Nhà Golden - Chương 12
Quả là khó khăn để cậu út nhà Golden từ bỏ thói quen cô độc. Hắn đã cảm thấy cô độc từ thời nhỏ xíu khi là đứa con rơi rớt từ một quan hệ bất chính, nửa được chấp nhận nửa bị oán hận trong những dinh cơ nguy nga mà hắn buộc phải gọi là nhà mình, lúc đầu ở Bombay, rồi tới New York. Ngay cả trong đám đông chen chúc, hắn cũng thấy cô độc, thế mà bây giờ, chỉ có mỗi Riya bầu bạn, hắn lại gặp phải những cảm giác mà ngay từ đầu hắn đã thấy khó xác định. Rốt cuộc D cũng tìm ra từ để gọi. Cảm giác luyến ái, cảm giác thân thiết gắn bó. Hắn đang trở thành một nửa của một thực thể hợp nhất. Từ yêu nghe xa lạ trên môi trên lưỡi hắn, cứ như một khách lạ từ hành tinh khác tới sống bám, nhưng dù sinh vật đó có chiếm ngụ Hỏa Tinh hay không thì cái từ đó chắc chắn đã gieo vào miệng hắn, và bám rễ. Mĩnh đang yêu, hắn tự nói trước tấm gương phòng tắm. Hắn tưởng chừng gương mặt đang nhép môi đồng bộ với chính hắn ở trong gương lại thuộc về kẻ khác, người không quen biết. Hắn đang trở thành kẻ đó, D nghĩ, một bản thể xa lạ với chính mình. Tình yêu đã bắt đầu xáo trộn trong lòng D nhiều động lực mà chẳng bao lâu sau chúng sẽ biến đổi hắn hoàn toàn và không thể đảo ngược. Nhận thức này đã nằm trong suy nghĩ của hắn lâu nay và cái ý nghĩ biến đổi sắp xảy ra đã bắt đầu thay đổi nhiều thứ trong não trạng, giống như cái từ yêu đã bắt đầu tác động đến ngôn từ. Nhưng đó là một điều nhận biết mà suốt một thời gian hắn đã cố đè nén.
D là người đầu tiên dọn đi khỏi ngôi nhà ở đường Macdougal. “Cứ để ông già muốn làm gì thì làm,” hắn đã nói với hai anh ở Florida, nhưng điều đó không có nghĩa là hắn phải nấn ná lại để nhìn ngó. Một ngày kia Vasilisa Arsenyeva tới nhà, theo sau là vô số hành lý đắt tiền cho thấy Nero Golden có thể không phải là ân nhân đầu tiên của cô ta. Rõ ràng cô ta đã vượt khỏi thỏa thuận ban đầu, tức là không chung sống như vợ chồng. Liền ngay sau đó cậu út của Nero cũng xếp hành lý dọn tới khu phố Tàu, chỗ đó Riya đã tìm cho hai đứa một căn nhỏ trên tầng hai không có thang máy trong ngôi nhà màu hồng cá hồi có những khung cửa sổ nổi bật sơn màu vàng sáng. Bên dưới ở tầng một là chỗ của Madame George Thầy Bói Bài Tarot Đoán cầu Thủy Tinh Xem Tử Vi Tương Lai Vận Mệnh, và ở tầng trệt là tiệm Run Run Trading Inc. bán vịt quay treo lủng lẳng, có những chiếc dù sọc xanh sọc hồng che cho những khay hàng và cho bà chủ hung hăng, bà Run, người cũng là chủ ngôi nhà này và là người bác bỏ mọi yêu cầu thay bóng đèn hành lang hay bật hệ thống sưởi khi trời lạnh. Riya lập tức đụng độ với bà Run nhưng nàng không muốn bỏ chỗ này vì bên ngoài cửa sổ phòng khách là mái bằng của ngôi nhà bên cạnh và vào những ngày nắng hai đứa có thể mở cánh cửa trượt của cửa sổ, chui qua đó và thế là chẳng khác gì có một khoảng sân sau lộ thiên.
Hai đứa bắt đầu ăn mặc giống nhau, vào mùa đông thì áo da mô-tô, kính râm phi công và mũ két Brando, và có khi đằng sau kính râm D đánh mắt khói cho giống nàng, cho nên nhiều người tưởng hai đứa sinh đôi, cả hai đều nhợt nhạt, cả hai thân hình đều ốm yếu, cả hai đều giống như mới trốn ra từ cùng một bộ phim nghệ thuật. Và vào mùa xuân nàng, và hắn cũng thế, làm quả đầu tóc đen tua tủa và trông nàng như một Moreau phiên bản Gothic ngồi trên mái nhà đó với cây guitar thùng cỡ lớn và hát bài ca hai đứa thích, Elle avait des yeux, des yeux d’opale / qui me jascinaient, qui me jascinaient,* với điếu thuốc ngậm trễ bên mép.
“Chacun pour soi est reparti
Dans le tourbillon de la vie…*”
Vì quan hệ của hai đứa đã tiến triển vậy đấy: thành cái gì đó hình như là tình yêu, phải, nhưng cũng trúc trắc, hục hặc, và đó là lỗi của hắn, nàng nói, vì nàng đã hết lòng, ngay từ đầu, nàng là người tất-cả-hoặc-không-gì-cả, nhưng hắn thì cứ lưng chừng ở giữa.
“Đúng, em yêu anh, đó là lý do tụi mình sống chung với nhau, nhưng anh không có sở hữu em, nhà anh quá quen chuyện sở hữu các thứ, nhưng em không phải là tài sản, và anh cần phải hiểu sự tự do của em. Và ngoài ra, còn nhiều điều quan trọng về bản thân anh mà anh không kể em nghe, mà em cần biết những điều đó.”
Nghe nàng nói thế D thấy choáng váng, cứ như cả thế giới này đang bay tan tác thành muôn mảnh, và hắn rất sợ cái thế giới vỡ vụn đó và những gì thế giới đó dành cho mình, bài hát nói đúng, đời là cơn lốc xoáy, un tourbillon. Nhưng hắn đã kể hết mọi chuyện với nàng rồi, D cãi, hắn đã phun hết bí mật gia đình cho nàng biết như một đứa bé xưng tội lần đầu. “Anh thậm chí còn không biết tại sao anh lại làm theo những gì ông già muốn nữa,” hắn nói. “Bỏ chỗ đó, đến chỗ này, thay đổi nhân thân, tất cả mọi thứ. Đâu phải mẹ anh chết ở cái khách sạn đó. Thậm chí không phải là bất kỳ ai anh yêu mến chết ở đó. Thậm chí anh còn không biết mẹ mình là ai, bà biến mất, cứ như ông ấy đã giết chết bà từ lâu rồi. Hay giống như một ông trùm Z-Company đã cho người giết mẹ anh.”
“Đó là cái gì, Z-Company ấy?”
“Đó là matìa,” hắn nói. “Z là tên tắt của bố già, Zamzama Alankar. Không phải tên thật của lão ta.”
Nàng nhún vai. “Anh muốn biết tại sao em có khẩu súng trong ngăn bàn không? Em sẽ nói anh nghe. Giống như một phim TV hạng bét. Bố em, Zachariassen, say rượu và giết mẹ em khi em về nhà nghỉ lễ Tạ ơn và em đã chạy ra đường la hét cầu cứu cảnh sát và ông ta đã bắn em trong lúc em bỏ chạy và ông ta gào lên tao sẽ tìm ra mày, tao sẽ săn lùng mày. Nhưng lúc đó thì ông ta đã là kẻ điên loạn thật sự rồi. Bố em từng là một phi công cho hãng hàng không Northwest nhưng sau vụ sáp nhập vào hãng Delta thì hãng này lo thu hẹp quy mô và tính khí thất thường của bố em đã khiến ông ta bị sa thải và sau đó ông ta bắt đầu uống rượu, tính khí ngày càng tồi tệ hơn và bố em trở thành người đáng sợ. Lúc đó ông ta đang sống với mẹ em ở Mendota Heights, Minnesota, chỗ đó là vùng khá sung túc nằm sát nội thành khu vực Twin Cities, giá cả cao hơn mức lương của bố em. Mẹ em mồ côi, ông bà ngoại đã chết để lại tiền cho bà nên mẹ em đã mua căn nhà đó với chiếc xe và em đã lớn lên ở đó, học trường tốt, nhưng sau khi bố em mất việc thì họ xung khắc. Tới lúc đó thì em đã xong đại học, em tự lo việc học ở Đại học Tuíts nhờ có học bổng và nhiều việc làm khác nhau, và đang làm việc ở ngay thành phố, rồi sau vụ bắn giết đó em bỏ ngay Mendota Heights ra đi và vĩnh viễn khép lại quá khứ. Chỉ trừ chuyện em giữ khẩu súng. Ông ta đã vào tù lâu lắc cứ như cả triệu năm rồi mà không hề có khả năng giảm án hay tha bổng đâu, nhưng em vẫn cứ giữ khẩu súng.”
Nàng chơi lại bài nhạc trên guitar thêm chút nữa, nhưng không hát.
“Vậy là chuyện buồn của em còn đỡ hơn của anh,” cuối cùng nàng nói. “Và em sẽ cho anh biết tại sao anh đồng ý với kế hoạch điên rồ của cha anh. Anh đồng ý vì ở đó, nơi gốc gác của anh, anh không được tự do làm con người anh muốn, trở thành con người anh phải trở thành.”
“Vậy thành cái gì chứ?”
“Đó là điều em chờ anh nói em nghe.”
* * *
Đó là đề tài nàng cứ quay lại mãi kể từ khi hắn cho nàng biết, chuyện hắn gây ra cho bà mẹ ghẻ, sự nhục nhã của bà ta, màn tự tử hụt của bà ta. Anh là người dễ thương, em thấy điều đó, nàng nói, nhưng chuyện này em không hiểu, làm sao anh lại có thể làm điều quá hèn như vậy.
Anh nghĩ là, D nói, thù hận cũng là một thứ quan hệ gia đình mạnh mẽ như huyết thống, hay tình yêu thương. Hồi còn nhỏ hơn, anh đã đầy căm hận trong lòng và đó là thứ ràng buộc anh với gia đình đó cho nên anh mới làm thế.
Chưa đủ lý do, nàng nói. Phải còn gì nữa.
Chiếc limousine chạy tới nhà kho ở Bushwick nơi nàng cần kiểm tra một số hiện vật Nam Á đang chào bán cho Bảo Tàng Bản Thể. Đi đi, nàng thúc giục hắn, ít nhất có hai món liên quan đến cuộc ngao du của thần Dionysus tới xứ Ân, cho nên anh sẽ quan tâm. Nàng không tin tưởng người môi giới này. Nàng đã được gửi cho các giấy tờ chứng nhận là các món này được xuất khẩu hợp pháp từ Ấn Độ nhưng thứ chứng nhận đó cũng có thể là giấy tờ phi pháp. Vào thời trước khi Ấn Độ có Đạo Luật Bảo Vật Mỹ Thuật và cổ Vật, nàng nói, lại khó buôn lậu các thứ này hơn vì người ta không biết phải hối lộ ai. Nhưng từ năm 1976 những người xuất khẩu hàng đã biết cần phải móc ngoặc với các viên thanh tra nào, cho nên chuyện này lại đơn giản hơn nhiều. Nhưng chính vấn đề xác minh nguồn gốc lại khiến việc thu thập cho bảo tàng thêm phức tạp. Dù vậy cũng đáng xem qua.
Có một bức tranh vẽ thần Dionysus đứng giữa bầy cọp beo và nàng chẳng hề quan tâm tới. Món kia là một chén cẩm thạch chung quanh khắc hình một đám rước khải hoàn hết sức tinh tế, một bầy náo loạn những dương thần, thủy thần, thú vật và ngay chính giữa là vị thần ấy. Hãy xem thần này yểu điệu chưa kìa, nàng nói. Thần này ở ngay trên ranh giới của giới tính, ta hầu như không biết phải gọi đây là nữ thần hay nam thần nữa. Nàng vừa nói vừa nhìn D như xuyên thấu tâm can, trong ánh mắt là một câu hỏi không thốt thành lời, và hắn tránh né.
Gì, hắn nói. Gì đây. Em muốn gì đây.
Món này gần như chắc chắn là hàng xuất khẩu trái phép, nàng nói với người môi giới, trả lại cái chén. Giấy tờ không đủ sức thuyết phục. Chúng tôi không thể thu vào.
Hai đứa ngồi trong xe trên đường về. Công trình xây dựng trên đường vào cầu Manhattan khiến xe cộ chậm lại nhích từng chút. Thôi nào, nàng nói, đâu phải ngẫu nhiên mà anh đến tìm em, đâu phải anh mò tới Bảo tàng Moi mà chẳng hề quan tâm đến những gì bọn em nghiên cứu ở đó. Còn bà mẹ ghẻ của anh nữa, có thể ở trong anh có cái gì đó muốn chết, một phần trong con người anh không muốn hoạt động nữa, và đó là lý do anh muốn ép bà ta tới mức suýt chết. Đây là điều anh cần phải nói em biết. Tại sao anh lại muốn thay thế cương vị của bà ta? Phần nào trong con người anh muốn trở thành bà ta, thành bà mẹ, thành bà nội trợ, với chùm chìa khóa gia đình, đảm đương mọi bổn phận trong nhà? Tại sao cái nhu cầu đó thúc bách tới mức anh phải làm một việc cùng cực như thế? Đúng, em phải biết hết những điều đó. Nhưng trước khi em biết, chính anh cũng phải tự biết rõ.
Cho tôi xuống xe, hắn nói. Ngừng cái xe khốn kiếp này lại đi. Thật sao, nàng đáp mà không cao giọng. Anh sẽ xuống xe. Đ.m. ngừng cái xe khốn kiếp này lại.
* * *
Về sau hắn không sao nhớ rõ được chuyện cãi nhau đó, hắn chỉ nhớ những cảm giác mà lời nàng đã khiêu khích, đầu óc bùng nổ, ánh mắt mờ tối, tim đập dồn dập, người run bần bật vì những buộc tội rõ ràng là phi lý của nàng, những lời đả kích của nàng sai trái tới mức nhục mạ hắn. Hắn muốn kêu gọi một đấng phán xét toàn năng hãy tuyên bố là nàng có tội, nhưng không có con mắt tối cao nào theo dõi hai đứa, không có thiên thần thư lại nào để triệu hồi tới. Hắn muốn nàng xin lỗi. Mẹ kiếp. Nàng phải xin lỗi. Không tiếc lời.
Hắn tức điên quay về ngôi nhà ở đường Macdougal, không nói gì với ai, đắm chìm trong một cơn giông bão cảnh báo mọi người đừng đụng tới hắn. Riya và hắn không nói chuyện với nhau suốt bốn ngày. Tới ngày thứ năm thì nàng gọi điện, giọng điềm tĩnh của một người trưởng thành như thường lệ. Về lại đi. Em không muốn ngủ một mình. Em muốn ngủ với… mafia.
Hắn bật cười, không ngăn được, và sau đó thì dễ dàng nói xin lỗi, xin lỗi, xin lỗi.
Chuyện đó ta sẽ bàn sau, nàng nói.
* * *
Nàng đang ngồi trên sàn đọc sách. Trên kệ sách nhỏ ở căn hộ phố Tàu nàng để bảy cuốn sách, vài cuốn nổi tiếng - của Juan Rulío, Elsa Morante, và Anna Akhmatova - mấy cuốn kia ít cao siêu hơn, Green Eggs and Ham, Twilight, The Silence of the Lambs, và The Huntfor Red October*. Chính tập thơ Akhmatova nàng chọn đọc.
Anh sẽ nghe sấm rền và nhớ tới em,
Và nghĩ: nàng càn giông tố. Rực đỏ
Viền trời sẽ nhuốm tươi màu máu,
Và trái tim anh, khi ấy, cũng lửa thiêu.
“Khi em đọc xong một cuốn sách,” nàng nói, “thì nó cũng xong với em và đi luôn. Em để lại cuốn sách trong công viên Columbus. Chắc mấy người Hoa đang chơi bài hay chơi cờ vây sẽ không cần tới cuốn sách của em, cả mấy người Hoa nhớ quê hương đang cúi đầu buồn bã trước tượng Tôn Dật Tiên, nhưng có mấy cặp từ Tòa Thị Chính đi ra với giấy hôn thú mới cấp và mắt sáng như sao, lang thang một chút giữa những người đi xe đạp và lũ trẻ, cười vui với cảm nhận là tình yêu của họ vừa được chứng thực, và em tưởng tượng là những người đó có thể thích tìm thấy cuốn sách, như một món quà của thành phố này đánh dấu ngày đặc biệt của họ, hay cuốn sách có thể thích tìm thấy họ. Ban đầu em chỉ cho sách đi thôi. Em có cuốn mới thì em cho cuốn cũ. Em chỉ luôn giữ bảy cuốn. Nhưng rồi em bắt đầu thấy nhiều người khác cũng đang để sách lại ở chỗ em bỏ sách của mình và em nghĩ, những cuốn này là dành cho mình. Thế là bây giờ em bổ sung cho tủ sách của em bằng những món quà ngẫu nhiên của những người xa lạ và em không bao giờ biết mình sẽ đọc gì kế tiếp, em chờ đợi những cuốn sách vô gia cư kêu gọi: mi, độc giả kia, mi là dành cho ta. Em không còn lựa chọn đọc gì nữa. Em đang lang thang qua những câu chuyện bị vứt bỏ của thành phố này.”
Hắn đứng ở ngưỡng cửa, hối lỗi, lúng túng. Nàng nói mà mắt vẫn trên trang sách không ngước lên. Hắn ngồi xuống cạnh nàng, lưng tựa vào tường. Nàng nghiêng về phía hắn, chỉ một chút thôi, để vai hai đứa chạm nhau. Hai cánh tay nàng bắt tréo, hai bàn tay ôm lấy bờ vai. Nàng chìa ra một ngón tay chạm vào cánh tay hắn.
“Nếu anh thích hút thuốc,” nàng nói, “thì tụi mình sẽ có cái gì đó giống nhau.”
Cắt.
* * *
“Ngày tiếp theo,” hắn nói. Đó là ngày tiếp theo, một ngày trong thì hiện tại. “Tụi mình lúc này đây đang ở trong ngày tiếp theo,” hắn nói. “Là ngày mai, một trong hai cái ngày không thể nào có thực. Tụi mình đang ở đây và giờ là ngày mai.”
“Em là tinh thần tự do,” nàng vừa nói vừa méo miệng bất kể, chẳng có gì đặc biệt, cái miệng nàng ngụ ý thế. “Nhưng anh ở đâu cũng bị ràng buộc. Anh có những tiếng nói bên trong mà anh không lắng nghe, cảm xúc sôi sục mà anh cứ đè nén, và những giấc mơ quấy nhiễu mà anh cứ phớt lờ.”
“Anh chẳng hề mơ,” hắn nói, “trừ khi thỉnh thoảng mơ bằng ngôn ngữ khác, những giấc mơ đủ màu rực rỡ, nhưng luôn là bình yên. Biển gợn sóng, dãy Himalaya hùng vĩ, mẹ anh trên cao mỉm cười nhìn xuống, và những con cọp mắt xanh lá cây.”
“Em có nghe anh ngủ mớ,” nàng nói. “Khi anh không ngáy, thường là anh rú lên, nhưng nghe như tiếng cú rúc hơn là tiếng sói tru. Who… who… who… anh cứ ú ớ vậy đó. Nghe như đang hỏi Ai… ai… ai… mà anh không trả lời được.”
Hai đứa đang dạo trên đường Bowery và vỉa hè, lề đường quanh họ bị băm nát vì công trình xây dựng. Một cái búa máy bắt đầu nện và không ai có thể nghe ai nói gì. Hắn quay sang nàng và miệng mấp máy không thành tiếng, thực sự không hề nói gì, chỉ đóng mở gương mặt hắn. Búa máy ngừng nện một phút.
“Đó là câu trả lời của anh,” - hắn nói.
Cắt.
* * *
Hai đứa làm tình, vẫn đang là ngày mai, vẫn là buổi trưa, nhưng cả hai đều hứng và thấy chẳng có lý do gì để chờ đến tối. Dù vậy, cả hai đều nhắm mắt. Chuyện ái ân có nhiều phương diện cô đơn ngay cả khi có mặt người khác, người mình yêu thương và muốn chiều chuộng. Và cũng không cần nhìn thấy nhau nữa một khi hai tình nhân đã thuần thục những cách yêu ưa thích. Thân xác hai đứa tới lúc này đã dạy dỗ lẫn nhau, người này đã biết cách chuyển dịch để thích ứng theo chuyển động tự nhiên của người kia. Miệng biết đường tìm nhau. Bàn tay thạo việc phải làm. Không hề có gì gập ghềnh góc cạnh; cách yêu đương hai đứa đã mượt mà.
Thường vẫn thế, luôn có trở ngại tự nảy sinh. Hắn khó cương và giữ cứng lâu. Hắn thấy nàng quyến rũ biết bao, mỗi lần thất bại, mỗi lần mềm đi là mỗi lần hắn vẫn quả quyết như thế, và nàng chấp nhận và ôm ghì hắn. Có lúc hắn thành công được một chút và định vào sâu thì đúng ngay lúc thâm nhập hắn lại hết cương và bộ phận mềm oặt của hắn bị ép chặt vào nàng. Cũng không sao, vì hai đứa đã tìm ra nhiều cách để tới đích. Hắn hấp dẫn nàng mạnh quá nên chỉ ngay cái vuốt ve đầu tiên của hắn là nàng đã gần tới tột cùng rồi, cho nên chỉ cần âu yếm hôn hít, chỉ cần dùng các cơ quan thứ yếu (tay, môi, lưỡi), là đủ để hắn đưa nàng lên tuyệt đỉnh cho đến khi nàng cười vang, mệt lả vì sung sướng. Khoái lạc của nàng trở thành của hắn và thường thì hắn thậm chí cũng chẳng cần xuất tinh. Hắn được thỏa mãn bằng cách thỏa mãn nàng. Hai đứa đâm ra bạo dạn hơn với nhau khi mọi chuyện tiến triển, một chút thô bạo hơn, và điều này cũng rất cảm khoái cho cả hai. Nàng nghĩ, nhưng không nói ra, khó khăn thường gặp của trai trẻ là họ cương ngay lập tức và nhiều lần nhưng thiếu nhẫn nại, tự chủ, hay lịch sự nên chỉ sau hai phút là xong. Những cuộc ái ân kéo dài nhiều giờ mới đúng là hoan lạc tuyệt diệu. Lời nàng nói ra, và đã nghĩ rất lâu trước khi nói: Cứ như tụi mình là hai người đàn bà. Cảm giác thật an toàn, thật buông thả, cả hai. Được điều thứ hai là vì có điều thứ nhất.
Đó. Nàng đã nói ra. Nói thẳng không úp mở. Hắn nằm ngửa đăm đăm nhìn trần nhà. Suốt một hồi lâu hắn không đáp. Rồi:
Đúng, hắn nói.
Một lúc im lặng kéo dài nữa.
Đúng cái gì, nàng hỏi khẽ, bàn tay đặt trên ngực hắn, những ngón tay nàng vuốt ve hắn.
Đúng, hắn nói. Anh đã nghĩ tới điều đó. Anh đã suy nghĩ nhiều lắm.
Hồi tưởng. Chuyển cảnh nhòe tròn.
Đó là năm Michael Jackson diễn ở Bombay. Mumbai. Bombay. Trên thời sự TV nhiều đàn ông mặc áo hồng và quấn khăn xếp vàng nghệ ở phi trường, nhảy nhót loạn xạ theo nhạc điệu những chiếc trống dhol. Dòng chữ trên băng vải lớn giăng ở cổng ga đến như gào lên cục QUẢN LÝ PHI TRƯỜNG ẤN ĐỘ NAMASTE MICHAEL NAMASTE*. Và MJ mũ đen vest đỏ đính khuy vàng vỗ tay tán thưởng những người nhảy múa. Các bạn là tình yêu đặc biệt của tôi, Ấn Độ, anh ta nói. Cầu Thượng Đế luôn ban phước lành cho cấc bạn. Thằng D mười hai tuổi ở trong phòng riêng, xem tin tức, tự học kiểu nhảy moonwalk, mấp máy lời những bài hát nổi tiếng, nó thuộc lòng mọi lời nhạc, trăm phần trăm. Ngày tuyệt vời! Và rồi sáng hôm sau ngồi trong xe có tài xế đưa đến trường. Xe xuống đồi trên đường Marine Drive và gặp kẹt xe ở đoạn Chowpatty Beach. Và thình lình anh ta kìa, chính MJ, đang bước đi giữa những hàng xe bất động! Ôitrời ôitrời ôitrời ôitrời ôitrời. Nhưng không, tất nhiên đó không phải Michael Jackson. Đó là một tên hijra*. Tên hijra giống một Michael khổng lồ với mũ đen vest đỏ đính khuy vàng của Michael. Đồ nhái rẻ tiền. Sao mi dám làm thế. Lột bỏ hết đi. Những cái đó không thuộc về mi. Tên hijra đưa bàn tay phải lên chạm vành mũ quay mấy vòng không nhấc chân giữa đám kẹt xe, hai tay túm lấy háng của hắn/ả/nó. Tên hijra có chiếc máy hát xách tay cũ mèm đang phát bài “Bad,” tay hijra mặt bôi trắng môi son đỏ mồm nhóp nhép theo. Thật tởm lợm. Thật khó cưỡng. Thật hãi hùng. Sao lại được phép làm thế. Tên hijra giờ tới tựa ngay vào cửa sổ xe hơi của nó, cậu nhỏ quý tộc trên đường tới Cathedral School, nhảy với tôi, cậu chủ, nhảy với tôi. La hét vào cánh cửa xe đóng kín, tì đôi môi đỏ vào lớp kính. Hato, hato, tài xế quát lên, vẫy cánh tay, cúi đi, và tên hijra cười ầm, tiếng cười the thé đầy khinh miệt, và bước đĩ vào nguồn nắng ngược.
Chuyển cảnh nhòe tròn.
Khi em cho anh xem pho tượng thần Ardhanarishvara anh đã buột miệng, từ đảo Elephanta, và rồi ngậm tăm. Nhưng đúng, anh biết nam-nữ thần này từ lâu. Đó là hiện thân kép của thần Shiva và nữ thần Shakti, sức mạnh Tồn Tại và Hành Động của thánh thần Hindu, ngọn lửa và sức nóng, trong hình hài của riêng vị thần lưỡng tính này. Ardha, nửa, nari, phụ nữ, ishvara, thần. Bán nam, bán nữ. Anh đã nghĩ đến nam-nữ thần này từ lúc nhỏ. Nhưng sau khi anh gặp tên hijra kia thì anh sợ. Ai cũng hơi sợ những người hijra, hơi ghê tởm, cho nên anh cũng thế. Anh cũng thấy bị quyến rũ nữa, đúng vậy, nhưng anh cũng sợ chính cái việc mình bị quyến rũ. Họ có liên quan gì đến anh, những kẻ bán nam-bán nữ này? Hễ nghe về họ là anh rùng mình. Nhất là chuyện Operation. Họ gọi như thế, Operation, phẫu thuật, bằng tiếng Anh. Họ dùng rượu hay thuốc phiện chứ không dùng thuốc gây tê. Việc này do các hijra làm chứ không phải bác sĩ, một sợi dây buộc quanh cơ quan sinh dục để cắt cho thẳng, rồi một lưỡi dao cong dài vụt xuống. Vùng thịt ấy cứ để cho chảy máu, rồi làm chai bằng dầu nóng. Trong những ngày sau đó, khi vết thương đang lành, niệu đạo vẫn được thông bằng cách chọc dò liên tục. Cuối cùng, một vết sẹo nhăn nhúm, giống hình thù, và có thể dùng, như một âm đạo. Chuyện đó có gì liên quan tới anh, không hề, anh chẳng ưa thích gì bộ phận sinh dục của mình nhưng chuyện này, chuyện này, ôi.
Chính cái điều anh vừa nói đó, nàng ngắt lời. Chẳng ưa thích gì bộ phận sinh dục của anh.
Anh có nói đâu. Đó không phải điều anh nói.
Cắt.
Riya đang ngồi trên sàn, đọc một đoạn trong sách. “Theo các vị thánh thi của phái Shiva, Shiva là Ammaỉ-Appar, Mẹ và Cha kết hợp. Nói về thần Brahma, tương truyền là ngài đã tạo ra loài người bằng cách tự biến mình thành hai con người: người nam đầu tiên, Manu Svayambhuva, và người nữ đầu tiên, Satarupa. Ấn Độ xưa nay luôn hiểu rõ sự lưỡng tính, đàn ông trong thân thể phụ nữ, phụ nữ trong thân thể đàn ông.”
D đang trong trạng thái hết sức kích động, hắn đi từ bước tường trắng này sang bức tường trắng kia, tới nơi là đập tay vào tường rồi quay lưng đi ngược lại, tới bức tường kia, đập tay, quay lưng, bước đi, tới nơi, đập tay.
Tôi không biết em đang tính làm gì với tôi. Công việc ở bảo tàng đang phá hoại cái đầu của em rồi. Đây chính là tôi. Tôi chứ không phải một kẻ nào khác. Đây là tôi.
Riya không ngẩng lên, cứ tiếp tục đọc to: “ít có hijra nào định cư ở nơi chốn xuất thân. Sự chối bỏ của gia đình có lẽ là nguyên nhân của sự từ bỏ cội nguồn. Khi họ đã tự tái tạo bản thân thành những thực thể mà gia đình gốc gác của họ thường không chấp thuận, các hijra thường mang những bản thể mới đến những nơi chốn mới, nơi những gia đình mới hình thành quanh họ và đón nhận họ.”
Thôi, hắn la lên. Tôi không muốn nghe chuyện này nữa. Em muốn lôi tôi xuống cống sao? Tôi là con trai út của Nero Golden. Em nghe rõ chưa? Con trai út. Tôi chưa sẵn sàng.
“‘Lúc còn bé tôi cứ xử sự theo kiểu con gái và bị chế nhạo, la mắng vì kiểu con gái của tôi.’ ‘Tôi thường nghĩ tôi nên sống như con trai và tôi đã cố hết sức nhưng không làm được.’ ‘Chúng tôi cũng là một phần của tạo hoá.’” Nàng ngước nhìn lên, gập cuốn sách lại, đứng dậy và đi tới đứng ngay trước mặt hắn, đối diện sát kề nhau, gương mặt tức giận của hắn, gương mặt hoàn toàn bình tình không cảm xúc của nàng.
Anh biết không? nàng nói. Nhiều người trong số họ không có Operation. Họ không hề làm chuyện đó. Không cần thiết. Điều quan trọng là họ biết mình là ai.
Có phải đó là cuốn sách em tìm được trên băng ghế công viên không? Hắn hỏi. Thật sao?
Nàng lắc đầu, chầm chậm, buồn bã. Không, tất nhiên là không.
Tôi đi đây, hắn nói.
Hắn bỏ đi. Bên ngoài phố trưa nóng bức, đường ồn ào, chói chang, chen chúc. Đây khu phố Tàu.