phồng rộp băng bó, chầm chậm và bất chấp những con mắt theo dõi, gã bắt đầu nhảy múa. Dưới bầu trời kim cương với cánh tay tự do vung vẩy*. Vậy là gã đã phá bỏ được vận rủi. Một vận rủi. Và có lẽ đã biết được đôi điều về sức mạnh bản thân, về khả năng đương đầu và vượt qua những thử thách khác của chính mình. Hãy nhìn gương mặt gã lúc này: nét mặt của một người nô lệ được trả tự do.
—Còn lòng căm thù thì sao?
—Ô, vẫn còn nguyên.