Nhà Golden - Chương 16

VỀ TÌNH YÊU: MỘT THẢM KỊCH

Vào ngày bố mẹ tôi mất, tôi không ngồi trong chiếc xe đó. Hôm ấy là ngày cuối tuần dịp lễ Chiến Sĩ Trận Vong và bố mẹ sẽ ra ngoại thành nhưng tôi vào phút chót đổi ý ở lại thành phố vì Suchitra Roy muốn tôi giúp cô ấy ráp dựng video cho một hãng thời trang Ý. Tất nhiên là tôi phải lòng Suchitra, ai từng run rủi gặp được con người năng động không biết mệt ấy đều thấy yêu nàng một chút, và suốt một thời gian dài tôi đã quá sợ năng lượng phi thường của cô ấy, tầm vóc của người phụ nữ ấy, mái tóc đen sau lưng bay trong gió trên đại lộ Sixth Avenue, chiếc váy màu xanh và óng vàng ửng sáng bên trên đôi giày sneaker kiểu mới nhất, hai cánh tay giang ra cả chục hướng khác nhau như một nữ thần Hindu đang cố ôm trọn cả thành phố này trong vòng tay… quá sợ phải thú nhận với bản thân là mình đã yêu nàng, nhưng bây giờ điều đó không còn nghi ngờ gì nữa, và vấn đề duy nhất là, khi nào tôi sẽ thổ lộ với nàng, hay tôi có nên thổ lộ không. Trong tâm trí tôi một tiếng nói cứ thôi thúc làm ngay đi, đồ ngu, nhưng một giây sau, một tiếng nói khác thường lấn át, tiếng nói của thói hèn nhát, lại cãi lý rằng chúng tôi đã là bạn bè quá lâu, tới mức khi đã quá một thời điểm nào đó thì đâm ra không thể nào biến đổi tình bạn thành tình yêu lãng mạn được, rằng nếu ai cứ cố làm thế mà thất bại thì người đó sẽ mất cả tình bạn lẫn tình yêu, và tới đây thì anh chàng Pruírock của Eliot lại ngự trong đầu tôi, rền rĩ đau khổ bằng tiếng nói trong lòng tôi, Tôi có dám chăng, và cân nhắc cái chuyện kinh khủng đáng sợ là tỏ tình, Liệu có đáng vậy không/Nếu người, đặt gối tựa kề hay vứt bỏ chiếc khăn, / và quay ra cửa sổ, thốt lên: / “Hoàn toàn không phải thế, / Nào phải ta muốn thế, hoàn toàn không.”*

Tôi quyết định ở lại làm việc với nàng, biên tập phim xong chúng tôi sẽ ra ngoài uống bia và tôi sẽ tỏ tình. Đúng. Tôi sẽ nói. Cho nên tôi không ngồi vào xe của bố mẹ và vì thế mà hôm nay tôi còn sống. Cả sống và chết đều vô nghĩa. Hai điều đó xảy ra hoặc không xảy ra vì những lý do lãng xẹt mà ta chẳng học được gì từ đó cả. Chẳng hề có sự khôn ngoan nào trên đời này. Tất cả chúng ta đều là kẻ ngu ngốc của vận số. Đây là trần gian và nó quá tuyệt vời và chúng ta quá may mắn ở đây bên nhau và chúng ta quá ngu ngốc và những gì xảy ra cho chúng ta quá ngu ngốc và chúng ta không xứng đáng với vận may ngu ngốc của mình.

Tôi đang nói tào lao rồi. Để tôi kể bạn nghe về con đường đó.

Đường cao tốc Long Island là con đường đầy ắp những câu chuyện gia đình và khi tới mùa hè chúng tôi lái xe tới căn nhà mượn tạm trên Xa lộ Old Stone ở khu The Springs - chủ nhân là một nhân vật lớn ở Đại học Columbia, người sau khi bị nổi ban ngứa toàn thân do bọ ve đốt và khổ sở suốt nhiều năm đã không còn muốn ngao du tới vương quốc vo ve này nữa - Chúng tôi cũng đã vo ve mọi dấu mốc quen thuộc. Mineola, khu nghĩa trang đó, tôi có một bà cô và một ông chú đã để lại địa chỉ sau khi tạ thế cho chúng tôi tới cúi đầu chào kính. Great Neck, Little Neck, những địa danh nhắc chúng ta nhớ đến Gatsby, và dù chúng tôi không lái xe ngang qua Remsenburg, nơi p G. Wodehouse đã ở rất nhiều năm thời hậu chiến khi ông ta rời nước Anh sống tha hương, chúng tôi thường tưởng tượng, trong lúc xe chạy, một thế giới hư cấu trong đó các nhân vật của Fitzgerald và Wodehouse có thể viếng thăm lẫn nhau*. Bertie Wooster và Jeeves có thể đã từng tiến vào thế giới tinh hoa của hai Quả trứng*, nàng Bertie ngớ ngẩn đặt mình vào cương vị của Nick Carraway nhạy cảm, còn Reginald Jeeves là người phục vụ thích ăn cá, thích triết Spinoza và tìm cách ban cho nhân vật Jay Gatsby cái kết mãi-mãi-hạnh-phúc-về-sau với nàng Daisy Buchanan mà chàng Gatsby thiết tha khao khát. Rồi tới Dix Hills, bố tôi bằng cái giọng Bỉ khọt khẹt cố gắng pha trò luôn phát âm địa danh này theo kiểu Pháp. Dee Heels. Và tôi nói, tôi luôn luôn nói, phát âm thế nghe giống tên một ngôi sao phim bộ truyền hình ít người xem. Rồi tới Wyandanch; khi xe băng qua ngã rẽ này thì bố hoặc mẹ tôi lần nào cũng kể chuyện vị tù trưởng hoặc sachem tộc Montaukett tên là Wyandanch đã bán phần lớn vùng đất khu Đông Long Island cho một người Anh tên là Lion Gardiner, rồi sau đó chết vì bệnh dịch. Cái tên Wyandanch thường nhảy ra lại khi chúng tôi tới khu Đông và bố mẹ tôi lại nhớ câu chuyện về Stephen Talkhouse, người thuộc dòng dõi Wyandanch, từng cuốc bộ năm mươi dặm mỗi ngày giữa Montauk, Sag Harbor và East Hampton. Rồi giữa Wyandanch và Talkhouse chúng tôi băng qua một bảng chỉ đường dẫn tới nơi mang tên một bà thổ dân Mỹ hoàn toàn hư cấu: Shừley Wading River. Trên thực tế bảng chỉ đường này đưa đến hai cộng đồng khác nhau, một nơi là Wading River còn nơi kia là Shirley, nhưng nhân vật Shirley Wading River đã đóng vai trò quan trọng trong kho tàng truyện kể của gia đình chúng tôi. Là dân mê truyện khoa học viễn tưởng, chúng tôi có lúc cho bà ta nhập bọn với các thủ lĩnh thời hậu tận thế, Three Hydrogen Bombs và Makes Much Radiation trong vở kịch kinh điển Eastward Ho! năm 1958 của William Tenn, và lúc khác chúng tôi tưởng tượng bà này là một người khổng lồ, kiểu nhân vật bà mẹ của Gendel trong trường ca Beowulf, hay một thần mưa wandjina hay tổ tiên kiểu úc, vừa đi bà ta vừa tạo dựng cảnh vật.

Bố mẹ vừa lái xe vừa nghe radio. Những đài dành cho người già, 101.1 để nghe nhạc, WNYC để nghe lời, cho đến khi tín hiệu mất sóng và rồi họ chờ đến lúc East Hampton Music hiện ra trên băng tần dò đài, dấu hiệu cho thấy ngày cuối tuần sắp bắt đầu, những đêm rock-đồ-ăn-và-roll-âm-nhạc, lại một kiểu nói pha trò nữa của bố. Giữa các đài New York và WEHM là kênh đọc sách trên radio và năm đó hai người định nghe Homer. Tôi nghĩ - tôi không thể biết chắc, nhưng tôi nghĩ - là đến lúc lên đường nghỉ cuối tuần nhân lễ Chiến Sĩ Trận Vong thì họ đã nghe đến tập Bốn của Odyssey, đoạn Telemachus viếng thăm cung điện vua Menelaus vào ngày con gái ông ta, cô con gái của nàng Helen thành Troy đã bị bắt về lại, thành hôn với con trai của Achilles.

Vậy có thể là họ đang nghe đoạn Menelaus thuật lại ngày nàng Helen đi đến con ngựa gỗ, nghi ngờ có quân Hy Lạp ẩn bên trong, và dùng tài lừa dối mê hoặc xuất chúng giả tiếng nói người vợ của tất cả các chiến binh (tôi tưởng tượng cảnh nàng vừa nói vừa với tay vuốt ve thành bụng con vật bằng gỗ này một cách khêu gợi), tiếng nói đầy nhục cảm tới mức Diomed, chính Menelaus và Ulysses nữa cũng muốn nhảy ra khỏi con ngựa đó ngay lập tức; nhưng Ulysses tự kiềm chế mình và ngăn được đồng đội, chỉ trừ Anticlus, người này định kêu lên, và lẽ ra đã làm thế nếu như Ulysses không đưa hai bàn tay lực lưỡng bóp chặt miệng y và giữ nguyên, và theo một số dị bản của câu chuyện này, bóp chết kẻ ấy luôn để bảo vệ đội quân Hy Lạp đang ẩn náu. Phải, có thể cái khoảnh khắc bất hủ ấy vang lên trong tai họ, khi cái ống sắt ở giữa đường nằm đúng ngay đó cái ống sắt khốn kiếp rơi xuống từ một chiếc xe tải khốn kiếp nào đó tài xế liệu có dừng xe không không dừng chắc gã ta thậm chí còn không biết không có lẽ gã không biết gã có buộc chặt đàng hoàng hàng hóa chất trên xe không không gã chắc chắn là đéo buộc chặt vì nằm ngay dưới đường là cái ống sắt đó trên làn HOV* bởi vì đó là bố mẹ tôi hai người thương yêu nhất trên đời và họ không phải là người thích phóng nhanh không thưa ông họ thích lái tà tà an toàn trên xa lộ ở làn không có ngả vào ngả ra dành cho xe chở nhiều người trên xe làn đường hợp lý có đánh dấu phân tuyến hình thoi lý do tại sao ai cần biết tại sao chứ nhưng đúng ngay lần nay thì đéo an toàn gì bởi vì cái ống sắt đang lăn.

Tôi sắp đến chỗ kinh hoàng và phải tạm dừng để trấn tĩnh và sau đó có thể viết nhiều hơn.

Không.

Không có sau đó.

Lúc này.

Ông sắt ấy dài hai mét mốt. Nó lăn vào đường đi của một chiếc xe khác và chiếc xe húc cho nó một cú mà các báo cáo gọi là va chạm chéo. Cái ống quay tít, không hiểu sao dựng đứng lên nảy tưng từ đầu ống này sang đầu ống kia, và đâm xuyên qua kính chắn gió chiếc xe của bố tôi, nện thẳng vào đầu ông, chết ngay tức khắc. Chiếc xe, mất điều khiển, chệch khỏi làn HOV ngoặt vào làn đường dành riêng cho xe cộ chạy nhanh và trong nhiều cú đụng xe liên tiếp sau đó mẹ tôi cũng thiệt mạng. Để đưa được họ ra ngoài, các dịch vụ cấp cứu phải dùng tới dụng cụ thủy lực để nạy xác xe ra, nhưng cả hai đều đã chết. Xác họ được đưa về Bệnh viện Đại học North Shore ở Plainview, hạt Nassau, ở đó người ta tuyên bố chết trước khi nhập viện. Lúc nửa đêm, ngay sau khi tôi sợ hãi tỏ tình với Suchitra Roy trong một quán bia kiểu Anh ở góc đường Bleecker và LaGuardia và đã nhận được tin hoàn toàn bất ngờ là nàng cũng có cảm tình sâu nặng dành cho tôi thì tôi nghe điện thoại gọi tới.

Gần cả năm đó tôi hầu như ngừng suy nghĩ. Tôi chỉ toàn nghe tiếng đập ầm vang như sấm của đôi cánh tử thần khổng lồ. Có hai người đã cứu tôi. Một là người yêu dấu mới của tôi, Suchitra đáng yêu, tài giỏi.

Người kia là Nero Golden.

Với tính cẩn thận đặc trưng của họ—ĐIỀU NÀY CÓ CỨU MẠNG HỌ ĐƯỢC ĐÂU, SỰ BẤT CẨN CỦA NGƯỜI KHÁC ĐÃ XÓA SẠCH SỰ CẨN THẬN CỦA CHÍNH CHÚNG TA, SỰ BẤT CẨN CỦA MỘT ỐNG SẮT DỰNG ĐỨNG, NỆN THANG VÀO MẶT BỐ TÔI, GƯƠNG MẶT MÀ TÔI LÀ MỘT BẢN SAO TỒI, CHÚNG TA NHỮNG KẺ SINH SAU LÀ ĐỒ GIẢ MẠO CỦA NHỮNG CON NGƯỜI ĐÍCH THỰC CÓ TRƯỚC CHÚNG TA VÀ ĐÃ RA ĐI MÃI MÃI, MỘT CÁCH NGU NGỐC, VÔ NGHĨA, BỊ GIẾT BỞI MỘT CÁI ỐNG SẮT TÌNH CỜ, HAY MỘT QUẢ BOM TRONG HỘP ĐÊM, HAY MỘT THIẾT BỊ BAY ĐIỀU KHIỂN—bố mẹ tôi đã lo sẵn mọi chuyện đâu vào đó. Có đủ tất cả giấy tờ pháp lý cần thiết, cẩn thận, soạn thảo cẩn thận, bảo đảm tình trạng tôi là người thừa kế duy nhất sẽ được bảo vệ, và có bảo hiểm để thanh toán khoản tiền tiểu bang yêu cầu người thừa kế phải đóng, và sẽ có một số tiền. Cho nên hiện thời tôi không cần phải thu xếp việc nhà cửa, mặc dù về trung hạn thì căn nhà này cần phải bán đi. Nhà quá rộng lớn đối với tôi, giá trị nó lại cao, chi phí bảo trì và các khoản thuế bất động sản và vân vân sẽ khiến tôi khó xử trí, và VÂN VÂN TÔI MẶC KỆ. Tôi đi ngoài đường giận dữ đến mù quáng và ngay lập tức cứ như bao tức tối trên trời cũng đang gom lại trút xuống đầu tôi, tôi cảm thấy điều đó, cơn tức tối của những kẻ chết oan ức, những thanh niên bị bắn vì đi bộ trên cầu thang trong khi màu da đen, đứa trẻ nhỏ bị bắn vì chơi với khẩu súng nhựa ở sân chơi trong khi màu da đen, tất cả những cái chết đen thường nhật của nước Mỹ, đang gào thét là họ đáng được sống, và tôi cũng cảm thấy, sự thịnh nộ của nước Mỹ trắng vì phải chịu đựng một người đen trong nhà trắng, và lòng oán ghét sôi sục của những kẻ kỳ thị người đồng tính, và nỗi uất hận vì tổn thương của các mục tiêu của họ, cơn tức tối của những người trong giới cần lao bị mất nhà ở do tai họa thế chấp của hai cơ quan Fannie Mae và Freddie Mac gây ra, tất cả nỗi bất bình của một đất nước bị hung hăng chia rẽ, ai cũng tin là mình đúng, động cơ của mình là chính đáng, đau khổ của mình là độc nhất, cần phải được quan tâm, sự quan tâm cuối cùng phải dành cho họ và chỉ họ mà thôi, và tôi bắt đầu thắc mắc không biết chúng ta có phải những con người có đạo đức chăng hay chỉ là những kẻ man rợ tự phong những điều cuồng tín cá nhân là đạo lý cần thiết, là lẽ sống duy nhất phải theo. Tôi được hai người Bỉ thân yêu đã từ trần nuôi dạy để tin rằng “đúng” và “sai” là những ý tưởng nảy sinh tự nhiên của con vật người, rằng những khái niệm này là bẩm sinh chứ không phải được tạo ra. Chúng tôi tin rằng có một “bản năng đạo đức”: cài cắm sẵn trong DNA giống như “bản năng ngôn ngữ” - nói theo Steven Pinker*. Đây là lời đáp trả của gia đình tôi trước luận điệu tôn giáo cho rằng kẻ nào không có tôn giáo thì không thể là con người có đạo đức, rằng chỉ có cơ cấu đạo đức của một hệ tôn giáo được một Đấng Phán Xét Tối Cao nào đó chứng thực thì mới có thể cho con người hiểu rõ thiện ác. Lời đáp trả của bố mẹ tôi trước điều đó là “Bá láp,” hay thi thoảng là từ mà họ học được từ những người bạn úc và khoái chí dùng luôn: “Cứt.” Đạo đức có trước tôn giáo và tôn giáo là cách thức tổ tiên ta đáp ứng cho cái nhu cầu có sẵn đó. Và nếu là vậy thì có thể suy ra rằng ta hoàn toàn có thể sống một cuộc đời tốt đẹp, có ý thức đúng sai mạnh mẽ, mà chẳng cần phải cho Thượng Đế và đám nữ yêu của lão ta đi vào nhà mình.

“Vấn đề là,” mẹ tôi nói lúc ngồi trên băng ghế trong khu Gardens, “tuy chúng ta được lập trình để cần có đạo đức, chương trình này lại không cho ta biết điều gì thật sự là đúng hay là sai. Bộ óc trống rỗng hai phạm trù này và ta cần phải lấp đầy bằng cái gì? Suy nghĩ. Đánh giá. Các thứ đại loại như vậy.”

“Một trong những nguyên tắc chung của hành zi con người,” bố tôi vừa bổ sung vừa đi tới đi lui trước mặt mẹ,” bố thấy làà trong hầu hết mọi tình huống, ai cũng tin làà mình đúng, zà đối phương sai.”

Mẹ tôi phụ họa theo, “Ngoài ra chúng ta đang sống ở cái thời mà hầu như không có một sự nhất trí về các vấn đề hiện sinh, chúng ta thậm chí còn không đồng ý với nhau với ngay cả tính chất của sự việc, và khi bản chất của điều có thật lại gây tranh cãi đến thế thì bản chất của cái tốt đẹp cũng phải vậy thôi.”

Khi bố mẹ hào hứng như thế thì họ giống hai vũ công, hay hai người chơi cầu lông, lời họ tuôn ra ăn ý hòa hợp, hai chiếc vợt tâng quả cầu lông qua lại, qua lại. “Cho nên khái niệm cho rằng chúng ta có sẵn bản năng đạo đức lại không hàm ý làà chúng ta biết những nguyên tắc đạo đức ấy làà cái zì. Nếu biết thì các triết za thứ thiệt sẽ thất nghiệp hết zà chúng ta sẽ sống trong một thế giới ít sinh sự hơn,” bố tôi đưa một ngón tay chỉ vào tôi, con thấy chưa?, con hiểu cái này không?, và tôi như một cậu học trò gật đầu, rồi, bố, rồi, mẹ, con hiểu rồi, tất cả chúng ta nhất trí điều này, đây là những điều chúng ta hiểu biết.

“Đúng, nhưng con có biết có một từ để gọi khái niệm đó không?” Bố hỏi tôi.

Từ để gọi cái gì, bố.

“Định nghĩa: Khả năng được cho làà bẩm sinh của trí tuệ con người để nhận ra những nguyên tắc cơ bản của luân thường đạo lý. Một thuật ngữ triết học, chỉ cái nguyên lý zốn có trong ý thức đạo đức của mọi con người, điều sẽ hướng dẫn con người tới cái thiện zà ngăn cản con người làm điều ác.”

Không biết, bố à, đó là từ gì chứ.

“Luân năng” mẹ nói. “Con có bao giờ nghe từ nào hay hơn thế chưa?”

“Không có từ nào hay hơn,” bố tôi đồng tình. “Nhớ đi, con. Từ hay nhất trên đời.”

Đó là những tiếng nói mà tôi sẽ không bao giờ được nghe nữa.

Và bố mẹ đã lầm. Loài người này man rợ chứ không có đạo đức. Tôi đã sống trong một hoa viên đáng khao khát nhưng sự man rợ ấy, sự vô nghĩa ấy, sự thịnh nộ ấy đã leo qua tường tràn vào và giết chết những gì tồi yêu thương nhất.

* * *

Tôi chưa từng thấy một xác chết cho tới khi tôi nhìn thi hài bố mẹ ở nhà xác Mineola. Tôi đã gửi trang phục tới cho họ, một trong những sinh viên thực tập của Suchitra đã mang giúp, và đã chọn mua quan tài trên mạng, chọn những cái đắt tiền nhất - như người ta thường làm - cho bố mẹ tôi để hỏa thiêu. Nhà chúng tôi chật cứng các vị giáo sư trong biên chế, nam lẫn nữ, tới phụ giúp. Tôi nhận được mọi giúp đỡ trên đời từ các chuyên gia hàng đầu về nghệ thuật văn minh cổ Sumer, vật lý hạ nguyên tử, luật Tu Chính Án Thứ Nhất, và văn học khối Thịnh Vượng Chung. Nhưng không ai có thể giúp tôi nhìn hai thi hài ấy. Suchitra lái chiếc xe Jeep già nua đưa tôi đến đó và do không có cách nào để có thể nói những gì cần nói chúng tôi bắt đầu hài hước mỉa mai, nhớ lại cái những “xác chết trong tuần” hết sức kinh khủng trong loạt phim truyền hình HBO cũ Six Feet Under*. Tập phim yêu thích nhất của tôi là về một phụ nữ, trong đêm tụ tập bạn gái trên chiếc xe limousine thân dài đi thuê, đã thò đầu ra ngoài ô cửa mở trên mui xe để biểu lộ niềm vui sướng và đập mặt thẳng vào cái máng xúc của một chiếc xe cần cẩu. Sau đó thì ai can đảm nhất trong số khán giả trung thành của loạt phim này mới dám nhìn gương mặt đập dẹp của cô ta.

Và rồi một căn phòng sáng rực với hai chiếc băng ca và hai con người nằm dài dưới tấm khăn phủ, hai con người nằm dài đã từng nằm dài trên một bề mặt khác êm ái hơn, đã từng giao hoan - có thể vụng về - có thể không - tôi không tưởng tượng nổi bố mẹ mình là hai kẻ nghiện môn làm tình thể lực, nhưng tôi cũng không muốn họ là những kẻ lóng ngóng kém cỏi chuyện chăn gối - và kết quả là cái thực thể trống rỗng mụ mẫm này đang đứng bên cạnh hai chiếc băng ca để xác nhận rằng họ không còn thực hiện được nữa cái hành động đã sinh ra hắn, hay sinh ra bất cứ thứ gì khác.

Người của nhà xác đã dốc hết tài nghệ. Tôi đến chỗ mẹ tôi trước và thấy họ đã xóa hết vẻ kinh hoàng trên gương mặt bà cũng như lấy sạch mọi mảnh thủy tinh và kim khí đã xuyên thủng da thịt và đó chính là mẹ tôi mặc dù bà trang điểm dày hơn thường lệ khi còn sống, tôi nhận ra được đó là bà, và bà trông có vẻ, hay là tôi tự thuyết phục mình rằng trông bà có vẻ, bình an. Tôi quay sang bố tôi và Suchitra tiến sát lại sau lưng và tựa má nàng vào lưng tôi và vòng tay ôm quanh người tôi. Không sao, tôi nói, không sao, và nhấc tấm khăn phủ lên. Rồi cuối cùng tôi òa khóc.

* * *

Sau hôm hỏa thiêu, Nero Golden băng qua khu Gardens tới nhà chúng tôi - cái từ “nhà tôi” không hợp lý; bố mẹ tôi vẫn hiện diện mọi nơi trong nhà này - và lão vung gậy gõ vào ô cửa sổ lớn. Thật bất ngờ - đức vua gõ cửa nhà thường dân mồ côi này - tới mức lúc đầu tôi tưởng lão là một ảo ảnh rọi chiếu từ trí tưởng tượng của mình. Cái chết của bố mẹ đã khiến tôi khó nắm bắt hiện thực. Có một bà già, bà Stone, sống ở khu Gardens này (trong bốn phòng trần cao trên tầng chính của một ngôi nhà được chia thành bốn căn chiếm toàn bộ tầng lầu), bà thường nói chuyện ma. Đây là nhân vật trước đây tôi chưa từng nhắc tới, và rất có thể sẽ mặc xác bà ta sau lần xuất hiện chớp nhoáng trong bộ phim này, một bà già mà đám trẻ con khu Gardens gọi là bà Mũ vì bà ta thích đội những chiếc mũ rộng vành, góa phụ lâu năm, người chồng quá cố là một chủ trại gia súc ở Texas đã gặp trúng mỏ dầu trên đất của ông ta và lập tức từ bỏ nghề nuôi bò để sống cao sang và chơi trò sưu tập tem khắp thế giới hâm mộ. Bà Stone cũng níu áo tôi lại bên giàn xà leo trèo của trẻ em để nói về chuyện mất mát. Một cái chết trong gia đình, cũng giống như một em bé mới sinh, thường cho phép người lạ hay gần như xa lạ tới gặp và độc thoại. “Tôi chưa thấy chồng tôi về lần nào sau khi ổng mãn phần,” bà thổ lộ. “Hình như ổng sung sướng được thoát thân. Chẳng buồn liên lạc một lần nào. Cậu cứ sống đi rồi sẽ biết. Nhưng có một đêm trên ngõ Macdougal tôi đã thấy một thằng nhỏ mặc đồ gia nhân - một thằng nhỏ da đen trong bộ đồng phục hoa hòe rất đẹp - đang đi bằng đầu gối. Sao nó lại đi bằng đầu gối, tôi nghĩ, ở đây có lịch sử gì về tôn giáo đâu. Rồi cuối cùng tôi mới hiểu ra. Nó chẳng hề đi bằng đầu gối. Mặt đường ở cái ngõ đó theo thời gian được nâng cao lên và thằng nhỏ đang đi trên nền đất cũ và tôi chỉ có thể nhìn thấy nó tới đầu gối thôi. Một đứa giữ chuồng ngựa, chắc vậy, đang đi xuống ngõ này để làm việc ở mấy chuồng ngựa ngày xưa từ thời 1830, phục vụ cho khu vực Washington Square North. Hoặc là một thằng nhỏ đầy tớ, có lẽ làm việc cho bà Gertrude Whitney*, cậu biết rồi, bả đã sống ở đó khi bả lập ra cái viện bảo tàng. Dù sao thì đó cũng là một hồn ma, hồn ma sờ sờ ra đó. Mà chưa hết đâu nghe.” Tôi cáo lỗi và bỏ đi. Nhưng mấy chuyện ma của người hàng xóm này hình như cứ đeo đuổi tôi trong những ngày u sầu ấy. Hồn ma của Aaron Burr* lảng vảng khu Village tìm gái điếm. Những hồn ma âm nhạc, hồn ma kịch nghệ, mặc trang phục sân khấu và trình diễn vào mùa đông trên đường Commerce. Bản thân tôi ngày trước chẳng hề quan tâm nhưng cái bản thân mồ côi mới mẻ này lại để cho người ta kể chuyện của họ rồi ban đêm tôi lại cố tìm nghe tiếng cười của bố mẹ vang vọng trong những căn phòng trống. Trong tâm trạng như thế tôi đã thấy Nero Golden ở ngoài khung cửa sổ lớn và nghĩ thầm, một bóng ma. Nhưng chính là lão bằng xương bằng thịt.

“Cậu cho phép tôi vào,” lão vừa nói vừa đi vào trước khi tôi cho phép. Vào trong là lão gác cây gậy tựa vào tường rồi tự ý ngồi vào cái ghế ưa thích của bố tôi: “Tôi là người bộc trực, René, không úp mở, chẳng hề có việc gì phải vòng vo tam quốc. Cho nên về chuyện mất mát này tôi nói với cậu đó là mất mát của cậu. Bố mẹ cậu đã đi rồi thì cậu đừng bận tâm tới họ nữa, họ không còn tồn tại đâu. Hãy bận tâm về chính bản thân cậu đó. Đây không chỉ là chuyện cậu bị thương tổn và phải chữa lành. Nó còn là chuyện bố mẹ cậu từ giờ không còn đứng chắn giữa cậu và nấm mồ nữa. Đây là sự trưởng thành. Bây giờ cậu đang ở ngay tuyến đầu và nấm mồ đang há họng chờ cậu đó. Cho nên phải biết khôn ngoan; phải học cách trở thành người đàn ông. Nếu cậu bằng lòng, tôi sẵn sàng giúp.”

Bài diễn thuyết quả là ấn tượng. Nếu như lão muốn giũ sạch nỗi buồn của tôi bằng cách chọc tức thì lão đã thành công. Nhưng tôi chưa kịp nói gì lão đã đưa một bàn tay độc tài ra ngăn chặn. “Tôi thấy phản ứng trên mặt cậu, nơi mây giông đã tụ lại và bão tố đang đe dọa. Bỏ đi! Cậu có tức giận cũng bằng thừa. Cậu còn trẻ còn tôi già rồi. Tôi muốn cậu học tôi đây này. Đất nước của cậu cũng còn non trẻ. Người ta sẽ suy nghĩ khác đi khi đã có cả nghìn năm quá khứ. Cậu thậm chí còn chưa tới hai trăm năm mươi năm. Tôi cũng nói luôn là tôi không đui mù nên tôi biết cậu tò mò chuyện nhà tôi. Vì tôi nghĩ cậu là người tốt nên tôi bỏ qua, trong lúc con người khác trong tôi lại muốn cho cậu chết, ha ha. Tôi nghĩ là - giờ cậu là đàn ông rồi - cậu có thể học hỏi từ mọi người nhà Golden chúng tôi, chuyện tốt lẫn chuyện xấu, chuyện gì phải làm chuyện gì không. Học từ thằng Petya cái cách chống lại những gì không phải lỗi lầm của mình, học cách chơi khi bị chia trúng những con bài hẻo. Học từ thằng Apu, cũng được, đừng giống như nó. Có thể là nó không trở nên sâu sắc được. Học từ Dionysus, thằng con khổ sở của tôi, học về sự mơ hồ và nỗi đau đớn.”

“Còn từ ông?”

“Về chính tôi, cậu René: chắc cậu cũng đã đoán biết được tôi không phải lúc nào cũng là ông thánh. Tôi khó tính và huênh hoang, quen đứng ở địa vị cao hơn và cái gì tôi muốn thì tôi lấy và cái gì không muốn thì tống đi cho khỏi cản đường. Nhưng khi cậu đối mặt với tôi cậu phải tự hỏi mình điều này: Có thể nào vừa thiện vừa ác được không? Có thể nào một người lại là người tốt trong khi hắn là kẻ xấu không? Nếu cậu tin vào Spinoza và nhất trí là mọi thứ đều do nhu cầu định đoạt, vậy có thể nào những nhu cầu thúc đẩy con người ấy có thể thúc giục hắn vừa làm điều sai lẫn điều đúng không? Người tốt là gì trong cái thế giới tất định này? Cái tính từ ấy có ý nghĩa gì không? Khi nào đã có câu trả lời cậu nói tôi nghe. Nhưng mọi chuyện đó tính sau, tối nay, cậu với tôi đi ra phố uống rượu.”

* * *

Sau đó.

“Cái chết, chúng ta đối phó với nó, chúng ta chấp nhận nó, chúng ta đi tiếp,” Nero Golden nói. “Chúng ta là những người sống, nên chúng ta phải sống. Cảm giác hối lỗi, ờ, đúng là tồi tệ. Nó vẫn còn đó và hãm hại chúng ta.” Chúng tôi đang ở nhà hàng Russian Tea Room - lão đãi - cầm những ly vodka ướp lạnh. Lão nâng ly tỏ thiện ý; lão uống, tôi uống. Đó là lý do chúng tôi tới đây, và thức ăn - món bánh blini ăn kèm trứng cá caviar, các món bánh nhân thịt, món gà Kiev - chúng tôi ăn chỉ để uống được nhiều hơn.

“Nếu chúng ta về nhà còn tỉnh táo tức là chúng ta đã thất bại,” Nero Golden bảo tôi. “Chúng ta cần phải uống tới mức không biết được chính xác làm cách nào về nhà được.”

Tôi cúi đầu nghiêm trang. “Đồng ý.”

Một ly nữa. “Người vợ quá cố của tôi, cậu cứ xét trường hợp bà ấy đi,” Nero chĩa một ngón tay vào tôi, “đừng có làm bộ là cậu không biết, tôi biết rõ những cái mồm lẻo mép trong nhà tôi. Đừng bận tâm chuyện đó. Về cái chết của bà ấy, chuyện đau buồn lớn, nhưng thực tế không phải là thảm kịch, chưa lên tới mức thảm kịch.” Một ly nữa. “Tôi nói lại cho đúng. Tất nhiên là một thảm kịch cá nhân. Một thảm kịch đối với tôi và các con tôi. Nhưng thảm kịch lớn thì chung cho tất cả mọi người, đúng không.”

“Đúng vậy.”

“Đấy. Quan điểm của tôi thế này. Mặt tiêu cực đối với tôi, mặt tiêu cực làm thay đổi cuộc sống, lại không phải là chuyện chết mà là chuyện trách nhiệm. Của tôi. Trách nhiệm của tôi, đó là vấn đề. Đó là chuyện ám ảnh tôi đêm đêm khi tôi đi dạo trong khu Gardens.”

Tới lúc này thì tôi bắt đầu thấy nhiệm vụ của tôi tối hôm đó là an ủi lão cho dù mục đích của buổi uống rượu vốn là ngược lại. “Ông bà đã cãi nhau,” tôi nói. “Chuyện này thường xảy ra mà. Đâu phải vì thế mà ông phải chịu trách nhiệm cho cái chết của bà ấy. Trong một thế giới có đạo lý thì chỉ có kẻ giết người mới mang tội giết người. Nếu phải khác đi thì thế giới đó sẽ thành phi lý về mặt đạo đức.”

Lão im lặng, uống, những người hầu bàn lảng vảng chờ mang thêm vodka khi cần. “Để tôi cho một ví dụ khác,” tôi nói, giờ đã bốc lên, tôi thấy mình đang ở đỉnh cao tư duy, thấy mình đúng là đứa con của bố mẹ. “Giả sử tôi là một thằng chó chết.”

“Chó chết thậm tệ?”

“Hoàn toàn thậm tệ. Và tồi bại.”

“Tôi hình dung được, okay.”

“Giả sử mỗi ngày tôi đứng trước nhà ông và chửi bới ông với gia đình ông.”

“Cậu có chửi tục không?”

“Tục tĩu nhất hạng. Tôi chửi chính ông và những người thân yêu của ông bằng những lời lẽ thô bỉ nhất.”

“Thế thì không chịu được, tất nhiên.”

“Thế đấy, ông có khẩu súng trong nhà.”

“Sao cậu biết được?”

“Tôi đang đặt giả thuyết.”

“A, giả thuyết. Hay lắm. Hiểu rồi. Một khẩu súng giả thuyết.”

“Rồi ông lấy khẩu súng giả định này và ông có biết mình sẽ làm gì không?”

“Tôi bắn cậu.”

“Ông bắn tôi thủng tim và tôi chết và ông thử đoán xem bắn tôi rồi thì ông ra sao?”

“Tôi sẽ vui sướng.”

“Ông sẽ thành kẻ giết người.”

“Bắn cậu thì tôi sẽ vui sướng và thành kẻ giết người.”

“Ông phạm tội giết người và ra tòa ông không thể bào chữa là, thưa quý tòa, đó là một tên chó chết.”

“Không được à?”

“Ngay cả bọn chó chết khi bị giết cũng không chịu trách nhiệm cho cái chết của chúng. Chỉ có kẻ giết người phải gánh chịu tội ác này.”

“Đây là triết học à?”

“Tôi cần thêm vodka. Triết học nằm trong cái chai này.”

“Bồi.”

Sau một ly nữa lão bắt đầu lè nhè. “Cậu còn trẻ,” lão nói. “Cậu không biết trách nhiệm là gì. Cậu không biết tội lỗi hay nhục nhã. Cậu chẳng biết gì cả. Chuyện đó không quan trọng. Bố mẹ cậu chết rồi. Đó mới là điều đáng quan tâm.”

“Cảm ơn ông,” tôi nói, và sau đó tôi không nhớ nữa.

Kết thúc.

“Lúc ban đầu,” Suchitra nói, nàng ngồi bên cạnh giường tôi trong lúc tôi rên rỉ vì nhức đầu, “lúc ban đầu có một Đảng Cộng Sản Ấn Độ chính thức - đảng CPI. Nhưng Ấn Độ có vấn đề dân số và các đảng phe tả của nó cũng phớt lờ chuyện hạn chế sinh sản. Cho nên sau khi có đảng CPI thì lại sinh ra đảng CPI(M), tức là Đảng Cộng Sản Ấn Độ (Marxist), và Đảng Cộng Sản Ấn Độ (Marxist-Leninist) tức CPI(M-L). Đủ đảng phái rồi chắc? Cưng ơi, đảng phái chỉ mới khởi đầu thôi. Hãy cố theo dõi nghe. Bây giờ lại có Đảng Cộng Sản Ấn Độ (Marxist-Leninist) Giải Phóng, cộng với Đảng Cộng Sản Ấn Độ (Marxist-Leninist) Naxalbari, và còn Đảng Cộng Sản Ấn Độ (Marxist-Leninist) Janashakti, rồi thêm Đảng Cộng Sản Ấn Độ (Marxist-Leninist) Sao Đỏ, và đừng quên Đảng Cộng Sản Ấn Độ (Marxist-Leninist) Trung Ương Đội, hay bỏ sót không nhắc tới đảng Cộng Sản Cách Mạng Trung Ân (Marxist-Leninist-Maoist), chưa nói tới Đảng Cộng Sản Liên Bang Ấn Độ hay Đảng Cộng Sản Ấn Độ (Marxist-Leninist) Cờ Đỏ, hay Đảng Cộng Sản Ấn Độ (Marxist-Leninist) lần Dân Chủ, hay Đảng Cộng Sản Ấn Độ (Marxist-Leninist) Sáng Kiến Mới, hay Đảng Cộng Sản Ấn Độ (Marxist-Leninist) Somnath, hay Đảng Cộng Sản Ấn Độ (Marxist-Leninist) Đệ Nhị Trung ủy, hay Đảng Cộng Sản Ấn Độ (Marxist-Leninist) Bolshevik. Xin vui lòng tiếp tục tập trung chú ý. Trong các phân nhóm cũng sinh sôi tràn lan. Đã có Trung lầm Cộng Sản Maoist sáp nhập với Tổ Chức Chiến Iranh Nhân Dân thành Trung lầm Cộng Sản Maoist Ấn Độ. Hoặc có khả năng là Trung lầm Cộng Sản Maoist Ấn Độ sáp nhập với Đảng Cộng Sản Ấn Độ (Marxist-Leninist) Chiến Tranh Nhân Dân và lập ra Đảng Cộng Sản Ấn Độ (Maoist). Khó mà phân biệt rõ ràng các tổ chức này. Em kể anh nghe hết những chuyện này để giải thích cái quyết định của bà mẹ và ông bố người Bengal của em, hai mẫu người kinh doanh gan dạ theo hướng tư bản chủ nghĩa bị mắc kẹt ở Calcutta giữa đám thần Ravana nhiều đầu của Đảng Cộng Sản Ấn Độ (Uranium-Plutonium), những đầu đạn phân rã hạt nhân của phe tả, ông bà phải chạy trốn và định cư ở Alpharetta, ngoại ô Atlanta, bang Georgia, đó là nơi em sinh ra. Có lẽ đó lại là ý tưởng hay, và thực tế về mặt kinh tế mà nói, đúng là ý tưởng hay vì bố mẹ đã thành công trong đủ thứ ngành kinh doanh, tiệm làm đẹp, hiệu bán áo quần, đại lý bất động sản, dịch vụ điều trị tâm lý, cho nên anh thấy họ cũng phất lên nhanh chóng. Nhưng rủi thay chung quanh họ là những tổ chức chính trị của người Hindu theo phe hữu cũng đang sinh sôi nảy nở trên đất Mỹ phì nhiêu, các chi nhánh hải ngoại của tổ chức Rashtriya Swayamsevak Sangh (RSS) cũng mọc lên, tổ chức Vishwa Hindu Parishad cũng phát triển, Đảng Bharatiya Janata cũng lớn mạnh, cũng như các tổ chức gây quỹ để chuyển đô-la về cho chính các tổ chức đó. Bố mẹ em thoát khỏi cơn lốc này thì lại bị hút vào cơn lốc khác và khi họ bắt đầu đi dự những tiệc gala của RSS và ngưỡng mộ trầm trồ về một người vạm vỡ tên là NaMo nào đó, thì em có thương bố mẹ cũng phải goodbye bỏ chạy. Thế là em chuồn thẳng tới New York này nơi em đang làm chết xác để ráng cho anh cười và tới lúc này thì xin anh làm ơn làm phước cười giùm một cái đi.”

“Hóa ra đây là ý tưởng của em để trị say rượu à,” tôi nói.

Về chuyện làm chết xác: Suchitra làm đúng như thế hàng ngày, từng phút của mỗi ngày. Tôi chưa thấy ai làm việc cần cù chỉ bằng phân nửa của nàng thôi mà vẫn còn thời gian hưởng thụ, về phạm trù này thì tôi cũng may mắn được hưởng chung. Nàng thức dậy sớm, tập thể dục bằng máy đạp xe đạp, chạy tới văn phòng, dốc hết sức cho ngày làm việc, chạy bộ bên sông Hudson hay băng qua cầu Brooklyn rồi quay về, vậy mà vẫn xuất hiện tươi như hoa và diện đẹp gấp đôi ở bất cứ sự kiện nào dù là dạ tiệc, một lễ khai mạc gallery, buổi chiếu phim ra mắt, tiệc sinh nhật, đêm hát karaoke, hẹn hò ăn tối với tôi, và xong xuôi hết vẫn còn thừa sức làm tình nữa. Là người tình, nàng cũng mạnh mẽ như vậy, dù không đặc biệt, nhưng tôi không than phiền. Bản thân tôi cũng nào phải tay ham hố dục tình và vào lúc đó tình yêu của một người phụ nữ tử tế đã cứu tôi khỏi hố thẳm. Tình cảm cứng rắn của Nero Golden và những tối vodka say khướt, cùng tình yêu siêu tốc, ân cần của Suchitra Roy, đã giúp tôi vượt qua những ngày tháng đó. Tôi nghĩ đến chuyện hai nhân viên y tế trong chiếc xe cứu thương chơi trò tung hứng sau vụ tự tử hụt của bà Golden và nhận ra lần này chính tôi là kẻ đang bị canh chừng đề phòng tự tử.

IM LẶNG TRÊN BẦU TRỜI, HAY, CON CHÓ TRONG CÕI TRUNG HỮU

New York City suốt mùa hè ấy chỉ là hình ảnh bố mẹ tôi cho đến khi tôi học cách sống không có bố mẹ và chấp nhận vị trí trưởng thành của tôi ở đầu hàng người chờ xem xuất chiếu phim cuối cùng, như Nero đã khuyên tôi chấp nhận. Như thường lệ, chính một bộ phim đã cứu giúp tôi, phim Det sjunde inseglet, “Dấu Ấn Thứ Bảy”, của Ingmar Bergman - phim mà chính đạo diễn lừng danh này cho là “không đồng đều” nhưng đó là điều tất cả chúng tôi kính nể. Chàng hiệp sĩ (Max von Sydow, người sẽ tiếp tục thủ vai chàng họa sĩ nhàm chán Frederick trong Hannah and Her Sisters và vai Ming Bạo Chúa bất hủ trong Flash Gordon) trên đường về sau cuộc Thập Tự Chinh đã chơi cờ với Tử Thần áo đen để trì hoãn điều không thể tránh khỏi, để có thể nhìn thấy vợ mình một lần nữa trước khi chàng chết. Hiệp sĩ đau khổ và cận vệ chán đời, cặp Quixote và Sancho thiếu hài hước của Bergman, tìm kiếm những con chim năm nay trong những chiếc tổ năm trước. Do xuất thân từ một gia đình hết sức mộ đạo, Bergman có nhiều vấn đề tôn giáo phải giải quyết, nhưng đối với tôi không cần phải xem phim này theo quan điểm đó. Tựa phim lấy từ Sách Khải Huyền. “Khi Chiên Con mở ấn thứ bảy, trên trời yên lặng chừng nửa giờ.” (Khải Huyền 8:1). Với tôi, sự im lặng trên bầu trời, sự vắng mặt Chúa, là sự thật về hình ảnh trường cữu của thế giới này và nửa giờ có nghĩa là độ dài một đời người. Việc mở ấn thứ bảy tiết lộ rằng Chúa không có ở đâu cả cũng như không có gì để nói và Con Người được ban cho quãng đời ít ỏi để thực hiện một việc làm có ý nghĩa, như chàng hiệp sĩ ấy mong muốn thực hiện. Người vợ tôi muốn gặp trước khi tôi chết là giấc mơ thành nhà điện ảnh của tôi. Việc làm có ý nghĩa là bộ phim tôi đang mơ thực hiện, bộ phim về khu Gardens điểm xuyết những con người có thực và hư cấu giống như dàn diễn viên đông đảo của đạo diễn Altrnan và gia đình Goldens trong ngôi nhà của họ ở đầu bên kia nhìn từ phía nhà tôi. “Việc làm” đó chính là hành trình và “người vợ” là đích đến. Tôi có nói đại khái như thế với Suchitra và nàng nghiêm trang gật đầu. “Đã đến lúc hoàn tất kịch bản của anh và huy động vốn rồi đó.”

Còn hiện thời, đại đô thị này đang ôm tôi vào lòng nó và cố dạy cho tôi những bài học cuộc đời. Chiếc thuyền trên cái hồ - nơi con chuột Stuart Little lướt sóng - nhắc nhở tôi về cái đẹp của sự ngây thơ, và không gian trên đường Clinton - nơi nữ diễn viên Judith Malina gần như vẫn còn hoạt động và đoàn kịch Living Theatre của bà vẫn thích diễn trần trụi - nói với tôi về sự bất kính đếch-cần-quan-tâm của trường phái cũ. Và trên Quảng trường Union những người chơi cờ đã chơi và có thể Thần Chết cũng đang chơi ở đó nữa, những ván tấn công chớp nhoáng lấy mạng như không hay những ván cờ chậm, không tính giờ, cho phép thiên thần áo đen kia giả vờ tôn trọng sự sống trong lúc vẫn tuyển mộ bạn cờ tham gia danse macabre*. Những gì thiếu vắng cũng nói với tôi nhiều điều chẳng kém những gì hiện diện: các hiệu giày đã biến khỏi Eighth Street, nét lập dị đã biến khỏi khu Upper West Side nơi bà Maya Schaper từng mở tiệm Cheese &Antiques và, khi hỏi lý do, bà thích trả lời, “Vì đó là những thứ tôi yêu.” Tôi đi đâu thành phố này cũng ôm tôi trong vòng tay và thầm thì vỗ về bên tai.

Vào đêm khai mạc thứ hai của Apu ở không gian triển lãm Sottovoce Bowery cách Bảo Tàng Bản Thể một dãy phố (những bức tranh này vẽ khéo, nhanh, kỹ thuật cao, sôi nổi, có chất pop-art và không làm tôi rung động), ở đầu kia thành phố lại đang trưng bày những tranh lớn của Laurie Anderson khắc họa trải nghiệm bốn mươi chín ngày của con Lolabelle - con chó săn chuột yêu quý đã chết của cô ta - trong cõi trung hữu, cõi lưng chừng nằm sau cái chết và trước sự tái sinh của Phật giáo lầy Tạng. Suchitra và tôi đang đứng trước một trong những bức lớn nhất vẽ con chó mặt dễ thương đang mở to mắt nhìn chúng tôi từ bên kia hậu kiếp thì bất thình lình mấy từ Không sao đâu nảy ra trong đầu tôi và rồi tôi thốt lên thật to. “Không sao đâu,” tôi nói, và nụ cười căng rộng trên gương mặt. “Không sao đâu, không sao đâu, không sao đâu.” Bóng tối tan biến khỏi gương mặt tôi và tương lai có vẻ có triển vọng và hạnh phúc dường như có thể cảm nhận được và cuộc sống bắt đầu trở lại. Mãi rất lâu sau này, khi nghĩ lại, tôi mới nhận ra rằng hôm đó là bốn mươi chín ngày từ khi bố mẹ tôi mất.

Tôi không tin vào cõi trung hữu. Nhưng đúng là vậy đó.

“FLASH*! EM YÊU ANH! NHƯNG CHÚNG TA CHỈ CÓ MƯỜI BỐN GIỜ ĐẾ CỨU TRÁI ĐẤT!”

Tôi chìm trong trạng thái ngây ngất đêm hôm đó, lòng tràn ngập cảm giác hưng phấn với việc tha thứ cho bố mẹ vì đã chết và tha thứ cho chính mình vì còn sống. Suchitra và tôi về khu Gardens và tôi biết đã đến lúc làm điều cấm. Đang cao hứng với cuộc đời, chúng tôi bẻ cái bánh cần sa Aíghan Mặt Trăng để dành đã lâu và hít. Lập tức con mắt thứ ba trong tuyến yên của chúng tôi mở ra đúng như bố tôi đã nói và chúng tôi hiểu được nhiều bí mật của thế giới này. Chúng tôi thấy rằng thế giới này không vô nghĩa mà cũng không phi lý, rằng thực tế nó có ý nghĩa sâu xa và có hình hài, nhưng hình hài và ý nghĩa đó cho tới bây giờ vẫn giấu kín với chúng tôi, đã bị che đậy trong các ký hiệu tượng hình và bí thuật quyền năng, bởi vì ý định của những bá chủ thế giới là che giấu ý nghĩa với tất cả, chỉ trừ những ai thông tuệ nhất. Chúng tôi cũng đã hiểu việc cứu nguy hành tinh này phụ thuộc vào hai chúng tôi và sức mạnh để cứu hành tinh này là tình yêu. Đầu óc quay cuồng, chúng tôi đã hiểu ra Max von Sydow trong vai Ming Bạo Chúa, kẻ độc tài, bốc đồng và ăn mặc xấu xí trong chiếc áo choàng thiên tài ác độc màu đỏ chói trong truyện tranh khoa học viễn tưởng, sẽ đến chinh phục loài người, và nếu có lúc gương mặt của Ming mờ đi và bắt đầu giống mặt Nero Golden, thì như vậy là bất công vì gần đây lão tử tế với tôi, nhưng có thể nào một người cùng lúc vừa tốt vừa xấu không, chúng tôi tự hỏi, và Aíghan Mặt Trăng trả lời rằng điều bí mật sâu xa nhất trần đời chính là sự mâu thuẫn không thể hòa hợp và sự kết hợp những điều đối nghịch. Đêm nay là dành cho tình yêu, Aíghan Mặt Trăng nói, đêm nay là dành để tôn vinh những cơ thể còn sống và để nói lời vĩnh biệt với những cơ thể đã mất của những người thân yêu đã lìa đời, nhưng sau khi mặt trời mọc vào sáng mai thì sẽ không còn thời gian nào để mất.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3