Nhà Golden - Chương 19
“Em không thích nhà Golden,” Suchitra nói. “Từ lâu em đã có ý định nói điều này. Anh nên dọn đi sớm.” Nàng đưa ra lời giải thích bên ly cocktail buổi tối giờ đã thành thông lệ của chúng tôi trong quán rượu kiểu Anh gần Quảng trường Washington: whisky Ireland thêm đá cho nàng, vodka và soda cho tôi. “Thực ra em không có quan điểm tiêu cực nào với ba người con trai, nhưng ông già… em không thích, và vợ ông ta nữa. Chủ yếu là chính cái ngôi nhà ấy. Nó khiến em rờn rợn. Không hiểu tại sao nhưng đúng là thế. Cảm giác giống như dinh thự gia đình Addams*. Anh không cảm thấy thế khi ở trong đó sao? Giống như ngôi nhà của những hồn ma. Những người giàu mất gốc này chối bỏ lịch sử và văn hóa và danh tánh. Thoát được tội đó vì tình cờ màu da cho phép họ biến đi. Họ là người thế nào mà phủ nhận giống nòi? Em không quan tâm nếu anh sống ở xứ sở của cha anh hay không, em không nói đến mấy thứ kiểu như ủng hộ bản xứ chống đối nhập cư, nhưng nếu cứ giả vờ như gốc gác không tồn tại, như mình chưa bao giờ sống ở đó, như nó chẳng dính dáng đến mình và mình chẳng dính dáng đến nó, thì em có cảm giác như họ, về mặt nào đó, đã chấp nhận chết rồi. Giống như họ đang sống kiếp sau của mình trong khi vẫn đang sờ sờ ra đấy. Em tưởng tượng họ đêm đêm cứ nằm xuống những chiếc chiếc quan tài. Không, tất nhiên không hẳn thế, nhưng anh hiểu ý em mà.”
Suchitra là một phụ nữ New York không điển hình. “Em có ba quy tắc dành cho tất cả các bạn trai của em,” nàng nói với tôi khi hai đứa trở thành tình nhân lần đầu. “Tự kiếm tiền, tự kiếm nhà ở, và đừng hỏi cưới em.” Bản thân nàng sống đơn giản trong căn hộ hai phòng thuê ở Battery Park City. “Em thực tế chỉ sống trong một phòng,” nàng nói rõ. “Phòng kia để áo quần với giày dép.” Đó là một căn góc có những cửa sổ lớn nên dòng sông ngoài kia thành bức tranh treo tường, sương mù lan vào lúc bình minh, những phiến băng mùa đông tiếp nối với những cánh buồm đầu tiên của mùa xuân, những chiếc tàu vận tải, những chiếc tàu kéo, những chiếc phà, chiếc ca-nô cao tốc cắm cờ cầu vồng của hội du thuyền dành cho người đồng tính địa phương, trái tim nàng ngập tràn tình yêu dành cho thành phố này bất cứ lúc nào nàng nhìn khung cảnh đó, cảnh vật không bao giờ lặp lại, gió và ánh sáng và mưa, điệu múa của mặt trời và mặt nước, và căn hộ trong tòa nhà bên kia đường có chiếc kính viễn vọng lớn bằng đồng bên cửa sổ và nhìn thấy rõ cái giường của nàng, nghe đồn là một chỗ trú tạm của Brad Pitt để sử dụng khi trốn VỢ; và cách xa một chút là nữ thần màu xanh lá cây cầm ngọn đuốc theo dõi tất cả, soi sáng thế giới. “Thành phố này là người tình chung sống của em,” nàng bảo tôi ngay từ đầu. “Nàng sẽ ghen khi có anh chàng nào dọn tới ở.”
Tôi thấy vậy cũng được. Bản tính tôi cũng thích một chút không gian và im lặng quanh mình, và tôi thích một phụ nữ độc lập, cho nên cũng dễ đáp ứng các điều kiện của Suchitra. Về vấn đề hôn nhân tôi có đầu óc phóng khoáng, nhưng vui vẻ chấp nhận lập trường vững chắc của nàng vì cũng hợp với tôi. Tuy nhiên, tôi bây giờ thấy mình lâm vào thế cờ bí rốt cuộc mọi kẻ giả dối, lường gạt và lừa đảo đều phải đối mặt: ván cờ đã tới lúc phải đi một nước nhưng chẳng có nước cờ hay nào để đi. Lúc đó là đầu xuân, và thị trường bất động sản đã bắt đầu chuyển động; đã có một người chắc chắn muốn mua căn nhà cũ của gia đình tôi, và giao dịch đã gần hoàn tất, Vasilisa rất rạch ròi sòng phẳng khi cô ta nói chuyện nhà cửa với tôi; không một chút ẩn ý gì về sinh hoạt bí mật của chúng tôi trong giọng nói hay trên gương mặt cô ta. Tôi có khoản thừa kế và sắp nhận được một khoản gia tăng tài sản lớn đáng kể ngay khi bán xong căn nhà này. Trong lúc này bản năng bảo tôi cứ ở yên nơi đang ở, cuối cùng sẽ đi thuê nhà, và tìm quanh cho tới khi tìm được nhà phù hợp thì mua luôn. Do đó chuyện Suchitra khuyến khích tôi dọn đi là hoàn toàn có lý, nhưng lại xung đột với mong muốn của tôi. Vì ba lý do công khai và một lý do không công khai, tôi phản đối. Tôi chia sẻ với nàng ba lý do đầu tiên, tất nhiên. “Nhà đó yên tĩnh, (a),” tôi nói. “Ở đó dễ làm việc. Anh có không gian cần thiết và gần như anh muốn làm gì thì làm. Và (b), em biết những người ở đó là cốt lõi của công việc anh đang làm. Đúng, có gì đó không bình thường ở ông già ấy, nhưng ông ta đã bắt đầu thích có anh bầu bạn, anh có cảm giác là ông ta có thể mở lòng với anh bất cứ lúc nào, và điều đó đáng bỏ công chờ đợi. Anh nghĩ Petya là một gánh nặng lớn của ông ta và tuổi già cũng đang khiến ông ta chật vật, ông ta đột nhiên cư xử rất là già lão. Và rồi còn (c), tức là khu Gardens này vốn là cả cuộc đời anh và khi anh dọn khỏi nhà Golden thì anh không còn ra vào khu đó được nữa. Anh không biết mình đã sẵn sàng cho chuyện ấy chưa, phải sống mà không còn không gian kỳ diệu đó.”
Nàng không cãi. “Okay,” nàng tử tế nói. “Chỉ nói cho biết vậy thôi. Khi nào anh sẵn sàng thì nói em.”
Kẻ phản bội lo sợ tội lỗi sẽ in dấu trên gương mặt mình. Bố mẹ tôi luôn bảo tôi không có khả năng giữ bí mật và tôi mà nói dối là họ thấy đèn đỏ nháy sáng trên trán tôi liền. Tôi bắt đầu thắc mắc không biết Suchitra đã thấy cái ánh đèn đó chưa, và không biết việc nàng thúc giục tôi rời khỏi nhà Golden có phát xuất từ nghi ngờ là khoảng thời gian của tôi dưới mái nhà đó không hoàn toàn vô hại. Nỗi sợ lớn nhất của tôi là nàng sẽ để ý ở tôi có sự khác thường nào đó về tình dục. Tôi chưa từng tin rằng việc làm tình lại chính là một môn thể thao Olympic; việc gợi hứng và hấp dẫn nhau là kết quả của cảm xúc sâu xa giữa hai bên, của sức mạnh quan hệ. Đó cũng là quan điểm của Suchitra. Nàng là một người tình nôn nóng. (Thời gian biểu của nàng quá bận rộn cho nên nàng không có thời gian rề rà cho bất cứ chuyện gì.) Màn dạo đầu của chúng tôi thường được tối thiểu hóa. Buổi tối nàng kéo tôi nằm xuống và bảo, “Vào trong em liền đi, em muốn thế,” và sau đó nàng tự cho là đã thỏa mãn, là loại lên đỉnh nhanh và thường xuyên. Dù lẽ ra tôi phải thấy mình không thích hợp với cách hành sự đó, tôi lại thấy mình không bị coi thường chút nào. Nàng là người quá chu đáo nên hoàn toàn không có ý khinh rẻ năng lực của tôi đâu.
Nhưng với Vasilisa, mọi chuyện diễn tiến khác hẳn. Cách hành sự của cô ta và tôi luôn ấn định vào buổi chiều, kiểu cinq-à-sept* kinh điển Pháp. Chúng tôi không ngủ với nhau. Chúng tôi không hề ngủ chút nào. Ngoài ra, việc làm tình của chúng tôi hoàn toàn có mục đích, nhằm tạo ra sinh linh mới, điều khiến tôi vừa kinh hãi vừa phấn khởi, mặc dù cô ta không ngừng trấn an rằng đứa bé ấy sẽ không thành gánh nặng cho tôi, nó sẽ không làm đời tôi thay đổi mảy may. Đây là chuyện sinh con không cần trách nhiệm. Lạ thay, ý tưởng đó lại khiến tôi thấy đáng sợ hơn một chút chứ không phải đáng mừng hơn một chút. “Chị hiểu được,” cô ta nói trong tổ chim riêng của chúng tôi chót vót trên khách sạn nhìn ra công viên, “chị sẽ phải làm hết sức để em thấy thoải mái với chuyện đó.” Cô ta vững tin rằng chuyện tạo em bé đòi hỏi phải phấn khích cực độ và cô ta tự tin mình là chuyên gia trong lãnh vực đó. “Cưng ơi,” cô ta nói thì thầm, “chị có thể làm gái hư một chút cho em, nên chị cần em nói cho biết những chuyện thầm kín của em để chị có thể biến chúng thành hiện thực.” Những gì sau đó là một kiểu làm tình tôi chưa từng biết, buông thả hơn, nhiều thử nghiệm hơn, cực độ hơn, và lạ thay lại đầy tin cậy hơn. Cùng là kẻ phản bội cả, chúng tôi biết tin cậy ai đây ngoài tin cậy lẫn nhau?
Suchitra: trong những cuộc đọ sức yêu đương ít hoành tráng hơn giữa nàng với tôi, không biết nàng có để ý thân thể tôi đang bắt đầu chuyển động theo nhiều cách khác, sau khi đã học những thói quen mới, câm lặng đòi hỏi những thỏa mãn khác biệt? Làm sao nàng không để ý được? Vì tôi chắc chắn đã khác, mọi thứ đều khác lạ đối với tôi, những kỳ ba ngày mỗi tháng đó đã thay đổi tất cả đối với tôi. Và những lần kiệt sức hàng tháng của tôi sau những chiều tình hoạt náo ấy thì sao?
Làm sao giải thích những điều đó, sự lặp lại đều đặn đó? Nhất định là nàng có nghi ngờ. Nàng phải nghi ngờ. Không thể nào che giấu nàng, người bạn thân thiết nhất của tôi, những đổi khác như vậy.
Nàng dường như chẳng để ý thấy gì. Buổi tối chúng tôi bàn về công việc rồi ngủ. Quan hệ chúng tôi không phải kiểu làm-tình-mỗi-đêm-không-là-chết. Chúng tôi thoải mái với nhau, vui sướng chỉ cần được ôm nhau và nghỉ ngơi. Chuyện này thường xảy ra ở căn hộ của nàng (Nàng luôn vui vẻ cho tôi ở đó miễn là không đả động gì đến việc tôi dọn tới đó luôn). Nàng không thích ở lại Kim Cung. Do đó không phải đêm nào chúng tôi cũng ở bên nhau, hoàn toàn không. Cho nên khi xảy ra chuyện thì cũng không khỏ cho tôi che đậy dấu vết. Tuy nhiên, nàng vẫn tiếp tục đưa vấn đề tôi nên rời khỏi chỗ ở trên đường Macdougal đó. “Anh lúc nào cũng có thể lui tới khu Gardens ấy thông qua các nhà hàng xóm khác,” nàng lập luận. “Nhiều nhà hàng xóm cũng từng yêu mến và thân thiện với bố mẹ anh mà.”
“Anh cần thêm thời gian với Nero,” tôi nói. “Anh muốn đi tới tận cùng cái ý tưởng về một kẻ xóa sạch mọi điểm quy chiếu của mình, kẻ không còn muốn liên quan gì đến quá khứ của mình. Một kẻ như thế có thể gọi là một con người không? Một thực thể trôi dạt tự do không hề có bất kỳ chốn neo đậu buộc ràng? Ý tưởng hay quá mà, phải không?”
“Hay,” nàng nói, “okay,” rồi trở mình và ngủ.
Sau đó:
“Còn ả gái bao đó thế nào rồi?” Suchitra hỏi tôi. “Anh có thường gặp cô ả không?”
“Cô ta toàn mua sắm áo quần,” tôi đáp, “Và bán những căn hộ penthouse cho bọn Nga.”
“Em có lần đã muốn làm một phim tài liệu về những ả gái bao,” nàng nói. “Madame de Pompadour, Nell Gwynn, Mata Hari, Umrao Jaan. Đã nghiên cứu nhiều lắm. Có thể em sẽ làm lại dự án này.”
Nàng dứt khoát đã nghi ngờ.
“Okay,” tôi nói. “Anh sẽ dọn đi.”
Cắt.
* * *
Khi nhìn thế giới bên ngoài bản thân, tôi thấy phản chiếu ở đó là sự nhu nhược đạo đức của chính mình. Bố mẹ tôi đã lớn lên ở xứ thần tiên, thế hệ cuối cùng không có người thất nghiệp, thời đại cuối cùng của tình dục không sợ hãi, khoảnh khắc cuối cùng của chính trị không có tôn giáo, nhưng bằng cách nào đó những năm tháng của họ ở xứ thần tiên ấy đã truyền thụ cho họ, củng cố cho họ, ban cho họ niềm xác tín rằng họ có thể thay đổi và cải thiện thế giới của mình bằng những hành động trực tiếp, và cho phép họ ăn trái táo cấm vườn Địa Đàng, thứ sẽ cho họ hiểu biết thiện ác mà không sợ bị mê hoặc bởi đôi mắt thôi miên hãy-tin-ta và vòng cuộn siết chết người của con trăn trong Truyện Rừng Xanh*. Bây giờ hễ thấy điều kinh khủng đang ào ạt lan tràn bất kỳ đâu là chúng ta nhắm mắt làm ngơ hay nhân nhượng với nó. Những lời này không phải của tôi. Trong một giây phút thọc mạch đậm chất tỉnh lẻ ngay giữa cuộc sống Manhattan, cũng đúng gã hùng biện rỗng tuếch tôi đã gặp ở Central Park đang đi bộ trên đường Macdougal ngay dưới cửa sổ phòng tôi, ngày hôm nay y đang nói về sự phản bội, sự phản bội y lãnh đủ từ gia đình, chủ thuê, bạn bè, thành phố, quốc gia, thế giới, và điều kinh khủng ấy, đang lan tràn, và chúng ta, ngoảnh mặt đi… như thể lương tâm tôi đã biến thành gã vô gia cư lập dị đang lảm nhảm một mình kia không thèm đếm xỉa tới tai nghe điện thoại di động lủng lẳng bên tai. Trời ấm, lời lạnh. Có phải là y bằng xương bằng thịt hay đó là tội lỗi tôi hiện hình thành y? Tôi nhắm mắt lại rồi mở ra. Gã ta đang đi về phía đường Bleecker. Có lẽ đây là một thằng cha khác.
Tôi vẫn có những khoảnh khắc khi thân phận mồ côi dường như từ tôi lan tỏa ra và ngập tràn thế giới, hay chí ít là phần thế giới trong tầm mắt tôi. Những khoảnh khắc mất phương hướng. Tôi tự cho phép mình nghĩ rằng chính là vì lâm vào nỗi thống khổ của một biến cố đảo lộn nhường ấy mà tôi chấp thuận mưu đồ nguy hiểm của Vasilisa Golden. Tôi tự cho phép mình nghĩ rằng lời than oán cho hành tinh này, vốn ngày càng đầy ắp trong suy nghĩ, phát sinh từ mất mát nhỏ nhoi của bản thân tôi và rằng thế giới này không đáng bị nghĩ tệ như vậy. Nếu tôi tự cứu mình khỏi vực thẳm đạo đức thì thế giới này sẽ tự lo thân nó, cái lỗ thủng trên tầng ozone sẽ tự khép lại, những kẻ cuồng tín sẽ rút lui vào những mê cung tăm tối của họ dưới gốc cây và trong những hào rãnh dưới đáy biển và mặt trời lại sẽ sáng soi và điệu nhạc vui sẽ tràn ngập không gian.
Đúng, đã đến lúc phải dọn đi. Nhưng dọn đi thì giải quyết được cái gì? Tôi vẫn còn nghiện ba buổi chiều mỗi tháng trên tầng năm mươi ba. Âm mưu này chậm có kết quả hơn Vasilisa dự tính và cô ta bắt đầu ta thán. Cô ta buộc tội tôi là không có ý hướng tốt với cuộc mạo hiểm này. Bằng cách nào đó tôi đã gây xui xẻo. Tôi phải tập trung, chú tâm, và trên hết tôi phải muốn chuyện đó. Nếu tôi không muốn thì chuyện không thành. Đứa con sẽ không xuất hiện khi nó cảm thấy mình không được mong muốn hoàn toàn. “Đừng có chối với tôi,” cô ta nói. “Không chừng cậu chỉ muốn chơi tôi thôi, phải không? Cho nên cậu cố tình kéo dài. Vậy thì, okay, tôi có thể chấp nhận sau này vẫn chơi với cậu. ít ra là thỉnh thoảng.” Khi cô ta nói thế tôi chỉ muốn khóc lên, nhưng nước mắt của tôi nếu có tuôn ra chỉ càng khiến cô ta thêm tin chắc rằng vì lý do nào đó và bằng cách nào đó tôi đang từ chối không cho cô ta những con tinh trùng mạnh mẽ nhất, rằng tôi - dưới mắt cô ta - là kẻ đáng khinh về mặt sinh học. Tôi đã muốn phát điên lên rồi và tôi muốn chuyện này kết thúc cho xong, tôi không muốn kết thúc, tôi muốn cô ta mang bầu, không tôi không muốn, có tôi có muốn, không, không muốn.
Và rồi chuyện đó xảy ra. Và cô ta quay lưng với tôi mãi mãi và để mặc tôi bị hủy hoại. Tình yêu với một phụ nữ khác thì không, nhưng bị hủy hoại vì không còn nữa nỗi khoái lạc phi thường đầy phản trắc của cô ta và tôi.
Trong bộ phim tôi tưởng tượng, chuyện này sẽ là sự phản bội tột cùng, tới đây thì phải chuyển cảnh từ Vasilisa sang người chồng. Thế là: Cô ta bước ra khỏi phòng suite tầng năm mươi ba và cánh cửa khép lại và thế là xong.
—Nghệ thuật đòi hỏi phản bội, và phải hoan hô sự phản bội đó, bởi vì sự phản bội này đã biến hóa thành nghệ thuật. Thế mới phải, phải không? Phải không?—
Cảnh mờ nhòa dần.
* * *
“Cậu biết tôi từ đâu tới,” Nero Golden vừa nói vừa nheo mắt. “Tôi biết cậu biết. Thời buổi này chẳng ai giấu giếm được gì cả.” Đêm khuya lão đưa tôi vào cõi riêng linh thiêng của lão, muốn trò chuyện. Tôi vừa mừng vừa sợ. - Sợ, vì lão sẽ chất vấn tôi với những thông tin về chuyện tôi lâu nay gian díu với bà Golden? Phải chăng lão đã cho người theo dõi hai chúng tôi, và trên bàn lão là tập hồ sơ ảnh chụp của thám tử tư? Ý nghĩ ấy thật đáng ngại hết sức. - Và mừng, bởi vì đây có thể là lúc mở lòng mà tôi đã mong ngóng bấy lâu, khoảnh khắc thú tội khi một người về già, mệt mỏi với cái bản ngã không ai biết đã tự khoác cho mình, một lần nữa, lại muốn người biết đến. - “Dạ, thưa ngài,” tôi nói. “Đừng có nói thế với tôi!” Lão la lên, chủ yếu là vui tính thôi. “Cứ tiếp tục giả vờ như cậu là thằng oắt con ngu ngốc và làm bộ ngạc nhiên khi tôi kể cậu nghe chuyện gì đó. Được chứ?” “Được ạ,” tôi nói.
Trong lúc vợ lão mang thai, sức khoẻ sa sút của Nero Golden dần lộ rõ trước mắt mọi người. Không bao lâu nữa lão sẽ chạm ngưỡng tuổi tám mươi và trí óc lão đang từ từ mưu phản. Lão vẫn ra ngoài mỗi sáng lúc tám giờ mặc bộ đồ tennis trắng tinh với chiếc mũ két trắng trên đầu, vụt cây vợt trong không khí với vẻ đừng-có-giỡn-mặt-tao thường lệ, và chín mươi phút sau vẫn trở về ướt đẫm mồ hôi và tràn trề thỏa mãn hả hê. Nhưng có một hôm, chỉ mấy ngày trước lần triệu hồi tôi lúc khuya, lại xảy ra một chuyện rủi ro. Lão đang băng qua đường thì một chiếc xe, chiếc Corvette cổ, vượt đèn đỏ ở giao lộ Bleecker-Macdougal và đâm vào lão. Chỉ đâm sớt qua thôi nhưng đủ mạnh khiến lão ngã nhào, nhưng chưa đủ mạnh để gãy cái xương nào. Phản ứng của lão là đứng bật dậy, lập tức bỏ qua cho tên lái xe, không chịu làm bất kỳ báo cáo hay đơn kiện nào, lại còn mời tên lái xe, một tay da trắng bạt mạng có mái tóc dày uốn dợn trên đầu, vào trong nhà uống cà phê. Thái độ này quá sức trái ngược với bản tính lão nên ai cũng đâm lo. Nhưng phải mất một lúc sau thì mới chẩn đoán được mức độ của vấn đề. “Tôi không sao, không sao,” Nero nói sau vụ đụng xe Corvette. “Đừng làm ầm ĩ mà. Tôi chỉ lo cho thằng cha kia bởi vì hắn rõ ràng là sợ run bắn cả người. Làm vậy là đúng thôi.”
Và bây giờ tôi một mình trong hang ổ của lão trong đêm. Chuyện gì đang chờ đợi tôi đây? Lão mời tôi xì-gà, tôi từ chối. Một ly cognac; tôi cũng từ chối. Tôi chưa bao giờ thích loại rượu brandy. “Uống gì đi,” lão ra lệnh, thế là tôi chấp nhận một ly vodka nhỏ. “Chúc mừng,” lão vừa nói vừa nâng ly một cách bề trên. “Cạn ly.” Tôi uống ực hết ly, để ý thấy lão chỉ nhấp môi trên vành chiếc ly bầu rót cognac theo kiểu chiếu lệ. “Ly nữa nhé,” lão nói. Tôi không biết lão tính phục rượu cho tôi say như lần trước hay sao. “Chút nữa đi,” tôi vừa nói vừa lấy lòng bàn tay chặn trên miệng ly của mình. “Chuyện gì từ từ rồi nói.” Lão chồm tới, vỗ vào đầu gối tôi và gật gù. “Tốt, tốt. Người nhạy cảm đấy.”
“Để tôi kể cậu nghe một chuyện,” lão nói. “Ngày xưa ở Bombay - cậu thấy chưa? Tôi gọi thành phố xưa đó bằng tên cũ của nó, lần đầu tiên từ ngày tôi đặt chân lên đất Mỹ cái tên đó mới thốt ra khỏi miệng tôi, cậu nên thấy vinh hạnh vì thân tình của tôi - có một người tên là Don Corleone. Không, đương nhiên không phải tên thật của hắn rồi, nhưng tên hắn chẳng có ý nghĩa gì với cậu cả. Ngay cả cái tên hắn dùng trong thực tế cũng chẳng phải tên thật luôn. Cái tên chẳng có nghĩa gì, chỉ là cái tay nắm để mở một cánh cửa, như người ta ở đây hay nói. Cái tên “Don Corleone” sẽ cho cậu hình dung được hắn ta là loại người ra sao. Đó là cách tôi mở cánh cửa của hắn. Chỉ khác là tay Don Corleone này không giết người hay bắn súng. Tôi muốn kể cậu nghe về loại người này. Hắn ta gốc ở miền nam nhưng giống mọi người khác hắn rốt cuộc lại sống ở thành phố lớn. Xuất thân hèn mọn. Hết sức hèn mọn. Cha hắn mở tiệm sửa xe đạp gần chợ Crawford. Thằng nhỏ vừa giúp cha sửa xe vừa nhìn ngắm những chiếc xe hơi lớn vụt qua, brùùùm! Studebaker, brùùùm! Cadillac, và nó nghĩ, sẽ có ngày, sẽ có ngày - như mọi người khác. Nó lớn lên, làm bốc dỡ hàng ở cảng. Phu khuân vác bình thường, mười bảy, mười tám tuổi, nhưng biết chớp thời cơ. Những chuyến tàu hành hương từ các thánh địa Hồi giáo trở về, những người hành hương mang về hàng lậu. Đài radio bán dẫn, đồng hồ Thuỵ Sĩ, đồng tiền vàng. Những mặt hàng phải đóng thuế. Thuế nặng. Don Corleone giúp họ chuyển lậu các thứ hàng này, giấu trong quần áo lót của nó, trong khăn bành của nó, bất cứ đâu. Họ thưởng cho nó. Nó cũng kiếm được kha khá.
“Rồi tới một lần may mắn gặp một tay đánh cá người ở Daman chuyên chở hàng lậu. Một ông tên là Bakhia. Thời đó Daman là thuộc địa của Bồ Đào Nha. Kiểm soát không gắt gao. Bakhia và Don Corleone bắt đầu buôn lậu từ Dubai và Aden vào Ấn Độ, qua ngả Daman biên giới lỏng lẻo. Làm ăn ngon lành. Don Corleone thăng tiến trên nấc thang xã hội. Kết bạn với đầu đảng các băng tội phạm khác. V Mudaliar, K. Lala, vân vân. Rồi bắt bồ với đám chính trị, trong đó có cả một tay Sanjay Gandhi nào đó, con của bà Indừa thủ tướng. Đó là chuyện có thật. Tới những năm 1970 thì hắn đã thành ông lớn, thành trùm cỡ bự. Có một sĩ quan cảnh sát trẻ bám đuôi hắn mãi, một tay không mua chuộc được. Người lương thiện. Lương thiện mà làm nghề đó là bất lợi. Một thanh tra tên là Mastan. Don Corleone cho tay này thuyên chuyển tới chỗ nào chẳng ai biết và khi tay này lên máy bay thì Don Corleone cũng lên chỉ để chào tạm biệt. Thượng lộ bình an Mastan. Đi vui vẻ nhé. Rất láo. Vậy đó. Thời ấy thì xấc láo lắm.
“Hắn sống giàu có nhưng cũng chừng mực. Những bộ vest sang nhất, cà vạt đẹp nhất, thuốc lá ngon nhất, thuốc State Express 555, và một chiếc Mercedes-Benz. Một ngôi nhà lớn trên đường Warden, như cung điện, nhưng hắn chỉ ở trong một phòng trên lầu có sân thượng. Ba mét nhân bốn mét rưỡi. Không hơn. Dưới nhà các ngôi sao điện ảnh lui tới, hắn đổ rất nhiều tiền vào điện ảnh, cậu biết đó. Và ít nhất đã có ba phim làm về cuộc đời hắn, toàn diễn viên gạo cội đóng. Cũng cưới một diễn viên triển vọng. Tên cô ta có nghĩa là Chim sẻ vàng. Nhưng đến giữa những năm bảy mươi thì hắn suy sụp. Sanjay Gandhi hóa ra là thằng bạn lọc lừa và Don Corleone phải ngồi tù một năm rưỡi. Mất hết tự tin. Bỏ luôn nghề buôn lậu. Thoạt tiên hắn trở thành kẻ sùng đạo như những người hành hương buôn lậu đã cho hắn cơ hội ban đầu. Về sau thử làm chính trị.
Đến giữa những năm chín mươi, sau khi gia đình băng đảng hàng đầu lớn mạnh, Z-Company của Zamzama Alankar, thì xảy ra những vụ tấn công khủng bố đầu tiên ở Bombay, nhiều người nghĩ hắn ta có liên can, nhưng thật ra hắn quá sợ mấy chuyện đó. Vô tội, vô tội, vô tội. Năm sau, đau tim, chết. Chuyện thật ấm ớ.”
“Có thật là chết bình thường không?” Tôi hỏi. “Ông ta hẳn phải có nhiều kẻ thù?”
“Đến lúc đó,” Nero Golden nói, “thì mạng hắn không còn đáng giết nữa.”
Im lặng kéo dài.
“Vậy đây là chuyện ông muốn kể tôi nghe,” cuối cùng tôi lên tiếng. “Tôi hỏi lý do được không?”
Im lặng kéo dài.
“Không,” lão nói.
Cắt.
* * *
Cứ như lão cố tình trêu ngươi tôi. Đây là cái thế giới mà lão đã lớn lên, rõ ràng đó là một phần thông điệp mà lão gửi gắm; nhưng lão đang thừa nhận là một phần tử trong thế giới đó hay đang giải thích việc lão cuối cùng từ bỏ nó, bằng cách bỏ lại sau lưng? Hay cả hai? Lão đã tham gia nhưng bây giờ lão muốn thoát ra và thế có nghĩa là phải bỏ đi xa, thật xa để không ai đuổi theo. Dựa vào những gì lão nói thì không sao biết chắc được. Ngoài ra, an lòng vì không phải đương đầu với tập hồ sơ đáng sợ chứa bằng chứng chuyện tôi lén lút với vợ lão, tôi mừng rỡ chấp nhận câu chuyện Don Corleone như đã nghe kể, uống thêm một ly vodka nhỏ nữa rồi cáo lui. Một ông già hồi tưởng quá khứ; lão không phải là người đầu tiên như thế, mà cũng sẽ không phải người cuối cùng. Lão đang bắt đầu quên hiện tại - những việc nhỏ, chỗ để chìa khoá, cuộc hẹn, sinh nhật - nhưng lão có người nhắc nhở hầu hết những chuyện đó, và trí nhớ của lão về quá khứ dường như càng lúc càng sắc bén thì phải. Tôi nghi ngờ - và hy vọng - sẽ có nhiều cuộc gặp đêm khuya nữa như lần vừa rồi. Tôi muốn có tất cả những câu chuyện của lão - cần có chúng, để cuối cùng tôi có thể xây dựng được nhân vật này.
Tin sắp làm cha hình như cũng khiến Nero thấy khuây khỏa thì phải, giúp nâng đỡ sức mạnh đàn ông bền bỉ của lão - vì lão có vẻ cần được nâng đỡ. Và trong chuyện làm ăn sức mạnh ấy có một thời gian hình như cũng không sút giảm, như công trình khổng lồ đang được tiến hành ở khu lầy Manhattan đã chứng tỏ với tất cả chúng tôi. Dự án tái thiết Hudson Yards vĩ đại đã được xúc tiến bởi Related Companies L.R &Goldman Sachs liên doanh với Oxford Properties Group Inc. Công trình triển khai trên cơ sở 475 triệu đô-la vốn vay xây dựng mà liên doanh Related/Oxford tiếp nhận từ “nhiều bên khác nhau.” Tôi gần như chắc chắn trăm phần trăm là Nero Golden, dưới tên một công ty nào đó, chính là một trong những người cho vay vốn cùng với những tay cỡ lớn này, Starwood Capital Group của Barry Sternlicht và chuỗi cửa hàng bán lẻ hàng xa xỉ Coach. Đầu tư ban đầu của lão trong việc tái thiết hai mươi sáu mẫu đất này đã có từ nhiều năm trước, trong chương trình đầu tư EB-5 vốn dĩ cho phép người nhập cư vào Hoa Kỳ bỏ tiền ra để đổi lấy thẻ xanh và cuối cùng là được nhập quốc tịch. Điều này rốt cuộc giúp cho tôi hiểu được Nero cùng các con lão làm sao có thể cuốn gói sang Mỹ cấp kỳ như vậy và đến nơi với đầy đủ quyền làm việc và cư trú. Sau đó, trong năm Vasilisa mang thai, Golden còn đầu tư thêm dưới hình thức cho vay nợ thâu tóm, cũng tương tự như việc thế chấp lần hai, chỉ khác là được bảo đảm bằng cổ phiếu của công ty sở hữu đất đai, chứ không phải bảo đảm bằng bất động sản. Do đó, trên lý thuyết, nếu chủ sở hữu đất không thanh toán tiền lãi, Nero chỉ trong vòng vài tuần lễ là có thể thâu tóm hết số cổ phiếu ấy, và khi làm chủ sở hữu số cổ phiếu đó lão có thể giành được quyền kiểm soát bất động sản. Theo tôi biết, chuyện này đã không xảy ra. Nhưng có dùng đòn bẩy tài chánh hay không, có là nhà siêu đầu tư hay là con nợ tỷ đô-la, thì lão vẫn là tay đánh cược lớn nhất trong canh bạc bất động sản lớn nhất thành phố.
Tên của công ty cho vay nợ thâu tóm này là GOW Holdings. Khi hoàng đế La Mã Nero qua đời (68 CN), kết thúc triều đại Julio-Claudia, năm tiếp theo (69 CN) là Năm Của Bốn Hoàng Đế, với Galba - người kế vị ngay sau Nero - bị Otho lật đổ rồi Otho lại bị Vitellius loại bỏ rồi Vitellius cũng không tại vị lâu và được thay thế bằng người đầu tiên trở thành hoàng đế đầu tiên của triều đại Flavian: Vespasian. G-O-V-V là viết tắt của Galba-Otho-Vitellius-Vespasian.
Khi Vasilisa sinh cho Nero một con trai cuối năm đó, đứa bé được đặt tên là Vespasian, như thể Nero đã trực cảm được là đứa trẻ này mang dòng máu khác, và cuối cùng nó sẽ lập ra triều đại mới của riêng nó.
Tôi không nói gì cả, đương nhiên.
CHỜ ĐỢI VESPASIAN
Trong thời gian cô vợ mang thai, trong lúc lão chờ tiểu hoàng đế Vespasian chào đời, đó chính là lúc Nero Golden đâm ra ám ảnh với dương vật của Napoleon Bonaparte. Điều này lẽ ra đã cho thấy tình trạng sa sút tinh thần của lão đủ để phát tín hiệu báo động, nhưng trái lại cả nhà lại bao dung xem chuyện đó như một thú vui tiêu khiển của ông già. Lúc lão không bận rộn với áp-phe làm ăn, hay với mầm sống trong dạ con của Vasilisa, hay với việc phải lo cho ba đứa con trai, Nero lại lao vào cuộc đeo đuổi cái bộ phận ấy của hoàng đế Pháp. Chuyện là thế này: Sau khi Bonaparte qua đời ở đảo St. Helena, người ta tiến hành giải phẫu tử thi và trong lúc đó nhiều cơ quan, bao gồm cả bộ phận sinh dục không có gì ấn tượng đó, bị cắt rời vì những lý do mà tới nay vẫn không rõ. “Chú bé” Napoleon đó sau cùng rơi vào tay (tôi nên nói rõ hơn, có lẽ) một tu sĩ Ý, rồi sau đó được bán đi tiếp, có lúc thuộc sở hữu của một chủ hiệu sách London, rồi lên đường vượt Đại Tây Dương, đầu tiên đến Philadelphia, và kế đó là New York nơi nó được trưng bày năm 1927 ở Bảo tàng Nghệ thuật Pháp và được một nhật báo mô tả đó là “con giun teo tóp” và được cả một tập chí đầy thẩm quyền không kém tờ Time gọi là “sợi dây da buộc giày tơi tả.” Năm 1977 ở một cuộc đấu giá, vật này được bán cho nhà niệu học tên tuổi John Lattimer, người đang tìm cách nâng cao danh giá cho nghề nghiệp của mình, quyền sở hữu được chuyển cho con gái Lattimer sau khi ông ta qua đời - cùng với nhiều tài sản khác của ông bao gồm chiếc quần lót của Hermann Gôring và cái cổ áo sơ-mi nhuốm máu mà Tổng thống Lincoln mặc lúc xem kịch ở Ford’s Theatre. Tất cả những kỷ vật ấy hiện đang nằm ở Englewood, bang New Jersey; bộ phận của Napoleon được bọc vải và cất trong một tráp nhỏ trên nắp có chạm chữ N bay bướm, để trong một va-li, cất trong một nhà kho, và tất cả những điều này khiến Nero bứt rứt, lão muốn trao cho cái vật đó sự tôn trọng như vua chúa mà nó xứng đáng.
“Lẽ ra phải là thế này,” lão bảo tôi. “Tôi sẽ mua cái món đó và chúng ta sẽ trả lại cho nhân dân Pháp và cậu sẽ làm bộ phim tài liệu, cậu và cô bồ của cậu. Đích thân tôi sẽ mang cái hộp đựng nó tới Paris và tiến vào Điện Invalides và đi tới mộ Bonaparte ở đó tôi sẽ được các viên chức cao cấp của nước Cộng hòa này, thậm chí có thể là Tổng thống, nghênh đón, và tôi sẽ xin phép đặt cái hộp đó lên trên mộ để Napoleon sau cùng có thể tái hợp với bộ phận đàn ông đã thất lạc của mình. Tôi sẽ đọc một diễn từ nhỏ rằng tôi làm việc này với tư cách một người Mỹ, một cách đền đáp món quà của nước Pháp đã tặng cho nước Mỹ là pho tượng Nữ Thần Tự Do.”
Lão không hề giỡn chơi. Lão tìm cách nào đó có được số điện thoại để bàn của ngôi nhà ở Englewood và gọi thẳng cho con gái của ông Lattimer, bà này gác máy không nghe. Sau đó lão nhờ hai bà chằn phụ tá - bà Lăng Xăng với bà Lải Nhải - gọi thử, và hai bà này thử mãi cho đến khi bị người bên kia đầu dây buộc tội quấy rối. Bây giờ lão còn suy tính rất quyết liệt sẽ đích thân đi một chuyến tới New Jersey, cùng tập chi phiếu trong tay, cố gắng thu xếp cho xong. Vasilisa phải trổ hết khả năng can ngăn lão đừng đi. “Người chủ không muốn bán, anh à,” cô ta nói. “Nếu anh xuất hiện thì bà ta hoàn toàn có quyền gọi cảnh sát.”
“Tiền biết nói,” lão cằn nhằn. “Chỉ trong buổi sáng ta có thể mua được căn nhà một người đã ở suốt đời và tống cổ hắn ra khỏi nhà trước giờ ăn trưa nếu như ta trả đúng giá. Ta mua cả một chính phủ còn được nếu như ta có đủ tiền. Còn đây tôi chỉ mua một thằng nhỏ ngắn không tới bốn phân.”
“Bỏ chuyện đó đi,” vợ lão nói. “Đó không phải chuyện quan trọng lúc này.”
Năm ấy tất cả chúng tôi đều tham gia ngăn cản chuyện này. Nhất định là Nero đã có cảm giác mơ hồ về đứa con trai mà lão đã bị ép buộc phải có. Chắc chắn là tôi, tác giả đích thực của mạch truyện mới mẻ này, đã có cảm giác sâu sắc về việc trở thành nhà văn viết thuê không được ghi danh, có thể nói như vậy, của sáng tạo mới mẻ đó. Về cảm nghĩ của Vasilisa thì tôi không thể nói gì. Có lúc cô ta bí ẩn như con nhân sư. Còn về phản ứng của ba người con nhà Golden hiện tại thì bây giờ có nhiều chuyện phải được nói ra. Chẳng hạn, đây là năm Apu Golden bắt đầu đập nát các đồ vật để thực hiện những nghệ phẩm ngày càng đậm tính chính trị, triển lãm những vật bể nát để thể hiện một xã hội đổ vỡ và nỗi tức giận của dân chúng vì sự đổ vỡ đó. “Nhiều cuộc đời đang bị nghiền nát,” gã nói, “Và người ta sẵn sàng đập tan mọi thứ bởi vì sợ đéo gì không đập.”
Và năm đó tôi đi bất cứ đâu thì dường như đều đụng phải ngài diễn giả rỗng tuếch trong công viên. Vào ba tháng giữa thai kỳ của Vasilisa, gã ta đi ngang qua cảnh quay của Suchitra và tôi trên Đường 23 bên ngoài rạp phim SVA Theatre, hai đứa tôi đang ở đó quay một cuộc phỏng vấn trên đường phố với Werner Herzog cho loạt phim video những-khoảnh-khắc-điện-ảnh-kinh-điển của tôi. Đúng ngay lúc tôi thốt lên mấy từ “Aguirre, the Wrath of God*” thì tên già vô gia cư đó băng qua khung hình, phía sau Herzog và tôi, trông y hệt, y hệt, tên khùng ngông cuồng vĩ đại, chính Klaus Kinski trong Zorn Gottes, đang làu bàu về tốc độ ngày càng tăng của cái ác, về ngọn núi ngày càng cao của cái ác nằm ngay giữa thành phố này, và ai quan tâm chứ? Có ai ở Mỹ mà quan tâm đâu? Trẻ con bắn bay củ c. của cha chúng trong phòng ngủ. Có ai mà để ý đâu? Cũng giống như hiện tượng nóng lên toàn cầu, lửa Địa Ngục đang nung chảy những lớp băng vĩ đại của cái ác và mức độ cái ác đang dâng cao khắp thế giới, không có con đê chắn lũ nào có thể ngăn chặn. Bùm! Bùm! y la to, quay lại chủ đề cũ. Những con quái vật súng đang tới tìm ta, lũ Decepticon, lũ Terminator, cẩn thận đồ chơi của con cái ta, cẩn thận trong các quảng trường và siêu thị và lâu đài của ta, cẩn thận trên các bãi biển và nhà thờ và trường học của ta, chúng đang hành quân, bùm! bùm! - những thứ biết giết người.
“Thằng cha đó hay quá xá,” Herzog nói với vẻ thán phục thành thật. “Chúng ta nên đưa hắn vào phim và có thể tôi sẽ phỏng vấn hắn.”