Nhà Golden - Chương 15

VỀ CHUỘT VÀ NGƯỜI KHỔNG LỒ,

TỶ LỆ, VÀ NGHỆ THUẬT

Apu Golden có nghe tới cuộc tụ tập đông đảo những người biểu tình chống lại thói ngạo mạn của các ngân hàng, họ bắt đầu đứng đầy khu vực ngoài trời ở Khu Tài Chính và khi gã tới đó xem, đội mũ Panama, mặc quần soóc ka-ki và áo sơ-mi Hawaii để không quá lộ liễu, gã lại thấy bị quyến rũ trước tính chất hội hè hoạt náo của đám người này, những bộ râu, những cái đầu trọc, tủ sách cho mượn, những cái hôn, mùi người, những nhà hoạt động say mê, những lão lập dị khùng điên, những tay đầu bếp, người trẻ, người già. “Ngay cả đám cảnh sát hình như cũng tươi cười,” gã bảo tôi, “ờ, một số thôi, phải nói thật là vậy, còn số khác vẫn là loại mặt mày khỉ đột đụng-phải-thì-tốt-nhất-là-nên-tránh-xa như thường lệ.” Gã thích khía cạnh hình ảnh lẫn văn chương của sự kiện này, các màn ngâm thơ, các tấm biểu ngữ làm từ thùng giấy bồi cũ, những hình cắt nắm đấm và biểu tượng chữ V, và hắn ấn tượng nhất là việc đám biểu tình được hậu thuẫn bởi những vĩ nhân đã chết. Gã bảo tôi, “Thật tuyệt vời khi thấy Goethe nằm dài giữa đống túi ngủ, G. K. Chesterton đứng xếp hàng chờ lãnh phần xúp, Gandhi ngọ ngoạy mấy ngón tay đưa lên cao tỏ ý tán thành theo dấu hiệu đã ngầm quy ước gọi là “nháy lên” - hay thực sự đó tất nhiên là Ghandi vì có ai viết đúng chính tả nữa đâu, viết đúng chính tả thì quá tư xảng. Ngay cả Henry Ford cũng có ở đó, lời của ông ta lan tỏa khắp đám đông bằng kỹ thuật khuếch đại âm thanh nhờ nói đồng thanh.” Tôi theo Apu đi ra đó xem vì lây sự say mê buồn cười của gã và tôi thán phục theo dõi tốc độ và sự chính xác của chiếc bút chì trên tay Apu thâu tóm cảnh chen chúc đó, và phải, đúng như thế, trong những ký họa của gã có những bóng ma bất tử đứng giữa đám đông, Goethe huênh hoang rao giảng, “Những kẻ lầm tưởng mình đang tự do chính là những kẻ đang bị nô lệ tuyệt vọng hơn hết,” còn “Ghandi” đang ngâm nga mấy lời cũ mèm của lão, “Đầu tiên chúng sẽ phớt lờ ta, rồi chúng bô lô ba la đủ thứ, rồi chúng sẽ chiến thắng.” “Ông ấy có bao giờ nói thế đâu,” Apu giải thích. “Đó chỉ là một câu chế trên mạng, nhưng đành bó tay, chẳng ai biết cái quái gì hết, như tôi đã nói đó, hiểu biết nhiều thì cũng là tư xảng luôn.” Chesterton và Henry Ford mặc áo đuôi tôm coi bộ lạc lõng ở đây nhưng họ cũng có một nhóm công chúng kính cẩn, cảm xúc của họ nằm ngay đồng tiền, phải nói thẳng là vậy, “Một lượng khổng lồ tài trí hiện đại đã bị tiêu hao,” lão G. K. phát biểu, “Vào chuyện tìm cách biện hộ cho thói hành xử không thể biện hộ của những kẻ quyền lực,” còn H. Ford đứng bên dây chuyền lắp ráp của mình la lên, “Nếu dân chúng của quốc gia này hiểu được hệ thống tiền tệ và ngân hàng của chúng ta thì tôi tin rằng sẽ có một cuộc cách mạng ngay ngày mai.” Apu nói, “Cái cách internet đã biến tất cả chúng ta thành triết gia quả thật đáng nể.” Cá nhân tôi lại thích tuyên ngôn trên những tấm bìa cứng của một nhà tư tưởng vô danh nào đó dường như bị thúc đẩy chủ yếu vì cơn đói. “Sẽ có ngày người nghèo không còn gì để ăn ngoài người giàu,” nhà tư tưởng này trách cứ chúng tôi, và trên một tấm bìa khác vẽ hình bong bóng lời thoại có cùng ý tưởng của triết gia vô danh đó nhưng trần trụi hơn. “Hãy ăn thịt chủ ngân hàng.” Triết gia này đeo mặt nạ của nhóm tin tặc Anonymous, bộ mặt màu trắng có ria mép tươi cười của Guy Fawkes nổi tiếng nhờ anh em Wachowskis qua phim V for Vendetta, nhưng khi tôi hỏi anh ta về người trên cái mặt nạ anh ta đang đeo thì anh ta thú thật là chưa bao giờ nghe tới Âm Mưu Thuốc Súng và không nhớ, không nhớ sự kiện ngày năm tháng Mười một đó*. Cách mạng tương lai là như thế. Apu phác họa hết bối cảnh đó.

Gã triển lãm những tranh vẽ ấy ở một không gian trưng bày do Frankie Sottovoce quản lý tại Bowery, một môi trường “gai góc” hơn các phòng triển lãm của Sottovoce ở khu Chelsea. Đây là cuộc triển lãm chung với Jennifer Caban, họa sĩ kiêm nhà hoạt động nổi bật nhất ngay thời điểm gây tranh cãi đó, người này trong lễ khai mạc đã có lúc nằm dài trong một chiếc bồn tắm chứa đầy tiền giả; và cả hai nhanh chóng vừa được tán thưởng vừa bị chế nhạo vì tinh thần đảng phái. Apu chống lại những bức ảnh chụp cái bồn tắm đó lẫn cái nhãn ủng hộ đảng phái. “Với tôi phương diện thẩm mỹ luôn là hàng đầu,” gã cố cãi lại, nhưng những kẻ mang tinh thần thời đại đâu chịu lắng nghe, và cuối cùng Apu phải chịu thua những cái nhãn gán cho gã và mức độ danh tiếng chính trị mà chúng ban cho. “Có lẽ bây giờ tao đã nổi tiếng hơn hai mươi dãy phố,” gã băn khoăn bảo tôi. “Chắc bây giờ phải tới ba mươi lăm hay bốn mươi gì đó.”

Trong ngôi nhà ở đường Macdougal, tiếng tăm cổ động chính trị của Apu chẳng được coi trọng gì mấy. Bản thân Nero Golden không nói gì, không khen ngợi hay lên án, nhưng vành môi căng mỏng của lão lại nhiều ngụ ý chẳng kém ngôn từ. Lão để cho cô vợ rủa xả thay Đang ở dưới phòng khách tầng trệt giữa đống tạp chí sành điệu về trang trí nhà cửa, Vasilisa ngừng tay cho Apu một tràng kiểu Nga đầy lỗ tai. “Mấy thằng ăn mày ngoài đường đó, đang làm ầm và phá thối vì cái gì chứ? Bộ chúng tưởng thế lực mà chúng đang công kích là yếu kém lắm sao, là sẽ run sợ trước đám khố rách áo ôm đó sao? Chúng chỉ là con chuột giẫm lên bàn chân người khổng lồ. Người khổng lồ chẳng cảm thấy gì cả và thậm chí chẳng buồn đạp bẹp con chuột. Mà cần gì đạp? Con chuột sẽ bỏ chạy ngay thôi. Chúng sẽ làm gì khi mùa đông tới? Thời tiết sẽ nghiền nát chúng. Chẳng cần ai khác phải phí sức. Thêm nữa, chúng đâu có ai lãnh đạo đâu, cái đội quân nông dân của anh đó. Chúng chẳng có cương lĩnh hành động gì cả. Cho nên chúng chẳng là cái thá gì. Chúng là một con chuột không có cái đầu. Chúng là con chuột chết mà không biết nó chết rồi.”

Nửa đùa nửa thật cô ta quẳng một tờ tạp chí sành điệu về phía gã. “Xin lỗi, anh nghĩ anh là ai chứ? Anh nghĩ là khi cuộc cách mạng của họ đến thì họ sẽ cho anh đứng chung đội ngũ chín mươi chín phần trăm thần thánh vì anh đã vẽ mấy bức tranh sao? Ở nước tôi chúng tôi có biết ít nhiều về những điều sẽ xảy ra khi cách mạng tới. Anh nên quỳ với tôi trước Thánh Mau Feodorovskaya và chúng ta sẽ cầu xin Mẹ Đồng Trinh cứu vớt, để chúng ta không bị giết chết trong một cái hầm bít bùng nào đó vì đội quân chuột chết không đầu này.”

Ở Vasilisa Golden giờ đã có thay đổi. Có đôi lúc, khi ánh sáng chiếu trên mặt theo cách nào đó, cô ta khiến tôi nhớ đến Diane Keaton với vai diễn trong phim Godfather, gương mặt, tâm trí và cõi lòng của cô đã giá băng theo mong mỏi hàng ngày: dửng dưng với những gì đang sờ sờ trước mặt. Nhưng “Kay Adams” làm vợ “Michael Corleone” vì tin tưởng chồng mình là người tốt. Còn Vasilisa, có thể nói là cô ta đã chọn đúng ngay nhân vật của Marlon Brando* làm chồng mình, cho nên cô ta không hề ảo tưởng về tính chất tàn bạo, vô luân cùng những bí mật đen tối vốn là ban tham mưu của những người quyền lực, và khi ánh sáng chiếu trên gương mặt Vasilisa theo cách khác thì rõ ràng là cô ta chẳng phải Diane Keaton nào cả. Cô ta là đồng lõa. Cô ta nghi ngờ lão đã phạm một tội ác kinh khủng và cô ta đã bằng lòng gạt bỏ ngờ vực vì cuộc sống cô ta đã tự chọn, cuộc sống cô ta cho rằng xứng đáng với nhan sắc của mình. Và có lẽ, vì cô ta bây giờ đã sợ hãi. Vasilisa vẫn tin vào quyền năng chi phối của mình đối với lão, nhưng giờ cô ta cũng tin vào quyền năng của lão, và biết nếu lấy sức mạnh của mình mà đối chọi với lão thì những hậu quả dành cho cô ta có thể rất… khắc nghiệt. Cô ta không bước vào ngôi nhà này để đương đầu với những hậu quả khắc nghiệt cho nên cô ta phải thay đổi chiến thuật. Cô ta chưa bao giờ là một kẻ ngây thơ nơi xứ lạ. Nhưng vụ bắn giết ở Công viên Union đã khiến cô ta gan lì hơn. Vasilisa đã biết rõ hơn về người đàn ông đang chung chăn gối và cô ta hiểu nếu muốn sống thì phải biết im lặng khi cần thiết.

VỀ GIA ĐÌNH: MỘT CUỘC THẨM VẤN

—Chuyện này nữa, thưa ông: tại sao một người lại phải từ bỏ quê hương, đổi họ tên, và làm lại cuộc đời mới bên kia nửa vòng trái đất?—Ô, do đau buồn, thưa ông, cái chết của người vợ thương yêu, chuyện đã thúc đẩy ông ta buộc phải từ bỏ chính mình. Do đau buồn, do cần phải quên chuyện này đi, và muốn quên chuyện này đi thì phải quên chính mình luôn.—Có lý. Nhưng lý do đó không hoàn toàn thuyết phục. Và vẫn còn điều thắc mắc: những chuẩn bị cho cuộc ra đi thì sao, việc này đã xúc tiến trước khi xảy ra thảm kịch ấy? Chắc chắn là cần phải có giải thích chứ?—Vậy ông tìm kiếm một ẩn ý gì chăng? Ồng nghi ngờ có chuyện man trá, bịp bợm, lường gạt gì chăng?— Chưa chứng minh được có tội thì vẫn là vô tội. Vị trưởng lão này không hề bị buộc tội gì trong vụ lừa đảo 2G Spectrum. Điều này ta phải thừa nhận. Và chắc chắn một kẻ chạy trốn pháp luật thì, sau khi thay tên đổi họ, phải chọn cách sống kín đáo chứ? Chắc chắn một kẻ như thế sẽ không biến mình thành dư luận ồn ào ở xứ sở mới tìm đến chứ? Trong khi đó người này lại tạo dư luận ngày càng tăng, liên tục, và càng lúc càng ồn ào, phải vậy không.—Thưa ông, đúng thế. Điều này cũng có thể, như ông nói đó, chứng tỏ ông ta vô tội. Nhưng ta cũng có thể nghĩ đến câu chuyện ngụ ngôn về con bọ cạp và con ếch. Con bọ cạp hành động theo bản chất dẫu có lúc làm thế là tự sát. Ngoài ra, hoặc là để khẳng định, mình thuộc loại mặt dày mày dạn, kẻ đó đấy. Người ta tưởng chừng ông ta tin chắc là mình bất khả chiến bại, vững tin là mình an toàn, bất khả tổn thương. Nếu quả thực ông ta có vi phạm luật lệ nào đó, hay, nói làm sao nhỉ, hay ông ta có làm cho nhiều người thù ghét - bởi vì bản thân những địch thủ nguy hiểm nhất của ta đâu nhất thiết phải tuân thủ luật pháp - vậy thì ông ta đã tin chắc là mình nằm ngoài tầm với của họ rồi. Tầm với của những đối thủ nguy hiểm đâu phải là vô tận. Họ có thể là những kẻ rất nguy hiểm trong giang sơn của họ, nhưng muốn vươn ra ngoài đâu có dễ, cho nên họ không mưu tính chuyện đó.—Tôi cũng suy luận vậy. Đây không phải lãnh vực chuyên môn của tôi.—Nhưng rõ ràng là Nero ngày càng cảm thấy an toàn, và với niềm tự tin ngày càng tăng làm áo giáp bảo vệ, ông ta diễu võ giương oai, khua chiêng thổi kèn, thiết lập một thương hiệu cá nhân… như ngày nay mọi người hay nói, một brand. —Brand là từ có nhiều nghĩa, thưa ông, bao gồm những nghĩa này nữa: là dấu sắt nung nhận dạng đóng vào tội phạm hay nô lệ. Là một thói quen, tính nết, hay tính chất khiến ta phải nhục nhã, hổ thẹn. Là cây đuốc. Là thanh kiếm.—Rồi chúng ta sẽ thấy, trong truờng hợp này, nghĩa nào đúng.

Tiếp tục: Rõ ràng là đến năm bầu cử 2012 thì Nero Golden đã không còn ý định sống cuộc đời thầm lặng nữa. Trong tất cả những-món-hảo-hạng-với-hai-mươi-tư-con-chim-quạ* mà lão đã chọc tay vào trong quá trình trước khi đổi đời, chính ngành xây dựng và phát triển địa ốc đã đến với lão tự nhiên nhất và vẫn là khả năng mạnh nhất của lão, vậy cho nên cái từ GOLDEN, một từ bằng vàng, có màu vàng, sáng rực bằng đèn neon vàng, và toàn những chữ hoa bằng vàng, bắt đầu xuất hiện trên nhiều công trường xây dựng quanh thành phố này, và ngoài thành phố nữa, và chủ sở hữu cái tên ấy bắt đầu được nhắc tới như một tay quyền lực mới trong giới chóp bu kín đáo nhất, tức là số ít gia đình và tập đoàn kiểm soát ngành địa ốc của thành phố vàng New York này.

—Gia đình à, thưa ông? Khi ông nói gia đình thì có phải ý ông muốn nói là, xin phép cho tôi dùng từ tế nhị, gia đình kiểu Ý?—Không, thưa ông, hoàn toàn không. Ngành này vào năm 2012 đã sạch sẽ hơn trước đây nhiều. Trong những năm 1990, các công ty xây dựng đều là của mafia và giá thầu của chúng bị đẩy cao tới mức phi lý. Bây giờ ảnh hưởng của Ngũ Đại Gia Đình đã suy giảm rồi. Ở một số công trường của Nero Golden có cả công nhân không tham gia công đoàn. Nếu là hai mươi năm trước thì số công nhân này tiêu rồi.—Vậy là ông đang nói đến những người danh giá: Doronin, Sumaida, Khurana, Silverstein, Stern, Feldman, các nhà quý tộc bất động sản.— Không hẳn, thưa ông, như tôi đã nói. Mafia vẫn còn. Bây giờ khi mọi chuyện đã xong hết và tất cả đều đã phơi bày ra rồi, chúng ta có thể xác định Nero Golden đã có móc nối ngầm với những đối tác như hậu duệ của Petruchio Leone tức “Gà Nhép” ở Philadelphia, với Arcimboldo Antonioni tức “Archie Con” ở Atlantic City, và với Pederico Bertolucci tức “Fred Khùng” ở Miami. Chúng ta cũng có thể nhắc tới chuyện ở New York City, nhiều cao ốc Golden là do tập đoàn Ponti &Quasimodo Concrete Co. xây lên.—“P&Q”—một hoạt động mà phần lớn lợi tức trong đó thuộc về Francesco Palermo tức “Frankie Béo”, một nhân vật được cho là cao cấp trong gia đình tội ác ở Genova.—Chuyện này ai cũng biết sao?—Bây giờ, khi đã kết thúc vụ ỉ’affaire Golden, ai cũng biết. Hơn nữa, Nero Golden rõ ràng là khá thoải mái khi móc nối với các cá nhân này và các gia đình đứng đằng sau.—Thoải mái.—Thưa ông: tự nhiên không cần giấu giếm.

Hai câu hỏi cuối cùng: Vậy có phải Gà Nhép, Archie Con, Fred Khùng và Frankie Béo là những người cằm bạnh để râu lởm chởm không? Và nếu đúng, thì vào buổi tối có phải thỉnh thoảng họ cũng mặc những bộ tuxedo luộm thuộm không?— Thưa ông: đúng vậy.

Đây là Nero Golden, đã bỏ cấm vận truyền thông, đang đưa tay chụp ảnh của một tạp chí sành điệu đi quanh ngôi nhà đẹp của lão. (Bây giờ không bí mật nữa; ngược lại, mọi thứ trưng ra hết.) Đây là Nero Golden, đang đưa một tạp chí khác cùng loại đi quanh cô vợ đẹp của lão. Nero nói về người vợ như là nguồn cảm hứng, như ngôi sao dẫn đường, như nguồn gốc sự “hồi xuân”. Tôi là một ông già, lão nói, và có lẽ với những người như tôi đây thì đã tới lúc phải thảnh thơi, đi chơi du thuyền, chọn hội đánh golf, nghỉ đông ở Florida, giao quyền cho người khác. Mãi tới gần đây tôi mới sẵn sàng làm chuyện đó, mặc dù các con trai tôi, nói có Chúa, chẳng quan tâm gì mấy đến nghiệp nhà. Thằng út của tôi, anh tin nổi không, nó bây giờ làm việc cho một hội quán thanh nữ của giới lesbian, nó đang làm nhiều việc tốt, vậy cũng được, nhưng có lẽ tôi cũng cần nó, quan tâm thêm một chút, làm ơn. Rồi còn anh họa sĩ, rồi còn Petya. Vậy đó. Nhưng những quan ngại đó không còn khiến tôi lo lắng nữa vì tôi giờ như một người được tái sinh. Một phụ nữ sẽ làm điều này cho anh. Một phụ nữ như bà Golden, vợ tôi chính là thuốc trường xuân bất lão, vợ tôi làm cho tóc đen trở lại, bụng săn trở lại, đôi chân không biết mỏi như xưa, và đầu óc, vâng, kể cả đầu óc kinh doanh nữa, vợ tôi cũng mài giũa lại cho bén như dao. Hãy nhìn vợ tôi đi! Anh không tin tôi à? Anh có thấy những ảnh chụp vợ tôi trên tờ Playboy chưa? Tất nhiên là không xấu hổ rồi, sao lại phải xấu hổ chứ? Được sở hữu thân thể của mình, được chăm sóc cho nó và làm cho nó tuyệt hảo, không thấy một tì vết nào trong nhan sắc, đó là sự giải phóng. Vợ tôi là hình mẫu lý tưởng của người phụ nữ được giải phóng và cũng là hình mẫu lý tưởng của người vợ. Hai mặt của một đồng xu. Đúng: một người đàn ông may mắn. Hẳn rồi. Vợ tôi là giải độc đắc, chắc chắn.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3